HỒI KÝ LÝ QUANG DIỆU
Thông tin sách:
Tên sách: HỒI KÝ LÝ QUANG DIỆU
Tác giả: Lý Quang Diệu
Dịch giả: Phạm Viêm Phương – Huỳnh Văn Thành
Số trang: 687
Xuất bản: tháng 9/2000
NXB TP Hồ Chí Minh
Khổ 14,5x20,5cm
Giá tiền: 69.000đ
HoikyLyQuangDieu1.00
Số hóa bởi ABBYY FineReader 11
Chụp hình: bodauphong
Hiệu đính và đóng sách bởi bun_oc_girl
Nguồn: e–thuvien.com
Ebook: SachMoi.net
Thời gian hoàn thành: tháng 2/2013
Danh sách các tên chuyển âm:
Lee Kuan Yew – Lý Quang Diệu
Kwa Geok Choo – Kha Ngọc Chi
Lee Hsien Loong – Lý Hiển Long
Lee Hsien Yang – Lý Hiển Dương
Lee Wei Ling – Lý Vỹ Linh
Toh Chin Chye – Đỗ Tiến Tài
Goh Keng Swee – Ngô Khánh Thụy
Goh Chok Tong – Ngô Tác Đống
Ong Teng Cheong – Vương Đỉnh Xương
Wee Kim Wee – Hoàng Kim Huy
Lim Chin Siong – Lâm Thanh Tường
Fong Swee Suan – Phương Thủy Song
Lim Yew Hock – Lâm Hữu Phúc
Lee Siew Choh – Lý Thiệu Tổ
Chiang Kai–shek (Tưởng Giới Thạch)
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Ebook miễn phí tại : www.SachMoi.net
“Câu chuyện Singapore" là hồi ký của Thủ tướng Lý Quang Diệu
viết về quá trình độc lập của đất nước Singapore và những nỗ lực
phấn đấu của bản thân ông để lãnh đạo đất nước.
Khởi đầu từ những ngày đảo quốc này còn là thuộc địa của nước
Anh, rồi đến những năm tháng người dân Singapore phải sống dưới
sự chiếm đóng của quân Nhật.
Có thể nói điều đầu tiên mà đất nước nhỏ bé này rút ra được từ
hoàn cảnh thực tế của đất nước mình chính là sự quý giá của độc
lập tự do. Mặc dù Singapore đã được độc lập trong một hoàn cảnh
hết sức đặc biệt, như Thủ tướng Lý Quang Diệu đã phát biểu: “Một
số quốc gia được độc lập từ khi lập quốc, một số khác phải giành mới
được, Singapore thì bị bắt phải độc lập.”
“Singapore bị bắt phải độc lập”, thật ra sự bắt buộc đó chính là hệ
quả của một hoàn cảnh không thể khác của một quá trình đấu tranh
hết sức kiên trì, mưu trí và cũng không phải là không có mất mát hy
sinh! Trên con đường giành độc lập, tự do cho tổ quốc, những người
lãnh đạo và nhân dân Singapore cũng phải trải qua những bước dò
dẫm từ đấu tranh để sáp nhập với liên bang Malaysia rồi tách ra khỏi
liên bang là cả một đoạn đường nhiều cay đắng, thử thách.
Điều thứ hai chúng ta có thể rút ra được từ hồi ký của Lý Quang
Diệu chính là quá trình phấn đấu và rèn luyện của tác giả – từ
những quyết tâm cố gắng trong thời kỳ học tập và những nỗ lực
vượt bậc của bản thân ông trong suốt thời kỳ tham gia chính
trường, đấu tranh để hoàn thiện bản thân, thực hiện vai trò của
người lãnh đạo đất nước – ở ông không chỉ là sự quyết tâm kiên trì
của ý chí mà còn là sự thông minh, mưu trí và nhất là sự khổ luyện
để đạt được mục đích cuối cùng. Bài học ấy thật cần thiết cho mọi
người. Chính tác giả đã đúc kết:
“Nhân tố quyết định là con người với những nỗ lực tự nhiên cộng
với học vấn và rèn luyện của họ".
Qua hồi ký, mặc dù nhiều lúc tác giả có cách nhìn nhận, đánh giá
những sự việc, vấn đề xã hội trên những quan điểm, lập trường
không đồng nhất với chúng ta, thậm chí có lúc hoàn toàn trái
ngược; nhưng hồi ký của ông là một nguồn tư liệu quý giá để chúng
ta tìm hiểu về một đất nước tuy nhỏ bé nhưng có một trình độ phát
triển cao trong khu vực.
Và những bài học về sự rèn luyện ý chí, những nỗ lực hoàn thiện
bản thân để mưu cầu những lợi ích chung cho dân tộc bao giờ cũng
là bài học quý giá đáng cho chúng ta trân trọng.
Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu với
độc giả “Hồi ký của Lý Quang Diệu” vì mục đích đó.
NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
1
ĐỘT NHIÊN, ĐỘC LẬP
Bữa đó cũng như mọi buổi sáng thứ Hai khác ở Singapore cho đến
khi nhạc ngưng lại. Lúc 10 giờ sáng, giai điệu nhạc pop trên đài phát
thanh bị cắt ngang bất thần. Những thính giả đầy hoang mang nghe
người xướng ngôn viên long trọng đọc lời tuyên bố – 90 chữ làm
thay đổi cuộc đời của nhân dân Singapore và Malaysia.
“Xét vì quyền đương nhiên của một dân tộc là được tự do và độc
lập, tôi, Lee Kuan Yew, Thủ tướng Singapore, thay mặt nhân dân và
chính phủ Singapore, xin tuyên bố và khẳng định rằng từ hôm nay,
ngày 9/8/1965, Singapore là một quốc gia độc lập, dân chủ và có
chủ quyền, được xây dựng trên các nguyên lý về tự do, công bằng
và mưu tìm kiếm an sinh và hạnh phúc cho nhân dân trong một xã
hội công bằng và bình đẳng hơn.”
Cách hai trăm dặm về phía Bắc, trên bán đảo Malaysia, Tunku
Abdul Rahman cũng đang đưa ra lời tuyên bố của ông, xác định
rằng: “Singapore sẽ thôi là một bang của Malaysia và sẽ vĩnh viễn là
một quốc gia độc lập, có chủ quyền, tách khỏi và độc lập đối với
Malaysia, và chính phủ Malaysia công nhận chính phủ Singapore là
chính phủ độc lập và có chủ quyền và sẽ luôn luôn làm việc trong
tinh thần hữu nghị và hợp tác với chính phủ đó.”
Chia tách! Điều mà tôi đã đấu tranh gian khổ để giành lấy nay đã
được giải quyết. Tại sao? Và tại sao lại bất ngờ như thế? Đảo
Singapore mới trở thành một bộ phận của Liên bang Malaysia (vốn
bao gồm cả lãnh thổ Sarawak và Sabah trên đảo Borneo) mới được
hai năm nay. Lúc 10 giờ sáng cùng ngày, tại Kuala Lumpur, thủ đô
Malaysia, Thủ tướng giải thích với quốc hội:
“Sau cùng chúng ta thấy rằng chỉ có hai phương sách cho chúng
ta: dùng biện pháp áp chế chính quyền hay các lãnh đạo Singapore
vì những hành vi của một số lãnh đạo đó, và phương sách hiện
chúng ta đang thực hiện, cắt lìa chính quyền bang Singapore vốn đã
thôi không còn bày tỏ lòng trung thành với chính quyền trung ương
nữa.”
Hạ viện lắng nghe trong im lặng hoàn toàn. Thủ tướng đang trình
bày trong cuộc thảo luận vòng đầu về một dự luật do Phó thủ tướng
Tun Abdul Razak đề xuất để thông qua Dự thảo Tu chính án
Singapore 1965 ngay lập tức. Lúc 1 giờ 30 phút, cuộc thảo luận
vòng hai và ba đã kết thúc và dự thảo được chuyển qua Thượng
viện. Thượng viện khởi sự thảo luận vòng đầu lúc 2 giờ 30 và kết
thúc thảo luận vòng ba lúc 4 giờ 30 cùng ngày. Chủ tịch nước, quốc
vương Yang di–Pertuan Agong phê chuẩn dự luật cũng trong ngày
hôm đó, kết thúc các thủ tục hiến định. Singapore được tách ra.
Theo phong tục Hồi giáo Malaysia, người chồng, chứ không phải
người vợ, có thể tuyên bố “Talak” (Tôi li dị bà) và thế là người phụ
nữ bị li dị. Họ có thể hòa giải và người chồng có thể tái hôn người
vợ, nhưng không thể làm thế sau khi người chồng nói “Talak” ba
lần. Ba vòng thảo luận tại lưỡng viện quốc hội chính là ba lần tuyên
bố talak, qua đó Malaysia li dị Singapore. Dân chúng, người Malay
chiếm đa số ở Malaysia và người Hoa đa số ở Singapore, đã không
thể tồn tại hòa hợp. Sự kết hợp của họ bị cản trở vì sự bất đồng
ngày càng tăng về vấn đề Liên bang Malaysia mới thành lập phải là
một xã hội đa chủng tộc hay là một nước do người Malay thống trị.
Singapore lựa chọn hình thức li dị, chứ không phải các thủ tục
pháp lý của vấn đề đó. Nếu mà phải li dị, thì tôi muốn bảo đảm rằng
các điều khoản phải thực tế, khả thi và dứt khoát. Để chắc chắn
rằng tuyệt đối không còn chút hồ nghi nào về tính chất dứt khoát
của nó, chính phủ Singapore đã cho đăng hai lời tuyên bố đó trên tờ
công báo đặc biệt phát hành sáng hôm đó. Tôi đã hỏi xin – và Thủ
tướng Malaysia đã chấp thuận – văn bản tuyên bố của ông có kèm
chữ ký để bảo đảm không có chuyện lật ngược vấn đề, cho dù các
nhà lãnh đạo khác hay đại biểu quốc hội Malaysia có bất đồng với
bản tuyên bố này. P.S. Raman, Giám đốc đài phát thanh và truyền
hình Singapore đã nhận được các văn kiện này từ tay thư ký Văn
phòng chính phủ. Ông ta quyết định cho đọc lại toàn văn, bằng tiếng
Malay, Quan thoại và tiếng Anh, trên ba làn sóng riêng cho từng thứ
ngôn ngữ và cứ nửa giờ thì lặp lại một lần. Chỉ vài phút sau, các
hãng thông tấn đã chuyển tin này đi khắp thế giới.
Tôi đã khởi đầu công việc ngày hôm đó, thứ Hai ngày 9/8, bằng
một loạt những buổi họp với các công chức cao cấp, nhất là các vị có
thẩm quyền cấp liên bang, để thông báo với họ rằng các bộ trưởng
Singapore bây giờ sẽ nắm quyền kiểm soát. Lúc gần 10 giờ, khi bản
tuyên bố sắp được phát đi, tôi đi gặp các viên chức thuộc các ngoại
giao đoàn tại Singapore mà họ có thể tới dự họp gấp được. Tôi nói
với họ về việc chia tách và nền độc lập của Singapore, và đề nghị
chính quyền của họ công nhận.
Khi các nhà ngoại giao ra về, tôi mời vị phụ tá cao ủy Ấn Độ và
tổng lãnh sự Ai Cập nán lại và đưa cho họ lá thư gởi Thủ tướng
Shastri và Tổng thống Nasser. Ấn Độ và Ai Cập hồi đó, cùng với
Indonesia, là những nước lãnh đạo phong trào Á Phi. Trong những
thư ấy, tôi yêu cầu họ công nhận và ủng hộ. Với Ấn Độ, tôi yêu cầu
giúp đỡ cố vấn để huấn luyện quân đội, và với Ai Cập, tôi xin một cố
vấn để xây dựng lực lượng phòng vệ duyên hải.
Gần trưa, tôi đến Đài phát thanh và truyền hình Singapore để mở
cuộc họp báo. Cuộc họp này có một kết quả bất ngờ ngoài dự kiến.
Sau một vài câu hỏi và trả lời mở đầu, một phóng viên đã hỏi: “Ông
có thể sơ lược cho chúng tôi về chuỗi sự kiện đã dẫn tới bản tuyên
bố sáng nay không?”
Tôi đã kể lại những cuộc họp với Thủ tướng Malaysia tại Kuala
Lumpur trong hai ngày trước đó:
“Nhưng Thủ tướng Malaysia nói rất đơn giản rằng không có cách
nào khác, và sẽ có rất nhiều rắc rối nếu chúng ta cứ nhất định tiếp
tục thế này. Và tôi muốn nói thêm – Ngài thấy đó, đây là một thời
điểm để – mỗi khi chúng tôi nhìn lại thời điểm ấy khi chúng tôi ký
thỏa ước, vốn có lợi cho cả Malaysia lẫn Singapore, đó sẽ là một thời
điểm đầy băn khoăn vì cả đời mình tôi đã tin tưởng vào sự hội nhập
và thống nhất của hai miền lãnh thổ này. Đó là một dân tộc được nối
kết nhau về địa lý, kinh tế và những mối dây thân thuộc… Các vị có
phiền không nếu chúng ta ngưng một lát?”
Vào lúc đó, những xúc cảm dâng trào trong tôi và phải hai mươi
phút sau tôi mới có thể lấy lại bình tĩnh và tiếp tục cuộc họp báo.
Đó không phải buổi truyền hình trực tiếp, vì đài chỉ phát sóng từ 6
giờ tối. Tôi yêu cầu P.S. Raman cắt bỏ đoạn tôi bị xúc động. Ông ta
đã tích cực khuyên tôi đừng làm thế. Ông ta nói báo chí chắc chắn
sẽ tường thuật sự kiện đó, và nếu ông cắt bỏ thì những tường thuật
của họ sẽ khiến sự kiện có vẻ tồi tệ hơn. Tôi nhận ra Raman, một trí
thức người Tamil sinh ở Madras và là một công dân Singapore trung
thành, quả là một cố vấn khôn ngoan. Tôi đã theo lời khuyên của
ông ta. Và do đó, nhiều người ở Singapore và nước ngoài đã thấy
cảnh tôi không kiềm chế được xúc cảm của mình. Tối hôm đó, Đài
phát thanh và truyền hình Malaysia ở Kuala Lumpur phát hình cuộc
họp báo, có cả đoạn phim ấy. Với người Hoa, lộ ra sự kém cứng cỏi
là một việc không nên. Nhưng tôi đã không kềm mình được. Có điều
cũng an ủi là nhiều khán giả ở Anh, Úc và New Zealand đã nảy sinh
thiện cảm với tôi và Singapore. Họ đang quan tâm tới Malaysia vì
quân đội của họ đang bảo vệ liên bang này chống lại lực lượng “Đối
đầu", một mỹ từ mà Tổng thống Sukarno của Indonesia dùng để gọi
cuộc chiến không tuyên bố và quy mô nhỏ của ông ta nhằm chống
lại cái Liên bang “thực dân mới” đang bành trướng này.
Tôi đã bị quá căng thẳng về mặt tình cảm, đã trải qua ba ngày
đêm trăn trở khổ sở. Thiếu ngủ mãi từ tối thứ Sáu tại Kuala Lumpur,
thể lực của tôi hầu như kiệt quệ. Tôi bị đè nặng bởi một mặc cảm
phạm tội. Tôi thấy mình đã làm thất vọng hàng triệu người ở
Malaysia: những kiều dân Ân, Hoa, Á–Âu và thậm chí cả một số
người Malay nữa. Tôi đã khơi dậy hy vọng cho họ, và họ đã đứng
cùng dân Singapore để chống lại quyền lãnh đạo của người Malay,
nguồn gốc cuộc tranh đấu của chúng tôi. Tôi thấy xấu hổ vì đã để
mặc các đồng minh và người ủng hộ chúng tôi phải tự thân vận
động, trong đó có cả các lãnh tụ đảng phái tại nhiều tiểu bang của
Malaysia như Sabah, Sarawak, Perak, Selangor và Negeri Sembilan.
Chúng tôi đã cùng nhau thành lập Minh ước Đoàn kết Malaysia để
tập trung và phối hợp các hoạt động của chúng tôi nhằm huy động
nhân dân đấu tranh cho một xã hội phi sắc tộc. Chúng tôi đã khởi sự
xây dựng một liên minh có thể đòi hỏi chính quyền Liên hiệp ở Kuala
Lumpur phải tạo một nước Malaysia cho người Malaysia, chứ không
phải riêng cho người Malay – một công việc không dễ dàng gì, bởi vì
chính phủ Liên hiệp đương quyền đang nằm dưới sự không chế của
đảng UMNO (United Malays National Organization – Tổ chức quốc gia
thống nhất người Malay) của Thủ tướng Malaysia.
Tôi cũng cảm thấy ray rứt và ân hận vì đã giấu diếm các thủ tướng
Anh, Úc và New Zealand. Trong ba tuần qua, trong khi họ dành một
sự ủng hộ lặng lẽ và mạnh mẽ cho tôi và Singapore để tìm một giải
pháp hòa bình cho các vấn đề sắc tộc của Malaysia, thì tôi đã bí mật
thương thảo về việc chia tách.
Những ý nghĩ này đã giày vò tôi trong suốt ba tuần lễ đàm phán
với Razak, Phó Thủ tướng Malaysia. Khi mà cuộc đấu tranh ý chí ấy
còn tiếp tục thì tôi còn giữ được bình tĩnh. Nhưng khi công việc đã
xong thì cảm xúc lại hoàn toàn chế ngự tôi.
Trong khi tôi xúc động như thế thì các thương gia tại Chinatown
(Phố Tàu) của Singapore lại quá đỗi vui mừng. Họ đốt pháo chào
mừng việc được thoát khỏi nền cai trị sắc tộc của người Malay ở
Kulua Lumpur và rải giấy hoa đỏ rực các đường phố. Tờ báo tiếng
Hoa Sin Chew Jit Poh tường thuật rằng dân chúng đốt pháo để đánh
dấu ngày trọng đại này và viết theo lối bóng gió tiêu biểu của người
Hoa: "Có lẽ rằng họ đã tiến hành sớm lễ cúng Cô hồn.” Tờ báo cũng
thêm một đoạn khó hiểu: "Trong tâm can mỗi người là lời cầu
nguyện của riêng mình.” Còn tờ Nanyang Siang Pau viết: "Trái tim có
thể hiểu mà không cần nói ra.”
Soon Peng Yam, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa kiều Singapore,
công khai chào mừng việc Singapore tách khỏi Malaysia. Ủy ban của
ông ta sẽ họp vào ngày hôm sau để thảo luận việc bảo trợ một buổi
lễ mừng nền độc lập của hòn đảo này chung cho tất cả các nghiệp
đoàn, hiệp hội, phường hội và các tổ chức dân sự. Ông ta nói: “Giới
doanh nghiệp nói chung cảm thấy rất nhẹ nhõm trước những biến
chuyển chính trị gần đây.”
Các nhà đầu tư cũng không cảm thấy nỗi băn khoăn của tôi. Việc
chia tách đã làm bột phát hoạt động của thị trường chứng khoán.
Ngay ngày hôm đó, các phòng giao dịch của Sở giao dịch chứng
khoán Singapore–Malaysia (chưa đổi tên kịp) tại Singapore và Kuala
Lumpur đã ghi nhận một mức tăng gấp đôi khối lượng giao dịch so
với những ngày hoạt động mạnh nhất của tuần trước. Ngày kế đó,
các nhà đầu tư đã xác định độc lập là thuận lợi cho kinh tế và vốn
đã luân chuyển mạnh hơn nữa. Giá của 25 trong số 27 chứng khoán
công nghiệp đã tăng mạnh.
Tại trung tâm thành phố, ngược lại, đường phố vắng hoe vào buổi
chiều ngày 9/8. Tối hôm trước, tôi đã thông báo cho John Le Cain,
quận trưởng cảnh sát Singapore, về bản tuyên bố sắp tới, và đã đưa
cho ông ta một lá thư của Ismail bin Dato Abdul Rahman, Bộ trưởng
nội vụ liên bang, yêu cầu ông từ đây nhận lệnh từ chính phủ
Singapore. Le Cain đã triển khai các đơn vị cảnh sát dự bị, các lực
lượng bán quân sự chuyên đối phó với bạo loạn, đề phòng trường
hợp những người Malay ủng hộ đảng UMNO tại Singapore gây loạn
để chống đối việc chia tách. Dân chúng đã mau chóng cảm nhận
được nguy hiểm nhờ vào kinh nghiệm từ hai vụ bạo động của người
Hoa và Malay vào năm trước, 1964. Sự có mặt của các lực lượng
chống bạo động với những xe chuyên dụng, trang bị vòi rồng và có
lưới sắt bảo vệ cửa kính để chống tạc đạn, lại càng nhắc nhở người
ta cẩn thận. Nhiều người dân đã quyết định rời sở về nhà sớm hơn
thường lệ.
Hôm đó trời nóng và ẩm, kiểu thời tiết tiêu biểu của tháng 8. Lúc
chiều tối, trời dịu đi và tôi rất mệt mỏi. Nhưng tôi quyết tâm giữ nề
nếp vận động hàng ngày để giảm căng thẳng. Tôi bỏ ra hơn một giờ
để quật 150 phát banh gôn trong bãi tập trước Sri Temasek, tòa nhà
lưu trú chính thức của tôi thuộc khuôn viên Istana (trước đây là
Dinh chính phủ). Việc này khiến tôi thấy khỏe hơn và ăn tối ngon
miệng hơn trước khi gặp gỡ ngài Head, Cao ủy Anh tại Kuala
Lumpur.
Thư ký của tôi đã nhận được điện thoại gọi từ văn phòng ngài
Antony Head vào 9 giờ 30 sáng hôm đó, và bởi vì lúc ấy là chỉ có 30
phút trước khi đưa ra bản tuyên bố nên thư ký của tôi báo rằng tôi
rất bận. Head đã hỏi là có thể gặp tôi vào chiều tối được không. Tôi
đã gửi điện sang đó đề nghị gặp lúc 8 giờ. Rồi chúng tôi nhất trí gặp
gỡ lúc 7 giờ 50.
Vào giờ đó, ông ta tới Sri Temasek (vì lý do an ninh tôi đã không
về nhà riêng ở đường Oxley) và thấy Wei Ling, con gái 10 tuổi của
tôi trong bộ áo thun quần short đang chơi ở ngưỡng cửa.
Ông muốn gặp ba cháu hả? – nó hỏi ngài Head.
Đó quả là một lời chào không kiểu cách nhưng thích hợp, vì cùng
với nền độc lập, những quan hệ của tôi với ông ta đột nhiên trở nên
mơ hồ hơn. Tôi bước ra đúng lúc để chào đón khi ông ta bước ra
khỏi xe, và tôi hỏi: “Ông sẽ nói chuyện nhân danh ai đây?”
Ồ, dĩ nhiên – ông ta đáp – ông biết đó, tôi được cử làm đại diện
tại một chính phủ nước ngoài.
Chính xác là thế. Ông có được giao thẩm quyền để nói chuyện
với tôi về quan hệ của Singapore với nước Anh không?
Không.
Vậy đây là cuộc gặp hai người, chỉ nói chuyện phiếm thôi.
Nếu ông muốn nó như thế.
Và nó đã như thế.
Khi mô tả cuộc gặp gỡ này cho một nhóm các phóng viên Anh và
Úc vào cuối tháng đó, tôi đã cố gắng tạo ấn tượng ấy là cuộc chạm
trán của hai đối thủ. Sự thực, suốt thời gian đó lòng tôi nặng trĩu.
Thái độ của Head khiến tôi có ấn tượng. Cung cách của ông xứng
đáng với một sỹ quan Vệ binh xuất thân từ trường Võ bị Sandhurst.
Ông từng là Bộ trưởng quốc phòng hồi liên quân Anh–Pháp chiếm
đóng kênh Suez năm 1956, và từ chức cùng lúc với Anthony Eden1,
chấp nhận trách nhiệm cho vụ triệt thoái. Ông thuộc giới thượng lưu
Anh, rất giỏi việc giữ bình thản trong mọi tình huống.
Ông ta đã cố hết sức để ngăn cản việc chia tách này. Ông đã tận
lực để thuyết phục Thủ tướng Malaysia và chính phủ liên bang theo
các chính sách có thể xây dựng sự thống nhất tại Malaysia. Cả ông
ta, và Cao ủy Anh làm việc trực tiếp với Thủ tướng Malaysia và các
bộ trưởng, cũng như Thủ tướng Anh Harold Wilson tại London đã
dành cho tôi sự ủng hộ vô hạn để tìm một giải pháp hợp hiến cho
cuộc tranh chấp giữa Singapore và Kuala Lumpur. Họ đã kiên định,
một cách thành công, rằng tuyệt không nên dùng vũ lực. Nếu họ
không làm thế thì hẳn kết quả đã đổi khác. Nhưng chia tách chắc
chắn không phải giải pháp mà họ lao tâm khổ trí để tìm kiếm.
Nhưng bất kể sự có mặt của khoảng 63.000 lính Anh, hai hàng
không mẫu hạm, 80 chiến hạm và 20 phi đội tại Đông Nam Á để
phòng vệ Liên bang, ông ta cũng không thể chống lại sức mạnh của
tinh thần sắc tộc Malay. Các lãnh tụ Malay, kể cả Thủ tướng
Malaysia, e rằng nếu chia sẻ quyền lực chính trị với các sắc tộc
khác, thì người Malay sẽ bị nuốt gọn. Đó chính là mấu chốt của vấn
đề. Ông Head đã không hiểu điều này. Chính tôi ban đầu cũng không
hiểu, nhưng tôi đã dần hiểu ra trước ông ấy vì tôi đã có nhiều thời
gian tiếp xúc hơn với Tunku, Razak và Ismail. Và tôi nói được tiếng
Malay, còn Head thì không. Tôi còn nhớ được những sự kiện biểu
hiện sự rạn nứt và thù nghịch giữa người Malay và các sắc tộc khác
trong quá khứ của tôi, nhất là những ngày học đại học Raffles vào
năm 1940 và 1941. Tôi hiểu người Malay rõ hơn. Nên vào cuối
tháng 6/1965, tôi đọc được tin rằng Thủ tướng Tunku ngã bệnh
herpes (mụn rộp do vi khuẩn) tại London, tôi đã e rằng ông sẽ
không chịu nổi nữa.
Head và tôi gặp gỡ trong khoảng một tiếng, và tôi đã cố trình bày
rõ mọi chuyện cho ông. Nhưng làm sao tôi giải thích với ông được
rằng, sau cuộc gặp gỡ tay đôi giữa tôi và Razak ngày 29/6 tại văn
phòng của ông ấy tại Kuala Lumpur, tôi đã thấy chẳng còn hy vọng
gì mấy về một giải pháp hòa bình cho các vấn đề của chúng tôi?
Head và tôi đều tự kiềm chế trong cuộc trao đổi. Ông ta không đưa
ra lời trách cứ nào, mà chỉ tỏ ra rất tiếc là tôi đã không thông báo
kịp thời cho ông ta và chính phủ Anh về những diễn biến, về phần
mình, tôi cảm thấy rất buồn vì phải giấu kín với ông ta về những
diễn biến trong ba tuần trước khi kết thúc bằng việc chia tách. Tôi
nghĩ ông trông cũng buồn bã vậy. Nhưng nếu tôi nói với Head rằng
Tunku muốn chúng tôi tách khỏi Malaysia, mặc dù điều tôi muốn là
một liên bang rộng rãi hơn, thì chắc hẳn ông ta đã tìm được cách
ngăn chặn Tunku vì việc Singapore tách riêng và độc lập là đi ngược
lại quyền lợi của Anh. Rồi những bạo loạn sắc tộc có thể đã phải
được tính tới. Mười bảy giờ sau cuộc gặp gỡ, chính phủ Anh đã công
nhận Singapore độc lập.
Sau khi Head ra về, tôi đã có rất nhiều thảo luận qua điện thoại
với các đồng sự trong nội các để trao đổi ý kiến về việc tình hình đã
ra sao và kiểm điểm lại các diễn biến. E ngại một sự rạn nứt sâu xa
trong nội các và trong những đại biểu quốc hội, tôi đã yêu cầu từng
Bộ trưởng ký vào Thỏa ước chia tách ngay vì tôi biết rằng một số
người sẽ kịch liệt chống đối.
Nhưng tôi phải tiếp tục với việc điều hành đất nước Singapore mới
mẻ này. Gần như suốt ngày hôm đó tôi làm việc với cộng sự thân tín
là Goh Keng Swee, chúng tôi phải giải quyết các vấn đề an ninh và
quốc phòng. Tôi đã quyết định sáp nhập Bộ Nội vụ với Bộ Quốc
phòng và giao cho ông ta phụ trách. Nhưng rồi ai sẽ thay ông ta làm
Bộ trưởng tài chính? Chúng tôi nhất trí chọn Lim Kim San. Vấn đề kế
tiếp là sự công nhận quốc tế và những quan hệ tốt đẹp với những
nước có thể hỗ trợ giữ gìn an ninh và sinh tồn cho Singapore. Chúng
tôi đã nhất trí rằng S. Rajaratnam, thành viên sáng lập của đảng
PAP (People’s Action Party – Đảng hành động nhân dân) của chúng
tôi, sẽ đảm trách Bộ Ngoại giao. Chúng tôi vẫn trong tình trạng rối
loạn, chưa thích nghi với thực tế mới mẻ và lo sợ những bất trắc ở
phía trước.
Chúng tôi đối mặt với một tương lai u ám. Singapore và Malaysia,
nối với nhau bằng một con đường đắp băng qua eo Johor, vốn đã do
người Anh cai trị như một lãnh thổ thống nhất. Malaya là nội địa của
Singapore, cũng như của Sarawak, Brunei và Sabah trên đảo
Borneo vậy. Tất cả là bộ phận của Đế quốc Anh tại Đông Nam Á, với
Singapore đóng vai trung tâm hành chính và thương mại. Bây giờ
chúng tôi phải đứng một mình, còn chính phủ Malaysia lại muốn dạy
chúng tôi một bài học vì đã cứng đầu, đã không chịu tuân theo các
tiêu chuẩn và tập quán của họ và thích nghi với cơ cấu của họ.
Chúng tôi có thể chờ đợi họ loại chúng tôi khỏi vị trí cửa ngõ xuất
nhập khẩu hàng hóa và nguồn cung cấp nhiều dịch vụ khác. Trong
một thế giới đầy những quốc gia mới, mọi nước đều theo đuổi các
chính sách kinh tế quốc gia, ai cũng muốn tự mình làm lấy mọi thứ
và trực tiếp làm việc với những khách mua khách bán ở châu Âu,
Bắc Mỹ hay Nhật Bản, làm sao Singapore đứng vững khi không có
nội địa phía sau? Như thế, làm sao chúng tôi sống được? Ngay cả
nguồn nước sinh hoạt của chúng tôi cũng đến từ bang Johor của
Malaysia. Tôi còn nhớ rất rõ người Nhật đã chiếm những hồ dự trữ
nước ở đó vào đầu tháng 2/1942 như thế nào, rồi nhờ đó tiêu diệt
lực lượng phòng thủ Anh ra sao, tuy rằng lúc đó vẫn còn nước trong
các hồ chứa tại Singapore.
Một số quốc gia được độc lập từ khi lập quốc, một số khác phải
giành mới được. Singapore thì bị bắt phải độc lập. Khoảng 45 cựu
thuộc địa của Anh đã tổ chức trọng thể các buổi lễ để chính thức
hóa và chào mừng việc chuyển giao quyền lực từ người Anh sang
chính quyền bản xứ. Còn Singapore, ngày 9/8/1965 chẳng là dịp lễ
nghi gì cả. Chúng tôi chẳng hề mưu cầu độc lập. Trong một cuộc
trưng cầu dân ý ba năm trước đó, chúng tôi đã thuyết phục 70% cử
tri đoàn bỏ phiếu tán thành sáp nhập với Malaya. Kể từ đó, nhu cầu
của Singapore muốn trở thành một phần của Liên bang trong một
chính thể chính trị, kinh tế và xã hội đã không hề thay đổi. Đã
không có gì thay đổi – chỉ có điều chúng tôi bị loại ra ngoài. Chúng
tôi đã nói rằng một Singapore độc lập là không thể đứng vững. Bây
giờ nhiệm vụ chẳng ai muốn của chúng tôi là làm cho Singapore
sống được. Làm sao chúng tôi xây dựng được một quốc gia từ một
tập hợp đa ngôn ngữ gồm các kiều dân từ Trung Quốc, Ấn Độ,
Malaysia, Indonesia và nhiều nước châu Á khác?
Singapore là một hòn đảo với diện tích 214 dặm vuông lúc triều
thấp. Nó phát triển vì nó là trung tâm của Đế quốc Anh tại Đông
Nam Á, sau chia tách, nó trở thành một trái tim mà không có thân
thể. 75% của số dân 2 triệu người ở đây là người Hoa, một thiểu số
nhỏ xíu trong một quần đảo có tới 30.000 đảo với cư dân gồm hơn
100 triệu người Malay hoặc người Indonesia Hồi giáo. Chúng tôi là
một hòn đảo người Hoa giữa một biển người Malay. Làm sao chúng
tôi tồn tại được trong một môi trường thù địch như thế?
Tình trạng thù địch là quá rõ ràng: Để gây thêm khó khăn, người
Indonesia còn tiến hành phong trào “Đối đầu” chống lại Malaysia khi
Liên bang này hình thành vào tháng 9/1963, đó là một cuộc chiến
cấp thấp bao gồm sự tẩy chay kinh tế, những hành động khủng bố
do những biệt kích xâm nhập vào Singapore để đánh bom và những
tấn công quân sự bằng cách nhảy dù vào Johor. Người Hoa ở Malaya
và Singapore biết rằng chính quyền Indonesia cũng chèn ép ngay cả
ba triệu Hoa kiều sống trên đất Indonesia.
Trong khi đó, không những hoạt động nhập và tái xuất vốn là chỗ
dựa của Singapore từ khi được thành lập năm 1819, phải đối mặt
với một tương lai bất trắc, mà ngay vị trí chiến lược của nó đối với
người Anh trong việc kiểm soát khu vực này của đế quốc cũng biến
mất khi Đế quốc Anh tan rã. Nền kinh tế của Singapore sẽ bị ảnh
hưởng nghiêm trọng khi sự hiện diện của người Anh đột ngột cắt
giảm. Chi phí quân sự của Anh tại Singapore đem lại đến 20% GDP,
quân đội này tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 30.000 công nhân
và công việc gián tiếp cho 10.000 nhân công nữa, chưa kể những
người cung ứng cho họ những dịch vụ khác. Quân đội Anh đã tạo
công ăn việc làm cho hơn 10% lực lượng lao động vào thời điểm
mức tăng dân số 2,5% mỗi năm đang gây áp lực lớn với chính phủ
về vấn đề nhân dụng cũng như giáo dục, y tế và nhà ở.
Nhưng trong lúc này, tôi thấy an tâm và nhẹ nhõm là chúng tôi đã
trải qua ngày hôm đó mà không gặp rối loạn gì. Quá nửa đêm tôi
mới lên giường, mệt mỏi nhưng không buồn ngủ. Mãi đến 2 hay 3
giờ sáng tôi mới kiệt sức ngủ thiếp đi, thỉnh thoảng vẫn giật mình
không an giấc khi tiềm thức của tôi vật vã với các ưu tư. Làm sao tôi
giải quyết được chúng? Tại sao chúng tôi lại đi tới chỗ đáng tiếc này?
Phải chăng đây là kết quả sau cùng của 40 năm học tập, làm việc và
đấu tranh? Tương lai sẽ có gì cho Singapore? Tôi sẽ dành 40 năm kế
tiếp để tìm cho ra câu trả lời cho các câu hỏi hóc búa ấy.
2
LỚN LÊN
Hồi ức sống động và xa xưa nhất của tôi là chuyện bị xách lỗ tai
trên miệng giếng trong khuôn viên một tòa nhà gia đình tôi sống hồi
đó, nơi bây giờ là đường Tembeling của Singapore. Lúc ấy, tôi được
chừng 4 tuổi.
Tôi rất nghịch ngợm và đã phá phách hộp dầu chải đầu hiệu 4711
màu xanh nhạt thơm phức và đắt tiền của cha tôi. Tính tình của ông
rất nóng nảy và tối hôm đó cơn giận của ông đến tung cả mái nhà.
Ông tóm lấy gáy tôi, lôi từ trong nhà ra giếng và xách tôi lơ lửng ở
trên đó. Làm sao tai tôi lại dai đến nỗi không toác ra cho tôi rơi
xuống giếng như thế? Năm mươi năm sau, vào thập niên 1970, tôi
đọc trong tờ Scientific American một bài báo giải thích sự đau đớn và
chấn động đã tiết chất peptit vào não bộ thế nào, rồi ghi dấu ấn sâu
đậm trong các tế bào thần kinh nên chắc chắn rằng biến cố đó sẽ
được ghi nhớ mãi rất lâu sau này.
Tôi chào đời ở Singapore ngày 16/9/1923 trong một căn nhà lớn
hai tầng số 92 đường Kampong Java. Mẹ tôi, bà Chua Jim Neo lúc đó
16 tuổi. Cha tôi, ông Lee Chin Koon, mới 20. Ông bà hai bên của tôi
đã tổ chức đám cưới cho cha mẹ tôi một năm trước đó. Cả hai gia
đình hẳn đã nghĩ như thế là môn đăng hộ đối, vì sau này họ còn
cưới em gái cha tôi cho em trai mẹ tôi nữa.
Cha tôi là con nhà giàu có. Ông thường tự hào kể với chúng tôi
rằng khi còn nhỏ, cha của ông, tức ông nội tôi, đã cho ông một sổ
nợ vô giới hạn tại hai cửa hàng bách hóa hàng đầu trong thương xá
Raffles hồi đó là Robinson và John Little, tại đây ông có thể ghi sổ
bất cứ bộ quần áo hay món hàng nào mà ông muốn có. Ông được
học chương trình Anh tại Học viện Thánh Joseph, một trường học
Thiên chúa giáo do các ông cha dòng De La Salle thành lập năm
1802. Ông kể rằng ông đã đậu tiểu học, sau đó ông thôi học khiến
cả ông lẫn mẹ tôi còn tiếc mãi. Không nghề nghiệp, ông chỉ có thể
xin được chân bán hàng cho Công ty xăng dầu Shell khi tài sản của
cả hai nhà nội ngoại đều tan tành vì cuộc Khủng hoảng kinh tế thế
giới.
Lịch sử gia đình tôi tại Singapore bắt đầu với ông cố nội của tôi,
Lee Bok Boon, một người Hakka (người Hẹ). Người Hakka là người
Hán miền đồng bằng Hoa trung và Hoa bắc di cư đến Fujian (Phúc
Kiến), Guangdong (Quảng Đông) và các tỉnh khác ở Hoa Nam
khoảng 700 đến 1.000 năm trước, và vì là kẻ đến sau, họ chỉ có thể
sống chen chúc trên những mảnh đất đồi kém màu mỡ không có
dân địa phương cư ngụ. Theo văn bia trên mộ ông cố ở sau căn nhà
của ông tại Trung Quốc, Lee Bok Boon ra đời năm 1846 tại làng
Tangxi, quận Dabu, Guangdong. Ông theo tàu di cư sang Singapore.
Gia đình chẳng biết gì về ông từ sau đó đến năm 1870 khi ông cưới
một cô gái người Hoa, Seow Huan Neo, sinh tại Singapore trong gia
đình một tiểu thương.
Năm 1882, ông cố tôi quyết định rằng mình đã kiếm được đủ tiền
để trở về làng quê ở Trung Quốc, xây một cái nhà lớn và trở thành
quan chức trong làng. Tuy nhiên, bà cố nội tôi không muốn xa gia
đình bà ở Singapore để tới một nơi chưa từng biết tới. Theo lời ông
nội tôi, lúc đó mới 10 tuổi, các con cái và bà cố nội tôi đã sang trốn
bên nhà gia đình bà trên đường Ah Hood. Ông cố Lee Bok Boon trở
về Trung Quốc một mình. Ở đó ông lấy vợ khác, xây một căn nhà
lớn và đường hoàng mua một chức quan nhỏ. Ông cho vẽ chân dung
mình trong quan phục rồi gửi sang Singapore cùng một bức khác vẽ
một ngôi nhà kiến trúc kiểu Trung Quốc truyền thống cùng một
khoảng sân và những mái ngói xám. Bức tranh về căn nhà thì nay
đã mất, nhưng bức chân dung ông cố tôi thì còn.
Ông nội tôi, Lee Hoon Leong – mà tôi vẫn quen gọi là Kung, trong
tiếng Trung Quốc nghĩa là ông – sinh ra ở Singapore năm 1871, cha
tôi nói ông nội học tại Học viện Raffles tới lớp 5, tương đương với
năm đầu cấp trung học ngày nay. Ông nội kể cho tôi nghe là ông
làm việc pha chế thuốc trong tiệm thuốc khi thôi học, nhưng vài
năm sau, ông đi làm quản lý trên một con tàu chở hàng đi lại giữa
Singapore và vùng Đông Ấn thuộc Hà Lan2. Con tàu này thuộc một
đội tàu của hãng Heap Eng Moh Shipping Line mà ông chủ là Oei
Tiong Ham, một triệu phú người Tàu làm vua ngành đường mía ở
Java.
Trong một đợt nghỉ, ông cưới bà nội tôi, Ko Liem Nio, tại
Semarang, một thành phố miền trung Java. Có một văn bản bằng
tiếng Hà Lan, ghi ngày 25/3/1899, do Tòa mồ côi Semarang3 cấp
phát, cho phép Ko Liem Nio, 16 tuổi, được cưới Lee Hoon Leong, 26
tuổi. Phần bối thự ghi ở mặt lưng cho biết hôn lễ đã được cử hành
ngày 26/3/1899. Cha tôi ra đời tại Semarang năm 1903. Nhưng ông
là thần dân Anh theo dòng dõi, vì cha của ông – Kung – là dân
Singapore. Sau khi có con, Kung mang vợ con trở về Singapore và
sinh sống suốt đời ở đó.
Tài sản của ông tăng dần khi ông được Oei Tiong Ham tin cậy và
ủy quyền cho ông quản lý mọi công việc của hãng tại Singapore.
Kung nói cho tôi nghe ông đã được tin cẩn thế nào đến độ năm
1926, bằng quyền hạn của mình, ông đã tặng 150.000 đôla, hồi đó
là số tiền rất lớn, từ quỹ của ông Oei cho việc xây dựng đại học
Raffles.
Giữa cha tôi và ông nội tôi thì không thể xác định tôi kính trọng ai
hơn. Ông nội thương và nuông chiều tôi. Còn cha tôi, người giữ kỷ
luật trong gia đình, thì khó tính với tôi. Ông nội tôi đã gầy dựng được
một gia sản lớn. Cha tôi chỉ là cậu con nhà giàu, chẳng có gì để kể
về chính ông.
Khi tài sản gia đình suy kiệt trong thời khủng hoảng kinh tế thế
giới vốn làm giá cao su giảm từ 80 xu một cân Anh (khoảng 450gr)
năm 1927 xuống còn 20 xu năm 1930, Kung đã bị thiệt hại nặng.
Rõ ràng ông không khôn ngoan trong kinh doanh bằng ông ngoại tôi
là Chua Kim Teng. Tài sản của ông ngoại Chua cũng bị thiệt hại vì
ông đã đầu tư vào đồn điền cao su và đầu cơ trong thị trường cao
su. Nhưng ông cũng thâm nhập thị trường bất động sản nữa. Ông sở
hữu nhiều sạp chợ và cửa hàng nên không bị sụp đổ hoàn toàn như
ông nội Kung của tôi. Nên năm 1929 cha mẹ tôi đã dọn từ nhà ông
nội sang ở trong căn nhà lớn mà bừa bộn của ông ngoại trên đường
Telok Kurau.
Ông nội tôi đã bị Tầy phương hóa, do nhiều năm làm việc trên tàu
buôn chung với người Anh, từ thuyền trưởng, máy trưởng tới các
nhân viên. Ông thường kể lại cho tôi nghe những kinh nghiệm và
chuyện trên tàu thì người ta kỷ luật tới mức nào. Thí dụ, dù cho khí
hậu nhiệt đới nóng và ẩm, thuyền trưởng và các thuộc viên vẫn phải
mặc bộ đồ vải trắng gài nút kín cổ để ăn tối với đầy đủ dao muống
nĩa và khăn ăn được bày dọn đàng hoàng. Qua lời ông kể về những
chuyến hải hành trong khu vực thì rõ ràng các sỹ quan Anh ấy đã
để lại trong ông dấu ấn sâu đậm về tính trật tự, sức mạnh và hiệu
năng.
Khi tôi ra đời, gia đình đã hỏi ý một người quen thông thạo chuyện
con cái để tìm tên tốt đặt cho tôi. Ông đã đề nghị chữ “Kuan Yew”,
trong tiếng Quan thoại là guang yao, nghĩa là “thông minh và sáng
láng”. Nhưng ông nội tôi, vì lòng ngưỡng mộ nước Anh, đã thêm cho
tôi tên Harry, nên tên tôi thành Harry Lee Kuan Yew. Hai em trai tôi,
Kim Yew và Thiam Yew, cũng có tên thánh Tây phương như thế –
lần lượt là Dennis và Freddy. Thời đó ít có người Hoa không theo đạo
Thiên chúa lại có tên thánh như thế, nên sau này đi học tôi thấy
mình kỳ cục với cái tên Harry. Khi em út của tôi, Suan Yew, ra đời
năm 1933, tôi đã thuyết phục cha mẹ tôi đừng đặt tên thánh làm gì
vì gia đình đâu có theo đạo Thiên chúa.
Tuy ông nội tôi không còn đủ tiền để sống và ăn mặc đúng cung
cách nữa, nhưng ông vẫn còn giữ được những dấu tích của thời
sung túc trước đây, trong đó có mấy món đồ nội thất rất đẹp nhập
từ Anh hồi thập niên 1910. Hơn nữa, ông còn là tay sành ăn. Mỗi
bữa ăn với ông là một nghi thức. Bà nội tôi nấu ăn cũng giỏi. Bà có
thể chiên thịt bò với nhục đậu khấu tới vàng sậm mọng nước, dọn
chung với khoai tây được chiên vàng ươm nhưng không nhẫy mỡ,
vốn là chi tiết mà ông nội tôi rất để ý. Tôi có ấn tượng rõ ràng rằng
ông nội tôi là người đã vươn lên trong cuộc sống và biết sống sao
cho ra sống.
Ông khác biệt rất rõ với ông ngoại tôi. Ông Chua Kim Teng không
hưởng nền giáo dục Anh và cũng không làm ăn hợp tác với các viên
chức Anh hay các triệu phú người Hoa trong ngành đường. Ông sinh
ra ở Singapore năm 1865 trong gia đình gốc Hakka ở Malacca. Ông
giàu lên nhờ làm lụng chăm chỉ và sống tiết kiệm, dùng tiền để dành
được đầu tư một cách thận trọng vào ngành cao su và bất động sản.
Ông đã lấy vợ ba lần. Hai người vợ đầu đã mất và bà vợ thứ ba là
bà ngoại tôi, Neo Ah Soon, một phụ nữ Hakka vai rộng quê ở
Pontianak trong vùng đảo Borneo thuộc Hà Lan. Bà nói được tiếng
Hakka và tiếng Malay của người Indonesia. Khi bà lấy ông ngoại tôi,
bà đã có một đời chồng với hai con riêng, người chồng trước đã chết
ít lâu sau khi có đứa con thứ hai. Bà có với ông Chua bảy người con
trước khi chết vào năm 1935. Còn ông ngoại tôi chết năm 1944,
thời người Nhật chiếm Singapore.
Mẹ tôi là con lớn nhất của hai ông bà, và khi mẹ tôi lấy cha tôi
năm 1922 lúc bà 15 tuổi thì tình hình của gia đình cả hai bên còn rất
sung túc. Bà còn mang theo được, như một phần của hồi môn, một
cô hầu nhỏ có nhiệm vụ giúp bà tắm, lau chân, tháo hoặc đi giày
cho bà. Tất cả những biểu hiện giàu sang ấy đều đã biến mất khi tôi
nhận thức được môi trường xung quanh mình vào năm 4 hoặc 5
tuổi. Nhưng ký ức về thời kỳ tốt đẹp ấy vẫn còn trong những ảnh
chụp xưa của tôi – một cậu bé mặc đủ thứ áo quần nhập từ Anh,
hay nằm trong một chiếc xe nôi sang trọng. Nhà của ông ngoại
Chua ở Telok Kurau là một căn nhà trệt rất rộng bằng gỗ và gạch.
Ông và tất cả con cái của bà vợ thứ ba sống trong căn nhà đó, mẹ
tôi, con gái lớn, cùng với cha tôi và năm anh em tôi chiếm một
phòng ngủ lớn. Tất cả hợp thành một đại gia đình trong đó mọi
người sống hòa hợp ngoại trừ những xung đột nho nhỏ, chủ yếu vì
những đứa cháu nghịch ngợm và ưa gấu ó. Cứ thế tôi lớn lên cùng
với ba em trai và một em gái cùng sáu anh em họ trong cùng một
ngôi nhà. Nhưng vì tất cả chúng nó đều nhỏ tuổi hơn tôi, nên tôi
thường chơi với những đứa trẻ con nhà ngư dân người Hoa hay
người Malay sống trong khu gần đó, một cụm chừng hai ba chục
ngôi nhà lá hay gỗ có mái tôn trong một ngõ đối diện nhà ông ngoại
tôi. Những ngư dân này kiếm ăn dọc bãi biển Siglap cách đó chừng
200 thước.
Đó quả là một thế giới đơn giản. Chúng tôi chơi diều, bông vụ, bi
và cả cá đá nữa. Những trò chơi đó hun đúc một tinh thần chiến đấu
và khát khao chiến thắng. Tôi không biết có phải những chuyện đó
đã chuẩn bị bản thân tôi cho những cuộc đấu tranh sau này trong
lãnh vực chính trị hay không. Chúng tôi không mềm yếu, mà cũng
không hư hỏng. Là một cậu bé, tôi không có những thứ quần áo
giày dép lạ kỳ như của những đứa cháu tôi ngày nay.
Chúng tôi không nghèo nhưng chúng tôi cũng không tràn ngập
những đồ chơi, và cũng không có TV. Nên chúng tôi phải tháo vát,
phải sử dụng trí tưởng tượng. Chúng tôi đọc, và điều đó có lợi cho
ngữ vựng của chúng tôi, nhưng hồi đó chẳng có mấy sách hình cho
trẻ con, và lại đắt tiền nữa. Tôi mua những truyện rùng rợn rẻ tiền
và theo dõi những cuộc phiêu lưu của các chú nhỏ – Harry Wharton,
Billy Bunter và các bạn. Tôi sốt ruột chờ đợi con tàu bưu điện từ Anh
mỗi tuần đến đậu tại bến Tanjong Pagar vào thứ Sáu, mang theo các
tạp chí và truyện tranh của Anh. Nhưng những thứ này cũng không
rẻ. Khi lớn hơn một chút, tôi sử dụng thư viện Raffles, nơi có thể
mượn sách đọc trong hai tuần. Tôi đọc đủ thứ sách nhưng thích
truyện miền viễn tây hơn truyện trinh thám.
Trong những đợt nghỉ, gia đình tôi có thể đến chơi cả tuần lễ trong
ngôi nhà gỗ của ông ngoại tại đồn điền cao su của ông ở Chai Chee.
Từ đường Changi, chúng tôi lên đường đi đồn điền trên một chiếc xe
bò thắng hai con bò do người làm vườn của bà ngoại tôi điều khiển.
Chiếc xe có bánh gỗ bọc niềng sắt và không có dàn nhún, nên nửa
dặm trên con đường đất là đầy những cú dằn xóc rất buồn cười.
Năm mươi năm sau, 1977, khi tôi đáp máy bay Concord từ London
đi New York băng qua Đại Tây Dương trong vòng chỉ có ba giờ, tôi đã
tự hỏi không biết có người khách đồng hành nào của tôi từng biết
đến niềm vui của việc ngồi xe bò không.
Tuy nhiên cuộc sống không chỉ là những niềm vui đơn sơ. Thỉnh
thoảng cha tôi lại về nhà với tâm trạng bực bội vì thua xì dách hay
thứ bài bạc nào đó tại Câu lạc bộ bơi lội người Hoa ở đường Amber,
và đòi mẹ tôi đưa món nữ trang nào đó để đem cầm rồi trở lại chiếu
bạc thử thời vận lần nữa. Thế là có cãi nhau kịch liệt và đôi khi cha
tôi rất thô bạo. Nhưng mẹ tôi là một phụ nữ can đảm quyết tâm giữ
lấy tài sản và đồ cưới của ông bà ngoại cho. Là một con người mạnh
mẽ với tài tháo vát và năng lực lớn lao, bà đã bị gả chồng quá sớm.
Ở thời của bà, người ta muốn phụ nữ phải là một người mẹ tốt, sinh
nhiều con cái để rồi nuôi dạy chúng thành những người chồng người
vợ tốt. Nếu bà ra đời chậm một thế hệ và được học cao hơn bậc
trung học thì bà đã dễ dàng trở thành một nhà quản trị giỏi rồi.
Bà đã dành cả đời để lo cho con cái được học hành tử tế và có
nghề chuyên môn, và bà đã đương đầu với cha tôi để bảo vệ tương
lai cho con cái. Tôi và các em tôi ý thức rõ sự hy sinh của bà, chúng
tôi hiểu mình không được làm bà thất vọng và đã cố hết sức để
xứng đáng với bà và đạt được những điều bà mong muốn. Khi tôi lớn
hơn, bà bắt đầu hỏi ý kiến tôi, đứa con cả, về mọi chuyện quan
trọng trong nhà, nên tuy mới mười mấy tuổi, tôi đã thực sự đóng vai
người đầu não của gia đình. Điều này dạy tôi cách đưa ra những
quyết định.
Bà ngoại tôi có quan điểm rất rõ về việc học hành của tôi. Năm
1929, khi tôi chưa được 6 tuổi, bà đã nhất định tôi phải cùng các trẻ
con nhà ngư dân đi học một trường gần đó; một ngôi trường bằng
gỗ và lá với nền đất nện. Ngôi trường chỉ có một phòng học với
những băng ghế gỗ, mặt bàn là tấm ván thô và một phòng nữa
dùng làm chỗ ở cho ông thầy người Hoa trung niên gầy gò của
chúng tôi. Ông bảo chúng tôi đọc theo ông mà chúng tôi chẳng hiểu
nghĩa gì cả – nếu ông có giải thích thì tôi cũng không hiểu.
Tôi phàn nàn với mẹ và bà nói lại với bà ngoại. Nhưng bà mẹ 22
tuổi của tôi thì không thể cãi được bà ngoại đã hai lần lấy chồng,
nuôi lớn đến chín đứa con và lại quyết tâm là tôi phải học được chút
đỉnh tiếng Hoa. Nhưng bà ngoại tôi cũng cho phép đổi trường và tôi
sang học trường Choon Guan ở khu Joo Chiat cách nhà tới một dặm
và tôi phải đi bộ đến đó mỗi ngày. Ngôi trường này thì đường hoàng
hơn, một tòa nhà gỗ hai tầng có nền xi măng, và khoảng 10 phòng
học đúng quy cách có bàn ghế rời cho 35 tới 40 học sinh. Những bài
học bằng tiếng Hoa thì vẫn gian nan như vậy. Ở nhà tôi nói tiếng
Anh với cha mẹ tôi, tiếng Malay bồi – pha trộn giữa tiếng Malay với
tiếng Hoa – với ông bà ngoại, rồi tiếng Malay pha một ít tiếng Hakka
với bạn bè và những đứa trẻ con nhà ngư dân. Tiếng Quan thoại thì
hoàn toàn xa lạ với tôi, và chẳng dính dáng gì tới cuộc sống của tôi.
Tôi chẳng hiểu gì lắm những điều các thầy giáo nói.
Sau hai ba tháng như thế, tôi lại xin mẹ tôi cho chuyển sang một
trường dạy bằng tiếng Anh. Lần này thì bà thuyết phục được bà
ngoại và tháng 1/1930 tôi vào học trường tiếng Anh Telok Kurau.
Bây giờ tôi hiểu các thầy giáo nói gì và chỉ cố gắng chút đỉnh là có
tiến bộ. Học sinh đa số là người Hoa, có một ít người Ấn và một ít
người Malay chuyển từ trường Telok Kurau tiếng Malay qua.
Cha mẹ tôi e rằng tôi kém chuyên cần, và mẹ tôi giao cho chú
Keng Hee một nhiệm vụ là buộc tôi chuẩn bị bài ngày mai cho chu
đáo. Mỗi tuần ba lần trước giờ ăn tối, tôi phải ngồi với chú một tiếng.
Ngay từ hồi đó tôi đã thấy thật kỳ cục khi ông chú ít học nhất trong
các chú của tôi lại được giao nhiệm vụ kiểm tra việc làm bài ở nhà
của tôi.
Tôi được phép nhảy thẳng từ lớp đồng ấu 1 lên lớp 1, không phải
qua lớp đồng ấu 2. Đến hết năm lớp 5, sau bảy năm tiểu học – mà
tôi chỉ học trong 6 năm – chúng tôi dự một kỳ thi tổ chức cho toàn
đảo để được tuyển vào các trường trung học công lập. Trong năm
cuối ấy, 1935, tôi đã cố gắng hơn nhiều, được đứng đầu trường và
được tuyển vào Học viện Raffles vốn chỉ thu nhận những học sinh
xuất sắc.
Học viện Raffles, hồi đó cũng như bây giờ, là trường trung học
tiếng Anh hàng đầu ở Singapore và mang tên người sáng lập ra nó.
Nó sản sinh ra từng đợt ít ỏi những con người xuất sắc và có học
vấn tốt, rất nhiều người trong đó được học bổng Nữ hoàng để đi học
ở Cambridge, Oxford, London, Edinburg và nhiều học viện khác của
Anh, về y khoa, luật và cơ khí.
Năm 1936, tôi vào Học viện Raffles cùng với khoảng 150 học sinh
hàng đầu của 15 trường tiểu học công lập. Việc tuyển chọn hoàn
toàn dựa trên tài năng. Học sinh thuộc đủ mọi chủng tộc, giai cấp và
tôn giáo, và có cả nhiều học sinh từ lục địa Malaya ra nữa. Các vị
hiệu trưởng đầu tiên của học viện này là người Anh và đã mô phỏng
nó theo các trường công lập ở Anh.
Học trình ở đây chuẩn bị cho các học sinh tham dự những kỳ thi
toàn đế quốc Anh để lấy bằng Trung học đệ nhất cấp Cambridge và
Trung học đệ nhị cấp Cambridge. Các sách giáo khoa, nhất là sách
về ngôn ngữ Anh, văn chương Anh, lịch sử đế quốc Anh, toán và địa
lý là loại tiêu chuẩn cho mọi thuộc địa mà tôi chắc là cũng phỏng
theo sách giáo khoa chuẩn của Anh. Việc giảng dạy hoàn toàn bằng
tiếng Anh. Nhiều năm sau, bất cứ lúc nào tôi gặp các nhà lãnh đạo
trong Khối Thịnh vượng chung4 từ những xứ xa xôi như quần đảo
Caribbean hay vùng Thái Bình Dương, tôi đều khám phá ra rằng họ
cũng từng đi qua một quá trình rèn luyện như tôi với cùng những
cuốn sách giáo khoa và có thể trích ra cùng những đoạn thơ của
Shakespeare.
Có bốn cấp lớp trong trường trung học: lớp 6 và lớp 7, rồi đệ nhất
cấp Cambridge và đệ nhị cấp Cambridge. Tôi không phải loại chăm
chỉ lắm nhưng tôi khá môn toán, khoa học và có căn bản tiếng Anh
vững chắc. Do đó, cuối năm lớp 6, tôi nằm trong số những học sinh
giỏi và được xếp vào lớp 7A, ở đây tôi không cần cố gắng lắm cũng
nằm trong tốp ba người dẫn đầu lớp. Tôi vẫn không chú ý lắm trong
lớp học và cố gắng bắt kịp bằng cách liếc vào tập của bạn ngồi cạnh.
Teo Kah Leong không những đứng đầu lớp mà bạn ấy còn giữ tập vở
rất đẹp. Nhưng nó thường lấy tay che vở lại. Tuy vậy, giáo viên phụ
trách lớp của tôi, ông M.N. Campos người Ấn, vẫn phê trong học bạ
của tôi những lời khen và khuyến khích: “Harry Lee Kuan Yew có
quyết tâm giành một vị trí nổi bật, có thể đạt địa vị cao trong cuộc
sống.”
Tôi lên lớp đệ nhất cấp A, lớp giỏi nhất trong khối. Phụ trách là một
thầy người Anh, A.T. Grieve, là một người tốt nghiệp Oxford với mái
tóc vàng hoe rất dày và phong thái thân thiện cởi mở. Gần ba mươi
mà ông vẫn độc thân và làm việc ở hải ngoại lần đầu. Thầy Grieve
không có thành kiến chủng tộc, có lẽ vì ông ở xứ thuộc địa chưa đủ
lâu để hiểu rằng phải giữ một khoảng cách với dân bản xứ, tác
phong này vẫn được coi như cần thiết để người ta phải tôn trọng sự
cai trị của người Anh. Ông đã cải thiện tiếng Anh của tôi rất nhiều và
tôi tiến bộ rõ rệt, đứng đầu trường trong kỳ thi của cấp lớp này. Bài
thi quan trọng đầu tiên của tôi được trường Cambridge ra đề và
chấm. Tôi cũng đạt hai phần thưởng trong năm đó là học bổng Tan
Jiak Kim và học bổng Raffles. Tổng cộng, chúng đem lại cho tôi 350
đôla Straits. Số tiền này dư cho tôi mua được một chiếc xe đạp
Raleigh giá 70 đôla, có bộ bánh răng ba đĩa để thay đổi tốc độ và
dây xích chạy trong hộp kín. Tôi đường hoàng đạp xe tới trường mà
vẫn còn tiền để dành. Nhưng tương lai còn những điều tốt đẹp hơn.
Tôi đã quyết tâm giành vị trí cao trong các kỳ thi đệ nhị cấp
Cambridge, và tôi thật sung sướng khi kết quả được thông báo đầu
năm 1940 là tôi đứng nhất trường và đứng nhất trong tất cả học
sinh tại Singapore và Malaya.
Tôi rất sung sướng với thời gian học ở Raffles, giải quyết việc học
hành khá nhàn hạ và tích cực trong phong trào hướng đạo sinh,
chơi quần vợt và cricket, bơi lội và tham dự nhiều cuộc trần thuyết.
Nhưng tôi chưa từng là một học sinh hoàn hảo, chứ đừng nói tới một
học sinh đứng đầu lớp hoàn hảo. Ở tôi vẫn còn thói tinh nghịch ham
chơi. Tôi thường bị bắt gặp không tập trung nghe giảng bài, lo viết
cái gì đó cho bạn hay nhái theo điệu bộ của ông thầy nào đó. Với
một ông thầy người Ấn khá chậm chạm dạy khoa học, tôi đã bị bắt
gặp đang vẽ cái gáy của ông với mảng đầu hói.
Có lần tôi bị ăn roi của ông hiệu trưởng, D.C. McLeod, một con
người kỷ luật nghiêm ngặt nhưng công bằng, luôn thi hành kỷ luật
một cách công minh, và đã có một quy định rằng học sinh nào đi
học trễ ba lần trong một học kỳ sẽ phải chịu ba roi. Tôi là đứa
thường dậy trễ, thức khuya giỏi hơn dậy sớm, và khi tôi đi học trễ
lần thứ ba thì giáo viên phụ trách buộc tôi lên văn phòng hiệu
trưởng. Thầy hiệu trưởng biết tôi do từng được học bổng và đoạt
nhiều phần thưởng. Nhưng tôi cũng không được tha với lời cảnh cáo
qua loa, tôi phải cúi xuống ghế và lãnh ba roi đích đáng. Tôi không
nghĩ là thầy có nương tay, và cũng chẳng bao giờ hiểu được tại sao
các nhà giáo dục phương Tây lại tích cực chống việc trừng phạt thân
thể đến thế. Chuyện đó không gây tổn thương gì cho tôi cũng như
các bạn học sinh khác.
Tuy nhiên tôi hiểu ra rằng phải sống nghiêm túc hơn. Cha mẹ tôi
đã chỉ cho tôi thấy một số bạn bè của ông bà sống sung túc như thế
nào nhờ họ đã trở thành bác sĩ hay luật sư. Họ hành nghề độc lập
nên không bị ảnh hưởng của Khủng hoảng kinh tế. Cha tôi cũng tiếc
cho tuổi trẻ lêu lổng của ông và họ thúc ép tôi phải trở thành dân có
chuyên môn. Nên ngay từ hồi còn nhỏ ấy, tôi đã nhắm tới việc trở
thành luật sư, một người hành nghề chuyên môn, chứ không phải
kẻ làm thuê. Kế hoạch của tôi là học luật ở London.
Nhưng năm 1940, chiến tranh ở châu Âu trở nên gay gắt hơn.
Nước Pháp bị đe dọa và sắp bị chiếm. Kế hoạch đi học luật ở London
tốt nhất là nên hoãn lại. Nhờ đậu đầu Singapore và Malaya trong kỳ
thi Cambridge đệ nhị cấp, tôi được hưởng học bổng Anderson, thuộc
loại cao giá nhất thời đó, để theo học tại Đại học Raffles. Tôi quyết
định nhận học bổng này. Nó cao hơn các phần thưởng khác của
chính phủ khoảng 200 đôla, dư để trang trải học phí, sách vở, chỗ ở
và còn để dành được ít nhiều nữa.
Đại học Raffles được chính quyền Các thuộc địa vùng eo biển5
thành lập vào năm 1928. Nơi đây người ta dạy nhiều môn xã hội
(tiếng Anh, sử, địa, kinh tế) và khoa học (lý, hoá, toán lý thuyết và
ứng dụng). Chính quyền đã xây nhiều tòa nhà đẹp cho nó với kiến
trúc bê tông chạy chung quanh tạo thành khoảng sân giữa, mặt tiền
giả đá, giống kiểu đại học Oxford và Cambridge nhưng có điều chỉnh
cho hợp với khí hậu nhiệt đới.
Là sinh viên có học bổng, tôi phải ở trong khu ký túc. Đó quả là
một việc khó khăn. Để thích nghi với khí hậu nóng và ẩm của
Singapore, các kiến trúc sư đã thiết kế những ký túc xá rộng lớn,
trần nhà rất cao. Mỗi khu chia làm 20 phòng có cửa sổ lắp kính chạy
từ trần xuống gần sàn mở ra hàng hiên rộng. Vách ngăn giữa các
phòng chỉ cao ngoài 2 mét, hơn đầu người một chút, để không khí
lưu thông dễ dàng. Điều này có nghĩa là tiếng ồn cũng truyền đi
thoải mái suốt 20 phòng và 20 hàng hiên dành cho 20 sinh viên trẻ
tuổi.
Mỗi sinh viên phải học ba môn. Tôi học tiếng Anh, vốn là môn bắt
buộc đối với mọi sinh viên khoa học xã hội, và tập trung vào đó để
tăng khả năng sử dụng và để giúp tôi học luật sau này, kế đó là
toán, vì tôi thích và cũng giỏi môn ấy, và kinh tế học vì tôi nghĩ nó
có thể dạy tôi cách kiếm tiền trong kinh doanh và thị trường chứng
khoán. Tôi thật ngây thơ! Sau năm thứ nhất, sinh viên phải chọn
một môn làm môn chính. Tôi đã chọn toán.
Cuối mỗi học kỳ, trong ba học kỳ của năm học, đều có kỳ thi, và
trong kỳ thi đầu tiên của tôi ở đây, tôi đã về nhất môn toán, đạt hơn
90 điểm. Nhưng tôi choáng váng khi thấy mình không đạt điểm cao
nhất trong môn tiếng Anh và kinh tế, mà đứng thứ hai, dưới một cô
tên là Kwa Geok Choo. Tôi đã gặp cô Kwa này hồi còn học ở Học
viện Raffles. Năm 1939, là học sinh nữ duy nhất trong một lớp toàn
là nam, cô đã được hiệu trưởng mời trao phần thưởng trong lễ phát
thưởng hàng năm, và tôi đã nhận từ tay cô ba cuốn sách. Cô học
trong một lớp đặc biệt chuẩn bị để giành học bổng Nữ hoàng hai
năm liên tiếp. Tôi thật bối rối và lo lắng. Mỗi năm chỉ có hai học bổng
Nữ hoàng cho toàn bộ Các thuộc địa vùng eo biển, và không nhất
thiết là chúng sẽ lọt vào tay hai sinh viên đạt điểm cao nhất. Trên
hết là tôi sợ một kiểu phân chia đồng đều về mặt địa lý nhằm tạo cơ
hội cho các sinh viên Malacca và Penang. Hội đồng xét học bổng có
thể không muốn trao cả hai học bổng cho sinh viên Singapore, trong
trường hợp đó thì đứng thứ nhì là không xong rồi.
Tôi không thoải mái với năm thứ nhất của tôi ở đây như năm đầu
ở Học viện Raffles. Bắt nạt và ăn hiếp hồi đó là một phần trong bước
khởi đầu của sinh viên năm thứ nhất và kéo dài suốt học kỳ. Là sinh
viên đứng đầu, tên tuổi tôi còn tới trước cả tôi, và tôi nghĩ rằng tôi
cũng là một trong những sinh viên năm đầu cao lớn và nổi bật, nên
một số sinh viên đàn anh đã xử ép tôi.
Tôi đã phải hát, phải bò quanh sân trường dùng mũi đẩy một viên
bi. Tôi phải đi dẫn đầu tập thể sinh viên năm đầu, thắt một cà vạt
xanh lá cây tả tơi và cầm một cây cờ cũng xanh lá cây. Tôi nghĩ
những trò đó thật ngu ngốc, nhưng đã trải qua tất cả như một phần
của cái giá phải trả để hòa vào một ngôi trường thiếu trưởng thành
và đang phát huy những truyền thống lệch lạc. Năm thứ hai, khi trở
thành đàn anh, tôi chống báng trò bắt nạt và cố gắng ngăn cản trò
đó, nhưng không thành công. Tôi hết sức phản đối những sinh viên
làm trò đó với những sinh viên năm đầu để bù lại những gì mà họ đã
phải chịu đựng khi còn là “ma mới”.
Khi lên giảng đường, chúng tôi phải mặc áo lớn, cà vạt. Giảng
đường lại không có máy lạnh – nên một trong những phòng học của
khối khoa học trở thành cái lò vào buổi chiều vì nó quay về phía Tây.
Gặp gió lạnh khi cả người đầm đìa mồ hôi là chắc chắn tôi bị cảm và
ho. Lại còn tình trạng mất quân bình do phải sống trong môi trường
xa lạ, nhồi nhét cùng 19 sinh viên khác trong một khu và ăn những
thức ăn nấu dở của ký túc xá.
Sau năm thứ nhất, tôi chuyển từ khu C sang khu E có vị trí tốt
hơn, ở đó tôi có được một phòng mát mẻ và thoải mái hơn. Nhưng
sự mất quân bình hẳn đã ảnh hưởng chất lượng học tập của tôi. Tôi
nhớ trong một kỳ thi học kỳ, ngay cả với môn toán tôi cũng không
chiếm nổi hạng đầu. Tuy nhiên trong các kỳ thi cuối năm học ấy
(tháng 3/1941), tôi đã làm bài tốt và đứng đầu về môn toán lý
thuyết. Nhưng cô Kwa Geok Choo lại đứng đầu môn tiếng Anh và
kinh tế, và có lẽ trong môn sử, môn thứ ba của cô, cũng vậy. Trong
bài thi thống kê, một phần của môn kinh tế, tôi đạt điểm cao hơn cô
chút đỉnh. Tôi hiểu rằng mình sẽ phải ganh đua quyết liệt để giành
học bổng Nữ hoàng.
Còn có những vấn đề khác nữa. Chính nhờ hồi tưởng mà tôi nhận
ra rằng Đại học Raffles là bước đầu của tôi đi vào lĩnh vực chính trị
về chủng tộc và tôn giáo. Trong một thuộc địa Anh không có phân
biệt chủng tộc, người Malay ở Singapore đã quen được đối xử như
mọi người khác. Nhưng vào tháng 6/1940, lần đầu tiên tôi gặp một
số đáng kể những người Malay đã được sinh ra và lớn lên trong một
chế độ khác. Trong các tiểu bang liên minh của người Malay
(Federated Malay States – FMS) như Perak, Selangor, Penang và
Negeri Sembilan, và hơn thế nữa tại những bang của người Malay
không liên minh (Unfederated Malay States) như Johor, Kedah,
Perlis, Kelantan và Terengganu, người Malay bản xứ có được những
ưu quyền chính trị và kinh tế. Tại những bang FMS, chỉ có năm học
bổng theo học Đại học Raffles là dành cho những người không thuộc
chủng Malay, trong khy sinh viên Malay có lựa chọn nhiều hơn, cũng
như tại các bang không liên minh. Trong số hàng trăm sinh viên
được nhập học hàng năm thì có khoảng 20 người Malay từ lục địa
với học bổng do chính quyền bang của họ cung cấp.
Có một tinh thần đoàn kết rất mạnh trong số những người Malay,
mà sau này tôi hiểu ra là xuất phát từ cảm giác bị đe dọa, từ nỗi lo
sợ bị lấn át bởi những sinh viên người Hoa và người Ấn năng động
và chăm chỉ hơn. Một sinh viên Malay cùng năm với tôi sau này sẽ
trở thành thủ tướng Malaysia, Abdul Razak bin Hussain, học chung
lớp tiếng Anh và kinh tế với tôi, nhưng chúng tôi không phải bạn
thân. Anh ta là dòng dõi quý tộc Malay tại bang Pahang, nên do đó ít
nhiều xa cách các sinh viên Malay khác, mà những người này cũng
kính trọng anh. Những người mà tôi dễ thân cận hơn là những sinh
viên bình thường, trong đó có hai bạn chơi trong đội cricket của
trường. Vì tôi có nhiều bạn Malay từ hồi nhỏ nên tiếng Malay của tôi
rất lưu loát. Nhưng rồi tôi nhận ra thái độ của họ đối với người khác
chủng Malay, nhất là người Hoa, thì hoàn toàn khác thái độ của
người Malay ở Singapore.
Một sinh viên bang Kedah nói với tôi vào năm thứ hai, sau khi
chúng tôi đã trở thành bạn. “Người Hoa các anh quá năng động và
khôn ngoan so với chúng tôi. Ở Kedah chúng tôi đã có quá nhiều
người Hoa. Chúng tôi không chịu nổi sức ép ấy.” Ý anh muốn nói là
sức ép cạnh tranh để kiếm việc làm, để kinh doanh, để tìm chỗ đứng
trong các trường trung và đại học. Người Malay là các chủ đất, vậy
mà cũng có nguy cơ bị những người nhập cư hất văng khỏi các địa
vị quan trọng, những người nhập cư này lanh lợi, có chí tiến thủ và
quyết tâm hơn. Có lẽ bởi vì học giỏi hơn và tự tin hơn, nên sinh viên
người Hoa và người Ấn thiếu tinh thần đoàn kết này. Không có sự
thống nhất trong bọn họ vì họ không cảm thấy bị đe dọa.
Có một sự kiện in rõ trong trí nhớ của tôi. Vào năm thứ hai, có
nhiều điều không vui trong cách sắp xếp bữa tiệc hàng năm của Hội
sinh viên Raffles tại Khách sạn Seaview. Những sinh viên không phải
người Malay lấy làm tức giận trước những câu trả lời gay gắt và bất
cần của thư ký danh dự Ungku Aziz bin Abdul Hamid trước những
phàn nàn của họ. Một số sinh viên bắt đầu vận động một đại hội bất
thường để phản đối anh ta và đẩy anh ta khỏi chức vụ trên. Nhưng
anh ta là người Malay. Khi những chữ ký đòi tổ chức đại hội bất
thường tăng dần, các sinh viên Malay đã đoàn kết chung quanh anh
ta, và tuyên bố rằng nếu anh ta bị bãi chức, họ sẽ đồng loạt rút khỏi
Hội sinh viên. Điều này trở thành một thách thức cho những sinh
viên còn lại. Tôi được họ đến gặp và yêu cầu đọc bài diễn văn khai
mạc trình bày những phản đối của họ đối với Ungku Aziz. Tôi không
dự buổi tiệc đó và cũng không có xung đột cá nhân gì với anh ta.
Nhưng vì chẳng có ai muốn đảm đương công việc khó chịu này, nên
tôi quyết định nhận lãnh. Đại hội diễn ra vào một chiều thứ Bảy, và
suốt cả ngày sinh viên đã bỏ đi, có lẽ vì họ muốn tránh chuyện
tranh cãi. Trong các khu ký túc, những sinh viên Malay tụ lại rất
đông. Tình hình rất căng thẳng và tư tưởng chủng tộc dâng lên
hừng hực.
Đó là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về tinh thần chủng tộc Malay,
một tình cảm sâu và rộng bênh vực người Malay và chống lại dân
nhập cư. Tôi trình bày sự vụ bằng lời lẽ chừng mực, kiên định
nhưng, tôi hy vọng, không quá khích. Ungku Aziz phát biểu bác bỏ
mọi dẫn chứng về cách cư xử thô lỗ của anh. Tôi có thể cảm thấy
đám đông khoảng 80 sinh viên cảm thấy rất khó chịu về sự đối đầu
này. Khi bỏ phiếu, những sinh viên Malay đã giành được thắng lợi
cho Ungku Aziz, nên không có vụ đồng loạt rút ra khỏi hội. Nhưng
những sinh viên còn lại cảm thấy đã nói lên được quan điểm của họ.
Chuyện ấy rồi cũng phai mờ trong tôi. Chỉ đến sau này, khoảng
1963–1965, khi chúng tôi ở Malaysia và cũng đụng phải những vấn
đề với tinh thần chủng tộc Malay ấy thì tôi mới nhớ lại.
Nhưng nếu đó là thời kỳ đốì địch, thì nó cũng là thời kỳ tạo nên
những tình bạn lâu dài. Nhiều người tôi quen biết lần đầu tại Đại học
Raffles sau này đã trở thành đồng sự chính trị thân cận với tôi, trong
đó có Toh Chin Chye, một sinh viên khoa học trên tôi một năm,
chăm chỉ, có hệ thống, trầm lặng và kiên định, rồi Goh Keng Swee,
một giáo sư kinh tế với trí tuệ siêu hạng, kém hùng biện nhưng có
ngòi bút sắc bén.
Nhờ vậy khi tôi khởi sự hành nghề luật sư vào thập niên 1950, tôi
đã có một mạng lưới những bạn bè và người quen giữ những địa vị
quan trọng trong chính quyền và trong giới chuyên môn tại
Singapore và Malaysia. Thậm chí có bạn không trực tiếp biết nhau,
nhưng việc có chung một quá khứ khiến chúng tôi dễ tiếp nhận
nhau, và mối dây trường cũ đã rất hữu hiệu tại Singapore và
Malaya, cho dù là trong nhóm người Hoa, người Ấn hay Malay. Trước
thời điểm hoạt động chính trị trở nên sôi nổi, khi quyền lực còn nằm
gọn trong tay người Anh, tôi không hề cảm thấy có hiềm khích hay
thù ghét gì về phía những bạn gốc Malaya. Tôi làm bạn với rất nhiều
người trong số họ, kể cả hai vị thẩm phán người Malay mà sau này
tôi phải trình diện trước mặt họ.
Đó là mạng lưới bạn học cũ trong một thành phần ưu tú của
những người có giáo dục Anh được hệ thống giáo dục thuộc địa Anh
bồi dưỡng nên. Chúng tôi đã cùng học qua nhiều trường, đọc cùng
thứ sách giáo khoa và có chung một số đặc tính và thái độ sống.
Trường công của người Anh không phải là hệ thống duy nhất khuyến
khích xây dựng mạng lưới thông qua cách ăn nói, trang phục và
phong cách, và một tác phong làm các việc trên đời.
3
QUÂN NHẬT XÂM LĂNG
Bốn giờ sáng ngày 8/12/1941 lúc tôi còn ngủ trong khu E ký túc
xá thì bỗng giật mình vì tiếng bom nổ ầm ì. Cuộc chiến với người
Nhật đã bắt đầu. Đó là một chuyện hoàn toàn bất ngờ. Đèn đường
vẫn sáng, không hề nghe có tiếng còi báo động oanh tạc cho đến
khi những máy bay Nhật trút bom xuống, làm 60 người chết và 130
người bị thương. Nhưng tin tức về vụ không kích này đã bị giấu bớt.
Bộ phận kiểm duyệt còn chặn bớt tin tức về việc các ụ tàu ở cảng
Keppel, căn cứ hải quân ở Sembawang và các căn cứ không quân ở
Tengah và Seletar cũng bị tấn công.
Sinh viên ở Đại học Raffles rất xôn xao về chuyện này. Những sinh
viên gốc trong nội địa liền chuẩn bị đáp tàu về quê. Hầu như ai cũng
tin Singapore sẽ là mục tiêu chính, do đó cẩn thận nhất là lui về
vùng thôn quê trong nội địa Malaya là nơi hy vọng tránh được máy
bay thả bom của Nhật. Ban giám hiệu của trường cũng bối rối y hệt
sinh viên. Chẳng ai chuẩn bị trước cho chuyện này cả. Hai ngày sau
chúng tôi nghe tin là cũng trong sáng hôm đó, quân Nhật đã tiến
vào Kota Bharu ở bang Kelantan. Sau cùng thì nội địa Malaya cũng
không thoát.
Trong vòng vài ngày, khu ký túc xá hầu như trống trơn. Các buổi
học bị đình lại và sinh viên được kêu gọi tham gia đơn vị sinh viên
trợ y MAS (Medical Auxiliary Service). Tôi đã tình nguyện gia nhập
đơn vị này và mỗi ngày đạp xe ba dặm từ nhà (từ 1935 gia đình tôi
đã dọn về đường Norfolk) tới đơn vị của mình trong trường đại học.
Chúng tôi không được phát đồng phục – chẳng có thời gian cho việc
đó – nhưng mỗi đứa được một cái nón thiếc, một băng đeo tay có
hình chữ thập đỏ và hưởng trợ cấp 60 đôla một tháng, thế là chúng
tôi làm việc theo lịch phân công suốt ngày đêm. Chúng tôi được chia
thành từng nhóm sáu người. Chẳng có gì phải sợ hãi, mà chỉ có sự
hào hứng phải ghìm nén lại, sự hào hứng khi được sống trong chiến
tranh và dự vào những trận đánh thực sự.
Nhưng cuộc chiến không thuận lợi chút nào. Chẳng bao lâu đã
nghe từ nội địa Malaya truyền ra tin tức về những trận đại bại ở tiền
tuyến, chuyện quân Nhật dễ dàng xuyên thủng phòng tuyến Anh và
tràn qua các đồn điền cao su tiến chiếm dọc bán đảo Malaya, dùng
xuồng tam bản đổ bộ sau phòng tuyến Anh và buộc họ phải tiếp tục
triệt thoái. Rất nhiều gia đình người da trắng – chủ đồn điền và viên
chức dân sự cùng vợ con họ – bắt đầu từ trong nội địa kéo ra. Hẳn
là cũng có cả những gia đình bản xứ có quyền thế nữa nhưng họ
không xuất hiện lộ liễu. Họ có lẽ đã dọn tới nhà bạn bè hay bà con
rồi lặng lẽ rời bến cảng Tanjong Pagar đi khỏi Singapore vì sợ người
Nhật sẽ trả thù việc họ đã giúp đỡ người Anh, hoặc đã đóng góp vào
quỹ ủng hộ Tưởng Giới Thạch kháng Nhật tại lục địa Trung Quốc.
Đến tháng 1, lực lượng Nhật tiến đến gần Johor và máy bay của
họ ném bom Singapore cả ngày lẫn đêm. Tôi có nạn nhân cứu
thương đầu tiên vào buổi chiều nọ trong một ngôi làng tại Bukit
Timah. Một số đơn vị MAS đi tới đó bằng những chiếc xe buýt trang
bị thành xe cứu thương. Một trái bom đã rơi xuống gần đồn cảnh sát
và có một số nạn nhân. Đó là một hình ảnh kinh hoàng, và lần đầu
tiên tôi nhìn thấy máu đổ, người bị thương và chết.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 31/1, tôi và Maurice Baker, một sinh viên
quê ở Pahang, ngồi trên bờ rào khu hành chính của trường đại học
trong khi chờ đi công tác cứu thương, thì đột nhiên có tiếng nổ rung
chuyển mặt đất. Cả hai chúng tôi đều sững sờ và tôi buột miệng:
“Thế là kết thúc Đế quốc Anh!” Lúc đó giáo sư Dyer, hiệu trưởng Đại
học Raffles, đi ngang qua, nghe câu tôi nói, ông nhìn ra chỗ khác,
rồi đi tiếp.
Cũng buổi sáng đó, tất cả lực lượng Anh từ Johor rút ra đảo. Hôm
sau, báo chí đăng hình binh đoàn Argyll và Sutherland xứ Scotland,
lực lượng cuối cùng vượt đường đê nối Singapore với đất liền, trong
tiếng kèn của họ, tuy rằng họ chỉ còn hai chiếc kèn. Nó gây cho tôi
một ấn tượng lâu dài về sự bình thản của người Anh trong khi đói
mặt với một chiến bại gần kề. Lực lượng Công binh hoàng gia đã giật
mìn phá đứt đường đê ở phía gần Johor. Đó là tiếng nổ mà tôi và
Maurice nghe thấy. Nhưng họ cũng cho nổ cả đường ống dẫn nước
từ Johor ra đảo. Cuộc phong tỏa Singapore đã bắt đầu.
Một sáng nọ đạp xe về nhà, vẫn đội cái nón thiếc và đeo bảng tay,
tôi gặp một đoàn xe nhà binh đậu dọc đường Stevens. Đứng cạnh
đó là những người lính Úc cao lớn đội thứ mũ mềm rộng vành và
trông rầu rĩ. Họ có vẻ hoảng sợ và mất tinh thần. Tôi dừng lại để hỏi
mặt trận đã tới gần cỡ nào rồi. Một người lính nói: “Thua rồi, đây,
cầm lấy.” Và đưa súng của anh ta cho tôi. Tôi hoảng hồn và chấn
động. Không lẽ đã tuyệt vọng đến thế rồi sao? Tôi từ chối khẩu súng
và cố gắng trấn an với anh ta là trận đánh chưa kết thúc thì chưa
phải là thua. Nhưng với toán lính đó, trận đánh ấy coi như đã thua.
Tôi không tưởng tượng được họ đã nếm qua những kinh nghiệm
khủng khiếp thế nào.
Sau chiến tranh tôi đọc được tin là có mấy tiểu đoàn Úc được phái
sang Trung Đông và tàu của họ bị dạt vào Singapore. Họ tới đây chỉ
ba tuần trước khi hòn đảo này thất thủ, và được đưa vào chiến đấu
trong nội địa nhưng cũng bị đánh bật ra ngay. Họ chuẩn bị để chiến
đấu tại các sa mạc Bắc Phi, có thể là tại Lybia để chống lại lực lượng
của Rommel. Rồi bỗng dưng họ thấy mình bị đưa vào rừng già nhiệt
đới, đối mặt với người Nhật. Đó là bi kịch cho họ, và là điều tai hại
cho tinh thần chiến đấu của các đội quân Anh và Ấn được họ tới tiếp
viện.
Trong khi đó, cha tôi, vốn đang làm quản lý cho kho xăng của
hãng Shell tại Batu Pahat, cách bờ biển Tây Malaya độ 100 dặm về
phía Bắc, đã được lệnh rút lui. Ông trở lại đảo bằng chiếc xe hơi nhỏ
xíu trước khi đường đê bị phá đứt. Chúng tôi vẫn hy vọng pháo đài
Singapore sẽ cầm cự được. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thiệt hại nhân
mạng nhưng rồi người Anh sẽ tiến công và sau cùng chúng tôi được
cứu thoát. Nhưng từng ngày qua – hay thực ra là từng giờ qua, sau
tuần lễ đầu của tháng 2 – tôi ngày càng cảm thấy, trong thâm tâm,
rằng Singapore chẳng phải Malta6 và nó chẳng chịu được cuộc phong
tỏa lâu dài.
Giữa tháng 1, các trường học đóng cửa. Khi đạn pháo kích ngày
càng rơi gần trung tâm thành phố, mẹ tôi đề nghị cả nhà dọn về chỗ
ông ngoại vốn nằm ngoài ngoại ô và ít có nguy cơ trúng pháo kích
hơn. Tôi ủng hộ việc này nhưng nói với bà rằng tôi sẽ ở lại để coi
chừng ngôi nhà trên đường Norfolk này, đồng thời tiếp tục đi làm
công tác trợ y tại đại học Raffles. Tôi sẽ không ở một mình vì ông
Koh Teong Koo, người làm vườn của gia đình, cũng ở lại để coi sóc
nhà cửa khi tôi đi công tác ở trường. Ông chính là người đã kéo xe
đưa đón đám em tôi đi học mỗi ngày từ năm 1937. Chúng tôi đã đào
một hầm tránh bom, nóc bằng gỗ đắp đất, trong đó mẹ tôi chất đầy
gạo, muối, tiêu, nước tương, cá muối, đồ hộp, sữa đặc và tất cả
những gì chúng tôi cần trong một thời gian dài. Tiền bạc không
thành vấn đề vì hãng Shell đã rộng rãi trả cho cha tôi liền mấy
tháng lương khi ông được lệnh rút khỏi kho xăng ở Batu Pahat.
Giữa khung cảnh đen tối ấy, tôi vẫn đi xem phim được vài lần mỗi
khi không có công tác. Nó giúp tôi quên đi tương lai ảm đạm trong
vài giờ. Một chiều cuối tháng 1, tôi ráng ngồi xem cho hết một phim
hài ở rạp Cathay. Ở cảnh nọ có một trái bom sắp nổ, nhưng nó chỉ
kêu bốp một tiếng nhỏ rồi rã ra từng mảnh. Đó là một trái bom hư.
Khi vỏ bom vỡ, dòng nhãn hiệu hiện ra “Made in Japan”. Thật trớ
trêu! Hai tháng qua, Singapore đã nếm mùi sức công phá của bom
và đạn pháo Nhật, vậy mà tôi còn được xem một bộ phim cười cợt
người Nhật – mô tả họ như những người chân vòng kiềng, mắt lé,
không thể bắn cho thẳng đích hay đóng những chiếc tàu có thể chịu
được một cơn bão và chỉ có thể chế được những vũ khí kém cỏi. Sự
thật đáng buồn là trong hai tháng qua, từ 8/12, họ đã chứng tỏ rằng
họ có lòng can đảm và tài năng quân sự để tạo ra những thắng lợi
ngoạn mục trước quân đội Anh. Nhiều năm sau, Thủ tướng Winston
Churchill viết về cuộc thất thủ Singapore như một “thảm họa trầm
trọng nhất và vụ đầu hàng lớn nhất trong lịch sử Anh.”
Quân đội chiếm đóng trường đại học ngày 10/2 khi lực lượng Anh
trên đường triệt thoái, và hai ngày sau đơn vị MAS phải giải thể.
Những ngày đầu tôi ở ngôi nhà ở đường Norfolk, nhưng khi pháo
kích ngày càng gần, tôi đã về với gia đình ở Telok Kurau. Hôm sau
chúng tôi nghe tiếng súng trường xa xa, rồi nhiều hơn và gần hơn.
Không có tiếng súng đại bác, pháo kích hay bom. Tôi tò mò đi ngõ
cổng sau ra đường Lorong L, giáp với khu xóm nơi tôi vẫn chơi với
đám trẻ con nhà ngư dân hồi xưa. Đi chưa được hai chục thước theo
con đường đất, tôi thấy hai người mặc quân phục xám, khác với thứ
màu xanh pha nâu của quân Anh. Họ quấn xà cạp và đi giày vải đế
cao su, mũi giày tách các ngón chân ra, một bên là ngón cái và một
bên là các ngón còn lại. Sau này tôi được biết là kiểu giày ấy giúp họ
bám chắc hơn trên mặt đất lầy trơn trượt. Cái làm họ trông lạ mắt
nhất là thứ nón kếp bằng vải mềm có vạt phía sau phủ xuống cổ. Đó
là những người lính nhỏ thó, lạ mắt, cầm súng trường gắn lưỡi lê
dài. Người họ tỏa mùi nồng nặc, thứ mùi mà tôi sẽ không bao giờ
quên. Đó là mùi của người không tắm giặt sau hai tháng đánh nhau
theo những con đường mòn trong rừng hay đồn điền suốt từ Kota
Bahru về tận Singapore.
Phải mất vài giây tôi mới nhận ra họ là ai. Quân Nhật! Một nỗi sợ
hãi khủng khiếp chụp lấy tôi. Nhưng họ đang lùng kiếm quân địch.
Rõ ràng tôi không phải thứ đó nên họ chẳng chú ý và cứ đi tới. Tôi
chạy trở vô nhà và kể lại mọi chuyện. Chúng tôi đóng kín cửa nẻo,
tuy rằng chỉ có Chúa mới biết chúng có che chở gì được cho chúng
tôi hay không. Quân Nhật, sau những trò tàn bạo của họ tại Trung
Quốc năm 1937, đã khiến dân chúng rất sợ hãi, nhất là sợ trò cướp
phá và hãm hiếp. Nhưng đã không có gì đáng kể xảy ra cho đến hết
ngày hôm đó. Lực lượng Anh đã mau lẹ rút vào trung tâm thành phố
mà không có kháng cự gì mấy.
Hôm sau, ngày 15/2, là Tết Nguyên đán, ngày lễ lớn nhất trong
năm của người Hoa, thường được chào mừng với quần áo, giầy dép
mới cùng đủ thứ món ăn và bánh trái cổ truyền. Đó là cái Tết u ám
nhất kể từ khi người Hoa có mặt trên đảo này năm 1819. Cũng có
tiếng chạm súng ở phía Bắc và gần thành phố, rồi tiếng súng cối và
đại bác nổ xa xa, nhưng không có gì xảy ra ở Telok Kurau. Quân
Nhật đã tiến vào nội ô.
Đêm đó tiếng súng ngớt. Rồi có tin rằng người Anh đã đầu hàng.
Hôm sau, một số bạn bè từ nội thành ra cho hay người ta hôi của
khắp nơi. Những ngôi nhà của người Anh và người Âu khác bị chính
bọn tài xế và làm vườn dọn sạch. Chuyện này làm gia đình tôi lo
lắng. Căn nhà ở đường Norfolk với đủ thứ thực phẩm dự trữ rất cần
cho chúng tôi trong thời gian dài nữa, bây giờ ra sao rồi? Mẹ tôi
đồng ý để tôi với Teong Koo, người làm vườn, đi bộ tám dặm từ Telok
Kurau về Norfolk. Chúng tôi đi hai tiếng mới tới. Dọc đường tôi thấy
những người Malay khiêng đồ đạc và đủ thứ món ra khỏi những căn
nhà lớn. Người Hoa thì lùng sục các kho hàng để tìm những món ít
cồng kềnh nhưng lại có giá trị hơn. Một khu nhà gỗ cũ kỹ cách nhà
chúng tôi độ hai căn đã bị cỡ hai chục gia đình chiếm cứ. Đàn ông
trong đó là các tài xế. Nhưng họ chưa tấn công nhà chúng tôi. Có
thể lấy được nhiều món tốt hơn trong các ngôi biệt thự lúc này đã
sạch bóng người Âu vì họ đã bị tập trung và tống giam. Tôi đã trở về
đúng lúc.
Suốt hai tiếng đi bộ từ Telok Kurau về Norfolk, tôi đã trông thấy
một Singapore với guồng máy an ninh trật tự bị dừng lại. Quân Anh
đã đầu hàng. Cảnh sát địa phương – gồm các hạ sỹ quan người Ấn
và người Hoa cùng các binh sĩ người Malay – đều đã biến mất, họ sợ
người Nhật sẽ xem họ như phần tử trong guồng máy quân đội Anh.
Lính Nhật thì chưa xác lập sự có mặt của họ trong thành phố. Mỗi
người tự có luật của mình.
Do thói quen, đa số dân chúng vẫn tôn trọng pháp luật. Nhưng khi
các ông chủ đã biến mất, những kẻ táo tợn đã thừa cơ hội để cướp
phá các nhà kho, các cửa hàng bách hóa và cửa hiệu của các công
ty Anh, lấy đi những của cải mà họ coi như chiến lợi phẩm hợp pháp,
tình trạng này kéo dài vài ngày cho đến khi người Nhật phục hồi
được trật tự; họ khiến dân chúng khiếp sợ bằng cách bắn hay chặt
đầu vài kẻ hôi của họ tình cờ bắt được và bêu đầu chúng trên những
cây cầu lớn hay ngã tư đường chính.
Quân Nhật cũng đi trấn lột. Trong những ngày đầu, bất kỳ ai đi
trên đường có một cái bút máy hay đồng hồ cũng có thể bị tước
mất. Lính tráng có thể chính thức vào nhà để lục soát, hoặc giả vờ
làm như thế, nhưng thực ra là để lấy đi những món nho nhỏ có thể
mang theo bên mình. Ban đầu, họ cũng lấy cả những chiếc xe đạp
tốt nhất, nhưng vài tuần sau thì họ ngưng. Họ chỉ ở Singapore ít lâu
rồi sẽ đi Java hay một đảo nào đó trong khu quần đảo để chiến đấu
và giành những lãnh thổ mới. Họ không thể mang những chiếc xe
đạp đó theo.
Việc cướp phá những biệt thự và nhà kho của các ông chủ người
Anh đã biểu tượng cho sự kết thúc một thời kỳ. Những người ra đời
sau năm 1945 khó mà hiểu hết ý nghĩa sâu xa của việc người Anh
thất thủ, vì những người trẻ ấy không có ký ức gì về chế độ thuộc
địa bị người Nhật đánh đổ vào ngày 15/2/1942. Từ năm 1819, khi
Raffles xây dựng Singapore thành một thương điếm cho Công ty
Đông Ấn của Anh, vị trí thượng đẳng của người da trắng đã là một
điều đương nhiên. Tôi không hiểu điều đó đã xảy ra thế nào, nhưng
khi tôi bắt đầu đi học năm 1930, tôi đã ý thức rằng người Anh là ông
chủ lớn, và những ai da trắng cũng là chủ nốt – có thể lớn, có thể
kém hơn chút, nhưng tất cả đều là chủ. Bọn họ không đông, chỉ độ
tám ngàn. Họ có lối sống thượng lưu và xa cách hẳn người châu Á.
Các quan chức chính quyền có những căn nhà lớn tại những khu
sang trọng, có xe hơi với tài xế riêng và nhiều kẻ hầu người hạ. Họ
dùng thực phẩm thượng hạng với rất nhiều thịt và các sản phẩm
sữa. Ba năm một lần, họ lại về quê bên nước Anh nghỉ từ ba tới sáu
tháng để phục hồi sau khi đã mệt mỏi vì khí hậu xích đạo ở
Singapore. Con cái họ cũng về chính quốc để học hành, chứ không
học các trường ở Singapore. Bọn con cái này cũng sống một đời
thượng lưu.
Tại Đại học Raffles, ban giảng huấn đều là người da trắng. Có hai
người giỏi nhất trong số sinh viên địa phương đã tốt nghiệp, có bằng
hạng ưu về hóa và lý, thì cũng chỉ được làm nhân viên phòng thí
nghiệm và lãnh lương thấp hơn rất nhiều, rồi họ phải đi London để
học lấy bằng BS (cử nhân khoa học) để giữ được vị trí đó. Một trong
những sinh viên giỏi nhất đã tốt nghiệp ngành khoa học xã hội vào
thời đó, với bằng hạng ưu về kinh tế, tên là Goh Keng Swee (sau trở
thành Phó thủ tướng), cũng chỉ làm trợ giảng, chứ không được làm
giảng viên.
Không có vấn đề bất mãn ở đây. Vị thế thượng đẳng của người
Anh trong chính quyền cũng như trong xã hội đã là chuyện đương
nhiên. Xét cho cùng, họ chính là dân tộc hùng cường nhất thế giới.
Họ có một đế quốc lớn nhất trong lịch sử, trải khắp mọi múi giờ trên
địa cầu, trên khắp năm châu bốn bể. Chúng tôi biết điều đó khi học
sử trong trường. Để cai trị, họ chỉ có vài trăm đội quân tại Singapore
phục vụ luân phiên. Những toán quân thường gặp nhất là đóng tại
đồn Canning gần trung tâm thành phố. Có lẽ chỉ có độ một hai nghìn
lính tất cả để duy trì nền cai trị thuộc địa với khoảng sáu hay bảy
triệu dân tại Các thuộc địa vùng eo biển và các bang Malay.
Người Anh rêu rao rằng họ cần có mặt ở Malaya để bảo vệ người
Malay, nếu không họ sẽ bị những người nhập cư cần cù hơn lấn lướt.
Nhiều người Hoa và người Ấn được mang đến đây làm nhân công
hợp đồng và được chấp nhận vì người Malay không thích những
công việc trong hoạt động thương mại hay ở đồn điền, như cạo mủ
cao su, xây cầu đường, làm thư ký, kế toán hoặc bán hàng.
Một thiểu số những người châu Á nổi bật đã được phép hòa nhập
với các ông chủ da trắng, một số được chỉ định làm thành viên
không chính thức trong Ủy ban hành pháp hoặc Tư pháp của Thống
đốc Anh. Hình ảnh của họ cùng các bà vợ xuất hiện trên báo chí,
chụp cảnh họ tham dự những bữa tiệc trong vườn, những bữa tối
trong Dinh chính phủ, cúi đầu hoặc gập người trước Thống đốc Anh
và bà vợ, các bà thì mang găng tay trắng theo đúng nghi thức và tất
cả đều có cung cách hết sức lịch sự. Một số còn được phong tước,
những kẻ khác thì mong rằng sau một thời gian dài phục vụ trung
thành, họ cũng sẽ được như vậy. Họ được các quan chức da trắng
bảo trợ, nhưng cũng chấp nhận thân phận thuộc cấp của mình một
cách rất tự tin, vì họ cũng nghĩ mình cao quý hơn những người châu
Á khác. Ngược lại, bất kỳ người Anh, người Âu hay Mỹ nào cư xử lôi
thôi hay trông như dân du thủ du thực lập tức sẽ bị tống khứ vì họ
sẽ làm bôi bác toàn thể dân da trắng, mà người ta muốn không ai
được hồ nghi gì về tính thượng đẳng của sắc dân này.
Cha mẹ và ông bà tôi đã nuôi tôi lớn để quen thấy đây là trật tự
bình thường của mọi sự. Tôi không nhớ ra đã từng có người bản xứ
nào, bằng lời lẽ hay hành động, từng nghi vấn về chuyện này.
Không người nào tiếp nhận nền giáo dục Anh lại có xu hướng đấu
tranh đòi bình đẳng cho người châu Á. Hồi đó tôi không biết rằng có
nhiều người Hoa, được học trong trường Hoa ngữ và không hội nhập
với chế độ thuộc địa. Thầy giáo của họ từ Trung Quốc tới, và họ
không thừa nhận sự tối thượng của người da trắng, vì họ không bị
giáo dục và nhồi sọ để đi tới chỗ thừa nhận tính ưu việt và sứ mạng
của Đế quốc Anh. Sau chiến tranh tôi mới biết nhiều hơn về họ.
Đó là tình hình Singapore và Malaya mà 110.000 lính Nhật đã
chiếm được, đồng thời bắt giữ hơn 130.000 quân Anh, Ấn và Úc.
Trong vòng 70 ngày bị bất ngờ lúng túng và sai lầm, xã hội thuộc địa
Anh tan rã, kéo theo nó là huyền thoại về tính ưu việt của người
Anh. Ai cũng nghĩ người châu Á sẽ hoảng loạn khi có tiếng súng nổ,
vậy mà họ lại là những người gan dạ, đón nhận chuyện bị thương
hay chết chóc mà không sợ hãi. Chính những ông chủ da trắng mới
là kẻ rúc dưới gầm bàn khi bom hay đạn pháo kích nổ. Những người
da trắng dân sự hoặc viên chức chính quyền tại Penang, trong đêm
khuya ngày 16/12/1941, đã bỏ chạy về lánh tại Singapore, bỏ mặc
người dân bản xứ tự lo thân. Binh sĩ Anh triệt hạ mọi công sự họ có
thể phá rồi rút lui. Bệnh viện, các cơ sở dịch vụ công và các dịch vụ
cần thiết khác bị bỏ trống không người điều hành. Không có lính cứu
hỏa để chữa cháy và không có viên chức để coi sóc việc cấp nước.
Những người da trắng điều hành đã bỏ đi. Những chuyện về việc họ
cuống cuồng đạp lên người khác để cứu lấy thân mình đã khiến
người châu Á nghĩ rằng họ ích kỷ và hèn nhát. Nhiều người dĩ nhiên
là có cường điệu và không trung thực khi kể lại những chuyện ấy,
nhưng họ cũng có đủ dữ kiện để làm như thế. Người da trắng cũng
sợ hãi và hoang mang không biết phải làm gì như người châu Á vậy,
nếu không muốn nói là còn thậm tệ hơn. Người châu Á đã trông chờ
họ lãnh đạo và họ đã làm mọi người thất vọng.
Người Anh đã xây dựng một huyền thoại về tính ưu việt cố hữu
của họ một cách đầy thuyết phục đến nỗi hầu hết dân bản xứ cho
rằng kháng cự lại họ là vô vọng. Nhưng bây giờ một dân tộc châu Á
đã dám thách thức họ và đập tan huyền thoại. Tuy nhiên, một khi
người Nhật nắm quyền cai trị như những người chiến thắng, họ đã
mau chóng cho người bản xứ thấy rằng họ còn tàn bạo, bất công và
hà khắc hơn cả người Anh. Trong ba năm rưỡi chiếm đóng, bất cứ
lúc nào tôi cũng thấy người Nhật hành hạ, đánh đập hay bạc đãi
người dân, tôi lại mong rằng người Anh vẫn còn tại vị. Là dân châu Á
với nhau, họ đã khiến chúng tôi tỉnh ngộ, nhưng rồi người Nhật cũng
thấy xấu hổ khi bị đồng hóa với các dân tộc châu Á khác mà vốn họ
coi như hạ đẳng về chủng tộc và thấp kém về trình độ văn minh. Họ
là con cháu của Thái Dương thần nữ, Amaterasu Omikami Sama,
một dân tộc được tuyển chọn, khác biệt và tách bạch khỏi đám
người Hoa, Ấn và Malay ngu dốt.
Lần đầu tiên tôi đụng chạm với người Nhật là trong một lần tôi đến
thăm bà dì, em gái của mẹ tôi, ở đường Kampong Java, bên kia cầu
Red bắc qua con kênh Bukit Timah. Khi đến gần cây cầu, tôi thấy
một lính Nhật đi tới đi lui trên cầu. Có bốn năm lính khác đang ngồi
gần đó, có lẽ cùng toán gác cầu với anh ta. Tôi đang đội một chiếc
mũ mềm rộng vành, thứ của lính Úc, vốn quăng đầy đường trong
những ngày trước khi họ đầu hàng. Tôi đã nhặt một cái, nghĩ rằng
nó có thể giúp tôi che nắng trong quãng thời gian gian nan sắp tới.
Khi tôi đi ngang qua chỗ đám lính, tôi cố làm ra vẻ hết sức bình
thường. Nhưng chúng không chịu để ai đi qua mà không thèm chào
hỏi chúng như vậy. Một tên lính quát lên: “Kore, Kore!” rồi ra hiệu
cho tôi. Khi tôi tới gần, hắn thọc lưỡi lê vào vành mũ của tôi và hất
nó văng đi, hắn tát tôi đến xoay cả người rồi ra hiệu bảo tôi quỳ
xuống. Hắn đạp chân vào ngực tôi khiến tôi té thẳng cẳng trên mặt
đường. Khi tôi bò dậy, hắn ra hiệu bắt tôi phải quay trở về. Tôi đã
thoát nạn một cách nhẹ nhàng. Nhiều người khác không biết cách
cư xử mới và không cúi chào các lính Nhật ở các ngã tư hay trên cầu
đã bị bắt quỳ gối hàng giờ dưới nắng và giơ cao một cục đá nặng
trên đầu cho đến khi rã rời cả hai tay.
Một buổi chiều, ngồi ở hàng hiên căn nhà của chúng tôi trên đường
Norfolk, tôi thấy một lính Nhật trả tiền cho một phu kéo xe. Người
phu xe phàn nàn, xin thêm gì đó. Tên lính nắm lấy tay ông ta,
quăng qua vai phải của hắn và bằng một đòn judo, hắn quật văng
ông ta lên không trung. Ông ta rơi sấp mặt xuống đường. Một lát
sau, ông ta lồm cồm bò dậy, đứng vào giữa hai càng xe và lảo đảo
kéo xe đi. Tôi choáng váng trước cảnh nhẫn tâm đó.
Ngày hôm sau, tôi còn học được một bài học nữa trên cầu Red.
Một chiếc xe mới chiếm đoạt được chạy ngang qua, xe có một lá cờ
nhỏ màu xanh, cờ hiệu cấp thấp nhất – cờ vàng dành cho tướng
lĩnh, cờ đỏ cho cấp tá và cờ xanh cho cấp úy. Tên lính hơi chậm trễ
trong việc đứng nghiêm chào. Chiếc xe đã chạy qua nhưng nó thắng
lại và quay đầu. Một sỹ quan chui ra, bước tới chỗ tên lính và tát
hắn ba cái thật mạnh, cầm tay tên lính đưa qua vai, và cũng bằng
một đòn judo như tôi đã thấy hôm trước, gã sỹ quan quẳng tên lính
lên trời. Tên lính cũng té sấp mặt xuống như ông phu xe nọ vậy. Lần
này tôi ít choáng váng hơn. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng sự tàn bạo là
một phần trong hệ thống quân đội Nhật, ăn sâu bén rễ qua nhiều
lần đánh đập vì những vi phạm nhỏ.
Cũng trong ngày hôm đó, một hạ sỹ quan Nhật và vài tên lính vào
nhà tôi. Chúng xem xét qua loa, thấy rằng chỉ có tôi và Teong Koo ở
nhà và quyết định đây là chỗ trú thích hợp cho một trung đội. Thế là
mở đầu một cơn ác mộng. Tôi đã từng chữa răng ở một nha sĩ Nhật
trên đường Bras Basah, ông ta và các y tá đều cực kỳ sạch sẽ và
ngăn nắp. Những nhân viên bán hàng người Nhật trong các cửa
hàng 10–xu trên đường Middle cũng vậy. Tôi không hề chuẩn bị đối
phó với thứ mùi tởm lợm của quần áo và thân thể không tắm giặt
của bọn lính Nhật này. Họ lùng sục khắp ngôi nhà. Họ tìm thức ăn,
thấy kho dự trữ của mẹ tôi và ăn sạch những gì chúng thích, nấu
nướng ngay ngoài trời. Tôi chẳng biết tiếng Nhật để trao đổi với họ.
Họ thì tỏ ý muốn bằng cách ra dấu và tiếng ầm ừ trong họng. Khi tôi
chậm chạp không hiểu ra ý của họ, tôi bị chửi rủa và tát tai thường
xuyên. Họ là những con người kỳ lạ, không cạo râu chải tóc, nói một
thứ ngôn ngữ cộc cằn hung hãn. Họ làm tôi phát sợ và ngủ chập
chờn không yên. Sau ba ngày khốn khổ, họ bỏ đi.
Trong khi trung đội này đóng tại nhà tôi, thì lực lượng Anh, Ấn và
Úc xếp hàng đi vào trại giam. Cuộc diễu hành của họ bắt đầu vào
ngày 17/2/1942, và suốt hai ngày một đêm họ cứ nện gót ngang
qua nhà tôi, vượt qua cầu Red đi về hướng Changi. Tôi vẫn ngồi
ngoài hàng hiên cả mấy tiếng đồng hồ nhìn họ đi qua, trái tim tôi
nặng như chì. Nhiều người trông buồn bã, tuyệt vọng, bối rối vì họ
đã bị đánh bại quá dễ dàng và quá dứt khoát. Hình ảnh đoàn quân
đầu hàng quả là một cảnh não lòng.
Vẫn có một số người khiến tôi kính trọng và ngưỡng mộ. Trong số
họ có những người Scotland mà tôi dễ dàng nhận ra qua cái mũ của
họ. Cho dù bại trận, họ vẫn giữ thẳng người và đi đều bước – “Trái,
phải, trái, phải, trái!” Người Gurkha7 cũng giống người Scotland. Họ
bước đi thẳng người, mạnh mẽ và bình thản ngay trong cảnh chiến
bại. Tôi thầm lên tiếng chào họ. Họ để lại trong tôi một ấn tượng lâu
dài. Sau này chính phủ Singapore có sử dụng một đại đội cảnh sát
người Gurkha để chuyên chống bạo động, suốt từ thập niên 1960
đến nay.
Lính Úc trông nản chí, đi không đều bước. Lính Ấn cũng vậy, trông
buồn bã và mất tinh thần. Có lẽ họ nghĩ đây chẳng phải cuộc chiến
của họ.
Ngay sau khi bọn lính Nhật rời khỏi nhà tôi, có tin đồn truyền
miệng rằng tất cả người Hoa phải tới đăng ký trình diện tại sân vận
động Jalan Besar. Tôi thấy gia đình người hàng xóm đi và nghĩ mình
cũng nên đi thì hay hơn, vì nếu tôi bị bắt gặp ở tại nhà, Kempeitai,
quân cảnh Nhật, sẽ trừng phạt tôi. Nên tôi với Teong Koo cùng đi.
Hóa ra, căn buồng của ông ấy trong khu nhà trọ dành cho các phu
kéo xe lại nằm trong một khu đã được rào dây kẽm gai. Mười nghìn
gia đình người Hoa bị nhồi nhét trong khu vực chật hẹp đó. Mọi lối ra
vào đều có lính Kempeitai đứng gác. Có một vài nhân viên dân sự,
người bản xứ hoặc dân Đài Loan, cùng làm việc với họ. Sau này tôi
được cho hay rằng nhiều người trong bọn họ là chỉ điểm, mặc dù tôi
không nhớ có nhận ra ai không.
Sau khi ngủ một đêm trong căn buồng của Teong Koo, tôi quyết
định đi ra qua một chốt kiểm soát, nhưng thay vì cho tôi qua, tên
lính gác ở đó ra hiệu cho tôi nhập bọn cùng một nhóm thanh niên
người Hoa. Tôi linh cảm thấy đây là điềm xấu nên ra dấu xin về
buồng thu dọn đồ đạc và tên lính đồng ý. Tôi trở về và trốn kỹ trong
buồng của Teong Koo suốt một ngày rưỡi. Rồi tôi thử đi qua chốt
kiểm soát đó lần nữa. Lần này, vì lý do gì đó không rõ, tôi được cho
đi qua và nhận một dấu đóng trên bả vai trái và trước ngực áo. Con
dấu có chữ kanji, hoặc đọc theo tiếng Hoa là jian, nghĩa là “đã kiểm
tra” in bằng một thứ mực không phai, sẽ là bằng chứng rằng tôi vô
tội. Tôi với Teong Koo đi bộ về nhà, lòng nhẹ nhõm.
Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được làm sao những quyết định ảnh
hưởng sinh tử tới con người lại được đưa ra một cách tùy tiện và
ngẫu nhiên như vậy. Tôi đã thoát trong đường tơ kẽ tóc khỏi một
chiến dịch được gọi là Sook Ching, nghĩa là “quét sạch” bọn nổi loạn,
theo lệnh của đại tá Masanobu Tsuji, người hoạch định chiến dịch
Malaya. Kế hoạch của ông ta được lời phê chuẩn của tướng
Tomoyuki Yamashita, chỉ huy lực lượng Nhật, đồng ý cho ông ta tiến
hành trừng phạt người Hoa ở Singapore vì đã góp quỹ ủng hộ phong
trào kháng Nhật của Trung Quốc, và vì trò tẩy chay hàng Nhật của
họ.
Ông ta còn chuyện khác phải thanh toán với Dalforce, một bộ
phận của lực lượng chí nguyện 1.000 người Hoa do các thủ lĩnh cộng
đồng địa phương tại Singapore thành lập để chống lại người Nhật.
Được đại tá John Dalley của Lực lượng đặc biệt Malaya tập hợp lại,
bộ phận này đã thu hút người Hoa thuộc mọi thành phần, những
người ủng hộ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, ủng hộ Đảng
Cộng sản Malaya kể cả một nhóm chừng 500 đảng viên cộng sản
đang ở trong tù và được người Anh phóng thích vào giờ chót. Một
khi được vũ trang, những quân chí nguyện này được phái tới phòng
thủ phía Đông sông Kranji bên cạnh Lữ đoàn 27 của quân Úc. Họ đã
chiến đấu điên cuồng, nhiều người đã chết, nhưng cũng làm người
Nhật thiệt hại nặng. Họ đã làm tên gọi Dalforce thành một huyền
thoại, đồng nghĩa với lòng dũng cảm.
Ngày 18/2, người Nhật đưa ra các thông báo, và cho lính vác loa
phóng thanh đi khắp thành phố ra lệnh cho tất cả người Hoa trong
độ tuổi từ 18 đến 50 đến trình diện tại năm điểm tập trung để được
điều tra. Bọn Kempeitai đi từng nhà thúc lưỡi lê lùa những người Hoa
chậm chân tới những điểm tập trung, nhiều người già, trẻ con và
phụ nữ cũng bị lùa vào đó.
Sau này tôi khám phá ra rằng những người bị chặn lại tại chốt
kiểm soát mà tôi đã qua được, đã bị đưa tới trường Victoria và giam
ở đó đến 22/2, rồi có bốn năm chục chiếc xe tải tới chở họ đi. Họ bị
trói tay ra sau lưng, chở tới bãi biển Tanah Merah Besar, cách đấy 10
dặm về phía bờ biển phía Đông, gần nhà tù Changi. Tại đây họ bị lùa
xuống, trói vào nhau và bị buộc đi xuống biển. Khi họ đi, người Nhật
cho nổ súng máy. Sau đó, để chắc chắn rằng họ đã chết, mỗi cái xác
còn bị đá, đâm lưỡi lê và làm nhiều trò khác. Chẳng ai buồn chôn
xác họ và chúng thối rữa dần khi bị sóng nhồi tới nhồi lui trên bãi.
Một vài người, nhờ phép lạ kỳ diệu, đã sống sót và kể lại chuyện
này.
Người Nhật công nhận đã giết khoảng 6.000 người Hoa trong chiến
dịch Sook Ching từ 18 đến 22/2/1942. Sau chiến tranh, một ủy ban
của Phòng thương mại Trung Quốc đã khai quật nhiều hố chôn tập
thể tại Siglap, Punggol và Changi. Người ta ước lượng số người bị
giết là khoảng từ 50 đến 100 nghìn người.
Trên lý thuyết, quân Nhật có thể biện minh hành động này như
một chiến dịch nhằm vãn hồi an ninh trật tự và đàn áp phong trào
kháng Nhật. Nhưng đây chỉ là sự trả thù đơn thuần, không xảy ra
trong lúc chiến trận mà xảy ra khi Singapore đã đầu hàng. Ngay cả
sau Sook Ching, vẫn còn những chiến dịch thanh trừng trong vùng
nông thôn, nhất là khu phía Đông Singapore, và thêm hàng trăm
người Hoa nữa bị hành hình. Tất cả đều là những người trẻ tuổi và
khỏe mạnh, có thể gây rối loạn sau này.
Khi trở lại Norfolk, căn nhà vẫn ở trong tình trạng bừa bộn như lúc
bọn lính Nhật bỏ đi, nhưng nó không bị hôi của và nhiều món dự trữ
vẫn còn. Vài ngày sau, gia đình tôi từ Telok Kurau trở về. Chúng tôi
cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Chúng tôi hiểu ra tình trạng bất trắc,
những cực nhọc hàng ngày và sự khốn khổ của thời Nhật chiếm
đóng mà người dân Singapore sẽ phải chịu đựng trong ba năm rưỡi
kế đó.
Hai tuần sau khi thất thủ, tôi nghe nói người Nhật cho dựng hàng
rào gỗ quanh những căn phố trên đường Cairnhill, trước đây đó là
nhà của những người Âu hay thương nhân châu Á nay đã rời
Singapore hoặc bị cầm tù. Đó là khu của dân trung lưu lớp trên. Tôi
đạp xe qua đó và thấy những lính Nhật xếp hàng dài theo vòng
xoay Cairnhill bên ngoài hàng rào. Tôi nghe dân cư gần đó nói rằng
bên trong khu ấy là những phụ nữ Nhật hay Hàn Quốc đã theo chân
quân đội để phục vụ cho binh lính trước và sau trận đánh. Đó là một
cảnh tượng kỳ lạ, một hai trăm thanh niên xếp hàng chờ tới phiên
mình. Tôi không nhìn thấy phụ nữ nào vào ngày đó. Nhưng có một
bảng thông báo viết bằng chữ Hán, người lân cận cho hay nó nói về
một khu “nhà giải trí”. Những nhà giải trí như vậy đã được lập ra ở
Trung Quốc. Bây giờ nó đến Singapore. Ít nhất có bốn khu nhà khác
như vậy. Tôi nhớ mình có đạp xe qua một khu nhà lớn trên đường
Tanjong Katong, với một hàng rào gỗ bao quanh chừng hai ba chục
ngôi nhà.
Hồi đó tôi nghĩ rằng quân đội Nhật đã có một giải pháp thực tế và
hữu hiệu cho những vấn đề như thế, hoàn toàn khác hẳn cách của
quân đội Anh. Tôi nhớ đến những cô gái ăn sương gạ gẫm đám lính
Anh đóng tại đồn Canning. Giới chỉ huy Nhật thừa nhận nhu cầu tình
dục và cung cấp điều đó cho lính của họ. Kết quả là chuyện hãm
hiếp ít xảy ra. Trong hai tuần đầu sau khi đầu hàng, dân Singapore
đã sợ rằng quân Nhật sẽ phóng tay cướp phá. Mặc dù cũng có
chuyện hãm hiếp nhưng chủ yếu là ở vùng nông thôn, nhưng đã
không xảy ra tình trạng như ở Nam Kinh năm 1937, tôi nghĩ những
khu nhà giải trí ấy là câu trả lời. Hồi đó tôi không biết rằng chính
quyền Nhật đã bắt cóc và cưỡng bách các phụ nữ Hàn Quốc,
Philippines và Trung Quốc phải thỏa mãn những nhu cầu của lính
Nhật tại mặt trận Trung Quốc và Đông Nam Á. Họ cũng buộc các phụ
nữ Hà Lan giải trí cho các sỹ quan Nhật.
Những người thuộc thế hệ chúng tôi vốn từng thấy những lính
Nhật bằng xương bằng thịt chắc không thể nào quên thái độ hầu
như không có tính người của họ trước cái chết trong chiến đấu. Họ
không sợ chết. Họ là những đối thủ đáng sợ và không cần gì nhiều
cũng có thể tiếp tục chiến đấu: những hộp thiếc đeo ở thắt lưng của
họ chỉ chứa ít cơm, đậu nành và cá muối. Suốt thời chiếm đóng,
hình ảnh thường thấy là những lính Nhật tập sử dụng lưỡi lê ngoài
bãi trống. Tiếng quát của họ khi đâm lưỡi lê vào các hình nộm nghe
thật kinh người. Nếu người Anh trở lại và tấn công xuống dọc theo
bán đảo Malaya thì hẳn thiệt hại sẽ rất lớn.
Khi trông thấy họ hàng ngày, tôi chắc chắn rằng chỉ cần tinh thần
chiến đấu thôi, họ đã là những chiến sĩ thuộc loại giỏi nhất thế giới.
Nhưng họ cũng có sự tàn bạo và hà khắc đối với kẻ thù y như quân
Hung Nô. Quân Mông cổ của Thành Cát Tư Hãn cũng không thể tàn
bạo hơn. Tôi không hề nghi vấn chuyện hai trái bom nguyên tử ở
Hiroshima và Nagasaki là có cần thiết hay không. Không có chúng,
hàng trăm nghìn thường dân ở Malay và Singapore, và hàng triệu
người nữa ở ngay nước Nhật hẳn đã bị tiêu diệt.
Cái gì đã khiến họ thành những chiến binh như thế? Người Nhật
gọi đó là võ sĩ đạo, hay Nippon seishin, tinh thần Nhật Bản. Tôi tin
rằng đó là sự giáo dục nhồi sọ có hệ thống về lòng tôn sùng Nhật
hoàng, về tính ưu việt của chủng tộc mình như một dân tộc đã được
lựa chọn để chinh phục mọi dân tộc khác. Tất cả bọn họ đều tin rằng
chết trong chiến trận vì phục vụ Nhật hoàng nghĩa là sẽ được lên
thượng giới và trở thành thần, trong khi tro thiêu xác họ được giữ
trong đền Yasukuni ở ngoại ô Tokyo.
Cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra dưới thời Nhật chiếm đóng. Ban
đầu mọi người đều thấy hoang mang. Cha tôi không có việc làm, tôi
không đi học, ba em trai và đứa em gái tôi cũng không đi học. Có rất
ít hoạt động trong xã hội. Chúng tôi cảm thấy nguy hiểm vây quanh.
Quen biết ai đó có chức quyền, dù là một người Nhật hay một ông
thông ngôn người Đài Loan làm việc cho người Nhật, cũng trở thành
chuyện rất quan trọng và có thể cứu mạng mình. Vài dòng chữ của
họ kèm chữ ký và dấu đóng cũng đủ để chứng nhận rằng bạn là
công dân tử tế và xác nhận tư cách tốt của bạn. Những giấy tờ như
thế được coi là rất có giá trị khi bạn bị lính Nhật chặn lại kiểm tra.
Nhưng an toàn nhất là ở nhà và tránh tiếp xúc hay xung đột với giới
cầm quyền.
Một trong những lần ra ngoài đầu tiên của tôi là vào trung tâm
thành phố. Tôi đi bộ hai dặm tới một tiệm sách cũ trên đường Bras
Basah chuyên bán sách học. Trên đường đi, tôi thấy một đám đông
gần lối vào rạp hát Cathay, nơi trước đây tôi đã xem bộ phim hài
cười cợt thứ bom của Nhật. Chen vào đám đông, tôi thấy đầu lâu
của một người Hoa, đặt trên một tấm ván nhỏ gắn trên đầu một cây
cột, bên cạnh đó có mấy dòng chữ Hán. Tôi không đọc được, nhưng
có người gần đó giải thích rằng nó cảnh báo điều gì người dân không
nên làm để phải chịu kết cục như thế này. Người bị chặt đầu này bị
bắt quả tang đang hôi của, và bất cứ ai không tuân luật lệ cũng sẽ
bị xử như thế. Tôi bỏ đi với cảm giác hãi hùng với người Nhật, nhưng
đồng thời tôi nghĩ rằng một bức ảnh chụp cảnh này mà đăng trên tờ
Life thì sẽ tuyệt vời thế nào. Tờ tuần báo Mỹ này sẽ trả tiền rất khá
cho một bức ảnh đầy tương phản như thế: một cao ốc hiện đại ở
Singapore làm nền cho một cảnh trừng phạt của thời trung cổ.
Nhưng rồi chắc người chụp ảnh cũng kết thúc số phận như tay hôi
của bị chặt đầu kia.
Tôi gặp phải cảnh rợn người ấy trên đường tới Bras Basah vì tôi đã
quyết định học chút ít tiếng Hoa để đọc được những thông báo của
họ. Tiếng Anh của tôi chẳng có giá trị gì với chế độ mới này. Học
tiếng Hoa thì tốt hơn học tiếng Nhật; ít nhất đó cũng là ngôn ngữ
của dân tộc tôi chứ không phải thứ tiếng của bọn chinh phục kia. Tôi
mua cuốn Mandarin Made Easy (Quan thoại giản lược) của Chiang
Ker Chiu, một cuốn sách mỏng chừng 30 trang dạy 700 chữ Hoa cơ
bản, cách viết và cách dùng chung với các từ khác.
Tôi thanh toán cuốn này trong một hai tuần và đi mua tiếp tập 2
của bộ sách. Sau này tôi mua luôn một bộ bốn cuốn do Trường
Trung Quốc Prinsep xuất bản, dạy ở mức cao hơn. Mỗi ngày mỗi học,
tôi thực tập luôn mấy tháng để viết được khoảng 1.200 đến 1.500
chữ và cố gắng nhớ được nghĩa của chúng. Nhưng tôi chẳng biết
được chúng phát âm ra sao. Trong tiếng Quan thoại, mỗi từ có một
trong bốn âm sắc. Các sách của tôi có chỉ dẫn chuyện đó, nhưng tôi
chẳng biết nói ra sao và cũng chẳng có ai để chỉ dạy tôi.
Trước những khó khăn như thế, dần dần tôi bớt thù ghét tiếng
Nhật hơn. Tôi khám phá ra rằng ngôn ngữ Nhật không phải chỉ toàn
chữ Hoa. Nó là một hệ thống vần và có hai cách viết katakana và
hiragana. Nếu người Nhật còn là kẻ thống trị ở Singapore trong
nhiều năm tới, và không những để tránh gặp rắc rối mà còn để kiếm
sống nữa, tôi sẽ phải học ngôn ngữ của họ. Do đó vào tháng
5/1942, tôi đăng ký cùng một nhóm học viên đầu tiên vào trường
Nhật ngữ mà giới cầm quyền mở ra trên đường Queen. Đó là một
khóa học ba tháng. Học viên thuộc đủ mọi lứa tuổi và trình độ, một
số học hết trung học, một số đang học đại học như tôi và số khác là
các công nhân trẻ trong độ tuổi hai mươi. Tôi học xong và có bằng
chứng nhận. Tôi thấy tiếng Nhật dễ hơn tiếng Quan thoại nhiều vì
nó không có âm sắc, nhưng văn phạm và các biến tố của nó thì
phức tạp hơn.
Ông nội tôi, Lee Hoon Leong, đã lâm bệnh nặng vào tháng 7, và
ba tuần sau khi tôi kết thúc khóa học thì ông mất. Trước đó tôi vẫn
đến thăm ông nhiều lần tại căn nhà trên đường Bras Basah, nơi ông
sống với cô con gái nuôi. Tôi thấy rất buồn cho ông. Không phải vì
ông bị bệnh mà vì ông phải chứng kiến thế giới của ông sụp đổ:
người Anh và tất cả những biểu tượng của họ đã bị lăng nhục và
đánh bại. Hải quân Anh, những thuyền trưởng Anh, kỷ luật, tài ba
và ưu thế tuyệt đối của họ trên mặt biển – tất cả đã bị bọn lính Nhật
trông kỳ cục kia hạ gục. Ông không thể hiểu làm sao một dân tộc lôi
thôi như thế lại có thể đánh bại các sỹ quan Anh kiêu dũng kia. Làm
sao bọn chúng đánh chìm được những con tàu như Prince of Wales
và Repulse, làm tan tác hạm đội Anh, bắn rơi máy bay của Không
quân Hoàng gia và bắt sống 130.000 lính Anh với một lực lượng chỉ
có 110.000 quân và bao vây Singapore có hai tuần lễ? Khi nhìn ông
ngày càng hôn mê đi, tôi đã nghĩ giá mà ông chết trước khi tất cả
những chuyện này xảy ra thì tốt cho ông hơn.
Những quan hệ hữu dụng của ông với Singapore dưới chế độ thuộc
địa đã đứt đoạn, nhưng ông có một người bạn Nhật, một ông tên là
Shimoda, người mà cha tôi đi tìm gặp vài ngày sau khi ông nội tôi
mất. Những khó khăn của thời chiếm đóng đã làm cha tôi điềm tĩnh
hơn. Ông trở nên có trách nhiệm hơn trong thời kỳ khó khăn. Ông
kiếm được công việc với bộ phận quân đội lo về tiếp tế xăng dầu và
cũng tìm được cho tôi công việc đầu tiên trong đời. Do cha tôi yêu
cầu và do tình cảm với ông nội tôi, ông Shimoda đã tìm cho tôi công
việc trong một thế giới mới với người Nhật đóng vai ông chủ lớn.
Tôi làm thư ký trong công ty của ông ta được một năm, sao chép
các hồ sơ để dùng trong công ty và thư từ với các công ty Nhật
khác. Khi công ty Shimoda đóng cửa, tôi xin được một chân thư ký
đánh máy ở bên kia quảng trường Raffles, trong một kumiai, tổ hợp,
kiểm soát những thực phẩm chính –gạo, đường, dầu ăn, muối và cả
thuốc điếu cũng như thuốc sợi nữa. Tôi lĩnh lương bằng đồng tiền do
quân Nhật phát hành, những đồng tiền có in hình những cây dừa và
cây chuối. Tiền này, người ta gọi là “tiền chuối”, không có số sêri và
mỗi tháng mỗi mất giá. Công việc này quý ở chỗ là lương còn được
trả bằng hiện vật – chừng 10 katis (khoảng 7 ký) gạo, đường, dầu
và quý nhất là thuốc lá. Những suất chế độ này quý hơn thứ tiền
chuối, vì mỗi tháng chúng lại khan hiếm hơn và trị giá nhiều tiền
chuối hơn.
Tôi làm việc cho kumiai được khoảng tám tháng, đến cuối năm
1943, thì đọc được một mẩu quảng cáo của Hodobu, bộ phận thông
tin tuyên truyền Nhật có trụ sở tại cao ốc Cathay, đăng trên tờ
Syonan Shimbun. Bộ phận này đang cần các biên tập viên tiếng
Anh. Tôi tới nơi và được George Takemura, một người Nhật sinh tại
Mỹ, phỏng vấn. Đó là một người gầy, cao, trắng trẻo, nói tiếng Anh
với giọng Mỹ. Ông ta không mặc quân phục sỹ quan Nhật mà mặc
đồ dân sự trong khối quản trị quân đội với năm ngôi sao xanh dương
– tương đương với cấp đại úy. Ông ta ăn nói nhỏ nhẹ, và thực ra là
người rất lịch sự. Ông hài lòng với tiếng Anh của tôi, và tôi hài lòng
vì đã tìm được một chỗ mà nhiều người mong muốn.
Công việc của tôi là theo dõi các hãng thông tấn của Đồng minh:
Reuters, UP, AP, Thông tấn xã trung ương Trung Quốc và TASS.
Những tin tức này được đánh đi bằng tín hiệu morse, và được các
hiệu thính viên của đài phát thanh Malay bắt được. Vào lúc chiều tối
thì tín hiệu không được tốt lắm, nên nhiều chữ bị ngắt mất. Tôi phải
giải mã và dựa theo toàn văn để đoán ra những chữ bị mất, cứ như
chơi trò ở chữ. Các mẩu tin phải được đối chiếu sắp xếp lại theo từng
mặt trận khác nhau và gởi từ tầng trên cùng của cao ốc Cathay
xuống tầng kế bên dưới để được cắt sửa và phát thanh. Tôi làm việc
ở đó được 16 tháng cho đến cuối năm 1944.
Đó là một cuộc sống kỳ lạ. Công việc của tôi bắt đầu lúc 7 giờ sáng
giờ Tokyo, tức 5 giờ 30 ở Singapore, cho đến khi trời sáng. Tín hiệu
vô tuyến rất kém cho tới nửa đêm giờ Tokyo. Nên trong ca đầu từ 7
giờ chiều đến 12 giờ trưa, công việc rất cực, nhưng ta được về sớm
để ngủ. Thời gian từ 12 giờ trưa tớí 9 giờ tối được chia làm hai ca,
với một đoạn nghỉ hai tới ba tiếng giữa hai ca. Tín hiệu lúc này khá
hơn, ít bị tạp âm ở những chữ hay đoạn câu bị lạc mất, nhưng cũng
có nghĩa là phải ngủ trong những giờ trái khoáy.
Mỗi ca làm việc đều có hai biên tập viên. George Takemura,
thường mặc đồng phục và không có áo khoác vì khí hậu nóng và
ẩm, có thể ghé vào mỗi tối vài lần, cho tôi và nhân viên biên tập kia
một gói thuốc lá Nhật trong suất chế độ của ông. Tôi phải luôn luôn
tỉnh táo, thỉnh thoảng ngủ chút đỉnh từ 4 đến 6 giờ sáng sau khi thu
xếp công việc với bạn làm cùng ca, rồi làm việc tiếp đến 9 giờ sáng,
khi tình hình sóng vô tuyến lại trở nên tồi tệ. Sóng tín hiệu trở nên
vô vọng khi trời nắng, nên các tín hiệu viên cũng kết thúc công việc
trong ngày. Tôi thường đi bộ hai dặm rưỡi từ cao ốc Cathay về
đường Norfolk để ăn bữa giữa sáng rồi đi ngủ thêm vài tiếng nữa.
Những ảnh hưởng tâm lý của công việc này còn kỳ cục hơn cả giờ
giấc làm việc nữa. Trong nhiều giờ liền, trong đầu tôi đầy những tin
tức về một cuộc chiến ngày càng trở nên bất lợi cho Nhật cũng như
cho Đức và Ý. Nhưng nếu nói chuyện này ra với người ngoài là sẽ
gặp nguy hiểm đến tính mạng. Ở tầng trệt của cao ốc Cathay có một
bộ phận của Kempeitai. Mỗi nhân viên làm ở đây đều có một tập hồ
sơ. Công việc của Kempeitai ở đây là bảo đảm không ai tiết lộ gì
được ra ngoài.
Từ cuối năm 1943, thực phẩm ngày càng khan hiếm. Hải quân
Nhật bị thua nhiều trận và thiệt hại nặng nề trong những trận ở đảo
Midway và vùng biển Coral8. Họ đã mất quyền kiểm soát mặt biển và
tàu của họ liên tục bị tàu ngầm Đồng minh bắn chìm. Ngay cả Thái
Lan, nước xuất khẩu gạo xưa nay, cũng không thể chuyển gạo sang
Singapore, hoặc do người Nhật không muốn trả tiền gạo hoặc do họ
không thể chuyên chở qua được.
Rơi vào cảnh phải ăn thứ gạo dự trữ ẩm mục trộn với gạo trồng ở
Malaya, chúng tôi đành tìm món thay thế. Mẹ tôi, cũng như nhiều
người khác, chế biến chút đỉnh gạo chúng tôi có được với bắp, kê và
những thứ rau củ mà lúc bình thường chúng tôi không hề đụng tới,
như rau lang, lá khoai mì nấu với nước dừa. Những thứ đó không
ngon miệng lắm, nhưng chúng làm đầy bụng tuy không có dinh
dưỡng cao. Cỡ một tiếng sau bữa ăn là anh em tôi bắt đầu thấy đói
kỳ lạ. Thịt là món xa xỉ. Chẳng có bao nhiêu bò hay cừu. Thịt heo thì
dễ mua hơn và chúng tôi có thể tự nuôi gà, nhưng cũng chẳng có
bao nhiêu thức ăn thừa để cho chúng ăn.
Tài tháo vát của mẹ tôi bị thử thách rất dữ trong thời chiếm đóng.
Khi tổng số tiền lương của cha tôi, em Dennis của tôi và cả tôi nữa
dần trở nên nhỏ nhoi vì lạm phát thì bà bắt đầu làm đủ thứ dịch vụ.
Là con gái một gia đình người Hoa xứ này, bà đã học được cách nấu
nướng và làm bánh. Bây giờ bà làm bánh để bán. Khi không còn
kiếm ra bột mì và bơ nữa thì bà dùng bột khoai mì, bột gạo, bột cọ,
nước dừa và đường thốt nốt. Từ sữa tươi bà làm được sữa đặc có
đường. Bà là một đầu bếp giỏi. Sau này, khi tôi làm thủ tướng, bà
vẫn dành thì giờ dạy nghệ thuật nấu ăn kiểu người Hoa cho các phụ
nữ xa quê hương, trong đó có cả các bà vợ của những viên chức
ngoại giao đoàn. Bà còn viết cuốn Mrs Lee’s Cookbook (Sách nấu ăn
của Bà Lee), bán khá chạy ngay cả sau khi bà đã mất.
Mọi thứ đều khan hiếm. Xe hơi thì biến mất, ngoài những chiếc
dùng cho quân đội hay các viên chức cao cấp. Một số dân địa
phương có xe hơi làm môi giới trong thị trường chợ đen. Việc buôn
bán rất sôi nổi với các mặt hàng thuốc tây đang ngày càng khan
hiếm, hay lấy từ những kho thuốc trữ từ hồi trước chiến tranh. Thứ
có giá nhất là Sulphonamide Pyridine. Những món hàng có lãi cao
khác là rượu như Johnnie Walker và Hennessy, thuốc lá Anh trong
hộp thiếc 50 điếu, nữ trang, bất động sản và tiền dùng trong Các
thuộc địa vùng eo biển (tiền Singapore dùng trước thời Nhật chiếm
đóng.)
Các tay môi giới hoạt động chủ yếu trên đường High hoặc Chulia,
gần quảng trường Raffles. Tôi tham gia hàng ngũ này vào năm 1944
và học cách trữ hàng, nhất là những món nữ trang nho nhỏ ngày
càng mất giá. Tôi mua những thứ đó, trữ vài tuần, rồi bán lại với giá
chắc chắn là cao hơn. Cũng rất dễ kiếm tiền nếu mình có những mối
mang làm ăn tốt. Ở đầu dây bên này là những người thuộc lớp trung
lưu đang phải bán tài sản của ông bà để mong sống còn. Mẹ tôi
quen biết rất nhiều phụ nữ gia đình khá giả trước đây, nay cần phải
bán nữ trang và tài sản tại một xứ Singapore đang ngày càng khan
hiếm thực phẩm. Bọn môi giới chúng tôi sẽ gạ bán những món đó
cho những người ở đầu dây bên kia. Đó là những người muốn bán
cho các viên chức Nhật đang nóng lòng đổi mớ tiền chuối thành
những món có giá trị lâu dài hơn, hoặc để tặng cho các sỹ quan
Nhật đã dành cho họ những hợp đồng béo bở.
Điều then chốt để sống còn là khả năng xoay xở. Một công việc do
tôi tiến hành đã thay đổi dòng đời của tôi. Khi làm môi giới trong chợ
đen, tôi gặp Yong Nyuk Lin, một sinh viên khoa học của Đại học
Raffles đang làm việc cho Công ty bảo hiểm hải ngoại trên đường
Chulia, Nyuk Lin và tôi thường đến một tiệm kim hoàn của hai anh
chàng người Hakka, cũng là sinh viên Raffles, làm với ông anh của
họ. Cửa tiệm đó là nơi gặp gỡ của các tay môi giới chuyên mua bán
các món nữ trang. Cửa tiệm Barsai trên đường Chulia của một người
Ấn chuyên bán văn phòng phẩm trước đó đã hỏi tôi có thể kiếm đâu
ra hồ dán cho văn phòng không, thứ này chỉ tồn kho một ít từ trước
chiếm đóng, nay đã cạn. Mình có thể tự làm được không? Tôi hỏi
Nyuk Lin có biết làm hồ dán không. Anh ta nói anh biết làm, bằng
bột khoai mì và một ít acid. Thế là tôi chi cho anh ta ít tiền để làm
thử.
Cách làm của Nyuk Lin là dùng một nồi lớn đổ đầy bột khoai mì đặt
trong một chảo dầu sôi. Anh ta dùng dầu dừa, một thứ rẻ và dễ
mua. Anh giữ dầu ở nhiệt độ cao để làm nóng bột khoai mì, thứ này
phải khuấy đều tay cho đến khi biến thành một chất sền sệt màu
vàng nâu. Nó có hình dạng và mùi như đường caramel. Anh ta thêm
nước và mớ caramel ấy tan thành một thứ hồ keo, sau đó anh thêm
chút acid carbolic làm chất bảo quản chống mốc. Thứ hồ dán này
được đóng vào chai Scotts Emulsion vốn là thứ cũng rẻ và dễ thu
mua. Tôi đặt cho thứ hồ dán này cái tên là “Stikfas”, nhờ một anh
bạn có hoa tay thiết kế một tờ nhãn coi hấp dẫn có chữ màu nâu
nhạt trên nền trắng.
Thứ hồ dán này hóa ra có lãi kha khá và chúng tôi sản xuất ở hai
nơi. Một là nhà tôi, có mẹ và em gái tôi giúp sức. Chỗ kia là nhà
Nyuk Lin, anh có vợ và một cô em vợ phụ việc. Cô em vợ chính là
Kwa Geok Choo, cô gái luôn học giỏi hơn tôi tại Đại học Raffles. Tôi
đã thấy cô trước đó khi tôi đến tìm Nyuk Lin tại căn hộ của anh ta
trên đường Tiong Bahru bằng chiếc xe đạp bánh đặc của tôi. Cô
đang ngồi ở hàng hiên khi tôi tới, và lúc tôi hỏi anh ta ở đâu, cô đã
mỉm cười và chỉ vào một cầu thang gần đó. Bây giờ chúng tôi gặp
nhau trong những tình huống khác. Cô phải ở nhà, chẳng có việc gì
làm, ngoài những việc trong nhà vì không còn đầy tớ nữa. Làm hồ
dán thì cũng cực nhưng đem lại cho cô ít tiền tiêu vặt, và những lần
tôi ghé lại để theo dõi công việc sản xuất đã khiến nảy sinh tình bạn
qua thời gian.
Đến tháng 9/1944, chúng tôi đã quen nhau khá thân để tôi có thể
mời Nyuk Lin, vợ anh ta và Geok Choo (hay chỉ gọi là Choo) dùng
một dạ tiệc nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 21 của tôi tại một nhà hàng
Tàu trong khu Đại Thế Giới. Đó là lần đầu tôi mời cô đi chơi. Thực ra,
cô còn có anh rể đi cùng, nhưng ở Singapore thời đó, nếu một thiếu
nữ nhận lời mời tới dự tiệc sinh nhật thứ 21 của một chàng trai, thì
đó là một sự kiện không phải là không có ý nghĩa.
Chuyện làm hồ dán kéo dài được khoảng sáu bảy tháng, cho đến
cuối năm 1944. Lúc đó Nhật bắt đầu thua trận. Ít có tàu buôn nào đi
lại được và việc thương mại đình đốn; công việc kinh doanh thu hẹp
và các văn phòng chẳng cần tới hồ dán nữa. Tôi chấm dứt việc làm
hồ dán, nhưng tiếp tục tới thăm Choo tại căn nhà ở đường Tiong
Bahru để nói chuyện gẫu và giữ gìn tình bạn.
Tháng 5, âm mưu của Nhật muốn xâm chiếm Ấn Độ qua ngả Miến
Điện (nay là Myanmar) bị thất bại tại Imphal và Kohima. Lần này
đến lượt người Nhật phải rút quân. Họ chống cự điên cuồng và kiên
trì ngay cả lúc rút lui, và tôi đọc được những thông báo về cuộc
chống cự dai dẳng của họ khi người Anh tiến vào Mandalay và dọc
theo bờ biển Arakan của Miến Điện. Tôi cảm thấy chắc chắn là người
Anh rồi sẽ tiến quân xuống bán đảo Malaya theo cùng kiểu như vậy,
và e rằng, khi người Nhật chiến đấu tới cùng, việc tái chiếm
Singapore sẽ là cuộc chiến giành từng con đường, từng ngôi nhà rồi
đi đến một kết cục đẫm máu, trong đó có rất nhiều dân sự thương
vong. Chuyện đó chỉ còn là vấn đề thời gian, một hay hai năm nữa
thôi.
Tôi quyết định rằng phải rời Singapore khi tình hình còn yên tĩnh,
và tôi có thể xin thôi việc ở Hodobu mà không ai nghi ngờ về động
cơ của tôi. Tôi xin nghỉ phép và đi Malaya để thám sát Penang và
cao nguyên Cameron xem nơi nào là an toàn hơn. Tôi đi từ
Singapore sang Penang rồi đi xe lửa tới Tapah, nhưng từ Tapah tới
cao nguyên Cameron, tôi được quá giang một xe tải chở rau quả và
ngồi kế bên tài xế. Sau hai đêm ở tại Cameron, tôi trở về Tapah
cũng bằng cách quá giang như vậy. Đó là một chuyến đi rởn tóc gáy.
Để tiết kiệm xăng dầu, tài xế đã tắt máy cho xe thả dốc trên con
đường ngoằn nghoèo gần hai tiếng rưỡi đồng hồ.
Tại Penang, tôi lưu lại chỗ của Hon Sui Sen. Năm 1942, khoảng
bốn tháng trước khi Nhật chiếm Singapore, Hon đã gửi vợ và con gái
về Penang và qua trọ ở nhà tôi trên đường Norfolk. Chúng tôi ở
chung phòng và trở thành bạn, nhưng chín tháng sau anh ta quyết
định rằng không nên ở lại Singapore nữa. Anh ta là sinh viên khoa
học giỏi nhất trong khóa của anh, và là một trong hai người được
tuyển hàng năm vào ngạch công chức của Anh (sau này anh ta trở
thành Bộ trưởng Tài chính của chúng tôi.) Nhưng lương công chức
của anh rất ít ỏi, suất chế độ lại không tương xứng nên anh không
đủ nuôi gia đình. Do đó anh quay về với họ ở Penang.
Tuy tôi thấy ít có chiến sự khi loanh quanh ở Penang, nhưng tôi
cũng không chọn nơi này. Nó tất sẽ là bàn đạp của người Anh khi họ
muốn tiến sang Singapore. Sẽ có chiến tranh trên các đường phố,
từng căn nhà một. Nên tôi đi tiếp tới cao nguyên Cameron nơi
Maurice Baker, bạn tôi ở đại học, có nhà ở ngôi làng Ringlet trên độ
cao cả nghìn mét. Anh và một số bạn đang sống nhờ vào tiền tiết
kiệm và trồng rau quả. Tôi trả được tiền xe nhờ bán nửa tá cuốc
bằng sắt mang từ Singapore sang và kiếm lời khá lớn. Nông dân ở
đây rất cần món đó. Trong chuyến về, tôi mua một giỏ các thứ rau
khó mua được ở Singapore, và dành cả ngày rưỡi trên xe lửa để giữ
cho chúng đừng bị dập.
Về tới nhà, tôi bàn bạc công việc với mẹ tôi. Chúng tôi thấy rằng
tốt nhất là dọn lên cao nguyên Cameron. Bước đầu tiên chúng tôi
tìm cách sang lại ngôi nhà ở đường Norfolk cho một nhóm người
Nhật làm việc ở kumiai. Họ trả cho chúng tôi 60 nghìn tiền chuối để
nhận được quyền mướn căn nhà này. Rồi tôi làm đơn xin nghỉ trước
một tháng gửi cho Hodobu.
Khi tôi đi thang máy trong cao ốc Cathay xuống tầng trệt vào ngày
trước hôm tôi chính thức thôi việc, người gác thang máy mà tôi đã
đánh bạn từ lâu, thận trọng nói cho tôi hay là hồ sơ của tôi trong
phòng Kempeitai đã được mang ra nghiên cứu. Tôi nghe mà lạnh cả
người. Tôi tự hỏi cái gì đã gây ra chuyện này và chuẩn bị tư thế để
bị họ hỏi cung. Từ phút đó, tôi cảm được rằng mình đang bị theo dõi.
Suốt ngày đêm, một nhóm người bám đuôi tôi, tôi đặt ra đủ thứ giả
thuyết trong đầu, và chỉ có thể kết luận rằng đã có ai đó tố với
Kempeitai rằng tôi là kẻ thân Anh và tôi đã tiết lộ tin tức về những
chiến bại của Nhật, và đó là lý do khiến tôi xin nghỉ việc. Mỗi lần ít
nhất có hai người theo dõi bên ngoài cửa tiệm trên phố Victoria, nơi
chúng tôi tạm trú sau khi rời khỏi Norfolk. Cha tôi đã mướn căn nhà
này của hãng xăng nơi ông làm việc.
Để khám phá xem mình có bị theo dõi không, tôi nhờ hai đứa em
Dennis và Fred phục ở cửa sổ trên lầu và nhìn hai người đàn ông
người Hoa ở góc đường Bras Basah và Victoria với hai chiếc xe đạp
để kế bên. Rồi tôi đạp xe quanh một vòng khu phố. Khi tôi trở lại,
chúng xác định hai người đàn ông ấy cũng đi ngay khi tôi đi và trở
lại sau khi tôi trở lại. Tim tôi thắt lại. Tôi kể với mẹ và quyết định
rằng tốt nhất là tôi không rời Singapore. Nếu tôi rời đi, Kempeitai
chắc chắn sẽ bắt tôi lại để thẩm vấn. Nếu tôi ở lại và làm ăn công
khai, sống một đời vô hại, hoạt động trong thị trường chợ đen, làm
hồ dán sống qua ngày thì chúng sẽ để tôi yên.
Tôi chịu đựng trò mèo vờn chuột này chừng tám tuần. Đôi khi, lúc
2 hay 3 giờ sáng, một chiếc xe hơi chạy qua nhà và đậu lại gần ngã
tư cắt ngang đường Bras Basah. Thật khó mà diễn tả được nỗi sợ hãi
trùm lấy tôi khi nghĩ rằng chúng sắp đến bắt mình. Như nhiều người
khác, tôi đã từng nghe nói tới những kinh hoàng trong việc
Kempeitai tra tấn tội nhân. Chúng thường đeo băng tay trắng với hai
chữ Hoa màu đỏ kempei, nghĩa là quân cảnh, và không ai dám nghi
ngờ quyền được bắt giữ và tra hỏi của chúng, ngay cả những sỹ
quan cao cấp Nhật. Chúng có trụ sở tại một cao ốc trên đường
Stamford, và các chi nhánh ở đường Oxley Rise, Smith Street và
đồn cảnh sát trung tâm trên đường South Bridge. Dân sống gần đó
kể rằng họ thường nghe những tiếng gào đau đớn của các nạn
nhân, những tiếng gào được tính toán nhằm khủng bố người khác,
và nỗi sợ hãi đó truyền đi từ miệng người này sang miệng người
khác. Đó là một phương pháp tinh vi để khủng bố dân địa phương;
dân chúng sợ hãi thì dễ kiểm soát.
Tôi chẳng có đường dây với bất kỳ tổ chức ngầm nào để tiết lộ các
tin tức của Đồng minh. Tôi chẳng có lý do gì phải lén nghe bất cứ đài
phát thanh nào bởi vì dù sao công việc của tôi là xử lý các bản tin
Tây phương. Tôi quyết định nếu bị bắt, tôi sẽ nói với họ điều tôi sợ:
rằng sau khi tái chiếm Miến Điện, người Anh sẽ tái chiếm Malaya rồi
tiến về Singapore trong khi người Nhật sẽ chiến đấu tới giọt máu
cuối cùng. Do đó tôi đã lên kế hoạch rời đảo đi trồng khoai mì, khoai
lang và các thứ rau ở cao nguyên Cameron, nơi đó sẽ không nằm
trên đường hành quân của bất cứ phe nào. Tôi sẽ trưng bằng chứng
về chuyến đi Penang và Cameron của tôi, rồi sau đó là chuyến đi
của mẹ và em trai tôi kế đó hai tháng để khẳng định nhận xét của
tôi rằng đấy là nơi an toàn nhất cho gia đình. Nhưng một ngày kia,
sau hai tháng như thế, việc theo dõi ngừng lại. Đó quả là một
chuyện làm tôi mất cả tinh thần.
Sau khi thôi làm hồ dán vì không còn ai mua nữa, tôi kết hợp với
một người Thượng Hải tên là Low You Ling. Anh ta là một nhà thầu
xây dựng cỡ nhỏ, tuổi khoảng ngoài ba muơi. Anh ta không có người
hợp tác. Tôi biết nói tiếng Nhật, anh ta thì không. Hai chúng tôi thầu
được những công việc nho nhỏ từ các công ty Nhật và từ butai, các
trung đoàn đóng quân tại Singapore. Để gia tăng quan hệ với khu
vực dân sự, tôi liên kết với ông Kageyama, một viên chức dân sự
Nhật, tuổi ngoài ba mươi, từng làm việc cho kumiai. Khi trong kumiai
chẳng còn bao nhiêu công việc vì tàu bè Nhật cứ bị đánh chìm và
hàng hóa trở nên khan hiếm, ông ta quyết định tách ra làm một
trung gian giữa các công ty lớn của Nhật, quân đội và các nhà cung
ứng địa phương. Ông ta và tôi bổ sung cho nhau, với Low có khả
năng thi công và nhiều quan hệ với các nhóm thợ xây, thợ mộc, thợ
nề mà chúng tôi cần đến. Kết hợp với nhau, chúng tôi cũng kiếm
sống được.
Tôi tiếp tục hoạt động trong thị trường chợ đen, làm môi giới cho
bất cứ thứ gì buôn bán được. Đó là tình thế không có gì để lỗ. Mọi
thứ đều ngày càng khan hiếm. Siêu lạm phát nghĩa là cái gì cũng lên
giá. Nhưng người ta phải có vốn mới giàu lên được. Tôi đã có thể
huy động vốn và mau lẹ tích lũy thêm được một số. Tôi hiểu một khi
nắm tiền mặt thì điều quan trọng nhất là biến ngay nó thành món gì
có giá trị lâu dài hơn, nếu không nó sẽ biến mất ngay trên tay mình.
Trong cơn điên cuồng biến tiền chuối thành tài sản khác, tôi đã mua
một cái bàn billard, cho phục hồi và đánh bóng lại, bọc nỉ mới và cho
đặt trên lầu căn nhà ở đường Victoria. Trong tháng 3 và 4/1945, một
người bạn của cha mẹ tôi đã dọn khỏi cao ốc China và đề nghị tôi
tìm cách sử dụng nó. Nên tôi có thể sử dụng căn nhà đường Victoria
cho công chuyện làm ăn lẫn giải trí: công việc, vì kế nhà tôi là lò làm
bánh kẹo, nơi dân buôn bán thường tập trung để trao đổi thông tin
và thỏa thuận làm ăn; giải trí, bởi vì có bàn billard. Đấy là một kiểu
sống hiện sinh, mỗi ngày cuộc tái chiếm lại càng tới gần, có thể đem
hiểm nguy cho tất cả dân địa phương. Trong khi đó, người ta vẫn cứ
phải sống và tiếp tục công việc như thường.
Tháng 5, có tin về việc Đức bị đánh bại và đã đầu hàng. Bây giờ
mọi lực lượng Đồng minh đều dồn vào tấn công Nhật. Mọi người đều
biết chuyện Nhật bại trận chỉ là vấn đề thời gian. Từng biên tập các
bản tin về chiến dịch Miến Điện hồi còn làm cho Hodobu, tôi rất sợ
hãi cái giá mà thường dân phải trả. Nhưng không có đường nào
thoát. Với tôi, bỏ đi nơi khác vẫn có nghĩa là bị bắt và thẩm vấn.
Rồi bất ngờ, ngày 6/8, một quả bom kỳ lạ nổ ở Hiroshima. Tin này
chỉ được đăng trên tờ Syonan Shimbun ngày 11/8 dưới dạng một
tường thuật đầu trang – “Nhật cực lực phản đối việc tấn công
Hiroshima bằng một trái bom kiểu mới vào thứ Hai qua” – nhưng
những người nghe đài BBC đã loan tin rằng Nhật đã bị trúng một vũ
khí phóng xạ cực mạnh. Chúng tôi cảm thấy kết thúc đã gần kề.
Ngày 15/8, Nhật hoàng ngỏ lời với thần dân và tuyên bố đầu
hàng. Chúng tôi nghe được chuyện này hầu như ngay lập tức, vì
dân chúng đã bạo gan hơn và nhiều người đã nghe các đài phát
thanh của Đồng minh, nhất là BBC. Tin này không hề xuất hiện trên
tờ Syonan Shimbun cho mãi đến ngày 20/8, tờ này đăng toàn văn
“Thông điệp Nhật hoàng”. Cuộc chiến đi tới kết thúc mà không có
giao chiến gì thêm. Chúng tôi thoát khỏi tình trạng đau thương đã
từng xảy ra cho Rangoon và Mandalay.
Ba tuần sau bản tuyên bố của Nhật hoàng, chưa thấy có dấu hiệu
người Anh trở lại. Đó là một tình huống khác thường. Nó khác xa
những gì xảy ra ba năm rưỡi trước đó, khi người Anh đã đầu hàng
và người Nhật chưa nắm quyền kiểm soát thật sự. Không giống
người Anh, người Nhật không bị mất tinh thần vì bị đánh bại trong
trận mạc. Họ tuyệt vọng và bối rối, nhưng vẫn còn nắm quyền và
vẫn có khả năng làm hại chúng tôi. Khi dân địa phương không biết
kiềm chế mà tổ chức ăn mừng việc Nhật bại trận, lính Nhật đi ngang
qua có thể tông cửa vào giữa tiệc và đánh những kẻ dự liên hoan.
Quân Nhật chờ đợi người Anh gọi trình diện, và trừng phạt những tội
ác của họ, nhưng cũng thật cay đắng và đáng sợ là dân chúng có
thể sẽ tấn công các sỹ quan khi họ tới gần. Có nhiều tiếng súng
trong khu cư trú của các sỹ quan Nhật, vì một số không chấp nhận
được chuyện đầu hàng và họ muốn tự tử hơn, theo kiểu Nhật, hara–
kiri, bằng một lưỡi dao găm, hay ít đau đớn hơn, bằng khẩu súng
lục. Nhưng dân địa phương thì may mắn. Theo như tôi biết, người
Nhật không giết thường dân và cũng không có những biến cố bạo
ác. Họ bỏ mặc dân chúng cho đến khi người Anh tiếp quản. Kỷ luật
quân đội của họ vẫn được giữ vững.
Ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng là rất quan trọng trong cuộc đời tôi.
Nó cho tôi nhìn rõ cách ứng xử của con người và xã hội, những động
cơ và phản ứng ngẫu phát của họ. Tôi sẽ không có được cách đánh
giá chính quyền, và sự hiểu biết về quyền lực như một phương tiện
tạo ra những thay đổi cách mạng nếu không trải qua thời kỳ này.
Tôi đã trông thấy một hệ thống xã hội sụp đổ trước một đội quân
cực kỳ tàn bạo. Người Nhật đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối và hầu
như mọi người đã phục tùng họ. Hầu hết mọi người dân đều thù
ghét họ nhưng hết thảy đều ý thức về sức mạnh của họ nên mọi
người phải thích nghi. Những ai chậm hay không muốn thay đổi để
chấp nhận ông chủ mới sẽ phải đau khổ. Họ sẽ phải sống bên lề xã
hội mới, tài sản của họ nằm chết một chỗ hay suy sụp và họ bị mất
vị trí xã hội. Những người mau chóng đánh giá được tình thế mới và
biết khai thác những cơ hội mới bằng cách giúp ích cho các ông chủ
mới, đã làm giàu trên sự bất hạnh khủng khiếp đã ập lên toàn
Singapore.
Guồng máy cai trị quân sự của Nhật đã cai trị bằng khủng bố. Nó
không hề khoác một lớp vỏ cư xử văn minh. Sự trừng phạt nặng nề
đến độ rất ít có tội phạm. Giữa cảnh đói khổ, vào mấy tháng cuối
năm 1944, khi dân chúng gần như chết đói, thật kỳ lạ là mức độ tội
phạm vẫn rất thấp. Người ta có thể bỏ ngỏ cửa suốt đêm. Mỗi nhà
có một chủ nhà, mỗi nhóm mười nhà cũng có liên gia trưởng và
những người này có nhiệm vụ tuần tra khu vực của mình suốt ngày
đêm. Nhưng đó chỉ là chuyện hình thức. Họ chỉ mang theo gậy gộc
và cũng chẳng có vi phạm gì để báo cáo – mức trừng phạt đã quá
nặng nề. Hệ quả là tôi không còn tin vào những người chủ trương
một phương pháp nhu hòa đối với vấn đề tội phạm và trừng phạt,
thường cho rằng trừng phạt không hề làm giảm được tội phạm. Đó
không chỉ là kinh nghiệm của tôi tại Singapore trước chiến tranh,
trong thời Nhật chiếm đóng hay sau đó.
Sau cú choáng ban đầu, tôi hiểu ra rằng cuộc sống cứ phải tiếp tục
hầu như là bình thường. Người ta phải ăn, phải cần đến thuốc men
và những thứ khác như bàn chải đánh răng, kem đánh răng, quần
áo giày dép, mực giấy bút. Ngay cả dao cạo râu cũng trở nên rất
quý và khó kiếm, nên các lưỡi dao cũ cứ được mài đi mài lại. Thuốc
lá thì giá trị hơn tiền do Nhật phát hành. Một số nghề suy thoái và
không kiếm ra tiền. Chẳng còn mấy ai cần đến luật sư giỏi luật của
Anh nữa, vì chẳng có bao nhiêu hoạt động thương mại, và thiết
quân luật đã giải quyết tội phạm rất gọn gàng. Nghề kế toán cũng
đình trệ vì không có kinh doanh gì đáng kể. Nhưng trái lại, bác sĩ và
nha sĩ vẫn cần thiết như xưa vì người ta cứ bệnh và cứ đau răng,
nên những nghề này cứ ăn nên làm ra cho dù khan hiếm thuốc
uống và thuốc tê.
Trong mười tháng đầu của thời chiếm đóng, người ta cũng thường
thấy những nhóm tù binh chiến tranh người Úc và Anh lao động
trong thành phố với một ít lính Nhật đi theo canh gác. Thường thì họ
làm những việc như chuyển hàng từ kho lên xe tải. Họ có thể lẻn
vào một quán cà phê gần đó tìm thức ăn, các ông chủ hay những bà
nội trợ bình thường sẽ cho họ bánh mì, đồ hộp hay ít tiền bạc. Người
Hoa rất có cảm tình với họ. Họ đã gầy đi và trông thật thảm não
trong cảnh tù đày. Đồng phục của họ, thường là sơ mi và quần soọc,
thường rách tả tơi. Đến cuối năm 1942, người ta ít thấy họ hơn, và
một năm sau lại càng hiếm. Người ta cho rằng họ đã bị đưa đi lao
động ở nơi khác, Thái Lan, Indonesia hay Nhật. Khi họ xuất hiện trở
lại tại Singapore vào cuối năm 1944 đầu 1945, họ chỉ còn da bọc
xương, những bộ xương sườn lộ rõ đến nỗi có thể đếm được. Họ đã
lao động xây tuyến đường sắt Miến Điện. Một số người chỉ mặc đồ
lót, xương hông của họ lòi ra. Trông họ tội nghiệp, đầy vết viêm loét,
sẹo và ghẻ lở, nhất là ở tay chân. Thực phẩm thì khan hiếm, nhưng
không khan hiếm đến độ họ không có đủ cái ăn. Những chịu đựng
của họ vượt xa cảnh ngộ của mọi tù binh chiến tranh ở bất cứ nơi
nào khác trên thế giới.
Việc chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Nhật như là thứ ngôn ngữ
hành chính và của giới cầm quyền đã khiến người già rơi vào thế rất
bất lợi. Họ không thể học tiếng Nhật dễ dàng. Những ai nói được
tiếng Nhật, như dân từ Đài Loan, trở nên rất có giá; một số người
như thế đã cư ngụ ở Singapore trước thời chiếm đóng, nhưng một
số khác đã theo chân quân Nhật qua đây. Giới trẻ địa phương học
chút tiếng Nhật đủ để kiếm được việc làm, nhưng ngoài ra thì đa số
người dân vẫn đàng hoàng. Họ không muốn cộng tác với kẻ thù. Họ
chỉ muốn sống còn qua ngày, chịu thiệt với giới cầm quyền càng ít
càng tốt. Rất ít người dám chống người Nhật, cho dù trong bí mật.
Có một số khác, bọn cơ hội và khôn lỏi, chọn con đường ủng hộ và
cộng tác với Nhật. Họ cung cấp lao động, vật tư, thông tin, gái,
rượu, thức ăn ngon, và họ đã làm giàu. Những kẻ may mắn là các
nhà thầu cung cấp hàng cho quân đội và hành nghề xây dựng.
Những người may mắn nhất và phát đạt nhất như là anh em nhà
Shaw, có được giấy phép mở sòng bạc trong những khu giải trí, như
Tân Thế Giới và Đại Thế Giới. Với một dân chúng thất chí, bị tước
đoạt, đang đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt hàng loạt trong một vài
năm trước khi người Anh trở lại và loại bỏ người Nhật, cờ bạc trở
thành một thứ thuốc ngủ tuyệt vời. Dân địa phương tới những khu
giải trí để thử thời vận và tiêu phí tiền bạc, trong khi kẻ khác tới để
xem cho hết thời gian. Thật lạ lùng là người ta đã tiêu hết bao nhiêu
là tiền bạc và thời gian bằng cái cách đơn giản như vậy. Khi không
chắc chắn sống còn, thì mọi trò may rủi đều được đón nhận. Ngay
chính cuộc sống cũng trở thành trò may rủi.
Nhưng dù bạn kiếm được tiền thế nào, điều quan trọng nhất là giữ
gìn giá trị của nó bằng cách đổi thành hàng hóa khác hay tiền thuộc
địa Anh. Ngũ cốc và thực phẩm thì cồng kềnh, bảo quản và xử lý
khó. Những món được lùng mua nhiều nhất là những thứ vẫn còn
nguyên giá trị trong tương lai, sau khi người Anh trở lại, mà hiện tại
thì chúng phải nhỏ gọn và dễ cất giấu. Từ năm 1944, tỷ giá đồng
tiền thuộc địa Anh trong thị trường chợ đen tăng vọt từng ngày khi
tiền chuối được in và tung ra ngày càng nhiều. Món tài sản được ưa
chuộng kế đó là nữ trang. Để buôn bán nữ trang, các tay môi giới
phải biết phân biệt vàng 24 và vàng 18, nhận ra kim cương tốt với
màu sắc đẹp, không có, hay có rất ít tì vết, và học biết các đặc tính
của các loại đá quý khác.
Những người có gan hơn và nhiều vốn đã mua bất động sản
nhưng giá trị của chúng không tăng vọt như vàng hay tiền thuộc địa
vì chúng không di chuyển được. Việc chuyển nhượng đòi hỏi thủ tục
với luật sư và đăng ký tại Phòng đăng ký chứng thư. Cơ hội là năm
ăn năm thua nếu các chứng từ chuyển nhượng bị hủy hoặc bác bỏ
khi người Anh trở lại. Ngoài ra, còn có nguy cơ là nhà cửa có thể
trúng bom và sụp đổ. Rốt cuộc, chẳng có việc tái chiếm, các chứng
thư không bị hủy, nhà cửa không bị bom đạn. Trong những ngày
cuối của thời chiếm đóng, khi Đức đã đầu hàng và thất bại của Nhật
là quá rõ, người ta có thể bán một thùng 12 chai Johnnie Walker là
có đủ tiền mua một cửa hiệu trên đường Victoria. Những người
thương lượng mua được những bất động sản như thế đã trở nên
giàu có sau chiến tranh.
Trong ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng, tôi đã học được nhiều điều
hơn ở bất kỳ trường đại học nào. Tôi chưa được đọc câu nói của Mao
“quyền lực xuất phát từ nòng súng”, nhưng tôi biết rằng sự tàn bạo,
súng, lưỡi lê và trường kiếm của Nhật, cùng với các trò khủng bố và
nhục hình dễ dàng giải quyết vấn đề ai nắm quyền, và có thể khiến
dân chúng thay đổi cách ứng xử, và cả lòng trung thành nữa. Người
Nhật không chỉ đòi hỏi sự phục tùng và được người ta phục tùng, họ
còn buộc người ta thích nghi với viễn cảnh một nền cai trị lâu dài
của Nhật; nên người ta phải dạy con cho phù hợp với chế độ mới,
với ngôn ngữ, các tập quán và giá trị của chế độ đó, để có thể hữu
dụng và kiếm sống.
Giai đoạn thứ ba và cuối cùng, mà có thể họ sẽ đạt được nếu có
thời gian, là khiến chúng tôi chấp nhận họ như những ông chủ mới,
như một phần của thứ trật tự đương nhiên. Đạo đức và công bằng là
không quan hệ. Họ đã thắng. Họ ở trên đỉnh và nắm quyền. Chúng
tôi phải tôn thờ thượng đế của họ, ca tụng nền văn hóa của họ và
học theo cách ứng xử của họ. Nhưng điều đó không phải lúc nào
cũng hiệu quả. Tại Hàn Quốc, người Nhật đã gặp sự đề kháng ngay
từ khi họ nỗ lực cai trị xứ này. Họ đã cố gắng đàn áp các bản năng
và thói quen của một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, một dân tộc
có lòng tự hào cao độ và một quyết tâm chống lại những kẻ áp bức
man rợ. Họ đã giết rất nhiều người Hàn Quốc nhưng không bẻ gãy
tinh thần của người dân đó được.
Nhưng đó là một ngoại lệ. Tại Đài Loan – do người Hoa, Bồ Đào
Nha rồi Hà Lan cai trị trước khi người Nhật chiếm đóng – đã không
hề có thù hận. Nếu người Nhật trụ lại được ở Singapore và Malaya,
họ có thể, trong vòng 50 năm, tạo nên một tầng lớp những người
ủng hộ như họ đã từng làm thành công tại Đài Loan. Malaya quá
non trẻ, dân tộc quá đa tạp, và xã hội của nó quá mềm và dễ uốn
nắn nên không thể đề kháng được. Có một số người Malay tham gia
lực lượng du kích kháng Nhật trong rừng núi, do các sỹ quan Anh
thuộc binh đoàn 136 huấn luyện. Nhưng đa số dân chúng hy vọng
Nhật sẽ là người bảo hộ mới cho họ, như họ đã hy vọng chuyện
tương tự ở người Anh, khi Anh trở lại thay thế Nhật.
Số người duy nhất có can đảm và niềm tin để chống lại quân xâm
lược là những người Hoa tham gia Đảng Cộng sản Malaya (Malayan
Communist Party – MCP), và một số ít hơn trong phong trào kháng
Nhật do Quốc dân đảng lãnh đạo. Cả hai nhóm đều xuất phát từ tinh
thần dân tộc Trung Quốc, chứ không phải tinh thần yêu nước
Malaya, và họ trở thành mối phiền hà rắc rối cho người Nhật trong
thời chiến, cũng như cho người Anh trong thời bình sau đó.
Trong giai đoạn hỗn loạn từ khi Nhật đầu hàng vào ngày
15/8/1945 cho đến khi Anh tái lập kiểm soát ở Singapore vào
khoảng cuối tháng 9, các nhóm chống Nhật đã tự xác lập luật lệ của
họ. Họ hành hình, giết chóc, tra tấn, đánh đập những người chỉ
điểm, nhân viên tra khảo và tay sai – hay nghi ngờ là tay sai – của
Nhật. Tôi còn nhớ tiếng giầy nện trên đường khi người ta đuổi bắt
nhau giữa ban ngày trong các ngõ hẻm trên đường Victoria. Tôi
nghe tiếng đấm đá và gào thét khi người ta bị dao đâm và giết chết.
Nhưng vào những ngày cuối, nhiều người cộng tác với Nhật đã biến
mất, trốn chui vào chỗ nào đó hay chạy về nội địa Malaya hoặc về
đảo Riau ở phía Nam.
Cuộc giải phóng đã không đem lại điều mà mọi người mong muốn:
trừng phạt kẻ xấu và tưởng thưởng người tốt. Không thể có sự đền
ân trả oán trọn vẹn. Công bằng và công lý đòi hỏi phải có đủ tài liệu
và những điều tra tỷ mỉ. Không thể tập hợp mọi nguồn tài liệu để
thẩm vấn mọi kẻ tội phạm được, số người này có quá nhiều, cả
người Nhật lẫn dân địa phương. Công lý trừng phạt một số người,
nhưng phần lớn vẫn được tự do.
Có những phiên tòa, nhưng những phạm nhân chiến tranh người
Nhật chủ chốt thì không bị trừng phạt. Đại tá Tsuji, người đã tiến
hành cuộc thảm sát Sook Ching, đã biến mất. Tướng Yamashita,
“Con hổ Malaya”, trong vai trò chỉ huy trưởng, đã phê chuẩn chiến
dịch Sook Ching, được chuyển sang Mãn Châu, rồi tới Philippines, tại
đây ông ta đầu hàng trước lực lượng của tướng MacArthur vào tháng
9/1945. Ông ta bị tuyên án và xử tử tại Manila vì đã tàn phá thành
phố này, chứ không phải vì đã đồng ý cho giết từ 50 tới 100 nghìn
người trẻ tuổi vô tội tại Singapore.
Khoảng 200 phạm nhân chiến tranh người Nhật đã bị xử ở
Singapore, nhưng chỉ có khoảng 100 người bị kết án và xử tử tuy
rằng hàng trăm người ở Singapore, trong đó có các bạn bè tôi, đã bị
giam cầm và tra tấn trong các trụ sở của Kempeitai tại Singapore.
Một trong những người đó là Lim Kim San, sau này trở thành một bộ
trưởng trong nội các từ năm 1963 đến 1980. Ông cho tôi xem điều
ông ghi chép về chuyện của chính ông hồi năm 1944:
“Tôi bị giam hai lần tại Oxley Rise, lần đầu vào tháng 1/1944 hết
nửa tháng, lần thứ nhì vào tháng 2/1944 trong hơn một tháng.
Một thanh niên người Hoa từng đến cửa hàng của tôi ở đường
North Bridge đã khai tôi là người đã cho anh ta tiền để ủng hộ lực
lượng cộng sản. Khi tôi lý luận rằng thật vô lý khi một nhà tư sản
lại là người thân cộng, tôi đã bị quất roi và đấm đá.
Tôi tỉnh lại khi bị dội nước vào mặt. Tôi thấy mình bị nhốt trong
một căn phòng chừng 15 mét vuông chứa tới 30 người, cả đàn ông
lẫn đàn bà.
Có một chỗ đi vệ sinh trong góc phòng, thứ bàn cầu ngồi xổm có
bồn chứa nước phía trên. Việc dội cầu nhiều lần làm cho nước
“sạch” và nước được thu lại qua lỗ rò trong bồn cầu. Đó cũng là
thứ nước bạn dùng để uống và rửa ráy. Nếu bạn bệnh, bạn sẽ
được đưa tới chỗ nào đó chỉ có Chúa mới biết. Tôi đã rợn người khi
thấy vệt máu của một phụ nữ đến kỳ.
Chúng tôi được cho ăn bằng cháo đặc với các thứ rau phế thải
nấu trong một cái thùng dầu. Tôi không ăn nổi thứ đó và buồn nôn
mỗi khi cố gắng nuốt. Nó làm tôi nhớ tới kiểu mình cho vịt ăn.
Chúng tôi bị bắt ngồi xệp và không được đổi tư thế nếu không
được bọn lính gác cho phép, đó là những thanh niên địa phương
được tuyển mộ và huấn luyện phải cư xử tàn bạo.
Ngày nọ, một người Ấn lớn tuổi bị gãy chân được mang vào. Ông
ta không thể ngồi và chỉ có thể di chuyển trong tư thế bò lết kéo
theo cái chân gãy. Một trong những thằng lính gác ấy quẳng một
cây gậy đi và ông ta phải lết đi để đem gậy về cho y. Việc đó cứ
lặp lại cho tới khi ông ta kiệt lực và hầu như ngất đi vì đau.
Trong số những người bị bắt có một thanh niên Teochow (Tiều
Châu) chừng 17 hay 18 tuổi. Cậu ta là lính gác bị tội đào ngũ. Một
tối nọ, Kempeitai lấy dây treo cậu ta trần truồng lên trần nhà. Hai
tay cậu bị trói ra sau và dây buộc vào xà nhà để chân cậu chỉ hơi
chạm đất. Thỉnh thoảng cậu phải rướn đầu ngón chân cho chạm
đất để giảm sức căng đè lên vai. Họ để mặc cậu ta suốt đêm không
cho ăn uống. Cậu chửi rủa bọn Nhật rất tục tằn bằng tiếng
Teochow với giọng oang oang. Sáng hôm sau, tiếng chửi rủa trở
thành rên rỉ khi một tên Kempeitai dùng gậy quất vào lưng cậu.
Việc đánh đập kéo dài vài tiếng đồng hồ và tiếng rên cứ ngày càng
yếu dần; sau cùng thì tắt hẳn. Cậu ta đã chết nhưng vẫn bị treo ở
đó một thời gian nữa trước mặt chúng tôi, như để răn đe cả chúng
tôi lẫn bọn lính gác.
Một lần khác, nước từ một cái ống được bơm vào một người đàn
ông, khi bụng ông ta đầy nước, tên tra tấn sẽ nhảy lên ngồi vào
đó. Ông ta nôn vọt ra và bất tỉnh.
Mỗi sáng, chúng tôi run rẩy cả người khi nghe tiếng giày bốt tới
gần phòng giam. Đó là dấu hiệu có ai đó trong chúng tôi sẽ bị
thẩm vấn và tra tấn. Có một số người đi không trở lại.
Tôi được phóng thích nhờ sự can thiệp của sỹ quan liên lạc người
Đài Loan.
Tôi đã nhìn thấy bản chất thực sự của người Nhật, trong cũng
như ngoài nhà tù. Kiểu cách lịch sự và gập người cúi chào chỉ là lớp
màn mỏng che giấu con ác thú. Chiến thắng của Đồng minh đã
cứu châu Á.”
Một tóm lược xúc động về sự tàn ác của người Nhật được đưa vào
diễn văn khai mạc của Trung tá Colin Sleeman, công tố viên trong
vụ xử “Song Thập”, mở tại Singapore ngày 18/3/1946:
“Để đưa ra một mô tả chính xác về những tội ác của những con
người này, tôi thấy cần thiết phải diễn tả những hành vi đã đi tới
tận cùng sự ngược đãi và lăng nhục con người. Điều chính yếu
trong toàn bộ vụ án này có thể được tóm lại trong mấy từ – kinh
hoàng không tả được.
Kinh hoàng, hoàn toàn trần trụi, tràn ngập mọi ngóc ngách của
vụ này từ đầu tới cuối, không chút giảm nhẹ hay xoa dịu. Tôi đã
tìm tòi, tìm tòi một cách tỷ mỉ, trong khối lượng khổng lồ những
bằng chứng, để khám phá ra đặc điểm bù đắp nào đó, một yếu tố
giảm nhẹ nào đó trong cách cư xử của những con người này, để có
thể đưa chuyện này khỏi tầm của sự kinh hoàng và tàn bạo thuần
túy, và để nâng nó, ít nhất, lên tầm của một bi kịch. Và tôi phải
thú thật là mình đã thất bại.”
Tuy nhiên, suốt 50 năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt, các chính
phủ kế tiếp nhau của Đảng dân chủ tự do Nhật (Liberal Democratic
Party – LDP), phần lớn các lãnh tụ của mọi chính đảng tại Nhật, hầu
hết giới học giả và gần như toàn bộ các phương tiện thông tin đại
chúng của họ đã lựa chọn thái độ là không đề cập tới những hành vi
xấu xa ấy. Không như người Đức, họ hy vọng rằng qua nhiều thế
hệ, những hành vi ấy sẽ bị lãng quên, và các tường thuật về chuyện
họ đã làm sẽ bị chôn vùi trong đóng hồ sơ bụi bặm. Khi họ từ chối
thừa nhận điều đó với các láng giềng, người ta chẳng thể làm gì hơn
ngoài việc lo sợ rằng họ có thể lặp lại những việc kinh hoàng ấy. Chỉ
đến khi một chính phủ không thuộc đảng LDP nắm quyền năm 1992
thì mới có một thủ tướng Nhật, ông Morihiro Hosokawa, đưa ra một
lời xin lỗi chưa đầy đủ.
4
SAU GIẢI PHÓNG
Vào ngày thứ Tư, 12/9/1945, khoảng 10 giờ 30 phút sáng, tôi đi bộ
đến Tòa thị sảnh, nơi nghi thức đầu hàng sẽ được tiến hành, và
đứng chờ ở bên kia đường. Việc chờ đợi này thật đáng giá. Tôi thấy
một nhóm bảy sỹ quan cao cấp Nhật Bản từ đường High Street đi
tới, có quân cảnh Anh đội mũ đỏ và đeo băng tay, đi hộ tống. Dẫn
đầu bọn họ là tướng Itagaki, Tổng tư lệnh quân đội ở Malaya và
Singapore. Không như nhiều sỹ quan Nhật khác, họ không hề lê
bước mà đi một cách nghiêm chỉnh. Đám đông la hét, huýt sáo, giễu
cợt, nhưng những người Nhật ấy vẫn điềm tĩnh và trang nghiêm,
nhìn thẳng phía trước. Họ đến để ký hiệp ước đầu hàng chính thức
theo lệnh của Nhật hoàng. Sau đó người ta thấy sỹ quan Nhật ở
nhiều địa điểm khác nhau xếp những thanh gươm võ sĩ đạo của họ
thành đống. Họ thừa nhận sự bại trận, bị tước vũ khí, và trở thành
tù nhân chiến tranh. Nhưng bảy vị tướng hiện đang bước lên các bậc
thềm Tòa thị sảnh thì đại diện cho một đội quân chưa bị đánh bại
trên chiến trận. Họ có lẽ sẽ chiến đấu cho đến chết, và họ đã khiến
cho những người Singapore căm ghét họ phải tin rằng họ thà xuống
địa ngục, mang theo tất cả mọi người, còn hơn là phải đầu hàng.
Khoảng mười lăm phút sau, ngài Louis Mountbatten, Tổng tư lệnh
Anh, Tư lệnh Đông Nam Á, xuất hiện trong bộ quân phục hải quân
màu trắng của mình. Ông ta được các tướng lĩnh, các đô đốc của
mình, và khoảng bảy hoặc tám sỹ quan đại diện cho quân đội Đồng
minh hộ tống. Tay phải của ông đưa cao chiếc mũ hải quân của mình
và hoan hô ba lần với những toán quân đang lập thành hàng rào
ngay trước các bậc thềm. Ông yêu thích các bộ quân phục, các cuộc
duyệt binh cùng các nghi lễ.
Đây là những phút giây tràn ngập phấn khởi. Cơn ác mộng thời
Nhật chiếm đóng đã qua và người dân nghĩ thời kỳ đẹp đẽ sắp trở
lại. Có những dấu hiệu hứa hẹn tốt. Những toán lính hào phóng với
những điếu thuốc của họ – loại thuốc Players Navy Cut trong bao
giấy, thứ không thể kiếm được trong ba năm qua. Bia chất lượng tốt,
rượu Johnnie Walker và rượu gin Gordon đã có mặt trong chợ, và
chúng tôi tin rằng nay mai sẽ có đầy các thứ gạo, trái cây, rau quả,
thịt và đồ hộp. Điều này không phải một sớm một chiều. Nhưng suốt
mấy tuần lễ đầu tiên, không khí tưng bừng hớn hở. Người dân thật
sự hạnh phúc hân hoan đón mừng người Anh trở lại.
Đầu năm 1946, người dân nhận ra rằng không hề có chuyện trở
lại một Singapore tự do thoải mái, ổn định và hòa bình như cũ.
Thành phố chật ních những người mặc quân phục. Họ đầy trong các
quán cà phê, các quầy rượu và quán bia mới mở. Những công sở
thuộc địa trước chiến tranh không thể hoạt động lại ngay được, vì
những nhân viên người Anh ở đó đã chết hoặc đang hồi phục sau
thời gian tù đày. Tàu cập bến thưa thớt và hàng hóa thì ngay tại
nước Anh cũng còn khan hiếm. Có vẻ như phải mất nhiều năm nữa
thì nguồn hàng hóa như thời trước chiến tranh mới hồi phục lại.
Ngay cả dân bản xứ đã từng làm việc cho chính phủ cũng không thể
quay lại chỗ làm cũ của họ, và nhiều người vẫn đang thất nghiệp.
Đó là một thế giới hỗn loạn, nơi bọn đầu cơ phát triển ở Singapore
cũng như đã phát triển ở Anh (ở đó chúng được gọi là bọn chợ đen).
Nhiều việc kinh doanh hàng ngày vẫn được tiến hành trên thị
trường đen – giờ gọi là thị trường tự do.
Nhiều xe jeep quân đội và xe mô tô trên đường phố, nhưng không
có xe buýt và ở tô mới. Xe điện thì cũ nát, và đường phố đầy ổ gà;
điện thoại thì cũ và đường dây nghe không rõ vì không có sẵn thứ
để thay thế; nguồn điện lại thiếu thốn. Sẽ phải mất một thời gian để
ổn định các thứ. Chúng tôi đã sống với quá nhiều mong đợi về
“những ngày tháng tốt đẹp xa xưa” suốt những năm tháng đau khổ
đó. Những hy vọng của chúng tôi, dựa trên nỗi luyến tiếc quá khứ,
thì quá cao, và chắc chắn chúng tôi sẽ bị thất vọng. Cơ sở hạ tầng
đã xuống cấp, tài sản bị mất đi hoặc bị phá hủy, người dân kẻ chết,
kẻ già yếu hoặc bệnh tật. Cuộc sống phải tiếp tục nhưng nó sẽ
không còn được như những ngày tháng tốt đẹp xa xưa.
Tuy nhiên, Chính quyền Quân đội Anh, dù có những thiếu sót, vẫn
là một xoa dịu lớn lao so với sự đàn áp và khủng bố của người Nhật
trước đó. Các sỹ quan và thường dân Anh biết rằng dân bản xứ hân
hoan chào đón họ trở lại, và họ đã đáp lại sự nồng nhiệt đó và làm
những điều tốt nhất cho chúng tôi. Nhiều binh lính và sỹ quan đã
chia sẻ khẩu phần quân đội của họ cũng như thuốc lá và rượu với
những người dân mà họ tiếp xúc. Nhiều người Singapore hiểu tiếng
Anh, văn hóa Anh và chính thể Anh. Thậm chí những người thất học
cũng lờ mờ quen thuộc với những bộ phận của hệ thống thuộc địa
Anh mà họ đã được tiếp xúc.
Có lẽ những người Hoa ở vùng eo biển sẽ sung sướng được trở lại
với hình thái xã hội mà họ đã đồng hóa từ lâu. Dù vẫn còn giữ nhiều
nét văn hóa Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã thôi sử dụng
tiếng địa phương của mình, và chỉ nói tiếng Malay. Họ là con cháu
của những người nhập cư đầu tiên không mang phụ nữ từ Trung
Quốc theo và vì thế họ đã cưới những phụ nữ bản xứ. Phần lớn bọn
họ trung thành với nước Anh, và họ gởi con cháu đến các trường
tiếng Anh ở địa phương với hy vọng rằng cuối cùng chúng sẽ trở
thành những viên chức chính phủ và những chuyên viên trong một
thuộc địa được cai trị bằng tiếng Anh. Phần tử trung thành nhất gia
nhập Hội Anh Hoa vùng eo biển, và được dân chúng gọi là người Hoa
quý tộc. Các thành viên lãnh đạo của họ được phong tước quý tộc.
Nhưng những người Hoa quý tộc này chỉ chiếm một phần mười
dân số. Còn lại là những người Hoa nói tiếng Hoa mới đến Singapore
gần đây. Họ không nói tiếng Anh mà nói tiếng địa phương của họ –
chủ yếu là tiếng Hokkien (tiếng Phúc Kiến), Teochew (Tiều Châu),
Cantonese (Quảng Đông), Hakka và Hainanese (Hải Nam). Con cái
họ học ở các trường tiếng Hoa, ở đó chúng học tiếng Quan thoại. Sự
giao tiếp của họ với chính quyền Anh thì rất ít, họ có một cuộc sống
riêng và sau chiến tranh họ cũng không bị đồng hóa gì nhiều hơn
thời trước đó.
Lòng trung thành của họ hướng tới Trung Quốc chứ không phải
nước Anh. Chính họ đã dấn sâu vào rừng rậm Malaya để chiến đấu
chống Nhật như những du kích quân trong Quân đội Nhân dân
Malay kháng Nhật (MPAJA), vốn là lực lượng quân sự của Đảng Cộng
sản Malay. Họ hướng tới cái ngày mà họ không chỉ tống cổ bọn Nhật,
mà cả bọn Anh nữa. Trong tình hình quyền lực còn lơ lửng khi người
Nhật bất ngờ đầu hàng mà người Anh chưa trở lại, họ là lực lượng
hoạt động mạnh hơn cả.
Ở Malaya, họ tiếp quản vài thị trấn nhỏ hơn, lập cổng chào để đón
mừng du kích quân như những người hùng thật sự trong cuộc chiến
chống Nhật, và hoạt động như chính quyền địa phương trên thực tế.
Thật may họ không thử làm điều đó ở Singapore, nhưng họ cũng
gây nhiều rối loạn. Họ xuất hiện trên đường phố trong những bộ
quân phục kaki đủ kiểu với những chiếc mũ vải bắt chước kiểu mũ
của Đệ Bát lộ quân Cộng sản Trung Quốc – mềm, rũ, với ba ngôi sao
đỏ ngay bên trên lưỡi trai. Trong men chiến thắng, họ khá mạnh tay.
Họ dùng vũ lực trưng dụng tài sản và lập ra tòa án nhân dân để
trừng phạt tức thì và đơn giản những người cộng tác với Nhật bất kể
chủng tộc. Trong một vụ nọ, 20 mật thám người Hoa bị vây bắt và
tống vào cũi nhốt heo chờ xét xử.
Cũng có trò truy bức cung và ngấm ngầm đe dọa các doanh nhân
về sự cộng tác trước đó của họ với kẻ thù. Nhiều người tên tuổi bị ép
buộc, ở mặt tâm lý hoặc thể chất, phải đóng góp thật nhiều cho
MPAJA để chuộc lại những tội ác trong quá khứ của họ. Bọn lưu
manh trẻ tuổi đi khắp thành phố công khai sử dụng giấy ủy nhiệm
của MPAJA để moi tiền hoặc hàng hóa của những ai đã từng làm ăn
với người Nhật. Quân đội Anh không thể tái lập an ninh trật tự trước
thế mạnh của MPAJA và trước chủ nghĩa cơ hội của bọn găng–xtơ
đang giả vờ như từng góp phần trong cuộc kháng Nhật. May thay, vì
họ không có phương tiện để tới Singapore, nên hầu hết thành viên
MPAJA vẫn ở tại Malaya, nơi họ hoạt động hữu hiệu hơn vì đó là
vùng đất quen thuộc.
Chính quyền Quân đội Anh đề nghị trả MPAJA 350 đôla cho mỗi du
kích quân chịu giao nộp vũ khí. Từ tháng 12/1945 đến tháng
1/1946 có khoảng 6.500 du kích nộp vũ khí như thế, trong đó có vài
trăm quân ở Singapore. Vào ngày 6/1, người Anh tổ chức một nghi
lễ bên ngoài Tòa thị sảnh, tại buổi lễ có một toán nhỏ quân MPAJA
mặc quân phục diễu hành qua trước mặt Huân tước Louis
Mountbatten, người đã gắn mề đay cho 16 vị chỉ huy của họ. Chin
Peng, được mô tả trên báo chí như một lãnh tụ của du kích quân
cộng sản, nhận huy chương Burma Star (1939–1945) và War Star,
sau đó ông ta giơ nắm đấm lên chào. Việc thừa nhận chính thức sự
đóng góp của MPAJA trong việc đánh bại quân Nhật đã cho họ một
cơ hội mà họ sẽ tận dụng để tăng cường thực lực. Trong khi đó, họ
vẫn bí mật tích trữ vũ khí để sử dụng trong tương lai.
Cộng sản đã có thể tuyển mộ một số người có giáo dục Anh vào
một mặt trận liên kết mà họ lập ra. Một nhóm những người trí thức
– luật sư, giáo viên, những sinh viên đại học Raffles và những sinh
viên trở về từ đại học Cambridge – lập thành tổ chức Liên hiệp Dân
chủ Malay, mà bộ chỉ huy của nó đặt ở những căn phòng tồi tàn bên
trên sàn nhảy của quán rượu Liberty trên đường North Bridge. Họ lôi
cuốn được Phillip Hoalim, một luật sư và là bạn của gia đình tôi, ngồi
vào chiếc ghế chủ tịch của tổ chức. Họ cần ông ta như một thứ vỏ
bọc để điều hành tổ chức, và tôi trở thành một người khách ngẫu
nhiên đối với những hoạt động của họ thông qua sự quen biết với
ông ta. Người Anh đã tuyên bố thành lập Liên hiệp Malay, bao gồm
chín bang Malay và hai thuộc địa Penang và Malacca của Anh, không
có Singapore. Điều này có nghĩa là Singapore vẫn là thuộc địa của
Anh. Đó là điều không thể chấp nhận được, và Tổ chức Liên hiệp
Dân chủ Malay đòi hỏi nền độc lập cho cả Malaya và Singapore như
một thực thể thống nhất.
Phillip Hoalim giúp soạn ra dự thảo hiến pháp, nhưng dù tôi có
xem qua bản dự thảo, tôi cũng không hề có dính dáng gì vào đó. Về
phía họ, những người cộng sản xem mọi đàm phán về sự thay đổi
hiến pháp là không quan hệ. Điều họ muốn là toàn bộ quyền lực. Tổ
chức Liên hiệp Dân chủ Malay chỉ là một mặt trận để huy động giới
Tây học (hay Anh học) giúp họ đạt được nó. Nhưng khi họ dùng đến
đấu tranh vũ trang để chống lại người Anh vào năm 1948 nhằm
giành chính quyền, thì tổ chức Liên hiệp Dân chủ Malay bị dẹp bỏ.
Tuy nhiên trước khi điều đó xảy ra, họ đã hành động khá nhiều.
Ngay khi rời khỏi rừng, những người cộng sản bắt đầu phô diễn sức
mạnh, sử dụng các nghiệp đoàn. Ngày 21/10/1945, họ huy động
7.000 công nhân trong các xưởng đóng tàu ở Tanjong Pagar và Khu
cảng Singapore tham gia bãi công. Vài ngày sau họ tổ chức một
cuộc mit–tinh quy mô với 20.000 công nhân tham gia và nhân đó ra
mắt Tổng liên đoàn Lao động. Theo mô hình cộng sản tiêu biểu,
công đoàn thu nhận công nhân từ mọi ngành nghề trong xã hội
cũng như từ các tổ sản xuất. Khi họ kêu gọi một cuộc tổng đình
công vào ngày 29/1/1946, trong một cuộc biểu dương sức mạnh
sau khi Chính quyền Quân đội Anh giam giữ vài người cộng sản,
khoảng 170.000 công nhân từ các bệnh viện, xưởng đóng tàu, căn
cứ Hải quân, xưởng cao su, rạp hát, quán rượu và phương tiện vận
chuyển công cộng ngưng làm việc, và các cửa hàng đóng cửa. Nó
được gọi là một hartal, đóng cửa hiệu, một từ ngữ xuất phát từ
phong trào dân sự bất tuân pháp luật ở Ấn Độ.
Cuộc đình công này không chỉ lôi cuốn những người buôn bán lẻ,
mà cả những người đánh xe ngựa, xe kéo, tài xế taxi cũng tham gia,
vì nhiều lý do. Cuộc sống trong thành phố tạm ngưng. Nhưng những
người cộng sản e rằng họ không thể kéo dài cuộc đình công. Sau khi
đã chứng tỏ họ có thể điều khiển mọi người hưởng ứng biện pháp
đóng cửa hiệu của mình, họ ra lệnh ngưng đình công vào ngày thứ
nhì.
Những gì tôi chứng kiến trong thời kỳ ngay sau chiến tranh đã
hoàn thiện hiểu biết của tôi về sự bất công và ngu xuẩn của kiếp
người. Nếu ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng đã cho tôi tốt nghiệp về
(môn học) thực tế cuộc sống, thì năm đầu tiên trên một đất nước
Singapore mới giải phóng là khóa học sau đại học của tôi. Thật khác
xa với ký ức của tôi về những năm 1930 dưới chế độ thuộc địa.
Những công chức Anh sống sót qua tù đày đã được đưa về nhà để
chữa bệnh và an dưỡng, và những sỹ quan lâm thời của Chính
quyền quân đội Anh điều hành những bộ phận ứng phó.
Sự thật là họ được tăng cường với một số viên chức thuộc thế hệ
tiền chiến, những kẻ đã xin nghỉ phép khi người Nhật đến, hoặc đã
thoát đi được đúng lúc. Nhưng họ không tiếp cận được với những
thay đổi đã xảy ra. Những người hữu trách hiện nay – những thiếu
tá, đại tá, thiếu tướng – biết họ sẽ chỉ nắm quyền cho đến khi được
giải ngũ, khi đó những ủy ban thời chiến sẽ tan biến như cỗ xe của
Cô bé Lọ lem. Tận trong thâm tâm, họ biết rồi đây họ sẽ trở về đời
sống dân sự, và nhiều người đã tận dụng quyền lực tạm thời của
mình. Những nhu cầu của họ, than ôi, cũng giống y như của những
sỹ quan Nhật – những thứ gì nhỏ bé có giá trị và dễ dàng cất giấu
trong người để mang về quê hương nước Anh khi họ hết thời hạn.
Người ta lại lùng mua những món hàng ấy. Để bù lại, họ cấp giấy
phép và hàng hóa thuộc loại khan hiếm cho những người bản xứ, và
đó là những cơ hội để kiếm tiền. Nhưng họ không phải là những kẻ
áp bức tàn bạo như người Nhật.
Cùng với sự ra đi của người Nhật, nhiều ngôi nhà bỏ trống, tôi và
mẹ tôi tìm một chỗ ở thích hợp để dọn đến, vì chúng tôi phải rời khỏi
khu China Building, và hiệu buôn trên đường Victoria là không thích
hợp. Trên đường Oxley, khu trung lưu, nơi những người châu Âu bỏ
trống nhà họ từ năm 1942 và những viên chức dân sự Nhật đã
chiếm ngụ, chúng tôi thấy hai căn nhà giống hệt nhau – số 38 và 40
– do một lái buôn Do Thái xây cất và đặt tên cho chúng là Castor và
Pollux. Chúng trống trơn trừ vài món đồ cồng kềnh, và chúng tôi
quyết định hỏi thuê căn số 38. Nó là một ngôi nhà lớn, nhiều ngóc
ngách với năm phòng ngủ, và ba phòng nữa ở phía sau vốn được
dùng làm phòng cho gia nhân. Tôi gặp Goerge Gaw, một người Java
gốc Hoa bạn của gia đình, hiện đang phụ trách Văn phòng Quản lý
Tài sản kẻ thù, và ông ta vui lòng cho chúng tôi thuê với giá như hồi
trước chiến tranh. Tiền thuê hiện nay phải trả theo đôla Straits
(đồng tiền thuộc địa dùng ở Singapore trước chiến tranh) – khoảng
80 đôla một tháng, một số tiền thật sự lớn – nhưng chúng tôi quyết
định thuê.
Ba tôi trở lại làm việc cho hãng Shell, lần này thì phụ trách kho
của họ ở Pasir Panjang tại Singapore. Trong khi đó tôi phải quyết
định nên làm gì. Việc buôn bán trên thị trường công khai vẫn còn
sinh lợi, nhưng chủng loại hàng hóa đã thay đổi và điều đó khiến
công việc có nhiều rủi ro hơn. Tôi không thể đoán trước được món
hàng đang khan hiếm nào sẽ bất ngờ trở nên dồi dào nếu như
chúng được nhập khẩu vào để phục vụ quân đội. Vì vậy, như một
giải pháp khác, tôi đã gặp nhiều sỹ quan Anh phụ trách về công
chính để xem họ có công trình nào cần xây dựng hay không. Sau
hai, ba lần dò hỏi, tôi đã ký được hợp đồng với một lữ đoàn Ấn Độ
đang coi sóc kho quân nhu của Nhật trên đường Alexandra. Tôi nói
chuyện với viên thiếu tá, một người Anh gầy cao lêu nghêu, đang
cần lao động để chuyển hàng hóa của Nhật ra khỏi kho và thay vào
đó bằng quân nhu của Anh. Người bạn Thượng Hải Low You Ling của
tôi cung cấp cho ông ta 100 – 150 công nhân với giá 2 đôla một
ngày, và em trai Dennis của tôi làm thủ quỹ kiêm người phát lương.
Quân đội trả tiền cho chúng tôi sau khi đếm đầu người vào cuối
ngày, rồi chúng tôi trả lương cho công nhân. Chúng tôi cũng có làm
một số công trình xây dựng và được trả công từng vụ một. Công
việc bắt đầu từ tháng 10/1945 và khiến tôi bận rộn mãi đến tháng
5/1946.
Vào tháng 3/1946, Dennis bị một tai nạn nghiêm trọng trong khi
đạp xe về nhà vào một tối sau khi gom tiền để trả cho công nhân.
Một chiếc xe tải chạy ngang đã đụng phải chú ấy và lôi chú ấy vài
mét trên đường bên ngoài Đài Tưởng niệm Victoria. Cánh tay trái
chú ấy hầu như bị xé rời khỏi vai, và mặt thì bị thương nặng. Tôi lao
ngay tới bệnh viện để gặp chú ấy. Câu đầu tiên chú ấy hỏi tôi là
không biết tiền có bị mất không. Tôi thấy nhói trong tim. Đó chỉ là
vài trăm đôla, nhưng chú ấy rất quan tâm đến công việc của mình.
Tôi hết lòng an ủi chú ấy. Bác sĩ phẫu thuật đã mổ thành công cho
chú ấy, nhưng Dennis vẫn đau đớn và không thể làm việc trong
nhiều tháng.
Suốt thời gian ấy, tôi cũng bận rộn với những gì tôi sẽ phải làm cho
việc học còn dang dở của tôi và về sự gắn bó ngày càng tăng của tôi
với Choo. Tôi không hề lạc quan về việc mình có thể hoàn tất khóa
tốt nghiệp đúng thời hạn ở đại học Raffles. Ít nhất cũng phải một
năm nữa trường mới bắt đầu dạy lại. Rồi tôi sẽ phải mất một hay
một năm rưỡi nữa mới tốt nghiệp. Tổng cộng tôi sẽ mất hai hoặc ba
năm. Tôi thảo luận chuyện này với mẹ tôi. Chúng tôi quyết định
rằng, với số tiền tiết kiệm và nữ trang của mẹ tôi, cộng với tiền tôi
kiếm được từ nguồn chợ đen và công việc xây dựng của mình, gia
đình có thể nuôi tôi và Dennis học luật tại Anh. Tôi trù tính việc sang
Anh càng sớm càng tốt thay vì quay trở lại trường đại học Raffles để
giành học bổng Nữ hoàng.
Tháng 10 và 11/1945, tôi giới thiệu Choo với người thủ thư tại thư
viện Raffles (giờ là Thư viện quốc gia) và cho cô một công việc tạm
thời ở đó. Gia đình cô đã chuyển tới một ngôi nhà gỗ một tầng trên
đường Devonshire, cách nhà tôi gần hai cây số, và tôi thường đi bộ
đưa cô về nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi ngồi vào một nơi yên tĩnh
trong sân ngôi giáo đường Do Thái Chesed–El tại Oxley Rise, gần nơi
đã từng là một trong những trụ sở của Kempeitai. Nhưng vào tháng
12/1945, tôi đã có đủ khả năng để mua một chiếc xe hơi cũ, một
chiếc Morris tiền chiến được tân trang lại với đồ phụ tùng hiện có thể
kiếm được từ quân đội Anh. Khi công việc làm ăn của tôi trở nên
phát đạt hơn, tôi bán nó có lãi sau vài tháng và mua một chiếc Ford
V8 tiền chiến, được sửa chữa lại ngon lành. Nó hẳn đã từng được
một viên tướng Nhật sử dụng trong suốt thời kỳ chiếm đóng.
Vào ngày cuối năm, tôi đưa Choo đến dự buổi tiệc dành cho những
người trẻ tuổi tại biệt thự Mandalay trên đường Amber, lâu đài cạnh
bờ biển của bà Lee Choon Guan, một người Hoa sinh sống lâu đời ở
đây và là một quả phụ giàu có. Trước khi buổi tiệc kết thúc tôi dẫn
cô ấy ra khu vườn quay ra bờ biển. Tôi nói với cô ấy rằng tôi không
dự định trở lại đại học Raffles nữa mà sẽ sang Anh học luật. Tôi hỏi
liệu cô ấy có chờ tôi cho đến ba năm sau khi tôi trở thành luật sư
không. Choo hỏi lại tôi có biết là cô ấy lớn hơn tôi hai tuổi rưỡi
không. Tôi nói tôi biết và đã cân nhắc chuyện này cẩn thận rồi. Tôi
đã già trước tuổi và dù sao thì phần lớn bạn bè tôi cũng già hơn tôi.
Vả lại, tôi muốn một người ngang hàng với tôi, chứ không phải một
người chưa đủ lớn và cần phải được chăm sóc, và tôi không chắc
mình sẽ tìm được một người con gái khác ngang hàng và chia sẻ
được những quan tâm của tôi. Cô ấy nói sẽ chờ tôi. Chúng tôi không
nói chuyện này với cha mẹ. Thật khó làm cho họ đồng ý đối với một
lời hứa lâu như vậy. Đây là cách hai chúng tôi cư xử với nhau; khi
chúng tôi gặp phải những khó khăn cá nhân, chúng tôi đối mặt với
chúng và phân loại chúng ra. Chúng tôi không tìm cách lẩn tránh
hay che giấu chúng đi. Việc tìm hiểu nhau đã nở hoa. Tôi bắt đầu
cho kế hoạch rời Singapore năm đó, 1946.
Tháng 3, tôi viết một lá thư cho Middle Temple, một trong bốn tổ
chức pháp lý ở London, kèm theo kết quả học tập của tôi tại trường
Certificate. Trong vòng một tháng họ trả lời rằng họ sẽ nhận tôi nếu
như tôi trình diện và làm thủ tục nhập học. Với lá thư này, tôi đến
đặt vấn đề với viên thiếu tá Anh mà tôi đang làm việc cho ông ta và
hỏi cách để đi trên một trong những chiếc tàu đang bắt đầu đến
Tanjong Pagar để chở quân lính giải ngũ về Anh. Viên thiếu tá giới
thiệu tôi với viên sỹ quan lo việc vận chuyển binh lính. Tháng 5 tôi
gặp một người trong bộ tham mưu của ông ta. Có thể nói tôi đã gây
được ấn tượng vì trong những ngày ấy, ít người bản xứ có thể nói
tiếng Anh đúng văn phạm và chuẩn như dân Anh mà không nặng
giọng. Tôi giải thích tình trạng khó khăn của mình, về việc học của
tôi bị gián đoạn bởi chiến tranh ra sao khiến bây giờ tôi bị phí mất cả
ba năm rưỡi, ngoài ra tôi còn được Middle Temple thu nhận. Tôi
trưng ra lá thư của Middle Temple và nói tôi rất cần một chuyến đi
để tới nước Anh. Ông ta đồng tình và hứa sẽ giúp. Vào tháng 7, ông
ta tặng tôi một vé ưu tiên trên một tàu chở quân mà nó sẽ đưa tôi
đến London vào tháng 10.
Trong hai tháng quay cuồng trước khi rời khỏi Singapore, tôi cùng
mẹ tôi lùng kiếm khắp nơi để tìm quần áo len cho mùa đông ở Anh.
Chúng tôi mua chúng trong khu chợ trời trên đường Sungei, nơi
thường buôn bán những đồ ăn cắp trước chiến tranh và đã sinh hoạt
lại nhờ vào những món ăn cắp vặt hoặc những thứ mua từ binh lính
Anh, phần lớn đồ ở đó được binh lính bán lại sau khi họ được cấp
phát để chuẩn bị giải ngũ, hoặc trở về Civvy Street, theo cách họ
thường nói. Mẹ tôi mua một cái hòm gỗ thật to, có bịt kim loại ở mỗi
góc, và xếp vào đó một cái mền, một cái mền bong, một áo khoác,
hai áo khoác thể thao, mấy túi vải và một bộ com–lê may ở tiệm
may nổi tiếng nhất ở High Street.
Trước khi tôi xuống tàu, mẹ tôi cũng đã làm hết sức mình để chắc
rằng tôi sẽ rời khỏi Singapore sau khi đã thề hứa với một cô gái
người Hoa nào đó, và như thế sẽ khó có thể trở về với một cô gái
Anh. Nhiều sinh viên đã trở về với những cô vợ người Anh, với kết
quả thường không hạnh phúc. Gia đình họ bị xào xáo, các cặp chia
tay nhau, nếu không thì phải qua sống ở nước Anh vì họ không thể
hòa nhập vào xã hội thuộc địa Anh, nơi mà họ bị đối xử như kẻ kém
đẳng cấp nếu không muốn bị tẩy chay công khai. Bà lần lượt giới
thiệu cho tôi ba cô gái đàng hoàng có kiến thức phù hợp và địa vị xã
hội tốt. Tôi chẳng quan tâm. Họ hợp tuổi, gia đình họ khá giả, họ coi
được. Nhưng họ chẳng khiến tôi chú ý. Tôi hoàn toàn hạnh phúc khi
ở bên Choo. Cuối cùng tôi quyết định nói hết với mẹ. Bà là một phụ
nữ sắc sảo. Một khi bà nhận ra tôi đã quyết định rồi, bà thôi việc tìm
kiếm. Thái độ của bà với Choo đã đổi thành một tình cảm thân thiện
nồng ấm của một bà mẹ chồng tương lai.
Trước đây tôi đã nói với bà về Choo, cô gái đã đánh bại tôi trong kỳ
thi môn kinh tế và tiếng Anh tại Đại học Raffles. Bà cũng đã gặp
Choo trong suốt những ngày chúng tôi làm hồ dán và đã đến thăm
gia đình cô. Cha của Choo, Kwa Siew Tee, giám đốc một chi nhánh
ngân hàng của Oversea–Chinese Banking Corporation, một người
Java gốc Hoa giống như cha và bà nội tôi. Mẹ cô ấy là người Hoa
sinh tại Singapore như mẹ tôi vậy. Chúng tôi có cùng gốc gác, nói
cùng thứ ngôn ngữ ở nhà và chia sẻ những lề thói xã hội như nhau.
Choo đã từng học tại trường nữ Methodist, và đã đậu đệ nhị cấp
Cambridge, khi mới 16 tuổi, cô vào lớp đặc biệt tại Học viện Raffles
dành cho những học sinh đang tranh đua nhau suất học bổng Nữ
hoàng, nhưng cô không đạt được. Sau này cô nói với tôi là cô đang
chờ hoàng tử của lòng mình. Tôi đã xuất hiện, không phải trên một
con ngựa trắng mà trên một chiếc xe đạp lốp đặc! Năm 1940 cô vào
Đại học Raffles, và chúng tôi gặp nhau trong những bữa tiệc và cắm
trại, nhưng lúc ấy tôi giữ một thái độ cách biệt vì mới vào học năm
đầu tiên và đang cực nhọc trong việc điều chỉnh lối sống. Hơn nữa
tôi không hào hứng chuyện tiếp xúc bất kỳ cô gái nào vì tôi chưa
sẵn sàng cho một sự ràng buộc nào cả. Vài lần chúng tôi gặp nhau
vì xã giao hay trong các giảng đường. Chúng tôi thân thiện nhưng
không có chủ ý. Tuy nhiên năm 1943–1944, chúng tôi cùng bước
vào một môi trường khác – bản thân tôi đã trưởng thành hơn trong
ba năm chiếm đóng của người Nhật và nhìn cô ấy với đôi mắt khác;
Choo nhốt mình trong nhà làm việc nội trợ, học tiếng Quan thoại,
đọc bất cứ sách gì kiếm được và sẵn sàng tham gia việc làm hồ dán
với chúng tôi.
Cô ấy thuộc một đại gia đình có tám người con và có thời thơ ấu
êm đềm hạnh phúc trong ngôi nhà thủ cựu. Ba mẹ cô sống khá
sung túc và lúc nào cũng có một chiếc xe hơi đưa cô đến trường,
đến đại học Raffles hoặc bất cứ nơi nào cô cần tới. Họ cũng có một ý
thức sắc bén về lễ nghi. Có lần, sau khi gia đình cô dọn về ở đường
Devonshire, việc Choo ngồi trên yên sau chiếc xe gắn máy của tôi
từ thư viện về nhà đã khiến mẹ cô ấy sửng sốt. Cô ấy bị mắng
thẳng vào mặt vì cách cư xử không thích hợp như thế. Rồi người ta
sẽ nghĩ sao đây! Còn ai muốn cưới cô ấy nữa! Ngay sau đó, gia đình
cô ấy quay trở lại Pasir Panjang, nơi họ sống trước đây. Thật may là
lúc đó tôi đã có xe hơi.
Trong những tháng ngày sôi nổi trước tháng 9/1946, chúng tôi đã
dành nhiều giờ bên nhau. Trước khi đi, tôi nhờ cậu em họ Harold
Liem, đang trọ tại nhà tôi ở số 38 đường Oxley, chụp cho chúng tôi
nguyên một cuộn phim, chỉ trong vòng vài ngày. Chúng tôi còn trẻ
và yêu nhau, khát khao ghi lại phút giây này của cuộc đời chúng tôi,
hầu có một cái gì đó để nhớ về nhau trong suốt ba năm tôi du học ở
Anh. Chúng tôi không biết bao giờ mới gặp lại nhau một khi tôi ra đi.
Cả hai chúng tôi đều hy vọng cô ấy sẽ quay lại đại học Raffles, nhận
được học bổng Nữ hoàng để học ngành luật, và sum họp với tôi ở
bất cứ chỗ nào tôi sống. Cô ấy đã thề hứa trọn vẹn với tôi. Tôi cảm
nhận được điều đó. Tôi cũng quyết tâm giữ lời thề hứa với cô ấy.
Khi tôi rời Singapore vào ngày sinh nhật lần thứ 23 của tôi, ngày
16/9/1946, trên con tàu Britanic, và đứng trên boong vẫy tay chào,
cô đã đầm đìa nước mắt. Tôi cũng vậy. Cả gia đình và vài người bạn
của tôi, gồm cả Hon Sui Sen, đứng trên cầu tàu chúc tôi may mắn
và vẫy chào tạm biệt tôi.
5
NHỮNG NGÀY Ở CAMBRIDGE
Britanic là chiếc tàu tải trọng 65.000 tấn của hãng Cunard Liner,
hồi trước chiến tranh nó chạy tuyến Liverpool – New York vượt Đại
Tây Dương. Không có chiếc tàu nào lớn và chạy nhanh như nó chạy
tuyến Southampton đi Singapore. Nó chật ních những đoàn quân
giải ngũ đang trên đường về Anh. Có khoảng 40 người châu Á trên
tàu, đa số là người Hoa, mỗi phòng chứa gấp hai lần số hành khách
thường lệ. Tôi vui mừng được là một trong số họ.
Vì không đem theo sách giáo khoa về luật để tự chuẩn bị cho việc
học của mình nên tôi chơi bài poker suốt với các sinh viên Hồng
Kông. Đó là một trò tiêu khiển tương đối vô hại. Tôi bị sốc khi chứng
kiến sự chung chạ tự nhiên của khoảng 40 – 50 nữ quân nhân, đeo
lon hạ sỹ quan và những cấp bậc khác đang tán tỉnh các sỹ quan.
Đêm nọ, một sinh viên Hồng Kông, trợn tròn mắt nói với tôi họ đang
làm tình công khai trên những xuồng cứu sinh. Tôi tò mò lên xem
thử. Quả là một cảnh tượng ghê tởm! Trên boong là một đám lúc
nhúc với những cặp mùi mẫn ôm cứng nhau khắp mọi nơi. Vài cặp ít
sống sượng hơn. Họ mở những tấm vải bạt phủ trên các xuồng cứu
sinh rồi vào trong đó cho kín đáo. Nhưng chứng kiến cả đám đàn
ông và đàn bà làm tình công khai trái ngược hẳn với ký ức sâu xa
của tôi về những binh lính Nhật xếp hàng nối đuôi nhau bên ngoài
“ngôi nhà giải trí” trên đường Cairnhill. “Văn hóa Pháp”, hiện được
gọi là bao cao su, quăng bừa bãi trên boong.
Tôi lại bị thêm một cú sốc nữa khi tàu đi ngang qua kênh Suez. Nó
chạy chậm để sóng không cuốn trôi cát ở hai bên bờ. Khi chúng tôi
đi ngang, một nhóm công nhân Ả Rập trên bờ bắt đầu hò hét những
câu tục tĩu và kéo những chiếc áo gallabiya của họ lên – một loại áo
dài giống như áo ngủ – để khoe bộ phận sinh dục của họ với các nữ
quân nhân Anh trên boong đang ngắm nhìn cảnh vật trôi qua trong
cái nóng thiêu đốt. Các cô thét lên đầy kinh ngạc và phẫn nộ khiến
bọn Ả Rập khoái chí, cầm của họ lên và lắc qua lắc lại. Tôi đã từng
thấy bọn khi trong thảo cầm viên Singapore làm trò này với khách
tham quan nào không cho chúng chuối. Sau này tôi hiểu ra rằng họ
căm thù người Anh. Còn tại sao thì tôi không biết. Đó là lần đầu tôi
rời Singapore đi nước ngoài. Tôi bị lọt vào một thế giới mới gồm cả
yêu thương và căm thù, những thành kiến và định kiến của các dân
tộc khác nhau.
Không ai ở Anh biết tôi đang đến, vì vậy không hề có sự chuẩn bị
đón tiếp tôi khi tàu đến Liverpool vào ngày 3/10, sau khi rời
Singapore 17 ngày. Tuy nhiên khi tôi biết các sinh viên Hồng Kông
được chính phủ họ đỡ đầu sẽ được các nhân viên thuộc Văn phòng
Thuộc địa đón tiếp, tôi quyết định đi cùng họ. Xe lửa của chúng tôi
tới London lúc khuya đó và tôi đi taxi theo họ đến ký túc xá Victoria
League ở Earl’s Court. Ở đó tôi được nhận một chiếc giường hai tầng
giống như chiếc trên tàu Britanic, trong một căn phòng giống như
cái hang ở một tầng hầm không cửa sổ. Tôi nhận ra mình đang ở
chung với khoảng 20 sinh viên Phi châu và Caribê. Đó là một cú sốc
nữa. Tôi chưa từng gặp một người Phi châu ngoài đời, mà chỉ thấy
trong hình ảnh. Tôi không hề chuẩn bị cho mùi kỳ lạ của thân thể
họ, hoàn toàn không giống mùi của những chủng tộc khác ở
Singapore. Đêm đó tôi ngủ không yên.
Tôi phải đi tìm một chỗ khác để ở, và sau 12 ngày sống tạm ở
YMCA9, tôi tìm được cho mình một căn phòng ở số 8 đại lộ Fitzjohn.
Đó là một con đường tuyệt đẹp, yên tĩnh với những hàng cây thẳng
hàng chỉ cách nhà ga xe điện ngầm Swiss Cottage và bến cho chiếc
xe buýt số 13 sẽ đưa tôi thẳng đến Strand gần trường Kinh tế
London (London School of Economics – LSE) một khoảng ngắn.
Tôi vẫn phải kiếm một chỗ ở LSE, điều đó không dễ dàng chút nào.
Học kỳ bắt đầu cách nay hai tuần, và các trường đại học đầy những
quân nhân giải ngũ. Nhưng tôi cố xoay xở để gặp vị trưởng khoa
luật, giáo sư Hughes Parry. Tôi giải thích với ông ta là tôi đã mất hết
ba năm rưỡi, và rằng tôi đã đi trên một chuyến tàu chở binh lính
sớm nhất mà tôi có thể kiếm được vé, mà không biết là mình có thể
gởi đơn xin học qua bưu điện. Tôi trưng ra kết quả ở năm đệ nhị cấp
Cambridge 1939 mà tôi đậu đầu trên toàn lãnh thổ Singapore và
Malaya để thuyết phục ông ta rằng tôi sẽ không gặp khó khăn gì
trong việc theo kịp chương trình, dù tôi nhập học trễ. Ông ta đồng
tình và nhận tôi vào.
Đó là một cuộc sống lạ lẫm. LSE giống như một khách sạn bận
rộn, hoàn toàn không giống với nhịp sinh hoạt nhàn rỗi, dễ thở ở đại
học Raffles, nơi các sinh viên trong những khu ký túc đi chậm rãi
đến các phòng học, ngồi loanh quanh trong các phòng dành cho sinh
viên năm thứ nhất và dự những giờ phụ giảng gồm hai, ba hoặc bốn
sinh viên là tối đa. LSE là một tòa nhà nhiều tầng và các sinh viên
cứ chạy lên chạy xuống bằng thang máy, mọi người đều vội vã làm
một cái gì đó, ở đâu đó. Các buổi học là một sự tranh giành. Sau
một buổi học ở LSE, tôi sẽ lao qua Strand tới đại học King dự một
buổi học khác, rồi phải đón xe điện ngầm hoặc xe buýt đến Euston
dự buổi học thứ ba tại đại học London – nơi đẹp nhất trong ba nơi vì
nó xa hẳn sự náo nhiệt của trung tâm London, và cùng với những
khu bệnh viện, nó có một cái gì đó mang không khí của một trường
đại học.
Có một việc tình cờ đầy thú vị xảy ra vào đầu năm học ở lối vào
LSE. Trong khoảng một tuần, các sinh viên đại diện cho các câu lạc
bộ khác nhau – Câu lạc bộ Lao động, Câu lạc bộ Tự do, Câu lạc bộ
Bảo thủ, Câu lạc bộ Xã hội – đứng cạnh những căn lều nhỏ, chìa ra
những cuốn sách mỏng và chiêu mộ những thành viên mới. Tích cực
nhất trong việc vận động các sinh viên thuộc địa là những người
cộng sản. Họ mang tên Câu lạc bộ Xã hội, nhưng tôi nhanh chóng
nhận ra sắc thái Mác–xít và phương pháp của họ trong việc nhờ các
nữ sinh viên người Anh để vận động các sinh viên từ châu Phi,
Caribê và một vài người châu Á. Tôi tránh xa tất cả bọn họ.
Tôi bị cú sốc văn hóa trước khi làm quen được mọi sự. Khí hậu,
quần áo, thức ăn, con người, thói quen, cung cách, đường phố, địa
lý, việc sắp xếp giờ đi lại – mọi thứ đều khác biệt. Tôi không hề được
chuẩn bị gì cả ngoài tiếng Anh, một sự hiểu biết lơ mơ về văn
chương Anh và những tiếp xúc với những tay thực dân Anh trước
đây.
Để có một căn phòng vừa để ngủ vừa tiếp khách được, tôi phải trả
giá cắt cổ 6 bảng mỗi tuần, một số tiền lớn đối với người đã thôi
kiếm ra tiền. Thật may là nó bao gồm cả bữa điểm tâm. Trong phòng
có một lò sưởi bằng ga và một bếp ga, và tôi phải nhét một xu vào
đồng hồ đo để sưởi và nấu ăn. Tôi khổ sở ghê gớm về vụ thức ăn.
Nó được phân theo suất, và nhà hàng mà tôi có thể ăn mà không
cần tem phiếu thì đắt tiền. Tôi không biết cách sử dụng suất khẩu
phần đã mua, và chúng không bao giờ đủ dùng. Tôi lại không có tủ
lạnh. Quyển sách Dạy nấu ăn trong Phòng khách kiêm phòng ngủ
thì chưa được viết. Tôi đã có những kinh nghiệm tai hại về việc đun
sữa, mà nó trào tùm lum, cùng với việc chiên thịt lợn muối và thịt
bò, nó cứ teo lại và bốc mùi khắp phòng. Mùi đó không bay đi hết
trong vài giờ cho dù tôi đã mở tung các cửa sổ và cửa chính cho gió
thông mặc cho trời lạnh. Chúng bám vào vải trải giường và màn
cửa. Thật là kinh khủng. Những bữa trưa tại căng tin cả ba trường
đại học đều tồi tệ và khó tiêu.
Đêm thì lạnh và cô đơn. Khi tôi trở về Swiss Cottage mỗi tối với
những công chức Anh, tôi cảm thấy hài lòng vì không phải quay về
khu ở dành cho những sinh viên thuộc địa. Nhưng tôi luôn cô đơn,
mọi người đều rút vào phòng riêng và đóng cửa lại, vì không có
phòng khách và phòng ăn chung, và mỗi sáng có người mang bữa
điểm tâm lên tận phòng hoặc mỗi người tự nấu lấy. Khi gặp những
khó khăn trong việc nội trợ, tôi hỏi ý kiến các cô gái Anh, có sáu cô
thư ký văn phòng trẻ tuổi ở chung một căn phòng trên gác thượng.
Họ khuyên tôi nên mua thịt ở đâu và chỉ tôi cách giữ thịt và bơ tươi
mà không cần tủ lạnh (để chúng trên ngưỡng cửa sổ ngoài trời lạnh,
nếu mang vào nhà chúng sẽ bị chua). Từ những bạn sinh viên, tôi
học cách tiết kiệm 6 xu tiền trả cho máy giặt nếu như tôi giặt khăn
tay và hong khô chúng trên chiếc gương ngay trên bồn rửa mặt.
Nhưng tôi không thể làm vậy với áo sơ mi và áo lót. Và các tay áo
và cổ áo sơ mi chưa đầy một ngày đã dính đầy bụi London. Tôi rất
đau đầu với những việc nhỏ nhặt mà hồi ở Singapore tôi vẫn cho là
tự nhiên phải có. Hồi đó gia đình cung cấp mọi thứ tôi cần. Giày tôi
được đánh bóng, quần áo được giặt ủi cẩn thận, thức ăn sẵn sàng.
Tất cả những gì tôi phải làm là bày tỏ ý muốn ra thôi. Giờ thì tôi phải
tự lo liệu mọi chuyện. Đó là một cuộc sống mệt mỏi về thể xác, hơn
nữa, với phần lớn thời gian dành cho việc di chuyển từ nơi này đến
nơi khác, tôi đã quá mệt mỏi do đi bộ, và việc đi lại bằng xe buýt và
xe điện đã khiến tôi không còn sức lực cho học tập và suy ngẫm
nữa.
Một ngày, sau buổi học thêm về luật hiến pháp, tôi tìm đến giáo sư
Glanville L. Williams. Tôi đã xem trong danh sách của trường LSE,
biết rằng ông ta xuất thân từ đại học St John, Cambridge, nơi ông ta
đã lấy bằng PhD (tiến sĩ). Tôi hỏi ông ta về Cambridge và đời sống ở
đó. Ông ta nói đó là một thành phố nhỏ, mà mọi sinh hoạt của nó
tập trung vào trường đại học, khác hẳn London. Nhịp sống ở đó thật
thong thả. Sinh viên và các giảng viên di chuyển bằng xe đạp. Nghe
có vẻ hấp dẫn, tôi quyết định đến thăm nơi đó.
Tôi đến đó vào cuối tháng 11/1946, và gặp một sinh viên Đại học
Raffles, Cecil Wong, người hiện đang ở tại Fitzwilliam House, một tổ
chức không liên quan đến đại học chuyên phục vụ các sinh viên
nghèo với mức chi phí thấp hơn nhiều. Cecil dẫn tôi đến gặp viên
giám thị của Fitzwilliam, ông W.S Thatcher người tương đương giám
đốc trường đại học. Billy Thatcher là một người rất có ấn tượng, ông
từng được thưởng huy chương Thập tự Quân đội trong Thế chiến
thứ I vì công trạng tại xứ Flanders, nơi ông đã bị thương nặng. Mặt
ông đầy sẹo, và vì vòm miệng ông bị tổn thương, giọng nói ông bị
ngọng. Ông theo sát những nguyên tắc Cơ đốc giáo và có một tình
thương bao la dành cho những kẻ bị thua thiệt. Thatcher rất được
các giảng viên cũng như sinh viên kính trọng. Tôi kể lại tường tận
mọi vấn đề của tôi với ông. Ông bắt đầu mến tôi và chịu nhận tôi
vào ngay trong năm học đó khi học kỳ Lent bắt đầu vào đầu tháng
1/1947, miễn là anh bạn Cecil đồng ý cho tôi ở chung phòng. Cecil
đồng ý ngay tức khắc. Tôi vui mừng khôn xiết và vô cùng biết ơn.
Tôi quay lại London giải quyết công việc và gói ghém đồ đạc. Đầu
tháng 1, tôi đáp xe lửa từ nhà ga King’s Cross, đến Cambridge sau
hai tiếng, và đón taxi về chỗ ở của Cecil tại số 38 đường Belvoir.
Hai tuần sau, tôi viết thư cho giáo sư Hughes Parry báo tin là tôi
quyết định rời LSE và đến Cambridge. Tôi nhận được lá thư trả lời
đầy giận dữ: “Tôi cần nhắc cho anh nhớ rằng tôi đã phá lệ của mình
để thuyết phục những người có thẩm quyền trong trường này nhận
anh trong khi chúng tôi đã từ chối những người khác,” ông viết.
“Cách cư xử của anh cho thấy rằng tôi đã sai khi đánh giá về anh,
và rằng lẽ ra tôi không nên sẵn sàng giúp đỡ như vậy.” Nhận được lá
thư, tôi quyết định đến gặp ông ngay, đối mặt ông để nhận những
trách cứ. Tôi tới văn phòng của ông và giải thích đời sống khó khăn
cho tôi như thế nào trong học kỳ đầu tiên, rằng tôi đến từ một
thành phố nhỏ và cảm thấy lạc hướng hoàn toàn trong một thành
phố mấy triệu người, hoàn toàn không quen biết một ai, với mọi
người hối hả chung quanh trong một tốc độ chóng mặt. Hơn nữa tôi
không thể lo được mọi nhu cầu cho mình.
Ông lắng nghe những nỗi khổ của tôi. Hẳn tôi trông đầy vẻ chân
thành, và ông đã dịu lại và nói lẽ ra tôi phải nói những chuyện đó
ngay với ông. Ông có thể chuẩn bị chỗ ở cho tôi trong một ký túc xá
mà chỗ đó có thể cung cấp những thứ tôi cần. Giờ đây nhìn lại
những năm tháng đó, tôi mừng vì mình đã không ở lại London. Tôi
chắc là mình tất sẽ có một thời kỳ khốn khổ. Nhưng tôi vẫn luôn
cảm thấy hối hận vì đã phụ tấm lòng quý mến đặc biệt mà ông dành
cho tôi. Khi ông trở thành phó hiệu trưởng trường London University
vào cuối những năm 70, và tôi trở thành thủ tướng Singapore, tôi
định viết thư cho ông nhưng nghĩ lại tốt hơn là để nó qua đi. Có lẽ
tôi chỉ nên nói với ông là tôi không bao giờ quên lòng tốt của ông.
London có những đền bù của nó – và những bài học của nó dành
cho một luật sư tương lai. Một người đã gây ảnh hưởng nhiều đến
tôi trong học kỳ đầu tiên tại LSE là Harold Lasky, một giáo sư môn
chính trị. Giống như những sinh viên khác không học môn chính trị,
tôi cũng dự vài giờ giảng của ông. Ông là một diễn giả có sức hấp
dẫn mạnh, một vóc dáng nhỏ bé không gây chút ấn tượng nào,
nhưng lại có một trí tuệ sâu sắc. Phần trình bày lý thuyết chủ nghĩa
xã hội Mác–xít của ông đã tác động mạnh mẽ lên nhiều sinh viên
thuộc địa, nhiều người trong số họ sau này sẽ nắm quyền và lèo lái
nền kinh tế lạc hậu của xứ họ một cách tồi tệ bằng cách thực hiện
những chính sách không thích hợp dựa trên những gì họ nghĩ là
Lasky đã dạy. Thật may là trước khi tôi ở vào địa vị có thể làm bất
cứ điều gì có hại, tôi đã có kinh nghiệm về những chính sách kinh tế
thất bại đó để cảnh báo tôi về mối nguy hiểm này.
Hai hay ba bài giảng của Lasky mà tôi từng tham dự là bài học vỡ
lòng của tôi về lý thuyết chung của chủ nghĩa xã hội, và ngay lập
tức tôi bị nó hấp dẫn. Nó thức tỉnh tôi một cách rõ ràng rằng mọi
người trên thế giới đều phải có cơ hội đồng đều trong cuộc sống,
rằng trong một xã hội công bằng và trật tự thì không được có sự
chênh lệch lớn lao về của cải giữa con người vì địa vị hay thân phận
của họ, hay của cha mẹ họ. Tôi không phân biệt các chủng tộc và
dân tộc khác nhau. Chúng tôi là bộ phận của Đế quốc Anh, và tôi tin
là người Anh sống sung túc là nhờ vào tiền của từ tất cả các thuộc
địa của họ. Những tư tưởng mà Lasky trình bày vào thời điểm đó, vì
thế lôi cuốn những sinh viên thuộc địa. Chúng tôi đều muốn nền độc
lập cho xứ mình để có thể giữ gìn sự sung túc cho chính chúng tôi.
Rồi tôi nghĩ rằng sự sung túc chủ yếu dựa vào sự sở hữu tài
nguyên thiên nhiên và đất đai, hoặc đất đai màu mỡ với mưa thuận
gió hòa cho nông nghiệp và lâm nghiệp, hoặc các khoáng sản quý
giá, hoặc dầu hỏa và khí đốt. Chỉ vài năm sau khi nắm quyền, tôi
mới nhận ra rằng hiệu năng lao động của các chủng tộc khác nhau ở
Singapore, cũng như của các tầng lớp trong cùng một chủng tộc, là
rất chênh lệch. Sau khi thử nghiệm nhiều cách để giảm bớt sự bất
bình đẳng và bị thất bại, dần dần tôi phải thừa nhận rằng nhân tố
quyết định là con người, với những năng lực tự nhiên, học vấn và
rèn luyện của họ. Kiến thức và sự sở hữu về công nghệ là rất quan
trọng trong việc tạo ra của cải.
Nhưng ý tưởng về một xã hội tốt đẹp, công bằng và bình đẳng đã
hấp dẫn tất cả các sinh viên thuộc địa, và nhóm Fabian10 ở Anh đã hô
hào phương thức tiến từng bước đến lý tưởng mà không cần phải
trừ khử và tước đoạt tài sản của bọn giàu. Bằng cách từng bước
một, và không cần phá vỡ cơ cấu kinh tế hoặc gây một biến động xã
hội, bọn giàu có thể bị tước đoạt tài sản thông qua việc đánh thuế
suốt đời họ, và thông qua thuế di sản nặng nề sau khi họ chết. Rồi
con cái của họ phải khởi sự lại từ đầu trên cùng nền tảng như
những kẻ có cha mẹ nghèo hơn. Tôi không thấy có gì sai về điều đó.
Tôi còn quá trẻ nên chưa hiểu những luật sư Anh khéo léo ra sao
trong việc lập những chứng thư ủy thác để chính phủ khó mà thu
được nhiều thuế bất động sản.
Tôi bị phương pháp tiếp cận Fabian hấp dẫn đến độ vài năm sau
khi rời khỏi Anh, tôi vẫn đặt mua dài hạn các tạp chí và bản tin của
họ. Nhưng đầu những năm 1970, tôi bị thất vọng vì tính không
tưởng của họ. Một số báo đặc biệt của họ đã khiến tôi không nuốt
nổi. Nó bàn về vấn đề giáo dục. Hai vị hiệu trưởng đã viết một bài
báo nghiêm túc chứng minh rằng các trường phổ thông hỗn hợp
đang bị thất bại, không phải vì chúng sai, mà vì những thầy giáo giỏi
nhất vẫn đang dạy cho những học sinh giỏi nhất. Những thầy giáo
giỏi nhất phải dạy cho những học sinh yếu nhất, để chúng được
nâng lên. Những học sinh giỏi thì dù thế nào chúng cũng học giỏi.
Phương pháp tiếp cận Procrustean11 này đã quá mức đối với tôi. Tôi
ngưng mua báo dài hạn.
Cambridge thật nhẹ nhõm so với London. Mấy năm trước chiến
tranh nó là một thị trấn êm đềm hạnh phúc. Mật độ giao thông ít –
nhiều xe đạp, chỉ có vài chiếc ở tô tư nhân, một số xe buýt và xe
tải. Hầu hết các hiệu trưởng, sinh viên, trợ giảng, giảng viên và các
giáo sư, thậm chí viên giám thị của Fitzwilliam đều đi xe đạp. Tôi
mua cho mình một chiếc xe đạp cũ với giá 8 bảng và đạp đi khắp
nơi, cả trong mưa. Đây là chiếc xe đạp được sang tay trong giới sinh
viên đã 20 năm hoặc hơn.
Tôi nhanh chóng quen với công việc thường ngày mới. Và tôi ít gặp
rắc rối với các bữa ăn. Thức ăn trong ký túc xá bổ dưỡng, với đủ
chất tạo năng lượng và chất đạm, dù rất Anh, và rất lạt. Cá tuyết
ngoài khơi và cá bơn thì dai nhách và không ngon như cá ven bờ mà
tôi từng ăn ở Singapore. Không hề được bày biện hoa lá như trên
tàu Britannic, mọi thứ phải được nêm với muối và tiêu. Mặc dù
thường đạp xe trong không khí trong lành nhưng ẩm ướt và những
bữa ăn đầy đủ, khi tôi trở về Singapore, một lần chụp phim phổi đã
cho thấy tôi bị nhiễm lao hồi sống ở Anh. Thật may mắn là nó đã
khỏi và chỉ hiện ra một đốm trắng trong phim. Tôi sung sướng vì đã
có một chỗ ở Cambridge. Tôi tin mọi chuyện hẳn sẽ tồi tệ hơn nếu
tôi lưu lại London.
Để tập luyện, tôi gia nhập Câu lạc bộ Thuyền buồm. Trước tiên, tôi
phải tập luyện, không phải bằng việc bơi ngay bằng thuyền, mà
bằng việc “tập chèo xuồng" bên bờ sông; ngồi trong chiếc xuồng tập
đứng yên một chỗ, và được chỉ cho cách cầm chèo, cách chồm người
tới và ngã lui, chỗ đặt chân. Sau khi tập luyện mỗi tuần hai lần
trong ba tuần, tôi được cho lên một chiếc xuồng thực sự. Vào buổi
chiều cho buổi chèo thuyền thực tế lần thứ hai đã được ấn định sẵn
của tôi, một cơn bão tuyết nổi lên và tôi cho rằng buổi tập bị hủy bỏ.
Tôi bị trách mắng nghiêm khắc. Bảy người nữa và anh trưởng toán
đã có mặt nhưng không thể ra khơi vì thiếu tay chèo thứ tám là tôi.
Tôi cho rằng người Anh hơi điên và rời khỏi Câu lạc bộ Thuyền
buồm. Sau này, việc đạp xe quanh Cambridge đi từ chỗ trọ đến nơi
học và từ nơi học về Fitzwilliam House để ăn uống đã giúp tôi có cơ
hội tập luyện thân thể.
Lớp luật Qualifying One năm đầu tiên thì không đông, chỉ khoảng
30 sinh viên thay vì 200 như ở London. Phần lớn sinh viên lên tới
đại học là những cựu chiến binh, họ được chiếu cố đặc biệt để tốt
nghiệp trong vòng hai thay vì ba năm, vì thế họ vào thẳng năm thứ
hai. Không như họ, tôi phải học năm thứ nhất Qualifying One, và
phải học ba năm. Các sinh viên người Anh đang học với tôi đều trẻ,
chỉ khoảng 18, 19 tuổi lên thẳng từ trung học. Tôi đã 23. Có vài
người từ Malaya, trong đó có Yong Pung How, khoảng 20 tuổi và đến
từ Kuala Lumpur. (Năm 1990 ông ta trở thành chính án Tòa án tối
cao Singapore.) Vì tôi vào trễ học kỳ đầu tiên, nên Pung How đã sẵn
lòng cho tôi mượn bài vở ghi chép của anh. Chúng thật sạch sẽ, dễ
hiểu và là một bảng tóm tắt thật đầy đủ về vấn đề căn bản mà tôi
đã bị thiếu. Chúng thật hữu ích vì giáo trình của Cambridge có
những môn khác hẳn so với giáo trình năm đầu của tôi ở London.
Suốt kỳ nghỉ Lễ Phục sinh, tôi học gạo những gì mình bị sót và đuổi
kịp chương trình. Tháng 5, khi kỳ thi Qualifying One được tổ chức,
tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ. Ba tuần sau, tháng 6, khi kết quả kỳ thi
được thông báo ở Senate House, tên tôi nằm trong số ít người được
xếp loại I. Tôi đánh điện về nhà báo tin vui này.
Tôi rất vui vì đã không phụ lòng viên giám thị, người đã nhận tôi
vào trễ một học kỳ mà chỉ dựa vào học bạ của tôi. Billy Thatcher,
theo như cách gọi đầy yêu thương của đám sinh viên, gặp tôi bên
ngoài Fitzwilliam khi tôi dựng xe đạp vào ăn trưa trong nhà ăn. Ông
dừng lại để chúc mừng tôi. Tôi có thể thấy được là ông rất hài lòng.
Ông đã nói với tôi khi tôi gặp ông vào tháng 12/1946: “Lee, khi anh
vào Cambridge, là anh đã gia nhập vào một cái gì đó đặc biệt, giống
như gia nhập vào Đội kỵ binh Hoàng gia và không chỉ đơn thuần là
tham gia vào quân đội. Anh phải đứng cao hơn thế nữa kìa.” Khi tôi
trả lời rằng tôi sẽ cố để đạt được Loại I, ông nghiêm nghị nhìn vào
tôi và nói: “Lee, đừng thất vọng nếu không làm được. Ở Oxford và
Cambridge, anh cần có chất lửa khác thường đó, một điều gì đó đặc
biệt trước khi anh đạt Loại I.” Tôi hài lòng khi các giám khảo
Cambridge đã xác định tôi đã có cái điều gì đó đặc biệt rồi.
Lòng tràn đầy phấn khởi, tôi mua cho mình một chiếc mô tô cũ,
một chiếc Matchless cũ của quân đội, nó không còn đẹp, nhưng máy
vẫn tốt, giá khoảng 60 bảng. Bất chợt tôi trở nên cơ động hơn. Tôi
lang thang khắp miền đồng quê Cambridge và thăm thú được những
nơi mà xe buýt và xe lửa không thể tới được. Tôi có thể dừng lại
mua sơ ri và dâu tây ở những chỗ nông dân trương những tấm bảng
lên mời khách đến ăn hoặc mua chúng.
Cuối tháng 6, Choo viết thư báo cho tôi là cô đã nhận một chứng
chỉ hạng nhất. Giờ cô có cơ hội tốt để giành học bổng Nữ hoàng du
học ở Anh. Tôi rất lạc quan. Cuối tháng 7 tôi nhận được tin vui nhất,
Choo đánh điện báo tin cô đã được hưởng học bổng Nữ hoàng.
Nhưng Văn phòng Thuộc địa không tìm được chỗ cho cô trong bất kỳ
đại học nào trong năm học bắt đầu vào tháng 10/1947. Cô phải đợi
đến năm 1948. Rơi vào thế phải hành động, tôi đã nát óc tìm cách
đưa cô vào Cambridge.
Tôi tìm ông Barret, chánh văn phòng tại Fitzwilliam. Ông là một
người béo phệ, có năng lực và từng trải ở độ tuổi ngoài bốn mươi
của ông. Ông đã từng chứng kiến hàng trăm sinh viên đến rồi đi.
Ông biết viên giám thị mến tôi. Tôi nói với ông về cô bạn ở
Singapore của mình, rất thông minh, đã được nhận học bổng cao
nhất để du học ở Anh. Cô ấy muốn học luật. Làm cách nào cô ấy có
thể vào Cambridge đúng vào học kỳ lễ Thánh Michael? Với ánh lấp
lánh trong đôi mắt, ông nói:
– Anh biết là ngài giám thị quen rất thân với cô Butler, dạy ở
Girton. Giờ nếu như anh nhờ được ông ấy nói với cô ấy, sự thể có
thể khác đi.
Tôi rất kích động trước khả năng này.
Chỉ còn hai tháng để lo trước khi năm học bắt đầu. Tôi yêu cầu
được gặp ngài giám thị. Không chỉ đồng ý gặp, ông còn vui lòng giúp
đỡ tôi nữa. Ngày 1/8, ông viết cho cô Butler một lá thư, và một lá
nữa cho hiệu trưởng Newham, một trường đại học nữ khác ở
Cambridge. Cả hai trả lời ngay. Newham dành cho một chỗ vào năm
học 1948. Cô Butler thì tích cực hơn. Cô vui lòng dành một chỗ
trống vào tháng 10/1947 mà Girton để dành cho những trường hợp
đặc biệt, miễn là Choo có đủ tiêu chuẩn được vào. Thatcher viết gởi
kèm cho tôi cả hai thư trả lời đó. Tôi lao ngay tới Ủy ban đặc trách
thi cử thuộc đại học Cambridge gần đường Silver dọc sông Cam. Tôi
cho họ biết năm Choo nhận bằng Đệ nhị cấp Cambridge của cô –
năm 1936. Họ truy ra kết quả của cô và trao cho tôi một bản sao có
chứng thực – cô ấy là học sinh đỗ đầu năm học ấy.
Rồi tôi viết một lá thư yêu cầu được gặp cô Butler ở Girton. Cô vui
lòng tiếp tôi, và tôi đến đúng giờ hẹn vào buổi sáng ngày 6/8. Tôi
nói với cô rằng bạn tôi, cô Kwa, là một cô gái rất thông minh, thông
minh hơn cả tôi, và rằng cô ấy đứng đầu danh sách, cao hơn cả tôi ở
Đại học Raffles trong nhiều trường hợp. Tôi thêm rằng mình đã vào
Cambridge trễ một học kỳ và đứng nhất trong kỳ thi Qualifying One,
và tôi tin rằng cô ấy cũng sẽ học được như vậy. Cô Butler là một phụ
nữ tóc bạch kim dễ mến với đôi kính cận, hơi tròn trĩnh và có vẻ
phúc hậu. Cô thích thú với chàng trai trẻ người Hoa đang nhiệt tình
tán dương cô bạn gái của anh ta là một sinh viên hơn hẳn anh ta và
cô bị hấp dẫn với ý tưởng rằng có lẽ cô gái ấy là một ngoại lệ. Cùng
ngày ấy tôi đánh điện cho Choo: “Girton nhận. Thư từ chính thức sẽ
tới. Chuẩn bị mau lên.”
Cô lên một chuyến tàu chở binh lính ở Singapore cuối tháng 8. Tôi
nôn nao chờ ở bến cảng và cuối cùng cô cũng đến được Liverpool
vào đầu tháng 10. Tôi xiết bao vui mừng được gặp lại cô sau một
năm dài chia ly. Chúng tôi đáp xe lửa đến London ngay và sau năm
ngày ở đó, chúng tôi tới Cambridge.
Lúc này tôi đã biết tự tổ chức và quen thuộc với nơi này. Nhưng lại
có những vấn đề mới. Ông Pounds, một trợ giảng trẻ tuổi và là thủ
quỹ của Fitzwilliam, phân cho tôi những phòng cách Cambridge ba
dặm về phía Nam. Tôi giật mình. Girton thì ở phía Bắc thành phố. Tôi
cố hết sức để tìm một căn phòng gần Choo hơn nhưng không được,
ông Pounds quả là cương quyết. Tôi cầu đến ông giám thị. Thư trả
lời của ông đầy thân ái, nhưng đượm một chút khôi hài:
“Lee thân mến,
…Anh cho rằng anh phải đi một quãng đường dài để đến gặp hôn
thê của anh, hoặc vợ anh như anh hằng trông đợi. Không thực sự
quá xa như anh nghĩ đâu, đặc biệt nếu tình yêu cung cấp động lực.
Tôi không biết anh có đọc các truyện thần thoại danh tiếng không,
nhưng hẳn anh còn nhớ người đàn ông đã bơi qua eo Bosphorus mỗi
đêm để gặp người yêu của anh ta. Việc đi đến Girton là một việc nhẹ
nhàng so với chuyện đó. Theo chuyện kể, chàng trai ấy đã chết đuối
khi đang bơi trong một đêm tuyệt đẹp, nhưng tôi nghi ngờ không
biết anh có cần phải chết vì kiệt sức trên đường không. Tuy nhiên
nếu anh có thể tìm được căn phòng ở gần Girton, chúng tôi sẽ gắng
hết sức mình để hợp tác với anh và đăng ký nó cho anh, vì vậy nếu
anh thích đến và thử đi tìm, thì hãy làm đi.
Tuy nhiên, tôi không chắc rằng Girton sẽ tán thành việc anh cưới
cô gái trẻ đó quá vội vàng, vì họ sẽ rất đương nhiên và chính đáng
khi cho rằng ánh lửa đầu tiên của tình yêu lóe lên thì học hành sẽ
chẳng còn được ban nhiêu. Nhưng tôi đã quá già để cho lời khuyên
giữa một người đàn ông và ngọn lửa trong đôi mắt anh ta.
Bạn chân thành của anh,
W.S. Thatcher”
Một tuần sau, tôi tìm được một căn phòng gần Fitzwilliam tại trại
ngựa của thuyền trưởng Harris. Thuyền trưởng Harris nuôi ngựa và
loại chó săn cáo. Tôi làm sinh viên ở trọ nhà ông ta. Ông ta đòi một
giá quá đắt, khoảng 9 bảng một tuần chỉ cho việc ngủ, ăn sáng, tắm
rửa và mọi thứ vặt vãnh khác. Tôi không có sự chọn lựa nào khác.
Nó cũng thuận lợi. Tôi sẽ ở đó trong hai năm kế tiếp cho đến khi rời
khỏi Cambridge vào mùa hè năm 1949.
Giờ tới lượt Choo bị cú sốc văn hóa. Cô ấy không quen với quần áo
len dày sụ mà cô đã mua bằng phiếu vải, thứ áo khoác nặng trịch và
sau đó là đôi giày lông cừu dành cho mùa đông. Chúng trĩu nặng
trên người cô ấy. Và Girton cách thành phố hai dặm. Cô không đi
được xe đạp, nên phải dùng xe buýt. Khả năng định hướng của cô
không bao giờ tốt. Đó là thời kỳ cô mất phương hướng.
Sau ít tuần cố điều chỉnh, cô bảo rằng cô nhận thấy tôi đã thay
đổi. Tôi không còn là người vui vẻ, lạc quan, dám nghĩ dám làm, một
chàng trai có thể làm được mọi thứ, sôi sục niềm vui sống. Bất chấp
sự ưu đãi mà tôi đã nhận được, đặc biệt là lòng tốt của Billy
Thatcher, và tâm trạng vui vẻ của tôi trong suốt mùa hè thú vị năm
1947, tôi có vẻ như trở nên bài xích nước Anh sâu sắc, đặc biệt là
chế độ thuộc địa ở Malaya và Singapore mà tôi kiên quyết sẽ kết
thúc nó. Một năm ở London và Cambridge đã hình thành những thay
đổi trong tôi, bắt đầu từ khi Nhật chiếm Singapore năm 1942. Giờ
tôi đã thấy người Anh ngay trên đất nước họ và tôi nghi ngờ khả
năng của họ trong việc cai trị các thuộc địa vì lợi ích của dân bản xứ.
Các viên chức thuộc địa không quan tâm gì tới sự tiến bộ của các
nước thuộc địa, mà chỉ quan tâm đến những địa vị hàng đầu và mức
lương cao mà các thuộc địa có thể đem lại cho họ. Ở cấp độ quốc
gia, họ quan tâm chủ yếu đến việc giữ được nguồn ngoại tệ, chủ
yếu là đôla Mỹ, nhờ xuất khẩu cao su và thiếc của Malaya, nhằm
nuôi dưỡng đồng bảng Anh suy yếu.
Sau nhận xét của Choo, tôi bắt đầu xét lại chính mình để xem
chuyện đó đã xảy ra thế nào. Có thể là nó bắt đầu bằng kinh
nghiệm của tôi về định kiến màu da của tầng lớp lao động Anh,
những người soát vé xe buýt, những cô gái bán hàng và các chị hầu
bàn trong các cửa hàng và nhà hàng, và các bà chủ nhà trọ ở
Hampstead mà tôi tình cờ gặp trong khi tìm chỗ trọ. Vài lần tôi đến
những ngôi nhà liệt kê trong danh sách “phòng cho thuê” yết thị
gần nhà ga xe điện Swiss Cottage, chỉ để được nghe trả lời, một khi
họ thấy tôi là người Hoa, rằng các phòng đó đã có người thuê rồi.
Sau này, rút kinh nghiệm về các vụ đó, tôi gọi điện trước cho họ nói
rằng tên tôi là Lee, đánh vần “L, hai chữ e” nhưng tôi là người Hoa.
Nếu họ không thích một người Hoa, họ có thể thoái thác và tránh
cho tôi khỏi mất công đi đến nhà họ.
Những người Anh tôi gặp ở tầng lớp trên – những giáo sư và thầy
giáo, những thư ký và thủ thư ở Cambridge và Middle Temple – là
những người có học thức, lịch sự và tốt bụng, dù hơi dè dặt. Những
sinh viên người Anh thì nói chung là lịch sự, thậm chí thân thiện
nữa, nhưng luôn luôn chừng mực. Nhưng dĩ nhiên vẫn có định kiến
màu da trong cuộc đua tranh để giành chỗ trong các đội tuyển thể
thao, hoặc vì các “huy chương danh dự” và “huy chương bán danh
dự” dành cho các môn thể thao ở trường đại học. Những người
Singapore và Malaya rất giỏi môn cầu lông, bộ môn được coi như
môn bán danh dự, và thực tế họ đã đoạt vài huy chương cho môn
đó; nhưng gần như người châu Á không thể nào gia nhập được vào
đội tuyển các môn thể thao chủ lực như cricket, bóng bầu dục hoặc
chèo thuyền, môn được coi là danh giá nhất.
Sự đốì xử phân biệt này có thể không hoàn toàn do định kiến màu
da, mà nảy sinh từ hệ thống giai cấp – một hiện tượng kỳ lạ khác
đối với người đến từ một xã hội năng động, non trẻ của những di
dân. Ngay cả giữa sinh viên da trắng với nhau, những người đến từ
các trường trung học công lập chính quy vẫn có lợi thế hơn. Và
giống như những người còn lại, họ thèm muốn những huy chương ở
trường đại học vì nó sẽ thành một vốn quý trong tương lai, và họ có
thể ghi chúng vào lý lịch của họ. Chúng là phương tiện để vươn đến
những điều lớn lao hơn – bất kỳ ai có huy chương môn chèo thuyền
là coi như đã có sự nghiệp. Tương tự, chức chủ tịch Cambridge
Union Society (Hội liên hiệp Cambridge) có thể giúp người ta trở
thành ứng cử viên tương lai cho một đơn vị bầu cử của đảng Bảo
thủ hoặc Lao động, hoặc nhận một công việc trong bộ phận nghiên
cứu về một trong các đảng đó.
Cũng có một sự đua tài gay gắt giữa những người châu Á, phần
lớn là người Ấn Độ, để được bầu vào Union Society, nhưng trong
trường hợp của họ thì thật khó hiểu, bởi vì vào năm 1947, Ấn Độ và
Pakistan sắp giành được độc lập. Một sinh viên người Sri Lanka đã
được bầu làm thư ký của Hội Sinh viên (Students’ Union). Tôi tự hỏi
điều đó sẽ giúp gì để anh ta trở thành một người lãnh đạo trong một
nước Sri Lanka tự do.
Tôi không quan tâm đến những vấn đề linh tinh này. Tôi quyết
định tập trung vào việc đạt hạng nhất, bởi điều đó sẽ tạo ảnh hưởng
khi tôi trở về Singapore.
Trong khi đó, tôi và Choo bàn nhau về đời sống hướng tới tương lai
của chúng tôi ở Anh. Chúng tôi quyết định tốt nhất là chúng tôi cưới
nhau một cách lặng lẽ vào tháng 12 nhân dịp lễ Giáng sinh, và giữ
bí mật chuyện đó. Bố mẹ Choo sẽ bực bội nếu chúng tôi hỏi ý kiến;
trường Girton có thể không tán thành, như viên giám thị đã nhắc
nhở tôi trong lá thư của ông; và những người có thẩm quyền trong
vụ học bổng Nữ hoàng có thể gây khó khăn. Chúng tôi đã trưởng
thành, đều ở độ tuổi ngoài hai mươi, và chúng tôi đã quyết định cẩn
thận. Không hề biết gì về động lực thực sự của chúng tôi, một người
bạn Anh giới thiệu một quán rượu ở Stratfort–on–Avon là nơi để nghỉ
lễ Giáng sinh và đi thăm nhà hát Shakespeare nổi tiếng. Khi đến đó,
chúng tôi thông báo ý định của mình cho nhân viên Văn phòng hôn
nhân địa phương, và sau hai tuần lưu trú là đủ để cưới nhau theo
luật. Trên đường đến Stratford–on–Avon chúng tôi dừng lại ở
London, tại đó tôi mua cho Choo một chiếc nhẫn cưới bằng bạch kim
trong một tiệm kim hoàn trên đường Regan. Nhưng khi trở lại
Cambridge, cô lại đeo chiếc nhẫn vào sợi dây chuyền cổ.
Dù có sự thay đổi này trong đời sống, chúng tôi vẫn làm việc một
cách hệ thống và chăm chỉ trong học tập. Tôi muốn mình phải đạt
tiêu chuẩn loại I của kỳ thy sinh viên giỏi cấp I. Nhưng Choo lại phải
đương đầu với một thời kỳ khó khăn với chương trình năm thứ hai.
Kỳ thi lại đến vào khoảng tháng 5/1948, và tháng 6 kết quả được
công bố ở Senate House. Tôi đứng đầu trên danh sách, loại I của
cuộc thy sinh viên giỏi. Choo được xếp Loại II trong kỳ thi Law
Qualifying Two. Cô thất vọng. Nhưng đó không phải là kỳ thy sinh
viên giỏi và không được tính. Tôi an ủi cô, và chúng tôi quyết định đi
nghỉ hai tuần ở lục địa châu Âu. Tránh xa các nhóm du lịch, chúng
tôi dự định lưu lại năm ngày ở Paris, rồi ở Thụy Sĩ một tuần.
Một việc bất ngờ xảy ra ở Lugano vào hôm ấy đã in đậm trong trí
tôi. Tay tiếp tân khách sạn nhìn tôi và hỏi tôi có phải là người Hoa
không.
Tôi nói: “Phải, nhưng đến từ Singapore.”
Anh ta nói: “A, Chiang Kai–shek (Tưởng Giới Thạch).”
Anh ta không biết sự khác nhau. Tôi không hề tự hào về Chiang
Kai–shek. Ông ta đã bị Quân đội Nhân dân Giải phóng đuổi khỏi
Trung Hoa lục địa. Nhưng tôi đã quen thấy những người châu Âu
nhận ra tôi là một người Hoa. Chúng tôi đã có kỳ nghỉ tuyệt vời nhất
trong đời mình, tham quan, đi dạo, ăn và uống bia, rượu vang và
sâm–panh.
Tháng 10, chúng tôi trở về Cambridge chuẩn bị cho năm cuối.
Chúng tôi dự các buổi giảng, viết tiểu luận và làm bài tập cho những
giám sát viên, đọc sách ở thư viện hoặc trong phòng tôi tại trại ngựa
của thuyền trưởng Harris. Nhưng cuộc sống không chỉ có công việc.
Vào những ngày cuối tuần và một vài tối tôi sẽ đạp xe đến Girton,
và Choo sẽ nấu những món ăn Singapore trên cái bếp ga của cô ở
khu nhà tập thể dục. Tôi sẽ mời thêm Yong Pung How và Eddie
Barker, cũng là người được nhận học bổng Nữ hoàng từ Đại học
Raffles và đang học luật. Đôi khi, toàn bộ khẩu phần thịt cả tuần của
tôi biến thành món cà–ri, hoặc Choo sẽ làm món kway teow chiên
tuyệt vời, dùng thịt gà thay cho thịt heo, và ớt Hungari thay cho ớt
bột.
Hiện thời, chúng tôi đã thích nghi và thiết lập được những mối
quan hệ tốt đẹp. Tôi đã thu xếp để được học với những giám sát
viên giỏi nhất Cambridge. Họ là những nghiên cứu sinh của Trinity
Hall, hồi đó là trường luật hàng đầu, nhưng sau khi tôi đạt loại I vào
cuối năm đầu tiên, tôi có thể thuyết phục họ giám sát tôi dù tôi ở
Fitzwilliam. Giám sát viên giỏi nhất của tôi là Trevor Thomas. Ông ta
có đầu óc thông minh, quả quyết và có hệ thống.
Tôi cũng kết bạn với một số sinh viên người Anh. Một số trong đó
là những tay tích cực trong Câu lạc bộ Lao động của trường đại học
Cambridge, những người sau này trở thành ứng cử viên của đảng
Lao động trong cuộc tổng tuyển cử năm 1950; một số khác đi theo
những ngành luật khác nhau và trở thành những giáo sư lỗi lạc
trong ngành công pháp quốc tế, luật đối chiếu và luật công nghiệp.
Họ là một nhóm người thông minh và tốt bụng.
Tháng 2/1949, tôi đại diện cho đại học Cambridge dự một cuộc
tranh luận (cuộc tranh luận thực tập) tại Oxford trước một thẩm
phán tên là Sellers. Các luật sư sinh viên khác có vẻ như không nắm
được điểm tế vi về luật đang tranh cãi, và khi tôi nắm bắt được nó,
gương mặt của Sellers tươi hẳn lên. Khi đọc bản nhận xét, ông ta đã
khen ngợi tôi. Nhưng tôi không hề tham dự một cuộc tranh luận nào
của Cambridge Union Society. Tôi nghĩ thật là kém khôn ngoan khi
nghĩ sao nói vậy trước khi bàn bạc với bạn bè tôi về con đường tôi
sẽ đi khi trở về Singapore.
Tuy nhiên, khi ở London, trong một số dịp, tôi có đến Hạ nghị viện
để nghe các bài diễn thuyết. Vài dân biểu thuộc đảng Lao động tỏ vẻ
thân thiện với các sinh viên thuộc địa (không như nhóm Bảo thủ
thường không tán thành lòng khao khát tự do của họ). Fenner
Brockway, dân biểu hạt Eton và Slough sẽ gặp tôi tại Westminster
để cho tôi một vé vào Strangers’ Gallery. Stanley Awbery (sau này
là Huân tước Awbery) giống như Fenner Brockway, một người ủng
hộ các dân tộc thuộc địa bị áp bức. Đảng Lao động có một số diễn
giả lỗi lạc. Tôi còn nhớ, vào lần viếng thăm đầu tiên của tôi vào năm
1947, được chứng kiến Stafford Cripps phê phán tơi bời vị Bộ trưởng
Bộ thuộc địa chịu ảnh hưởng của đảng Bảo thủ. Ông ta có đầu óc
thông minh.
Chúng tôi thi đợt cuối cùng vào tháng 5/1949, và khi kết quả được
cống bố vào tháng 6, tôi thật hài lòng. Tôi đậu đầu và đạt được ngôi
sao duy nhất dành cho tài năng xuất chúng trong danh sách danh
dự kỳ thy sinh viên giỏi cấp II. Choo cũng đạt loại I, và chúng tôi
đánh điện báo tin vui về cho gia đình. Đó là dấu ấn tốt đẹp cho giai
đoạn kế tiếp trong đời tôi. Trước khi một sinh viên có thể nhận bằng
của mình, nguyên tắc trường đại học đòi hỏi anh ta “giam mình” ít
nhất là chín học kỳ, nói cách khác là anh ta phải lưu trú trong
trường hoặc ở trong phòng trọ đã được chấp thuận khoảng tám tuần
trong một học kỳ. Choo ở trong trường Cambridge chỉ có sáu học
kỳ; còn tôi chỉ có tám. Hẳn người ta đã xét tới những trường hợp
miễn trừ đặc biệt vì cả hai chúng tôi đều được phép nhận bằng tốt
nghiệp vào giữa mùa hè, ngày 21/6. Nếu không, tôi sẽ phải ở lại
Cambridge thêm một học kỳ nữa, và Choo thêm ba học kỳ trước khi
chúng tôi được cấp bằng tốt nghiệp.
Cambridge rất coi trọng việc giữ gìn những truyền thống cổ kính
mà nó đã trở thành kỳ lạ hơn theo năm tháng, nhưng những truyền
thống ấy đã làm tăng vẻ huyền thoại của chốn này như một trung
tâm nghiên cứu lâu đời. Vào ngày Đại hội tất cả đại học, các sinh
viên xếp thành hàng dài theo thứ tự bề dày lịch sử của mỗi trường
và, do các trợ giảng dẫn đầu, họ bước vào tòa nhà Senate House
gần các trường luật. Là giám thị, Billy Thatcher đích thân dẫn tôi và
những người khác tiến về phía trước – Fitzwilliam, vốn không thuộc
trường đại học, nên ở cuối hàng. Sau đó chúng tôi chụp hình với các
vị hiệu trưởng và những sinh viên khác trên bãi cỏ bên ngoài Senate
House. Vài giảng viên luật, những người với tư cách là giám sát viên
ở Trinity Hall đã dạy tôi và Choo, cũng có mặt ở đó để chung vui với
chúng tôi, kể cả Trevor Thomas, Pung How đã ghi lại giây phút đó
bằng máy ảnh của mình.
Rồi chúng tôi dời sang nhà của Trevor Thomas trong Trinity Hall
uống sâm–panh để kỷ niệm dịp đó. Một giảng viên khác, Tiến sĩ T.
Ellis Lewis, được gọi thân mật là TEL, người đã dạy cả hai chúng tôi,
cùng tham dự. Ông ta là người xứ Wales, với khuôn mặt khôi hài dễ
mến, đầu hói chỉ còn lưa thưa mấy sợi trắng, ở hai bên và cặp kính
không gọng. Ông nói với Choo và tôi: “Nếu nó là một thằng nhóc,
hãy gởi nó cho chúng tôi ở Trinity Hall”. Khi Loong, con đầu của
chúng tôi, ra đời năm 1952, tôi đã viết thư cho viên trợ giảng để giữ
trước một chỗ cho nó. Nhưng 19 năm sau, Loong quyết định vào
Cambridge thay vì Trinity College, mà Isaac Newton đã xác định như
một ngôi trường hàng đầu về toán học. Những trợ giảng giỏi ở
Trinity đã giúp nó trở thành sinh viên đỗ cao nhất trong môn toán
chỉ trong vòng hai năm thay vì ba năm như thường lệ.
Hình chụp về buổi lễ tốt nghiệp ấy mà tôi trân trọng gìn giữ nhất là
bức hình chụp Billy Thatcher đứng giữa tôi và Choo. Tôi đã không
làm ông ấy thất vọng, và “cô bạn” của tôi cũng vậy. Thatcher đã để
lại một ấn tượng sâu đậm nơi tôi. Ông là một người hiểu biết, ân
cần, luôn dành nhiều thời gian cho các sinh viên của mình. Một ngày
nọ, khi tôi đang dùng trà với ông trong phòng, ông chỉ những công
nhân cầu đường đang đào xới trên đường Trumpington, và nói rằng
trong ba giờ làm việc lúc nãy họ đã nghỉ hai lần để uống trà. Trước
và trong chiến tranh thì họ khác. Bây giờ họ không thích làm việc
hết mình, và như thế đất nước sẽ không tiến lên được. Tôi nghĩ ông
là một ông già phản động, nhưng ông dạy môn kinh tế mà, và nhiều
năm sau tôi kết luận rằng ông biết điều gì tạo ra sự phát triển. Vào
dịp khác, ông nói với tôi: “Anh là người Hoa. Người Hoa các anh có
một nền văn minh lâu đời từ vài nghìn năm để nâng đỡ các anh. Đó
là một lợi thế lớn.” Ngay trước khi chúng tôi rời Cambridge vào tháng
6/1949, ông mời tôi và Choo dùng cà phê buổi sáng lần cuối cùng.
Ông vỗ nhẹ tay Choo, nhìn tôi và nói: “Anh ấy quá thiếu kiên nhẫn.
Đừng để anh ấy lâm vào cảnh gấp gáp như thế.” Ông đã hiểu tâm
tính tôi khá rõ, nhưng ông cũng biết là tôi có một mục đích nghiêm
túc trong cuộc sống và kiên quyết đạt cho bằng được nó.
Nhận được bằng tốt nghiệp, chúng tôi thực hiện một kỳ nghỉ 10
ngày, lần này chúng tôi du lịch khắp nước Anh và Scotland trên một
toa xe lửa. Nhưng chúng tôi chưa hoàn tất việc nghiên cứu ngành
luật của mình. Để hành nghề ở Singapore, chỉ một bằng cấp ở đại
học Cambridge không thôi là chưa đủ. Chúng tôi phải làm mọi cách
để đủ tiêu chuẩn là một cố vấn pháp luật hay một luật sư ở Anh. Vì
vậy chúng tôi gia nhập vào Middle Temple, là một trong bốn Cơ sở
Pháp đình (Inn of Court) có đặc quyền dạy và sát hạch sinh viên
trước khi thu nhận vào Luật sư đoàn. Khi chúng tôi du lịch về,
chúng tôi thử sống ở London và thuê ngay một căn phòng không xa
chỗ trọ cũ của tôi trên đại lộ Fitzjohn. Nhưng về phần Choo, việc nội
trợ và việc học khó có thể dung hòa nhau, nên chúng tôi quyết định
bỏ những bài giảng ở Inn of Court và lưu lại ở Tintagel tại Cornwall
để tự nghiên cứu và chuẩn bị cho kỳ thi ra nghề luật sư.
Chúng tôi đã có vài kỳ nghỉ tại đó, trong một trang trại xưa do bà
Mellor cai quản với sự giúp đỡ của ba người con trai. Bà ta cho
chúng tôi ăn ngon, và là một người biết điều và tử tế. Chúng tôi
chiếm toàn bộ căn nhà trừ mùa hè khi có thêm vài người khách.
Chúng tôi đi dạo thật lâu dọc theo những con đường làng và được
hưởng những cơn gió Tây Nam ấm áp và ẩm ướt. Việc tiêu khiển
duy nhất của chúng tôi là nghe đài BBC bằng chiếc radio Pye tôi
mua ở Cambridge. Nó cho chúng tôi nhiều giờ thư giãn và vui vẻ. Để
tập thể dục và giải trí, tôi bắt đầu chơi gôn, phần lớn thời gian là
chơi một mình, trên một cái sân chín lỗ tại Khách sạn King Arthur’s
Castle lúc nào cũng vắng trừ mùa nghỉ lễ. Sân có nhiều gò đồi và
lộng gió, và sôi động vì một kẻ ngớ ngẩn như tôi. Nó giúp tôi giữ sức
khoẻ. Choo và tôi tốn nhiều thời gian để tìm mấy trái banh gôn bị
lạc của tôi, thường thì tìm được những trái khác tốt hơn nhiều. Choo
cũng thường đi hái nấm hoang, và bà Mellor sẽ nấu cho chúng tôi.
Chúng thật ngon.
Chán nhất là những bữa ăn mà chúng tôi buộc phải ăn ở Middle
Temple. Để được trở thành luật sư, chúng tôi phải “ăn bữa ăn của
mình” trong ký túc xá ba lần trong một học kỳ, như một bắt buộc
đối với mọi sinh viên. Điều đó có nghĩa là một cuộc hành trình bằng
xe lửa dài bảy giờ đến nhà ga Paddington. Nhưng đó là một cơ hội
để gặp những người bạn Malaya và Singapore ở Malaya Hall tại
quảng trường Bryanston. Chúng tôi say sưa nói về cách thức mà
những sinh viên ở London đến từ tất cả các vùng thuộc địa đang
thực hành, về cuộc đấu tranh giành tự do sắp đến của chúng tôi.
Vài người bạn tôi từ Đại học Raffles rất năng động về chính trị.
Trong số đó có Goh Keng Swee, trợ giảng trước đây của tôi về môn
kinh tế, người đang lấy bằng đầu tiên BSc tại LSE, và Toh Chin
Chye, người đang học lấy bằng BSc ngành sinh lý học ở London
University. Họ và vài người nữa lập thành một nhóm gọi là tổ chức
Malayan Forum (Diễn đàn Malaya), mục tiêu của nó là gây ý thức
chính trị và đấu tranh cho nền độc lập của Malaya, bao gồm cả
Singapore. Những thành viên của nó thuộc mọi chủng tộc – Malay,
Trung Quốc, Ấn Độ, những người Á lai Âu – và nó trung lập, không
theo cánh tả mà cũng không ngả về cánh hữu. Nó chống chủ nghĩa
thực dân, nhưng theo đường lối bất bạo động để tách bạch với Đảng
Cộng sản Malaya (MCP), đảng đã phát động cuộc khởi nghĩa vũ
trang chống lại người Anh ở Malaya vào tháng 6/1948. Các thành
viên của nó tổ chức những cuộc họp, đôi khi có sự tham gia của các
chính khách Anh – những viên chức cấp thấp trong chính phủ của
đảng Lao động như Woodrow Wyatt hoặc các dân biểu thuộc đảng
Tự do và Bảo thủ – như những diễn giả được mời. Ấn Độ và Pakistan
đã giành được độc lập hồi tháng 8/1947, Miến Điện và Sri Lanka
năm 1948. Con đập của chủ nghĩa đế quốc đã bị chọc thủng, đế
quốc Anh đang rút lui, và hầu hết chúng tôi đều tin chắc rằng chúng
tôi, rồi cũng sẽ giành được độc lập cho mình. Chúng tôi có cảm giác
rằng dân tộc Anh và những người lãnh đạo của họ đã mất đi ý chí
muốn đè nén những người dân thuộc địa của họ.
Sau khi nói chuyện chán chê, chúng tôi kéo đi khắp các quán rượu
từ Malaya Hall đến Marble Arch và dọc theo đường Edgware. Bia là
thứ “rượu bia đắng” của Anh, nặng và dở tệ. Thậm chí nhiều năm
sau tôi cũng không bao giờ ưa được nó. Nhưng lúc đó bọn sinh viên
túng thiếu chúng tôi không thể có đủ khả năng để uống thứ khác:
loại bia nhẹ thì quá đắt, whisky thì giá trên trời. Ngập trong bia,
chúng tôi nói về những việc lớn lao mình sẽ làm khi về nước. Sau
này, tôi khám phá rằng rất ít người vẫn còn theo đuổi cuộc đấu
tranh. Nhiều bà vợ phản đối việc ông chồng họ liều sự nghiệp của
mình vào việc chống đối chính quyền thuộc địa Anh, và bản thân
nhiều người, khi đói mặt với thực tế lạnh lùng và những sự lựa chọn
gian khó, đã mất hết nhuệ khí chiến đấu. Trong khi vẫn còn những
người khác dấn thân vào cuộc chiến. Ở một thái cực là những kẻ xu
thời chính trị, những kẻ trí thức hưởng nền giáo dục Anh. Ở thái cực
kia là những người cộng sản và mặt trận liên hiệp của họ được tổ
chức tốt và hiển nhiên nhận được sự ủng hộ từ mọi lực lượng then
chốt của xã hội, từ trường học đến các nghiệp đoàn báo chí và
Phòng Thương mại của người Hoa.
Tôi quyết định trước khi rời nước Anh, là phải tiếp xúc với Lim
Hong Bee, đại diện không chính thức của MCP ở London. Lim là
người được hưởng học bổng Nữ hoàng hồi năm 1934 nhưng không
chú tâm đến việc học và đã theo đuổi lý tưởng cộng sản. Ông ta
không hề đậu các kỳ thi vào Luật sư đoàn và cũng không nhận được
bằng đại học Cambridge. Ông ta ở lại London để in một loại tờ bướm
thân–MCP được gọi là Malayan Monitor. Nó là thứ tài liệu tuyên
truyền thô thiển, nhưng ông ta là một con người cương quyết. Tôi
điện thoại yêu cầu được gặp, và ông ta chuẩn bị gặp tôi bên ngoài
văn phòng tờ báo Daily Worker, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng
sản Anh, gần đường Fleet Street. Tôi đưa Choo theo, cô biết ông ta
vì đó là một người bạn của anh trai cô.
Ông ta là một con người kỳ lạ. Thay vì đi thẳng đến chỗ chúng tôi
có thể nói chuyện, ông ta lại dẫn chúng tôi đi vòng qua những con
phố chật hẹp, rẽ ngoặt và trở ngược lại nhiều lần không cần thiết
trước khi dừng lại ở một tiệm ăn kiêm quán rượu của dân lao động,
trông đầy nét vô sản. Ông ta sống trong một thế giới đầy những âm
mưu tự tạo. Sau những câu xã giao thông thường, tôi hỏi thẳng ông
ta tại sao tất cả những người cộng sản lại bất đồng với những công
nhân theo chủ nghĩa dân chủ xã hội trong mặt trận liên hiệp của họ,
và dẫn ra những chuyện ở Tiệp Khắc và Hungary. Ông ta kịch liệt
phủ nhận chuyện này. Ông ta nói những người dân chủ xã hội trong
các quốc gia này đã tin chắc lý tưởng cộng sản là ưu việt nên họ đã
gia nhập vào. Ông ta hoàn toàn không sát thực tế và sống trong
một thế giới mơ tưởng của chính ông ta mà trong đó ông ta là một
nhà cách mạng vĩ đại. Khi chia tay, tôi tin chắc rằng MPC hoặc không
xem London như một tiền đồn quan trọng hoặc không có chút ý
niệm về những gì Lim Hong Bee đang làm ở đó như một đại diện
không chính thức của họ.
Tháng 2/1950, trong khi tôi vẫn ở Tintagel, David Widdicombe,
một trong những người bạn ở Cambridge của tôi, với tư cách là ứng
cử viên Đảng Lao động ở vùng nông thôn Totnes tại Devon, cách
đây một giờ rưỡi đi xe lửa. Ông ta cần một tài xế cho chiếc xe tải
của mình và một phụ tá chung. Choo và tôi bò ra nửa tháng để giúp
ông ta cho đến đêm diễn ra bầu cử. Cá hai chúng tôi đều được xếp
chung với những người ủng hộ Đảng Lao động. Tôi với một tài công
xe lửa, còn Choo thì với người vợ trẻ và lũ con của một người đang
thực tập luật sư.
Tôi học cách tham gia chiến dịch và đọc vài bài diễn văn trong các
phòng khánh tiết của nhà thờ và trường học. Khán giả chỉ vài chục
người, cao lắm thì độ trăm rưỡi. Tôi chọn một đề tài căn bản rồi
phân tích, lý giải, diễn dịch khác đi chút đỉnh qua mỗi cuộc diễn
thuyết. Luận điểm chủ yếu là nước Anh mỗi năm thu được nhiều
đôla từ Malaya hơn là từ kế hoạch Marshall của Mỹ, vì Malaya sản
xuất một nửa sản lượng cao su và một phần ba sản lượng thiếc của
thế giới. Nếu Anh mất Malaya, thì sẽ phải cắt giảm mạnh việc nhập
khẩu lương thực và nguyên liệu, số người thất nghiệp và giá sinh
hoạt sẽ tăng vọt.
Giữa đảng Bảo thủ và đảng Lao động, người dân thuộc địa không
khó khăn gì cũng nhìn ra ai là tốt hơn. Đảng Lao động có một chính
sách thuộc địa. Lịch sử của nó từ năm 1945 là rất ấn tượng. Các
cuộc cải cách chờ đợi từ lâu đã được tiến hành. Nhưng với Đảng Bảo
thủ, các thuộc địa chỉ là những khu vực đầu tư béo bở. Một chính
phủ Bảo thủ quyết tâm đàn áp phong trào dân tộc của các thuộc địa
để bảo vệ đế quốc sẽ chỉ gây ra bất ổn định. Rồi MCP sẽ trở nên đủ
mạnh để đuổi người Anh ra khỏi Malaya.
Cử tọa ở Devon ngạc nhiên khi thấy một diễn giả người Hoa vận
động cho một ứng cử viên Đảng Lao động Anh. Đó là một lý tưởng
vô vọng, nhưng là cách thức mà đảng làm để các ứng cử viên trẻ
tuổi thu được kinh nghiệm. Vào ngày 23/2/1950, kết quả cuộc bầu
cử được công bố ở Tòa thị sảnh. David Widdicombe bị thất bại thảm
hại. Nhưng ông ta đã đọc một bài diễn văn dũng cảm, và đối thủ
thắng cử thuộc đảng Bảo thủ thì phóng khoáng, khích lệ ông ta lao
vào một trận chiến khác ở một khu vực bầu cử khác. Đó là một kinh
nghiệm bổ ích về chính trị ở cấp độ bầu cử khu vực.
Một hai tháng sau, tôi nhận được một lá thư của viên chỉ huy nha
cảnh sát Singapore, R.E. Foulger, hiện đang nghỉ phép ở quê nhà.
Ông ta có quen cha mẹ tôi, biết tôi đang ở Cornwall, và mời Choo và
tôi đến nhà ông ta ở Thurlstone tại Devon. Chúng tôi ở lại đó ba
ngày. Ông ta muốn đánh giá tôi, và tôi cũng quan tâm đến việc tạo
ra mối quan hệ và xem một ông sếp cảnh sát thuộc địa Anh trước
chiến tranh ra sao. Chúng tôi chơi gôn. Môn này tôi vẫn chơi dở,
nhưng đó là một đợt nghỉ cuối tuần hữu ích. Tôi biết mình đã lôi
cuốn sự chú ý của Cục đặc vụ Singapore và có thể đã nằm trong
danh sách cần theo dõi của họ. Tôi đã có nhiều bài phát biểu chống
Anh, chống chế độ thuộc địa tại Malaya Hall. Họ biết tôi chẳng phải
người học hành lơ đãng. Tôi nghĩ hay nhất là họ cũng hiểu rằng tôi
hoạt động công khai, hợp hiến, rằng tôi không có liên hệ hay cảm
tình với phía cộng sản. Bởi vì chúng tôi sẽ sớm trở về Singapore
thôi.
Tháng 5/1950, chúng tôi trở về London chuẩn bị cho kỳ sát hạch
vào Luật sư đoàn. Chúng tôi gặp phải một đám cổ động viên bóng
đá vào cuối tuần ấy, và họ đập cửa cái khách sạn nơi chúng tôi lưu
trú, khiến chúng tôi không tập trung học tập được. Nhưng chuyện
đó cũng chẳng làm thay đổi tình hình gì mấy: chúng tôi sẽ phải trả
giá cho việc rời London và không dự giờ giảng của những người sẽ
làm giám khảo tại những môn thi chính. Họ đặt những câu hỏi về
những vụ xử họ vừa giảng dạy. Không ai đạt được Loại I. Tôi đạt
Loại II và đứng ở vị trí thứ 3. Choo đạt Loại III. Nhưng mọi chuyện
đều ổn, Ngày 21/6/1950, đội tóc giả và khoác áo thụng theo đúng
nghi thức, cả hai chúng tôi được mời đến phòng khánh tiết của
Middle Temple và chính thức được nhận vào Luật sư đoàn. Cuộc
sống sắp bước vào giai đoạn mới.
Tôi sung sướng với viễn tượng được trở về nhà, nhưng vẫn nhìn lại
bốn năm ở Anh với sự thỏa mãn và ít nhiều hài lòng. Tôi đã nhìn
thấy một nước Anh đậm dấu ấn chiến tranh, nhưng dân tộc này
không thất chí vì những thất bại mà họ phải chịu đựng, mà cũng
không kiêu ngạo vì chiến thắng đã giành được. Mỗi nơi trúng bom
trong nội ô London đều được thu xếp chu đáo, gạch đá xếp sang
một bên, và thường có những bụi cây hay khóm hoa được trồng lên
để bớt vẻ điêu tàn. Đó là một phần của lòng tự hào lặng lẽ và tinh
thần kỷ luật của họ.
Sự lịch thiệp của họ đối với nhau và đối với người nước ngoài thật
đáng chú ý. Ấn tượng nhất là thói quen ân cần của dân lái xe hơi:
khi bạn vẫy tay mời một xe bên phía ưu tiên để họ qua trước, thì họ
sẽ vẫy lại để cám ơn bạn. Đó là một xã hội rất văn minh. Và tôi cảm
thấy ít nhiều nhớ nhung Cambridge, nơi tôi đã học hành bên cạnh
một thế hệ bất thường gồm những người trở về từ chiến tranh, có
kẻ ở độ tuổi 20, có người 30, đã có gia đình và con cái. Họ là những
người nghiêm túc từng chứng kiến cảnh chết chóc và hủy hoại. Một
số đã từng trải qua bao thảm cảnh. Một sinh viên ở Fitzwilliam bị
phỏng nặng vì máy bay bị bắn rơi nên trông rất kinh người tuy rằng
đã qua nhiều lần giải phẫu thẩm mỹ. Nhưng anh ta khắc phục
những thiệt thòi của mình. Anh ta biết khuôn mặt biến dạng của
mình khiến người khác kinh hãi và bối rối nếu họ gặp anh lần đầu.
Nên anh khởi sự sinh hoạt bình thường, tỏ ra tự tin và không
thương thân. Không khuất phục, anh đã sống một đời xứng đáng.
Đó không phải là một Cambridge của những người trẻ tuổi muốn
hưởng thụ và gây ấn tượng cho người khác bằng những cung cách
hoa mỹ của họ. Phải, cũng có một số như vậy, mới hoàn tất nghĩa
vụ quân sự trong những năm thời bình hay được hoãn dịch, nhưng
đó chỉ là thiểu số và không trở thành lực lượng chủ đạo. Chính
những sinh viên cựu chiến binh, một số còn mang cả chứng tích
chiến tranh trên thân thể, mới là những người khiến Cambridge trở
thành một nơi học tập và đốì phó với những hậu quả chiến tranh.
Tôi thấy được vinh hạnh đi cùng thế hệ những người Anh đó.
Dĩ nhiên cũng có những trục trặc, đụng chạm, chủ yếu là với
những người phải phục vụ tôi – những người đàn ông hay phụ nữ
Anh có lẽ không thích phải phục vụ một sinh viên châu Á lôi thôi và
nghèo túng. Nhưng nếu có một số bà chủ trọ đặc biệt hà tiện và khó
tính, thì cũng có những người đáng quý như bà Mellor ở Tintagel và
bà Jackson, người quản lý Viện Trung Quốc ở London, người mà tôi
sẽ nhớ nhất trong những năm ở Anh của tôi. Viện Trung Quốc ở
quảng trường Gordon do chính quyền Anh thành lập bằng tiền chiến
phí mà Trung Quốc phải bồi thường cho những thiệt hại nhân mạng
và tài sản của người Anh sau cuộc Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn năm
1900. Viện đón nhận mọi sinh viên người Hoa, và tôi thấy đó là một
thiên đường bình yên tuyệt vời và thuận tiện nhất, mà lại gần trung
tâm London nữa.
Bà Jackson thân thiện với mọi sinh viên. Nhưng ngay từ buổi đầu,
bà đã đặc biệt có cảm tình với tôi. Trong những kỳ nghỉ của tôi, khi
tôi đổi địa chỉ từ London chuyển tiếp tới Cambridge thành từ London
chuyển tiếp tới Tintagel, thì số 16 quảng trường Gordon trở thành
hộp thư của tôi. Đây cũng là nơi chúng tôi ký gửi các túi đồ đạc hay
sách vở. Choo và tôi thường tới đó vì chúng tôi không có chỗ ở tại
London, và tại Viện Trung Quốc chúng tôi có thể rửa sạch lớp bụi
bặm thoát ra từ các lò than đầy thủ đô này, bằng nước nóng, xà
bông với một bồn rửa sạch sẽ mà hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi chỉ
cần mang theo khăn riêng. Và vì ở đây không tốn tiền thuê, nên bà
Jackson có thể dọn những bữa tiệc trà rất chất lượng mà chỉ tính giá
một si–linh.
Còn những chuyện lặt vặt? Không một ai vốn không phải sinh viên
nước ngoài du học tại Anh trong những năm thiếu thốn đói kém sau
chiến tranh ấy, lại có thể tưởng tượng ra cuộc sống trong một căn
phòng trọ chật hẹp lại khó khăn và bất tiện đến mức nào đối với
chúng tôi. Bà chủ trọ chỉ cung cấp bữa sáng, sau đó Choo và tôi phải
ra ngoài để bà ta lau phòng. Chúng tôi có thể tới thư viện để học, và
dùng bữa trưa cũng như bữa tối tại nhà hàng. Một nơi sạch sẽ và
yên tĩnh để nghỉ ngơi và rửa ráy thì quả là quá sang trọng, nhất là
khi nó lại miễn phí nữa.
Khi tôi sang London năm 1956 để thảo luận về tương lai của
Singapore, tôi đã trở lại quảng trường Gordon để thăm bà Jackson.
Cả bà lẫn tôi đều vui khi gặp lại nhau. Nhưng quan hệ của tôi với
Viện Trung Quốc hồi đó lại đem tới một phản ứng chính trị bất ngờ.
Nhiều năm sau, tôi khám phá ra những hồ sơ lưu trữ của Cục đặc vụ
Singapore ghi nhận rằng tôi và Choo thường tới Viện đó để liên hệ
với những phần tử thân cộng đến từ Trung Quốc, nơi mà Mao Trạch
Đông đã chiến thắng và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa vào ngày 1/10/1949. Một báo cáo khác còn nói rằng Choo là
loại khuynh tả cấp tiến còn hơn cả tôi nữa. Niềm tin của tôi vào các
báo cáo của Cục đặc vụ đã lung lay dữ dội.
Trong những năm sinh viên, tôi đã tích cực quan hệ với các lãnh tụ
chính trị của đảng Lao động, nhất là những người có thể giúp đỡ dân
thuộc địa như tôi vốn mong sớm chấm dứt chế độ thuộc địa và có
một Malaya độc lập bao gồm cả Singapore. Đảng Lao động nhiệt tình
với nền độc lập của các thuộc địa hơn là đảng Bảo thủ vốn vẫn tiếp
tục nói về “Hoàng gia và đế quốc” trong các buổi họp mà tôi có tham
dự. Tôi cũng muốn mở rộng quan hệ với các sinh viên Anh có khả
năng đóng vai trò nào đó trong tương lai ở các chính đảng lớn, một
mạng lưới bạn bè như vậy sẽ rất hữu dụng khi tôi đối đầu với các
giới chức thuộc địa tại Malaya và Singapore. Do đó, tôi đã rất quan
tâm nghiên cứu hệ thống chính trị của họ.
Chế độ dân chủ đại nghị của họ có vẻ rất hữu hiệu. Một cuộc cách
mạng lớn lao – về kinh tế, xã hội và chính trị – đã diễn ra một cách
hòa bình ngay trước mắt tôi. Cử tri đã loại bỏ Winston Churchill và
đảng Bảo thủ vào tháng 5/1945, tuy rằng ông ta đã đem chiến
thắng về cho nước Anh. Họ đã đưa Clement Attlee và đảng Lao động
lên nắm quyền do lời hứa sẽ đem lại những thay đổi sâu xa nhất
trong lịch sử Anh. Chính phủ Attlee đã tiến hành những chương
trình nhằm tạo ra một nhà nước phúc lợi có khả năng chăm lo cho
mọi người Anh thuộc mọi giai cấp từ lúc lọt lòng đến khi qua đời. Vậy
mà không hề có chống đối bạo động gì từ phía các phe đối lập,
không hề có đổ máu trên đường phố. Chỉ có những lời lẽ gay gắt từ
các dân biểu Bảo thủ trong nghị viện và các đơn vị bầu cử đòi hỏi sự
chừng mực và hợp lý đối với câu hỏi về những điều có thể cung ứng
được cho dân chúng. Tôi cực kỳ bị ấn tượng về chuyện này.
Ngay sau khi Luật chăm sóc y tế quốc gia được thông qua năm
1948, tôi đi tới một bác sĩ nhãn khoa trên đường Regent, Cambridge,
để nhận đôi kính mắt. Tôi dự trù sẽ phải trả năm hay sáu bảng gì
đó. Tại quầy, ông bác sĩ hãnh diện nói với tôi rằng tôi không phải trả
tiền, mà chỉ cần ký vào một tờ hồ sơ. Tôi hài lòng và nghĩ rằng một
xã hội văn minh là phải như thế này. Vài tháng sau, một chuyện
tương tự lại xảy ra tại phòng nha sĩ. Lần này tôi cũng chỉ phải ký
vào một tờ mẫu đơn. Còn ông bác sĩ ở đại học thậm chí chẳng yêu
cầu tôi ký tên gì cả vì tôi đã được ghi tên vào sổ bệnh nhân của ông
ta. Một lần nữa tôi bị ấn tượng sâu sắc với chế độ này. Nhưng báo
chí tường thuật rằng nhiều người Pháp và từ các nước châu Âu khác
đã qua Anh để được chữa răng miễn phí. Tôi nghĩ chuyện này đã đi
quá xa, nhưng hồi đó thì nước Pháp rất nghèo túng. Tôi rất thán
phục người Anh vì những biến đổi mà họ đã tạo được.
Điều khiến tôi tâm đắc nhất là sự công bằng của chế độ chính trị
này. Chính quyền đang xây dựng một xã hội có thể đưa mọi người –
giàu hay nghèo; thượng, trung hay hạ lưu – tới cùng một mức sống
chấp nhận được. Và họ đã đạt được điều này tuy rằng nhiều món
còn thiếu thốn. Việc phân phối các suất thực phẩm và quần áo, có
từ hồi chiến tranh, vẫn được tiếp tục cho đến khi chính quyền Bảo
thủ hủy bỏ chế độ đó vào giữa thập niên 1950. Chế độ này vẫn còn
được áp dụng cho những mặt hàng như trà, đường, kẹo, sôcôla, bơ,
thịt, thịt muối và trứng. Những y phục đa dụng với giá phải chăng
vẫn có bán nhưng cần phải có tem phiếu.
Tôi còn quá trẻ, quá lý tưởng để nhận ra rằng chi phí chính phủ
phải chịu là rất lớn; tệ hơn nữa, dưới chế độ cào bằng này, mỗi cá
nhân sẽ quan tâm nhiều đến việc thu tóm được gì từ công sản hơn
là cố gắng cải thiện cuộc sống của chính mình, mà sự cố gắng ấy
chính là động lực tiến bộ trong suốt quá trình tiến hóa của loài
người. Nhận thức này phải chờ đến thập niên 1960, khi tôi nắm
chính quyền của một Singapore nhỏ bé và nghèo hơn Anh rất nhiều,
và nó phải đối phó với yêu cầu phải tạo ra lợi tức và của cải trước
khi tôi có thể nghĩ, hay bàn tới, việc phân phối chúng ra sao.
Còn lúc này, tôi biết được, qua thư từ và những mẩu tin trên báo
chí Anh, rằng rối loạn đang âm ỉ ở quê nhà. MCP đang ấp ủ những
bất an trong giới lao động và những căng thẳng trong xã hội. Đã có
những cuộc đình công và kích động chính trị. Vào tháng 6/1948,
phía cộng sản bắt đầu bắn giết các chủ đồn điền cao su người Anh ở
Malaya. Các du kích đã lui vào rừng và chính quyền thuộc địa đã
tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong đấu trường nghị viện công khai,
ngược lại, không có lực lượng chính trị nào ngoài những lãnh tụ Anh
học yếu ớt và quá nôn nóng không thể làm an tâm các nhà cai trị
người Anh. Tôi cảm thấy rõ ràng rằng khi thế hệ chúng tôi trở về,
chúng tôi phải chiếm lĩnh đấu trường ấy. Tôi gia nhập Câu lạc bộ Xã
hội ở Đại học Cambridge và thường xuyên tham dự những buổi mít–
tinh, nhất là khi có các Bộ trưởng thuộc phe Lao động tới vào những
đêm thứ Sáu để nói chuyện về các chương trình họ đang đề nghị
quốc hội thông qua.
Đó là một thời kỳ sôi động và thay đổi. Đó là chủ nghĩa xã hội dân
chủ trong thực tiễn. Và nó rất văn minh. Có một lần, các bác sĩ đe
dọa đình công, nhưng tinh thần danh dự và truyền thống của họ,
cùng các nghĩa vụ và tập quán của trật tự hiến định đã ngăn họ lại.
Aneurin Bevan, Bộ trưởng Y tế đã vận động thông qua được dự luật
Chăm sóc y tế quốc gia sau khi chẳng làm gì nghiêm trọng hơn việc
gọi đảng Bảo thủ là “tệ hơn cả ký sinh trùng”. Đảng Lao động cũng
xây thêm nhiều chung cư cho thuê với giá thấp được nhà nước bao
cấp. Họ đã mở rộng các diện phúc lợi để bảo đảm một “lưới an toàn”
cho mọi gia đình kiếm không đủ tiền cho các nhu cầu tối thiểu
(những nhu cầu tối thiểu này, với tôi, có vẻ quá sang trọng so với
tình trạng của chúng tôi ở Singapore ngay cả trước thời kỳ Nhật
chiếm đóng). Đó là một bài học đáng nhớ về việc tiến hành thực thi
công bằng xã hội.
Thế hệ các sinh viên Singapore và Malaya chúng tôi tại Anh sau
Thế chiến thứ 2 hoàn toàn say mê tính công bằng và hợp lý trong
chương trình của đảng Lao động. Chúng tôi thán phục chế độ chính
trị trưởng thành của Anh, trong đó truyền thống tôn trọng hiến pháp
và dung hòa đã cho phép những chuyển giao căn bản về quyền lực
và của cải được diễn ra một cách hòa bình. Chúng tôi so sánh những
gì thấy tại Anh với những gì ở Singapore và Malaya, với phần lớn
dân chúng thất học và báo chí kém cỏi đã bỏ quên mọi vấn đề căn
bản và chỉ biết đưa tin về những chuyến đến hay đi của các nhân
vật quan trọng mà phần lớn là các ông chủ người da trắng và những
người bản xứ theo đuôi họ. Tình hình trông lạc hậu và không chút
hứa hẹn.
Trong bối cảnh đó, tôi và Choo về nước trên Willem Ruys, một
chiếc tàu Hà Lan. Đó là chiếc tàu tốt nhất chạy tuyến Southampton–
Singapore – mới, có điều hòa không khí, món ăn Indonesia và Hà
Lan hảo hạng và phục vụ tuyệt vời với các hầu bàn người Java mặc
y phục cổ truyền. Chúng tôi đi hạng nhất trong hai buồng sát nhau
và hưởng một thời gian tuyệt vời, ngoại trừ lúc tôi bị say sóng ở vịnh
Biscay và biển Ả Rập, chỉ ăn được thịt và bánh mì lát khô. Dù sao,
đó vẫn là chuyến đi đáng nhớ.
Lúc này, tôi đã quan tâm sâu sắc đến chính trị và chống chế độ
thuộc địa, nên đã bực bội trước sự hiện diện của một số hành khách
ở khoang hạng nhất, họ là một số người Indonesia lai Âu cứ xum
xoe quanh viên thuyền trưởng và các sỹ quan Hà Lan. Ngược lại,
chúng tôi rất ấn tượng trước phong thái của ông bà Mohammad
Razif, một đôi vợ chồng người Indonesia trung niên luôn giữ khoảng
cách với viên thuyền trưởng. Chúng tôi làm quen với họ và biết ra
Razif là một người Sumatra có tinh thần dân tộc – sau này ông ta là
đại sứ Indonesia tại Kuala Lumpur. Ông khiến tôi phục hồi niềm tin
vào niềm tự hào của một người dân thuộc địa, và tôi rất kính nể
ông. Nhưng phải khá lâu sau tôi mới nhận ra rằng một quốc gia
muốn thay đổi thì cần đến nhiều thứ hơn là chỉ một ít người có đạo
đức và năng lực. Mỗi dân tộc phải biết tự trọng và có ý chí nỗ lực
xây dựng đất nước mình. Nhiệm vụ của người lãnh đạo phải là tạo
nên một khung sườn để trong đó người dân có thể học hành, làm
việc, đạt hiệu năng và được tưởng thưởng xứng đáng. Và điều này
không dễ gì đạt được.
Chúng tôi tới Singapore ngày 1/8. Về đến quê nhà thì thật tuyệt.
Tôi biết mình đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời, và tôi
nhớ đến những bất trắc của nó. Tuy chúng tôi đi khoang hạng nhất,
nhưng nhân viên nhập cảnh, một ông tên Fox đeo một cái cà vạt
đỏm dáng, lên tàu làm nhiệm vụ, đã muốn rằng tôi phải biết thân
phận mình. Ông để tôi và Choo phải chờ đến cuối cùng. Ông ta nhìn
qua thông hành của tôi và Choo rồi nói một cách mơ hồ: “Tôi nghĩ
rằng chúng tôi có nghe nhiều về ông đấy, ông Lee." Tôi nhìn ông ta
chăm chú và làm lơ trước câu nói đó. Ông ta định hù dọa, mà tôi thì
không để bị hù dọa đâu.
Sau này, tôi khám phá ra rằng điều họ ghi sổ bìa đen cho tôi là
chuyện họ nghi tôi tham dự Đại hội thanh niên thế giới ở Budapest
vào tháng 8/1949. Trong mùa hè đó, Liên Xô giúp Hungary tổ chức
đại hội này và Liên minh sinh viên quốc tế ở London đã mời nhiều
nhóm ở Anh tới tham dự. Một số sinh viên Malaya và Singapore đã
nhận lời vì xem đó là một kỳ nghỉ rẻ tiền, chỉ phải tốn tiền vé xe lửa
cho chuyến về. Keng Swee, Maurice Baker, em trai tôi là Dennis và
những sinh viên khác đã đi. Tuy nhiên, tại đó, Lim Hong Bee và một
đảng viên cộng sản nằm vùng ở Singapore tên là John Eber đã
thuyết phục họ lập thành một nhóm tham gia diễu hành với một
biểu ngữ đề hàng chữ “Malaya Chiến Đấu Cho Tự Do”. Tình báo Anh
biết được chuyện này, và vì họ e rằng một số trong đám thanh niên
này khi về nước có thể trở thành kẻ gây rối, nên họ đã gửi cho Cục
đặc vụ Singapore danh sách những sinh viên này, trong đó có “K.Y.
Lee". Cục đặc vụ đã tra vấn cha mẹ tôi, nhưng vì ông bà chẳng biết
gì cả, nên họ không thể làm rõ được tình hình. Kết quả là, giới thẩm
quyền không biết rằng người mà họ nghi vấn ấy chính là em tôi,
Dennis hay D.K.Y. Lee, chứ không phải tôi H.K.Y. Lee.
Nhưng còn có những báo cáo khác trong hồ sơ của họ về tôi khiến
tôi được trở thành người khách cuối cùng trên tàu Willem Ruys hoàn
tất thủ tục chiếu khán. Năm 1981, khi tôi kể lại lịch sử đời mình vào
máy thu băng, một nhà nghiên cứu đã cho tôi xem tài liệu về một
buổi họp ngày 28/6/1950 tại Dinh chính phủ, trong đó Nigel Morris,
Cục trưởng Cục đặc vụ, đã đề nghị cho câu lưu Choo và tôi ngay khi
vừa từ Anh về tới. Tuy nhiên, R.E. Foulger, viên chỉ huy nha cảnh
sát, người đã mời tôi tới thăm ông ở Devon, đã không đồng ý.
Những chi tiết khác còn cho thấy viên thống đốc, chỉ huy trưởng
quân đội và ủy viên thư ký thuộc địa đã ủng hộ ý kiến của Foulger,
họ cho rằng cả hai chúng tôi đều xuất thân từ những gia đình vọng
tộc, phản ứng của công luận trước việc bắt giữ chúng tôi sẽ rất bất
lợi. Thay vào đó, họ cho rằng kết thân và thu hút chúng tôi thì lợi
hơn nhiều. Malcolm MacDonald, Tổng ủy Anh ở Đông Nam Á, “được
đề nghị phụ trách công việc này vì ông thường mời các sinh viên
đến dự dạ tiệc”. Và thực sự, MacDonald đã cho mời tôi và Choo vài
tháng sau khi chúng tôi về nước.
Trong khi ông Fox bắt tôi chờ trong khoang hạng nhất, tôi đã ló
đầu ra vẫy chào gia đình – gồm cha mẹ tôi, Fred, Monica và Susan –
đang đứng trên bến với một số bạn bè, trong đó có Hon Sui Sen. Gia
đình Choo cũng đang chờ cô, nhưng khi lên bờ, chúng tôi chia tay.
Cô về với gia đình ở phố Pasir Panjang. Tôi về đường Oxley. Chúng
tôi chia tay như bạn bè, không hề tiết lộ bí mật về đám cưới của
chúng tôi tại London.
6
CÔNG VIỆC, ĐÁM CƯỚI VÀ CHÍNH TRỊ
Báo chí tường thuật chuyện chúng tôi trở về, nêu bật thành công
của tôi lẫn của Choo trong học tập tại Cambridge. Việc quảng bá này
giúp tôi tìm được việc làm. Trong một lần đến Tòa án tối cao, tôi gặp
một luật sư sinh ra và lớn lên ở đây, T.W. Ong. Ông ta hỏi tôi có
muốn tập sự tại công ty Laycock & Ong của ông không. Tôi đồng ý,
và ông ta lập tức thu xếp cho tôi gặp John Laycock, đồng sự đàn
anh của ông, vào ngày hôm sau.
Laycock quê ở Yorkshire, tuổi độ 60 và đã chính thức là luật sư tại
Anh. Ông ta đã hành nghề ở Singapore từ đầu thập niên 1930 và đã
lấy một bà vợ người Hoa. Họ không có con nên đã nhận mấy đứa
con nuôi người Hoa. Ông ta có một trí tuệ sắc bén và tâm tính mạnh
mẽ, nhưng giọng nói của ông ta lại nhỏ nhẹ so với tấm thân mập
mạp và cái đầu to như thế; khuôn mặt ông có thể đỏ lên khi giận dữ
và ông sẽ trở nên hầu như nói năng lộn xộn. Người ông tràn đầy
năng lực, tửu lượng cao và lúc nào cũng đổ mồ hôi và phải lau luôn
tay với một chiếc khăn lớn. Ông đề nghị tôi làm tập sự với ông. Điều
này có nghĩa là tôi sẽ ngồi trong văn phòng này của ông với hai cái
máy lạnh Philco cỡ lớn cứ kêu rì rầm nhưng chạy rất tốt. Ông ta sẽ
trả tôi 500 đôla mỗi tháng cho đến khi tôi được nhận vào Luật sư
đoàn Singapore, tức là trong một năm nữa vì tôi đã không thực tập
với các luật sư thực thụ hồi ở Anh.
Tôi bắt đầu công việc hầu như ngay lập tức. Tôi may quần áo hợp
khí hậu, chọn thứ vải thoáng. Nhưng cũng không ăn thua. Tôi cứ ra
mồ hôi dữ dội, không thích nghi được với cái nóng và ẩm, và mỗi lần
ra ngoài để lên tòa án, lúc trở về là tôi ướt đẫm. Và thật tai hại khi
ướt mồ hôi mà lại ở trong phòng máy lạnh của Laycock, vì tôi bị cảm
và ho ngay. Sau này tôi hiểu ra điều đầu tiên phải làm khi trở lại văn
phòng là phải rửa mặt bằng nước lạnh, ngồi một lát cho ráo mồ hôi
và thay quần áo khô trước khi vào văn phòng.
Sau khi có việc làm, việc kế tiếp của tôi là gặp cha của Choo, ông
Kwa Siew Tee. Ông ta cao, mạnh mẽ và là một con người tự lập, tự
học nghề kế toán và ngân hàng qua những khóa hàm thụ và đã đạt
được vị trí ngày hôm nay trong Oversea–Chinese Banking
Corporation bằng chính sức lực của ông, chứ không phải nhờ quen
biết hay dùng tiền bạc để được thăng chức. Tôi xin cưới con gái ông
và muốn biết khi nào có thể tổ chức lễ cưới. Ông ta lặng cả người.
Ông chờ đợi một cuộc viếng thăm theo lễ nghi thông thường của cha
mẹ tôi để bàn vụ đó, nhưng đây lại là một tên trai trẻ xấc xược xuất
hiện để tự định ngày, lại cho việc chấp thuận là điều dĩ nhiên. Tuy
nhiên, ông không bực bội với tôi nhiều như sau đó ông làm với
Choo. Chúng tôi đồng ý một lễ đính hôn, rồi sau đó là lễ cưới sẽ tổ
chức vào cuối tháng 9. Đọc được lời công bố trên báo, Laycock đề
nghị nhận Choo tập sự và cũng trả cho cô 500 đôla một tháng. Tôi
báo tin này với Choo và cô lập tức nhận lời. Điều đó thật thuận tiện.
Chúng tôi có thể đi làm cùng nhau và được gặp nhau hàng ngày.
Vào ngày 30/9/1950, sau khi cưới nhau một cách bí mật gần ba
năm, chúng tôi lại trải qua nghi lễ lần thứ hai tại Văn phòng Hôn
nhân nằm trong trụ sở Tòa án Tối cao. Hộ tịch viên, ông Grosse, đến
trễ 15 phút. Tôi rất bực bội và cằn nhằn ông ta. Cuộc hẹn đã được
xếp đặt trước vậy mà ông ta vẫn bắt chúng tôi chờ. Tối đó cha mẹ
chúng tôi tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi họ hàng và bạn bè ở khách
sạn Raffles. Tom Silcock, giáo sư kinh tế tại trường Đại học
Singapore đã từng dạy hai chúng tôi tại Đại học Raffles, đề nghị
nâng cốc chúc mừng cô dâu. Ông ta không phải là một diễn giả dí
dỏm lôi cuốn, nhưng rất trọng vọng Choo. Sau đó Choo dọn về số
38 đường Oxley. Mẹ tôi sắm sửa một số đồ dùng mới cho chúng tôi,
và chúng tôi bắt đầu cuộc sống vợ chồng chính thức của mình.
Nhưng Choo gặp khó khăn trong việc thích nghi với đời sống gia
đình nhà họ Lee, gồm không chỉ bà nội tôi, ba mẹ, em gái và ba đứa
em trai tôi, mà còn vài người bà con từ Indonesia đang ở trọ nhà
chúng tôi, phụ thêm thu nhập cho mẹ tôi.
Tôi tham gia vào câu lạc bộ Singapore Island và tiếp tục chơi gôn
mà tôi đã tập chơi hồi còn ở Tintagel và say mê tập luyện đến độ
một buổi chiều ẩm ướt tôi vẫn lái xe đưa Choo đến đó bất chấp trời
mưa. Đến đường Thomson, chiếc Studebaker của tôi trượt đi, quay
ngược lại theo hình chữ U và lăn xuống con dốc đầy cỏ mềm mại.
Tôi và Choo lộn nhào. Thật may, cả hai không hề bị thương tích gì
cả. Nếu chúng tôi trượt khỏi con đường ở phía trước nữa một chút,
chắc hẳn sẽ đâm sầm vào một ống nước to thay vì lăn xuống con
dốc đất mềm này, và mọi chuyện đã kết thúc.
Tôi rất bất an. Việc tìm hiểu chính trường Singapore khiến tôi thất
vọng, thậm chí còn bực bội nữa. Quyền lực nằm trong tay viên
thống đốc, thư ký thuộc địa và viên chưởng lý. Tất cả họ sống trong
khuôn viên Tòa nhà Chính phủ. Viên thống đốc sống trong tòa kiến
trúc lớn nhất, chính là Tòa nhà chính phủ, viên thư ký thuộc địa
sống trong ngôi nhà biệt lập lớn thứ nhì, còn viên chưởng lý trong
ngôi nhà lớn thứ ba, và viên phụ tá thư ký và thư ký riêng của
thống sứ thì ở trong hai ngôi nhà biệt lập khác. Điện thoại liên lạc
phục vụ năm ngôi nhà này hoạt động 24 giờ một ngày.
Đây thực sự là trái tim của chính quyền. Có một Hội đồng Lập
pháp, nhưng chỉ có 6 trong 25 thành viên của nó là được bầu ở địa
phương. Còn lại là những viên chức Anh và những người Anh được
bổ nhiệm, đứng đầu là thư ký thuộc địa. Năm 1951, số thành viên
được bầu tăng lên đến 9, nhưng họ không có quyền quyết định
chính sách. Và cũng không có uy tín gì với dân chúng – số cử tri đi
bầu Hội đồng lập pháp và hội đồng thành phố thì ít ỏi đến tội nghiệp.
Ông chủ của tôi, John Laycock, là linh hồn hoạt động trong chính
đảng lớn ở đây, đảng Cấp tiến, nhưng lãnh tụ trên danh nghĩa của
nó lại là một luật sư khác, ông C.C. Tan, một người có dáng vẻ và
giọng nói yếu ớt. Những lãnh tụ của đảng hầu hết là những sinh
viên từng học luật hoặc y tại Anh trong những năm 1930 mới trở về
xứ, luôn kính nể những giá trị của Anh. Họ giống như ông nội tôi –
xem mọi thứ của Anh đều là đỉnh cao của sự hoàn mỹ. Họ không tin
vào chính mình, và càng ít tin vào dân tộc họ.
Patrick O’Donovan, phóng viên Đông Nam Á của báo London ra
ngày chủ nhật, tờ Observer (Người quan sát), khi tôi còn là sinh viên
ở Anh, đã mô tả thế hệ những sinh viên châu Á du học và trở về
trước tôi như những kẻ không đủ khả năng về tâm lý cũng như tình
cảm để đấu tranh vì tự do. Điểm khởi đầu là họ không thể tiếp quản
ngay lập tức và điều hành một quốc gia độc lập, và cần phải có
nhiều năm kinh nghiệm trước khi họ có thể làm việc đó. Tôi thấy họ
như không có khả năng lên tiếng cho chính mình, nói chi đến việc
đứng lên chống lại người Anh. Tình hình cũng thế đối với người Ấn
Độ từ Ấn, những kẻ đã trở thành “những lãnh tụ Singapore” nhờ
vào quốc tịch Anh của họ và nhờ khoảng trống quyền lực do cuộc
nổi dậy của MCP gây ra. Người bản xứ duy nhất có tầm vóc là Lim
Yew Hock, tổng thư ký của Liên đoàn thư ký và nhân viên hành
chính Singapore.
Các chính khách này diễn thuyết thật uể oải chẳng bao giờ đụng
chạm gì đến quyền lực của người Anh. Họ tự hào quá mức mỗi khi
có phê phán gì đó về các viên chức thuộc địa. Ông bạn Kenny Byrne
mô tả họ như những kẻ “được nuôi dưỡng trong tinh thần nô lệ”.
Kenny về quê trên tàu Willem Ruys cùng tôi, ông ta làm việc trong
ban thư ký chính phủ, và chúng tôi có thể bày tỏ tâm trạng thất
vọng của mình khi tôi đến thăm ông trong khu cư xá chính phủ sau
bữa tối. Ông là một người Á lai Âu cao, ăn nói từ tốn, đi đứng chậm
chạp và nhớ dai những lời lăng mạ và khinh bỉ dành cho một số
nhân viên người Anh như ông trong ngành dân chính.
Tôi cương quyết làm một cái gì đó trước tình trạng thảm hại này,
và ước ao những người bạn khác của tôi từ Anh trở về, đặc biệt là
Keng Swee và Chin Chye. Tôi cần sự đánh giá của họ để trao đổi ý
kiến và quyết định một phương cách hành động. Tôi cũng muốn tiếp
xúc với John Eber và Lim Kean Chye, những nhân vật cánh tả hàng
đầu trong Liên minh Dân chủ Malaya (Malayan Democratic Union –
MDU) trước khi nó bị giải tán khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố
vào tháng 6/1948. Một ngày tháng 11/1950, chẳng hề báo trước,
John Eber tới gặp tôi tại đường Oxley. Tôi hỏi ông ta chúng tôi có thể
làm gì trước tình hình chính trị theo hiến pháp rất mong manh của
Singapore. Tại sao không thành lập một đảng phái và làm một cái gì
đó thiết thực – chấm dứt trò ăn nói vòng vo kiểu hiện nay và thách
thức quyền lực của chính quyền thuộc địa? Ông ta không hứa hẹn gì
cả. Ông nói: “Đang có tình trạng khẩn cấp. Chúng ta phải hết sức
cẩn thận.” Có lẽ ông đã nghe Lim Hong Bee nói về cuộc họp của
chúng tôi ở London và đánh giá tôi như một thành viên mới có triển
vọng.
Tháng 1/1951, báo chí tường thuật vụ bắt giữ một nhóm người
cộng sản có giáo dục Anh. Trong đó có John Eber, phó chủ tịch MDU,
C.V. Devan Nair, thư ký của Liên đoàn giáo chức Singapore, và Abdul
Samad bin Ismail, biên tập viên chính của tờ báo bằng tiếng Malaya,
Utusan Melayu. Đây là lần đầu tiên quyền câu lưu dựa trên các quy
định về tình trạng khẩn cấp được sử dụng nhằm chống lại một nhóm
người có giáo dục Anh. Tôi đã hy vọng làm cho John Eber và bạn bè
ông ta quan tâm tới việc thành lập một chính đảng hợp hiến, nhưng
thay vào đó ông ta lại đánh giá tôi có thể là một thành viên mới theo
đường lối của ông ta. Nếu như ông ta và nhóm của mình không bị
bắt giữ trong 6 hay 12 tháng nữa, Sở Đặc vụ có thể đã tóm cả tôi
một lượt với họ rồi. Sự chuyển hướng của các sự kiện đã cho tôi một
thời gian dài suy ngẫm và tôi nhanh chóng nhận ra tính nghiêm
trọng của biến chuyển này.
MCP đang tiến hành chiến tranh du kích chống lại người Anh trong
rừng già Malaya, bắn các chủ đồn điền da trắng và những người bản
xứ ủng hộ thực dân. Họ thu phục được nhiều thành viên mới từ số
đông những có Hán học ở Singapore, những người bị ấn tượng bởi
những thông tin về thành quả của đảng Cộng sản Trung Quốc và bởi
những chiến thắng của Quân đội nhân dân giải phóng trong cuộc
chiến chống Mỹ ở Triều Tiên. Những thành công này đã nâng cao uy
thế của Trung Quốc và vì thế đã khiến rất nhiều người Hán học giác
ngộ theo lý tưởng cộng sản.
Nhưng bây giờ rõ ràng rằng MCP cũng đã lôi cuốn được những
thành viên mới trong giới trí thức hưởng nền giáo dục Anh. Dù họ
nhận được sự ưu đãi đặc biệt, và hầu như độc quyền giành được
những công việc trong bộ máy chính phủ và trong các ngành
chuyên môn, một số người duy tâm nhất vẫn không cưỡng lại được
sức hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản đối với các dân tộc đang chống
chủ nghĩa thực dân. Nếu chúng tôi không làm gì. Nếu chúng tôi thất
bại trong việc lôi kéo họ vào một phong trào chính trị hiệu quả, thì
MCP sẽ là kẻ chiến thắng sau cùng.
Tôi vẫn tiếp tục việc tập sự của mình và theo Laycock tới tòa án
trong các vụ xử của ông ta. Ông ta vẫn tỉnh táo khi phải xuất hiện,
nhưng trong những dịp khác thì cứ như một cuộc thử thách. Ông ta
sẽ mời tôi đi ăn trưa, ăn tối và uống thả cửa (loại bia nâu) cho trôi
những con hàu ở khách sạn phi trường Kallang hoặc những miếng
thịt nướng ở Stamfort Cafe hoặc ở Adelphi Grill. Đôi khi ông ta say
khướt đến độ không thể làm việc vào buổi chiều, và ban đêm ông ta
lại một mình uống whisky. Tôi ăn nhiều hơn sức mình và uống nhiều
hơn tôi muốn. Laycock hẳn đã nghĩ tôi là một thành viên mới hữu
ích cho đảng Cấp tiến của ông ta, vì vào tháng 2/1961, ông ta đề
nghị tôi làm trợ lý cho ông trong kỳ bầu cử Hội đồng Lập pháp. Tôi
đồng ý. Nó sẽ cho tôi một ý niệm về tình hình và thực tế ở
Singapore.
Ngày chỉ định là ngày 8/3, nhưng không khí chẳng có gì là nhộn
nhịp cả. Không có gì ngạc nhiên. Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp lần
trước vào năm 1948, chỉ có 23.000 trong tổng số cử tri 200.000 đi
bầu, và gần phân nửa số họ là người Ấn Độ dù cộng đồng của họ
chiếm không quá 6% dân số. Nên chẳng có gì là bất thường khi có
một tỷ lệ thiếu cân xứng về số người Ấn trong những người ứng cử
ở kỳ bầu cử năm 1951 – có 15 (có một người Sri Lanka) ứng cử viên
Ấn trong số 22 để giành 9 ghế. Một trong số họ, người phụ nữ đầu
tiên được bầu vào Hội đồng lập pháp, đã bỏ trốn sang Ấn Độ một
năm sau đó cùng với ông chồng luật sư của bà ta và một số tiền lớn
của các thân chủ ông ta. Điều đó thật bất lợi cho chỗ đứng của
những người Ấn gốc Ấn ở Singapore, những kẻ được xem như loài
chim di trú.
Với một cuộc bầu cử sơ sài, Laycock chiếm được một trong sáu
chiếc ghế mà đảng Cấp tiến đạt được. Đảng Lao động hai ghế, và
một ghế thuộc về một ứng viên độc lập. Cuộc vận động là sự nhái lại
những gì tôi đã chứng kiến ở Anh. Laycock tranh cử ở khu vực bầu
cử Katong của ông ở bờ biển phía Đông, nơi tập trung đa số những
người Hoa vùng eo biển nói tiếng Anh, trung thành với đức vua và
đế chế. Với tư cách là trợ lý tranh cử của ông ta, tôi trả công cho
những người dân những tấm áp phích in hình ảnh, tên tuổi ông ta
với tiêu đề “Hãy bầu cho John Laycock, Đảng Cấp tiến”. Nhưng ông
ta cũng chỉ thị thêm cho tôi tổ chức những bữa tiệc tối, với những
vũ nữ chuyên nghiệp để nhảy cặp với những người đàn ông mặc y
phục Malay, và lo chu cấp thức ăn và rượu dù chuyện này là trái
luật. Hơn nữa, tôi phải bảo đảm, rằng người trưởng làng của khu
vực bầu cử phải được đền bù xứng đáng cho việc ông ta kêu gọi dân
làng mình bầu cho Laycock. Giữa bữa tiệc, John Laycock sẽ trèo lên
một cái bục nhỏ, tay cầm mic–ro diễn thuyết bằng tiếng Anh, hứa
rằng ông ta sẽ đem lại điện nước cho thính giả của mình. Chỉ vài
người hiểu ông ta nói gì. Chúng tôi đã tổ chức hai buổi mít–tinh ở
Kampong Amber, một vùng đất của những kẻ tha phương nghèo khổ
mà hiện đã trở thành một chung cư cao ngất.
Cũng như cuộc bầu cử năm 1948, chỉ một tỷ lệ nhỏ cử tri đi bầu –
24.693 trong tổng số 250.000. Thế giới mà những hội viên hội đồng
lập pháp đại diện chỉ là một phần nhỏ, cách ly hẳn đại đa số quần
chúng. Đại đa số dân trên đảo chẳng dính dáng cũng chẳng quan
tâm đến cuộc bầu cử vì lý do đơn giản là họ không được quyền bầu
cử, và dù sao thì mọi thứ đều được hướng dẫn bằng tiếng Anh,
trong khi đa số dân chúng nói tiếng Hoa. Con đường đi lên của họ
sau khi qua các trường lớp của người Hoa là không đáng kể, và
nguyện vọng chính trị của họ chỉ có thể được thực hiện thông qua
MCP. Họ bao gồm những người bán hàng rong, kéo xe, tài xế taxi và
những người chạy việc cho những trò xổ số bất hợp pháp. Họ là
những người bình thường vẫn xuất hiện bên ngoài văn phòng của
Laycock & Ong, mong được giúp đỡ thoát khỏi những rắc rối với
cảnh sát, với những người có chức quyền hoặc chính phủ. Họ không
nói được tiếng Anh, và những viên thư ký sẽ thông dịch lại lời của
họ cho các vị luật sư không hiểu được phương ngữ của họ.
Tôi cảm nhận được rằng thế giới giả dối của thực dân là không
thực. Các viên chức chỉ phục vụ cho quyền lợi của chính họ và
quyền lợi của những người hưởng nền giáo dục Anh, những kẻ có
thể gây sức ép đối với họ thông qua báo chí viết bằng tiếng Anh.
Nhưng họ không phải là động lực kinh tế của xã hội Singapore. Tôi
có một cảm giác khó chịu dữ dội. Tôi chỉ thảo luận những ý nghĩ này
với mình Kenny. Tôi phải thành công trong nghề luật của mình, và
phải nhìn ra nghề luật sẽ giúp tôi thế nào trong chính trị.
Ngày 7/8/1951, tôi hoàn tất xong một năm thực tập của mình. Để
vào được Luật sư đoàn, Choo và tôi phải khoác bộ áo tối tăm và mặc
chiếc áo choàng luật sư với những dải trắng, và trong trường hợp
của tôi, thêm một cái cổ cứng nữa. Đây là một dịp quan trọng, vì
toàn bộ Luật sư đoàn đã có 140 thành viên, và mỗi năm chỉ nhận
thêm mười luật sư mới. René Eber, một luật sư kỳ cựu có uy tín, đã
đề xuất đơn xin gia nhập của chúng tôi bằng một bài diễn văn lịch
sự ngắn. Con trai của ông, John, là một đảng viên cộng sản hoạt
động bí mật, đã bị bắt giữ cách nay bảy tháng. Singapore quả là một
thế giới nhỏ bé!
Bởi vì khai sinh của tôi ghi tôi là Harry Lee Kuan Yew, tôi không thể
yêu cầu Middle Temples hay trường Đại học Cambridge xóa chữ
Harry trong tên tôi. Vì vậy trong cả bằng tốt nghiệp Cambridge lẫn
trong chứng nhận Luật sư đoàn, tôi vẫn là Harry Lee Kuan Yew. Năm
1950, tôi quyết định tìm cách để được nhận vào Luật sư đoàn
Singapore dưới cái tên người Hoa thôi, và họ được đặt trước tên
riêng là: Lee Kuan Yew. Lần này tôi thành công; Lee Kuan Yew trở
thành con người trước công chúng của tôi, điều mà tôi đại diện và tự
nhận mình như thế – một người dân tộc chủ nghĩa cánh tả – và đó
là cách tôi xuất hiện trên các bài báo tường thuật các vụ án của tôi.
Nhưng suốt những năm tháng này, vợ và bạn bè riêng của tôi vẫn
gọi tôi là Harry. Vào những năm 1950, suốt những năm tháng đầu
bước vào chính trường, đôi lúc tôi cảm thấy hơi khó chịu khi bị gọi là
Harry Lee. Về mặt chính trị, điều đó là một bất lợi. Tuy nhiên, đến
giữa những năm 1960 , sau khi tôi chịu đựng và tồn tại được qua
những thử thách, tôi đã vượt qua mọi cảm giác khó chịu. Điều đó
không hề làm giảm uy tín và giá trị của tôi. Tôi không tự đặt tên cho
mình được. Tôi không bao giờ đặt một cái tên mang hơi hướm Tây
phương cho bất kỳ đứa con nào của tôi, mà các con tôi cũng không
hề làm vậy đối với con cái chúng.
Ba ngày sau khi vào Luật sư đoàn, một người bạn cũ của tôi là hộ
tịch viên trong Tòa án tối cao, Tan Thoon Lip, yêu cầu tôi bào chữa
cho bốn người Malay trong một vụ án mà nó sẽ ảnh hưởng sâu đậm
đến quan điểm của tôi về hệ thống bồi thẩm đoàn ở Singapore. Vào
tháng 12/1950, một cô gái Hà Lan, kẻ bị mẹ nuôi người Malay cải
sang đạo Hồi, được đưa vào tu viện theo lệnh của Tòa án tối cao
trong khi quan tòa quyết định mẹ ruột cô có quyền đòi cô lại. Bà mẹ
Hà Lan đó đã giao con gái nhỏ của mình cho người đàn bà Malay này
trông nom khi quân Nhật tràn qua đất nước. Báo chí đăng hình cô
gái trong tu viện, trước tượng Đức Mẹ Đồng Trinh. Điều này khiến
những người theo đạo Hồi, những người đã coi cô như một người Hồi
giáo, giận điên lên, đến độ họ đã gây ra cuộc náo loạn suốt mấy
ngày liền, đám đông những người Hồi giáo trên đường phố giết vô
tội vạ những người đàn ông và phụ nữ da trắng.
Bốn người đàn ông mà hiện tôi phải bào chữa nằm trong số 13
người bị buộc tội giết người, gây ra cái chết của Charles Joseph
Ryan, một hạ sỹ quan trong Không lực Hoàng gia. Chín bị cáo còn lại
được một luật sư thâm niên hơn, F.B. Oehlers bào chữa.
Phiên tòa kéo dài gần hai tuần, dưới sự điều hành của một thẩm
phán và một bồi thẩm đoàn bảy người. Tôi chú tâm vào vụ án còn
hơn cả Oehlers, một người đàn ông 50 tuổi mà danh tiếng trong
Luật sư đoàn đã được khẳng định. Còn danh tiếng của tôi sẽ được
quyết định. Tôi đã làm phần lớn việc đối chất, nhằm tạo ra những
nghi ngờ về tính chính xác trong sự nhận diện của những người
tham gia vào việc bạo loạn dẫn đến cái chết của Ryan. Trời đã tối lúc
họ bắt giữ Ryan, lôi anh ra khỏi chuyến xe buýt đưa anh từ Changi
vào thành phố, đánh anh bất tỉnh và thảy anh xuống một cái mương
sâu đầy nước mưa trong khu Geylang Serai của người Malay. Tôi mời
viên thẩm phán, cùng bồi thẩm đoàn và nhân chứng đi đến chỗ xảy
ra sự việc vào ban đêm để thấy đèn đường yếu ớt không soi sáng
con đường được bao nhiêu. Tôi đặt câu hỏi rằng những ai chứng
kiến một đám hỗn loạn chừng 40–50 người Hồi giáo Malay và Ấn Độ
trong ánh sáng yếu ớt đó, làm thế nào có thể nhận ra những người
ngồi ghế bị cáo kia chính là những kẻ đã tấn công nạn nhân. Tại nơi
xảy ra tội ác, họ đứng cách kẻ tấn công bao xa? Họ thấy các thân
chủ của tôi trong bao lâu? Những kẻ tấn công đó mặc quần áo gì?
Có dấu vết hay vẻ gì đặc biệt gì trên khuôn mặt của các bị cáo?
Sau cuộc đối chất, Oehlers và tôi tổng kết lại. Chúng tôi chỉ ra mọi
mâu thuẫn giữa những gì nhân chứng khai tại lần thẩm vấn sơ bộ
và tại chính phiên toà, đặc biệt là về khả năng nhìn rõ. Việc đó giống
như đi qua một cánh cửa mở sẵn, khi các vị bồi thẩm người Ấn và
Hoa chẳng vui sướng gì trong việc kết tội nếu như điều đó có nghĩa
là đưa một người đến chỗ chết. Vì vậy bồi thẩm đoàn thấy thật sự
nhẹ nhõm khi có thể tuyên bố tha bổng tất cả những người bị buộc
tội sát nhân. Nhưng sự thật lại đè nặng lên lương tâm họ và họ kết
luận chín người trong số các bị cáo đã phạm tội cố ý đả thương
nghiêm trọng. Ba trong số các thân chủ của tôi được trả tự do. Một
người chỉ bị năm năm cấm cố. Có một vẻ phẫn nộ trên gương mặt
của quan tòa và công tố viên người Anh.
Tôi cũng thấy ghê tởm trước kết quả này. Nhiệm vụ của tôi khi làm
luật sư biện hộ ở Tòa án tối cao đòi hỏi tôi phải làm hết sức mình
cho thân chủ mà không phạm luật hoặc đưa ra một điều gì sai sự
thật. Tôi đã tạo ra nhiều nghi ngờ về phía công tố và ngăn trở công
lý. Tôi không hề nghi ngờ chuyện bốn thân chủ của tôi đã giết Ryan,
rằng vào đêm đó họ bị kích động cao độ và hẳn sẽ giết bất kỳ người
da trắng hay người lai nào trên đường đi của họ, bất cứ ai liên quan
tới Thiên chúa giáo, tức là, theo họ, chống lại đạo Hồi. Tôi không còn
tin vào một chế độ mà nó cho phép sự mê tín, ngu dốt, thành kiến,
định kiến và sợ hãi của bảy viên bồi thẩm quyết định ai đó là có tội
hay vô tội. Theo định nghĩa, họ là những con người bình thường,
không có năng lực chuyên môn gì ngoài khả năng hiểu được tiếng
Anh và làm đúng các thủ tục quy định. Tôi đã từng gặp các viên bồi
thẩm trong các tòa án Anh. Tôi không nghĩ họ xứng đáng với lòng
tôn kính mà các luật sư và những nhà làm luật dành cho sự thông
thái tập thể của họ.
Một khác biệt giữa các vụ xử ở Anh và ở Singapore là nhu cầu cần
có thông ngôn. Nhiều nhân chứng không thể, hoặc không muốn, nói
bằng tiếng Anh, có thể chỉ vì muốn có thêm thời gian định hình các
câu trả lời của họ. Thông ngôn người Malay, một người Ấn theo Hồi
giáo, thật là giỏi. Ông ta có thể mô phỏng âm sắc, điệu bộ và tâm
trạng của nhân chứng. Ông ta dịch một câu thật tuyệt khi một nhân
chứng nhắc lại câu Allahu Akbar. Ông ta đã dịch thành: “Ông ta nói
những người đó là Allahu Akbar. Ồ, câu đó nghĩa là ‘Thượng đế thật
vĩ đại’. Đó cũng là tiếng hô xung trận của người Hồi giáo.”
Nhưng những thông ngôn còn có công dụng khác. Khi đứa con đầu
tiên của chúng tôi ra đời vào ngày chủ nhật 10/2/1952, tôi đã hỏi ý
kiến một trong những thông ngôn đó tại Tòa án Tối cao, ông này
từng giúp nhiều luật sư tìm ra những cái tên Trung Quốc thích hợp
cho con cái của họ. Ngày sinh tháng đẻ là rất có ý nghĩa trong lịch
Trung Quốc, ngày 15 tháng Giêng năm Thìn. Nên chúng tôi quyết
định đặt tên cháu là Hsien Loong – Hiển Long. Đó là một thằng bé
người roi dài nhưng nặng tới bốn ký, và nó khiến chúng tôi rất sung
sướng.
Khi tôi thăm Choo tại bệnh viện phụ sản Kandang Kerbau vài ngày
sau đó, tôi đã có thể kể cho cô nghe vận may thứ hai của tôi – vụ
bào chữa hợp tác đầu tiên của tôi. Nó sẽ đưa tôi vào sân khấu chính
trị và đi tới một cuộc đối đầu với chính quyền.
7
NHỮNG XUNG ĐỘT ĐẦU TIÊN VỚI CHÍNH PHỦ
Một buổi chiều năm 1952, một nhóm gồm ba người Malay và một
người Ấn trong đồng phục nhân viên phát thư đến văn phòng của
Laycock & Ong để gặp tôi. Không còn làm việc trong phòng Laycock
nữa, tôi gặp họ ở phòng ngoài – không máy điều hoà, nóng, ẩm
cùng với tiếng ồn ào của xe cộ và những người bán rong. Những
người trong Liên đoàn nhân viên Bưu chính Viễn thông bảo tôi, họ
đã đề xuất một yêu sách về việc xem xét lại lương bổng cho nhân
viên nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết, và họ được phép thuê
một luật sư để thay mặt cho họ. Tôi hỏi ý John Laycock liệu có nên
nhận vụ này không, bởi nó không đem lại nhiều tiền. Ông ta bảo tôi
nên làm vì để tạo thanh danh, vì vậy tôi đồng ý mà không đòi hỏi
thù lao theo quy định. Việc tôi nhận vụ này sẽ là một bước ngoặt
trong lịch sử nghiệp đoàn và phong trào đấu tranh hợp pháp của
quần chúng. Tôi không ngờ rằng mình sẽ dẫn dắt các lãnh đạo
nghiệp đoàn vào một cuộc đình công, mà trong vòng hai tuần, đã
làm thay đổi tình hình chính trị. Nó đặt chính quyền thực dân vào
thế phòng thủ và cổ vũ tính chiến đấu của công nhân viên. Nhưng
nó cũng tạo cơ hội cho những người cộng sản tổ chức lại lực lượng
ủng hộ họ.
P. Govindasamy, một nhân viên bưu điện (một chức vụ cao hơn
người đưa thư), tuy không được học nhiều nhưng đã trình bày ngắn
gọn cho tôi về tình hình bằng thứ tiếng Anh tạm được. Ông ta là một
người thích hợp và đáng tin cậy. Sau này ông ta đắc cử dân biểu ở
khu vực bầu cử kế cận của tôi và đã giúp tôi coi sóc khu của tôi.
Việc thương lượng với Sở doanh nghiệp thuộc ban bí thư chính phủ
kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5, đem lại kết quả là họ chỉ duyệt theo
bảng lương giống như bảng lương ứng dụng ở Malay, dù tôi đã
chứng minh rằng ở Singapore công việc nặng nề khó nhọc hơn và
mức sinh hoạt cũng cao hơn.
Chúng tôi đã đi đến chỗ phải quyết định hành động. Một buổi sáng
Chủ nhật, nghiệp đoàn tổ chức một cuộc họp trước khi đình công tại
cư xá của họ trên đường Maxwell, nơi các gia đình đông con sống
trong những căn hộ một phòng với nhà bếp và nhà vệ sinh chung.
Gần như toàn bộ thành viên nghiệp đoàn gồm 450 người đã có mặt.
Sự có mặt của tôi sẽ củng cố thêm lòng can đảm của họ và đảm bảo
với họ rằng những gì họ đang làm không có gì trái luật cả, đặc biệt
là chưa hề có cuộc bãi công nào được tổ chức ở Singapore từ khi
tình trạng khẩn cấp được công bố năm 1948. Bằng thứ tiếng Malay
bình dân, tôi giải thích rõ ràng ý kiến của mình với tất cả mọi người,
đa số là người Malay, số còn lại là người Hoa và Ấn. Họ quyết định ra
tuyên bố bãi công.
Trước khi cuộc bãi công bắt đầu vào ngày 13/5, Keng Swee, người
từ Anh về, chuẩn bị một bữa ăn tối tại Câu lạc bộ bơi lội người Hoa
trên đường Amber để tôi gặp mặt phó tổng biên tập tờ Singapore
Standard, Sinnathamby Rajaratnam. Raja là một người Malay dòng
dõi Jaffna Tamil. Ông ta ở London suốt 12 năm đến năm 1947, kết
giao với một nhóm người Ấn Độ và Phi châu theo chủ nghĩa dân tộc
và những người Anh thiên tả, và viết những bài báo chống thực dân.
Ông ta thích lắng nghe ý kiến người khác. Ngồi ngoài trời cạnh hồ
bơi, giữa tiếng nhạc và tiếng ồn ào của những người đi bơi, tôi trình
bày ngắn gọn với ông ta về cuộc đình công. Ông ta lâu nay đã chờ
đợi một vấn đề thuận lợi đối đầu với chính quyền thực dân, và hăm
hở tham gia cuộc chiến đấu cho những người đưa thư.
Trong khi những người đưa thư đứng gác một cách hòa bình không
cho bất cứ ai vào làm trong buổi sáng đầu tiên diễn ra cuộc bãi
công, chính quyền phái một đạo quân người Gurkha đông đảo trang
bị súng lục và dao quắm vào Bưu điện Trung tâm trong tòa nhà
Fullerton trên bến cảng Collyer, phần nổi cộm nhất của khu thương
mại. Người đại diện cảnh sát thông báo rằng cảnh sát mang tiểu liên
sẽ đứng gác tại tất cả các bưu điện cho đến khi cuộc bãi công kết
thúc.
Hôm sau, báo chí đăng ảnh của nhóm Gurkha cùng cảnh sát đi
kèm, một cách tương phản sâu sắc, với một tuyên bố ôn hòa của
viên chủ tịch nghiệp đoàn rằng những người phát thư sẽ tạm ngưng
làm hàng rào cản những người muốn vào làm việc cho đến khi
những ý định của họ được hiểu rõ. Dư luận công chúng ủng hộ
những người phát thư. Ngày kế tiếp, chính phủ rút nhóm Gurkha đi
và những người biểu tình tái lập rào cản một cách hòa bình.
Tờ Singapore Standard là một tờ báo của người bản xứ với số phát
hành ít hơn nhiều so với tờ Straits Times thân chính phủ Anh, nhưng
tiếng nói của nó về cuộc đấu tranh này rất được quan tâm. Nhiều
người bản xứ đọc nó, khiến cho những viên chức thực dân cũng đọc
theo. Trong bài xã luận của mình, Raja nhạo báng không thương tiếc
những thành kiến chủng tộc của chính phủ thuộc địa, đặt vấn đề về
quyền của những người Anh ở thuộc địa được nhận lương nhiều hơn
những người bản xứ, họ được trả thêm 1.000 đôla phụ cấp làm việc
tại thuộc địa, trong khi những người phát thư yêu cầu thêm 10 đôla
một tháng thì bị từ chối.
Trong khi đó thư từ bị dồn đống, gây khó khăn cho tất cả mọi
người. Dân chúng phải tự vào bưu điện để lọc ra thư từ và bưu kiện
của mình. Dù vậy, dân chúng vẫn đứng về phía những người phát
thư vì những hành động ôn hòa của họ và những tuyên bố mà tôi
đã soạn thảo cho họ. Những hàng tựa bài in đậm và các xã luận của
Raja trên tờ Singapore Standard đã giúp ích rất nhiều. Tờ báo bằng
tiếng Malay Utusan Melayu ủng hộ những người đình công, vì phần
lớn người phát thư là người Malay. Các báo tiếng Hoa, Nanyang
Siang Pau và Sin Chew Jit Poh, cũng cùng thái độ vì trong đó có
nhiều phóng viên và biên tập viên thân cộng luôn luôn chống lại
chính phủ.
Tờ Straits Times, ngược lại, do người Anh làm chủ và điều hành.
Nó có một tay viết xã luận thật hay, Allington Kennard, ông này cố
ra vẻ trung lập nhưng lại nhận thấy khó mà không đứng về phía
chính phủ.
Raja đang thích chí trước cuộc chiến. Đây là cuộc thánh chiến
tuyệt vời nhất – cuộc chiến đấu vì quần chúng bị chà đạp chống lại
bọn thực dân da trắng bóc lột vô lương tâm. Văn phong chiến đấu
của ông ta rất ấn tượng. Nhiều năm giao kết với người Ấn và Tây Ấn
chống đế quốc đã giúp ông ta có một văn phong mạnh mẽ. Ba năm
tranh luận với những sinh viên người Anh đầy thiện chí và thân
thiện trong câu lạc bộ Lao động ở đại học Cambridge đã cho tôi một
cách diễn đạt khác và thích dùng ngôn ngữ ôn hòa dồn nén hơn.
Thế là chúng tôi kết thành một đôi, Raja mạnh mẽ và đầy khí lực,
tôi thì mềm mỏng nhã nhặn, nếu có phê phán, thì luôn mang vẻ
buồn phiền hơn là giận dữ. Tôi gọi điện cho ông ta để góp ý, phân
loại những phản ứng từ phía những người ủng hộ chúng tôi; ông ta
kiểm lại mức gay gắt trong bài xã luận của ông với tôi. Ông ta sẽ
mang bản in thử đến nhà tôi để cùng thảo luận, hoặc chúng tôi sẽ
nói chuyện trên điện thoại, thường là sau nửa đêm, ngay trước khi
tờ báo của ông lên khuôn in. Tờ Singapore Standard thông tin rất chi
tiết khiến tờ báo của chính quyền, tờ Straits Times, phải công bố
những thư ngỏ của tôi để giữ được vẻ vô tư.
Gần cuối tuần đầu tiên, công luận xoay sang chống đối chính
quyền dữ dội. Các viên chức thuộc địa Anh hoặc không quen với
việc trình bày tình thế của họ để thu phục sự ủng hộ của dân chúng,
và cũng không quen với việc đối phó với dân bản xứ, những kẻ đã
lịch sự nêu ra những mâu thuẫn, yếu kém và thái độ kiêu ngạo của
họ. Việc bóc trần thái độ kiêu căng của các nhân viên thuộc địa
trong cách đối xử với những người phát thư đã khiến những nghiệp
đoàn khác công khai ủng hộ họ. Ngay cả tổng thư ký của Đại hội
nghiệp đoàn Singapore, một tổ chức thân chính quyền, vốn là cộng
sự thân cận của Lim Yew Hock và là ủy viên ban chấp hành Đảng
Lao động Singapore, cũng tham gia cuộc đấu tranh. Ông ta thông
báo quyên góp một ngân quỹ “để giúp nhân viên bưu điện tiến hành
bãi công đến kết thúc thắng lợi". Tờ Singapore Standard kêu gọi
công chúng đóng góp và nhận tặng phẩm từ các nhà hảo tâm.
Chính quyền đâm ra lo lắng. Viên thư ký thuộc địa đề nghị “tái tục
thương lượng ngay khi các nhân viên trở lại làm việc”. Tôi trả lời
rằng nếu các nhân viên ngừng bãi công và các cuộc thương lượng
thất bại lần nữa thì họ sẽ đối mặt với viễn cảnh một cuộc bãi công
thứ nhì. “Cái kiểu này, nếu lặp lại nhiều lần, sẽ khiến việc bãi công,
vũ khí thương lượng cuối cùng của nghiệp đoàn, trở thành một trò
khôi hài.”
Trong một cuộc họp của Hội đồng lập pháp vào thứ Tư, 20/5, đích
thân thống đốc đã cảnh cáo những nhân viên bưu điện rằng chính
quyền sẽ không bị áp lực của việc đình công khiến phải chấp thuận
mọi yêu sách của họ. Hôm sau, Raja đáp lễ trên tờ Singapore
Standard:
“Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào nghiệp đoàn tại xứ sở này,
viên chức cao cấp nhất của thuộc địa đã công khai nghi vấn tính
hiệu quả của vũ khí bãi công. Nói thẳng thắn hơn, ông Nicoll
(thống đốc) bảo rằng chính phủ xem áp lực của những vụ bãi
công, dù chính đáng hay không, dù hợp pháp hay không, cũng là
điều gì đó mà chính quyền không thể chịu đựng.”
Điều này đã gây tác hại, các viên chức Anh thấy nản chí trước diễn
biến này. Họ đang bị công khai tấn công. Viên thư ký thuộc địa đáp
ứng bằng cách hứa hẹn với 500 nhân viên tham gia bãi công rằng
đích thân ông ta sẽ tiến hành thương lượng với các đại diện nghiệp
đoàn nếu họ trở lại làm việc. Tôi đã thuyết phục các lãnh tụ nghiệp
đoàn nên chọn một giải pháp mới và thông báo tạm ngưng bãi công
ba ngày.
Việc này cứu vãn thể diện cho viên thư ký thuộc địa và các viên
chức của ông ta. Các cuộc thương lượng tái tục vào ngày 26/5 và
kết thúc với một thỏa ước đáng hài lòng.
Đó là cuộc bãi công đầu tiên kể từ khi ban hành các quy định về
tình trạng khẩn cấp vào tháng 6/1948, và nó được tiến hành hoàn
toàn đúng luật pháp, không hề có đe dọa, bạo động hay thậm chí
lập rào cản mất trật tự. Cuộc chiến đấu là nhằm giành lấy sự ủng hộ
của quần chúng và nghiệp đoàn đã thắng. Sau lần chứng minh khả
năng nghiệp vụ kém cỏi của các viên chức Anh này, dân chúng thấy
rằng chính quyền, khi bị đem ra mổ xẻ, thì cũng rất dễ bị tấn công.
Việc xuất hiện trên báo chí đã nâng cao uy tín nghề nghiệp của
tôi. Tôi không còn là một luật sư trẻ tự phụ mới từ Cambridge về với
những bằng cấp hạng danh dự nữa. Tôi đã dẫn dắt những công
nhân bãi công, lên tiếng nói cho họ và được họ tin cậy. Tôi đã làm
được việc mà không gây đổ vỡ gì. Tôi thu đạt rất lớn trong sự đánh
giá của hàng nghìn công nhân ở Singapore và Malaya mà không làm
giới trí thức Anh học hoảng sợ. Các bạn tôi và tôi bây giờ tin rằng
trong các nghiệp đoàn, chúng tôi sẽ tìm được cơ sở quần chúng và
sức mạnh chính trị mà chúng tôi đã tìm kiếm từ hồi thảo luận
chương trình hành động của mình trong những đêm dài ở London
sau những buổi hội họp tại Malaya Hall. Chúng tôi đã nhận ra cách
vận động sự ủng hộ của quần chúng.
Các nhóm phi cộng sản cũng thấy phấn khởi, thậm chí tự tin hơn,
trước cuộc biểu dương lực lượng quần chúng một cách hợp pháp,
hòa bình và bất bạo động để bày tỏ những bất bình chính đáng. Một
loạt các nghiệp đoàn và hiệp hội đề nghị tôi làm cố vấn pháp lý cho
họ, và tôi sung sướng có được họ như những lực lượng ủng hộ chính
trị cho mình. Họ trả những khoản lệ phí tượng trưng cho công ty
Laycock & Ong để được ghi tên tôi trên các giấy tờ giao dịch của họ
với tư cách cố vấn pháp lý. Tôi tham dự nhiều bữa tiệc thường niên
hay đại hội của họ. Tôi học được cách hòa đồng với các bang người
Hoa, những nhóm nói tiếng Quảng Đông hay Quan thoại như Nghiệp
đoàn công nhân ngành in người Hoa, hay những nhóm chỉ nói một
phương ngữ như Hiệp hội người Hakka ở Singapore.
Điều đáng phiền là khả năng dùng tiếng Hoa của tôi không tốt
lắm. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì không có khả năng giao tiếp với họ
bằng thứ tiếng lẽ ra là tiếng mẹ đẻ của tôi. Một lần nữa tôi lại cố
gắng học tiếng Quan thoại. Tôi tìm một ông thầy và mua một máy
thu băng nhỏ. Tôi cùng Hon Sui Sen, bây giờ làm ủy viên địa chính,
học cùng ông thầy đó tại căn nhà trong cư xá chính phủ của Hui
trên đường Cantonment. Nhưng tôi tiến bộ rất chậm vì có quá ít thời
gian và tệ hơn, chẳng có mấy cơ hội để thực tập.
Tuy nhiên, tôi chẳng cần đến tiếng Quan thoại trong lần tham gia
kế đó của tôi vào cuộc đấu tranh của công nhân. Tháng 12/1952,
khoảng 10.000 công nhân, chủ yếu là người Ấn, thuộc Nghiệp đoàn
lao động khu căn cứ hải quân, đột nhiên ra thông báo bãi công, và
ngày 29/12, các công nhân trong căn cứ quân sự ở Sembawang
không làm việc nữa khiến cả các sỹ quan hải quân chỉ huy ở đó
cũng như chính phủ Singapore hết sức bối rối. Các tàu chiến của Hải
quân hoàng gia tham gia chiến tranh Triều Tiên về đến Singapore –
gồm một tàu ngầm, một hàng không mẫu hạm và hai hộ tống hạm
– bị neo lại không sửa chữa được gì cả. Viên thống đốc đã can thiệp,
nhưng sau hai lần gặp gỡ không kết quả, đại diện của cả hai bên
đồng ý đem vấn đề tranh chấp này đến một trọng tài độc lập là John
Cameron, Luật sư hoàng gia thuộc Luật sư đoàn Scotland. Nghiệp
đoàn đã yêu cầu tôi đại diện cho họ.
Tôi bỏ ra một tuần nghiên cứu các bảng lương và so sánh giữa
mức lương do chính quyền Singapore và do Hải quân hoàng gia trả
cho những công việc tương tự nhau. Buổi tranh luận đối tịch được tổ
chức trong phòng riêng của chánh án tại Tòa án tối cao và kéo dài
cả tuần trong tháng 3/1953. Cameron, một luật sư người Scotland
dày dạn kinh nghiệm, vẫn giữ một vẻ vô tư không thiên vị. Bên Hải
quân có một viên chỉ huy kinh nghiệm biết rất rành các bậc lương
của mình. Khi Cameron đưa ra phán quyết vào ngày 11/3, rõ ràng
là ông ta đã biết giới hạn ngân sách của Hải quân và không hề định
phá vỡ mức giới hạn đó. Tôi đã đòi hỏi nâng thang lương của Hải
quân lên cho bằng thang lương của chính phủ Singapore, nhưng
Cameron từ chối.
Các cán bộ nghiệp đoàn không hài lòng, và ông chủ tịch nghiệp
đoàn bị áp lực là phải từ chối phán quyết của tòa. Tôi gặp các cán bộ
ấy và thuyết phục rằng thật bất lợi khi tiếp tục bãi công sau khi đã
chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, rằng đây là nội
dung chính của đấu tranh hợp pháp. Quan điểm của tôi được chấp
nhận và sự vụ không gây hại gì cho tôi. Tuy rằng tôi cũng mất đi ít
nhiều uy tín vì chỉ giành được những nhượng bộ nho nhỏ. Tôi đã xác
định được chỗ đứng của mình như một cố vấn pháp lý biết đấu tranh
đúng luật và sẵn sàng thuyết phục khách hàng chấp nhận một phán
quyết bất lợi.
Những cuộc bãi công khác đang âm ỉ ở Singapore và Malaya. Các
viên chức của Nghiệp đoàn công nhân bưu chính viễn thông
Singapore đã ra thông báo rằng họ sẽ bãi công đòi tăng lương vào
ngày 23/3/1953. Đó sẽ là cuộc bãi công đầu tiên chưa từng có của
các viên chức chính phủ. Nghiệp đoàn đề nghị tôi làm cố vấn pháp lý
cho họ. Chính phủ đề nghị đưa ra trọng tài, và sau khi bàn bạc với
tôi, nghiệp đoàn đã đồng ý. Chính phủ đưa ra danh sách sáu thành
viên trong hội đồng trọng tài Malaya. Một người trong đó hóa ra là
Yong Pung How, từng học cùng thời với tôi ở trường luật Cambridge.
Suốt trong ba ngày cuộc tranh tụng được đưa tin rộng rãi trên báo
chí và đài phát thanh. Tôi có hai mục tiêu: đạt được một phán quyết
có lợi, và quan trọng hơn, phơi bày được thói trịch thượng và kém
hiệu năng của các viên chức thuộc địa người Anh trong việc đối xử
với công chức người bản xứ. Tôi làm được việc này mà không cần tỏ
ra quá khích lắm. Yong Pung How ra phán quyết cho 1.000 viên
chức hưởng truy lãnh 28 tháng lương và những khoản tăng lương
khác tổng cộng lên tới 1 triệu đồng. Kết quả này đã phục hồi uy tín
cho tôi đối với giới công nhân.
Trong khi đó những công chức người bản xứ cao cấp hơn cũng
đang bất mãn. Kenny đang nung nấu một nỗi bất bình với một quyết
định thiên vị dành những khoản phụ cấp gia đình đặc biệt riêng cho
các viên chức Anh phục vụ tại thuộc địa. Hiệp hội viên chức chính
ngạch Singapore đã nhiều lần làm kiến nghị mà không kết quả. Cuối
năm 1951, khi Keng Swee từ Anh về, ông ta vạch ra một chiến lược
đơn giản để tạo được thế mạnh chính trị buộc chính phủ phải
nhượng bộ. Thay vì đấu tranh đòi phụ cấp gia đình tương đương với
phụ cấp phục vụ tại thuộc địa cho khoảng 200 viên chức chính
ngạch người bản xứ, Keng Swee đã đề nghị họ yêu sách những phụ
cấp tương xứng cho tất cả công chức, nhất là những nhân viên công
nhật bậc 4 được trả lương thấp mà rất đông đảo ở đây. Từ 1945,
lương công chức đã tăng rất chậm so với mức lạm phát. Cuộc bãi
công của nhân viên bưu điện đã cho thấy phong trào quần chúng có
thể đấu tranh hợp pháp như thế nào, sau đó, các nhân viên công
nhật cũng sôi nổi muốn hành động.
Tháng 7/1952, Keng Swee giúp Kenny thành lập một ủy ban hành
động phối hợp để đại diện cho mọi nghiệp đoàn và hiệp hội của mọi
công nhân viên chức với tổng số thành viên lên tới 14.000 người. Họ
đòi hỏi các phụ cấp gia đình tương đương với lương trả cho các viên
chức Anh phục vụ tại thuộc địa. Trong một cuộc biểu tình vào tháng
11, công nhân viên đã tập trung rất đông để bày tỏ bất mãn đối với
kiểu đối xử phân biệt chủng tộc dành cho công chức người bản xứ.
Truyền đơn của họ in dòng chữ “Có công bằng không? Người Âu gia
đình ÍT con hưởng trợ cấp NHIỀU. Chúng ta có gia đình NHIỀU con
và KHÔNG trợ cấp.”
Những ủy viên dân cử trong Hội đồng lập pháp cảm thấy rằng có
thể đạt được uy tín chính trị bằng cách ủng hộ yêu sách về trợ cấp
gia đình cho nhân viên bản xứ, nhất là những người hưởng lương
thấp, và họ bắt đầu lên tiếng ủng hộ điều đó trong Hội đồng lập
pháp. Thống đốc John Nicoll, chủ tọa buổi họp của Hội đồng, đã hơi
bực bội. Ông khuyến cáo họ nên giới hạn vào việc thực thi kiểm soát
“chính sách tổng quát ở tầm cao” và cảnh cáo các công chức rằng
“quý vị không thể gây áp lực đối với các ủy viên hội đồng.”
Ủy ban hành động phối hợp phủ nhận việc họ tiếp cận các ủy viên
hội đồng lập pháp để yêu cầu ủng hộ, nhưng đã đặt câu hỏi là phải
chăng các công chức không có quyền thảo luận các vấn đề nguyên
tắc với các đại diện dân cử của họ sao. Liên hiệp các nghiệp đoàn
công chức Singapore đã gửi thư cho thư ký thuộc địa bày tỏ “sự mất
tin tưởng sâu xa của các công chức người địa phương đối với các
công chức Anh phục vụ tại thuộc địa.”
Đối mặt với sự chống đối ngày càng tăng và thái độ phản kháng
đến ngạc nhiên từ các công chức và thậm chí từ phía các ủy viên hội
đồng lập pháp vốn nhu nhược xưa nay, viên thống đốc đã tìm cách
phân tán sự bất mãn đang tăng này bằng cách cử ra một ủy ban đặc
trách, do F.C. Benham, một nhà kinh tế nổi tiếng, làm trưởng ban,
để “khảo sát xem các bậc lương hiện nay của các viên chức người
bản xứ thường trú có phù hợp hay không”. Sau ba ngày tham vấn,
ủy ban này đồng ý với các nghiệp đoàn rằng họ được quyền hưởng
phụ cấp gia đình. Viên thống đốc choáng váng. Điều này sẽ dẫn đến
thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Khi ông ta bác bỏ bản tường
trình này, sáu nghiệp đoàn liền đe dọa bãi công. Để ngăn ngừa bãi
công, viên thống đốc hứa sẽ giao vấn đề lại cho một ủy ban độc lập,
do Huân tước Edward Ritson phụ trách. Tháng 3/1953, Ritson đề
nghị bãi bỏ các phụ cấp gia đình cho nhân viên Anh phục vụ tại
thuộc địa.
Ủy ban hành động phối hợp đã làm rung rinh hệ thống thuộc địa.
Sau 10 tháng tiếp tục đàm phán, chính phủ đồng ý một thang lương
mới, tăng nhiều cho các cấp chức vụ lương cao hơn là cho các viên
chức bậc trung và bậc thấp. Như vậy chính phủ thuộc địa đã không
cho Keng Swee và Kenny giành được uy tín chính trị đối với giới
công chức cấp thấp mà họ hằng mong muốn.
8
MỞ RỘNG ẢNH HƯỞNG
Tháng 9/1952, một người Malay cao, trạc 40, trông giống người
Ấn, sống mũi dài mảnh, đến văn phòng của tôi. Nói tiếng Anh tốt
nhưng hơi ngập ngừng và lắp bắp, ông ta tự giới thiệu là Yusof
Ishak, chủ nhiệm kiêm tổng biên tập và giám đốc điều hành của tờ
báo Utusan Melayu. Biên tập chính của ông là Samad Ismail, đang bị
giam cùng những người chống đối khác ngoài đảo St. John sau khi bị
bắt vào tháng 1/1951, nhưng người ta sắp xử lại vụ của anh ta. Tôi
có thể đại diện cho anh ta không?
Tất cả mọi vụ án về tội chống chính quyền ở tình trạng tuyệt vọng
hay hầu như tuyệt vọng đều đã đến với tôi như một hy vọng cuối
cùng. Tôi đã dựa theo các điều luật cho phép thường dân kiện nhà
nước để kiện và kết án được những viên chức nhỏ về tội sách nhiễu
dân đen, những người sẵn sàng trả tiền cho tôi để giúp họ trả thù –
một phu kéo xe kiện một cảnh sát vì đã tấn công ông ta, một thủ
kho bến cảng kiện Ban quản lý cảng đã hạ chức anh ta một cách bất
công. Trong một vụ đáng nhớ, tôi đã kiện Thiếu tá hải quân George
Ansel Hardcastle, chỉ huy lực lượng phòng cháy chữa cháy thuộc căn
cứ hải quân, về tội bội tín khi thâm lạm quỹ phúc lợi của công nhân
viên. Vụ án này do một quan tòa Anh ở tòa hình sự khu vực thụ lý
và ông ta đã tha bổng ông thiếu tá. Những nhân viên chữa cháy bất
mãn sau đó đã theo ý kiến của tôi và kiện Hardcastle lên tòa cấp
cao hơn để đòi bồi thường với mục đích làm rùm beng vụ này. Tuy
nhiên các sỹ quan bè bạn của ông ta đã lạc quyên được 12.000
đôla, đủ để bồi thường và trả án phí trước khi vụ này được đem ra
xử, khiến nghiệp đoàn không đạt mục đích phơi bày và tố cáo ông ta
trước tòa xử công khai. Đó là không khí ác cảm và nghi kị mà chúng
tôi phải sống trong đó.
Nhưng vụ Samad không chỉ là vấn đề pháp luật. Đó là một vụ truy
tố chính trị của một guồng máy hành chính thuộc địa đang chịu sự
đe dọa của một cuộc khởi nghĩa vũ trang của cộng sản và áp lực đòi
độc lập của các lực lượng quốc gia. Cách hay nhất là thuyết phục
chính quyền rằng người tù này có thể là một người yêu nước nhưng
không theo đường lối bạo động vũ trang. Tôi quyết định nhận vụ
này mà không bàn với Laycock. Utusan Melayu sẽ chịu mọi chi phí
cho vụ này.
Tôi e rằng sẽ không đạt kết quả gì nếu chỉ làm một việc là thuyết
phục, nên tôi quyết định tìm viên sỹ quan ở Sở đặc vụ phụ trách vụ
này để tìm hiểu tình hình của thân chủ tôi, và xem họ muốn buộc
anh ta tội gì. May mắn thay, việc này đưa đẩy tôi gặp Richard Byrne
Corridon, người phụ trách bộ phận kiểm soát dân Ấn và người có
giáo dục Anh. Ông này là một chuyên gia đã từng làm công việc này
tại Ấn Độ và có thể phân biệt ngay những người cộng sản và những
người quốc gia Ấn.
Chúng tôi đã gặp nhau trước đó. Ông ta từng nghiên cứu hồ sơ
của tôi và một sáng sớm nọ vào năm 1952, ông ta đã tới tìm tôi ở số
38 đường Oxley, chỉ để chuyện gẫu. Ông ta nói rằng ông đã đọc về
các hoạt động của tôi tại London và rất muốn gặp tôi để tìm hiểu
thêm về những người cộng sản ở đó, như Lim Hong Bee, và ảnh
hưởng của họ đối với các sinh viên người Singapore và Malaya. Tôi
nói cho ông nghe những điều tôi nhận xét về Lim Hong Bee và khả
năng phát triển của đảng cộng sản trong giới sinh viên du học tại
London, nhưng có thêm rằng sau vụ bắt giữ Eber và nhóm của ông
ta tại Singapore vào tháng 1/1951 thì có thể tôi đã sai. Đồng thời tôi
cũng vạch rõ cho ông ta về những nghi ngờ của Sở đặc vụ về lần
Đại hội thanh niên ở Budapest. Tôi nói Dennis đi dự hội ấy như một
kỳ nghỉ hè thôi và nó chẳng quan tâm gì tới chính trị. Nhiều năm
sau, tôi khám phá ra rằng những điều này cũng được ghi vào hồ sơ
của họ.
Bây giờ tôi đến gặp ông ta tại văn phòng ở Sở đặc vụ trên đường
Robinson. Ông ta rất cởi mở. Ông ta nói Samad là một người thông
minh, năng động, một nhà hoạt động ưu hạng. Tôi hỏi liệu anh ta có
phải một người cộng sản không, ông ta đáp: "Người cộng sản thông
minh nhất mà tôi được biết”. Câu này nghe chẳng có gì hứa hẹn cho
đến lúc ông ta thêm: “Nhưng con người cứ trưởng thành và tư
tưởng của họ thay đổi cùng kinh nghiệm, ông cứ làm việc với anh
ta. Anh ta đáng được giúp đỡ.”
Cảnh sát tổ chức một chuyến tàu đưa tôi ra đảo St. John, một đối
đãi lịch sự họ dành cho các luật sư biện hộ phạm nhân. Đó là một
chuyến đi dễ chịu kéo dài 20 phút trong một buổi chiều, sau đó là
20 phút đi bộ và leo dốc lên mạn Bắc của đảo. Ở đó, giữa khu rừng
xinh đẹp, có những khu nhà nghỉ mát của chính phủ, cách đó không
xa là những dãy nhà có hàng rào kẽm gai làm trại cai nghiện thuốc
phiện. Có một tòa nhà cũng được vây bằng hàng rào kẽm gai, đó là
nơi tạm giữ các phạm nhân chính trị. Biết trước chuyện tôi ra đây
nên viên giám ngục đã đặt sẵn bàn ghế dưới bóng cây gần đó. Tôi
chờ một lát trong khi một nhân viên người Ấn đi vào tòa nhà, lát sau
ông ta dẫn ra một người Malay tầm thước, gầy mảnh, đeo kính râm,
có hàng ria mép tỉa gọn và chiếc răng cửa bị mẻ. Anh ta hút thuốc
liên tục và trông có vẻ rất bồn chồn. Anh ta có vẻ nghi ngờ khả
năng được phóng thích trước một ủy ban gồm một chánh án tòa án
tối cao và hai phụ thẩm không chuyên.
Tôi nói với anh ta rằng chuyện đó tùy thuộc vào việc Sở đặc vụ có
tin anh tiếp tục theo đuổi lý tưởng cộng sản nữa hay không, nếu
anh tiếp tục thì sẽ còn bị bắt đi bắt lại. Nhưng nếu sau khi được tha,
anh hoạt động như một người theo chủ nghĩa quốc gia thì chắc họ
sẽ để anh yên. Anh ta bật cười. Đó là lần đầu tiên tôi đối mặt với
một người cộng sản bị cầm tù. Tôi chẳng biết gì về tâm lý, động lực
và cách suy nghĩ của họ, những thứ đã khiến họ quyết tâm chứng
tỏ cho chính họ và mọi người rằng họ là những con người có niềm
tin và sức mạnh, có khả năng chịu đựng gian khổ vì lý tưởng, xứng
đáng là đồng chí với các chiến sĩ khác đã tận trung với chủ nghĩa
Mác.
Việc tái thẩm vụ xử anh ta được làm kín trong phòng của quan
tòa. Anh ta bị câu lưu chủ yếu vì anh ta là đảng viên MCP và là lãnh
đạo phân bộ Malay của Hiệp hội dân tộc chống Anh, một tổ chức phụ
trợ của MCP. Quan tòa lắng nghe lý lẽ biện hộ của tôi rằng anh ta cơ
bản là một người chống thực dân và là một người Malay theo chủ
nghĩa quốc gia, và do quan hệ cá nhân và bạn hữu mà anh ta đã tổ
chức cho Abdullah Sudin, một đảng viên cộng sản cao cấp, đào
thoát sang Indonesia vào tháng 9 hoặc 10/1950, khi biết ông này bị
cảnh sát truy nã. Tôi không biết mình có gây được ấn tượng với ông
chánh án và hai vị phụ thẩm hay không. Vị chánh án chẳng nói gì,
và buổi thẩm vấn kết thúc trong vòng 20 phút.
Samad trở ra đảo St. John, nhưng tháng 4/1953, anh ta cùng vài
người khác được phóng thích, trong đó có C.V. Devan Nair. Khi tôi
gặp Nair lần đầu sau hàng rào kẽm gai, với chiếc kính cận, quần
ngắn và đôi dép Nhật, tôi đã thấy ông là người khác thường. Ông là
người thấp lùn, khó tính và luôn bực bội với mọi người. Nhưng khi
Samad nhận thấy tôi chú ý ông ta, anh đã nói rằng đó là một người
bạn tốt, cán bộ của Nghiệp đoàn giáo chức Singapore. “Bị giam
cầm,” anh ta nói, “anh sẽ học được cách phân biệt kẻ mạnh mẽ và
kẻ yếu đuối.” Anh ta nhắc tới một tù nhân người Ấn khác, James
Puthucheary, một kẻ nói nhiều, bề ngoài coi khôn ngoan nhưng
không tin cậy được. Nair là một người dũng mãnh, đáng tin cậy. Tôi
nghĩ, có thể như thế, nhưng tôi không tin cái tướng của ông ta. Ít
lâu sau đó, hóa ra Nghiệp đoàn giáo chức Singapore lại đến nhờ tôi
đại diện cho ông ta. Tôi không thể từ chối, nhưng không tin vào viễn
tượng của việc cố gỡ cho ông ta ra. Khi tôi gặp Corridon lần kế, ông
ta tóm lược cho tôi biết về Nair, xác định ông ta là một người phẫn
nộ, tận tâm và kiên quyết. Ông ta đã được P.V. Sharma, chủ tịch
nghiệp đoàn, giác ngộ về chủ nghĩa cộng sản.
Nhóm vài người chúng tôi – Keng Swee, Chin Chye, Raja, Kenny
và tôi – trong khi đó vẫn gặp nhau vào chiều thứ Bảy trong phòng
ăn dưới tầng hầm của nhà tôi trên đường Oxley để xem xét khả
năng thành lập một chính đảng. Căn phòng nằm ở mé Tây ngôi nhà
nên nóng và thiếu tiện nghi, dù có tới ba cửa sổ, hai cửa lớn và quạt
trần quay suốt buổi. Tuy bầu không khí gây mệt mỏi, nhưng chúng
tôi vẫn tỉnh táo. Chúng tôi quyết tâm mình phải hoàn toàn khác với
những đảng phái hay cá nhân nhu nhược và vị kỷ trong Hội đồng
thành phố và Hội đồng lập pháp hiện nay. Do đó chúng tôi quyết
định mời Samad tham gia thảo luận khả năng tiến hành đấu tranh
hợp pháp đòi độc lập mà không bị hút vào phong trào cộng sản.
Chúng tôi cũng muốn có mặt anh ta vì anh ta giúp chúng tôi tiếp
cận khối dân nói tiếng Malay, và truyền bá quan điểm của chúng tôi
cho họ qua tờ Utusan Melayu.
Sau hai cuộc họp, anh ta hỏi có thể lần sau rủ thêm Devan Nair
hay không vì ông ta cũng có thể có đóng góp tốt. Tôi không thích ý
kiến đó, nhưng các bạn hữu và tôi đều đồng ý rằng nếu chúng tôi
chỉ thu nạp những người chúng tôi thích thì không bao giờ phát triển
thành một chính đảng được. Nên Nair đến tham gia, và mỗi tuần,
chúng tôi sẽ gặp nhau để nói chuyện về tình hình và xem có thể
thực hiện hành động chính trị gì.
Người Anh không phải không ý thức được các áp lực chính trị đang
tăng dần. Năm 1953, viên thống đốc chỉ định Huân tước George
Rendel, cựu đại sứ tại Bỉ, tổ chức một ủy ban xem xét lại hiến pháp
Singapore và đề xuất hướng phát triển kế tiếp. Trong báo cáo công
bố ngày 22/2/1964, Rendel đề nghị cho tự động đưa vào danh sách
cử tri mọi thần dân Anh sinh tại Singapore. Việc này sẽ tăng số cử
tri lên gấp bốn lần. Chính phủ mới trong tương lai sẽ gồm một hội
đồng có 9 ủy viên, 6 trong số đó sẽ được bầu, dựa theo đề cử của
lãnh đạo đảng đa số. Nhưng những nhiệm vụ quan trọng sẽ nằm
trong tay 3 ủy viên hữu trách: tổng thư ký, thư ký tài chính và
chưởng lý. Ngoại trừ trong những lĩnh vực giới hạn về đối ngoại và
phòng vệ (kể cả an ninh nội địa), thì thống đốc sẽ phải chấp nhận
các quyết định của hội đồng, mà hội đồng này chỉ chịu trách nhiệm
trước Hội đồng lập pháp mới. Sẽ có tổng cộng 25 thành viên được
bầu, 6 được chỉ định và 3 hữu trách cố định. Thống đốc chấp thuận
báo cáo này để thực hiện trong kỳ bầu cử kế vào tháng 4/1955.
Giờ đã đến lúc chúng tôi phải quyết định ngay, hoặc tham gia ứng
cử theo hiến pháp mới hoặc tiếp tục đứng bên ngoài. Samad và Nair
chủ trương đứng ngoài. Họ muốn độc lập hoặc không có gì cả. Rút
ra bài học từ những sai lầm của Liên đoàn dân chủ Malaya (MDU),
Raja rất ủng hộ việc tham gia. Kenny và Keng Swee cũng vậy. Tôi
tin tưởng rằng việc không tham gia sẽ loại chúng tôi khỏi đấu trường
hợp pháp, và rồi chúng tôi sẽ kết thúc giống như MDU hoặc phải
hoạt động bí mật. Nên chúng tôi khởi sự hoạch định việc lập chính
đảng trước cuối năm 1954 để chúng tôi có được 6 tháng vận động
trước kỳ bầu cử.
Mọi sự luôn có vẻ xảy ra bất chợt. Ngày 28/5/1954, một nhóm
sinh viên đại học Malaya bị bắt giam và bị kết tội kích động chống
chính quyền. Họ muốn tôi đứng biện hộ giùm. Tôi nhìn vào hồ sơ
buộc tội; cơ hội là 5 thắng 5 thua. Họ đã in trong tờ Fajar, một tạp
chí sinh viên phát hành không đều tuy ý đồ là ra hàng tháng, một
bài báo có thể đã vi phạm pháp luật. Tôi đồng ý biện hộ cho họ và
sau khi suy nghĩ ít lâu, tôi nói với họ rằng vụ của họ tốt nhất là nên
xem như một phản đối chính trị, chứ không phải một vụ vi phạm
pháp lý. Tôi đề nghị rằng chúng tôi sẽ mời một luật sư từ London
qua, ông D.N. Pritt, vốn nổi tiếng về đấu tranh cho các xu hướng
khuynh tả. Pritt đã ngoài 60 và có tiếng là người có miệng lưỡi sắc
bén chẳng hề biết sợ bất cứ quan tòa nào dù ở các thuộc địa hay
chính quốc Anh. Ông ta đã bị loại ra khỏi guồng máy cai trị Anh, và
được xem như một nhân vật kỳ cục, một trong những người Anh lập
dị thuộc giai cấp tư sản mà lại tỏ ra vô sản còn hơn cả người công
nhân nghèo nhất trong khi vẫn sống một đời sung túc. Tháng
6/1950, Choo và tôi đã tới thăm ông ta tại London để xin ông ký
giấy tờ bảo lãnh cho chúng tôi vào Luật sư đoàn, nơi ông ta là Thẩm
phán pháp quan của Middle Temple. Tôi tin rằng ông ta sẽ nhận vụ
này, miễn là chúng tôi chu cấp được chi phí đi lại ăn ở và một ít thù
lao cho ông. Tôi viết thư cho ông ta, và ông trả lời ngay. Vâng, ông
sẽ qua.
Biết rằng Sở đặc vụ sẽ kiểm tra thư từ giữa tôi với Pritt nên tôi
dùng tên và địa chỉ của Chin Chye, do đó thư của Pritt gửi cho tôi sẽ
được chuyển tới chỗ của Chin Chye trong cư xá đại học Malaya trên
đường Dalvey. Khi tôi viết đến chương này năm 1996, tôi mới biết ra
Sở đặc vụ đã nghĩ rằng Chin Chye và Raja chịu trách nhiệm trong
việc đưa Pritt sang Singapore. Họ đã lầm, tôi cũng dùng địa chỉ của
cô em của Choo, nên một số thư của Pritt được gửi cho Kwa Geok
Choo ở Cairnhill Circle, thay vì số 38 đường Oxley hay Công ty
Laycock & Ong. Sở đặc vụ hẳn chẳng bao giờ biết ra điều này, vì hồ
sơ của họ không ghi nhận chuyện kiểm tra thư từ nào gửi tới đó cả.
Một vấn đề lớn mà tôi đã dự trù là chuyện xin phép Luật sư đoàn
Singapore cho Pritt được hành nghề. Cơ quan này theo thông lệ sẽ
đòi Pritt hoàn tất 6 tháng tập sự với một luật sư hay trạng sư có ít
nhất 7 năm thâm niên tại đây. Trong những trường hợp đặc biệt, vẫn
có điều khoản cho phép chánh án bỏ qua quy định này, nhưng tôi e
Ban chấp hành Luật sư đoàn sẽ bác bỏ mọi trường hợp miễn trừ đặc
biệt. Câu lạc bộ Lao động của trường đại học đã lập ra một Ban ngân
sách biện hộ của sinh viên và gom được 10.000 đôla để trả tiền vé
máy bay, chi phí ăn ở và một món quà nhỏ cho Pritt. Tôi quyết định
rằng dù ông ta có được cho phép hay ngăn chặn, thì việc đưa ông
qua đây vẫn là chuyện đáng làm, vì từ chối không cho ông xuất hiện
trước tòa sẽ là một thất bại chính trị của chính quyền. Nên tôi nắm
lấy cơ hội này, và ông ta đến đây vào ngày 11/8. Các sinh viên và
tôi đón ông ở phi trường và tôi chở ông ta về khách sạn Adelphi. To
con, đậm chắc và hói đầu, ông ta quả là tràn đầy năng lượng. Sau
một chuyến bay dài với hai lần nghỉ qua đêm ở Cairo và Colombo,
ông ta vẫn có thể, ngay trong tối hôm đó, ngồi trong một căn phòng
thiếu tiện nghi để ghi chép các chi tiết về vụ án. Tôi trình bày bối
cảnh sự vụ và đưa cho ông các tài liệu đã xuất bản có thể sử dụng
trong khi bào chữa, trong đó có những trích đoạn quan trọng từ các
cuốn sách và các diễn văn có liên quan.
Ông ta rõ ràng có đủ năng lực đại diện cho bất cứ ai bị kết tội
chống chính quyền tại bất cứ đâu thuộc đế quốc Anh cũng như tại
chính quốc Anh. Nhưng luật lệ thì phải tuân thủ, nên tôi thu xếp cho
ông làm việc trong văn phòng của Osborne Jones, một luật sư và
trạng sư có không dưới bảy năm hành nghề, theo đúng yêu cầu.
Sau khi Pritt đã ngồi làm cảnh trong văn phòng đó được sáu ngày
thì Osborne Jones có thể tuyên thệ trong một tờ khai: “Tôi đã chỉ
bảo cho đương sự, bằng hết khả năng của tôi, về những khác biệt
của luật pháp tại Anh và luật pháp tại Singapore.” Osborne Jones
vốn rất tôn trọng sự thật. Sau đó Pritt phải trình diện trước ba giám
khảo mà họ phải thấy tin chắc rằng ông ta có đủ “những kiến thức
cần thiết về việc hành nghề và tiêu chuẩn của nghề, có khả năng
Anh ngữ và là người xứng đáng được nhận vào Luật sư đoàn”. Đó là
ba nhân vật nổi bật của Luật sư đoàn Singapore, một cố vấn pháp
luật Hoàng gia và hai luật sư Anh thâm niên. Một trong số họ đã hỏi
Pritt: “Ngài soạn thảo chứng thư chuyển nhượng bất động sản thế
nào?” Pritt đáp: “Luật sư của luật sư đoàn, thưa ngài, không soạn
thảo chứng thư chuyển nhượng bất động sản.” Ngay cả tờ Straits
Times cũng tường thuật câu vấn đáp xuất sắc này.
Pritt cặm cụi làm tờ khai sao cho ông chánh án không còn chút
nghi ngờ gì về trình độ của ông. Ông ta đã gia nhập Luật sư đoàn từ
năm 1909, tức là có thâm niên hơn bất cứ luật sư nào ở Singapore,
kể cả các chánh án. Ông đã là luật sư hoàng gia từ năm 1927 và là
Thẩm phán pháp quan của Middle Temple từ năm 1936. Ông cũng
đã từng biện hộ trước nhiều tòa án trên khắp thế giới, từ Ấn Độ cho
tới Algeria và từng được phép biện hộ trước Tòa án tối cao Mỹ năm
1950.
Để hỗ trợ cho đơn xin này, tôi cũng thảo một tờ khai nhân danh
sáu bị cáo để xác định rằng vì vụ xử có liên quan tới nhiều vấn đề
pháp lý phức tạp, nên các bị cáo này đã yêu cầu có một luật sư biện
hộ nhiều kinh nghiệm về các vụ án hình sự và đã yêu cầu tôi mời
David Matshall. Nhưng vào ngày 24/7, một trong những sinh viên đã
nhận được thư của luật sư này dứt khoát từ chối việc biện hộ.
Các sinh viên đã kèm thư này vào tờ khai của họ, nêu rõ rằng:
“Chúng tôi thấy không thể thuyết phục được ông Marshall, người
vốn lâu nay vẫn có cảm tình với mục tiêu chính trị của chúng tôi,
đồng thời cũng nghĩ rằng các luật sư bản xứ khác ở Singapore có
thể không thiện cảm với chúng tôi được như thế."
Đơn xin phép của Pritt bị Ban chấp hành Luật sư đoàn và cả viên
chưởng lý chống đối. Viên chánh án, người mà Pritt đích thân tới
trình đơn, nhận ra rằng nếu bác đơn xin này sẽ gây xôn xao dư
luận, nên đã chấp thuận.
Cuộc tranh luận đối tịch bắt đầu vào ngày 23/8 và kéo dài ba
ngày. Với tôi, đó là bài học về việc biện hộ trong các vụ án chính trị.
Pritt tận dụng tư thế một Luật sư hoàng gia có tiếng là nổi loạn của
mình để tấn công đối phương ở mọi vấn đề ông nghĩ ra được, dù
chúng chỉ liên quan mơ hồ tới vụ án. Mỗi khi có cơ hội là ông tấn
công đối phương thật lực. Khởi đầu, ông làm tới nơi tới chốn với cái
ông gọi là “tính trùng lắp của các luận cứ buộc tội". Về căn bản, tất
cả các sinh viên đều bị kết tội giống nhau vì việc xuất bản ấn phẩm
với ý định “bôi xấu Nữ hoàng hoặc bôi xấu chính quyền hoặc kích
động dân chúng Singapore hoặc truyền bá hiềm khích". Ông ta
muốn biết bên công tố muốn gán “ý định” nào cho từng bị can nào.
Ông lý luận rằng một lời cáo buộc mà tự nó lại hàm chứa nhiều lời
cáo buộc khác nhau là không hay. Ông yêu cầu tòa gạch bỏ câu đó
và chỉ thị cho viên công tố soạn ra lời buộc tội khác rõ ràng hơn.
Tôi cũng đã từng phản đối theo cùng phương sách như vậy, nhưng
tôi không có uy tín một Luật sư hoàng gia và ngôn ngữ sắc bén như
Pritt. Tuy rằng chánh án bác ý kiến của ông và cho rằng những lời
buộc tội như trên là không có gì dở cả, nhưng ông đã ghi điểm được
với công chúng trong tòa xử cũng như trên báo chí.
Chánh án F.A. (Freddy) Chua là một người có tư duy thực tế và
hiểu thấu thực tại bên ngoài tòa án. Sau những tranh luận của Pritt
và Trưởng ban công tố, và không đi sâu vào bất cứ luận điểm pháp
lý nào, ông ta chỉ nói rằng các bài báo trên Fajar không có tính kích
động chống đối. Cả tám sinh viên đều được tha bổng. Đối với báo
chí, đây là một kết thúc đáng thất vọng. Họ chờ đợi chánh án lý giải
tại sao chúng có hay không có tính kích động chống đối, nhưng
Chua là một chánh án cẩn thận, không làm gì quá những việc mình
phải làm.
Các sinh viên và những người ủng hộ họ rất vui mừng. Đây đã là
một vụ truy tố không cần thiết; nó gây bất lợi cho chính quyền và
khuyến khích máu chống đối trong dân chúng khi họ được chứng
kiến cảnh viên chưởng lý ngăn không nổi một luật sư hoàng gia có
tiếng là gây rối gia nhập luật sư đoàn, rồi một viên công tố bị tấn
công tơi bời khi tranh luận trước toà.
Ngay sau vụ xử, và trong lúc Pritt vẫn còn ở Singapore, các học
sinh trung học người Hoa đến yêu cầu tôi đại diện cho họ để nhờ
ông ta thay mặt họ kháng cáo lời kết tội họ gây bạo loạn vào ngày
13/5 tại công viên George V, nơi họ đã tụ tập để phản đối Pháp lệnh
động viên quốc gia. Vụ này sẽ đưa tôi vào một thế giới hoàn toàn
khác hẳn, một thế giới tràn đầy những năng lượng còn nguyên
tuyền và tinh thần lý tưởng.
9
THẾ GIỚI NHỮNG NGƯỜI HÁN HỌC
Bước làm quen của tôi với thế giới những người Hán học xảy ra
sau một biến cố được gọi là 5–1–3, đặt tên theo những vụ biểu tình
gây rối vào ngày 13/5. Năm học sinh đến nhà tôi vào một buổi tối
năm 1954, ngay sau vụ xử tờ Fajar, gồm Robert Soon Loh Boon,
một thanh niên nhỏ con, tóc húi cua và sún răng cửa, đóng vai
thông dịch và phát ngôn viên của nhóm, Louis Hwa, có khả năng
Anh ngữ, cùng ba cô gái người Hoa tóc thắt bím. Các cậu mặc quần
sooc, các cô mặc váy, kiểu đồng phục học sinh của họ. Bảy học sinh
bọn họ đã bị kết tội cản trở cảnh sát trong những cuộc biểu tình lôi
cuốn tới 500 học sinh các trường tiếng Hoa, chủ yếu là trường Trung
học Chung Cheng, và họ đã xô xát với cảnh sát. Họ đang tiến hành
biểu tình để ủng hộ một nhóm đại diện trên đường tới Tòa nhà
Chính phủ để trình một kiến nghị phản đối việc đăng ký quân dịch
thì bị chặn lại và yêu cầu giải tán. Họ đã ném đá vào cảnh sát, sáu
cảnh sát còn bị đâm bằng dao. Cảnh sát dùng dùi cui phản công và
đánh một số học sinh. Có 26 người bị thương; 48 học sinh, trong đó
có hai nữ, đã bị bắt giữ.
Phiên tòa được tổ chức ngày 28/6. Trong số 41 học sinh bị truy tố
về tội không chấp hành lệnh giải tán của cảnh sát, 26 học sinh bị
kết tội và lĩnh án sáu tháng tù treo. Bảy học sinh bị truy tố nặng
hơn vì tội ngăn trở cảnh sát thi hành công vụ. Họ đã yêu cầu được
xét xử ở một tòa khác vì chánh án tỏ ra có thành kiến trong cách
ông xét xử và kết án các bạn của họ trong ngày hôm trước. Họ từ
chối không tự bào chữa gì cả và bị kết án ba tháng tù, mức án cao
nhất cho tội danh này. Tòa sẽ xét đơn kháng cáo của họ vào tháng
10. Tôi nên nhờ Pritt lo vụ kháng cáo cho họ không?
Sự thách thức pháp luật của họ là mối quan tâm trước mắt của
tòa. Nhưng những vấn đề tiềm ẩn thì rất sâu xa và cơ bản. Những
người Hán học không giữ một vị trí hay vai trò nào trong sinh hoạt
chính thức của thuộc địa này vốn chỉ sử dụng dân bản xứ có Anh
học làm nhân viên. Chính quyền mở trường tiểu học dạy bằng tiếng
Anh và tiếng Malay, còn trường trung học thì chỉ dạy bằng tiếng
Anh.
Nhưng những cộng đồng dân nhập cư bị bỏ mặc tự lo lấy thân.
Người Hoa quyên góp nhau và xây trường cho họ. Hoàn toàn tự túc,
họ dùng sách giáo khoa xuất bản ở Trung Quốc và mời thầy từ Trung
Quốc qua để dạy bằng tiếng Quan thoại cứ như họ đang ở Quảng
Đông hay Phúc Kiến vậy. Về văn hóa, họ sống trong một thế giới
tách biệt. Học xong trung học, học sinh có thể học tiếp bằng cách
chuyển sang một trường dạy tiếng Anh và như thế tiến thân theo
những bậc thang Anh học, hoặc tìm việc trong các cơ sở dùng tiếng
Hoa – các cửa tiệm, nhà hàng hay công ty, hoặc một vài ngân hàng
của người Hoa.
Họ cảm thấy trơ trọi, và sự thiếu vắng cơ hội kinh tế đã khiến các
trường học của họ trở thành nơi hun đúc các tư tưởng khuynh tả
vốn đã xuất hiện ở Singapore và Malaya từ 1923, khi Quốc tế cộng
sản lần đầu cử cán bộ từ Thượng Hải qua đây. Sau Thế chiến, thành
tích kháng Nhật khiến uy tín của MCP lên cao và trở thành một lực
lượng mạnh trong giới trẻ và họ đã xây dựng được một mạng lưới
chi bộ tại các lớp học. Nhiều thầy giáo đã trở thành đảng viên hoặc
cảm tình đảng; nhiều học sinh quá tuổi vì học hành dang dở do việc
Nhật chiếm đóng cũng đã được kết nạp; còn ban quản lý trường
phần lớn là các thương gia cũng có cảm tình hoặc ngại ngăn cản họ.
Một khi tình trạng khẩn cấp được công bố, phong trào cộng sản ở
Singapore rút vào bí mật, nhưng thực tế họ vẫn phát triển. Năm
1952, người Anh phát thẻ động viên tại Singapore và Malaya, nên
mọi người nam tuổi từ 18 đến 55 đều có thể bị gọi phục vụ trong
quân đội hay lực lượng phòng vệ dân sự, và tháng 4/1954, chính
quyền bắt đầu yêu cầu họ đăng ký. Họ chỉ cần 800 người cho quân
đội Singapore và 1.200 người cho các lực lượng phòng vệ dân sự, và
sẽ chọn bằng cách rút thăm. Nhưng việc đăng ký tại các trường học
tiến hành chậm, và vào ngày 12/5, hạn chót đăng ký, học sinh các
trường tiếng Hoa trình một kiến nghị cho Quyền thư ký thuộc địa xin
miễn quân dịch tập thể. Quyền thống đốc W.A.C. Goode ra thông
báo rằng việc miễn dịch sẽ được cứu xét cho từng trường hợp cụ
thể. Việc này dẫn tới cuộc biểu tình của 500 học sinh, và viên toàn
quyền đã từ chối gặp gỡ đại diện của họ cho đến khi họ đăng ký
xong.
Lúc đó tôi không biết hết nguồn cội của vấn đề, tuy tôi biết rằng
đang có cái gì đó âm ỉ sôi sục trong thế giới người Hoa này. Các học
sinh được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và đoàn kết. Họ có khả năng
tự kiềm chế và rất giỏi đấu tranh tập thể và biểu tình phản đối khiến
chính quyền rất khó tách riêng hay cô lập những người cầm đầu để
trừng phạt. Sau những vụ bắt giữ, họ khởi sự thổi bùng những vấn
đề khác có thể cho phép họ gây ra những xung đột với cảnh sát, để
xảy ra những vụ bắt bớ và qua đó kích động tinh thần đấu tranh của
quần chúng. Chỉ mãi sau này tôi mới hiểu ra tất cả những điều đó.
Nhiều người Anh học, kể cả những người trong Hội sinh viên Đại học
Malaya cũng thiếu thông tin và kinh nghiệm như vậy. Ngày 18/5, họ
cũng có hành động ủng hộ những cuộc biểu tình của học sinh người
Hoa bằng cách yêu cầu có điều tra về các vụ biểu tình gây rối vì
trong những vụ đó, cảnh sát đã sử dụng bạo lực không hợp cách. Họ
cũng suy nghĩ đơn giản như tôi vậy.
Những người cộng sản lập tức ghi nhớ vụ gây rối ngày 13/5 bằng
con số “5–1–3” (ngũ nhất tam), theo cách người Trung Quốc ghi nhớ
những sự kiện lớn, như vụ Tiananmen12 ngày 4/6/1989 được gọi là
vụ “6–4” (lục tứ). Các học sinh tổ chức ở lỳ trong trường và phản
đối, họ lập ban đại diện đòi miễn dịch gồm 55 người, chia thành
nhiều tổ công tác lo việc thu thập thông tin về những học sinh bị
thương, giúp đỡ thuốc men và kêu gọi dân chúng ủng hộ.
Họ tỏa ra khắp Singapore để vận động sự ủng hộ của học sinh các
trường khác, các phụ huynh, chủ tiệm và các lãnh đạo cộng đồng
người Hoa – nghĩa là toàn bộ khối người nói tiếng Hoa. Họ theo
những phương pháp vận động quần chúng đã từng được áp dụng
thành công ở Trung Quốc. Ngay khi có dấu hiệu hành động ở phía
cảnh sát, họ sẽ rút vào trong các trường học hay nhà máy để tập
trung thành một đám đông, thu hút chú ý, kêu gọi ủng hộ, thách
thức giới cầm quyền và khiêu khích chính quyền “đàn áp” họ.
Nên ngày 14/5, kế theo ngày xảy ra bạo loạn, họ cố thủ trong
trường Chung Cheng, nhưng ngay hôm sau họ giải tán theo yêu cầu
của một đoàn đại biểu 12 người của Phòng Thương mại Trung Quốc.
Họ đã trở nên quan trọng, và những người lớn tuổi trong cộng đồng
người Hoa đã cùng đến để đấu tranh với họ và hứa hẹn sẽ can thiệp
với chính quyền. Để giảm áp lực từ phía chính quyền đang nóng
lòng phục hồi trật tự, Phòng thương mại đã đề nghị cho nghỉ sớm kỳ
nghỉ giữa năm và đóng cửa trường. Nhưng các đại biểu này trước
hết phải nhận sáu yêu sách của học sinh để chuyển lên chính quyền
thuộc địa. Những yêu sách này đòi miễn quân dịch hoàn toàn, tha
bổng không điều kiện 48 học sinh đang chờ xét xử, tiến hành điều
tra công khai vụ bạo loạn ngày 13/5 và một vài nhượng bộ khác
nữa. Các học sinh đã khôn khéo lôi cuốn những người lớn tuổi của
cộng đồng người Hoa ủng hộ họ, và vào ngày 23/5 khoảng 2.500
học sinh lại chiếm đóng trường Chung Cheng và tuyên bố không giải
tán cho đến khi họ được miễn quân dịch. Ba ngày sau, hàng ngũ của
họ phân tán khi cảnh sát phong tỏa mọi nguồn cung cấp thực phẩm
và các phụ huynh lôi con em của họ về.
Rồi cứ như thế. Học sinh Chung Cheng đòi mở cửa trường học lại,
học sinh trường Trung học Trung Quốc đe dọa biểu tình tuyệt thực,
và ngày 2/6, khoảng 1.000 học sinh từ các trường trung học khác
kéo về trường Trung học Trung Quốc để bắt đầu một cuộc cắm trại lỳ
trong kỳ nghỉ bắt buộc này. Đó là một hành động thách thức. Họ tự
tổ chức học hành trong các phòng học và ngay sân trường, học sinh
lớp trên dạy các đàn em về toán, tiếng Anh, tiếng Hoa và địa lý. Các
phụ huynh mang thực phẩm đến cho họ; ngoài ra, trông đó cứ như
một kỳ cắm trại giữa năm kèm tự tổ chức bồi dưỡng học vấn.
Các học sinh còn gửi những kiến nghị khác cho thống đốc nhưng
tất cả đều không được trả lời. Khi bảy trường học khác mở cửa lại
vào ngày 24/6, những biện pháp kỷ luật mới đã được áp dụng: trong
đó có biện pháp thanh lọc kiểm tra các giáo viên và cấm học sinh
không được dùng cơ sở của nhà trường cho các hoạt động ngoại
khóa nếu không được hiệu trưởng đồng ý. Nhưng những lệnh mới
này chỉ nằm trên giấy tờ và báo chí thôi, vì ban quản lý cũng như
hiệu trưởng đều e ngại những tổ chức ngầm trong cả giáo viên lẫn
học sinh.
Vào ngày 13/9, chính quyền thông báo rằng họ dự định đặt thêm
cho họ quyền được đóng cửa bất cứ trường học nào không chịu tuân
thủ Pháp lệnh về các trường học. Giám thị trường học từ nay có thể
bị yêu cầu phải trình bày lý do nếu trong sáu tháng trước đó trường
đã bị sử dụng cho việc tuyên truyền chính trị bất lợi cho Singapore.
Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Các ban quản lý của các trường
học có thể là thân cộng, trung lập hay cảm tình viên. Nhưng một khi
chính quyền đòi kiểm soát trường học của họ, họ liền đoàn kết với
nhau để chống lại, và ngay cả báo chí của phe Trung Hoa Quốc dân
đảng cũng ủng hộ họ.
Thống đốc John Nicoll rất ngạc nhiên. Nói chuyện với Hội đồng lập
pháp ngày 21/9, ông kết án những gợi ý cho rằng chính quyền đang
thực thi một chính sách bài Hoa. Chính quyền không có ý định đồng
hóa các trường tiếng Hoa vào hệ thống giáo dục của thuộc địa.
Những người cộng sản biết rằng kế hoạch của viên thống đốc là
nhằm dập tắt những hoạt động của họ, nhưng trong thực tế ông ta
đã cho họ cơ hội nối kết tất cả những người Hán học vào lý tưởng
yêu nước, và họ đã lý giải vấn đề thành một âm mưu muốn Anh hóa
các trường tiếng Hoa và tiêu diệt nền văn hoá, ngôn ngữ và giáo
dục của người Hoa. Đó là những di sản thần thánh gắn bó với tâm
hồn của mọi người Hoa, nhất là những chủ tiệm hay thương gia
người Hoa giàu có nhưng ít học tại Singapore. Họ đã say mê những
báo cáo của Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, miêu tả bước chuyển hóa
đất nước này thành một đại cường. Và bây giờ, khi nước Trung Quốc
mới hồi sinh này trở thành một niềm tự hào và vinh dự cho người
Hoa ở khắp nơi, thì người Anh có vẻ như muốn tước đi cái quyền
đương nhiên này của họ. Chính quyền, thuộc địa đã sa chân vào
một bãi mìn văn hoá. Nếu Sở đặc vụ có những viên chức có Hán học
và có thể hiểu được tâm tình của các cộng đồng người Hoa ở
Singapore, thì hẳn họ đã cảnh báo viên thống đốc là cần phải hành
động thận trọng và tinh tế hơn.
Những học sinh Hán học không hề giống những học sinh Anh học
đã xuất bản tờ Fajar. Họ rất giỏi lạc quyên ngân quỹ. Khi tôi thay
mặt họ liên lạc với Pritt, tôi cho ông ta hay rằng các học sinh này có
thể huy động nguồn tài chính từ giới thương nhân trong Phòng
thương mại Trung Quốc. Ông ta đã đề nghị một thù lao là 30.000
đôla. Tôi nói lại với các học sinh và họ chẳng hề bối rối. Và khá lâu
trước khi Pritt bay sang Singapore vào ngày 7/10 để dự buổi tranh
tụng vụ kháng cáo, vốn sẽ tiến hành năm ngày sau đó, họ đã mang
tiền mặt tới nhà tôi. (Họ thấy không thoải mái khi tới tìm tôi ở văn
phòng Laycock & Ong, nơi một luật sư Anh nắm ưu thế.)
Sau khi đọc hồ sơ kháng cáo, Pritt hẳn phải biết không có cơ hội
thắng lợi, nên với tác phong kịch liệt do bao nhiêu năm kinh nghiệm,
một lần nữa ông lại hết sức gây tiếng vang và tuyên truyền cho các
học sinh để công kích chính quyền. Các học sinh đã mời ông một
bữa tiệc trà tại Badminton Hall sau khi ông tới đây được một ngày.
Pritt đọc một bài diễn văn bằng tiếng Anh, phía học sinh làm mấy
bài phát biểu bằng tiếng Hoa, và chẳng có ai dịch cho ông nghe.
Điều này chẳng có gì ngạc nhiên vì đây là cơ hội để các tay lãnh đạo
huy động sự ủng hộ nâng cao nhiệt tình và tạo thêm khí thế đấu
tranh quần chúng với một lý do hết sức chính đáng. Diễn biến này
đã khiến ông ta bị ấn tượng sâu đậm đến nỗi trong hồi ký xuất bản
12 năm sau, Pritt còn nhớ rõ cách tổ chức và hậu cần cho phép
5.000 học sinh vẫn ngồi ngay ngắn trong đại sảnh, mỗi người nhận
được một hộp đựng bánh nướng, bánh mì, đậu phộng và chuối,
phần ăn dư được bỏ gọn vào hộp và được các học sinh phụ trách đi
dọc các dãy ghế dọn đi, và khi họ xếp hàng ra xe buýt để về nhà,
khu đại sảnh vẫn sạch sẽ ngăn nắp. Và tất cả những việc này đều
được làm răm rắp theo lệnh hướng dẫn do các cô cậu học sinh chỉ
độ 15 tuổi phát ra qua loa phóng thanh bằng một tác phong rất tự
tin. Đó là một buổi trình diễn có thể làm vui lòng bất kỳ sỹ quan
quân đội nào, và tôi cũng bị ấn tượng như Pritt. Đó là lần đầu trong
mấy cuộc gặp gỡ giữa tôi với họ. Tôi chưa bao giờ thấy một chuyện
như vậy ở những học sinh Anh học thường ăn nói rụt rè thiếu tự tin,
và có tâm lý lúng túng khi họ sử dụng một thứ không phải tiếng mẹ
đẻ.
Tôi biết vụ kháng cáo này cũng kết thúc không hào hứng gì.
Nhưng đám học sinh xem nó như một cơ hội để tổ chức biểu tình
chống chính quyền. Ngày 12/10, rất đông học sinh tập trung trên
phố Padang phía ngoài Tòa án tối cao, và theo tờ Singapore
Standard, “một cơn bão hoan hô” đã nổ ra khi Pritt xuất hiện. Chánh
án người Anh, ông Knight đã hỏi: “Một vụ kháng cáo lặt vặt thế này
mà sao đăng ký tới ba ngày?” Pritt nói chính ông đã xin như thế vì
ông ta cho rằng nếu bảo nó sẽ kết thúc nhanh hơn thì không an
toàn. Rồi ông rề rà trình bày các lý lẽ để kháng cáo, bày ra một màn
trình diễn kéo dài đến hai ngày (còn tôi hẳn cố lắm cũng chỉ kéo
được hơn một buổi), nhưng chẳng có tác dụng gì. Sau khi phần biện
hộ kết thúc vào cuối ngày thứ nhì, chánh án nói ông giữ nguyên bản
án cũ. Tuy nhiên ông sẽ bỏ những án cấm cố nếu các học sinh ký
giấy cam kết giữ hạnh kiểm trong 18 tháng.
Lần lượt mỗi học sinh được hỏi ý có chịu ký cam kết không. Họ
đều lắc đầu từ chối. Chánh án quyết định tôn trọng luật pháp, và
các học sinh quyết chí đấu tranh vì lý tưởng. Chánh án chẳng có
cách nào khác ngoài việc ra lệnh đưa họ vào nhà giam, tuy rằng khi
làm thế ông chỉ tạo thêm cơ hội khơi dậy tinh thần chống đối trong
cộng đồng nói tiếng Hoa.
Nếu biết trước hệ quả của việc này hẳn tôi đã có giải pháp là
thuyết phục các phụ huynh học sinh ký vào bản cam kết ấy để thả
các học sinh ra. Chính quyền sẽ đạt được một thắng lợi về tinh thần
còn phụ huynh nhẹ nhõm vì con em họ sẽ được thả cùng một lời
cảnh cáo. Nhưng vào thời điểm đó, tôi cũng bị cuốn theo làn sóng
cảm tình với họ và ngày 20/9, tờ Nanyang Siang Pau trích đăng lời
tôi phát biểu: “Cho đến nay chính quyền cũng chưa có bằng chứng
nào về hoạt động cộng sản trong các trường tiếng Hoa; nhưng họ đã
xem sự chống đối khi chính quyền từ chối yêu cầu được hoãn dịch
của các học sinh như một hoạt động cộng sản, và với lý do này họ
đã tìm cách kiểm soát các trường tiếng Hoa chặt chẽ hơn.” Tôi đã
kém hiểu biết và ngây thơ, và đã không biết họ giỏi đến mức nào
trong việc xâm nhập và điều khiển các tổ chức đang âm ỉ chống đối
chính quyền.
Hồ sơ kháng cáo được trình bày trước Hội đồng tư vấn pháp lý
ngày 15/2/1955 và bị bác bỏ. Vụ án kết thúc nhưng bước làm quen
của tôi với giới Hán học chỉ mới bắt đầu. Đó là một thế giới đầy sức
sống, rất nhiều tay hoạt động tích cực và rất nhiều thanh niên có lý
tưởng, vị tha, sẵn sàng hy vinh vì một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi rất ấn
tượng về mức tận tụy của họ đối với lý tưởng cách mạng, về lòng
quyết tâm đấu tranh lật đổ chính quyền thuộc địa để thiết lập một
thế giới mới công bằng hơn. Và tôi cũng ngày càng e ngại con đường
mà các lãnh tụ của họ đang dẫn họ vào.
Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng nếu tôi không thu hút được ít nhiều
trong số những thanh niên năng động ấy đi theo đường lối của tôi
và các bạn bè tôi, thì chúng tôi sẽ chẳng bao giờ thành công. Cho
đến nay, chúng tôi chỉ có liên hệ với những người Malay và người
Anh học vốn là những người chẳng có niềm tin hay nhiệt tình đua
tranh, chứ đừng nói đến chuyện đương đầu với thế lực trong cộng
đồng người Hoa. Những người Hoa nói tiếng Hoa duy nhất trong
mạng lưới của chúng tôi là những nhóm ở căn cứ hải quân và trong
Ban quản lý cảng, phần lớn trong số đó là những công nhân người
Quảng Châu có tay nghề, và một số nhân viên công nhật trong Hội
đồng thành phố.
Các học sinh hẳn đã được chỉ thị nhờ tôi làm luật sư, sau khi đã
nhờ những người khác vốn không quan tâm đến chính trị lắm hay
không muốn đối đầu với chính quyền như tôi. Họ bắt đầu tìm đến
đường Oxley để hỏi ý kiến về cả trăm vấn đề mỗi khi họ có xung đột
với cảnh sát hay bị chính quyền cản trở, từ chuyện các nam sinh bị
bỏng trong khi cố thủ trong trường học đến chuyện xin giấy phép
hội họp. Họ thường đến trong một chiếc xe hơi Chevrolet màu hồng.
Rõ ràng một trong các nữ sinh ấy đã mượn được xe của ông bố, có
lẽ là một thương gia hay chủ tiệm giàu có nào đó.
Tôi không bao giờ từ chối họ, dù trong những giờ giấc bực mình
nhất. Tôi muốn thu hút người trong thế giới này cũng như phía cộng
sản đã hoạt động và thu hút được những người trong giới Anh học
như John Eber, Sharma, De van Nair, Samad và nhiều người khác.
Hồi đó tôi nghĩ rằng tính kỷ luật của các học sinh, năng lực và nhiệt
tình của các thủ lĩnh học sinh là phẩm chất tự nhiên, xuất phát từ
nhiệt tình và lý tưởng của tuổi trẻ. Phải mất hai năm, từ 1954 đến
1956, tôi mới hiểu ra các phương pháp, đường lối và động cơ của
Mặt trận cộng sản thống nhất CUF. Đằng sau mặt trận này là Thành
ủy MCP chỉ đạo thông qua những nhân vật hoạt động công khai như
Robert Soon Loh Boon và các thủ lịnh phân bộ trong các lực lượng
quần chúng. Cộng sản có một mạng lưới bí mật gồm các cán bộ rất
có kỷ luật chia thành những chi bộ bốn người, người đứng đầu chi
bộ sẽ nhận chỉ thị từ chi bộ cấp cao hơn. Những chỉ thị này được
chấp hành rất nghiêm chỉnh và các hình thức kỷ luật đối với đảng
viên cũng nghiêm nhặt, đặc biệt đối với những kẻ phản bội.
Nhưng hồi 1954, tôi chưa hiểu rõ về lực lượng cộng sản và không
thấy nao núng. Tôi tin rằng mình sẽ thuyết phục được một số người
nào đó rằng đấu tranh bạo động sẽ không thành công được ở
Malaya. Tôi còn rất nhiều điều phải học hỏi.
10
XÂY DỰNG PAP
Một buổi sáng Chủ nhật năm 1954, Choo đang ngồi với Loong, con
trai đã 2 tuổi của chúng tôi, ngoài hàng hiên thì hai người đàn ông
đến thăm. Lúc đó là khoảng nửa tháng sau khi tôi ngỏ ý với một số
học sinh trường Hoa rằng tôi muốn gặp một số lãnh đạo các nghiệp
đoàn người Hoa. Tôi ra phòng khách để tiếp họ. Họ bảo họ thuộc
Nghiệp đoàn công nhân xe khách Singapore. Họ ăn nói nhỏ nhẹ và
hiểu được tiếng Anh chút ít, nhưng vẫn mang theo Robert Soon Loh
Boon làm thông ngôn. Tên của họ là Lim Chin Siong và Fong Swee
Suan. Tôi đã được tiếp xúc với một số tay hoạt động trong giới lao
động người Hoa và rất hào hứng với viễn cảnh tìm hiểu được bọn họ
để chiêu mộ một số người cùng chia sẻ lý tưởng về một xứ Malaya
dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Lim và Fong có vẻ đúng loại người tôi
cần: cung cách nhiệt tình, chân thành, ăn mặc đơn giản. Fong ăn
mặc còn đến mức xập xệ nữa. Nhưng sự kiên trì và tận tụy hiện rõ
trên nét mặt và trong từng cử chỉ của họ.
Họ khác biệt rõ rệt với những nhân vật nông cạn mà tôi cùng các
đồng sự đã gặp trước đó tại căn hộ của David Marshall, khi ông này
với Lim Yew Hock của đảng Lao động bàn bạc chuyện thành lập một
tổ chức chính trị mà sau này sẽ trở thành Mặt trận Lao động. Đó là
một phần của việc thăm dò của chúng tôi: chúng tôi muốn xác định
họ có khả năng gì. Nhưng chúng tôi thấy khó mà đánh giá Marshall
cao được. Là một người Do Thái hoạt bát, hồi đó ông ta đã là luật sư
hình sự hàng đầu ở Singapore, nhưng khi ông ta đưa ra một đề nghị
mà ông coi như rất triển vọng thì chúng tôi thường khó nín cười
được. Ông ta rất ngây thơ và không hiểu lắm về chính trị. Chúng tôi
hiểu ông là người hay tự ái, thích đóng vai quan trọng và không
kiểm soát được. Có lần, ông rất bực bội khi chúng tôi phá ra cười
không đúng lúc trước mặt ông khiến ông hầm hầm bỏ ra khỏi phòng
rồi ra khỏi nhà luôn. Thế là chỉ còn lại chúng tôi với các bạn bè cùng
đủ thứ đồ ăn thức uống. Chúng tôi ăn uống, nói chuyện vui, cảm ơn
bà gia nhân rồi ra về. Sau lần gặp gỡ thứ ba, chúng tôi xác định
rằng liên kết với những người này chỉ thêm tai hại. Điều mà chúng
tôi tìm kiếm là những người có đầu óc nghiêm túc, sẵn sàng cho
những sự nghiệp lâu dài, những người có thể bình thản trước những
thăng trầm chính trị trong khi theo đuổi những mục tiêu của mình.
Lim Chin Siong và Fong Swee Suan đúng là mẫu đối ngược với
Marshall và các bạn ông ta, và tôi hài lòng với những ghi nhận này.
Họ chính là lớp người Hán học tương đương với những chàng trai
làm tờ Fajar từng bị truy tố vì tội âm mưu lật đổ, nhưng kiên định và
cần cù hơn, lại ít vị kỷ hơn, đúng là loại đầu lĩnh mà chúng tôi đang
tìm kiếm. Tôi tràn đầy hy vọng sẽ lôi cuốn được những người như
thế.
Tôi giải thích với họ về các kế hoạch của chúng tôi nhằm thành lập
một đảng đại diện cho giới công nhân và những người bị mất quyền
lợi, nhất là giới Hán học, không chỉ nhằm chiến thắng trong kỳ tranh
cử tới, mà còn giành được một số ghế đáng kể để tố cáo sự ung thối
của chế độ và các chính đảng hiện nay và củng cố lực lượng cho
chặng đấu tranh kế tiếp. Họ không có cam kết gì cả, nhưng với kinh
nghiệm sau dịp tiếp xúc với các học sinh người Hoa, tôi cũng không
ngạc nhiên. Tôi hiểu rằng trước khi đi đến một quyết định quan
trọng nào, họ sẽ phải báo cáo lại và trình bày những đánh giá của
họ, rồi ở cấp trên nào đó sẽ có thảo luận cặn kẽ và sau cùng thông
báo cho họ về chủ trương của MCP. Hai tuần sau, họ trở lại cùng một
thông ngôn khác. Phải, họ đã sẵn sàng tham gia với chúng tôi,
không phải để mưu cầu quyền lực mà để tố cáo chế độ thuộc địa, sự
bất cập trong dự thảo hiến pháp Rendel, và để tấn công những đảng
phái sẽ nắm quyền.
Chúng tôi dự định sẽ ra mắt đảng Hành động Nhân dân (People's
Action Party – PAP) trong một buổi hội ngày 21/11/1954, và tôi
muốn họ làm người triệu tập dân chúng. Họ thì thầm với nhau rồi
bảo rằng họ phải bàn bạc trước đã. Lần kế trở lại, họ nói Fong, vốn
là thư ký Nghiệp đoàn công nhân xe khách Singapore, sẽ làm người
triệu tập, nhưng Lim Chin Siong trong lúc này sẽ tạm đứng ngoài.
Tôi không biết lý do của họ, nhưng tôi cho rằng vì trong hai người
thì Fong có thể hy sinh được, đồng thời ít gặp nguy cơ về an ninh
hơn, do Sở đặc vụ chưa có hồ sơ gì nhiều về ông ta một khi tên ông
ta xuất hiện trên báo chí.
Nhưng tôi vẫn hài lòng. Có Fong tham gia, tôi thấy đảng của mình
sẽ có cơ sở rộng rãi hợp lý trong giới công nhân. Chúng tôi có những
người Anh học, những công nhân và nhân viên người Malay, và bây
giờ lại có các bang hội và giới lao động người Hoa nữa. Chúng tôi
không muốn có các học sinh trung học người Hoa tham gia, dù theo
bất cứ cách nào. Mọi chính đảng tại xứ Singapore nhiều tầng lớp này
đều phải cân đối, đừng quá nghiêng về một tầng lớp nào để khỏi gây
nghi kị hay chống đối ở các tầng lớp khác, và vì lý do đó nó sẽ
không có được lợi thế. Nó sẽ gặp nghi kị từ phía những người Anh
học hay Malay học, vốn chiếm tới 40% dân số.
Tháng 10, chúng tôi công bố thành lập đảng, và vào tháng 11,
tuyên bố bước vào một cuộc đấu tranh cho “nền luật pháp đa ngôn
ngữ được dịch ra nhiều thứ tiếng bởi vì không có đại diện dân cử
nào biết khối dân nói tiếng Hoa suy nghĩ và cảm nhận gì, và điều đó
khó có thể được coi là một tình hình lành mạnh”. Điều này khiến các
chính đảng khác cũng phải tuyên bố tương tự.
Để cân đối với xu hướng cấp tiến và khuynh tả của một số tay
triệu tập quần chúng, tôi thuyết phục Tunku Abdul Rahman, lúc đó
là lãnh tụ của UMNO và là thành viên Hội đồng hành pháp Malaya,
cùng ngài Cheng Lock Tan, Chủ tịch Hội người Malay gốc Hoa
(Malaya Chinese Association – MCA) phát biểu tại lễ ra mắt. Tôi đã
gặp ông Tan trong vài buổi dạ tiệc, còn Tunku thì đã tham khảo ý
kiến của tôi khi ông ta muốn kiện một tờ báo tại Singapore về tội phỉ
báng. Tôi đã mời ông ta cùng các lãnh tụ UMNO khác dùng bữa tối
tại nhà tôi. Như thế, tôi có được hai lãnh tụ uy tín người Malay tham
dự đại hội ra mắt PAP thông qua những liên hệ cá nhân giữa họ và
tôi, và có lẽ cũng vì họ nghĩ rằng tôi có thể trở thành đồng minh hữu
dụng trong tương lai. Tuy nhiên, nếu Tunku không muốn tôi tham
gia chính trường của Liên bang thì Tan lại muốn như thế. Sự khác
biệt rất cơ bản này giữa hai người đã phản ảnh những mâu thuẫn
sâu xa về quyền lợi tranh cử của họ. Tunku muốn phân rẽ người
Hoa thành từng nhóm, rời rạc, thiếu tổ chức và dễ cho người Malay
đối phó. Tan lại muốn có những thanh niên có thể tập hợp cộng đồng
người Hoa lại, và MCA rất muốn đưa Singapore vào Liên bang để
tăng khối cử tri ủng hộ họ.
Chúng tôi bắt đầu đại hội lúc 10 giờ sáng ngày 21/11 tại Victoria
Memorial Hall và chỉ kéo dài được đến 1 giờ vì có một buổi hòa nhạc
đã đăng ký ở hội trường ấy vào buổi chiều. Mọi người đến kín hội
trường nhưng không quá sức chứa của nó. Ai cũng có chỗ ngồi. Tờ
Singapore Standard tường thuật có khoảng 1.500 người có mặt, còn
theo tờ Straits Times thì chỉ có 800. Những người ủng hộ chúng tôi
từ các nghiệp đoàn chiếm chừng hai phần ba số ghế, số còn lại là
của những quan sát viên từ những đảng khác và những người có
quan tâm. Chúng tôi đọc những bài diễn văn soạn trước, không có
hùng biện gì ở đây. Chúng tôi mặc sơ mi, không cà vạt. Cheng Lock
Tan mặc đồ lớn còn Tunku mặc lễ phục Malay – áo cài kín cổ, quần
rộng, quấn sarong.
Đó là một đại hội tốt đẹp nhưng không sôi nổi. Chúng tôi đã chính
thức ra mắt đảng của mình, được báo chí tường thuật đúng mực, tự
giới thiệu mình với dân chúng, và được đánh giá cao. Không có
những màn hùng biện đao to búa lớn, không có tiết mục thả bong
bóng hay phóng sinh chim. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho ngày
tuyên bố ứng cử vào 28/2 và ngày bầu cử vào 2/4. Sau nhiều thảo
luận, chúng tôi đã quyết định đưa ra năm ứng cử viên: Lim Chin
Siong ở đơn vị Bukit Timah; Devan Nair ở Farrer Park (tôi không ủng
hộ lắm nhưng xem như một nhượng bộ đối với cánh tả); ở Pubggol –
Tampines là Goh Chew Chua (một thầu khoán 60 tuổi, bạn của
Kenny, sống và rất có uy tín ở đấy); và tôi ở Tanjong Pagar. Fong
Swee Suan không thể ra tranh cử vì ông ta sinh ra ở Johor, nhưng
chúng tôi đưa Amad Ibrahim ra như một ứng cử viên độc lập ở
Sembawang, nơi mà lực lượng quyết định sẽ là các công nhân trong
căn cứ hải quân. Chúng tôi tin rằng ông ta sẽ thu hút được sự ủng
hộ của các công nhân người Malay và người Ấn tại căn cứ hải quân
nếu họ không nghĩ ông ta là người của PAP, tức là không quá cấp
tiến.
Tổ chức của PAP còn yếu, hầu như là không hề có tổ chức: không
có cán bộ ăn lương, không chi nhánh hay các đầu lĩnh quần chúng.
Trong việc vận động và giúp đỡ tập hợp bầu cử, chúng tôi có thể
trông vào các nghiệp đoàn và học sinh trung học người Hoa. Nhưng
một khi chiến dịch tranh cử bắt đầu, các ứng cử viên của chúng tôi
mạnh ai nấy vận động, trừ những khi có các diễn giả nổi tiếng như
tôi đi một vòng cả năm đơn vị bầu cử để nói chuyện trong những
buổi hội cử tri.
Vào ngày tuyên bố ứng cử, hai đối thủ của tôi tại đơn vị Tanjong
Pagar – một người Anh học và một người Hán học – phản đối việc
tranh cử của tôi với lý do tôi đã không sống tại Singapore suốt bảy
trong số mười năm qua theo như quy định của Hội đồng tư vấn của
Nữ hoàng tại London đối với những cuộc bầu cử theo Hiến pháp mới
của Rendel. Nhưng có vẻ như quy định này không khả thi vì
Singapore cũng mới là một thuộc địa riêng biệt được 8 năm 11
tháng – trước tháng 4/1946, nó còn là một phần của Các thuộc địa
vùng eo biển. Một số người Anh cũng viết thư cho tờ Straits Times,
đe dọa sẽ đấu tranh đòi bãi nhiệm tôi nếu tôi đắc cử, nhưng viên
chức phụ trách bầu cử chấp thuận cho tôi ứng cử và khuyên các đối
thủ rằng việc phản đối trên cơ sở lưu trú chỉ có thể thực hiện qua
một kiến nghị nếu tôi đã đắc cử.
Sau khi nghe tin về tôi, Keng Swee, lúc đó đã trở qua London, đã
nói lại với Stanley Awbery, dân biểu thuộc đảng Lao động, và
Awbery đã đặt vấn đề này trước Hạ viện. Tháng 3, Henry
Hopkinson, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề thuộc địa phúc đáp
rằng:
“Các sinh viên Malay ở tại Anh trong thời gian chuẩn bị cho những
cuộc bầu cử cấp liên bang sẽ xảy ra khi họ về nước, nếu không bị
tước quyền dân sự vì lý do nào đó, thì vẫn được đăng vào danh sách
cử tri nếu trong thời gian vắng mặt họ vẫn coi Liên bang Malaya là
quê xứ của họ. Đương nhiên họ cũng được phép ra làm ứng cử
viên.”
Tuy ông ta chỉ đề cập tới sinh viên Malaya, nhưng những người
chống đối tôi vẫn quyết định gác lại vấn đề đó. Họ biết London nếu
cần thiết sẽ sử dụng tính hồi tố để điều chỉnh vấn đề hơn là để xảy
ra tranh cãi quanh một quy định đã rõ ràng là vô lý. Như tôi đã nêu
ra vào thời điểm đó, rằng John Ede, sinh ra và lớn lên tại Anh, vẫn
có thể đủ tiêu chuẩn làm dân biểu vì ông đã lưu trú ở Singapore
được bảy năm. Nếu tôi, sinh ra và lớn lên tại Singapore, và sống
suốt đời ở đây trừ bốn năm tại Anh, mà không đủ tiêu chuẩn thì trái
đất này chắc vuông chứ không phải tròn nữa.
Nhưng đó mới chỉ là rào cản thứ nhất của tôi. Tôi còn gặp những
rắc rối khác khi báo chí tường thuật rằng Lam Tian, đối thủ người
Hoa thuộc đảng Dân chủ, nói rằng tôi không biết đọc biết viết tiếng
Hoa, và do đó không đủ sức đại diện cho cử tri người Hoa. Tôi thẳng
thắn bẻ lại: “Tương tự, vì Lam Tian không đọc và viết được tiếng
Tamil và tiếng Malay, nên ông ta không thể đại diện cho khối người
Ấn và người Malay thuộc đơn vị bầu cử Tanjong Pagar.” Tôi đã xác
định liều rằng mình có thế đọc, viết và nói tiếng Quan thoại, Hakka
và Hokkien, và tôi cũng có thể nói tiếng Malay nữa. Đó là một đòn
liều trong tranh cử. Một số phóng viên người Hoa đã khuyên tôi rằng
không nên thừa nhận mình không nắm được tiếng mẹ đẻ. Tôi nhớ lại
và lấy làm tiếc rằng đã không quan tâm tới ước muốn của bà ngoại
là muốn tôi học chương trình tiếng Hoa ở trường Choon Guan. Bây
giờ tôi phải phóng đại khả năng ngôn ngữ của mình. Tôi đã quên
gần hết và chỉ có thể viết vài chữ vì đã không dùng tới tiếng Hoa
nữa từ khi thôi làm cho Công ty Shimoda vào năm 1943. Thứ tiếng
Hakka và Hokkien của tôi nghe thật tội nghiệp, thậm chí là chẳng
đáng kể. Tôi tự hứa sẽ bù đắp thiếu sót này.
Lam Tian thách tôi tranh luận trong một buổi hội ngoài trời tại
Kreta Ayer, một khu nói tiếng Quảng Châu thuộc Tanjong Pagar. Tôi
từ chối và phản kích bằng cách tuyên bố rằng để làm được việc
trong Hội đồng lập pháp và trong chính quyền, một ứng viên phải
giỏi tiếng Anh, và do đó tôi sẽ là đại biểu đắc lực hơn ông ta. Nhưng
tôi cũng đã cố hết sức để nói được vài câu bằng tiếng Quan thoại
trong cuộc họp với cử tri lớn nhất của tôi tại phố Banda, cũng là một
khu gốc Quảng Châu. Một phóng viên quen biết của tờ Sin Pao tên là
JekYeun Thong soạn cho tôi hai đoạn văn và bỏ vài tiếng để luyện
cho tôi đọc bài diễn văn chỉ tốn ba phút này. Nhưng đám đông ủng
hộ tôi và họ hoan hô tôi vì nỗ lực đó.
Các vấn đề của tôi đến đây chưa phải là hết. Các nghiệp đoàn
người Hoa khuynh tả và học sinh trường tiếng Hoa tập trung nỗ lực
để hỗ trợ Lim Chin Siong ở Bukit Timah và Devan Nair ở Farrer Park.
Họ chẳng làm gì cho tôi và các ứng viên khác của PAP. Sau vụ này
thì tôi hiểu rõ rằng họ đã nhận mệnh lệnh của ai. Chúng tôi chỉ là
một mặt trận nhiều thuận tiện. Họ muốn đưa hai người của họ vào
cơ quan dân cử, và tôi chỉ hữu dụng ở vai trò bình phong cho họ. Tôi
không bao giờ quên được điều đó. Tôi đã phải nói chuyện trước cử
tri một lần cho Lim và một lần cho Nair, nhưng tôi chẳng để chút
tâm trí nào vào đó cả. Tôi dồn chú ý vào Sembawang với Ahmad
Ibrahim, một tay hoạt động nghiệp đoàn ở căn cứ hải quân, và tại
Punggol Tampines với Goh Chew Chua, ông này hóa ra là một diễn
giả giỏi nói tiếng Hokkien và rất hùng biện.
Cuộc vận động lần này không hề giống hồi năm 1951 khi tôi làm
trợ lý tranh cử cho Laycock ở Katong. Hồi đó, nó là một công việc
nhẹ nhàng với những tiệc trà tiệc mặn trong một khối cử tri giới hạn
độ 48.000 người so với dân số tới 1,8 triệu. Năm 1955, với việc tự
động đăng ký những người sinh ra ở Singapore, số cử tri tăng thêm
300.000 người và 60% trong bọn họ là khối nói tiếng Hoa. Hơn nữa,
phái khuynh tả đã quyết định tham gia cuộc đua này lần đầu tiên kể
từ khi tình trạng khẩn cấp được ban hành. Tình hình đã hoàn toàn
đổi khác: ngôn ngữ chính là các phương ngữ tiếng Hoa, tiếng Malay
bình dân, hai nhóm này dễ dàng tiếp cận với phần lớn dân chúng,
rồi sau cùng mới tới tiếng Anh, thứ có thể tiếp cận được tầng lớp
nhỏ nhất – tầng lớp trên cùng của xã hội Singapore gần gũi nhất với
bộ máy quyền lực nhưng không đáng kể về sức mạnh trong bầu cử.
Những buổi họp ngoài trời với cử tri thường có diễn giả đứng trên
nóc xe hơi hay xe tải với loa phóng thanh và đèn điện soi sáng.
Chúng lôi cuốn nhiều dân chúng ở những nơi cử tri nói tiếng Hoa và
tiếng Malay là chủ yếu. Kiểu chơi chính trị sang trọng trong những
đại sảnh chỉ còn là chuyện trong quá khứ.
Qua cuộc vận động này, tôi thu được một kinh nghiệm quý báu.
Tanjong Pagar là khu bến cảng, nơi của những công nhân cảng,
những phu kéo xe, các chủ tiệm và những ổ hút thuốc phiện. Tối
đến, những nơi như khu cư xá cho công nhân ăn lương công nhật
người Malay trên phố Reclamation, với những căn nhà gỗ không có
hệ thống cống rãnh. Mùi xú uế nồng nặc khiến tôi phát gớm mỗi khi
tới đấy. Nhưng chính tại đó, các thủ lĩnh đã duy trì được một mạng
lưới nối kết người Malay thành một cộng đồng chặt chẽ. Tôi được
giới thiệu với những thủ lĩnh UMNO địa phương và hầu như lập tức
họ cho tôi gặp những nhân vật chủ yếu trong số vài trăm gia đình
sống tại đó. Họ hứa sẽ dồn phiếu cho tôi.
Một khung cảnh bẩn thỉu và mục nát nữa là ở đường Narcis với
những dãy cửa tiệm tồi tàn lụp xụp và cả những con đường dẫn về
khu ấy ở phía mà ngày nay là Thương xá Tanjong Pagar. Những khu
ấy không được tu sửa gì nhiều năm rồi, các cống rãnh bị nghẹt vì
rác của những người bán rong bỏ lại nên lúc nào cũng bốc lên mùi
thức ăn thối rữa. Những con chuột to tướng thản nhiên ra vào trong
những đường cống ấy chẳng sợ gì ai. Tôi lại thấy lợm giọng, về đến
nhà, chỉ rửa tay thôi coi bộ cũng chưa ổn. Trước khi ngồi vào bàn
ăn, tôi phải tắm và thay tất cả quần áo.
Đề tài lớn duy nhất kích động được người Hoa là chuyện nền văn
hóa Trung Quốc và nhu cầu phải giữ gìn các truyền thống thông qua
các trường dạy tiếng Hoa. Đó không phải là một vấn đề vô sản, mà
chỉ là lòng tự hào nước lớn đơn giản và rõ rệt. Nhưng các chuyên
viên kích động hiểu đó là cái lôi cuốn đám đông và đánh trúng tình
cảm sâu xa của người Hoa và họ đã tận tình khai thác điều đó.
Trong những lần bầu cử Hội đồng Lập pháp trước đó, những bài diễn
văn thường buồn tẻ, yếu ớt và thiếu tâm huyết. Chúng được viết
bằng tiếng Anh hoặc tiếng Malay và đọc lên một cách chẳng chút
cảm xúc hay tình cảm gì cả, và họa hoằn lắm chúng mới được dịch
sang một thứ tiếng Hoa nào đó. Nhưng lần này thì các diễn giả bằng
tiếng Hoa thắng lợi. Nói bằng thứ tiếng của họ – Hokkien, Quảng
Đông hay Tiều Châu – họ lôi cuốn đám đông một cách xuất sắc. Họ
tăng tính hùng biện, trích cách ngôn, dùng ẩn dụ, biểu tượng hay
điển cố để miêu tả những tình huống hiện đại. Họ nói chuyện với vẻ
say mê khiến đám đông tràn đầy xúc cảm và kích động với viễn
cảnh về sự vĩ đại của người Hoa bày ra trước mắt họ. Với người Hoa
ở Singapore, điều đó lúc nào cũng hào hứng và mới mẻ.
Trong kỳ bầu cử này đã xuất hiện một diễn giả rất lôi cuốn. Đó là
Lim Chin Siong, một người còn trẻ, gầy, tầm thước, có khuôn mặt
hơi trẻ thơ nhưng giọng nói lại vang rền tuôn tràn rất mạnh mẽ khi
anh nói bằng tiếng Hokkien mẹ đẻ của mình. Các cô gái, nhất là nữ
công nhân trong các nghiệp đoàn, ngưỡng mộ anh ta. Ngoài chủ đề
về văn hóa Trung Quốc, anh ta còn nói đến những công nhân bị chà
đạp, bọn đế quốc xấu xa, các quy định của Tình trạng khẩn cấp đã
tước đi quyền lợi của quần chúng, như tự do ngôn luận và tự do lập
hội. Một khi qua được buổi đầu e dè ở hai cuộc mít–tinh đầu tiên,
anh ta luôn được hoan hô dữ dội mỗi khi phát biểu. Đến cuối giai
đoạn vận động tranh cử, Lim được coi như một khuôn mặt nổi bật
và là nhân vật đáng quan tâm trong sinh hoạt chính trị Singapore và
gần gũi hơn là trong nội bộ đảng PAP.
Fong Swee Suan cũng nói chuyện trong những buổi mít–tinh ấy
nhưng không có được sức hấp dẫn như Lim. Ông ta gặp một bất lợi.
Ông ta phải nói bằng tiếng Hokkien vì dân Hokkien chiếm đa số
trong cộng đồng người Hoa ở Singapore, nên những bang hội khác
cũng hiểu và sử dụng thứ tiếng ấy, mà Fong lại là người Hakka,
giống như tôi. Tiếng Quan thoại chỉ thông dụng trong số những
người dưới 35 tuổi từng đi học trường tiếng Hoa ở đây. Tôi đã tích
cực học tiếng Hokkien, nhưng sau những buổi mít–tinh ấy, tôi hiểu
ra rằng cho dù tôi cố sử dụng được nó thì cũng không đủ được. Nên
tôi vẫn ngần ngại với ý định học tiếng Hokkien. Thứ ngôn ngữ khác
có thể đến được với rộng rãi quần chúng là tiếng Malay bình dân. Đó
là thứ tiếng lai tạp không có văn phạm gì nhiều nhưng rất dễ hiểu
với mọi người, và là phương tiện giao tiếp duy nhất với người Malay
và người Ấn. Tuy nhiên, vì quá đơn sơ nên khó mà dùng nó lôi cuốn
đám đông. Không có chút biện pháp tu từ nào với thứ tiếng ấy.
Trong chiến dịch này, lòng tận tụy cá nhân đã trở nên quan trọng
làm sao. Những người xung phong tới giúp đỡ hoàn toàn là do họ
nghĩ tốt về tôi và muốn tôi thắng cử. Dưới sự lãnh đạo của các thủ
lĩnh nghiệp đoàn, khoảng 20 nhân viên bưu điện thay phiên trực
suốt mấy ngày trước nhà tôi trên đường Oxley (nhà tôi đã trở thành
bản doanh tranh cử cho bốn ứng viên của đảng PAP) để phân phối
tuyên ngôn tranh cử của tôi cho cử tri. Các bưu tá cũng đi khắp khu
Tanjong Pagar vận động giùm tôi và phân phát tập tuyên ngôn tranh
cử của tôi tới từng nhà. Những nhóm như Hiệp hội tiểu thương và
bán rong cũng giúp chúng tôi. Một số người trong bọn họ chuyên
bán gà vịt sống tại chợ đã bị phạt vi cảnh vì chất quá nhiều gà vịt
vào những giỏ đeo tiên xe đạp của họ vào dịp Tết âm lịch, và tôi đã
nhẹ nhàng gỡ tội cho họ bằng cách kêu gọi quan tòa thông cảm vì
xét cho cùng, Tết âm lịch là lễ hội lớn nhất trong năm của họ.
Nhưng các tổ chức nhiệt tình nhất là bang Hakka và các hiệp hội
thành viên của họ. Những người hoàn toàn không quen tôi đã tới
căn nhà trên đường Oxley để tiếp sức làm các công việc gì đó. Họ là
những người gốc ở huyện Dapu với ông cố của tôi và họ chẳng đòi
hỏi gì ngoài việc được góp phần vào với vinh quang của tôi. Chong
Mong Sang, chủ tịch Hiệp hội người Hakka tại Singapore, đã huy
động mọi nguồn lực trong bang hội và tìm cho tôi những xe hơi. Ông
ta sở hữu một loạt các tiệm cầm đồ rất phát đạt ở Malaya và
Singapore (người Hakka có rất nhiều tiệm cầm đồ) và cũng là láng
giềng của tôi ở Oxley. Tôi là cố vấn pháp lý danh dự của bang hội
này, và như một tập thể nhỏ đoàn kết chặt chẽ, những người Hakka
đã nhiệt tình ủng hộ tôi. Hiệp hội Hoa kiều Singapore bán rượu lẻ
cho phép tôi sử dụng những cơ sở của họ trên phố Bernam để làm
trụ sở thứ nhì vận động tranh cử. Rất nhiều người đã tới đó, không
để lại tên tuổi, để đóng góp tiền bạc cho ngân quỹ, có người lại cho
rất nhiều vải trắng để làm biểu ngữ. Họ không hề đòi hỏi điều gì. Mà
tôi cũng không có phần thưởng hay ơn huệ gì cho họ. Ngược lại,
trong số những người khuynh tả Anh học, chỉ có hai học sinh của tờ
Fajar tới để tiếp tay phân phối các tuyên ngôn tranh cử.
Một trong những vấn đề hậu cần quan trọng của chúng tôi là kiếm
phương tiện để chở cử tri tới địa điểm đầu phiếu, để khiến họ cảm
thấy có nghĩa vụ bỏ phiếu cho ứng viên của chúng tôi. Cách làm
này, do người Anh du nhập, rất thuận lợi cho các đảng giàu có với
nhiều ủng hộ viên sẵn xe hơi. Tôi đã dựa vào rất nhiều quan hệ cá
nhân – các anh chị em, cô dì, hàng xóm người Hakka, những bạn bè
như Hon Sui Sen và người em của anh ta. Tôi giao cho Dennis phụ
trách việc xe cộ chuyên chở trong ngày bầu cử. Đó không phải là
một công việc hấp dẫn. Nó đầu tiên phải thiết lập trật tự và một hệ
thống nào đó từ một lô hỗn độn đủ thứ xe cộ từ khắp Singapore tụ
về đường Oxley, rồi chạy tới trụ sở ở đường Bernam, lái lòng vòng
trong khu Tanjong Pagar đưa đón các cử tri theo sự điều hành của
các chuyên viên vận động. Dennis cũng thuyết phục một số trạm
xăng cung cấp xăng theo giấy có chữ ký của nó hoặc của thư ký trợ
lý của tôi ở Công ty Laycock & Ong, vì các bạn bè tôi đã cho mượn
xe với xăng đầy bình nên khi trả chúng tôi cũng phải đổ đầy bình,
quỹ tranh cử sau đó sẽ thanh toán khoản nhiên liệu này.
Nhưng tất cả những điều này không chỉ làm vì tôi. Các chuyên
viên bầu cử của Lim Chin Siong và Devan Nair cũng yêu cầu tôi
cung cấp xe – một tay rất khó chịu tên là Kam Siew Yee thuộc Liên
đoàn giáo chức cứ nhất định đòi tôi phải cung cấp 30 xe cho riêng
Nair. Ngày 21/4, khoảng ba tuần sau ngày bầu cử, Choo viết thư cho
Keng Swee ở Anh, thư này bị Ban đặc vụ chặn lại và do đó còn lưu
trong hồ sơ của họ. Thư này nêu rõ các liên đoàn và học sinh người
Hoa thực sự đã vận động cho ai qua lối cư xử thiên vị trong việc vận
động phiếu và xe cộ.
“Những người giúp đỡ, vận động, phát ngôn cho Harry là những
công nhân thẳng thắn đến hết mực như những bưu tá, thư ký,
nhân viên bán hàng, một người chủ cửa hiệu thực phẩm ở Phố
Tàu, chủ tịch Liên đoàn các chủ nhà in, vân vân. Cho đến tuần
cuối cùng có khoảng 20 cô cậu đến giúp vận động bỏ phiếu trong
khoảng từ 2 đến 5 giờ chiều khi người lớn còn phải đi làm chưa về,
nên việc vận động của họ không hiệu quả gì lắm và anh có thể so
sánh với cảnh hàng trăm cậu trai quần nát Công viên Farrer suốt
một tháng trời. Vào ngày bầu cử, lại có thêm một số cậu trai tới
giúp ở Tanjong Pagar – lôi kéo mọi người đi bầu. Nhưng nếu như
anh từng nghi ngại chuyện các cậu trai này có đến với mình không
thì kỳ bầu cử này sẽ xoá tan những nghi ngại đó.
…Vào buổi sáng ngày bầu cử, Devan đã sai lầm khi phái Kam tới
số 38 đường Oxley để lấy đi những xe dành cho khu Farrer. Ban
phụ trách chuyên chở của chúng tôi đã tốn nhiều ngày giờ để tìm
ra xe cộ (trong số cả trăm chiếc cho Harry mượn) dùng cho khu
Bukit Timah và Farrer, vì đa số chủ xe vui lòng cho cá nhân Lee
Kwan Yew, chứ không phải cho PAP mượn và phản đối dữ dội
chuyện cho xe đi tới nơi nào khác ngoài Tanjong Pagar. Nên xe cộ
được phân chia cẩn thận – xe nào được chủ đồng ý mới được điều
đi xa. Khi những xe dành cho khu Farrer tập trung trễ, Kam, tay
tồi tệ, đã trơ tráo gây chuyện và đòi phải có xe cho y. Y nghĩ y là
cỡ nhân vật nào vậy."
Ngày bỏ phiếu, 2/4/1955: tôi đạt 6.029 phiếu so với 908 và 780
của hai đối thủ, cả hai đã mất đi lớp người ủng hộ họ. Tồi thắng cử
với số phiếu vượt trội bất kỳ ứng viên nào khác. Lim Chin Siong,
Ahmad Ibrahim và Goh Chew Chua cũng được bầu, và tôi thấy rất
nhẹ nhõm, vì không có Nair, Lim sẽ khó có thể hoạt động hữu hiệu
trong một hội đồng lập pháp chủ yếu sử dụng tiếng Anh vì ông ta
không lưu loát thứ tiếng này lắm, và Nair là chỗ dựa cho ông ta. Bây
giờ thì ông ta phải nhờ cậy vào tôi.
Chấn động lớn trong kỳ bầu cử này là sự thất bại của Đảng Tiến
bộ (Progressive Party) vốn được dự báo là sẽ chiếm đa số trong hội
đồng. Mặt trận Lao động (Labor Front) chiếm được 10 trong số 17
ghế mà họ ứng cử, và David Marshall cũng rất ngạc nhiên khi được
cử làm Tổng ủy viên. Đảng PAP ứng cử bốn và thắng ba, các đảng
nhỏ và các ứng viên độc lập chia nhau tám ghế còn lại. Nhưng đảng
Tiến bộ chỉ giành được bốn ghế trong khi họ ứng cử tới 22 người, tỷ
lệ này ở Đảng Dân chủ là 2/20, tuy rằng hai đảng ấy có nguồn tài
chính và nhân sự sung mãn nhất. Điều gì đã xảy ra?
Đảng Tiến bộ được thành lập mãi từ năm 1947, nhưng chỉ gồm
một nhóm giới hạn những trí thức Anh học và những người Anh như
John Laycock. Nhưng Laycock, cũng như nhiều người khác, bị chìm
trong khu vực bầu cử của mình vốn toàn những người Hán học –
những người Hoa học trường Hoa.
Đảng Dân chủ thì mới được thành lập vào tháng 3/1955, sau khi
Phòng thương mại Hoa kiều nhận ra rằng việc tự động lập danh
sách cử tri theo Hiến pháp Rendel sẽ khiến người nói tiếng Hoa có
quyền bầu cử tăng vọt. Nói chung, cả hai đảng đều đại diện cho giới
trung lưu hoặc trung lưu lớp trên, nhưng trong khi đảng này là bộ
phận của chế độ thuộc địa Anh thì đảng kia nằm ngoài vòng quyền
lực đó. Thành viên của đảng sau gồm những người Hoa sung túc,
làm nghề xuất nhập khẩu, buôn bán lẻ, thương gia, chủ ngân hàng
hay chủ đồn điền cao su hoặc mỏ thiếc. Họ là thủ lĩnh các phường
hội kiểu xưa của người Hoa: họ phụ trách các trường tiếng Hoa, lo
việc tài chính và điều hành thông qua các ban giám hiệu; họ cũng
tài trợ và chỉ đạo các bệnh viện của bang hội và các tổ chức phúc lợi
khác. Họ xem kỳ bầu cử như một cơ hội để nắm lấy đòn bẩy quyền
lực giúp họ khuếch trương việc kinh doanh của mình. Họ còn tin
tưởng rằng họ có thể nạp nguồn sinh lực của các học sinh người Hoa
vào đảng của họ vì đó là con em của họ và chúng ủng hộ họ trong
việc bảo vệ nền giáo dục tiếng Hoa.
Hố ngăn cách văn hóa giữa hai đảng này như vậy là quá sâu
không thể san bằng. Tại nhiều đơn vị bầu cử, họ đã chia sẻ số phiếu
dành cho cánh hữu: dân tiếng Anh và Malay thì bầu cho Đảng Tiến
bộ, còn khối người Hoa bầu cho Đảng Dân chủ. Nếu hợp tác, họ có
thể chiếm tới một nửa của 160.000 phiếu bầu (tăng bảy lần so với
kỳ bầu cử năm 1951.)
Một khi biết mình thất bại, họ lặng lẽ lui khỏi trung tâm kiểm phiếu
ở đại sảnh Victoria Memorial. Họ không hiểu rằng khi thất bại, người
ta cần phải kiên cường để giữ vững tinh thần những người ủng hộ,
để sống còn và tiếp tục chiến đấu. Những người cánh tả hiểu rõ điều
này và chúng tôi, những người còn lại trong PAP, đã mau chóng học
được điều đó ở họ. Nhưng hai đảng kia thì hoàn toàn mất tinh thần
sau chiến dịch tranh cử thắng lợi của chúng tôi, tạo ra một âm vang
mới trong sinh hoạt chính trị. Chúng tôi đã tấn công Đảng Tiến bộ
như thành phần tay sai của chính quyền thuộc địa và Đảng Dân chủ
như giới tư sản bóc lột dân chúng. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu của
chúng tôi chính là giới cầm quyền da trắng. Tôi đã viết về họ trong
tuyên ngôn tranh cử của tôi: "Chế độ thuộc địa Anh tại Malaya là
nguyên nhân căn bản của rất nhiều rối loạn kinh tế và xã hội của
đất nước này.”
Marshall, rnột người non nớt về chính trị, đã phê phán PAP về việc
đã đi quá xa trong việc đòi hỏi một nền tự trị ngay lập tức. “Họ có vẻ
đã tập trung vào việc kích động và tấn công người Anh. Sự công
khai Của họ mang vẻ bài Anh một cách không cần thiết.” Đây có thể
là cảm giác của khối trung lưu nói tiếng Anh. Nó khác hẳn với đám
đông nói tiếng Hoa.
Quảng trường Phoenix, trụ sở của Toàn quyền Anh, cũng có đánh
giá riêng của họ về cuộc bầu cử. Họ trích một số câu trong bài diễn
văn của tôi tại một buổi vận động tranh cử:
“Như tôi nhận xét, ngoài những người trên 40, tất cả người Hoa
đều tự hào về những thành công của chính quyền Mao Trạch
Đông. Một chính quyền có thể, trong vòng năm năm, biến một
guồng máy cai trị thối nát và suy đồi thành một bộ máy có thể
đương cự với sức mạnh quân sự của người Mỹ tại Triều Tiên thì
chính quyền đó đáng được ca ngợi. Tưởng Giới Thạch và Quốc dân
đảng đã cáo chung – ngoại trừ vài kẻ ủng hộ lạc loài còn kêu gọi
tái chiếm Hoa lục.
Nhưng tôi tin rằng tại Malaya đang hình thành một thế hệ người
Hoa sinh ra và lớn lên tại đây, được học tiếng Hoa và các truyền
thống Trung Quốc, nhưng vẫn có quan điểm của dân Malaya. Họ
xem Malaya như quê hương duy nhất của họ. Họ tự hào về Trung
Quốc cũng như người Pháp ở Quebec tự hào về nước Pháp. Dĩ
nhiên cũng có những người Hoa chẳng quan tâm gì tới việc xây
dựng một quốc gia Malaya. Đó là những học sinh trở về Trung
Quốc để hấp thu lại nếp sống Trung Quốc. Những người Hoa còn ở
lại cũng là công dân Malaya và ngày càng trở thành công dân
Malaya đích thực.”
Dân tình báo Anh đã nghĩ rằng cần báo cáo về những điều tôi phát
biểu để thăm dò quan điểm thực của tôi.
Trước đó, vào tháng 1, Raja đã thảo một tuyên bố của PAP sau đó
do chính tôi đưa ra, đề nghị tổng ân xá cho MCP. Điều đó hợp lẽ và
hợp lý, nhưng khi nhìn lại, tôi thấy nó ngây thơ và không hiệu quả.
"Thực tế sáu năm rưỡi qua cho thấy rõ tình trạng khẩn cấp tại đất
nước này chủ yếu là một vấn đề chính trị chứ không phải quân sự".
Tuyên bố này cho rằng tình trạng khẩn cấp chấm dứt sớm chừng
nào thì người dân càng sớm có được những quyền dân chủ mà hiện
họ chưa được hưởng, và thiếu những quyền này, các đảng phái dân
chủ không thể hoạt động hữu hiệu được. Chính phủ Malaya phải bảo
đảm chắc chắn rằng nếu MCP từ bỏ hoạt động vũ trang thì sẽ không
còn đàn áp nữa, và nếu đảng này chấp nhận các phương pháp đấu
tranh chính trị hợp hiến, nó phải được phép hoạt động như một
đảng phái hợp pháp.
Raja và tôi là những người Âu học cấp tiến vốn chẳng có khái niệm
gì về các động cơ của cuộc khởi nghĩa du kích và cách mạng bạo lực.
Việc làm của chúng tôi phần nào có thể được coi như ngây thơ
nhưng chủ yếu nó xuất phát từ cách vận động quần chúng rất tuyệt
của những người cánh tả. Họ diễn thuyết công kích các quy định của
tình trạng khẩn cấp, nêu chúng thành vấn đề nghiêm trọng, vì trước
hết phải bãi bỏ chúng nếu MCP được ra công khai và tự do tổ chức
lực lượng của mình.
Hồi đó tôi nói nhiều điều bất cẩn, nên có lẽ cũng may là PAP không
tiến hành thành lập một chính quyền và do đó sẽ không thực thi
được những đề nghị của mình. Nhưng trong lúc đó, chúng tôi đã gợi
lên được ước mơ về những thay đổi lớn. Chúng tôi đã khiến dân
chúng trở nên quan tâm đến chuyện chính trị đến độ họ đến để
nghe chúng tôi diễn thuyết, rồi chúng tôi gợi cho họ những ý nghĩ
mới, và một tinh thần phản kháng. Cuộc vận động tranh cử trong
năm tuần lễ đó chắc chắn đã làm thay đổi bầu không khí ở
Singapore. Nhưng trong khi nền chính trị sa–lông có thể là một
chuyện quá khứ, nhưng hệ quả của thứ ngôn ngữ kích động chắc
chắn sẽ là bạo động.
11
VÒNG ĐẦU CHO NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN
Laycock ngày càng không hài lòng về những hoạt động chính trị
của tôi nhưng không bao giờ phàn nàn trực tiếp. Năm 1954, sau ba
năm phục vụ, ông ta ký với tôi một hợp đồng cộng tác, theo đó, tôi
được bảo đảm một khoản lương mà thấp nhất thì cũng nhiều hơn
con số tôi và Choo kiếm được trước đây. Ông ta không muốn tiếp tục
thuê Choo, hiện cô chỉ thích ở nhà trông nom Loong, và sau đó là
Ling, đứa con gái ra đời vào tháng 1/1955. Ông ta biết tôi làm công
việc của mình theo đúng hợp đồng của chúng tôi, và ông ta chấp
nhận tôi. Tuy nhiên sự thất bại của Đảng Tiến bộ và bản thân ông ta
bị các cử tri Katong tẩy chay đã giáng cho ông ta những đòn chí
mạng. Có lẽ ông ta đã nghĩ rằng Đảng Tiến bộ sẽ thành lập chính
phủ và tôi sẽ đứng về phe đối lập. Nhưng chuyện này đã không xảy
ra, vì vậy, tôi trở nên hoàn toàn không thể chấp nhận được, ông ta
không bao giờ nói gì với tôi nữa. Cuối cùng, ông ta viết cho tôi một
lá thư yêu cầu chấm dứt hợp đồng của chúng tôi càng sớm càng tốt,
dự định vào cuối tháng 8/1955. Tôi đồng ý ngay. Thế là kết thúc
một quãng đời sự nghiệp của tôi.
Trong năm năm sau khi từ Anh về, tôi đã xây dựng được một cái gì
đó cho việc hành nghề luật của mình và cũng đã gây dựng được nền
tảng ủng hộ chính trị trong những nghiệp đoàn. Nhưng hiện tôi có
hai nhiệm vụ trước mắt: bắt đầu xây dựng công ty luật của riêng
mình và xây dựng tổ chức đảng cho PAP. Chẳng có gì cấp bách. Tôi
có bốn tháng để chuẩn bị rời Laycock & Ong, và bốn năm để tổ chức
lại PAP trước khi đến kỳ bầu cử kế tiếp. Cùng với Choo và em trai
Dennis, chúng tôi thành lập công ty luật Lee & Lee trên đường
Malacca, gần Laycock & Ong.
Những gì tôi không lường trước là ảnh hưởng của cuộc vận động
tranh cử đối với quân đội và các cán bộ nghiệp đoàn. Hoạt động dữ
dội của phái khuynh tả, và ảnh hưởng của họ đối với lập trường
chính trị của Devan Nair và Lim Ching Siong, đã tạo ra bầu không
khí căng thẳng. Nhiều cán bộ của MCP đã đợi thời cơ, hoặc ẩn danh
kể từ khi tình trạng khẩn cấp được công bố. Những tuần trước và
trong cuộc tuyển cử, họ xuất hiện công khai, hòa vào số người hỗ
trợ vận động tranh cử để kích động tư tưởng chống chính quyền
trong giới công nhân, những người ở nông thôn (hầu hết là những
người Hoa chăn nuôi heo gà, trồng rau cải) và những học sinh người
Hoa. Họ khơi dậy lòng căm thù đối với bọn đế quốc, chính phủ thuộc
địa, cảnh sát thuộc địa, các nhà tư sản Anh, các nhà tư sản mại bản
bản xứ đã tiếp tay cho bọn tư sản Anh bóc lột nhân dân. Họ đã tạo
ra bầu không khí bức bối – tất cả những ai đi vào quỹ đạo của họ
đều tin rằng một cuộc cách mạng thành công chỉ còn trong sớm
chiều. Và tính chiến đấu rõ ràng là thường lây lan.
Trước khi xảy ra vụ kiện tờ Fajar, tôi luôn tìm kiếm những tay hoạt
động chính trị tương lai trong đám sinh viên thuộc đại học Malaya
sẵn sàng làm việc với các nghiệp đoàn. Tôi có quá nhiều chuyện để
làm, và cần những người phụ tá chuyên trách. Thật không dễ tìm
chút nào. Những sinh viên tốt nghiệp loại kha khá đều muốn những
nghề nghiệp ngon lành. Ít có ai sẵn lòng nhận mức lương thấp hơn
mức bình thường vẫn dành cho những người có bằng cấp như họ, và
làm việc với các nghiệp đoàn. Chẳng có gì vinh quang trong công
việc này cả. Vài người xung phong nhận làm vì mục đích chính
nghĩa, vì tinh thần lý tưởng của tuổi trẻ. Một trong những người đó
là Sandrasegeram (còn gọi là Sidney) Woodhull được tôi giới thiệu
với Nghiệp đoàn Lao động Căn cứ Hải quân để làm thư ký có lương
(nhưng thấp). Một người nữa là Jamit Singh, một người Sikh đã từ
bỏ khăn xếp và cạo bỏ râu. Anh ta rớt trong kỳ thi cuối cùng, nhưng
đủ năng nổ trong công việc, dù có hơi nóng tính. Theo sự giới thiệu
của tôi, anh ta trở thành một thư ký ăn lương của Hiệp hội nhân
viên Ban quản lý cảng Singapore. Trước khi tiến hành việc điều động
nhân sự này, tôi đã kiểm tra với Corridon để xem họ có phải là
thành viên mật của Hiệp Hội bài Anh không, hoặc có thể có xu
hướng thiên tả không. Corridon chẳng truy được gì về họ, nhưng
không thể nào bảo đảm được lòng trung thành của họ được.
Corridon khuyên tôi nên thử dùng họ vì nếu tôi không thuyết phục
được họ làm việc cho những mục tiêu trung lập, thì tinh thần hành
động của họ sẽ dẫn họ đến với những người cộng sản. Điều đó nghe
có vẻ hợp lý. Bước đầu cả hai đều không phải người thân cộng,
Woodhull chỉ mới biết qua chủ nghĩa Mác ở đại học, còn Jamit thì
chẳng quan tâm gì đến các lý thuyết trí thức.
Nhưng việc kế tiếp xảy ra là Hiệp hội nhân viên Ban quản lý cảng
Singapore, cho đến nay là một nhóm phi quân sự gồm phần lớn là
những người Ấn theo Anh học và những thư ký người Hoa, đã tiến
hành đình công. Bề ngoài, Jamit kêu gọi họ đình công vì Ban quản lý
cảng không giải quyết những yêu sách về mức lương làm việc ngoài
giờ, giờ làm việc, tiền trợ cấp và tiền thưởng. Nhưng sự thật anh ta
chỉ muốn một cuộc đấu tranh, và ra sức kích động ngay cả sau khi
Ban quản lý cảng đề nghị tăng lương. Tất cả đều do tôi. Tôi đã ngây
thơ khi cho vài tay Anh học thích hoạt động chính trị của mình tiếp
xúc với những cán bộ nói tiếng Hoa của MCP. Bây giờ thậm chí một
người thờ ơ với chính trị như Jamit cũng theo Lim Chin Siong và
Fong Swee Suan vì họ là những người năng nổ nhất trong số những
người hoạt động nghiệp đoàn. Anh ta đã chứng kiến các nghiệp
đoàn những người nói tiếng Hoa trở thành những tổ chức quân sự,
và quyết định các thư ký của mình không được tụt hậu. Vả lại hiện
giờ Lim đã có Devan Nair và James Puthucheary (họ cùng bị giam ở
đảo St John trước đây) trong Nghiệp đoàn Công nhân Nhà máy và
Phân xưởng Singapore, mà số hội viên từ vài trăm hồi năm ngoái giờ
lên đến hơn 10.000 người. Họ giúp anh ta hoạt động trong vòng luật
lệ và hướng dẫn người Hoa vượt qua guồng máy thư lại nói tiếng
Anh.
Các cán bộ thân cộng đã phấn khích vì niềm tin về thắng lợi trong
trận chiến chính trị của họ với một tổ chức chính trị hợp pháp là PAP,
với những lãnh đạo Anh học hiểu biết về chế độ đại nghị. Nó cung
cấp cho họ lớp vỏ bọc. Vị trí của Lim Chin Siong như một ủy viên Hội
đồng lập pháp đã tạo cho ông ta một địa vị đáng tôn kính trước mặt
chính phủ và các nhân viên công lực. Sau đó là thái độ ngạo mạn
thái quá nổi lên từ sự thất bại hoàn toàn của đảng Dân chủ và sự
sụp đổ thảm hại của các chuyên gia Anh học trong đảng Tiến bộ.
Đương đầu với thách thức này hiện nay là một chính phủ Mặt trận
Lao động bao gồm những kẻ cơ hội yếu kém, dưới tay một Tổng ủy
viên có thiện chí nhưng ngây thơ về mặt chính trị là David Marshall,
người không hiểu gì về khối người nói tiếng Hoa, nhưng lại rất khao
khát đóng trọn vai trò, theo quan niệm riêng, như một người có xu
hướng tự do và xã hội chủ nghĩa muốn giải thoát Singapore khỏi chế
độ thực dân.
Trong Hội đồng Lập pháp, tôi nối lại quan hệ với William Goode,
tổng thư ký. Tôi gặp ông ta lần đầu vào năm 1953 qua một vụ khiếu
nại nhỏ của các bưu tá. Đó là khi chính phủ giao cho các tù nhân
công việc sơn những sọc đỏ vào hai bên ống quần kaki của các bưu
tá, khiến họ than phiền trông họ như những tay phụ việc trong các
rạp xiếc. Chính phủ khẳng định những sọc đó là cần thiết vì các bưu
tá thường mặc quần đó sau giờ làm việc, mà điều này họ không nên
làm. Goode là một người to con với nét mặt thô và sống mũi bị gãy
do chơi quyền Anh hồi trẻ. Môi trên ông ta dài, và có giọng trầm êm
dịu. Ông ta học trường công và ở Oxford. Nhưng người ta có thể
nhận ra sự cứng rắn đằng sau giọng nói nhẹ nhàng, đôi mắt xám và
chiếc cằm cương nghị của ông ta. Ông ta nằm trong Đoàn quân tình
nguyện Singapore, là tù binh chiến tranh từ năm 1942 đến 1945, và
bị đẩy đi lao động khổ sai trong tuyến đường sắt chết người ở Thái
Lan. Ông ta cười nói ồn ào và thái độ thoải mái. Chúng tôi ăn ý với
nhau, và giải quyết vấn đề bằng cách viền một dải vải đỏ hẹp thay
vì sơn. Điều đó khiến cho các nhân viên bưu tá trông lịch sự chứ
không giống các anh hề. Chính phủ có hơi tốn kém hơn một chút.
Hiện giờ Goode giải thích rằng những quy định về tình trạng khẩn
cấp là cần thiết vì giết người, đốt nhà, tạt a–xít và những tội phạm
bạo lực khác là một phần trong cuộc đấu tranh giành quyền lực của
phe quá khích. Họ sử dụng bạo lực không chỉ với quân đội, mà còn
đối với dân thường nhằm yêu cầu họ kín miệng. Kết quả là không
một ai còn ham sống lại dám xuất hiện trước tòa án để làm nhân
chứng trước bất kỳ tội phạm nào liên quan đến phe quá khích. Ông
ta nhắc lại vụ ám sát vào ngày 17/4 nhắm vào một cậu trai người
Hoa, cậu này bị gọi ra khỏi một câu lạc bộ âm nhạc nơi cậu đang
chơi khẩu cầm (harmonica) và bị bắn chết. Khi chuyện đó xảy ra, tôi
đang ở tại công ty Dapu Hakka của chúng tôi ngay bên cạnh câu lạc
bộ vào buổi chiều Chủ nhật đó, dự một bữa tiệc trà mừng thắng lợi
cho cuộc bầu cử của tôi, và nghe tiếng súng vang lên. Lúc đó vào
giữa ban ngày, nhưng không một ai chạy ra để nhận dạng hung thủ
hoặc giúp đỡ cảnh sát, vốn không bao giờ được trợ giúp khi muốn
bắt giữ và đưa ra tòa những tay khủng bố này.
Qua 5 năm hành nghề trong luật sư đoàn, tôi biết Goode đang nói
những sự kiện không thể chối cãi. Tuy nhiên, tôi không thể ủng hộ
việc kéo dài những quy định về tình trạng khẩn cấp bởi vì chúng tôi
đã chống lại chúng như một phần trong lập trường tranh cử của
chúng tôi. Chúng tôi đã làm thế như một vấn đề nguyên tắc, tin
rằng nếu chúng tôi có độc lập, chúng tôi có thể hủy bỏ chúng. Đến
tháng 4, tôi bắt đầu có nghi ngờ về điều này, nhưng phải một năm
rưỡi sau những nghi ngờ đó mới biến thành niềm tin chắc chắn rằng
Raja, Keng Swee, Chin Chye, Kenny và tôi, tất cả đều sai lầm.
Nhưng tôi phải thực hiện vai trò của mình trong Hội đồng, đó là
nhanh chóng làm giảm áp lực của tình trạng nhân danh an ninh này
và đưa ra chương trình nghị sự của chúng tôi. Đáp lại lời của Bill
Goode, vì thế, tôi nói đầy châm biếm: “Đó là điều đáng rùng mình
về chuyện các thám tử và cảnh sát có thể điều tra được việc gì,” và
tôi thêm rằng: “Khi không hề có mảy may bằng chứng nào” rằng
cậu học sinh đã bị giết trong hoàn cảnh vô cùng khó hiểu hoặc là
nạn nhân của một vụ khủng bố, ngoại trừ sự kiện rằng từ khi cậu bị
bắn, các học sinh khác đã nghĩ ra khôn ngoan nhất là đừng dính vào
sự việc.
Cả việc bãi bỏ lẫn kéo dài những quy định về tình trạng khẩn cấp
đều không giải quyết được vấn đề, tôi nói thêm: “Nếu chúng ta phải
giải quyết chuyện đó, thì hãy có can đảm để nói: ‘Chúng tôi tin vào
nền dân chủ và chúng tôi sẽ đấu tranh cho nó. Chúng tôi cho bạn
nền dân chủ này để bạn bảo vệ.’ Nếu sau đó chúng ta thất bại,
chúng ta phải thừa nhận, cũng như người Pháp đã thừa nhận ở
Đông Dương, rằng không cách nào thành công được.”
Sau hai ngày đầu của phiên họp Hội đồng lập hiến, với các phóng
viên báo chí cũng như với những thành viên có mặt thì rõ ràng hai
nhân vật chính sẽ là Marshall và tôi. Ông ta có cá tính, có biệt tài sử
dụng ngôn ngữ đa dạng, và có khiếu đóng kịch để thu hút sự chú ý
của Hội đồng. Còn tôi có sở trường châm chích và làm xẹp lối khoa
trương của ông ta và khoái chí làm điều đó. Dù PAP chỉ có ba thành
viên trong Hội đồng lập hiến cộng với Ahmad Ibrahim, chủ tịch Hội
đồng, ngài George Oehlers, vẫn xếp tôi ngồi vào ghế thường dành
cho lãnh tụ phe đối lập, đối diện với chỗ của Tổng ủy viên.
Là một luật sư gần 50, Oehlers rất tỉ mỉ và câu nệ, nhất định tỏ ra
công bằng và vô tư. Ông biết rằng mình sẽ chủ tọa nhiều cuộc tranh
luận hứng thú nếu như tôi ở vị trí đối lập với Marshall vì tôi sẽ dũng
cảm đương đầu với ông ấy. Những gì mà ngài Chủ tịch Hội đồng
chưa biết là Marshall dễ bị kích động bởi sự châm chọc sắc bén rồi
làm những chuyện mà sau đó ông ta sẽ hối tiếc. Ông ta sẽ nhanh
chóng phải đối mặt với một thử thách nghiêm trọng đối với quyền
lực của mình, vì ảnh hưởng của những hoạt động của Fong và Lim
Chin Siong trong cuộc vận động tranh cử đã đưa họ đến một cuộc
xung đột không thể tránh khỏi với cảnh sát.
Fong đã thành công trong việc tập hợp những công nhân thuộc
công ty xe buýt Paya Lebar gia nhập vào nghiệp đoàn của ông ta hồi
tháng 2, ngược với mọi ý muốn của ông chủ họ, và hiện đang cố lôi
kéo công ty xe buýt Hock Lee. Nhưng Kwek Sing Leong, tay giám
đốc điều hành cứng rắn của Hock Lee sẽ không nhường quyền điều
khiển công nhân và việc kinh doanh của mình cho một nhóm những
tay khuynh tả trẻ tuổi; hơn nữa, Lim Yew Hock với tư cách là ủy
viên lao động, đã ủng hộ ông ta, và cả Liên hiệp nghiệp đoàn
Singapore của ông ta nữa. Tuy nhiên Fong quyết định dạy cho Kwek
và những công ty xe buýt còn lại một bài học.
Sau ngày khai mạc Hội đồng lập pháp vào tháng 4/1955, ông ta
tập hợp những người ủng hộ Nghiệp đoàn công nhân xe buýt
Singapore (SBWU) của ông ta để tổ chức lễ kỷ niệm đầu tiên của
nghiệp đoàn bằng cách đặt người đứng gác ở bãi xe buýt của Hock
Lee trên đường Alexandra không cho công nhân vào làm việc. Ông
ta tuyên bố một cuộc đình công chính thức, và cố thuyết phục
những người làm thuê của tất cả các hãng xe buýt khác đồng tham
gia đình công nếu Kwek không đồng ý Hock Lee trở thành một phân
xưởng gồm toàn thành viên nghiệp đoàn với SBWU là tổ chức duy
nhất của nó, và giải quyết ngay những tranh chấp tồn đọng của họ.
Phản ứng của Kwek là sa thải tất cả 229 công nhân thuộc SBWU,
ngay lúc đó các công nhân tiến hành một cuộc đình công tuyệt thực
và lại cho người đứng gác ở bãi xe buýt ngay trong đêm đó.
Đồng thời các học sinh người Hoa ở khắp nơi tham gia hành động.
Các nam nữ sinh đến giúp vui cho những người đình công bằng các
bài hát và điệu múa, và bởi vì một trong nhiều cuộc tranh chấp của
Lim Chin Siong là tranh chấp với công ty Mis–Sino Aerated Water,
không xa khu vực Hock Lee lắm, nên các học sinh có thể chạy qua
lại giữa hai nơi để động viên và ủng hộ. Tôi khuyên Fong đừng kêu
gọi một cuộc đình công trước khi đưa ra một thông báo 14 ngày và
trước khi thông báo này hết hạn. Fong làm theo, nhưng trong một
bài diễn văn tại Hội đồng lập pháp vào ngày 27/4, Lim Chin Siong
phản đối thông báo, điều này vốn nằm trong những quy định của
tình trạng khẩn cấp.
Kwek không hề sợ hãi trước đe dọa đình công và muốn cho những
chiếc xe buýt của mình ra đường ngày hôm sau. Nhưng nhóm 150
người đình công của Fong đã thành lập một rào chắn bằng người
ngay trước cổng chính bãi xe và từ chối giải tán bất chấp những
cảnh cáo lặp đi lặp lại của cảnh sát. Các vòi nước được sử dụng và
họ bị giải tán. Mười lăm người đình công khai là họ bị hành hung tàn
bạo, nhưng chẳng có ai bị gì hơn ngoài những xây xát ngoài da.
Kwek đã đưa được 40 trong số 70 xe buýt của mình ra đường.
Trong hai tuần kế tiếp, tôi học được bài học đầu tiên về chiến lược
đàm phán CUF. Mỗi sự nhượng bộ ngay tức khắc dẫn đến một đòi hỏi
mới. Mỗi lời từ chối một đòi hỏi sẽ làm tăng thêm sự giận dữ và căng
thẳng. Trong khi đó, những học sinh người Hoa cùng với những ủng
hộ viên từ Nghiệp đoàn Công nhân Phân xưởng và Nhà máy của Lim
Chin Siong tiếp tục đến thăm hỏi những người đình công để làm
tăng thêm cảm giác về sự đoàn kết và sức mạnh tập thể của họ,
cùng niềm tin rằng nhất định họ sẽ thắng lợi. Lim và Fong không
chịu điều gì kém hơn việc nắm quyền điều khiển tất cả các công
nhân xe buýt và có thể làm tê liệt hệ thống giao thông của thành
phố theo ý muốn.
Ngày 29/4, Marshall can thiệp, đích thân tới bãi xe của Hock Lee
để làm cầu nối những bất hòa và đi đến một hòa giải. Dưới áp lực
của Tổng ủy viên, Kwek đề nghị nhận lại những công nhân bị sa thải
trong khi chờ đợi kết quả của một ủy ban điều tra do Lim Yew Hock
điều động. Tôi thuyết phục Fong chấp nhận điều này. F.A. Chua, viên
quan tòa đã thẩm vấn vụ tờ báo Fajar, làm chủ tọa ủy ban này. Là
một người thực dụng, ông ta muốn tìm một giải pháp hữu hiệu. Ông
ta phái hai phần ba số xe buýt đến nghiệp đoàn của Fong và một
phần ba tới nghiệp đoàn của hãng, và cho chạy theo những tuyến
khác nhau, ông đề nghị nhận lại tất cả các công nhân bị sa thải. Các
xe buýt tiếp tục chạy vào ngày hôm sau.
Nhưng chỉ vài tiếng sau, cuộc đình công lại tiếp tục khi những
người kiểm tra vé trong nghiệp đoàn của Fong từ chối ghi tên họ vào
sổ với công ty trước khi rời khỏi bãi xe, trong khi những thành viên
khác khai là họ bị phân biệt đối xử qua việc được giao những chiếc
xe bị hư hỏng. Các công nhân trong Nghiệp đoàn Công nhân Hock
Lee trung thành với Kwek tiếp tục đưa xe của họ ra đường, nhưng
những người đình công rạch nát ghế ngồi và bấm chuông liên tục để
các tay tài xế bối rối. Trong khi đó, những người đình công gác cổng
lại một lần nữa ào ra và cảnh sát phải dùng vòi rồng giải tán họ. Đó
mới chỉ là bắt đầu thôi. Ngày kế tiếp, Fong kêu gọi tất cả bảy công ty
xe buýt ở Singapore đình công hai ngày, điều đó sẽ khiến cho giao
thông công cộng bị ngưng trệ. Hai mươi nghiệp đoàn mà ông ta và
Lim Chin Siong điều khiển sau đó đe dọa một cuộc tổng đình công
trừ khi có một cuộc thương lượng trực tiếp giữa công ty xe buýt
Hock Lee và SBWU được mở ra trong vòng 24 giờ. Sớm ngày 12/5,
các đội xe buýt còn lại của công ty Hock Lee và của công ty
Singapore Traction (STC) bị hăm dọa và phải ngưng làm việc, và vì
STC chạy các tuyến chính ở nội thành nên thành phố hầu như bị tê
liệt, chỉ có những xe hơi riêng và taxi là có mặt trên đường. Công
việc hầu như ngưng trệ ở nhiều nơi khác, như Thống đốc John Nicoll
báo cáo với Alan Lennox–Boyd, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa13: “Hoặc do
đồng tình, sợ hãi hoặc do hoang mang đơn thuần”.
Cũng buổi sáng đó, những người đứng gác quay lại bãi xe của Hock
Lee. Fong cố thuyết phục họ lần này hãy dũng cảm đứng vững và họ
móc tay nhau thành một dây xích người khi cảnh sát tiến vào với
những vòi rồng. Các vòi nước vẫn quét họ đi, và những chiếc xe
buýt băng qua cổng, bị ném đá tới tấp. Nhưng vào buổi chiều, 20 xe
tải chở học sinh người Hoa cùng đổ về bãi xe và xảy ra một trận ẩu
đả, với khoảng 2.000 học sinh và 300 người đình công đọ sức cùng
cảnh sát. Vũ khí chính của một bên là đá và chai lọ, bên kia là hơi
cay, nhưng thỉnh thoảng những cảnh sát bị dồn vào chân tường phải
dùng cả súng ngắn. Đến tối cơn hỗn loạn cuồng nhiệt hơn.
Khoảng 9 giờ tối, tôi lái xe đến ngã tư đường Tanglin và Jervois,
nằm trên con dốc và nhìn rất rõ bãi xe của Hock Lee bên dưới. Trên
xe tôi bật radio, và vào 9 giờ 30, giọng của Marshall trên radio nghe
rầu rĩ. Ông ta đang bối rối. Ông ta đứng về phía nhân dân và những
công nhân bị áp bức, nhưng họ đang nổi loạn. Ông ta tán dương họ
vì những hy sinh của họ trong quá khứ đã đem lại phồn vinh cho
Singapore, và kêu gọi họ hãy cho ông ta có thời gian để giải quyết
ổn thỏa các thứ. Ông ta nói: “Vả lại chúng ta đã và đang tìm kiếm
sự hỗ trợ của giáo sư Arthur Lewis thuộc đại học Manchester, một
người da đen Trung Mỹ, với tư cách là nhà kinh tế, và cả đời ông
trung thành với chủ nghĩa xã hội, để giúp đỡ chúng ta trong việc tái
định hướng nền kinh tế của đất nước này vì lợi ích của nhân dân.”
Tôi không thể tin vào tai mình nữa.
Tôi thất vọng cho Marshall và cho Singapore. Hoặc ông ta cứ để
cho viên thống đốc và tay tổng thư ký giải quyết việc này, hoặc nếu
như ông ta nắm quyền lúc đó, ông ta phải nắm vững quyền kiểm
soát và nói với những công nhân đang đình công rằng nếu họ không
ngưng vụ bạo loạn này, ông sẽ dùng vũ lực để lặp lại an ninh trật tự.
Ngày 21/5, viên thống đốc báo cáo với Alan Lennox–Boyd: “Tổng ủy
viên, dưới sức ép dữ dội của tôi và những người khác, đã phát biểu
với công chúng trên Đài truyền thanh Malaya một bài diễn văn dài
và thiếu sức thuyết phục, một lần nữa đổ lỗi tình trạng này cho ‘chủ
nghĩa thực dân’ và ‘sự bóc lột kinh tế’, việc này nghe chừng không
chặn được tình trạng vô trật tự mà cũng không bảo đảm được tình
trạng tôn trọng luật pháp.”
Tôi biết rằng Lim Chin Siong và Fong đang nhắm tới một cuộc xung
đột với nhà cầm quyền, nhưng tôi không hề mong chờ một sự bột
phát cơn thịnh nộ của dân chúng. Người dân tin rằng luôn có tình
trạng thù địch ngấm ngầm nào đó trong cộng đồng những người nói
tiếng Hoa đối với các ông chủ da trắng của họ, nhưng tôi không hề
nghĩ ra nó lại mãnh liệt đến thế. Được các học sinh người Hoa và
những chuyên viên kích động đẩy lên tới đỉnh cao, nó đã bùng nổ
ra. Có lẽ thậm chí cả Lim và Fong cũng không liệu trước được những
gì đang xảy ra. Nhưng tôi nghiệm ra, sau rất nhiều lần, rằng mục
đích của họ không phải là lý luận, tranh cãi hay dàn xếp gì cả. Luôn
bố trí một sự xung đột, tạo ra lòng căm thù rộng rãi hơn nữa đối với
kẻ thù thực dân. Họ muốn tạo ra những tiền đề cho một cuộc cách
mạng: trước nhất, một chính phủ không giữ được niềm tin của nhân
dân và thứ hai, một chính phủ mất niềm tin vào năng lực của chính
nó trong việc giải quyết những vấn đề khi mà tình trạng vô trật tự,
nghèo đói và bạo lực ngày càng tăng khắp nơi.
Sự nổi loạn kéo đến ngày hôm sau. Lúc 4 giờ chiều, đám đông
khoảng 1.000 người tấn công vào cảnh sát và phải dùng hơi cay mới
giải tán được. Sau khi trời tối, họ tiếp tục tấn công các đồn cảnh sát,
các trạm gác, những cảnh sát đi lẻ và những xe tuần tiễu có máy bộ
đàm. Những vụ tấn công rồi tẩu thoát xảy ra suốt đêm cho đến 3
giờ sáng, khi những đám đông lớn giải tán. Nhưng những nhóm 10,
20 người vẫn còn ném đá vào cảnh sát đang dọn dẹp những chướng
ngại và kéo các xe hư hại khỏi lòng đường. Hai cảnh sát bị giết và
14 người bị thương, cùng khoảng 17 thường dân. Mỗi khi có sự kích
động nổ ra, đám đông sẽ tấn công bất kỳ người da trắng nào có mặt
vì tư tưởng chống đối người da trắng đang sục sôi. Một phóng viên
người Mỹ làm việc cho UPI đã bị đánh đến chết, và ba người châu Âu
may mắn thoát được.
Vào khoảng 10 giờ 35 tối đầu tiên, một đám đông tấn công xe
tuần tiễu trên đó có một viên trung úy người Anh chỉ huy, ném
những chai lọ và đá đồng thời xáp lại gần. Viên trung uý gọi bộ đàm
yêu cầu giúp đỡ, nhưng trước khi ông ta và thuộc hạ được giải
thoát, ông ta đã dùng súng lục bắn bốn phát. Ông ta nói mình không
nhắm vào đám đông, nhưng có một phát đạn hình như đã trúng vào
một học sinh người Hoa 17 tuổi. Thay vì đưa cậu ta thẳng vào bệnh
viện, những học sinh khác đã đặt cậu vào một chiếc xe tải và diễu
hành cậu qua các đường phố trong suốt ba giờ đồng hồ, vì vậy khi
được đưa đến bệnh viện, cậu đã chết vì một vết thương ở phổi. Nếu
được đưa thẳng tới bệnh viện, có thể cậu đã được cứu sống. Nhưng
một mạng người có nghĩa lý gì nếu sự hy sinh đó có thể dấy lên
ngọn lửa cách mạng?
Sau cuộc nổi loạn ngày 13/5/1956, chính phủ quyết định trở nên
cứng rắn và đóng cửa ba trường Hoa. Nhưng các học sinh tiếp tục
cắm trại trong trường và được các nghiệp đoàn do Lim Chin Siong và
Fong điều khiển giúp đỡ; có nhiều cuộc tuần hành của những người
đình công qua thành phố, ném đá và tấn công vào xe hơi. Cuối cùng
tình hình bớt căng thẳng sau khi đám tang cậu học sinh người Hoa
vào ngày 16/5 trôi qua mà không xảy ra xô xát. Tối hôm đó, sau
bốn tiếng đồng hồ thương lượng, Marshall phấn khởi tuyên bố trên
đài phát thanh rằng đã đạt được một thỏa thuận “có thể dẫn đến
một sự dàn xếp cho tất cả các cuộc đình công còn tồn đọng vì quyền
lợi công nhân” ở Singapore. Ông ta bổ nhiệm Charles Gamba làm
trọng tài kinh tế, người được biết là đứng về phe nghiệp đoàn.
Gamba ra quyết định cuối cùng của mình vào ngày 28/6. Những
thành viên của SBWU đã bị sa thải ngày 23/4 sẽ được nhận làm việc
lại. Nghiệp đoàn Công nhân Hock Lee với 160 thành viên bị giải tán.
Kwek không nhượng bộ dễ dàng. Ông ta vẫn phân công việc cho
các thành viên cũ của Nghiệp đoàn Công nhân Hock Lee vốn trung
thành với ông ta, và các lãnh đạo của nghiệp đoàn đe dọa bác bỏ
phán quyết của Gamba cho đến khi chính phủ thuyết phục được
công ty đi theo nó. Kwek quyết liệt và ương ngạnh. Ông ta là một
người Hockchia, một chi tộc Hokkien nổi tiếng thô bạo và cứng rắn.
Công ty xe buýt Hock Lee là một doanh nghiệp gia đình, và ông ta
tin chắc mình có thể chiến đấu và chiến thắng vì nhiều thành viên
trong nghiệp đoàn là dân cùng bang hội với ông ta và những viên
chức chủ chốt kiểu như những kiểm tra viên và người chấm công là
họ hàng ruột thịt của ông ta. Nhưng một chính phủ thiếu kinh
nghiệm, không biết cuộc chơi nhắm vào điều gì, đã giúp phái quá
khích bẻ gãy mối liên kết chặt chẽ nhất của tất cả công ty xe buýt ở
Singapore.
Đó là một thắng lợi hoàn toàn cho Fong và Nghiệp đoàn Công nhân
Xe buýt Singapore và phương pháp của họ, hoàn hoàn không chỉ vì
hiện họ đã nắm được Marshall. Họ biết họ đã có sẵn một cánh cửa
để mở. Phương cách mà SBWU chiến đấu và chiến thắng đã cung
cấp cho tất cả các nghiệp đoàn – những công nhân và các lãnh đạo,
những người cộng sản và phi cộng sản – một niềm tin rằng họ sẽ
giành được nhiều hơn nếu như họ cũng thể hiện tinh thần đấu
tranh.
12
MARSHALL LÀM KHỦNG HOẢNG THÊM TRẦM
TRỌNG
Fong Swee Suan và bốn lãnh tụ nghiệp đoàn khác bị chính phủ bắt
giữ dựa trên những quy định về tình trạng khẩn cấp ngày
11/6/1955. Sáu nghìn công nhân xe buýt ra mặt chống lại vụ bắt
giữ này. Ngày kế tiếp, do cái mà nhà cầm quyền mô tả là “trò khủng
bố dựa trên số đông” đối với giới tài xế, các taxi cũng biến mất khỏi
đường phố. Nhưng chính quyền đã triển khai dịch vụ chuyên chở
khẩn cấp miễn phí tại những khu quan trọng trong thành phố, và
trên 100.000 nhân công và 280.000 người khác tiếp tục đi làm mà
không hề có sự cố gì. Dù phương tiện giao thông công cộng bị tê
liệt, cuộc đình công cũng không làm thành phố ngưng trệ hoạt động
được. Lúc này dân chúng không còn đồng tình với nó nữa – nó mang
đậm màu sắc chính trị và không liên quan gì đến bất kỳ bất mãn
nào về kinh tế của họ. Sau bốn ngày, Lim Chin Siong và Devan Nair
bất ngờ cho ngưng đình công, và 13.000 công nhân, nam lẫn nữ,
trong 90 hãng công nghiệp và thương nghiệp, quay lại làm việc.
Chính quyền coi như thắng lợi. Fong vẫn bị bắt giữ cho đến ngày
25/7.
Tôi quyết định tách khỏi bối cảnh rối loạn này và đi nghỉ thường
niên. Cùng Choo và Loong, 3 tuổi, tôi lái xe lên cao nguyên
Cameron vào ngày 1/6 và lưu lại đó ba tuần. Chúng tôi để Ling, mới
3 tháng tuổi, ở nhà vì con bé còn quá nhỏ.
Tôi chơi gôn ở Tanah Rata mỗi ngày, sáng và chiều. Khi tôi đi dạo
trên sân gôn 9 lỗ mát mẻ và thoải mái tại cao nguyên này, cao hơn
mặt biển khoảng 2.000 m, tôi thấm thía ý nghĩa của những sự kiện
trong vài tháng trước đó. Tôi tin chắc rằng việc tiếp tục theo con
đuờng mà Lim Chin Siong và Fong đã lao vào thì sẽ kết thúc trong
thảm hoạ chính trị. PAP và các liên đoàn ở đường Middle Road (được
đặt tên vì vị trí trụ sở của chúng, chứ không phải vì chúng theo
chính sách trung dung) sẽ bị cấm chỉ. Nhưng nếu Marshall tránh né
những biện pháp không được quần chúng ủng hộ, thì toàn bộ nền
kinh tế và xã hội Singapore sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn đến độ
chính quyền Anh sẽ phải đình chỉ hiến pháp.
Ngày 21/6, tôi lái xe đưa gia đình trở lại Singapore. Báo chí nói
bóng gió là tôi trốn chạy khỏi những rắc rối này, nhưng tôi biết sự
hiện diện của mình sẽ không tạo ra một thay đổi nào. Khi tờ Straits
Times phỏng vấn tại sao tôi không trở lại nhiệm sở của mình, tôi nói
ủy ban chấp hành của tôi không yêu cầu tôi tới, và tôi rất tin tưởng
ở họ.
Đây là cuộc thử lửa đầu tiên của tôi với CUF. Tôi bàn luận vấn đề
với Chin Chye, Raja và Kenny (Keng Swee đang ở London để lấy
bằng tiến sĩ). Chúng tôi quyết định rằng tôi nên nói cho Lim và Fong
hiểu rõ về luật đối với các vụ gây rối. Tôi bảo họ rằng nếu họ tiếp
tục theo cách này, họ phải một mình chịu hết trách nhiệm. Điều đó
khiến họ bớt bồng bột, và ngày 26/9 viên thống đốc, ngài Robert
Black, viết một báo cáo gởi đến Alan Lennox–Boyd:
“Sự sụp đổ của cuộc tổng đình công này đã làm mất uy tín của
phần tử cực đoan trong PAP. Lee Kuan Yew đã rời Singapore vào thời
điểm đó và tôi được báo là ông ta đã ra đi một cách cố ý để tránh dự
vào cuộc bạo loạn… Từ đó, PAP đã có thay đổi trong chiến thuật.
Trong khi tiếp tục xúi giục các cuộc đình công, theo đuổi cuộc đấu
tranh giành quyền điều khiển tầng lớp lao động, họ đã chịu khó ép
mình trong khuôn khổ luật pháp.”
Điều đó không kéo dài lâu. Sau vài tháng, những tay quá khích đã
quay trở lại những đường lối cũ của họ, nhưng họ không xúi giục
những cuộc xung đột đẫm máu với cảnh sát hoặc tổ chức một cuộc
tổng đình công nhằm làm tê liệt nền kinh tế. Tôi tin họ vẫn nghĩ
những xung đột với cảnh sát và chính quyền là cách gợi lòng căm
thù nhiều hơn và nâng cao nhiệt tình cách mạng của quần chúng.
Đã có những lúc Lim và Fong có vẻ lắng nghe lời khuyên của tôi
trong chủ trương bám chặt những phương pháp đấu tranh hợp hiến
với những cuộc thương lượng kéo dài và sự đề kháng thụ động để
tránh đổ máu. Nhưng họ đến từ một truyền thống và nền học vấn
khác biệt với tôi và họ theo đuổi những mô hình khác hẳn.
Tôi lâm vào thế vô cùng khó khăn. Trong khi tôi không thể và
không thích biện hộ cho họ, nhưng tôi cũng không thể kết tội họ mà
không làm đổ vỡ mặt trận liên kết của chúng tôi. Như tôi đã giải
thích với một phóng viên tờ Sydney Daily Mirror trong một cuộc
phỏng vấn được thuật lại trên tờ Straits Times, “Bất kỳ ai ở
Singapore muốn lôi cuốn cộng đồng những người nói tiếng Hoa theo
họ đều không thể có thái độ chống cộng. Người Hoa rất tự hào về
Trung Quốc. Nếu tôi phải chọn giữa chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa
cộng sản, tôi sẽ bỏ phiếu cho chủ nghĩa cộng sản và đại đa số người
khác cũng vậy.” Tôi hy vọng mình có thể tìm được đủ số người Hoa
ủng hộ chúng tôi vì một nền độc lập và dân chủ. Nhưng tôi không
hề lạc quan rằng điều này có thể đạt được dễ dàng khi một Trung
Quốc xã hội chủ nghĩa thắng lợi tiếp tục là nguồn cảm hứng cho họ.
Và tôi đang chịu đựng sức ép. Viên Tổng ủy viên đã triệu tập một
cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng lập pháp vào ngày 16/5, để tận
dụng sự thay đổi thái độ đột ngột của quần chúng đối với các nghiệp
đoàn, và để cô lập và hướng mũi dùi vào PAP, làm cho những phần
tử phi cộng sản trong đảng tách khỏi phái thân cộng. Lần này viên
tổng thư ký, Bill Goode, chỉ huy cuộc công kích. Ông ta đọc một bài
diễn văn hùng hồn, kể lại chi tiết những gì đã xảy ra một cách xác
thực và đầy hiệu quả. Ông thương tiếc trước những thiệt hại nhân
mạng, khen ngợi cảnh sát và lên án những kẻ xấu đã lợi dụng công
nhân và học sinh, và sự thất bại của những tờ báo tiếng Hoa trong
việc ủng hộ phía duy trì an ninh trật tự. Tất cả những nỗ lực nhằm
đạt tới hòa giải đều đã bị ngăn trở bởi những kẻ, mà theo Goode, “rõ
ràng là không muốn giải quyết những nỗi bất mãn, mà quyết tâm
duy trì tình trạng náo động, quyết tâm lợi dụng những bất bình
chính đáng của các công nhân lương thiện cho những mục đích cá
nhân xấu xa của họ.”
Rồi ông ta bất ngờ quay sang tấn công tôi.
“Trong cơn thèm khát quyền lực của họ… Đảng PAP và những ủng
hộ viên khuynh tả giấu mặt cùng những kẻ vô trách nhiệm nhưng
háo danh trong đó chỉ muốn gây ra bạo lực, đổ máu và những tranh
chấp chủ thợ… Nếu vị đại biểu đáng kính trong hội đồng này tin vào
sự tiến bộ trong trật tự hướng đến một nền dân chủ tự trị, thì ông ta
phải chống lại chủ nghĩa cộng sản; và nếu ông ta có thái độ đó, hãy
để ông ta phát biểu rõ ràng điều đó, mà không hề lảng tránh và
ngụy biện khéo léo. Ông ta lấy làm thương tiếc sau khi cái ác đã bị
buông lỏng và nhiều người đã bị giết… Tôi hỏi ông ta: ông ta đã làm
gì để ngăn cản bạo lực trước khi nó xảy ra? Lương tâm ông ta có
thanh thản không? Hoặc ông ta đã không còn điều khiển được đại
biểu của Bukit Timah (tức Lim Chin Siong), người hiện ngồi đằng sau
ông ta và điều hành đảng?”
Tiếp lời ông ta là John Ede, một kiều dân đã giành được ghế đại
biểu khu Tanglin cho Đảng Tiến bộ. Điều này làm nhiệm vụ của tôi
dễ dàng hơn. Tôi đứng lên liền ngay sau Ede để nói rằng tôi vui
sướng khi được trả lời hai người Anh này. Nếu đó là Marshall, (thì)
“ông ta sẽ cân nhắc lời nói của mình kỹ càng hơn, thận trọng hơn,
và am hiểu hơn về những khó khăn và nguy hiểm của tình hình; với
sự hiểu biết hơn về những hy vọng, sợ hãi và nguyện vọng của
quần chúng…
Chúng tôi không tới đây như những tù nhân để bị kết tội, hoặc
như những tù nhân phải giải tỏa gánh nặng tội lỗi của họ. Mà chúng
tôi đến đây như những người đại diện của nhân dân, và chúng tôi sẽ
phát biểu với tư cách đó.”
(Tôi lặp lại lập trường của PAP là) “Để tiêu diệt hệ thống thuộc địa
bằng những biện pháp không bạo lực. Chúng tôi tuyên bố từ bỏ bạo
lực … Chúng tôi không chuẩn bị để chiến đấu, duy trì hoặc kéo dài
chế độ thuộc địa. Nhưng hãy cho chúng tôi quyền của mình và
chúng tôi sẽ chống lại những người quá khích hoặc bất kỳ ai khác đe
dọa sự tồn tại của một nước Malaya độc lập, dân chủ và không cộng
sản.”
Bởi vì tôi đã khen ngợi ông ta, Marshall một lần nữa lại do dự khi
trả lời, gây bối rối cho những người ủng hộ ông ta, và tránh cho PAP
khỏi mất uy tín hoàn toàn bằng cách nói:
“Nếu PAP, gồm những người trung thực, có trách nhiệm và nghiêm
túc, nếu họ loại bỏ khỏi nội bộ những phần tử quá khích và những
kẻ đồng hành – nếu họ dám đối mặt với trách nhiệm của riêng họ,
họ có thể trở thành tổ chức mà họ hy vọng một ngày nào đó sẽ lãnh
đạo xứ sở này đạt được nền độc lập cho riêng nó.”
Marshall không biết rằng bằng những lời phát biểu của ông ta và,
tệ hơn, bằng nỗi háo hức muốn dàn xếp và tránh sự xung đột, ông
ta đã gây ra mầm mống tai hại. Mọi công nhân ở Singapore, mọi cán
bộ và lãnh đạo cộng sản đều biết họ có một chính quyền mà họ có
thể sử dụng cho những mục đích riêng của mình, để dồn giới chủ
nhân vào thế bí, tranh thủ những phúc lợi và chiếm lấy những đặc
quyền của giới quản lý.
Những thành công của họ đã có kết quả. Tháng 8/1955, số đoàn
viên của Nghiệp đoàn Công nhân Phân xưởng và Nhà máy
Singapore (SFSWU) tăng lên 23.000 người, đa số là những người
Hoa trẻ tuổi. Trong khi đó, những đoàn viên Anh học của nó, gồm cả
Nair, Woodhull và James Puthucheary, đang giúp đỡ những người
Hán học phá hủy hệ thống thuộc địa Anh. Chiến thuật của họ là vừa
thâm nhập vào những nghiệp đoàn hiện có, vừa hình thành những
đoàn thể mới. Họ đã có Liên đoàn Học sinh trung học Hoa kiều
Singapore, trên thực tế là một cánh tay của nghiệp đoàn trên, với
vũ khí của họ là phương pháp đình công ủng hộ. Đối với bất kỳ vấn
đề đơn lẻ nào trong bất kỳ công ty đơn độc nào, họ sẽ đe dọa ngưng
toàn bộ các công xưởng.
Như những người cộng sản đã thực hiện ở Trung Quốc, đây là một
mặt trận liên kết của công nhân, học sinh và nông dân (giống như ở
Singapore) nhằm tạo bất ổn xã hội và biến những tranh chấp lao
động thành vấn đề chính trị, làm tăng mâu thuẫn chủng tộc và giai
cấp (đối với người da trắng) và nuôi dưỡng lòng khinh bỉ nhà cầm
quyền. Một khi SFSWU đã trở thành một nghiệp đoàn kết khối như
con bạch tuộc, với lực lượng đoàn viên gồm những công nhân nói
tiếng Hoa, Lim Chin Siong và Fong nhắm vào Nghiệp đoàn nhân viên
ban quản lý cảng Singapore, Nghiệp đoàn lao động căn cứ Hải quân
và Nghiệp đoàn lao động Hội đồng thành phố – những tổ chức phi
cộng sản mà những người Ấn, Malay và những người Hoa nói tiếng
Anh thuộc các tổ chức đó đã được chuẩn bị để đi theo SFSWU. Họ
nhận ra rằng họ có thể sử dụng tính chiến đấu của các nghiệp đoàn
người Hoa và đe dọa những cuộc đình công ủng hộ để đẩy mạnh
những yêu sách của họ.
Ngài Robert Black cũng nhận ra rằng tình hình đã thay đổi theo
chiều hướng tồi tệ hơn. Ngày 26/9, ông ta báo cáo với Lennox–
Boyd:
“Trong các cuộc bầu cử… những bài diễn văn quá khích đã công
kích chính phủ… những cuộc họp của PAP cũng chật ních những
người lao động và học sinh người Hoa được tổ chức chặt chẽ; tình
cảm của quần chúng được kích động một cách tài tình. Tất cả những
thứ đó dẫn đến thói khinh nhờn chính phủ hợp hiến, và làm tăng uy
tín cho những người… công khai thách thức chính phủ.”
Singapore đang trong một phong trào đình công – trong chín
tháng từ ngày 7/4 đến tháng 12/1955, có 260 cuộc đình công. Tuy
nhiên, tính chiến đấu này lại có lợi cho tôi.
Ngày 19/6/1955, Nghiệp đoàn lao động Hội đồng thành phố đe dọa
đình công để đòi khoản lương truy lãnh cho năm ngoái của họ. Hội
đồng thành phố đe dọa ra thông báo đóng cửa các nơi làm việc để
gây áp lực, và thuê những nhà thầu để đảm nhận những dịch vụ
thiết yếu nếu các công nhân nghiệp đoàn vẫn không chịu tới sở.
Những cuộc thương lượng nhằm giải quyết vụ tranh chấp đã thất
bại, và cuộc đình công bắt đầu vào ngày 17/8.
Tuy nhiên ba ngày sau, nghiệp đoàn yêu cầu tôi làm cố vấn pháp
lý cho họ. Các thành viên chủ yếu là những công nhân công nhật
người Ấn, phần lớn đảm nhận việc thu gom rác và quét dọn đường
phố. Đó là một nghiệp đoàn lớn với vài nghìn người, lãnh đạo là một
người Ấn ít học, tinh khôn, lác mắt tên là Suppiah. Đã có vài vụ xô
xát và họ đã dùng đến bạo lực. Tôi trả lời là mình rất tự hào khi làm
việc cho họ, nhưng với điều kiện là cuộc đình công phải được tiến
hành theo cách thức hòa bình. Họ đồng ý, và cuộc thương lượng trở
nên xây dựng hơn. Ngày 8/9, viên thống đốc báo cáo cho Lennox–
Boyd:
“Có lúc có những trường hợp lộn xộn đáng lo ngại theo một kiểu
thường gặp, nhưng họ dừng lại bất ngờ sau vài ngày. Lee Kuan Yew
có công trạng gì trong vụ này không thì không chắc được, nhưng có
thể là như thế.” (Chúng tôi đã đi đến thỏa thuận vào ngày 7/9.)
“Trái với các dự đoán… cuộc đình công không sụp đổ và nghiệp đoàn
đã đạt được những nhượng bộ quan trọng. Có hai lý do chính dẫn
đến kết quả này. Thứ nhất là sự yếu kém của Hội đồng thành phố…
và thứ nhì là sự can thiệp của Lee Kuan Yew, thư ký của Đảng PAP,
với tư cách là cố vấn pháp lý của nghiệp đoàn. Trên thực tế, sự can
thiệp của ông ta có lợi cho cả hai bên và với kết quả của việc dàn
xếp, có thể ông ta đã cải thiện được vị trí cá nhân của mình.”
Cách thức phản đối hợp hiến của tôi, hữu hiệu trong vòng luật
pháp, rõ ràng là đối lập với cách thức của những người quá khích, và
tôi đã đạt được kết quả. Nhưng không có phái quá khích vượt quá
khuôn khổ luật pháp và sử dụng bạo lực, thì những phương pháp
của tôi sẽ không đạt hiệu quả. Chính giải pháp ít gây khó chịu do tôi
đưa ra khiến các phương pháp này dễ chấp nhận hơn đối với người
Anh. Cũng như ở Malaya, nếu không có chính sách khủng bố của
phe quá khích đã đẩy người Anh tới viễn cảnh bi đát là phải đầu
hàng, thì chính quyền Tunku không bao giờ giành được độc lập đơn
giản bằng cách tập hợp ngày càng nhiều những người dân quê
Malay. Chính sự lựa chọn gây khó chịu do phe quá khích đưa ra đã
khiến những phương pháp hợp hiến nhằm xói mòn từng bước chính
quyền thực dân trở nên hữu hiệu hơn đối với những người theo chủ
nghĩa dân tộc và dễ chấp nhận hơn guồng máy thực dân. Tại Ấn Độ
thời trước chiến tranh, nơi nào không có mối đe dọa cộng sản, các
phương pháp bất bạo động hợp hiến phải mất nhiều thập niên mới
đạt hiệu quả.
Trong khi các nghiệp đoàn tiếp tục sục sôi không ngừng và lớn
mạnh, Marshall liên tục gây ra các cơn khủng hoảng chính trị. Ông
ta có một sở trường tạo ra chúng. Giữa lúc tình trạng xung đột chủ
thợ và kích động này, ông ta lại đụng chạm với ngài Robert Black
qua yêu cầu tăng thêm bốn ủy viên phụ trợ cho bộ máy của ông, và
khi viên thống đốc chấp nhận chỉ thêm hai người, ông ta quyết định
đưa tranh luận này ra công khai. Ông cho là viên thống đốc không
có quyền bác bỏ yêu cầu của Tổng ủy viên, và đe dọa từ chức nếu
thống đốc từ chối trao đổi ý kiến với ông ta trước khi làm bất cứ việc
gì. Ông ta cũng muốn Singapore được trao quyền tự trị hoàn toàn.
Những quy định về tình trạng khẩn cấp đã hết hiệu lực vào ngày
21/7, nhưng viên thống đốc lại đề nghị triển hạn thêm 3 tháng nữa,
tùy theo sự chấp thuận của Hội đồng lập pháp trong phiên họp kế
tiếp: cái giá mà Marshall đòi cho sự gia hạn này là người Anh phải
cho Singapore được tự trị “vào giây phút sớm nhất có thể được”.
Tiến trình của phiên họp Hội đồng ngày 22/7 đó là điển hình của
phong thái tắc trách và ngu ngốc mà trong đó các đảng phái chính
trị đã giở thủ đoạn. Trong việc đưa ra kiến nghị về quyền tự trị,
Marshall giải thích rằng đây là một vấn đề nguyên tắc hợp hiến
pháp. Cuối bài diễn văn công kích viên thống đốc và chủ nghĩa thực
dân, ông ta quay sang tôi – đại biểu của khu Tanjong Pagar, người
“đã quấy rầy tôi rất dai dẳng và ầm ĩ trước đây,” nhưng thực sự là
“tay lãnh đạo của phe đối lập dưới mắt quần chúng” – và yêu cầu tôi
ủng hộ kiến nghị của ông ta. Như thế tức là ông ta đã phủ nhận lời
buộc tội do Goode đưa ra hai tháng trước đó, vào ngày 26/4, ông
này thường gọi PAP là phương tiện và là công cụ tự nguyện của phe
quá khích. Tôi chắc chắn không thể từ chối cái vinh dự được ủng hộ
kiến nghị này!
Hội đồng lập pháp hoãn cuộc họp ngày 22/7. Ba ngày sau họp lại,
một thành viên Đảng Tiến bộ, Lim Koon Teck, đã cố gắng vượt qua
mặt cả tôi và Marshall. “Chúng ta hãy… đòi hỏi một cuộc chuyển
giao quyền lực trọn vẹn để chúng ta, và chỉ chúng ta thôi, sẽ chịu
trách nhiệm về công việc và vận mệnh của mình, còn chính phủ Anh
không cần phải lo lắng đến chúng ta nữa”, ông ta đề nghị, và sau đó
đề nghị điều chỉnh chữ “nền tự trị” bằng “nền độc lập”. Nói cách
khác, ông ta muốn “nền độc lập” ngay lập tức. Các đảng viên Đảng
Tiến bộ luôn tiêu biểu cho sự điều độ, từng bước tiến tới chủ quyền.
Bằng thủ đoạn bất ngờ này, họ có vẻ cấp tiến hơn cả Mặt trận Lao
động và PAP. Tôi đã ghi nhận rằng: “Hôm nay chúng ta được giải trí
bởi một cảnh tượng lạ đời của một con chuột chuyển mình thành
con sư tử.”
Đề nghị điều chỉnh này bị bác bỏ và kiến nghị ban đầu về một nền
tự trị sớm sủa được thông qua, đúng lúc để gây căng thẳng cho
Lennox–Boyd, người sẽ đến Singapore chỉ một tuần sau đó. Tuy
nhiên, qua nước cờ của mình, Đảng Tiến bộ đã tự hủy hoại uy tín
như một đảng phái đáng tin cậy và kiên định của họ. Hiện ở
Singapore không còn một lực lượng chính trị ôn hòa hoặc thuộc
cánh hữu cố kết nữa.
Lennox–Boyd đến Singapore, gặp Marshall và đi Malaya. Ngày 2/8,
Chủ tịch đọc cho Hội đồng lập pháp nghe lá thư của viên thống đốc,
nói rằng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã thảo luận các vấn đề với Tổng
ủy viên, và rằng cuộc thảo luận sẽ tiếp tục khi ông ta từ Malaya trở
lại Singapore vào ngày 15/8. Marshall, được Lennox–Boyd trấn an,
trông và nghe có vẻ thiện cảm, đã nói: “Lúc này, có lẽ chúng ta nên
ngừng lại ở đây và tiếp tục công việc bình thường.” Tôi không đồng
ý, chỉ ra rằng không có gì trong lá thư của viên thống đốc làm thay
đổi tình hình một cách cụ thể từ cuộc họp sau cùng của chúng ta
“trừ phi rằng vào ngày đó, chúng ta có một Tổng ủy viên quyết liệt
hơn.” Rồi tôi chuyển sang phản đối quyết định cám ơn viên thống
đốc của Marshall, và Hội đồng lập pháp ủng hộ tôi. Marshall giận tái
người.
Nhưng ngày 18/8, Chủ tịch đọc một lá thư nữa của thống đốc nói
rằng ông ta sẽ hành động theo lời khuyên của Tổng ủy viên trừ khi
đình chỉ phiên họp và giải tán Hội đồng Lập pháp. Lá thư này cũng
nói rằng chính phủ Anh sẽ hoan hỉ tiếp đón một phái đoàn đại diện
từ Singapore tới London vào một ngày thích hợp để xem xét những
vấn đề hiến pháp. Marshall tuyên bố: “Đây thực sự là một ngày
hạnh phúc cho Singapore. Nó đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu
tiên trong cuộc đấu tranh vì tự do của chúng ta. Nó đánh dấu sự
khởi đầu của một thời đại mới… một thắng lợi đáng phấn khởi.”
Marshall phấn chấn. Ông ta lại đề nghị rằng viên Chủ tịch sẽ “yêu
cầu thống đốc nhân danh họ cám ơn Bộ trưởng Ngoại giao vì quan
điểm đồng tình của ông ta đối với những nguyện vọng của chúng
ta.” Tôi không muốn làm chuyện này chút nào và đe dọa bỏ họp –
tôi muốn có thời gian để nghĩ đến những ẩn ý của bức điện cảm ơn
như thế. Marshall nổi giận. Đề nghị của tôi chống lại đề xuất đó bị
bác bỏ.
Tôi đang đùa với Marshall, nhưng có việc hệ trọng hơn cần phải
làm. Tương lai của nền giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ của người Hoa
vẫn còn là một vấn đề quan trọng, dù tình trạng hỗn loạn sục sôi
trong các trường trung học Hoa tạm thời lắng xuống khi Ủy ban liên
trường của các trường tiếng Hoa “kêu gọi” chính phủ ngưng việc
đuổi học sinh, hoặc tống đạt những thông báo tới các trường yêu
cầu trình bày lý do tại sao chúng không thể bị đóng cửa hẳn. Ủy ban
đã dự phòng một cách thức khéo léo để thoát khỏi vấn đề thể diện
đầy gay gắt. Ngẫu nhiên chính phủ lại vướng vào việc tiến hành một
cuộc thảo luận kín đáo mà nó cho phép tìm ra một phương thức
không gây xôn xao dư luận. Nếu không thì mỗi thiếu sót trong bất
kỳ giải pháp nào sẽ được tường thuật trên báo chí tiếng Hoa và tạo
thành vấn đề tranh cãi, vận động hành lang và trở thành thắng lợi
cho những luận điểm tuyên truyền.
Những gợi ý của ủy ban có những hệ quả lâu dài có lợi cho nền
giáo dục của người Hoa và cũng có lợi cho sự hòa hợp của một xã
hội đa chủng tộc. Nhưng chúng lại đe dọa tương lai những người
cộng sản. Khoảng 90% người Hoa đã trưởng thành, nếu có được
học, là theo Hán học. Nhưng số trẻ con người Hoa học trường tiếng
Anh đã tăng mạnh từ năm 1948, khi tình trạng khẩn cấp được ban
bố. Năm 1950, số học sinh ở các trường Hoa đông hơn 25.000 người
so với các trường Anh, nhưng đến năm 1955, tỷ lệ đó đã thay đổi,
và các trường Anh đông hơn các trường Hoa 5.000 học sinh. Dù
những người cộng sản không biết chính xác các số liệu, họ cũng đã
ý thức về xu thế này, và vì nó sẽ làm cạn kiệt nguồn nhân lực của
họ, nên họ phải ngăn nó lại. Vì thế trận chiến nhằm bảo tồn văn hóa
Trung Hoa thậm chí trở nên quyết liệt hơn đối với MCP.
Vấn đề đối với chính phủ và những người phi cộng sản trong PAP
trở nên phức tạp do sự kiện rằng văn hóa Trung Quốc cũng là vấn
đề tâm huyết của nhiều bậc phụ huynh, vì thế họ không thiết tha gì
với việc đưa tiếng Anh vào các trường Hoa. Tất cả những chi phí
hành chính đều do chính phủ chi trả, nhưng đổi lại các trường sẽ
phải tuân theo những quy định của chính phủ về mặt giáo trình và
kỷ luật. Và dù sao đi nữa, họ muốn việc giảng dạy phải hoàn toàn
bằng tiếng Hoa. Thật ra, khoảng một nửa trong số họ muốn được cả
hai cách. Nhiều lãnh đạo các bang hội nằm trong ban quản trị các
trường học đều cho con họ học các trường Anh, và cho bọn trẻ học
thêm tiếng Hoa vào buổi chiều, nhằm cho chúng biết nói hai thứ
tiếng. Đồng thời họ hô hào các bậc cha mẹ khác cho con cái tới các
trường Hoa để tiếp nối truyền thống uyên bác cổ xưa của người
Hoa. Chẳng có cách nào làm hài lòng tất cả mọi người. Vì thế chính
phủ cần một báo cáo từ ủy ban, trong đó tôi đại diện cho PAP, báo
cáo sẽ gắn kết mọi lực lượng vào các nhận định của nó, để tất cả
chúng tôi sẽ bị buộc phải đảm nhận công việc thuyết phục những
người nói tiếng Hoa chấp nhận nó. Điều này đã cho tôi một cơ hội để
thảo ra kế hoạch nhưng nó cũng đặt tôi vào một tình cảnh nguy
hiểm nghiêm trọng là phải đối đầu với MCP về một vấn đề quan
trọng đối với sự sống còn của họ.
Tôi quyết định rằng, dù nó có thiết thực hay không, chính sách
khả thi về mặt chính trị duy nhất là công nhận cả ba ngôn ngữ, với
tiếng Malay như ngôn ngữ chung và là ngôn ngữ dân tộc tương lai
của Malaya, tiếng Anh là ngôn ngữ khoa học và giao tiếp quốc tế,
tiếng Quan thoại là ngôn ngữ mẹ đẻ của người Hoa, và tiếng Tamil,
Hindi hoặc Punjabi dùng cho người Ấn. Chủ tịch ủy ban liên trường
là Chew Swee Kee, ủy viên giáo dục, và bảy thành viên khác của nó
gồm một người Malay, Abdul Hamid bin Haji Jumat, ủy viên chính
quyền bản xứ. Trong chín tháng kế đó, tôi làm việc với hai người
này, cả hai đều thoải mái với những quan điểm của tôi, và chúng tôi
cùng nhau soạn thảo bản báo cáo mà tất cả đều có thể chấp nhận.
Nó bao gồm một lời khuyên viết lại toàn bộ sách giáo khoa cho các
trường Hoa, vốn cho tới nay chỉ dùng các sách thông dụng ở Trung
Quốc hồi trước chiến tranh dưới thời Quốc dân đảng.
Trong khi đó Lim Chin Siong và Fong không để lãng phí thời gian.
Họ đang theo đuổi một chiến lược mặt trận liên kết điển hình mà tôi
nhanh chóng quen thuộc. Lim đã nắm quyền chủ tịch của một ủy
ban giáo dục người Hoa đại diện cho 16 nghiệp đoàn và Hội Phụ
huynh học sinh người Hoa toàn Singapore. Nhưng đó mới chỉ là một
sự bắt đầu. Ông ta nắm một danh sách rất dài những cá nhân và tổ
chức mà ông ta có thể triệu tập, vì SFSWU không phải tự nhiên mà
trở thành một tổ chức bao trùm mọi ngành nghề. Nhóm trên đường
Middle bao quanh nó hiện không chỉ bao gồm nhiều tổ chức với số
lượng những thành viên nói tiếng Hoa không đáng kể, và vì thế
không quan tâm đến việc giáo dục của người Hoa, kiểu như Nghiệp
đoàn Lao động Căn cứ Hải quân và Nghiệp đoàn Công ty Xe tải
Singapore, mà còn bao gồm cả những đoàn thể pha tạp kiểu như
nghiệp đoàn của những thợ hớt tóc, thợ may, các công nhân ngành
giải trí và xi–nê, và thậm chí cả nghiệp đoàn những người sống
trong các ngôi nhà gỗ nữa.
Đó mới chỉ là một khía cạnh của con bạch tuộc. Lim Chin Siong
cũng muốn kết nạp những bang hội có từ lâu đời trực thuộc Phòng
Thương mại người Hoa, và nhắm đến mục đích này, ông ta đã tìm
kiếm và giành được sự ủng hộ của viên chủ tịch của nó, Tan Lark
Sye. Tan là một lái buôn cao su triệu phú thất học, một chiến sĩ vĩ
đại trên mặt trận giáo dục và ngôn ngữ của người Hoa, và là cá
nhân đóng góp nhiều tiền nhất cho quỹ xây dựng một trường đại
học ở Singapore dành cho người Hoa khắp Đông Nam Á. Ông ta rất
ngưỡng mộ một nước Trung Quốc mới và sẵn sàng đi theo những
người cộng sản với điều kiện là họ không gây thiệt hại cho quyền lợi
của ông ta. Ông ta đồng ý cho Lim một cuộc họp đông đảo quần
chúng vào ngày 6/6/1955, trong đó sẽ bao gồm Phòng Thương mại
người Hoa và những bang hội liên kết với nó, cũng như “ủy ban giáo
dục” của Lim.
Viên phó chủ tịch của Phòng Thương mại, Yap Pheng Gek, là một
kiểu tư sản mại bản Anh học như tập đoàn Oversea–Chinese
Banking Corporation. Ông ta không muốn chơi trò của Lim và xoay
xở để giản lược cuộc họp đại chúng này trở thành một cuộc họp
dành cho những người đại diện của 6 tổ chức giáo dục, trong đó có
Lee Kong Chian, một tay trùm ngành cao su là chủ tịch Hiệp hội
nhân viên và quản trị viên các trường trung học tiếng Hoa.
Mục đích của cuộc họp là thảo luận một giác thư nhằm đệ trình lên
chính phủ, đòi hỏi sự bình đẳng trong việc đối xử giữa các trường
tiếng Hoa và trường tiếng Anh. Cuộc họp được quy định trước là sẽ
không có việc tranh cãi hay nghị quyết mới nào, mà chỉ là việc biểu
quyêt ngay về những điều khoản sẽ được đề đạt. Tuy nhiên Lim
Chin Siong phớt lờ các quy định của viên chủ tịch, Yap Pheng Gek,
người rất ngại dùng quyền hạn chống lại những người khuynh tả.
Lim đưa ra bản giác thư do ông ta soạn, trong đó đòi hỏi không chỉ
quy chế bình đẳng cho các trường Hoa và trường Anh, mà còn đòi
hỏi chính phủ phải cấp tiền để xây những trường Hoa, việc miễn tiền
học phí trong 6 năm giáo dục tiểu học, và quyền thành lập những tổ
chức tự quản của học sinh (giống như những chi nhánh của Nghiệp
đoàn Học sinh trung học Hoa) trong mỗi trường.
Khi viên chủ tịch có ý bắt mọi người tuân theo những nguyên tắc
của cuộc họp, Fong yêu cầu được phát biểu nhân danh Nghiệp đoàn
Công nhân Xe buýt Singapore. Yêu cầu này bị từ chối. Thế là Fong
nhờ trực tiếp đến cử tọa, trong số đó đầy những kẻ ủng hộ Lim Chin
Siong. Những tiếng cổ vũ tán thành ồn lên biểu lộ sự liên kết và đe
dọa viên chủ tịch. Viên chủ tịch đầu hàng đúng lúc. Từ đó trở đi, Lim
và Fong điều khiển cuộc họp.
Trong bầu không khí này, phòng họp đầy ắp những đại biểu các tổ
chức bang hội và những người hoạt động nghiệp đoàn thân cộng,
những người theo chủ nghĩa sô–vanh nắm quyền kiểm soát. Chuang
Chu Lin, hiệu trưởng trường trung học Chung Cheng, và sau này là
hiệu phó trường đại học Nanyang, phản đối mọi sửa đổi sách giáo
khoa môn lịch sử và địa lý Trung Quốc, và khi ông ta nhận được sự
ủng hộ nhiệt tình, thì kiến nghị của Lim Chin Siong là nên có những
sách giáo khoa với một nền tảng Malaya bị bác bỏ. Thêm vào đó, chỉ
những quyết định thiên cộng là được thực thi. Lim có được những gì
ông ta muốn, và được những tay lãnh tụ theo truyền thống của các
tổ chức của những người nói tiếng Hoa ủng hộ.
Ủy ban liên trường dành cho bản giác thư của Phòng thương mại
người Hoa một vị trí trang trọng trong phần phụ lục của bản báo cáo
nhưng gạt bỏ mọi đề nghị của bản giác thư này. Vào tháng 2/1956,
khi Chew Swee Kee công bố bản báo cáo trong phiên họp Hội đồng
lập pháp, không câu hỏi nào được đặt ra. Bản báo cáo là sự thỏa
hiệp hay nhất mà chúng tôi có thể đạt được, và đại diện các đảng
phái cùng ký tên vào.
Bản kiến nghị này đơn giản. Những trường tiếng Anh cũng phải
dạy ngôn ngữ mẹ đẻ – tiếng Hoa cho người Hoa, tiếng Malay cho
người Malay, tiếng Tamil hoặc tiếng Ấn nào đó cho người Ấn. Những
học sinh trong các trường Hoa sẽ học hoặc tiếng Anh hoặc tiếng
Malay trong trường tiểu học, và học cả hai thứ tiếng trong trường
trung học. Các trường Malay cũng sẽ dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học
và một ngôn ngữ thứ ba ở cấp trung học nếu học sinh đòi hỏi.
Bên dưới cuộc tranh cãi về giáo dục và ngôn ngữ là một cuộc chiến
đấu vì quyền lực. Tầng lớp thương nhân người Hoa, những tay lãnh
đạo bang hội và các trùm tư bản của Phòng Thương mại muốn có
một Hội đồng lập pháp trong đó những đại biểu được bầu của họ có
thể phát biểu cho cộng đồng người Hoa bằng thứ tiếng Hoa trôi
chảy, chứ không bằng thứ tiếng Anh thiếu mạch lạc, để tăng thêm
của cải và quyền lực của họ. Họ đã gửi một bản giác thư đòi có một
cơ quan lập pháp đa ngôn ngữ tới Ủy ban Rendel (mà nó đã bị bác
bỏ), và chúng tôi đã ủng hộ kiến nghị của họ ngay từ tháng
11/1954, thậm chí trước khi PAP được chính thức thành lập. Hiện
Phòng thương mại lại đề nghị tiếng Hoa phải là một trong những
ngôn ngữ chính thức.
Một vấn đề không thể tránh khỏi trong một xã hội đa chủng tộc,
đa ngôn ngữ là làm thế nào để tổ chức một cơ quan lập pháp và một
chính phủ có hiệu quả mà không gây ra một mớ hỗn độn. Mỗi cộng
đồng lâu đời đều có một ngôn ngữ chính, và những ai gia nhập vào
đều phải học ngôn ngữ đó, hoặc nó là tiếng Anh ở Mỹ và Canada,
hoặc là tiếng Pháp ở Quebec. Nhưng khi Stamfort Raffles thành lập
Singapore vào năm 1819, ông ta đã phân ranh giới những vùng
khác nhau trong quy hoạch đô thị đầu tiên của mình, trong đó
những chủng tộc khác nhau, thậm chí những nhóm người Hoa khác
ngôn ngữ đều sẽ sống biệt lập với nhau. Sau đó người Anh đưa tới
đây một số đông người Hoa, Malay, Ấn – tất cả đều nói tiếng mẹ đẻ
của mình – và để mặc cho họ tự xoay xở.
Dưới áp lực của phái dân túy, Marshall, như có thể dự đoán, đã đề
nghị một nghị quyết vào ngày 9/2/1956 rằng: “Hội đồng lập pháp
này ủng hộ ý kiến rằng vì mục đích tranh luận trên diễn đàn, ngôn
ngữ của Hội đồng sẽ là tiếng Anh, tiếng Malay, tiếng Phổ thông và
tiếng Tamil và rằng một ủy ban tuyển chọn sẽ được chỉ định để
nghiên cứu bản báo cáo và đưa ra những khuyến cáo cần thiết”.
Marshall biết ông ta đã sẵn sàng chấp nhận việc đề nghị của mình
có thể bị bác. Ông ta thuật lại rằng một người Malay đã nói với ông
ta: “Với chủ trương đa ngôn ngữ, các ông sẽ giao chúng tôi vào tay
người Hoa. Họ sẽ nhấn chìm chúng tôi.” “Vâng, thưa ngài,” ông ta đã
trả lời, “thiểu số phải phục tùng đa số. Người Hoa chiếm 76% trong
cộng đồng chúng ta. Chúng ta đừng tránh né vấn đề.” Đây là kiểu
điển hình của Marshall – nửa lý tưởng hóa và nửa (hay có lẽ hơn
một nửa) là kẻ cơ hội mong muốn chứng minh ông ta Trung Hoa hơn
cả người Hoa, và vì thế có thể chấp nhận như một người bênh vực
cho họ, ít nhất là cho một nhiệm kỳ nữa. Tiếng hoan hô nhiệt tình
dành cho những diễn giả người Hoa trong những cuộc mít–tinh lớn
để tranh cử đã khiến ta thấy rõ rằng những ai chống lại chủ trương
đa ngôn ngữ nhằm ngăn chặn những đại biểu người Hoa vào Hội
đồng lập pháp chắc chắn sẽ mất phiếu bầu.
Trong bài diễn văn của mình, tôi nói: “Khi chúng ta đi tới quyết
định này ngày hôm nay, chúng ta phải hiểu rằng nó là không thể
thay đổi được, trừ phi dưới áp lực của vũ trang, và thậm chí điều đó
cũng sẽ không có tác dụng lâu dài. Chúng ta phải nhớ rằng có
những hàm ý sâu rộng hơn…” Đó là vào tháng 2/1956 và nhiều
người đã chờ đợi một sự phát triển của tiếng Hoa và Indonesia và
nền văn học của họ khi hai nước Trung Quốc và Indonesia hồi sinh,
trở nên mạnh mẽ và đầy quyền lực trong vòng 10 đến 20 năm nữa.
Không thể, về chính trị cũng như về tâm lý, thuyết phục đông đảo
quần chúng, trong một tâm trạng chống thực dân, chấp nhận ưu thế
của tiếng Anh.
Tôi biết rất rõ rằng sự thiếu thông hiểu tiếng Hoa, chứ đừng nói
đến việc sử dụng nó thành thạo, là một bất lợi ghê gớm về mặt
chính trị cho tôi.Tôi kể lại tường tận kinh nghiệm của riêng mình:
“Gia đình cho tôi theo học một trường Anh để chuẩn bị cho tôi
sang một trường đại học bên Anh, cốt để tôi có thể trở thành con
người có học vấn – ngang hàng với bất kỳ người Anh nào, theo kiểu
người hoàn hảo. Tôi không biết gia đình tôi đã thành công đến mức
nào trong việc này. Tôi lớn lên và cuối cùng đã tốt nghiệp đại học.
Sau cùng, tôi cảm thấy – rất lâu trước khi tôi bước vào con đường
chính trị, rằng toàn bộ thang giá trị đó đều sai từ căn bản.”
Rồi tôi trích dẫn lời của Nehru, nói rằng ông ta đã khóc chỉ vì
không thể nói tiếng mẹ đẻ giỏi như nói tiếng Anh.
“Tôi là người ít xúc cảm, thưa quý ngài. Tôi không hay khóc lóc
hoặc bứt tóc tai mình, hoặc xé giấy, hay lột phăng áo ra, nhưng điều
này không có nghĩa là tôi không có những xúc động mạnh mẽ về
điều đó. Con trai tôi sẽ không đến một ngôi trường Anh nào. Nó sẽ
không là một mẫu người Anh. Dĩ nhiên, tôi hy vọng rằng nó sẽ biết
tiếng Anh đủ để chuyện trò với cha nó về những vấn đề khác hơn là
chuyện thời tiết.”
Đó là cách tôi cảm thấy. Nó có thể được cộng đồng những người
nói tiếng Hoa hoan nghênh. Dù Lim Chin Siong và MCP không hài
lòng với bản báo cáo, họ cũng không thể công khai chống đối tôi vì
đã ủng hộ nó (cuộc bỏ phiếu có 29 phiếu thuận và không có phiếu
chống) mà không gây một mối bất hòa trong PAP. Mặt khác, viên
chủ tịch và phó chủ tịch của Nghiệp đoàn giáo viên tiếng Anh (trong
các trường Hoa) thì có thể chống. Họ cho đó là “một mẩu ra vẻ đoan
trang thuộc địa vô liêm sỉ” (sic)14 và yêu cầu bổ nhiệm một ủy ban
khác mà trong đó gồm những thành viên am hiểu sâu sắc nền giáo
dục Hoa. Tôi bỏ qua lời tuyên bố này. Những giáo viên dạy tiếng Anh
trong các trường Hoa – kém chuyên môn và lương thấp – đều có xu
hướng khuynh tả như những giáo viên dạy tiếng Hoa vậy.
MCP lo lắng về kỷ luật mà chính phủ áp đặt vào các trường Hoa.
Họ sợ rằng nó sẽ ngăn cản các học sinh khỏi việc "bị phe nhóm
chính trị lạm dụng để lật đổ một cách phi pháp chính phủ được
thành lập hợp pháp". Tệ hại hơn, tiếng Anh sẽ mở ra cho chúng một
thế giới hoàn toàn khác thông qua báo chí, văn chương và phim
ảnh. Chúng sẽ nhìn thế giới bằng hai con mắt, với cái nhìn bình
thường, thay vì chỉ nhìn một mắt qua kính viễn vọng của người Hoa.
Tôi phải chiếm một vị trí mà nó sẽ không để tôi bị lên án như một
người Hoa mất gốc. Nếu như tôi đi một bước sai lầm trong vấn đề
này, tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội. Nếu họ có thể chứng tỏ rằng tôi thích dùng
tiếng Anh hơn là tiếng Hoa làm phương tiện giảng dạy chủ yếu trong
nhà trường, thì tôi không thể duy trì mối quan hệ và ủng hộ của
khối người nói tiếng Hoa.
Giữa năm 1955, tôi gởi Loong, lúc đó mới ba tuổi rưỡi, đến trường
mẫu giáo Nanyang, nơi dạy tiếng Hoa. Sau đó khi tôi đến thăm
trường với ủy ban liên trường, báo chí Hoa đăng một tấm hình của
nó trong lớp mẫu giáo, khiến mọi người đều biết rằng nó đang được
giáo dục bằng tiếng Hoa. Việc quyết định rằng ba đứa con của tôi
phải được dạy dỗ trong ngôn ngữ và văn hóa của tổ tiên chúng đã
khiến cho tôi đạt một sự tín nhiệm không bao giờ có thể bị công
kích. Hai đứa con nhỏ hơn của tôi, Wei Ling và Hsien Yang, cũng
theo bước Loong đi học trường mẫu giáo Nanyang và tiếp tục học
trường tiểu học Nanyang. Sau đó Loong và Yang học trường trung
học Catholic, trong khi Ling tiếp tục học trường nữ trung học
Nanyang. Chúng là những người Hán học hoàn toàn, nhưng vì ở nhà
chúng nói tiếng Anh với mẹ, nên chúng nói tiếng Anh cũng lưu loát
như tiếng Hoa. Và với việc học thêm tiếng Malay, từ năm lên sáu,
chúng đã thông thạo ngôn ngữ thứ ba.
Trong khi người dân Singapore bị rối trí bởi những khủng hoảng
định kỳ do Marshall gây ra, bối rối bởi tình trạng lộn xộn trong
trường học và xung đột chủ thợ trong chỗ làm thì có những sự kiện
xảy ra ở Malaya sẽ làm thay đổi tương lai của hòn đảo.
13
THẤT BẠI Ở LONDON
Tunku Abdul Rahman, lãnh tụ đảng UMNO trong Liên bang Malaya,
là mẫu đối lập với David Marshall. Ông ta là một kẻ hoàn toàn cứng
rắn và đáng tin cậy. Ông ta không làm ra vẻ thông minh, nhưng lại
là một quan tòa khôn ngoan của dân chúng. Quan trọng nhất, ông
ta ý thức được tầm quan trọng của quyền lực. Cha ông ta là tiểu
vương xứ Kedah, và dưới bóng ngai vàng của cha, ông ta đã học
cách nắm và sử dụng quyền lực để khiến người khác làm những gì
ông ta muốn ở họ. Là một ông hoàng, ông ta nhận được sự ủng hộ
hoàn toàn của những nhà cai trị 9 bang Malay thuộc Liên bang,
những kẻ đã chống đối đề nghị của chính phủ Anh về một Liên hiệp
Malaya năm 1946. Hơn ai hết, ông ta là một kẻ thân Anh và chống
cộng thực sự. Lúc trẻ ông ta là một sinh viên tại Anh trong 9 năm, 3
năm học luật ở Cambridge, nơi ông ta quả thực nhận được một văn
bằng, và 6 năm nữa cố gắng – nhưng không vất vả lắm – để vượt
qua kỳ thi vào Luật sư đoàn. Ông ta hưởng thụ cuộc đời và thường
kể cho tôi nghe về những thời gian tuyệt diệu mà ông ta từng có ở
nước Anh. Ở ông, người Anh tìm ra một lãnh tụ có sẵn sự giúp đỡ
vững chắc từ người Malay và sự ủng hộ nhiệt tình từ người Hoa và
Ấn.
Trong tháng 6/1955, Liên bang tổ chức một cuộc tổng tuyển cử
trong đó khối liên minh của UMNO, Hội những người Malay gốc Hoa
(MCA), và Hội những người Malay gốc Ấn (MIC) giành chiến thắng
tuyệt đối. Sau đó, Tunku và một số đồng sự trở thành những thành
viên của Hội đồng Hành pháp của Cao ủy Anh; như ở Singapore, giờ
họ đã có một nền tự trị giới hạn nhưng không như các ủy viên của
chúng tôi, họ hoàn toàn vui vẻ làm việc với những người được thực
dân bổ nhiệm. Một khác biệt quan trọng là họ đang chống lại cuộc
chiến tranh du kích của những người cộng sản mà chỉ có thể bị dập
tắt nhờ vào sự giúp đỡ của quân đội Anh, Úc và New Zealand, và
người Anh yêu cầu tình trạng khẩn cấp phải chấm dứt trước khi nền
độc lập được trao trả.
Tháng 1/1956, Tunku đi London để dự một hội nghị hiến định, và
trên đường từ Singapore đến nước Anh trên con tàu khách Asia của
Ý, ông ta đã nói với báo chí là ông ta không đồng ý với Marshall rằng
Singapore phải được hưởng quy chế bình đẳng trong bất kỳ liên
minh nào giữa họ. Nếu Singapore được hưởng quy chế bình đẳng,
"nó sẽ gây hoảng loạn cho những người Malay ở lục địa. Người Anh
tách đôi hai lãnh thổ chủ yếu để bảo vệ quyền lợi của người Malay
trong Liên bang”. Tuy nhiên, ông ta đồng ý với PAP rằng các cuộc
thảo luận sẽ được mở ra giữa các lãnh tụ của Singapore và Liên
bang để bàn về một liên minh tương lai. Trong đoạn văn dẫn của
mình trên tờ Singapore Standard, Raja giải thích “liên minh tương
lai” có nghĩa là “sự hợp nhất tương lai”. Raja có lẽ đã không có sai
lầm nào lớn hơn.
Tunku có ý gì khác trong đầu, không phải là sự hợp nhất của hai
lãnh thổ mà là “một liên minh”, một sự dàn xếp giữa hai thực thể
riêng rẽ. Ông ta không muốn Singapore thành một bang trong
Malaya vì nó sẽ làm đảo lộn cán cân chủng tộc ở Malaya. Ông ta
cũng không muốn Singapore thành một xứ độc lập ngang hàng với
Malaya. Ông ta muốn người Anh vẫn nắm quyền điều khiển một
Singapore tự trị, và hình thành một liên minh với một chính phủ
Singapore không có chủ quyền. Thật không may, đã không còn thời
gian cho những cuộc dàn xếp như thế. Người Anh biết điều đó,
nhưng Tunku thì không.
Alan Lennox–Boyd đã đến thăm Kuala Lumpur vào tháng 8/1955
để đánh giá tình hình và bản thân Tunku. Ông ta nhận ra ở Tunku
một con người mà ông ta có thể tin cậy, và chấp nhận ngày trao trả
độc lập cho ông ta, ngày 31/8/1957. Hơn nữa, với kết quả trực tiếp
từ việc kết thúc của hội nghị hiến định vào tháng 2/1956, Tunku
tiếp quản tất cả các chức vụ và trách nhiệm của Hội đồng hành
pháp từ các viên chức người Anh và Malaya trở thành một quốc gia
tự trị trên thực tế.
Sự tiến bộ về mặt chính trị của Liên bang đã thay đổi viễn cảnh
cho Singapore. Cho đến lúc đó, đã có một cơ hội là Malay sẽ không
được trao trả độc lập khi Singapore chưa trở thành một phần của
nó. Giờ thì Singapore hoàn toàn cô độc. Kế hoạch của người Anh là
có một nước Malaya độc lập với người Malay đứng đầu – tuy nhiên,
người Malay cũng cần Anh giúp trong một thời gian để cai trị đất
nước và chống lại cộng sản – trong khi đó họ vẫn giữ Singapore như
một thuộc địa vô thời hạn vì giá trị chiến lược của nó đối với nước
Anh, Úc và New Zealand. Singapore may lắm thì trở thành một lãnh
thổ tự trị với tất cả lễ bộ của nền độc lập nhưng lại không có chủ
quyền thực sự, và những quyết định cuối cùng về chính sách đối
ngoại, an ninh và quốc phòng sẽ vẫn nằm trong tay người Anh.
Phản ứng của Marshall đối với vấn đề này có thể đoán trước được:
ông ta bị đẩy vào thế phải yêu sách tối đa trong các cuộc đàm phán
hiến định sẽ khai mạc ở London vào ngày 23/4. Nếu có cơ hội, ông
ta sẽ đòi chủ quyền trọn vẹn. Ông ta sẽ đòi hỏi nền độc lập hoàn
toàn từ tay người Anh, và như thế có một tư thế bình đẳng với chính
quyền Tunku. Tuy nhiên Singapore sẽ ký một hiệp định hứa bảo đảm
những căn cứ cho người Anh và nhường cho nước Anh tiếng nói
quyết định trong việc đối ngoại. Nói tóm lại, ông ta sẽ đạt được điều
đó bằng cả hai cách. Với sự ủng hộ chút ít từ bạn bè của ông ta,
trong đó có Ong Eng Guan, thủ quỹ của PAP, ông ta phát động một
“Merdeka Week” (Tuần lễ độc lập) nhằm thu thập chữ ký của quần
chúng và bày tỏ sự ủng hộ của quần chúng đối với nền độc lập và
bản thân ông ta như một chiến sĩ của nó. Vì mọi người đều biết
chính phủ liên hiệp của ông ta non kém, nên ông ta cũng quyết định
đưa sang London một đoàn đại biểu từ đủ mọi đảng phái nhằm
chứng minh sự đoàn kết của họ trong vấn đề này.
Ông ta đã ở đó vào tháng 12/1955 và được khích lệ từ những cuộc
gặp gỡ với các Bộ trưởng và dân biểu quốc hội Anh đến độ ông ta đã
tuyên bố với báo chí Anh là không còn các “tay thủ cựu” nữa, một
điều mà ông ta cho là đáng lặp lại trong Hội đồng lập pháp sau khi
trở về Singapore. Ông ta cũng thuyết phục mọi đảng phái đồng ý
việc ông ta mời một phái đoàn các dân biểu Anh thuộc Đảng Bảo thủ
và Đảng Lao động đến thăm Singapore trong tuần lễ Merdeka, khi
nó lên đến đỉnh điểm trong một cuộc mít–tinh vào ngày chủ nhật
18/3/1956 ở phi trường Kallang. Trong khi đó khoảng 170.000 chữ
ký đã được thu thập, và một tình huống để chụp ảnh đã được dàn
xếp để ghi hình những văn kiện đóng gói lớn được đoàn đại biểu liên
đảng trình trước Hạ nghị viện như một bằng chứng về lòng khát
khao độc lập của Singapore.
Sáu nghị sĩ quốc hội Anh đến, nhóm thuộc Đảng Lao động dẫn đầu
bởi Herbert Morrison, từng là Bộ trưởng nội vụ trong chính phủ của
Đảng Lao động nhiệm kỳ đầu tiên năm 1945–1950 và là nhân vật
thứ hai sau thủ tướng Clement Attlee. Chúng tôi gặp họ thân mật ở
các buổi tiếp, và tôi giải trí một buổi tối với họ tại một câu lạc bộ
trong Capitol Building. Màn biểu diễn chính là một pha vũ bán thoát
y, không thích hợp cho một đoàn đại biểu đến với mục đích nghiêm
túc nhằm đánh giá sự trưởng thành của chúng tôi, khát khao độc
lập cháy bỏng của chúng tôi và khả năng quản lý nó của chúng tôi.
Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, Morrison rất thích thú. Ông ta
đang trong tâm trạng nghỉ lễ, và trong trạng thái phấn khích ông ta
đưa ra những nhận xét dí dỏm về những gì đang chứng kiến, ông ta
không tin rằng có một niềm khát khao độc lập cháy bỏng dữ dội
trong cộng đồng dân chúng Singapore, nhưng lại nhận xét sắc sảo
rằng có một nhóm bí mật được tổ chức chặt chẽ và mạnh mẽ đang
lôi kéo các nghiệp đoàn, học sinh và nhiều người khác. Có lẽ ông ta
muốn tôi phản bác lại điều đó, nhưng tôi không cải chính nhận xét
của ông ta.
Khi ngày mít–tinh Merdeka đến, tôi cùng Choo lái xe đến Kallang,
đậu xe cách cao ốc phi trường một quãng, và đi bộ đến khán đài
được dựng bên cạnh đường băng. Đó là một buổi chiều oi bức – tôi
mặc một chiếc sơ mi ngắn tay – nhưng có khoảng 25.000 người chờ
cho đến 5 giờ, khi Marshall đến trong chiếc xe hơi mui trần của ông
ta. Ông ta lái xe thẳng tới khán đài mà trên đố Chin Chye, Ong Eng
Guan và tôi đứng sẵn, và leo ngay lên với chúng tôi và ra dấu chào
Merdeka bằng một nắm tay giơ cao. Đám đông ùa tới ông ta, vài
người leo lên khán đài, mà nó vốn được làm tạm bợ bằng những
mảnh gỗ mỏng manh, nhanh chóng sụm xuống. Thế là hệ thống
phóng thanh bị hư hỏng, vì thế trong vài phút không ai có thể nói gì
với họ. Cuối cùng khi một mic–rô được nối lại, tôi yêu cầu một bộ
phận đám đông cư xử cho phải phép, rằng có một số "kẻ xấu” len lỏi
trong số họ, trong khi đó một Marshall đang khoa chân múa tay nói
trong mic–rô khác bị hỏng.
Không lâu sau đó, khi các dân biểu quốc hội Anh đến, Morrison nói
với Marshall: “Rất tiếc khi nghe khán đài của ông bị sập”. Họ không
hề ra tới đó, mà được dẫn vào tòa nhà phi trường hai tầng và được
giới thiệu với đám đông từ trên ban công. Họ đã không muốn đến,
nhưng Marshall thuyết phục họ là dân chúng thì thân thiện và họ
không cần phải lo về mặt an ninh. Sau đó ông ta vỗ nhẹ vào lưng
tay dẫn đầu đoàn đại biểu, đảng viên Đảng Bảo thủ Jeffrey Lloyd và
nói: “Tôi nghĩ là các ông nên nhanh chóng rời khỏi đây.” Lloyd và
đảng của ông ta bỏ đi tức khắc.
Tôi không thể nào làm đám đông trật tự trở lại được, và Lim Chin
Siong, nói bằng tiếng Quan thoại và tiếng Hokkien, cũng không ăn
thua gì. Đây không phải là cuộc mít–tinh do Lim tổ chức. Đây là cuộc
mít–tinh của dân thường, và những tay đầu lĩnh đám đông của ông
ta không nắm quyền chỉ huy. Ong Eng Guan đề nghị rằng nếu chúng
tôi bắt nhịp cho họ hát, họ sẽ không đi đến chỗ bạo loạn. Ông ta lấy
mic–rô từ tay Lim hát to bài We Love Malaya (Chúng ta yêu Malaya),
tiếp theo đó là bài hát cộng sản Unity is Strength (Đoàn kết là sức
mạnh), chuyển sang giai điệu của John Brown’s Body. Sau đó, trời
bắt đầu mưa phùn. Tôi ra dấu cho Choo đưa xe lại. Cô đưa nó lại
khán đài trong chừng mức an toàn mà cô có thể, và chúng tôi lái xe
rời đi.
Không một ai có cách gì để điều khiển đám đông đó. Họ đã trở
thành một đám hỗn tạp. Ngay sau đó dân chúng ném gạch đá vào
các cửa kính của tòa nhà phi trường, rồi hàng trăm người xông tới
đập phá các cổng kim loại, và hẳn là đã chiếm được tòa nhà nếu
cảnh sát tăng viện không kéo đến kịp. Khi cảnh sát giải tán, họ tản
ra thành những nhóm nhỏ, tràn đi phá phách trên các đường phố
gần đó và ném đá vào xe cứu thương của lữ đoàn St John đang cấp
cứu những người bị thương. Khoảng 7 giờ, trật tự được vãn hồi, 50
người bị thương, trong số đó có 20 cảnh sát.
Không có ai thiệt mạng hoặc thiệt hại tài sản gì đáng kể. Nhưng
việc xảy ra đã để lại trong lòng sáu thành viên đến thăm đó một sự
nghi ngờ về tính bất ổn trong tình hình chính trị ở Singapore, và
khiến họ tin rằng chính phủ, thậm chí với một vị tổng trưởng Anh và
một cảnh sát trưởng Anh, cũng không hoàn toàn điều khiển được.
Điều đó gần như là sự thật. Singapore của Marshall không phải là
Malaya của Tunku. Chính phủ Mặt trận Lao động không có được sự
ủng hộ vững chắc. Nó là, như Robert Black viết cho Lennox–Boyd,
một “tai nấm, chỉ có đầu, thân mảnh, không gốc rễ”. Lá thư của
Black mô tả lực lượng cộng sản trên hòn đảo lan tỏa hơn trong nội
địa và các biện pháp để chế ngự nó – bắt giữ mà không xét xử, hơi
cay, vòi rồng, việc xóa tên trong sổ công đoàn, cấm các cuộc hội họp
vì mục đích phá hoại – chỉ chữa được các triệu chứng mà không trị
liệu căn bệnh. Black viết rằng dù các lực lượng phòng vệ có thể
ngăn cản được sự đình trệ các dịch vụ công cộng hoặc những sự
hỗn loạn lớn, nhưng các phương thức của họ đồng thời sản sinh ra
nhiều người trẻ tuổi chống chính phủ và bài Anh hơn tham gia vào
đội ngũ ngày càng vững mạnh của các tổ chức CUF. Dưới một chế độ
dân chủ, mỗi người một lá phiếu, nó chỉ là vấn đề thời gian trước khi
các học sinh trung học trường Hoa và những công nhân trẻ tuổi nói
tiếng Hoa hình thành một chính phủ khuynh tả hợp pháp do dân
bầu.
Tôi đã nung nấu những ý nghĩ tương tự khi tôi cân nhắc cái thế
tiến thoái lưỡng nan mà chúng tôi, những người phi cộng sản, đối
mặt. Nhưng Marshall có những hiểu biết giới hạn về tình hình thực
tế của đất nước, và kinh nghiệm bản thân cũng không cách chi làm
ông ta bớt bồng bột hoặc kiềm chế được. Ông ta vẫn lạc quan rằng
ông ta sẽ có được một cái gì đó cũng tốt đẹp như Tunku đã đạt được
từ Lennox–Boyd, và ngày 4/4, ông ta đã chuyển vào Hội đồng một
bản kiến nghị để trình bày những gì ông ta chờ mong ở chính phủ
Anh trong cuộc đàm phán hiến định. Phần thực tế của văn bản này
là:
“Hội đồng lập pháp yêu cầu phái đoàn liên đảng … ngay lập tức tìm
kiếm cho Singapore quy chế của một lãnh thổ độc lập nằm trong
Khối thịnh vượng chung và đưa ra một hiệp ước giữa chính phủ
Vương quốc Anh và chính phủ Singapore, qua đó chính phủ Vương
quốc Anh sẽ nhân danh Singapore thực thi quyền điều khiển việc
phòng vệ bên ngoài và có chỉ đạo trong quan hệ đối ngoại hơn là
trong giao thương và thương mại.”
Tôi đã nhiều lần tranh cãi riêng với Marshall trước khi ông ta đưa
ra kiến nghị rằng chừng nào mà nước Anh còn có quyền ra lệnh cho
Singapore phải làm những gì trong vấn đề quốc phòng, thì
Singapore không thể là một nước độc lập được, cho dù có bất kỳ
thỏa ước gì. Nhưng ông ta không chịu từ bỏ mục tiêu của mình –
cảm giác độc lập dù chỉ là hình thức. Trong việc tán thành đề nghị
của ông ta, tôi nói rằng nghị quyết được phác thảo như thế là một
“cách nói hoa mỹ rằng chúng tôi ý thức rằng người Anh sẽ không
trao cho chúng tôi nền độc lập hoàn toàn vì điều đó sẽ có nghĩa là
làm đảo lộn các thỏa ước quốc tế và những nền tảng quốc tế trong
chiến lược phòng vệ thế giới”.
Tôi đã làm hết sức mình trước khi diễn ra hội nghị London để chắc
rằng hiến pháp kế tiếp sẽ không mở ra những cánh cổng cho phái
quá khích, mà sẽ cho chúng tôi đủ cơ hội để thành lập một chính thể
phi cộng sản, không phải một thứ bù nhìn của người Anh, mà như
người bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân. Marshall không bao giờ
hiểu ra sự cần thiết cho thế cân bằng tốt đẹp này: phải có đủ sức
mạnh để hành động vì lợi ích của nhân dân, nhưng cũng phải có
người Anh ở vị trí trừ bị trong trường hợp cộng sản chiếm được thế
thượng phong. Và Lim Chin Siong không hiểu ra rằng gần như độc
lập mà không có chủ quyền thì có nghĩa là chủ quyền vẫn trong tay
người Anh. Những gì ông ta muốn hoàn toàn đơn giản là có một hiến
pháp mà nó sẽ cho phép lực lượng của ông ta lớn mạnh thêm.
Marshall dẫn đầu đoàn đại biểu liên đảng gồm 13 thành viên, trong
đó gồm 5 ủy viên chính phủ và 2 quan chức thứ yếu trong chính
phủ Mặt trận Lao động, 4 đảng viên Đảng Xã hội Tự do (do Đảng
Cấp tiến và đảng viên Đảng Dân chủ hợp nhất lại hồi tháng 2) và 2
thành viên PAP. Chúng tôi bay thành từng nhóm riêng trên những
chiếc phi cơ cánh quạt BOAC Argonaut mất hai đêm ba ngày để đi từ
Singapore đến London, với hai lần nghỉ qua đêm ở Colombo và
Karachi. Tôi lên đường hồi đầu tháng 4 để có thời gian gặp Keng
Swee và đánh giá tình hình từ phía người Anh. Lim Chin Siong đi
cùng tôi, hơi bị hoang mang. Đây là lần đầu tiên ông ta rời khỏi đất
nước. Nhưng nỗi sợ hãi của ông ta là do phải rời khỏi những cố vấn
đầy kinh nghiệm của mình hơn là vì việc phải có mặt ở đất khách.
Trước khi tôi và Lim lên đường trên chiếc Argonaut, tôi đưa ra một
tuyên bố chính thức của PAP để giải thích tại sao chúng tôi thay đổi
đường lối của mình. “Chúng tôi muốn hợp nhất ngay cả trước khi
chúng tôi đạt được một nhà nước tự trị… Đáng tiếc là Thủ tướng Liên
bang không thể đồng ý với kiến nghị của chúng tôi… Hiện chúng tôi
đang tìm kiếm một bước tiến tối đa về chính trị mà chúng tôi có thể
đạt được ở riêng Singapore, nhưng sẽ phấn đấu để đạt được sự hợp
nhất với Liên bang.”
Những chuyến bay duy nhất tôi thường đi trước đó là bay đến
Kuala Lumpur và trở về trên chiếc Dakota hai động cơ. Trong những
ngày đó, việc di chuyển bằng đường hàng không chỉ dành cho một
thiểu số người lãnh đạo, đắt tiền và không phải là không có rủi ro, và
mỗi chuyến đi đáng để cho bạn bè, người thân hoặc những người
ủng hộ đảng phái làm lễ tiễn đưa. Đám đông khoảng vài trăm người
đến để tiễn tôi và Lim và chúng tôi nói chuyện với họ từ trên chót
cao của cầu thang di động trước khi bước vào máy bay. Tôi nói rõ
ràng rằng mục đích của đoàn đại biểu là “không bảo đảm một nền
độc lập toàn vẹn mà chỉ tự trị 75% và sau 5 năm thì tự trị hoàn
toàn”. Lim đứng cạnh tôi và tôi phải bảo đảm rằng báo chí hiểu đúng
đắn điều đó và sẽ không xuyên tạc lập trường của PAP.
Rồi tôi sẽ có được những ấn tượng mới. Khi chúng tôi dừng nghỉ
đêm ở Colombo, tôi thật sự ngạc nhiên khi nhận thấy sự phát triển
vượt bậc ở đó. Nó không bị Nhật chiếm đóng và trông thịnh vượng
hơn Singapore nhiều. Karachi, chỗ nghỉ đêm kế tiếp, thì nóng và đầy
bụi, và đây là lần đầu tiên tôi thấy lạc đà làm việc như một loại gia
súc dùng để kéo những chiếc xe kéo nặng nề và thoải mái thải ra
những đống phân khổng lồ khi đang đi trên đường. Nhưng trong một
tối dạo phố, tôi đã có cơ hội mua cho Choo mấy tấm khăn choàng
lụa mỏng trông giống như những sợi tơ dệt lẫn với chỉ vàng. Thỉnh
thoảng cô ấy vẫn dùng chúng. Sau Karachi, chúng tôi còn dừng để
tiếp nhiên liệu ở Cairo và Rome, và cuối cùng hạ cánh ở London
ngày 17/4.
Tôi có 6 ngày để bắt kịp tình hình chính trị ở đây trước khi hội nghị
bắt đầu. Thời tiết tuyệt đẹp. Đây là một trong những mùa xuân có
nắng ở London và hoa tulip đã nở dọc theo phố Mall. Nước Anh đang
bắt đầu thoát khỏi tình trạng khó khăn sau chiến tranh. London
trông sạch sẽ, ngăn nắp hơn trong vòng 6 năm từ khi tôi rời đi hồi
năm 1950, và có nhiều xe hơi hơn trên đường phố. Nó cũng có một
sự cân bằng chủng tộc mới nữa. Tôi thấy khá đông những người da
đen châu Mỹ Latinh làm nhân viên bán vé trên xe buýt, và một số
người quét rác da đen. Và tôi nhận thấy rằng những người châu Á
hiện được nhắc đến trên báo chí bằng chữ Asean thay cho chữ
Asiatic trước đây. Người ta cho tôi biết là vào khoảng năm 1953, báo
chí Anh bắt đầu dùng từ "Asian" vì từ “Asiatic” có vẻ hơi hạ cố hoặc
khinh thường, và sự thay đổi này là một sự nhượng bộ đối với người
Ấn, Pakistan và Sri Lanka, hiện đã độc lập. Tôi không hiểu điều này
cải thiện thế đứng của họ như thế nào. Khi bọn trẻ London gọi tôi là
người Hoa hay Chink, tôi không hề bực bội. Nếu chúng hàm ý chữ
đó như một từ miệt thị, thì công việc của tôi là làm cho chúng, một
ngày nào đó, phải nghĩ khác đi.
Tôi dành nhiều thời gian với Keng Swee và những nhóm phụ tá
của ông ta, những sinh viên năng nổ đã giúp ông ta chiến đấu và
đánh bại John Eber và nhóm của ông ta ở Diễn đàn Malaya. Trong số
họ có Joe Pillay, người sẽ trở thành Chủ tịch Hãng hàng không
Singapore, và Chua Sian Chin, người sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Nội
vụ. Tôi thấy được khích lệ khi Keng Swee đã có thể tìm được những
người trẻ tuổi có năng lực và họ có thể giúp chúng tôi rất nhiều khi
họ trở về Singapore.
Ông ta cũng có nhiều tiếp xúc với Hội Fabian và Đảng Lao động.
Vài người, như Hilda Selwyn–Clacke, vợ của một vị nguyên thống
đốc Hồng Kông, bắt đầu trở thành một người bạn và là người bênh
vực cho các sinh viên thuộc địa. Các hội viên Fabian đang nuôi
dưỡng những người theo chủ nghĩa dân tộc, họ sẽ trở thành những
người dân chủ đúng nghĩa, những người theo chủ nghĩa xã hội thật
sự, và những người ủng hộ nước Anh trong Khối thịnh vượng chung
mới thành lập. Keng Swee đã thu xếp cho tôi dùng cơm với những
nhân vật quan trọng của Đảng Lao động, lúc đó đã thôi nắm quyền,
gồm có Aneurin Bevan, cựu Bộ trưởng, người đã tổ chức mạng lưới
bảo hiểm y tế quốc gia, một người xứ Wales và là nhà hùng biện vĩ
đại. Và tôi có dịp đến thăm những người bạn cũ của tôi và Choo ở
Cambridge, vài người trong số họ hiện đang hành nghề trong luật sư
đoàn. Họ cho tôi một cảm quan về tâm trạng của xã hội Anh ở
London sau thời kỳ khổ cực, mà nó sẽ dẫn đến những năm 60 đầy
khởi sắc.
Hơn một tháng từ giữa tháng 4, tôi sống cùng Lim Chin Siong
trong một căn hộ được phục vụ đầy đủ ở St James Court, nơi đoàn
đại biểu liên đảng lưu trú. Căn hộ của chúng tôi có hai phòng ngủ
kèm theo phòng tắm riêng và một phòng khách. Bữa ăn được phục
vụ trong nhà hàng bên dưới, nhưng bữa điểm tâm có thể được mang
lên phòng. Khách sạn đó có vẻ thanh lịch theo kiểu cổ, với kiến trúc
bằng gạch trang nhã và những thang máy xưa.
Tôi sống trong môi trường quen thuộc và được Keng Swee và
những người khác chỉ dẫn tận tình, tôi có thể đánh giá nhanh chóng
các chính khách Anh đã thay đổi tư tưởng và lập trường của họ như
thế nào. Nhưng Lim thì khác. Ông ta thể hiện mình là một kẻ dễ
chịu, đáng yêu, không hề tự phụ nhưng có nhiều kiềm chế, như hầu
hết những người Hán học khác. Ông ta rất lo lắng để không gây ra
điều thất thố và rất biết ơn tôi vì đã mách nước cho ông ta về những
tập tục xã hội của người Anh, như những tập tục trên bàn ăn của họ
– cách cầm nĩa, muống và dao, và cách đặt muống và dao cùng
nhau như thế nào để chứng tỏ bạn đã dùng xong một món ăn.
Chúng tôi dùng chung một chiếc xe hơi. Mỗi đảng trong đoàn đại
biểu được cấp một chiếc, nhưng vì ông ta không có những mối quan
hệ xã hội ở London và những công việc của ông ta toàn là những
việc chính thức, mà những việc đó tôi cũng đi, nên tôi sử dụng chiếc
xe hết phần lớn thời gian. Tuy nhiên còn một lý do khác nữa: ông ta
không hề muốn tài xế biết khi nào ông ta gặp riêng những tay thân
cộng.
Tôi tự hỏi không biết ông ta đi lại bằng cách nào. Chắc hẳn trước
khi rời khỏi quê nhà, ông ta đã có được một vài số điện thoại và địa
chỉ. Nhưng MCP không có những cán bộ đáng tin cậy ở London nắm
vững tình hình ở Singapore và Malaya. Theo tôi biết, mối liên hệ
quan trọng nhất của ông ta là John Eber, và tôi thấy yên lòng, vì
điều đó có nghĩa là ông ta sẽ không nhận được lời khuyên đúng đắn.
Ông ta không có ai tin cậy để nhờ vả, và đang hoạt động ở một thế
hoàn toàn bất lợi, kèm theo lòng khinh bỉ của ông ta với các ủy viên
thuộc Mặt trận Lao động cùng những đại biểu khác. Với quần áo
bảnh bao và giọng nói ồn ào, họ có vẻ hào nhoáng, ra ngoài để vui
chơi thỏa thích. Lim Chin Siong hoàn toàn ngược lại. Ông ta có một
bộ com–lê mới và tự mua một chiếc mũ mềm theo lời khuyên nhưng
ông ta không bao giờ đội nó trừ lúc ra phi trường. Ông ta rất bình dị,
khiêm tốn và cư xử chừng mực, với một lòng tận tụy cho chính
nghĩa của mình, ông ta đã thu phục được lòng tôn trọng và sự khâm
phục vốn rất hiếm hoi của tôi. Tôi ước gì mình có những cán bộ
giống như ông ta. Ông ta giống như một thầy đội Gurkha trong quân
đội Anh – hoàn toàn đáng tin cậy, trung thành tuyệt đối, luôn sẵn
sàng thi hành mệnh lệnh bằng hết năng lực của mình.
Có lẽ ông ta không biết đánh giá về tôi như thế nào. Tôi là một tay
tư sản nốc bia ừng ực, thích chơi gôn, nhưng hẳn ông ta cũng hiểu
rằng tôi không phải là không có một mục đích nghiêm túc. Về phía
chúng tôi, phần lớn công việc soạn thảo các văn kiện đều do
Marshall và viên luật sư của ông ta, Walter Reaburn, đảm trách, vì
Marshall, về căn bản, đối phó với hội nghị này như một vấn đề pháp
lý. Tôi xem nó hoàn toàn là một vấn đề chính trị, và Lim hẳn phải
nhận thấy rằng tôi tập trung vào những vấn đề then chốt, kiểu như
vấn đề về chủ quyền, trách nhiệm về an ninh và đối ngoại thông
qua Hội đồng An ninh Quốc phòng, và chức chủ tịch hội đồng này.
Ngày nọ, giữa hai buổi họp, ông ta đi đến cửa hàng Collet, một
hiệu sách thuộc cánh tả đối diện viện bảo tàng Anh, mua quyển The
Story of Zoya and Shura15 của L.Kosmodemyanskaya. Ông ta đưa tôi
và nói: “Lee, cuốn sách này rất hay. Tôi đã đọc nó ở Trung Quốc hồi
còn đi học. Và nó làm tôi thay đổi hẳn.” Tôi xúc động. Cuối cùng ông
ta đã không gạch tên tôi như một tay tư sản ăn chơi trụy lạc. Tôi
cám ơn và lướt qua các trang giấy. Một quyển sách bìa cứng do
Moscow tài trợ và giá chỉ 5 si–ling. Nó kể lại một câu chuyện anh
hùng về thời Đức xâm lược Liên Xô và chuyện một chàng trai và
một cô gái đã hành động gì cho quê hương, cho bạn bè của họ và
cho Đảng Cộng sản. Qua việc ca tụng những giá trị đạo đức, nó rõ
ràng đã làm cho Lim xúc động dữ dội khi ông ta đọc nó vào độ tuổi
thiếu niên nhạy cảm.
Ông ta là người có thiện chí và có vẻ chân thành sâu sắc. Tất cả
sự tán dương và xu phụ của đám đông không hề làm ông ta chao
đảo. Nhưng chúng tôi không bao giờ phát triển một tình bạn thân
thiết. Thay vào đó, chúng tôi nhận rõ bản chất của nhau là gì. Ông
ta biết tôi không phải là một người cộng sản, tôi biết rõ ông ta là
một người cộng sản. Và chúng tôi cùng chấp nhận nhau như thế.
Ông ta cần tôi; tôi cũng cần ông ta. Ông ta tin tôi là một người lương
thiện trong vấn đề tiền bạc, và nói chung là không lừa dối ông ta.
Nhưng ông ta không tin tôi về các vấn đề chính trị. Đó là bản chất
mối quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi không lừa dối nhau về lập
trường của mình. Vốn tiếng Anh của ông ta không đủ giỏi để ông ta
thông hiểu hết khối văn kiện của hội nghị, nhưng như tôi viết cho
Chin Chye vào lúc đó: “Ông ta đang viết những bản báo cáo dài lê
thê gửi về, chỉ có Chúa mới biết gửi cho ai.” Có lẽ ông ta bày tỏ ấn
tượng của mình về con người và đánh giá quan điểm của họ đối với
những vấn đề quan trọng.
Riêng tôi gặp gỡ và dùng bữa với dân biểu Anh, cả Đảng bảo thủ
lẫn Đảng Lao động. Các đảng viên Đảng Bảo thủ có xu hướng trở
thành những mẫu người hung hăng, quan tâm đến tình hình thế giới
nói chung và hoàn toàn khác xa các thành viên Đảng Lao động,
những người có thiện chí và suy nghĩ nghiêm túc nhưng lại đầy tính
địa phương. Tôi có một bữa ăn đáng nhớ với Fitzroy Maclean và
Julian Amery. Maclean nổi tiếng nhờ những chiến tích thời Đức
chiếm đóng Nam Tư, và đã viết những kinh nghiệm của mình trong
cuốn Disputed Barricades, tôi thấy rất hấp dẫn. Amery cũng có một
cá tính mạnh bạo, và sự quen biết của chúng tôi phát triển thành
một tình bạn. Những người bạn như thế đã thể hiện giá trị rất lớn
trong những năm 60 khi chúng tôi phải củng cố chính quyền ở
Singapore, và thậm chí nhiều hơn thế nữa khi chúng tôi là bộ phận
của Malaysia và bị đe dọa công khai bởi bọn Malay “Ultras”. (Tôi gọi
họ là Ultras, theo cách người Pháp đặt tên cho những kẻ quá khích ở
Algeria.) Việc tôi lưu lại London thì hay và có ích. Nhưng cuộc hội
nghị thì không được như thế.
Ở London, Marshall đã đọc được lời tuyên bố của tôi hồi rời khỏi
Singapore và cho là tôi đang phá hoại ông ta. Ông ta tấn công tôi
kịch liệt trong một lần diễn thuyết trước 200 sinh viên Malay, cảnh
báo họ rằng tôi đang lôi cuốn những “người cộng sản vào PAP và
dọn dường cho những người cộng sản nắm quyền vào năm 1959”.
Nhưng tôi không phải là người duy nhất mà ông ta nhận thấy đang
bất đồng với ông ta. Lúc cuộc họp khoáng đại khai mạc, viên Bộ
trưởng thuộc địa, Lennox–Boyd, vạch ra phương hướng cho toàn thể
hội nghị trong bài diễn văn đanh thép, trầm tĩnh trong đó ông ta làm
rõ quan điểm của người Anh. Đề cập đến cuộc viếng thăm London
của Marshall hồi tháng 12 rồi, ông ta nói vị Tổng ủy viên này đã đi
trệch khỏi sự thỏa thuận đã được đồng ý hồi ấy rằng Singapore sẽ
chỉ có nền tự trị về nội vụ. “Thay vào đó, hiện ông ta mưu cầu sự
độc lập chủ quyền toàn vẹn. Chính quyền Vương quốc Anh đã không
hề được tham khảo mà cũng không đồng ý mở ra những cuộc thảo
luận từ khởi điểm mới mẻ này.”
Marshall không hiểu hàm ý này. Ông ta đã để mình bị cuốn hút
quá sâu vào dòng xúc cảm riêng tư. Trước khi rời Singapore, ông ta
đã tuyên bố công khai rằng sẽ từ chức nếu như ông ta thất bại
trong việc giành lấy độc lập. Vài ngày sau khi đến London, tôi nhận
được một giác thư của ông ta đề ngày 21/4, nó được phổ biến đến
các thành viên của đoàn đại biểu và đến chính phủ Anh. Marshall đòi
hỏi merdeka, tức độc lập, ngay lập tức. Merdeka, ông ta chỉ rõ, sẽ
tập hợp được nhân dân chống lại cộng sản.
Nhưng Lennox–Boyd không bị ấn tượng và tuyên bố vào ngày
25/4 rằng trong khi chính quyền Vương quốc Anh sẵn sàng thực
hiện những nhượng bộ quan trọng đối với các nguyện vọng của
Singapore, nó có ý định vẫn giữ quyền “quyết định cuối cùng” trong
vấn đề an ninh nội chính dưới hình thức một hội đồng bảo an do một
cao ủy người Anh giữ chức chủ tịch.
Thay vì đọc những dự báo thời tiết và khóa chặt hầm tàu, Marshall
cứ quyết định giong buồm tiến tới. Ông ta phổ biến một giác thư mới
vào ngày 1/5 cùng một bản dự thảo Điều luật Độc lập của
Singapore. Bởi vì những bản kiến nghị trước đây của ông ta không
được chấp nhận, ông ta nhất quyết yêu cầu nền độc lập toàn vẹn,
lần này với điều kiện là cho một Hội đồng An ninh Quốc phòng mà
nó “sẽ chỉ đơn thuần là cố vấn” và chỉ chấp nhận một “giai đoạn
chuyển tiếp”, không có gì hơn. Suốt giai đoạn chuyển tiếp này người
Anh có thể can thiệp và đình chỉ hiến pháp, nhưng mặt khác
Singapore sẽ có “nền độc lập toàn vẹn” trong “những thời đoạn bình
thường”. Bản kiến nghị mới của Marshall sẽ cho phép người Anh can
thiệp chỉ trong “những thời điểm bất thường”, nói cách khác chỉ sau
một thời kỳ lộn xộn hoặc sau khi phe cộng sản nắm quyền một cách
bất hợp pháp và đe dọa nền móng nước Anh.
Sự phản ứng của Marshall với Lennox–Boyd cũng giống như sự
phản ứng của ông ta khi viên thống đốc, Robert Black, khước từ ông
ta về vụ bốn tay phụ tá thứ yếu. Ông ta tăng tiền cược, ông ta
không nhận ra là mình đang đấu với tay chủ trò, mà tay này sẽ
không nhượng bộ. Trong buổi họp kế tiếp, ngày 4/5, Lennox–Boyd
chỉ trích thẳng thừng quan điểm của Marshall về “những thời điểm
bình thường”, rằng "thời điểm hiện tại khó có thể được xem như thời
điểm bình thường”, và cuộc tranh cãi cứ dằng dai, với một Marshall
càng lúc càng căng thẳng khi Lennox–Boyd vẫn giữ một vẻ điềm
tĩnh lạnh lùng.
Có một việc xảy ra khắc sâu trong ký ức của tôi. Giữa lúc Marshall
đang hăng hái diễn thuyết, một thư ký riêng nhẹ bước đến chỗ
Lennox–Boyd và đặt một bức điện trước mặt ông ta. Lennox–Boyd
đọc và bắt đầu viết lên đó. Marshall bực bội. Ông ta dừng lại giữa
chừng, và cao giọng nói chứng tỏ ông ta đang giận dữ: “Bộ trưởng
Ngoại giao16, chúng tôi biết là ông có nhiều thuộc địa trọng yếu khắp
thế giới, nhưng chúng tôi đã vượt 8.000 dặm đến đây để trình bày
trường hợp của chúng tôi và chúng tôi yêu cầu ông dành cho nó sự
quan tâm đúng mức.”
Không rời mắt khỏi bức điện, Lennox–Boyd vẫn tiếp tục viết và
nói: “Ngài Tổng ủy viên, hãy để tôi cam đoan với ông rằng trong tất
cả các thuộc địa đáng giá của chúng tôi trên thế giới, Singapore là
một trong những thuộc địa đáng giá nhất. Nó là một viên ngọc quý
trên vương miện của Vương quốc Anh. Tôi đang lắng tai nghe. Ông
đang nói thế này đây, ông Tổng ủy viên” – và ông ta lặp lại ba câu
cuối cùng của Marshall đúng từng chữ một. Quả là một cuộc biểu
diễn của một người có trình độ kỹ thuật cao, rất Anh, hoàn toàn
chấn động. Marshall giận lặng người đi, một trạng thái bất thường
đối với ông ta.
Nhưng tất cả đều trở nên rất chán và rõ ràng không đưa chúng tôi
đến đâu cả, dù diễn ra nhiều cuộc họp kéo dài và những cuộc thảo
luận lặng lẽ. Marshall đang đuổi theo một ảo tưởng, “một cái gì đó
cao hơn chế độ tự trị về nội vụ mà phải đạt tới một nền độc lập hoàn
toàn” như ông ta đã nói với tôi khi tôi hỏi ông ta muốn điều gì. Các
buổi thảo luận kéo dài lê thê qua các phiên họp khoáng đại lần thứ
tám, thứ chín, thứ mười, cho đến phiên họp thứ mười một, vào ngày
12/5, chúng tôi chuyển sang vấn đề về chức chủ tịch Hội đồng An
ninh quốc phòng. Trước tiên Marshall gợi ý là người đó phải là người
được Liên Hiệp Quốc chỉ định, một đề nghị bảo đảm là Anh sẽ bác
bỏ. Ba ngày sau đó, hành động theo lời khuyên của ủy viên hành
pháp của ông ta ở Singapore, ông ta gợi ý rằng đó phải là một người
Malaya do chính phủ Liên bang chỉ định. Lennox–Boyd ngạc nhiên.
Với ba người Anh, ba người Singapore và một người Malaya trong
hội đồng, lá phiếu quyết định sẽ tùy thuộc vào người Malaya và
người Anh sẽ trở thành thiểu số. Buổi chiều, ông ta gạt bỏ ý kiến đó,
nói rằng: “Trách nhiệm bảo an là vấn đề của người Anh và đến
chừng nào tình hình vẫn còn như thế thì Anh vẫn phải là kẻ có tiếng
nói cuối cùng trong cương vị chủ tịch Hội đồng An ninh quốc phòng”.
Cuộc thảo luận đi đến chỗ bế tắc. Lennox–Boyd quyết định không
cần tiếp tục hội nghị nữa, và tuyên bố rõ rằng đến đây là kết thúc
hội nghị. Marshall lặng người kinh ngạc. Mặt ông ta sạm đi vì xúc
động. Ngoại trừ Marshall và Lim Chin Siong, tất cả các thành viên
trong đoàn đại biểu bao gồm cả tôi đã chuẩn bị để chấp nhận những
gì người Anh đề nghị – một hiến pháp tự trị với chính phủ Singapore
phụ trách an ninh nội địa, nhưng người Anh vẫn có quyền khống
chế chính phủ này thông qua một Hội đồng An ninh Quốc phòng
trong đó người Anh sẽ chiếm đa số. Tôi khuyên Marshall đừng từ
chối điều này, mà hãy “trở lại Hội đồng lập pháp và thảo luận lại vấn
đề để sau đó tiến một bước xa hơn”. Nhưng ông ta bác bỏ ngay lập
tức – ông ta không phải là con người biết tính toán trầm tĩnh, bình
thản khi lâm vào tình thế khó khăn mà ông ta tự trói mình vào.
Tối hôm đó, chúng tôi cùng được phỏng vấn trên đài truyền hình
độc lập. Cả hai chúng tôi đều lên án Lennox–Boyd kịch liệt, nhưng
Marshall dùng ngôn ngữ hình tượng hơn, quả quyết rằng vị Bộ
trưởng Ngoại giao đã bày ra “một chiếc bánh Giáng sinh với nước
xốt chứa độc dược.” Giờ ông ta phải giữ lời hứa từ chức của mình.
Khoảng 5 giờ 45 chiều hôm đó, viên thư ký của đoàn đại biểu điện
thoại đến nói rằng Marshall đang triệu tập một cuộc họp khẩn cấp
nhằm thảo luận việc tái tục cuộc đàm phán. Tôi đánh thức Lim Chin
Siong để báo tin. Ông ta không tin.
“Lee, thôi đi, đừng giở trò lỡm tôi,” ông ta nói bằng giọng Anh pha
Hokkien của mình.
“Lim, tôi nói thật mà. Có một cuộc họp lúc 6 giờ.”
Bằng những hành động lắt léo đầy bất ngờ và mâu thuẫn của
mình, Marshall đã gây bực bội không chỉ cho tôi và những thành
viên Đảng Xã hội Tự do, mà cả những thành viên chủ chốt thuộc
Mặt trận Lao động của ông ta. Ý muốn tái tục đàm phán để tự cứu
mình của ông ta là quá sức chịu đựng của họ. “Ông không thể ăn
những gì ông đã mửa ra,” như lời một đại biểu thuộc Đảng Xã hội Tự
do xen vào bằng tiếng Hokkien đầy hình tượng. Suốt nửa giờ họp,
Marshall biết rằng nếu ông ta cố tìm cách tái tục việc đàm phán, ông
ta sẽ phải làm điều đó một mình. Ông ta đã đi quá xa vai trò của
mình và đã bị cô lập.
Tối đó, ông ta tới xem vở Madam Butterfly cùng với Lennox–Boyd
và bà Patricia Boyd, sau đó đến một nhà hàng Tây Ban Nha dùng
cơm trong tiếng ghi–ta và tiếng thiết hài của các vũ công. Trong khi
đó, tôi quyết định ngăn ông ta đừng đóng một màn phục hồi các
thứ. Trong một cuộc họp báo tối đó ở Malaya Hall, tôi tuyên bố rõ
rằng PAP sẽ chẳng can dự gì đến việc tái tục hội nghị. Tôi nói đó là
“một sự cố gắng vô vọng cuối cùng để bám lấy chức vụ, một dấu
hiệu của sự bất tài về mặt chính trị đến khó mà tin được”, và để kết
thúc, tôi thêm: “Chưa bao giờ trong lịch sử phát triển thuộc địa lại
có quá nhiều trò bịp bợm được trình diễn bởi sự lãnh đạo thất
thường đến thế trong một thời gian ngắn như thế.”
Tôi biết rằng qua việc tổ chức họp báo trong đúng buổi tối đó, dù
có muộn đi nữa, tôi cũng sẽ xuất hiện trên báo chí London vào ngày
hôm sau, cũng như trên báo chí Singapore, dù bị chênh lệch múi
giờ. Những gì tôi nói sẽ xuất hiện trên báo và minh định quan điểm
của tất cả mọi thành viên trong đoàn đại biểu. Và đó là những gì đã
xảy ra.
Tôi rời London cùng Lim Chin Siong vào ngày 21/5. Cuộc hội nghị
đã thực sự là một thất bại. Nhưng nó không phải là không có giá trị,
vì nó đã giúp Singapore thoát khỏi tính phấn khích thất thường của
Marshall. Marshall phải từ chức, và tôi đoán rằng Lim Yew Hock có
thể sẽ là Tổng ủy viên kế tiếp của chính phủ Mặt trận Lao động.
Chúng tôi sẽ bước vào một giai đoạn mới. Tôi không biết chắc Lim
Chin Siong nghĩ gì. Có thể ông ta đang suy nghĩ đến hậu quả của
tính hấp tấp của Marshall mà ông ta đã từng cổ vũ. Chắc chắn
chúng tôi sẽ có một chính phủ ít thuận lợi cho CUF, bởi vì Lim Yew
Hock sẽ là một giải pháp khác. Trong những giai đoạn cuối của cuộc
hội nghị, tôi thấy Marshall hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Lim Chin
Siong. Khi ông ta làm cho tất cả những người phi cộng sản chán
ghét bởi sự thay đổi quan điểm và những cơn hỉ nộ bất thường của
mình, thì Lim là người ông ta trông chờ để có sự ủng hộ, và ông ta
đã ngu ngốc nghe theo lời khuyên của Lim khi bác bỏ lời đề nghị
cuối cùng của Lennox–Boyd.
14
MARSHALL RA, LIM YEW HOCK VÀO
Cuối cùng khi Marshall trở về Singapore ngày 25/5/1956, ông ta
vẫn còn bực bội và giận tôi. Ông ta yêu cầu tôi rời khỏi phòng khi tôi
xuất hiện ở phi trường để chào đón ông và dự định lưu lại dự cuộc
họp báo của ông ta. Nhìn thẳng vào tôi, ông ta nói cuộc họp báo chỉ
dành cho những người bạn. Tôi bỏ đi.
Tại cuộc thảo luận cuối cùng của ông ta với tư cách là Tổng ủy
viên vào ngày 6 và 7/6, vẫn muốn từ chức trong vinh dự, ông ta
yêu cầu Hội đồng lập pháp tán thành lập trường của đoàn đại biểu
tại cuộc hội nghị ở London. Marshall bị các thành viên Đảng Xã hội
Tự do khiển trách vì những hành động bất nhất và vì sự sai lầm của
ông ta trong việc từ chối ba phần tư ổ bánh và trở về tay không. Tôi
quyết định không phê phán Marshall gì cả, mà đưa ra một mặt trận
liên kết chống lại nước Anh “xấu xa”.
Cuộc họp mang bầu không khí sắp tàn cuộc, và tôi thấy cũng
chẳng được gì qua việc trách móc Marshall. Về cuối của cuộc thảo
luận kéo dài hai ngày này, Marshall từ chức. Ngày hôm sau, 8/6, Lim
Yew Hock tuyên thệ nhậm chức Tổng ủy viên.
Tôi đã tin rằng Lim Yew Hock sẽ phải lãnh đạo hoàn toàn khác.
Ông ta không có cá tính của Marshall hoặc tính thích quảng bá. Ông
ta không thể sống từ cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng
khác. Ông ta là một nhân viên tốc ký đã thành đạt nhờ khôn ngoan,
biết điều, đáng tin cậy và quý giá đối với các ông chủ của ông ta. Tôi
cảm giác hầu như chắc chắn rằng ông ta sẽ chấp nhận sự phân tích
của các viên chức của ông ta, đặc biệt là các chuyên gia Sở đặc vụ,
và hành động theo lời khuyên của họ về cách thức đối phó với sự lật
đổ của CUF. CUF đã xâm chiếm sâu rộng vào quá nhiều mặt, và vấn
đề của ông ta là làm thế nào để hạn chế họ lại mà không bị quần
chúng phản đối. Nếu ông ta tấn công vào ngôn ngữ và nền giáo dục
Hoa, ông ta sẽ mất phiếu của khối người nói tiếng Hoa. Nếu ông ta
bắt giữ những tay lãnh đạo hiếu chiến của họ và họ bất ngờ không
thể giành được thêm những phúc lợi thông qua các cuộc đình công
và biểu tình, ông ta sẽ mất số phiếu của giới công nhân, kể cả số
người Malay và Ấn Độ, những kẻ sẽ đòi hỏi phóng thích những lãnh
đạo đó.
Tuy nhiên, với Lim Yew Hock giữ chức Tổng ủy viên, tình hình trở
nên nguy hiểm hơn cho CUF. Vì thế tôi ngạc nhiên rằng, không hề
lùi bước hay mai phục chờ thời, Lim Chin Siong và nhóm của ông ta
quyết định đóng một vai trò nổi bật hơn. Trong cuộc bầu cử chọn ủy
ban chấp hành mới của PAP, họ xoay xở để đạt 5 trong số 12 chiếc
ghế cho nhóm của họ, chính Lim Chin Siong đạt được số phiếu lớn
nhất: 1.537 phiếu so với 1.488 phiếu của tôi. Ông ta vẫn để cho
phái ôn hòa giữ một đa số trên danh nghĩa, nhưng lại cho thấy rõ
rằng một khi cần đến sự ủng hộ của quần chúng, thì phái khuynh tả
sẽ nắm được mọi lá bài chủ. Sức mạnh của họ đang tràn ngập và họ
có thể dễ dàng kiểm soát đảng bất cứ khi nào họ muốn.
Tôi quyết định đây là lúc tôi đi nghỉ nửa tháng thường niên. Tôi lái
xe lên cao nguyên Cameron cùng với Choo và Loong, ngừng lại dọc
đường tại khách sạn Station ở Kuala Lumpur. Chúng tôi chọn nó vì
Loong rất thích những chiếc xe lửa, và chúng tôi đưa nó xuống sân
ga để xem các chuyến xe đến và đi. Nhưng còn một lý do quan
trọng hơn để chúng tôi lưu lại Kuala Lumpur. Đáp lại một lá thư tôi
đã gửi cho ông ta trước đó, Ong Pang Boon đã đến khách sạn gặp
tôi.
Vốn tiếng Hoa của tôi vẫn rất kém. Pang Boon nói tiếng Quan
thoại, Hokkien, Quảng Châu, và được giáo dục bằng tiếng Hoa và
tiếng Anh. Ông ta vừa tốt nghiệp Đại học Malaya và đang làm việc
tại Kuala Lumpur cho Malaya Borneo Building Society. Lương ông ta
khoảng 700 đôla một tháng. Ông ta đã giúp tôi ở Tanjong Pagar suốt
cuộc vận động bầu cử năm 1955 và tôi muốn ông ta trở thành thư
ký tổ chức của PAP, nhưng tôi chỉ có thể đề nghị với ông ta mức
lương 450 đôla từ phần trợ cấp 500 đôla một tháng của ủy viên hội
đồng lập pháp của tôi. Ông ta trả lời rằng ông ta sẽ đến Singapore
“nếu đảng ra lệnh”. Tôi nói với ông ta rằng tôi không thể ra lệnh cho
ông ta làm điều gì mà nó sẽ gây thiệt hại cho ông ta 250 đôla so với
mức lương hiện có của ông ta và gồm cả việc ông ta phải rời khỏi
thành phố quê nhà, đặc biệt là khi các ông chủ của ông ta đã đề
nghị gửi ông ta sang Anh để tu nghiệp. Ông ta yêu cầu có thời gian
để suy nghĩ. Khoảng hai tuần sau, ông ta nhận lời và đồng ý bắt đầu
vào giữa tháng 8. Tôi thấy nhẹ nhõm và biết ơn. Tôi sẽ khó tìm được
một ai khác đáng tin cậy như thế. Ông ta có độ nhạy cảm chính trị,
am hiểu về các học sinh trung học người Hoa và có tư tưởng quốc
gia. Quan trọng hơn hết là tôi cảm thấy có thể tin ông ta được.
Nhiệm vụ của ông ta không dễ dàng chút nào. Thật khó để điều
hành một đảng phái đa chủng tộc, đa ngôn ngữ ở Singapore. Những
thành viên năng nổ của PAP là những người nói tiếng Hoa và những
lãnh tụ tự nhiên của họ đều là những tay Hán học. Vì vậy các hoạt
động cung ứng cho họ – những bài hát, điệu múa và những lớp nấu
ăn, may vá, học đọc viết, sửa chữa radio, động cơ tất cả đều bằng
tiếng Quan thoại. Điều này loại bỏ những người Hoa theo Anh học,
những người Malay và Ấn Độ, vì thậm chí nơi họ chiếm đa số thì
những người Hán học vẫn điều hành mọi thứ. Trụ sở trung ương của
PAP tổ chức những cuộc họp chung trong đó có những người nói
tiếng Anh tham dự, nhưng không có những hoạt động văn hóa và
xã hội đặc biệt được tổ chức cho họ, vì điều đó sẽ đòi hỏi những cơ
sở vật chất lớn hơn quá đắt tiền mà một đảng phái còn nghèo khó
lòng mướn nổi.
Nếu không có một người như Pang Boon, tôi sẽ không tài nào
quán xuyến được những hoạt động của đảng. Như thường lệ các chi
nhánh phản ảnh thái độ của Middle Road, nơi Lim Chin Siong và
Devan Nair đang ép chúng tôi có thái độ rõ ràng nhằm chống lại
những chính sách chống cộng rõ ràng ngày càng tăng của chính phủ
Tunku ở Kuala Lumpur, không tạo cơ hội cho MCP hoạt động theo
hiến pháp. Vì thế tôi đưa ra một tuyên bố của PAP tấn công chính
phủ Liên minh trong Liên bang. Đó là một quyết định quan trọng. Vì
đây là lần đầu chúng tôi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm ở
Malaya.
Chúng tôi chỉ rõ rằng những chính sách của Tunku sẽ “đẩy chủng
tộc chống lại chủng tộc và giai cấp chống lại giai cấp”, rằng việc
thành lập một đội quân 500.000 người để tăng cường cuộc chiến
đấu chống lại cộng sản sẽ “cho thấy rõ rằng quân đội và cảnh sát sẽ
là chủ yếu, nếu không nói là toàn bộ, là người Malay và rằng những
lực lượng Malay này sẽ được dùng để kiểm soát chủ yếu những khu
vực của người Hoa và các công nhân”. Những mối nguy về xung đột
chủng tộc giữa người Malay và người Hoa đã xảy ra. Lập trường
chống cộng cũng sẽ đưa những công nhân đủ mọi sắc tộc ra chống
lại “những ông chủ Ấn, Hoa và châu Âu được ủng hộ bởi tầng lớp
phong kiến Malay trong chính phủ Liên bang”. Nó là “một chế độ
thuộc địa được che đậy bởi vì sau khi chính quyền Tunku nắm quyền
an ninh nội chính, quốc phòng và tài chính, người Anh đã ẩn mình
một cách thành công đằng sau những Bộ trưởng thuộc Khối liên
minh”, thực thi quyền lực thực sự thông qua các lực lượng vũ trang
của họ và quyền điều khiển cảnh sát cũng như guồng máy hành
chính của thủ tướng.
Ngày hôm sau, Tunku giáng trả lại. Ông ta tuyên bố rõ ràng rằng
sẽ không quan hệ với những người cộng sản hoặc PAP. Chính sách
của ông ta không nhằm tìm kiếm “sự ủng hộ giả tạo của quần
chúng” bằng cách kích động tư tưởng bài Anh. “Quyết tâm của tôi là
bảo đảm chính quyền của chúng tôi vận hành hoàn toàn thoát khỏi
sự can thiệp từ những phần tử phản loạn. Vì thế, tôi kiên quyết giữ
vững an ninh và trật tự trong xứ sở này,” ông ta nói. Nhưng sự phản
ứng có ý nghĩa nhất lại đến từ Tan Siew Sin, sau này là Bộ trưởng
Tài chính, rồi là trưởng ban tuyên truyền của MCA. “Tunku Abdul
Rahman cũng nhận thức rõ việc sử dụng bừa bãi các lực lượng
Malay trong việc thực thi tình trạng khẩn cấp có thể dẫn đến xung
đột chủng tộc, đặc biệt là khi những lực lượng như thế sẽ có thể
được triển khai tại những vùng nông thôn, nơi đa số dân chúng là
người Hoa…” Với tư cách là một người Hoa cùng phe với Tunku, ông
ta ý thức về mối nguy hiểm đối với bản thân và đối với Malaya nếu
có một cuộc đổ máu vì vấn đề chủng tộc.
PAP đã chạm vào một vấn đề dễ gây thương tổn, nhưng không có
cách nào để tránh sự xung đột công khai này. Chúng tôi nằm trong
mặt trận liên kết với những người cộng sản và Tunku đang muốn
tiến hành y nguyên những chính sách như người Anh trong việc đàn
áp họ, sử dụng những phương pháp của người Anh nhưng lần này
được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc Malay. Tôi
không hiểu chiến lược của cấp trên Lim Chin Siong. Họ phải biết
rằng một cuộc thanh trừng đang sắp xảy ra và những tay điều hành
chủ chốt của họ sẽ bị quét sạch. Song họ đã nắm một vị trí đáng kể
hơn trong PAP, và đang ép những người phi cộng sản chấp nhận một
thái độ thù địch chống lại Tunku, mà nó chỉ làm tăng thêm nguy cơ
về một biện pháp đàn áp của chính quyền. Tôi kết luận rằng những
lãnh tụ MCP chỉ huy Lim Chin Siong và Fong Swee Suan không chắc
Lim Yew Hock sẽ đi theo con đường nào, và quyết định dùng họ để
thăm dò tình hình. Vì mục đích của họ, hai lãnh tụ mặt trận công
khai có thể hy sinh. Còn những cán bộ chủ chốt của họ, họ để nằm
vùng, và chiến trường chính của họ không phải là Singapore mà là
Malaya, nơi Tunku và cơ sở quần chúng người Malay của ông ta mới
là kẻ thù chính của họ. Nếu những gì họ muốn ở Singapore là một
chỗ ẩn náu an toàn, nơi họ có thể xây dựng lực lượng của họ cho
cuộc chiến đấu trong nội địa, thì chính sách khiêu khích của họ là
không hợp lý. Việc trước mắt của tôi là khám phá Lim Yew Hock và
những chuyên viên nghiên cứu bí mật của ông ta trong Sở đặc vụ
đang chuẩn bị hành động gì – như ông ta phát biểu ngày 6/9 trước
Hội đồng lập pháp – “vì lợi ích tốt nhất cho Singapore”.
Tôi không phải chờ lâu cho đến khi chính phủ hành động. Vào
ngày 19/9, chính phủ giải tán Hội Phụ nữ Singapore và Hội Kèn
đồng Hoa, bắt giữ 6 lãnh tụ CUF, bao gồm chủ tịch Nghiệp đoàn
Công nhân Phân xưởng và Nhà máy Singapore (SFSWU) và 3 chỉ
huy đầu não có quan hệ với các trường trung học tiếng Hoa – một
giám học, một giám thị và chủ tịch Hội Giáo viên Tiểu học người Hoa
ở Singapore, một trong số họ đã bị trục xuất về Trung Quốc. Lim
Yew Hock nói trên tờ Straits Times: “Chúng tôi quyết định thẳng tay
ngăn chặn mối đe dọa ngày càng lớn của các tổ chức mặt trận cộng
sản. Chúng tôi quyết định kiểm tra ‘sự thâm nhập lén lút’ của những
người cộng sản và những cảm tình viên của họ vào những tổ chức
có uy tín.” Trong một bản tuyên bố, tôi nêu rõ: “Hành động bất ngờ
và độc đoán gây ra mối lo âu nghiêm trọng nhất. Chúng tôi đang
nghiên cứu vấn đề đó.” Lim Chin Siong và Fong không hài lòng vì
bản tuyên bố của tôi thiếu sức xúc cảm và tố cáo mạnh mẽ. Họ
muốn phản đối và lên án bằng mọi cách có thể, nhưng tôi lại không
đáp ứng điều đó.
Vào ngày 24/9, chính phủ xóa sổ Liên đoàn học sinh trung học
người Hoa ở Singapore (SCMSSU) và 5.000 học sinh đã chiếm đóng
các trường của họ để phản đối. Những người canh gác che mặt xuất
hiện ở các cổng trường, che mặt bằng khăn tay mỗi khi xe tuần
cảnh có bộ đàm chạy ngang. Những người gác này kêu gọi các phụ
huynh tìm đến trường hãy trở về nhà và quay lại với thức ăn, quần
áo cho con em họ. Báo chí thuật rằng các giáo viên cảm thấy “trơ
trọi”, và một hiệu trưởng, vốn cũng có tư tưởng sô–vanh Trung
Quốc, đã miêu tả đám học sinh là "bất trị”. Nhưng khi Chew Swee
Kee, với tư cách là ủy viên giáo dục, nói với chúng là chúng sẽ phải
gánh chịu những hậu quả nếu như chúng không chịu trở lại lớp học
một cách có trật tự, một số đứa đã quyết định về nhà. Thật khôn
ngoan, vì lần này chính phủ tỏ rõ ý định muốn giành mọi thắng lợi,
và Lim Chin Siong cũng như Fong không thể lý giải những dấu hiệu
ấy thành bất kỳ điều gì khác hơn một dấu hiệu kết thúc cho giai
đoạn tiến công thông qua mặt trận liên kết của họ.
Ngày kế tiếp, bốn tổ chức có liên quan tới các trường học người
Hoa bị cấm hoạt động, trong đó có Hội Giáo viên tiểu học người Hoa
ở Singapore và Liên hiệp các hội phụ huynh học sinh người Hoa ở
Singapore. Một tuần sau, cảnh sát bắt giữ Robert Soon Loh Boon,
chủ tịch liên đoàn học sinh đã bị cấm hoạt động, và cùng ngày bắt
giữ một thư ký ăn lương của SCMSSU, đồng thời trở thành thành
viên đầu tiên của ban chấp hành PAP bị chính phủ bắt giữ.
Tại cuộc họp của Hội đồng lập pháp ngày 2/10, tôi đề nghị phê
phán chính phủ về những vụ bắt giữ và trục xuất đó. Đó chỉ là việc
làm hình thức. Lời đề nghị bị bác bỏ. Tôi biết Lim Yew Hock phải tiếp
tục việc thanh trừng. Ông ta không thể do dự theo cách mà Marshall
đã làm mà không phải hối tiếc. Chew cũng tấn công một cách tương
ứng. Ông ta chĩa mũi nhọn vào các bậc phụ huynh và những ai tha
thứ việc nổi loạn của học sinh. Hai giáo viên trung học bị sa thải và
9 người khác bị cảnh cáo, trong đó có một hiệu trưởng và một giám
thị. Hai cậu trai và một cô gái bị bắt giữ, và một trong hai cậu bị trục
xuất vì cậu ta không sinh tại Singapore. Chew cũng trao cho các
trường học bản danh sách 142 học sinh bị đuổi học. Trong khi đó
742 người khác xung phong ủng hộ chiến dịch của chính phủ nhằm
diệt trừ những kẻ gây rối.
Một cuộc cắm trại lì để phản đối diễn ra sau đó vào đêm 10 và
11/10 có SFSWU ủng hộ, cùng với dấu hiệu rõ rệt về sự thất bại, lực
lượng thân cộng đã nỗ lực rất lớn nhằm đòi cho được một giá chính
trị tối đa từ Lim Yew Hock cho việc làm sụp đổ CUF. Họ làm hết sức
để nối kết quần chúng về mặt cảm xúc với các lãnh tụ mà họ e rằng
sẽ bị bắt giữ, và với những tổ chức mà họ cho là sẽ bị cấm chỉ,
thuyết phục dân chúng phải cảm thấy rằng chính họ bị xâm hại và
bị tước đoạt. Nhằm mở rộng chiến dịch kích động, Lim Chin Siong và
Nair đã nhờ Jamit Singh triệu tập một “Hội nghị dân quyền” của 95
nghiệp đoàn vào ngày 28/9, tại đó có 700 đại biểu đã tuyên bố đại
diện cho 200.000 thành viên. Nair được bầu làm chủ tịch, và mục
đích của họ là kích động quần chúng chống lại người Anh và “tên bù
nhìn thực dân vô sỉ” Lim Yew Hock, kẻ đã cả gan cấm chỉ vài tổ chức
của CUF vào tuần đó. Nhưng đó là cuộc tập hợp thường lệ của phái
thân cộng, vẫn là nhóm những người ủng hộ mặt trận liên kết cũ.
Không nao núng, chính phủ vẫn duy trì sức ép. Vào ngày 10/10,
cảnh sát bắt giữ bốn lãnh tụ học sinh của tổ chức SCMSSU đã bị xóa
sổ, và ba ngày sau đóng cửa trường Cao trung của người Hoa và
trường Trung học Chung Cheng. Sau đó, ngày 16/10, chính phủ cho
mở cửa các trường khẩn cấp cho 400 học sinh tiếp tục học, và nhiều
học sinh khác cũng chấp nhận cách học này. Một tuần sau, một
đoàn đại biểu đại diện cho cái được gọi là tổ chức học sinh trung học
trường Hoa Singapore yêu tự do đưa cho Lim Yew Hock một lá cờ đỏ,
và ngày hôm sau đích thân ông Tổng ủy viên lên đài truyền thanh
đưa ra một tối hậu thư cho những học sinh ương ngạnh nào vẫn còn
cắm trại trong hai trường phải giải tán vào 8 giờ chiều ngày hôm
sau.
Tôi đó, 24/10, PAP tổ chức một cuộc mít–tinh trên một cánh đồng
trống ở công viên vui chơi Beauty World dọc theo đường Bukit Timah
nhằm phản đối một cách hòa bình những vụ bắt giữ, với Lim Chin
Siong, Nair, Chin Chye và tôi trên cùng khán đài. Nhưng khi cuộc
mít–tinh giải tán, những người ủng hộ công đoàn của Lim Chin Siong
chất đầy trên một đoàn xe và chạy về phía trường Cao trung của
người Hoa cách đó chừng ba cây số. Khi tôi lái xe về nhà sau đó, tôi
thấy các cánh cổng của ngôi trường đầy những cảnh sát và hàng
trăm phụ huynh cùng thân nhân vây quanh, xe hơi của họ đỗ dọc
trên đường. Những người cộng sản muốn có càng đông người có mặt
càng tốt cho cuộc đốì đầu cuối cùng, dự tính là sẽ xảy ra vào tối
hôm đó. Tôi có cảm giác nó sẽ trở thành một biến cố bẩn thỉu và
nhuốm máu. Mọi người đều chờ đợi cảnh tượng vỡ đầu bể trán.
Nhưng khi tôi đi ngang qua khu ký túc xá của trường Đại học
Malaya, một vài học sinh vui mừng thổi còi, kích động trước viễn
cảnh trò chơi vui nhộn sắp xảy ra. Tôi nguyền rủa sự ngu si ngốc
nghếch và khờ khạo của những sinh viên Anh học đó. Họ không biết
họ đang lâm vào thế nguy hiểm nào. Nếu những kẻ giấu mặt đằng
sau những trường trung học người Hoa kia thắng, họ sẽ là những
người đầu tiên bị tước đoạt mọi thứ.
Khi nó xảy ra, cuộc hỗn loạn bắt đầu bên ngoài trường Trung học
Chung Cheng trên đường Goodman, nơi một đám đông ba bốn trăm
người va chạm với cảnh sát và tấn công Trụ sở Bưu điện Tanjong
Katong và đồn Cảnh sát Geylang. Rồi đám đông trên 4.000 người
nhốn nháo bên ngoài trường Cao trung của người Hoa trở nên quá
khích, lật đổ ba xe cảnh sát và đốt cháy hai chiếc khác. Khi cảnh sát
tấn công và giải tán họ bằng hơi cay, họ chạy tán loạn, nhưng cuộc
hỗn loạn lan rộng tới đường Rochor và những vùng khác ở
Singapore. Lúc nửa đêm, chính phủ ban hành lệnh giới nghiêm.
Rạng sáng hôm sau, cảnh sát cho học sinh 10 phút để rời khỏi
trường cùng bố mẹ; khi lệnh đó không được chấp hành cảnh sát ùa
vào, dẹp bỏ những vật chướng ngại và bắn hơi cay vào những vị trí
chốt giữ. Ở trường Trung học Chung Cheng, các phụ huynh nối tay
nhau để bảo vệ con cái họ, nhưng hiện họ đã hoảng sợ, vài người
nhảy xuống ao trong trường và một số khác bỏ chạy. Khi các học
sinh cố diễu hành tiến vào thành phố, chúng bị các rào chắn chặn
lại. Cuộc hỗn loạn tiếp tục suốt ngày và đêm hôm đó, xe buýt của
Middle Road và công nhân các nhà máy tiến hành đình công. Tuy
nhiên, với sự kiểm soát chặt chẽ của cảnh sát và quân đội tại các
ngã tư đường quan trọng và máy bay trực thăng trên đầu phối hợp
với các loa phóng thanh đe dọa đám đông, tình hình không quá náo
loạn.
Cảnh sát và quân đội đã được chuẩn bị đầy đủ và có một sự phối
hợp chặt chẽ giữa họ. Trực thăng và xe bọc thép chiếm cứ các vị trí
trước khi rạng đông. Những rào chắn được đặt vào chỗ và những
nhóm chống bạo loạn cơ động luôn trong tư thế sẵn sàng. Không có
đe dọa thực sự đối với vấn đề an ninh. Nhưng việc nổi loạn, đốt phá
và đổ máu đã khiến chính phủ có lý do để bắt giữ và câu lưu tất cả
những mục tiêu chính của họ trong 24 giờ kế tiếp, tổng cộng 219
người bao gồm các lãnh tụ nhóm Middle Road – Lim Chin Siong và
Fong, và trong số những người Anh học có Nair, Woodhull và
Puthucheary.
Cuộc nổi loạn làm 13 người chết, 123 người bị thương, 70 xe bị đốt
phá, 2 ngôi trường bị tan hoang và 2 đồn cảnh sát bị hư hại. Cảnh
sát bắt giữ 1.000 người, trong đó có 256 tên xã hội đen. Tối hôm
sau, Lim Yew Hock tuyên bố trên đài phát thanh: “Chúng tôi đang
giải phóng những thành viên nghiệp đoàn, nông dân, giáo viên và
những tổ chức của người Hoa khỏi một hình thức bóc lột chính trị.”
Tờ Straits Times đăng tải bài diễn văn này dưới tiêu đề “Chiến dịch
giải phóng”.
Ông tân Tổng ủy viên đã tự đặt mình vào một vị thế không thắng
được gì cả. Từ lúc bắt đầu tôi đã tin rằng chính phủ đã phạm sai lầm
khi tập trung hành động vào các trường trung học, đặc biệt là
trường Cao trung của người Hoa và trường Trung học Chung Cheng.
Hai ngôi trường này là Eton và Harrow17 của giới nói tiếng Hoa ở
Singapore và Malaya, và các bậc phụ huynh khắp Đông Nam Á đều
mong muốn gởi con em họ vào học nội trú ở đó nếu họ có đủ khả
năng. Tại sao Sở đặc vụ lại hành động như vậy? Bằng việc tập trung
những hành động bước đầu của họ và qua đó tập trung chú ý vào
tầng lớp học sinh, họ đã khiến người dân đi đến chỗ tin rằng Lim
Yew Hock đang tấn công vào toàn bộ hệ thống giáo dục của người
Hoa. Nhận thức đó thật tai hại cho ông ta.
Hiến pháp Rendel không để ông ta nắm quyền an ninh nội chính.
Quyền đó nằm trong tay viên tổng thư ký và thống đốc. Nhưng vì
những lý do chính trị, viên tổng thư ký không chọn hành động
chống lại những người cộng sản. Thay vào đó, Lim Yew Hock đã để
cho những nhân viên an ninh dưới quyền thuyết phục ông ta lãnh
trách nhiệm tiến hành cuộc thanh trừng này. Do vậy, không khó cho
những người cộng sản khi mô tả ông ta như một công cụ của “chủ
nghĩa đế quốc thực dân”. Người Anh và người Mỹ còn làm ông dễ bị
công kích hơn qua việc tán dương sự can đảm và tính táo bạo của
ông ta. Người đầu tiên làm điều đó là Lennox–Boyd: “Lực lượng cộng
sản đã bị thương nhưng chưa chết… ở Singapore, những ủy viên
chính phủ can đảm và đầy năng lực đang đương đầu với những vấn
đề của họ tại mặt trận then chốt này của thế giới tự do”.
Người kế tiếp chúc mừng ông ta bằng giọng điệu tán dương là Bộ
ngoại giao Mỹ, và tiếp liền sau đó là người Úc. Không nhận ra sự
thiệt hại thanh danh của mình đối với khối quần chúng nói tiếng
Hoa, Lim Yew Hock phạm thêm một sai lầm nữa qua việc cố rập theo
những chiến thuật của cộng sản. Ông ta dựng nên một đoàn đại
biểu gồm 50 người đại diện cho 150 tổ chức tự tuyên bố là có
150.000 thành viên cam kết ủng hộ ông ta. Nhưng những tổ chức
địa phương tham dự vào đó – được coi như bộ phận đối trọng với
CUF – thì quá yếu kém chẳng thuyết phục được ai, và khi những
người Anh nổi tiếng như viên chủ tịch Hội Cựu chiến binh, vị giám
mục người Anh của Singapore và viên chủ tịch Phòng Thương mại
người Anh gia nhập, thì nó chỉ càng làm tăng thêm ấn tượng rằng
ông ta đang hành động vì lợi ích của các nước phương Tây.
Tôi quyết tâm rằng nếu một chính phủ của PAP phải đối mặt với
vấn đề này, tôi sẽ không bao giờ phạm vào những sai lầm tương tự.
Tôi sẽ nghĩ đến cách yêu cầu các vị phụ huynh sốt sắng lôi con em
họ ra khỏi trường và đưa chúng về nhà. Sở đặc vụ có thể bắt các
thủ lĩnh sau khi học sinh đã giải tán. Sẽ ít thiệt hại hơn nếu trước
tiên Lim Yew Hock bắt giữ những kẻ cầm đầu chủ chốt của mặt trận
liên kết trong các nghiệp đoàn và các hiệp hội văn hóa. Riêng các
nghiệp đoàn sau đó có thể được cho phép tiếp tục hoạt động. Những
lãnh tụ còn tự do sẽ muốn tỏ vẻ sẵn sàng chiến đấu và không bị
khuất phục, và ngay sau đó họ sẽ rơi vào hoạt động bất hợp pháp,
nhân đó chính phủ có thể xóa sổ các nghiệp đoàn của họ.
Marshall đã dạy tôi cách để không trở nên ôn hòa và yếu đuối khi
đối phó với phái quá khích. Lim Yew Hock dạy tôi cách không trở nên
quá cứng rắn và vụng về. Sử dụng quyền lực pháp lý và hành chính
để giới hạn và cô lập họ thì cũng chưa đủ. Lim không hiểu rằng
chiến thuật của đối phương là làm ông ta mất đi sự ủng hộ của quần
chúng, cộng đồng người nói tiếng Hoa, hủy hoại uy tín của ông ta
trong tư cách là một lãnh đạo biết hành động vì lợi ích của họ. Vì
vậy họ có thể mô tả ông ta như một kẻ cơ hội và một tên bù nhìn
hành động theo chỉ thị của “bọn đế quốc thực dân”. Trong hai bài
học này thì bài học của Lim Yew Hock có giá trị hơn – làm thế nào
không để cho đảng cộng sản đòi được một giá cao khi ta đàn áp họ.
Chỉ sau khi mọi việc lắng xuống từ cuộc thanh trừng của chính
phủ, những lãnh tụ đối lập hạng hai mà Sở đặc vụ không bắt bớ mới
từ chỗ nấp hé ra. Họ đánh bạo ra ngoài dò xét thử xem liệu có thể
bị bắt giữ không. Không hề. Vài người đều gặp tôi tại văn phòng trên
đường Malacca, và tôi yêu cầu Dennis đi cùng họ đến các trụ sở chi
nhánh để kiểm kê những thiệt hại, thu nhặt những tài sản nào còn
sót lại, và cử người trông nom. Dennis đi xuống tới Bukit Timah và
Bukit Panjang, ở đó Dennis báo cáo lại tài sản đã bị thiêu rụi; mùi
hơi cay vẫn còn nồng nặc giữa đám đồ đạc và văn phòng phẩm bị
lục soát rối tung, cùng những giày dép rơi lại sau những vụ giằng co
bắt bớ.
Một lãnh tụ thú nhận với nỗi lo lắng tột cùng – khoảng 120.000
đôla tiền quỹ của nghiệp đoàn nằm trong két sắt khóa kỹ đặt ở
phòng sau tại tổng hành dinh Middle Road đã biến mất. Số tiền này
vừa được rút khỏi ngân hàng trước đó. Tôi cho là nó được rút ra để
ngăn khỏi rơi vào tay Ủy viên đăng bạ các đoàn thể một khi SFSWU
bị xóa sổ. Điều đó đã không xảy ra, nhưng việc Sở đặc vụ xem xét
sổ sách của nghiệp đoàn và phát giác số tiền mất tích thì cũng chỉ
trong nay mai. Với tư cách là cố vấn pháp lý, tôi quyết định báo cáo
ngay vụ mất tiền này.
Lim Chin Siong đã phạm tội khi rút hầu như toàn bộ số tiền cho
những mục đích không theo đúng luật lệ của nghiệp đoàn, và không
thể giải thích được chuyện đó. Nhưng khi tôi đến gặp ông ta ở Tổng
nha cảnh sát, nơi anh ta bị giữ để thẩm vấn, thì anh ta giả vờ không
biết gì cả. Anh ta nói tiền mặt vẫn còn trong căn phòng phía sau đó
ba giờ trước khi trụ sở bị khám xét vào rạng sáng ngày 27/10.
Người duy nhất nữa biết nó ở đó là viên thủ quỹ nghiệp đoàn. Tôi đã
đến gặp viên thủ quỹ này ở nhà tù Changi trước khi đến gặp Lim.
Ông ta nói chỉ có hai chìa để mở căn phòng đó, một do ông ta giữ,
một do Lim. Theo ông ta biết, số tiền vẫn còn trong phòng khi cảnh
sát ập đến.
Tất cả các cuộc gặp riêng với những người bị bắt giữ theo quy định
trong tình trạng khẩn cấp đều diễn ra dưới sự chứng kiến của một
sỹ quan Sở đặc vụ. Vì thế tôi không hiểu tại sao Sở đặc vụ không
gửi những biên bản cho văn phòng viên chưởng lý để các bị cáo có
thể bị khởi tố vì tội vi phạm tín nhiệm. Họ đã rút ra 120.000 đôla,
tiêu xài 20.000 đôla vào những khoản mà họ hoàn toàn không thể
giải thích, và “mất” phần còn lại. Chính quyền đã có thể coi Lim Chin
Siong, tay thủ quỹ và vị chủ tịch của anh ta như những tên ăn cắp,
chứ không phải là những kẻ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng một khi
bị bắt vì nguyên nhân chính trị.
Thay vào đó, Ủy viên đăng bạ các nghiệp đoàn yêu cầu họ vào
ngày 21/11 trình bày nguyên nhân tại sao SFSWU không bị xóa sổ
không chỉ vì số tiền đó đã “được sử dụng vì những mục đích trái
ngược với mục tiêu và điều lệ của nó” mà còn vì “tiền quỹ của
nghiệp đoàn đã không được chỉ dùng vào những mục đích mà điều
lệ cho phép”. Trong lời tường trình với Ủy viên đăng bạ, Lim nói ông
ta đã quyết định rằng tiền quỹ của nghiệp đoàn, khi đó lên đến
150.000 đôla, cần phải được giữ không cho rơi vào tay chính quyền
và phải được giữ kỹ để sau này sử dụng vì những lợi ích của công
nhân. Câu chuyện mà ông ta nói đó hoàn toàn khác câu chuyện ông
ta kể cho tôi trước mặt viên sỹ quan Sở đặc vụ, nhưng thực chất
phần kết luận lại giống nhau: “Chúng tôi giữ tiền trong một va-li kim
loại đặt trong văn phòng phía sau của trụ sở nghiệp đoàn trên
đường Middle Road. Đó là lần cuối cùng tôi biết mớ tiền đó ở đâu. Ai
đó đã đánh cắp số tiền trong phòng đó ngay khi tôi bị bắt lúc 2 giờ
sáng.” Điều này sẽ không trở thành lời biện hộ nếu như ông ta bị
buộc tội vi phạm tín nhiệm. Nhưng chính quyền chọn cách bắt giữ
anh ta theo các quy định về tình trạng khẩn cấp.
Tôi ít quan tâm đến những thiệt hại gần đây của CUF mà chú ý
đến việc nó tái tập hợp và tái tổ chức nhanh đến mức nào trong
tương lai. MCP cần đưa ra ngay một đội ngũ thứ hai những lãnh tụ
mặt trận công khai dám hy sinh nếu như họ vẫn muốn duy trì số
người ủng hộ mà đội ngũ đầu tiên đã tạo ra. Nếu trong số những
người hoạt động trong mặt trận công khai họ không tìm được người
có thể đảm trách, thì bắt buộc họ phải hy sinh một số cán bộ bí mật.
Tôi chờ xem họ sẽ làm việc này như thế nào. Họ thực hiện trôi chảy.
Họ quyết định đưa em trai của Lim Chin Siong, Lim Chin Joo, làm
người thay thế để mang lá cờ mà ông anh đã bỏ lại ở Middle Road.
Lim Chin Joo cũng đã từng học trường Cao trung của người Hoa,
nhưng anh ta không có vẻ mặt trẻ con như người anh. Anh ta là
người thô tục, khó gần, nhưng cứng rắn và thông minh hơn. Anh ta
cũng không miệng lưỡi như Lim Chin Siong. Nhưng anh ta là một sự
lựa chọn hợp lý. Anh ta tiêu biểu cho Lim Chin Siong, người mà MCP
muốn ghi nhớ như một lãnh tụ vĩ đại bị chính quyền bù nhìn bất
công giam cầm tạm thời.
Đoán trước được việc SFSWU sẽ bị xóa sổ, ngày 14/2/1957,
những lãnh tụ mới điều đình một hình thức liên kết với một nghiệp
đoàn, và các bộ phận của nó, đã tồn tại sẵn nhưng không hoạt
động, sử dụng nó theo kiểu các tổng công ty sử dụng các công ty
con. Nghiệp đoàn người làm thuê ở Singapore có danh sách đoàn
viên 2.000 người. Lim Chin Joo tiếp quản tổ chức này, những tay
thân cộng chiếm 18 trên 21 ghế trong một ủy ban hỗn hợp trung
ương, và chuyển nó đến trụ sở cũ tại Middle Road. Trong vòng vài
tháng, số đoàn viên tăng lên đến trên 20.000.
Các chi nhánh cũng hoạt động trở lại, nhưng không tích cực dữ dội
như trước. Một số cán bộ mới không rành nghề; một số khác đã
từng làm việc với những lãnh tụ đã bị bắt thì sợ hãi và không muốn
dính dáng nhiều hơn nữa, vì không biết liệu có vụ thanh trừng nào
nữa không. Vì vậy các nghiệp đoàn không phục hồi sức đẩy mạnh
mẽ như chúng đã phát triển được từ giữa năm 1954 đến cuối năm
1956. Nhưng tôi không chút nghi ngờ rằng chừng nào mà các
trường trung học của người Hoa còn đào tạo hàng loạt những học
sinh tốt nghiệp đầy tham vọng và thông minh nhưng bị hệ thống
chính trị này từ chối những công việc tốt trong những khu vực công
và tư, thì MCP sẽ còn có hàng loạt những hội viên mới. Đây là mấu
chốt của vấn đề – tâm trạng thất vọng của những kẻ đầy tài năng
trong những người Hán học, những kẻ không có lối thoát cho nghị
lực và lý tưởng của họ, và những người đồng thời bị tác động bởi
tấm gương của những đảng viên cộng sản trẻ tuổi ở Trung Quốc. Chỉ
sau khi những tin tức về cuộc Cách mạng Văn hóa được truyền ra
thế giới bên ngoài trong những năm 1970 thì sức lôi cuốn của chủ
nghĩa cộng sản đối với họ mới giảm đi.
Trong khi đó, sự phô bày lòng sự hy sinh quên mình ở các cán bộ
lãnh đạo càng làm tăng thêm huyền thoại. Sau việc suốt ngày bận
rộn với các bài diễn văn và tranh đấu với các tay chủ độc ác, Lim
Chin Siong và Fong sẽ gục ngủ tại bàn làm việc ở trụ sở trung ương
của nghiệp đoàn. Kiểu sống khắc khổ quên mình của họ tác động dữ
dội vào những người theo họ, những kẻ tích cực noi gương của họ,
truyền cho nhau tinh thần hy sinh ấy. Ngay cả những học sinh con
nhà giàu, những kẻ không phải là lực lượng nòng cốt cũng muốn
đồng hóa mình với Lim và Fong. Con trai của một ông chủ công ty
xe buýt đã dành hầu hết thời gian làm việc như một tài xế không
lương cho họ, bằng chiếc xe của gia đình cậu ta. Đó là phần đóng
góp cho lý tưởng của cậu ta. Cậu ta tự hào vì được đi cùng những
cán bộ cách mạng, những người quần áo giản dị, ăn uống lề đường,
nhận mức lương rất ít cho bản thân bởi vì bất cứ cái gì thu được từ
bọn chủ đều dành cho công nhân. Họ đã bỏ túi bao nhiêu để nuôi
dưỡng thêm những phần tử cách mạng thì tôi không hề biết, nhưng
tôi không hề thấy họ nhận bất cứ cái gì cho bản thân – chắc chắn
họ không sống như họ đã sống.
Có một sự thi đua về lòng quên mình lan tràn trong cả thế hệ ấy;
bạn càng quên mình thì càng gây ấn tượng với quần chúng, và càng
có nhiều khả năng bạn sẽ được thăng tiến trong tổ chức, từ Hội Bài
Anh đến MCP, một đảng cộng sản giữa một cuộc cách mạng. Với
những kẻ ủng hộ như thế, đảng cộng sản có thể tiến hành những kỳ
tranh cử mà không cần nhiều tiền lắm – không hề thiếu công nhân
hay người vận động bỏ phiếu, và vải làm biểu ngữ thì do những
người ủng hộ nhiệt tình biếu không. Tôi đoán là các ông chủ nhà in
cũng in những tài liệu tranh cử giùm họ, hoặc chỉ tính giá thành vào
tài khoản của nghiệp đoàn. Trái lại, khi chúng tôi cần tìm những
công nhân, thì đó là cả một vấn đề. Chúng tôi tuyển mộ những
người tình nguyện từ các nghiệp đoàn và trong số bè bạn, nhưng tất
cả bọn họ đều muốn về nhà đúng giờ để ăn cơm, để làm công việc
khác, hoặc đến một cuộc hẹn riêng nào đó. Hoàn toàn không hề có
sự tận tụy, sự cống hiến trọn vẹn như phía bên kia – một người
nhiệt tình của họ sẽ làm công việc bằng ba bốn người tình nguyện
của chúng tôi. Tôi vẫn thường bị hoàn toàn nản chí trước ý nghĩa lâu
dài của tất cả những chuyện này. Tôi đã không nhận ra rằng họ
không thể duy trì lâu được. Nhiệt tình cách mạng chỉ có thể đưa họ
đến đó là cùng. Sau rốt, họ cũng còn phải sống và nuôi gia đình, và
gia đình cần có tiền bạc, nhà cửa, chăm sóc sức khỏe, giải trí và
những thứ tốt đẹp khác của cuộc sống.
15
BA PHẦN TƯ ĐỘC LẬP
Mười một tháng sau khi cuộc hội nghị hiến định đầu tiên thất bại,
chúng tôi quay lại London dự kỳ họp lần thứ hai. Kỳ họp này được tổ
chức trong bầu không khí hoàn toàn khác. Những bất đồng giữa các
bên được thảo luận cặn kẽ và các giải pháp được đồng ý trên
nguyên tắc. Vào ngày 7/2/1957, Tổng ủy viên Lim Yew Hock đã kêu
gọi một cuộc họp liên đảng, cuộc họp đầu tiên trong tám cuộc họp
nhằm xác định những nét cơ bản của hiến pháp mới, một tháng sau
một hồ sơ gồm đủ các ý kiến khác nhau được đệ trình lên Hội đồng
lập pháp. Kiến nghị của Lim thì thực tế và khiêm tốn: “Nhằm đạt
được từ chính phủ Vương quốc Anh quy chế của một xứ tự trị với tất
cả quyền lực, sức mạnh và đặc quyền gắn với những vấn đề nội bộ,
và quyền kiểm soát thương mại cũng như các quan hệ văn hóa
trong việc đối ngoại”.
Không có cố gắng nào nhằm che đậy sự kiện khó chịu rằng đây
không phải là nền độc lập, và rằng chủ quyền vẫn trong tay người
Anh. Như tôi sẽ chỉ ra sau này, điều đó có nghĩa là họ sẽ có thể hủy
bỏ hiến pháp bất cứ lúc nào, và sẽ có đủ lực lượng quân đội Anh tại
đất nước này để thực hiện bất cứ sự hủy bỏ nào như thế. Cuộc
tranh luận tiến hành suôn sẻ, đặc biệt là khi David Marshall vắng
mặt ở Borneo vì công việc pháp lý. Chính quyền Tunku đã nói với
Lim Yew Hock rằng ông ta rất vui lòng có người đại diện ngồi trong
Hội đồng an ninh nội chính ba bên được đề nghị; và Lennox–Boyd
hiện cũng vui lòng chấp thuận điều này, tùy thuộc vào việc xác định
rõ những gì hội đồng có thể và không thể làm.
Tuy nhiên Lim Yew Hock đã dại dột lao vào những cuộc bầu cử hồi
đầu tháng 8/1957. Chỉ sau khi chuẩn bị cẩn thận thì người ta mới
ném con súc sắc vào một cuộc tổng tuyển cử, đặc biệt vì trong lần
này tiền đặt cược sẽ cao hơn. Ủy ban liên đảng đã đồng ý rằng dưới
hiến pháp mới sẽ có một Hội đồng lập pháp đa ngôn ngữ; cũng sẽ có
một đạo luật mới về quyền công dân trao quyền bầu cử cho khoảng
200.000 đến 300.000 người, phần lớn là người Hoa đã cư trú ở
Singapore ít nhất là tám trong vòng mười năm qua. Tuyên bố trong
Hội đồng lập pháp vào ngày 5/5, tôi nêu rõ quan điểm của PAP: điều
luật này phải được thông qua và những công dân mới đủ tư cách đi
bầu và ra ứng cử trước khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức, thậm
chí dù cho việc này sẽ tốn mất ít nhất là một năm, và có thể kéo dài
ba tháng nữa.
Sau kinh nghiệm của Marshall cùng đoàn đại biểu 13 người, Lim
Yew Hock giảm bớt đoàn đại biểu của ông ta còn năm người – hai
thuộc Mặt trận Lao động, một thuộc UMNO, một từ Đảng Xã hội tự
do, và tôi đại diện cho PAP. Đây là một cuộc họp bàn về những chi
tiết thực tiễn căn bản. Hiến pháp đề nghị dự trù thành lập một Hội
đồng lập pháp gồm 51 thành viên dân cử, từ đó sẽ chọn ra Thủ
tướng và các Bộ trưởng khác. Hội đồng lập pháp sẽ có quyền hạn
trên mọi lĩnh vực trừ đối ngoại và quốc phòng, nhưng chỗ nào mà
quốc phòng và an ninh nội chính lấn lên nhau, thì quyền hành sẽ
thuộc về một Hội đồng an ninh nội chính. Hội đồng này sẽ gồm ba
thành viên người Anh, mà một trong số họ sẽ giữ chức chủ tịch; ba
thành viên người Singapore, trong đó một người sẽ là Thủ tướng, và
một người đại điện của Liên bang Malaya. Singapore sẽ có một thủ
hiến bang gọi là Yang di–Pertuan Negara, thay vì một thống đốc
người Anh.
Lim Yew Hock để lại một bản dự thảo hiến pháp cho Walter
Reaburn QC, nhưng tôi phải đọc những tài liệu để chắc rằng nếu và
khi PAP thành lập chính phủ, chúng tôi sẽ có thể thực hiện nó. Chỉ
có một vấn đề có thể bàn cãi. Tại phiên họp khoáng đại lần thứ 15,
Lennox–Boyd nói rằng chính phủ Vương quốc Anh sẽ không để cho
Singapore rơi vào tay cộng sản, và rằng ông ấy cảm thấy chắc chắn
rằng đoàn đại biểu Singapore dù thế nào cũng không muốn chuyện
này xảy ra. Vì thế ông ta đã đưa ra một điều khoản miễn bàn cãi
nhằm ngăn chặn tất cả những ai được biết là đã từng tham gia hoặc
bị truy tố vì đã tham gia những hoạt động lật đổ ra khỏi việc tranh
cử trong cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức theo hiến pháp mới. Tôi
phản đối vụ này, cho rằng "điều kiện này gây rắc rối vì thứ nhất nó
xa rời việc thực thi dân chủ và vì thứ nhì, không có gì đảm bảo rằng
chính phủ đương quyền sẽ không áp dụng thủ tục này để ngăn cản
việc ra ứng cử của không chỉ những người cộng sản mà cả những
người dân chủ đối lập với chính phủ”.
Tôi đang phát biểu để ghi vào biên bản. Sự thực thì Lim Yew Hock
đã nêu vấn đề này lên với tôi khi còn ở Singapore sau khi ông ta gặp
Lennox–Boyd ở London hồi tháng 12, và Lennox–Boyd đã mời tôi
đến dùng trà tại nhà riêng của ông ta ở quảng trường Eaton để thảo
luận chuyện này. Sau vài câu xã giao, ông ta hỏi tôi điều gì sẽ xảy
ra nếu những đồng chí của tôi hiện đang ở tù, kiểu như Lim Chin
Siong, sẽ ra ứng cử trong kỳ bầu cử tới. Tôi nói ông ta sẽ thắng và
các đối thủ của ông ta ở khu vực bầu cử Bukit Tamah sẽ phải mất
tiền ký quỹ của họ. Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Ở đất nước tôi,” ông ta nói, “khi chúng tôi bắt giữ một người theo
Quy định 18D (quy định ở Anh thời chiến giống như những quy định
về tình trạng khẩn cấp ở Singapore lúc đó), ông ta sẽ không được cử
tri tin cậy nữa. Oswald Mosley – lãnh tụ đảng Phát xít Anh thân Đức
quốc xã – đã là một dân biểu. Sau khi ông ta bị bắt giữ và bị cầm tù,
ông ta không bao giờ chiếm được một ghế dân cử nào nữa.”
Tôi rầu rĩ nhìn ông ta và nói: “Ở nước ông, những kẻ như thế được
coi như kẻ phản bội, cộng tác với kẻ thù. Còn ở Singapore, khi ông
bị bắt giữ bởi một chính phủ có một viên thống đốc người Anh và
một Tổng ủy viên người Anh nắm quyền, thì ông trở thành vị anh
hùng, một chiến sĩ của nhân dân. Quần chúng càng yêu mến ông ta
hơn.”
“Liệu ông sẽ đồng ý nếu như tôi áp đặt điều khoản này, để loại trừ
họ khỏi kỳ bầu cử đầu tiên nhằm giúp cho chính phủ dân cử đầu
tiên theo hiến pháp tự trị nội bộ toàn vẹn có thể khởi đầu với một
tình hình sáng sủa hơn không?”
“Tôi sẽ phản đối kịch liệt điều đó. Ông sẽ phải nhận trách nhiệm vì
điều đó.” Tôi trả lời.
“Hai vai tôi đủ rộng mà”, ông ta nói.
Quả thực đúng như vậy cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tôi nói với
ông ta là tôi sẽ phản đối, nhưng nhấn mạnh rằng điều này không
nhất thiết là kết thúc cuộc thương thảo – tôi tự nghĩ rằng sự tiến bộ
về hiến pháp của Singapore không thể bị Lim Chin Siong, Fong Swee
Suan và tổ chức Middle Road cầm giữ làm con tin được.
Tôi có được lợi thế nhờ đã quan sát Lennox–Boyd trong cả tháng
trời tại hội nghị đầu tiên năm 1956. Ông ta là một nhân vật đầy ấn
tượng, về thể chất ông ta là một người khổng lồ, cao gần hai mét, to
con lực lưỡng. Sức sống mạnh mẽ của ông ta thể hiện qua giọng
nói, nét mặt và cử động của cơ thể. Ông ta ăn mặc nghiêm túc, luôn
có một bông hoa cài trên khuyết áo. Ông ta nói với giọng học sinh
trường công nhưng, theo đúng kiểu tầng lớp thượng lưu của mình,
ông ta thân thiện, dễ gần gũi và có biệt tài khiến cho người khác
thấy thoải mái. Tôi kính trọng sự thông minh và thích tính thẳng
thắn của ông ta. Lúc đó, Văn phòng Thuộc địa đang chịu một sức ép
dữ dội, khi hết thuộc địa này tới thuộc địa khác đòi độc lập. Tuy
nhiên ông ta cũng dành thời gian cho đoàn đại biểu Singapore vào
Chủ nhật tại Chequers, ngôi nhà ở nông thôn của thủ tướng dành
riêng cho ông ta. Ông ta vừa mua một máy ảnh Polaroid18, hồi đó là
rất mới lạ, và ông thích thú chụp những tấm ảnh và tặng ngay lập
tức cho chúng tôi. Tôi được tặng một bức chụp tất cả chúng tôi đứng
tại cửa tòa nhà Chequers với John Profumo, người sau này là một Bộ
trưởng19, cùng với chính bản thân Lennox–Boyd.
Vì thế khi tôi gặp ông ta tại nhà riêng vào buổi chiều đó, tôi tin
chắc mình có thể nói thẳng ý nghĩ của mình ra. Nếu như tôi cảm
thấy ông ta là một người ma mãnh trong cách cư xử, câu trả lời của
tôi sẽ thận trọng. Và đúng như vậy, tôi bày tỏ thẳng thắn, và ông ta
hiểu là tôi sẽ không phá hoại hội nghị vì bất kỳ sự chống đối nào với
việc ứng cử của những người từng bị giam giữ. Ba mươi tám năm
sau, qua hồ sơ lưu, tôi mới biết được rằng Lim Yew Hock đã nói với
viên thống đốc Singapore rằng: “Cả ông ta và Lee Kuan Yew đều
không thể tự đưa vấn đề này ra trong cuộc thương thảo hồi tháng
3”, nhưng “cả ông ta và Lee Kuan Yew đều sẽ không tỏ ý nghi ngờ
nếu như Bộ trưởng Ngoại giao đặt ra điều kiện này”, và ý kiến này
đã được chuyển tới London. Vì thế khi Lennox–Boyd đưa ra điều
kiện này trong cuộc họp vào ngày 10/4, nó không gây chút ngạc
nhiên nào cho cả tôi và Lim và cho cả, theo chỗ tôi được biết, những
thành viên khác của đoàn đại biểu liên đảng, những người mà ông
ta cũng đã gặp riêng.
Sau năm tuần thương thảo, hội nghị kết thúc thành công nhưng ở
một chừng mực vừa phải. Lần này chúng tôi trở về nước cùng nhau
chứ không đi riêng lẻ như trước. Khi bay vào địa phận Singapore
vào lúc 3 giờ chiều ngày 14/4, chúng tôi không có vẻ vui mừng mà
khá nghiêm trọng, phù hợp với kết quả thấp kém mà chúng tôi đạt
được. Nhóm người đón tại phi trường cũng lặng lẽ, và báo chí ghi
nhận việc thiếu vắng những tiếng hô "Merdeka” thường gặp trong
những dịp như thế. Lim Yew Hock ra khỏi máy bay trước tiên, theo
sau là những đại biểu khác, người cuối cùng trong số họ lá một “ông
Lee Kuan Yew nghiêm nghị, người mà ngay lập tức bước vào một
cuộc họp riêng với tiến sĩ Toh Chin Chye”, theo lời tường thuật của tờ
Straits Times.
Lim tổ chức một cuộc họp báo, sau đó đoàn đại biểu đi Padang
trong một đoàn ôtô hộ tống, với ông Tổng ủy viên trong một chiếc
xe màu xanh lá cây dẫn đầu. Đám đông xếp hàng dọc bên đường,
nhưng họ im lặng một cách kỳ lạ. Khoảng 2.000 đoàn viên các
nghiệp đoàn chờ trên cầu Merdeka bắc ngang sông Kallang bật lên
những tiếng la và đốt pháo, Liên hiệp nghiệp đoàn Singapore trao
tặng ông Tổng ủy viên một bức ảnh lồng khung và một biểu ngữ
chúc mừng bằng tiếng Hoa. Nhưng khi đoàn xe tới Tòa thị chính, nơi
đám đông dày đặc hơn ở hai bên đường, thì không hề có dấu hiệu
đón chào nào cả. Khi chúng tôi trèo lên một khán đài được trang
hoàng sẵn, vài trăm học sinh la to “Oompah Merdeka!” trong mấy
phút liền – đó không phải là nhằm ủng hộ đoàn đại biểu, mà dành
cho những người bị bắt giữ trong nhà tù Changi.
Tổng ủy viên và các đại biểu khác lần lượt đọc các bài diễn văn,
nhưng chẳng bài nào gây được cảm hứng. Đến lượt tôi, tôi quyết
định nói bằng tiếng Malay. Tôi nói chúng ta chỉ có thể có được ba
phần tư độc lập, nhưng những ai tin rằng một xứ sở nhỏ bé như
Singapore có thể giành lấy độc lập toàn vẹn bằng chính sức lực của
nó thì họa chăng người đó điên; con đường duy nhất đạt đến điều đó
là thông qua việc hợp nhất với Malaya. Tôi đang nói chuyện với
những người thân cộng, và ngay lúc đó khoảng 200 học sinh trung
học người Hoa, những người đến bằng xe buýt và xe tải và diễu
hành tới Padang để chiếm những vị trí ngay trước khán đài, bắt đầu
hô những khẩu hiệu đòi thả Lim Chin Siong, Fong và những người
thuộc tổ chức Middle Road bị bắt giữ. Thỉnh thoảng họ cũng la ó,
nhưng lại ngưng ngay khi các thủ lĩnh của họ ra dấu. Điều đó chứng
tỏ thế lực họ vẫn còn mạnh cho dù các lãnh đạo của họ vắng mặt.
Khi tôi vắng mặt, những nghiệp đoàn của Lim Chin Joo đã gây sức
ép với Chin Chye để tôi có một quan điểm cứng rắn hơn ở London,
và yêu cầu bầu cử sớm để họ có thể loại bỏ chính phủ của Lim Yew
Hock và giải thoát được cho nhóm lãnh đạo đầu tiên của họ. MCP
biết rằng đội ngũ thứ hai không đủ sức cáng đáng công việc, nhưng
lại không muốn đưa những cán bộ bí mật có kinh nghiệm ra hoạt
động công khai. Tôi sẽ không ép buộc họ, cả Chin Chye cũng vậy.
Trong khi tôi ở London, những đại diện của các nghiệp đoàn thân
cộng đã đương đầu với ban chấp hành trung ương của PAP trong
một cuộc họp kéo dài. Cuộc đọ sức kéo dài bảy tiếng cho đến 3 giờ
sáng, mọi người ngồi trên những băng ghế dài không tay dựa và
lưng dựa. Họ có ba yêu cầu: không chấp nhận Hội đồng an ninh nội
chính, độc lập ngay lập tức và – quan trọng hơn hết – bầu cử sớm
như Lim Yew Hock đã sai lầm hứa hẹn vào tháng 8/1957. Chin Chye
và Pang Boon đấu tranh đến cùng. Phe đối phương không thỏa mãn
lắm. Và khi một cán bộ cánh tả mà tôi đã kết nạp vào ủy ban sau
khi Lim Chin Siong bị bắt giữ lặp lại những lời than phiền của họ tại
phi trường vào ngày 15/4, tôi đã sa thải y không thương tiếc.
Các nghiệp đoàn đã vắng mặt tại cuộc mít–tinh tại Padang nhằm
bày tỏ sự bất mãn của họ, nhưng tôi không nao núng. Một trận
chiến mới đang dần hình thành, lần này là với đội ngũ thứ hai,
nhưng tôi cảm thấy họ dễ đối phó hơn. Jamit Singh đang chỉ dẫn Lim
Chin Joo cách hành động hợp pháp trong khuôn khổ, nhưng tuy
Jamit có giọng nói mạnh mẽ và văn phong hùng biện trước công
chúng, ông ta lại không có khả năng chiến lược. Họ đang giả vờ theo
Marshall. Họ biết ông ta muốn bầu cử sớm để ông ta có thể trở lại
địa vị cũ và họ dự tính dùng ông ta để buộc giải tán Hội đồng lập
pháp. Suốt thời gian hội nghị ở London, ông ta hăm hở chờ một cuộc
chiến đấu, biết rằng lần này ông ta có những học sinh trẻ tuổi và
những nghiệp đoàn thân cộng sát cánh. Ông ta khinh bỉ cái ba phần
tư độc lập mà qua đó chúng tôi đã không thể giành được “độc lập và
nhân phẩm”, và gọi bản hiến pháp là “cái thứ méo mó mà chúng ta
đang có trước mặt”.
Rồi ông ta nói tới điều khoản chống lật đổ. “PAP rất muốn loại khỏi
cánh tả của nó chính những con người mà nó làm ra vẻ thân thiết.
Chúng ta hôn Devan Nair lên cả hai má và chờ Lennox–Boyd treo
ngược ông ta lên!” Nhưng thật dại dột khi ông ta tiếp tục nói rằng
việc ngăn cấm những kẻ mưu lật đổ là “một sự thận trọng hợp lý,
thông minh và bình thường… Tại sao ta không nên ngăn cản việc ra
ứng cử của một người mà người đó, theo như ba quan tòa của
chúng ta nói, là một kẻ cố tìm cách phá hoại lối sống dân chủ mà
chúng ta đang cố gắng xây dựng?” Điều này khó mà làm vui lòng
được những người bạn mới của ông ta, nhưng ông ta không bao giờ
hiểu rằng họ muốn ông ta đòi hỏi những cuộc bầu cử sớm vì điều đó
sẽ cho đội ngũ thứ nhất của họ trong tù có cơ hội đắc cử, hoặc bản
thân họ được ra ứng cử hoặc thông qua những người đại diện không
bị giam cầm.
Khi đến lượt tôi nói, tôi vạch trần Marshall về những mỹ từ bài
thực dân của ông ta, trích dẫn những lá thư ông ta gởi cho Lennox–
Boyd năm 1956, trong đó ông ta đã gọi ông Bộ trưởng Ngoại giao
Anh là “Alan thân mến của tôi” và ký là “Bạn chân thành của ông,
David”. Ông ta là một diễn viên, nhưng không nhất quán trong vai
trò mà ông ta cố đóng. Còn tôi thì đóng mãi mãi. Cả những người
cộng sản cũng vậy. Tôi tuyên bố rõ rằng PAP sẽ không nhận chức
nếu nó thắng trong cuộc bầu cử trừ phi những lãnh đạo bị bắt giữ
được phóng thích trước. Tôi không nói điều này vì lợi ích của Lim
Chin Siong và Fong. Chin Chye, Pang Boon và tôi thống nhất rằng
khối người nói tiếng Hoa coi chúng tôi như những kẻ lường gạt nếu
chúng tôi bỏ rơi những đồng chí cũ trong tù và nhậm chức mà
không có họ. Mọi thứ trước hết phải được thanh toán sòng phẳng;
chỉ đến lúc đó chúng tôi mới có thể cắt đứt với họ và có cơ hội giành
lấy con tim và khối óc của quần chúng. Đó không phải là một mánh
lới chính trị. Chúng tôi không có sự chọn lựa. Chúng tôi hiểu những
tiêu chuẩn xã hội và giá trị của dân tộc chúng tôi và chúng tôi phải
cho người khác thấy chúng tôi hành động một cách có danh dự.
Marshall tấn công tới tấp vào mọi vấn đề mà ông ta thấy có khe hở
và buộc tội PAP lừa gạt mọi người tại cuộc thương thảo về hiến
pháp. Sau đó, ông ta la to ngang qua bục diễn đàn với tôi: “Thưa
ngài, tôi mong được trở lại với nhân dân Singapore. Tôi sẽ đến với
các cử tri của ông nếu như ông quay trở lại đơn vị bầu cử của mình,
và tôi sẽ thách thức ông ở đó.”
Tôi đáp lại ngay: “Chấp nhận.”
Viên chủ tịch Hội đồng lập pháp, không phải là một sinh vật chính
trị, cho rằng điều này không hợp lệ. Vô tình ông ta đã giúp Marshall
thoát khỏi thế kẹt. Tôi sẽ không cho phép điều đó. Khi Marshall lộ vẻ
tự phụ xấc láo, tôi đoán ông ta hẳn đã được Jamit Singh và Lim Chin
Joo hứa hẹn ủng hộ chống lại PAP. Nhưng chúng tôi đã quyết định
khẳng định sự độc lập của chúng tôi, bảo vệ quan điểm của đảng
chúng tôi và thách thức đội ngũ những lãnh đạo thứ hai của CUF,
những kẻ đang hoạt động thông qua ông ta. Ông ta bị sửng sốt
trước việc tôi mau lẹ chấp nhận thách thức của ông ta, một thách
thức mà ông ta đã khinh xuất đưa ra mà không được họ đồng ý
trước. Ông ta không biết là tôi đã nhìn thấu tính gây hấn rõ nét của
ông ta.
Khi Hội đồng tạm hoãn vào lúc 4 giờ chiều, ngay lập tức tôi triệu
tập một cuộc họp báo, tại đó tôi tuyên bố sẽ đưa đơn từ chức khi kết
thúc cuộc họp hiện tại của Hội đồng lập pháp, và rằng tôi hy vọng
cuộc bầu cử bổ sung sẽ được tổ chức trong vòng 5 tuần nữa. Tôi tiết
lộ rằng, tại một cuộc họp của ban chấp hành trung ương vào chiều
hôm trước, PAP đã quyết định thách thức Marshall bởi vì chúng tôi
biết rõ con đường ông ta sẽ theo. Hiện ông ta đã ra tay trước chúng
tôi để tạo ấn tượng, nhưng chúng tôi cũng vẫn ép buộc ông ta. “Đó
là một vấn đề dứt khoát: hoặc người dân Singapore đã chuẩn bị để
chấp nhận hiến pháp và từ chối điều khoản chống lật đổ, hoặc họ sẽ
muốn chấp nhận điều khoản chống lật đổ và từ chối hiến pháp.”
Điều thứ nhất là lập trường của chúng tôi, điều thứ hai là lập trường
của Marshall, và tôi tin chắc rằng ông ta bị ghim chặt vào đó, vì tôi
biết rõ đó là điều đáng ghét nhất đối với những người cộng sản.
Ngày hôm sau, 27/4, tôi tuyên bố: “Thưa ngài Chủ tịch Hội đồng,
vào lúc kết thúc bản kiến nghị này khi số phiếu đã được công bố, tôi
sẽ đệ đạt đơn xin từ nhiệm vai trò đại biểu của khu Tanjong Pagar.
Tôi sẽ ra ứng cử trong cuộc bầu cử bổ sung tại Tanjong Pagar với tư
cách là ứng cử viên của PAP.”
Chưa đầy 48 giờ đồng hồ sau đó, sau cuộc họp buổi sáng của Hội
đồng lập pháp, một Marshall với khuôn mặt tái mét tuyên bố ông ta
sẽ rời khỏi chính trường “mãi mãi”. Ông ta nói với các phóng viên là
ông ta sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử bổ sung vì ông ta lo
ngại “có thể có rắc rối nếu phải đấu tranh trên vấn đề hiến pháp của
thuộc địa. Tôi không muốn chịu hậu quả của trò chơi gian lận này.
Hiện đang có một sự nhất trí rằng người dân Singapore phải có hiến
pháp trong hòa bình nếu họ muốn… tôi sẽ từ chức sau cuộc họp
hiện nay.”
Tôi phản công: “Về phía PAP, lập trường về cuộc bầu cử bổ sung là
không thay đổi. Tôi sẽ từ chức vào lúc kết thúc buổi tranh luận về
hiến pháp mới hiện nay.”
Lim Chin Joo và các nghiệp đoàn sửng sốt vì tin đó. Một trong số
họ phát ra một bản tuyên bố gởi đến Marshall: “Những cuộc tấn
công liên tục của ông nhắm vào PAP đã gây ra một nỗi đau lớn cho
ông Lee Kuan Yew, những viên chức và những người ủng hộ đảng.”
Nghiệp đoàn yêu cầu Marshall dẹp chuyện chống lại tôi trong khu
vực bầu cử Tanjong Pagar, và thay vào đó là tấn công tay lãnh đạo
đảng Xã hội Tự do C.C. Tan ở khu vực bầu cử Cairnhill của chính ông
ta. Lim Chin Joo không hề cẩu thả. Những người cộng sản không
muốn Marshall rút lui, họ cũng không muốn cả hai chúng tôi triệt hạ
lẫn nhau. Ý họ muốn cả hai chúng tôi cùng nằm trong Hội đồng lập
pháp, với Marshall quấy nhiễu, chọc tức và thúc ép tôi vào một vị trí
thuận lợi hơn cho mục đích của họ. Với Marshall nằm bên ngoài vũ
đài, họ sẽ không có cách nào tác động vào tôi; nhưng nếu tôi biến
khỏi vũ đài, họ sẽ chỉ còn lại một Marshall thất thường. Ông ta đã
nhận ra rằng, trong 48 tiếng đồng hồ từ việc đưa ra lời thách thức
tới việc rút lui, lần này ông ta sẽ không được sự ủng hộ của phe tả.
Ông ta biết rằng nếu không chiến đấu với tôi, ông ta sẽ bị bẽ mặt,
nhưng nếu đứng một mình ông ta sẽ chịu một sự thất bại thê thảm.
Ông ta quyết định rút lui hoàn toàn.
Việc chỉ định tham gia cuộc bầu cử bổ sung là vào ngày
18/5/1957. Hai ứng cử viên ra đối lập với tôi, một thuộc đảng Xã hội
Tự do, và một độc lập. Những người phi cộng sản trong ban chấp
hành trung ương của PAP đã nhất định thực hiện cuộc kiểm tra này
đối với sức mạnh của chúng tôi. Chúng tôi muốn biết tự sức mình có
thể thu được bao nhiêu sự ủng hộ của quần chúng ở Tanjong Pagar,
mà không có những người cộng sản hoặc ngay cả chống lại họ. Khi
các học sinh trung học người Hoa đề nghị vận động bỏ phiếu cho tôi,
Pang Boon gạt họ ra. Các nghiệp đoàn của Lim Chin Joo quyết định
làm rối vấn đề bằng việc cố thuyết phục các thành viên của họ bỏ
phiếu cho tôi, nhưng Chin Chye tuyên bố rõ rằng chúng tôi không
cần họ. Nếu họ muốn ủng hộ chúng tôi, đó là công việc của họ.
Chúng tôi muốn chiến đấu và chiến thắng bằng chính sức mình. Và
vào ngày 29/6, chúng tôi đã thắng, với 67,5% số phiếu. Chúng tôi
đã bảo vệ chính sách của chúng tôi, và đã khiến nó được ủng hộ
một cách chắc chắn. Tôi nói: “Chúng tôi có tỷ lệ phiếu cao hơn hồi
năm 1955 vì chúng tôi đã làm mọi thứ có thể cho tất cả mọi người;
giờ thì tất cả đàn ông và phụ nữ đều biết một cách chính xác chúng
tôi chiến đấu vì cái gì và đa số bọn họ đã quyết định bỏ phiếu cho
chúng tôi.”
Điều báo điềm gở cho Lim Yew Hock là kết quả của cuộc bầu cử bổ
sung tại đơn vị Cairnhill cho cái ghế Marshall để lại. Ứng viên của
Mặt trận Lao động không những đã thua chiếc ghế này về tay Đảng
Xã hội tự do, mà còn thu được số phiếu thấp hơn cả ứng viên thứ
ba, một cựu thành viên của Mặt trận Lao động ra tranh cử với tư
cách ứng viên độc lập. Đó chẳng phải điềm báo tốt cho vị Tổng ủy
viên.
16
VẠCH RÕ ĐƯỜNG BIÊN
Sau khi PAP thắng trong cuộc bầu cử bổ sung ở Tanjong Pagar,
Chin Chye, Pang Boon và tôi quyết định siết chặt sự kiểm soát hiến
định của đảng để cánh tả không khai thác chúng tôi được. Lý do là
thay vì chấp nhận trở ngại và hoạt động trong tình hình đã thay đổi
cho đến khi các điều kiện trở nên thuận lợi hơn, Lim Chin Joo đã
quyết định đấu tranh giành quyền kiểm soát đảng. Một trong những
thư ký chi bộ cho Pang Boon hay rằng phái khuynh tả đang lập kế
hoạch giành lấy 8 trong số 12 ghế của ban chấp hành trung ương.
Đây là một thái độ phiêu lưu, hay nói theo Lenin là bệnh ấu trĩ tả
khuynh. Phái thân cộng muốn chứng tỏ lòng quyết tâm cách mạng
của họ mà không nhận ra rằng họ cần uy tín đáng tin cậy của PAP
nhiều hơn là chúng tôi cần sự ủng hộ quần chúng từ phía họ. Trong
tâm tưởng quần chúng, PAP đã định hình như một đảng nhất quán,
cấp tiến và ủng hộ công nhân. Nếu chúng tôi không vụng về, chúng
tôi đã có được uy danh và sự ủng hộ như họ nhờ vào những thành
quả chúng tôi đã đạt được cho đến nay. Thay vì đánh mất quyền
kiểm soát PAP và phải khởi sự tất cả lại từ đầu, chúng tôi đã chuẩn
bị chứng kiến phái khuynh tả tách ly khỏi chúng tôi và thành lập
một đảng khác với Marshall làm vỏ bọc. Việc Marshall rút lui khỏi
chính trường chỉ là tạm thời, ông ta rồi sẽ lập ra một đảng mới,
Đảng công nhân. Chúng tôi hiểu với ông ta làm đầu tàu, họ sẽ gặp
những vấn đề lớn. Ông ta có tính khí thất thường và thiếu nhất
quán, ông ta không có tài chính trị để quân bình giữa các phương
pháp hợp hiến và vi hiến, rồi chẳng bao lâu sẽ khiến tổ chức đảng
của họ bị cấm chỉ.
Kong Swee, Kenny, Raja, Chin Chye, Pang Boon và tôi đã thảo luận
vấn đề này và quyết định tiết lộ cho tờ Straits Times rằng trong hội
nghị kế tiếp vào tháng 8, chúng tôi dự định thông qua một loạt nghị
quyết có tác dụng tái tổ chức PAP và khiến nó thực sự đấu tranh cho
một nước “Malaya xã hội chủ nghĩa, dân chủ, độc lập và không cộng
sản”. Để thực thi chính sách này, chúng tôi sẽ ra ứng cử thành một
liên danh tám người, chỉ để lại bốn ghế cho bầu cử mở rộng. Đây là
tối hậu thư của chúng tôi – chúng tôi sẵn sàng chiến đấu với đối
phương và để cho họ rời đảng. Tờ Straits Times chạy tin này. Nhưng
phái khuynh tả thực sự có ý định nắm quyền kiểm soát đảng vì họ
biết Marshall không phải là một giải pháp hữu hiệu. Ông ta có thể có
ích trong những đợt tấn công thọc sườn nhất thời vào tổ chức đảng
để buộc đảng phải đi theo hướng họ định, nhưng ông ta không đủ ổn
định cho kế hoạch dài hạn. Hơn nữa, họ cũng thấy rất dễ dàng tổ
chức những đợt công kích vào ban chấp hành trung ương. Chúng tôi
vẫn còn ngây thơ trong cuộc chơi, chẳng sánh được với họ.
Các thành viên nghiệp đoàn gia nhập vào PAP có thói quen không
đăng ký địa chỉ nhà riêng của họ mà sử dụng địa chỉ nghiệp đoàn,
và chúng tôi thì suy nghĩ đơn giản nên đã gửi thẻ vào cửa về các địa
chỉ đó cho họ. Kết quả là hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng
ngàn, thẻ như thế đã được tập trung về Middle Road, lúc đó trở
thành trụ sở của Tổng liên đoàn người làm thuê Singapore (SGEU)
cùng một số nghiệp đoàn và hiệp hội khác, và được sử dụng tùy ý
của các lãnh tụ của họ. Do đó, trong hội nghị của đảng vào Chủ
nhật 4/8, số ủng hộ viên của họ vượt trội lực lượng của chúng tôi,
và kết quả bầu cử là 50–50, phái khuynh tả chiếm sáu ghế và phe
phi cộng sản chiếm sáu.
Thế là chúng tôi gặp thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi sẽ lúng
túng bất định khi nắm quyền kiểm soát đảng vì chúng tôi không đủ
số phiếu để thực thi chính sách của mình. Nếu không thì có nghĩa là
mất quyền kiểm soát về tay phái khuynh tả và khiến đảng phát
triển theo chiều hướng bất lợi cho chúng tôi. Tôi tính toán rằng Lim
Yew Hock sẽ khó mà đồng ý cho những người này nắm quyền lâu,
chắc chắn là không lâu tới kỳ tổng tuyển cử tới, nhưng ngay cả điều
đó cũng cho phép CUF có thời gian để xây dựng lại lực lượng trong
các nghiệp đoàn cũng như trong đảng. Sau nhiều thảo luận, tôi đưa
ra lời tuyên bố sau, với chữ ký của sáu người chúng tôi:
“Vì ba trong tám thành viên mãn nhiệm đã không tái đắc cử, nên
chúng tôi thấy rằng chúng tôi không có thẩm quyền về đạo đức để
đảm nhiệm chức vụ chủ tịch, thư ký và thủ quỹ cùng vai trò phụ tá
cho các chức vụ trên.”
Phái khuynh tả rất ngạc nhiên. Họ đã không dự liệu hết mọi chiến
thuật. Họ vẫn nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục làm đầu tàu cho họ trong
ban chấp hành trung ương, nhất là khi họ để chúng tôi nắm quyền
trên danh nghĩa bằng cách giữ các chức vụ chủ chốt là chủ tịch, thư
ký và thủ quỹ. Nhưng chúng tôi quyết định giao quyền cho họ để
khi họ có bất kỳ hành động quá khích nào, họ sẽ phải hoàn toàn
chịu trách nhiệm. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng Lim Yew Hock sẽ
không bao giờ để họ trở thành mối đe đoạ cho ông ta mà sẽ hành
động chống lại họ kể cả khi họ có Marshall làm bình phong. Nên
chúng tôi hoan hỉ để họ nắm lấy các địa vị hàng đầu. Họ lại không
muốn như thế. Họ kêu gọi chúng tôi cho Chin Chye tiếp tục giữ chức
chủ tịch và tôi vẫn làm tổng thư ký, và để trấn an chúng tôi, họ đề
nghị cho chúng tôi kết nạp thêm hai thành viên nữa vào ban chấp
hành trong họ chỉ kết nạp thêm một, tức là cho phép chúng tôi một
đa số có tính chiến thuật. Khi chúng tôi từ chối, họ trở nên bồn chồn
và ý thức rất rõ cái thế mong manh của họ khi không có chúng tôi
làm đầu tàu. Sau ít nhiều lưỡng lự, họ đưa Tan Chong Kin làm chủ
tịch, T.T. Rajah, một luật sư cánh tả, làm tổng thư ký. Tôi dự trù từ
sáu tháng tới một năm họ sẽ gặp rắc rối. Nhưng tôi đã lầm.
Lim Chin Joo đã có những kế hoạch quy mô. Jamit Singh và ủy
ban hành động của ông ta đã tiến hành thảo luận với Liên hiệp
nghiệp đoàn Singapore STUC để đàm phán việc sáp nhập với SGEU
và các tổ chức vệ tinh của nó ở Middle Road. Điều này chỉ có thể dẫn
tới việc cánh tả thu hút cơ sở quần chúng của chính Lim Yew Hock
trong phong trào nghiệp đoàn. Khi thấy nguy cơ sắp xảy ra cho
STUC, ông ta quyết định hành động. Vào đêm 22/8, Sở đặc vụ bắt
giữ và câu lưu 35 người – Lim Chin Joo và 12 công đoàn viên, 4 nhà
báo và 18 đảng viên PAP, bao gồm tất cả tay khuynh tả trong ban
chấp hành trung ương, ngoại trừ T.T. Rajah. Họ chỉ mới nắm quyền
được 10 ngày. Rajah phát bệnh vì sợ hãi và lo lắng, và ngày 3/9,
ông đột ngột từ chức. Nếu lớp lãnh đạo thứ hai của CUF có thiếu
phẩm chất gì thì đó cũng không phải là tham vọng. Họ muốn ít nhất
là có được một mặt trận thống nhất gồm PAP, Mặt trận Lao động và
đảng Công nhân mà Marshall định thành lập, cùng một cuộc sáp
nhập sẽ đem lại cho họ quyền kiểm soát trọn vẹn các nghiệp đoàn.
Thay vào đó, họ lại nhận được bài học về bệnh phiêu lưu tả khuynh.
Với sự hành động mau lẹ ngay sau khi phái tả nắm quyền kiểm
soát đảng, Lim Yew Hock đã khiến chúng tôi mang tiếng xấu. Chúng
tôi có vẻ như đã phản bội cánh tả qua việc công khai tách khỏi
những hoạt động của họ và để họ phải đối mặt với chính quyền.
Ngày 23/8, chính phủ phát hành một bạch thư (sách trắng) với một
phần trình bày về “sự xâm nhập của cộng sản vào PAP”. Để tránh
những cáo buộc liên can đến chúng tôi trong những vụ bắt bớ này,
tôi đã đưa ra một kiến nghị tại Hội đồng lập pháp ngày 12/9, nêu rõ
những điểm không chính xác trong bạch thư. Tôi chỉ ra rằng ông
Tổng ủy viên đã che giấu yếu tố quan trọng nhất khiến ông ta ra tay
hành động, cụ thể là do tổ chức STUC, cơ sở quần chúng của ông ta,
lúc đó đang có nguy cơ bị Lim Chin Joo khống chế. Ông ta không
hành động vì ủng hộ PAP mà chỉ để cứu vãn vị trí của mình vào một
thời điểm đã được tính toán để gây rắc rối chính trị tối đa cho chúng
tôi.
Nếu phái thân cộng học được bài học về sự manh động thì PAP
cũng vậy. Nó học được bài học về sự dại dột khi chấp nhận một định
chế dân chủ khiến nó có thể bị khống chế qua sự thâm nhập của đối
phương vào các chi bộ của nó. Chúng tôi đã thảo luận một số khả
năng thay đổi để bảo đảm rằng chuyện này không tái diễn được.
Nhưng ngay khi Pang Boon và tôi khởi sự thanh lọc các chi bộ thì
chúng tôi lại bận rộn chuẩn bị cho kỳ bầu cử Hội đồng thành phố
trong tháng 12 sắp tới. Sau hai đợt thanh trừng chính trị của Lim
Yew Hock vào năm 1956 và 1957, kỳ bầu cử này sẽ là lần trắc
nghiệm đầu tiên về ý kiến công chúng. Danh sách cử tri đã tăng hơn
10 lần so với năm 1950 và lên đến 500.000 cử tri sau khi Pháp lệnh
về quyền công dân được thông qua vào tháng 10/1957, cho phép
mọi người đã lưu trú tại Singapore suốt 8 trong vòng 10 năm trước
đó được hưởng quyền công dân cho dù họ không ra đời tại đây.
Mối quan tâm lớn của tôi là tránh xung đột với Lim Yew Hock và
Mặt trận Lao động của ông ta, vì điều đó sẽ chỉ làm tăng lòng thù
ghét của khối người nói tiếng Hoa đối với ông ta, làm suy giảm vị thế
chính trị của ông ta và khiến ông ta có hành động để làm suy yếu
PAP. Bằng cách lặng lẽ tiếp xúc với lãnh đạo UMNO địa phương là
Hamid Jumat, nhân vật thứ hai trong thực tế của chính quyền, tôi
đàm phán một sự thỏa thuận tranh cử trong đó PAP, UMNO và Mặt
trận Lao động sẽ không đấu lẫn nhau mà sẽ chia nhau 32 ghế trong
Hội đồng – 14 cho PAP, 2 cho UMNO và 16 cho Mặt trận Lao động.
Chúng tôi không tấn công nhau mà chĩa mũi dùi vào đảng Xã hội Tự
do, gán mọi khuyết điểm của Hội đồng thành phố trước đây cho tổ
chức tiền thân của nó là đảng Tiến bộ vốn kiểm soát Hội đồng này
từ đầu thập niên 50 khi mà những kỳ bầu cử đầu tiên được tổ chức.
Đến giai đoạn cuối chiến dịch, chúng tôi chuyển những tố cáo về
cách điều hành kém cỏi của Hội đồng thành phố thành một đợt công
kích chính trị rộng rãi và trình bày nó như một cuộc đối đầu giữa
công nhân (do PAP đại diện) và giới tư sản (Xã hội tự do đại diện).
Ngày bầu cử là 22/12/1957. Đêm đó tôi đến trước tòa thị chính
Victoria Memorial Hall, nơi người ta kiểm phiếu. Một đám rất đông
các học sinh và công nhân người Hoa đang ngồi trên bãi cỏ, có một
hàng rào cảnh sát giới hạn. Khoảng 11 giờ, tôi thấy một dáng người
da trắng mặc đồ ngắn len qua đám đông đi vào tòa thị chính. Đó là
Bill Goode, viên thống đốc. Ông ta thật can đảm. Thực ra, đám đông
chưa tới tâm trạng kích động. Tuy nhiên, ông ta đã là tổng thư ký
khi làn sóng bắt bớ đầu tiên nổ ra vào tháng 10/1956, và là thống
đốc khi xảy ra đợt thanh trừng thứ nhì. Nhưng ông không lộ vẻ gì sợ
hãi. Tôi cảm thấy kính phục ông ta hơn.
Kết quả bầu cử thật thê thảm cho Lim Yew Hock. Trong số 16 ghế
họ tranh cử, Mặt trận Lao động chỉ giành được 4, PAP chiếm được 13
so với 14 dự kiến, UMNO chiếm được cả hai ghế mà họ tranh cử
(đều ở các khu vực chủ yếu là cư dân Malay), đảng Xã hội Tự do
chiếm được 7 so với 32 dự kiến, đảng Công nhân: 4 so với 5; và các
ứng viên độc lập chiếm được 2 ghế. Như thế PAP đạt nhiều thắng lợi
nhất, gần 30% tổng số phiếu và số phiếu cho từng ứng viên cũng
thuộc loại cao nhất.
Cuộc tranh chấp ý nghĩa nhất là ở đơn vị bầu cử Jalan Besar, nơi
đây ứng viên của PAP là Chan Chee Seng, một người Quảng Châu
theo Hán học, đai đen nhu đạo, to con, không thông minh lắm
nhưng trung thành, nhiệt tình và hoạt động mạnh cho phong trào.
Có hai ứng viên khuynh tả tranh cử với ông ta dưới danh nghĩa đảng
Công nhân của Marshall (họ đã xâm nhập vào đảng này như tôi dự
đoán) để chứng tỏ họ có thể đánh bại chúng tôi nếu họ muốn. Và
tuy họ thất cử với số phiếu cách biệt, 1.600 so với 2.400, nhưng đó
không phải một thất bại tan nát và sức mạnh tiềm ẩn của họ thật
hiển nhiên. Họ không công khai công kích chúng tôi trên diễn đàn vì
đã hòa hoãn với Lim Yew Hock hay vì không đấu tranh cho các đảng
viên PAP bị bắt bớ nhưng họ đã tuyên truyền rỉ tai điều này. Họ có
thể thu được một số phiếu đáng kể thông qua cách vận động đến
từng nhà.
Dựa vào thắng lợi của cuộc bầu cử, chúng tôi quyết giành lấy chức
thị trưởng trong Hội đồng thành phố bằng cách liên kết với hai
thành viên thuộc UMNO. Như vậy chúng tôi kiểm soát được 16 trong
số 32 phiếu, và chúng tôi tin rằng số còn lại sẽ không có khả năng
liên kết để chống lại chúng tôi. Lim Yew Hock có thể đã nghĩ rằng
chúng tôi sẽ liên kết với ông ta bằng cách thu hút bốn nghị viên
thuộc lực lượng của ông ta, nhưng điều đó sẽ trở thành một gánh
nặng chính trị quá lớn. Chúng tôi sẽ phải dính tới một bè nhóm hủ
hoá, và mối liên minh này còn có thể khiến người ta khẳng định mối
nghi ngờ rằng Lim Yew Hock và tôi đã bí mật bắt tay nhau khi ông ta
cho bắt bớ những người khuynh tả trong ban chấp hành trung ương
của PAP.
Nhưng nguy cơ cho PAP đã tăng lên. Cho tới khi có kết quả bầu cử,
Lim Yew Hock đã nuôi hy vọng rằng việc ông ta thanh trừng phe
cộng sản đã giúp ông thu được sự ủng hộ của ít nhất là một nửa dân
số – gồm người Malay, người Ấn, những người Hoa theo Anh học và
các phần tử chống cộng trong cộng đồng nói tiếng Hoa.
Tuy nhiên, đó chẳng phải là ưu tư duy nhất của tôi. Ứng viên của
chúng tôi cho chức thị trưởng là Ong Eng Guan, một chuyên viên
vận động quần chúng của PAP và đã tạo được chuyển biến quan
trọng trong chiến dịch tranh cử vừa rồi. Giống Lim Chin Siong, Ong
là người Hokkien và nói trôi chảy phương ngữ này. Thực ra, ông ta
không có tác phong thành thật, nồng nhiệt của Lim; ông ta có giọng
nói the thé và khuôn mặt đầy đặn ngây thơ của ông ta không biểu
lộ sức mạnh nào. Nhưng trong những lần diễn thuyết trong năm
tuần lễ tranh cử, ông ta tỏ ra xứng đáng thay thế Lim Chin Siong.
Tôi kinh ngạc khi thấy ông ta bắt đầu lộ ra những dấu hiệu tự phụ
công thần. Những tiếng hò reo tung hô những bài diễn văn Hokkien
của ông trong những lần mít–tinh vận động bầu cử đã in sâu vào
đầu ông. Việc trở thành thị trưởng đã làm tăng ảo tưởng của ông ta
về quyền lực. Trên đường tới dự buổi họp khai mạc Hội đồng thành
phố vào ngày 23/12, ông ta gặp một đám đông những thanh niên
ủng hộ PAP đang đốt pháo bên ngoài Tòa thị chính. Một sỹ quan
cảnh sát người Hoa phản đối đám thanh niên lúc Ong vừa có mặt và
đã can thiệp. Trong vụ hỗn loạn diễn ra sau đó, ông ta và hai nghị
viên Hội đồng thành phố cũng thuộc PAP nữa đã bị bắt giải tới Tổng
nha cảnh sát và được thả ra sau khi cảnh sát biết ra lai lịch của họ.
Cuộc họp phải hoãn lại đến ngày hôm sau.
Hôm sau, Ong cư xử như một tay dân túy nồng nhiệt. Ông ta cho
phép hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bên ngoài Tòa thị chính
được tràn vào trong, thậm chí vào tận phòng họp của Hội đồng, kể
cả nhiều học sinh và trẻ con, và nhiều đứa trong đó là trẻ đường
phố bảy tám tuổi đi chân đất và áo phanh ngực. Rồi đám trẻ này
không chỉ đứng cả lên bàn dành cho báo giới và ngồi bệt xuống sàn,
chúng còn chen lấn xô đẩy đến sát bên các nghị viên khi họ ngồi
xuống bên chiếc bàn họp hình móng ngựa. Chúng tới đây để vỗ tay
reo hò, để tham dự vào cảnh náo nhiệt mặc dù chúng chẳng hiểu gì
về nghi lễ này. Chủ tịch tiền nhiệm của Hội đồng thành phố, J.T. Rea,
một viên chức Anh cùng với người mang kim trượng20, đã phải mất
đến 15 phút để chen lấn qua ngõ cửa sau vào được tới phòng họp
nơi ông sẽ chính thức khai mạc phiên họp và bàn giao chức vụ. Các
viên chức của hội đồng thực sự choáng váng.
Những nghị viên tân cử bây giờ có thể hành xử ưu quyền mới
được trao cho họ là phát biểu bằng tiếng Quan thoại, Malay hoặc
Tamil, và khi một nghị viên thuộc đảng Xã hội Tự do phát biểu bằng
tiếng Anh, đám đông bèn la ó, cho dù ông ta đang chúc mừng Ong
được đắc cử chức thị trưởng. Ong lặn ngụp trong sự tán tụng đó.
Ông ta tuyên bố sẽ không mặc lễ phục dành cho thị trưởng, không ở
trong dinh thị trưởng. Ông ta không tin vào những hình thức bề
ngoài của chức vụ. Ông ta muốn sống và ăn mặc như một công dân
bình thường. Ông không tán thành những bữa tiệc đứng, không hút
thuốc, uống rượu hoặc đi xem đua ngựa.
Ông ta cho phép mỗi nghị viên được phát biểu trong hai phút rồi
đề nghị biểu quyết ngay việc dẹp bỏ cây kim trượng. Kết quả là 26
người thuận, không ai chống và sáu nghị viên của đảng Xã hội Tự do
không biểu quyết, và Ong chỉ thị rằng món này “từ nay bị loại bỏ
không còn là vật sử dụng cho Hội đồng thành phố Singapore nữa.
Nó là tàn dư của chế độ thuộc địa.” Kế đó ông ta chen qua đám đông
ra bao lơn, nơi đặt sẵn máy vi âm và loa phóng thanh, và phát biểu
với đám đông bên ngoài bằng tiếng Quan thoại trong 10 phút. Ông
ta kết thúc bài diễn văn bằng cách hô ba lần “Merdeka”. Đám đông
hò reo và hô theo ông. Số báo cho ngày lễ Giáng sinh của tờ Straits
Times tường thuật lại sự kiện này dưới tựa đề “Cầu chúa bảo vệ
Singapore”, trích theo lời một nữ nghị viên thuộc đảng Xã hội Tự do.
“Vẻ nghiêm trang thường lệ của nghi lễ đã bị hủy hoại,” Goode
chua chát báo cáo cho Lennox–Boyd vào ngày 27/12. Các viên chức
của Hội đồng thành phố, cả người da trắng lẫn người châu Á, đều
thấy nản chí. Những kiều dân Anh thấy lo sợ cho tương lai của họ.
Nhưng, như ông ta viết thêm: “Không hề có phê phán về hành động
của cảnh sát và PAP cũng không có hành vi kích động gì chống lại
cảnh sát. Lee Kuan Yew đã đi nghỉ xa trong kỳ lễ Giáng sinh.” Đúng
vậy, tôi đã đi khỏi thành phố. Vào buổi tối kiểm phiếu, cổ họng tôi đã
khô rát vì hút thuốc liên tục trong đợt vận động tranh cử đến nỗi
khàn tiếng không nói nổi lời cảm ơn đám đông ủng hộ được. Sáng
hôm sau, tôi cùng gia đình chất đồ lên chiếc Studebaker và lái lên
vùng đồi Fraser hưởng một đợt nghỉ 10 ngày.
Trong 16 tháng kế tiếp, Ong ngự trị Hội đồng thành phố với vai trò
thị trưởng, bày ra hết cảnh ngoạn mục này tới ngoạn mục khác. Tác
phong ngạo mạn của ông làm nản chí các viên chức và làm kinh
hoàng các thư ký và giới chuyên môn có Anh học. Ông ta sử dụng
những kẻ ông ưa thích và ra chỉ thị thông qua một bạn thân cùng
quê ở Batu Pahat với ông ta, người này được coi như tổng trợ lý của
ông ta và phải được tuân lệnh không thắc mắc. May mắn là ông ta
đã không tại chức hết nhiệm kỳ ba năm và do đó không bị mời ra
chất vấn về những thiệt hại ông ta gây ra cho guồng máy chính
quyền. Cuộc tổng tuyển cử sẽ đến vào tháng 5/1959, vào cuối
nhiệm kỳ bốn năm của Lim Yew Hock, nên những yếu kém của Ong
sẽ không đủ thời gian để lộ ra hết. Hơn nữa, ông ta có thể thực hiện
những chương trình được lòng quần chúng mà lại không tốn kém
lắm tại những khu nghèo khổ của Singapore. Ông cho lắp đèn
đường, đặt ống nước, xây cống rãnh và mang điện năng tới các làng
mạc, cũng như giảm giá điện từ 20 xuống còn 12 xu cho người
nghèo nông thôn. Ông ta thành lập Văn phòng thông tin đô thị để
tuyên truyền những thành quả này, mở Văn phòng khiếu nại công
cộng và tổ chức những buổi tiếp dân.
Giới Anh học thấy kinh hoảng nhưng những việc lạ kỳ của Ong lại
làm hài lòng khối người nói tiếng Hoa. Cả đời họ vẫn có cảm tưởng
bị loại trừ ra khỏi quyền lực; bây giờ họ có một đồng hương nói
tiếng Hokkien giải tỏa những bất mãn của họ. Nhưng Ong cũng gây
ra những vấn đề gây hại trong nhiều năm sau này. Chẳng hạn, ông
ta cho phép những người bán rong chiếm những phố chính trong
thành phố, nhất là trong Khu phố Tàu, nơi mà trước đây họ không
được vào hoặc chỉ được vào sau giờ hành chính. Ông ta như một
người bị ám ảnh về quyền lực và sự ca tụng của đám đông, ông ta
muốn ngày nào cũng tạo được tin tức chính trên báo chí. Ông ta cứ
gợi lên những kỳ vọng với những việc làm đầy kịch tính, cứ như
không hề có một ngày ông ta phải trả giá cho những việc ấy. Tôi
hiểu rằng ông ta đang gây thiệt hại nặng nề cho PAP cũng như cho
đất nước, nhung lại nghĩ rằng tốt nhất là cứ để ông ta đứng mũi chịu
sào trong lúc này rồi sẽ điều chỉnh lại mọi chuyện sau kỳ tổng tuyển
cử. Ông ta mất đi sự ủng hộ từ phía những người Anh học nhưng lại
hái nhiều hơn từ phía khối người nói tiếng Hoa.
17
GẶP GỠ VỚI “ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN”
Tôi nhớ 1958 là một năm tình hình lắng dịu. Mọi chuyện tương đối
yên tĩnh và không có những náo động gây ra do lãn công, đình
công, biểu tình, bạo loạn hay mít–tinh. Tôi có thì giờ để suy xét,
ngẫm nghĩ và hoạch định những bước đi quan trọng kế tiếp trước
khi đến kỳ tổng tuyển cử vào tháng 5/1959. Câu hỏi thứ nhất tôi
phải trả lời là giữa việc nắm và thành lập chính phủ mới, và việc
đứng ở phía đối lập nhưng giữ được nhiều ghế hơn trong Hội đồng
lập pháp và dùng nhiệm kỳ kế tiếp để củng cố uy tín đối với quần
chúng, cái nào sẽ có lợi hơn cho chúng tôi.
Tuy nhiên, sau cuộc trắc nghiệm tại Tanjong Pagar và Jalan Besar,
tôi đã tin tưởng rằng, cho dù phái thân cộng đối đầu với chúng tôi
trong kỳ bầu cử, họ cũng không thể đánh bại chúng tôi trừ phi họ có
thể xây dựng tổ chức của mình mạnh như hồi 1956. Để làm được
điều này, họ phải lập những đảng phái mới, những mặt trận mới, rồi
xác lập mức tín nhiệm của quần chúng đối với họ. Tất cả những việc
ấy cần có thời gian. Hàng ngũ cán bộ và những ủng hộ viên trực tiếp
– khoảng vài nghìn – thì có thể theo kịp từng biến chuyển trong chủ
trương hành động của CUF, nhưng khối đông quần chúng thì không.
Cho dù chúng tôi có lập chính phủ trong nhiệm kỳ kế hay không,
chúng tôi vẫn phải kiểm soát chặt chẽ được PAP và giữ cho nó
không bị đối phương thâm nhập và không chế. Làm thế nào chúng
tôi tận dụng giai đoạn lắng dịu này để đạt được điều đó? Phái thân
cộng có thể nắm lại các đảng bộ, nhưng chúng tôi không được để họ
nắm quyền kiểm soát toàn đảng, qua đó sử dụng được biểu tượng
của đảng để in trên phiếu bầu bên cạnh tên ứng cử viên. Trong một
xứ sở đa ngôn ngữ và nửa số dân là mù chữ, biểu tượng của ứng cử
viên là vấn đề rất quan trọng. Nó như mẫu logo của một sản phẩm
đặc chế, và biểu tượng vòng tròn màu xanh kèm tia chớp đỏ bắt
chéo của PAP đã trở thành thứ nhãn hiệu đã được thừa nhận. Đó là
vấn đề trước mắt. Nhưng nếu chúng tôi nắm quyền, vấn đề sẽ trở
nên bức xúc hơn, bởi vì khi đó chúng tôi sẽ phải phóng thích Lim
Chin Siong, Fong và các phụ tá của họ. Làm sao lúc đó chúng tôi có
thể ngăn họ – với uy tín tăng lên nhờ việc bị cấm cố – đừng trở lại
gây ảnh hưởng và đe dọa chính phủ của PAP? Tôi tin tưởng rằng
chúng tôi không thể sống sót trừ phi chiếm trước được thế thượng
phong để không thể bị tấn công và hạ gục như Mặt trận Lao động.
Câu trả lời đã rõ ràng. Bằng cách nào đó tôi phải công khai ràng
buộc Lim Chin Siong và Fong vào lập trường của chúng tôi trước khi
chúng tôi nắm quyền hành.
Tôi còn một số ưu tư khác nữa. Lim Yew Hock bây giờ đã biết rằng
uy tín của ông ta với cử tri đã bị thiệt hại nghiêm trọng, rằng ông ta
và Chew Swee Kee khó mà sống sót qua được cuộc tấn công của
phái cộng sản vì những đợt thanh trừng họ đã gây ra. Nhưng họ cứ
tiếp tục phạm những sai lầm khác cứ như định mệnh đã an bài như
thế. Tôi cố gắng xóa đi nỗi lo sợ của Lim Yew Hock về một cái chết
chính trị đột ngột và bảo đảm với ông ta rằng tôi sẽ không ép ông ta
tiến hành bầu cử sớm như ông ta đã khinh xuất hứa hẹn trước đây,
và điều đó kéo dài thêm thời gian để vận mệnh chính trị của ông ta
có thể thay đổi. Tôi tìm ra những lý do để ông ta trì hoãn cuộc bầu
cử: lập danh sách những công dân mới, phân chia lại những khu vực
bầu cử để tăng chúng từ 25 lên 51, tu chính lại luật bầu cử để khiến
việc đi bầu trở thành bắt buộc, và cấm chỉ việc sử dụng xe hơi để
chở cử tri tới địa điểm đầu phiếu. Tôi thuyết phục ông ta rằng thật là
thiếu khôn ngoan khi cứ để việc bầu cử là chuyện tự nguyện, vì phe
khuynh tả được tổ chức tốt hơn và có khả năng hơn trong việc huy
động quần chúng ủng hộ họ, và các đảng phái giàu có sẽ nhận ra
rằng xe hơi do họ cung cấp sẽ chỉ trở thành phương tiện chuyên chở
những người ủng hộ cánh tả. Cần có thời gian để vạch ra các chi
tiết, soạn thảo và thông qua các điều luật. Ông ta đã vui mừng tiếp
nhận những ý kiến này vì chúng góp phần kéo dài nhiệm kỳ cho
chính phủ của ông ta.
Tôi không cho ông ta hay rằng tôi cũng cần thời gian để tổ chức lại
PAP, thanh lọc nó và tuyển chọn những cán bộ Hán học có thể đưa
ra làm ứng cử viên nhưng không đi theo con đường khuynh tả.
Chúng tôi muốn có một lực lượng cân đối về mặt chủng tộc. Trong
khi chúng tôi có thể tìm được những người Ấn, Hoa và Malay theo
Anh học và họ hoàn toàn đáng tin cậy và không khuynh tả, nhưng
chúng tôi lại thấy khó mà tìm được những ứng cử viên Hán học có
thể giữ được lòng trung thành khi phái cộng sản tấn công chúng tôi,
khi mà họ có thể thu hút sự ủng hộ của giới Hán học như thế.
Tôi mở ra những lớp huấn luyện cán bộ để tìm kiếm những người
Hán học có lý tưởng và có những niềm tin chính trị không khuynh
tả, nhưng như thế là chúng tôi khai thác cùng một nguồn nhân lực
với cánh tả trong khi họ có thể tận dụng cả tinh thần dân tộc của
người Hoa và các tư tưởng của Mác và Mao Trạch Đông về bình đẳng
xã hội. Những người Hoa năng nổ và nhiệt tình nhất thường đã
thấm nhuần những tư tưởng này. Tôi phải chuyển họ đi theo hướng
một chủ nghĩa xã hội dân chủ, truyền đạt những quan niệm chính trị
của chúng tôi với họ bằng thứ tiếng Quan thoại kém cỏi của tôi – rồi
đọc những bài viết của họ bằng chữ Hán thảo vốn rất khó đọc hơn
chữ Hán in báo.
Tôi tin rằng kinh nghiệm dạy cho tôi nhiều điều hơn là cho họ.
Phạm vi quan tâm của họ là ngạn ngữ, ngụ ngôn và lịch sử Trung
Quốc, cùng những thành công huyền thoại của cách mạng xã hội
chủ nghĩa tại Trung Quốc đối chiếu với cuộc sống đầy bất mãn của
họ tại Singapore. Tất cả những điều này không hề giúp họ hiểu được
những điều tôi đang trình bày với họ – một xã hội dân chủ đại nghị,
xã hội chủ nghĩa và phi cộng sản tại một Singapore và Malaya đa
chủng tộc được xây dựng bằng con đường hòa bình, không bạo lực
và dựa trên hiến pháp. Toàn bộ kiến thức có sẵn của họ đã khiến họ
tin rằng có thể đạt tới được một xã hội cộng sản cả bằng cách
thuyết phục công khai và cách bí mật lật đổ và bạo lực cách mạng.
Sau này tôi hiểu ra trong nỗi thất vọng rằng ngay cả trong nhóm do
tôi tuyển chọn cũng có rất nhiều người cộng sản kiên định. Không
có cách gì lọc họ ra được. Họ cứ như một thứ bụi phóng xạ.
Một ngày nọ vào tháng 3/1958, một thanh niên người Hoa khoảng
ngoài hai mươi đến Lee & Lee, văn phòng tư vấn pháp luật của tôi
trên đường Malacca và nói với Choo rằng anh ta muốn nói chuyện
riêng với tôi. Lúc đó vào khoảng 11 giờ trưa, một thời điểm bận rộn
có rất nhiều thanh niên ra vào, nhưng sau khi hỏi ý tôi, Choo cho
anh ta vào. Anh ta nói anh có một đề nghị quan trọng là liệu tôi có
thể gặp một người đại diện cho tổ chức của anh ta không – nghĩa là
một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật. Tôi nói, được. Anh ta
nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ phải giữ bí mật. Tôi đề nghị nơi gặp
trên con phố quãng giữa khu văn phòng chính phủ Empress Place và
Nhà hát Victoria. Chỗ đó là an toàn nhất cho tôi. Tôi có thể đưa ông
ta tới phòng của ủy viên trong Trụ sở Hội đồng lập pháp chỉ cách đó
vài thước. Nơi đó yên tĩnh và kín đáo. Tôi biết sẽ chẳng ai dùng đến
phòng đó vào ngày hẹn, và có lẽ cũng chẳng có dân biểu nào có mặt
ở đó vì sáng hôm ấy không có phiên họp nào.
Đến ngày hẹn, tôi đi bộ từ văn phòng của tôi tới nơi hẹn rồi nhìn
quanh, theo lời chỉ dẫn, để tìm một người gầy với màu da sáng, có
cặp kính cận trong túi áo ngực và cầm một tờ báo tiếng Hoa. Ông ta
đã ở đó, thấp và gầy hơn tôi. Chúng tôi trao đổi mật khẩu và đi bộ
về phía trụ sở Hội đồng lập pháp như đã thỏa thuận. Ở ông ta có
một vẻ lén lút và lẩn tránh, một vẻ bồn chồn và lo lắng, như một
người đang trốn chạy, sắc nhợt nhạt trên mặt, cánh tay và bàn tay
là sắc ta thấy ở một người trong nhiều tháng không hề ra ngoài ánh
sáng mặt trời. Tôi có cảm giác mình đang tiếp xúc với một người
thực sự thuộc về “thế giới ngầm”. Ông ta có vầng trán cao, đường
chân tóc lui lên cao, một khuôn mặt dài và được cạo sạch sẽ, sống
mũi dài nhọn, mái tóc đen thẳng chải lật ra sau theo kiểu các học
sinh trung học trường Hoa. Ông ta rất đẹp và tôi đoán ông không
thể là người Hokkien, mà có thể là Hakka hay Tiều Châu. Ông ta trẻ
hơn tôi khoảng ba đến năm tuổi. Ông ta ăn nói nhỏ nhẹ, như không
muốn cho người ngoài nghe thấy, nhưng với một giọng chắc nịch,
ông ta tạo cho tôi ấn tượng về một con người quyết đoán và nhạy
bén. Ông bắt đầu câu chuyện bằng tiếng Quan thoại, nên tôi cũng
trả lời bằng thứ tiếng ấy, nhưng tôi lặp lại những phần quan trọng
cần trình bày bằng thứ tiếng Anh đơn giản để bảo đảm rằng ông ta
hiểu ý tôi. Qua vẻ mặt, tôi biết ông ta hiểu được.
Ông ta nói ông đại diện cho MCP ở Singapore và muốn gặp riêng
tôi để thiết lập sự hợp tác giữa những người cộng sản và phi cộng
sản trong PAP. Ông ta rất tiếc rằng phái khuynh tả đã mưu nắm
quyền kiểm soát đảng vào năm 1957. Ông ta thuyết phục tôi tin
tưởng rằng đó không phải chủ trương của đảng Cộng sản. Họ là lớp
trẻ quá nhiệt tình, có thiện ý và muốn góp phần thực hiện một cuộc
cách mạng tại Malaya. Ông ta yêu cầu tôi tin vào sự thành thật của
ông ta, và đề nghị hợp tác trong một mặt trận thống nhất chống
thực dân là thành thật.
Những điều ông ta đề nghị có nghĩa rằng Lim Chin Siong và Fong
phải được tự do làm những điều họ đang làm trước khi bị bắt vào
năm 1956 – huy động công nhân, học sinh, giáo viên, các nhóm văn
hóa, tiểu tư sản và những người có tinh thần quốc gia, và thành lập
một mặt trận thống nhất hùng mạnh sẽ do MCP lãnh đạo và kiểm
soát thông qua những cán bộ nằm trong các tổ chức thành viên. Tôi
suy nghĩ thật nhanh và nói rằng tôi không biết ông ta là ai và cũng
không cách nào biết được những điều ông ta nói là thật hay không.
Ông ta nói tôi sẽ phải tin ông ta. Tôi nhẹ nhàng yêu cầu ông ta cho
thấy bằng chứng nào đó, không phải về lai lịch của ông ta, mà về
quyền hạn của ông ta với tư cách đại diện thực sự của MCP, đối với
các đảng viên cộng sản hoặc cán bộ thân cộng tại Singapore. Ông ta
mỉm cười với vẻ tự tin, nhìn sâu vào mắt tôi và lặp lại là tôi phải tin
lời ông ta.
Tôi nhắc tới tên Chang Yuen Tong, nghị viên Hội đồng thành phố
cho khu vực Kallang. Chang là phó chủ tịch đảng Công nhân của
Marshall và là chủ tịch của Nghiệp đoàn công nhân điện và vô
tuyến. Qua hình thức bên ngoài, cách cư xử và những bài diễn văn
tại Hội đồng thành phố, tôi khá chắc chắn ông ta là người khuynh
tả. Lần này tôi nhìn vào mắt ông ta và nói rằng tôi tin chắc đảng
cộng sản đang sử dụng Marshall và đảng Công nhân của ông ấy để
chống lại PAP. Họ không những đã đưa Chang ra ứng cử ở Kallang,
mà còn tranh cử với ứng viên của PAP tại khu vực Jalan Besar trong
kỳ bầu cử Hội đồng thành phố hồi tháng 12 (tôi không nhắc chuyện
ứng viên của đảng Công nhân đã thất cử.) Tôi bảo ông ta có thể
chứng tỏ mình là đại diện thật của đảng Cộng sản tại Singapore,
đồng thời chứng tỏ sự thành thật của ông ta khi nói rằng MCP không
muốn tấn công PAP, bằng cách chỉ thị cho Chang rút lui khỏi đảng
Công nhân và từ nhiệm ở Hội đồng thành phố.
Không chút ngần ngại, ông ta đáp: “Được thôi, cho tôi một thời
gian. Tôi sẽ thu xếp chuyện đó. Nếu ông ấy là thành viên của tổ
chức, chuyện đó sẽ được thôi.” Chúng tôi nói chuyện độ một tiếng.
Ông ta đánh giá tính cách và lập trường chính trị của tôi, tôi cũng
đáp lại lời khen. Ông ta đã chấp nhận nguy cơ khi tìm gặp tôi.
Nhưng tôi cũng vậy. Bởi vì nếu ông ta quả thực là một lãnh đạo cộng
sản và tôi bị bắt gặp đang ngồi với ông, thì tất tôi phải giải thích nọ
kia. Tuy nhiên, tôi đã chuẩn bị cho chuyện đó, tôi sẽ nói rằng ông ta
muốn gặp tôi về một vấn đề của khu vực bầu cử, và tôi đã gặp ông
gần trụ sở Hội đồng lập pháp nên đã đưa ông ta tới đó để nghe ông
ta trình bày. Nên tôi cẩn thận chia tay ông ngay trong phòng họp,
bước đi trước ông ta khi xuống thang và ra thẳng cửa chính mà
không ngoảnh đầu lại nhìn xem ông ta đi về phía nào. Tôi không
nghĩ mình sẽ gặp lại ông ta lần nữa. Tôi không biết ông ta là ai và
cũng không muốn biết. Tôi phải bảo vệ vị trí lãnh tụ phe đối lập của
tôi.
Tôi kể cho Keng Swee về cuộc gặp gỡ và cũng như tôi, ông ta
cũng hào hứng muốn biết kết quả rồi sẽ ra sao. Chúng tôi gọi ông ta
là “ông đặc mệnh”, tức là đặc mệnh toàn quyền. Chúng tôi biết ông
ta phải là nhân vật quan trọng trong MCP, nhưng quan trọng cỡ
nào? Và ý đồ thực cùng tiềm năng của họ là gì?
Công việc quan trọng kế tiếp của tôi là vào tháng 5/1958, cuộc
họp về hiến pháp lần thứ ba. Tôi bay tới London và từ phi trường đi
thẳng tới Hạ viện gặp Lennox–Boyd. Khi cùng đi với nhau tới cuộc
họp, ông ta hỏi thăm đánh giá của tôi về những phát triển tương lai
tại Singapore và về cơ may của Lim Yew Hock trong kỳ bầu cử kế
tiếp. Tôi bảo cơ may của ông ta chìm dần từng tháng. Lim Yew Hock
có một nhóm phụ tá kém và một số ủy viên trong chính phủ của
ông ta mang tai tiếng về mặt đạo đức và trung thực. Điều này khiến
ông ta dễ gãy đổ trước những chiến dịch bôi nhọ nhắm vào ông ta
và Chew Swee Kee. Tôi hy vọng PAP sẽ thắng và vì đã bảo vệ hiến
pháp đề nghị trong cuộc bầu cử bổ sung ở Tanjong Pagar hồi tháng
6 năm rồi, tôi đã không đòi hỏi gì hơn những điều đã thỏa thuận. Tôi
đặc biệt đề cập tới Hội đồng an ninh nội chính, một thứ lưới an toàn
bảo đảm chính phủ không bị lật đổ. Với một đại biểu Malay nắm
phiếu quyết định, bất cứ một lệnh câu lưu nào cấp phát ra cũng có
thể được biện minh hữu hiệu về mặt chính trị và cũng sẽ không xâm
hại trực tiếp tới chính phủ dân cử.
Tất cả những gì còn lại cho hội nghị này bàn bạc là công việc thiết
định những chi tiết vốn nghiêm trọng nhưng thầm lặng về mặt chính
trị. Ở phía Singapore cũng như ở phía nước Anh, có một sự mặc
nhiên thừa nhận rằng PAP có khả năng thắng trong cuộc bầu cử sắp
tới, nên những điều tôi phát biểu đã có trọng lượng hơn các quan
điểm của ông Tổng ủy viên. Tôi phải xem xét các chi tiết một cách
cẩn thận để bảo đảm rằng tôi có thể thực thi một hiến pháp hiện
đang được đúc kết bằng ngôn ngữ pháp lý. Nhưng tôi nhớ chỉ một
vấn đề tương đối nhạy cảm và có thể khiến chúng tôi dễ bị tấn công
ở Singapore.
Chính phủ Anh muốn mọi khoản hưu bổng cho công chức, cả gốc
Anh và gốc bản xứ, được chính phủ Anh bổ nhiệm, phải được bảo
đảm không bị sút giảm vì bất cứ đợt phá giá tiền tệ nào của đồng
tiền Singapore. Chỉ đến sau này tôi mới hiểu ra rằng họ nhất mực
đòi hỏi điều này là để giữ vững tinh thần của các viên chức tại
những thuộc địa khác vốn cũng đang trên đường giành lấy độc lập.
Nhưng mỉa mai thay, chính đồng bảng Anh lại là thứ tiền sẽ bị phá
giá trước nhất, đến năm 1995, nó chỉ còn ăn được 2,20 đôla
Singapore, tương đương một phần tư giá trị của nó vào năm 1958.
Những viên chức đã yêu cầu được nhận hưu bổng bằng đồng bảng
Anh quả là không may. Làm sao họ biết trước Singapore sẽ không
rơi vào cùng một con đường như những cựu thuộc địa khác của họ?
Một chiều nọ, lúc còn đang ở London, tôi đọc được trên trang nhất
của tờ Straits Times rằng Chang Yuen Tong, nghị viên hội đồng
thành phố, phó chủ tịch đảng Công nhân, và chủ tịch của Nghiệp
đoàn công nhân điện và vô tuyến, đã từ chức vì “những yêu cầu của
công việc riêng đã khiến ông ta không còn đủ thời giờ cho công việc
trong Hội đồng thành phố.”
Ông đặc mệnh đã ra chỉ thị và đã được chấp hành. Ông ta đã
chứng tỏ mình là người nắm quyền. Tôi thấy thật bối rối, tôi đã nghĩ
sự vụ này có thể xảy ra, nhưng không ngờ nó nhanh đến thế. Đấy
là một người đang trốn chạy, bị cảnh sát truy lùng, có lẽ đang lánh ở
một hốc hẻm nào đó tại Singapore. Ông ta đã liên lạc với tôi qua
một đầu mối, người này đưa cho tôi một danh thiếp mang địa chỉ
một tiệm bán xe đạp trên đường Rochor phòng trường hợp tôi muốn
tiếp xúc với ông ta. Và tôi chắc rằng đầu mối ấy sẽ không thể dẫn
cảnh sát tới chỗ ông đặc mệnh. Tuy nhiên chỉ trong tám tuần, những
chỉ thị của ông ta đã được truyền tới Chang và đã được chấp hành.
Đó là một biểu hiện đầy ấn tượng về tính kỷ luật trong tổ chức của
MCP.
Đó không phải là những người có thể dể ngươi21. Và rất nhiều
người đã đi theo họ vì hy vọng rằng họ sẽ thắng và nhờ đó được
chia phần vinh quang. Vì “lịch sử đã ở phía họ” thì tại sao lại ngu
xuẩn đến độ đối đầu với họ? Vậy mà tôi ở đây, với một ít bè bạn có
Anh học, lại ngu dốt đến độ liều mạng phát động phong trào đã
khẳng định thắng lợi của nó với những cuộc cách mạng thắng lợi ở
Trung Quốc và Nga.
Tôi không muốn lộ ra bất cứ sự bồn chồn hay lo lắng nào, và vì tôi
chưa từng tới Rome lần nào nên tôi quyết định đi một chuyến bốn
ngày tới đó. Đó là thành Rome với đây đó vài chiếc Vespa trước khi
nó bị tràn ngập bởi những xe hơi và chìm trong bụi khói. Tôi dành
phần lớn thời gian để đi bộ lòng vòng khu phố cổ, thăm Pháp viện và
Đền tưởng niệm Victor Emmanuel, với bức phù điêu bằng đồng mô
tả sự bành trướng của Đế quốc Lã Mã khắp châu Âu và Địa Trung
Hải. Nó nhắc tôi nhớ rằng mọi đế quốc đều hết thịnh phải suy, và Đế
quốc Anh cũng đang trong giai đoạn suy, giống như Đế quốc La Mã
ngày xưa.
Tôi còn có một ấn tượng sinh động hơn trước khi rời Ý. Một sáng
nọ, tôi đi bộ tới Nhà thờ St Peter (Thánh Phêrô) và ngạc nhiên một
cách thú vị khi được thấy Giáo hoàng xuất hiện trên một chiếc kiệu
do các vệ binh Thụy Sĩ khiêng đi. Ngài sắp được truyền hình và khi
ngài được đưa xuống lối đi giữa nhà thờ, đám đông bu nghẹt xung
quanh bắt đầu tung hô và la lên “Vive il Papa”, các nữ tu đứng gần
kiệu gần như ngất đi vì sung sướng. Giáo hội Thiên chúa giáo hẳn
phải có nhiều cái đúng để có thể tồn tại đến hai nghìn năm như thế
này. Tôi nhớ mình đã đọc được rằng vị giáo hoàng sẽ được khoảng
một trăm Hồng y bầu lên, mà những vị này cũng đã được giáo
hoàng tiền nhiệm chỉ định. Điều ghi nhớ này rồi sẽ ứng dụng tốt cho
PAP.
Khi tôi trở về Singapore, chúng tôi phải quyết định chọn ứng cử
viên cho kỳ bầu cử bổ sung ở khu Kallang, mà tôi tự tin một cách
hợp lý rằng mình sẽ thắng. Chúng tôi cử một tay hoạt động trong
phong trào nghiệp đoàn, Buang bin Omar Junid. Ngay trước ngày
bầu cử, ông đặc mệnh gửi cho tôi một cuốn tự điển Anh Hoa bìa
cứng in tại Trung Quốc với giấy tốt thông qua người chủ tiệm bán xe
đạp. Trên trang trắng đầu tiên, ông ta ghi bằng chữ Hán: “Gửi ông
Lee Kuan Yew đáng kính, mong PAP thắng lợi trong kỳ bầu cử bổ
sung ở Kallang.” Và ông ký bằng chữ Hán: “John Lee, tháng 7/1958”
– người giao liên đã nói trước với tôi đó sẽ là bí danh của ông ta.
Điều này nghĩa là đảng Cộng sản không những đã từ bỏ Marshall,
mà hẳn đã dặn những người của họ quay sang ủng hộ PAP.
Vào ngày bầu cử, chúng tôi được 4.278 phiếu, Mặt trận Lao động
3.566 phiếu còn đảng Công nhân chỉ có 304 phiếu. Quả là một bài
học ê chề cho Marshall: không có cánh tả thì giá trị của ông ta chỉ có
thế. Trong khi đảng Xã hội Tự do đứng ngoài để tránh chia sẻ số
phiếu của cánh hữu, số phiếu cho Mặt trận Lao động đã theo sát
chúng tôi, nhưng nếu chúng tôi đưa ra một ứng viên người Hoa,
thay vì người Malay, thì hẳn PAP đã thu được nhiều phiếu hơn. Tôi
thấy tin chắc rằng chúng tôi có thể đánh bại liên minh Xã hội Tự do
và Mặt trận Lao động trong kỳ tổng tuyển cử.
Nhưng chúng tôi vẫn chưa hết khó khăn. Pháp lệnh bảo vệ an
ninh công cộng (PPSO) vốn cho phép chính phủ được quyền bắt giữ
không cần xét xử, sắp phải đưa ra trước Hội đồng lập pháp để xem
có thể gia hạn thêm ba tháng nữa không. Đó là một cơ hội quan
trọng để khẳng định lập trường của chúng tôi nhưng nó cũng đòi hỏi
cách xử lý khéo léo bởi vì chúng tôi có thể sẽ làm đảo lộn lập trường
trước đó của mình. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với những đồng sự
thân cận, tôi phác thảo một bài diễn văn.
PAP không thể bỏ phiếu cho việc triển hạn PPSO trong dịp này, tôi
giải thích cho Hội đồng lập pháp, bởi vì như thế sẽ có nghĩa là đi
ngược lại lời hứa sẽ đình chỉ nó mà chúng tôi đưa ra trong kỳ bầu cử
năm 1955. Nhưng, tôi nói tiếp, đây sẽ không phải là chủ trương của
chúng tôi trong kỳ bầu cử năm 1959.
“Bây giờ chúng tôi xin tuyên bố lập trường của chúng tôi về các
đạo luật trong tình trạng khẩn cấp và nó là như thế này: chừng nào
những luật đó còn cần thiết cho việc duy trì an ninh của Liên bang,
thì chúng cũng cần thiết cho Singapore… Những người muốn hủy bỏ
các đạo luật về tình trạng khẩn cấp tại Singapore phải nỗ lực góp
phần thiết lập các điều kiện hòa bình và an ninh trong Liên bang để
các điều luật ấy trở nên không còn cần thiết nữa.”
Phát biểu này nói rõ chính sách của chúng tôi về việc bắt giam
không xét xử đối với đảng Cộng sản. Kế đó chúng tôi phải bảo vệ
PAP chống lại việc cánh tả nắm quyền kiểm soát đảng. Ngay khi từ
Rome trở về, tôi đã đề nghị các cuộc bầu cử ban chấp hành trung
ương sẽ mô phỏng theo hệ thống bầu cử giáo hoàng. Khi chúng tôi
đang soạn thảo các chi tiết, thì Giáo hoàng Pius XII (Pi-ô 12) chết
vào ngày 9/10. Các Hồng y tề tựu về nhà thờ St Peter để chọn vị
Giáo hoàng mới, và trong vòng ba tuần Giáo hoàng John XIII (Joan
13) được công bố đắc cử. Chúng tôi ghi nhận sức mạnh của hệ
thống bầu cử này, và trong đại hội đảng đặc biệt vào ngày 23/11,
những thay đổi cần thiết do chúng tôi đề nghị đã được thông qua.
Điều lệ đã tu chính này xác lập hai loại đảng viên: những đảng
viên thường là những người gia nhập PAP trực tiếp ở trụ sở chính
hay thông qua các đảng bộ, và các cán bộ đảng gồm vài trăm người
chọn lọc với sự chấp thuận của ban chấp hành trung ương. Chỉ
những cán bộ được ban chấp hành trung ương chọn lựa mới được
quyền bầu các ứng viên vào ban chấp hành trung ương, giống như
chỉ có các Hồng y được Giáo hoàng chỉ định mới được quyền bầu
Giáo hoàng mới. Cách này khép kín mạch liên lạc, và bởi vì ban chấp
hành trung ương kiểm soát bộ phận cốt tủy của đảng nên đảng
không thể bị lực lượng khác khuynh đảo.
Tháng 12, chúng tôi đăng một bài xã luận trên tờ Petir, cơ quan
ngôn luận của đảng, nhấn mạnh rằng PAP là một đảng phi cộng sản
và PPSO sẽ tiếp tục có hiệu lực nếu chúng tôi nắm quyền. Tôi biết
chắc ông đặc mệnh sẽ đọc từng lời tôi đã phát biểu trước Hội đồng
lập pháp về PPSO và diễn tiến đại hội đảng PAP tiến hành ngay sau
đó. Ông ta hẳn cũng đã đọc bài xã luận này vốn đã được in lại trên
báo chí tiếng Hoa, nên tôi không ngạc nhiên khi người giao liên ở
tiệm bán xe đạp đến gặp tôi đề nghị một cuộc gặp gỡ khác, và tôi đã
đồng ý. Một tối nọ vào khoảng 8 giờ, tôi lái chiếc Morris Minor của
cha tôi đến đường Keng Lee rồi dừng lại như đã được chỉ dẫn, để
đón một cô gái người Hoa tóc thắt bím mặc áo cánh và váy. Cô ta
ngồi băng trước cạnh tôi và chỉ đường cho tôi chạy lòng vòng đến
một căn nhà biệt lập trong một khu cư trú gần đường Thomson. Sau
đó cô ta biến mất, để lại tôi với một mình ông đặc nhiệm trong một
phòng kín.
Tôi ở đó gần hai tiếng với ông ta. Ông ta trấn an tôi rằng tôi không
cần phải nghi ngờ các ý định của đảng Cộng sản. Các vấn đề giữa tôi
với Lim Chin Siong, Fong Swee Suan và Lim Chin Joo là do khó khăn
của tổ chức trong việc liên lạc với các cán bộ. Bây giờ, tôi đang làm
việc trực tiếp với lãnh đạo cao cấp thì sẽ không còn những hiểu lầm
nữa. Tôi lắng nghe, nhìn ông ta nghiêm trang và nói rằng tôi cũng
mong nó được như thế. Tôi cảm thấy những lựa chọn của ông ta
cũng hạn chế. Cho dù ông ta hứa hẹn gì, tôi vẫn biết là chúng tôi
phải nắm lấy thế thượng phong bằng cách công khai tuyên bố lập
trường của mình trước khi bầu cử. Nếu phái thân cộng vẫn cứ ở lại
với PAP và không ly khai khỏi lập trường đó, thì họ sẽ khó mà tấn
công chúng tôi được một khi chúng tôi nắm chính quyền. Nhưng tôi
chắc rằng cho dù sự hợp tác này có kéo dài được một, hai hay ba
năm thì sau cùng cũng phải có lúc chấm dứt. Tất phải tới một chỗ
con đường tách ra hai ngả, bởi vì chúng tôi quyết tâm xây dựng một
Malaya không cộng sản còn họ thì nhất quyết muốn điều ngược lại.
Tôi không thể biết chắc kế hoạch của ông ta là gì, nhưng ông ta có
thể thấy tôi đã công khai chấp nhận các chính sách thi hành biện
pháp mạnh đối với phe quá khích một khi cần thiết. Tôi tin rằng ông
ta hoàn toàn chắc chắn việc một khi Lim Chin Siong và Fong cùng
150 cán bộ kia được phóng thích, họ sẽ có thể xây dựng lại lực
lượng trong vòng từ 12 tới 18 tháng và trở lại vững mạnh như hồi
tháng 10/1956, khi họ bắt đầu bị thanh trừng. Lúc đó ông ta có thể
quyết định luật chơi. Và nếu lúc đó tôi chống lại Lim Chin Siong,
Fong và vô số những nghiệp đoàn và hiệp hội của họ, tôi chắc chắn
sẽ bị đánh gục thông qua bầu cử như Lim Yew Hock và Chew Swee
Kee.
Ông ta không chơi trò chọi đáo22. Ông ta đang chơi thứ cờ vây của
người Trung Quốc, trong đó hai đấu thủ đặt những hạt cờ của họ lên
bàn cờ sao cho chúng vây kín những hạt của đối phương. Hiện tại,
tôi đang có những quân cờ bố trí tốt hơn, nhưng ông ta đang kiên
nhẫn tìm cách vây tôi với những lực lượng vượt trội của mình. Nếu
tôi không muốn thua, tôi phải chiếm những vị trí trọng yếu cho phép
tôi có lợi thế trong phòng thủ, cho dù ông ta có quân số vượt trội
hơn để tấn công. Nhưng nếu ông ta đi sai một nước cờ vì quá tự tin,
thế cờ sẽ thay đổi và tôi lại có cơ hội vây được ông ta.
18
CUỘC BẦU CỬ 1959: CHIẾN ĐẤU ĐỂ CHIẾN THẮNG
Suốt hai năm 1958 và 1959, cứ ba hay bốn tuần tôi lại đi thăm
Devan Nair, Lim Chin Siong, Fong Swee Suan, Woodhull và
Puthucheary tại trại giam của họ, nằm ngay phía ngoài Nhà tù
Changi, tôi thường mang cho họ một hũ lớn cà-ri gà do đầu bếp của
tôi nấu, bánh mì nóng của một tiệm bánh trên đường tới Changi và
khi được phép, tôi còn mang thêm vài chai bia Anchor. Trong những
lần gặp gỡ ấy, tôi đã bóng gió nói rằng tôi rất đỗi nghi ngờ khả năng
chiến thắng trong kỳ bầu cử kế, vì một chính phủ của PAP sẽ mau
chóng gặp rắc rối với MCP. Điều này khiến họ lo lắng, vì họ có thể sẽ
phải ngồi tù nhiều năm nữa trừ phi PAP thắng và nắm chính phủ.
Dần dần, họ tỉnh táo lại và hứa hẹn công khai ủng hộ PAP. Tôi biết
những lời hứa này là không có giá trị, nên tôi yêu cầu họ viết ra
những điều kiện cho việc họ ủng hộ chúng tôi. Nair phác thảo và họ
bàn bạc rất lâu về văn bản đó, vì vốn dĩ những người bị giam có dư
rất nhiều thời giờ.
Nair, bị giam từ 1956, đã bắt đầu mất niềm tin vào chính nghĩa của
ông ta. Sau vụ nhóm cán bộ thứ hai của CUF mưu nắm quyền kiểm
soát PAP, ông ta hết hy vọng khiến họ hiểu ra vấn đề. Một ngày nọ,
Corridon dàn xếp cho tôi gặp riêng Nair trong một ngôi nhà biệt lập
trên đảo St. John và tôi đã ở đó gần trọn một ngày. Ông ta nói với
tôi về sự tỉnh ngộ của mình và tỏ ý muốn rời khỏi hoạt động chính
trị. Tôi lắng nghe, trấn an ông ta và khuyên ông đừng nên làm
chuyện gì manh động.
Tôi cảm thấy rằng một người Ấn như ông ta sẽ chẳng bao giờ thoải
mái trong một phong trào có tư tưởng bá quyền Trung Quốc. Nhưng
ông ta đã rơi vào một vị trí khó khăn, ông đã là thành viên của Liên
đoàn bài Anh, và là đối tượng đảng của MCP. Đảng MCP chỉ có một ít
đảng viên kiên định không phải người Hoa, và Nair là một trong số
những người Ấn theo Anh học đáng tin cậy. Ý nghĩ ly khai của ông –
hay có thể là phản bội – sẽ là một đòn nặng đối với họ, và phản ứng
của họ có thể sẽ rất cực đoan. Điều này thì ông ta hiểu rất rõ.
Bản phác thảo đầu tiên của Nair không trùng hợp hoàn toàn với
chính sách của PAP mà chúng tôi dự định công bố vài tháng trước kỳ
bầu cử, nên tôi yêu cầu ông ta soạn thảo lại lần nữa. Tôi bảo với
ông ta rằng Raja, Keng Swee, Chin Chye và tôi đang biên soạn một
tài liệu mang tên là “Những nhiệm vụ trước mắt” và chương đầu của
nó sẽ minh định lập trường chính trị của chúng tôi – độc lập cho
Singapore thông qua việc hợp nhất với một Malaya dân chủ, xã hội
chủ nghĩa và phi cộng sản. Ông ta bị giằng xé giữa quan điểm không
khoan nhượng của chúng tôi và sự lưỡng lự của các bạn tù thân
cộng của ông ta trong việc chấp nhận quan điểm đó.
Đầu năm 1959, Nair đã soạn xong tuyên bố chính trị sẵn sàng cho
năm người bạn tù chủ chốt của ông ta cùng ký tên. Bản tuyên bố
dành sự công khai ủng hộ cho lập trường của PAP là Singapore sẽ
độc lập và hợp nhất với một Malaya dân chủ, xã hội chủ nghĩa và phi
cộng sản. Đây là điều căn bản. Không có sự cam kết này, tôi có thể
dự đoán họ sẽ tiến hành một phong trào để đạt được điều đó bên
ngoài Liên bang Malaya. Họ chẳng có chọn lựa nào khác, vì Malaya
có một chính phủ chống cộng với hậu thuẫn vững chắc của người
Malay mà họ không thể tuyên truyền thuyết phục và cũng không
thể tiêu diệt bằng vũ lực được khi quân đội Malay ngày càng lớn
mạnh với sự hỗ trợ của quân đội Anh. Và cũng đến ngày Lim Chin
Siong đồng ý ký vào bản tuyên bố, và những người khác theo sau.
Tôi nhận được bản sao của nó một vài tuần trước ngày quyết định
danh sách ứng cử của PAP vào 25/4 và hiểu rằng khi được tự do họ
sẽ lập tức tuyên bố lập trường của mình và đưa bản tuyên bố đó ra
trong một cuộc họp báo.
Điều gì đã khiến Lim Chin Siong ký vào đó? Ông ta có thể đã tính
toán rằng không có sự bảo đảm cộng tác của họ, chúng tôi sẽ không
tranh đấu để thắng trong kỳ bầu cử này. Như vậy, đó là một thế
lưỡng nan phân đôi nghiêm trọng. Tôi biết rằng chính phủ sắp tới sẽ
đối mặt những vấn đề rất to lớn. Tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 12%.
Mỗi năm, lại thêm 62.000 đứa trẻ ra đời. Với mức tăng dân số hàng
năm là 4%, viễn cảnh phát triển kinh tế rất u ám. Chúng tôi không
có một vùng đại lục, không có một thị trường nội địa lớn cho những
ngành công nghiệp quốc gia, và có một bầu khí xung đột chủ thợ
bất lợi. Tôi hoàn toàn không chút tin tưởng rằng chúng tôi sẽ đương
cự được những đợt tấn công chắc chắn sẽ xảy ra của phong trào
công nhân.
Raja, một người lý tưởng và là một nhà lập thuyết, ủng hộ việc
hình thành một lực lượng đối lập mạnh mẽ. Keng Swee và Kenny,
vốn là những nhà hành chính, lại tin rằng chúng tôi phải thành lập
chính phủ. Họ lý luận rằng nạn tham ô sẽ lan tràn từ các Bộ trưởng
xuống toàn bộ nền hành chính, và nếu chúng tôi đứng ngoài thêm
một nhiệm kỳ năm năm nữa dưới sự cai trị của Lim Yew Hock thì sẽ
không còn một guồng máy hành chính đủ hữu hiệu để thực thi
những chính sách của chúng tôi. Không giống như lực lượng khuynh
tả, chúng tôi không có một đội ngũ cán bộ để thay thế guồng máy
ấy. Đến tháng 2, chúng tôi đã quyết định phải chiến đấu để chiến
thắng, và để chuẩn bị, Keng Swee và Kenny đã từ nhiệm chức vụ
của họ trong chính phủ theo một điều luật đặc biệt cho phép những
công chức cao cấp được ra tranh cử và tiếp tục nhận trợ cấp hưu
bổng. Đối thủ chính của chúng tôi sẽ là Liên minh nhân dân
Singapore (Singapore People’s Alliance – SPA), một tổ chức thống
nhất của Mặt trận Lao động và đảng Xã hội Tự do mà Lim Yew Hock
đã tạo ra vào tháng 11 năm trước.
Chúng tôi phác thảo những tài liệu chính sách về kinh tế, giáo dục,
y tế, gia cư, phát triển nông thôn, lao động và nữ quyền, rồi cho ấn
hành dưới dạng một loại những tập mỏng dưới tên chung là “Những
nhiệm vụ trước mắt”.
Chúng tôi phát động chiến dịch tranh cử vào Chủ nhật ngày 15/2
với một cuộc mít–tinh tiền bầu cử tại Hong Lim Green, tại đó Chin
Chye tiết lộ rằng người Mỹ đã ủng hộ 600.000 đôla cho SPA:
"Một bí mật mà ai hiện cũng biết là việc kiểm tra thuế lợi tức về
một tài khoản nửa triệu trong National City Bank tại New York dưới
tên một ủy viên chính phủ đã bị ngăn chặn một cách mau lẹ và chu
đáo bởi vì số tiền này là một khoản ủng hộ chính trị, không thuộc
loại bị đánh thuế lợi tức.”
Quả là một tiếng bom.
SPA tố cáo lời buộc tội đó là dối trá. Tổng lãnh sự Mỹ đưa ra một
bản tuyên bố phủ nhận việc chính phủ Mỹ có đóng góp gì đó cho
SPA – Mỹ không hề có chính sách can thiệp vào nội tình chính trị
của các nước khác. Vào ngày 18/2, tôi đưa ra một kiến nghị trước
Hội đồng lập pháp trong đó nêu rõ người đứng tên tài khoản đó là
Chew Swee Kee và yêu cầu lập một ủy ban điều tra. Khi kiến nghị
này sắp được thảo luận vào ngày 4/3, Chew từ chức ủy viên giáo
dục và đại biểu trong Hội đồng lập pháp. Trong một văn bản tuyên
bố, ông ta nói: “Tôi muốn làm trong sạch tên tuổi của SPA. Tôi
chẳng có gì phải giấu diếm.”
Trong cuộc thảo luận, tôi nói vào năm 1957, Chew đã nhận
300.000 đôla cho đảng của ông ta, một phần trong đó được dùng
cho cuộc bầu cử Hội đồng thành phố, và năm 1958, ông ta lại nhận
thêm 500.000 nữa cũng dùng cho những mục đích chính trị. Tôi tiết
lộ rằng tôi đã được Francis Thomas đồng ý cho tôi nói ra rằng chính
ông ta là người đã cho tôi biết chuyện Chew nhận 800.000 đôla. Khi
tôi nói điều đó, Thomas rời dãy ghế của chính phủ và đi qua ngồi
vào dãy ghế của phe đối lập23. Sau này ông ta giải thích với báo chí
rằng ông ta đã không tiết lộ vấn đề vào cái lúc nó có thể hủy hoại
đảng Lao động và có lẽ hại cả chính phủ nữa mà chính phủ lúc ấy
đang làm được việc. Tuy nhiên vào giữa năm 1958 ông bắt đầu thấy
rõ rằng Mặt trận Lao động không còn trong sạch hóa được nữa và
ông ta đã nói với tôi về vụ tiền bạc ấy và yêu cầu tôi giữ kín (và tôi
đã làm thế). Đến thời điểm ấy, ông ta đã từ chức ủy viên chính phủ
của mình.
Khi đạt được mục tiêu vạch trần chuyện SPA nhận tiền của người
Mỹ, tôi ngỏ ý rút lại kiến nghị của mình, nhưng Lim Yew Hock, một
cách thiếu khôn ngoan, đã từ chối điều đó. Ông ta tuyên bố chính
phủ không có gì phải giấu diếm và muốn ủy ban điều tra tìm cho ra,
không phải chuyện lời tố cáo đó đúng hay không, mà là chuyện làm
sao mà tin tức ấy từ Sở thuế lợi tức lại rò rỉ ra ngoài. Ủy ban khởi sự
điều tra vào ngày 6/4, dưới quyền của chánh án Murray Buttrose,
một người Úc đã phục vụ quân đội Anh từ hồi chiến tranh, và tôi ra
trước ủy ban thay cho Kenny và Chin Chye. Những chi tiết phơi bày
thêm sau đó đã gây tai hại hơn cho chính phủ SPA. Chew thừa nhận
rằng, với 800.000 đôla ấy, ông ta đã mua một căn nhà tại Ipoh đứng
tên vợ ông với giá 51.000 đôla, đầu tư 250.000 đôla vào công ty
Perak Mining Enterprise Ltd dưới tên Chong, một thành viên đáng tin
cậy trong đảng, và đang định đầu tư thêm 30.000 đôla nữa vào một
công ty khai mỏ khác cũng tại Ipoh dưới tên Chong. Ông đã tặng
một số cổ phiếu trị giá 50.000 đôla của công ty khai mỏ cho bà
Hamid Jumat, vợ của ủy viên UMNO phụ trách chính quyền địa
phương. Đại diện của National City Bank tại New York từ chối công
khai nêu tên của người đã tặng số tiền đó, nhưng đã viết tên ấy vào
một mảnh giấy và đưa nó cho chủ tịch ủy ban, và ông này cũng
không tiết lộ ra.
Những phát hiện của ủy ban được công bố ngày 25/5 đã khẳng
định một cách cụ thể những gì Chin Chye đã nói trong diễn văn
trong cuộc mít–tinh nọ. Bản báo cáo của ủy ban được công bố cho
báo chí vào ngày 27/5, hai ngày trước hôm bầu cử. Nó cũng chỉ
khẳng định điều mà mọi cử tri đã biết – rằng chính phủ của Lim Yew
Hock là thối nát, và tệ hơn, hiện nay nó đã nhận tiền của Mỹ.
Như tôi đã dự liệu, các đảng đối lập rối tung lên khi tới gần ngày
công bố danh sách ứng cử. Tôi biết Lim Yew Hock muốn có UMNO và
MCA trong SPA của ông ta bên cạnh Mặt trận Lao động và đảng Xã
hội Tự do. Ông ta nóng lòng muốn ngăn chặn việc tái diễn cảnh chia
cắt số phiếu của tầng lớp ôn hòa như đã từng xảy ra trong kỳ bầu
cử Hội đồng thành phố. Nhưng nó đã không được như thế. Hậu quả
tai hại của vụ Chew Swee Kee và kết quả bất lợi do ủy ban điều tra
công bố đã khiến cử tri ngoảnh mặt đi với họ. Trong khi đó, sự bất
đồng quan điểm giữa các đảng viên Xã hội Tự do đã dẫn tới tình
trạng hoàn toàn rối loạn khi tất cả các đảng viên có chân trong Hội
đồng lập pháp và cả các đảng viên thường đã rời khỏi đảng. Thay vì
sáp nhập vào SPA như họ đã đồng ý trước đó, những người Xã hội
Tự do đã tham gia cuộc bầu cử với tư cách độc lập.
Vào ngày công bố danh sách ứng cử, 25/4/1959, SPA ra tranh cử
39 ghế, Xã hội Tự do 32 và có 34 ứng viên tự do. PAP ra tranh cử
51 ghế với 34 ứng viên người Hoa, 10 người Malaya, 6 người Ấn và
một người Á lai Âu. Chúng tôi có tỷ lệ nhiều người Malay và người
Ấn hơn so với tỷ lệ dân số, nhưng chúng tôi nghĩ như thế sẽ tốt cho
tinh thần của các khối thiểu số hơn.
Chúng tôi tổ chức sáu cuộc đại hội cử tri và từ 60 tới 100 cuộc
mít–tinh trên đường phố trong 33 ngày đêm vận động tranh cử,
ngay từ những ngày đầu, giới cá cược đã đánh cá về số ghế chúng
tôi sẽ giành được, đó là một dấu hiệu tốt. Những đảng phái khác biết
điều này và rất nản chí nhưng không tiến hành vận động mạnh mẽ
và rõ ràng được. Trong khi đó, các tay vận động tranh cử của PAP tỏ
ra cực kỳ năng động. Rất nhiều ứng viên của chúng tôi ở độ tuổi
dưới 30 và những diễn văn của họ đã gợi lên nhiệt huyết mạnh mẽ
trong giới cử tri trẻ. Chúng tôi đã phá vỡ truyền thống của người
Hoa bằng cách đưa ra tranh cử ba người Hoa làm nghề hớt tóc –
theo truyền thống, thợ hớt tóc, đồ tể và giới xướng ca thì không
được dự những kỳ thi của triều đình. Chúng tôi tiêu biểu cho trật tự
mới có thể tách ly khỏi những thái độ kiểu phong kiến ấy.
Giữa cuộc vận động sôi nổi kích động đó, tôi cảm thấy Thủ tướng
Malaya và đồng sự tại Kuala Lumpur đã không nhìn viễn tượng chiến
thắng của PAP phi cộng sản tại Singapore bằng con mắt thiện cảm.
Hamid Jumat đã nói trong một đại hội UMNO tại Geylang Serai rằng
trong khi Malaya chống cộng thì PAP chỉ phi cộng sản thôi. Dân
Malay không thích những kẻ có quan điểm lưng chừng, và việc hợp
nhất với Malaya như thế chỉ là chuyện viễn mơ. Ngày kế tiếp, sau
khi tôi gọi cuộc nói chuyện ấy là “điên loạn”, ông ta đã ép buộc tôi
phải dứt khoát chống cộng. Đây là một điều lạ ở Hamid, và tôi tin
rằng ông ta đã nhận được thông điệp từ Kuala Lumpur. Thế là rõ Thủ
tướng Malaya ủng hộ phía nào.
Chủ nhật ngày 22/3, Keng Swee đọc một bài diễn văn “Về chính
sách kinh tế”, vốn là một phần của “Các nhiệm vụ trước mắt”, và
giải thích nhu cầu hợp tác giữa Singapore và Malaya. “Để đổi lấy
một thị trường chung, chúng ta có thể đề nghị Liên bang cùng kiểm
soát các cảng của chúng ta vốn là cửa ngõ cho phần lớn hoạt động
ngoại thương của Malaya”. Nhưng Tan Siew Sin, hiện là Bộ trưởng
công thương liên bang, đã tuyên bố rằng “PAP không hiểu họ đang
nói gì. Ý nghĩ về một thị trường chung là không thực tế. PAP phải
nhận ra rằng người ta không thể cùng lúc có được cả một thị trường
chung lẫn một hải cảng tự do. Ta phải chọn một trong hai.”
Vào lúc ấy, tôi nghĩ ông ta chỉ nỗ lực hỗ trợ phía bên kia trong cuộc
bầu cử. Rất lâu sau này tôi mới hiểu ra ông ta kiên định với những
quan điểm ấy đến mức nào. Keng Swee vốn là anh em họ với Tan,
nhưng Tan sẽ chẳng bao giờ nhượng bộ Singapore điều gì như sau
này chúng tôi nhận ra. Bầu không khí chung ở Kuala Lumpur là thù
nghịch với PAP. Thủ tướng Malaya đã phong tặng tước hiệu Tun cho
Lim Yew Hock, vốn là phần thưởng cao quý nhất ở Malaya, và nói
rằng tuy ông ta không tham gia vào chiến dịch vận động tranh cử,
nhưng ông ta sẽ đứng sau hỗ trợ cho UMNO. Ông ta ủng hộ hàng
ngũ chống cộng trong PAP, và cảnh cáo rằng bất kỳ phần tử thân
cộng nào trong UMNO sẽ bị khai trừ nếu họ ra ứng cử với tư cách
độc lập.
Chính phủ Mỹ cũng không ủng hộ PAP lắm. Tờ Straits Times ghi
nhận tiên đoán trên trang thương mại của tờ Foreign Commerce
Weekly rằng Singapore có thể ngả sang phe tả và từ bỏ truyền
thống kinh tế tư nhân của nó. “Khả năng này khiến người ta không
thể đánh giá tầm nhìn kinh tế và viễn cảnh thương mại của đô thị
này,” bài báo viết tiếp như thế. Tình hình tài chính của Singapore là
lành mạnh, nhưng “trái với Liên bang, môi trường đầu tư ở
Singapore tiếp tục xấu đi cho dù chính phủ bày tỏ ước muốn thu hút
đầu tư nước ngoài”.
Một cách tất yếu, báo chí tiếng Anh có xu hướng kịch liệt chống
PAP, không như các tờ tiếng Hoa và Malay vốn thân thiện hơn. Sự
thù ghét này đã khơi ra một cuộc chiến khi tôi mở đợt công kích đầu
tiên của mình vào 15/4:
“Đã thành một bí mật cho mọi người rằng (nếu PAP thắng cử) ban
biên tập của tờ Straits Times sẽ cuốn gói về Kuala Lumpur. Những
người đi theo quan điểm của tờ báo cũng phải cuốn gói theo họ. (Vì)
nếu bạn đọc những gì được in trên báo, bạn sẽ nghĩ chúng tôi là
những người cực đoan và man rợ.”
Chuyện này xảy ra tại một cuộc mít–tinh tại quảng trường
Fullerton ngay trung tâm thành phố, kế trụ sở bưu điện trung ương,
gần những ngân hàng Anh quanh quảng trường Raffles. Những
người tham dự chủ yếu là nhân viên kỹ thuật thuộc khối nói tiếng
Anh. Tôi chỉ vào một bài báo có tựa in chữ lớn tường thuật rằng
cảnh sát đã từ chối không cho PAP tổ chức mít–tinh tại quảng trường
Empress, rồi đọc đoạn cuối cùng của bài viết, nói thêm rằng cuộc
mít–tinh sẽ diễn ra tại nơi chúng tôi đang đứng đây. Tôi so sánh bài
này với bài tường thuật quy mô về một cuộc mít–tinh của SPA. Đây
là một sự thiên vị trắng trợn. “Nếu người ta cố gắng hại chúng ta,”
tôi cảnh cáo, “chúng ta sẽ trả đòn mạnh như đòn họ đã ra.”
Tại cuộc mít–tinh kế tiếp, Raja công kích tiếp vào tờ Singapore
Standard. Ông ta nói họ hô hào tự do ngôn luận, nhưng họ lại bóp
nghẹt quan điểm của những ai không đồng quan điểm với họ. Ông
ta có đủ tư cách để nói điều đó. Là một biên tập viên trợ lý của tờ
báo từ năm 1950 đến 1954, ông đã được lệnh rằng phải thay đổi
chính sách hoặc ra đi. Ông ta đã ra đi và tờ báo trở nên chống PAP.
Một tuần sau, ông ta quay sang tờ Straits Times, nơi ông ta từng
làm việc sau khi rời khỏi tờ Standard. Ông ta biết rõ ai điều hành tờ
báo và nêu tên bốn người, tất cả đều là người da trắng, trong đó có
A.C. Simmons, người điều hành công việc hàng ngày. Simmons hiểu
rằng Raja và tôi không đùa khi nói rằng nếu chúng tôi lập chính
phủ, chúng tôi sẽ đối đầu với họ. Họ đã chuẩn bị di chuyển cả ban
biên tập về Kuala Lumpur vì họ e ngại một chiến thắng của PAP. Tôi
biết chắc họ quyết tâm chiến đấu chống lại chúng tôi ngay từ thủ đô
liên bang. Khi tôi viết cho họ:
“Nếu những tờ báo của dân địa phương phê phán chúng tôi, thì
chúng tôi biết rằng những phê phán ấy, dù đúng hay sai, cũng là sự
phê phán thành thật, bởi vì họ phải ở đây và chịu đựng hậu quả của
bất kỳ chính sách hay động cơ ngu xuẩn nào mà có thể họ đã chủ
trương. Những kẻ tạm trú đang điều hành tờ Straits Times thì không
như thế. Họ phải chạy về Liên bang và với sự an toàn nơi đây, họ
dõng dạc tuyên bố sẵn sàng chết cho nền tự do của Singapore.”
Leslie Hoffman, biên tập viên, đã trả lời ngay trong ngày:
“Tôi không phải kẻ tạm trú. Tôi, người chịu trách nhiệm về chủ
trương và nội dung xã luận của tờ báo này, vẫn có ý định ở lại
Singapore, cho dù ông Lee và PAP có lên nắm quyền, và cho dù họ
có sử dụng pháp lệnh PPSO để chống lại tôi… thì quê hương tôi vẫn
là Singapore.”
Nhưng ông ta đã về Kuala Lumpur trước khi cuộc bầu cử kết thúc.
Năm ngày trước hôm bỏ phiếu, Hoffman phát biểu trong cuộc họp
hàng năm của International Press Institute (IPI – Học viện báo chí
quốc tế) tại Tây Berlin trước các nhà báo, biên tập viên và nhà xuất
bản rằng những đe dọa của chúng tôi có thể được hiểu như “những
lời thống trách của một nhóm các chính khách điên lên vì quyền
lực”. Ngược lại, tờ Straits Times viết: “Tờ báo được xuất bản và điều
hành bởi những người Malay ra đời tại đó, những người đã ở đó trọn
đời của họ, và là những người thực tình trong tinh thần dân tộc và
lòng trung thành của mình với đất nước.” Ông ta sẽ không thừa
nhận rằng chính các ông chủ người Anh của ông ta mới là người sở
hữu tờ báo và chỉ đạo các chính sách của nó.
Simmons hiểu ông ta rất dễ bị tấn công. Nên ông ta đã chỉ bảo cho
Hoffman, một người Âu lai Á, để đưa trường hợp của ông ta ra trước
IPI. Hoffman nói thêm: “Trong ý nghĩa này, thật là độc đáo khi nó
tạo cho hội đồng này một cơ hội để chấm dứt vĩnh viễn sự nỗ lực
của một chính đảng muốn thu hút sự ủng hộ của quần chúng cho ý
đồ công khai của họ là hạn chế tự do báo chí.” Nhưng đó chính là
điều PAP dự định sẽ làm – thu hút sự ủng hộ của quần chúng đối với
chủ trương rằng báo chí sẽ không còn nằm dưới sự sở hữu của
người ngoại quốc nữa. Hoffman trích điều tôi đã phát biểu vào ngày
18/5:
“Bất cứ tờ báo nào muốn phá hoại hay làm căng thẳng các mối
quan hệ giữa Liên bang Malaya và Singapore sau ngày 30/5 sẽ bị
truy tố về tội mưu phản. Bất cứ biên tập viên, phụ tá biên tập hay
phóng viên nào đi theo con đường này đều sẽ bị truy tố theo pháp
lệnh PPSO. Chúng tôi sẽ truy tố và bắt giam những người đó.”
Thái độ của tờ Straits Times còn thậm chí không thể biện minh
được vì chúng tôi, lực lượng quốc gia, đang kiểm soát chặt cuộc vận
động tranh cử, một điều làm tôi rất hài lòng. Chúng tôi đã sắp xếp
lịch trình, quyết định các chủ đề và viết những bài diễn văn quan
trọng. Các lãnh tụ cánh tả không đem những tổ chức quần chúng
của họ đến dự những cuộc mít–tinh của chúng tôi được. Mặc dù phái
khuynh tả đang tập hợp trong các chi bộ PAP và một số có thể trở
thành ứng cử viên, Pang Boon và tôi đã giảm thiểu mối nguy này
qua việc chọn lọc rất cẩn thận các ứng viên Hán học. Không còn một
Lim Chin Siong nào để thao túng đám đông nữa.
Ong Eng Guan không kém cỏi lắm khi thay thế Lim Chin Siong
trong vai trò phát ngôn viên tiếng Hokkien trong các buổi mít–tinh.
Nhưng Pang Boon thì nói lưu loát cả tiếng Hokkien lẫn tiếng Quan
thoại, còn tiếng Quan thoại của tôi cũng đã cải thiện; tuy rằng vẫn
chưa đủ để vận dụng các biện pháp tu từ, nhưng giờ tôi đã có thể
diễn tả tư tưởng của tôi mà không cần đến văn bản viết sẵn. Có thể
tôi chỉ lặp lại bằng một thứ tiếng Quan thoại kém nhuần nhuyễn
những điều đã nói bằng tiếng Anh hay Malay, nhưng tôi đã được
khối dân chúng nói tiếng Hoa coi trọng hơn vì đã chịu khó học ngôn
ngữ của họ. Tình trạng với Chin Chye cũng vậy, ông là người thấp bé
nhưng rất sinh động trên diễn đàn. Tiếng Quan thoại của ông ta
kém hơn tôi nhưng ông ta rất bạo dạn và đám đông đã hoan hô
chúng tôi, họ hài lòng vì chúng tôi đã nỗ lực để có thể giao tiếp được
với họ.
Khi thắng phiếu, những Bộ trưởng tương lai của chúng tôi sẽ là
một khối đa chủng tộc. Raja hóa ra là người rất sáng dạ, nói tiếng
Anh rất hùng hồn và giảm văn phong xã luận của mình thành thứ
ngôn ngữ đường phố rất sinh động. Ông ta cũng nói tiếng Malay
bình dân và truyền đạt tư tưởng của mình bằng một giọng nói mạnh
mẽ và một thứ ngôn ngữ “thân thể” biểu cảm. Ngược lại, Keng Swee
lại quá dở; với tư duy tốt, ông ta chuẩn bị các bài diễn văn rất chu
đáo nhưng lại phát biểu bằng giọng đều đều đáng chán, ấp úng, cứ
phải xem văn bản và trông thiếu hấp dẫn.
Trong một xã hội đa chủng tộc, chúng tôi gặp phải một vấn đề tất
yếu. Một số ứng viên của chúng tôi có thể là những tay hùng biện
bẩm sinh, nhưng không ai có thể làm một bài diễn văn trong cuộc
mít–tinh tranh cử và khiến toàn bộ cử tọa cùng cười, thở dài, khóc
hay giận dữ với nhau. Dù có dùng thứ tiếng nào và dùng giỏi tới đâu
thì cũng chỉ có một bộ phận trong đám đông là có thể hiểu được
ngay, nên diễn giả phải truyền đạt tới những bộ phận còn lại bằng
các cử chỉ, nét mặt và giọng nói.
Tiếng Malay bình dân là thứ ngôn ngữ đơn giản và được nhiều
người thông hiểu nhất, và diễn giả giỏi nhất của chúng tôi bằng thứ
tiếng này là Yaacob bin Mohamed với lối diễn đạt đầy kịch tính và
sáng sủa lôi cuốn được cả những sắc dân khác ngoài người Malay.
Để phê phán thói huênh hoang của đối phương, ông ta đã trích dẫn
ngạn ngữ Malay của xứ Terengganu, quê nhà của ông ta: “Gà mái
đẻ mỗi lần một trứng, cả làng nghe nó cục tác; con rùa đẻ một lần
cả trăm trứng, không nghe một tiếng ồn nào." Nói cách khác, PAP
đem lại rất nhiều lợi ích cho công nhân nhưng không bao giờ khoe
khoang điều đó. Lý luận này được đám đông tán thưởng nhiệt liệt.
Đó là thời kỳ chưa có vô tuyến truyền hình nên một giọng nói tốt,
một tác phong mạnh mẽ, lôi cuốn là những lợi thế rõ rệt.
Yaacob có xuất thân nghèo khó. Sinh ra ở miền bắc Malaya và học
trong một trường của giáo hội địa phương, ông ta từng lái xe tải cho
Quân đội quốc gia Ấn trong chiến tranh, và khi đến Singapore vào
đầu thập niên 1950, ông ta làm nghề hớt tóc dạo trước khi trở thành
một người dạy giáo lý. Ông ta đã gia nhập API, một đảng quốc gia
Malay rất cấp tiến, rồi đổi sang UMNO vào năm 1954, rồi thấy đảng
này quá bảo thủ và thiếu công bằng nên ông gia nhập PAP vào năm
1957. Sau này, tôi sẽ cử ông ta làm thư ký quốc hội, rồi Bộ trưởng
Ngoại giao. Ông ta là một tài sản quý giá đối với người Malay. Bước
thăng tiến của ông từ bậc thang thấp nhất đã thành một đặc điểm
trong những thời kỳ cách mạng đó. Trật tự cũ đã không còn đứng
vững nữa, xã hội đang trong một tình trạng biến đổi, và rất nhiều
người ít học từ giới lao động đã có cơ hội ngoi lên đỉnh cao chỉ nhờ
vào khả năng, nhiệt tình và may mắn.
Phần lớn dân chúng còn nghèo, nhiều người phải sống trong các
khu ổ chuột, và vì là đảng của giai cấp công nhân, chúng tôi ít nhận
được tiền của ủng hộ từ những người giàu nên buộc phải vận động
tranh cử mà không có nguồn tài chính gì. Nhưng chúng tôi có thể
trông cậy vào sự ủng hộ tận tình của những người tình nguyện. Các
ứng viên phải tự lo chi phí vận động tranh cử của họ, PAP chỉ cung
cấp những bích chương và tuyên ngôn in giống nhau, chỉ thay đổi
hình chụp cho mỗi ứng viên và những dòng tiểu sử của họ. Chúng
tôi mướn những xe tải lớn, xe tải nhỏ và xe thùng để dùng làm diễn
đàn trong các cuộc mít–tinh, đậu hai chiếc kế nhau trong những
cuộc mít–tinh lớn, thường những xe này được những ủng hộ viên
trong ngành vận tải cho mượn miễn phí. Có thể họ trông chờ nhận
được lợi lộc trong tương lai, nhưng nhiều người trong số này vẫn
tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong các kỳ bầu cử sau, khi chúng tôi đã
nắm quyền và chẳng đem lại cho họ một ưu đãi gì. Ban đêm, chúng
tôi câu điện từ những cửa hàng quen biết để thắp sắng diễn đàn, và
tuy rằng chúng tôi phải mướn loa phóng thanh nhưng tiệm cho
mướn lại có thợ điện tới giúp kéo dây qua những ngọn cây và những
trụ điện (đôi khi những đường dây thế này tạo ra tiếng hú inh tai
ngay khi chúng tôi đang đọc diễn văn.)
Đi vận động bầu cử nghĩa là đi tới mọi xó xỉnh mà bình thường giới
trung lưu Anh học chẳng bao giờ đặt chân tới. Mùi rác rưởi, những
con chuột cống và chó mèo hoang lở lói, những đường mương đầy
rác của những gánh hàng rong trong những phố Tàu là điều tôi nhớ
được về khu Tanjong Pagar trong những năm 1950. Ban đêm,
những người bán hàng rong chẳng biết từ đâu đã tập họp quanh chỗ
chúng tôi tổ chức mít–tinh để mong bán được hàng. Ở phía ngoài
đám đông sẽ có rất nhiều trẻ con, khiến chúng tôi nhớ lại tỷ lệ tăng
dân số 4% của đảo này, chúng đến để coi chơi, có đứa đi cùng cha
mẹ, có đứa đi một mình. Tại những khu nông thôn như Punggol,
Sembawang và Yio Chu Kang, mùi kinh khủng của phân heo không
thể nào quên được và thật dễ nhận ra vào năm 1976 khi tôi đi
ngang qua miền nông thôn Trung Quốc.
Đó là một cuộc vận động vất vả, gian nan. Trong một tối tôi có thể
đọc ba bốn bài diễn văn, lái xe từ khu vực này đến khu vực khác, tại
các cuộc mít–tinh bắt đầu từ lúc 7 giờ tối và phải kết thúc lúc 10 giờ.
May thay tôi đã bỏ được thuốc lá và không hề bị mất giọng, nhưng
vào một đêm thời tiết nóng ẩm, tôi ướt đẫm mồ hôi khi phải nói
bằng hai, thậm chí ba thứ tiếng – Malay, Quan thoại và tiếng Anh.
Khi người ta tụ tập đông, nồng nhiệt và có đáp ứng, tôi có thể nói lố
30 phút dành cho mình, và luôn luôn phải phát biểu sau cùng vì
đám đông thường tan dần khi diễn giả chính kết thúc. Choo thường
chuẩn bị sơ mi và áo lót cho tôi thay sau mỗi bài diễn văn. Hiện nay
tôi đi lại một cách đường hoàng vì từ khi chúng tôi quyết định tranh
cử để giành chiến thắng vào tháng 2/1959, Choo đã mua một chiếc
Mercedes Benz 220 để thay cho chiếc Studebaker cũ kỹ. Cô muốn
mọi người thấy chúng tôi đi xe đó để ai cũng rõ là tôi có thể sắm nổi
Mercedes mà không cần phải làm đến thủ tướng, và cô còn đi cùng
tôi đến các buổi mít–tinh, đôi khi còn tự tay lái xe đưa tôi đi.
Những cuộc mít–tinh vận động thật là đáng nản lòng cho các ứng
viên của SPA và đảng Xã hội Tự do. Họ thu hút được rất ít quần
chúng và không tổ chức nổi những buổi mít–tinh lớn. Giới Anh học
thì đương nhiên không có mặt, họ không phải loại người đứng ngoài
phố để nghe những bài diễn văn. Những công nhân nói tiếng Hoa thì
dù sao cũng suốt ngày ở ngoài đường vì nhà cửa của họ thiếu tiện
nghi, có khi đó chỉ là những căn buồng nóng bức và ngột ngạt. Với
họ, những buổi mít–tinh ngoài trời của chúng tôi, với những bài diễn
văn bằng tiếng Quan thoại hay các phương ngữ khác là trò giải trí
miễn phí và là dấu hiệu cho những chuyện hấp dẫn sắp xảy ra.
Những buổi mít–tinh lớn ấy là những dịp náo nhiệt đa dạng. Các kỳ
bầu cử làm lộ ra các thói quen và tập tục văn hóa của các chủng tộc
khác nhau. Người Hoa bày tỏ sự ủng hộ bằng những biểu ngữ gồm
bốn hay tám chữ Hán gắn trên băng vải lụa. Một biểu ngữ có thể dài
đến ba bốn thước và cần đến nhiều người cùng lên diễn đàn và
trương lên cho công chúng xem. Sau khi ứng viên nhận biểu ngữ đó
với động tác cúi đầu tạ ơn, thường sẽ có tiết mục chụp hình kỷ niệm.
Một ứng viên được ưa chuộng có thể nhận được từ 50 đến 100 biểu
ngữ chữ Hán như vậy, và khi treo chúng lên cùng những dây đèn
màu, cuộc mít–tinh liền có ngay một không khí lễ hội. Mỗi biểu ngữ
sẽ có tên của người tặng, có thể đó là tên một bang hội hay nghiệp
đoàn ủng hộ hết mình cho ứng cử viên nào đó và như thế lôi cuốn
mọi thành viên của họ vào hoạt động để giúp ứng viên ấy thắng cử.
Người Ấn thì đem đến những vòng hoa tươi, thường là hoa đại
trắng hay cúc vạn thọ kèm những giải băng kim tuyến màu vàng
hoặc bạc, có khi cả tràng hoa nặng cả ký lô. Có những dịp, hết cử tri
này đến cử tri khác lên quàng cho tôi từ 6 tới 12 vòng hoa như thế
vào cổ cho đến khi đầu tôi ngập trong hoa và cần cổ tôi tê cứng vì
mang nặng. Cũng may là tôi không bị dị ứng với những loại hoa đó.
(Tuy nhiên, những điều tệ hơn có thể xảy ra. Rajiv Gandhi, Thủ
tướng Ấn Độ, bị ám sát trong một buổi mít–tinh tranh cử như thế bởi
một phụ nữ tiến đến gần, không phải để quàng hoa cho ông mà để
kích nổ một trái bom bà ta mang trong người.)
Người Malay thì đem tặng những tanjak, một kiểu khăn trùm đầu
bằng lụa có đan chen chỉ màu vàng hoặc bạc mà các vị chức sắc
dùng trong những dịp nghi lễ long trọng. Những tấm khăn ấy
thường đắt tiền và hiếm khi được trao tặng.
Trong một lần phát biểu với khoảng 2.000 công nhân trong một
khoảng sân rộng ngay phía ngoài khu căn cứ hải quân Sembawang
vào ngày 17/5, tôi đã nhấn mạnh rằng họ không cần phải lo lắng về
công ăn việc làm của họ một khi chúng tôi nắm quyền. Chúng tôi
không hề tìm kiếm một nền độc lập riêng biệt cho Singapore, và do
đó đã đồng ý rằng người Anh vẫn giữ được quyền kiểm soát các căn
cứ quân sự của họ cho đến khi chúng tôi sáp nhập vào Liên bang
Malaya. Điều này làm an lòng khoảng 45.000 công nhân dân sự làm
việc cho quân đội, nhiều người trong số đó đã từ Ấn Độ theo chân
quân đội Anh qua đây và có quyền bầu cử vì họ là công dân Anh.
Trong một cuộc mít–tinh vào buổi trưa ở cảng Clifford, tôi đã giải
thích lý do chúng tôi duy trì pháp lệnh PPSO nếu chúng tôi nắm
quyền, và nhấn mạnh rằng cuộc chiến đấu thực sự bây giờ sẽ xảy
ra giữa PAP và MCP. Tôi kể lại việc Marshall đã dao động lập trường
thế nào, bị đẩy từ quan điểm này sang quan điểm khác ra sao, và
đã thoái lui khi đối diện các cuộc biểu tình của phái tả như thế nào;
và chuyện Lim Yew Hock, ngược lại, đã sử dụng bạo lực ra sao cho
đến khi người Anh và lực lượng trực thăng của họ kiểm soát được
tình hình. Tôi nói thẳng thừng: “Chính phủ PAP sẽ không vướng vào
cả hai kiểu sai lầm ấy. Chúng tôi sẽ không để bị khủng bố hay đe
dọa, và cũng không sử dụng sự đàn áp như một phương tiện của
chính quyền. Chúng tôi sẽ điều hành đất nước với thiện chí và ủng
hộ của dân chúng, một cách kiên quyết, khôn ngoan và công bằng.”
Tôi muốn tránh mọi lời buộc tội là đã thắng cử bằng những hứa hẹn
giả trá.
Goode đã giữ liên lạc với tôi sau hội nghị về hiến pháp tại London
hồi tháng 5/1958, và về các vấn đề liên quan tới chính phủ tương
lai, ông luôn cho tôi cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình. Chẳng
hạn, ông ta đã hỏi ý kiến của tôi về việc chọn John Wyatt làm chánh
án Tối cao pháp viện cho đến khi hoàn tất cuộc bầu cử khi thủ
tướng mới có thể bổ nhiệm người khác. Người Anh không muốn phải
đưa ra một quyết định bổ nhiệm rồi sau đó lại hủy bỏ hay thay đổi.
Tôi không phản đối quyết định nào của họ. Thư ký của ông ta là
Pamela Hickley có thể gọi điện cho Choo tại văn phòng Lee & Lee và
hỏi tôi có thể đến gặp thống đốc được không, thường là vào giờ
uống trà buổi chiều. Tôi thường đến gặp ông ta tại khu văn phòng
của Dinh chính phủ ở tầng 2 (nơi tôi làm việc kể từ 1971). Chúng tôi
sẽ nói chuyện khoảng một giờ bên tách trà, với bình trà bạc và thứ
trà Anh pha với sữa và đường. Những cuộc gặp ấy vẫn tiếp tục ngay
trong thời gian vận động tranh cử, khi đó có lần ông ta đùa cợt về
việc chấm dứt ủng hộ Lim Yew Hock và những người khác cứ như
tước những cây kẹo khỏi tay một đứa trẻ. Tôi đã cảnh giác ông ta
khi chiến dịch tranh cử đang gay gắt dần rằng chúng tôi không thể
không trung thành với những tuyên bố về chính sách trong “Những
nhiệm vụ trước mắt” được. Quan điểm chính trị đang được vạch ra
và chúng tôi phải tiếp tục theo đuổi nó. Tôi bảo đảm với ông ta rằng
chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định với chương trình của mình.
Ngày đầu phiếu, thứ bảy 30/5/1959, thì yên tĩnh và trật tự trái
hẳn với kỳ bầu cử tháng 4/1955. Theo những điều luật mới mà tôi
đã thuyết phục Lim Yew Hock thông qua, đi bầu là bắt buộc, việc
dùng xe hơi chở cử tri tới địa điểm đầu phiếu là phi pháp, không có
trò vận động hay cho thành viên của đảng đeo biểu tượng đảng
xuất hiện gần các địa điểm đầu phiếu, nên đã không có những trò
gây ảnh hưởng, áp lực, mua chuộc hay đút lót nữa. Cuộc đầu phiếu
chấm dứt lúc 8 giờ tối; việc kiểm phiếu bắt đầu tại bảy trung tâm từ
9 giờ tốì và kết thúc lúc 2 giờ 45 sáng.
Chúng tôi chiếm được 43 trong số 51 ghế tranh cử, với 53,4%
tổng số phiếu của 90% cử tri tham gia bầu cử. SPA giành được 4
ghế, UMNO 3 ghế và một ghế cho ứng viên độc lập (A.P. Rajah). Lim
Yew Hock thắng cử tại Cairnhill (đánh bại Marshall) và Hamid Jumat
thắng tại Geylang Serai. Tôi phát biểu trong một cuộc họp báo rằng:
“Phán quyết của dân chúng rất rõ ràng và dứt khoát. Đó là chiến
thắng của cái đúng đối với cái sai, trong sạch đối với thối nát và
chân chính đối với tà ác.” Ứng viên có số phiếu cao nhất là Ong Eng
Guan, cựu thị trưởng. Cử tri ở đơn vị Hong Lim của ông ta trong khu
phố Tàu đã tán đồng những biện pháp thái quá của ông ta và sự ủng
hộ này chỉ làm tăng thêm lòng tự phụ ở ông ta mà thôi.
19
CẦM QUYỀN
Đó là một thắng lợi, nhưng tôi chẳng mấy hân hoan. Tôi bắt đầu
nhận ra sức nặng của những vấn đề chúng tôi phải đương đầu –
thất nghiệp, lòng mong mỏi có được những kết quả nhanh chóng lại
quá lớn, sự khuấy đảo của những người cộng sản, thêm nhiều âm
mưu lật đổ từ phía các nghiệp đoàn, trường học và các tổ chức, đình
công tăng, đầu tư giảm, thất nghiệp nhiều hơn và rối loạn cũng càng
lắm. Lim Chin Siong và Fong Swee Suan trong ít lâu nữa sẽ hoạt
động trở lại trong khối người Hoa để phá hoại ngầm chúng tôi. Khi
Lennox–Boyd gửi điện chúc mừng, tôi đã trả lời rằng:
“Ít người hiểu rõ những nguy nan của chuyến hành trình mà
Singapore giờ đây đang bước vào. Trong năm năm nữa chúng tôi
thành công được đến đâu là tùy thuộc vào việc chúng tôi đã hoạch
định chu đáo và làm việc cật lực đến độ nào, vào việc chính phủ Anh
hiểu biết đến đâu về những chuyện đang diễn ra và lý do tại sao, và
tùy vào đủ thứ các vị thần linh có mặt trên cái hòn đảo nhỏ nhoi
220 dặm vuông này. Yếu tố đầu chúng tôi dám khẳng định, còn yếu
tố thứ hai thuộc về các ông, và yếu tố thứ ba tùy thuộc vào những
lời cầu khẩn của nhân dân Singapore khấn nguyện các vị đó ban
phước lành cho chúng tôi.”
Còn một yếu tố thứ tư nữa – đó là thái độ của các láng giềng
phương Bắc của chúng tôi. Người đầu tiên ca tụng tôi một cách công
khai là thủ tướng Malaya. “Nhân dân Singapore đã có sự chọn lựa
thật rõ ràng. Tôi xin chúc mừng PAP đã giành được đa số như vậy,”
ông ta phát biểu với báo chí. Nhưng đó không phải là lời của Tunku
mà của Dato Abdul Razak bin Hussain (sau này cũng được phong
tước Tun), đương quyền tạm thời trong lúc Tunku vắng mặt. Ông ta
chẳng mấy khéo léo trong giao thiệp:
“Chiến thắng của họ cũng tất nhiên thôi. Các đảng khác thì chia rẽ
và không thể hình thành nổi một phe đối lập đủ mạnh để địch lại
PAP. Tôi rất vui là ông bạn của tôi, Tun Lim Yew Hock đã giành được
thắng lợi. Ít ra ông ta cũng sẽ là một đối trọng mạnh đối với chính
quyền. Mặt khác, nếu phe đối lập muốn được hữu hiệu thì họ phải
đoàn kết lại, cả với bên ngoài hội đồng, bằng không tình trạng cũng
vẫn sẽ chẳng có gì thay đổi.”
Tôi nhận được nhiều thư chúc mừng cá nhân của những người có
cảm tình với tôi, kể cả của thủ lĩnh chống thực dân rất nổi tiếng của
Hiệp hội Fabian, cô Hilda Selwyn–Clarke. Cô đã nói với sỹ quan Sở
đặc vụ Singapore Richard Corridon rằng tôi là một nhà xã hội chủ
nghĩa tốt, chứ không phải là một người cộng sản. James Callaghan,
nghị viên đảng Lao động và về sau làm thủ tướng nước Anh, từng
thăm Singapore vào đầu những năm 1950, biết rất rành về miền
này, đã có lời nhắc nhở trong thư chúc mừng của ông: “Từ những
giao tiếp của bản thân tôi với đất nước này, tôi biết chính phủ Liên
bang sẽ bị chạm tự ái đến độ nào và ông sẽ phải làm rạch ròi công
việc của ông để trấn an họ. Phản ứng của báo chí ở đây thật mỗi
người mỗi ý. Đang có những nỗi lo sợ nơi những người không hiểu
tình hình.”
Chúng tôi đã suy nghĩ khá kỹ trước kỳ tuyển cử và kết luận rằng
Lim Chin Siong cùng nhóm của ông ta phải được trả tự do trước khi
chúng tôi nắm quyền, bằng không chúng tôi sẽ bị mất tín nhiệm
hoàn toàn. Thế nhưng, sau khi tranh cử và thắng cử bằng chính sức
mình, chúng tôi quyết tâm khởi đầu chính quyền mới bằng cách tổ
chức một cuộc mít–tinh mừng thắng lợi trước khi họ được thả và
cuộc tranh đấu lại tái tục.
Chúng tôi quyết định tổ chức cuộc mít–tinh đó vào ngày thứ tư,
3/6. Tôi đã yêu cầu viên thống đốc trả tự do cho tám chính trị phạm
một ngày sau cuộc mít–tinh và trước khi chúng tôi tuyên thệ nhậm
chức. Goode muốn chúng tôi nhậm chức ngay tức thời nhưng quan
tâm của tôi là phải có thời gian để sắp xếp mọi chuyện, khiến người
Anh đồng ý việc phóng thích, hình thành nội các, và tổ chức mít–
tinh trước đã. Goode phản đối với lý do ông ta phải liên hệ với
London về chuyện thả người, điều đó có nghĩa rằng với kế hoạch
của tôi thì sẽ có một khoảng trống không có chính quyền khi Lim
Yew Hock phải từ chức lúc bị thất cử. Ông ta không vui vì chuyện trễ
nãi này, nhưng tôi vẫn giữ ý mình. Tôi yêu cầu ông ta cho tôi có thời
gian để đặt những người quốc gia vào một vị thế vững mạnh hơn
trước khi cuộc tranh đấu kế tiếp bắt đầu. Tôi không nghĩ trước mắt
sẽ có chuyện khủng hoảng nào. Hôm sau, ông nói với tôi London
đồng ý trả tự do cho các chính trị phạm, nhưng khi ông lặp lại rằng
ông muốn tôi phải nhậm chức càng sớm càng tốt, tôi đã nói rằng
cần phải tham khảo ý kiến của các đồng sự đã.
Tôi họp với ủy ban chấp hành trung ương tại trụ sở đảng vào buổi
chiều suốt một tiếng đồng hồ, rồi trở lại Dinh Chính phủ lúc 4 giờ
chiều. George Thomson, giám đốc Sở Thông tin, sau đó đã đưa ra
một bản tuyên bố cho các phóng viên đang chờ trước cổng. Bản
tuyên bố nói rằng sau hai cuộc họp kéo dài hai tiếng đồng hồ và
“sau khi tham khảo với chính phủ Anh, cũng như để tạo buổi đầu
êm đẹp và mau chóng cho hiến pháp mới, thống đốc, với sự tư vấn
của các thành viên mặc nhiên của hội đồng, đã quyết định thả các
tù nhân có liên can.” Cùng lúc đó, Goode nói với tôi ông không thể
cứ ngồi đó mà chờ; ông sẽ cho đăng trên công báo và cho hiến pháp
có hiệu lực kể từ ngày 3/6. Một lần nữa tôi phản đối và nói rằng
chúng tôi chỉ có thể tuyên thệ nhậm chức được vào ngày 5/6, sau
khi Lim Chin Siong, Fong cùng sáu người thân cộng khác nữa không
những đã được thả ra mà còn chính thức đưa ra lời tuyên bố công
khai ủng hộ các mục tiêu không cộng sản của PAP. Tôi muốn rằng lời
tán thành đó phải được đăng trên các báo; do đó, chúng tôi nhậm
chức chỉ vào trưa ngày 5/6 để hai tin đó không tranh nhau trên
trang nhất các báo. Goode không đồng ý, nhưng tôi nhất quyết như
vậy rồi.
Cuộc mít–tinh của chúng tôi diễn ra trước Tòa Thị chính Thành phố
vào đêm ngày 3/6 mà không có mặt của những người thân cộng.
Chúng tôi có 43 nghị viên đứng trên bục diễn đàn, tất cả đều mặc
đồ trắng để tượng trưng cho một chính phủ trong sạch – sẽ không
còn bất kỳ chuyện tham nhũng nào như đã từng xảy ra tại
Singapore trước đây và đã tồn tại ở nhiều quốc gia mới thành lập.
Tôi giới thiệu nội các mới gồm chín người tính cả tôi. Tôi đã đọc một
bài diễn văn nghiêm trọng và gần như bi quan. Đã có rất đông người
đến dự, khoảng 50.000 người ở Padang – trong trật tự, hy vọng và
trong tâm trạng vui vẻ. Tôi chọn dịp này để làm cho họ đừng quá
mong ước, và để chuẩn bị phòng vệ trước những tấn công mà tôi
biết sẽ có của những người cộng sản. Họ muốn đòi tự do nhiều hơn
nhằm gây lật đổ tại Singapore và dùng sức mạnh trên hòn đảo này
để hỗ trợ cho cuộc cách mạng tại Malaya.
Tôi phác họa lập trường của chính quyền:
Chúng ta đang bắt đầu một chương mới. Quyền lực của dân chúng
thông qua chính phủ dân cử của họ bị khuôn hạn trong những vấn
đề đối nội. Đó chưa phải thực sự những gì chúng ta muốn nhưng đó
là một bước để tiến tới sáp nhập và merdeka. Những điều lành
không từ trên trời rớt xuống. Chúng chỉ có thể có được bằng cách
làm việc cật lực và bền lâu. Chính phủ không thể tạo được kết quả
trừ phi dân chúng ủng hộ và duy trì nỗ lực của chính phủ. Có thể có
những lúc mà vì lợi ích của toàn thể cộng đồng, chúng tôi có thể có
những biện pháp mất lòng đối với một bộ phận nào đó của cộng
đồng. Khi ấy, xin nhớ rằng nguyên tắc chỉ đạo cho các hành động
của chúng tôi là: lợi ích tối thượng của cả cộng đồng phải là trên
hết.”
Đối với cộng đồng người Anh, tôi đã có lời lưu ý như thế này:
“Các bạn biết không, chúng tôi muốn sử dụng khu Padang này làm
nơi mít–tinh tranh cử vào buổi tối, nhưng có một nhóm nhỏ người
Âu được chính phủ thực dân trước đây cho quyền sử dụng khu này
đã từ chối, không cho phép làm như vậy, mặc dù họ chỉ sử dụng sân
này vào ban ngày cho một số người để chơi thể thao! Ấy, thời thế đã
đổi thay, và sẽ tiếp tục đổi thay.”
Trong một diễn văn quan trọng nhắm vào những người có Anh
học, Keng Swee nói rằng họ phần lớn chịu sự nhào nặn của báo chí
tiếng Anh và của nhà thờ, nhất là của Giáo hội Công giáo. Là một
tầng lớp xã hội, họ đã bỏ phiếu chống lại PAP, nhưng họ là thiểu số,
và ông lưu ý họ rằng trong tương lai, họ sẽ bị mất đi các đặc quyền
đã được hưởng dưới thời người Anh, và sẽ phải cạnh tranh bình
đẳng với mọi người khác trên đất nước Singapore. Để tồn tại, họ
phải nỗ lực để hiểu được rằng những thay đổi đang diễn ra là thể
theo nguyện vọng của các lực lượng xã hội to lớn nằm chìm dưới bề
mặt, chứ chẳng phải thể theo những mưu toan của các chính khách.
Các tờ Straits Times và Singapore Standard chưa bao giờ đăng tải
những phân tích của chúng tôi về nguyên nhân của những xáo trộn
chính trị, và hậu quả là chúng tôi chẳng bao giờ có thể làm cho
những người Anh học hiểu được rằng những bất mãn sâu xa về xã
hội, kinh tế, chính trị đang khiến những người Hán học ủng hộ cộng
sản và đang giúp họ lật đổ trật tự hiện có. Giờ đây chúng tôi đã nắm
chính quyền, họ phải lắng nghe, và báo chí tiếng Anh phải đăng
những gì chúng tôi nói. Do vậy, chúng tôi khởi sự làm cho họ phải
hiểu những gì chúng tôi nói, một tiến trình bắt đầu bằng diễn văn tối
hôm đó của Keng Swee.
☆
☆☆
Ngày hôm trước của cuộc mít–tinh, Dennis đã đi Changi để báo cho
những người bị giam rằng họ sẽ được trả tự do vào ngày thứ ba, và
vào lúc 8 giờ sáng ngày 4/6, Lim Chin Siong, Fong, Nair, Woodhull,
Puthucheary cùng ba người khác nữa bước ra khỏi Nhà tù Changi,
trước sự chào đón của 2.000 thành viên PAP cùng những người ủng
hộ nghiệp đoàn đang đứng bên ngoài, vẫy các biểu ngữ. Họ được
đưa tới trụ sở của đảng, nơi họ sẽ gặp gỡ với ủy ban chấp hành mới.
Vào lúc 11 giờ, họ gặp gỡ giới báo chí, Nair làm phát ngôn viên, và
đưa ra bản tuyên bố mà họ đã ký.
Ngày hôm sau, báo chí đã đăng tải tuyên bố của họ:
“Để đạt được sự nhất quán hoàn toàn với lý tưởng một nước
Malaya thống nhất, và để đấu tranh bằng những phương thức hòa
bình, dân chủ và hợp hiến cho những mục tiêu lâu dài vì một Malaya
xã hội chủ nghĩa, phi cộng sản, dân chủ, độc lập và thống nhất…
Thật là sai lầm khi xem việc tách Singapore khỏi Liên bang Malaya
chỉ là một thủ đoạn của riêng người Anh. Người Anh dĩ nhiên không
thể tránh né phần trách nhiệm trong chuyện chia tách tai hại này…
Tuy nhiên, sự thật vẫn là việc loại Singapore ra ngoài cũng chính là
một sự phản ảnh nỗi lo sợ của khối đa số người Malay trong Liên
bang rằng người Hoa đa số tại Singapore không thể hết lòng vì
Malaya, và không thể đồng hóa với tinh thần dân tộc Malaya được…
Công việc của chúng ta, những người ở Singapore, là phải chứng tỏ
rằng những sợ hãi và nghi ngờ như vậy của những anh em trong nội
địa là vô căn cứ.”
Khi được hỏi tại sao họ ủng hộ việc sử dụng Pháp lệnh PPSO, Nair
trả lời: “Lập trường của chúng tôi cũng giống như của PAP,” tức là sẽ
tuân theo các luật thành văn chừng nào Liên bang Malaya vẫn còn
có những luật dự trù cho việc giam cầm không cần xét xử. Đúng
như tôi đã trông đợi ở Nair, các bài báo đều rõ ràng và không lập lờ
nước đôi. Nhưng tôi biết Lim Chin Siong không mấy thành thực. Đối
với ông ta, đây chẳng qua chỉ là một bước chiến thuật. Tôi hy vọng
Fong, người mà Nair đã bỏ ra nhiều giờ để thuyết phục, sẽ không
ngả trở lại phía Lim nữa. Nhưng tôi không dám chắc lắm. Tôi cố
gắng vô hiệu hóa họ bằng cách giao cho họ những chức vụ cao
nhưng không có thực quyền – Puthucheary làm giám đốc của một
Ủy ban Khuếch trương Công nghiệp mới, và bốn người khác làm bí
thư chính trị cho bốn Bộ trưởng.
Những phát triển này được người Anh theo dõi rất sát, bởi họ nóng
lòng muốn xem các bộ trưởng mới của PAP sẽ cầm quyền ra sao. Bill
Goode đã gửi cho Lennox–Boyd một báo cáo đề ngày 12/6/1959
như sau về cuộc tuyển cử, một báo cáo 40 năm sau đọc lại vẫn còn
thấy thú vị:
“…PAP đã tập trung vào việc tự giới thiệu mình như một đảng xã
hội chủ nghĩa dân chủ, có những tư tưởng mang tính xây dựng, có
sự trung thực, năng lực và khả năng cầm quyền. Cương lĩnh của họ
nhấn mạnh vào nhu cầu phải đấu tranh vì độc lập thông qua hợp
nhất với Liên bang Malaya, và nhu cầu phải có sự hòa hợp giữa các
cộng đồng chủng tộc tại Singapore. Họ ủng hộ việc coi tiếng Malay là
ngôn ngữ chung để phá bỏ hàng rào chủng tộc và đã đưa ra tới chín
(sic) ứng cử viên người Malay. Một đặc điểm nổi bật trong chương
trình của họ là nhấn mạnh đến việc nhất thiết phải tổ chức lại guồng
máy chính quyền và các cơ quan công quyền khác, nhất là phải bỏ
Hội đồng Thành phố, để tiệt trừ nạn “quan liêu, cửa quyền và làm
việc giẫm chân nhau”. Trong các bài phát biểu của đảng, các ứng cử
viên đã triển khai các chủ đề này (sic) tùy theo đối tượng nghe. Khi
làm như vậy, họ thường có đề cập thiếu tính chất xây dựng tới các
khuyết điểm được cho là có ở những đảng khác, tới sự thù địch được
cho là có ở các tờ báo tiếng Anh, ở khối dân Anh học, và ở các
doanh nhân “da trắng”. Sự miệt thị các cường quốc phương tây cũng
như chuyện chỉ trích chính phủ Anh hầu như không có tại bất kỳ khu
vực nào…”
“Sự chia rẽ trong số cử tri ôn hòa tất nhiên sẽ làm cho phe đối lập
mất đi nhiều ghế. Tại 13 đơn vị bầu cử, một ứng cử viên PAP đã tái
cử với một số phiếu không lớn… Sau kỳ bầu cử PAP công khai thừa
nhận họ không thành công trong việc giành được phiếu bầu của
người Malay hay khối dân nói tiếng Anh. Người Malay nói chung sợ
PAP là những phần tử cực đoan người Hoa, họ cũng không bị thuyết
phục bởi việc PAP mạnh dạn đưa tiếng Malay thành quốc ngữ cũng
như việc PAP đã đưa ra chín (sic) ứng cử viên người Malay. Trong các
cuộc mít–tinh vận động bầu cử, các nhà lãnh đạo hàng đầu của PAP
đã có mọi nỗ lực để chinh phục các công nhân áo trắng24 nói tiếng
Anh của thành phố này. Tuy nhiên, số còn lại và các vùng ngoại ô thì
bỏ phiếu cho ứng cử viên SPA, hoặc PAP thắng cử là do số phiếu của
cử tri ôn hòa bị chia sẻ giữa SPA và Xã hội Tự do hay ứng cử viên
độc lập…”
“Phần lớn các nghị viên PAP đều còn trẻ, nhiều người còn trong độ
tuổi 20. Tuổi bình quân của Nghị viện là 35, và thành viên trẻ nhất
là một đảng viên PAP, làm nhân viên cửa hiệu, mới 22 tuổi. Ba Bộ
trưởng trước đây, J.M. Jumabhoy, Francis Thomas và M.P.D. Nair đều
đại bại trước các ứng cử viên PAP mới ở độ tuổi 20 này. Thất bại của
Jumabhoy là khó chịu nhất khi đối thủ thắng ông ta là một cô gái
mới 25 tuổi, trợ lý bí thư phân bộ phụ nữ của PAP…”
“Do đó Hội đồng lập pháp mới sẽ dưới sự chi phối của đa số PAP.
Sau đây là những nghề nghiệp của họ.” (Thế rồi Goode đã liệt kê
một danh sách, gồm có 5 giáo viên, 4 ký giả, 8 cán bộ nghiệp đoàn,
2 thợ làm tóc và 1 nông dân, bên cạnh những ngành nghề khác.)
“Một thay đổi khác nữa rất có ý nghĩa là ba Bộ trưởng đầu tiên thiết
lập văn phòng của họ tại Tòa Thị chính.”
Thật ra chúng tôi muốn cắt bỏ quá khứ bằng cách chuyển chỗ của
chính phủ từ Empress Place sang Tòa Thị chính. Đây chính là nơi
Ong Eng Guan khởi nghiệp với vai trò thị trưởng giữa những rối ren
và bất an – nhưng đã tạo cho những người dân thấp cổ bé miệng
của Singapore niềm hy vọng rằng chính phủ PAP sẽ quan tâm tới
các lợi ích của họ và sẽ thực lòng chăm lo những quyền lợi ấy.
Tôi và các đồng nghiệp của tôi đã tuyên thệ nhậm chức vào chiều
ngày thứ Sáu, 5/6/1959, tại đại sảnh của Tòa Thị chính, nơi
Mountbatten đã đầu hàng trước các chỉ huy quân sự Nhật Bản ở
Đông Nam Á năm 1945 – và cũng là nơi, đúng 12 năm sau, thị
trưởng Ong đã vứt bỏ biểu tượng quyền hành của thực dân Anh, cây
kim trượng. Tôi quyết định chồng lên hình ảnh đó bằng dấu ấn của
chính quyền mới. Vào thời đó, thủ tục đòi hỏi các Bộ trưởng phải có
mặt tại Dinh Chính phủ, trước sự đón nhận tuyên thệ của thống đốc
trong lễ phục màu trắng với mũ gắn lông trắng. Lần này, viên thống
đốc sẽ đi từ Dinh Chính phủ tới Tòa Thị chính. Ong không phải mặc
cái gì có tính cách nghi lễ hơn một bộ đồ nâu nhạt và thắt cà vạt.
Chúng tôi mặc áo sơ mi trắng không cài khuy cổ và quần dài trắng.
Tôi đón ông ta từ dưới các bậc tam cấp và đi với ông vào đại sảnh
được bày biện đơn sơ, chỉ có một cái bàn và mấy cái ghế – chẳng có
thời giờ đâu mà bày biện đủ thứ. Ngoài giới báo chí, có 200 ủng hộ
viên đã làm việc chí tình trong kỳ tuyển cử, cũng ăn mặc màu trắng.
Nhưng không có mặt các bà vợ, một điều mà Choo cứ ca cẩm với tôi
cho tới nay. Cô ấy cũng đã hoạt động rất hết lòng và những mong sẽ
được có mặt vào giờ phút đó. Tôi nói chuyện đó sẽ dẫn đến rắc rối
với phu nhân của những người khác, và dẫu sao đó cũng chỉ là một
nghi thức nhỏ thôi. Cô ấy vẫn không nguôi giận. Nhưng tôi cũng
không thể nhượng bộ.
Sau khi đón nhận lời tuyên thệ của chúng tôi, Goode, với tư cách
thứ nhất là Yang di–Peruan Negara (quốc trưởng) và kế nữa là
thống đốc của Singapore, đã có lời chúc mừng chúng tôi. Tôi đã đáp
tạ rằng: “Thật may mắn cho chúng tôi là trong vài ngày mới đây
chúng tôi đã có dịp làm việc với một số người thấu hiểu cho các hy
vọng và ước nguyện của nhân dân chúng tôi và những giới hạn
trong tình hình của chúng tôi… Tôi hy vọng trong sáu tháng tới trong
nhiệm kỳ của ông, ông sẽ trợ giúp chúng tôi thi hành nhiệm vụ lãnh
đạo đất nước Singapore thật hiệu quả, trôi chảy và êm đẹp.”
Sau lễ tuyên thệ, chúng tôi ai nấy đều nhiệt tình bắt tay vào cuộc,
chú tâm với công việc của mình và cố gắng tạo uy tín cho chúng tôi
càng nhiều càng tốt trước khi niềm phấn khích bị nguội đi. Bằng
kinh nghiệm của mình, tôi biết rằng lòng nhiệt thành không thôi vẫn
không đủ. Muốn cho các Bộ trưởng cống hiến tốt nhất, họ phải có
những văn phòng được điều hòa không khí. Điều này nghe ra có vẻ
kỳ cục, nhưng nếu không có văn phòng có điều hòa không khí, sẽ
khó có thể đạt được hiệu quả trong công việc tại đất nước Singapore
nhiệt đới này. Sau năm đầu của tôi ở Laycock & Ong, tôi được đưa
vào làm việc tại văn phòng chính. Nóng, ẩm ướt và ồn ào không
chịu nổi, nhất là vào buổi chiều. Tôi cứ phờ cả người đi, các thư ký
chỉ làm còn bằng phân nửa năng suất bình thường, nhân viên đánh
máy cứ đánh sai tới sai lui còn các luật sư lại sai thêm khi sửa lỗi
chính tả các văn bản ấy cũng như khi đọc cho họ đánh máy. Ở tòa
đại hình, sự việc còn tệ hại hơn nữa, bởi chúng tôi phải mặc áo
thụng cổ cao, rồi gi-lê nữa – một kiểu quần áo vốn được thiết kế cho
mùa đông London giá buốt. Bước ngoặt trong đời tôi về mặt tiện
nghi và hiệu quả là vào năm 1954, lúc Choo và tôi cho gắn một máy
lạnh một ngựa trong phòng ngủ. Từ đó về sau, chúng tôi chưa bao
giờ bị mất ngủ vì cái nóng oi người. Do vậy, tôi khuyến khích việc
gắn máy lạnh cho tất cả các văn phòng của cơ quan nhà nước.
Tôi chiếm văn phòng thị trưởng trên lầu hai, dùng chung với Chin
Chye, phó Thủ tướng, một văn phòng chung, một phòng tiếp tân và
một phòng họp; để tiện việc liên lạc, thư ký của tôi sẽ ở phòng giữa
các phòng của hai chúng tôi. Nhưng Ong Eng Guan không làm việc
chung ở Tòa Thị chính với chúng tôi; ông chọn một căn nhà do nhà
nước quản lý nằm trong đơn vị bầu cử Hong Lim của ông và lấy đó
làm văn phòng của Bộ Phát triển Quốc gia. Tôi không xét kỹ lý do tại
sao nên đã đồng ý việc đó. Tôi đã không biết rằng tòa nhà đó hoàn
toàn không thích hợp để làm một cơ quan chính phủ; nó cần phải
được tu sửa toàn diện; phải đập bỏ tường, phải đi lại đường ống
nước và đường dây điện, rồi bàn ghế, tủ đựng hồ sơ và tủ sắt đều
phải được khiêng lên qua những cầu thang nhỏ hẹp. Nhưng đối với
Ong thì những chuyện này là không đáng kể, là những tiểu tiết
hành chính bị ông phớt lờ khi mưu cầu một trung tâm quyền lực
riêng cho mình. Ông ta không muốn chia sẻ vinh quang trong Tòa
Thị chính cùng với tôi và Chin Chye. Chỉ mấy tháng sau, tôi nhận ra
là chứng hoang tưởng tự đại của ông ta vẫn còn nguyên đó. Ông ta
muốn trội hơn những người khác trong nội các, muốn cho mình
trước mắt công chúng cũng còn nguyên vẻ hào quang như thời làm
thị trưởng. Chính vì vậy, ông ta công bố những kế hoạch chi tiêu rất
lớn mà không thông qua trước với Bộ trưởng tài chính hay nội các gì
cả, và gây nhiều sửng sốt cho các Bộ trưởng khác.
Keng Swee thì đảm nhiệm Bộ tài chính và đã đến Tòa nhà
Fullerton. Ông đã quen thuộc với công việc dân chính, nên đã nhanh
chóng bắt tay vào việc. Tài chính là bộ quan trọng nhất của chúng
tôi, và tôi cho phép ông ta được tuyển chọn người theo ý ông. Về
thư ký thường trực, ông chọn Hon Sui Sen, bạn thân của tôi hồi thời
Nhật chiếm đóng, lúc đó đang làm thanh tra điền địa. Ông là một
người rất đáng tin cậy.
Thật may là chúng tôi đã có thể quy tụ được những con người như
Sui Sen. Chúng tôi có quá nhiều việc phải làm, lại có quá ít thời gian
và các nguồn lực lại nhỏ bé. Có quá ít thời gian bởi tôi mong mỏi
nhiều lắm là có được một năm cơm lành canh ngọt, trước khi phe
cộng sản tổ chức lại và gây rắc rối cho chúng tôi. Còn các nguồn lực
nhỏ bé vì ngân sách rất eo hẹp.
☆
☆☆
Trong có mấy ngày, Keng Swee đã báo cáo rằng chính quyền cũ
lậm chi vào quỹ dự trữ và đã dùng hết 200 triệu. Ông dự kiến năm
ngân sách 1959 sẽ bị thâm thủng khoảng 14 triệu. Có thể có những
khoản tiết kiệm nhỏ, nhưng cũng không thể hơn 5 triệu. Do đó các
Bộ trưởng được lưu ý tuyệt đối đừng mơ tới chuyện tài trợ cho các
dự án phát triển ngoài những dự án đã được duyệt, và thậm chí cả
những dự án đó cũng sẽ bị cắt xén thẳng tay. Những bước cần thiết
nhằm cân đối ngân sách tất sẽ không được lòng công chúng lẫn các
Bộ trưởng, nhưng điều đó buộc phải vậy nếu như chúng tôi không
muốn kết thúc năm đầu của chính phủ trong nợ nần.
Tôi đồng ý và nói với ông ta rằng tốt nhất nên tiến hành các biện
pháp đó ngay từ đầu nhiệm kỳ. Vào ngày 12/6, báo chí đăng tải
rằng Bộ Tài chính đã ra lệnh sẽ không có những khoản chi ngoài kế
hoạch nếu như không có sự đồng ý của Bộ trưởng tài chính. Như
vậy, trong số những khoản bị ảnh hưởng sẽ là những đóng góp từ
thiện của chính phủ, tiền ứng cho công chức để họ mua xe và các
khoản học bổng dành cho học sinh, học bổng nghiên cứu và đài thọ
du học. Nhưng điều đó cũng chẳng đạt hiệu quả gì nhiều. Keng
Swee đề nghị cắt giảm lương Bộ trưởng của chúng tôi từ 2.600 đôla
xuống còn 2.000 đôla một tháng để làm gương, và cũng đồng thời
cắt giảm luôn các loại phụ cấp của công chức. Một lần nữa tôi đồng
ý với ông ta. Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban về những
vấn đề chung thuộc Liên hội đồng dân chính, nhưng phía nhân viên
cơ quan lại không đồng tình bởi họ chưa được các nghiệp đoàn trao
quyền quyết định. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này trong nội các
và quyết định xúc tiến việc này bằng bất cứ giá nào. Chính phủ đã
tuyên bố sẽ cắt giảm trợ cấp kể từ ngày 1/7, nhưng vẫn tiếp nhận
các ý kiến của các nghiệp đoàn công nhân viên và các hiệp hội.
Việc cắt giảm đó rất đáng kể nhưng không gây tai hại, và cũng chỉ
ảnh hưởng đến 6.000 trong số 14.000 công chức. Tất cả những
nhân viên có mức lương từ 220 đôla trở lên sẽ bị mất các khoản phụ
cấp, nhưng chỉ có 10% trong số đó chịu những khoản cắt giảm trên
250 đôla một tháng, và chỉ có một ít người là bị cắt đến mức tối đa là
400 đôla. Khoảng 8.000 nhân viên có mức lương thấp hơn mức nói
trên sẽ không bị cắt giảm gì cả. Chúng tôi đã phải hành động lẹ làng
nếu như chúng tôi muốn xác lập tinh thần tiết kiệm và kỷ cương tài
chính ngay từ đầu. Đã có những thất vọng lớn, nhất là từ các viên
chức thâm niên. Những người Anh học tin rằng chúng tôi đề ra
những giải pháp như vậy là để trừng phạt họ vì đã bỏ phiếu chống
lại chúng tôi. Điều đó chẳng phải động cơ của chúng tôi. Chúng tôi
muốn cho mọi người dân ở Singapore, nhất là khối đa số gồm những
người Hán học, hiểu rằng vì lợi ích chung, những người Anh học sẵn
sàng hy sinh, dẫn đầu là các Bộ trưởng. Tôi nghĩ họ hy sinh như vậy
chẳng phải vô lý, bởi điều đó sẽ giúp chúng tôi làm cho mọi người
hiểu rằng trong kỷ nguyên mới này, tất cả chúng ta sẽ cùng chia sẻ
gian nan và cùng hưởng vui sướng như nhau.
Còn có một lý do khác nữa trong chuyện cắt giảm. Kể từ năm
1952, tôi nhân danh các nghiệp đoàn, còn Keng Swee và Kenny
nhân danh giới công chức, đã thành công trong việc buộc chính phủ
phải trả lương và phụ cấp cao hơn mà chẳng hề để ý gì đến tình
hình kinh tế. Nếu các nghiệp đoàn cứ tiếp tục theo đà này, chúng tôi
sẽ bị khó khăn. Không có cách nào hay hơn cách này để báo hiệu
rằng những ngày ấy đã qua. Mức tiết kiệm hàng năm sẽ là 12 triệu
đôla. Keng Swee đã cải chính con số ước đoán của giới báo chí là từ
20 đến 25 triệu đôla, và nhắc cho họ nhớ rằng sáu tháng còn lại của
năm 1959 sẽ chỉ tiết kiệm được 6 triệu thôi, giúp giảm mức thâm
hụt dự kiến từ 14 triệu xuống còn 8 triệu.
Mấy ngày sau, Ong tuyên bố đình chỉ tất cả các vụ bổ nhiệm mới,
điều đó có nghĩa rằng sẽ không tuyển người cho những chức việc
còn trống nếu không có sự chấp thuận của Bộ trưởng.
Các nghiệp đoàn công chức lập tức ra tay. Họ tổ chức Hội đồng
hành động chung để đối đầu với chúng tôi, cũng y như chúng tôi đã
đối đầu với chính phủ thực dân Anh, và đấu tranh để phục hồi tất cả
các khoản trợ cấp. Nhưng chúng tôi chẳng phải là chính phủ của
thực dân; ít ra lúc đó chúng tôi cũng đang có được sự ủng hộ của
khối đa số là những người nói tiếng Hoa, và hội đồng đã chẳng thể
nào ra tay được gì cả. Tuy nhiên tôi vẫn thấy bực tức trước hành
động của họ. Điều đó cho thấy họ chẳng hiểu gì về những thử thách
nghiêm trọng đang đặt ra cho chúng tôi, và chẳng biết rằng chúng
tôi còn phải ngăn chặn không để cho phe quá khích khai thác những
bất mãn của khối người Hoa, vốn là những người giờ đây có tiếng
nói quyết định qua lá phiếu của họ. Một số viên chức cao cấp phải
cho những người hầu gái nghỉ việc – thật quá tệ, nhưng đất nước
đang đứng trước những khó khăn to lớn và những nỗi hiểm nghèo,
và chúng tôi phải thuyết phục mọi người rằng chính phủ này sẽ cai
trị vì lợi ích của tất cả mọi người. Chỉ có như vậy chúng tôi mới có
thể xây dựng được ý thức công dân Malaya của người Hoa, và làm
cho họ thêm phần gắn bó và trung thành với đất nước mà họ đã
chọn; và đó là điều quan trọng hơn hết vì họ phải thay đổi thái độ
của mình trước khi các nhà lãnh đạo ở Kuala Lumpur đồng ý hợp
nhất và cho phép Singapore được độc lập với tư cách là một phần
của Malaya.
Trong lần phát biểu đầu tiên tại Quốc hội vào ngày 22/7 với tư
cách Thủ tướng, tôi đã lên tiếng cảnh báo: “Nếu chính phủ PAP thất
bại, nó sẽ không lui về thành phe đối lập để chờ ngày nắm lại chính
quyền. Họ sẽ bỏ chạy để giữ lấy thần. Bởi đằng sau chúng tôi không
còn có lực lượng nào khác được chuẩn bị để xây dựng chế độ dân
chủ. Xét cho cùng, nếu chúng tôi thất bại, thế lực tàn bạo sẽ quay
trở lại.” Tôi đã nói rằng do vậy chúng tôi cần những công chức hợp
tác với chúng tôi để thực hiện những điều đã hứa với dân chúng.
“Tại sao chúng tôi lại muốn làm tổn thương những người phải làm
việc với chúng tôi? Dưới chế độ dân chủ, phải có lực lượng dân chính
làm theo mệnh lệnh của đảng đã được dân chúng tín nhiệm… Nếu
như chẳng có tai họa nào lớn hơn chuyện bị mất các khoản phụ
cấp… các công chức nhà nước có lẽ nên quỳ xuống mà tạ ơn trời
rằng linh hồn của họ đã được cứu rỗi.”
Do di sản quá khứ, những người Anh học đã đóng một vai trò quan
trọng, nên tôi nói thêm: “Họ có thể giúp chúng ta thu hẹp khoảng
cách giữa quá khứ thực dân và tương lai bình đẳng.” Nếu chúng ta
không thể xóa đi sự cách biệt giữa những người nói tiếng Hoa và
tầng lớp ưu tú nói tiếng Anh, kết quả thật tai hại vô cùng. Bởi nếu
những người Hán học cầm quyền, những người Anh học sẽ thình
lình trở nên những kẻ bị tước đoạt mới dưới một chính quyền tất sẽ
được điều hành bằng tiếng Hoa.
Thỉnh thoảng tôi vẫn tiếp tục gay gắt với những người Anh học và
hối thúc họ thay đổi cho phù hợp với tương lai. Chúng tôi – Keng
Swee, Chin Chye, Kenny, Raja và tôi – đều là những người Anh học
và là lãnh đạo của họ. Chúng tôi không muốn họ trở thành một lớp
người bị tuyệt chủng; chúng ta phải cùng nhau cưu mang ít nhất
một nửa số người nói tiếng Hoa đi theo với mình nếu như họ chưa
vứt bỏ chúng tôi. Nhưng những người Anh học lại quá thờ ơ với
chuyện chính trị đến độ họ chẳng hiểu rằng họ đang gặp nguy hiểm.
Mặc dù các cắt giảm đã được bãi bỏ vào năm 1961, nhưng những
công chức bị ảnh hưởng cũng vẫn còn bất mãn trong cả một thời
gian dài, và nếu như chẳng có những biến động lớn sau đó ập lên
đầu chúng tôi, có lẽ họ đã bỏ phiếu nhất trí chống lại PAP trong kỳ
tuyển cử năm 1963. Phải nói rằng chính sự đe dọa của phái quá
khích vào lúc đó quá rõ rệt đến độ họ không thể làm gì khác ngoài
việc ủng hộ chúng tôi.
Vào cuối năm chúng tôi đã có thể cân đối được ngân sách, và mức
thu không còn bị giảm sút như Keng Swee đã lo sợ. Nếu phải tuyên
bố lại lần nữa, tôi cũng vẫn sẽ đồng ý với chuyện cắt giảm, nhưng
chỉ còn chừng một phần ba so với trước đây. Chừng đó cũng đủ để
thuyết phục khối người nói tiếng Hoa, và mặc dù các công chức Anh
học tất cũng sẽ còn bất mãn, nhưng họ sẽ không còn bị sốc nữa.
Tuy nhiên, giai đoạn này đã cho thấy sự thiếu hiểu biết của họ về
chính trị và nhu cầu phải định hướng lại cho họ, làm cho họ ý thức
hơn về những nguy hiểm và nỗi khó khăn trước mắt. Điều đó xác
nhận quyết định mà Keng Swee, Kenny và tôi đã có trước khi cầm
quyền, là phải lập một trung tâm chính trị để dạy cho các công chức
cao cấp về mối đe dọa lật đổ cùng các vấn nạn về kinh tế và xã hội
của xứ sở. Thế nhưng, để thành công, chúng tôi phải chiếm được
lòng tin của họ và thuyết phục được họ rằng đây chẳng phải là
chuyện tẩy não.
Chúng tôi chọn George Thomson điều hành trung tâm. Thomson
đang ở độ tuổi 40. Ông là một người rất có lòng, hiểu biết nhiều và
là một diễn giả thành thực với giọng nói nặng âm sắc của người
Scotland. Ông giảng dạy về lịch sử và dạy rất hay bởi ông rất tận
tâm với những gì ông giảng dạy. Ông hiểu chúng tôi muốn gì và
chẳng lâu sau đã đảm nhiệm vai trò của mình thật hoàn hảo. Ông
đã chọn Gerald de Cruz, một cựu thành viên của MCP bất đồng với
đường lối của họ. Ông ta đã xoay ra làm thư ký có lương của Mặt
trận Lao động, làm việc cho Marshall và rồi cho Lim Yew Hock.
Với tư cách là Bộ trưởng Tài chính kiêm phụ trách nhân sự, Keng
Swee lấy một tòa nhà lớn một tầng của chính quyền thực dân cũ
làm trung tâm nghiên cứu. Tôi đứng ra khai mạc trung tâm vào
ngày 15/8. Tôi tuyên bố mục tiêu của trung tâm là “không chỉ để
kích thích trí não của các bạn mà còn để thông tin cho các bạn về
những vấn đề bức xúc đang đặt ra cho bất kỳ chính phủ dân cử nào
trong hoàn cảnh cách mạng… Một khi các bạn tiếp cận được những
vấn đề như vậy, các bạn sẽ có thể giúp đỡ chúng tôi hơn trong việc
tìm ra những giải pháp, bằng cách làm cho chính phủ trở nên nhạy
cảm hơn và đáp ứng tốt hơn những nhu cầu và tâm trạng của công
chúng.”
Một số Bộ trưởng và tôi đã đến trung tâm để tạo cho trung tâm
một lối tiếp cận thực tiễn, bằng cách thảo luận về những tình huống
thực tế mà chúng tôi hiện đang phải đối phó. Thoạt đầu, các công
chức tỏ vẻ nghi ngờ, nhưng các giảng viên rõ ràng chẳng phải là
những người suy nghĩ một chiều, và họ nhanh chóng mất đi nỗi nghi
ngờ ban đầu rằng đây chỉ là một trò nhồi sọ tẩy não. Vì các giảng
viên có cùng một nền tư duy như họ, cho nên họ chấp nhận rằng
chính phủ quả là thành thực, rằng các vấn nạn là có thực và có vẻ
như nan giải, và rằng chúng tôi muốn họ cộng tác với chúng tôi để
tìm ra và thực thi các giải pháp. Trong bốn năm năm kế đó, Thomas
đã thành công trong việc giúp họ hiểu được các lý thuyết chính trị,
các giải pháp dân chủ đối với những mâu thuẫn xã hội và phương
pháp chiến tranh du kích. Họ trở nên hiểu biết về những gì đang xảy
ra trong một thế giới rộng lớn hơn, các nguyên nhân của cuộc cách
mạng tại Đông Nam Á, và nhu cầu cần phải có sự thay đổi triệt để
về quan điểm và đường lối nhằm đối phó được với những thách đố
mới. Nhưng về lâu về dài thì mối quan hệ giữa chúng tôi với họ cũng
vẫn chưa hẳn là thuận thảo.
Một vấn đề tôi cũng dự liệu trước là chuyện trở nên quen lờn với
quyền hành Tôi đã chứng kiến những gì xảy ra với Ong Eng Guan tại
Hội đồng thành phố, chuyện những kẻ thất thế đã sử dụng quyền
lực lầm lạc ra sao một khi họ thắng thế. Tôi cảnh giác các Bộ trưởng
của mình, các thư ký quốc hội cùng các nghị viên được phân công
để giúp các Bộ trưởng xử lý các khiếu nại của dân chúng là chớ quá
say mê quyền lực và không được lạm dụng nó. Nói thì dễ hơn làm,
và trong nhiều trường hợp, chúng tôi cũng vẫn cứ xung khắc với các
công chức nhà nước.
Chúng tôi quyết định tận dụng cơ hội và khai thác sự ủng hộ mạnh
mẽ của dân chúng sau khi thắng cử. Chúng tôi tổ chức hàng loạt
chiến dịch được tuyên truyền rầm rộ để làm sạch đường phố, dọn
dẹp các bãi rác, và phát cỏ dại ở những chỗ đất trống nhếch nhác.
Đó là một bản sao y khuôn cách làm của các nước cộng sản – vận
động rầm rộ mọi người, kể cả các Bộ trưởng, lao động bằng đôi tay
của mình để phục vụ nhân dân. Chúng tôi thấy chẳng có lý do gì chỉ
có riêng MCP mới sử dụng được những phương pháp và động cơ ấy
để động viên mọi người, thúc đẩy họ đạt đến những mức cao hơn về
ý thức công dân, sự sạch đẹp chung và sự giữ gìn tài sản công. Vào
Chủ nhật nào đó thì Ong Eng Guan tập trung công chức để làm vệ
sinh bãi biển Changi. Vào Chủ nhật khác thì tôi cầm cây chổi đi quét
đường cùng với các lãnh đạo của cộng đồng địa phương.
Còn những chuyện khác nữa chúng tôi cũng muốn làm. Keng
Swee và tôi đã phác họa và thành lập Hiệp hội Nhân dân, một mặt
trận hợp pháp bao gồm tất cả các tổ chức xã hội tự nguyện lớn, các
câu lạc bộ và các hội thể thao, âm nhạc, múa, vẽ và nấu ăn. Chúng
tôi đã xây dựng được hơn một trăm trung tâm sinh hoạt – những
trung tâm lớn ở thành phố, những cái nhỏ hơn ở nông thôn – dùng
làm nơi giáo dục và giải trí. Bóng bàn, bóng rổ, cầu lông, cờ tướng,
học sửa radio, tủ lạnh, cùng một số lớp dạy về các nghề kỹ thuật là
một số hoạt động của các trung tâm ấy. Chúng tôi còn muốn tạo cho
công chúng chuyện gì đó tích cực để làm, và tập cho họ đứng về
phía pháp luật và trật tự. Mỗi trung tâm sẽ có một thư ký tổ chức để
quản lý trung tâm và phục vụ cho nhu cầu của những người sống
quanh vùng. Để giám sát các trung tâm, Bộ Phúc lợi Xã hội sẽ được
đổi thành Bộ Phát triển Cộng đồng.
Chúng tôi đã tổ chức Lữ đoàn Công chính thu dụng những thanh
niên nam nữ thất nghiệp, khoác cho họ bộ đồng phục bán quân sự,
gom họ về sống trong các lán trại gỗ và dạy cho họ canh tác, làm
cầu đường, xây dựng – nói chung là đưa họ vào kỷ luật và quan
trọng nhất là làm cho họ khỏi nhởn nhơ vô tích sự trên phố.
Chúng tôi cũng phải tạo kỷ luật cho những người đã có công ăn
việc làm, bởi chúng tôi rất cần phải thu hút và kiểm soát được các
nghiệp đoàn để ngăn họ đừng bị cuốn vào những cuộc đình công
chính trị. Do đó, chúng tôi đã thiết lập tòa án trọng tài kinh tế. Trong
thập niên 1950, người Úc sở dĩ đã có những quan hệ chủ thợ tốt đẹp
phần lớn là nhờ có những thủ tục trọng tài có tính cách bắt buộc
giúp kiềm chế được các bất mãn. Theo yêu cầu của chúng tôi, họ đã
cử viên thư ký thường trực của Bộ Lao động là Harry Bland sang
giúp chúng tôi. Sau khi tòa được thành lập, Bộ trưởng có thể ra lệnh
cho bất kỳ cuộc đình công lớn nào, nhất là trong những ngành dịch
vụ quan trọng như giao thông công cộng và điện nước, cũng phải
đưa ra trọng tài phân xử. Một khi đã đưa ra trọng tài, việc một
nghiệp đoàn cứ tiếp tục bãi công chờ kết quả là bất hợp pháp, và
nếu nghiệp đoàn đó cứ khăng khăng, họ sẽ bị rút giấy phép hoạt
động. Thêm nữa, trước khi đình công, phải có một cuộc đầu phiếu
kín, chứ không chỉ là giơ tay biểu quyết sau một bài diễn văn xách
động mà tôi vẫn thường thấy.
Mặt khác, chúng tôi cũng chia sẻ quan điểm của những người cộng
sản là một trong những lý do khiến Trung Quốc cùng những nước
châu Á khác, ngoại trừ Nhật Bản, rơi vào lạc hậu là do phụ nữ chưa
được giải phóng. Họ phải được đặt lên ngang hàng với nam giới,
được hưởng sự giáo dục và có cơ hội đóng góp hết sức cho xã hội.
Trong mùa vận động bầu cử, chúng tôi đã sử dụng một trong những
buổi phát thanh chính trị dành cho chúng tôi nói bằng bốn thứ tiếng
– Anh, Malay, Quan thoại và Tamil – để tuyên truyền cho chủ trương
của chúng tôi về quyền lợi của phụ nữ. Thế nhưng chúng tôi lại
chẳng tìm đâu ra một thành viên nữ của PAP ăn nói lưu loát để đảm
trách chương trình bằng tiếng Anh. Sau khi Choo đã thử qua giọng
của hai bà vợ của hai ứng cử viên thuộc Văn phòng Lee & Lee’s, cô
bước vào văn phòng của tôi, nơi tôi đang thảo luận với Keng Swee
và Raja, nói rằng hai người đó nói nhỏ nhẹ quá, không đủ mạnh mẽ.
Lúc cô đi ra, hai người bạn của tôi đã đề nghị là nên giao cho cô. Tôi
đã hỏi ý cô, và sau một phút ngập ngừng, cô đã đồng ý. Raja viết
thảo, và cô sửa lại cho giống như là do cô viết. Bài phát biểu đã
được ủy ban chấp hành trung ương thông qua và được dịch sang các
thứ tiếng khác, và cô đã đọc nó bằng tiếng Anh trên đài phát thanh
Radio Malaya. Có một đoạn thật là quan trọng:
"Xã hội của chúng ta vẫn đang được xây dựng trên giả định rằng
phụ nữ là thấp kém hơn nam giới về mặt chính trị, xã hội và kinh tế.
Huyền thoại này là chiêu bài che chắn cho sự bóc lột lao động phụ
nữ. Nhiều phụ nữ cũng làm công việc y như nam giới nhưng lại
không được trả đồng mức lương… Chúng tôi đang đưa ra năm ứng
cử viên nữ trong bầu cử kỳ này… Hãy để chúng ta cho họ (những
đảng khác) thấy rằng phụ nữ Singapore đã mệt mỏi trước trò hề và
sự lố bịch của họ. Tôi kêu gọi nữ giới hãy bỏ phiếu cho PAP. Đây là
đảng duy nhất có lý tưởng, lòng thành thực và khả năng để thực thi
cương lĩnh bầu cử của mình.”
Đây là một cam kết rất trọng đại, nếu không tôi đã không đồng ý
để cho vợ tôi phát biểu như vậy trên đài phát thanh. Tôi muốn thực
hiện nó thật sớm, mặc dù điều đó có nghĩa là phải hối thúc nhân
viên dự thảo bên các phòng ban của Bộ Tư pháp. Họ đã lục tìm các
tiền lệ lập pháp tại những nước khác, soạn thành Hiến chương Phụ
nữ, và được chúng tôi thông qua thành luật trong vòng một năm.
Hiến chương coi chế độ một vợ một chồng là điều kiện hôn nhân duy
nhất và coi chế độ đa thê, vốn là cung cách phổ biến từ trước tới
nay, là một tội phạm – ngoại trừ đối với những người Hồi giáo, bởi
tôn giáo của họ vốn cho phép đàn ông có bốn vợ. Hiến chương rất
bao quát và đã làm thay đổi địa vị của phụ nữ trong xã hội. Nhưng
nó chưa thay đổi nổi được định kiến văn hóa là cha mẹ thích con trai
hơn con gái.
Cộng thêm vào đó còn có nhiều điều đạt được dễ dàng không cần
phải hoạch định gì cả như hàng loạt vụ nghiêm cấm “chống văn hóa
vàng” do Pang Boon, Bộ trưởng Nội vụ, tiến hành. “Văn hóa vàng” là
một cách nói nôm na trong tiếng Quan thoại để chỉ cung cách sống
suy đồi và bạc nhược đã khiến cho Trung Quốc phải quỳ mọp vào
thế kỷ 19: cờ bạc, hút thuốc phiện, sách báo khiêu dâm, đa thê và
vợ bé vợ mọn, bán con gái vào nhà chứa, tham nhũng và thói “một
người làm quan cả họ được nhờ”. Việc bài xích “văn hóa vàng” vốn
do các thầy giáo gốc Trung Quốc du nhập vào Singapore, họ đã tiêm
vào đầu óc của học sinh cùng cha mẹ của chúng tinh thần phục
hưng dân tộc, thể hiện rõ ràng qua mỗi chương sách giáo khoa, cho
dù đó là giáo khoa văn chương, lịch sử hay địa lý. Điều đó còn được
củng cố thêm qua các bài báo của báo chí tiếng Hoa cánh tả vốn
đang say mê trước những báo cáo về một nước Trung Quốc cách
mạng, trong sạch, trung thực và năng động.
Pang Boon đã ra tay lẹ làng với một tinh thần thanh sạch sốt sắng.
Ông đã ra lệnh triệt sạch các băng nhóm hội kín người Hoa, và coi
chuyện mãi dâm, những màn trình diễn thoát y, các câu lạc bộ chơi
máy bật bóng, cả những bài hát đồi trụy đều là bất hợp pháp. Điều
đó chẳng làm tăng số thất nghiệp và cũng chẳng làm cho Singapore
trở nên kém hấp dẫn hơn đối với du khách. Thế nhưng thủy thủ vốn
là một phần của số dân tạm trú của Singapore, chẳng lâu sau họ
cũng mò tìm được những chốn mua vui nằm nấp trong các xó xỉnh
mà chúng tôi đã lờ đi. Nạn mãi dâm vẫn tiếp diễn trong bí mật;
nhưng chúng tôi đã gác tạm nó sang một bên bởi không thể cấm
triệt nó mà không phạm phải những hành vi ngu xuẩn và kém hiệu
quả.
Chương trình có ý nghĩa nhất của chúng tôi là trong vòng một năm
đã giúp cho mọi trẻ em đều có nơi chốn học hành. Ông anh vợ của
tôi, Yong Nyuk Lin, giờ là Bộ trưởng Giáo dục đã khiến chúng tôi lấy
làm hãnh diện: trong vòng 12 tháng, ông đã khiến cho số học sinh
được đi học tăng lên gấp đôi, bằng cách chuyển mỗi trường thành
hai ca học. Ông xúc tiến một chương trình tăng cường đào tạo giáo
viên, và đề bạt nhiều giáo viên kỳ cựu lên làm hiệu trưởng. Ông
cũng mở ra những lớp dành cho người lớn để dạy tiếng Malay vốn
giờ đây đã trở thành quốc ngữ, và phát động phong trào dạy cho
người Hoa biết đọc biết viết, lấy tiếng Quan thoại làm thứ tiếng phổ
biến trong số các nhóm phương ngữ Hoa. Dân chúng muốn cảm
thấy họ đang cải thiện chính mình và tương lai của mình, và chúng
tôi đã trao cho họ phương tiện. Chúng tôi vận dụng các phương
pháp rất hữu hiệu vốn là của các đảng cộng sản. Cũng như trong
chuyện vận động quần chúng, chúng tôi cùng thấy chẳng có lý do gì
mà MCP mới được quyền sử dụng những kỹ thuật như vậy.
20
LƯỢC QUA NHỮNG KHÓ KHĂN TRƯỚC MẮT
Tôi cảm thấy băn khoăn khi cầm quyền ở vào độ tuổi 35. Tôi
không có kinh nghiệm gì về quản lý – ngay cả việc quản lý văn
phòng tư vấn pháp luật tôi cũng đã giao khoán cho Choo và Dennis.
Tôi quyết định phải đích thân tìm hiểu cơ cấu chính quyền và phải
thông suốt về các Bộ. Tôi muốn nắm được cảm nghĩ của các nhân
viên cấp cao, bản chất công việc của họ, quan điểm và cung cách
làm việc, để có thể biết được nên thay đổi đến độ nào nếu muốn giải
quyết các vấn nạn về chính trị, kinh tế và xã hội. Tôi cũng muốn
đánh giá tài lực của từng Bộ và sắp xếp lại những tài lực đó để tăng
cường sức mạnh cho những Bộ quan trọng nhất.
Trước hết tôi đến Bộ Tài chính, vì rằng không có nguồn tài chính
thì không thể làm được chuyện gì hết, thế rồi tôi viếng Bộ Nội vụ.
Chúng tôi cần có nguồn tình báo tốt về những phần tử quá khích,
cần phải nhạy cảm và hiệu quả trong việc đối đầu với họ, và nếu có
thể được, phải chặn trước mọi nước cờ của họ. Tôi cũng muốn biết
liệu chúng tôi đang có được những người đương chức có năng lực
hay không, những con người có thể giúp chúng tôi thu được tin tức,
phân tích, suy nghĩ, hoạch định, vốn là những điều cần thiết cho
việc vạch ra một chiến lược phản công để cản phá họ. Và ở đường
phố, tôi muốn cảnh sát phải có kỷ luật, nhưng cũng kiên quyết, dứt
khoát và cứng rắn một khi chúng tôi quyết định dẹp bỏ một vụ biểu
tình hay một cuộc bạo loạn vừa mới chớm mầm. Tôi cũng quyết định
rằng họ không được hành động theo kiểu kém cỏi, vụng về như dưới
thời Lim Yew Hock, thời mà họ được huấn luyện để thực hiện một
chức năng chẳng có gì hay ho và đã để cho những người cộng sản
có cớ lôi kéo được khối dân nói tiếng Hoa.
Tôi đã kinh lý Bộ Nội vụ vào tháng 10, bốn tháng sau khi nhiệm
chức, và đã phát biểu trước các sỹ quan cao cấp của ngành cảnh sát
nhằm động viên tinh thần của họ. Tôi nói với họ rằng tôi nghĩ sẽ có
chuyện rối loạn trong khoảng một năm nữa. Tôi muốn họ phải
chuẩn bị thật tốt để đối phó. Giám đốc cảnh sát Alan Blades là một
người dong dỏng cao, ít nói, có chòm râu dê bạc và đeo kính. Ông là
cựu giám đốc của Sở Đặc vụ, ít khi làm công việc của một sỹ quan
cảnh phục, nhưng ông hiểu rất rõ mối nguy từ phía đảng cộng sản,
và có lẽ đã nghĩ rằng tôi quá gần với họ vì lợi ích riêng – một quan
điểm mà nhiều sỹ quan cấp cao của ông cũng nghĩ vậy. Tôi không
biết phải mất bao lâu ông ta mới có thể kết luận được rằng tôi biết
chuyện tôi làm và rằng tôi đã hết sức nghiêm túc khi nói rằng chúng
ta phải chống lại họ mà không được để mất lòng khối dân nói tiếng
Hoa.
Từ tổng nha cảnh sát ở Pearl’s Hill, tôi đến Phòng điều tra hình sự,
và rồi đến Sở đặc vụ để gặp viên giám đốc mới là John Linsell. Linsell
đã làm việc gần như cả đời trong vai trò một sỹ quan cảnh phục, và
rành rẽ trong việc kiểm soát bạo loạn nhiều hơn là thu thập tin tình
báo. Ông không gây cho tôi được ấn tượng là có đầu óc tinh tế cần
thiết để hiểu được chiến lược và chiến thuật của người cộng sản. Do
đó, tôi quyết định sẽ họp với ông cùng với các nhân viên cao cấp
của ông đều đặn hằng tuần để tôi có thể nghe trực tiếp từ các sỹ
quan vốn là những chuyên gia về an ninh mà không phải qua sự lọc
lựa của Linsell. Điều này quả thực có lợi. Hai sỹ quan là Richard
Corridon và Ahmad Khan sau này tỏ ra là những nhân viên cực kỳ
xuất sắc; không có những phân tích thông tin khôn ngoan và am
hiểu của họ và cách xử trí đầy kinh nghiệm trước những tình huống
nhạy cảm, chính phủ hẳn đã phải gặp nhiều điều tệ hại.
Chuyến kinh lý Sở đặc vụ của tôi thật đáng giá. Vào một ngày khó
có thể nào quên trong tháng 10, tôi được trình một chồng hồ sơ với
bìa ngoài in hàng chữ đậm màu đỏ: "Gặp là Bắt". Số hồ sơ đó lưu
những hình chụp các nhà lãnh đạo quan trọng của MCP, mỗi hồ sơ
đều có ghi ngắn gọn các chi tiết cốt yếu liên quan đến nhân vật đó.
Đúng như tôi nghĩ, trong số đó có hình của Eu Chooi Yip. Eu là một
con người rất có năng lực, thông thạo hai thứ tiếng Anh và Hoa, tốt
nghiệp đại học Raffles, một người đồng thời với Hon Sui Sen – ông
này có đến thăm Sui Sen tại nhà tôi trong thời Nhật tạm chiếm. Lúc
ấy ông là một nhân vật cánh tả thuộc loại cấp tiến, và về sau tôi
cũng được biết ông là cấp lãnh đạo trong đảng của ông Đặc mệnh.
Mấy trang sau, tim tôi như muốn ngừng đập mặc dù tôi nghĩ mặt
tôi chẳng có gì là biến sắc. Tôi nhìn thấy ảnh của chính ông Đặc
mệnh. Tôi không ngừng lại quá lâu, nhưng cũng đủ để nắm được
những dữ kiện quan trọng. Ông ta chính là Fang Chuang Pi, từng
học tại trường Cao trung tiếng Hoa, và đã làm việc cho tờ Nan Chiao
News, một tờ báo thân cộng bị đóng cửa ngay sau khi tuyên bố tình
trạng khẩn cấp. Từ tên của ông ta, tôi nhận ra ngay ông ta hẳn là
anh trai của Fung Yin Ching. Fung (tức là Fang theo tiếng Quan
thoại) là một cô gái Hoa 25 tuổi, năng động, dáng vẻ dịu hiền, thành
thực, chăm chỉ mà chúng tôi đã đưa ra tranh cử trong kỳ bầu cử. Cô
giờ đây đang là dân biểu nữ của PAP, đại biểu cho Stamford.
Mới hai tuần sau khi tôi nhậm chức, Yong Pung How đã bất ngờ
đến nhà tôi vào sáng sớm trong khi tôi còn đang vệ sinh. Người hầu
ngỡ anh ta là một học sinh người Hoa nên bảo anh ta hãy đến văn
phòng. Vào lúc ấy, Choo thấy anh ta chỗ hàng hiên và đã mời anh ta
vào chờ ở phòng khách. Anh từ chối dùng điểm tâm mà chỉ ngồi nói
chuyện trong lúc tôi dùng bữa. Anh từ Kuala Lumpur đến, để hỏi tôi
xem liệu có thể đưa ra lời phát biểu đồng tình với MCA được hay
không trong vụ bất đồng giữa họ với UMNO, đồng minh Malay của
họ trong Chính phủ liên hiệp đang cầm quyền. Anh vừa được bầu
làm chủ tịch ủy ban tuyên truyền của MCA vào lúc xảy ra sự căng
thẳng tại Liên bang vì vấn đề giáo dục của người Hoa. Người Hoa
đang cảm thấy bị đe dọa, bởi các nhà lãnh đạo của UMNO có vẻ như
đang quyết tâm thâu tóm hết quyền hành, chỉ cho phép các cộng
đồng không phải người Malay tham dự trên danh nghĩa. Vì rằng
Yong quen thân với tôi, nên chủ tịch MCA đề nghị anh ta nên gặp tôi
để nhờ tôi bày tỏ sự ủng hộ cho công cuộc đấu tranh của họ. Họ
nghĩ, với tư cách Thủ tướng của Singapore và là người lãnh đạo của
PAP, tôi có chỗ đứng và ảnh hưởng với người Hoa tại Malay, trong khi
MCA cảm thấy mình yếu ớt đến thảm hại.
Tôi hết sức bối rối và thấy khó vô cùng trước việc người bạn cũ
muốn tôi có một lập trường có thể gây xung đột với Tunku và đảng
UMNO. Tôi đã nói với anh rằng tuy tôi đồng cảm với MCA thật,
nhưng không thể có chuyện tôi gây rối cho Tunku và UMNO theo
kiểu nào đó, vì rằng mục tiêu hàng đầu của Singapore là hợp nhất
với Malaya. Ba mươi sáu năm sau, Yong vẫn còn nhớ rõ chuyện đó.
Anh kể tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng: "Tôi phải nghĩ đến
Singapore trước." Anh chẳng quá thất vọng, bởi anh cũng đã dự liệu
phản ứng của tôi. Anh biết tôi thẳng thắn và cởi mở với anh. Nhưng
lẽ ra tôi phải biết lắng nghe anh cẩn thận hơn thay vì xem yêu cầu
của anh là sự can dự không đúng lúc vào các kế hoạch của tôi. Tôi
lẽ ra phải nhìn được ý nghĩa của những quan điểm sắc tộc mạnh mẽ
như vậy đối với Singapore nếu Singapore trở thành một phần của
Malaya. Nếu đã tìm hiểu đến nguồn cội của vấn đề giáo dục, có lẽ tôi
đã cảnh giác sớm trước những nhượng bộ lớn mà chúng tôi sẽ phải
thực hiện nếu như chúng tôi muốn cộng tác với các nhà lãnh đạo
Malay trong Liên bang.
Trong lúc nguy cơ cộng sản thâm nhập chính quyền và nền hành
chính trở thành thường trực, thì mối quan tâm chính của chúng tôi
trong thời kỳ này còn là chuyện những người bất cộng tác – những
người Hán học của Đại học Nanyang.
Trải qua nhiều năm, ý tưởng về một đại học tiếng Hoa đã là một ấp
ủ từ khi những thành quả của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm
dấy lên lần nữa lòng kiêu hãnh về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Giới trí thức, với sự hỗ trợ của báo chí Trung Quốc, đã khuấy lên đòi
hỏi phải có một đại học dạy bằng tiếng Hoa. Trong thời kỳ thực dân,
người Hoa khinh thị những biên giới giả tạo mà các ông chủ da trắng
đã dựng lên trên khắp vùng Đông Nam Á, và đã gọi toàn vùng này
là Nanyang, tức Nam Dương (Biển Nam). Vì Singapore là nơi có
người Hoa chiếm đa số, nó trở thành trung tâm giáo dục của người
Hoa. Nhưng đến lúc ấy vẫn chưa có trường đại học tiếng Hoa nào.
Cuộc thịnh vượng bột phát của thị trường cao su trong thời Chiến
tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950 đã khiến cho các thương nhân
ở đây trở nên giàu có. Khi Tan Lark Sye, ông vua cao su và là chủ
tịch của Hokkien Huay Kuan ở Singapore, một hiệp hội của bang hội
người Hoa lớn nhất, vào tháng 1/1953 đề nghị thành lập một trường
đại học tiếng Hoa, lập tức có sự hưởng ứng rộng rãi ngay. Vào tháng
5 năm đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nanyang được đăng ký
theo Pháp lệnh Công ty. Hội Hokkien Huay Kuan đã tặng 500 mẫu
đất cao su bạc màu tại Jurong ở phía Đông của đảo. Giới công nhân
người Hoa, phu kéo xe, những người bán rong, tài xế tắc xi và các
phu phen đã đóng góp một ngày lương của họ.
Vào tháng 3/1956, Viện đại học Nanyang chính thức khai giảng với
584 sinh viên đăng ký theo học tại ba trường mỹ thuật, thương mại
và khoa học dạy bằng tiếng Hoa. Điều này có nghĩa là sẽ nảy sinh
thêm những vấn đề chính trị, vì rằng không có tiếng Anh thì các
sinh viên tốt nghiệp sẽ không kiếm được việc làm. Chúng tôi cũng
biết rằng chẳng chóng thì chầy viện đại học này, từ ban giảng huấn
cho tới sinh viên, sẽ bị những người cộng sản lôi cuốn, y như các
trường trung học tiếng Hoa vậy.
Vào những tháng cuối của nhiệm kỳ Tổng ủy viên, Lim Yew Hock
đã chỉ định tiến sĩ S.L. Prescott của đại học Western Australia làm
chủ tịch ban thanh tra. Ban thanh tra đã đệ trình cho chúng tôi một
báo cáo khuyến cáo chính phủ không nên công nhận bằng cấp của
Viện đại học Nanyang, bởi tiêu chuẩn của họ rất thấp. Báo cáo này
lập tức gây nên phản ứng dữ dội từ phía cộng đồng người nói tiếng
Hoa, giới doanh nhân lãnh đạo cộng đồng này xem báo cáo đó là coi
thường năng lực – hoàn toàn xứng đáng – của họ, bởi họ đang điều
hành và can thiệp vào công việc giảng huấn chuyên môn, một
chuyện lẽ ra phải dành cho một nghị viện mới đúng.
Đặc biệt, Tan Lark Sye, chủ tịch hội đồng nhà trường, rất bực tức
đối với chúng tôi. Để bày tỏ sự thách thức của mình, ông ta bổ
nhiệm tiến sĩ Chuang Chu Lin, hiệu trưởng thân cộng của trường
Trung học Chung Cheng, từng bị thải hồi, làm viện phó, và ông còn
có hành động khác nữa tỏ lộ sự coi thường chính quyền là tăng
lượng sinh viên thu nhận trong năm đó. Tôi biết chuyện này sẽ giúp
MCP được tự do hơn trong việc sử dụng viện đại học này làm chỗ
đào tạo cán bộ cho họ, nhưng lúc đó chúng tôi chẳng thể nào tính
chuyện can thiệp mà không phải trả một cái giá chính trị rất đắt
được. Tôi ghi nhớ trong đầu rằng sẽ tính chuyện với Tan sau này
thôi.
Đó là bài học đầu tiên cho tôi về sự khác biệt giữa quyền lực chính
thức theo pháp định và sức mạnh chính trị cần thiết để thực thi
quyền lực đó. Nyuk Lin đã đệ trình với nội các một bản dự thảo
nhằm tước bỏ khả năng khuấy đảo chính quyền của Tan bằng cách
cho chính quyền có cùng thẩm quyền đối với Nantah (tên viết tắt
tiếng Hoa của Viện đại học Nayang) như là đã có thẩm quyền đối với
Viện đại học Malaya ở Singapore. Chúng tôi đã phì cười cả lên trước
sự thô sơ của giải pháp ấy. Nyuk Lin bước vào chính quyền sau 20
năm lăn lộn trong nghề bảo hiểm, và mặc dù ông là một Bộ trưởng
đầy năng lực, ông vẫn chưa hiểu hết chuyện ông tính giải quyết đó
là nan giải đến cỡ nào. Tôi không bao giờ quên được ngày Chủ nhật
30/3/1958, khi mà trọn con đường dài 14 dặm từ Nantah đến Bukit
Timah Road và vào thành phố đặc nghẹt những dòng xe đang nhích
tới từng chút một để đến dự buổi lễ khai giảng của viện đại học này.
Tôi có thể cảm nhận được sự gắn bó tình cảm kinh khiếp của dân
chúng người Hoa đối với dự án này. Dự luật của Nyuk Lin sẽ gây nên
bạo loạn nơi các trường trung học tiếng Hoa.
Do vậy, chúng tôi đã xếp vấn đề lại, và chỉ mãi đến cuối thập niên
1960, sau khi đã tách khỏi Malaysia, chúng tôi mới có đủ sức mạnh
chính trị để áp đặt kỷ luật của nhà nước lên việc kế toán tài chính,
việc bổ nhiệm nhân viên và hạnh kiểm học sinh của viện đại học
này. Để làm giảm căng thẳng trong giai đoạn cần hòa hoãn và để
tranh thủ thời gian, chúng tôi đã bổ nhiệm một hội đồng thứ hai
gồm các bậc học giả trong nước lo việc duyệt xét lại báo cáo của
Prescott, để rồi vào tháng 2/1960 chúng tôi cũng chỉ nhận được một
kết luận tương tự. Nhưng để cho lứa tốt nghiệp đầu tiên của viện rơi
vào tình trạng tuyệt vọng do không mong gì được nhà nước thừa
nhận và tuyển dụng là khó có thể chấp nhận được về mặt chính trị.
Chúng tôi đã thảo luận chuyện này thật cẩn thận trong nội các và
quyết định chúng tôi phải dành cho một ít trong số họ có cơ hội
được bước vào lĩnh vực công quyền, nhưng ở một cấp thấp hơn so
với những người tốt nghiệp Viện đại học Malaya.
Tháng 10/1959, tôi đã đến Nantah, phát biểu trước một nghìn sinh
viên của trường. Loạt tốt nghiệp đầu tiên của trường gồm 400 người
đang cần việc làm, và tôi nói rằng chính quyền sẽ thu dụng 70 người
– 50 cho công tác giáo dục, 20 cho các bộ phận khác. Thành tích
của 70 người này sẽ quyết định cho tương lai của những người sau
đó. "Nếu lứa đầu tiên các bạn chứng tỏ là những nhân viên có năng
lực và có kỷ luật, sẵn sàng đua tranh bình đẳng với những người
Anh học, và có sự đóng góp cho xã hội, giá trị của các bạn tất sẽ
được thừa nhận." Chúng tôi cũng cấp học bổng hậu đại học cho
những người có đủ điều kiện để ra học ở các đại học nước ngoài,
nhất là về khoa học và kỹ thuật. Chúng tôi tin tưởng rằng điều này
sẽ xoa dịu những người xuất sắc và trắc nghiệm giá trị đích thực của
họ. Họ đã được trấn an, nhưng chỉ là tạm thời. Những người cộng
sản vẫn tiếp tục thâm nhập ngấm ngầm liên tục và mỗi ngày họ đều
lôi kéo thêm được những người mới.
Trong khi chỗ dựa của chúng tôi trong khối dân chúng Hán học
đang gặp phải sự cạnh tranh của những người cộng sản, thì sự hỗ
trợ èo uột của chúng tôi từ phía các công nhân áo trắng theo Anh
học trước sau cũng vẫn cứ vậy. Đúng như tôi đã lo sợ, tiến trình
chỉnh đốn guồng máy đã gây ra khá nhiều chuyện đổ vỡ. Tôi đã bổ
nhiệm Chin Chye phụ tránh trường Bách khoa Singapore, bởi ông ta
rất quan tâm đến vấn đề giáo dục kỹ thuật. Điều đó, tuy nhiên, lại là
con dao hai lưỡi. Khi nhìn thấy các giáo trình của trường không
tương ứng với những nhu cầu tiên liệu của chúng tôi, ông đã lên
tiếng phê bình hiệu trưởng và ban giám hiệu; và khi ông sa thải tức
khắc ban giám hiệu, hiệu trưởng bèn từ chức. Điều này gây ra bối
rối và sợ hãi, vì rằng nhân viên nhà trường cảm thấy bấp bênh, và
các giáo sư, phần lớn là người da trắng nước ngoài, bắt đầu tính đến
chuyện tìm công việc khác. Điều này cũng đã xảy ra đối với Quỹ Tín
thác Cải thiện Singapore (Singapore Improvement Trust), cơ quan
phụ trách về vấn đề gia cư thời chính quyền trước đây. Ở đây, Ong
Eng Guan thường xử sự theo kiểu chuyên đoán thường thấy của
ông ta. Ong đã liên tục quấy nhiễu và hành hạ các viên chức da
trắng, ông đã kể cho Keng Swee nghe cách làm thế nào để "chơi"
những người nước ngoài (làm việc trong cơ quan này), những người
này vốn đang giữ những chức vụ cao trong Hội đồng thành phố,
đang chịu sự kiểm soát của ông ta với tư cách Bộ trưởng phát triển
quốc gia. Trên thì họ sẽ gặp phải sự phản kháng của những phụ tá
được ông ta tin cậy, trong khi đó ông ta lại xúi giục nhân viên bên
dưới họ và các thư ký gây rắc rối cho họ. Chẳng chóng thì chầy họ
sẽ đầu hàng và bỏ việc mà đi mà không được chút trợ cấp bồi
thường nào.
Ong có một viên phó bí thư tên là Val Meadows, một nhân viên rất
giỏi, kiên quyết, có thành tích xuất sắc trong thời chiến tranh.
Meadows là phó bí thư cho Hamid Jumat khi ông này còn là ủy viên
chính phủ phụ trách chính quyền địa phương, và đã phác thảo các
thư phúc đáp của Hamid gửi cho Ong khi giữa họ có sự bất đồng với
nhau với kết cục cuối cùng là Ong bị mất chức Thị trưởng. Ong hận
Meadows lắm.
Ba mươi sáu năm sau, Meadows nhắc lại chuyện ấy rằng ông “đã
không ngờ mức độ thù địch lại đến như vậy”. Ông đã bị tống về các
đảo phía Nam để xem có thể làm được gì để cải thiện và phát triển
những đảo ấy. Lúc ông làm việc cho Hamid, ông đã soạn xong các
kế hoạch về bệnh viện, giếng đào, bến tàu, đường sá, trường học,
trung tâm sinh hoạt và các hợp tác xã đánh cá, và ông đã thực hiện
việc này rất nhanh. Nhưng thay vì được khen thưởng, ông ta lại bị
đuổi cổ ra khỏi chức vụ ở Bộ trong lúc vắng mặt. Lúc quay trở về Bộ
của mình vào một sáng thứ bảy để thảo báo cáo, ông thật hết sức
sửng sốt khi thấy văn phòng của mình đã biến mất. Khung gỗ cùng
các vách, cửa ra vào, cửa sổ kính, máy điều hòa không khí, bàn
ghế, thiết bị văn phòng – tất cả đều biến mất không để lại chút dấu
vết, chỉ còn trơ lại khoảnh diện tích trống không. Viên thư ký
thường trực đã báo lại rằng ông ta đã làm theo chỉ thị của Bộ.
Meadows phải sử dụng văn phòng thư ký địa phương. Vào chính lúc
ấy, Ong bước vào để thưởng thức vẻ chưng hửng của Meadows,
nhưng Meadows đã biết kiềm chế để không xảy ra phản ứng quá
đáng. Thứ hai tuần sau, ông đưa đơn xin từ chức, nhưng lại được
viên trưởng cơ quan bảo rằng phải nán lại đã bởi chiến dịch tiếp trợ
đã "được chuẩn bị" rồi. Đó chính là việc tôi tước vị trí và trách nhiệm
của Ong và chỉ thị cho Val Meadows thực thi nhiệm vụ của ông ta tại
văn phòng của tôi.
Ong còn phạm nhiều sai lầm khác nữa, và toàn bộ nội các lẫn số
đông dân biểu đã đi đến kết luận rằng ông ta đang trở thành một
gánh nặng, chứ không phải một tài sản giá trị cho chính quyền nữa.
Keng Swee trước đây đã than phiền bằng công văn gửi cho tôi rằng
Ong đã yêu cầu phải cấp cho ông ta 415 triệu dùng cho việc xây
dựng công sở mà không hề đệ trình kế hoạch chi tiết hay lý giải việc
chúng sẽ được hoàn thành thế nào. Do đó, tôi đã tách Hội đồng
thành phố ra khỏi quyền kiểm soát của ông ta, chỉ thị cho ông ta
phân bổ các bộ phận của cơ quan này cho các Bộ tương ứng. Trớ
trêu thay, lời bào chữa trước công chúng lại là ông ta cần phải tập
trung vào vấn đề xây dựng công sở, và vì lý do hình thức, tôi cũng
đã điều chỉnh cơ cấu của một Bộ khác nữa.
Tôi đã cử Val Meadows làm phó bí thư của tôi và trao cho ông ta
trách nhiệm giải thể Hội đồng thành phố, lập ra một ủy ban theo
luật định, phụ trách các phòng ban về giao thông công cộng, điện,
nước, chất đốt của cơ quan này, đồng thời xử lý xem phải làm gì với
các phòng ban khác. Tôi muốn bày tỏ với các viên chức và công
chức gốc ngoại kiều nói chung rằng tôi không chấp nhận những gì
đã xảy ra và tôi không sợ gì chuyện bị xem là bù nhìn của họ.
Tôi miễn cưỡng hành động chống lại Ong, nhưng không phải vì tôi
sợ ông ta sẽ thay thế tôi. Tôi không ham chức vị Thủ tướng; bất kỳ
ai giữ chức vụ này cũng đều sẽ trở thành mục tiêu tấn công hàng
đầu của những người cộng sản, tôi chẳng thích thú gì cho lắm với
một viễn ảnh như vậy. Tôi biết Ong sẽ không có đủ can đảm để chơi
cái trò đó. Tôi đã chứng kiến cảnh ông xanh như tàu lá khi họ chĩa
vào ông tại một hội nghị của đảng hồi tháng 8/1957 và khiến ông ta
bị loại khỏi ban chấp hành. Về sau, mặc dù ông ta là Bộ trưởng được
giới người Hoa ủng hộ mạnh mẽ nhất, ông cũng đã từ chối triển hạn
Pháp lệnh PPSO theo yêu cầu của nội các, và chúng tôi đã phải giao
cho Chin Chye thực hiện bài phát biểu dứt khoát mà chúng tôi đã
thỏa thuận. Nhưng Ong vẫn là một diễn giả Hokkien xuất sắc nhất
của chúng tôi. Nếu hạ bệ ông ta, chúng tôi sẽ làm uy tín của ông đối
với công chúng sụt giảm và khó có thể tìm đâu ra người thay thế
được ông.
Ong, rồi nền kinh tế, giới công chức, những người cộng sản, các
trở ngại về ngôn ngữ – tất cả những vấn đề trước mắt đó chẳng cho
chúng tôi có được chút thời giờ để lui lại và đánh giá thành tích của
mình. Thế nhưng có một người tuy có quan hệ mật thiết đến cuộc
diện, nhưng vẫn có thể đưa ra được nhận xét khách quan về sáu
tháng đầu tiên cầm quyền của chúng tôi, và cũng là sáu tháng tại
chức cuối cùng của ông ta tại Singapore – đó là Bill Goode, cựu
thống đốc, người mà trong sáu tháng qua đã trở thành quốc trưởng
tạm thời. Ông đã tóm tắt những ngày đầu cầm quyền của PAP trong
ba bản báo cáo gửi Bộ trưởng Ngoại giao của ông. Báo cáo thứ nhất
đề ngày 26/6, bắt đầu bằng một nhận xét lạc quan:
“Các Bộ trưởng mới là những con người thông minh. Họ đã dành
nhiều suy nghĩ cho chương trình chính trị của họ, một chương trình
được trình ra trước cử tri thông qua các bài phát biểu được chuẩn bị
thận trọng. Về tư tưởng, họ là những người xã hội chủ nghĩa cực
đoan, nhưng họ đã nhận ra những hạn chế thực tiễn đặt ra cho
hoàn cảnh đặc thù của Singapore với tư cách một trung tâm thương
mại quốc tế. Họ cũng nhận chân ra được sức nặng của vấn nạn kinh
tế đang đặt ra do một dân số gia tăng nhanh nhưng lại kỳ vọng một
mức sống cao tại một thành phố mà thu nhập phụ thuộc vào sự
kinh doanh thành đạt trước sức cạnh tranh gay gắt. Trên hết, họ
còn bị ám ảnh bởi mối đe dọa của cộng sản.”
“Để thành công, họ phải duy trì được sự ủng hộ của các tầng lớp
lao động và học sinh người Hoa. Điều này làm bộc lộ điểm yếu của
họ, vì rằng họ sẽ buộc phải mềm dẻo trước thái độ của công chúng
vốn đối nghịch với giới làm ăn, buôn bán, là những giới mà họ đang
trông cậy để đạt được tiến bộ kinh tế. Việc họ bị ám ảnh bởi cuộc
đấu tranh ý thức hệ nhằm hướng được tâm tư tình cảm của công
chúng về chủ nghĩa xã hội dân chủ hơn là chủ nghĩa cộng sản có thể
gây bất lợi cho một giải pháp cho những vấn đề khác trong chuyện
làm cho nền kinh tế của Singapore đạt hiệu quả…”
“Các Bộ trưởng cũng đã quyết định hạn chế tham dự vào các hoạt
động giao tế. Ấn tượng chung mà họ đang cố gắng nuôi dưỡng là
một tinh thần cống hiến tận tình cho trách nhiệm cai trị vì lợi ích của
quần chúng.”
“(Do đó) họ đã tự gọi mình là những người phi cộng sản và cật lực
để chứng minh rằng họ chẳng phải là những con rối của phương
Tây. Họ nhạy cảm ngay với cả những lời khen tụng của phương Tây,
vì rằng họ xem điều đó phá hoại sự ủng hộ của quần chúng người
Hoa khuynh tả ở Singapore dành cho họ, khối người mà họ đang
kiên quyết giữ không cho rơi vào tay của những người cộng sản.”
“MCP, trong nhất thời, xem ra khó mà đương đầu được với một
chính quyền mà rõ ràng đang nắm được sự ủng hộ nhiệt thành của
số đông dân chúng nói tiếng Hoa. Chính ông Lee Kuan Yew cũng
đánh giá rằng thời kỳ đầy thiện chí này có thể kéo dài độ một năm
hay hơn nữa.”
Hai tháng rưỡi sau đó, vào ngày 7/9, ông cũng vẫn còn có vẻ lạc
quan, tuy rằng có liệt kê những thiếu sót của chính quyền chúng tôi.
“Thật khó mà nhận ra tất cả bọn họ chính là phái PAP cực đoan
của bốn năm về trước, chịu ảnh hưởng của cộng sản và cố gắng
giành quyền lực dựa vào sự hỗ trợ của quần chúng có được bằng
cách khai thác những bất mãn của công nhân, nông dân, học sinh
người Hoa và trí thức trẻ. Nhưng cũng sẽ sai lầm khi nghĩ rằng chính
chuyện cầm quyền đã làm thay đổi những con người trẻ tuổi ấy.”
"Tôi hằng tuần đều có họp với Lee Kuan Yew vào chiều thứ năm tại
Dinh Chính phủ, tại đó chúng tôi nói chuyện thoải mái và thẳng thắn
với nhau. Tôi thấy ông ta hết sức là chín chắn. Ông ta vẫn còn có
những định kiến và nỗi ám ảnh, nhưng nói chung ông ta rất tinh ý,
luôn luôn nhanh nhạy và thông minh. Tôi thường hay chỉ trích về
cách hành xử của chính quyền ông ta, cảnh cáo ông thẳng thừng về
những hậu quả mà tôi đã thấy trước. Thỉnh thoảng ông ta có thể
đính chính thông tin của tôi hay trình bày nó theo một ánh sáng
khác. Thường là đều có lý do hợp lý biện minh cho những gì mà
chính phủ đang làm; chính cung cách thực hiện nó mới là sai thôi.
Nói chung, ông ta chấp nhận phê bình của tôi, nhất là trong chuyện
hành xử của cơ quan công quyền. Câu trả lời của ông ta là các Bộ
trưởng của ông phải trưởng thành qua gian khổ bằng cách nhìn thấy
hệ quả của những sai lầm của họ; rằng ông ta không thể giám sát
họ quá chặt chẽ; và rằng họ sẽ phải học hỏi lấy."
"Trong khi ở những chuyện lớn họ vững vàng và có trách nhiệm thì
đối với những việc nhỏ họ lại có vẻ đầy cảm tính và khó chịu. Chúng
ta sẽ có những khó khăn và ưu tư thường xuyên khi làm việc với
họ; sự rộng rãi và hiểu biết của chúng ta sẽ bị lạm dụng. Nhưng họ
có khả năng thành tựu được nhiều điều; và hiện tại không có giải
pháp cộng tác nào khác đâu. Các đảng đối lập không được dân
chúng tin cậy và thậm chí có thể sẽ không còn tồn tại được nữa."
Vào ngày 23/11, ông ta viết bản báo cáo sau cùng của ông, được
mệnh danh là báo cáo "hạ cờ", sở dĩ nó được gọi như vậy vì các
thống đốc Anh thường nộp các báo cáo cuối cùng của họ khi họ làm
lễ hạ cờ.
“Khó có khả năng là giới lãnh đạo hiện nay của PAP sẽ công khai
tự coi mình là những người chống cộng. Thế nhưng, quan điểm của
chính quyền đối với chủ nghĩa cộng sản thì quả thật rất tốt, và do
vậy chúng ta có lý do vững chắc để cảm thấy thơ thới. Tôi vẫn còn
tin rằng việc xem các nhà lãnh đạo PAP hiện nay là những người
cộng sản ngầm là sai lầm hoàn toàn. Mô tả họ là những người chống
cộng ngấm ngầm có lẽ gần với sự thật hơn.”
“Bất chấp những nỗ lực rất lớn của các Bộ trưởng Singapore nhằm
giành được sự thừa nhận của các Bộ trưởng Liên bang, nhưng thái
độ của Liên bang cũng vẫn là nghi kị. Thủ tướng giờ đây đang nhận
ra rằng chẳng có mấy hy vọng hợp nhất trong thời gian nhiệm
quyền của chính phủ Liên bang hiện nay, và ông cũng đánh giá rằng
chuyện công khai nhấn mạnh về việc hợp nhất tại Singapore đang
gây ra rắc rối chính trị và những phản đối công khai sau đó tại Liên
bang. Nhưng ông vẫn quan tâm giữ vững cho Singapore trong tình
trạng modus vivendi (tạm ước) theo hiến pháp như hiện nay và tiếp
tục giữ mục tiêu hợp nhất như thể một ảnh hưởng có tính quyết
định đối với nền chính trị của Singapore. Ông đã đúng khi tin tưởng
rằng quả là tai hại cho cả Singapore lẫn Liên bang nếu chuyện hợp
nhất không thành và Singapore phải quay sang hướng khác để lo
cho tương lai của nó. Điều quan trọng tột cùng đối với tất cả chúng
ta là chuyện đó không nên xảy ra.”
“Nên tình thế hiện nay là ông Lee Kuan Yew nắm vững nội các của
ông và nội các đó hết sức đoàn kết. Họ, có lẽ ngoại trừ Thủ tướng,
đều có những sai phạm, điều tất nhiên phải có, và tôi nghĩ rằng, họ
đều có năng lực y như người ta đánh giá về họ lúc ban đầu. Họ rất
hiểu rằng điều hành một chính phủ khó khăn hơn là tổ chức một
đảng phái chính trị thành công. Nhưng nhìn chung, họ đã có một
bước khởi đầu tốt đẹp trong việc thực hiện những đường lối họ đã
tuyên bố. Vị Thủ tướng yêu cầu tôi hãy hoãn việc phê phán năng lực
của họ cho đến khi họ đã nhiệm quyền được một năm. Cho đến nay,
phần lớn những gì ông ta đã nói đều đúng cả.”
"Chính sách của chúng ta là phải tiếp tục cộng tác với chính phủ
PAP và làm hết sức mình để bảo đảm thiện chí và sự tin cậy của họ.
Do đó, chúng ta sẽ có thể trợ giúp họ tạo cho Singapore một chính
quyền ổn định và có năng lực, và chỉ có như thế chúng ta mới vượt
qua được những khó khăn vụn vặt thường xuyên cùng những khiêu
khích mà tôi chắc là chúng ta sẽ gặp phải."
Cũng giống như giáo sư hướng dẫn của tôi ở Học viện Raffles,
Goode đã cho tôi một nhận xét tử tế. Tuy nhiên ông đã không biết
nơi tôi và các đồng sự còn gặp phải những khó khăn gì, và sự đánh
giá của ông sẽ sai lầm đến mức nào nếu cuộc diện chuyển biến khác
đi. Báo cáo hạ cờ của Goode đã có một ảnh hưởng mang tính quyết
định đối với viên cao ủy Anh kế nhiệm, ngài Selkirk, hay nói cho
chính xác hơn, đối với phó cao ủy là Philip Moore, một quan chức
của Sở Công dân vụ Anh, từng là thư ký riêng của Selkirk khi ông
này làm Bộ trưởng Hải quân.
Trước khi Goode ra đi vào ngày 2/12, tôi đã viết thư gửi ông để nói
rằng ông đã phục vụ tuyệt vời cho nữ hoàng và xứ sở của ông,
nhưng ông cũng phục vụ tuyệt vời cho nhân dân Singapore. Ông đã
từng nhận xét với tôi trong một lần giải lao: "Chúng tôi có mặt ở đây
là bởi có phần trăm. Nếu chúng tôi chẳng còn phần trăm nào, chúng
tôi sẽ ra đi." Ông không hề giả vờ, và tôi trọng ông hơn vì điều đó.
Do ông chọn đi bằng tàu, chứ chẳng phải bằng máy bay, để về nước,
nên nội các chúng tôi đã sắp thành hàng dài ở bến tàu để tiễn ông.
Với sự ra đi của vị Thống đốc Anh cuối cùng, chúng tôi phải chọn
người đứng đầu xứ sở của mình. Chúng tôi chọn Yusof bin Ishak,
chủ nhiệm điều hành của tờ Utusan Melayu, trở thành người thừa kế
chức vụ ông, vị quốc trưởng đầu tiên người bản xứ. Chúng tôi cần
đến một người Malay có tên tuổi như ông để cho Liên bang thấy
rằng người Singapore sẵn sàng chấp nhận người Malay là lãnh đạo
của mình, và tôi biết ông là một con người tốt, giản dị và đức hạnh.
Vợ ông, hơi nhỏ tuổi hơn ông, là một phụ nữ sôi nổi, vui tính và
quảng giao. Ông đã tuyên thệ nhậm chức tại phòng khách Tòa thị
sảnh vào ngày 3/12, cũng y như nội các sáu tháng trước đó. Nhưng
trong khi nội các tuyên thệ trong sơ sài, trong cảnh bài trí giật gấu
vá vai, thì vào dịp này, chúng tôi có thời gian hơn để tổ chức một
cuộc lễ tân có đủ mặt những nhân vật trong giới kinh doanh và các
cộng đồng quan trọng, thành viên của các ngoại giao đoàn, và cũng
có thời gian để bố trí chỗ ngồi hợp lý. Chúng tôi tổ chức vào lúc 8 giờ
sáng để tránh khí trời nóng bức làm cản trở cho đoàn diễu hành
khoảng một tiếng mười lăm phút quanh Tòa thị sảnh khi mà quốc kỳ
mới được kéo lên và ca đoàn xướng bài quốc ca mới, với sự có mặt
của các dân biểu trên khán đài và công chúng đứng quanh.
Chuyện lá cờ cũng là một chuyện lắm nhiêu khê, bởi một lần nữa
phải có sự tôn trọng tình cảm chủng tộc. Người dân nói tiếng Hoa thì
muốn màu đỏ cho nó hên, người Malay thì muốn đỏ và trắng, những
màu truyền thống của họ biểu tượng lòng can đảm và sự thanh
khiết. Nhưng Indonesia đã dùng màu đỏ và màu trắng trong lá cờ
của họ rồi, và Ba Lan cũng vậy. Người Hoa, do ấn tượng với năm
ngôi sao vàng trên lá cờ của Trung Quốc, nên muốn có những ngôi
sao. Người Malay thì muốn có mặt trăng lưỡi liềm. Chúng tôi đã chọn
một mặt trăng lưỡi liềm đi cùng với năm ngôi sao màu trắng, thay vì
một sao theo truyền thống của Hồi giáo. Năm ngôi sao tượng trưng
cho năm lý tưởng của đất nước: dân chủ, hòa bình, tiến bộ, công lý
và bình đẳng. Như thế chúng tôi đã hòa hợp được các biểu tượng và
lý tưởng chủng tộc khác nhau.
Sau cùng chúng tôi cũng đã thỏa thuận xong về quốc huy, gồm
một con sư tử và một con hổ là những con vật hỗ trợ nằm hai bên
một tấm khiên có hình mặt trăng lưỡi liềm và năm ngôi sao, bên
dưới là hoa văn dạng cuộn có hàng chữ Malay Majulah Singapura, có
nghĩa là "Cầu chúc cho sự thịnh vượng của Singapore".
Việc chọn quốc ca có phần dễ thở hơn. Một nhạc sĩ người Malay là
Haji Zubir Said đã sáng tác ra một bản nhạc rất phù hợp. Nó không
mang âm điệu hành khúc, hào hùng như bài Marseillaise của Pháp
hay bài quốc ca Arise, Arise, Arise, (Dậy Mà Đi) thời kháng chiến
cách mạng của Trung Quốc. Giai điệu của nó có sắc thái địa phương
và lời ca bằng tiếng Malay phù hợp với khẩu hiệu của chúng tôi,
Majulah Singapura.
Tuy có những vấp váp trong sáu tháng cầm quyền đầu tiên, chúng
tôi cũng đã đạt được nhiều nền tảng quan trọng cho các chính sách
của nhà nước, kể cả việc khởi động bước đầu cho một chương trình
xây dựng nhằm làm thay đổi bộ mặt của Singapore. Vào tháng
3/1960 chúng tôi giải tán cơ quan Tín thác cải thiện Singapore và
chia công việc của cơ quan đó cho Ủy ban phát triển và gia cư
(HDB), một cơ quan trực thuộc quyền của Bộ trưởng phát triển quốc
gia, và cho Cục kế hoạch, cơ quan đặt dưới quyền của Thủ tướng.
Thế rồi chúng tôi đã cử Lim Kim San làm chủ tịch của HDB. Đây là
một bổ nhiệm hết sức quan trọng. Kim San là bạn học của Keng
Swee ở trường Anglo–Chinese School và ở đại học Raffles. Ông là
một doanh nhân, một con người thực tế, sáng tạo, từng tự chế ra
một cái máy chế biến bột cọ. Ông đã quản lý các cửa hiệu cầm đồ
của cha vợ và các trạm xăng của cha ruột, bên cạnh đó ông còn là
giám đốc của một trong những ngân hàng lớn trong nước. Ông là
một con người đa tài. Keng Swee muốn rằng bất kỳ khoản tiền nào
dành cho HDB để xây dựng nhà ở cho nhân dân cũng đều phải được
chi tiêu thật thỏa đáng, và Kim San sẽ lo được chuyện đó. Ong Eng
Guan không còn được phép phung phí công quỹ nữa.
Ngay sau khi được bổ nhiệm, Kim San đã đến gặp tôi. Với tư cách
Bộ trưởng phát triển quốc gia, Ong đã ra lệnh cho ông ta trực tiếp
thuê công nhân xây dựng, và do vậy cắt giảm được số nhà thầu xây
dựng là những người đứng trung gian, những "kẻ bóc lột công
nhân". Ông ta muốn HDB trở thành một ông chủ gương mẫu. Kim
San bất đồng với chuyện này. Ông đã hỏi tôi: "Ông muốn tôi xây
nhà hay muốn tôi trở thành một ông chủ đi mướn những người thợ
xây dựng? Nếu ông muốn có những căn hộ, thì tôi biết cách để cho
xây nên những căn hộ; ông hãy để chuyện đó cho tôi, tôi sẽ làm ra
những căn hộ đó cho ông. Nếu ông muốn tôi thuê trực tiếp công
nhân, thì tốt hơn ông nên kiếm vị chủ tịch khác. Nhà thầu nào cũng
có những nhân viên giám sát công trình của họ, những người bà con
và đốc công đáng tin cậy của họ, những người này hoặc có quan hệ
thân tộc hoặc đã làm ăn lâu dài với ông ta. Và những người đó có
trong tay những kíp thợ riêng của họ, họ biết từng người trong
nhóm họ và biết cách trả thù lao tương xứng với kết quả công việc."
Đây là một mánh lới quảng cáo chính trị khác nữa của Ong. Tôi đã
hủy bỏ lệnh của ông ta và bảo Kim San cứ tiếp tục những gì ông
nghĩ là tốt nhất. Ông đã làm ra các căn hộ. Vào tháng 6/1960, đã
xảy ra một đám cháy lớn tại khu Bukit Ho Swee, khiến khoảng
30.000 người rơi vào cảnh không nhà. Trong vòng 18 tháng, Kim
San đã lo được nhà ở cho họ, những căn hộ một phòng với nhà bếp
và nhà vệ sinh dùng chung. Ông cũng đã xây dựng được một khu
nhà trong khu vực bầu cử của tôi trên đường Cantonment, một vị trí
nổi bật. Các cử tri của tôi có thể nhìn thấy nó được xây lên và mong
tới lúc được dọn vào ở trong đó. Nếu như nó không tiến tới lúc hoàn
tất vào thời điểm của kỳ bầu cử tới, tôi có thể đã không tái đắc cử
được.
Tất cả các chính quyền mới đều muốn tự chứng tỏ mình bằng cách
thông qua nhiều đạo luật mới và tung ra nhiều dự án mới. Chúng tôi
cũng đã làm tới tấp như vậy, trước khi kịp có văn bản. Vào tháng
3/1960 tôi đã công bố các kế hoạch tái tổ chức Ủy ban Cảng
Singapore thành Cục Hải cảng Singapore. Kế đó, chúng tôi xúc tiến
thảo luận về Hiến chương Phụ nữ để đưa Singapore bước sang kỷ
nguyên mới của chế độ một vợ một chồng và bình quyền. Thế rồi
chúng tôi lập định quy chế Tòa án Quan hệ Công nghiệp dựa trên
mô hình của Úc, và bổ nhiệm Charles Gamba, giáo sư kinh tế học tại
Đại học Malaya làm chủ tịch. Từng làm trọng tài trong vụ đình công
của hãng xe buýt Hock Lee, ông nổi danh là có thiện cảm với giới lao
động, nhưng không hề mang vẻ muốn triệt giới chủ nhân cả. Chúng
tôi đã tung ra một chương trình kế hoạch hóa gia đình gồm 1.000
người tình nguyện, những người này được huấn luyện để cổ động
quần chúng và có quyết tâm làm giảm mức tăng dân số 4% hằng
năm hiện nay. Quan trọng nhất là dự luật cho phép chúng tôi có
quyền hạn rộng rãi hơn để chống tham nhũng. Đó là điều đầu tiên
trong số nhiều thứ nhằm củng cố pháp luật sao cho người vi phạm
có thể được truy tố và kết tội trước tòa. Điều này dẫn đến việc lập ra
một cơ quan mới là Văn phòng điều tra hành vi tham nhũng, giúp
giữ cho Singapore được trong sạch.
Chúng tôi tuyên bố sẽ tài trợ như nhau cho Đại học Malaya (ở
Singapore) và Đại học Nanyang, nhưng cũng sẽ đòi hỏi những
chuẩn mực như nhau. Cũng ngang ngược như mọi khi, Liên hiệp
Sinh viên Đại học Nanyang đã phát biểu trên cơ quan ngôn luận của
họ là tờ University Tribune rằng trong khi họ vui vì được đối xử bình
đẳng thì đồng thời họ cũng muốn việc tài trợ đó là vô điều kiện.
Chúng tôi không vui, nhưng cũng chẳng nói gì. Chúng tôi cải thiện
tương lai của những người theo Hán học bằng cách cho phép họ học
lên cao qua Đại học Malaya. Chúng tôi cho mở các khóa dự bị đại
học gồm ba học kỳ ở các khoa nghệ thuật, luật và khoa học nhằm
trang bị cho các sinh viên không nói được tiếng Anh có đủ chất
lượng để trở thành sinh viên của Đại học Malaya.
Tuy nhiên các kế hoạch kinh tế của chúng tôi lại chẳng mấy khả
quan. Vào tháng 9, chúng tôi có nói chuyện với Malaya về việc
thành lập một thị trường chung hạn chế, nhưng họ thậm chí còn thờ
ơ hơn cả trước đó nữa. Mọi chuyện trở nên tệ hại đến độ khi một
nhà sản xuất địa phương định mở rộng nhà máy se sợi cotton để
kiêm luôn dệt ra vải thành phẩm, tin đó cũng trở thành tin quan
trọng, bởi nhà máy sẽ tăng lực lượng lao động thêm khoảng 300
người. Chúng tôi đang rất cần công ăn việc làm.
Du lịch khi ấy vẫn hãy còn là một kỹ nghệ non trẻ tại châu Á, bởi
hầu hết khách du lịch đều muốn đến thăm các nước đã phát triển.
Chúng tôi đã lấy năm 1961 làm năm "Du lịch phương Đông", có
những buổi biểu diễn máy bay, triển lãm truyền thanh và truyền
hình, trưng bày xe hơi, triển lãm phong lan, triển lãm nhiếp ảnh, rồi
lễ Quốc khánh vào ngày 3/6 và tiếp đó là hai tuần lễ hội văn hóa.
Đúng là một chương thu hút èo uột.
Chúng tôi đặt hy vọng vào nhóm Ủy ban Viện trợ Kỹ thuật Liên
Hiệp Quốc, đã đến Singapore vào tháng 10 nhằm khảo sát địa điểm
khu công nghiệp đề xuất ở Jurong và cố vấn về những loại hình kỹ
nghệ phù hợp. Chúng tôi có cái may nhờ việc chọn người đứng đầu
nhóm là Tiến sĩ Albert Winsemius. Ông là một kỹ nghệ gia người Hà
Lan. Ông đã sống ba tháng ở Singapore và đã có những đóng góp
đầu tiên trong số nhiều đóng góp cực kỳ quan trọng của ông cho sự
phát triển của Singapore. Ông là một doanh nhân hết sức thực tế,
hiểu rõ nền kinh tế của châu Âu và châu Mỹ sau Thế chiến thứ hai.
Ông ta sẽ đóng vai trò lớn trong công tác hoạch định kinh tế của
chúng tôi về sau này.
Thời ấy chúng tôi tùy thuộc rất nhiều vào mậu dịch, nhất là hoạt
động trung chuyển (tạm nhập để tái xuất). Hồi tháng trước đã có
một nhóm Indonesia đến thảo luận phương cách tiệt trừ chuyện
“mậu dịch thất thường”, và để cải thiện thu nhập ngoại thương của
họ. Họ muốn chúng tôi ứng cho Indonesia một tỷ lệ ngoại tệ đáng
kể trong tổng giá trị họ xuất khẩu sang Singapore, đổi lại họ sẽ mua
một khối lượng hàng hóa theo thỏa thuận thông qua chúng tôi.
Nhưng quả thực rất khó làm cho khu vực tư nhân chịu hợp tác; sẽ
chẳng có ai chịu khai báo trị giá nhập khẩu hoặc xuất khẩu của họ
sang Indonesia cả, hay chịu khai báo xem họ đã thực sự mua hay
bán những gì, số lượng ra sao, giá cả là bao nhiêu; các hãng tàu
biển Indonesia sẽ ghi hóa đơn thấp hơn trị giá hàng hóa của họ, và
thường sử dụng cùng một giấy phép xuất khẩu để gửi đi cùng số
lượng hàng hóa thêm một lần nữa; vân vân.
Cộng với tình hình công ăn việc làm là mối đe dọa ngày càng rõ
dần của phía những người cộng sản. Hội đồng an ninh nội chính
đang ngày càng không vui trước sức mạnh ngày càng lớn của các
nghiệp đoàn, và đang muốn chính phủ Singapore ra tay đối đầu. Tôi
đã từ chối. Nếu làm như vậy, chúng tôi có thể cuối cùng rồi cũng đi
đến hành động y như Lim Yew Hock, đơn giản là tống giam những
người hoạt động, và như vậy sẽ giống như kiểu càng tỉa cành cúc
dại, chồi non càng nhiều. Goode đã bật đèn xanh cho tôi ra tay theo
kiểu như vậy trước khi tôi nhậm chức. Nhưng tôi còn phải chịu áp
lực thường xuyên của phía Malaya muốn tôi ra tay hành động nữa.
Với tư cách mới là cao ủy Anh và là chủ tịch của Hội đồng an ninh
nội chính, Goode đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của hội đồng vào
tháng 8. Ong Eng Guan, Pang Boon và tôi đại diện cho Singapore,
còn tiến sĩ Ismail bin Dato Abdul Rahman, Bộ trưởng Ngoại giao, đại
diện cho chính phủ Malaya. Ismail vốn là một bác sĩ, lùn, có hơi béo
phệ và đen so với một người Malay bình thường, ông có mái tóc
quăn, để ria mép, đeo một cặp kính gọng sừng, và trên miệng lúc
nào cũng ngậm ống vố. Ông là một người trầm tính, kín đáo và là
một người rất mê đánh gôn. Để làm việc hữu hiệu với ông, tôi lại
phải cầm lại mấy cây gậy gôn mà tôi đã bỏ lơ trong cả một thời gian
dài. Tôi mến và kính nể ông vì tính tình thẳng thắn của ông. Ông
biết công việc của ông là gì – đó là nền an ninh của Malaya. Ông
lắng nghe ý kiến của nhân viên mình.
Khi tôi biết rõ hơn về các Bộ trưởng Malaya, thì ông là một trong
số những người tôi rất tin tưởng. Ông trung thực và chân thành
trong quan hệ với tôi, và tôi tin tưởng rằng ông cũng đáp lại tình bạn
và sự tôn trọng của tôi. Ông là nhân vật quan trọng thứ ba trong
hàng ngũ lãnh đạo của UMNO, sau Tunku và phó Thủ tướng Tun
Abdul Razak. Ông không có được sức lôi cuốn quần chúng và thân
thế quý tộc như Tunku, cũng không có đầu óc rất nhạy bén như
Razak, nhưng Ismail lại là một nhà lãnh đạo đáng tin cậy nhất và
mang tính quyết định. Ông có lẽ sẽ là một vị Thủ tướng rất giỏi nếu
như ông không mất quá sớm vì bệnh tim.
Tại cuộc họp đầu tiên này, Singapore đã đệ trình hai văn kiện: một
là từ các chuyên gia trong Sở đặc vụ, và một từ các Bộ trưởng muốn
phóng thích những người đã có quan hệ gần gũi với PAP trong thời
gian họ bị bắt giữ. Goode vạch ra rằng các chuyên gia của Sở đặc vụ
đã báo cáo rằng những biến cố trước đây đang có xu hướng lặp lại –
cũng vẫn chuyện những người cộng sản xây dựng sức mạnh để
thách đố với chính quyền – và ông hỏi rằng liệu có phải ngu ngốc
không khi ra tay ngăn chặn và nghiền nát đối thủ ngay bây giờ
trước khi nó trở nên quá phát triển. Tôi không đồng ý. Goode buộc
tôi phải giãi bày đường lối của mình. Chính sách chung, tôi nói, là
đừng để những người cộng sản điều khiển mình. Nếu chúng ta, đầu
tiên, không biết chuẩn bị cơ sở để các công nhân trung lập người
Hoa hiểu rằng các nhà lãnh đạo của họ bị bắt giữ bởi vì những người
đó đang làm hại cho nền kinh tế và do đó làm đe dọa đến công ăn
việc làm của họ, chúng ta sẽ mất họ. Không được để cho họ tin rằng
các nhà lãnh đạo của họ bị bắt bởi vì đó là những nhà hoạt động
nghiệp đoàn tốt và ngẫu nhiên thân cộng.
Ismail không hiểu cách làm này. Ông đã giải thích đường lối cứng
rắn ở Liên bang đã có tác dụng đè bẹp âm mưu lật đổ của những
người cộng sản ra sao. Tôi nói rằng Malaya khác với Singapore.
Chính phủ Malaya có thể mạnh tay với những người cộng sản mà
không bị mất lòng đa số công chúng bởi ở đó phần lớn là người
Malay. Trong khi chính phủ Singapore còn phải lo lấy lòng công
chúng – số người Hoa còn lừng khừng, nhất là giới trí thức, những
người vốn có thể tác động đến những người còn lừng khừng. Goode
đã quen với lối nghĩ của chúng tôi, nhưng không để lộ ra vì lợi ích
của Ismail.
Chúng tôi cần phải vững vàng đi theo quan điểm của mình. Vào
cuối sáu tháng đầu tiên của chính phủ, việc xây dựng mặt trận
thống nhất của cộng sản vẫn tiếp tục tiến triển. Lim Chin Siong và
các đồng chí của ông đã lôi kéo được nhiều nghiệp đoàn về phe với
cộng sản, và khi họ đã chiếm được đa số, Tổng liên đoàn lao động
(TUC), vốn có sự tham gia của cả các nghiệp đoàn thân cộng lẫn
không thân cộng, đã tách khỏi Liên hiệp Quốc tế các Nghiệp đoàn Tự
do (ICFTU) do phương Tây bảo trợ. Vì rằng ICFTU được lập ra để đối
trọng với Liên hiệp Nghiệp đoàn Thế giới vốn chịu ảnh hưởng của
Moscow, nên những người thân cộng mới lấy cớ rằng ICFTU đã tham
gia vào cuộc tranh giành quyền bính chính trị.
Cùng lúc đó họ đã tác động mạnh đến Fong Swee Suan và lôi cuốn
được ông ta trở lại. Devan Nair thì mất tinh thần trước việc họ có thể
dễ dàng làm hỏng ba năm làm việc của ông với Fong ở Changi. Khác
với Nair, Fong là một người Hán học, một tín đồ về những chuyện về
phong trào cách mạng tại Trung Quốc và không hề có một thang giá
trị nào có thể dung nạp được quan điểm cách mạng xã hội và biến
đổi kinh tế theo phương pháp hòa bình. Đối với những người mang
Hán học như Fong, cách mạng là phải có bạo lực. Không có bạo lực,
nói theo biện chứng Mác, "chỉ là cải lương". Trong bất kỳ trường hợp
nào ông ta cũng không cưỡng lại được sức lôi kéo tình cảm của bạn
bè cũ và lòng tôn trọng truyền thống. Woodhull và Puthucheary
chẳng lâu sau thì cũng thuận theo phía có thế mạnh và rõ ràng là
khó có thể bị hạ bệ được. Họ đã cô lập Nair mà khi ấy, với sự đồng ý
của tôi, đã từ chức bí thư chính trị vào tháng 2, để tham gia vào
công tác nghiên cứu và viết lách nhằm "góp phần củng cố nền tảng
ý thức hệ và lý thuyết cho PAP."
Lim Chin Siong và Fong đạt được hết sức mạnh này đến sức mạnh
khác, tranh thủ được phe thân cộng trong TUC, không chỉ những
nhà lãnh đạo nghiệp đoàn có Anh học mà còn rất nhiều người có học
vấn Malay nữa. Điều đó đã khuyến khích họ tung ra nhiều phát biểu
mang tính chỉ trích quan điểm của chính phủ về chuyện những
người bị bắt giữ và chuyện nghiệp đoàn, đến nỗi tôi đã phải cảnh
báo trước quốc hội rằng nếu họ cứ thách thức nhà cầm quyền, họ sẽ
bị trả đũa mạnh. Sau lần đó, ba trong số các bí thư chính trị – Lim
Chin Siong, Fong và Woodhull – đã chính thức tuyên bố quan điểm
của họ cũng vẫn y như lúc họ được phóng thích hồi tháng 6/1959:
tức là ủng hộ PAP và đường lối của đảng này là đạt được sự độc lập
thông qua cuộc hợp nhất với Liên bang.
Vào thời điểm đó, họ nghĩ việc hợp nhất hãy còn là một tương lai
mù mờ – tôi cũng vậy – nhưng tuy vậy họ đã khơi dậy những đòi
hỏi về một Singapore độc lập mà không cần phải hợp nhất.
21
THUA ĐẬM Ở HONG LIM
Tôi được biết rằng một Ong Eng Guan bất mãn đang có âm mưu
cùng với một số dân biểu nhưng đã không bận tâm lắm, vì tôi tin
ông ta chẳng bao giờ có thể kiếm đủ đa số ủng hộ ông ta. Thế
nhưng ông ta lại trở nên liều rồi. Nếu không thể nắm quyền được,
ông ta sẽ phá hoại chúng tôi, cho dù MCP sẽ là người hưởng lợi. Tại
hội nghị đảng vào tháng 6/1960, chi bộ Hong Lim của ông đã đề ra
16 nghị quyết, bốn trong số đó nhằm giúp ông ta giành được sự ủng
hộ của những người cộng sản.
Để đánh tan nghi ngờ của tôi, Lim Chin Siong và các đồng chí của
ông trước đó đã kháng nghị rằng họ sẽ không dính dáng gì đến Ong.
Tổng Liên đoàn lao động đã đưa ra một tuyên bố nói rằng mặc dù
PAP đã có những lầm lỗi, nhưng họ cũng sẽ không ủng hộ ông ta.
Nhưng tôi tin rằng hoàn toàn có thể là họ đã nắm được các bạn bè
thân của ông ta để đẩy ông ta vào hành động này. Các nghị quyết
đó kêu gọi một đường lối chống thực dân hơn nữa, thả ngay tức thì
những người bị giam giữ, và tu chính lại hiến pháp ngay. Nói khác đi,
tự trị về đối nội vẫn chưa đủ. Ong cũng vậy, cũng muốn được độc
lập. Trong đảng, ông đã bị cô lập, và sau hai ngày tranh cãi, hội nghị
đã đình chỉ chức vụ của ông cùng với hai dân biểu ủng hộ là S.V.
Lingam và Ng Teng Kian, một người Hoa gốc Hokkien cũng như Ong.
Cả ba người thế rồi đã rời chỗ ngồi của mình và bước sang ngồi bên
phe đối lập trong Hội đồng lập pháp.
Ong trở nên bồn chồn. Ông đã bị mất đi địa vị ngôi sao và không
còn xuất hiện trên những hàng tít sốt dẻo của báo chí nữa. Do đó
ông bắt đầu thu hút chú ý bằng cách làm những chuyện bất ngờ và
chơi nổi. Vào tháng 9, ông đệ trình một kiến nghị yêu cầu Thủ tướng
phải đấu tranh trong Hội đồng an ninh nội chính để phóng thích vô
điều kiện tất cả tù chính trị. Điều này chẳng giúp ích được gì cho
ông ta. Một lần nữa, điều này sẽ chỉ có ích cho những người cộng
sản, mặc dù họ không tin và coi thường ông ta. Nhưng điều đó sẽ
gây rắc rối cho chính quyền. Tôi khi đó đang ở Sarawak, do đó Chin
Chye đã đề nghị một tu chính nhằm vạch rõ rằng chính phủ Liên
bang, vốn có tiếng nói quyết định trong Hội đồng an ninh nội chính,
khó có thể đồng ý với chuyện phóng thích những người mà họ nghĩ
rằng đang cổ súy cho sự nghiệp của MCP. Và bởi vì công việc của
chính quyền là nâng cao mức an sinh cho người dân Singapore
thông qua việc hợp nhất với Liên bang, nên chính phủ không có ý đi
ngược lại với quan điểm của chính phủ Liên bang.
Chiến lược của Ong là vạch mặt chúng tôi là những đầy tớ của đế
quốc, và ông ta giờ đây còn tiến thêm một bước xa hơn nữa. Vào
tháng 10, ông phát biểu rằng George Thomson, giám đốc Sở Thông
tin, giờ đây là người chỉ đạo và là triết gia của tôi; tôi là “con rối của
người diễn viên nói bằng bụng và George Thomson là diễn viên đó”.
Ông ta muốn làm tiêu tan vị thế của tôi trong khối dân nói tiếng Hoa
bằng cách mô tả tôi như thể cái loa phát ngôn của một người viết
diễn văn và cố vấn thực dân. Ong tuyên bố Val Meadows, người mà
ông ta đã cho triệt hạ văn phòng, và Alan Blades, thanh tra cảnh
sát, cũng đang giật dây tôi như vậy. Khi tôi thách ông ta lặp lại
những phát biểu đó bên ngoài Hội đồng lập pháp, ông ta đã im lặng.
Thay vào đó, trong kỳ họp kế tiếp của Hội đồng lập pháp, ông ta
đã tố cáo tôi là có tinh thần gia đình trị, khi nói rằng tôi đã bổ nhiệm
Kwa Soon Chuan làm phó thanh tra của Cục thuế nội địa bởi ông ta
là anh rể của tôi. Một lần nữa, tôi đã yêu cầu Ong hãy lặp lại những
gì ông đã nói bên ngoài nghị trường, thì ông ta cũng nín thinh như
trước. Chin Chye, với tư cách là chủ tịch Hội đồng lập pháp, đã đưa
ra một kiến nghị kết án Ong có hành vi mất danh dự và ngưng chức
Ong cho đến khi Ong có lời xin lỗi với Hội đồng. Ong đã đệ trình một
kiến nghị tuyên bố Quốc hội không có quyền kết án một dân biểu.
Ông đã thách tôi từ chức cùng với Ong và ứng cử trong kỳ bầu cử
bổ sung tại các khu vực bầu cử của mình, khẳng định lại những lời
cáo giác chống PAP của mình, và Ong còn phát biểu rằng Ủy ban
Công vụ gồm toàn những người ủng hộ PAP. Ong đồng ý có một
cuộc điều tra về những lời cáo giác đó, do một ủy ban của toàn Hội
đồng tiến hành, nhưng trước khi Hội đồng họp vào ngày ấn định cho
việc này, Ong đã từ chức. Chúng tôi tuyên bố sẽ thành lập một ủy
ban điều tra do một thẩm phán của tòa án tối cao làm chủ tịch
nhằm điều tra các tuyên bố của Ong, và sau khi báo cáo đó được đệ
trình và thảo luận trong Hội đồng, một cuộc tuyển cử bổ sung sẽ
được tổ chức ở Hong Lim.
Vào ngày 3/1/1961, thẩm phán F.A. Chua được chỉ định làm chủ
tịch ủy ban, và từ ngày 17/1 đến ngày 1/2 , ủy ban đã tổ chức mười
lần nghe điều trần. Mục tiêu chính của tôi trong cuộc điều tra này là
buộc ông ta phải chứng minh được tất cả những lời buộc tội mà ông
đã gán cho tôi. Báo cáo của Chua, đệ trình vào tháng 2, cho thấy
những tuyên bố đó hoàn toàn vô căn cứ và bừa bãi, và “Ong chẳng
phải là người đáng tin cậy”. Chúng tôi đã thảo luận về báo cáo này
suốt hai ngày ở Hội đồng và đã kết án Ong là có hành vi làm mất
danh dự. Tôi đã vạch trần rằng ông ta là một kẻ nói dối, một con
người tầm thường, nhỏ nhen. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ làm lung
lay chỗ đứng của Ong trong giới người Hoa ở Hong Lim. Nhưng tôi đã
không thể có sai lầm nào lớn hơn.
Chúng tôi đã tổ chức một chiến dịch vận động bầu cử suốt 9 tuần
liền, từ ngày 11/3 đến 29/4. Chúng tôi đưa ra ứng cử viên là Jek
Yeun Thong, phóng viên đã viết diễn văn đầu tiên bằng tiếng Quan
thoại cho tôi.
Tuy nhiên, sau hai cuộc mít–tinh tại Hong Lim, chúng tôi biết rằng
mình vẫn chưa giành được sự ủng hộ gì nhiều. Hình ảnh của Ong
trong lòng người dân ở đó vẫn không bị sứt mẻ gì cả. Ông ta đã ban
cho dân chúng ở đó quá nhiều ân huệ bằng cách phó mặc đường
phố cho những người bán rong. Ông ta đã cho đặt các vòi nước công
cộng, lắp đèn đường và nói về chuyện cấp giấy phép tắc xi thoải
mái. Dân chúng sẵn sàng bỏ qua những lời nói dối và nhiều thất bại
khác của ông ta. Họ bất mãn chỉ vì chúng tôi không chịu cấp nhập
cảnh cho bà con của họ từ Trung Quốc qua, một điều giờ đây ông ta
nêu lên thành vấn đề lớn, mặc dù Ong chưa từng làm như vậy bao
giờ lúc còn là một Bộ trưởng. Ong biết rằng nếu chúng tôi làm như
vậy, sẽ có rắc rối lớn với các sắc dân khác, cả với giới người Hoa có
Anh học, và chắc chắn sẽ làm các nhà lãnh đạo Malaya tức giận. Cử
tri không màng tới bốn kiến nghị có tính chất thân cộng của Ong.
Chúng tôi khám phá ra những chuyện này khi chúng tôi cố làm cho
ra lẽ. Tôi đã đi khắp Hong Lim, một khu bầu cử đông dân nằm ở
trung tâm Chinatown, lên lên xuống xuống những cầu thang gỗ ọp
ẹp của những nhà xưởng xiêu vẹo để vận động hầu như tất cả mọi
người, đôi khi còn phải tới lui cùng một chỗ đôi ba lần. Dân chúng tử
tế thì có, nhưng ủng hộ thì không. Chúng tôi đã ráng hết sức mình,
nhưng chúng tôi biết họ đã quá gắn bó với Ong. Và chúng tôi còn
phải tính toán đến Lim Chin Siong, vốn cũng đang bất mãn bởi
chúng tôi đã sửa đổi luật pháp để cho phép chính quyền kiểm soát
tốt hơn các nghiệp đoàn thân cộng và các hiệp hội văn hóa.
Lim Chin Siong muốn bãi bỏ Hội đồng an ninh nội chính bởi ông ta
biết nếu ông ta vượt quá những giới hạn nào đó, Hội đồng sẽ ra tay,
và nếu hội đồng ra lệnh bắt giam các lãnh tụ cộng sản, chính phủ
Singapore sẽ không hề có trách nhiệm gì trong chuyện này cả và
không thể bị sỉ vả là tay sai của thực dân được. Bởi lần này đại diện
của chính phủ Malaya, chứ chẳng phải một thống đốc người Anh, với
lá phiếu có tính quyết định, sẽ là người phát pháo khai hỏa. Khi
chúng tôi từ chối xét lại vấn đề này, Lim đã phát biểu về những chủ
trương này tại một cuộc mít–tinh gồm cả nghìn đoàn viên công đoàn
tại Victoria Memorial Hall và rỉ tai trong khu Hong Lim là không ủng
hộ PAP. Khi cuộc đầu phiếu được tiến hành, Ong đã đánh bại ứng cử
viên của chúng tôi với tỷ lệ 7.747 trên 2.820.
Đây là một thất bại đau đớn, nhưng tôi quyết phải tiếp tục chiến
đấu. “Kết quả,” tôi nói, “cho thấy rõ chúng ta phải xây dựng lòng tin
của quần chúng đối với chúng ta.”
Điều an ủi trong kinh nghiệm cay đắng này là tôi thấy tin tưởng
mình có thể trở thành một diễn giả Hokkien. Với việc ngưng chức
Ong vào tháng 6/1960, chúng tôi mất đi diễn giả Hokkien giỏi nhất
của mình, đủ sức đối chọi được với Lim Chin Siong. Keng Swee đề
nghị chính tôi sẽ là người phải cố gắng trám vào chỗ đó, chứ chẳng
phải tìm một ai khác để rồi người đó có thể lại gây rắc rối cho chúng
tôi lần nữa. Do vậy, tôi bắt đầu học phương ngữ này, tranh thủ một
giờ trong bữa ăn trưa hoặc vào lúc chiều tối, được ba, và thường là
năm lần một tuần. Tôi có hai vị thầy giáo giỏi, nhân viên của đài
truyền thanh của chúng tôi. Người thứ nhất dạy tôi toàn bộ hệ chữ
La tinh hóa hiện đại để nắm được cách phát âm các chữ Hoa theo
giọng Hokkien. Tiếng Hokkien chẳng giống tiếng Quan thoại chút
nào, nó có tới bảy âm vận, thay vì bốn, và dùng những kết hợp từ
khác nhau để làm thành động từ, danh từ và tính từ. Nhưng cả hai
cũng đều là tiếng Hoa, và may thay tiếng Quan thoại của tôi cũng
đủ giỏi để có thể đi thẳng vào tiếng Hokkien mà không phải bắt đầu
từ đầu, cũng như xuất phát từ tầng hai hay ba của một tòa nhà 25
tầng. Vậy mà lần đầu tiên tôi phát biểu bằng tiếng Hokkien tại Hong
Lim, trẻ em trong đám công chúng đã cười rộ vì những cái sai của
tôi – âm sai, giọng sai, câu cú sai, hầu như cái gì cũng đều sai.
Nhưng tôi không thể cứ đứng đó mà sượng sùng. Đó là một vấn đề
có tính chất sống còn. Đó không chỉ là việc đấu tranh với Ong. Tôi
đang chuẩn bị cho một cuộc tranh tài không thể nào tránh khỏi với
Lim Chin Siong và những người cộng sản. Tất nhiên tôi sẽ thua nếu
tôi không thể nói được phương ngữ đó đủ thành thục để truyền đạt
quan điểm của mình cho khối đa số người Hoa thất học hoặc ít học
này, vốn không hiểu được tiếng Quan thoại. Vào cuối chiến dịch, và
sau vô số bài phát biểu, tôi đã nói được tiếng Hokkien đủ cho người
ta hiểu.
Để học một ngôn ngữ mới ở vào tuổi ngoài 30 như tôi, trong khi
còn phải ngập đầu trước hàng khối giấy tờ được đóng dấu nào là
Ngay, Khẩn, Bí mật, Tối mật, rồi biết bao là hồ sơ có những dấu thập
đỏ to tướng nằm trên bìa hồ sơ cộng với hàng dấu Cicero (trình đích
danh), đòi hỏi một sức tập trung và nỗ lực gần như là siêu phàm, tôi
chẳng thể làm nổi được chuyện đó nếu như không có một động lực
mang tính bắt buộc. Khi tôi bắt đầu, đúng như một ngạn ngữ Trung
Quốc đã nói, nó khó còn hơn cử đỉnh trước đền. Ngay cả trong lúc
ngồi xe đến chỗ mít-tinh tôi cũng phải nhẩm bài, ôn lại những câu
mới. Đôi khi thầy giáo của tôi phải ở bên cạnh để sửa sai ngay cho
tôi sau bài phát biểu đầu tiên và trước bài diễn thuyết kế tiếp. Mỗi
khi rỗi tôi phải tập phát âm lại cho đúng, học thuộc những từ mới để
chúng khắc sâu vào đầu sao cho có thể thốt ngay ra cửa miệng mà
không phải nhìn xuống bản viết sẵn. Tôi phải học cấp tốc.
Bằng sự thực hành tại chỗ và lặp đi lặp lại qua suốt mấy tháng
liền, nói mà không cần có ghi chép, lầm lỗi và sửa đi sửa lại hoài,
cuối cùng tôi cũng đã nói sõi phương ngữ này, và có thể phát biểu cả
nửa giờ đồng hồ mà không phải mò mẫm chữ nghĩa và câu cú hay
loay hoay tìm chúng trong bản viết sẵn có gạch dưới của mình. Công
chúng đã thấy hết những điều này và tôi đã giành được lòng thán
phục của họ. Lúc mới đầu, tôi lúng túng, vụng về và gần như đáng
buồn cười. Nhưng nay tôi đã đứng trước mặt họ, bỗng dưng có thể
diễn đạt tư tưởng của mình bằng ngôn ngữ của họ một cách trôi
chảy. Tôi có thể chẳng biết dùng thành ngữ, thậm chí chẳng có văn
phạm gì cả, nhưng lời tôi nói chẳng hề sai trệch ý nghĩa, và được nói
ra với cả sự hùng hồn, đầy cảm xúc và đầy tin tưởng khi tôi biện
luận, ca tụng, cảnh cáo, và cuối cùng cũng đã lôi kéo được một số
người đi theo mình.
Tôi đã trở thành người phát biểu phương ngữ đó cho chính mình.
PAP không có một Lim Chin Siong hay một Ong Eng Guan, vốn là
những diễn giả người gốc Hokkien. Dân chúng biết tôi bước đi từ con
số không vào năm 1961 và do vậy đã không nghi ngờ gì về quyết
tâm và nghị lực của tôi. Tôi là người Hakka, và người Hakka là nhóm
dân thiểu số sống giữa những người nói các phương ngữ khác, và
được coi là những người có khiếu ngoại ngữ. Điều này đã tăng thêm
huyền thoại. Họ nghĩ tôi học ngôn ngữ mới một cách dễ dàng cũng
là điều tự nhiên. Nhưng chỉ có Choo mới biết tôi đã phải chật vật
như thế nào để nắm được tiếng Hokkien.
Ngay sau trở lực đó ở Hong Lim, chúng tôi đã phải đối đầu với một
trở lực khác nữa. Khoảng chín ngày trước khi có cuộc đầu phiếu ở
Hong Lim, dân biểu đại diện cho khu Anson là Baharuddin bin
Mohamed Ariff chết vì một cơn đau tim. Anh là một người Malay trẻ
mới bước vào độ tuổi 30, một phóng viên của tờ Utusan Melayu,
từng là nghị viên của PAP trong hội đồng thành phố, một con người
có năng lực, thông minh và đầy hứa hẹn. Đúng là một cú sốc, và
điều đó có nghĩa là phải có một cuộc bầu cử bổ sung khác nữa. Tôi
biết những người cộng sản giờ đây sẽ cố đuổi theo chúng tôi cho
đến kỳ cùng. Họ sẽ xem vụ Hong Lim như một dấu hiệu cho thấy
khối người nói tiếng Hoa mà chúng tôi đã chinh phục trong cuộc
tổng tuyển cử thật ra là ủng hộ Ong chứ không phải chúng tôi, và
chúng tôi, những người theo Anh học, không có lực lượng ủng hộ
thực sự trong khối người nói tiếng Hokkien.
Vào ngày Quốc tế lao động năm đó, khi đến dự cuộc mít–tinh của
Tổng Liên đoàn lao động tại vận động trường Jalan Besar, tôi quyết
định sẽ không nhượng bộ. Tôi trích câu Lim Chin Siong vẫn nói: “Tìm
sự tương hợp, duy trì sự khác biệt”, một khẩu hiệu ngắn gọn mà
Mao Trạch Đông thường dùng mỗi khi ông ta kêu gọi một mặt trận
thống nhất trong những vấn đề đặc thù nào đó. Để vạch rõ PAP sẽ
không yêu cầu dẹp bỏ Hội đồng an ninh nội chính khi hiến pháp
được tu chính vào năm 1963, tôi đã phát biểu rằng: “Hãy tìm kiếm
sự hòa hợp nếu như các bạn muốn, nhưng là trên quan điểm của
PAP, bằng không hãy giữ lấy sự khác biệt của các bạn và đừng tìm
kiếm sự hòa hợp gì cả nếu như các bạn thấy rằng PAP đi ngược với
lợi ích của các bạn." Chúng tôi tin rằng có thể bỏ ngỏ những vấn đề
then chốt về sửa đổi hiến pháp cho đến năm 1963 được, nhưng vì
những biến chuyển trước và trong thời gian bầu cử bổ sung ở Hong
Lim, tôi quyết định phải giải quyết chúng sớm.
Mấy ngày sau, một nữ liên lạc viên người Hoa đã đến gặp Choo ở
văn phòng, có mang theo thư gửi cho tôi. Cũng cô liên lạc đó vào
đầu năm đã chuyển cho tôi một bức thư do ông Đặc mệnh gửi, yêu
cầu tôi đặt cho ông một cái tên giả để liên lạc với ông ấy. Tôi đã
quyết định chọn cho ông cái tên là "Ping An”, với họ là “Fang”, nghĩa
là “bình an và yên tĩnh”. Lần này ông hỏi tôi có thể gặp ông được
hay không, và nếu được thì quay số điện thoại của cửa hiệu xe đạp
trên đường Rochor.
Tôi lưỡng lự. Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, tôi chỉ là một dân
biểu. Bây giờ tôi đã là Thủ tướng. Nếu tôi bị phát hiện là có liên lạc
với kẻ thù, thật rắc rối vô cùng. Và tôi sẽ phải tới gặp ở địa điểm bí
mật nào đó một mình. Một khi tôi đã là mối đe dọa trong những kế
hoạch của họ, những người cộng sản có thể âm thầm thanh toán
tôi. Tôi đã quyết định chơi liều một phen, nhưng có tính toán trước,
để biết ông ta đang nghĩ gì. Điều đó cũng nguy hiểm cho chính ông.
Tôi có thể đến chỗ họp và đã báo trước cho cảnh sát. Họ có thể mai
phục ông ta. Nhưng bằng cách chọn một cái tên giả có bao hàm tên
họ của ông ta, tôi có ý cho biết rằng tôi đã biết ông ta là ai: anh trai
của nghị viên Fung Yin Ching. Nếu muốn bắt giữ ông ta, tôi sẽ
không bỏ qua dịp này, và điều đó cũng để cho ông thấy tôi là người
đáng tin cậy. Tôi cũng đánh liều mà coi ông là một người đáng tin
cậy và không lợi dụng tình thế dễ bị thiệt hại của tôi.
Khi gọi điện tới, tôi nhận ra giọng trả lời là của người đã tiếp xúc
lần đầu tiên với tôi vào năm 1958. Chúng tôi đồng ý với nhau về địa
điểm gặp gỡ, rằng tôi sẽ tìm một cô gái tóc thắt bím đi bộ dọc theo
đường Keng Lee cách chỗ quảng trường Newton vào lúc 8 tối ngày
11/5/1961. Một lần nữa tôi đã dùng chiếc Morris Minor màu xanh lục
nhạt của cha tôi và đón cô ta lên xe. Ông Đặc mệnh hẳn đã sắp xếp
bám đuôi chiếc xe của tôi để chắc rằng không ai theo dõi chúng tôi
cả, nhưng tôi đã không nhìn vào kính chiếu hậu bởi biết đâu cô ta
báo cáo lại chuyện này và do vậy làm dấy lên sự nghi ngờ và mất
tin tưởng. Sau khi đi gần trọn con đường, chúng tôi dừng lại ở St
Michael’s Estate, một khu chung cư đang xây dựng của Ủy ban gia
cư và phát triển nằm trên đường Serangoon. Khả năng và sự thông
minh của tổ chức cộng sản khiến tôi thán phục. Chẳng ai khác có
nhúng tay vào vụ gặp gỡ này ngoại trừ HDB. Tôi bước trong tối, leo
lên hai dãy bậc thang của một khối nhà đang xây dở dang. Vật liệu
xây dựng còn vung vãi đó đây, và chưa có điện có nước gì cả. Khi tôi
bước vào căn phòng thắp nến do cô gái chỉ, ông Đặc mệnh đang
đứng đó chờ tôi. Trong phòng chỉ đặt có hai ghế bành và một cái bàn
ở giữa. Ông biết tôi là một người có uống bia nên đã mời tôi loại bia
Anchor. Ông khui một chai, rót đầy một vại cho tôi, rồi cho ông. Ông
ta uống trước. Tôi mong là mình đừng để lộ vẻ ngập ngừng trước khi
uống. Chúng tôi phải tin cậy nhau thì mới cởi mở tấc lòng với nhau
được.
Ông trông khỏe hơn, tuy gầy hơn so với lúc chúng tôi gặp nhau lần
cuối cách đây hai năm. Tôi hỏi ông dạo này ra sao. Ông nói rằng
cũng lắm gay go, khá vất vả. Tôi bảo ông không có vẻ gì là như vậy
cả, trông ông khỏe khoắn lắm. Không phải, ông cảm thấy vậy thôi.
Ông cám ơn tôi đã giúp đỡ cho em gái của ông. (Cô đã bị bỏng lúc
còn nhỏ và đôi chân đã bị sẹo nhiều đến nỗi lúc nào cũng phải mặc
quần dài. Vào năm 1960, Choo đã sắp xếp để Yeoh Ghim Seng, giáo
sư phẫu thuật và một người bạn của tôi thời còn ở London, tiến
hành ghép da cho cô.) Khi chúng tôi trở lại đề tài chính trị, giọng nói
của ông có vẻ lo âu. Ông nói rằng tôi nên mau chóng thay đổi cách
nghĩ của mình, điều đó có nghĩa rằng nếu tôi không chấp nhận quan
điểm của ông, chúng tôi sẽ tự mình rước lấy cái khổ. Cũng như
những lần gặp nhau trước đây, tôi vẫn giữ thái độ im lặng. Tôi không
vội tranh luận với ông; tôi sẵn sàng hòa giải nhưng sẽ không cam
kết gì cả. Nhưng tôi muốn biết ông muốn nói gì với tôi.
Chúng tôi đã trò chuyện với nhau suốt bốn tiếng đồng hồ, từ 8 giờ
15 đến quá nửa đêm, điểm qua nhiều vấn đề. Nhưng ông sẽ quay
trở về lần nữa để “trao cho dân chúng quyền dân chủ, tự do văn
hóa, tự do nhập sách vở từ Trung Quốc hơn và được phép nhập cư
thoải mái hơn” – tóm lại, tạo nhiều cơ hội hơn cho các hoạt động
của cộng sản, cho sự bành trướng của cộng sản. Ông muốn chúng
tôi cộng tác, không phải vì nền độc lập, cũng không phải để đòi lại
các căn cứ của người Anh – những chuyện này có thể làm được
trong một vài năm – mà là để giải tán Hội đồng an ninh nội chính.
Ông băn khoăn trước việc tôi nói rằng chính phủ PAP từ chối
chuyện này, và muốn biết chủ định của tôi như thế nào. Tôi nói rằng
nếu tôi kết luận tình huống hiện tại sẽ chỉ tệ hại hơn thêm trong
những năm tới, thì việc chờ đợi cho nhiệm kỳ năm năm kết thúc sẽ
chẳng có ý nghĩa gì. PAP sẽ thất bại. Và tôi sẽ chỉ tiếp tục nếu có
triển vọng rằng các chính sách của mình thành công. Tôi giải thích
rằng phải phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng ý của Liên bang về thị
trường chung, để có được cơ hội tốt hơn cho việc công nghiệp hóa
và tạo được nhiều công ăn việc làm hơn. Ông hỏi tôi có nghĩ rằng
Tunku sẽ sớm tính chuyện hợp nhất không. Tôi trả lời rằng không có
triển vọng gì lắm, Tunku nhất quyết chống Singapore. Chúng ta quá
Trung Hoa và người Hoa thì lại quá thân cộng.
Ông cứ nhấn mạnh với tôi hoài rằng mục tiêu trước mắt cho cuộc
bàn thảo hiến pháp trong năm 1963 nên là chuyện giải tán Hội đồng
an ninh nội chính. Sau khi quan sát cử chỉ, giọng nói và sự mong
mỏi có PAP cộng tác nhưng theo những điều kiện của ông, tôi thấy
mình ngu lắm mới đồng ý với ông. Rõ ràng ông ta muốn chúng tôi
góp phần vào việc tạo thêm cơ hội cho những người cộng sản bành
trướng mặt trận thống nhất của họ từ 1961 đến 1963, và rồi giải
tán Hội đồng an ninh nội chính cho dù người Anh không thể nhượng
bộ cái gì khác được.
Tôi quyết định rằng cứ quanh co thì chẳng đạt được gì. Tôi đang
trong chính quyền. Nếu bây giờ tôi đồng ý với ông ta, thì sau này,
xem những hành động của tôi, ông ta sẽ thấy là tôi nói dối. Tôi
không trực tiếp trả lời với ông là “không”, mà nói rằng tốt nhất ông
ta nên nghĩ rằng PAP sẽ làm những gì mà đảng đã phát biểu trước
công chúng rằng mình sẽ làm. Nói khác đi những tuyên bố công khai
của tôi vẫn nói lên đường lối của tôi trong tương lai. Chúng tôi đã
bắt tay nhau để từ giã. Ông chẳng tỏ vẻ hiềm thù hay oán giận gì
cả. Ông có lẽ đã ngạc nhiên là tôi đã thoái thác, khi mà tôi có thể nói
xuôi theo và rồi sau đó làm theo ý mình.
Lúc đó tôi cảm thấy rằng ông chưa hiểu hết tình huống rằng
chừng nào người Anh chưa trao độc lập cho Singapore, chừng đó họ
vẫn còn có quyền thu hồi hiến pháp. Chừng nào chủ quyền và các
căn cứ vẫn còn trong tay người Anh, chừng đó ông ta quả là ngu
xuẩn mới tin rằng mình có thể khiến cho Hội đồng an ninh nội chính
bị giải tán và xây dựng được sức mạnh của cộng sản tại Singapore
nhằm làm suy yếu được Liên bang. Ông đã tính sai nước cờ. Người
cộng sản chẳng bao giờ có thể kiểm soát được Singapore mà không
kiểm soát được Malaya trước, vậy mà ông lại hy vọng dùng
Singapore để lật đổ chính quyền ở Kuala Lumpur. Sao ông lại nghĩ
người Anh sẽ chịu để cho chuyện đó xảy ra được kia chứ? Thực ra
tôi đã nói với Selkirk ở một cuộc họp của Hội đồng an ninh nội chính
rằng người cộng sản muốn rằng bằng bất cứ giá nào cũng phải biến
hòn đảo này thành một căn cứ để giải phóng toàn Malaya, và họ đã
tích cực cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của người Hoa bằng
cách đánh mạnh vào nỗi sợ bị người Malay thống trị của người Hoa
nếu như chuyện hợp nhất xảy ra.
Tôi đã nói với Selkirk và Moore rằng người cộng sản tin rằng hiện
tại không cần phải chống đốì những căn cứ của người Anh, bởi
chúng có thể dễ dàng trở nên vô dụng khi có chiến tranh. Họ cũng
chẳng coi trọng luận điểm kinh tế tán đồng việc hợp nhất và tin
rằng, cũng y như Cuba và người Nga vậy, họ có thể trông cậy vào
sự giúp đỡ đại quy mô của Trung Quốc. Như vậy, nếu Singapore
không sớm liên kết với Liên bang, tình thế có thể sẽ trở nên không
kiểm soát nổi, nhưng nếu có thể đưa ra được trước công chúng một
đề xuất hợp nhất trong vòng chín tháng hay một năm, thì chuyện có
thể được. Sau đó, có lẽ sẽ là quá trễ. Tôi đã nhấn mạnh với Moore
rằng chúng ta đang ở một thời điểm có tính quyết định, và nếu
người Anh để cho những người cộng sản tin rằng có thể có một
Singapore thân cộng được, họ sẽ gây rắc rối cho cả Singapore lẫn
Malaya. Tôi tuyệt đối tin chắc rằng cho dù người Anh có chấp nhận
chuyện xây dựng bước đầu đi chăng nữa thì họ cũng sẽ đình chỉ
hiến pháp ngay khi mọi điều đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Sẽ có bạo
loạn và đổ máu, và những người cộng sản sẽ bị đè bẹp bởi quân đội
Anh vốn vẫn nắm chủ quyền trên đảo này.
Nhưng chuyện đó ông Đặc mệnh phải hiểu chứ việc của tôi đâu
phải là giải thích cho ông ta.
22
TIẾNG BOM CỦA TUNKU VỀ VIỆC HỢP NHẤT
Cuộc xung đột giữa chúng tôi với những người cộng sản đang tới
hồi căng thẳng, trong khi ở chuyện hợp nhất với Malaya chúng tôi lại
hoàn toàn chẳng đạt được một tiến bộ nào cả. Thái độ của Tunku đối
với Singapore thật đáng nản, và ông ta luôn tránh né, tảng lờ trước
bất kỳ đề nghị hợp nhất nào. Ông nhất quyết không chịu hợp nhất
dù là dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, và ông đã tận dụng mọi cơ hội,
riêng tư hay trước công chúng, để nói rõ điều này. Vào tháng
5/1960, ông phát biểu trước sinh viên Malay tại London rằng suy
nghĩ chính trị, cũng như cơ cấu chủng tộc, tại Singapore đều khác
hẳn với Malay. Cho nên việc có thêm 1,3 triệu dân Hoa trên hòn đảo
này sẽ chỉ gây hỗn độn cho người Malay và phá vỡ bầu không khí
bình yên của đất nước. “Nhiều người Hán học và những di dân mới
đến xứ này,” ông nói, “sẽ luôn luôn trung thành với Trung Quốc và
họ chẳng mấy có tâm hồn hướng về Malay.”
Nhận định của ông đúng là nhận định của một Tunku. Quả là
thẳng thắn. Trong một chương trình truyền thanh hồi tháng 6/1960,
khi được hỏi triển vọng hợp nhất ra sao, tôi đã quyết định dập tắt
các kỳ vọng bằng cách cho rằng điều đó sẽ không thể xảy ra trong
tương lai gần được. Tôi đã trả lời rằng Liên bang rất muốn giữ
nguyên cán cân chủng tộc của mình, và họ e rằng có quá nhiều
người Hoa Singapore thiện cảm với cộng sản; do đó, bổn phận của
chúng ta là phải cho thấy một cách cụ thể rằng chúng ta đích thực
trung thành với Malay.
Điều đặc biệt đáng lo là việc Tunku dửng dưng trước sự tổn thương
mà ông ta đã gây ra cho tình cảm của dân chúng Singapore bằng
cách dội nước lạnh vào các hy vọng của chúng tôi. Mỗi lần ông ta
làm như vậy, báo chí đều có đăng tải thật rõ ràng, và điều này có
nghĩa là ông ta đang củng cố niềm tin cho những người chủ trương
cho Singapore được độc lập trong tách biệt. Vào tháng 10/1960,
ngay cả Lim Yew Hock và Liên minh Nhân dân Singapore cũng đều
công khai ủng hộ việc thành lập Singapore như một quốc gia có chủ
quyền trước đã, còn chuyện hợp nhất với Malaya thì để lại sau này
hẵng hay. Nhưng như tôi đã nhấn mạnh với Selkirk, điều này thậm
vô lý. Một Singapore độc lập dưới sự kiểm soát của cộng sản sẽ
chiến đấu tới cùng trước khi buông xuôi chủ quyền của mình cho
Liên bang.
Selkirk, con trai thứ của một công tước Scotland, người cao, hơi
lom khom và trông dáng đúng là một nhà quý tộc. Ông có mái tóc
hoa râm, gương mặt xương xẩu, thường có vẻ như cau có, và có
thói quen lơ đãng, khi đang ngẫm nghĩ vấn đề gì thì ông như đang
nghịch với hàm răng của mình, nhất là với một trong những chiếc
răng trên, bằng cách dùng lưỡi búng vào nó. Ông không phải là
người có đầu óc mạnh, nhưng có một sự hiểu biết xã hội sâu sắc và
vẻ quyến rũ của một nhà quý tộc khiến kẻ dưới phải an tâm. Ông
hiểu chuyện và chúng tôi ăn ý với nhau; nhưng người phó của ông,
Philip Moore, hẳn có lúc đã hiểu sự nôn nóng của tôi, và ông ta đã
nghi ngờ rằng tôi chẳng coi ông có kí lô nào. Do đó, để nhấn mạnh
tầm quan trọng của mình, ông ta cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng
Selkirk đã từng là một Bộ trưởng trong nội các và vẫn còn trực tiếp
tiếp xúc với Thủ tướng.
Ba tháng sau, ngài Geofroy Tory, cao ủy Anh tại Malaya, nói cho tôi
biết Tunku đã nói riêng với ông là ông ta thấy rất phiền hà mỗi khi
tôi, hay bất kỳ phát ngôn nhân Singapore nào khác, tuyên bố trước
công chúng rằng hợp nhất là một chuyện có thể có. Bởi lẽ nó tạo lợi
thế và khuyến khích các địch thủ của ông, những người xã hội chủ
nghĩa, chủ yếu là người Hoa, những kẻ đang khao khát cái ngày họ
có thể liên minh lực lượng được với PAP ngoài đảo. Mặt khác, điều đó
có khuynh hướng gây căng thẳng cho quan hệ của ông với phe quốc
gia Malay, vì rằng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Liên hiệp
đang suy nghĩ nghiêm túc ý kiến quan hệ hữu nghị với Singapore
theo kiểu nào đó cũng đều dễ làm tăng nỗi lo sợ của họ là đường lối
của ông ta sẽ cho phép người Hoa tràn vào và đè bẹp người Malay.
Cho dù có nỗ lực nào đi chăng nữa thì Tunku, Razak và Ismail cũng
sẽ không ngồi xuống và thảo luận nghiêm túc với tôi về tương lai lâu
dài của Singapore và Malaya. Họ không muốn nghi tới những hậu
quả khủng khiếp cho Malaya nếu như Singapore độc lập và nằm
dưới sự kiểm soát của cộng sản.
Cuối cùng – để cho tôi vẫn còn có hy vọng, theo tôi nghĩ – người
Anh đã khuyến khích tôi đưa ra một công thức rộng hơn, một thiết
kế lớn hơn về một liên bang mà sẽ không chỉ bao gồm Singapore mà
còn cả ba lãnh thổ bảo hộ khác trên đảo Borneo (đó là Bắc Borneo,
Brunei và Sarawak), như vậy bài toán chủng tộc sẽ không gây đảo
lộn cho khả năng đa số của người Malay. Selkirk và Moore khuyên
tôi nên soạn ra một văn kiện, không phải gửi cho Tunku, nhân vật
luôn bực bội với chuyện này, mà cho Razak. Tôi nghĩ chắc là, thông
qua Geofroy Tory, họ đã thuyết phục được Razak xem xét quan điểm
ấy, và tôi đã soạn ra văn kiện đó vào đầu tháng 5/1961 và trao nó
cho Ismail để trình lên ông ta. Thật vậy, người Anh đã làm việc kỹ
với ông ta với sự hỗ trợ của Robert Thompson, một viên chức Dân
sự vụ Malay, ủy viên quốc phòng của Malay và từng làm việc gần gũi
với Razak.
Nhưng người đã đề cập thẳng chuyện này với Tunku là Duncan
Sandys, Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách quan hệ của Khối Thịnh
vượng chung. Ông đến Singapore vào tháng 1/1961, trên đường
đến Malaya, để báo với cả hai chính phủ rằng nước Anh đang sắp đệ
đơn gia nhập khối Thị trường chung Châu Âu. Tôi đã nhân cơ hội
này để giải thích cho ông hiểu rõ mối nguy hiểm đang đặt ra trước
mắt chúng tôi nếu như không có cuộc hợp nhất vào năm 1963, thời
điểm của những đàm phán về hiến pháp – một Singapore theo cộng
sản sẽ là một kết quả không thể nào tránh khỏi. Tôi hẳn đã tác động
được ông ta. Moore đã nói với tôi sau đó rằng Sandys nói là ông ta
chưa từng gặp một nhà lãnh đạo đương quyền nào lại thiết tha với
chuyện trao quyền của mình cho một trung tâm quyền lực khác đến
như vậy. Các tài liệu lưu trữ Anh cho thấy rằng Sandys đã nói
chuyện với Tunku, và Selkirk thuật lại rằng Sandys có kể với ông là
cuộc nói chuyện thật thuận buồm xuôi gió, tuy ông ta chẳng cho
biết chi tiết.
Sau này tôi mới được biết rõ về Sandys. Ông ta có thể thẳng thắn
và cả thẳng thừng. Ông là con rể của Winston Churchill, và không
hề thiếu tự tin. Ông gan dạ và hết sức quả quyết. Ông có một chân
bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi thời kỳ chiến tranh và nó
thường gây đau nhức, nhưng ông dùng thuốc giảm đau và khập
khiễng tới lui với cây gậy, gắn bó với cuộc sống và lao đầu vào công
việc. Ông là một con người đáng yêu, đáng ngưỡng mộ nếu như bạn
ngẫu nhiên cùng phe với ông ta. Cũng may là tôi rơi vào trường hợp
như thế. Ông hối thúc việc hợp nhất thành một “Malaysia” rộng lớn
hơn và hẳn đã thuyết phục được Harold Macmillan, Thủ tướng Anh,
để ủng hộ ông và gây sức ép với Tunku.
Bất ngờ, vào ngày 27/5/1961, Tunku khi nói chuyện tại Hiệp hội
Phóng viên nước ngoài của Đông Nam Á đặt tại Singapore đã phát
biểu rằng:
“Chẳng chóng thì chầy Malaya cũng sẽ có được sự nhất trí với
người Anh cùng nhân dân Singapore, Bắc Borneo, Brunei và
Sarawak. Bây giờ còn quá sớm để tôi có thể cho biết sự nhất trí này
đã đạt tới đâu nhưng hiển nhiên rằng chúng tôi phải hướng đến mục
tiêu này và nghĩ tới một kế hoạch qua đó có thể đưa các vùng lãnh
thổ ấy lại gần nhau hơn trong một khối hợp tác chính trị và kinh tế.”
Ông đã nói rằng khuynh hướng tự nhiên của người Hoa tại
Singapore là biến hòn đảo này thành một “tiểu Trung Quốc”. Nếu
như dân chúng Singapore và của Liên bang có thể biến Malaya
thành một thứ đúng như mong muốn – ngôi nhà duy nhất của
chúng ta – thì thật là hay biết mấy. Điều này đúng là một tiếng bom.
Chẳng hề có dấu hiệu nào trước đó cho thấy có sự thay đổi trong lập
trường khăng khăng của ông là chẳng thể dung nạp Singapore
được. Lúc đọc được lời phát biểu đó của Tunku, tôi biết ông Đặc
mệnh sẽ nghĩ rằng tôi đã lừa ông ta hồi lúc chúng tôi gặp nhau vào
tháng 5, rằng tôi đã nói dối, bởi khi trả lời câu hỏi của ông, tôi có nói
rằng việc hợp nhất khó có thể xảy ra trong một vài năm bởi Tunku
không tin tưởng người Hoa ở Singapore.
Lúc đó Tunku đã không giải thích tại sao ông đổi ý. Về sau, vào
tháng 10, ông đã phát biểu tại Quốc hội ở Kuala Lumpur rằng lúc
đầu ông không tán thành việc hợp nhất bởi chuyện này sẽ gây nguy
hại cho nền an ninh của Malaya, nhưng thời thế đã thay đổi. Ông
không giải thích. Nhưng tôi chỉ có thể đoán chừng người Anh đã
thuyết phục rằng ông phải kiểm soát nền an ninh của Singapore để
bảo vệ cho chính Malaya, bởi khối người Hoa đa số tại hòn đảo này
có vẻ rất dễ thuận theo chủ nghĩa cộng sản. Tôi tin rằng Ismail hiểu
rõ nguy cơ lật đổ tại hai lãnh thổ đã có quan hệ mật thiết với nhau
ra sao. Ông từng được thấy, ví dụ, tuy chỉ có phân nửa sinh viên ở
Đại học Nanyang là từ Malaya thôi, nhưng họ cũng đã trở thành lực
lượng nòng cốt trong giới lãnh đạo cánh tả và là những kẻ gây rắc
rối, và còn sẽ gây khó khăn hơn sau khi tốt nghiệp và quay trở về
Malaya.
Cả Selkirk lẫn Moore đều không ngờ trước sự thay đổi ý kiến hoàn
toàn của Tunku. Điều đó đến với họ quả là một “ngạc nhiên đầy
thích thú”. Người Anh từ lâu đã từng bàn về quan điểm một
“Malaysia” rộng lớn hơn như một giải pháp cho mục tiêu lâu dài của
họ là gộp các thuộc địa của họ trong khu vực lại với nhau thành một
liên bang trước khi trao trả độc lập cho những thuộc địa đó. Nhưng
vấn đề quan trọng nhất là chính quyền PAP có phải là do cộng sản
chi phối không? Họ tin rằng tôi đã trả lời cho câu hỏi đó khi tôi nhấn
mạnh công khai về chuyện hợp nhất như là một phương cách để đạt
được sự độc lập cho Singapore, vì rằng điều này sẽ khiến cho MCP
chẳng thể giành quyền bính được. Đến lúc đó họ mới khởi sự xem
xét nghiêm chỉnh kế hoạch này.
Vào tháng 5/1961, Tunku dường như ít ra cũng đã sẵn sàng xem
xét đến chuyện hợp nhất Singapore vào một Liên bang Malaysia.
Thế nhưng có những lúc trong suốt sáu tháng sau đó chuyện này đã
có vẻ như chẳng đi tới đâu hết, bởi lẽ ông ta cũng vẫn hãy còn thấy
ngại. Cũng may là trong suốt thời gian này tôi đã có thể bàn bạc với
phần lớn các thành viên trong ủy ban Anh, nhất là với Philip Moore.
Vào năm 1961, chúng tôi đã có thể hiểu nhau được. Người Anh
nhìn thấy những khó khăn đang đặt ra cho chính quyền PAP, và đã
khởi sự tạo xung lực cho một Liên bang Malaysia, và gây nên một
cảm giác rằng chuyện này là tất yếu. Hai tuần sau họ đã hưởng ứng
đề nghị của Tunku thông qua một loạt những phát biểu tán đồng.
Đầu tiên là Selkirk, trong phát biểu ngày 13/6, đã mô tả điều này
như thể “một kế hoạch lâu dài, hữu lý”. Một tuần sau, Macmillan, khi
trả lời câu hỏi của Fenner Brockway ở Hạ viện, đã nói rằng:
“Tôi vui mừng trước đề nghị đầy ấn tượng mới đây của Thủ tướng
Malaya rằng chẳng chóng thì chầy Liên bang cũng đạt tới một sự
nhất trí với chính phủ Anh và với Singapore, Bắc Borneo, Sarawak,
Brunei về một kế hoạch sẽ đưa những lãnh thổ ấy vào một liên hiệp
kinh tế và chính trị. Phát biểu của Tunku Abdul Rahman đã gây ra sự
bàn tán tại những nước đó và chính phủ tất cũng sẽ tính đến những
phản ứng của họ khi xem xét về đề nghị đó… Tôi nghĩ rằng điều quả
đáng mừng là chuyện này đã được nêu lên và kích thích thảo luận.”
Kế đó, Selkirk đã triệu tập một cuộc họp vào ngày 27/6 bao gồm
các thống đốc Anh ở Sarawak và Bắc Borneo, cao ủy Anh tại Malaya
và ủy viên Anh ở Brunei. Goode, giờ đây là thống đốc của Bắc
Borneo, đã nói về “sự cần thiết phải nắm lấy đúng lúc này để thông
qua kế hoạch “Malaysia hùng cường” của Tunku nhằm bảo đảm
thành công cho nó”. Vào ngày 30/6, ngay sau cuộc họp đó, Selkirk
đã bay đi London để bàn bạc với nội các về kế hoạch này.
Việc người Anh biểu lộ công khai ủng hộ một Liên bang Malaysia
và sự hợp nhất hẳn đã đánh động những người cộng sản. Sáng kiến
của Tunku tiến triển thật nhanh chóng, và ông Đặc mệnh sẽ phải
tính toán đến điều này. Sự khích động của họ nhanh chóng trở nên
rõ rệt khi Lim Chin Siong tái xuất hiện với một loạt những tuyên bố
chống hợp nhất. Vào ngày 2/6, “Lục Đại gia” lãnh đạo nghiệp đoàn –
Lim Chin Siong và Fong Swee Suan, cộng với Sidney Woodhull, Jamit
Singh, S.T. Bani và Dominic Puthucheary, em trai của James (bốn
trong số họ chẳng phải người Hoa đã cho họ có cái vẻ đa chủng tộc)
– đã đưa ra phát biểu kêu gọi đòi “tự trị đối nội hoàn toàn không
phải trên danh nghĩa mà là thực tế”, đòi kiểm soát an ninh nội đảo
và bãi bỏ Hội đồng an ninh nội chính. Họ kêu gọi cử tri Anson bỏ
phiếu cho PAP nếu để làm cơ sở cho sự chiến thắng trong các cuộc
đàm phán hiến pháp năm 1963 và để những yêu cầu của họ sớm
được công nhận. Thế rồi Lim đã đặt mặt trận thống nhất của lực
lượng cộng sản lên bàn cân, với 42 nghiệp đoàn cam kết ủng hộ
Đảng PAP chống thực dân và khuynh tả trong kỳ tuyển cử bổ sung
sắp tới. Nói khác đi, nếu PAP không chống thực dân và khuynh tả
đúng mức như họ muốn, PAP sẽ chẳng thu được hậu thuẫn của các
nghiệp đoàn, vốn đại diện cho “ước muốn của công chúng”.
Đó là lời cảnh cáo với tôi rằng hãy chơi theo luật của họ. Tôi trả lời
rằng: “Giờ đây nền độc lập thông qua việc hợp nhất trong một thực
thể to lớn hơn đã rõ ràng trước mắt chúng ta và sẽ trở thành sự thật
sớm hơn mức người ta đã nghĩ cách đây hai năm.” Tôi cũng vạch rõ
rằng chúng tôi sẽ không tính đến chuyện giải tán Hội đồng an ninh
nội chính cho đến khi nền an ninh của chúng ta được đảm bảo bên
trong Liên bang nhờ vào sức mạnh trong bầu cử của cộng đồng
Malay. Chính ông Đặc mệnh sẽ quyết định ông ta phải làm gì sau đó.
Vào ngày 10/6, ngày công bố danh sách ứng cử viên cho cuộc bầu
cử bổ sung tại Anson, PAP đã đề cử một người Malay là Mahmud bin
Awang. Ông là chủ tịch của Tổng liên đoàn lao động, nhưng lựa chọn
này không có lợi cho những người cộng sản. Ông từng bị bắt nhưng
rồi được thả ra ngay sau đó. Ông ta ăn ý với Devan Nair và do đó là
một người của phía chúng tôi. Ông sẽ đối đầu với David Marshall,
ứng cử viên của Đảng Công nhân, người mà tôi cảm thấy chắc là đã
ra tranh cử dưới sự xúi giục của Lim Chin Siong và Fong. Thật vậy,
vào ngày 14/6, báo chí đã tường thuật phát biểu của Marshall rằng
ông đã sang thăm Liên bang sau phát biểu của Tunku tại Hiệp hội
Phóng viên nước ngoài, và ông tin chắc sẽ không thể có hợp nhất
trong vòng 10 năm. Ông tán thành một Singapore độc lập (nhưng
nhất thiết phải giải tán Hội đồng an ninh nội chính), và chủ trương
rằng một khi Singapore được độc lập thì việc hợp nhất sẽ dễ dàng
hơn.
Ngay sau khi cuộc vận động bầu cử bắt đầu, John Linsell, giám đốc
Sở đặc vụ, báo cáo rằng có một nhóm nào đó muốn ám sát tôi.
Nguy hiểm sẽ rất lớn tại một trong các cuộc mít–tinh vận động tranh
cử ngoài trời, bởi ở đó có thể ám sát diễn giả đứng trên diễn đàn và
rồi lủi trốn dễ dàng. Họ để cho tôi quyết định cần có biện pháp an
ninh đến mức nào và có nên xuất hiện trước công chúng hay là
không. Tôi không có lựa chọn nào khác. Không có mặt trong một
chiến dịch vận động quan trọng chỉ bởi vì bị đe dọa ám sát thì quả là
tai hại về mặt chính trị. Mặt khác, cứ thẳng bước đi tới mà không có
biện pháp an ninh thì cũng là ngu xuẩn; trong khi tăng cường các
biện pháp an ninh thì trông có vẻ phòng thủ quá. Tôi bảo với Sở đặc
vụ là làm càng kín đáo càng tốt nhưng cũng thận trọng tối đa.
Tối hôm đó tôi đã phát biểu tại khu vực bầu cử của mình. Cũng
quang cảnh đó, con người đó, thân thiết với tôi, và tôi cảm thấy an
toàn một cách hợp lý. Nhưng rồi tôi còn phải nói chuyện tại những
khu khác ít thân thiện hơn. Tôi cảm thấy đôi chút lo lắng, nhưng
đành chấp nhận rằng đó như một phần của cuộc sống chính trị
trong điều kiện đầy khủng bố của Singapore và Malaya ngày ấy.
Tôi có ý tin rằng những người cộng sản muốn tiêm vào tôi sự sợ
hãi và nhìn xem tôi phản ứng ra sao. Tôi tính rằng thật ra ám sát tôi
không có lợi cho họ khi mà chỗ đứng của tôi trong công chúng khá
cao. Tôi chưa bị xem là kẻ thù của công chúng như Lim Yew Hock
hồi năm 1956. Và họ cũng không muốn phải gặp một đợt thanh lọc
đại quy mô đối với mặt trận thống nhất – đảng, các nghiệp đoàn và
các hiệp hội văn hóa – vốn chắc chắn sẽ xảy ra nếu tôi bị hại. Nếu
tôi thua trong trận chiến tuyên truyền để lôi cuốn quần chúng và bị
xem là “bù nhìn của đế quốc”, chừng đó sẽ khác. Giết tôi lúc đó sẽ
chẳng có thiệt hại gì về chính trị, trong trường hợp đó thì chắc tôi
chẳng dám liều.
Hóa ra Sở đặc vụ và Phòng điều tra hình sự đã tiến hành một loạt
những cuộc bố ráp vào ngày 18/6, dẫn đến việc bắt giam một tay
bảo kê đầu sỏ cùng 10 người khác nữa, trong đó họ tìm được một
cái giỏ chứa ba quả lựu đạn giấu trong nhà của tay bảo kê. Nhưng
cuộc thẩm vấn cho thấy rằng một tay chỉ điểm đã bịa ra vụ âm mưu
ám sát và nhét mấy quả lựu đạn vào đó với sự đồng lõa của một hạ
sỹ quan thám tử của Phòng điều tra hình sự. Đoạn cuối của vở kịch,
quả là chán. Tuy nhiên cho đến khi biết ra vụ âm mưu ám sát chỉ là
bịa đặt, thì tôi đã đứng trước một vấn đề có thực là phải ứng phó với
chuyện đó ra sao.
Ba ngày trước khi bầu cử, tôi đã phát biểu rằng cho dù là các bang
Bắc Borneo có gia nhập hay là không, “chúng ta cũng phải nỗ lực
cho cuộc hợp nhất giữa Singapore và Liên bang với hai điều kiện cần
thiết là tự do trong giáo dục và các chính sách lao động.” Tôi biết
rằng chúng tôi phải đưa những chuyện này ra ngoài tầm kiểm soát
của chính phủ Liên bang, bằng không chúng tôi sẽ chẳng thể giành
được một đa số ở Singapore ủng hộ chúng tôi. Chính sách giáo dục
của Malaya đang đi ngược lại những phản đối của các trường Hoa và
các ủy ban phòng thương mại Hoa kiều tại Malaya, vì rằng để được
chính quyền trợ giúp, họ sẽ phải chuyển từ việc dạy bằng tiếng Hoa
và tiếng Anh sang dạy bằng tiếng Malay. Điều này, các dân tộc
không phải là Malay hoàn toàn khó thể chấp nhận được. Ngay cả
những người Anh học cũng sẽ phản đối việc hợp nhất dựa trên cớ
đó, và người Hán học thì chắc sẽ dùng tới bạo lực.
Về chuyện lao động, Malaya có một chính sách khá cứng rắn đối
với các nghiệp đoàn, chủ yếu bởi vì họ quyết tâm dập tắt âm mưu
lật đổ của cộng sản, nhưng cũng vì họ không tin tưởng vào chủ
nghĩa nghiệp đoàn đấu tranh, và họ đã tiến hành các biện pháp
mạnh để kiềm chế những thái quá trong chuyện cắt đặt người bảo
vệ bãi công và chuyện thương lượng khi tranh chấp chủ thợ. Nếu Bộ
trưởng lao động và Bộ trưởng nội vụ tại Kuala Lumpur kiểm soát
chuyện đăng ký thành lập và giải tán các nghiệp đoàn, công nhân
và các lãnh tụ nghiệp đoàn tại Singapore chắc chắn sẽ chống đối
một Liên bang Malaysia tương lai.
Thình lình, hai ngày trước khi có cuộc đầu phiếu, tám dân biểu PAP
đã cùng ký trong một bức thư ngỏ yêu cầu Chin Chye, với tư cách
chủ tịch đảng, phải tuyên bố ủng hộ phát biểu của “Lục Đại gia” và
triệu tập một hội nghị gồm 51 chi bộ của đảng để xem xét vai trò
của đảng trong tình hình chính trị hiện nay. Công khai làm xói mòn
lòng tin của công chúng đối với lãnh đạo và tác động đến cuộc đầu
phiếu, họ đã lặp lại những yêu cầu của Lim Chin Siong: phóng thích
các chính trị phạm, bãi bỏ Hội đồng an ninh nội chính, tự trị đối nội
hoàn toàn. Vì tôi đã không nhượng bộ nên ông Đặc mệnh đã quyết
định khiến PAP thất bại tại Anson.
Vào sát ngày bầu cử, tôi đã công khai yêu cầu ba bí thư chính trị –
Lim Chin Siong, Fong và Woodhull – từ chức. Tôi nói rằng ba người
này cùng với tám dân biểu kia muốn ép buộc PAP phải chấp nhận
đường lối của họ, bằng không họ sẽ “lật đổ lãnh đạo và thu tóm
đảng để sử dụng cho mục đích của họ… Điều quá rõ là để ngăn chặn
công cuộc hợp nhất, sáu cán bộ nghiệp đoàn đang sẵn sàng để làm
bất cứ chuyện gì – kể cả phá hoại cái chính đảng mà họ đã làm ra
vẻ gắn bó.” Trong nỗ lực cuối cùng để chuyển hướng cử tri từ PAP
sang Marshall, họ đã dốc hết mọi lực lượng vào cuộc. Ngay cả viên
bí thư của chi bộ tôi cũng chống lại tôi, và vì rằng ông ta có chân
trong Ủy ban hải cảng Singapore và có ảnh hưởng ở Anson, vốn ở
gần cảng, nên ông ta đã khiến chúng tôi bị mất đi nhiều phiếu của
giới công nhân cảng người Hoa. Vào đêm kiểm phiếu, ngày 15/7,
Marshall thắng xấp xỉ (3.598, bằng 43,3%), Mahmud (3.052, tức
36,7%), SPA giành được có 17,8% phiếu bầu. Với tâm trạng tự đắc,
Marshall đã mắng nhiếc tôi trong bài diễn văn chào mừng chiến
thắng: "Hãy từ chức đi, và biết đâu khi nghỉ hưu rồi thì ông mới học
được sự khiêm tốn và lòng nhân đạo để trong những năm sau đó cái
tài năng không ai chối cãi của ông mới có thể phục vụ nhân dân
chân thành và vô vị lợi được.”
Tôi thì quá quan tâm tới cuộc chiến sắp tới nên không thể trả lời
ông ta. Những người cộng sản một lần nữa đã cho thấy họ đang
xâm nhập được vào hàng ngũ cấp cao của các nghiệp đoàn và vào
đảng của chúng tôi, đến nỗi trong thời gian ngắn đã có thể phân tán
được phiếu bầu của PAP, và lái công chúng chuyển sang ủng hộ một
kẻ nổi tiếng là hay dao động và không đáng tin cậy. Trong một bức
thư ngày 17/7 gửi cho Chin Chye với tư cách chủ tịch PAP, tôi đề
nghị xin được từ chức Thủ tướng. Tôi đã thấy “khúc mở màn của
một thử thách thực lực giữa cánh tả phi cộng sản và cánh tả cộng
sản” đi liền với nguy cơ là “sự xung đột chủ thợ vì các mục tiêu
chính trị”. Lim Chin Siong và các đồng chí của ông sẽ cố cưỡng chế
đảng và chính phủ đi vào con đường lìa bỏ Malaysia, và đảng nhất
thiết phải đoàn kết sau lưng lãnh tụ của mình.
Trong cùng ngày hôm đó, Chin Chye đã trả lời rằng ủy ban chấp
hành trung ương đã nhất trí chọn tôi làm Thủ tướng sau cuộc tổng
tuyển cử.
“Việc phe đối lập của chúng ta kêu gọi ông từ chức chỉ là để đánh
lạc hướng công chúng trước vấn đề sống còn là công cuộc hợp nhất
giữa Singapore với Malaya, một mục tiêu tâm nguyện của đảng và
chúng ta không thể đi trệch khỏi nó được. Người ta đã từng đề nghị
rằng tôi nên làm Thủ tướng thay thế ông. Chúng ta đừng để bị lừa
phỉnh trước nỗ lực muốn phá vỡ sự đoàn kết thống nhất của đảng
và hàng ngũ lãnh đạo của nó.”
Chúng tôi biết chúng tôi đang đi tới một cuộc so tài cuối cùng. Sau
khi chúng tôi thua ở Anson, tôi dám chắc mọi dân biểu và đảng viên
của PAP cũng đều biết rõ chuyện này và sẽ ủng hộ chúng tôi. Cuộc
chiến giờ đây đã mở màn. Chúng tôi phải đi tới một cuộc chia tay với
phái tả của chính chúng tôi. Chúng tôi cần phải loại trừ ra khỏi đảng
bất kỳ những kẻ lập lờ nào trong Quốc hội, và buộc những người
cộng sản bước ra đấu tranh công khai với chúng tôi. Chúng tôi quyết
định triệu tập một cuộc biểu quyết tín nhiệm25 và phải công khai tách
ly với họ trước khi họ có thì giờ tính lại nước đi của mình.
23
TIỆC TRÀ EDEN HALL
Tôi đề xuất một kiến nghị về vấn đề tín nhiệm trong chính phủ vào
20/7/1961 để tách bạch địch ta bạn thù trong Quốc hội.
Ngày 18/7, hai ngày trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Sở đặc vụ báo
cáo rằng Lim Chin Siong, Fong Swee Suan, Sidney Woodhull và
James Puthucheary đã dùng trà với Selkirk tại Eden Hall. Điều này
thật kỳ lạ. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng và rạn nứt nghiêm
trọng với những phần tử quốc gia trong PAP, Lim và Fong lại giao du
với kẻ thù chính của họ là người Anh. Tôi kết luận rằng họ đang
thăm dò để khám phá xem, nếu các đại biểu thân cộng trong Quốc
hội chiếm đa số thì họ có thể nắm quyền hay không. Keng Swee,
Chin Chye, Raja và tôi xác định rằng người Anh sẽ hoan hỉ với cơ hội
khoét sâu hố ngăn cách trong nội bộ chúng tôi để không còn hy
vọng gì hòa giải và tập hợp các phần tử thân cộng lẫn phi cộng sản
trong PAP thành một mặt trận thống nhất nữa. Điều này thuận tiện
cho chúng tôi. Những phần tử thân cộng lâu nay đã là nỗi lo của
chúng tôi. Nhưng chúng tôi phải cẩn thận trong việc đối phó với họ.
Nếu chúng tôi tỏ ra cơ hội, vắt chanh bỏ vỏ, chúng tôi sẽ mất sự
ủng hộ của khối nói tiếng Hoa. Việc hợp nhất là lý do rất tốt để chia
tay nhau.
Từ lần tuyên bố đầu tiên vào ngày 4/6/1959, xác định ủng hộ dứt
khoát một Malaya độc lập, dân chủ, không cộng sản và ủng hộ
Singapore được độc lập thông qua hợp nhất, họ đã cam kết gắn bó
với chính sách này. Bây giờ họ sắp phá bỏ thỏa ước mà dựa vào đó
PAP và CUF đã đấu tranh và thắng lợi trong tuyển cử. Nếu chúng tôi
không thể vượt qua khỏi một sự chia rẽ quanh một vấn đề rõ ràng
như thế, thì chúng tôi chẳng bao giờ tồn tại nổi. Chúng tôi cảm thấy
như thoát khỏi một gánh nặng. Chúng tôi sẽ không bao giờ phải cho
họ mượn tiếng nữa. Chúng tôi sẽ thắng lợi bằng chính sức mình
hoặc sẽ rút lui. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chịu được người Anh
với thủ đoạn giúp phe cộng sản giành quyền lực; việc đó sẽ khiến
chúng tôi có vẻ như là đồng minh của họ. Do đó chúng tôi quyết
định làm người Anh bị lộ bộ mặt là đồng minh của phe thân cộng. Đó
là chủ trương của tôi trong cuộc tranh luận bỏ phiếu tín nhiệm:
"Các bữa tiệc tối, tiệc rượu nhẹ và bữa trưa đã dẫn tới mối liên kết
giữa hai cựu đối thủ, một bên là Con sư tử Anh quốc và một bên là
các ông Lim Chin Siong, Woodhull và đồng sự. Phe thân cộng đã đi
tới chỗ tin rằng PAP là bọn cản trở tồi tệ, rằng người Anh, một dân
tộc khôn ngoan và giỏi chính trị, đã được chuẩn bị để tượng hình
một chính quyền cánh tả mới xuất hiện ở Singapore, thậm chí còn
khuynh tả hơn cả PAP; miễn rằng các căn cứ quân sự của họ không
bị đụng chạm. Sự vụ đã xảy ra là người Anh đã trở thành những tay
xách động của họ. Và họ đã thành công đến thế nào! Một cách lặng
lẽ và ngấm ngầm, họ đã kích động những người thân cộng thực hiện
mưu toan khống chế cả chính quyền và đảng PAP. Những người cách
mạng trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm đã lún sâu vào việc này, vào
một cuộc khủng hoảng. Lim Chin Siong, Woodhull và Fong Swee
Suan đã hy vọng vào những cuộc thảo luận với Cao ủy Anh vào thứ
Ba vừa qua, ngày 18, tại Eden Hall, trụ sở của các đại diện đế quốc
Anh.
Thưa quý vị, chúng tôi cảm thấy có cái gì đó kỳ lạ đang xảy ra và
do đó chúng tôi đã cho giám sát tòa nhà của Cao ủy Anh. Lạ chưa!
Những tay cách mạng và chống thực dân lừng lẫy lại đi thảo luận
kín với Sư tử Anh quốc… Và người Anh cũng có thể hy vọng rằng
dưới áp lực tấn công và nguy cơ bị khống chế, PAP sẽ phải chống cự
lại và sau cùng phải đàn áp cộng sản, điều mà cho đến nay họ đã
không thuyết phục PAP tiến hành được. Trong khi đó, với PAP, người
Anh đã đề nghị rằng chúng tôi phải có biện pháp chống lại tình trạng
âm mưu lật đổ đang ngày càng tăng. Thực ra, một kế hoạch đã được
vạch ra mà kết thúc sẽ là một hành động dẫn đến xung đột công
khai với phe cộng sản, trong đó PAP hoặc là tiếp tục nắm quyền, và
như thế bị buộc phải vĩnh viễn bảo vệ chủ nghĩa đế quốc Anh, hoặc
phải rút lui, trong trường hợp đó một chính phủ phi cộng sản và
không chịu áp lực của người Anh sẽ phải bị loại bỏ.”
Một số dân biểu quốc hội theo Hán học đã yêu cầu tôi rút kiến nghị
về vấn đề tín nhiệm. Tôi tin rằng Lim Chin Siong và Fong cần có thời
gian để xem xét các hàm ý sâu xa của tất cả chuyện này. Tôi quyết
định đẩy mạnh vấn đề tới nữa vì tôi đã có đủ số dân biểu quốc hội
để cho phép chúng tôi hoàn thành được việc hợp nhất vào năm
1963. Tôi muốn các dân biểu quốc hội của PAP phải vững vàng và
đáng tin cậy.
Chin Chye đã nói rõ lập trường của chúng tôi khi ông đọc trích
đoạn từ một văn bản mà các Bộ trưởng Singapore đã viết và trình
cho Hội đồng an ninh nội chính tại phiên họp đầu tiên của hội đồng
vào ngày 12/8/1959. Văn bản lý giải lập trường của chúng tôi là
“không cộng sản”, đồng thời chỉ rõ và tách biệt Lim Chin Siong như
là lãnh tụ cộng sản chủ yếu. Văn bản nhận định Lim như một nhân
vật mà người Anh biết rõ là cán bộ công khai quan trọng nhất của
MCP, tuy vậy Cao ủy Anh vẫn tiếp ông ta tại Eden Hall chỉ hai ngày
trước khi các dân biểu quốc hội thuộc phe ông ta sẽ bỏ phiếu chống
lại đề xuất về vấn đề tín nhiệm chính phủ.
Cuộc thảo luận về việc bỏ phiếu tín nhiệm tiến hành từ 2 giờ 30
chiều ngày 20/7 đến tối, chỉ tạm nghỉ một tiếng để ăn tối, rồi kéo
dài đến 3 giờ 40 sáng hôm sau trước khi tiến hành biểu quyết. Khắp
trụ sở quốc hội nhộn nhịp hoạt động, từ phòng họp lớn cho đến
phòng các tiểu ban. Khối thân cộng cố hết sức vận động càng nhiều
dân biểu thuộc PAP càng tốt để họ bỏ phiếu chống lại đề xuất này.
Họ đã vận động được tám người. Chúng tôi dự trù còn vài người nữa
ngả theo họ: câu hỏi là tổng số đó là bao nhiêu. Chúng tôi cần ít
nhất 26 phiếu để nắm quyền mà không phải liên hiệp. Mà một chính
phủ liên hiệp sẽ là một tai họa. Nó có nghĩa rằng phải tiếp nhận SPA
hay Liên minh UMNO và MCA, cả hai đều bị nạn tham nhũng hoành
hành. Chúng tôi sẽ mất cái phẩm chất chính trị quý giá nhất của
mình là tính liêm khiết.
Chúng tôi quyết định tạm gác kỷ luật đảng và để mọi người bỏ
phiếu theo ý mình. Chúng tôi cần những người tự nguyện, chứ
không phải những người bị cưỡng bách, cho cuộc chiến khó khăn
sắp tới. Phái thân cộng rồi cũng thôi tìm cách lôi cuốn các dân biểu
người Ấn và Malay, mà tập trung vào những người biết hai ngôn ngữ
và khối Hán học. Nhưng họ cần có thời gian, và nhiều người đã tiếp
cận trưởng ban kỷ luật đảng là Lee Khoon Choy để đề nghị hoãn
cuộc biểu quyết đến hôm sau. Chúng tôi đã từ chối. Vậy là họ giở trò
trì hoãn, đọc những bài diễn văn lê thê, lặp đi lặp lại để kéo dài tiến
trình làm việc.
Trong số những người được họ vận động có ba đại biểu Hán học
rất khác thường đã không chịu thuận theo phái cộng sản. Người
dũng cảm nhất trong đó là Chor Yeok Eng. Ông ta sống tại Bukit
Timah, một vùng nông thôn mà cộng sản có thế mạnh. Ông đã bị đe
dọa tính mạng nhưng vẫn kiên quyết. Tương tự như vậy là Chan
Chee Seng, một tay đai đen nhu đạo cao lớn 26 tuổi, rất can đảm và
đặc biệt trung thành với Pang Boon và tôi. Ngược lại, Lee Teck Him
là một người đàn ông 55 tuổi, làm thư ký cho Phòng thương mại Hoa
kiều, một dân nhập cư thế hệ đầu tiên ra đời ở Fujian. Vì lý do nào
đó, ông ta không hăng máu vì một nước Trung Quốc mới như các
học sinh trung học người Hoa khác. Có lẽ ông đã biết về những gì
xảy ra cho họ hàng của ông ở đó. Dù cho đó là chuyện gì, tôi vẫn
thấy rất khích lệ vì ông đứng về phía chúng tôi.
Chúng tôi không chắc kết quả biểu quyết sẽ ra sao; và nghĩ rằng
hai bên sẽ hơn thua nhau sát nút. Chan Chee Seng và tôi thử đếm
đầu người và chỉ nắm chắc được có 25 – còn thiếu một phiếu nữa
mới đạt quá bán. Và chính lúc này Sahorah binte Ahmat xuất hiện.
Sahorah là một phụ nữ to lớn 36 tuổi, một diễn giả giỏi nói bằng
tiếng Malay, đơn giản và thẳng thắn. Bà ta đang bệnh và nằm tại
Bệnh viện đa khoa Singapore, tại đây bà đã được bà chị của ông Đặc
mệnh tới tiếp xúc, và hẳn cuộc tiếp xúc thành công, vì vài giờ trước
khi biểu quyết, một số dân biểu người Malay đã tới gặp bà ta và báo
cáo lại rằng bà đã theo phe đối phương. Nhưng trong cuộc họp tại
phòng đại biểu trong giờ nghỉ giữa buổi thảo luận, Chen Seng nói
rằng ông mới gặp Sahorah vào bữa trước và tin rằng ông có thể đưa
bà tới trụ sở Quốc hội để bỏ phiếu cho chúng tôi. Tôi đã bó tay và
bảo ông ta đừng phí thì giờ, nhưng Chin Chye nói xen vào là có cố
gắng thử thì cũng chẳng thiệt hại gì.
Sahorah nói với Chee Seng rằng các đồng sự người Malay của bà
đã lảng xa bà trong những hoạt động chính quyền, chứng tỏ họ đã
coi thường bà. Nên bà đã không để họ thuyết phục, bà ủng hộ chính
quyền. Nhưng bà thích Chee Seng và đồng ý sẽ tới. Chee Seng lập
tức thu xếp một chiếc xe cứu thương để chở bà tới trụ sở Quốc hội
và cho cáng bà vào phòng của các dân biểu. Từ đó, bà cố gắng đi
khoảng 15 thước để vào phòng họp kịp lúc cho cuộc biểu quyết.
Hai mươi sáu đại biểu thuộc PAP đã biểu quyết ủng hộ đề xuất,
giúp chúng tôi đạt quá bán, 26 trên tổng số 51. Nếu chúng tôi thua
cuộc biểu quyết này, chính phủ sẽ phải thoái nhiệm. Rồi hoặc là phe
thân cộng sẽ lập một chính phủ mới với nhiều thành viên PAP nhảy
qua cộng tác với họ, hoặc sẽ có tổng tuyển cử mới mà trong đó họ
tin rằng họ sẽ thắng.
Bác sĩ Lee Siew Choh, thư ký quốc hội bên cạnh Bộ trưởng Nội vụ
và những người ủng hộ ông ta đã biểu quyết chống lại đề xuất, họ
tin rằng về lâu dài, phía cộng sản sẽ thắng. Khi chúng tôi củng cố vị
trí của mình, và họ hứa hẹn bầu ông ta làm thủ lĩnh và giữ chức Thủ
tướng, ông liền nắm ngay lấy cơ hội ấy. Ông ta là một tay nghiện cờ
bạc ngay từ hồi còn học ở Đại học Y. Khá to con so với người Hoa
bình thường, ông ta có thể lực tốt, giọng nói rổn rảng hơi quá tự tin
và khoe khoang. Ông ta có chơi banh rugby và cờ tướng. Trên sân
banh, phương pháp của ông ta là càn lướt tiến tới, không hề có
chiến thuật đánh lạc hướng hay lừa đối phương và do đó ông dễ
dàng bị truy cản. Keng Swee, người thường chơi cờ với ông ta, thấy
rằng ông ta bạo gan đến mức liều lĩnh. Ông ta luôn luôn khởi động
bằng một nước đi ngoạn mục nào đó để phá vỡ phòng thủ và hạ gục
đối phương, và quên rằng một đối thủ có kinh nghiệm sẽ không bao
giờ bị dẫn dụ đi vào mạo hiểm khi họ có thể tiến bước vững chãi
không khoan nhượng chống lại một kẻ phiêu lưu. Lần này ông ta đã
bước vào cuộc cờ lớn nhất đời mình – chức Thủ tướng hoặc không gì
cả.
Hai dân biểu phe chúng tôi đã bỏ phiếu chống lại đề xuất. Họ
chẳng là cộng sản một tí nào cả, nhưng vài tháng trước cuộc bầu cử
bổ sung ở Anson, các cán bộ cộng sản đã theo sát họ và đã viết diễn
văn và các bài báo cho họ. Khi tôi cho mời và trách cứ họ sau khi
nghe những diễn văn lạ lẫm của họ trong Quốc hội, họ đã xin lỗi,
nhưng sau thất bại của PAP trong cuộc bầu cử bổ sung ở Hong Lim,
họ cũng như nhiều người khác đã thay đổi chính kiến, cảm thấy
rằng tương lai của mình nằm trong các hiệp hội và “quần chúng”.
Mục tiêu đầu tiên của Lim Chin Siong là lôi kéo một số dân biểu về
phe mình đủ để thành lập một chính phủ mới. Khi điều đó thất bại,
ông ta đã thử nhiều chiến lược để ngăn chặn việc tiếp tục thương
thảo với Malaysia về việc sáp nhập. Ông ta đã thành lập một đảng
mới, Barisan Sosialis (Mặt trận Xã hội). Bác sĩ Lee Siew Choh, chủ
tịch Mặt trận, lúc đó đã kêu gọi tuyển cử lại.
Lim Chin Siong im lặng trong một tuần sau đợt quốc hội thảo luận
về đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm. Đến ngày 28/7, tờ Straits Times đăng
tải một lá thư của ông ta mang đầy những dấu ấn của Woodhull và
Puthucheary: “Xin cho tôi được nói rõ một lần chung quyết rằng tôi
không phải là một người cộng sản, hay một đại diện cho cộng sản
hoặc đại diện cho bất cứ ai…” Ông ta thậm chí đã không muốn trở lại
chính trường sau khi được phóng thích, còn về việc được đề cử làm
thư ký chính trị bên cạnh Bộ trưởng Tài chính, ông ta nói: “Tôi
không những đã ngần ngại nhận chức vụ này, mà tôi còn đề nghị rút
lui khỏi sinh hoạt chính trị nếu ông ta (Lee Kuan Yew) muốn như
thế. Và ông ta đã không muốn như thế. Thay vào đó, ông ta muốn
cho mọi người thấy rằng tôi đã đồng nhất với chính phủ.”
Những kết luận tôi đã rút ra từ buổi tiệc trà này đã bị ông ta bác
bỏ như một kích động chống cộng:
“Trong cơn rối trí, họ đã bắt đầu kêu gào về chủ nghĩa cộng sản và
tình trạng rối loạn, hy vọng sẽ khiến một số người tin vào họ. Người
cánh tả vốn thường bị coi là những kẻ chủ mưu gây rối bây giờ, như
chúng tôi được nghe nói, lại bị người Anh dẫn dụ. Thật buồn cười
làm sao! Những cuộc gặp gỡ giữa tôi với Huân tước Selkirk là rất
hiếm hoi. Nếu việc gặp gỡ Huân tước Selkirk có thể khiến người ta
trở thành kẻ chủ mưu gây rối thì ông Lee mới là kẻ gây rối lớn nhất
vì ông ta giao dịch với Huân tước Selkirk nhiều hơn bất kỳ ai ở
Singapore này.”
Cùng ngày đó, ông ta còn đọc một bài diễn văn dài hai tiếng trong
buổi họp của một nghiệp đoàn. Cuối bài diễn văn, ông ta lại đề cập
lướt qua buổi tiệc trà ấy: “Về việc Lim Chin Siong dùng trà và ăn
uống với người Anh, đó là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là lập
trường có vững hay không. Chúng ta không thể nói rằng khi dùng
trà với họ là ta đã cùng hội cùng thuyền với họ.” Ông ta hẳn đã cảm
thấy các công nhân đã e rằng người Anh đã dẫn dụ ông ta. Ông ta
và những người thân cộng ủng hộ ông nay đã bị lộ mặt và cô lập mà
không còn giữ được lớp vỏ phi cộng sản đáng tin cậy. Nhưng ông ta
sẽ không thoát nạn với những bào chữa đó. Nếu ông ta đã ngại
không muốn trở lại chính trường và nhận một chức vị trong chính
phủ, thì tại sao phải gặp Selkirk?
Tôi trả lời bằng một lá thư ngày 4/8 gửi cho tờ Straits Times với tư
cách tổng thư ký của PAP:
“Chúng tôi… hết sức quan tâm đến những vấn đề nghiêm trọng có
thể xảy ra sau bầu cử. Một trong những vấn đề đó là ông ta và các
bạn hữu sẽ làm gì sau khi chúng tôi giải phóng họ. Ông ta đã đề
nghị rút khỏi chính trường và qua sống ở Indonesia. Thứ nhất, đó
không phải một đề nghị được đưa ra một cách nghiêm túc. Thứ nhì,
chúng tôi cho rằng sẽ không đúng và thỏa đáng khi đặt điều kiện là
ông ta phải rút lui khỏi chính trường trước khi chúng tôi quyết định
tham gia tranh cử để chiến thắng. Chúng ta phải đối mặt với thách
thức cộng sản cho dù cá nhân ông Lim có hiện diện trong chính
trường Singapore hay không…”
(Về buổi tiệc trà) “Ông ta vẫn chưa giải thích tại sao ông ta đi gặp
Huân tước Selkirk… Trong một giải thích đăng trên báo chí tiếng Hoa
ngày 29/7, ông ta nói rằng ông gặp Huân tước Selkirk vì lý do xã
giao, tạo ấn tượng rằng những buổi nói chuyện của ông với ủy viên
Anh chỉ thuần túy là giao tế. Mà không hề có một dịp lễ hội nào vào
ngày thứ Ba 18/7 đó cả. Và cũng không có người khách nào khác
ngoài ông Lim và các bạn hữu.”
Một giải thích sẽ được đưa ra sau đó, nhưng không phải từ Lim
Chin Siong. Trong một lá thư gửi tờ Straits Times ấn hành chín ngày
sau đó, 13/8, Woodhull trích lại đoạn đối thoại giữa Puthucheary với
Keng Swee sau cuộc bầu cử bổ sung Anson. Keng Swee đã nói với
Puthucheary rằng sự can thiệp của Anh là rất có thể xảy ra, rằng họ
sẽ không ngồi yên và nhìn phái thân cộng hủy diệt PAP; và nếu
nhóm lãnh tụ phe quốc gia bị công khai chống đối, PAP, về phần
mình, sẽ ngưng hoạt động và để mặc người Anh tiêu diệt phe thân
cộng.
Ngày hôm sau, Keng Swee, trong một lá thư, đã kể lại điểm chính
trong những đối thoại giữa ông ta và Puthucheary:
“…Sau cuộc bầu cử Anson, ông Puthucheary trở nên ngày càng bị
kích động, ông ta yêu cầu tôi, nhân danh tinh thần thuần lý, hãy
sửa đổi chính sách của chúng tôi và dung nạp Lim Chin Siong và
nhóm của ông ta. Một giải pháp khác tất sẽ đưa tới hủy diệt cho PAP
trong vai trò một lực lượng chính trị. Viễn tượng này khiến ông rất
nản chí và chấn động…
Chính trong lúc này, tôi đã bước vào một loạt những cuộc thảo
luận nghiêm túc, đôi khi còn căng thẳng và kích động, với ông
Puthucheary về tương lai của đảng và của đất nước. Tôi nói rằng tôi
biết Lim Chin Siong đã tung toàn lực tổ chức công đoàn của ông ta
để đánh bại PAP tại Anson. Tôi nói là tôi cũng biết toàn lực các cán
bộ công đoàn của Lim Chin Siong đã được triển khai để chống các ủy
viên tổ chức và thành viên các ban chấp hành chi bộ của chúng tôi,
và kết quả là một số lớn đảng viên đã rời bỏ hàng ngũ. Nhưng, như
tôi đã chỉ rõ, tình hình này không có gì mới. Điều tương tự đã xảy ra
năm 1957, khi các cán bộ công đoàn phát động cuộc tấn công vào
tổ chức của PAP và gần đi tới chỗ nắm được toàn ủy ban trung ương
đảng. Tôi nói rằng, vào năm 1957, hậu quả của cuộc tấn công của
phe thân cộng nhắm vào chúng tôi là đã vạch được một cách công
khai và rõ ràng sự khác biệt giữa các nhóm thân cộng và phi cộng
sản trong đảng. Trò phiêu lưu này đã cho người Anh một cái cớ để
thực hiện một đợt phản công lớn.”
Keng Swee nghĩ rằng nhóm thân cộng muốn gặp Selkirk vì họ xem
đây như một ám chỉ rằng người Anh sắp tung một đợt phản công lớn
nhằm vào họ. Trong một thư trả lời xuất bản ngày 21/8,
Puthucheary đưa ra một lý giải khác, lặp lại những gì Woodhull đã
nói: Điều mà họ tìm kiếm ở Selkirk là sự minh định một giả thiết mà
PAP đã nói rõ, cụ thể là không thể có một chính quyền nào khác với
các lãnh đạo hiện nay của PAP, rằng họ là nhóm duy nhất mà người
Anh sẽ cho phép nắm quyền. Nhưng những hàm ý thì thực ra vẫn
vậy: họ muốn một bảo đảm từ phía người Anh rằng họ có thể tiếp
tục các kế hoạch của mình mà không sợ bị trừng phạt.
Nhiều năm sau, vào năm 1982, Selkirk nói với một phóng viên
rằng Puthucheary đã điện thoại cho ông ta vào sáng thứ Ba 18/7
đó, để hỏi rằng ông ta (Puthucheary) cùng một hai người bạn có thể
tới gặp ông không. Selkirk đã đề nghị bữa trưa ngày hôm sau.
Puthucheary nói rằng vấn đề rất khẩn cấp và ông ta muốn gặp càng
sớm càng tốt nếu thuận tiện. Selkirk “đã miễn cưỡng mời họ tới
dùng trà” lúc 4 giờ chiều. Selkirk nói rằng điều cốt yếu mà họ hỏi
ông ta là:
“‘Phải chăng hiến pháp được soạn nhằm phục vụ Lee Kuan Yew
hay đó là một hiến pháp tự do?’ Tôi chỉ nói thế này: ‘Đó là một hiến
pháp tự do, hãy bám chặt vào đó và không bạo loạn ông hiểu chứ?’
Toàn bộ chỉ có vậy. Rồi họ ra về, sau đó tôi nói với Lee Kuan Yew,
trước cuộc thảo luận trong Quốc hội, rằng tôi đã gặp bọn họ.”
Nhưng tôi tin rằng họ không nhìn ra vấn đề. Selkirk chẳng phải
một nhà chính trị non kém. Ông ta hiểu ý nghĩa của bản tạm ước.
Đối với đại diện cao cấp của chính quyền Anh tại Singapore, việc
đích thân tiếp kiến Lim Chin Siong và Fong trong một giai đoạn
khủng hoảng trong đó tương lai của chính quyền bản xứ đang gặp
nguy cơ tức là đưa ra một tín hiệu có ý nghĩa nào đó. Nhóm thân
cộng hẳn sẽ lý giải điều đó như một công nhận rằng người Anh đã
sẵn sàng làm việc với Lim, một cựu tù nhân, người mà theo hiến
pháp 1958, đã bị cấm tham gia các cuộc bầu cử. Hơn nữa, không ai
trong số bốn người tới gặp Selkirk là dân biểu trong Quốc hội lập
pháp và do đó họ không có tư thế để biện minh cho bất kỳ một thảo
luận nào về việc thành lập một chính phủ mới. Tôi không thể chấp
nhận cách giải thích của Selkirk rằng ông ta đã gặp họ hoàn toàn vì
lịch sự ngoại giao, và chỉ đưa ra một câu trả lời đúng đắn về mặt
hiến pháp. Trong thâm tâm tôi vẫn hài lòng rằng ông ta đã làm như
thế. Bây giờ thì chúng tôi không còn kẻ nội thù nữa.
Keng Swee và tôi tin rằng bộ óc điều khiển đằng sau trò vận động
này không phải Selkirk mà là ủy viên phụ tá của ông ta, Phillip
Moore. Moore là một người có năng lực, nhanh nhạy và có óc thông
minh sắc sảo. Ông ta người to lớn, cao, có gương mặt thân thiện và
đôi mắt ưa cười. Có một điều gì đó gắn bó và cởi mở ở ông ta. Ông
thuộc giới trung lưu Anh và được học ở trường công. Ông từng là phi
công lái máy bay ném bom trong Thế chiến thứ hai và bị bắn rơi
trên lãnh thổ Đức vào tháng 12/1942 rồi trở thành tù binh cho đến
năm 1945. Sau đó, ông đi học ở Oxford và hẳn đã tốt nghiệp loại I
nếu ông không đi làm công chức trước kỳ thi tốt nghiệp. Ông ta có
huy chương danh dự của môn bóng rugby và từng chơi cho đội
tuyển Anh; điều này thể hiện ở vóc dáng thể thao vá tác phong
nhanh nhẹn của ông ta.
Moore và các thành viên khác trong Ủy ban Anh nhận thấy rằng
khó mà hiểu thấu các lãnh tụ PAP bởi vì nguyên tắc tự đặt ra và nêu
lên rất công khai của chúng tôi là các Bộ trưởng phải cắt giảm đến
tối thiểu việc tham gia các nhiệm vụ không chính thức (bên ngoài
chính phủ). Chúng tôi đã thấy các Bộ trưởng của Marshall và Lim
Yew Hock đã tham gia tiệc tùng đình đám và mất uy tín trước dân
chúng thế nào vì dân chúng coi họ là bọn chỉ lo leo cao trên bậc
thang xã hội. Moore tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách chơi
gôn với Keng Swee và tôi sau mỗi buổi họp của Hội đồng an ninh nội
chính để có dịp nói chuyện lâu hơn trên sân gôn cũng như trong lúc
giải khát sau đó. Ba mươi bốn năm sau, khi đã về hưu, Moore đã nói
với tôi rằng vào cuối năm nọ, ông đã cho rằng Goode đã chính xác
khi viết trong báo cáo rằng tôi chẳng phải một người cộng sản giấu
mặt mà là một người chống cộng giấu mặt. Báo cáo của Goode rất
quan trọng trong việc xác định chính sách của Anh vì Huân tước Ian
Wallace, lúc đó là thứ trưởng thường trực tại Bộ Thuộc địa tại
London, thượng cấp của Moore, sau khi nói chuyện với tôi gần ba
tiếng hồi năm 1961, cũng đồng ý với đánh giá của Goode.
Từ kho lưu trữ của Anh, tôi đã tìm ra tài liệu biện minh cho suy
luận của chúng tôi rằng người Anh đã dự định tách nhóm thân cộng
khỏi PAP, một báo cáo vào tháng 10/1961 của Phillip Moore gửi Ian
Wallace, đã đặt ra vấn đề Singapore và việc hợp nhất:
“Một khi Lim Chin Siong tin rằng dân chúng Singapore sẽ ủng hộ
việc hợp nhất, tôi e rằng ông ta có thể trở lại với chính sách lâu dài
ban đầu của MCP – một chính quyền xã hội chủ nghĩa cho toàn
Malaya. Cơ hội lật đổ Lee Kuan Yew và lập được một chính phủ do
cộng sản lãnh đạo tại Singapore trong tháng 7, có vẻ như ngàn
vàng đến độ Lim Chin Siong không cưỡng lại được.’’
Cái “cơ hội như ngàn vàng” mà Moore đề cập ấy là vụ bỏ phiếu tín
nhiệm xảy ra vào tháng 7. Việc Selkirk khẳng định: “Đó là một hiến
pháp tự do, hãy bám chặt vào đó và không bạo loạn, ông hiểu chứ?”
cũng chính là chủ trương của người Anh đối với Tunku, Thủ tướng
Malaysia. Cũng trong lá thư đề ngày 18/10 đó, Moore báo cáo rằng:
"Chúng tôi đã phải giải thích cho chính phủ liên bang rằng, miễn là
Barisan Sosialis hành động một cách hợp hiến, thì sẽ không có
chuyện bảo vệ Lee Kuan Yew bằng cách đơn giản là tống giam các
lãnh tụ Barisan Sosialis hoặc tạm đình chỉ hiến pháp Singapore". Nói
cách khác, người Anh chọn lập trường rằng, miễn là Barisan Sosialis
hoạt động hợp hiến, họ sẽ được tự do giành lấy chính quyền theo
kiểu hiến pháp cho phép.
Lim Chin Siong và các đồng chí đã xem lời mời dùng trà của Cao
ủy Anh và những điều ông ta nói với họ như một dấu hiệu rằng
người Anh sẵn sàng làm việc với họ, rằng họ sẽ không bị phong tỏa
vì người ta không muốn họ giành được chính quyền. Selkirk đã nói
rõ lập trường chính xác theo hiến pháp, còn họ thì suy diễn ra
những hậu ý và quyết định tiến hành việc giành lấy chính quyền,
thoát ly khỏi PAP và mưu việc gạt PAP ra khỏi chính quyền.
Quan điểm hợp pháp tưởng chừng đơn giản mà Selkirk nêu ra đã
đạt được ba mục tiêu. Thứ nhất, chính phủ PAP phải có biện pháp
ngăn chặn Lim Chin Siong và các đồng chí hoặc sẽ phải đối diện
nguy cơ bị họ lật đổ. Thứ nhì, quan điểm đó đem lại cho Lim và các
đồng chí một khả năng giành chính quyền. Thứ ba, nó cho Tunku
thấy những hậu quả cho Malaysia sẽ rất nghiêm trọng nếu ông ta
không cho Singapore gia nhập liên bang.
Một khi Tunku công bố kế hoạch của ông ta dành cho Singapore và
các lãnh thổ thuộc Borneo và tôi không chịu thuận theo lời kêu gọi
của Lim Chin Siong về việc giải tán Hội đồng an ninh nội chính và
thực thi những quyền tự do dân chủ hơn, ông Đặc mệnh đã quyết
định tiêu diệt PAP và tôi, bởi vì việc hợp nhất phải được ngăn chặn
lại bằng bất cứ giá nào. Điều này, nhiều năm sau đó, mới được tiết lộ
bởi Koo Young, thuộc viên của Lim trong tổ chức CUF, và cũng được
chính Lim Chin Siong xác nhận vào năm 1984 khi ông ta nói với Bộ
an ninh nội chính rằng ông ta đã gặp ông Đặc mệnh ba lần trong
khoảng cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, và tại một
trong những lần gặp gỡ ấy, phái tả đã được lệnh tách khỏi PAP. Rõ
ràng ông Đặc mệnh đã nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải e sợ trước sức
mạnh của phái tả, mà điều đó đúng là thế. Ông ta nghĩ rằng chúng
tôi là loại dân trung lưu, mềm yếu, có Anh học, ưa hưởng thụ kiểu
tiểu tư sản, mê rượu bia, thích chơi gôn, làm việc và ngủ trong
những phòng có máy lạnh và đi những chiếc xe hơi được điều hòa
không khí. Ông ta đã không thấy rằng những người tiểu tư sản theo
Anh học cũng có đủ chất thép để đương cự được với áp lực mà ông
đè xuống chúng tôi.
24
CÔNG KHAI LỰC LƯỢNG
Áp lực trong những tuần lễ sau khi tách ly với cánh tả thật căng
thẳng. Mỗi ngày, chúng tôi trao đổi những tuyên bố trên báo. Ngày
30/6/1961, 13 dân biểu PAP thoát ly thông báo thành lập một
Barisan Sosialis với những mục tiêu y hệt như của PAP: “Một
Malaya, bao gồm Liên bang Malaya hiện nay và Singapore, dân chủ,
độc lập, xã hội chủ nghĩa và không cộng sản”. Hầu như ngay lập tức,
những đường phân ranh tương tự cũng hình thành trong số các
nghiệp đoàn. Ngày 3/8, Sở đăng bạ hiệp hội cho giải tán Tổng liên
đoàn lao động sau khi Bộ trưởng lao động được khuyến cáo rằng các
nghiệp đoàn thân cộng và không thân cộng không thể cùng tồn tại
trong một tổ chức được nữa, do đó Lim Chin Siong đã tập hợp lãnh
tụ các nghiệp đoàn trung thành với ông ta – bấy giờ đã tới 82 – để
thảo luận việc thành lập một Liên hiệp các nghiệp đoàn Singapore
(SATU).
Tôi muốn hiểu tâm tư của quần chúng, để biết chúng tôi có rơi vào
một tình trạng tuyệt vọng như Lim Yew Hock khi ông ta tảo thanh
lực lượng cộng sản trong những đợt bạo loạn hồi tháng 10/1956
không. Nên Pang Boon, Ahmad Ibrahim và tôi tạm gác những công
việc chính phủ để đi thăm lại các cơ sở quần chúng của mình nhằm
trắc nghiệm phản ứng của dân chúng trước những biến chuyển bất
ngờ trong tình hình hiện nay.
Tôi đi một vòng đơn vị bầu cử Tanjong Pagar của mình, gặp những
người thường lui tới trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nói chuyện với
những người trong ban điều hành trung tâm cũng như các thủ lĩnh
quần chúng, dạo qua các con phố, thăm các cửa hiệu, chuyện trò
với người dân, và đến tối thì viếng nhà họ hoặc tán gẫu với họ trong
quán cà phê. Tôi cũng đến thăm những trung tâm sinh hoạt cộng
đồng ở các đơn vị bầu cử khác, và một số nghiệp đoàn không thân
cộng mà tôi đã hợp tác từ trước. Tôi thấy rằng các thủ lĩnh và các
thành viên không có vẻ thù địch. Những người trước đây từng hợp
tác với tôi nay vẫn còn thân thiện và ủng hộ. Phần lớn thì hoang
mang, một số thì sợ hãi. Không có ai tránh né tôi hay nghĩ tôi là kẻ
phản bội. Tôi không bị rơi vào tình thế tồi tệ như Lim Yew Hock trước
đây.
Trong vòng vài ngày, Pang Boon và Ahmad cũng báo cáo những
chuyện tương tự. Quần chúng đã không quay lại chống chúng tôi,
những tay hoạt động trước đây vẫn là những ủng hộ viên của chúng
tôi, nhưng nhiều thường dân đã lo ngại trước những biến chuyển
gần đây và bồn chồn về tương lai. Tôi không đến viếng những
nghiệp đoàn thân cộng. Họ hẳn sẽ cực kỳ thù nghịch, hay còn gây
căm hờn nữa.
Thoát khỏi những sự vụ hành chính, tôi đã có được thời gian để
thăm dò tư tưởng quần chúng, để suy ngẫm và vạch ra kế hoạch
hành động cho giai đoạn kế tiếp. Tôi đã hiểu ra rằng khi phải đối đầu
với những đợt tấn công hung bạo, tốt nhất là đỡ gạt những đòn tấn
công, giữ bình tĩnh và suy nghĩ lại về những điều căn bản. Quyết
định đã đưa ra không thể thu hồi khi chúng tôi tiến hành cuộc bỏ
phiếu tín nhiệm ngày 21/7. Việc tách ly với cánh tả đã thành công
khai, cuộc chiến đấu còn tiếp tục.
Chúng tôi không được phép quên điều đó. Lim Chin Siong đang
hoạt động đến hết công suất. Một khi cuộc bỏ phiếu đã tiến hành và
họ thấy không thể giành được chính quyền, phái khuynh tả đã nỗ
lực phá vỡ các chi bộ PAP và quyết định hủy hoại những chi bộ ấy.
Hai mươi trong số 25 bí thư chi bộ cùng ủy ban chi bộ của họ đã
bước sang hàng ngũ bên kia, mang theo các tài sản của chi bộ, kể
cả bàn máy chữ, bàn ghế đồ đạc và các máy may dùng cho các lớp
dạy may. Nhưng bây giờ chúng tôi có lực lượng cán bộ riêng và họ
không thể khống chế được đảng. Cùng với Pang Boon, tôi đi thăm
một vòng các chi bộ để giữ vững tinh thần cho các cơ sở và cho thấy
rằng, không như Mặt trận Lao động, chúng tôi không chịu bị thất
bại. Chúng tôi xoay xở thu hồi được một số tài sản cho các chi bộ.
Chan Chee Seng, tay dân biểu đai đen nhu đạo của chúng tôi, làm
công việc thừa phát lại. Ông ta không nao núng trước trò đe dọa,
lòng trung thành và can đảm của ông khiến cả hai chúng tôi quý
mến.
Trong giới nghiệp đoàn, Lim Chin Siong và các đồng sự đã làm hết
sức để kích động, tạo nên tình trạng hoang mang và bất mãn,
những tiền đề cho các cuộc đấu tranh quần chúng. Họ không thể
thuyết phục các viên chức chính quyền đi theo họ được, vì những
viên chức ấy đều hưởng nền giáo dục Anh hoặc Malay, nhưng họ có
thể thu nạp được những người trong Liên hiệp nhân dân (PA) hay Lữ
đoàn công chính do chính phủ thành lập, sử dụng những tay hoạt
động có Hán học mà trong đó họ đã cài sẵn những phần tử thân
cộng. Tôi biết họ sẽ làm như thế, nhưng tôi cũng đành phải cho lập
những tổ chức ấy nhằm tạo chỗ đứng trong khối dân Hán học.
Thanh lọc toàn bộ những phần tử này ra ngoài là việc không thể làm
được, một số vẫn có thể lọt qua. Điều mà tôi không dự liệu trước
được là họ, với một nhóm nhỏ, đã có thể xoay chuyển cả khối đông
một cách dễ dàng làm sao.
Chúng tôi đã xây dựng hai tổ chức ấy bằng nguồn lực của chính
phủ để mong thu hút được quần chúng. PA hiện đã có những liên hệ
với các bang hội, các nhóm văn hóa và dân sự, và khoảng 100 trung
tâm sinh hoạt cộng đồng. Tôi đã giao cho Chan Sun Wing, thư ký
trong quốc hội của tôi, phụ trách điều hành tổ chức này. Nhưng
Chan lại là một đảng viên MCP mà Jek Yeun Thong lầm tưởng rằng
có thể kiểm soát được. Thay vì thế, Chan đã tiến hành tuyển mộ
những người từ phong trào nghiệp đoàn và chi bộ PAP để tiếp tay
điều hành (và thâm nhập vào) các trung tâm sinh hoạt cộng đồng
và trung ương PAP. Ở Lữ đoàn công chính, một lực lượng có đồng
phục tập hợp khoảng 2.000 thanh niên thất nghiệp, mọi chuyện
cũng xảy ra tương tự. Theo kế hoạch, chúng tôi xây dựng trại cho
họ cư trú, huấn luyện họ thành một lực lượng khá kỷ luật, và giao
cho họ việc xây dựng đường sá ở nông thôn, đào kênh mương, hoặc
làm những công việc lao động chân tay khác. Nhưng Kenny, Bộ
trưởng lao động, đã giao cho thư ký chính trị của ông ta phụ trách
Lữ đoàn này. Viên thư ký đó chính là Fong Swee Suan, người đã
quay về với phía bên kia. Wong Soon Fong, dân biểu khu vực Toa
Payoh của chúng tôi, được yêu cầu hỗ trợ cho Kenny, hóa ra cũng là
một cán bộ trung kiên của họ và đã giúp Fong cài những người thân
cộng vào những vị trí chủ chốt của Lữ đoàn. Kết quả là những người
cộng sản đã có thể bẻ gãy cả hai tổ chức này.
Họ đã phá sạch những trung tâm cộng đồng như đã làm với các
văn phòng chi bộ PAP, đập gãy hàng rào và lấy đi các quạt máy,
dụng cụ nấu ăn và trang bị chơi thể thao. Họ cho người ngăn cản
người của Bộ lao động đến các trụ sở mới chuyển tới của PAP. Trước
khi cuộc đình công tàn đi vào tháng 11, họ đã dùng đến bạo lực, tấn
công những công nhân không tham gia đình công, làm bị thương
một người Malay và một công nhân người Hoa và xung đột với cảnh
sát.
Kenny mất vía trước cuộc biểu dương sức mạnh của Fong, mất vía
đến nỗi cho dù tôi đã bãi chức thư ký chính trị của Fong, Kenny vẫn
không dám có hành động chống lại ông ta, các nghiệp đoàn và Lữ
đoàn công chính. Đối đầu với người Anh, Kenny không sợ gì cả; đối
đầu với lực lượng cộng sản thì ông ta kinh hoàng. Tôi thảo luận vấn
đề này với Chin Chye, Keng Swee, Raja và Pang Boon, và kết luận
rằng chúng tôi cần một Bộ trưởng dũng mãnh hơn. Thế là tôi đổi chỗ
của Kenny và Ahmad Ibrahim, Kenny về Bộ Y tế nơi mọi chuyện yên
bình hơn, còn Ahmad, vốn là nhân viên cứu hỏa, chuyển từ Bộ Y tế
sang Bộ Lao động, ở cương vị này, sau đó, ông chứng tỏ mình không
hề sợ khủng bố. Ông ta cho giải thể Tổng liên đoàn lao động và có
biện pháp chống lại một số tay điều hành khuynh tả chủ chốt trong
Lữ đoàn công chính.
Việc này khơi dậy một cuộc nổi loạn. Tháng 11, những tay hiếu
chiến trong Lữ đoàn công chính kích động việc thành lập một nghiệp
đoàn, và 160 người vây quanh văn phòng ban chỉ huy trại. Họ đưa
ra một loạt yêu sách, trong đó có cả việc đòi thuyên chuyển viên chỉ
huy, và đến ngày 24/11, họ đốt xe đạp của ông này và của hai
người khác bị coi như ủng hộ viên của PAP. Chúng tôi kết án bảy
người trong bọn họ về tội phá rối. Họ thành lập một ủy ban hành
động, tổ chức mít–tinh phản đối, cho người phong tỏa các văn phòng
điều hành của Lữ đoàn công chính. Và tháng 12, sau khi ba trong số
các thủ lĩnh của họ bị sa thải, 180 người đã dựng hàng rào chướng
ngại cố thủ trại Paya Lebar.
Họ là một tổ chức bán quân sự có đồng phục với ít nhiều kỷ luật
đoàn kết và sẽ trở nên tai hại nếu họ đổ ra cướp bóc phá phách, nên
chúng tôi quyết định dùng đến quân đội Singapore, lúc đó chỉ có hai
tiểu đoàn, để chiếm lại khu trại và tái lập an ninh trật tự. Tôi muốn
quân đội phải tránh nổ súng hay bất cứ hành vi bạo lực nào gây
thương vong mà người cộng sản có thể khai thác để lôi cuốn quần
chúng ủng hộ. Nên tôi chỉ thị cho viên chỉ huy người Anh phải phô
diễn lực lượng thật hùng hậu để bọn gây rối không dám kháng cự.
Tôi nói nếu chúng ta có những đội quân người Gurkha thì tôi chắc
chắn không ai dám thách thức và Lữ đoàn công chính sẽ tan rã,
nhưng tôi không dám chắc những người chống đối kia có e dè
những binh lính Singapore không. Viên sỹ quan nói rằng sẽ chẳng
có vấn đề gì đâu và ra lệnh cho binh sĩ bao vây khu trại với súng có
gắn sẵn lưỡi lê. Đối mặt với cuộc phô diễn lực lượng này, 400 đoàn
viên của Lữ đoàn công chính đã tan rã không chút kháng cự nào.
Sau đó chúng tôi giải tán Lữ đoàn này.
Một lần nữa, họ thành lập ủy ban hành động và yêu cầu một ủy
ban điều tra. Nhưng đó chỉ là những nỗ lực gây đình trệ rất yếu ớt
so với cuộc xách động trong năm 1955 và 1956. Hai yếu tố đã ngăn
chặn họ là: thứ nhất, công luận có thể không đồng tình nếu họ cố
tình gây bạo động khi dân chúng chưa thấy phẫn nộ vì một chuyện
bất mãn nào đó, như chuyện đe dọa đối với nền giáo dục bằng tiếng
Hoa chẳng hạn; và thứ nhì, bạo động có thể khiến chính phủ có biện
pháp an ninh mạnh tay hơn đối với họ.
Trên mặt trận công nghiệp, tôi e Lim Chin Siong sẽ tổ chức gây bất
ổn với quy mô lớn nên đã cảnh giác trong một cuộc họp báo rằng
chúng ta có thể sẽ đối mặt với một tình trạng lặp lại của năm 1955–
56. Trong năm 1961, có 116 cuộc đình công, 84 cuộc trong số đó đã
xảy ra sau khi PAP tách bạch thành hai phái (ngày 21/7), và trong
15 tháng, từ tháng 7/1961 đến tháng 9/1962, đã có tới 153 cuộc
bãi công, một kỷ lục ở Singapore thời kỳ sau Thế chiến.
Đến lúc đó tôi đang đi đi về về Kuala Lumpur để thảo luận với
Tunku về việc hợp nhất, và trong những dịp tôi trở về bằng máy bay
rồi ngồi xe từ phi trường Paya Lebar về Dinh chính phủ hoặc nhà
riêng, tôi có thể gặp từ sáu tới mười nhóm những người đình công
và những cán bộ của họ, những công nhân lãn công đứng ngoài các
phân xưởng hay nhà máy với biểu ngữ và các nồi niêu xoong chảo.
Họ giam lỏng các chủ hãng, gây tai hại cho nền kinh tế, làm nản
lòng những nhà đầu tư và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Nhưng phản công một cách thiếu suy nghĩ thì chẳng ích gì. Tôi
nghĩ cứ để yên mọi chuyện thì tốt hơn và cứ lướt qua giai đoạn khó
khăn này cho đến khi chúng tôi thắng được phe cộng sản trong vấn
đề hợp nhất. Tôi cảm thấy yên tâm trở lại sau vài ngày đầu gặp gỡ
những thường dân trong đơn vị bầu cử của tôi, trong các trung tâm
cộng đồng và nghiệp đoàn. Chúng tôi giờ đã tách bạch khỏi phe tả
và có thể hành động dứt khoát để củng cố sức mạnh mà không phải
e dè là sẽ gây rạn nứt. Lim Chin Siong và các đồng sự của ông ta giờ
đã đứng riêng một bên rõ rệt. Tiến sĩ Lee Siew Choh trong vai trò
chủ tịch Barisan Sosialis cũng chẳng hơn gì tấm bình phong. Tổ chức
của họ có khả năng gây thiệt hại lớn cho chúng tôi nhờ các nghiệp
đoàn và lực lượng sinh viên học sinh người Hoa, nhưng nếu họ vượt
quá một giới hạn nào đó, những đại biểu Anh và Malay trong Hội
đồng an ninh nội chính sẽ buộc chúng tôi phá vỡ các tổ chức mặt
trận của họ và cho tống giam họ.
Tôi không quyết chí làm việc này lắm trước khi hợp nhất. Tôi muốn
Tunku nhận lấy trách nhiệm này sau khi chúng tôi gia nhập Liên
bang. Nhưng Sở đặc vụ thì muốn hành động ngay. Khi Hội đồng an
ninh nội chính họp ở Cao nguyên Cameron vào tháng 8, Selkirk đã
mở ra cuộc thảo luận khi hỏi ý kiến tôi về “Ý chí đề kháng của người
Hoa”, một tập tài liệu do các chuyên viên của Sở đặc vụ soạn thảo
trong đó nhấn mạnh nhu cầu phải khống chế các thủ lĩnh chủ chốt
của tổ chức cộng sản. Quan điểm của tôi thì khác. Tôi muốn phía
cộng sản giải thích rõ cam kết của họ về việc hợp nhất, và đánh bại
họ trong tranh luận công khai, điều mà tôi tin tưởng có thể làm
được. Tôi tin rằng các biện pháp chính trị, hơn là các biện pháp an
ninh, sẽ quyết định bên nào thắng.
Và bên thắng sẽ có tất cả. Người Hoa ở Singapore, cũng như người
Hoa ở mọi nơi khác tại Đông Nam Á, thường thích “ngọa sơn quan
hổ đấu” (ngồi trên núi xem hổ đánh nhau) cho đến khi thấy rõ gió
thổi chiều nào. Hiện tại họ không tin tưởng vào cơ may chiến thắng
của một PAP không cộng sản. Nên thậm chí họ sẽ ủng hộ một chính
phủ mà họ biết rõ là do cộng sản điều hành, nếu phe cộng sản có vẻ
sẽ thắng trong một viễn tượng lâu dài. Trong con mắt của họ, những
người cộng sản đã thắng thế. Vì lực lượng này được xem như những
cán bộ của một Trung Quốc đang lớn mạnh mà ảnh hưởng của nó,
họ tin rằng, chỉ trong vòng mười năm sẽ vươn tới tận Singapore.
Tôi trích dẫn trường hợp bốn viên chức giáo dục được chọn để biệt
phái sang Sở đặc vụ. Bây giờ họ cảm thấy rằng tương lai đã trở nên
bấp bênh, rằng biến chuyển bất ngờ của tình hình đã tăng rủi ro cho
nghề nghiệp và sẽ đưa họ vào phe thất thế. Họ đã từ chối lệnh điều
động. Tôi nhấn mạnh rằng chính người Anh đã góp phần tạo nên
tình hình này, vì khi Selkirk và các thuộc cấp càng quan hệ với phe
cộng sản và những ủng hộ viên triệu phú người Hoa của đảng này
như Tan Lark Sye, thì khối người Hoa lại càng tin rằng cộng sản sẽ
được phép nắm chính quyền.
Tan Lark Sye có tham vọng làm người kế tục Tan Kah Kee, vốn là
lãnh tụ xuất sắc của tổ chức Hoa tộc hải ngoại. Khi Tan Kah Kee chết
cách đây ít lâu tại Trung Quốc, đích thân Chu Ân Lai đã làm trưởng
ban tang lễ. Chính phủ Trung Quốc đã cho thấy họ đánh giá cao
nhân vật này, và qua việc hội đàm với người muốn kế tục sự nghiệp
của Tan, ủy viên Anh đã củng cố quan điểm rằng con đường đi tới
quyền lực đã mở rộng cho phái thân cộng. Đã có một sự thay đổi
quan điểm rõ rệt trong hai tờ báo tiếng Hoa tại Singapore. Cái chết
và đám tang của Tan Kah Kee được tường thuật kín hai trang trên tờ
Nanyang Siang Pau. Nếu Ủy ban Anh tính toán sai, một chính phủ
thân cộng sẽ có thể nắm quyền trong vòng sáu tháng nữa là nhiều
nhất. Người Anh sau đó có thể dùng vũ lực để thay đổi tình hình,
nhưng lúc đó ý chí đề kháng của người Hoa đối với cộng sản không
còn nữa. Nên khối quần chúng người Hoa này cần có ngay một tổ
chức lãnh đạo của Malaya.
Selkirk bác lại rằng theo hiến pháp, bổn phận của chính phủ
Singapore là cai trị, nhưng chính phủ đã tìm cách chuyển trách
nhiệm về an ninh nội địa cho Hội đồng an ninh nội chính. Tôi phản
bác bằng cách nói rằng hiến pháp đã dự liệu rất khôn ngoan rằng
chính người Anh sẽ chịu trách nhiệm tối hậu về việc sử dụng bạo
lực. Chính phủ Singapore có sức mạnh rất hạn chế, so ra thì cũng
chẳng hơn gì một khẩu súng hơi, và cũng không thể sử dụng được
nó.
Những tranh luận này đưa tới một cảnh tiến thoái lưỡng nan cho
cả ba chính phủ. Mỗi bên đều muốn hai phía kia phải gánh chịu búa
rìu dư luận. Các đại biểu của cả Anh lẫn Malaya muốn chính phủ
Singapore có hành động chống lại cộng sản, nhưng chính phủ
Singapore xác định rằng mình không thể làm việc này mà không
phương hại đến sự ủng hộ của khối người Hoa dành cho chính phủ.
Điều quan trọng hiện nay là phải chứng tỏ rằng cộng sản không thể
là người nắm quyền trong tương lai ở Singapore. Bởi vì chỉ đến lúc
đó chúng ta mới có thể tiến hành đầu phiếu cho việc hợp nhất. Và
tôi đã kết luận rằng điều này là tuyệt đối thiết yếu, vì hợp nhất
Singapore vào Malaysia không thông qua đầu phiếu là vô cùng tai
hại. Điều đó sẽ là bằng chứng cho thấy chúng tôi đã bán mình cho
chính phủ Malay ở Kuala Lumpur.
Tôi ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý hơn là phổ thông đầu phiếu
vì kết quả đầu phiếu khó mà ngã ngũ ở một vấn đề đơn lẻ là việc
hợp nhất. Nhưng để thu được một đa số ủng hộ việc gia nhập
Malaysia, tôi phải làm cho những người Hoa còn lừng khừng hiểu ra
rằng chính chúng tôi, chứ không phải những người cộng sản đang là
phe thắng thế. Chúng tôi không thể để họ nghĩ rằng chúng tôi có
nguy cơ thua cuộc, vì rất nhiều người trong số họ lúc đó sẽ bỏ phiếu
chống lại việc hợp nhất hoặc bỏ phiếu trắng với niềm tin rằng những
kẻ bỏ phiếu cho việc hợp nhất sau này sẽ bị cộng sản trừng phạt.
Ngược lại nếu chúng tôi thuyết phục được họ rằng việc hợp nhất là
tất yếu và lực lượng cộng sản không nắm được đa số để ngăn chặn
việc đó, dân chúng sẽ lý luận ra rằng những người ủng hộ cộng sản
sẽ gặp nguy cơ bị chính quyền liên bang trừng phạt, do đó tôi phải
tạo cho quần chúng một cảm giác rằng đây là một cơn sóng quá lớn
và mạnh mẽ đến độ chẳng cộng sản hay một lực lượng nào khác có
thể ngăn cản nổi. Tôi tin rằng nếu chúng tôi truyền đạt được điều
này, các thủ lĩnh người Hoa trong các phòng thương mại, các hiệp
hội văn hóa và trường học sẽ không theo Lim Chin Siong nữa. Ở
mức tệ nhất thì họ cũng giữ thái độ trung lập, còn mức tốt nhất là
họ thầm lặng ủng hộ hợp nhất.
Cách chắc ăn nhất để tạo nên cảm giác về sự tất yếu phải gia
nhập Liên bang Malaysia là làm cho dân chúng thấy rằng chính Lim
Chin Siong, Fong và các thủ lĩnh đối lập khác đã nhận thấy rằng họ
đang tiến hành một trận đánh vô vọng, nên tốt nhất là đừng đi theo
họ. Để nuôi dưỡng ấn tượng này, tôi cho rằng cần phải cho mọi
người một cái nhìn toàn cảnh, cái nhìn lịch sử về việc PAP và cộng
sản đã thành lập một mặt trận thống nhất như thế nào, tại sao Lim
Chin Siong và Fong đã không giữ cam kết chiến đấu cho một nền
độc lập thông qua việc hợp nhất với Malaya, và tại sao họ sẽ phải
thất bại.
Để nghĩ cho rốt ráo những vấn đề này, tôi cần yên tĩnh vốn là điều
không thể có được ở Singapore. Ngày 11/8, tôi bắt chuyến tàu lửa
đêm đi Kuala Lumpur, rồi đáp xe đi Chiny Lodge, khu nhà nghỉ của
chính phủ Singapore trên cao nguyên Cameron cách mặt biển chừng
2.700 mét, mang theo Choo và ba đứa con. Nhưng tôi cũng đem
theo trợ lý riêng là Teo Yik Kwee, vì tôi định đọc cho anh ta chép và
phác thảo một loạt những diễn văn khoảng 20 tới 30 phút mà tôi sẽ
đọc trên đài phát thanh Singapore, trình bày toàn bộ câu chuyện với
dân chúng.
Cao nguyên này mát, yên tĩnh và xa vắng, thật trái với bầu không
khí chính trị nóng bức ở Singapore. Nơi đó không có máy fax, cũng
không có điện thoại nối trực tiếp, và vì đường dây điện thoại thường
không rõ nên tôi để lại chỉ thị rằng đừng quấy rầy tôi trừ khi có
chuyện cực kỳ khẩn cấp. Nên tôi được ở yên tĩnh gần nửa tháng,
chơi rất nhiều ván gôn trên sân gôn 9 ở đây. Lúc tôi rời khỏi đó thì
tôi đã viết được tám bài diễn văn, nhưng tôi còu phải viết bốn bài
nữa trong khi ghi âm những bài kia. Trong quãng thời gian một
tháng, từ 18/9 đến ngày 9/10, tôi đã phát thanh ba lần mỗi tuần,
mỗi lần bằng ba thứ tiếng. Khi nói bằng tiếng Malay và Quan thoại,
tôi chỉ dùng được mức độ ngôn ngữ sinh hoạt hang ngày. Đó là một
công việc mệt nhọc. Có lần, nhân viên Đài phát thanh hoảng hồn
khi họ nhìn qua khung cửa kính phòng thu và không thấy tôi trước
máy ghi âm. Rồi một nhân viên nữ phát hiện tôi nằm ngửa trên sàn
trong tình trạng mà cô ta nghĩ là kiệt sức. Thực ra, tôi đã chủ ý nằm
xuống vì cho rằng đó là cách tốt nhất để phục hồi sức lực và nạp lại
năng lượng trong giờ nghỉ giữa những lần thu âm bài diễn văn bằng
ba thứ tiếng khác nhau.
Trong 12 bài nói chuyện ấy, tôi tóm tắt quá trình hình thành mặt
trận thống nhất với cộng sản từ năm 1954 khi PAP được thành lập,
những chuyện xảy ra sau đó, và tại sao xảy ra việc tách ly giữa hai
phái, dẫn đến cuộc tranh luận hiện nay về vấn đề hợp nhất. Tôi
muốn loại bỏ mọi hồ nghi cho rằng đây là một chiến dịch bôi nhọ
nhắm vào phái cộng sản và những người đã bỏ đảng PAP. Tôi đánh
giá cao những người cộng sản ở sức mạnh và lòng xác tín của họ.
Trong một buổi phát thanh, tôi đã nói:
"Chúng tôi đã rút ngắn được khoảng cách với khối dân nói tiếng
Hoa – một thế giới đầy sức sống, năng động và tiến hoá, một thế
giới mà người cộng sản đã nỗ lực giành lấy trong suốt 30 năm qua
với sự thành công đáng kể… Chúng tôi, những người cách mạng
theo Anh học, là những kẻ đến sau đang cố gắng khai thác cùng
một nguồn mỏ. Người cộng sản xem chúng tôi là xâm lấn vào lãnh
địa riêng của họ. Trong thế giới ấy chúng tôi đã biết được Lim Chin
Siong và Fong Swee Suan. Họ liên kết với chúng tôi trong PAP. Năm
1955 chúng tôi ra tranh cử. Thế là bắt đầu những bước đi của chúng
tôi vào những cấu trúc rối rắm và hệ quả phức tạp trong tổ chức
ngầm của cộng sản nằm trong các nghiệp đoàn và hiệp hội văn hóa.
Hoạt động trong thế giới này quả là một công việc kỳ lạ. Khi bạn
gặp một lãnh tụ nghiệp đoàn, bạn sẽ phải mau chóng xác định xem
ông ta ở phe nào, có phải người cộng sản hay không. Bạn có thể tìm
ra câu trả lời qua ngôn ngữ ông ta sử dụng và cách cư xử cho dù
ông ta có nằm trong hàng ngũ cán bộ có quyền ra quyết định hay
không… Tôi dần biết được độ chục người trong bọn họ. Họ không
phải những tay cơ hội hay bất lương. Nhiều người trong số họ sẵn
sàng trả giá bằng sinh mạng và tự do cá nhân của mình cho lý
tưởng cộng sản. Họ biết mình có thể bị tống giam nếu bị phát giác
và bắt giữ. Sau này nhiều người trong số họ phải vào tù trong
những đợt thanh trừng năm 1956 và 1957. Tôi thường gặp họ ở đó,
thảo luận về những kháng cáo của họ. Nhiều người bị trục xuất về
Trung Quốc. Một số lại là bạn bè của tôi. Họ tin rằng tôi phải đi theo
họ. Họ tin rằng sau cùng tôi cũng phải thừa nhận rằng cái mà họ gọi
là “nền dân chủ tư sản” không thể tạo ra một xã hội công bằng và
bình đẳng, và tôi sẽ phải thừa nhận rằng họ đúng.
Mặt khác, tôi thường dành nhiều giờ tranh luận với một số người
trong bọn họ, cố gắng chứng minh cho họ thấy rằng cho dù có gì
xảy ra ở Nga hay Trung Quốc, chúng ta vẫn đang sống ở Malaya và,
bất kể là chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội dân chủ, nếu
chúng ta muốn xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn tại
Malaya, chúng ta sẽ phải đưa ra một số quyết định căn bản, như
việc sẽ làm người Malaya, liên kết người Hoa và người Ấn và các sắc
dân khác với người Malay, xây dựng khối thống nhất quốc gia và
lòng trung thành với tổ quốc, và tập hợp mọi chủng tộc lại với nhau
thông qua một ngôn ngữ quốc gia.”
Tôi lý giải tại sao Malaya và Singapore là không thể chia tách:
“Mọi người đều biết những lý do tại sao Liên bang lại quan trọng
đối với Singapore đến vậy. Đó là vùng nội địa sản xuất thiếc và cao
su giúp nền kinh tế thương nghiệp của chúng ta hoạt động tốt. Nó là
cơ sở khiến Singapore trở thành một thành phố thủ đô. Không có cơ
sở kinh tế này, Singapore sẽ không tồn tại nổi. Không có hợp nhất,
không có thống nhất hai chính phủ và hòa nhập hai nền kinh tế, vị
trí kinh tế của chúng ta sẽ từ từ tàn lụi. Cuộc sống của các bạn sẽ
tồi tệ đi. Thay vì sẽ có một sự phát triển kinh tế chung cho cả
Malaya thì sẽ có hai hướng phát triển. Liên bang, thay vì hợp tác với
Singapore, lại cạnh tranh với Singapore để giành lấy sự bành trướng
và tư bản công nghiệp. Trong cuộc cạnh tranh này, cả hai đều bị
thiệt.”
Trong buổi phát thanh cuối cùng, tôi nhấn mạnh lại vấn đề: "Nếu
không có hạn hán ở Johor khiến Singapore thiếu nước dùng trong
ba tháng qua, hẳn phe cộng sản đã thay đổi đường lối của họ…
nhắm tới nền độc lập cho riêng Singapore. Nhưng thiên nhiên nhắc
cho họ nhớ ra sự vô cùng ngớ ngẩn của một chủ trương như thế.”
Năm đó là một thời kỳ rất khô hạn, chỉ có rất ít mưa và trời khô hạn
luôn từ tháng 6. Cuối tháng 8, áp lực nước giảm đột ngột khiến
nhiều nhà máy phải tạm thời đóng cửa và các khách sạn lớn chịu
ảnh hưởng nặng nề. Ba hồ trữ nước chính của chúng tôi hầu như
khô cạn –một trong những hồ đó ở Seletar đã có cỏ mọc kín đáy hồ.
Nước được phân theo chế độ trong sáu tiếng mỗi ngày. Chẳng cần
phải nhắc cho dân chúng nhớ rằng Singapore đã phải đầu hàng vào
năm 1942 vì Nhật đã chiếm những hồ dự trữ ở Johor. Chế độ nước
phân phối năm 1961 kéo dài đến tận tháng 1 năm sau. Các biến cố
đã phối hợp với nhau để góp phần thuyết phục dân chúng rằng hợp
nhất là một giải pháp hữu lý cho các vấn đề của Singapore.
Hồi đó vẫn chưa có truyền hình, nên những buổi phát thanh đã
đến được với đông đảo thính giả. Kết thúc loạt bài nói chuyện này,
tôi đã khiến hầu hết mọi người tin rằng tôi đã nói sự thật về chuyện
quá khứ – chuyện đấu tranh nội bộ, những phản bội, ông Đặc mệnh
– và tôi đã rất thực tế về tương lai. Tôi đã bảo vệ quyền lợi của họ.
Tôi đã kể một câu chuyện trong đó có phần chính họ đã trải qua gần
đây – những cuộc bạo loạn, bãi công, tẩy chay, tất cả gợi lại những
điều đáng nhớ trong óc họ – và tôi đã giải thích cho họ về những bí
mật từng khiến họ rối trí. Tất cả trông giống như tôi bước lên sàn
diễn nơi một nhà ảo thuật đang biểu diễn và lột trần mọi dụng cụ và
thủ thuật của ông ta bằng cách soi sáng những vùng tối mà khán
giả trước đây không chú ý. Những bài nói chuyện đã có tác động
mạnh, nhất là trong giới Anh học, họ xem đây là một sự tiết lộ
những bí mật. Một trong những thanh niên đã lắng nghe những buổi
nói chuyện này là Cheong Yip Seng, người sau này trở thành tổng
biên tập của tờ Straits Times. Ông ta nhớ lại:
"Những buổi phát thanh đã là một sự mở mắt thực sự cho một cậu
học sinh Trung học đệ nhị cấp Cambridge, đang lo lắng về công ăn
việc làm sau khi thi tốt nghiệp để an lòng cha mẹ. Những buổi nói
chuyện trên đài ấy đã bày ra một tương lai với những điểm sống
thực và trần trụi. Tôi chấn động vì sự thành thực của chúng, vì sức
mạnh của thứ ngôn ngữ đơn giản, sống động, phần lớn qua những
câu chuyện của người trong cuộc về cuộc đấu tranh trong nội bộ
mặt trận thống nhất chống thực dân.”
Những buổi phát thanh đó là một kinh nghiệm chưa từng gặp qua.
Nó không phải kiểu những bài nói chính trị thường gặp. Chúng bao
gồm những kinh nghiệm đời thực. Những điều đó đang xảy ra ngay
trong lúc chúng được kể ra trên đài. Ông Đặc mệnh là có thực. Mỗi
buổi phát thanh lại khiến thính giả căng thẳng và nóng ruột chờ đợi
buổi kế tiếp, theo cái kiểu người ta nóng lòng chờ đón chương trình
phát thanh võ thuật của Lei Tai Sor bằng tiếng Quảng Đông. Một bậc
thầy kể chuyện đang trình diễn. Nhưng đây không phải chuyện hư
cấu. Đó là chuyện sống và chết của những người Singapore.”
Ngay sau buổi nói chuyện cuối cùng của tôi vào ngày 10/10, John
Duclos, giám đốc Đài phát thanh, đã mời Lim Chin Siong tham gia 12
buổi diễn đàn truyền thanh để ứng với 12 buổi phát thanh của tôi.
Tất cả những người được đề cập trong các buổi nói chuyện ấy, có cả
Fong Swee Suan, Sidney Woodhull, James Puthucheary. Tiến sĩ Lee
Siew Choh và Tiến sĩ Sheng Nam Chin cũng được mời tham gia.
Duclos viết: “Bất kỳ tuyên bố nào của Thủ tướng trên đài phát
thanh, nếu sai sự thật và phương hại đến uy tín cá nhân bất kỳ ai,
đều có thể được đem ra đối chất.” Ngày hôm sau, Lim và Woodhull
đưa ra một tuyên bố với báo chí rằng họ muốn có được thời lượng
phát thanh tương đương cho 12 buổi nói chuyện của họ. Họ không
muốn có bất kỳ một chạm trán mặt đối mặt nào. Tôi đã đưa được họ
vào thế phòng ngự.
Những tổ chức của người Hoa theo đuổi lý tưởng cộng sản đã bày
tỏ sự giận dữ và căm thù thực sự của họ đối với tôi mỗi khi tôi đi
qua trụ sở của họ. Ngay cả những phóng viên người Hoa ủng hộ các
tổ chức ấy cũng bộc lộ cau có khi họ đến tường thuật các buổi họp
báo của tôi. Họ xem việc tôi phơi bày lai lịch, các phương pháp và
các dự định của họ như một hành vi phản bội. Còn tôi thì xem phản
ứng đó như bằng chứng về hiệu quả của những tiết lộ mà tôi trình
bày.
Phần thưởng cao nhất mà tôi nhận được là từ James Puthucheary.
Ông ta đến gặp tôi tại văn phòng ở Tòa thị chính sau khi các bài nói
chuyện ấy được in thành sách. Ông ta nói những bài ấy rất xuất sắc
và xin tôi một chữ ký vào một bản sách, và tôi đã ký. Tôi hỏi ông ta
có chuẩn bị tham gia diễn đàn với tôi không. Ông ta nhìn tôi, mỉm
cười, lắc đầu và nói: “Sau khi ông phơi bày mọi thủ thuật của sàn
diễn thì tôi chẳng còn cơ hội nào nữa.” Quan trọng hơn, ông ta đã
ngầm thừa nhận rằng những điều tôi tiết lộ về ông Đặc mệnh và
những người cộng sản đã đánh trúng đích. Tôi hài lòng là mình đã
giúp cho công chúng hiểu ra và thấy tin tưởng hơn vào các phương
án đấu tranh trong tương lai, có lẽ sau khi hợp nhất là thích hợp hơn
cả.
Trong nỗ lực hợp nhất, mọi chuyện cũng không đứng yên. Một hội
nghị Liên nghị viện khối Thịnh vượng chung được tổ chức ở
Singapore, với đại biểu của Sarawak, Brunei, Bắc Borneo và Malaya,
đã kết thúc với một thông cáo vào ngày 24/7, trong đó mọi người
tham dự cùng nhấn mạnh đến “sự cần thiết và tất yếu của một liên
bang Malaysia” và vì hình thức và tổ chức của liên bang cần được
thảo luận kỹ hơn, tất cả đã đồng ý thành lập một Ủy ban tư vấn
đoàn kết Malaysia để bảo đảm duy trì đà tiến tới việc hợp nhất. Mười
ngày sau, chính phủ Singapore và Malaya thông báo, sau một cuộc
họp tại Kuala Lumpur có Keng Swee tham dự với tư cách Bộ trưởng
Tài chính, rằng chúng tôi sẽ nhờ Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để nghiên
cứu cách thức thành lập một thị trường chung.
Tháng 8, Keng Swee và tôi có một buổi họp ba giờ đồng hồ với
Tunku và Razak để thỏa thuận các điều kiện hợp nhất. Ghazali bin
Shafie, thư ký thường vụ của Bộ Ngoại giao, cũng có mặt. Ông là
viên chức chủ chốt phụ trách các chi tiết của việc hợp nhất.
Tháng kế tiếp, tôi lưu ở Kuala Lumpur ba ngày với Tunku, thảo
luận những chi tiết kỹ hơn. Khi trở về Singapore vào giữa tháng 9,
tôi nói với báo chí rằng: “Việc hợp nhất đã rời bệ phóng và những
diễn biến mới nhất đã khiến nó đi vào quỹ đạo, và tháng 6/1963
được coi là thời điểm mục tiêu cho việc hạ cánh." Tôi đã dùng thứ
ngôn ngữ của thời đó vì mọi người đang xôn xao vì chuyến bay vũ
trụ ly kỳ của Liên Xô vào năm 1961 với phi hành gia Yuri Gagarin,
và vì những nỗ lực của Mỹ để đưa một phi thuyền có người lái vào
quỹ đạo trái đất. Về mặt tài chính, tôi lý giải rằng theo hiến pháp
liên bang, mỗi bang giao quyền về thuế quan, thuế tiêu thụ đặc biệt
và thuế lợi tức cho chính quyền trung ương, nhưng vì Singapore sẽ
kiểm soát giáo dục, lao động y tế và xã hội, chúng tôi sẽ nhận được
một tỷ lệ đáng kể từ nguồn thu này để tiến hành những trách vụ
trên. Do đó số đại biểu của chúng tôi trong nghị viện liên bang phải
được điều chỉnh lại, “nếu không chúng tôi sẽ đại diện cho chính
mình đến hai lần.”
Chin Chye đã viết thư cho lãnh tụ các đảng đối lập trong Quốc hội
để yêu cầu họ trình bày quan điểm về hai vấn đề chính nằm trong
bản thỏa thuận trên nguyên tắc, cụ thể là việc quốc phòng, ngoại
giao và an ninh sẽ nằm trong tay chính phủ liên bang ở Kuala
Lumpur, trong khi các chính sách giáo dục và lao động vẫn thuộc về
chính phủ Singapore. Ngày 29/8, các lá thư ấy được báo chí đăng
tải, Tiến sĩ Lee Siew Choh tuyên bố trong một thông báo có chữ ký
rằng 13 dân biểu thuộc Barisan sẽ chấp nhận:
“(1) Sự hợp nhất trọn vẹn và đầy đủ với Singapore với tư cách là
tiểu bang thứ 12 của Liên bang; hoặc (2) Như một giai đoạn đi tới
hợp nhất sau cùng, Singapore sẽ là một đơn vị tự trị trong một khối
liên hiệp. Trong trường hợp hợp nhất, đảng đòi hỏi Singapore được
gia nhập ngay vào Liên bang như một tiểu bang thành viên, mọi
công dân Singapore tự động trở thành công dân Malaya, Singapore
được đại diện theo tỷ lệ dân số trong nghị viện, có tổng tuyển cử ở
Singapore trước hợp nhất và tổng tuyển cử toàn Malaya sau hợp
nhất. Nếu như nằm trong một khối liên hiệp, đảng đòi hỏi tự trị trọn
vẹn cho Singapore trong các vấn đề đối nội, kể cả an ninh, trong khi
đối ngoại và quốc phòng vẫn trong tay chính phủ liên bang.”
Barisan đã chấp nhận đề nghị của Puthucheary rằng họ nên đòi
hợp nhất trọn vẹn với niềm tin rằng Tunku sẽ không đồng ý điều đó.
Keng Swee, Raja, Chin Chye, Pang Boon và tôi rất hài lòng. Họ đã
không bác bỏ chủ trương này; mà họ còn kêu gọi hợp nhất chặt chẽ
hơn mức chúng tôi trông đợi. Đó là một vấn đề lý tưởng để dựa vào
đó hình thành những câu hỏi cho cuộc trưng cầu dân ý: Dân chúng
muốn có kiểu hợp nhất nào?
25
TIẾN TỚI HỢP NHẤT
Chúng tôi cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9
về vấn đề hợp nhất với Malaysia. Thực hiện việc hợp nhất dựa trên
đa số phiếu trong Hội đồng lập pháp không phải là vấn đề chúng tôi
quan tâm; nhân dân sẽ cho rằng chúng tôi bán đứng họ dù các điều
khoản có bình đẳng hay không. Nhân dân phải được thông tin đầy
đủ, phải được giải thích rõ về các phương án chọn lựa rồi tự quyết
định. Hơn nữa, với cách làm này chúng tôi sẽ cho Tunku thấy là việc
hợp nhất không phải là điều đương nhiên.
Thứ đến là PAP phải nắm chính quyền để đạt được điều này. Vì
vậy, điều cần thiết nhất là phải chiếm đa số ghế trong nghị viện.
Mặc dù đa số ấy chỉ là 26 chống lại 25, tôi vẫn tin rằng khi thời điểm
quyết định đến, những thành viên phi cộng sản thuộc nhóm đối lập,
ngoại trừ Marshall (một phiếu) và có lẽ thêm Ong Eng Guan cùng
hai chiến hữu của ông ta – bây giờ là Đảng Nhân dân Thống nhất
(United People’s Party – UPP) – sẽ không thể ủng hộ Barisan. Trước
đó trong các bài nói chuyện trên đài phát thanh tôi cũng đã phân
tích tình hình dẫn đến cuộc xung đột hiện nay, nên ở thời điểm này
tôi có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc tranh luận của mình.
Chúng tôi giờ đây phải tìm cách làm cho những người cộng sản nói
rõ ra họ muốn hợp nhất theo kiểu nào, không để cho họ lẩn tránh
và đòi hỏi một Singapore độc lập. Nhưng họ vẫn tránh được. Sau khi
tách ra, trong nhiều tuần lễ họ tung hỏa mù, sử dụng chiến thuật trì
hoãn bằng cách thúc giục dân chúng trước tiên là phải tập trung vào
việc đấu tranh chống thực dân. Trước đám đông chục nghìn người
hò reo trong một cuộc mít-tinh ngày 13/8 tại sân vận động Happy
World đánh dấu việc thành lập đảng Barisan Sosialis, Lim Chin Siong
tuyên bố rằng chủ nghĩa thực dân là trở ngại lớn nhất đối với việc
hợp nhất giữa Singapore và Liên bang. Chính chủ nghĩa thực dân
Anh đã chia Malaya làm hai thực thể riêng rẽ. “Vì vậy, nếu chúng ta
tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến sự hợp
nhất, và nếu sự hợp nhất có nghĩa là thực sự tái thống nhất, chúng
ta sẽ vô cùng sung sướng ủng hộ nó.” Tiếng vỗ tay vang dội như
sấm hoan nghênh Lim khi ông ta nói bằng tiếng Malay và Hokkien
nhưng tôi không chắc là thính giả nhiệt thành đồng ý phần này
trong bài diễn văn. Sự tái thống nhất, dù thực hay không, sẽ làm
giảm đi sức mạnh của khối nói tiếng Hoa đang chiếm đa số và khiến
họ trở nên mong manh hơn trước các biện pháp an ninh.
Barisan không phải là yếu tố mơ hồ duy nhất. Người Anh đóng vai
trò chủ chốt trong vở kịch này bởi vì mọi thứ đều tùy thuộc vào sự
nhất trí của họ với Tunku, rằng ông này sẽ đóng một vai trò quyết
định về tương lai của Singapore. Điều đó không chỉ tạo “sự liên kết”,
mà còn làm cho sự hợp nhất là cần thiết. Philip Moore trong báo cáo
ngày 18/10 gửi cho Ian Wallace ở Vụ Thuộc địa ở London, đã viết:
“Dĩ nhiên không bao giờ có nghi vấn là chúng ta không sẵn sàng
để đối phó với vấn đề cộng sản ở Singapore trong giai đoạn trước
mắt, nhưng chúng ta phải thuyết phục Tunku rằng, về lâu dài, chỉ
một mình ông ta thôi trong bối cảnh hiện nay của dư luận quốc tế
cũng có thể giải quyết vấn đề Singapore… Chủ yếu là làm cho ông ta
đừng có ảo tưởng rằng trên một nền tảng mơ hồ, Singapore có thể
để lại cho người Anh một cách an toàn.”
Tôi tin rằng sau khi chúng tôi thất bại trong các cuộc bầu cử bổ
sung ở Hong Lim và Anson cũng như sau khi những người cộng sản
nỗ lực đẩy PAP ra để nắm chính quyền một cách hợp hiến, Tunku ắt
phải thấy rằng ông ta không còn cách nào khác ngoại trừ đưa
Singapore nhập vào Malaya với những điều khoản đặc biệt để khỏi
gây bất bình cho người Malay chiếm đa số trong các cuộc tuyển cử.
Tunku có thể muốn kiểm soát an ninh nội chính, quốc phòng và
ngoại giao. Ngày 27/10/1961 Tunku công khai tuyên bố rằng muộn
lắm là năm 1963 “hoàn toàn có thể là người Anh sẽ cho Singapore
một hiến pháp tạo dựng nền độc lập cho Singapore. Ngày Singapore
nhận nền độc lập, nó sẽ thiết lập các quan hệ ngoại giao với những
nước mà chúng ta chống đối. Sứ quán của các quốc gia như Trung
Quốc, Nga, Nam Tư và các quốc gia cộng sản khác sẽ được thành
lập. Lúc đó chúng ta sẽ có những người cộng sản ngay trước cửa
nhà mình.”
Nhưng Tunku sẽ phải trả giá cho việc nhận Singapore vào liên
bang. Vào hồi tháng 8, chính quyền của ông đã thông báo cho người
Anh trong 6 tháng phải rút ra khỏi Hội đồng an ninh nội chính.
Người Anh suy diễn rằng vì họ cần Malaya kiểm soát Singapore để
ngăn chặn cộng sản, nên Tunku sẽ đòi hỏi các lãnh thổ trên Borneo
phải được sáp nhập vào Liên bang trước. Dĩ nhiên tôi hiểu rằng vấn
đề là chọn thời điểm thích hợp. Nhờ những cuộc viếng thăm các lãnh
thổ thuộc Borneo để tiến hành các vụ kiện tụng, tôi biết rằng ý thức
chính trị của họ không cao và họ chưa có những nhà lãnh đạo. Tôi
đã để cho người Anh sắp xếp chuyện này và cho rằng họ đã dàn xếp
xong vấn đề này với Tunku.
Ngày 16/11, Tunku từ Singapore đi London để bàn về vấn đề
Malaysia với chính quyền Anh. Ông ta rất vui vẻ và tuyên bố với báo
chí rằng thật là an toàn khi cho rằng vấn đề Liên bang Malaysia đã
“ở trong túi”, điều đó có nghĩa là ba vùng lãnh thổ thuộc Borneo và
Singapore sẽ gia nhập Liên bang. Ông ta nhanh chóng nói thêm,
như tờ Straits Times tường thuật, với nụ cười cởi mở:
“Tôi muốn thành thật hơn. Tôi muốn điều đó ít nhất là phải xảy ra
đồng thời nếu không nhân dân Liên bang sẽ rất lo lắng. Trong Liên
bang, Singapore được coi là một loại đứa trẻ có vấn đề… Những đề
nghị về hiến pháp không phải là một sự hợp nhất hoàn toàn. Đúng
hơn, nó chỉ là một hình thức liên kết rất chặt chẽ.”
Nhận xét này làm cho công việc của tôi khó khăn hơn.
Ở London, sau khi nói chuyện với Macmillan chỉ trong 80 phút, ông
ta rất vui khi nói với giới báo chí: “Chúng tôi không cần phải đợi cho
đến năm 1963.”. Trong một tuyên bố chung ngày 22/11, chính
quyền Anh và Malaya nói: “Các vị Bộ trưởng rất hài lòng về Hiệp
định khung mới đây giữa chính phủ Malaya và Singapore về việc hợp
nhất Singapore vào Liên bang”. Tại sao Tunku thay đổi ý kiến như
thế? Macmillan đã thuyết phục được ông ta và trên thực tế đã hứa
hẹn với ông ta về các lãnh thổ Borneo, điều này tùy thuộc vào các
kết luận của một ủy ban để xác định ý muốn của người dân.
Ở Singapore, chúng tôi đệ trình lên Hội đồng lập pháp những ý
chính của Hiệp định khung về sự hợp nhất:
“Singapore sẽ có 15 ghế trong Hạ viện liên bang và 2 ghế trong
Thượng viện.
624.000 công dân Singapore sẽ không mất quyền công dân mà họ
hưởng ở Singapore. Với sự hợp nhất, họ sẽ tự động biến thành công
dân của Liên bang và mang cùng hộ chiếu như những công dân
khác của Liên bang. Họ sẽ có cùng các quyền lợi, cùng hưởng sự bảo
vệ, có chung những nghĩa vụ và trách nhiệm.
Quy chế tự do cho cảng Singapore vẫn được duy trì.
Đường lối chung và sự điều hành chính phủ Singapore vẫn như
trước đây, do nội các gồm Thủ tướng và những Bộ trưởng được chọn
theo sự tiến cử của Thủ tướng thực thi… Hội đồng lập pháp hiện nay
của Singapore vẫn tiếp tục là Hội đồng lập pháp bang, nhưng nó
không có quyền ban hành các đạo luật có liên quan tới quốc phòng,
ngoại giao, an ninh và ‘các vấn đề liên bang khác’.
Singapore sẽ tự trị về giáo dục, các chính sách về lao động và nói
chung sẽ giữ được quyền hành của bang rộng rãi hơn so với các
bang khác trong Liên bang.
Singapore sẽ giữ lại một phần lớn lợi tức của bang.
Vị trí đặc biệt của những người Malay là công dân Singapore sẽ
được bảo vệ.”
Ngày 20/11 Ahmad Ibrahim đưa ra đề nghị rằng: “Nghị viện xác
nhận rằng mục tiêu đầu tiên của những người yêu nước Malaya là
đạt được sự thống nhất hai lãnh thổ này trong sự hợp nhất
Singapore và Liên bang Malaya.” Đảng Barisan ở trong tình trạng
tiến thoái lưỡng nan. Họ thấy rằng tiến trình đi tới hợp nhất thành
Malaysia đang gia tốc và dường như không thể ngăn chặn được, vì
thế họ cố gắng trì hoãn. Tiến sĩ Lee Siew Choh phát biểu suốt bảy
tiếng rưỡi trong hai ngày. Sau nửa giờ đầu tiên, ông ta bắt đầu nói
vớ vẩn. Ông ta có một đội những người viết mướn nằm lì trong
phòng của các đại biểu đối lập tuôn ra hàng ram giấy lặp đi lặp lại
những điều nhảm nhí. Thậm chí ông ta còn không thể đọc những
điều mà họ viết cho mình. Chúng tôi tự hỏi không biết ông ta mong
đạt được lợi lộc gì khi trì hoãn chương trình nghị sự trong một hai
ngày ấy bởi vì chúng tôi không hề bị hạn chế về thời gian. Cuối cùng
Chin Chye, tôi và các Bộ trưởng khác đứng dậy hỏi vị Chủ tịch nghị
viện, ngài George Oehlers, là liệu Tiến sĩ Lee có được phép tự lặp đi
lặp lại mãi những điều đó không. Nhưng Oehlers không có can đảm.
Chúng tôi rất kinh ngạc là những người cộng sản lại có thể tiêm vào
ông ta nỗi sợ hãi đến độ ông ta lờ đi mọi luật lệ và để cho Barisan
làm đình trệ cuộc thảo luận. Chúng tôi quyết định rằng nếu thắng
cử trong cuộc bầu cử tới, chúng tôi phải chọn vị chủ tịch can đảm
hơn.
Tiến sĩ Lee nói lan man đến độ ông ta chôn vùi đi một số vấn đề
khá hay dưới một núi những điều vụn vặt. Một trong những điều
đáng kể ra nhất là Singapore không đồng ý có đại diện tại nghị viện
liên bang tỷ lệ với số cử tri của mình. Ông ta nói rằng Singapore nên
có 25 đến 30 trong số 100 đại biểu. Tôi giải thích rằng tôi đã đòi 19
ghế nhưng Tunku không nhượng bộ quá 15 ghế, con số dành cho
những trung tâm đô thị như Kuala Lumpur và Malacca.
Khó khăn chính của tôi không phải là điều này hay vấn đề hợp
nhất hoàn toàn, điều mà người dân Singapore không muốn. Vấn đề
là quyền công dân. Tiến sĩ Lee miêu tả Liên bang như người đã lấy
thêm ba người vợ ở Borneo, trong khi Singapore không phải là người
vợ thứ tư mà chỉ là tình nhân. Con cái của người tình nhân này sẽ bị
coi là bất hợp pháp, không có tư cách công dân Liên bang. Điều này
có ảnh hưởng lớn. Việc nghi ngờ rằng “cư dân Malaysia” (Malaysian
national) không giống như "công dân Malaysia” (Malaysian citizen)26
tạo ra rất nhiều khó chịu và tạo cho Barisan một chủ đề lý tưởng,
qua đó họ tăng cường được chiến dịch gây rối mà họ vốn đã quyết
tâm tiến hành. Như tôi đã giải thích tại cuộc họp báo ngày 15/10
rằng trong điều kiện hợp nhất trọn vẹn, trong khi những công dân
sinh ở Singapore tự động trở thành công dân Liên bang thì những
người khác – có khoảng 327.000 người sinh ở Trung Quốc, Ấn Độ và
ngay cả ở Malaya – trước hết phải thỏa đáp những quy định về cư
trú của Liên bang và phải vượt qua được kỳ thi tiếng Malaya trước
khi trở thành công dân của Liên bang. Sự khác nhau là, theo hiệp
ước giữa chúng tôi với Tunku, tất cả các công dân Singapore sẽ trở
thành “cư dân liên bang”. Đó chính là “sự dàn xếp đặc biệt” tốt nhất
mà tôi có thể nhận được từ Tunku.
Cộng sản đã phát động một cuộc phản công kiên quyết mặc dù về
căn bản, vị trí của họ là yếu kém, họ từ bỏ việc kêu gọi hợp nhất
hoàn toàn để chuyển sang nhấn mạnh rằng nhân dân Singapore sẽ
trở thành công dân hạng hai. Mặc dù Keng Swee phản bác tiến sĩ
Lee về vấn đề này, chỉ ra rằng họ có thể bầu đại diện của mình vào
nghị viện liên bang và có thể ứng cử, ông ta cũng lo sợ hậu quả của
việc tuyên truyền này ảnh hưởng đến những người ủng hộ chúng
tôi.
Sau 13 ngày thảo luận tẻ nhạt và lặp đi lặp lại, cuộc bỏ phiếu vào
ngày 6/12 là 33 thuận (bao gồm 2 UMNO, 3 SPA và 1 độc lập), 18
vắng mặt, không có phiếu chống. Barisan chọn lựa việc vắng mặt
hơn là bỏ phiếu chống lại Hiệp định khung sau khi họ đã cam kết
ủng hộ hợp nhất. Ngày 24/1/1962, người ta thảo luận kiến nghị thứ
hai để ủng hộ trên nguyên tắc kế hoạch do Tunku đề nghị thành lập
Liên bang Malaysia gồm 11 bang của Malaya, các bang Singapore và
Brunei và các lãnh thổ Sarawak và Bắc Borneo. Kết quả cuộc bỏ
phiếu ngày 30/1 là 35 phiếu thuận (PAP, UMNO, SPA), 13 chống
(Barisan), 3 phiếu trắng và 3 vắng mặt. Ong Eng Guan và Marshall
không còn là vấn đề đáng quan tâm nữa. Họ muốn chống kiến nghị
này nhưng sợ rằng họ sẽ bị đối xử như những người cộng sản nếu
Malaysia thành công và Tunku nắm chính quyền. Vì thế họ chọn
phiếu trắng hoặc chọn vắng mặt để tránh xung đột với Tunku.
Cuộc thảo luận bị gián đoạn do các học sinh trung học người Hoa
tẩy chay kỳ thi. Ngày 29/11, Lee Khoon Choy, thư ký thường vụ của
Bộ Giáo dục và là ủy viên trật tự trong nghị viện đụng đầu với một
nhóm người ngăn không cho ông vào tham dự cuộc họp của Hội
đồng lập pháp. Raja lập tức đưa ra một kiến nghị cho quốc hội để
kêu gọi cảnh sát bảo đảm rằng những người chịu trách nhiệm phải
bị xử lý theo luật. Khi kiến nghị được thông qua với tỷ lệ 43/3,
Barisan cho giải tán những người đang đứng ngăn chặn bên ngoài.
Vấn đề thi cử đã là một vấn đề nhức nhối từ tháng 6 khi Bộ trưởng
Giáo dục đề nghị hệ thống thi cử phải được thực hiện đồng bộ ở các
trường dạy bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Malay và Tamil. Điều đó
có nghĩa là một sự thay đổi cho học sinh người Hoa. Trước kia, họ có
thể thi rớt trong kỳ thi tiểu học nhưng vẫn tiếp tục học lên trung
học, bây giờ chúng tôi yêu cầu họ phải thi đậu bậc tiểu học trước khi
học tiếp lên bậc trung học để lấy bằng cấp cao hơn. Những người
ủng hộ cộng sản chống lại hệ thống mới này và đẩy vấn đề trở nên
nóng bỏng khi 300 người trong số họ phong tỏa các trung tâm thi và
tạo nên một hàng rào người không cho các học sinh vào dự thi trong
các ngày 27 và 28/11.
Đây là một phần của tình trạng gây rối mà những người cộng sản
tìm cách tạo nên. Họ muốn kéo các học sinh vào cuộc như đã từng
làm để chống lại Lim Yew Hock. Nhưng chúng tôi không sử dụng lực
lượng cảnh sát để giải tán đám người ngăn chặn. Thay vì thế, chúng
tôi bảo các bậc cha mẹ rằng nếu con em họ thi rớt, chúng phải mất
đi một năm mới có thể thi lại và chúng tôi nhờ cảnh sát bảo vệ đưa
chúng đi qua nhóm người ngăn chặn. Kết quả là 60% tham dự kỳ
thi. Báo chí, bao gồm báo tiếng Hoa, đăng những hình ảnh cha mẹ
và học sinh được cảnh sát hộ tống đi lọt qua đám người ngăn chặn
che nửa dưới mặt bằng khăn tay theo kiểu băng đảng để tránh các
máy chụp hình của Sở đặc vụ. Tôi không bao giờ cho phép cộng sản
khai thác văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ của người Hoa, và ở điểm
này tôi đạt được thế mạnh nhờ con cái tôi cũng được học bằng tiếng
Hoa. Như thế tôi đã làm cộng sản mất đi một vũ khí mạnh để chống
lại tôi. Họ có thể tấn công cái bản chất trung lưu tư sản của tôi
nhưng không thể bôi nhọ tôi, như đã từng làm với Lim Yew Hock,
như một kẻ thù hủy diệt nền văn hóa Trung Quốc.
26
HIỂU ĐƯỢC TUNKU
Tunku từ chuyến đi London trở về trong trạng thái vui tươi. Ông ta
đang mở rộng lãnh thổ. Ông ta sẽ sáp nhập Singapore theo những
điều khoản cho phép ông ta duy trì được đa số người Malay và
quyền thống trị Malay mà ông đã thành lập trong Liên bang. Ông đã
vượt qua nỗi sợ thâm căn cố đế về việc phải thu nhận nhiều người
Hoa hơn.
Vào giữa tháng 12, tôi lưu lại Kuala Lumpur 4 ngày, lần này tôi ở
tại tư dinh của ông ta. Tôi đi một mình thực hiện cuộc đối thoại tay
đôi – không có viên chức nào, không có Bộ trưởng nào, không có ai
ghi chép. Đó là cách Tunku cảm thấy thoải mái nhất bởi vì ông luôn
luôn ưa thích sự mềm dẻo khi thực hiện các thỏa ước với đối tác.
Sau các cuộc thảo luận, tôi tuyên bố với báo chí rằng ông ta muốn
thành lập Malaysia vào tháng 8/1962 để ngày kỷ niệm sẽ rơi vào
một ngày thuận lợi. Số 8 là số hên của ông ta vì thế ông chọn ngày
31/8 là ngày Độc lập. Tháng 8 là tháng thứ tám27, còn 31 là 3 cộng
1, nghĩa là 4, hay một nửa của 8, Tunku giải thích như thế.
Sau này, từ người bạn cũ của ông thời sinh viên ở Cambridge, Tiến
sĩ Chua Sin Kah, tôi biết rằng ông thích tôi lưu trú tại tư dinh bởi vì
ông ta muốn biết tôi là loại người như thế nào, cùng với các thói
quen và tính cách. Và ông ta đi đến kết luận là tôi “chẳng phải là gã
tồi”. Tôi hát trong phòng tắm và ông ta tán thưởng những bài tôi hát
như bài Burung Kakaktua của Indonesia lúc ấy là một bài hát rất
được ưa thích. Tôi chơi gôn và xì phé. Tôi uống bia và rượu mạnh.
Hennessy là loại rượu ưa thích của Tunku. Ông ta xác định tôi không
phải là một tên cộng sản nguy hiểm. Thực ra tôi rất có tính người và
là một người bạn đồng hành dễ mến – trẻ trung, khá là thông minh
đối với những sở thích của ông nhưng lúc nào cũng đầy những ý
kiến không phải là không hay. Tôi hòa hợp được với ông. Một thuận
lợi lớn là tôi có thể nói tiếng Malay, và tôi hoàn toàn thoải mái khi
nói chuyện với vợ ông, bà Puan Sharifah Rodziah, một phụ nữ Malay
lai Ả Rập thường được gọi trìu mến là Engku Pah cũng xuất thân từ
Kedah, bang quê hương của Tunku. Để thêm ấn tượng rằng tôi có
thành phần xuất thân hoàn chỉnh, Choo cũng nói giỏi tiếng Malay.
Điều này chứng minh với ông ta rằng trong tâm hồn chúng tôi là
người Malay, không phải là những người Hoa có óc dân tộc hẹp hòi.
Để đàm phán với Tunku cần phải có một tính khí đặc biệt. Ông ta
không thích ngồi tham gia đàm phán trực diện sau khi đọc xong hồ
sơ của mình. Ông ta thích dành những chi tiết tẻ nhạt cho Razak,
người phụ tá của mình – một nhân vật có năng lực, chăm chỉ và tỉ
mỉ – và tự giới hạn mình trong việc ra những quyết định lớn, thu
xếp chiều hướng của các diễn biến. Lúc nào chúng tôi và những viên
chức Malay gặp bế tắc về vấn đề nào đó và không thể nhờ tới vị Bộ
trưởng có liên quan hay Razak giải quyết bế tắc ấy, tôi phải đến
Tunku. Điều này có nghĩa là phải đưa vấn đề này vào giữa các cuộc
nói chuyện dài lê thê, không mục đích về tình hình thế giới, giữa các
cuộc tán gẫu và những bữa cơm trưa, mà ông ta thường đích thân
nấu món cừu quay hay thịt bò quay – ông thích nấu ăn và nấu ăn
rất ngon. Sau bữa trưa, ông luôn luôn ngủ một giấc, còn tôi thì ra
Câu lạc bộ Gôn Royal Selangor tập dượt vài đường trong khi đợi ông
ta thức dậy. Khoảng 4 giờ 30 chúng tôi chơi gôn và giữa các buổi
chơi ấy hay trước giờ cơm chiều khi ông ta đang ở trong trạng thái
thích hợp, tôi sẽ đưa vấn đề ấy ra. Bằng cách này, một vấn đề có
thể cần đến 4 ngày ăn, uống rượu, chơi gôn, tháp tùng ông ta đi dự
tiệc hoặc đi ăn cưới. Trong vài trường hợp, tôi cùng ông ta đi
Penang, Ipoh hay cao nguyên Cameron để đợi lúc thích hợp.
Ông ta tính tình trầm tĩnh, gần như luôn luôn bình thản, và lặng
lẽ. Nhưng ông có thể sẽ trở nên khá sôi động khi cảm thấy nguy
hiểm. Ông ta bảo tôi rằng ông không bao giờ cho phép ai đẩy ông ta
đến một quyết định bởi vì khi ông không bình tĩnh và thoải mái, ông
có thể phạm sai lầm. Nếu bị thúc ép, ông ta sẽ hoãn quyết định.
Nhưng chẳng bao lâu tôi biết rằng trước kia ông ta đã làm thế, rồi
không bao giờ nhìn lại.
Các viên cao ủy làm việc giỏi ở Kuala Lumpur là những người ý
thức được điều này, nhất là Tom Critchley của Úc và Geofroy Tory
của Anh. Họ chiều ý ông, chơi gôn và xì phé với ông. Critchley có
thể thua vài trăm đô ở các cuộc chơi xì phé trong mấy tháng – một
số tiền không lớn, nhưng cũng không phải nhỏ. Tunku thích thắng
hay nói đúng hơn là không thích thua. Đó là một phần của nền giáo
dục hoàng gia của ông. Tôi không phiền hà gì điều đó bởi vì mục
đích của tôi là làm rõ được những điểm trong thỏa ước, nhưng tôi đã
tước đi của ông cái cảm giác thỏa mãn do chiến thắng mang lại vì
đầu óc tôi không chú ý đến ván bài. Có một lần khi tôi đã thua vài
trăm đô sau khi nhận cú điện thoại thứ ba từ Singapore, ông ta nói:
“Kuan Yew, hãy chú ý đến việc chơi bài. Tôi không thích ăn anh khi
đầu óc anh không tập trung. Công việc có thể đợi đến sáng mai”. Tôi
cười và nhớ đến các cuộc đàm phán ở London năm 1956 và Lennox–
Boyd viết trả lời một bức điện trong khi đang nghe David Marshall
nói chuyện. Tôi nói: “Tunku, khi tôi đến nghe điện thoại, tôi biết
rằng ông tố 15 đôla, tôi nghi ông có ba con già mà tôi lại không có
bài để theo, vì thế tôi phải chạy”. Ông ta không chịu lý lẽ đó. Ông ta
chỉ muốn thắng sau khi tôi đã cố gắng hết mức.
Các bạn của ông cũng chiều ông. Khi con ngựa của ông thua trong
một cuộc đua, một người trong nhóm thường móc từ trong túi ra
mấy chiếc vé và nói: “Tunku, tôi mua mấy vé này cho ông. Tôi biết
ông không đánh cá con ngựa này khi ngựa của ông đang chạy,
nhưng tôi biết nó sẽ thắng, vì vậy tôi mua cho ông.” Tunku thường
thắng cá ngựa vài trăm đôla khi ra về mặc dầu ngựa ông thua. Điều
đó làm ông ta rất vui.
Ông ta cũng là con người dễ thương. Nhưng là một ông hoàng, ông
hiểu rõ quyền lực và biết cách sử dụng nó. Ông ta không có vẻ hùng
hổ đe dọa, nhưng có nhiều tay chân để thực hiện công việc giùm
ông trong khi ông ngó lơ và giữ vẻ hiền từ như mọi khi. Nếu ông ta
không tin ai, ông ta sẽ chấm dứt mối quan hệ với người đó. Nếu ông
ta tin anh và anh không để ông ta mất niềm tin thì, theo truyền
thống hoàng gia, ông luôn tìm cách giúp đỡ, như ông đã làm với Lim
Yew Hock. Khi Lim rời chức vụ, ông cử Lim làm cao ủy tại Úc. Lúc
Lim tự làm mất tư cách ở Úc khi ở lì trong hộp đêm thoát y vũ trong
mấy ngày làm cho cảnh sát phải đi tìm rồi phải từ chức thì Tunku tìm
cho ông một việc khác trong tổ chức Hồi giáo ở Jeddah (Lim đã đổi
theo đạo Hồi). Đó là cách ông giúp bạn bè trong cơn hoạn nạn.
Và may mắn thay ông ta đã có thiện cảm với vị trí đầy nguy hiểm
của tôi ở Singapore. Những người đối lập tấn công chúng tôi không
ngừng. Chúng tôi gặp xung đột chủ thợ quanh năm mặc dầu không
có bạo loạn hoặc xung đột giữa cảnh sát và công nhân. Vào ngày
11/1/1962, nhóm đối lập ở Dewan Rakyat, Hạ viện ở Kuala Lumpur,
đặt ra cho Tunku một vấn đề gai góc là liệu cái gì sẽ xảy ra sau khi
hợp nhất bởi vì các lãnh đạo nghiệp đoàn Singapore, khác với những
lãnh đạo nghiệp đoàn ở Malaya, dường như “phát triển trong hỗn
loạn”. Tunku trả lời rằng trong một tháng Singapore có nhiều cuộc
đình công hơn ở Malaya trong 3 năm, nhưng ông ta sẽ cố gắng giảm
số lượng các cuộc đình công và tăng hạnh phúc cho người dân ở đó,
rồi cười và nói: "Tôi không biết chúng ta sẽ thực hiện điều đó như
thế nào nhưng Bộ trưởng phụ trách an ninh nội chính của chúng ta
nói ông ta sẽ làm được điều đó. Toàn thể quốc gia này đồng ý với
ông.”
Đây là con dao hai lưỡi. Nó có ích khi cho những người do dự ở
Singapore thấy rằng Tunku tin tưởng sự hợp nhất đang đến gần và
rằng sau hợp nhất ông ta sẽ giải quyết vấn đề cộng sản thông qua
Ismail, nhưng nó cũng có hại vì nó thúc đẩy Barisan hành động
trong tuyệt vọng để ngăn chặn hợp nhất. Tuy nhiên, Barisan không
quay trở lại bạo động. Nó đặt hy vọng sẽ làm cho cử tri người Hoa
bỏ phiếu chống lại hợp nhất dưới bất kỳ hình thức nào bằng cách
khiến họ sợ hãi về viễn cảnh thân phận “công dân hạng hai”.
Để đối phó với vấn đề này, các nhà lãnh đạo truyền thống của
cộng đồng nói tiếng Hoa (kể cả những lãnh đạo của Phòng Thương
mại Hoa kiều) đề nghị tôi nói chuyện với các thành viên của mình.
Tôi đồng ý và vào ngày 13/1 tôi gặp gỡ hơn một nghìn đại biểu đại
diện cho các bang, hội đoàn tại thính đường Victoria Memorial. Chủ
tọa buổi gặp gỡ này là chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp
Hoa kiều ở Singapore, một doanh nhân ngành cao su thành công,
51 tuổi, tên là Ko Teck Kin là một người e ngại cộng sản. Ông ta đầu
tư ở Malaya là nơi trồng nhiều cao su và sẽ không ngả theo cộng
sản. Sau này khi tôi biết rõ ông nhiều hơn, tôi thấy ông là một người
có đầu óc và quan tâm sâu sắc đến cộng đồng người Hoa ở
Singapore mà ông cảm thấy rằng nhiệm vụ của ông là bảo vệ quyền
lợi cho họ.
Tôi mất đến ba tiếng để trả lời các câu hỏi. Thính giả không thù
nghịch. Đa số là các doanh nhân thực tế. Những người cộng sản
không thể chiếm số đông và cũng không thể chế ngự được cuộc họp
này. Một số câu trả lời của tôi gây được cho đám đông những trận
cười. Và khi tôi đúc kết buổi họp bằng câu chuyện kể về lịch sử phát
triển của cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á và các bang người
Hoa đã đóng vai trò then chốt như thế nào đối với sự thịnh vượng
của di dân người Hoa, họ đã hưởng ứng nồng nhiệt và tôi ngồi
xuống vỗ tay.
Như dự kiến, câu hỏi đầu tiên là vấn đề quyền công dân. Điều này
thật tự nhiên. Khi một thành viên chủ chốt của phòng Thương mại
nhắc thính giả nhớ lại rằng họ đã chiến đấu gian khổ để giành được
quyền công dân Singapore, quyền đa ngôn ngữ và đối xử bình đẳng
đối với mọi nguồn giáo dục. Vì vậy họ lo âu muốn biết việc hợp nhất
sẽ ảnh hưởng đến những điều này như thế nào. Tôi nói với họ rằng
nếu chúng ta tìm kiếm một sự hợp nhất hoàn toàn như Barisan đề
nghị, thì khoảng 330.000 công dân Singapore sẽ mất tất cả các
quyền công dân. Nhưng Lam Tian, địch thủ cũ của tôi trong cuộc
tổng tuyển cử năm 1955, sau đó lại quay sang hỏi về các phương án
của chúng tôi. Tại sao tất cả 600.000 công dân Singapore không thể
hưởng những quyền giống nhau sau khi gia nhập Malaysia theo
những điều kiện mà chúng ta đã thỏa thuận với Tunku? Tôi giải thích
rằng quyền của tất cả các cư dân Malaysia, dù là công dân
Singapore hay công dân liên bang, sẽ giống nhau, ngoại trừ công
dân Singapore sẽ bầu tại Singapore chọn các đại diện của mình tại
nghị viện liên bang, và công dân liên bang sẽ bầu ở Liên bang.
(Thực ra mục tiêu của Tunku là muốn loại các công dân Singapore ra
khỏi các cuộc bầu cử ở những nơi khác thuộc Malaysia.) Nhưng vấn
đề đeo đẳng trong đầu óc cộng đồng người nói tiếng Hoa vẫn còn đó
– nếu không có khác biệt nào giữa họ, thì tại sao Tunku không đồng
ý sử dụng cùng từ “công dân” thay vì từ “cư dân”?
Sự phân biệt này cũng là vấn đề của tôi, và công việc của tôi cũng
không dễ dàng gì hơn khi cuộc họp lần thứ ba của Ủy ban Tư vấn
Đoàn kết Malaysia phát ra một tuyên bố mấy ngày trước đó nói rằng
những người bản địa tại các lãnh thổ Borneo cùng chia sẻ vị trí đặc
biệt với người Malay trong Liên bang; và như thế họ sẽ tự động trở
thành “công dân sáng lập” của Malaysia theo luật. Điều này nhấn
mạnh đến địa vị ưu việt của “công dân” so với “cư dân” ở Singapore.
Khi tôi gặp Ngài John Martin, một Thứ trưởng thường trực khác ở
Vụ thuộc địa, cùng với Ian Wallace và Philip Moore ở Sri Temasek
ngày 16/1/1962 để thảo luận về vấn đề Malaysia, họ nghĩ rằng dư
luận ở Bắc Borneo trái ngược với sự khẳng định của Ủy ban Tư vấn
Đoàn kết Malaysia. Martin và Wallace đã đến Borneo và thấy hầu
như tất cả mọi phe phái đều do dự. Những người dân mộc mạc sống
ở thượng nguồn ít biết đến những hàm ý sâu xa và cần thời gian để
suy nghĩ về điều đó. Người Hoa không tin cậy vì họ biết chính sách
của chính phủ Malaya là kiềm chế họ. Ở Brunei, Azahari, lãnh đạo
của Partai Rakyat, người được giới trẻ Malay ủng hộ mạnh mẽ,
cương quyết chống đối sự gia nhập Malaysia và kêu gọi thành lập
một liên bang độc lập cho ba lãnh thổ Borneo. Quốc vương Brunei
muốn biết ông ta có lợi gì trong liên bang hay không và phải được
bảo đảm rằng ông ta có thể có được những điều khoản đặc biệt
trong cuộc đàm phán trực tiếp với chính phủ Malaya.
Tôi nói rằng không nên coi sự do dự của những người tin cậy nơi
họ là vấn đề nghiêm trọng. Những người lãnh đạo ở các lãnh thổ
Borneo tôn trọng cấp có thẩm quyền. Một khi họ thấy Tunku là
nguồn quyền lực cao nhất ở Liên bang, họ sẽ thích ứng với điều đó.
Điều quan trọng là người Anh nên tăng cường sự lãnh đạo và làm
cho họ hiểu rằng việc Anh ủng hộ Malaysia là vững chắc và ổn định.
Martin kết luận rằng dân Borneo sẽ chấp nhận kế hoạch này miễn
là Tunku đủ khôn ngoan để bảo đảm cho họ sự bảo vệ hợp lý, nhưng
cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn để bảo đảm rằng chính quyền này
không sụp đổ sau khi bàn giao chủ quyền. Tôi nhấn mạnh rằng
chúng ta phải tiếp tục cái đà này. Tunku muốn thành lập Malaysia
vào tháng 8. Tôi muốn hoàn tất việc hợp nhất càng sớm càng tốt và
muốn trải rộng mối đe dọa của cộng sản trong một dân số đông hơn
ở Malaysia.
Tôi bảo họ rằng chúng ta phải nhanh lên. Barisan đã phạm phải sai
lầm chiến thuật khi họ tự tuyên bố ủng hộ hợp nhất hoàn toàn, và
một khi nhận ra mình không thắng được thì họ có thể quyết định
phát động một cuộc gây rối rộng khắp hơn là chấp nhận Malaysia và
việc họ bị đẩy ra khỏi chính trường. Có thể họ muốn chiến đấu.
Khả năng gây rối của Barisan không giảm. Vì vậy tôi sốt ruột
muốn cho tiến hành mọi chuyện, và sự thiếu kiên nhẫn và tính khí
rất khác lạ của tôi làm cho Tunku giận, tôi vẫn chưa đủ nhạy bén để
ý thức rằng một khi ông ta quyết định đưa Singapore vào Liên bang,
thái độ của ông đối với tôi cũng có một sự thay đổi tinh tế. Ông là
hoàng tử của hoàng tộc Kedah. Sự tuân theo phẩm trật là một phần
bản chất của ông. Đến chừng nào Singapore còn nằm ngoài lãnh địa
của ông thì ông vẫn coi tôi như là nhà lãnh đạo của một quốc gia
láng giềng thân thiện, một nhà lãnh đạo nhỏ bé hơn mà ông ta sẵn
lòng để tiếp đãi lịch sự. Nhưng bây giờ tôi sắp là một phần trong
Liên bang của ông ta, và ông ta đã quen với các cận thần và hầu
cận quanh mình, những đệ tử trung thành và khúm núm. Lim Yew
Hock là một người trong số đó và tôi đã không tử tế với Lim khi ông
ta đưa ra trước Hội đồng lập pháp một kiến nghị vào tháng 3 để biểu
lộ sự quan tâm nghiêm túc đến tình hình bất ổn ngày càng gia tăng
ở Singapore. Trong cuộc tranh luận sau đó, tôi đã đánh bại ông ta,
chỉ ra sự khác biệt giữa việc ông ta giải quyết các cuộc tranh chấp
lao động năm 1955–1956 và cách mà chúng tôi đang giải quyết điều
đó hiện nay.
Thứ đến Keng Swee gây giận dữ bằng cách tuyên bố rằng chính
quyền Singapore sẽ trả lương ngang nhau ngay lập tức cho cả nam
lẫn nữ công chức. Tan Siew Sin, Bộ trưởng Tài chính của chính
quyền liên bang hết sức khó chịu và lan sự khó chịu đó sang Tunku.
Ông ta tin rằng sự thay đổi này sẽ có tác động về tài chính và xã hội
đối với Malaya, vì nữ nhân viên của họ cũng sẽ đòi trả lương ngang
với nam giới.
Giọt nước cuối cùng làm tràn ly là lúc tôi nói với Tunku rằng tôi
đang lên kế hoạch cho một chuyến viếng thăm Delhi, Cairo,
Belgrade, London, Moscow và Bắc Kinh. Ông ta sợ hãi. Tôi đang đi
trên con đường nguy hiểm, nhập bọn với kẻ thù. Tôi đã tạo ấn tượng
rằng các lãnh tụ Nga và Trung Quốc là những nhân vật vĩ đại trong
khi Malaya cho rằng họ muốn phá hoại sự ổn định ở đây. Ông không
hiểu rằng sau khi thăm các nuớc Nga và Trung Quốc và được họ đón
tiếp, tôi sẽ có đủ tư cách để thuyết phục nhân dân rằng chế độ cộng
sản không thích hợp cho Singapore và Malaya. Đó không phải là giải
pháp của Tunku. Tôi sắp trở thành một bộ phận trong kế hoạch của
ông và ông ta không muốn bất kỳ ai chơi thân với kẻ thù. Ông ta
cũng giận dữ vì tôi tranh luận với ông về vấn đề này, và cuối cùng
tôi kết luận rằng không có lợi khi tranh luận với ông về vấn đề này.
Sự bực dọc này lộ ra. Vào ngày 25/3 tại Singapore, ông ta tấn
công vào những phần tử cực đoan muốn biến hòn đảo này thành
“Tiểu Trung Quốc”, chống đối hợp nhất và đã tách ra khỏi PAP để
chống lại sự hợp nhất. Ông ta nói, nếu họ muốn gây hỗn loạn và đổ
máu, tốt hơn là đừng hợp nhất gì cả, nhưng trong trường hợp này
ông ta sẽ đóng cửa đường đê nối Malaya và Singapore để giữ an
toàn cho Malaya. Mặt khác, ông nói, các nhóm cực đoan không có gì
phải sợ sự hợp nhất cả nếu họ tôn trọng luật pháp và làm việc trong
khuôn khổ hiến pháp liên bang – những phần tử cực đoan ở Malaya
vốn đã nhiều hơn ở Singapore rồi.
Đó là kiểu cách tiêu biểu của ông. Tại Hạ nghị viện ở Kuala Lumpur
ông đã nói rằng Bộ trưởng An ninh nội chính sẽ giải quyết vấn đề
cộng sản. Bây giờ ông nói nếu họ hoạt động trong khuôn khổ hiến
pháp thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng rõ ràng là ông ta muốn giải
quyết vấn đề các nhóm cực đoan này. Ông ta thường lập lờ như thế.
Đó là kiểu Tunku biểu lộ tư tưởng của mình – không nhất thiết là
hợp lý và chặt chẽ trong biểu hiện nhưng lại làm cho thính giả biết
lập trường của mình. Tuy nhiên trong trường hợp này, sự can thiệp
của ông lại có ích nhiều hơn là trở ngại. Ông ta đã nhấn mạnh đến
điểm yếu của Singapore và cương quyết thực hiện sự hợp nhất. Chỉ
hai ngày sau, trong buổi tiệc do Ko Teck Kin chiêu đãi, ông tỏ rõ lập
trường: “Một sự tan vỡ hoàn toàn giữa Singapore và Malaya có
nghĩa là sẽ có chiến tranh và đổ máu gây hậu quả nghiêm trọng cho
nhân dân”, ông nói, “Chiến tranh sẽ xảy ra nếu một Singapore bị cô
lập tìm kiếm sự liên minh với các thế lực không thân thiện với Liên
bang (có nghĩa là Trung Quốc).”
Selkirk báo cáo về London:
“Tôi cảm thấy rằng những lời phát biểu khá căng thẳng và đe dọa
ấy sẽ gây nguy hại và sẽ làm tăng nhiệt độ bầu không khí chính trị
ở Singapore ở một thời điểm chúng ta đang cố gắng đưa Singapore
tiến tới sự hợp nhất một cách ôn hòa và tất yếu. Việc đe dọa đóng
cửa đường đê và chiến tranh giữa Singapore và Liên bang là vô tác
dụng và sẽ chỉ giúp cho đảng Barisan Sosialis kích động tình cảm
sắc tộc chống lại người Malay thôi… Tuy nhiên có lẽ điều quan trọng
hơn là biểu hiện của tình trạng lúng túng trong suy nghĩ của Tunku.
Rõ ràng là ông ta đã bối rối và phật ý khi thấy rằng đề nghị của ông
về một Malaysia không được cả Borneo và Singapore hân hoan chào
đón, và phần nào ông ta hẳn đã hối tiếc cho toàn bộ kế hoạch này.
Tuy nhiên, tôi tin rằng ông ta có ý định tiếp tục thực hiện ý đồ của
mình và có lẽ cũng không cần phải lưu tâm lắm về những lời lẽ khá
cực đoan trong các bài diễn văn của ông ta.”
Selkirk đã nhận xét sai lầm về hiệu quả những lời phát biểu của
Tunku. Chúng ảnh hưởng lớn đến những nhà lãnh đạo Barisan,
những người này hiểu rằng Tunku có ý nói thực lòng và bây giờ đã
tham gia vào cuộc tranh chấp rồi. Ông ta đã vẽ nên một bức tranh
ảm đạm về Singapore nếu không có Malaysia. Lim Chin Siong đã
thấy khá đủ lo lắng để viết cho Tunku một bức thư hứa hẹn sẽ ủng
hộ sự hợp nhất và Malaysia. Bức thư này được kín đáo trao tay tại
Dinh Liên bang ở Singapore nhưng Tunku tiết lộ chuyện này cho một
trong những thư ký của ông biết và tờ Straits Times chạy cái tít:
“Thư mật, đến từ Lim”. Bị các phóng viên ép, Lim Chin Siong đành
xác nhận rằng ông ta đã viết nó và nói rằng ông rất biết ơn Tunku
đã trả lời thư ông rất lịch sự. Được hỏi thư trả lời nói về vấn đề gì,
ông ta từ chối trả lời.
Bị khiêu khích bởi những phỏng đoán tối tăm của Chin Chye – đây
có phải là một vụ bán đứng không? – ngày 11/7, tiến sĩ Lee Siew
Choh cuối cùng đưa ra bức thư và thư trả lời của Tunku. Lim Chin
Siong viết ông nghĩ phần lớn những cảm nghĩ không vui của Tunku
về Singaore xuất phát từ sự thiếu cơ hội cho những cuộc thảo luận
tự do và thẳng thắn về “những thái độ rõ ràng là khác nhau” giữa
họ, mà những cuộc thảo luận này lại có thể đóng góp rất lớn vào sự
hiểu biết và sự thống nhất quốc gia. Tunku, trong thư trả lời, hoan
nghênh việc Lim bảo đảm rằng ông ta sẽ hoàn toàn ủng hộ Tunku
trong khát vọng thống nhất quốc gia. Ông phải rời Singapore ngày
hôm sau, nhưng sẽ rất vui nếu được gặp lại Lim vào một ngày nào
đó trong tương lai và sẽ cho Lim biết khi có thể thu xếp cuộc gặp
này. Nhưng Tunku, biết rằng “những thái độ rõ ràng là khác nhau”
đó là không thể hòa hợp được, nên đã không đưa ra ngày hẹn gặp
nào.
Lim Chin Siong đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Đầu tiên, viết
thư mà không công bố đối với cộng đồng người Hoa là một sự yếu
đuối, một sự thú nhận rằng ông ta đang ở thế yếu và muốn dàn hòa
với Tunku. Bức thư này là một sự nhượng bộ, mà không nhận lại
được cái gì cả. Nó ngầm thừa nhận rằng Tunku, từ bây giờ trở đi, là
người có triển vọng nắm quyền kiểm soát nhất, chứ không phải Lim
Chin Siong và những người cộng sản, và tôi biết người Hoa sẽ cân
nhắc việc này khi quyết định sự lựa chọn của mình trong tương lai.
Điều duy nhất mà Barisan có thể làm trong lúc này là cố giữ cho các
cán bộ bận rộn để duy trì tinh thần và tránh để họ nghĩ đến tình
trạng tuyệt vọng của mình. Theo đó, Tiến sĩ Lee công bố rằng trong
ngày chủ nhật sắp tới, và 6 ngày chủ nhật tiếp theo đó, 1.500 cán
bộ sẽ lên đường thực hiện một cuộc vận động đến từng nhà để
chống lại chủ trương hợp nhất của chính phủ.
Một tuần sau cuộc viếng thăm của Tunku, Tan Siew Sin thăm
Singapore để khai trương một phân bộ của MCA mà ông ta vừa
nhận chức chủ tịch. Ông ta tuyên bố thậm chí còn cứng rắn hơn cả
Tunku. Singapore đã trở thành đứa con có vấn đề của Malaya, ông
nói. Nhưng nếu không hợp nhất, có thể sẽ không nhất thiết phải
đóng cửa đường đê bởi vì nền kinh tế của Singapore đã quá yếu
đuối. Chỉ cần một lệnh ngắn gọn và đơn giản về tăng thuế quan
đánh vào cao su xuất khẩu cũng đủ biến thị trường cao su lớn nhất
thế giới này thành một khu ổ chuột miền nhiệt đới. Một hòn đảo nhỏ
hơn vùng đồi của Malaya, cao nguyên Cameron, không thể đứng
một mình. Ông ta thêm rằng chính quyền Malaya không phải hoàn
toàn do người Malay chi phối, và thật không đúng khi cho rằng
người Hoa không được đối xử công bình. Ông ta không phải là thành
viên của một chính phủ mà ông cảm thấy là thù nghịch với quyền lợi
hợp pháp của người Malaya gốc Hoa.
Đe dọa để áp đặt Singapore qua những biện pháp kinh tế làm cho
người Hoa không ưa thích ông ta. Một vài ngày sau, Barisan phản
công bằng cách cảnh cáo ông ta rằng sự lệ thuộc lẫn nhau giữa
Malaya và Singapore là một thực tế, bất kỳ cố gắng nào của nước
này nhằm áp đặt sự trừng phạt kinh tế chống nước kia cũng sẽ là tự
sát. Đồng thời Lim Chin Siong thách đố Tunku, mặc dầu gián tiếp.
Bởi vì người Anh không thể cai trị theo kiểu thuộc địa cũ được nữa,
ông ta nói, nên họ quyết định thành lập Liên bang Malaysia nhằm sử
dụng các lực lượng cánh hữu ở địa phương để bảo vệ quyền lợi của
mình trong khu vực này.
Tunku đáp trả bằng cách lặp lại lời cảnh cáo rằng đường đê sẽ bị
đóng cửa vào cuối năm nếu Singapore phản đối việc hợp nhất và
nhấn mạnh rằng điều đó là ông ta nói thực. “Nếu cộng sản nghĩ
rằng họ có thể dễ dàng lừa bịp được người Malay,” ông nói, “thì họ
đã sai lầm một cách đáng buồn”. Một tuần sau, Barisan trả đũa lại
rằng những đe dọa như thế chỉ làm gia tăng sự chống đối của quần
chúng đối với các nhà chính trị liên bang mà thái độ của họ “hết sức
phi lý, bất công và phi dân chủ”. Nó cũng nói rằng Liên bang ve vãn
nhân dân các lãnh thổ Borneo bằng những nhượng bộ, nhưng đối
với Singapore chỉ toàn là đe doạ, cưỡng bách và hăm he.
Cũng có thể là như thế thật, nhưng những đe dọa đã làm cho
nhân dân ý thức rằng hậu quả của cuộc đương đầu với Tunku có thể
sẽ rất nguy hại. Dù tổn thương đến mức nào đi nữa, Malaya sẽ vượt
qua dễ dàng hơn Singapore. Giới kinh doanh người Anh hoảng sợ và
để nhấn mạnh đến tính bất ổn của tình thế, vị chủ tịch hồi hưu của
Phòng Thương mại Singapore nhắc đến “sự bột phát các cuộc bãi
công, lãn công, ngồi lì… có nghĩa là bất ổn trong ngành công nghiệp”
và đưa tới nguy cơ lớn là nguồn vốn mới sẽ không chảy vào hòn đảo
này nữa, trong khi giá cả tăng vọt sẽ hạn chế thương mại và tạo ra
những khó khăn về tài chính.
Tâm trạng lo sợ chung do tất cả những chuyện này khơi lên đã đi
ngược lại ý muốn của Barisan. Trong khi ấy chúng tôi đã vượt được
một rào cản khác. Sau các cuộc trao đổi hằn học và một cuộc thảo
luận kéo dài 5 tiếng đồng hồ đến quá nửa đêm và tiếp tục sang
ngày hôm sau, Hạ viện đã thông qua một kiến nghị tu chính hoan
nghênh việc giới thiệu Dự luật về Trưng cầu dân ý quốc gia
Singapore với tỷ lệ 26/16.
Vì cần thay đổi sau hoạt động sôi nổi này, tôi quyết định đã đến lúc
phải nối lại các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Anh, và gặp gỡ
một số nhà lãnh đạo Á Phi trên chuyến đi này. Vào tháng 4/1962,
tôi bay sang London, ghé qua Rangoon, New Delhi, Cairo và
Belgrade.
Thủ tướng Pandit Nehru của Ấn Độ hoàn toàn ủng hộ đề nghị của
tôi muốn hợp nhất Singapore với Malaya để thành lập Malaysia. Báo
chí ủng hộ. Dưới tiêu đề: “Thủ tướng ủng hộ một liên bang
Malaysia”, tờ The Time of India, lúc đó là tờ nhật báo có uy tín của
Ấn Độ viết rằng Malaysia đã dành được sự tán đồng trong chính giới.
Hiển nhiên là Ấn Độ coi đây là một phát triển lành mạnh bởi vì nó
giúp ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Tại cuộc
họp báo, tôi có thể nói với giới báo chí rằng Thủ tướng của họ không
quan tâm về tuyên bố của ban thư ký Ủy ban Đoàn kết Á Phi rằng
Malaysia là một tên thực dân kiểu mới.
Trạm dừng kế tiếp của tôi là Cairo, nơi ban thư ký của Ủy ban
Đoàn kết Á Phi phát ra tuyên bố chỉ trích Malaysia. Nếu tôi tranh thủ
được Tổng thống Nasser, đó sẽ là một thắng lợi lớn. Tôi đến vào buổi
sáng, được phó Tổng thống ra đón và đưa về một trong những lâu
đài nhỏ của cựu quốc vương Farouk bấy giờ được dùng làm nhà
khách. Tối đó, tôi được Nasser tiếp trong căn nhà khiêm tốn của
ông. Đó là một cuộc gặp gỡ tốt đẹp. Khi tôi đến, ông đã đứng ở cửa
trước với các nhà nhiếp ảnh đang ở trong vị trí của mình. Tôi cảm
thấy ông đã làm điều đó hàng trăm lần để trông ăn ảnh hơn trên tivi
và báo chí. Ông ta lúc nào cũng nồng nhiệt tiếp đón và rất thân
thiện. Vị tổng lãnh sự của ông tại Singapore là người ủng hộ tôi và
liên bang Malaysia nhiệt thành. Ông ta biết chúng tôi không muốn
Singapore trở thành một Israel ở Đông Nam Á và ông đã báo cáo
tình hình này với Bộ trưởng Ngoại giao của mình.
Nasser nghe tôi nói cả tiếng đồng hồ về những mối nguy hiểm khi
Singapore đứng một mình và trở thành một thực thể kỳ cục ở Đông
Nam Á, một thực thể người Hoa ở giữa một quần đảo Malay có
khoảng một trăm triệu dân. Tôi không muốn điều này. Câu trả lời là
đưa Singapore kết hợp trở lại với bán đảo Malaya vốn là một đơn vị
đã do người Anh cai trị chung trong hơn một trăm năm trước khi
chúng bị tách ra. Ông ta hiểu rõ việc lập Liên bang Malaysia không
phải là một âm mưu thực dân mới và bảo đảm với tôi rằng ông ta sẽ
ủng hộ điều đó và tôi có thể nói điều đó cho mọi người biết. Trong
suốt 5 ngày viếng thăm, người Ai Cập tiếp đãi tôi như thượng khách.
Tôi được mời viếng thăm Ai Cập lần nữa và có thể ghé thăm ông ta
bất cứ lúc nào với tư cách cá nhân, Nasser nói. Tôi đã kết được một
bạn mới. Tôi thích người đàn ông này, thích phong cách giản dị và sự
khao khát mãnh liệt của ông muốn làm thay đổi một nước Ai cập
suy tàn và mục nát dưới triều Farouk.
Nasser ra một tuyên bố chung với tôi, một việc phá lệ vì Singapore
không phải là một quốc gia độc lập. Thông cáo chung nói rằng ông
ủng hộ việc thành lập Malaysia và “sự thống nhất của tất cả các dân
tộc có cùng nền tảng xã hội và chính trị… tìm cách chấm dứt sự
thống trị của chủ nghĩa thực dân”. Đối với Singapore, được Nasser
và Nehru, hai nhà lãnh đạo tiên phong của châu Phi và châu Á, hiểu
và ủng hộ là một thắng lợi chính trị.
Vào ngày lễ Lao động, tôi bay đến Belgrade. Tito tiếp tôi trọng thể.
Khác với Nasser, ông ở trong một dinh thự sang trọng với các cổng
sắt được điều khiển bằng điện lặng lẽ mở ra khi chúng tôi tới. Một vị
Bộ trưởng, ông Slavko Komar, đưa tôi tới gặp ông. Tito mặc một bộ
thường phục, không phải là một trong những bộ đồng phục oai vệ
nhất của ông ta. Khi các nhiếp ảnh gia chụp hình, ông ta trông cứng
ngắc và nghiêm trang – không cười, không nồng nhiệt, hoàn toàn
trái ngược với Nasser. Tôi đối mặt với vấn đề: người Indonesia đã
đầu độc đầu óc ông.28 Nhưng ông lắng nghe. Tôi thư thả giải thích
lập trường của mình, nói rằng tôi là một người có tinh thần dân tộc,
không phải là một tên bù nhìn của chủ nghĩa thực dân. Tôi không
đồng ý với những người cộng sản Singapore, họ đi theo đường lối
của Trung Quốc: họ không thể thành công ở Singapore và Malaysia
bởi vì nhãn cộng sản của họ không bắt nguồn từ bản địa; chủ nghĩa
Mao không thể thành công ở châu Á. Cử chỉ của ông cho tôi cảm
nghĩ rằng tôi đã chuyển biến được ông. Tôi nhắc lại một bài báo phê
bình Malaysia trong tờ báo đảng, tờ Komunist. Tito nói nó không đại
diện cho chính quyền Nam Tư. Tôi lại giành được điểm.
Khi tôi đi đến phi trường và sắp sửa gặp giới báo chí ở đó, tôi hỏi
Slavko Komar là liệu tôi có thể lặp lại những điều Tito nói với tôi
không. Ông nói Tổng thống là một người giữ lời, khi ông ta nói như
thế là như thế. Vì thế tôi trích dẫn tuyên bố của Tito và quay sang
hỏi vị Bộ trưởng điều đó có đúng không, ông ta gật đầu và nói:
“Đúng”. Sau khi tôi rời Nam Tư, hãng Reuters tường thuật tuyên bố
của người phát ngôn Vụ đối ngoại rằng: "Bài báo này phản ánh quan
điểm cá nhân của tác giả. Thủ tướng Lee trong suốt thời gian lưu lại
Belgrade đã thông báo với chủ tịch và các nhà lãnh đạo Nam Tư về
mong muốn thành lập liên bang Malaysia. Vấn đề này được phía
Nam Tư thông hiểu”. Thêm một thắng lợi chính trị.
Đối với Choo, chuyến đi London lần này là lần đầu tiên bà trở lại từ
khi ra đi vào tháng 8/1950. Thành phố trông thịnh vượng và dân
London ăn mặc rất chải chuốt. Họ đang trải qua thập niên 60 thịnh
đạt. Mặc dầu tôi đã tới đây 3 lần trong khoảng thời gian 1956–1958,
tôi vẫn bị ấn tượng khi thấy có quá nhiều tiệm ăn và xe hơi.
Macmillan đã thắng trong cuộc bầu cử 1959 với điệp khúc: “Bạn
không bao giờ có được điều tốt đẹp đến thế,” và báo chí đặt biệt
danh cho ông là “siêu Mac”. Đó là tháng 5, thời tiết rất đẹp, và
chúng tôi thật hạnh phúc khi thấy thủ đô Anh phát đạt. Một vài
chiếc xe Humber Pullman khổng lồ đang đậu ở Grosvenor House nơi
chúng tôi lưu trú, sẵn sàng đưa chúng tôi đi bất cứ nơi nào chúng tôi
muốn. Nhưng tôi có một lịch trình dày đặc – thảo luận với các Bộ
trưởng, gặp gỡ những người ủng hộ thuộc đảng Lao động trong nghị
viện, và các cuộc phỏng vấn không chính thức với báo chí Anh.
Reginald Maudling, vị tân Bộ trưởng Thuộc địa, một người to lớn,
vạm vỡ, đeo kiếng, rất cởi mở và dễ làm quen, ông ta và vợ tiếp
chúng tôi thân mật trước các cuộc thảo luận chính thức để cho
chúng tôi có cảm giác thoải mái. Ông cũng tụ tập được vài Bộ trưởng
dùng cơm trưa với tôi, và đối với vợ tôi, bà Maudling cũng tổ chức
một cuộc chiêu đãi dành cho quý bà ở khách sạn Hyde Park.
Một vấn đề lớn vốn là vấn đề cũ – liệu có nên gạt bỏ những người
cộng sản trước hay sau sự hợp nhất không. Tunku đã lặp lại đòi hỏi
của ông rằng Hội đồng an ninh nội chính phải ra tay đối phó trước.
Ông cũng nói rõ rằng ông không muốn thực hiện các cuộc đàn áp
vào lúc Malaysia khai sinh. Đó không phải là một khởi đầu thuận lợi.
Tôi chuẩn bị xem xét việc hành động trước khi thực hiện hợp nhất
– với hai điều kiện quan trọng. Tôi nói với Maudling chiến dịch này
có thể bắt đầu trong khi Anh vẫn còn giữ trách nhiệm về an ninh,
vẫn là chủ tịch Hội đồng an ninh nội chính. Tôi nhấn mạnh rằng
cộng sản vẫn cứ giữ lập trường như thế lúc tiến hành cuộc trưng
cầu dân ý về vấn đề hợp nhất. Quan điểm trước công chúng của tôi
là tôi sẽ xem việc ấy như một điều rất đáng tiếc nhưng trên quan
điểm cá nhân với sự hiểu biết về cộng sản, tôi cho rằng đó là điều
rất cần thiết. Kế đó tôi nhấn mạnh rằng những người cộng sản vẫn
phải được tự do hoạt động khi cuộc trưng cầu dân ý về việc lập Liên
bang Malaysia được tiến hành. Tôi tin rằng họ sẽ kêu gọi một cuộc
tẩy chay nhưng sẽ không được quần chúng ủng hộ, và chính điều
này sẽ làm mất uy tín của họ. Sẽ là một sai lầm chết người nếu bắt
giữ họ trước cuộc trưng cầu dân ý; chính điều đó sẽ hủy diệt hoàn
toàn giá trị của cuộc trưng cầu dân ý và tôi dễ dàng bị kết tội là đã
bắt giữ họ để giành chiến thắng và giao Singapore cho Tunku. Sẽ có
bạo động phản đối và rối loạn xã hội.
Một ủy ban đặc biệt dưới quyền lãnh đạo của ngài Cobbold lúc ấy
đang viếng thăm Bắc Borneo để xác định quan điểm của vùng này
về vấn đề hợp nhất. Tôi nhấn mạnh rằng dù cho báo cáo của
Cobbold có bất kỳ khuyến cáo gì về vấn đề quyền công dân của
người Borneo đi nữa, thì Singapore cũng phải được hưởng những
điều kiện thuận lợi không kém các vùng lãnh thổ đó. Từ “cư dân
Malaysia” có lẽ sẽ được chấp nhận nếu nó được áp dụng chung cho
các công dân của hai lãnh thổ này, nhưng Tunku đã tuyên bố rằng
công dân Borneo sẽ trở thành công dân Malaysia mặc dầu công dân
Singapore thì không được như thế.
Khi Maudling hỏi về các khó khăn của tôi với Tunku, tôi nói: “Tunku
nghĩ tôi thông minh nhưng sai lầm còn ông ta không thông minh
nhưng đúng. Tôi thắng trong cuộc tranh luận ấy nhưng ông ta cảm
thấy kết luận của tôi là sai mặc dầu ông ta không biết tại sao”. Nếu
Maudling thuyết phục được Tunku rằng thật là điên rồ khi tin rằng
mọi người Hoa đều có thể ủng hộ cộng sản, thì ông ta sẽ đạt được
hiệu quả hơn tôi. Niềm tin đơn giản của Tunku là “chính trị dành cho
người Malay và kinh doanh dành cho người Hoa”. Điều đó có lẽ đúng
với thời của cha Tunku, nhưng không hiện thực vào năm 1962. Đối
với các khác biệt về quyền công dân, tôi cũng đã gặp Cobbold vào
buổi sáng hôm đó và bỏ ra gần cả tiếng đồng hồ để thảo luận các đề
nghị của ông về vấn đề Borneo. Tôi nói với Maudling rằng tôi cảm
thấy vui hơn khi biết rằng ông ta biết những điều đó ảnh hưởng đến
Singapore như thế nào và những điều đó làm gia tăng khó khăn của
tôi ra sao.
Cuộc viếng thăm của tôi không phải hoàn toàn là công việc. Chúng
tôi lái xe đến Cambridge dùng trà với Billy Thatcher ở University
Arms Hotel. Thatcher rất vui với những điều tôi đã làm được kể từ
khi tôi rời Cambridge vào năm 1949 và hỏi thăm con cái của chúng
tôi – Chúng tôi đã viết thư cho ông nói rằng Loong rất là thông
minh, ông biếu tôi cuốn Alice in Wonderland của Lewis Caroll để tặng
cho Loong và nói: “Nó phải đến sớm nếu tôi còn ở được chỗ này để
gặp nó". Thatcher không có vẻ yếu lắm nhưng tôi rất vui vì đã có
thể thăm được ông. Một năm sau ông ta mất. Cả hai chúng tôi đều
rất buồn.
Ngày cuối tuần ở Cambridge là một dịp may với nguyên một
chương trình chính thức bao gồm chương trình phát thanh của đài
BBC về Singapore trên chuyên mục Viễn Đông của họ. Tôi mô tả các
nhà lãnh đạo của các quốc gia không liên kết – Ấn Độ, Ai Cập, Nam
Tư – đã công khai ủng hộ việc thành lập Malaysia như thế nào. Đó
không phải là loại tin phấn khởi cho những người ủng hộ cộng sản.
Các bài tường thuật trên báo chí, đài phát thanh về các cuộc gặp
gỡ của tôi với Nehru, Nasser và Tito, và bài phát thanh của tôi trên
đài BBC ắt hẳn là có tác dụng tốt bởi vì Barisan tấn công tôi dữ dội.
Để giải thích tại sao những nhà lãnh đạo Á Phi ấy không nghĩ
Malaysia là một âm mưu của chủ nghĩa thực dân, họ khẳng định
rằng tôi đã lấy cảm tình và ủng hộ của họ bằng cách tạo ra một ấn
tượng giả. Họ chỉ trích rằng Nehru, Tito và Ne Win (khác với Nasser)
không đời nào đưa ra một thông cáo chung nào với một vị thủ tướng
thiếu uy tín. Nhưng họ không thể bác bỏ rằng những nhân vật đó đã
ủng hộ Malaysia.
Trong khi ấy, tờ báo thân cộng của Indonesia, tờ Bintang Timur,
tường thuật rằng Lim Chin Siong nói ông ta ủng hộ việc hợp nhất với
Indonesia hơn là với Malaysia. Điều này là ngu xuẩn, và Lim vội bác
bỏ việc mình đã tuyên bố như trên, nhưng nó đã gây tổn hại cho
ông – cộng sản đang mất đi ưu thế trong cuộc chiến chống lại việc
hợp nhất và lời bác bỏ của ông không thuyết phục nổi ai.
Tôi trở về Singapore và cảm thấy dễ chịu hơn sau 5 tuần rời xa
những tranh luận hàng ngày và áp lực của các cuộc đình công. Tinh
thần của tôi đã phục hồi đủ để trở lại với những cuộc đấu tranh bất
tận với cộng sản, bút chiến với họ trên báo chí và cố gắng kiềm chế
khi đối mặt với những khiêu khích do những cuộc đình công, lãn
công trong khi kinh doanh trì trệ, công ăn việc làm mất đi và thất
nghiệp gia tăng.
Mọi thứ đã không diễn ra quá tệ. Vào tháng 5, khoảng 3.000 học
sinh tụ họp ở trường trung học Chung Cheng để kỷ niệm các cuộc
xung đột với cảnh sát năm 1954. Họ hát, lên án chính phủ vì đã
thành lập một ủy ban điều tra cuộc tẩy chay thi cử và kêu gọi bãi
khóa một ngày ở tất cả các trường trung học người Hoa vào ngày
21/5, ngày ủy ban bắt đầu làm việc. Nhưng vào đúng ngày đó, 19
trong số 25 trường học buổi sáng có 100% học sinh đi học. Một
trăm học sinh được chọn để dán các áp phích phản đối lên tường,
cột điện và biển báo giao thông vào lúc 5 giờ sáng, lúc trời hãy còn
tối. Họ không lo bị chú ý và chụp hình.
Mặc dầu Barisan đến từng nhà để vận động vào những ngày chủ
nhật, về căn bản chúng tôi vẫn ở thế thắng.
27
BỎ PHIẾU CHO HỢP NHẤT
Tuy vậy, Barisan đang củng cố được vị trí qua vấn đề quyền công
dân. Việc gợi lên ý tưởng cho rằng người Singapore sẽ là “công dân
hạng hai” ở Malaysia đã có tác động và gây được sự hoang mang.
Tôi quyết định giải quyết vấn đề một cách trực diện. Vì thế vào ngày
3/6/1962, kỷ niệm ba năm Ngày Quốc gia Singapore, tôi nói chuyện
trước mấy nghìn người ở Padang đang tụ tập xem các cuộc diễu
hành của quân đội, của các nhóm dân sự và học sinh, và xem các
cuộc trình diễn văn hóa. Tôi bảo đảm với họ rằng trước khi thực hiện
việc hợp nhất với Malaysia, tôi phải làm rõ trong hiến pháp rằng
công dân Singapore sẽ bình đẳng với các dân tộc khác trong liên
bang.
Lim Chin Siong bác lại rằng lời hứa của tôi là sự thú nhận rằng
thực ra với các điều khoản hợp nhất và sự dàn xếp của Malaysia,
người Singapore không có sự bình đẳng. Barisan thu hẹp vấn đề hợp
nhất lại thành vấn đề này và tôi tin rằng nếu tôi có thể yêu cầu
Tunku thay từ “cư dân Malaysia” thành “công dân Malaysia”, vấn đề
sẽ được giải quyết. Tôi quyết tâm đạt cho được điều này, và tổ chức
một cuộc trưng cầu dân ý càng sớm càng tốt trước khi Barisan có
thể khuấy động sự bất mãn. Nhưng tôi không có thế mạnh đối với
Tunku, chỉ người Anh mới có. Bởi vì Tunku muốn các lãnh thổ Borneo
và cũng cần họ giúp bảo vệ Malaya, tôi phải nhờ đến người Anh làm
việc ấy. Moore đồng ý rằng chúng tôi có mối bất bình chính đáng và
tôi biết ông ta sẽ cố gắng hết sức để làm cho các Bộ trưởng ở
London thuyết phục Tunku thay đổi ý kiến về quyền công dân.
Nhưng chúng tôi không đồng ý về một vấn đề khác cũng quan trọng
không kém: đó là việc trưng cầu dân ý.
Moore lo lắng bởi vì Dự thảo luật về Trưng cầu dân ý khuyến cáo
rằng việc bỏ phiếu trắng là biểu thị việc cử tri không muốn hành xử
quyền của mình để quyết định ủng hộ hay chống lại vấn đề hợp
nhất, nên quyết định ấy sẽ được thực hiện bởi phe đa số trong Hội
đồng lập pháp (nghĩa là PAP). Tôi đã đưa điều khoản này vào để
chống lại việc cộng sản kêu gọi bỏ phiếu trắng. Nhưng nếu người
dân muốn phản đối bằng cách bỏ phiếu trắng với số lượng lớn và
bằng cách ấy họ biểu lộ sự chống đối việc hợp nhất và cuộc trưng
cầu dân ý, Moore cho rằng tôi phải chấp nhận chọn lựa của họ. Ông
cố gắng thuyết phục tôi từ bỏ cách thức này, nói rằng dân chúng sẽ
coi đó là bất lương và giả tạo. Tôi không đồng ý. Trong một báo cáo
gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao ngày 21/6, ông ta viết:
“Để trả lời đề nghị mà chúng ta thường nhắc đi nhắc lại trong suốt
6 tháng qua rằng ông ta không nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân
ý, ông ta luôn luôn nói rằng ông ta phải làm thế để tránh bị lên án là
người đã bán người Hoa Singapore cho người Malay… Vì vậy, dường
như là ông ta vẫn cứ tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý dựa trên
những điều khoản của mình, những điều khoản ấy đã được tính toán
cẩn thận để bảo đảm rằng ông sẽ không thua. Có lẽ nguy cơ nghiêm
trọng duy nhất hiện nay là sẽ có một cuộc tẩy chay trưng cầu dân ý
trên quy mô lớn.”
Ông ta chỉ nói đúng một điều: tôi vẫn cương quyết tổ chức trưng
cầu dân ý, và công việc cấp bách hiện nay là thông qua dự thảo luật
này. Một khi báo cáo của Ủy ban Cobbold được công bố, tôi sẽ phải
quyết định áp dụng phương án nào. Đã có những cuộc thảo luận bất
tận trên báo chí, trên đài phát thanh và trên diễn đàn trường Đại
học Malaya, và mặc dầu cuộc tranh luận về Dự thảo luật Trưng cầu
dân ý kéo dài từ ngày 27/6 đến ngày 11/7 với tám buổi họp đến tận
nửa đêm, các bài diễn văn rất gay gắt và lặp đi lặp lại vì chẳng có ý
kiến gì mới, mà chỉ là những tái khẳng định ngày càng dữ dội hơn về
lập trường của các phe nhóm đối lập nhau. Một tu chính then chốt
được tiến sĩ Lee Siew Choh đưa ra và được David Marshall cùng Ong
Eng Guan ủng hộ là: chỉ có một câu hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý
– “đồng ý” hay “không đồng ý” việc hợp nhất. Lim Yew Hock xen
vào, đề nghị rằng phải có 3 câu hỏi: Quý vị muốn hợp nhất (A) theo
bạch thư, hoặc (B) trên cơ sở Singapore là một bang thành viên của
Liên bang Malaya, hoặc (C) theo những điều khoản không kém
thuận lợi so với những điều khoản dành cho ba lãnh thổ Borneo? Tu
chính của tiến sĩ Lee bị bác và của Lim được chấp thuận. Tôi sung
sướng vì Lim đã đề nghị điều mà tôi đã dự định đưa ra.
Trong suốt cuộc thảo luận, mọi thành viên của nghị viện đều nhận
được một bức thư đe dọa ký bởi 39 hội cựu sinh viên và câu lạc bộ
sinh viên do Hội Sinh viên tốt nghiệp Đại học Nanyang lãnh đạo bảo
họ phải bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của Barisan – nếu không sẽ có rối
loạn. Ngày 29/6, khi nói về các dự kiến bổ sung để quyên góp hơn 1
triệu đôla để thành lập tiểu đoàn thứ hai của Trung đoàn Bộ binh
Singapore, tôi cảnh cáo Barisan rằng những lời nói không theo luật
pháp sẽ dẫn đến những hành động không theo luật, và những con
người không theo luật sẽ bị loại trừ. Nếu luật lệ được thay thế bằng
gạch đá và gậy gộc thì những vấn đề ưu tiên hàng đầu như hòa
bình, an ninh và sự thịnh vượng của nhân dân cũng đòi hỏi phải
dùng vũ lực để đàn áp vũ lực. Tôi không áy náy gì về việc sử dụng
Trung đoàn Bộ binh Singapore chống lại cộng sản: tôi không hề có
nguy cơ bị cho là tay sai của chủ nghĩa thực dân. Nhưng để khuyến
khích họ hành xử tử tế hơn, tôi bảo đảm với tiến sĩ Lee rằng quân
đội sẽ không cần đến chừng nào họ còn tuân thủ pháp luật.
Vào chiều 3/7/1962, nữ dân biểu thuộc đảng PAP Hoe Puay Choo
gửi cho tôi một thư đề nghị ra khỏi đảng với lý do là không ai tham
khảo với bà về những vấn đề chính sách quan trọng. Những người
cộng sản đã kiên trì thảo luận với bà và giờ chót đã lay chuyển được
bà. PAP bây giờ có 25 thành viên so với 26 của các nhóm đối lập.
Chúng tôi trở thành một chính phủ của phe thiểu số. Tôi yêu cầu
Moore gặp Chin Chye, Keng Swee và tôi. Keng Swee hỏi ông ta rằng
nếu PAP từ bỏ kế hoạch của mình, liệu người Anh có kiên quyết thực
hiện việc hợp nhất sau khi chúng tôi từ chức không? Moore cho rằng
điều này sẽ rất khó khăn bởi vì lúc đó sẽ không có một chính quyền
dân cử hậu thuẫn cho công cuộc ấy. Ông ta giục tôi kiên quyết thực
hiện nếu có thể được. Tôi nói tôi sẽ cố gắng nhưng yêu cầu ông ta
nói với London rằng thời giờ bây giờ cực kỳ ít ỏi. Chúng tôi phải đấu
tranh tại nghị viện trong tám ngày nữa trước khi bỏ phiếu. Chúng
tôi thành công trong việc đưa kiến nghị với tỷ lệ 29/17 – 24 phiếu
của PAP, 3 của UMNO và 2 của SPA chống lại 13 phiếu của Barisan,
1 của Đảng Công nhân (Workers’ Party) của David Marshall, 3 của
UPP (Ong Eng Guan). Hoe Puay Choo vắng mặt. Chúng tôi thông
qua dự thảo luật với sự ủng hộ từ phía SPA của Lim Yew Hock và
UMNO của Tunko.
Trước đó một tháng, Moore đã cho tôi xem bản thảo báo cáo của
Cobbold để dò xem phản ứng của tôi. Điều tôi quan tâm nhất là các
đề nghị của nó. “Không có lý do nào để ủng hộ quyền công dân
riêng biệt đối với các lãnh thổ Borneo”, bản báo cáo ghi và nó đưa ra
những điều khoản bao gồm việc không đòi hỏi phải trắc nghiệm về
ngôn ngữ trong một thời gian hạn định đối với những người trên một
độ tuổi nào đó. Như thế tất cả những ai sinh ra trên các lãnh thổ
này đều đủ điều kiện trở thành công dân Malaysia. Đây là một tai
họa. Tôi hoàn toàn không thể bảo vệ được vị trí của mình và cuộc
trưng cầu dân ý sẽ thất bại. Sẽ có phiếu trắng trên quy mô lớn.
Tuy nhiên bản báo cáo cũng cho tôi một lối ra. Ngay sau cuộc thảo
luận về trưng cầu dân ý, tôi viết thư cho Maudling chỉ rõ ra rằng
công dân Singapore có thể trở thành công dân Malaysia mà không
gây nên vấn đề gì bởi vì Ủy ban Cobbold cũng đã khuyến cáo rằng
quyền bầu cử chỉ nên được thực thi ở những lãnh thổ nơi các công
dân thường trú. Nói cách khác, công dân Borneo sẽ bỏ phiếu ở
Borneo và công dân Singapore sẽ bỏ phiếu ở Singapore, vì thế
Tunku không cần phải lo sợ bị tràn ngập bởi người Hoa Singapore bỏ
phiếu ở Malaya. Rồi ngày 12/7 tôi viết thư cho Tunku, gởi cho ông ta
một bản sao của bức thư trên và đề nghị rằng giải pháp cho vấn đề
này là dành các điều khoản cho Borneo cũng giống hệt như
Singapore mà không thay đổi nội dung của những điều mà chúng tôi
đã thỏa thuận về hạn chế đối với quyền đầu phiếu.
Tôi đính kèm một bản ghi nhớ cho cả ông ta và Sandys, trong đó
nói rằng mũi nhọn chính của cộng sản trong cuộc tấn công vào bạch
thư của chính phủ là ở chỗ nó chống lại người Hoa: bởi vì 70% dân
của hòn đảo này là người Hoa, Tunku không sẵn sàng dành cho
Singapore cái mà ông ta dành cho Borneo với 70% số dân không
phải là người Hoa. Chỉ có thể phản chứng lại luận điệu này bằng
cách dành cho Singapore những điều khoản được cho là tốt hơn
Borneo. Tôi cũng lưu ý người Anh rằng nếu họ không áp lực với
Tunku để dành cho chúng tôi quyền công dân bình đẳng, tôi sẽ
không thể thông qua vấn đề hợp nhất trong nghị viện được. Điều tôi
không nói – và đó cũng chính là điều Chin Chye, Keng Swee, Raja
và tôi nghĩ – là trong trường hợp ấy chúng tôi thậm chí không muốn
tiến hành hợp nhất. Tunku và người Anh lúc đó phải nhận lãnh hậu
quả.
Ngay sau khi Dự thảo luật về Trưng cầu dân ý được thông qua,
tiến sĩ Lee Siew Choh đưa ra một bản kiến nghị bất tín nhiệm chính
phủ. Về vấn đề này, Lim Yew Hock đưa ra một bản tu chính lên án
chính phủ “vì đã không kiềm chế những người cộng sản có tiếng và
những nhà lãnh đạo mặt trận công khai của cộng sản để họ điều
hành và kiểm soát những tổ chức như Barisan Sosialis”. Ông ta trở
nên lưu loát và nói thẳng ra mọi suy nghĩ. Đây chính là cơ hội của
ông ta biểu lộ việc mình đã hy sinh mọi thứ như thế nào để đối phó
với cộng sản trong những năm 1966–67. Nếu lúc đó ông ta biết
rằng thủ tướng tương lai đã từng hội đàm với ông Đặc mệnh thì hẳn
ông đã tống thủ tướng vào tù chung với Lim Chin Siong rồi. Barisan
muốn phá hủy cuộc trưng cầu dân ý và hợp nhất bằng kiến nghị bất
tín nhiệm nhưng Lim Yew Hock không cùng một mục tiêu với họ.
Người dân trở nên ít sợ hãi trước những người cộng sản khi họ
nhận ra lực lượng này cũng mỏng manh và ý thức rằng chính người
Malay, chứ không phải thực dân Anh, chẳng bao lâu sẽ đối phó với
lực lượng này. Tu chính án của Lim Yew Hock bị bác bỏ, kiến nghị bất
tín nhiệm cũng thế. Sau khi Barisan thua trong cuộc bỏ phiếu thông
qua Dự thảo luật về Trưng cầu dân ý và kiến nghị bất tín nhiệm,
giữa tháng 7 Tunku lên đường đi London để gút lại các điều khoản
với người Anh về vấn đề lãnh thổ Borneo. Thời gian sắp hết và
những người cộng sản tuyệt vọng tìm kiếm những phương cách để
ngăn cản hợp nhất.
Hai ngày sau khi họ thất bại trong cuộc tranh luận, một nhóm 19
đại biểu Hội đồng lập pháp do Barisan Sosialis lãnh đạo gửi một kiến
nghị cho Ủy ban Giải thực Liên Hiệp Quốc phản đối cách sắp đặt câu
hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý. Chỉ có hai trong số 17 thành viên
của Ủy ban này thuộc khối cộng sản; đa số là các thành viên Á–Phi
mà hầu hết chính quyền của họ có các đại diện tại Singapore và
Kuala Lumpur và họ biết điều gì đang diễn ra. Bởi vì né tránh sẽ
không gặt hái được thành quả gì, tôi điện cho quyền Tổng thư ký
Liên Hiệp Quốc U Thant nói rằng kiến nghị của phe đối lập là một
phần của đời sống chính trị của Singapore và nếu xem xét kiến
nghị, Ủy ban phải lắng nghe chính quyền trước. Tôi chuẩn bị đưa ra
trước Ủy ban toàn bộ các sự kiện của tình hình để Ủy ban có thể
xem xét tới mức cận kề nhất.
Ban đầu, vị đại diện Ấn Độ trung thành ủng hộ chúng tôi đúng như
quan điểm mà Nehru đã bày tỏ ở New Delhi vào tháng 4 năm ấy
rằng không có một chọn lựa nào khác ngoại trừ hợp nhất với
Malaysia. Cùng với Campuchia, Tunisia và các quốc gia Á Phi khác,
ông ta nói rằng vì Singapore đã có một chính quyền dân cử tự do,
nên Ủy ban không có lý do gì để xem xét lại các hành động của
chính phủ này. Rồi bất ngờ ông lại thay đổi quan điểm, có lẽ do tôi
sẵn sàng tham dự. Ngày hôm sau, Liên Hiệp Quốc nói rằng Ủy ban
này, trước đó đã bỏ phiếu 10/2 biểu quyết không can thiệp, quyết
định sẽ gặp gỡ đoàn đại biểu các dân biểu Singapore đã kiến nghị
chống cuộc trưng cầu dân ý và đòi phải có một quan sát viên Liên
Hiệp Quốc. Tiến sĩ Lee Siew Choh vui sướng. Nhưng tôi không vui
với kết quả này; tôi tin rằng tôi có thể bác bỏ các lý luận của
Barisan cũng như của Marshall, và ngày 20/7 tôi chính thức yêu cầu
được ra điều trần trước Ủy ban.
Hai ngày sau, Keng Swee và tôi bay đến New York cùng với phụ tá
của tôi là Teo Yik Kwee. Tôi muốn gặp Ủy ban trước rồi mới đi
London gặp Tunku và Macmillan sau khi họ đã thảo luận xong về
vấn đề lãnh thổ Borneo. Máy bay của chúng tôi hiệu
Superconstellation, một phi cơ phản lực 4 động cơ và là loại máy bay
liên lục địa vào lúc ấy. Phải mất gần hai ngày để bay từ Singapore
đến New York – quá cảnh Saigon, Guam, Hawaii và Los Angeles,
Keng Swee và tôi làm việc trong suốt chuyến bay, chuẩn bị phản bác
từng điểm một trong bản ghi nhớ gồm 19 điểm mà Marshall đã giúp
Barisan soạn thảo. Sau khi vào khách sạn Manhattan và mở hành lý
ra xong, tôi tìm Teo. Tôi thấy anh ta nằm trên giường ngủ ngon lành
với nguyên quần áo giày vớ, hoàn toàn kiệt sức. Anh ta đã đánh
máy các bản dự thảo rồi dự thảo sửa đổi đến vô tận cho tôi và Keng
Swee gần như suốt 48 tiếng đồng hồ qua.
Người Anh vẫn còn chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại của
chúng tôi và một sỹ quan thuộc phái bộ của họ tại Liên Hiệp Quốc
đón chúng tôi ở phi trường. Họ là những chuyên gia hàng đầu. Họ
biết mọi thủ tục phải thực hiện và hướng dẫn tôi đến người cần gặp
để tiến hành các cuộc đàm phán sơ khởi. Họ khuyên tôi đừng đưa ra
những luận điểm dài dòng mà nên quay trở lại quan điểm mà Ấn Độ
trước kia đề xuất là đã có một chính quyền dân cử ở Singapore và
Ủy ban không nên can thiệp vào vấn đề mà Singapore đã quyết
định.
Ở cuộc họp, tôi đưa ra bản ghi nhớ phản bác sự tố cáo của nhóm
đối lập rằng các điều khoản của cuộc trưng cầu dân ý thủ tiêu quyền
đối lập dân chủ, và trong hai giờ liền, tôi phân tích chi tiết từng điểm
một.Tôi nói rằng những người đối lập có tội xuyên tạc trong khi tìm
kiếm sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc. Thỉnh nguyện của họ là một
phần của chiến thuật báo động giả nhằm duy trì không khí khẩn
trương ở Singapore để nâng cao tinh thần của những người ủng hộ
họ. Họ cũng có tội khi tìm cách duy trì chế độ thực dân ở Singapore
vì mục đích riêng của mình, đưa ra thỉnh nguyện chống lại chính
quyền được bầu cử đúng thể thức và hợp hiến, một chính quyền
muốn độc lập ngay. Đó là một nghịch lý. Chúng tôi giải thích rằng
khi Singapore gia nhập Liên bang, những người cộng sản sẽ không
đấu tranh chống lại thực dân Anh nữa mà là chống lại chính quyền
dân cử đã giành được độc lập cho đất nước. Trong khi đó, chúng tôi
vẫn có toàn quyền để thực hiện việc hợp nhất mà không cần trưng
cầu dân ý gì cả.
Sau khi tôi trình bày, tiến sĩ Lee Siew Choh trình bày quan điểm
của mình, và tôi yêu cầu được trả lời và được chấp thuận. Tôi nói,
điều mỉa mai là người phát ngôn của hai nhóm đối lập, Tiến sĩ Lee và
Woodhull, đều sinh ra ở Malaya chứ không phải Singapore, và rằng
Woodhull, một công dân Malaya đã đi New York bằng hộ chiếu
Malaya. Hơn nữa họ không đại diện cho đa số bởi vì khi thách đố
chính quyền bằng kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm, họ chỉ đạt được
16 trên 51 phiếu của Hội đồng lập pháp. Cả Keng Swee và tôi đều
mệt nhoài sau cuộc hành trình nhưng chúng tôi quyết tâm xác lập
tính cách dân tộc Á Phi của mình. Bằng thái độ, giọng nói, cử chỉ và
cách nhấn mạnh đến từng vấn đề, chúng tôi bảo đảm rằng Ủy ban
không thể cho chúng tôi là bù nhìn của người Anh hay người Malay.
Ngài Hugh Foot, đại diện Anh tại Liên Hiệp Quốc, hài lòng vì những
nỗ lực của chúng tôi. Ông ta nói các thành viên của Ủy ban tin
tưởng rằng PAP là một tổ chức mạnh với một vị thủ tướng có tinh
thần chiến đấu, và không thể tưởng tượng rằng đó là bù nhìn của
vương quốc Anh.
Ngay đêm hôm ấy chúng tôi đi London. Chúng tôi không còn nhiều
thì giờ. Tunku đang kết thúc các cuộc đàm phán với Macmillan và đã
đến lúc chúng tôi phải gây áp lực với ông ta để giải quyết vấn đề
quyền công dân trước sự hiện diện của người Anh. Vì thế tôi không
ở lại New York để nghe Marshall trình bày quan điểm của ông. Ông
đưa ra một lý lẽ hết sức mạnh mẽ và gây cho Ủy ban một đáp ứng
thuận lợi hơn là của Tiến sĩ Lee nhưng cũng không thể làm mất đi
ấn tượng sâu sắc hơn mà tôi đã để lại. Ủy ban quyết định không
xem xét thỉnh nguyện thư ấy.
Chúng tôi đến phi trường Heathrow vào thứ Sáu 27/7, lúc 11 giờ
15 sáng. Keng Swee và tôi mệt nhoài sau chuyến bay từ Singapore
đến New York, nhưng không có thời gian để nghỉ. Sau khi tắm rửa
chớp nhoáng ở Khách sạn Hyde Park, nơi chúng tôi lưu trú, chúng
tôi đi xuống phòng ăn kịp lúc để dùng cơm trưa với Selkirk. Ông ta
tóm lược cho chúng tôi nghe về diễn tiến các cuộc đàm phán với
Tunku về các lãnh thổ Borneo. Vào 3 giờ chiều thì chúng tôi sẽ gặp
gỡ Duncan Sandys ở Sở Quan hệ khối Thịnh vượng chung
(Commonwealth Relations Office). Dù mệt, chúng tôi cũng phải tiếp
tục công việc.
Ngày hôm sau Keng Swee, Stanley Steward (thư ký thường trực
của tôi) và tôi dùng trà với Tunku ở khách sạn Ritz. Như thường lệ,
đối với Tunku chúng tôi không thảo luận ngay vấn đề quyền công
dân. Nhưng ông ta đang thoải mái. Ông đã giải quyết với người Anh
gần như toàn bộ các vấn đề Borneo. Đó là những tín hiệu tốt. Vào
sáng Chủ nhật, Keng Swee và tôi chơi gôn với Tunku và Razak ở
Swindon. Chiều hôm ấy, trong khi Tunku đang nghỉ ngơi, Razak thay
mặt ông ta họp với Duncab Sandys ở Sở Quan hệ khối Thịnh vượng
chung, ở đó chúng tôi thảo luận các vấn đề còn tồn đọng về quyền
công dân Malaysia, việc giam giữ những người cộng sản và kế hoạch
cho sự hình thành một thị trường chung. Tôi không biết Macmillan
có nói riêng gì với Tunku không nhưng Sandys nói thẳng thừng với
Razak rằng những vấn đề này phải được giải quyết trước khi Anh ký
thỏa thuận về các lãnh thổ Borneo. Razak thú nhận rằng trên
nguyên tắc quyền công dân Malaysia tùy thuộc vào quyết định của
Tunku. Đó là một bước tiến lớn lao.
Tôi vẫn còn nhiều nỗi lo. Không có người Anh thuyết phục Tunku,
tôi sẽ không đạt được thỏa thuận này, và tôi sợ rằng một khi
Malaysia thành hình, họ không thể nhân danh Singapore để can
thiệp sâu hơn nữa. Trong khi ấy chúng tôi vẫn chưa xác lập được
mối quan hệ thật sự sâu sát với Tunku và Razak. Họ là hai nhân vật
có cá tính hoàn toàn khác nhau. Razak luôn luôn nghi ngờ và do dự
, luôn luôn có ý kiến thứ hai. Ông ta thường đồng ý một số vấn đề
nào đó sau một cuộc thảo luận, tranh cãi rất dài, rồi hôm sau gọi
điện lại để xét lại quyết định ấy. Ông ta bồn chồn lo lắng đến từng
chi tiết và là một phụ tá đắc lực cho Tunku, ông này không bao giờ
ngó ngàng gì đến những chi tiết ấy. Ông là một công chức cần mẫn,
đã vượt qua các kỳ thi vào Luật sư đoàn, cả trung cấp và cao cấp,
trong một thời gian kỷ lục là 18 tháng. Ông đã cố công gầy dựng
một mạng lưới bạn bè, người ủng hộ trong giới sinh viên Malay ở
Anh, trong số ấy có các con trai của chín tiểu vương Malay. Nhưng
mặc dầu bản thân ông ta xuất thân từ một gia đình quý tộc truyền
thống, ông không có vẻ lịch lãm tự nhiên của Tunku, và vì vậy làm
việc với ông luôn luôn rất căng thẳng.
Vào 10 giờ sáng thứ Hai, 30/7, Keng Swee và tôi có cuộc họp
chính thức với Tunku và Razak ở khách sạn Ritz rồi ở lại dùng cơm
trưa. Tunku chính thức đồng ý điều mà Razak đã thỏa thuận. Tôi nói
tôi sẽ gửi cho ông ta một bức thư trình bày chi tiết và yêu cầu ông
xác nhận điều mà tôi đã viết. Sau bữa cơm trưa, tôi về khách sạn
Hyde Park soạn thảo bức thư, trong đó có đoạn chính là:
“Có người thấy thật khó mà hiểu rằng không hề có sự khác biệt gì
trong việc gọi các công dân Singapore là “cư dân” (national) hay
“công dân” (citizen) của Liên bang Malaysia. Vì vậy chúng tôi đã
đồng ý rằng, vì vấn đề tên gọi đã trở thành vấn đề ưu tư trong
nhiều bộ phận dân cư, đoạn 14 của bạch thư nên được tu chính để
các công dân Singapore sẽ là công dân của Malaysia thay vì là cư
dân của Malaysia. ”
Tôi đính kèm một tuyên bố chung của Bộ trưởng Tư pháp Malaya
và Singapore xác nhận quan điểm hợp hiến về quyền bỏ phiếu, đó là
người dân của chúng tôi sẽ bỏ phiếu chỉ ở Singapore, và điều này sẽ
giữ nguyên không đổi.
Ngày hôm sau Tunku trả lời thư của tôi, lấy địa chỉ là khách sạn
Ritz, London:
"Tôi xác nhận rằng những dàn xếp về quyền công dân của người
dân Singapore sẽ có hình thức đã được hai chính phủ Liên bang
Malaya và Singapore thỏa thuận, được nêu ở đoạn 14 của Bạch Thư
Singapore năm 1961, và đã được tu chính về tên gọi và về quyền
bầu cử theo các điều khoản đã được công bố.”
Đây chính là điều tôi cần. Nếu phe đối lập không nêu lên vấn đề
này thì tôi khó mà dễ dàng như thế trong việc giành được thế
thượng phong đối với họ. Bây giờ thì họ chẳng còn bao nhiêu cớ để
bất mãn và tôi sẽ không cho họ có thêm thời gian trước khi cuộc
trưng cầu dân ý có thể tạo ra những cớ chống đối mới. Cho đến bây
giờ tôi vẫn không hiểu được làm thế nào mà người Anh – có thể có
sự giúp đỡ của người Úc – cuối cùng thuyết phục được Tunku thay
đổi quyết định của ông ta. Có lẽ Sandys, người rất cứng rắn trong
đàm phán, bảo ông ta rằng nếu không có quyền công dân chung
cho mọi người thì sẽ không có lãnh thổ Borneo cho ông ta và sẽ
không có hợp nhất. Tối hôm đó vào lúc 7 giờ, Sandys tổ chức một
cuộc họp cuối cùng với Tunku, Razak, Keng Swee và tôi để tổng kết
các vấn đề. Tôi yêu cầu thỏa thuận về quyền công dân sẽ khoan
được công bố để tôi có cơ hội ra một tuyên bố đầy ngạc nhiên tại
Singapore vào một thời điểm thích hợp.
Vẫn còn đó vấn đề cộng sản. Khi đến London, Selkirk cho tôi biết
rằng Tunku vẫn còn muốn mọi phần tử gây rối phải bị bắt giữ trước
khi Singapore thuộc về trách nhiệm của Liên bang. Nhưng ông ta đã
lặp lại rằng người Anh không nhiệt tình trong việc chống lại họ và
muốn chính quyền Malaysia thực hiện điều này sau khi hợp nhất.
Tôi trút được nỗi lo. Bây giờ người Anh có thể chịu gánh nặng chống
lại Tunku. Đoạn tôi điều chỉnh lập trường, phát biểu rằng một khi
cuộc trưng cầu dân ý kết thúc thắng lợi, tôi sẽ chuẩn bị để hỗ trợ
cuộc thanh lọc trước ngày tuyên bố thành lập Liên bang Malaysia.
Nhưng Selkirk đã viết cho Sandys vào ngày 27/7 rằng:
“Tôi phải cho ngài biết rõ rằng tôi nghĩ chính sách này nguy hiểm
như thế nào vì những lý do sau đây:
(i) Sự bắt giữ độc đoán mà không có bằng chứng thuyết phục được
công chúng ắt sẽ tăng cường lực lượng đối lập ở Singapore và ảnh
hưởng bất lợi đến các đồng sự của Lee, có thể dẫn đến sự sụp đổ
của ông ta.
(ii) Người ta sẽ thấy rõ ràng là người Anh áp đặt lên Malaysia bất
chấp ý muốn của nhân dân. Lúc ấy người ta sẽ cho rằng kế hoạch
của chúng ta là nhằm duy trì các cơ sở của chúng ta, với Tunku tự
nguyện trở thành bù nhìn của chúng ta.
(iii) Sẽ rất khó biện hộ hành động kiểu này ở nghị viện Anh và ở
Liên Hiệp Quốc, nơi người Nga nổi tiếng là chống đối mạnh mẽ Liên
bang Malaysia.
Chúng ta cũng không thể đưa ra một lý lẽ mạnh mẽ nào để biện
minh tại sao hành động cần thiết cho an ninh như thế lại không do
chính quyền Malaysia thực hiện sau khi thành lập Malaysia.
Điều Selkirk không nói là có thể có bạo loạn và đổ máu, điều này
sẽ tạo tiếng xấu về chính trị cho người Anh. Sandys nhấn mạnh
rằng ông ta không thể đồng ý trước, thậm chí trên nguyên tắc, về
các vụ bắt giữ ở Singapore mà không có cơ hội để xem xét các
trường hợp của các cá nhân có liên quan. Một trường hợp hợp lý
phải được nêu ra, và chính quyền Anh không phải là người đề xuất
vấn đề này. Nhưng nếu tất cả các bên có liên quan cho thấy rằng họ
chuẩn bị để gánh chịu trách nhiệm của mình, chính quyền Anh sẽ
không né tránh trách nhiệm của họ và sẽ không phụ lòng tin cậy
của các bên khác. Tạm thời Tunku phải giải quyết vấn đề này.
Tunku thường nói chuyện công khai về những con số, màu sắc và
những giấc mơ được coi là may mắn đối với ông. Ông rất coi trọng
những ảnh hưởng siêu nhiên ấy. Tại London, ông có một giấc mơ dễ
chịu đi kèm với những biểu tượng con giáp, ông bảo điềm này là hên
lắm. Vì Thỏa ước Malaysia sẽ được ký vào ngày 1/8, ngày hên của
ông, nên ông ra một tiệm kim hoàn gần Burklington Arcade đặt mua
một chiếc nhẫn có chạm hình các con giáp để kỷ niệm chuyện này.
Tuy nhiên, ngày nhận hàng, ông lại phật ý khi thấy nó có khắc
những biểu tượng lạ, chứ không phải những con giáp trong can chi
Tây phương mà ông đã quen thuộc như dương cưu, kim ngưu, song
nam v.v… Keng Swee đã tới cứu nguy, đoan chắc với ông đấy chính
là những biểu tượng con giáp Tây phương, nếu không thì chiếc nhẫn
đã bị trả lại để sửa chữa và như thế sẽ không có kịp trước lễ ký kết.
Những sự vụ như thế cũng làm bớt đi cảnh buồn chán trong sinh
hoạt của các tùy tùng dưới trướng Tunku tại Ritz.
Tuy vậy, Tunku vẫn là một người Hồi giáo thuộc thế hệ trước Thế
chiến theo Tây học và có tinh thần tự do. Ông ta vui tính và hoàn
toàn cởi mở về chuyện đó. Giống như những người Hồi giáo cùng
thế hệ tại Anh, ông ta ăn uống thoải mái, thích ngựa và đàn bà. Ông
từng bị nêu tên như kẻ đồng phạm trong một vụ kiện đòi li dị tại
Anh do một luật sư Âu lai Á đứng đơn, vì vợ ông này đã ngoại tình
với Tunku. Vụ kiện, rất xôn xao ở Malaya trước khi ông trở thành
Thủ tướng năm 1955, chỉ làm tăng thêm sức ủng hộ của dân chúng
dành cho ông. Dân quê Malay thán phục khả năng xuất chúng của
ông. Năm 1970, sau khi về hưu, Tunku trở thành người Hồi giáo
thuần thành, cống hiến toàn bộ sức lực cho việc củng cố khối thống
nhất Hồi giáo trong cương vị Tổng thư ký Tổ chức hội nghị Hồi giáo.
Tunku là một người bạn rất dễ ưa trong các buổi tiệc tùng, lúc nào
cũng có đủ thứ câu chuyện vui nho nhỏ để kể với một phong cách
rất hấp dẫn. Mục tiêu của ông trong cuộc đời là sự sung sướng, và
tiêu chuẩn để ông đo lường mọi tình huống là nó có làm ông sung
sướng hay không. Khi mọi chuyện tốt đẹp, ông có thể tự hào nói:
“Tôi là ông Thủ tướng sung sướng nhất trên đời.” Ông có thể nói
thêm rằng mục tiêu của ông cho Malaya chẳng phải là giàu có, vĩ đại
hay vinh quang, mà là sung sướng trên một lãnh thổ không có rối
loạn hay thù hằn, và khi tìm cách bảo đảm vị trí cho người Borneo
trong Liên bang, ông đã nói với báo chí rằng ông muốn mở rộng mục
tiêu này cho toàn Malaysia. Nhưng cách này lại không tác động lắm
với người dân ở Borneo và Singapore, vì họ vốn không quen đánh
giá chất lượng cuộc sống của mình theo lối đó.
Ông ta không màu mè về các khả năng của chính mình và không
áy náy gì khi mô tả các tính khí của người Malay. Ông ta thẳng thắn
khi xét tật mình, nói thật rằng cha của ông, một tiểu vương Malay,
là một con người yếu đuối và sức mạnh của ông thực ra là kế thừa
từ bà mẹ người Thái. Ông bảo người Malay không thông minh sắc
sảo và không đòi hỏi cao cho lắm, nên rất dễ thỏa mãn họ. Ông chỉ
cần cho họ thêm một chút là họ thấy sung sướng ngay. Những quan
điểm này cũng tương tự như những quan điểm do Tiến sĩ Mahathir
Mohamad trình bày trong cuốn The Malay Dilemma29 của ông được
xuất bản năm 1971. Ông ta viết: “Bất cứ thứ gì người Malay có thể
làm thì người Hoa cũng có thể làm với giá thành rẻ hơn,” và “Họ là
kết quả của hai hệ thống ảnh hưởng môi trường và truyền thống
hoàn toàn khác biệt nhau”. Nhiều năm sau, vào 1997, khi đã trở
thành Thủ tướng Malaysia, Tiến sĩ Mahathir nói rằng ông đã thay đổi
cách nhìn và không còn tin vào những gì mình đã viết trong The
Malay Dilemma nữa.
Nhưng vào thập niên 1960, Tunku có thể nhìn quanh các viên
chức và Bộ trưởng đang ngồi trong phòng khách của ông trước hoặc
sau bữa tiệc chiêu đãi và nói: "Những tay này chẳng làm ăn gì được.
Họ không có khái niệm về cách nào làm ra tiền. Người Hoa thì làm
ăn được. Họ biết cách kiếm tiền và nhờ tiền thuế họ đóng, chúng ta
có thể nuôi chính phủ. Nhưng bởi vì người Malay không thông minh
và kinh doanh không giỏi, nên họ phải nắm các ban bộ trong chính
phủ, cảnh sát và quân đội." Ông ta có một triết lý đơn giản: vai trò
của người Malay là kiểm soát guồng máy quốc gia, duyệt cấp giấy
phép và thu thuế các loại, và quan trọng hơn cả, là bảo đảm để họ
không bị người khác thay thế. Không giống như người Hoa và người
Ấn, còn có nước Ấn Độ hay Trung Quốc để trở về, thì họ chẳng có
chỗ nào khác mà về. Bằng cách nói nhẹ nhàng và cung cách lịch
thiệp, ông ta hoàn toàn công khai về quyết tâm duy trì vị thế thống
trị của người Malay và bảo đảm rằng họ và các tiểu vương của họ cứ
mãi mãi là người chủ của xứ sở này.
Razak có thể cười bối rối mỗi khi Tunku lặp lại những nhận định
thành thật của ông ta về dân Malay. Điều đó làm Razak không thoải
mái. Ông nghĩ những nhận định đó đã đánh giá thấp khả năng của
họ và sẽ không thể chấp nhận được đối với thế hệ trẻ – xét cho
cùng thì chính ông đã từng hoàn tất các kỳ thi của ngành luật trong
một thời gian ngắn bằng một nửa so với các sinh viên người Hoa.
Tunku có thể đã mất nhiều năm mới hoàn tất các kỳ thi tốt nghiệp,
nhưng đó là bởi vì – như chính ông ta vẫn thường nói – ông ta đã
dành quá nhiều thời gian khi còn ở Anh cho những con ngựa chạy
chậm lụt và những phụ nữ thay đổi quá nhanh.
Vào 7 giờ tối ngày 1/8, Tunku và Macmillan ký bản thỏa ước khai
sinh Malaysia, buổi lễ bị hoãn lại một ngày để rơi vào đúng tháng
thứ tám trong năm vốn rất may mắn cho Tunku. Các thủ hiến của
Bắc Borneo và Sarawak thay mặt chính phủ của các lãnh thổ đó ký
vào văn kiện. Singapore và Brunei được đề cập thoáng qua trong
một tuyên bố chung tuy rằng chúng là đề tài quan trọng trong suốt
hai tuần thương thảo trước khi ký kết. Quốc vương Brunei đã trì
hoãn để giành được những điều kiện tốt hơn, và Singapore cũng
vậy.
Báo cáo của Ủy ban Cobbold được công bố vào cùng thời điểm ký
kết thỏa ước. Nó được viết rất cẩn thận, trình bày tình hình với
những chi tiết tốt nhất có thể thu thập được. Đánh giá của Ủy ban
về nguyện vọng của dân chúng Borneo là: một phần ba ủng hộ
mạnh việc sớm thành lập Liên bang Malaysia mà không quan tâm
đến các điều khoản hay điều kiện; một phần ba khác đồng ý gia
nhập Liên bang nhưng muốn có những điều khoản bảo vệ; phần ba
cuối cùng được chia làm hai nhóm, một nhóm muốn nền cai trị của
Anh sẽ kéo dài thêm một số năm nữa, và một số khác “kiên định,
năng động về chính trị cũng như ngôn luận, chống đối việc gia nhập
liên bang với bất kỳ điều kiện nào trừ khi có được độc lập và tự trị
trước đã”. Hay nói cách khác là không bao giờ. Về phần mình,
Cobbold bác bỏ thỉnh nguyện của các lãnh thổ Borneo muốn có được
quyền rút lui trong một giai đoạn thử nghiệm. Thế là kết thúc.
Keng Swee quyết định trở về Singapore trước tôi, và về đến nơi
ngày 3/8. Báo chí tường thuật ông ta ở trạng thái phấn khởi khi
xuất hiện ở phi trường. Nâng một cốc sâm banh chúc mừng Liên
bang Malaysia, ông ta nói với các nhà báo rằng chính phủ có một
quân bài tốt để chơi vào đúng thời điểm của nó.
Mặc dù công việc của tôi đã xong, tôi vẫn ở lại London cùng với
Tunku, người vốn rất tin tưởng vào chuyện không để bị thúc đẩy
qua hết cuộc sống này. Ngay cả trong giai đoạn thảo luận, ông ta
vẫn thích lang thang trong khu Burlington Arcade gần khách sạn
Ritz để mua cáo loại áo vét và khăn tay sang trọng như hồi còn trẻ
sống phóng túng ở Anh. Tôi đi cùng ông cho có bầu có bạn, và một
dịp nọ, tôi cũng mua một chiếc áo khoác len xám mà tôi không cần
tới lắm. Trong một bữa trưa do Macmillan mời và có Sandys cùng dự,
chúng tôi chụp hình chung với nhau bên ngoài trụ sở bộ hải quân và
hai chúng tôi mặc những chiếc áo khoác mới ấy. Khi Tunku đã ra
ngoài tầm tai, tôi nói với Macmillan về những khó khăn của tôi trong
khi làm việc với Tunku và Macmillan nhận xét: “Tunku cũng giống
như một tay quý tộc Tây Ban Nha. Thế giới của ông ta là thế.” Tôi
chỉ có nước là đồng ý thôi. Chính Macmillan cũng hành xử như một
tay quý tộc nhưng với tư tưởng hiện đại hơn, tính toán thiệt hơn
trong từng nước đi đằng sau một phong thái lịch lãm. Còn Tunku là
một quý tộc mong muốn thế giới này ăn khớp với kiểu suy nghĩ của
ông ta.
Ngày 8/8 – ngày hên gấp đôi đối với Tunku – chúng tôi bay về
Singapore bằng máy bay của hãng Qantas, và về đến nơi ngày hôm
sau. Ngày kế đó, tôi tháp tùng ông trên một chuyến bay đặc biệt
của hãng Malayan Airways đi Kuala Lumpur, nơi ông được dân chúng
chào đón nồng nhiệt tại phi trường. Ông ta hào phóng chia cho tôi
những vòng hoa do dân chúng trao tặng, và cho tôi cơ hội phát biểu
lần đầu trước công chúng Malay. Và khi ông lên một chiếc xe mui
trần để về tư dinh trong khí thế chiến thắng với hàng nghìn người
dân đứng dọc hai bên đường, ông lại cho tôi chia sẻ vinh quang
bằng cách xếp tôi đứng cạnh ông trên xe. Tôi đã được ông biệt đãi.
Ngày hôm sau, tôi trở về Singapore để kiểm tra lại những chuẩn bị
cuối cùng cho cuộc trưng cầu dân ý, kể cả việc công bố các thư từ
trao đổi giữa tôi với Tunku. Khi họp báo, chúng tôi cũng không đề
cập gì tới thỏa thuận chúng tôi đã đạt được về quyền công dân
Malaysia. Tôi muốn dành chuyện này cho một dịp khác.
Nhưng Barisan đã biết rằng có điều gì đó đang nhen nhóm. Khi
thỏa ước được ký ở London, Marshall đã nghe tin ở Liên Hiệp Quốc
tại New York rằng dưới áp lực của Anh và Úc, Tunku đã đồng ý một
chế độ công dân chung cho mọi lãnh thổ, tôi không biết ai đã tiết lộ
tin này cho ông ta, nhưng ông ta đã không thể giữ kín tin ấy. Ông ta
lập tức nói với các hãng thông tấn, và tin này đã lan tới Singapore.
Điều này khiến tôi mất đi cơ hội tạo ngạc nhiên, nhưng vì không có
người thẩm quyền xác định lại tin này, nên mọi chuyện vẫn còn
nguyên chỗ đó. Một ai đó ở New York đã tiết lộ tin này cho Marshall
hẳn đã muốn ông ta bớt chống đối việc thành lập Liên bang đi. Cho
dù vì động cơ gì thì tác động của nó đối với ông ta cũng rất sâu xa.
Bây giờ ông ta nhận ra rằng mình đang đối đầu với các chính phủ
Anh, Úc và Malaysia, và ông ta e rằng nếu tiếp tục theo đường lối
chống Malaysia của Barisan, ông ta có thể phải nhận lãnh biện pháp
đối phó mà Tunku đã dành sẵn cho họ. Ông ta phải sớm nghĩ cách
bảo vệ mình.
Ông ta cũng không lẻ loi trong việc này. Lim Chin Siong cũng đang
gặp rắc rối, vì những ủng hộ viên quanh ông ta đều đang suy xét lại.
Ngày 3/8, một thành viên trong Hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học
Nanyang cảnh báo rằng nhiều người đã không đồng ý với việc bỏ
phiếu trắng. Theo Sở đặc vụ thì Lim đã trả lời rằng không có con
đường nào khác. Năm ngày sau, biên tập viên của tờ báo do Câu lạc
bộ Xã hội Chủ nghĩa Singapore xuất bản cũng nói với ông ta rằng tờ
báo không thể công khai kêu gọi bỏ phiếu trắng vì câu lạc bộ phải
giữ thái độ không thiên vị. Kêu gọi như thế sẽ đụng chạm tới khối
sinh viên nói tiếng Anh. Biên tập viên ấy nói chỉ có thể đưa ra một
lời kêu gọi dưới hình thức một lá thư của độc giả.
Ngày 14/8, tôi phát động chiến dịch hai tuần vận động trưng cầu
dân ý vào ngày thứ Bảy 1/9. Tôi bảo đảm với mọi công dân
Singapore rằng họ sẽ tự động trở thành công dân Malaysia. Tôi đọc
trích đoạn lá thư ngày 30/7 của tôi gửi Tunku và thư tái khẳng định
của ông ta ngày 31/7. Đó là một đòn chí tử giáng vào những chống
đối trước vấn đề hợp nhất.
Các nghiệp đoàn và hiệp hội văn hóa khuynh tả của Lim ngừng
mọi hoạt động khác để tập trung vận động bỏ phiếu trắng. Bích
chương, biểu tượng, cờ xí và biểu ngữ tràn ngập thành phố trên các
cột đèn và các bức tường, các cuộc mít–tinh diễn ra mỗi đêm, những
cuộc lớn nhất là do Barisan tổ chức. Nhưng trong vòng 24 giờ sau lời
thông báo của tôi, Ko Teck Kin, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa kiều,
đã kêu gọi ủng hộ phương án A: mô hình của chính phủ trong việc
hợp nhất. Ông ta đã xác định rằng người Hoa ở Singapore không thể
để mất quyền công dân vì những mưu toan chính trị của Barisan.
Đây quả là một bước ngoặt: khối dân chúng nói tiếng Hoa, không
theo hướng khuynh tả và hiện đối mặt với một quyết định quan
trọng ảnh hưởng tới vị trí của họ, đã chọn giải pháp là nghe theo lời
những lãnh đạo lâu đời của họ.
Ngày 14/8, Lim hỏi một trong những cán bộ của ông ta, một
phóng viên của tờ Nanyang Siang Pau, là tại sao không thấy in bài
tuyên bố của ông ta về vấn đề hợp nhất. Xem ra ban điều hành tờ
báo bây giờ đã sợ chính phủ hơn là bất cứ thế lực nào khác muốn
cản trở cuộc trưng cầu dân ý. Lim rơi vào cảnh ngày càng tuyệt
vọng, Barisan thậm chí còn dùng tới đòn kết án tôi là muốn tạo một
sự đã rồi bất chấp ý kiến của Ủy ban Giải thực Liên Hiệp Quốc mà họ
rêu rao rằng sẽ nhóm họp vào tháng 9 để xem xét tố cáo của họ về
cuộc trưng cầu dân ý không công bằng.
Trong khi đó, thế lực chống đối đã bị một bước suy thoái nữa.
Chúng tôi củng cố được lực lượng của mình trong Hội đồng lập pháp
khi S.V. Lingam đã thoát ly phe Ong Eng Guan và UPP vào ngày
17/8 rồi xin tái gia nhập vào PAP. Việc này giúp đảng cầm quyền
giành lại đa số 26 chống 25 trong nghị viện (thái độ dao dộng này
của Lingam thật kỳ lạ và chỉ được lý giải sau khi chúng tôi gia nhập
Malaysia, khi Keng Swee tìm biết được rằng Lingam là nhân viên đặc
vụ của Malaya. Họ muốn biết Ong theo đuổi mục tiêu gì, nhưng đã
chỉ thị cho Lingam trở lại với PAP khi đảng cầm quyền có nguy cơ bị
lật đổ. Chúng tôi đã đưa Lingam ra ứng cử trong kỳ tổng tuyển cử
năm 1963, nhưng khi khám phá ra chuyện này, chúng tôi đã loại bỏ
ông ta ra khỏi danh sách.)
Lợi thế của chúng tôi không kéo dài lắm. Sức khỏe của Ahmad
Ibrahim ngày càng kém. Ông ta bị viêm gan rồi chuyển qua sơ gan
từ nhiều năm trước. Chúng tôi đã đưa ông qua Anh để giải phẫu
nhưng bệnh vẫn tiến triển, và ông ta mất vào ngày 21/8, tôi đã có
mặt cùng vợ ông ta bên giường bệnh ở phút cuối cùng. Ahmad có
một tinh thần lớn. Ông có các phẩm chất của lãnh tụ và đã dùng nó
để tạo ảnh hưởng tốt trong Nghiệp đoàn lao động khu căn cứ hải
quân. Quan trọng hơn, ông đã có đủ sức tiếp nhận Bộ Lao động từ
tay Kenny để đối phó với các thế lực chống đối. Cái chết của ông là
một mất mát lớn, và khiến chúng tôi rơi trở lại tình thế 25 chống 25.
Tuy nhiên, tình thế không có chút tuyệt vọng nào. Marshall đang
dao động và muốn rời phe chống đối để củng cố uy tín trước mặt
Tunku. Tôi mời ông ta tham dự diễn đàn tay đôi trên đài phát thanh
với tôi. Ông ta đồng ý, và trong lúc vấn đáp sau khi mở đầu diễn
đàn, ông ta đã thừa nhận rằng không hề có khác biệt gì giữa các
công dân Singapore và các công dân khác của Malaysia khi mà giờ
đây, chúng tôi cũng đã có được tư cách công dân Malaysia. Để giữ
trọn thái độ nghi ngại và e dè, ông ta đã yêu cầu tôi xác định, và tôi
đã xác định, rằng công dân Singapore sẽ có quyền làm việc và sở
hữu tài sản trên toàn liên bang. Họ đủ tư cách để làm việc trong bộ
máy hành chính liên bang và hiến pháp bang Singapore sẽ được
hình thành theo cùng một cách thực thi ở các bang khác.
Cùng hôm đó, ông ta gặp gỡ các lãnh đạo của Đảng công nhân và
thuyết phục họ nhất trí ủng hộ sự thay đổi trong điều khoản quyền
công dân. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục chống đối các dự trù cho cuộc
trưng cầu dân ý mà họ coi như “phi đạo đức tới nỗi bất kỳ công dân
lương thiện nào, theo bất kỳ quan điểm gì, cũng không thể tham gia
trừ khi bị luật pháp cưỡng bách”. Dĩ nhiên Marshall biết việc đi bầu là
cưỡng bách, và do đó đã khuyên dân chúng bỏ phiếu trắng để phản
đối, vì họ không thể không đi bầu. Một lần nữa ta thấy đây là thủ
pháp tiêu biểu của một tay luật sư. Ông ta không hề muốn chống
đối và chọc giận Tunku, nhưng đồng thời lại muốn tỏ ra rằng ông
không hề thoát ly khỏi lực lượng của Lim Chin Siong.
Vài ngày sau, tôi đã có thể mời ông ta phát biểu trên một diễn đàn
tại Viện đại học Singapore: "Cho phép chúng tôi ngắn gọn. Đảng
Công nhân không thay đổi lập trường. Các đề nghị hiến định đã
được thay đổi để thỏa đáp yêu cầu của Đảng Công nhân theo đúng
y mô hình do đảng đưa ra.” Tuy nhiên, trong một cố gắng vô vọng
cuối cùng, ông ta đã yêu cầu chính phủ tạm hoãn cuộc trưng cầu
dân ý cho đến khi dự thảo hiến pháp Malaysia được chuyển đến cho
Hội đồng lập pháp Singapore. Cho dù ông ta có tung hỏa mù để che
giấu động cơ của mình, việc ông ta, vừa là luật sư vừa là người
chống đối hợp nhất, thừa nhận rằng các công dân Singapore sẽ
không trở thành những công dân hạng hai của liên bang, đã là một
đòn mạnh đánh vào đường lối tuyên truyền của Barisan.
Còn nhiều đòn tấn công mạnh mẽ nữa. Tiếp theo lời kêu gọi của
Ko Teck Kin, lãnh đạo của 12 hiệp hội ngành kinh doanh đã ký một
tuyên bố vào ngày 23/8 yêu cầu Phòng thương mại Hoa kiều tổ
chức mít-tinh để khuyến cáo dân chúng không nên bỏ phiếu trắng
mà hãy chọn phương án A. Hơn nữa, họ còn công bố danh tính của
họ để dễ dàng cho việc xác minh, tuy rằng hành động của họ là đối
kháng trực tiếp với lá thư ngỏ của MCP.
Để khuyến khích họ rời bỏ phe chống đối, tôi tuyên bố thêm với
các lãnh đạo bang hội người Hoa rằng nếu có quá nhiều phiếu trắng
thì điều đó có thể được coi như ủng hộ phương án B – hợp nhất trọn
vẹn và vô điều kiện – bởi vì điều đó sẽ có nghĩa rằng đa số đã đáp
ứng lời kêu gọi của Barisan. Nhưng trong trường hợp đó, những ai
không ra đời tại Singapore mà chỉ nhập tịch sau này có thể mất đi
quyền công dân của họ. Lý luận này có tác động. Ba ngày sau khi
12 hiệp hội đưa ra bản tuyên bố, có thêm ba tổ chức khác công khai
ủng hộ phương án A, trong đó có Liên hiệp giáo viên các trường Hoa
tại Singapore, một tổ chức có tiếng là khuynh tả.
Ngày kế tiếp, Ko dẫn một phái đoàn từ Phòng thương mại Hoa kiều
đến văn phòng của tôi tại Tòa thị chính để làm rõ tuyên bố của tôi
về phương án B. Tôi nói cho ông ta hiểu rõ rằng ông ta không được
hành động bất cẩn trước vấn đề quyền công dân của cộng đồng
người Hoa. Rồi ông ta yêu cầu các đảng đối lập trình bày rõ ràng
xem họ sẽ có biện pháp gì một khi do tác động của họ, con số phiếu
trắng trong cuộc trưng cầu dân ý lại đưa tới việc chấp nhận phương
án B. Lim Chin Siong trả lời chất vấn của Ko bằng một đe dọa: cộng
đồng người Hoa sẽ biết “cách đối phó với các nhân vật được mệnh
danh là lãnh đạo lại đi phản bội họ,” ông ta còn kết án Phòng thương
mại vì đã đi theo luận điệu tuyên truyền của PAP. Không nao núng,
ban điều hành của Phòng thương mại lại yêu cầu các thành viên bỏ
phiếu cho giải pháp A, và trong cùng ngày hôm đó, thêm sáu tổ
chức của người Hoa ra mặt ủng hộ quan điểm này.
Để đương cự với xu hướng trên, Lim Chin Siong điều động 24
nghiệp đoàn, rồi thêm 12 nghiệp đoàn khác nữa, tái khẳng định với
các thành viên là phải bỏ phiếu trắng. Nhưng lãnh đạo các nghiệp
đoàn ấy không có sức nặng là mấy: họ dựa vào uy tín của Lim, mà
cái này thì đang trên đà suy giảm. Bực bội và bối rối, ông ta đã dùng
tới thủ đoạn đe dọa, trở nên rối loạn trong phát biểu và phạm một
sai lầm lớn vào ngày 27/8. Trong một cuộc mít–tinh tại Hong Lim
Green, ông ta đã nói: “Hợp nhất và thành lập liên bang có ý nghĩa
khác nhau đối với những lực lượng khác nhau. Trong cuộc đấu tranh
giành độc lập cho Malaya và Indonesia, các lực lượng quốc gia của
hai lãnh thổ này đã phát triển khái niệm về một Melayu Raya, nghĩa
là Đại Malaya, hoặc Malaysia, bao gồm cả Indonesia…”
Điều này làm kinh hoàng các cử tri người Hoa vốn là những người
biết rõ dân Indonesia còn bài Hoa hơn cả người Malay tại Malaya.
Nhưng điều đó cũng chẳng có tác dụng gì khi Ong Eng Guan, khi
được báo chí hỏi rằng ông ta sẽ làm gì khi việc bỏ phiếu trắng được
lý giải là ủng hộ hợp nhất trọn vẹn, đã từ chối không đưa ra ý kiến
nào. Điều này củng cố thêm niềm tin nơi các lãnh đạo bang hội
người Hoa rằng phe thân cộng và chống đối hợp nhất đã bị dồn vào
ngõ cụt. Cảm thấy vững bụng hơn, Phòng thương mại Hoa kiều đã
cho cậy đăng lời thông báo ủng hộ phương án A trên tất cả các báo
tiếng Hoa trong hai ngày liên tiếp. Nỗi sợ hãi cố hữu của họ trước
phe đối lập nay đã thay bằng nỗi lo sợ rằng 330.000 người Hoa vốn
là chỗ hậu thuẫn của họ sẽ mất đi quyền công dân và làm mất luôn
ảnh hưởng của họ đối với các diễn biến chính trị. Hành động của họ
có tác động mạnh. Các lãnh đạo đoàn thể khác cũng công khai lên
tiếng kêu gọi ủng hộ phương án A, trong đó có 51 công ty thương
mại và nghiệp đoàn.
Tuần lễ cuối cùng trước ngày trưng cầu dân ý đã diễn ra vô số
cuộc mít–tinh và hội thảo, nhưng tôi tin rằng họ chẳng làm thay đổi
được gì nữa. Cuộc tranh luận quanh các điều kiện thống nhất đã kéo
dài suốt năm. Vấn đề quốc tịch và tư cách công dân hạng hai mà
Barisan khai thác đã dược dàn xếp xong. Ngày 30/8 có một cuộc
mít–tinh cuối cùng do PAP tổ chức tại Hong Lim Green, đó là cuộc
mít-tinh lớn nhất của chúng tôi, thu hút được một đám đông rất lớn
mà không cần phải lấy xe chở họ tới như Barisan đã làm ba tuần
trước đó. Khi tôi bắt đầu phát biểu lúc 9 giờ 30, nhạc đột nhiên phát
ầm vang từ ba cái loa gắn trên tầng bốn của tòa nhà trụ sở một
nghiệp đoàn thân Barisan. Tôi nói ngay: “Đó là kiểu dân chủ của
Barisan Sosialis. Chúng tôi đã cho họ cả năm để làm gì thì làm. Nay
họ lại sợ tôi nói ra sự thật với các bạn.” Họ dùng nhạc để át tiếng tôi,
nhưng tôi cứ tiếp tục. Sau vài phút, một nhóm cảnh sát đi vào tòa
nhà đó. Họ thấy các cánh cửa trên tầng bốn đều đóng kín, nhưng
tiếng nhạc được ngừng lại.
Cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 8 giờ sáng ngày 1/9 và kết thúc lúc 8
giờ tối, sau đó bắt đầu kiểm phiếu. Đến 3 giờ sáng, kết quả cho thấy
chiến dịch vận động bỏ phiếu trắng của Barisan đã thất bại. Phiếu
trắng chiếm chưa tới 30% số phiếu, 70% còn lại ủng hộ phương án
A, còn một ít ủng hộ cho phương án B và C. Những đám đông rất
lớn tụ họp ngoài dinh Badminton trên đường Guillemard, không khí
rất căng thẳng, vì tuy rằng có tới 345 địa điểm bầu cử trên toàn
Singapore, nhưng mọi thùng phiếu đều được mang về đây để kiểm.
Barisan muốn phiếu được kiểm tại từng đơn vị bầu cử, nhưng chúng
tôi từ chối điều đó. Chúng tôi không muốn họ biết được rằng đơn vị
nào bỏ phiếu trắng nhiều nhất, đó sẽ là thông tin hữu dụng trong kỳ
bầu cử kế. Nhưng họ đã khôn ngoan hơn chúng tôi khi dặn dò
những người ủng hộ kẹp chung thẻ cử tri vào với lá phiếu. Những
thẻ đó cho biết ngay phiếu là từ đơn vị nào.
Khoảng 6 giờ 45, ngay trước khi công bố kết quả, Tiến sĩ Lee Siew
Choh gửi một lá thư tới viên giám sát trưng cầu dân ý yêu cầu được
kiểm phiếu lại. Nửa giờ sau, viên giám sát đồng ý nhưng quãng thời
gian chờ đợi này khiến Tiến sĩ Lee gửi ngay lá thư thứ hai lúc 7 giờ
45, trong đó ông ta cáo buộc rằng viên giám sát đã cho Thủ tướng
đọc lá thư thứ nhất trước khi trả lời đồng ý, như thế ông ta chẳng
hơn gì tay sai của Thủ tướng. Hơn nữa, vì quy trình thủ tục của lần
đếm thứ nhất cũng sẽ áp dụng cho lần đếm thứ hai, nên toàn bộ sự
việc cũng khôi hài như chính cuộc trưng cầu dân ý nên ông ta sẽ
không chấp nhận điều đó. Viên giám sát đưa ra câu trả lời một giờ
sau đó, nhưng do lời khuyên của tôi, ông ta đã cho đọc thư trả lời ấy
trên loa phóng thanh cho giới báo chí cùng nghe trước khi trao lá
thư cho Tiến sĩ Lee. Thư nói rằng các thùng phiếu đã được mở niêm
phong, các lá phiếu đã trộn lẫn lộn và đếm trong khi Tiến sĩ cũng có
mặt tại đó suốt thời gian kiểm phiếu nhưng ông ta đã không đưa ra
lời phản đối nào về sự hợp cách của quy trình cho đến khi mọi việc
hoàn tất và chỉ chờ đến lúc công bố kết quả thôi. Tuy nhiên, viên
giám sát cũng ra lệnh cho đếm lại theo lời ông ta yêu cầu.
Đó chỉ là nỗ lực phản đối vô vọng của Tiến sĩ Lee, và trong khi việc
kiểm phiếu lần hai còn tiến hành thì ông ta đã đùng đùng bỏ ra
ngoài và nói với báo chí: “Thật là lố bịch và khôi hài.” Lim Chin Siong
cũng bỏ ra ngoài với ông ta, tiến đến với đám đông ủng hộ phía bên
kia đường và nói: “Chúng ta sẽ không chịu thua và sẽ tiếp tục cuộc
chiến đấu đòi các quyền bình đẳng cho nhân dân Singapore.” Nhưng
chẳng còn gì cho họ ngoài chuyện giải tán. Họ đã thua cuộc và đành
lặng lẽ rút về nhà để tránh phải đối mặt với thất bại.
Lúc 11 giờ 30 sáng Chủ nhật, việc kiểm phiếu lần hai kết thúc:
71% ủng hộ phương án A và 25% phiếu trắng. Tôi vui mừng quá độ
khi phát biểu với đám đông chờ đợi bên ngoài và mắt tôi đã rưng lệ.
Những lời phát biểu của tôi trước dinh Badminton đã được đài phát
thanh Singapore truyền trực tiếp trên sóng:
“Lời phán quyết của nhân dân là một điều kinh khủng đối với
những kẻ thiếu trung thực về mặt chính trị. Lời phán quyết này có
tính quyết định. Đó là con dấu chuẩn y của nhân dân đối với việc
hợp nhất và thành lập Liên bang Malaysia… Không tiến hành trưng
cầu dân ý có thể sẽ là một sai lầm bi thảm, vì như thế chúng ta có
thể đã giúp phe đối lập có cơ hội làm dân chúng tin vào cái được gọi
là số đông đã chống lại việc hợp nhất. Với thời gian và kiên trì giải
thích, chúng ta sẽ có thể giảm dần số người ủng hộ mà họ đã thu
phục được bằng cách dối gạt, bôi nhọ hay đe dọa.”
28
CHÂU ÂU VẪY GỌI ANH
Tôi lên đường đi London ngày 5.9 để tham dự Hội nghị các Thủ
tướng thuộc Khối thịnh vượng chung năm 1962 được triệu tập để
thảo luận việc Anh xin gia nhập Khối Thị trường chung Châu Âu
(EEC). Singapore không phải là một nước độc lập, nhưng vì các
thuộc địa có thể bị ảnh hưởng, nên chúng tôi được mời với tư cách là
những cố vấn cho Duncan Sandys; tôi không có quyền phát biểu và
chỉ có thể đưa ra những quan điểm của mình thông qua ông ta. Đó
là một cơ hội để tôi nối lại mối quan hệ với Đảng Lao động. Tôi đã
gặp Hugh Gaitskell, lãnh tụ phe đối lập, trong những cuộc viếng
thăm London trước đây của tôi thông qua John Strachey, Bộ trưởng
hư vị phụ trách Khối Thịnh vượng chung và thuộc địa30. Strachey là
một người trí thức, hiểu biết rộng và quan tâm đến các lý thuyết và
triết học. Ông ta thân thiện và muốn giúp đỡ các thuộc địa giành
thắng lợi. Keng Swee đã mời ông ta đến Singapore để chứng kiến
cuộc vận động trưng cầu dân ý của chúng tôi. Sau khi lắng nghe tôi
nói tại cuộc mít–tinh giấc trưa của chúng tôi tại quảng trường
Fullerton, ông ta nói với tôi là tôi quá trí thức, là một diễn giả hơn là
một kẻ vận động quần chúng. Gaitskell thì lại khác: ông ta ít quan
tâm đến các lý thuyết, mà chú ý đến thực tế hơn, linh hoạt trong lý
luận của mình.
Đảng Lao động tổ chức hội nghị của riêng mình gồm các Thủ
tướng thuộc đảng Lao động hay có xu hướng xã hội chủ nghĩa trong
Khối thịnh vượng chung để bàn việc nước Anh gia nhập vào EEC.
Nehru không tham dự, nhưng những đại diện cao cấp của Ấn Độ đã
phản kháng mạnh mẽ rằng họ và các thuộc địa cũ đang bị ruồng bỏ:
những ưu đãi của Khối thịnh vượng chung đối với hàng xuất khẩu
của Ấn sang Anh, đặc biệt là hàng dệt, sẽ gặp nguy cơ một khi nước
Anh gia nhập vào EEC. Tất cả các lãnh tụ khác yêu cầu duy trì các
mối liên hệ và được đặc quyền tiếp cận thị trường Anh, và sự quan
tâm đặc biệt của EEC đối với hàng xuất khẩu của họ. Thật thú vị khi
xem họ tác động lẫn nhau. Walter Nash từ New Zealand là Thủ
tướng duy nhất đến từ những xứ tự trị da trắng; những người khác
từ các xứ sở không phải da trắng, phần lớn đều chưa độc lập. Tất cả
đều trông cậy vào sự đồng tình và ủng hộ của Gaitskell, vì ông ta
chống lại châu Âu và ủng hộ việc duy trì những quan hệ kinh tế bền
chặt với họ.
Trong Hội nghị của Đảng Lao động, tôi phát biểu rằng tương lai là
một sự thay đổi không thể tránh khỏi, nhưng những thay đổi đó
không thể là lý do để nước Anh vứt bỏ những trách nhiệm mà nó đã
thừa hưởng từ đế quốc Anh. Nếu họ bị ruồng bỏ, hậu quả sẽ rất tai
hại, đe dọa đến những quốc gia nhỏ như Singapore. Mối liên hệ chặt
chẽ nhất của chúng tôi với một cường quốc công nghiệp là với nước
Anh. Nếu chúng tôi mất đi mối liên hệ này, chúng tôi sẽ bị tụt dốc
thảm hại. Tôi nói thêm một cách đơn giản nhưng chân thành rằng
nước Anh và đế quốc Anh đã tạo nên một thế giới mà tôi được biết
trong suốt cuộc đời tôi, một thế giới mà trong đó nước Anh là trung
tâm đối với sự tồn tại của chúng tôi; trong khi chúng tôi muốn được
tự do quyết định những gì chúng tôi phải làm đối với cuộc sống của
chúng tôi, chúng tôi cũng muốn và cần duy trì những mối quan hệ
lâu đời về kinh tế, văn hóa và lịch sử của chúng tôi. Đặc biệt chúng
tôi quý trọng mối quan hệ hợp tác với Đảng Lao động vốn đã giúp
chúng tôi rất nhiều trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Tôi đã lôi cuốn được sự đồng tình. Sau khi tôi nói, Denis Healey,
thư ký của đảng phụ trách quan hệ quốc tế, bước lại gần tôi và nói:
“Hary, ai dạy anh ăn nói kiểu đó? Đó quả là một bài diễn văn mạnh
mẽ.” Tôi được khích lệ rằng tôi có những người bạn trong số các lãnh
tụ của đảng Lao động. Tôi đã có mối quan hệ đủ thân mật với
Sandys, Maudling và Lennox–Boyd (người mà tôi ăn ý nhất), nhưng
họ là những người thuộc đảng Bảo thủ và đại diện cho quyền lợi của
những kẻ có tiền, họ không bao giờ thông cảm với các sinh viên
thuộc địa hăng hái mưu cầu nền độc lập. Đảng Lao động chia sẻ
những khát vọng của chúng tôi. Họ có cùng một triết lý cơ bản về
việc ủng hộ những người bị áp bức và những nguyên tắc đạo đức về
sự bình đẳng giữa con người thuộc mọi chủng tộc và quốc gia, kèm
theo một niềm tin về tình huynh đệ xã hội chủ nghĩa. Tôi nhậm chức
chưa đủ lâu để hiểu rằng khi đảng Lao động nắm lại được chính
quyền, thì trách nhiệm của họ sẽ là đối với nhân dân Anh chứ không
phải là đối với những người cùng chí hướng, và rằng việc từ bỏ hoặc
hạ thấp những nguyên tắc của họ khiến họ thương tổn lương tâm,
nhưng tất họ sẽ làm thế.
Bản thân cuộc hội nghị của Khối thịnh vượng chung rất hấp dẫn.
Lãnh tụ các quốc gia lớn nhỏ đều được xếp ngồi quanh một cái bàn
bầu dục trong Dinh Marlborough và đều có quyền bình đẳng trong
việc phát biểu. Tôi bị ấn tượng nhất đối với Harold Macmillan. Ông ta
ngồi đó như một vị giáo trưởng, một nhân vật vĩ đại ở thời Edward,
với mi mắt và hàm râu rũ xuống, một vẻ uể oải dễ ngộ nhận và một
bộ đồ cắt theo kiểu xưa. Ông ta chào đón mọi vị Thủ tướng khi họ
bước vào, cả những người đến đây do được ưu ái, như tôi chẳng
hạn. Khi chúng tôi bắt tay nhau, ông ta cười nhẹ và chúc mừng tôi
với lời nhận xét rằng cuộc trưng cầu dân ý đã trôi qua một cách tốt
đẹp. Tôi mỉm cười đáp lại: "Vâng, với sự giúp đỡ của chính phủ Anh
trong việc đưa ra được cho dân chúng những điều kiện thỏa đáng.”
Ông ta và Duncan Sandys đang ngồi bên cạnh, đều tỏ vẻ hài lòng.
Một gánh nặng đã rời khỏi đôi vai thực dân của họ.
Ấn Độ là quốc gia đại biểu lớn nhất nhưng Nehru là một kẻ uể oải.
Ông ta không có sức sống, không mạnh mẽ trong thái độ hoặc trong
lời phát biểu. Ông ta không mạnh mẽ phản đối việc Anh gia nhập
khối Thị trường chung. Bài diễn văn đáng nhớ nhất là của Robert
Menzies, Thủ tướng Úc, một người to lớn, mạnh khỏe, mập mạp, với
khuôn mặt to bè và một giọng nói mạnh mẽ, sâu lắng vang lên đến
hết cỡ của nó. Hàng lông mày dựng đứng của ông ta nhấn mạnh
thêm cho lời phát biểu mỗi khi ông ta cau mày. Ông ta nói say mê,
thuyết phục và đầy uy lực. Ông ta bỏ qua những bảo đảm của
Macmillan về việc duy trì những quan hệ khắng khít với các nước
thuộc Khối thịnh vượng chung sau khi Anh gia nhập Thị trường
chung. “Tôi điều hành một liên bang. Tôi biết các liên bang làm việc
như thế nào”, ông ta nói. Hoặc chúng hướng tâm, trong trường hợp
đó, các tiểu bang ngày càng xích lại gần nhau như ở Úc, hoặc chúng
ly tâm, với các bang ngày càng tách rời nhau đến khi cuối cùng
chúng tách khỏi nhau. Chúng không bao giờ ở trạng thái tĩnh. Không
có động lực nào khác hoạt động trong những tổ chức như thế. Nếu
Anh gia nhập vào EEC, những mối quan hệ với Khối thịnh vượng
chung sẽ suy yếu và thu hẹp lại.
Nhìn lại 30 năm qua để thấy cả hai Khối thịnh vượng chung cũ và
mới đã tách xa dần khỏi nước Anh thế nào khi các quyền lợi của nó
ngày càng gắn bó hơn với quyền lợi của châu Âu, tôi thường nhớ lại
Menzies đã tiên tri đúng đến mức nào. Ông ta biết quyền lợi của Úc
nằm ở đâu, và ông ta không hề nghi ngờ gì việc chúng bị hy sinh
sau khi người Úc đã đổ máu trong hai cuộc thế chiến vì nước Anh.
Đối với Thủ tướng Anh, bài diễn văn hùng hồn của Menzies là một
cú đấm. Nó được phát biểu vào sáng thứ Sáu, nên thay vì trả lời vào
buổi chiều đó, Macmillan hoãn hội nghị vì lý do cuối tuần để gặp
riêng từng lãnh đạo trong Khối thịnh vượng chung tại Chequers và
chuẩn bị câu trả lời. Vào thứ Hai, một Macmillan lịch sự trình diễn
một màn thật tuyệt vời. Ông ta rầu rĩ cho rằng nước Anh phải chấp
nhận đường lối này, nhưng dòng lịch sử đã thay đổi. Của cải được
sinh ra nhiều nhất từ những lục địa lớn, như Mỹ và châu Âu, nơi mà
sự giao thông tốt tạo thuận lợi cho việc buôn bán và các trao đổi
khác. Một đế quốc hải ngoại như đế quốc mà nước Anh đã xây dựng
nên không còn là con đường đi đến thịnh vượng nữa. Đối với một
người thuộc lứa tuổi và thế hệ của ông ta, một người được sinh ra
và lớn lên trong đế quốc đó, sẽ quá dễ dàng để tiếp nối những quan
hệ cũ. Nhưng cần phải đối mặt với tương lai, mà đó cũng là nhiệm
vụ của ông ta, dù không hứng thú gì, để nối nước Anh với bộ máy
tăng trưởng và tiến bộ này trên lục địa châu Âu. Đó là một màn
trình diễn tuyệt vời, ôn hòa, thậm chí có vẻ sầu muộn, với ít nhiều
hoài niệm về Khối thịnh vượng chung cũ. Nó xoa dịu tất cả các lãnh
tụ có mặt nhưng khiến họ không còn nghi ngờ gì mấy về việc Thủ
tướng Anh có một nhiệm vụ phải làm, và rằng nhiệm vụ đó có nghĩa
là phải đáp lại sự vẫy gọi từ châu Âu. Ông ta sẽ làm hết sức mình để
duy trì những mối quan hệ của Khối thịnh vượng chung và đế quốc,
miễn sao các quốc gia châu Âu (hoặc đúng hơn là Tổng thống De
Gaulle của Pháp, dù ông ta không được đề cập đến) cho phép ông ta
làm thế.
Lần này tôi quyết định trở về Singapore theo đường Moscow, dù
Tunku không hài lòng, và rời London vào ngày 19/9 bằng máy bay
của hãng British Airways. Tôi không để cho mình bị lỡ một việc mà
tôi cảm thấy nó là một phần thiết yếu trong vốn kiến thức chính trị
của tôi: xem qua thủ đô của Liên bang Xô viết và của người Nga. Và
tôi phải làm điều đó trước khi chúng tôi đi vào lãnh thổ Malaysia, khi
mà Kuala Lumpur sẽ kiểm soát hộ chiếu của tôi. Tôi được đón chào
bởi các viên chức được ủy nhiệm để tiếp các lãnh tụ của các nước
không độc lập, đặc biệt là Phó chủ tịch Ủy ban Quan hệ Văn hóa và
Nước ngoài. Vài nhà ngoại giao của Khối thịnh vượng chung cũng có
mặt tại phi trường, gồm có các đại diện của Anh và Úc và đại sứ
Canada, Arnold Smith, sau là Tổng thư ký Khối thịnh vượng chung.
Tôi nói với các phóng viên phương Tây là tôi sẽ quay về nhà theo
đường Moscow để biết thêm về thủ đô của một trong những quốc
gia lớn nhất thế giới. Không hề có mục đích chính trị nào đằng sau
cuộc viếng thăm của tôi cả. Thực tế là nhân viên cao cấp nhất mà
tôi được gặp là Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Vasily Kuznetsov.
Nhưng tôi học được nhiều thứ trong một bữa ăn do Arnold Smith tổ
chức, tại bữa ăn này vài nhà ngoại giao nước ngoài đã dạy cho tôi
cách hiểu ra những gì đã thấy. Moscow là một kinh nghiệm thú vị.
Tôi có một cảm giác kỳ lạ là bất cứ cái gì tôi làm đều có người theo
dõi. Và thật thế, như tôi đã được cảnh báo, tại một khách sạn tốt
nhất thành phố – khách sạn National, nơi tôi được xếp trọ với tư
cách là khách của họ – bồn rửa và bồn tắm không có nút chặn. Tôi
có mang theo mình một quả banh cao su cứng, loại để tôi ném cho
chó chạy đi nhặt về, nhưng nó chỉ có tác dụng ở bồn rửa. Sự phục
vụ ở khách sạn thật là kỳ quái. Tôi đến vào ban đêm và được mời đi
ăn. Sáng hôm sau tôi được phục vụ một bữa điểm tâm khổng lồ với
cá muối, cá tầm hun khói, những đĩa bánh mì đen to tướng, trà và
cà phê, vốt-ka và cô-nhắc – tất cả được bày trên một tấm vải nhung
trải trên chiếc bàn tròn lớn. Tôi đi ra ngoài cả ngày và xem đoàn
ballet Bolshoi ban đêm. Khi quay về phòng mình, tôi thấy bữa điểm
tâm vẫn còn trên bàn. Tôi thật kinh ngạc, và kết luận rằng trong
thiên đường cộng sản này, việc người này phục vụ người kia được
coi như là một sự hạ mình. Vì vậy tôi ngủ bên cạnh những thứ còn
lại đó.
Khi tôi quay về Singapore vào ngày 29/9, tôi nói với đám đông
những người ủng hộ đảng đang đón chào tại phi trường rằng tôi vẫn
bình thường. Người Nga đã biết tôi và được chuẩn bị để quan hệ với
tôi và buôn bán với chúng tôi, nhưng tôi đến Moscow để nghiên cứu
và không hề bị ảnh hưởng. Quan điểm của tôi giống như của Hoàng
thân Sihanouk và Tổng thống Nasser. Chúng tôi sẽ bảo vệ sự toàn
vẹn lãnh thổ của chúng tôi, những tư tưởng và lối sống của chúng
tôi. Chúng tôi sẽ trung lập trong bất kỳ sự xung đột nào giữa các
khối đại cường. Nhưng chúng tôi không hề trung lập ở những
chuyện liên quan đến quyền lợi của mình. Chỉ thông qua sự đánh giá
thông minh và hiểu rõ những gì đang xảy ra và tại sao xảy ra mà
chúng tôi có thể vạch ra con đường tiến tới cho mình. Chẳng hạn
chúng tôi có thể thấy rằng không một quốc gia riêng lẻ nào, ngay cả
một cường quốc như Anh, có thể dám tự phụ rằng một cuộc hợp
nhất ở châu Âu sẽ không tác động đến nó. Vì thế sẽ hoàn toàn lố
bịch nếu một nước như Singapore với 1,8 triệu dân lại cố đứng vững
một mình.
Tôi đã giải thích tất cả những điều này vì lợi ích của Tunku, nhưng
không thuyết phục được ông ta. Sau này tôi được biết rằng ông ta
thật sự không hài lòng về chuyến viếng thăm Moscow của tôi và đã
đưa ra ở Kuala Lumpur một tuyên bố rằng điều đó là một ngạc nhiên
đối với ông ta. Ông ta xem tôi như một quan chức cứng đầu ở một
tỉnh biên giới nhiều rắc rối. Ông ta đã phản đối việc tôi thăm viếng
những quốc gia cộng sản, vậy mà tôi vẫn đi.
29
SỨC ÉP TỪ SUKARNO
Chính quyền Tunku đang trong tâm trạng không vui. Một điều gì
đó quan trọng đã xảy ra khi tôi đi vắng. Thỏa ước Malaysia ký ngày
1/8 đã gây ra những phản ứng chống đối từ phía Indonesia và
Philippines, cả hai cùng thèm muốn những lãnh thổ trên Borneo.
Ngày 24/9 Tunku đưa ra một lời cảnh báo cho Indonesia là đừng can
thiệp vào Malaysia – “chúng tôi mong những người khác không can
thiệp vào công việc của chúng tôi”. Đây là phản ứng đáp lại một
tuyên bố của Ali Sastroamidjojo, nguyên Thủ tướng Indonesia, rằng
Jakarta sẽ vẫn không thờ ơ đối với sự thành lập Liên bang Malaysia.
Đây là lời bóng gió đầu tiên báo hiệu rắc rối đang hình thành. Tiếp
theo, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tuyên bố chủ quyền đối với
vùng Bắc Borneo, quả quyết rằng nước Cộng hòa Philippines là kẻ
thừa kế hợp pháp của tiểu vương Sulu, kẻ sở hữu lãnh thổ này, và
rằng Bắc Borneo chưa bao giờ được nhượng cho Anh – họ chỉ cho
thuê nó thôi.
Chính quyền Tunku gạt bỏ chuyện này. Nước Anh làm chủ những
lãnh thổ này từ năm 1878, và trong thời gian 100 năm, không ai
thắc mắc về chủ quyền của họ đối với các lãnh thổ này. Nhưng
những gì ông ta nói về chúng tôi thì thật đáng lo ngại. Ông ta nói với
tổ chức Thanh niên UMNO rằng ông ta không cần Singapore, nhưng
phải nhập hòn đảo này vào Malaysia vì nếu không thì cộng sản sẽ
cướp chính quyền ở đó. Hiện ông ta lo sợ rằng nếu trong tương lai
họ thành công trong việc này, Singapore sẽ từ chối hợp tác với Liên
bang và sẽ có “rắc rối lớn”. Sự lo ngại của ông ta cũng dễ hiểu.
Trong khi tôi ở Moscow, Barisan đã đưa ra một phân tích về kết quả
của cuộc trưng cầu dân ý, trong đó họ nói rằng mục tiêu trước mắt
của họ là lật đổ chính quyền PAP hiện thời trong cuộc tổng tuyển cử
sắp tới, và sau đó tiếp tục thắng cử để chiếm những ghế đại diện
cho Singapore trong nghị viện liên bang. Lim Chin Siong đi xa hơn,
kêu gọi đảng tập hợp các phe cánh tả và những lực lượng chống
thực dân để từng bước giành lấy quyền điều khiển chính quyền liên
bang và đánh bại phe “Trục Anh và chính phủ Liên hiệp”.
Razak đáp lại bằng cách cảnh báo dân chúng rằng họ cần phải
cảnh giác trước những kẻ thù của nền dân chủ, rằng Barisan hành
động không phải vì quyền lợi thực sự của họ, mà vì những kẻ mà
lòng trung thành của họ đặt bên ngoài đất nước. Lim Chin Siong trả
đũa rằng nếu chính phủ Liên hiệp đương quyền tin vào nền dân chủ
đại nghị, nó phải chấp nhận quyền của phe đối lập được thay đổi
chính phủ thông qua tiến trình bầu cử. Sự hăng hái của Lim càng
củng cố thêm lòng tin của Tunku, Razak và Ismail rằng phải nhanh
chóng kiểm soát tình hình này, rằng hiện cuộc trưng cầu dân ý đã
qua và vấn đề an ninh của Singapore sẽ trở thành trách nhiệm của
Kuala Lumpur.
Tại một cuộc họp của Hội đồng an ninh nội chính được tổ chức tại
Singapore vào ngày 8/9, một báo cáo chung từ những quan chức
cảnh sát của Liên bang và Singapore do Sở đặc vụ của chúng tôi
đưa ra đã khuyên nên có một chương trình nhiều giai đoạn nhằm
chống lại cộng sản và những người thân cộng trước khi hợp nhất.
Razak, đại diện Malaysia thay cho Ismail, muốn hành động ngay
không chút trì hoãn.
Chin Chye, đại diện cho tôi khi tôi tham dự Hội nghị Khối thịnh
vượng chung ở London, thì chống lại mọi hành vi nóng vội. Selkirk,
đại diện cho Anh, ủng hộ Chin Chye, nói rằng trong khi có một sự đe
dọa, thì nó cũng không phải một đe dọa đòi hỏi sự đàn áp bằng bạo
lực. Razak bất mãn đến London để nài ép Duncan Sandys về chuyện
này. Sandys đã trả lời rằng ông ta muốn trì hoãn tiến hành đàn áp
cho đến khi định chế cho Malaysia được thảo luận xong tại Hạ viện
Anh, mà điều đó phải đến tháng 2 năm tới mới làm xong được. Ông
ta phải cân nhắc đến những phản ứng ở Anh, nơi ông ta tin rằng
những vụ bắt giữ chắc chắc sẽ gây ra làn sóng chỉ trích đáng kể.
Sau khi Razak báo cáo chuyện này với Tunku, Malaysia triệu tập
thêm một cuộc họp Hội đồng an ninh nội chính vào tháng 10. Một
lần nữa nó lại hoãn việc đưa ra quyết định về chuyện bắt giữ. Mối
quan tâm chính của PAP là củng cố những thắng lợi đã đạt được và
bảo đảm rằng Singapore sẽ không bị những tay lãnh đạo Malay ở
Kuala Lumpur thống trị và kiềm hãm. Tôi nhấn mạnh với Selkirk
rằng tốt nhất là chúng tôi hoãn các vụ bắt giữ cho đến khi hợp nhất
xong. Tôi khẳng định với Philip Moore rằng sẽ không có hành động
trấn áp nào trước khi xảy ra cuộc bầu cử chọn 15 đại biểu cho
Singapore trong nghị viện liên bang. Tôi muốn Barisan được tự do
để tranh cử bởi vì nếu họ bị loại bỏ và không có mối đe dọa cộng
sản cụ thể, thì chính phủ Liên hiệp có thể chiếm được một số ghế
đáng kể. Sau này, Lord Lansdowne, Bộ trưởng Ngoại giao của chính
phủ Sandys nhắc đến “tính thật thà đáng ngạc nhiên” của tôi khi nói
với ông ta rằng việc duy trì một nhóm nhỏ những người thân cộng
trong phe đối lập sẽ có lợi cho tôi. Quả thực là tôi có những lý do
riêng.
Tôi đã đến gặp Tunku sau khi từ Moscow trở về và đã lưu lại vài
ngày với ông ta. Lời giải thích của tôi về chuyến viếng thăm Liên Xô
đã xoa dịu ông ta, nhưng tôi biết ông ta không hài lòng. Ông ta khó
chịu với bất cứ ai có tư tưởng riêng, sẵn sàng tranh luận và, nếu
cần, có hành động độc lập. Thật sự, tôi không phá hoại ông ta,
nhưng tôi cũng không nghe theo ông ta, mà theo ông ta điều đó có
nghĩa là vâng lời ông ta. Ông ta và Razak đang hoạch định cho giai
đoạn sau khi Liên bang Malaysia được thành lập; bao gồm chuyện ai
sẽ đứng đầu Singapore để làm theo lệnh họ, và tôi có cảm giác rằng
Tunku đang xóa tên tôi khỏi danh sách những thuộc cấp biết vâng
lời. Ông ta muốn có một ai đó biết vâng lời và trung thành như Tan
Siew Sin hoặc Lim Yew Hock. Cả ông ta lẫn Razak đều thích Keng
Swee, nhưng thậm chí cả Keng Swee cũng không tuyệt đối “an
toàn”. Ông ta quá trí thức và không dễ bị thuyết phục hay xúi giục.
Vì thế mọi thứ không diễn ra thuận lợi, và sau một cuộc viếng
thăm nữa đến Kuala Lumpur vào giữa tháng 11, tôi nói với Moore
rằng mối quan hệ giữa tôi và Tunku ngày càng trở nên xấu hơn;
những hành động của ông ta cho thấy rõ rằng ông ta muốn loại bỏ
tôi sau khi Liên bang Malaysia được thành lập. Tại Singapore, Tan
Siew Sin đang nỗ lực rất lớn để khôi phục lại vị thế đối lập của MCA,
và Razak thì đang ráo riết tìm kiếm những tay lãnh đạo trẻ tuổi
người Malay. Thâm hiểm hơn tất cả, Tunku yêu cầu tôi phóng thích
Chua Hoe Ann, lãnh tụ hội kín lớn nhất của người Hoa trên đảo này,
kẻ mà chúng tôi đã bắt giữ theo Pháp lệnh về các điều khoản tạm
thời của Luật hình sự. Chua đã tổ chức đám côn đồ tấn công những
cán bộ trong các chi bộ của PAP trong kỳ bầu cử trước, và tôi lo ngại
cho an toàn cá nhân của họ trong những kỳ bầu cử kế, bởi vì sau
khi hợp nhất Tunku sẽ có quyền thả những tên tội phạm kiểu đó.
Tôi đã nói với Selkirk rằng Tunku có ý định phục hồi Lim Yew Hock.
Tunku đã đề nghị rằng PAP đứng ngoài cuộc bầu cử bổ sung ở
Sembawang, được tổ chức do cái chết của Ahmad Ibrahim, để ứng
viên của ông ta tranh cử với Barisan. Tôi bác bỏ ý đó. “Cực kỳ ngớ
ngẩn,” tôi nói với Selkirk. Ông ta hẳn phải đồng ý, vì ông ta báo cáo
lại với Sandys rằng Tunku đang mưu đồ một chính sách hủy diệt.
Sandys trả lời, đồng ý với Selkirk, rằng hiện tại tôi là một công cụ
tốt nhất trong việc cai trị đảo này.
Tôi thể hiện lòng tin cậy với nước Anh vì tôi cần sự ủng hộ của họ,
hay ít ra cũng là sự trung lập của họ để thực hiện kế hoạch của tôi
nhằm chứng minh với Tunku rằng thật điên rồ khi cố tái lập một
chính phủ Lim Yew Hock mà ông ta có thể điều khiển. Tôi nói với
Moore rằng tôi dự định gây cho Lim Yew Hock và chính phủ Liên hiệp
một thất bại nặng nề trong bầu cử ở Singapore để chứng minh với
Tunku và Razak rằng họ phải làm việc với PAP chứ không ai khác.
Để đạt được điều này, tôi có ý định tổ chức những cuộc bầu cử chọn
15 đại biểu Singapore ở Nghị viện Liên bang ngay sau khi việc ký
kết hiệp ước Malaysia ở London, vốn được dự định tổ chức vào
tháng 2, và trước khi nó được thực thi vào tháng 8/1963, khi chính
quyền Tunku nắm quyền điều hành lực lượng cảnh sát. Tôi sẽ lập ra
15 khu vực bầu cử bằng cách sáp nhập 51 khu vực hiện có thành
từng nhóm gồm 3 hoặc 4 khu vực. Tôi tin là UMNO sẽ chỉ có một
ghế, và PAP có thể vượt hẳn Barisan qua việc đạt được 8 hoặc thậm
chí 9 ghế.
Tôi nói với Moore rằng Razak và Tan Siew Sin không đạt được tiến
bộ nào trong việc xây dựng lực lượng cho chính phủ Liên hiệp ở
Singapore. Họ đang lúng túng không biết phải làm gì kế tiếp, nhưng
rõ ràng họ có ý định chứng tỏ PAP không mạnh mẽ gì cả. Chẳng hạn
như tờ Straits Times đã đăng những nhận định mà các tay biên tập
báo biết là không thể chấp nhận được đối với chính phủ Singapore,
và điều này có thể chỉ có nghĩa là họ được sự ủng hộ chắc chắn từ
phía Tunku. Đó là một kiểu tuyên bố chiến tranh về phía họ, và tôi
sẽ trả đũa vào giờ phút thích hợp. Một lần nữa Kuala Lumpur muốn
điều khiển đài phát thanh và truyền hình địa phương, dù hai bên đã
đồng ý rằng Singapore sẽ chịu trách nhiệm về việc điều hành và
những chương trình hàng ngày của các đài này. Mục đích của họ là
giới hạn năng lực chính trị của chính phủ, đặc biệt là trong thời gian
những cuộc bầu cử. Trong khi đó, Tan, quyết tâm chứng tỏ ai là
người có quyền quyết định về vấn đề tài chính, đã đòi hỏi Singapore
phải trích từ thu nhập của mình và đóng cho chính phủ Liên bang
một tỉ lệ phần trăm cao hơn mức đã được đồng ý. Ông ta đã tỏ ra
rất khó thuyết phục trong khi đàm phán về việc thành lập một thị
trường chung, và một quyết định về thị trường này đã phải hoãn lại
trong khi các chuyên gia nghiên cứu vấn đề.
Khi tôi gặp Lansdowne vào ngày 27/11, tôi nói một cách thẳng
thắn về những vấn đề tôi phải đối phó trong việc hợp nhất. Về việc
thu thuế, Singapore hoàn toàn chấp nhận tài chính là thuộc trách
nhiệm của Liên bang, nhưng chúng tôi không đồng ý rằng Kuala
Lumpur sẽ thu thuế và giao phần của Singapore cho chúng tôi.
Singapore phải thu thuế và trích phần đóng góp cho Liên bang để
nộp về Kuala Lumpur, nếu không chúng tôi sẽ thấy mình bị loại ra
ngoài. Về việc kiểm soát thông tin và truyền thanh, đó là yếu tố cần
thiết cho bất kỳ chính phủ nào, nếu nó muốn giao tiếp với các công
dân của nó. Trong tay của Liên bang, việc tiếp cận những vấn đề về
người Hoa sẽ thiếu nhạy cảm, chắc chắn sẽ đi vào những sai lầm và
gây thiệt hại về chính trị. Để minh họa, tôi đã kể lại chuyện Tunku
đã gây rắc rối cho mình thế nào ở Ấn Độ. Ông ta đã kết tội phía
Trung Quốc là xâm lược trong cuộc xung đột biên giới Ấn – Hoa năm
1962, lúc mà hoàn toàn chưa xác định được bên nào phải bên nào
trái. Chỉ đến khi có ai đó phân tích ảnh hưởng bất lợi của việc này
đối với người Hoa ở Malaya thì ông ta mới thay đổi từ ngữ và trình
bày vấn đề này như một cuộc xung đột giữa Trung Quốc xã hội chủ
nghĩa và Ấn Độ dân chủ cộng hòa.
Sau khi đề cập đến những điểm khác về cuộc tranh luận, tôi nói
với Lansdowne rằng trong lúc mối quan hệ riêng giữa tôi và Tunku
còn tốt đẹp, về mặt chính trị, ông ta muốn có một ai đó dễ sai bảo
hơn cai trị Singapore. Sau đó tôi giải thích dự định tổ chức những
cuộc bầu cử để chọn 15 đại biểu trong nghị viện liên bang. Ông ta lo
lắng về hậu quả của việc này đối với Tunku. Tôi nói ông ta sẽ không
hài lòng, nhưng cho dù ông ta cảm thấy phật ý và thất vọng đến
đâu, ông ta sẽ hiểu ra rằng những kẻ do ông ta bảo trợ ở Singapore
đã kết thúc về mặt chính trị, và rằng ông ta không thể nào truyền
sức sống cho họ dù ông ta có hết lòng bảo trợ và công khai ủng hộ
họ đến mức nào đi chăng nữa. Lansdowne cố thuyết phục tôi cải
thiện mối quan hệ của chúng tôi bằng cách nói chuyện một cách
thẳng thắn với Tunku về những vấn đề này. Tôi nói rằng tôi rất
muốn như thế, nhưng Tunku không phải là kiểu người có thể đấu
tranh trực diện được, vì các cuộc nói chuyện với ông ta thường bị
biến thành những câu chuyện phiếm mập mờ.
Ảnh hưởng mà tôi tạo được với người Anh lúc này được phản ánh
trong bản báo cáo ngày 5/12 của Moore gởi cho Ian Wallace ở Văn
phòng Thuộc địa:
“Kế hoạch của ông ta về việc hợp nhất Singapore và Liên bang
dựa trên việc tiền đề là ông ta sẽ có một cách thu xếp hữu hiệu với
Tunku trong đó chính phủ Liên hiệp sẽ giữ nhiệm vụ bảo vệ an ninh
nội chính ở Singapore trong khi PAP sẽ điều hành chính phủ bang
Singapore. Kế hoạch này giả định rằng Tunku sẽ sẵn lòng làm việc
với Lee.
Ông ta rất muốn tổ chức bầu cử trước khi hiệp ước Malaysia được
thi hành bởi vì ông ta sẽ vẫn còn quyền điều hành trọn vẹn bộ máy
chính quyền, đặc biệt gồm cả ngành cảnh sát và truyền thanh… Lee
nói rằng ông ta thích tổ chức bầu cử với sự ưng thuận của Tunku
hơn. Ông ta không muốn điều này trở thành một tuyên bố chiến
tranh chống lại Tunku nhưng ông ta xem nó như một sự cần thiết
hoàn toàn nhằm củng cố vị trí chính trị của chính ông ta và chứng
minh rằng chính phủ Liên hiệp không thể hy vọng gì việc giành được
quyền hành ở Singapore. Nếu Tunku không đồng ý việc bầu cử toàn
Malaysia được tổ chức trước ngày 31/8/1963, Lee cho là ông ta có
thể tổ chức những cuộc bầu cử như thế theo pháp luật Singapore và
chúng sẽ có được tác động chính trị cần thiết cho dù hiệu lực pháp lý
của chúng có như thế nào đi nữa. Lee đã yêu cầu chúng ta hết sức
kín đáo về ý định tổ chức bầu cử của ông ta trước ngày 31/8/1963
và đặc biệt là không cho bất kỳ ai trong Liên bang biết được vụ
này…
Lee nói rằng ông ta đánh giá rất cao những nỗ lực của ngài
Lansdowne, ngài Selkirk và những người khác nhằm thuyết phục
Tunku rằng quyền lợi của ông ta nằm trong việc hợp tác với PAP và
ông ta cảm thấy rằng chúng ta đã làm được điều gì đó mà bản thân
ông ta không thể làm được. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt
đứng trước sự ngờ vực có thể hiểu được của Tunku đối với Lee,
nhưng niềm hy vọng tốt nhất về một sự ổn định chính trị cho
Singapore trong lòng Malaysia vẫn nằm trong việc hai vị Thủ tướng
có tiến đến một thỏa thuận hữu hiệu nào đó hay không. Những giải
pháp khác sẽ hoặc là một chính phủ Barisan Sosialis ở Singapore
hoặc, nếu như Barisan bị tiêu diệt do bắt bớ và trục xuất, một chính
phủ PAP với thái độ thù địch và một Lee Kuan Yew công khai nỗ lực
giành lấy sự ủng hộ mang tính dân tộc hẹp hòi của người Hoa trong
thế đối lập với người Malay ở Kuala Lumpur. Tôi không chắc chính
phủ Liên bang có lường hết được không về mức độ nguy hiểm của
tình hình khi khả năng thứ hai có thể xảy ra. Họ có thể cho rằng Lee
Kuan Yew là một đồng sự vô cùng khó chịu; hầu hết người ta đều
nhận thấy như vậy; nhưng họ sẽ thấy ông ta còn nguy hiểm hơn
nhiều nếu ông ta là một đối thủ.”
Tôi gặp may là người Anh hiểu và đồng tình với quan điểm của
mình. Họ thấy rằng cách Kuala Lumpur cai trị người Hoa tại Malaya
sẽ không hiệu quả ở Singapore. Người Hoa ở Singapore sẽ không dễ
bị bắt nạt; họ đã quen với điều kiện sống tại một thuộc địa của Anh,
họ chưa từng chịu sự thống trị của người Malay, và mọi biện pháp vũ
lực nhất định sẽ dẫn đến chống đối bạo động. Và tôi cần sự ủng hộ
của người Anh để hiến pháp bang Singapore được công bố ở London
thông qua một “Sắc dụ của Hội đồng tư vấn của Nữ hoàng” theo
một cách mà nó sẽ không ngăn tôi tổ chức những cuộc bầu cử chọn
15 đại biểu.
Chỉ ba ngày sau khi Moore gởi báo cáo đi, tình hình có thêm một
chiều kích hoàn toàn mới. Bất ngờ vào ngày 8/12, một cuộc nổi loạn
nổ ra ở Brunei. Những người nổi loạn có vũ trang tự xưng là Quân
đội quốc gia Bắc Borneo, và tự tuyên bố có lực lượng 30.000 người,
đã chiếm lấy khu mỏ dầu Seria. Người Anh phản ứng ngay lập tức.
Hai đại đội lính Gurkhas và 300 lính Anh đáp máy bay đến Brunei,
theo sau là hai tiểu đoàn nữa. Binh lính nhanh chóng chiếm lại
Seria, giết một số kẻ nổi loạn và bắt giữ 500 người. Trong khi đó,
một thanh tra cảnh sát Anh nhanh trí đã tóm được nhóm nổi loạn
đầu tiên trong sân quần vợt của ông ta, và giữ được họ ở đó trước
khi họ có thể gây thêm những rắc rối khác. Trong vòng 48 giờ, cuộc
nổi loạn thất bại, và sau khi Seria được tái chiếm, các cuộc càn quét
bắt đầu.
Barisan đưa ra một tuyên bố vào ngày hôm sau, sau khi có tin về
cuộc nổi loạn, ca tụng sự kiện đó như một cuộc nổi dậy của quần
chúng chống lại chủ nghĩa thực dân đáng được tất cả những người
thực sự chống thực dân bày tỏ ủng hộ, và tuyên bố rằng Singapore
và chính phủ Liên bang sẽ bị lên án nếu như họ không chống lại
người Anh. Bày tỏ ủng hộ công khai với cuộc nổi loạn kiểu này là sai
lầm thứ hai trong hai sai lầm lớn của Lim Chin Siong. Sai lầm đầu
tiên là ông ta đã gặp lãnh tụ của họ, A.M. Azahari, ở Singapore hai
ngày trước cuộc nổi loạn. Hăng hái trước chuyện sắp xảy ra, Sở đặc
vụ Malaya đã bắt giữ 50 người, phần lớn là người Hoa, trong đó có
viên thư ký điều hành của đảng Partai Rakyat của Malaya, và
Singapore bắt giữ ba thành viên địa phương của Partai Rakyat thân
Barisan có liên quan với tổ chức trên. Chúng tôi muốn hành động
phối hợp với người Malay để biểu hiện tình đoàn kết.
Tuy nhiên, cuộc nổi loạn ở Brunei có những mối liên can sâu rộng
hơn. Vào ngày 11/12, Tunku, tại nghị viện liên bang, đã nhắc tới sự
ủng hộ tài chính mà Azahari đã nhận được để tiến hành cuộc nổi
loạn. Tunku nói nhân vật này đã có những liên hệ mật thiết với một
số người thuộc các nước láng giềng của Malaysia. Ông ta muốn ám
chỉ Indonesia, nơi tướng Haris Nasution, Bộ trưởng Quốc phòng, đã
tuyên bố rằng chính phủ của ông ta sẽ chú ý nhiều hơn nữa đến
những miền giáp với Bắc Borneo thuộc Anh sau cuộc nổi dậy ở
Brunei, và viên chủ tịch của Đảng Dân tộc (PNI) đã bày tỏ sự ủng
hộ đối với Partai Rakyat ở Brunei. Sự ủng hộ rõ ràng đến từ chính
Sukarno.
Người Anh hiểu rõ mối nguy hiểm đến từ việc này. Đối xử với
Azahari đơn giản hơn nhiều so với việc đối xử với những người đứng
sau ông ta. Cao ủy Anh ở Brunei, ngài Dennis White, tin rằng những
người nổi loạn đã chắc chắn về sự giúp đỡ của Indonesia, nếu không
những lãnh đạo của họ đã không tấn công Limbang (một dải đất
chia Brunei làm hai) vì nó là một phần của Sarawak thuộc Anh và
người Anh nhất định sẽ trả đũa. Ông ta tin rằng Indonesia đã
khuyến khích họ như một cách phá hoại Malaysia, và trái với những
bài báo mô tả cuộc nổi loạn như một hành động khôi hài, tài tử, ông
ta chỉ ra rằng nó đã thành công trong giai đoạn đầu dù rằng nó
thiếu chuẩn bị. Những kẻ nổi loạn đã chiếm giữ một số đồn cảnh sát
và cướp được nhiều vũ khí, họ chiếm nhà máy điện và cúp điện, họ
cầm tù được thư ký của Cao ủy Anh, và ở Limbang, bỏ tù viên trú sứ
Anh, vợ ông ta và những người Âu khác. Chỉ nhờ lính Gurkha và
Anh đến nhanh chóng mới cứu vãn được tình hình.
Vài ngày sau khi Tunku nói lên những nghi ngờ của ông ta,
Sukarno đã thừa nhận những nghi ngờ đó khi nói rằng: “Những gì
đang xảy ra ở đó (Brunei) không thể tách rời khỏi cuộc đấu tranh
của các lực lượng mới đang nổi dậy. Chúng tôi đứng về phía những
người đang đấu tranh,” và trong một buổi phát thanh trực tiếp từ
Jakarta sau đó vài ngày, ông ta đã kêu gọi dân Indonesia ủng hộ
cuộc nổi loạn. Ông ta nói những ai không ủng hộ được coi như phản
bội lương tâm mình. Dân tộc Indonesia sinh ra trong khói lửa và đã
chịu bao đau khổ vì nền độc lập của họ. Họ có lý khi đồng tình với
những người đấu tranh cho tự do. Họ không giống các dân tộc khác
(ý nói Malaya) giành được độc lập như một thứ quà tặng của thực
dân. Tunku trả lời bằng cách nêu ra rằng chính phủ Indonesia và các
lãnh tụ chính trị của nó đang làm những bài diễn văn hung hăng dù
cuộc nổi loạn ở Brunei đã kết liễu; mục đích của họ rõ ràng là xúi
giục dân chúng ba vùng lãnh thổ Borneo (thuộc Anh) chống đối
chính phủ của họ, và điều này sẽ dẫn đến một tai họa.
Kế đó là một cuộc khẩu chiến, trong đó người Indonesia hưởng
ứng theo những ngôn từ hoa mỹ của nhà lãnh tụ của họ. Dùng các
diễn văn và phương tiện truyền thông để khơi dậy tình cảm công
chúng và phát động những cuộc biểu tình là phần chủ yếu trong
chiến lược của Sukarno. Gần đây, chiến lược này đã tỏ ra hữu hiệu
khi Jakarta lên tiếng đòi lại West Irian (Tây New Guinea) từ tay Hà
Lan, nhưng bây giờ thì ông ta cần có một vấn đề khác cho công
chúng quan tâm và tạm quên đi tình hình kinh tế tồi tệ. Ngày 23/12,
vài nghìn người đã tụ tập tại quảng trường Merdeka ở Jakarta để đốt
hai hình nộm, một hình người Tây phương, và một hình người Malay
đeo kính gọng sừng và đội nón songkok của người Malay – chính là
Tunku. Người Indonesia đang phát động một chiến dịch chống
Malaysia, ra vẻ để ủng hộ nền độc lập cho Brunei, Sarawak và Bắc
Borneo.
Lim Chin Siong cũng tham gia vào cuộc chiến ngôn từ này, nói
rằng PAP đang làm hỏng đi mối quan hệ giữa Singapore và
Indonesia qua sự kiện cuộc nổi loạn Brunei bằng cách phao tin rằng
Jakarta đã ngầm xúi giục vụ nổi dậy này và có óc bài Hoa. Chưa ai
từng công khai nói điều này trước đó, và nó đã làm khối dân nói
tiếng Hoa sợ hãi. Dân chúng có thể cảm nhận ra rằng những lực
lượng lớn đang vận hành, rằng sự lựa chọn của Singapore nằm giữa
việc gia nhập Malaysia và đi theo Tunku, hoặc gia nhập một
Indonesia bài Hoa và đối đầu với Đảng Cộng sản Indonesia, một
đồng minh về ý thức hệ của Barisan. Hơn nữa, cuộc nổi dậy bây giờ
đã cho các thành viên của Hội đồng an ninh nội chính một lý do
chung để ra tay hành động.
30
CAY ĐẮNG CHẠY VÀO MALAYSIA
Năm ngày sau cuộc nổi loạn ở Brunei, Hội đồng an ninh nội chính
nhóm họp khẩn cấp theo yêu cầu của Tunku. Những diễn biến ở
Brunei khiến cần phải có hành động chống lại cộng sản, và lời tuyên
bố ủng hộ cuộc nổi loạn của Barisan đã tạo ra một cơ hội. Tôi nói tôi
hiểu quan điểm của ông ta, nhưng quan trọng là chiến dịch phải
được trình bày trước công chúng như hành động bảo vệ các lãnh thổ
sắp gia nhập Liên bang Malaysia. Tôi không thể bị coi là một tên bù
nhìn của người Anh, mà chỉ muốn được coi như là một kẻ ủng hộ
Malaya.
Theo tôi thì không nên bắt giữ tiến sĩ Lee Siew Choh mà cần cho
ông ta một cơ hội thứ hai, miễn là ông ta không tiếp tục cuộc chơi
cộng sản. Tôi cũng sẽ không hành động chống lại các nghiệp đoàn
thân cộng một khi những nhân vật chủ chốt của họ bị vô hiệu hóa,
nếu không thì người ta sẽ nói rằng Singapore không thực sự tự trị
trong lĩnh vực lao động. Tôi nhấn mạnh hơn nữa là không nên để tổ
chức Partai Rakyat ra ngoài vòng luật pháp để những người cộng
sản còn lại sẽ hướng về nó hơn là hướng tới đảng UPP của Ong Eng
Guan vốn có xu hướng theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Trung Quốc.
Mọi người đồng ý rằng tất cả những người bị bắt giữ có gốc Malay sẽ
bị trục xuất về Liên bang trừ Lim Chin Siong, kẻ mà dù sinh ra ở
Johor, sẽ bị giữ lại ở Singapore. Chiến dịch sẽ bắt đầu vào rạng ngày
16/12, và Hội đồng an ninh nội chính sẽ họp ở Kuala Lumpur vào
ngày 15/12 để phê chuẩn nó.
Vào đêm 15/12, các toán cảnh sát đã được bố trí chu đáo ở
Singapore và Johor Bahru, từ Johor Bahru những nhân viên của Sở
đặc vụ Liên bang và Lực lượng cảnh sát dã chiến sẽ đến hỗ trợ trong
chiến dịch. Tối đó, khoảng 6 giờ 30, Keng Swee, người đã có mặt ở
Kuala Lumpur từ sáng, nói với tôi qua điện thoại rằng ông ta đã đi
đến việc đồng ý về văn bản của hai bài tuyên bố, một là của Razak
gởi đến nghị viện liên bang, còn một còn lại là của tôi được truyền đi
qua đài phát thanh Singapore, đưa ra các lý do cho những vụ bắt
giữ. Những người bị bắt giữ sẽ gồm cả 9 dân biểu trong Hội đồng lập
pháp của chúng tôi. Vào ngày trước khi cuộc bố ráp xảy ra, Philip
Moore quả quyết với tôi rằng Tunku cũng đồng ý việc bắt giữ hai
thành viên thuộc nghị viện liên bang có ý chống đối, như tôi yêu
cầu. Nhưng khi tôi đến tại cuộc họp Hội đồng an ninh nội chính ở
Kuala Lumpur vào lúc 10 giờ tối, Keng Swee báo cáo rằng Ismail nói
với ông ta là Tunku đã đổi ý về vụ bắt giữ hai người này. Nghe vậy,
Selkirk đề nghị – và tôi tán thành – rằng chúng tôi cần đến gặp ông
ta để thuyết phục ông ta đừng thay đổi quyết định, cùng với Ismail
và những phụ tá của tôi, chúng tôi lên đường đến Dinh Thủ tướng, ở
đó, đèn đã tắt và cửa trước đóng chặt. Tunku đã đi ngủ và ông ta
không hề thức khi chúng tôi gõ cửa trước. Chúng tôi trở lại
Singapore trên chiếc phi cơ vận tải RAF đã đưa chúng tôi đến đây.
Cảnh sát hủy bỏ chiến dịch.
Nhằm chặn trước việc trút lỗi lầm trong vụ này lên đầu chúng tôi,
tôi đã viết cho Selkirk để đưa quan điểm của mình vào hồ sơ lưu:
“Toàn bộ sự kiện này, như được trình bày trong hai bản tuyên bố
đã thỏa thuận trước, sẽ trở nên vô nghĩa, khi không có hành động
nào được đưa ra nhằm chống lại các nhân vật chủ chốt trên đất Liên
bang mà trách nhiệm của họ trong việc giúp đỡ và xúi giục cuộc nổi
dậy vũ trang ở các lãnh thổ Borneo cũng to lớn như trách nhiệm của
những người bị bắt giữ ở Singapore… Tuần rồi đã có sự biện minh
cho hành động chống lại những tổ chức mặt trận của cộng sản và
những lãnh tụ chủ chốt của họ. Nếu hành động chống cộng được
thực hiện một cách lạnh lùng đầy tính toán, thì sẽ không có sự lựa
chọn nào khác cho chúng tôi ngoài cách giao việc đó cho người
Anh.”
Đó chưa phải là kết thúc, vì các lãnh tụ Barisan tiếp tục nhóm lên
ngọn lửa. Trong thông điệp chúc mừng năm mới của họ, Lim Chin
Siong nói rằng Malaya đang nhắm tới việc thành lập một chế độ độc
tài quân đội phát xít, và tiến sĩ Lee Siew Choh nói rằng cuộc đấu
tranh ở Brunei sẽ tiếp tục cho đến khi nhân dân giành lại tự do. Họ
gắn chặt mọi hy vọng của họ vào cuộc nổỉ loạn và vào sự phản đối
của Indonesia đối với kế hoạch thành lập liên bang Malaysia. Những
tuyên bố này nhất định sẽ kích động Tunku đòi hỏi có hành động; dù
ông ta từ chối bắt giữ những thành viên nghị viện liên bang, ông ta
đang mất dần kiên nhẫn và nói với người Anh rằng ông ta sẽ hoãn
việc thành lập liên bang Malaysia hoàn toàn trừ khi cuộc bố ráp các
tay thân cộng Singapore được tiến hành. Moore gặp tôi mấy lần để
yêu cầu tôi tiến hành, ông ta cam đoan với tôi rằng đó là cách duy
nhất để tiến tới hợp nhất. Tôi vẫn còn những nghi ngờ, nhưng người
Anh có vị thế thuận lợi hơn để xét đoán ý đồ thực sự của Tunku, vì
vậy sau các cuộc thảo luận với nhau, chúng tôi kết luận là chúng tôi
không thể liều coi thường những lý lẽ của ông ta. Một chiến dịch an
ninh mang bí danh “Cold Store” được dự định vào ngày 2/2/1963.
Khoảng 370 sỹ quan cảnh sát ở Singapore và 133 sỹ quan người
Malay nữa từ một trại Lực lượng Cảnh sát dã chiến ở Johor tham gia
vào cuộc bố ráp. Hội đồng an ninh nội chính đã phê chuẩn chiến
dịch tại một cuộc họp ở Kuala Lumpur vào tối hôm trước. (Chúng tôi
đã loại bỏ 6 dân biểu Hội đồng lập pháp Barisan khỏi danh sách vì
Tunku tiếp tục phản đối việc bắt giữ hai nghị viên liên bang chống
đối.) Lúc 3 giờ sáng, 65 toán quân tỏa ra khắp Singapore để bắt giữ
169 người. Họ tìm được 115 người, những người còn lại không có ở
chỗ người ta dự trù. Đây luôn là vấn đề trong việc tìm ra nơi cư trú
của những người cộng sản. Biết chắc mình sẽ bị tấn công, họ luôn
thay đổi chỗ nghỉ qua đêm.
Lần này không có xung đột, không đổ máu, không lệnh giới
nghiêm sau các vụ bắt giữ. Mọi người đã tiên liệu một cuộc thanh
trừng, và công chúng hiểu rằng những người cộng sản sẽ gặp
chuyện này. Đó là sự tuột dốc thảm hại đối với họ. Chiến dịch đã làm
mất một số lãnh tụ hoạt động công khai có kinh nghiệm nhất của
họ, và họ chỉ có thể hồi phục lại nếu như cộng sản sẵn sàng thay
thế họ bằng những lãnh tụ khác còn hoạt động bí mật – mà không
thể chắc chắn là họ có đủ thời gian để gây lại ảnh hưởng với quần
chúng trước khi các cuộc bố ráp khác lại tiếp diễn.
Tôi lo lắng theo dõi trong những ngày tiếp theo đó xem họ có lấp
đầy các chỗ trống đó không. Không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ
điều đó. Họ không muốn, hoặc không thể, đưa thêm các cán bộ ra
công khai để điều hành mặt trận liên kết.
Với sự đồng ý của Hội đồng an ninh nội chính, tôi viết cho Lim Chin
Siong một lá thư vào đêm xảy ra các cuộc bắt bớ, đề nghị ông ta
chấp nhận lưu vong sang Indonesia hay một nước nào đó tùy ông ta
chọn. Tôi nói rằng, không như những người khác, ông ta không hề
giấu tôi về niềm tin cộng sản và những mục đích của mình, và ông
ta đã nói với tôi trong trại Changi năm 1958 rằng ông ta sẵn sàng
rời khỏi Singapore nếu như sự có mặt của ông ta cản trở thắng lợi
của tôi trong kỳ bầu cử tới. Lim Chin Siong không phải là nhân vật
cộng sản quan trọng, nhưng là người kích động quần chúng tài tình.
Tôi nghĩ việc tỏ thái độ thiện chí này là cần thiết, nó sẽ không gây
thiệt hại gì nhiều về an ninh, và chuyển lá thư của tôi cho báo chí.
Đúng như tôi đoán, ông ta từ chối lời đề nghị. Ông ta không thể để
bị coi như là một kẻ phản bội đồng chí của mình. Nhưng nó có ích
cho mục đích chính trị của tôi, bên cạnh đó tôi đã cho ông Đặc mệnh
thấy rằng tôi tôn trọng một số nguyên tắc sòng phẳng và danh dự
đối với những người nguyên là đồng chí của tôi thuộc mặt trận liên
kết trong phong trào chống thực dân. Tôi ngầm mong rằng ông ta
sẽ cư xử giống như vậy. Ông ta hiểu rằng tôi đã biết về những đội
quân thanh trừng của ông ta.
Trong số những người bị bắt giữ có Sidney Woodhull, được xếp loại
cán bộ tổ chức cốt cán hạng nhất, và James Puthucheary, xếp loại
hai trong số cộng tác viên với cộng sản. Một người nữa thuộc hạng
thứ nhất là James Fu Chiao Sian. James Fu là phóng viên kiêm dịch
thuật, một thành viên của Hội bài Anh, người đã từng làm việc cho
tờ báo Hoa thân cộng Sin Pao. Các bài báo của ông ta đồng tình với
những kẻ bãi công và những người kích động học sinh, và ông ta là
kẻ tuyên truyền tình nguyện cho Lim Chin Siong và Fong Swee
Suan, cả hai trước là bạn thời trung học của ông ta. Nhưng sau bốn
tháng ông ta được thả; các cuộc thẩm vấn đã cho thấy rằng mối liên
hệ của ông ta với Hội bài Anh đã bị cắt đứt từ năm 1962. Ông ta vào
làm cho đài phát thanh và truyền hình Singapore, và năm 1972 trở
thành thư ký báo chí của tôi, một vị trí mà ông ta vẫn giữ cho đến
khi về hưu năm 1993. Ông ta làm việc hiệu quả vì ông ta biết hai
thứ tiếng và hoàn toàn đáng tin cậy.
Có rất nhiều người giống như ông ta, bị lôi kéo vào phong trào
cộng sản khi còn trẻ, bị lôi cuốn bởi tinh thần lý tưởng và khao khát
làm thay đổi xã hội xấu xa mà họ nhìn thấy chung quanh. Có thời
gian để nhận ra khía cạnh tổ chức tàn nhẫn của MCP, họ nhận ra giá
trị của chủ nghĩa xã hội dân chủ hoặc dân chủ xã hội – tuy chậm và
có tính cải lương hơn, nhưng công bằng và ít phi nhân tính hơn. Một
số người, như em trai của Lim Chin Siong, Lim Chin Joo, thi đậu các
bằng cấp đại học trong thời gian bị giam. Anh ta đậu được bằng cử
nhân luật, và sau khi được phóng thích anh ta vào làm trong Sở địa
chính. Sau này anh ta trở thành một cố vấn pháp luật thành công
và phát đạt.
Sau khi cơn kích động về những vụ bắt bớ lắng xuống, Tunku đề
nghị rằng PAP rút lui khỏi cuộc bầu cử bổ sung ở Sembawang để cho
liên minh mới SPA – UMNO – MCA – MIC trực diện chiến đấu chống
Barisan. Với vẻ lịch sự, tôi nói với ông ta rằng họ không thể nào
thắng được, và rằng thắng lợi của Barisan sẽ làm sống lại tinh thần
đang suy yếu của những người thân cộng. Tôi có cảm giác rằng thái
độ của ông ta đối với tôi đã trở nên cứng rắn.
Tôi đi đến kết luận là Tunku có nhiều tham vọng hơn, rằng ông ta
muốn làm cho Singapore trở nên dễ điều khiển hơn, muốn có nhiều
quyền hơn đối với bang này và chỉ nhường quyền tự trị về những
vấn đề như giáo dục và lao động. Càng lúc tôi càng tin chắc rằng khi
các cuộc bắt bớ đã xong xuôi và mối đe dọa từ phía những người
cộng sản tạm thời bị gác lại, Tunku sẽ có chủ trương cứng rắn về
những điều khoản chi tiết của việc hợp nhất khi vận dụng bạch thư
vào những điều khoản cụ thể trong hiến pháp. Nước cờ đối phó của
tôi là đe dọa người Anh rằng tôi sẽ không thực thi hiến pháp trừ phi
các điều khoản mà hai bên đã đồng ý và đã trình ra cho dân chúng
Singapore trong cuộc trưng cầu dân ý được tôn trọng. Nếu không tôi
sẽ bán rẻ chúng. Tôi không thể tham gia vào một hành vi phản bội
như thế và, nếu cần, tôi sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để giải
quyết vấn đề. Dĩ nhiên điều đó sẽ đặt toàn bộ kế hoạch thành lập
liên bang Malaysia vào nguy cơ nếu như Barisan và cộng sản thắng
cử.
Vào ngày 12/2, mười ngày sau các vụ bắt bớ, tôi thể hiện mối lo
ngại của tôi với Selkirk rằng Liên bang, do không hiểu bản chất mối
đe dọa cộng sản ở Singapore, có thể tin rằng chiến dịch Cold Store
đã loại trừ được mối đe dọa đó, và loại bỏ luôn sự cần thiết phải hợp
nhất. Ở Malaya, đa số các cử tri là người Malay, và MPC – đứng
ngoài vũ đài hợp pháp và thường xuyên bị trấn áp – biết nó không
thể nắm được chính quyền qua bầu cử, không như đồng sự của nó ở
Singapore. Khi Tunku và các Bộ trưởng của ông ta không còn thấy
sự cấp bách phải hợp nhất nữa, tôi vẫn phải đối mặt với một số khó
khăn với Kuala Lumpur, nhất là những thỏa thuận về mặt tài chính
và điều hành mạng lưới truyền thông của chúng tôi. Đây là lúc phải
đứng vững. Vì thế tôi viết cho Selkirk: “Chúng tôi không cường điệu
quan điểm của Singapore khi chúng tôi nói rằng dứt khoát không
thể thoát ly bằng bất cứ kiểu nào khỏi các điều khoản và điều kiện
mà nó đã được dân chúng bàn cãi và tán thành công khai trong cuộc
trưng cầu dân ý hồi tháng 9 vừa qua.”
Cả Moore và Selkirk đều tích cực. Selkirk viết cho London vào
ngày 13/2: “Tôi nghĩ là chúng ta phải lắng nghe Lee khi ông ta nói
rằng ông ta sẽ không đồng ý bất cứ sự thoát ly nào khỏi những điều
khoản của bạch thư về hợp nhất.” Nhưng điều bất lợi của tôi trong
việc đối xử với Tunku là trong khi tôi muốn hợp nhất, ông ta lại
không. Tôi đã liệt kê những nhược điểm của Singapore khi chưa hợp
nhất để thuyết phục người của tôi chấp nhận điều đó. Ông ta coi
như điều đó sẽ biến thành sự thật hoàn toàn và trở nên cực kỳ khó
khăn, vì ông ta cảm thấy rằng chúng tôi sẽ đạt được đủ thứ còn ông
ta phải đảm nhiệm vô số vấn đề. Kết quả là một vị thế mặc cả
không cân bằng.
Ông ta phái đi hai đảng viên MCA người Hoa cao cấp của ông ta,
những tay thủ lĩnh chống PAP mà họ đã tổ chức Phòng Thương mại
Hoa kiều và cộng đồng người Hoa ở Malaya cho ông ta, và ông ta
muốn họ làm những việc như thế cho ông ta ở Singapore. T.H. Tan
nguyên là tổng biên tập tờ Singapore Standard và đá sang lĩnh vực
chính trị để trở thành một ông trùm đầy uy quyền của MCA ở
Malaya. Khaw Kai Boh nguyên là giám đốc Sở đặc vụ Singapore. Ông
ta đã muốn cho bắt giữ chúng tôi, đặc biệt là tôi và đã rút về Kuala
Lumpur khi PAP thắng trong kỳ bầu cử năm 1959. Tunku đã bổ
nhiệm cả hai làm thượng nghị sĩ trong nghị viện liên bang, và cho
Khaw làm Bộ trưởng. Họ béo phị, trông như những tên đồ tể, và
không thành công với những thương nhân người Hoa của chúng tôi,
những người không quen với việc đút lót để có được giấy phép kinh
doanh như ở Malaya.
Hai tay thượng nghị sĩ này tin rằng chính phủ Liên hiệp sẽ có một
cơ hội tốt hơn để thắng trong kỳ bầu cử kế tiếp nếu như Kuala
Lumpur kiểm soát nền tài chính của chúng tôi, và vì thế họ công
khai cáo buộc tôi muốn giữ lợi tức thặng dư của Singapore nhằm
dùng nó làm hại và lật đổ chính phủ liên bang. Ý đồ của họ ăn khớp
với những tham vọng của Tan Siew Sin, kẻ đã nói với báo chí rằng
ông ta phải tiếp quản việc thu thuế ở Singapore "trên nguyên tắc là
thuế của liên bang phải do các ban ngành của liên bang thu và lợi
tức coi như là của liên bang”. Hiện ông ta muốn nắm 60% tổng lợi
tức của Singapore, và tôi phải nhắc ông ta về những trao đổi thư từ
mà trong đó Tunku cam đoan rằng Singapore sẽ được quyền nắm
giữ nguồn tài chính của chính nó. Tunku chỉ muốn điều hành
Singapore về mặt an ninh, chứ không phải mặt kinh tế. Nhưng Tan
không đồng ý như vậy và tranh cãi quyết liệt rằng tỷ lệ ít hơn sẽ
không đủ để trang trải phần chi phí của liên bang cho Singapore.
Ở tuổi hơn 40, Tan Siew Sin là một người lương thiện, chăm chỉ,
tận tâm, có tài, không dính dáng tí gì đến những chuyện thối nát.
Cha ông ta là ngài Cheng Lock Tan, một nhân vật thế lực trong
guồng máy Các thuộc địa vùng eo của Anh và là tộc trưởng của một
trong những bộ tộc giàu có nhất và lâu đời nhất của Malacca, người
mà tôi đã thuyết phục đến nói chuyện tại lễ ra mắt PAP. Nhưng
người con trai lại là kẻ nhỏ nhen, hám lợi, thể hiện qua khuôn mặt
dài tái nhợt ẩn sau đôi kính không gọng. Ông ta biết là Keng Swee
tài giỏi hơn, nhưng ông ta nhất quyết chiếm thế thượng phong sau
khi hợp nhất, và Keng Swee nhận thấy không thể điều đình với ông
ta được. Tuy nhiên tôi biết Tunku là người quyết định những vấn đề
lớn, và tôi cũng không cho phép Tan Siew Sin đè đầu cưỡi cổ chúng
tôi, ít nhất là cho đến khi chúng tôi trở thành một phần của liên
bang Malaysia, và thậm chí đến lúc đó cũng không, miễn là chúng
tôi nắm được tài chính bang của chúng tôi. Sự thù oán của ông ta
đối với Keng Swee và tôi được củng cố bởi lòng khao khát trả
Singapore về vị trí cũ. Ông ta sẽ cố làm được điều đó công khai và
sẽ cười đắc ý khi nghĩ mình đã thành công.
Tôi trả lời ông ta rõ ràng, và sau khi ông ta thất bại trong các cuộc
thương thảo, Syed Ja’afar Albar, một người Malay gốc Ả Rập, tổng
thư ký UMNO và là một tay kích động quần chúng rất giỏi, đến cứu
nguy cho ông ta. Albar cảnh cáo tôi trên báo chí là đừng nêu công
khai các luận điểm nếu tôi muốn tiến tới một thỏa thuận. Razak
cũng lộ mặt bảo vệ Tan Siew Sin và MCA, nói rằng thật bất công khi
họ hình như phải chịu trách nhiệm về những đòi hỏi của liên bang.
Điều tôi luôn tự vấn là: quan điểm của Tunku là đâu? Ông ta có
đứng đằng sau Tan như Albar và Razak không, hay là ông ta trung
lập? Lúc đầu tôi tin là ông ta trung lập, nhưng khi sức ép cứ tiếp tục,
cuối cùng tôi kết luận là ông ta cho phép họ ép tôi đến cùng. Tất
nhiên là Tan khó khăn và cần có Tunku để kiềm chế ông ta, nhưng
Tunku không làm việc đó.
Sau đó tôi tin rằng Tunku không hề nói với Tan Siew Sin rằng ông
ta sẵn sàng để cho Singapore có trọn quyền về mặt tài chính của nó
để đổi lấy sự tham gia tối thiểu của Singapore trong nền chính trị
liên bang. Nếu không thì Tan đã chẳng đòi hỏi trọn quyền kiểm soát
tài chính của chúng tôi, bởi vì chính quyền Kuala Lumpur càng muốn
kiểm soát tài chính Singapore chừng nào, thì nó càng phải chấp
nhận Singapore tham gia nhiều hơn vào nền chính trị Malaysia để
tác động đến những chính sách đối với Singapore. Đây là một vấn
đề cơ bản mà nó không bao giờ được giải quyết trước hoặc sau khi
Singapore gia nhập liên bang Malaysia. Tunku để cho nó chín muồi.
Xét về một phương diện, điều này tạo lợi thế cho tôi. Barisan chửi
rủa tôi bán rẻ Singapore và nói rằng “mối quan tâm giả bộ” của tôi
đối với tài chính của bang không thể lừa gạt được dân chúng. Nhưng
mặt khác, những đòi hỏi kiêu ngạo hầu như hống hách của Tan Siew
Sin khiến cho dân chúng Singapore lo ngại, và phản ứng của tôi,
vốn chứng tỏ tôi không phải là kẻ dễ bị dẫn dắt, đã khiến họ an tâm
hơn. Khi các cuộc thương thảo tiếp tục, cho đến tháng 7, họ giành
nhiều ủng hộ cho tôi. Dân chúng muốn tôi đứng lên đấu tranh vì
Singapore.
Giữa tháng 6, Kuala Luxnpur đưa ra cho Singapore và Brunei
những điều kiện chung quyết về việc thành lập liên bang Malaysia,
theo đó “sẽ không có sự đàm phán nào nữa”. Những điều kiện này
bao gồm sự dự trù về một thị trường chung theo hiến pháp, và một
khoản trợ cấp 50 triệu đồng từ phía Singapore cho sự phát triển các
lãnh thổ Borneo. Tôi nói Singapore quá nghèo để đóng vai ông già
Noel và bỏ ra 50 triệu làm lệ phí gia nhập Liên bang. Về phần thị
trường chung, chính phủ liên bang đã loan báo hồi tháng 10/1962
rằng một đội ngũ các chuyên gia Ngân hàng thế giới sẽ nghiên cứu
những tác động kinh tế của thị trường này, theo một quyết định
được đưa ra ở London vào tháng 7 năm đó. Điều đó đã đưa tới
những hy vọng là chúng tôi có thể hưởng lợi từ khả năng chuyên
môn trong việc xây dựng thị trường này. Nhưng dù bản báo cáo với
những lời khuyên của Ngân hàng thế giới đã được trao cho Keng
Swee và Tan Siew Sin từ lâu, không có một điều khoản hay điều
kiện rõ ràng nào đã được thỏa thuận để hình thành thị trường này.
Có những vấn đề lớn khác. Một là yêu cầu của tôi rằng sau khi liên
bang Malaysia ra đời, quyền giam giữ những tên côn đồ trong hội
kín mà không cần xét xử theo Pháp lệnh về Những điều khoản Lâm
thời của bộ Luật hình sự sẽ được giao phó cho Singapore. Tôi nghĩ
thật quá nguy hiểm khi để quyền này trong tay chính phủ liên bang
nếu chúng tôi có bổn phận phải ngăn cản không cho bọn côn đồ xen
vào sinh hoạt chính trị của bang. Tunku miễn cưỡng tán thành, và
Razak có vẻ như đồng ý với ông ta. Họ cũng muốn thay đổi hiến
pháp để giới hạn dòng nhập cư của công dân Singapore vào
Malaysia để ngăn chặn những người cộng sản Singapore, mà với tư
cách công dân Singapore, họ sẽ trở thành công dân Malaysia. Trong
trường hợp này, tôi nhấn mạnh là nên có sự tương nhượng: chính
phủ bang cũng cần phải có quyền tương tự để ngăn dòng nhập cư
từ Malaya vào Singapore.
Một vấn đề nữa là tôi đề nghị phải có một tu chính vào hiến pháp
của bang nhằm quy định rằng bất kỳ dân biểu Hội đồng lập pháp
nào đắc cử trong liên danh của một đảng phái, sau đó nếu người đó
từ bỏ hoặc bị đuổi khỏi đảng đó thì phải hủy bỏ ghế của ông ta trong
Hội đồng Lập pháp và tiến hành một cuộc bầu cử bổ sung. Người
Malay rất miễn cưỡng khi đồng ý đề nghị này.
Mối quan tâm xa hơn của tôi là kiềm hãm nạn tham nhũng sau khi
hợp nhất. Điều đó sẽ đòi hỏi ủy viên tư pháp bang Singapore vẫn
giữ được quyền hạn của ông ta để khởi tố theo Pháp lệnh chống
tham nhũng, khiến cho việc kết án được dễ dàng hơn. Luật này
không tồn tại ở Malaya, mà họ cũng không có Phòng Điều tra những
hành vi tham nhũng. Tôi đòi hỏi rằng không được có những thay đổi
nào trong các thể chế này mà không có sự đồng ý của chính phủ
Singapore.
Cuộc tranh luận cứ tiếp tục mà không đi đến kết quả, cho đến khi
Duncan Sandys triệu tập một cuộc họp cuối cùng ở London để giải
quyết những vấn đề tồn đọng. Tunku không hài lòng tôi và từ chối
tham dự nhưng lại cử Razak thay ông ta đàm phán với tôi và chỉ báo
tin cho ông ta khi nào đạt tới thỏa thuận. Sau đó ông ta sẽ bay qua
để làm lễ ký kết. Trong khi đó Sandys trở nên mất kiên nhẫn với tất
cả các vụ cãi nhau vụn vặt này. Một văn bản của Văn phòng quan
hệ khối Thịnh vượng chung ghi lại rằng ông ta đã tổ chức một cuộc
họp trước khi cuộc đàm phán mở ra để thảo luận hành động cần tiến
hành nếu đàm phán rơi vào bế tắc, vì hầu như chắc chắn nó sẽ xảy
ra. Trong trường hợp đó, ông ta nói, có ba hướng giải quyết:
“(1) ép Singapore gia nhập liên bang Malaysia trái ý nó; (2) từ bỏ
kế hoạch thành lập liên bang Malaysia; (3) cho Bắc Borneo và
Sarawak gia nhập vào một liên bang Malaysia thu nhỏ, và vẫn để
cửa mở cho Singapore gia nhập sau này.
Bộ trưởng Ngoại giao nghĩ rằng có thể cần thiết phải đe dọa Tunku
bằng sự độc lập riêng cho Singapore và mọi người đồng ý rằng điều
này có thể ép được Tunku tiến tới một thỏa ước với Singapore vì nếu
không có Singapore thì Thỏa ước phòng thủ Malaya sẽ không thể
tiếp tục lâu hơn và việc Anh sử dụng tự do căn cứ ở Singapore sẽ
nhanh chóng rơi vào nguy cơ…
Tuy nhiên đã hơi có bằng chứng rằng Tunku có thể đang cho rằng
nếu như ông ta phát triển những quan hệ thân thiện hơn với
Indonesia, điều đó sẽ phục vụ ông ta tốt hơn trong việc chống lại
thế lực người Hoa ở Singapore hơn là việc thành lập liên bang
Malaysia.”
Keng Swee và tôi đến London và bắt đầu những cái hiện được gọi
là “những cuộc đàm phán tiếp cận”. Nói cách khác, chúng tôi không
gặp Razak và Tan Siew Sin ngay từ đầu. Họ lưu tại một khách sạn
khác, trong khi người Anh nói chuyện với cả hai phía và thu hẹp dần
những bất đồng giữa chúng tôi. Sau đó tôi dùng bữa trưa với Razak
để bàn công việc, và ngày hôm sau tới lượt Keng Swee. Cuối cùng
Sandys mời chúng tôi ngồi vào bàn cho một cuộc họp kéo dài suốt
đêm. Đó là cách ông ta đối phó với các phái đoàn đàm phán ương
bướng, ép cả hai phía nhượng bộ cho đến khi họ đi đến thỏa thuận
sau cùng. Ông ta đã áp dụng cách này trước đó đối với phái đoàn
Singapore, cung cấp rượu mạnh nhưng thức ăn thiếu thốn để làm
kiệt sức chúng tôi. Cách này không giống những gì mà cộng sản đã
làm với chúng tôi tại các cuộc họp ban chấp hành, trong đó họ sẽ
kéo dài cho đến khi những người phi cộng sản bỏ về nhà trước khi
cuộc biểu quyết được tiến hành.
Tối đó, đoán trước việc lặp lại trò này, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn
bánh mì kẹp thịt và vài chai bia, mà chúng tôi mang trong các hộp
đựng máy chữ đến một căn phòng dành cho chúng tôi mỗi khi cần
nghỉ giải lao để các phái đoàn thảo luận riêng. Khi cạn thức ăn, viên
thư ký nội các tin cậy của chúng tôi, Wong Chooi Sen, sẽ điện thoại
cho Choo tại khách sạn Park Lane để gọi thêm bánh mì kẹp thịt từ
bộ phận phục vụ phòng. Chúng tôi đã làm như thế cho đến khi Choo
báo lại là bộ phận phục vụ phòng đã hết bánh mì kẹp thịt. Để giữ
đầu óc tỉnh táo, chúng tôi từ chối rượu mạnh của Sandys. Sự thận
trọng và nguồn cung cấp thức ăn này đã giúp chúng tôi chịu đựng
được suốt đêm mệt nhoài đó. Chúng tôi tin là phía Razak không hề
được chuẩn bị tốt như thế.
Cuối cùng, lúc gần sáng, hai bên đi đến thỏa thuận rằng chúng tôi
sẽ nộp 40% “thuế quốc dân” của chúng tôi, hoặc 28% tổng lợi tức,
cho chính phủ liên bang để chi cho phí tổn quốc phòng ngày càng
tăng do cuộc chiến “Đối đầu” của Indonesia. Thay vì món quà 50
triệu đồng cho những vùng lãnh thổ Borneo, giờ sẽ là món tiền cho
vay 150 triệu đồng, trong đó 100 triệu là cho vay không lấy lãi trong
5 năm. Thị trường chung sẽ được thực hiện trong vòng 12 năm, và
Singapore sẽ vẫn được miễn thuế đối với những mặt hàng quan
trọng nhất trong hoạt động kho hàng trung chuyển. Một ủy ban đặc
biệt sẽ từng bước cân bằng thuế quan trong thời kỳ này. Nhưng sẽ
không có một Brunei giàu dầu hỏa để làm thỏa thuận này dễ chịu
hơn đối với Tunku. Vị vua già xảo trá và thận trọng này không hài
lòng với đề nghị về cách phân chia lợi tức dầu hỏa giữa họ với nhau,
và không có sức ép hay đe dọa nào của Sandys sẽ lay chuyển được
ông ta. Tôi đã vài lần gặp vị vua này tại tư dinh Grosvenor House
của ông ta để trao đổi ý kiến về tiến trình đàm phán của mỗi bên
chúng tôi. Tôi hiểu mối lo ngại và sự bảo thủ của ông ta và không
hề thuyết phục ông ta đi ngược lại linh tính của ông ta, linh tính này
đã khuyên ông nên tiếp tục nằm dưới sự bảo trợ của người Anh, tin
chắc họ sẽ không bỏ rơi ông ta để cho người Indonesia cưỡi cổ.
Tunku đến nơi hai ngày trước lễ ký kết vốn được ấn định vào ngày
8/7, một con số 8 may mắn nữa cho sự khởi đầu thuận lợi của liên
bang Malaysia. Nhưng hiệp nghị không thể hoàn tất cho đến khi tôi
thuyết phục được ông ta chấp nhận một số điều kiện vốn là vấn đề
tranh cãi từ đầu. Ông ta thừa nhận quyền hạn của cảnh sát để bắt
giữ những tên côn đồ hội kín phải được giao cho chính phủ
Singapore, và một thay đổi trong hiến pháp của chúng tôi sẽ quy
định rằng một dân biểu Hội đồng lập pháp nào rời bỏ đảng phái đã
đưa ông ta ra ứng cử thì sẽ phải bỏ luôn ghế của ông ta trong Hội
đồng. Thêm vào đó, 50% lao động cho những dự án Borneo được tài
trợ bằng khoản cho vay 150 triệu sẽ là công nhân đến từ Singapore.
Bởi vì trí nhớ của Tunku rất co dãn, nên tôi ghi vội lại những điểm
này trên lưng một bao thư cũ mà tôi tìm được ở một góc bàn trong
phòng đợi của khách sạn ông ta trọ, có in sẵn chữ “Ritz Hotel”, và
đưa ông ta ký vào đó. Những bàn cãi vào phút chót này, và một bữa
tối với Macmillan, đã đẩy buổi lễ ký kết tại dinh Marlborough lui tới
tận nửa đêm của ngày 8/7. Cho đến lúc kết thúc những bài diễn văn
của Macmillan, Tunku, tôi và những đại biểu của Sarawak và Bắc
Borneo thì đã quá nửa đêm trước khi bản thỏa ước được ký kết, và
không còn là ngày 8, mà đã sang ngày 9/7 – không còn là ngày tốt
lành theo lịch của Tunku nữa.
Người Anh – Moore, Selkirk và Sandys – đã đứng về phía tôi. Họ
có nhiều lá bài, riêng tôi thì không. Bản thân tôi không thể làm được
gì nhiều ngoại trừ việc đe dọa tẩy chay kế hoạch và mặc cho phe
cộng sản hoạt động trong sáu tháng kế đó, tôi viết nhiều thư gởi
đến Selkirk ở Singapore, và Sandys ở London, khi thì thúc giục,
khẩn nài, khi thì đe dọa. Không có sự giúp đỡ của họ, tôi không thể
đạt được những điều kiện của tôi. Cho dù có đạt được, như đã dự
kiến, tôi vẫn gặp nhiều rắc rối khi yêu cầu ghi những điều đó vào
hiến pháp trước ngày thành lập liên bang Malaysia 31/8. Cuối cùng,
tôi phải giải quyết theo một cách thức linh động mà không có sự
đảm bảo rằng một thị trường chung sẽ được hình thành, và việc
Singapore được giao quyền bắt giữ những người thuộc hội kín chỉ
được đồng ý trong những thư từ trao đổi giữa hai bên, mà những
thư đó có thể dễ dàng bị hủy bỏ. Chúng tôi phải gia nhập vào liên
bang Malaysia mà không có những đảm bảo này.
Đúng như mong đợi, những vấn đề của tôi ở Singapore không
giảm đi sau việc ký kết thỏa ước. Barisan vẫn phản đối dữ dội, và
Lim Yew Hock cùng SPA trở nên liều lĩnh hơn. Lim Yew Hock giúp
Barisan cản trở Dự luật bầu cử liên bang ngày 24/7, vì ông ta muốn
cuộc bầu cử chọn 15 đại biểu Singapore trong nghị viện liên bang sẽ
được tổ chức sau khi Tunku nắm quyền kiểm soát lực lượng cảnh
sát. Thậm chí sau khi có kiến nghị chấp nhận và ủng hộ Thỏa ước
thành lập Malaysia, SPA cũng không bỏ phiếu, khi nó lẽ ra đã có thể
tăng được bảy phiếu cho đa số ủng hộ và như thế thể hiện tình
đoàn kết trên một vấn đề sống còn của dân tộc.
+ Nợ: Các công nhân – khi ở ngoài Malaysia – 50% người
Singapore.
+ Dân biểu Hội đồng lập pháp Singapore: từ nhiệm hay bị khai trừ
– bỏ trống ghế miễn là không trái với thông lệ đại nghị.
+ Điều lệnh di trú và hạn chế, di cư qua lại, Pháp lệnh bắt giữ
người, giao cho chúng tôi ở Singapore.
+ Phần cuối phát sinh – Ủy ban liên chính phủ.31
31
TRÀO LƯU ĐỔI HƯỚNG
Mười tháng kể từ tháng 12/1962 đến tháng 9/1963 là những
tháng sôi nổi nhất trong cuộc đời tôi. Thêm vào việc đối đầu liên tục
với Tan Siew Sin và những Bộ trưởng của Tunku ở Kuala Lumpur, với
Lim Yew Hock và SPA của ông ta cùng Barisan ở Singapore, còn có
mối nguy hiểm đang lớn dần từ phía Indonesia. Tôi phải huy động
sự ủng hộ cho cuộc bầu cử kế tiếp mà tôi đã quyết định là không
thể hoãn lại đến sau khi hợp nhất. Những người cộng sản đã làm
suy yếu các chi bộ đảng của chúng tôi khi họ tách khỏi PAP, rồi làm
tan rã Liên hiệp nhân dân (PA) và Lữ đoàn công chính. Để xây dựng
lại một tổ chức PAP vững mạnh, phải mất ít nhất hai năm, vì thế
Keng Swee và tôi quyết định chọn một chiến lược đơn giản mà
chúng tôi nghĩ có thể phục hồi nhanh chóng sự ủng hộ của quần
chúng đối với chúng tôi.
Từ Cục đăng bạ hội đoàn, chúng tôi lấy được tên và địa chỉ của tất
cả các chức sắc của những tổ chức quần chúng, từ các bang hội
người Hoa và những hội từ thiện cho đến Phòng thương mại Hoa
kiều và các chi nhánh địa phương của nó, từ các phường hội của
những người buôn bán lẻ đến những câu lạc bộ đánh cờ và thể thao,
cùng các thư viện trong Căn cứ hải quân. Chúng tôi loại bỏ tất cả
các tổ chức thân cộng kiểu như các hội đoàn cựu học sinh các
trường trung học Hoa và những hiệp hội âm nhạc của người Hoa.
Một khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, tôi bắt đầu một loạt các
cuộc viếng thăm đến các khu vực bầu cử, giai đoạn đầu tập trung
vào những khu vực có cử tri bỏ phiếu trắng nhiều nhất – những
vùng nông thôn (vào thời điểm đó) như Jurong, Thomson, Kampong
Kembangan và Jalan Kayu. Ban đầu, mỗi tháng tôi đi thăm một khu
vực trọn ngày, rồi tăng dần lên cứ hai tuần một khu vực, rồi mỗi
tuần một khu, và khi ngày thành lập liên bang Malaysia đến gần,
một tuần tôi đi thăm hai, ba hoặc bốn lần. Cuối cùng, để thăm hết
51 khu vực, tôi đi hầu như mỗi ngày, đôi khi tôi đi thăm hai ba khu
vực thành thị trong chỉ một ngày cho đến khuya.
Trước các cuộc viếng thăm của tôi, các nhân viên chính phủ có các
dân biểu Hội đồng lập pháp đi kèm (hoặc nếu đó là một khu vực
thuộc phe đối lập, thì có dân biểu của PAP từ các khu vực khác đi
kèm) đã tới trước để động viên các chủ hiệu, các thủ lĩnh quần
chúng và các đoàn thể địa phương khác, và giúp họ thảo ra một
chương trình. Sau đó họ sẽ chào đón tôi đến khu vực bầu cử để
thảo luận các vấn đề và những nhu cầu của họ với tôi. Tôi đi trên
chiếc Land Rover mui trần, với mic-rô trên tay và một chiếc loa
phóng thanh gắn trên xe, nói chuyện với đám đông đang tập trung
chờ tôi mỗi khi tôi dừng lại theo đúng lịch làm việc. Kế hoạch của tôi
có hiệu quả. Một khi cộng sản thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý
và dân chúng nhận ra tất cả những gì họ có thể thu đạt được là
25% phiếu trắng, mọi người hăng hái hẳn lên. Giờ thì họ sẵn sàng
nói ra quan điểm của mình.
Các chủ hiệu và những lãnh tụ quần chúng sẽ chào đón tôi với
những vòng hoa sứ, hoa vạn thọ khổng lồ, đôi khi cả phong lan nữa,
hoặc những hoa bằng giấy, được buộc lại và trang hoàng bằng dây
kim tuyến, nếu họ nghèo. Các đại biểu người Hoa trao cho tôi những
biểu ngữ bằng lụa hoặc nhung ghi tên của người tặng và đề những
dòng chữ Hán mạ vàng thể hiện tình đoàn kết của họ với chúng tôi.
Tôi nhận được cả chục biểu ngữ như thế, đem về treo quanh nơi họp
mít–tinh lần cuối cùng, ở đấy họ chiêu đãi tôi một bữa tối ngoài trời.
Những người dùng bữa sẽ ngồi quanh những chiếc bàn tròn, mỗi
bàn mười người, có ít nhất là 20 bàn, và nhiều khi có tới 50 bàn do
các chủ tiệm thành đạt đài thọ nhằm tỏ lòng tôn kính các lãnh tụ
khu vực bầu cử và tôi.
Các chuyến đi là một thành công to lớn. Khi tôi lý luận chống lại
những đòi hỏi vô lý của Tan Siew Sin và Razak, dân chúng reo hò
phía sau tôi. Mỗi cuộc viếng thăm, đám đông càng nhiều hơn và
nồng nhiệt hơn, các thủ lĩnh hăm hở góp phần chào đón tôi và bày
tỏ sự ủng hộ của họ với chính phủ PAP. Các viên chức chính phủ, rồi
tới lượt tôi, lắng nghe những yêu cầu của dân chúng về đường
nhựa, cống rãnh, điện đóm, đèn đường, điện công cộng, dưỡng
đường, trường học, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Những yêu
cầu dễ thì được giải quyết nhanh chóng, những yêu cầu khó hơn thì
tôi hứa sẽ nghiên cứu và đáp ứng nếu nó thiết thực. Các trung tâm
sinh hoạt cộng đồng rất hữu dụng trong việc phổ biến những thông
tin nhằm chống lại sự tuyên truyền xuyên tạc, và chúng tôi bắt đầu
xây dựng chúng – những công trình bằng gỗ đơn giản, với mái lợp
fibro và sàn xi măng, mỗi trung tâm được trang bị các bóng đèn
điện, một quạt trần, một bàn bóng bàn, một bàn bi-da và một ti-vi
đen trắng.
Các ban tiếp tân sẽ chờ tôi trong vài giờ nếu tôi bị chặn lại dọc
đường. Những bà già và những cô gái trẻ đưa đơn từ yêu cầu tôi giải
quyết những khiếu nại riêng tư của họ. Những người Ấn đưa tôi vào
các ngôi đền của họ, rắc hoa trên đường tôi đi và đánh một dấu màu
trên trán tôi, một cử chỉ tôn kính dành cho một vị khách danh dự.
Những người Hoa cũng sẽ đưa tôi vào các đền thờ của họ, và chào
mừng tôi tại lối vào bằng điệu múa lân cùng tiếng chiêng trống để
báo trước việc tôi đến. Những người mộ đạo rất vui khi được thấy
Thủ tướng tỏ lòng tôn kính nơi thờ phượng của họ. Tôi sẽ đốt những
nén hương trước bàn thờ, một số thuộc đạo Phật, một số thuộc đạo
Lão. Những người Malay sẽ chào mừng tôi với những nhóm
kompang, một tập hợp 12 hoặc 14 chàng trai với trống đứng và
trống cầm tay, còn các bậc huynh trưởng của họ sẽ đặt lên đầu tôi
một cái tanjak, một miếng vải gấm thêu kim tuyến được gấp thành
cái mũ trùm dành cho các thủ lĩnh.
Những người ủng hộ Barisan sẽ xếp hàng trên vài con đường, la ó,
huýt sáo và chửi bới tôi. Khi tôi đi ngang trường Cao trung của người
Hoa, khoảng 40 – 50 nam sinh với khăn bịt mặt giơ các áp phích lên
án và chửi rủa tôi như một kẻ phản bội nhân dân. Một buổi chiều ở
Whampoa, những tên côn đồ Barisan với những hình xăm trên cánh
tay cản đường tôi và cố đẩy tôi xuống một con rãnh sâu đầy nước
mưa, nhưng nhân viên an ninh đã nhanh chóng can thiệp và đối phó
với họ, để cho tôi nhảy ra xa. Những thành viên nghiệp đoàn thân
Barisan trên những tầng nhà trên cao của họ gào lên những lời chửi
rủa, và một đêm ở Hong Lim họ thét lên những lời đe dọa tôi và
trương những biểu ngữ phản đối trên mái nhà. Khi tôi bảo tay quay
phim của chương trình ti-vi xoay ánh đèn về phía họ và ghi hình, thì
họ liền tắt đèn trong nhà và biến mất. Tôi mời họ xuống, lộ diện và
tranh luận trường hợp của họ với tôi. Họ từ chối, điều đó cho phép
tôi chỉ ra cho hàng nghìn người quanh đó thấy là khi phe đối lập phải
đối chất với “quần chúng” nơi công khai, họ bèn tắt đèn và lẩn vào
bóng tối.
Các chuyến đi khiến tôi kiệt sức và hao mòn nghị lực. Tôi thường
bắt đầu lúc 8 giờ sáng ngày Chủ nhật và ngay sau bữa trưa vào
những ngày khác trong tuần. Buổi chiều trời luôn nóng, và trong
một chuyến đi như vậy tôi phải đọc một bài diễn văn ngắn khoảng
10 – 15 phút ở mỗi chỗ dừng, mà các bài diễn văn đó có thể kéo
thêm từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ vì tôi phải nói bằng hai, ba
thứ tiếng. Có khi một ngày tôi đọc đến mười bài diễn văn, mỗi bài
bằng tiếng Malay, tiếng Anh, tiếng Hokkien hoặc tiếng Quan thoại.
Người tôi luôn đầy mồ hôi. Tôi thường mang theo ba, bốn áo lót
cùng áo sơ mi và sẽ lẻn thật nhanh vào nhà vệ sinh nào đó hoặc
phía sau vách ngăn bên trong một cửa hiệu để thay áo khô, và tôi
cũng mang theo một khăn tắm nhỏ để lau mồ hôi trên mặt. Tôi sẽ
về nhà với bàn tay phải bầm tím và đau nhức bởi hàng trăm, nếu
không nói là hàng nghìn cái bắt tay, và đôi khi là một cú siết tay thật
chặt. Lưng tôi cũng bầm xanh vì cứ phải đụng vào thanh chắn kim
loại của chiếc Land Rover. Tôi học cách chìa bàn tay trái để giảm nhẹ
cho bàn tay phải, và tôi cũng nghiên cứu cách đẩy ngón cái và ngón
trỏ thẳng lên chống lại những ngón tay của những người khác để
ngăn các ngón tay tôi khỏi bị siết chặt, và tôi cũng quấn một lớp
khăn dày quanh thanh chắn trên xe để bớt va chạm.
Nhưng tôi còn trẻ, dưới 40. Kích thích tố của tôi đầy tràn, và thịnh
tình của đám đông truyền nhiệt huyết cho tôi. Nói chuyện bằng
tiếng Hokkien và tiếng Quan thoại, tôi đã thuyết phục được người
Hoa rằng tôi không phải là tên bù nhìn của người Anh, rằng tôi đang
chiến đấu vì tương lai của họ. Người Malay ủng hộ tôi vì họ thấy tôi
chống lại những người Hoa đối lập. Người Ấn, với vai trò là thiểu số ít
hơn, thì luôn sợ hãi và vì thế họ an tâm khi nhận thấy tôi hoàn toàn
thân thiện với mọi chủng tộc, nói tiếng Malay và tiếng Anh bình dân
với họ và thậm chí cả với lời chào hỏi bằng tiếng Tamil.
Tin tức về những chuyến đi ngày càng thành công hơn của tôi đã
nhanh chóng được truyền miệng trong các quán cà phê và qua báo
chí, truyền hình. Nó tạo ra một làn sóng phấn khởi trong dân chúng,
đặc biệt là các chủ cửa hiệu và những lãnh tụ quần chúng. Tôi trở
thành một kiểu như ngôi sao chính trị. Nhiều chủ cửa hiệu từng
chống lại những tên côn đồ trẻ tuổi, nhưng họ vẫn bị buộc phải đóng
góp ngân quỹ cho chúng. Đây là cơ hội của họ để chứng tỏ rằng họ
thực sự ủng hộ một cái gì đó – tôi và chính phủ. Khi tôi đang đứng
trên bục, họ sẽ đến, không chỉ với các vòng hoa và biểu ngữ mà còn
với những vật kỷ niệm trưng trong tủ nhà họ, một ruy băng đỏ buộc
quanh các món quà và một danh thiếp đỏ ghi tên cùng địa chỉ của
họ, chúc tôi may mắn. Có một món quà không thể quên được là một
chiếc bài ngà cổ tuyệt đẹp chạm hình chiếc thuyền buồm kiểu Trung
Quốc lộng lẫy đặt trên một đế đen bóng loáng trong hộp kiếng. Nó là
một tác phẩm nghệ thuật quý giá nhất của chủ nhân của nó. Ông ta
là ông chủ một cửa hiệu, trạc 50, tóc bạc hai bên thái dương. Ông ta
chúc tôi hạnh phúc và sống lâu bằng tiếng Hokkien. Nó vẫn còn ngự
một cách đầy tự hào trong phòng khách của tôi, một món quà mà
tôi trân trọng giữ gìn, gợi tôi nhớ lại giây phút lớn lao khi tôi có thể
cảm nhận được thịnh tình của quần chúng đối với tôi và mong đợi ở
tôi với tư cách là lãnh đạo của họ. Lòng trung thành mà những chủ
cửa hiệu nhỏ này đặt vào tôi đã truyền nhiệt tình để tôi chiến đấu.
Thành công của các chuyến đi đã thúc đẩy Lim Yew Hock đặt vấn
đề về chi phí của chúng đối với bang trước Hội đồng Lập pháp. Tôi
trả lời rằng không hề có sự lạm dụng công quỹ trong việc này vì
không hề có một đôla nào được chi tiêu cho việc ăn uống và tiếp đón
– mọi thứ đều do dân chúng chi trả. Những người tổ chức rất đáng
được tuyên dương vì chuyện này và họ tự hào rằng họ đã tập hợp
được sự ủng hộ của quần chúng, với các lãnh đạo địa phương sung
sướng được thấy họ trên ti-vi đón mừng tôi, hoặc ngồi cùng tôi trên
khán đài hay tại bàn ăn. Tôi có thể cảm thấy rằng chiều hướng đã
thay đổi.
Các viên chức đi cùng tôi trong các chuyến đi này đã phát triển
một tinh thần đồng đội mạnh mẽ. Sau những mệt nhọc qua nhiều
chuyến đi, nghe những lời giải thích và hô hào của tôi về cách để cải
thiện đời sống của đại đa số người Singapore, họ bắt đầu thấy gắn
bó chặt chẽ với tôi. Trong những ngày đầu, từ tháng 11/1962 đến
tháng 1/1963, chúng tôi đối mặt với sự lãnh đạm, lạt lẽo, đôi khi thù
địch của đám đông, và khi tôi từ từ thâm nhập được vào quần
chúng, họ thấy rằng đó là thành tích của họ cũng như của tôi. Họ,
bao gồm từ tài xế người Malay lái chiếc Land Rover của tôi, kẻ phải
ngồi suốt và lắng nghe những bài diễn văn của tôi bằng thứ ngôn
ngữ mà anh ta không thể hiểu, đã vui hẳn lên mỗi khi tôi nói bằng
tiếng Malay, đến các nhân viên thuộc ngành thú y, ngành công chính
trông coi đường sá, cầu cống, ngành dịch vụ công cộng cung cấp
điện nước, và ngành truyền thanh truyền hình Singapore.
Tất cả bọn họ hoan hô tôi, trong đó có một người phụ trách âm
thanh chương trình truyền hình người Hoa, Judy Bloodworth. Hiểu
biết của cô được ông chồng Dennis Bloodworth thuật lại, rồi phóng
viên tờ London Observer ở Singapore ghi lại, bằng lời lẽ sau đây trích
từ một trong những cuốn sách của ông ta:
“Đôi khi chúng ta sẽ đi vào vực thẳm, rồi bất chợt ánh sáng vụt
bừng lên, dân chúng sẽ hoan hô và la ó, và giữa tất cả những tiếng
động đó, ông ta sẽ phấn chấn lên, hòa vào giữa họ, cười ầm với
những người múa lân quanh ông ta, không quan tâm đến tiếng
pháo, không hề lộ vẻ sợ hãi – ông ta đã từng bị phỏng trên mặt một
lần, nhưng không quan tâm. Chúng tôi thực sự có cảm giác giống
như một đội ngũ, giống như một đơn vị quân đội; chúng ta cảm thấy
tự hào về ông ta. Bạn không thể ngăn được điều đó.”
Quan trọng nhất đối với những thành công của tôi là nhân viên
thâm niên phụ trách chương trình phát thanh bằng tiếng Hokkien,
Sia Cheng Tit. Ông ta trở thành người thầy tự nguyện của tôi, chú ý
đến những sai sót chủ yếu khi tôi phạm phải trong các bài diễn văn,
và ngày hôm sau ông ta ngồi cạnh tôi và chỉ ra những sai sót và chỉ
ra cách nói đúng như những người khác đã làm trước ông ta, đôi khi
ông ta thêm vào những thành ngữ súc tích. Nhưng đó không phải là
cách duy nhất mà ông ta cải thiện cách phát biểu của tôi. Tôi thường
bị khàn giọng do căng thẳng về thể xác khi phải nói quá nhiều, và
một đêm ở Tiong Bahru khi tôi bị rát cổ họng, ông ta đã đưa cho tôi
một gói đựng những lát sâm cắt nhỏ mà ông ta mua ở hiệu thuốc
của người Hoa gần đó. Tôi ngưng ngậm những viên thuốc ho, và
theo lời khuyên của ông ta, tôi đặt một lát sâm vào phía trong má
và giữ nó ở đó. Nó có tác dụng thần kỳ. Có một chất gì trong đó kích
thích tuyến nước bọt và cổ họng tôi dịu lại ngay. Sau này, trong
những chuyến đi như thế tôi không bao giờ quên mang một gói sâm
theo mình.
Tác động của những bài diễn văn của tôi cũng được nâng cao rất
nhiều nhờ chương trình truyền hình. Khi tôi ở London hồi tháng
9/1962, Alex Josey, thư ký báo chí của tôi, dàn xếp cho Hugh
Burnett của đài BBC, tiến hành một cuộc phỏng vấn thử với tôi rồi
sau đó xem lại trên màn hình. Tôi được xem trước một chương trình
có tôi xuất hiện và giật mình vì trông tôi đầy vẻ hung tợn. Burnett
cam đoan rằng tôi bình thường. Tất cả những gì tôi cần là một vài lời
khuyên: luôn nhìn thẳng vào ống kính, đừng lấy tay che mũi hay
miệng trong khi nói, luôn chồm người tới trước trên ghế – ngả người
ra sau sẽ khiến bạn có vẻ nhếch nhác. Lời khuyên chủ yếu của ông
ta: “Hãy tự nhiên, hãy thẳng thắn, hãy là chính mình”. Tôi thấy an
tâm. Truyền hình được du nhập vào Singapore tháng 2/1963 và đã
tỏ ra là thứ vũ khí mạnh mẽ. Kỹ xảo của những tay xách động quần
chúng là thứ kỹ xảo dùng trước đám đông, nơi diễn giả phải gào thét
nhăn nhó và cường điệu những điệu bộ để những kẻ ở xa trong đám
đông nhìn thấy. Thu hình bằng ống viễn kính, diễn giả trông xấu xí
và đầy vẻ đe dọa. Họ không có Hugh Brunett để chỉ bảo họ và họ đã
tự gây thiệt hại cho mình rất nhiều.
Trong khi tôi bận rộn tập hợp sự ủng hộ của quần chúng, thì có
những diễn biến rắc rối trong khu vực. Ngày 20/1/1963, Bộ trưởng
Ngoại giao Indonesia, Subandrio, tuyên bố rằng cuộc chiến "Đối
đầu” chống lại liên bang Malaysia là cần thiết vì Malaya sẽ tự biến nó
thành một công cụ của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Vài ngày sau, Tổng thống Macapagal của Philippine cũng tố cáo liên
bang Malaysia là một quyền lực thực dân mới, và mười ngày sau đó,
Subandrio nói với các phóng viên nước ngoài rằng nếu như thái độ
thù địch của Malaya đối với Indonesia lan tới các vùng lãnh thổ
Borneo, thì có thể có rắc rối, trong đó có cả xung đột lực lượng.
Ngày hôm sau, Tổng thống John Kennedy công khai bộc lộ sự ủng
hộ hết lòng của ông ta trong việc thành lập liên bang Malaysia như
“niềm hy vọng tốt nhất cho an ninh trong khu vực ”, nhưng Sukarno
chỉ tăng cường lời lẽ công kích của ông ta. Ngày 1/5, ông ta chuyển
toàn bộ sự chú ý sang các vùng lãnh thổ Borneo, khẳng định rằng
chúng phải được trao trả độc lập trước tiên và lại quy tội cho việc
thành lập liên bang Malaysia như một hình thức của chủ nghĩa thực
dân kiểu mới.
Tunku phản ứng lại các cuộc tấn công này bằng cách triệu hồi các
đại sứ khỏi Jakarta, sau đó Malaya tuyên bố tăng cường ngay lập tức
lực lượng bộ binh, không quân và hải quân. Ngày 3/5 viên Tổng tư
lệnh Viễn đông người Anh bồi thêm vào sự vụ này bằng cách nói
rằng ông ta có đủ người, tàu bè và máy bay để đương đầu với bất
cứ tình trạng khẩn cấp nào ở Borneo. Tình hình trở nên ngày càng
xấu đi.
Ngày 31/5, Thủ tướng Nhật mời Tunku và Tổng thống Sukarno họp
ở Tokyo. Hội nghị thượng đỉnh này kết thúc bằng việc tái xác nhận
lòng trung thành với Hiệp ước Hữu nghị giữa hai nước được ký kết
năm 1959, cam kết sẽ giải quyết những bất đồng trong tinh thần
thiện chí và hữu nghị. Tunku thấy an lòng. Nhưng Sukarno hẳn phải
thấy rằng Tunku sợ ông ta. Riêng tôi nhận thấy nỗi lo sợ trong điệu
bộ và giọng nói của Tunku khi ông ta kể lại cuộc gặp gỡ này với
Razak, Ismail, Keng Swee và tôi ngay sau khi ông ta từ Tokyo trở
về.
Cuộc họp thượng đỉnh ở Tokyo dẫn đến cuộc họp các Bộ trưởng
Ngoại giao ở Manila, tại đó Razak thừa nhận rằng các ước muốn của
dân chúng về liên bang Malaysia tương lai cần phải được thảo luận
lại. Nhưng sau khi Tunku ký Thỏa ước Malaysia hồi tháng 7, Sukarno
phản đối nó kịch liệt và kết cho ông ta tội phản bội lại Hòa ước
Manila này. Macapagal cố gắng để hai bên cùng ngồi vào một cuộc
họp khác ở Manila, và kết quả là ngày 6/8 Tunku đồng ý thay đổi
ngày thành lập liên bang Malaysia để có thời gian cho một phái bộ
quan sát do Liên Hiệp Quốc chỉ đạo đi xác định lại xem liệu dân
chúng Borneo có muốn hợp nhất không.
Người Anh nhận thấy họ đành phải đồng ý rằng Indonesia,
Philippine và Anh phải chọn những quan sát viên để giám sát công
việc của phái bộ này, nhưng Sandys lại giận dữ. Ông ta ép Tunku
chọn một ngày nhất định cho việc thành lập liên bang Malaysia, kiên
quyết ngăn chặn mọi sự trì hoãn. Hàng trăm thanh niên Malay từ
Brunei và những người Hoa thân cộng từ Sarawak đã vượt biên giới
để dự những khóa huấn luyện quân sự trên đất Indonesia, và ông
ta không muốn “những quan sát viên” Indonesia lang thang trên
khắp các lãnh thổ Borneo khi Jakarta tiến hành một chính sách
đương đầu và lật đổ.
Cuộc họp giữa họ rất căng thắng. Sandys báo cáo lại ngày 27/8:
“Ông ta (Tunku) đang trong một tâm trạng rất bực bội, và kết
thúc: ‘Tôi đã đi tới tận cùng của giới hạn và tôi không muốn bàn cãi
bất kỳ cái gì xa hơn với bất kỳ ai nữa’… Ông ta nhận ra rằng liên
bang Malaysia là một con cá rất nhỏ so với Indonesia và ông ta lo
lắng về viễn tượng sống sát cạnh một láng giềng hùng mạnh và hay
gây hấn, kẻ có mưu đồ đối với lãnh thổ của ông ta.”
Nhưng Sandys là một kẻ kiên trì và ông ta đã làm cho Tunku đồng
ý tuyên bố rằng dù có chuyện gì xảy ra ông ta cũng sẽ khánh thành
liên bang Malaysia vào ngày 16/9 (2 lần 8 là 16, một con số may
mắn khác của ông ta).
Tunku không hề yên tâm trước người láng giềng Indonesia của ông
ta. Sukarno là một nhà hùng biện, còn Tunku thì không. Sukarno là
một con người có cá tính thống trị, còn Tunku lặng lẽ và có sức hấp
dẫn. Sukarno đại diện cho 100 triệu người Indonesia, còn Tunku chỉ
có 4 triệu người Malay và chưa tới 4 triệu người Hoa, Ấn Độ và các
dân tộc khác. Nói chung là người Malay thừa nhận nền văn hóa Java
là cao hơn. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy Tunku sợ hãi đến thế.
Sukarno hẳn đã cảm nhận được điều này và đang khai thác nỗi sợ
của ông ta đến mức tối đa. Đó không phải là sự báo trước điềm lành.
Sandys không tin tưởng rằng Tunku sẽ dũng cảm đương đầu với
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia. Nhưng ông nhẹ nhõm khi biết người
đi gặp Subandrio ở Singapore là Razak chứ không phải Tunku, và
không phải để thảo luận về việc thành lập liên bang Malaysia, mà
chỉ đơn thuần là báo cho ông ta biết ngày giờ mới được định lại cho
việc tuyên bố thành lập liên bang.
32
SINGAPORE TUYÊN BỐ ĐỘC LẬP
Khi ngày hợp nhất đến gần, Phòng thương mại Hoa kiều ép tôi
buộc người Nhật phải giải quyết món “nợ máu” của họ. Các lãnh đạo
của phòng muốn vụ này được giải quyết trước khi những vấn đề đối
ngoại được trao về tay của một chính quyền trung ương bao gồm
chủ yếu là người Malay, một chính quyền không cảm nhận được hết
sự tàn bạo hầu như chỉ dành cho người Hoa. Chính quyền Tokyo
cũng ý thức được chuyện này và cố tình trì hoãn.
Phòng thương mại cũng muốn có đất đai để cải táng các hài cốt và
dựng một tượng đài cho các nạn nhân. Tôi cấp một miếng đất rộng
4,5 ha đối diện trường Raffles để xây đài tưởng niệm, nhưng cũng
yêu cầu người Anh kiên quyết trong vấn đề món nợ máu với người
Nhật, vì họ đang phụ trách những vấn đề đối ngoại. Khi tôi ở Tokyo
tháng 4/1962, Thủ tướng Hayato Ikeda đã đồng ý thực hiện không
nhiều hơn việc “xem xét một cách nghiêm túc những bước thích hợp
để bồi thường và an ủi những linh hồn của người chết”. Không có
những giải pháp cụ thể.
Tôi không muốn làm lớn chuyện này, nhưng vấn đề sẽ không bị bỏ
qua. Phòng thương mại quyết định làm căng, và vì tôi đang vạch kế
hoạch cho cuộc bầu cử tới ngay trước ngày thành lập liên bang
Malaysia, tôi phải thúc ép những đòi hỏi của Phòng này, bất chấp
hậu quả trong mối quan hệ đầu tư của người Nhật. Ngày 5/8, Phòng
thương mại yêu cầu bồi thường 50 triệu, dành hết cho những dự án
giáo dục và y tế. Người Nhật đáp lại với một đề nghị về một trung
tâm xạ trị để chữa bệnh ung thư, thiết bị thí nghiệm cho những cơ
sở giáo dục, và các học bổng cho sinh viên Singapore ở Nhật, trị giá
5–10 triệu đồng.
Với tư cách là chủ tịch của Phòng thương mại Hoa kiều, Ko Teck
Kin đề nghị tổ chức một cuộc mít–tinh lớn ở Padang trước Tòa thị
chính vào Chủ nhật, 25/8, “để thông báo về sự thiếu thiện chí của
người Nhật trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường của Singapore”.
Ông ta biết rằng chính phủ PAP sẽ không hài lòng khi nó chỉ là vấn
đề của người Hoa, nên ông ta thuyết phục các phòng thương mại
Malay, các cộng đồng của người Ấn, Âu gốc Á và người Sri Lanka
tham gia cuộc mít–tinh này. Tôi đồng ý phát biểu. Vài ngày trước
bữa đó, Chin Chye bàn với Ko những quyết định có thể được chọn.
Một trong những quyết định đó là nếu như không có cách giải quyết
ổn thỏa, dân chúng sẽ tiến hành một chiến dịch bất hợp tác nhằm
chống lại người Nhật, và chính phủ Singapore không được cấp giấy
nhập cảnh mới nào cho các kiều dân Nhật.
Barisan và cộng sản xem đây như một cơ hội nữa để chứng tỏ sức
mạnh của họ và làm tôi mất thế trước “quần chúng”. Khu Padang đủ
chỗ cho khoảng 100.000 người mà Phòng thương mại dự trù, và
thật khó lòng ngăn cản việc các nhóm thân cộng len lỏi vào đám
đông để hoạt động. Sau khi họp các sỹ quan Sở đặc vụ và cảnh sát,
tôi quyết định chấp nhận rủi ro. Họ sẽ bảo đảm rằng nếu như cộng
sản gây chuyện rối loạn hay bạo động, thì sẽ bị đàn áp nhanh
chóng. Chúng tôi sẽ triển khai 6.000 binh lính và cảnh sát – từ hai
trung đoàn Singapore – gần Padang và không lộ diện, nhưng vẫn
cho người của Barisan nhìn thấy. Chúng tôi cũng quyết định bố trí
những đèn chiếu cực mạnh sẵn sàng hướng thẳng vào khu vực đám
đông đang gây rối, đặc biệt là những người ở hàng đầu đám đông có
khả năng phá hỏng cuộc mít-tinh một cách hữu hiệu nhất. Khi
những ngọn đèn chiếu này tập trung vào họ, những tay chụp ảnh
và quay phim truyền hình có thể ghi được những cận ảnh để sau
này cảnh sát có thể nhận diện những nhân vật đầu não.
Tối đó những chiếc đèn chiếu được bố trí sẵn trên mái Tòa thị
chính và những điểm thuận lợi gần đó. Thoạt đầu đám đông trên
100.000 người rất có trật tự, nhiều người chăm chú nhìn vào các
bích chương vẽ những cảnh tra tấn khác nhau của người Nhật treo
giữa các cây cọ và những hàng cột của tòa nhà. Những thành viên
cộng sản và Barisan đứng sẵn ở phía trước và dọc hông khán đài để
nếu có bất kỳ cuộc rối loạn nào thì nó sẽ được khuếch đại qua loa
phóng thanh. Khi tôi cầm lấy mic-ro thì nổi lên một loạt tiếng la ó
huýt sáo, và khi tôi bắt đầu nói thì bắt đầu nghe những tiếng hô
khẩu hiệu để át lời tôi. Tôi vẫn kiên nhẫn và yêu cầu được nói mà
không bị ngắt lời. Nhưng sự náo động vẫn tiếp tục và sau vài phút
chịu đựng để cho mọi người thấy cách cư xử quá đáng của những
người phá rối, tôi ra hiệu cho một cảnh sát thường phục.
Bất ngờ các đèn chiếu vụt sáng lên tập trung vào những khu vực
ồn ào nhất của đám đông, và những tay chụp ảnh quay phim xông
tới ghi hình. Hiệu quả xảy ra tức thời và thuận lợi. Lần này họ đã
không dùng khăn tay bịt mặt. Họ biết rằng rồi đây cảnh sát sẽ
nghiên cứu những tấm ảnh phóng to và nhận dạng ra họ, và sẽ có
trừng phạt nếu họ cứ ngoan cố. Những lời khiêu khích và la ó chấm
dứt. Cơ hội này hóa thành một cách chứng tỏ tài đối phó và quyết
tâm của tôi nhằm đương đầu với những đe dọa của họ khi họ quyết
định làm thô bạo, và nâng cao địa vị của tôi như một lãnh tụ sẵn
sàng đi đến cùng trong bất kỳ cuộc chiến nào. Hàng nghìn người ở
Padang và những người xem truyền hình sau đó có thể thấy rõ là tôi
không hề bối rối, rằng tôi không hề có những vệ sĩ vây quanh, và
rằng tôi sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy. Tôi nhẹ nhàng nêu rõ
quan điểm của tôi bằng tiếng Hokkien – sự thông thạo tiếng địa
phương của tôi đã trở thành vũ khí bảo vệ tôi thoát khỏi những lời
buộc tội của Barisan rằng tôi phản bội nhân dân. Dân chúng cảm
thấy được sức mạnh thuyết phục của tôi.
Sau cuộc mít–tinh thành công này, tôi thảo luận với các đồng sự
về nguy cơ có thêm trì hoãn trong việc thành lập liên bang Malaysia.
Chúng tôi không muốn Barisan lấy lại tinh thần trước viễn cảnh việc
hợp nhất bị trì hoãn. Họ có thể quyết định hành động ngay lập tức
với hy vọng rằng Sukarno sẽ can thiệp và khiến Tunku không dám
tiếp tục công việc. Vì thế chúng tôi quyết định rằng ngày 31/8
chúng tôi sẽ tổ chức mít–tinh ủng hộ việc hợp nhất như đã hoạch
định từ đầu, và tuyên bố sự độc lập tức thì của chúng tôi.
Một ngày trước đó tôi viết cho Duncan Sandys để chỉ ra rằng, trái
với những gì Kuala Lumpur tuyên bố, thực tế là Singapore không
đồng ý trì hoãn việc hợp nhất đến ngày 16/9. Tôi nhắc ông ta nhớ
lại rằng khi Hội đồng lập pháp chấp nhận Thỏa ước Malaysia hồi đầu
tháng, nó bao gồm những điểm đã được Tunku thừa nhận ở London,
một số điểm nằm trong những thư từ trao đổi giữa tôi và Razak, một
số điểm khác được viết phía sau một bì thư, mà chính Tunku đã ký
vào. Những điều khoản này vẫn chưa được thông qua và thi hành,
và tôi sẽ chấp nhận một ngày khác cho việc thành lập liên bang
Malaysia chỉ sau khi chúng được thực thi. Trong khi chờ đợi, tôi dự
định tuyên bố Singapore độc lập trong liên bang Malaysia vào ngày
31/8. Tôi yêu cầu ông ta giao quyền hạn về những vấn đề quan hệ
đối ngoại cho chúng tôi, để trước ngày đó chính phủ chúng tôi có thể
giải quyết với người Nhật về việc chuộc lại những tội ác mà họ đã
gây ra trong suốt thời gian chiếm đóng.
Tôi thêm rằng thái độ thản nhiên của người Malay trong việc gạt
bỏ các hiệp định thành văn nghiêm túc, vì cớ này hay cớ khác, là
điều gây rối nhất. Các hiệp định này không thể bị từ bỏ một cách
đơn phương được. Nếu tôi không nhận được từ phía ông ta một sự
đảm bảo rõ ràng rằng Singapore sẽ không bị buộc gia nhập vào liên
bang Malaysia trừ khi các vấn đề còn tồn đọng được giải quyết vào
ngày thứ Hai, 2/9, tôi dự định sẽ từ chức và tìm một sự ủy thác mới
từ phía nhân dân. Sau này, những chuyện đó sẽ trở thành những
vấn đề chủ yếu trong một cuộc bầu cử và sẽ khó lòng che giấu được
sự kiện là Singapore đã không đồng ý gia nhập liên bang Malaysia
vào ngày 16/9.
Sandys không trả lời.
Ngày 31/8/1963 tại một cuộc mít–tinh theo nghi thức bên ngoài
Tòa thị chính, tôi đơn phương tuyên bố nền độc lập của Singapore.
Người Anh cố ngăn cản tôi. Sandys, người được dự trù là sẽ xuất
hiện nếu việc hợp nhất xảy ra đúng thời hạn, thì lại không có mặt.
Ông ta đang trên chiếc Mutiara, một chiếc tàu hải quân Malaya, dạo
chơi quanh bờ biển Malaya, chờ đến ngày 16/9. Razak cũng vắng
mặt. Nhưng Sarawak đã tuyên bố độc lập trên thực tế và Bắc
Borneo đã tuyên bố thành lập bang Sabah. Tôi nói với đám đông tụ
tập hôm đó rằng cũng như những vùng lãnh thổ này đã nắm được
quyền tự trị trước khi hợp nhất, trao các quyền lực trong giai đoạn
lâm thời cho những viên thủ hiến riêng của từng vùng, vì thế ở
Singapore tất cả các quyền lực của liên bang về những vấn đề đối
ngoại và quốc phòng cho đến ngày 16/9 sẽ được giao vào tay vị
quốc trưởng của chúng tôi, người sẽ hành xử chúng vì quyền lợi của
chính phủ trung ương. Tunku và những cộng sự của ông ta cho rằng
tôi đã xúi giục các bang Bắc Borneo chống đối, bất chấp những ý
muốn cụ thể của ông ta, vì một tuần trước đó, tôi đã gặp các lãnh tụ
của Liên minh Sarawak và Sabah ở Jesselton. Quả thực là tôi đã cố
thuyết phục họ làm một cái gì đó gây ấn tượng mạnh vào ngày 31/8
để ngăn cản bất cứ sự trì hoãn thành lập liên bang nào nữa.
Selkirk đến dùng bữa tối đó theo kế hoạch nhưng không bày tỏ sự
phản đối. Tôi không hề vui mừng về chuyện này, nhưng tôi sẽ
không để cho động lực trong việc thành lập liên bang Malaysia phai
nhạt, đặc biệt là vì tôi đã loan báo cuộc tổng tuyển cử ba ngày sau
đó, với ngày công bố danh sách ứng viên là 12/9. Bằng việc tuyên
bố Singapore độc lập và nắm quyền thay chính phủ liên bang, tôi đã
gây sức ép với Tunku để buộc ông giữ đúng ngày 16/9. Tunku không
hài lòng chuyện này, và ngày 2/9, chính quyền Malaysia phản đối
kịch liệt, không phải với Singapore mà với người Anh. Ngày hôm sau
tôi trả đũa: “Nếu có ai cần phải đưa ra lời giải thích thì đó là người
Anh và Singapore. Xét cho cùng thì chúng tôi điều hành lãnh thổ
của chúng tôi.” Tôi thêm rằng một trong những điều đáng tiếc về
phía Malaya là quan điểm ngây thơ của họ khi tin rằng quyền lực đã
được hoàng gia Anh trong bộ lễ phục trao trả trên một chiếc đĩa bạc
có thắt nơ đỏ tử tế. Đây là một cách nói bất phục tùng mà Tunku
không hài lòng, nhưng rất cần thiết cho tôi, với tư cách một lãnh tụ
Singapore, không thể để mình bị xem như một kẻ chỉ biết làm
những gì vui lòng Tunku. Ông ta trả lời bằng cách nói là tôi đã xúc
phạm tình cảm của người Malaya.
Tôi nói với Selkirk ngày 4/9 rằng nếu những điểm trong thỏa ước
giữa tôi và Tunku không được thực thi trước ngày công bố danh sách
ứng cử, tôi sẽ chiến đấu trong cuộc bầu cử trên lập trường đòi độc
lập và ngay lập tức yêu cầu một số quốc gia công nhận nó kể từ
ngày 16/9. Vì bất cứ sự né tránh nào thêm nữa chỉ có thể có nghĩa
là các lãnh tụ Malay có ý định tiêu diệt Singapore, và tôi sẽ cảm
thấy xấu hổ không dám nhận trách nhiệm cho việc gia nhập liên
bang Malaysia trong những điều kiện như thế. Selkirk báo cáo với
Sandys rằng tôi đã bộc lộ tính kiêu ngạo của kẻ trí thức, ngày hôm
sau ông ta viết thêm:
“Tôi cho là hiện ông ta đang tiến hành một hành động tối hậu của
chính sách bên miệng hố chiến tranh. Ông ta tin vị trí của mình là
bất khả xâm phạm. Ông ta tin rằng hoặc ông ta gia nhập liên bang
Malaysia theo những điều kiện của riêng ông ta, hoặc ông ta tuyên
bố độc lập và có thể đặt ra bất kỳ điều kiện nào ông ta thích với
chúng ta bởi vì ông ta chắc ý rằng chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ
vị trí quân sự của chúng ta ở Singapore. Ông ta tin, và có lẽ ông ta
đúng, rằng ông ta có thể thắng cử dựa trên khẩu hiệu đòi độc lập
được kèm theo những nhận xét cay đắng về người Malay và người
Anh, vốn là những kẻ mà ông ta sẽ mô tả là đang tìm cách phá hoại
vị trí ưu thế mà người Hoa ở Singapore phải gian khổ lắm mới đạt
được… Tôi tin rằng về cơ bản, ông ta vẫn muốn gia nhập liên bang
Malaysia. Vì thế chúng ta cần phải ép phía Malaya thỏa đáp đầy đủ
cho ông ta về những vấn đề tương đối nhỏ vẫn còn tồn đọng.”
Lúc đó tôi tuyên bố công khai rằng tôi đã dành cho Sandys hạn
chót đến ngày 12/9 “để giải quyết một số vấn đề liên quan đến Thỏa
ước Malaysia”. Tôi đang chơi lá bài cuối cùng của mình để khiến
những điều mà Tunku đã cam kết với tôi ở London được ghi vào hiến
pháp hoặc một văn kiện đích thực. Người Anh e ngại sự đe dọa của
tôi, nhưng sau khi gặp Razak và Ismail ở Kuala Lumpur, Geofroy
Tory báo cáo lại vào ngày 5/9 là “không một ai bộc lộ bất kỳ lo ngại
nào về việc thực hiện đến cùng vụ thành lập liên bang Malaysia cho
dù Lee có làm gì đi chăng nữa”. Hơn ai hết, Sandys đã giận điên lên
khi thấy mọi thứ có thể hỏng bét vào phút cuối, và ngày đó ông ta
báo cáo cho Harold Macmillan, Thủ tướng của ông ta, với lời lẽ giận
dữ:
“Ông ta nhận ra rằng tuyên bố của ông ta không có giá trị pháp lý,
và chính phủ Anh sẽ không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của ông ta
nhằm thực hiện quyền lực mà ông ta cho rằng mình đã nắm được.
Mặt khác, hành động công khai thách thức Anh và Malaya này rõ
ràng góp phần củng cố thêm uy tín cá nhân mà ông ta muốn tạo ra.
Ông ta không phải là con người chịu thua. Một khi ông ta đã gắn
bó mình với một đường lối cụ thể và đã chấp nhận một rủi ro đã
được tính trước một cách cẩn thận, ông ta có thể thực hiện nó đến
cùng, dù thành hay bại. Vì thế nếu chúng ta hạ nhục ông ta công
khai, tôi tin chắc ông ta sẽ trả đũa bằng những hành động thách
thức mạnh hơn nữa theo kiểu này hay kiểu khác, và chúng ta có thể
mau chóng rơi vào thế phải đình chỉ hiến pháp.
Nếu như việc chuyển giao chủ quyền của Singapore sang cho liên
bang Malaysia xảy ra vào lúc hiến pháp bị đình chỉ, chúng ta sẽ bị cả
thế giới lên án là đã chuyển giao nhân dân Singapore trái với
nguyện vọng của họ. Vì vậy, theo ý tôi, cho dù có thể bị coi là nhu
nhược, thì làm mọi chuyện trong khả năng để tránh khỏi tình trạng
ấy vẫn phù hợp với quyền lợi của chúng ta hơn cả.
Trong mấy tuần gần đây Lee đe dọa rằng nếu như chính phủ
Malaya không cho ông ta những gì ông ta đòi hỏi, ông ta sẽ tổ chức
các cuộc bầu cử để giành lấy sự tín nhiệm từ phía dân chúng. Hiện
ông ta đã làm vậy rồi. Nghị viện Singapore đã bị giải tán. Ngày công
bố danh sách ứng cử đã được định là ngày 12/9. Ngày bỏ phiếu có
thể là 10 ngày sau đó (sau ngày thành lập liên bang Malaysia).
Cho đến bây giờ Lee vẫn chưa công bố những vấn đề ông ta sẽ
đấu tranh trong cuộc bầu cử. Nhưng ông ta đang đe dọa rằng trừ phi
chính phủ Malaya thỏa đáp cho ông ta về những điểm liên quan tới
Thỏa ước Malaysia, ông ta sẽ tuyên bố độc lập vào ngày 12/9 và sẽ
yêu cầu các cử tri Singapore tán thành điều này bằng lá phiếu của
họ.
Tun Razak quả quyết với tôi rằng chính phủ Malaya đã hứa không
thể hủy bỏ việc thành lập liên bang Malaysia, và rằng họ sẽ thực
hiện điều này đến cùng dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Tôi tin rằng
ông ta phát biểu ý kiến giùm hầu hết các Bộ trưởng, nhưng tôi cũng
không hoàn toàn tin tưởng như thế về quan điểm của chính Tunku.
Như tôi đã báo với ông trong một bức điện trước đó là ông ta đang
đau khổ dữ dội vì không thể quyết đoán được và dù tôi không chắc
chắn, nhưng vẫn có thể là vào phút cuối ông ta sẽ từ chối tiếp nhận
Singapore… Điều này rõ ràng sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với
tình thế khó xử nhất mà lúc này tôi sẽ không bàn tới.
Với những viễn tượng khó chịu này, điều quan trọng nhất là phải
tránh xa, nếu có thể được, việc đụng đầu trực tiếp với Lee từ nay
đến ngày 16/9. Vì thế tôi đã hết lòng thuyết phục chính phủ Malaya
nhượng bộ đến hết sức có thể trước những đòi hỏi của Lee liên quan
tới hiến pháp của liên bang Malaysia. Phần lớn những đòi hỏi đó đều
có lý và dựa trên những cam đoan được ghi nhận khái lược của
Tunku với Lee ở London, cho dù phải thừa nhận là Lee đang cố giải
thích những lời cam đoan này theo một kiểu có lợi quá đáng cho ông
ta.
Nhưng ngay cả nếu như ông ta đạt được mọi điểm ông ta muốn,
tôi không nghĩ rằng ông ta sẽ tiếp tục đưa ra một loạt những đòi hỏi
mới. Vì thế tôi cho rằng khôn ngoan nhất là chúng ta giả định sẽ gặp
rắc rối và chuẩn bị sẵn sàng cho những điều tệ hại nhất.
Những nhượng bộ mà tôi hy vọng thuyết phục được ở chính phủ
Malaya có thể khiến Lee êm thấm gia nhập vào liên bang. Nhưng trừ
phi tôi hiểu sai về tính khí của ông ta, ông ta sẽ lừa gạt, khủng bố,
hăm dọa đúng lúc. Trong những tình huống này, theo tôi, tôi cần
phải tỉnh táo. Tôi hy vọng điều này sẽ cho phép tôi:
1. Ngăn cản chính phủ Malaya đừng có một thái độ khiêu khích hay
quá khích đối với Lee;
2. Cố giúp cả hai bên đi đến một thỏa thuận; và
3. Củng cố quyết tâm thành lập liên bang Malaysia của Tunku nếu
như ông ta có biểu hiện dao động. Thật đáng chê trách nếu chỉ
trong vài ngày tôi không làm được mọi việc trong quyền hạn của
mình để cứu kế hoạch lập liên bang đừng bị sụp đổ, và tránh
được mọi hệ quả mà nó sẽ dẫn tới.
Do đó nếu như ngài tán thành, tôi dự định ở lại đây cho đến khi
chúng ta thu xếp được vấn đề Singapore một cách an toàn vào ngày
16/9. Trong trường hợp đó tôi có thể lưu lại thêm hai ngày nữa để
ăn mừng việc thành lập liên bang. Như vậy sẽ không cần thiết phải
tìm một đồng sự khác trong nội các để đảm nhận việc này nữa.”
Nhưng tôi không có ý định làm hỏng việc thành lập liên bang.
Từng thương thảo trong nhiều hội nghị về hiến pháp, tôi đã quá hiểu
vấn đề vị trí pháp lý: một khi đã gia nhập liên bang, thì không chỉ
quân đội và cảnh sát nằm dưới quyền điều khiển của Kuala Lumpur,
mà Kuala Lumpur còn có thể tuyên bố một tình trạng khẩn cấp và
cai trị bằng sắc lệnh. Vì vậy tôi muốn càng có nhiều quy định bảo vệ
được ghi vào hiến pháp hoặc được giải thích rõ ràng trong các văn
kiện chính thức càng tốt để đề phòng trường hợp chính quyền liên
bang quyết định làm một cái gì đó ngu ngốc.
Người Anh đứng về phía tôi, và sức ép mà tôi tạo được thông qua
họ đã có hiệu quả. Ngày 7/9 Bộ trưởng Tư pháp Malaya và Razak đã
tán đồng tất cả những điều khoản đang bàn bạc ngoại trừ việc trao
cho Singapore quyền bắt giữ những người thuộc hội kín. Họ không
muốn ghi điều này vào hiến pháp và tôi phải hài lòng với một thư ủy
quyền sơ sài. Ngày 11/9, tôi tuyên bố là những bất đồng giữa chúng
tôi đã được giải quyết. Có thể nói rằng bằng việc sử dụng chính
quyền thuộc địa để ép các lãnh đạo Malaya, tôi đang gây ra mối ác
cảm và gieo mầm rắc rối cho tương lai. Nhưng việc tuyên bố độc lập
đơn phương của tôi là cần thiết để cảnh cáo người Anh rằng tôi có
thể gây nhiều khó khăn cho họ và Tunku nếu như ông ta không
thực hiện những gì đã hứa. Những phương pháp của tôi đã thành
công, nhưng cũng phải trả một cái giá. Tunku và Razak đã khắc sâu
trong ý niệm của họ rằng tôi là một kẻ khó điều khiển, và từ đó trở
đi họ sẽ luôn thận trọng khi đối phó với tôi.
Vào đúng buổi sáng ngày công bố danh sách ứng viên, tôi hoàn tất
chuyến đi diễn thuyết tranh cử cuối cùng ở khu vực Mountbatten
sau khi viếng thăm ba khu vực bầu cử suốt đêm trước. Tôi về nhà
lúc 7 giờ sáng thì nghe tiếng đốt pháo của láng giềng ở đường Oxley.
Họ biết cuộc chiến đấu sắp tới là rất căng thẳng và đang cổ vũ tôi.
Sáu giờ sau khi kết thúc việc công bố các danh sách ứng viên, chính
phủ tuyên bố ngày bỏ phiếu sẽ là 21/9, nói cách khác là năm ngày
sau khi chúng tôi gia nhập liên bang. Nếu như việc thành lập liên
bang Malaysia không tiến hành, và sau đó Barisan thắng trong cuộc
bầu cử, thì chúng tôi, Singapore, người Anh và người Malay tất cả sẽ
gặp rắc rối. Chắc chắn điều này sẽ khiến Tunku không còn cách nào
khác ngoại trừ hoàn tất việc thành lập liên bang vào ngày 16 như
đã định, tôi lập luận như vậy. Tôi cũng muốn phần lớn cuộc vận
động tranh cử sẽ xảy ra trong khi chúng tôi vẫn còn kiểm soát được
cảnh sát và bộ máy chính quyền cho các cuộc bầu cử, và những
người thuộc hội kín – trong đó có Chua Hoe Ann, tay ủng hộ chủ
chốt của Lim Yew Hock – vẫn còn bị bắt giữ. Trước đó tôi đã từ chối
yêu cầu phóng thích Chua của Tunku.
Hai hôm trước ngày thành lập liên bang Malaysia 16/9, Tổng thư
ký Liên Hiệp Quốc U Thant tuyên bố rằng theo đánh giá chung của
Liên Hiệp Quốc, đại đa số dân chúng Sarawak và Sabah đều muốn
gia nhập liên bang Malaysia. Ngày kế tiếp Indonesia và Philippine
triệu hồi các đại sứ của họ khỏi Kuala Lumpur và tuyên bố rằng họ
sẽ không công nhận liên bang Malaysia, và vào ngày 16/9 những
đám đông khổng lồ tập hợp ở Jakarta để thể hiện một cách có tổ
chức “cơn thịnh nộ của quần chúng”, sau đó đưa ra một kiến nghị
yêu cầu phản đối về mặt ngoại giao.
Hàng nghìn người biểu tình, gào to “hủy bỏ việc thành lập liên
bang Malaysia”, tấn công tòa đại sứ Anh và Malaya. Họ xông vào
tầng một tòa đại sứ Anh phá hủy đồ đạc, và sau 90 phút ném gạch
đá từ ngoài vào, đã làm vỡ tan mọi cửa sổ. Dù gạch đá rớt quanh
người, tay phụ tá tùy viên quân sự người Anh trong bộ quân phục
thiếu tá SAS32 cứ diễu hành tới lui, thổi cây kèn trước mắt những
người bạo loạn. Cảnh sát cố lôi ông ta nấp sau cây cột, nhưng ông
ta cố vùng ra để tiếp tục chơi. Khi viên đại sứ Anh, Andrew Gilchrist,
xuất hiện và được các đại biểu quần chúng thông báo rằng họ sẽ
chiến đấu cho tự do của nhân dân Bắc Borneo thoát khỏi chủ nghĩa
đế quốc, ông ta hưởng ứng: “U Thant muôn năm!” và nói bằng tiếng
Indonesia chỉ ra rằng Liên Hiệp Quốc đã tán thành việc thành lập
liên bang Malaysia. Những hành động thách thức này của người Anh
đã khiến người Indonesia nổi giận, họ đốt tòa đại sứ, cướp phá nó
hai ngày sau đó và xô xát với các thành viên Bộ Ngoại giao, trong
đó có cả viên đại sứ. Người Indonesia cũng tấn công tòa đại sứ
Malaya, nhưng không có viên đại sứ ở đó. Để đáp lại, những đám
đông giận dữ đã cướp phá tòa đại sứ Indonesia ở Kuala Lumpur.
Ngày 16/9, chúng tôi tổ chức một buổi lễ thứ nhì, lần này có
Sandys đại diện cho người Anh, và Ismail đại diện cho Malaya, đứng
với tôi trên bực thềm Tòa Thị chính khi tôi tuyên bố Singapore là
một phần của liên bang Malaysia và tuyên thệ sự trung thành của
nhân dân bang đối với chính quyền liên bang. Tunku không hề biết
rằng hôm đó là sinh nhật lần thứ 40 của tôi. Nếu biết, hẳn ông ta đã
đổi ngày – sinh nhật của tôi không thể là ngày may mắn cho ông ta.
Sáng hôm sau, tôi bay sang Kuala Lumpur dự buổi lễ chính thức tại
sân vận động Merdeka. Không khí tràn đầy sự đe dọa từ cuộc chiến
“Đối đầu” của Sukarno, và tất cả các Bộ trưởng của Tunku đã cảm
nhận được nỗi sợ hãi của ông ta về những chuyện ông ta sắp phải
làm. Trên đường đến sân vận động, tôi tình cờ gặp Selkirk trong bộ
lễ phục màu trắng xứ nhiệt đới, chuẩn bị cho lần xuất hiện cuối
cùng của ông ta trong cương vị Tổng ủy viên Anh ở Đông Nam Á.
Trông ông ta cũng hơi căng thẳng và lo lắng, nhưng tôi thấy an lòng
về quyết tâm của người Anh mà tôi cảm thấy nó rất mạnh mẽ và
chắc chắn. Tôi tin rằng họ sẽ thực hiện đến cùng việc thành lập liên
bang Malaysia cho dù Sukarno có làm gì đi nữa.
Xong buổi lễ, tôi bay trở về Singapore và tiếp tục chiến dịch tranh
cử trong bốn ngày tới. PAP đưa ra ứng cử viên trong tất cả 51 khu
vực bầu cử, Barisan và UPP là 46, Đảng Liên hiệp Singapore 42,
Đảng Partai Rakyat 3, Đảng Công nhân 3, và những người độc lập là
16. Tất cả các đảng phái được chia thời gian trên đài truyền thanh
và truyền hình tương xứng với số lượng ứng cử viên của họ. Thật
kinh ngạc với tốc độ một thành phố tương đối lặng lẽ bất chợt trở
nên sống động với những người hăm hở chạy vòng quanh, dán bích
chương, treo biểu ngữ và phân phát những truyền đơn. Cuộc vận
động của PAP là tột đỉnh của các chuyến viếng thăm các khu vực
bầu cử của tôi trong mười tháng qua, và Keng Swee thuyết phục ủy
ban bầu cử rằng tôi phải là tiêu điểm. Tôi là mục tiêu của sự phẫn nộ
của MCP, và phản ứng của PAP sẽ mạnh mẽ hơn nếu nó được xây
dựng quanh cá nhân tôi nhằm cho dân chúng thấy rằng phe chống
đối đã thất bại trong việc tiêu diệt tôi. Chúng tôi có duy nhất một
mẫu bích chương vận động, đó là bức hình tôi chụp trong một lần
viếng thăm khu vực bầu cử, trong đó tôi được choàng một vòng hoa
khổng lồ của người Ấn, cánh tay phải tôi đưa lên, mỉm cười và vẫy
chào đám đông.
Barisan dán những bích chương in hình các lãnh tụ bị bắt giữ của
họ, đặc biệt là Lim Chin Siong, để gợi lên lòng trung thành và thu
được lá phiếu đồng tình. Một khi chiến dịch được tiến hành, tất cả
những người ủng hộ của họ túa ra để vận động phiếu, và những tổ
chức bí mật của họ, những nhóm mặt trận liên kết đã xuất hiện để
đổ vào cuộc vận động mọi thứ mà họ có thể huy động được. Họ tổ
chức những cuộc mít–tinh lớn để tuôn ra những lời phỉ báng chống
lại tôi và – thêm một điều mới là – trút ra lòng căm thù chống lại
những kẻ phản động cánh hữu, ấy là Tunku và tầng lớp phong kiến
Malay. Bốn ngày trước cuộc bầu cử, tiến sĩ Lee Siew Choh lặp lại sự
chống đối của ông ta đối với việc thành lập liên bang Malaysia và
đứng về phía Indonesia chống lại Tunku. Điều này khiến sự cảnh
báo trước đó của chúng tôi rằng một lá phiếu cho Barisan chính là
một lá phiếu cho Sukarno càng đáng tin hơn. Tại một cuộc mít–tinh
lớn vào buổi trưa, tôi đưa ra dự đoán rằng những người cộng sản sẽ
rút vào bí mật sau khi chúng tôi thắng cử. Đúng như mong đợi, cuộc
bầu cử là cuộc chiến giữa Barisan và PAP.
Tuy nhiên buổi phát thanh trước ngày bầu cử của tôi lại tập trung
vào việc kêu gọi đừng bỏ phiếu cho Đảng Liên Hiệp Singapore để
giảm thiểu sự phân hóa số phiếu của những người phi cộng sản. Lúc
này MCA biết là họ không thể thắng và mong muốn Barisan thắng
để Kuala Lumpur có thể đình chỉ hiến pháp bang, tiến hành cai trị
trực tiếp và tiếp quản mọi thứ – một giải pháp đơn giản nếu không
nói là ngây thơ đối với một vấn đề thuộc loại phức tạp nhất. Chính
phủ Singapore sẽ nắm một ngân sách bằng một nửa ngân sách
trung ương, và một đài phát thanh và truyền hình có tầm cỡ hơn
của Kuala Lumpur. Nếu tất cả nằm trong tay lực lượng cộng sản với
mối liên kết với đảng Cộng sản Indonesia, chúng hẳn sẽ mang lại tai
họa cho liên bang Malaysia. Những điều khoản bảo vệ hợp hiến mà
chúng tôi đã thỏa thuận sẽ chỉ có tác dụng nếu như PAP nắm quyền.
Sự chọn lựa dành cho nhân dân thì rõ ràng và đơn giản.
Phillip Moore báo cáo cho London:
"… Hiện có rất ít những quan sát viên độc lập có dự đoán một cách
tin tưởng về một đại đa số của PAP trong Hội đồng lập pháp, có
nghĩa là 26 ghế hoặc hơn… Sức mạnh của PAP có lẽ nằm trong chính
phủ vững mạnh hiệu quả cao mà họ đã thực hiện được ở Singapore
trên 18 tháng qua…. Nhược điểm của PAP chủ yếu nằm ở việc thiếu
tổ chức đảng của họ trong các khu vực bầu cử và đặc biệt là trong
các cử tri nói tiếng Hoa, chiếm tới 63%… Nhưng bản thân Lee lại tỏ
ra rất tin tưởng qua điện thoại với tôi hồi chiều nay. Tuy nhiên ông
ta rất giận Tunku vì đã đến Singapore ngày hôm qua (19/9) và can
thiệp vào chiến dịch tranh cử.
Riêng tôi vẫn cho rằng PAP sẽ chiếm được đa số, nhưng hầu hết
những người mà tôi tín nhiệm về nhận định chính trị thì ít lạc quan
và không cho là PAP sẽ chiếm nhiều hơn 20 tới 24 ghế. Đảng
Barisan Sosialis không thể thất bại hoàn toàn… Tuy nhiên, cho dù
Barisan Sosialis có theo đuổi những chính sách tương đối ôn hòa ở
Singapore, thì thật khó để thấy làm thế nào chính quyền trung ương
có thể chịu để họ nắm quyền ở Singapore trong một thời gian dài.”
Việc Tunku xuất hiện trực tiếp để phát biểu tại các cuộc mít–tinh
của Đảng Liên hiệp Singapore là một biến chuyển quan trọng nhất.
Cho dù ước muốn cá nhân của ông ta là gì, thì ban lãnh đạo UMNO
và các thế lực Malay ở địa phương đã nhanh chóng đưa ông ta vào
chính trường Singapore. Razak cũng đã nói chuyện với Selkirk hồi
mấy tháng trước về khả năng của “các cuộc bầu cử làm nảy sinh ra
một chính phủ khác để thay thế Lee”. Tất cả những điều này có
nghĩa là UMNO không có ý định cho phép tiểu bang này được tự
quản như chúng tôi đã thỏa thuận, và có lẽ chẳng mấy chốc nữa
chúng tôi sẽ phải lao vào chính trường Malaya để bảo vệ quyền lợi
của chúng tôi. Tôi hy vọng hoãn cuộc đấu tranh ấy được ít nhất là
một nhiệm kỳ nữa. Hiện giờ điều đó có vẻ như khó có thể đạt được.
Người ta kiểm phiếu vào ngày 21/9, và đó là một đêm đầy hồi hộp
vì trong nhiều khu vực bầu cử kết quả rất ngang ngửa. Chin Chye
thắng tiến sĩ Lee Siew Choh 89 phiếu và Raja hơn đối thủ chưa tới
200 phiếu. Kenny thua S.T. Bani của Barisan 150 phiếu. David
Marshall, bị Barisan bỏ rơi, đã mất chỗ đứng của ông ta ở Anson.
Những hy vọng của Lim Chin Siong, Fong Swee Suan và những
người bị bắt giữ khác nằm trong nhà tù Changi, đang theo dõi mọi
chuyện qua radio, đã nhanh chóng tiêu tan khi rõ ràng rằng PAP
không bị thất bại tơi tả, rằng những đám đông khổng lồ có mặt tại
các cuộc mít–tinh của Barisan đã không phản ánh đúng đắn sự ủng
hộ của quần chúng. Chúng tôi chiếm được 37 ghế, Barisan 13 và
UPP của Ong Eng Guan 1. Như một người trong số họ sau này đã
thừa nhận, Barisan hoàn toàn bị bất ngờ.
Giấc mơ của Tunku về một chính phủ Liên hiệp SPA – UMNO – MCA
– MIC để nắm quyền ở Singapore cũng tiêu tan. Tất cả 42 ứng viên
của họ đều bị thất cử. Tôi đã làm đúng khi không đồng ý một cuộc
thanh trừng hoàn toàn những lãnh tụ mặt trận công khai của những
người cộng sản, nếu không thì Đảng Liên hiệp có thể đã đạt được đủ
số ghế để tiếp tục là một thế lực mạnh. Nhưng cú sốc dữ dội nhất
đối với Tunku là PAP đã đánh bại UMNO trong cả ba khu vực bầu cử
toàn những cử tri Malay mà chính ông ta đã đích thân đến để diễn
thuyết vào ngày hôm trước khi bầu cử. Đối mặt với việc chọn lựa
giữa một Đảng Liên hiệp yếu ớt, một Barisan mạnh mẽ và một PAP
đáng tin cậy, những người Malay ở các đảo phía Nam, Kampong
Kembangan và Geylang Serai đã bỏ phiếu cho PAP. Chúng tôi có
những ứng viên người Malay đầy năng lực, giỏi nhất trong tất cả là
Yaacob bin Mohamed. Kết quả này rồi sẽ đưa đến hậu quả nghiêm
trọng. Phải đến khi kết thúc cuộc bầu cử ở Malaysia vào tháng
4/1964 chúng tôi mới biết được UMNO đã xem chiến thắng bất ngờ
này của PAP như một điềm gở như thế nào và những phản ứng của
họ sẽ tai hại ra sao.
Sau khi tất cả các kết quả được công bố, và đã quá nửa đêm, tôi
tổng kết trên đài truyền thanh và truyền hình về bốn năm rưỡi đầy
xung đột gay gắt và lo âu: “Sáng nay chúng ta đã đạt tới một kết
quả mà đối với người cộng sản, đó sẽ là giây phút của sự thực –
những sức mạnh quần chúng của họ chỉ là huyền thoại.” Những
khẩu hiệu, áp phích của họ dán khắp nơi nhằm làm lóa mắt mọi
người và tạo một ấn tượng về lực lượng và sự bất khả chiến bại của
họ – “chính các cử tri đã làm cho điều đó bị phơi bày”. Ngày hôm
sau, 22/9, Moore báo cáo với London:
“Đây là một chiến thắng vang dội và là thành tựu đầy vinh quang
trong sự nghiệp của Lee tính cho đến nay. Chiến thắng này mang
tính quyết định hơn chiến thắng hồi năm 1959, vì hồi đó ông ta có
được sự ủng hộ của cộng sản, nhưng trong trường hợp này ông ta
công khai chiến đấu chống lại cộng sản và rõ ràng đã đánh bại họ…
Chúng ta luôn nói ở Singapore rằng Lee Kuan Yew là người duy
nhất có thể điều hành thành phố này và rằng chính phủ Malaysia sẽ
phải hoặc hợp tác với ông ta, hoặc bỏ tù ông ta. Cách đối phó thứ
hai hiện nay là không thể được và chúng ta nên hy vọng rằng sự tiết
chế cần thiết sẽ được thể hiện ở cả hai phía để đạt được một sự hợp
tác có hiệu quả. Sáng nay Lee có nói chuyện với tôi trên điện thoại
và tôi nhân cơ hội này đã nhấn mạnh với ông ta về tầm quan trọng
của việc không tỏ ra quá hào hứng trước thất bại của Đảng Liên hiệp
và tập trung vào việc cải thiện tình hữu nghị với Kuala Lumpur. Ông
ta đã gây ra quá nhiều lỗi lầm trong vấn đề này trước đây và ông ta
có nhiệm vụ phải có một nỗ lực thực sự nhằm tạo dựng một mối
quan hệ mới."
Ba người đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu công khai
này. Raja thật tuyệt vời. Tinh thần chiến đấu của ông ta không bao
giờ giảm sút. Sau khi Barisan tấn công chúng tôi vào giữa năm
1961, khi mọi thứ có vẻ bi quan và chúng tôi đang chìm sâu trong
nỗi tuyệt vọng, thì Raja đã gầm lên như một con sư tử. Khi họ phỉ
báng PAP như những kẻ trở mặt và phản bội bán rẻ nhân dân, Raja
đã đáp lại bằng những lời lẽ cay độc, bác bỏ và vạch trần họ. Ông ta
đã tận dụng kỹ năng viết truyền đơn của mình, và sức mạnh của
ông ta đã củng cố tinh thần của mọi người, ông ta tin chắc rằng
chúng tôi đúng, rằng chúng tôi phải chiến đấu, và chúng tôi sẽ chiến
thắng.
Kế đến là Pang Boon – nói năng nhẹ nhàng và điềm đạm, trung
thực và đáng tin cậy, rất giỏi trong việc đánh giá ai trong các chi bộ
và trung ương PAP là người trung thành. Ông ta đoàn kết những
người trung thành của chúng tôi lại với nhau và giữ được thiện tâm,
nên chúng tôi có được những đảng viên Hán học trở thành hạt nhân
của tổ chức bầu cử. Cùng với những thủ lĩnh quần chúng, lực lượng
này đã bù đắp cho những gì đã bị những kẻ ủng hộ Barisan phá hủy
sau khi PAP phân hoá.
Nhưng nhân vật hậu trường quan trọng nhất của tôi là Keng Swee,
với ngòi bút sắc bén và đầu óc sáng suốt của ông ta. Ông ta đã giúp
tôi hoàn chỉnh những chiến thuật để giành chiến thắng. Trước mỗi
thủ thuật khôn khéo của đối phương, chúng tôi đều vạch được một
biện pháp đối phó. Suốt cuộc chiến đấu này và trong 21 năm tiếp
theo cho đến khi ông ta về hưu khỏi cương vị phó Thủ tướng vào
năm 1984, ông ta là một cái tôi thứ hai của tôi, luôn là người hay
hoài nghi, luôn suy tính thiệt hơn về từng kế hoạch đề xuất để tìm
ra những thiếu sót của nó hầu giúp tôi điều chỉnh lại. Ông ta là một
trí thức phụ tá rất xuất sắc của tôi và là một chiến sĩ dũng cảm. Vẫn
còn có nhiều đảng viên trung kiên khác nữa, nhưng đó là ba người
nổi bật.
33
CUỘC CHIẾN ĐỐI ĐẦU
Cuộc bầu cử năm 1963 là một cái mốc đối với những người cộng
sản. Ngay sau khi có kết quả, hai đảng viên Barisan đắc cử – Chan
Sun Wing, nguyên thư ký nghị viện của tôi, và Wong Soon Fong, kẻ
đã phá tan Lữ đoàn Công chính – đã rút vào bí mật. Hẳn họ cho
rằng sẽ bị bắt giữ một khi Barisan thất bại. Nhưng lúc này chúng tôi
bận lo chuyện khác. Chúng tôi quyết định trừng phạt làm gương
những nhân vật nổi bật đã đóng vai trò bình phong cho cộng sản,
những kẻ tin rằng của cải và địa vị của họ trong cộng đồng nói tiếng
Hoa sẽ cho họ sự miễn trừ khỏi các biện pháp an ninh. Đứng đầu
danh sách đó là Tan Lark Sye, khi ấy là chủ tịch danh dự của Phòng
thương mại Hoa kiều và là người sáng lập đại học Nanyang. Trước đó
tôi đã tự lưu ý là sẽ đối phó với ông ta một khi chính phủ đủ mạnh
về mặt chính trị. Hiện chúng tôi không cần thiết phải chịu đựng việc
ông ta tuyên bố hùng hồn đường lối cộng sản trên báo chí, sử dụng
vị trí của ông ta trong giới kinh doanh như một thứ lá chắn nữa.
Ngay sau ngày bầu cử, chúng tôi bắt đầu bãi bỏ quyền công dân
của ông ta.
Hành động này trước đây chưa hề được nghĩ đến. Lúc đó chúng tôi
e ngại sự giận dữ của các cử tri nói tiếng Hoa, đặc biệt khi báo chí
viết bằng tiếng mẹ đẻ sẽ xuyên tạc vấn đề và làm cho nó có vẻ như
nhằm chống lại các doanh nhân ủng hộ sự nghiệp văn hóa Trung
Hoa. Giờ đã đến lúc đối phó với ông ta. Tan Lark Sye đã bơ vơ.
Không có Lim Chin Siong và các nghiệp đoàn của ông ta trợ giúp,
không có những kháng nghị trên báo chí, không có những cuộc biểu
tình. Chúng tôi đã vô hiệu hóa ông ta về mặt chính trị. Được báo chí
yêu cầu bình luận vào ngày hôm sau, ông ta không có gì để nói.
Ông ta đã liều canh bạc và đã thua. Ông ta không bao giờ lấy lại
được ưu thế của mình nữa.
Vài ngày sau, tại cuộc họp buổi trưa tại quảng trường Fullerton, tôi
dọn đường cho tình huống sau bầu cử và sau khi hợp nhất. “Tôi cho
ông Đặc mệnh hai tuần. Nếu như ông ta vẫn còn ở đây, xin vui lòng
đi cho; vấn đề an ninh không còn thuộc quyền của tôi.” Tôi nói thêm
rằng hiện vấn đề an ninh đang nằm trong tay chính phủ trung ương,
và tôi phải cho Ismail biết về lai lịch của ông ta. Qua việc thẩm vấn
những người cộng sản đã bỏ trốn đến các đảo Riau lân cận nhưng
sau đó trở về, những năm sau đó Sở đặc vụ khám phá ra rằng ông
Đặc mệnh đã rời khỏi Singapore ngay sau cuộc trưng cầu dân ý.
Ông ta đã lưu trú ở các hòn đảo Riau của người Indonesia, và từ đó
điều hành các cán bộ hoạt động bí mật của ông ta thông qua các
giao liên. Đi bằng phà hoặc thuyền máy giữa hai đảo này mất
khoảng từ hai đến bốn tiếng đồng hồ, và rất dễ dàng tránh bị phát
hiện vì những ngư dân giong buồm tới lui suốt ngày. Vì vậy tôi
không hề cường điệu khi cảnh báo rằng cuộc chiến đấu chống MCP
chưa kết thúc, rằng họ sẽ tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù của họ
bằng mọi cách, và chúng tôi sẽ gặp khó khăn và phức tạp khi đối
phó. Không có gì thay đổi, trừ một điều: chúng tôi không còn điều
khiển lực lượng cảnh sát nữa.
Điều này đã được hiểu rõ ra vào ngày hôm sau khi Sở đặc vụ, hiện
dưới quyền chính phủ Liên bang, bắt giữ 20 sinh viên đại học
Nanyang, ba người trong số họ đã chiến đấu thất bại trong cuộc bầu
cử với tư cách ứng viên của Barisan. Các sinh viên trong khu đại học
nổi loạn, và một đám đông khổng lồ những sinh viên này đã tấn
công đoàn hộ tống đang áp giải tù nhân. Hai xe cảnh sát thuộc tổ
chống bạo loạn đang đợi bên ngoài cổng, và cảnh sát dùng loa
phóng thanh ra lệnh cho những người biểu tình giải tán. Khi họ
không chấp hành, tổ chống bạo loạn ập vào, các sinh viên ném chai
và gạch đá vào họ, làm bị thương hai tài xế.
Họ chưa biết được rằng Sở đặc vụ hiện làm theo lệnh của chính
phủ mới ở Kuala Lumpur, dựa trên một đa số người Malay không có
sự nhân nhượng trong việc đối xử với những sinh viên người Hoa.
Vài nghìn công nhân từ bảy nghiệp đoàn SATU lớn – những nghiệp
đoàn đã được yêu cầu trình bày nguyên nhân tại sao không thể xóa
bỏ việc đăng ký hoạt động của họ – được đưa tới dự mít–tinh trong
khu đại học trên hơn 100 xe tải và xe buýt. Họ vẫn hành động như
thể những cuộc biểu tình lớn sẽ đe dọa được chính phủ. Các thành
viên của Nghiệp đoàn Lao động căn cứ Hải quân tiến hành đình công
dưới sự chỉ đạo của những người ủng hộ Sidney Woodhull (ông này
hiện bị giam cầm), và 500 sinh viên đại học Nanyang ngồi ở Padang
đối diện Tòa Thị chính trong khi các lãnh tụ của họ đưa ra một bản
kiến nghị gồm sáu điểm cho Chin Chye. Họ ăn nói cứ như thể
Barisan sắp sửa chiến thắng và thành lập chính phủ kế tiếp. Ngày
hôm sau, công nhân trong các công ty xe buýt và trong nhiều hãng
có nghiệp đoàn đã liên kết với SATU kêu gọi một cuộc tổng đình
công hai ngày.
Vài giờ trước khi nó bắt đầu, 14 nhân viên của SATU bị bắt giữ,
trong đó có S.T. Bani, người đã thắng Kenny Byrne ở khu vực bầu cử
Crawford. Rồi một đám đông hàng nghìn công nhân cố diễu hành từ
Padang tới trụ sở Bộ Nội vụ, nhưng đã bị đội chống bạo loạn giải tán,
và đến tối, một vài nghiệp đoàn bắt đầu tách khỏi cuộc đình công.
Những kẻ trung lập dần lấy lại can đảm. Họ có thể thấy chẳng có
hứa hẹn gì trong việc chơi những trò cũ. Khi cuộc đình công yếu
dần, các lãnh tụ kêu gọi ngưng đình công.
Nhưng thế cuộc đã thay đổi. Woodhull và Puthucheary đã được
phóng thích vào ngày 28/11. Họ tuyên bố rằng họ rời bỏ các nghiệp
đoàn và các hoạt động chính trị mãi mãi. Woodhull và Puthucheary
là những người thuộc cánh tả, tự hào vì chính họ là những người
mác-xít. Họ không phải là người cộng sản; vì vậy họ sẽ không bao
giờ được kết nạp vào MCP. Họ thiếu sự kiên định cần thiết và sẽ là
một mối nguy hiểm đối với bất kỳ chi bộ nào có họ tham gia. Họ làm
chính trị theo kiểu tài tử chỉ thích không khí tiệc tùng nơi họ có thể
hò hét diễn thuyết.
Bạo lực cũng đến từ một hướng khác. Vài ngày sau cuộc bầu cử,
một tên phá hoại người Indonesia đã cho nổ hai quả bom cách nhau
72 tiếng đồng hồ ở bờ biển phía Nam gần công viên Katong. Cuộc
đối đầu giờ đã trở thành hiện thực. Nhưng một diễn biến đáng ngại
hơn đang bắt đầu.
Sau ngày bầu cử, Tunku đã biểu lộ sự tổn thương bởi những người
Malay ở Singapore đã từng ủng hộ cho UMNO giờ lại bầu cho PAP.
“Tôi cho rằng có một vài kẻ phản bội trong số các đảng viên, họ đã
khiến dân chúng ở đây thay lòng đổi dạ,” ông ta nói. Ngày 27/9, ông
ta đi xuống dự một cuộc mít–tinh do đảng UMNO ở Singapore tổ
chức tại Geylang Serai, một khu đông dân Malay, tại đó ông ta bắt
đầu chỉ trích “những người Malay nào đó” (ý nói là thân PAP) đã
“phản bội UMNO” trong cuộc bầu cử. “Sau này, tôi sẽ đóng một vai
trò then chốt trong các cuộc bầu cử,” ông ta nói. Ông ta tiếp tục nói
rằng quyền hành của Singapore không còn nằm trong tay của ông
Lee hoặc PAP nữa, mà thuộc về chính quyền trung ương ở Kuala
Lumpur.
Đi cùng Tunku là Syed Ja’afar Albar, người muốn chắc chắn rằng
những người Malay nào đã bị “lạc lối” đi bỏ phiếu cho chúng tôi sẽ
được giúp để trở về với dân tộc. Trong bài diễn văn của mình, ông ta
cảnh cáo tôi rằng nhân dân có thể chỉ bị lừa gạt một lần, và thề
rằng ông ta sẽ ổn định lại Singapore vào thời điểm thích hợp. Những
lãnh tụ UMNO địa phương bắt đầu nói bằng lời lẽ hùng hổ. Hiện họ
cảm thấy họ là những ông chủ. Viên tổng lãnh sự Hoa kỳ, Arthur H.
Rosen, báo cáo với Washington rằng: “Bằng bài diễn văn đầy hung
bạo chống PAP với ngụ ý phân biệt sắc tộc, Ja’afar Albar đã khuấy
lên sự căm phẫn”. Họ đốt hình nộm của tôi trước một đám đông
đang gào thét.
Lúc đó tôi không quan tâm lắm. Tôi nghĩ đó chỉ là việc khích lệ tinh
thần của giai đoạn hậu bầu cử. Hồi ấy tôi không hiểu sự tinh tế
trong cách nói của người Malay, và phải mất chín tháng sau tôi mới
hiểu những ngụ ý thực sự của nó. Không hề biết rằng đây chỉ là
khúc dạo đầu của một chiến dịch căm thù đầy cay đắng, mà nó sẽ đi
đến đỉnh điểm trong các cuộc bạo loạn của người Malay và người
Hoa, nên tôi đã vui sướng nói với đám đông tại cuộc mít–tinh ở
quảng trường Fullerton rằng thời gian sẽ chữa lành những thương
tổn tinh thần. Tôi đã phải nói một số điều tàn nhẫn trước và trong
khi bầu cử, nhưng nhiệm vụ của tôi bây giờ là tái lập mối quan hệ
tốt đẹp và tin cậy lẫn nhau với Kuala Lumpur. Hồi ấy tôi chắc là
Singapore sẽ náo nhiệt lên với các hoạt động công nghiệp và sẽ là
trung tâm phồn vinh của liên bang Malaysia. Tôi hứa rằng chính phủ
sẽ hợp tác với chính quyền trung ương trên cơ sở bình đẳng và công
bằng, chứ không phải như chủ với tớ.
Tôi vẫn đang nói về việc UMNO và PAP đấu tranh chống kẻ thù
chung, là MCP với những kẻ ủng hộ mặt trận liên kết của họ và
Indonesia của Sukarno, vốn đang chịu ảnh hưởng của cộng sản. Tôi
không biết rằng những người thay mặt cho Tunku, như Albar, lại
nghĩ khác. Họ để cho người Anh bảo vệ họ chống lại Indonesia. Đối
với họ, quan trọng nhất là đối phó với kẻ thù bên trong – đảng PAP,
mà nếu không ngăn cản bước tiến của nó, sẽ thu phục được cả
những người dân quê Malay ở lục địa Malaya.
Nói chuyện tại Tòa Thị chính ngày 29/9, tôi phát biểu: “Chúng tôi
hiểu rằng trong hai thập niên kế tiếp, Thủ tướng của liên bang
Malaysia phải là một người Malay. Có 43% người Malay, một dân tộc
bản xứ, 41% người Hoa, 10% người Ấn và 6% các sắc tộc khác.
Chúng tôi không có ý định giành lấy quyền lực ở Kuala Lumpur.
Chúng tôi muốn hợp tác và làm việc vì lợi ích chung của liên bang
Malaysia.” Nhưng tôi đề cập đến các lãnh tụ MCA như Khaw Kai Boh
và Tan Siew Sin một cách khinh thị và Tunku không tán thành điều
đó. Hôm sau, ông ta phản ứng lại bằng cách nói rằng dù cho MCA
đại diện cho Hoa kiều, họ không hề quên đi quyền lợi dân tộc, và
khả năng của họ trong việc đồng thời bảo vệ cả hai đã góp phần
đáng kể vào thành công của đảng Liên hiệp tại các cuộc bầu cử:
UMNO, MCA và MIC phải đoàn kết với nhau. Ông ta ra hiệu rằng ông
ta không có ý định bỏ rơi những người bạn trong đảng Liên hiệp của
ông ta. Mãi cho đến gần một năm sau tôi mới hiểu rằng nếu như
PAP muốn gia nhập vào đảng Liên hiệp như một phần của một liên
minh thì nó phải chấp nhận vai trò của MCA và thuyết phục người
Hoa hợp tác vì quyền lợi dân tộc đối với chương trình của UMNO hơn
nữa, mà cơ bản là sẽ giúp đỡ nhân dân Malay.
Đánh giá của Geofroy Tory về những xu hướng chính trị này trong
Liên bang mới được tổng kết một cách ngắn gọn trong bản báo cáo
gởi cho Duncan Sandys ngày 5/10:
“Nhưng vị trí của đảng Liên hiệp về lâu dài chắc chắn là không
vững chắc. Ông Lee đã chứng tỏ trong các cuộc bầu cử mới đây ở
Singapore rằng ông ta có thể liên kết tất cả những người phi cộng
sản ở Singapore, kể cả người Malay, vào một mặt trận chung khiến
đảng Liên hiệp mất uy thế. (Tuy nhiên,) phần lớn thành công của
ông ta có được là nhờ ông ta đóng vai trò người bảo vệ cho quyền lợi
của Singapore chống lại Malaya; vì thế không chắc nó mang lại cho
ông ta nhiều uy tín ở một nơi nào đó trong Liên bang.
Mặt khác, nếu câu chuyện về những mối bất bình chủng tộc đối
với những chính sách quá cực đoan của UMNO trở nên quá dài, và
nếu như vì lý do này hay lý do khác mà cánh người Hoa thuộc đảng
Liên hiệp trở nên suy yếu hơn, thì một lực lượng đối lập của người
Hoa có cơ sở trên vùng bờ biển Tây Malaya, nhưng với sự giúp đỡ
của các đảng phái đối lập khác của liên bang Malaysia, có thể bắt
đầu phát triển. Một khi cảm thấy có báo động nghiêm trọng, người
Malay chắc chắn sẽ không bị các hình thức hợp hiến ngăn cản việc
bảo vệ vị trí của họ, ngay cả nếu như họ phải trả một giá cay đắng
là đánh đổi một nền dân chủ đại nghị ôn hòa tương đối sáng sủa
hiện nay của họ để lấy một nền dân chủ bị giám sát chặt chẽ hơn.”
Geofroy Tory đã có cái nhìn tiên liệu. Không ít thì nhiều ông ta đã
đoán được những gì sẽ xảy ra vào năm 1965, khi Hội nghị đoàn kết
Malaysia đã tập hợp các đảng phái đối lập lại với nhau.
Đầu tháng 10, tôi và Choo lái xe lên vùng cao nguyên Cameron
nghỉ mát hai tuần. Khí hậu miền núi và tình trạng tương đối cách ly
đã giúp tôi trù tính vị trí của chúng tôi dưới một chế độ mới. Trong
nửa tháng đó, tôi chơi gôn, thường là một mình. Đi dạo vòng quanh
sân gôn chín lỗ cùng Choo, tôi suy nghĩ về những vấn đề mình cần
phải giải quyết ngay. Chúng tôi đối mặt với mối nguy từ phía
Indonesia, nhưng lúc này chúng tôi đã ngăn chặn được cộng sản. Họ
bị bất ngờ, cố tránh lôi cuốn sự chú ý, nghe ngóng tình hình mới. Họ
biết Kuala Lumpur quyết tâm tiêu diệt họ.
Chúng tôi cũng phải thích nghi với chính phủ trung ương hiện đang
công khai bênh vực cho quyền lợi của người Malay. Điều này chúng
tôi chỉ có thể dàn xếp được nếu như người Hoa, Ấn và các sắc tộc
khác có được đủ điều kiện để sinh tồn. Tuy nhiên, khi tôi gặp Tunku
năm ngày trước, tôi đã để lại trong ông ta một tâm trạng dễ chịu, và
một số vấn đề có vẻ như được giải quyết một cách thân thiện, bất
chấp mọi điều đã xảy ra. Ông ta nói đến việc đóng cửa ngân hàng
Bank of China và Bank Negara Indonesia (ngân hàng quốc gia
Indonesia) tại Singapore, nhưng nói thêm rằng ông ta chưa có bất
kỳ một quyết định dứt khoát nào và muốn thảo luận lại vấn đề. Tôi
có thể nói với báo chí rằng ông ta đã hứa cho phép các ngân hàng
đó mở cửa hoạt động miễn là nhân sự điều hành trong đó không
phải là các viên chức chính phủ từ Trung Quốc và Indonesia.
Sau khi về Singapore ngày 14/10, tôi gặp Philip Moore và nói với
ông ta tôi đã đề nghị rằng một trong hai thượng nghị sĩ của chúng
tôi tại nghị viện liên bang phải là người Malay. Tunku đã rất hài lòng
và đề nghị Ahmad Haji Taff, lãnh tụ UMNO ở Singapore, và tôi đã
đồng ý. Viên thượng nghị sĩ kia sẽ là Ko Teck Kin.
Tunku cũng muốn chúng tôi đóng cửa phái bộ thương mại của
chúng tôi ở Jakarta, và dù không nhiệt tình, chúng tôi đã triệu hồi
người đại diện thương mại ở đó, chỉ để lại một nhân viên cấp thấp.
Riêng Moore e rằng chúng tôi đang có những cuộc mật đàm với
người Indonesia ở Singapore để tìm cách bãi bỏ lệnh cấm vận mà họ
đã tuyên bố. Tôi cam đoan với ông ta rằng các cuộc thảo luận chỉ
diễn ra giữa các thương gia Singapore với các viên chức phía bên
kia, chứ không phải với các viên chức chính phủ Singapore. Tôi
thêm rằng tôi vui với cách mà mọi chuyện được tiến hành với Ismail.
Hoạt động an ninh của Kuala Lumpur ở Singapore diễn ra tốt đẹp.
Ismail điện báo với tôi về việc bắt giữ theo kế hoạch các lãnh tụ
nghiệp đoàn SATU và yêu cầu tôi xác nhận rằng việc này sẽ được
chính phủ Singapore ủng hộ. Tôi đã bảo đảm với ông ta. Sau đó
chúng tôi trao đổi thư từ với nhau, nhờ đó tôi nắm được tình hình an
ninh nội chính, các cuộc họp thường lệ vào sáng thứ Bảy của tôi với
cảnh sát và Sở đặc vụ vẫn tiếp tục.
Đó là một thời kỳ yên tĩnh bề ngoài. Hội đồng Lập pháp mới đã
tuyên thệ vào ngày 22/10 và dự luật đầu tiên được thông qua là dự
luật về bầu cử vào Hạ nghị viện ở Kuala Lumpur. Nó được biểu quyết
bằng miệng và chúng tôi chọn 12 dân biểu PAP và ba dân biểu
Barisan. Khi tôi lên đường đi dự cuộc họp khai mạc ngày 3/11, tôi
mô tả vai trò của PAP trong nghị viện liên bang như là một “‘đảng
phái trung lập’ – một phe đối lập trung thành, thân thiện và phê
phán, không như đảng Barisan hay Mặt trận Xã hội Malayan, có xu
hướng phá hoại và không trung thực”. Trong khi ở Kuala Lumpur, tôi
đồng ý với Tunku là chúng tôi nên chấp nhận một cuộc viếng thăm
chính thức của Quốc trưởng, đức vua của liên bang Malaysia, và khi
ông đến, ông ta đã được tiếp đón long trọng theo nghi thức. Tunku
là một kẻ rất coi trọng không khí huyền thoại của hoàng gia.
Riêng tôi không hoàn toàn thoải mái trong thời gian lưu tại thủ đô
liên bang. Tunku quá bận rộn nên không thể thảo luận hiệu quả với
tôi về mối quan hệ giữa hai bên, và trong khi đó một mối bất hòa lại
tái diễn. Trong khi tường thuật lại cuộc tấn công gần như không che
đậy của Albar nhắm vào tôi, báo chí Malay đã chửi đích danh Alex
Josey vì đã viết một bài báo miêu tả tôi như một lãnh tụ của bốn
triệu người Hoa trong liên bang Malaysia. Điều này đã gây mối bất
hòa đặc biệt. Razak cũng phê phán tôi vì đã mô tả PAP như một
đảng phái trung lập, thân thiện nhưng hay chỉ trích – làm sao mà
chúng tôi có thể là cả hai được?
Để trả lời sự phản bác của Razak đối với việc tôi cho PAP là một
đảng phái trung lập, tôi hỏi Tunku là các nghị sĩ của chúng tôi sẽ
ngồi chỗ nào trong Hạ nghị viện. Ông ta đề nghị rằng một vài người
trong số 12 nghị sĩ PAP ngồi cùng phía chính phủ và những người
còn lại ngồi với phe đối lập. Chúng tôi đang trong vị trí không rõ rệt.
Trong chuyến trở về Singapore, tôi nói với Moore rằng mối quan hệ
của chúng tôi với Tunku và UMNO sẽ phải được giải quyết theo cách
này hay cách khác trong vòng hai hay ba năm của cuộc bầu cử liên
bang sắp tới. Tunku sẽ phải quyết định hoặc bỏ MCA và hợp tác với
PAP, hoặc đấu tranh với PAP để nắm quyền kiểm soát các thành phố
của Malaya.
Không phải là chúng tôi bỏ quên vùng nông thôn. Ngày 21/12 tôi
phát biểu lần đầu tiên tại Hạ nghị viện trong một cuộc tranh luận về
ngân sách của Tan Siew Sin. Tôi phê phán là nó không bao quát
rộng khắp những vấn đề của Liên bang. Nó có lợi cho việc kinh
doanh lớn thường tập trung tại các thành phố, nhưng không có lợi
cho dân nghèo ở nông thôn. Tôi nhấn mạnh sự cần thiết trong việc
đem lại phồn vinh cho những vùng nông thôn, nơi mà đa số người
Malay sống bằng nghề nông. Trước đây các lãnh tụ đảng phái đối lập
ở Malaya không đề cập đến những chuyện này; chúng tôi đã áp
dụng tư tưởng Fabian33 vào những vấn đề của liên bang Malaysia và
tin rằng đây là giải pháp.
Moore báo cáo với London rằng Keng Swee, người trước đây đã
nghi ngờ về viễn cảnh của chúng tôi trong Malaya, hiện đang tin
chắc rằng trong khoảng chừng một năm, PAP sẽ đánh bại Mặt trận
Xã hội Malaya và MCA. Với Singapore hiện đang là một phần của liên
bang Malaysia, những báo cáo của Moore được gởi qua viên Cao ủy
Anh mới ở Kuala Lumpur là Tử tước Head, người thay thế Geofroy
Tory. Antony Head có một tính cách khác hẳn người tiền nhiệm của
mình. Ông ta là người có ảnh hưởng lớn về mặt chính trị. Là học
viên của Học viện quân sự hoàng gia, ông ta đã được tặng thưởng
Huy chương chữ thập quân công trong Thế chiến thứ hai và là một
lữ đoàn trưởng khi ông ta đắc cử vào Hạ nghị viện năm 1945. Ông
ta trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các của Anthony Eden
lúc xảy ra vụ xâm chiếm kênh Suez34, và đã từ chức khi cuộc xâm
chiếm thất bại. Ông ta được đưa vào Thượng nghị viện với tư cách
một Tử tước. Bà vợ Dorothy của ông ta có một nghị lực phi thường,
hoàn toàn không có tài ngoại giao và công khai quan tâm tới chính
trường. Head đã từng là Cao ủy Anh ở Nigeria ba năm và bà vợ rất
thích các loài chim châu Phi. Một số những con chim đó đẹp một
cách lộng lẫy và kỳ lạ, trong đó có những con sếu mào vàng rực rỡ,
đi lang thang khắp nơi và vào cả phòng khách của dinh Carcosa, nơi
ở của họ tại Kuala Lumpur, và ỉa bậy lên những tấm nệm phủ vải
hoa tuyệt đẹp. Cả hai vợ chồng đều phớt tỉnh. Họ chỉ chùi mấy bãi
phân bằng mớ giấy rồi cứ tiếp tục nói chuyện. Tôi mến cả hai và
chúng tôi ăn ý với nhau. Mỗi khi đến Kuala Lumpur, tôi đều dùng
cơm trưa hoặc tối với ông ta và bà vợ lập dị tuyệt vời của ông ta.
Head có một sự am hiểu về những thăng trầm của các dân tộc và
các quốc gia. Ông ta suy xét mọi việc đến cùng. Trong khi người Anh
kiên quyết giữ vững đường lối chống lại cuộc tấn công không ngừng
hiện nay của Sukarno vào Borneo, thì ông ta lại cảnh cáo tôi rằng cả
Anh và Malaysia phải tiến hành những hoạt động theo một cách như
thế nào để khi tất cả những chuyện này qua đi, chúng tôi có thể
chung sống hòa bình với người Indonesia, rằng nếu chúng tôi hạ
nhục họ, thì sẽ làm cho mối quan hệ trong tương lai khó khăn hơn.
Sự thận trọng của người Anh đã kéo dài xung đột, nhưng nó lại
khiến cho việc hòa giải tiếp theo được dễ dàng hơn. Khi Sukarno bị
hất ra khỏi quyền lực vào năm 1965, tướng Suharto, lúc đó là người
cai trị trên thực tế, đã gởi các phái viên đến Kuala Lumpur và
Singapore để thiết lập liên lạc và bắt đầu khôi phục lại lòng tin của
chúng tôi vào Indonesia. Head có sự khôn ngoan, đó là phẩm chất
hiếm hoi của việc rút kinh nghiệm từ những sai lầm của chính mình,
và nhất là từ những sai lầm của người khác. Ông ta cũng hiểu rõ
Tunku và cấu trúc trật tự xã hội của người Malay. Nó không giống
những gì ông ta đã nhận thấy ở miền Bắc Nigeria.
Thật may mắn cho tôi khi Thủ tướng Anh quyết định đưa một
chính khách hàng đầu trong bộ máy chính quyền đến Kuala Lumpur
thay vì một nhà ngoại giao chuyên nghiệp như Tory. Nếu không thì
lịch sử của liên bang Malaysia và Singapore sẽ hoàn toàn khác.
Head áp dụng kinh nghiệm phong phú của mình, bao gồm những
vấn đề ông đã thấy ở Nigeria. Ông cũng biết rõ những khó khăn
trong việc phát triển từ chế độ thuộc địa đến chính phủ tự trị và trở
thành một quốc gia độc lập. Trong hai năm trước tháng 8/1965, tôi
còn có nhiều việc để làm với ông ta. Những đánh giá và báo cáo của
ông ta cho London đã làm thay đổi hẳn kết quả của cuộc đấu tranh
giữa Tunku cùng những người theo phái cực đoan của ông ta ở một
bên, và tôi cùng các cộng sự của tôi ở bên kia. Những người cực
đoan đòi hỏi một liên bang Malaysia với người Malay chiếm ưu thế
hoàn toàn. Chúng tôi ở Singapore – đặc biệt những người được sinh
ra hoặc gắn bó chặt chẽ với nội địa Malaya như Chin Chye, Pang
Boon và Raja – thì kiên quyết thành lập một liên bang Malaysia cho
các công dân Malaysia thuộc mọi chủng tộc. Đây là cốt lõi của vấn
đề.
Head có một cảm tưởng tốt về châu Phi và các lãnh tụ châu Phi
trong Khối thịnh vượng chung. Ông ta tin rằng một cuộc viếng thăm
châu Phi do một phái đoàn gồm các Bộ trưởng thuộc các bang của
Malaysia tiến hành sẽ đạt được sự đồng tình của họ trên các diễn
đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc chẳng hạn. Ông ta cười ha hả khi
tôi nói Tunku cho rằng những người Phi là lũ đần độn, vì Head đã
gặp nhiều người Phi châu khôn khéo hơn Tunku, khá đông họ là
những kẻ đậu điểm cao ở Oxford. Ông ta có cảm giác rằng tôi là một
người hoạt động không ngừng, muốn làm một điều gì đó để chống
lại sự tấn công của Sukarno. Ông ta đề nghị tôi thuyết phục Tunku
phái tôi đến châu Phi để tranh thủ sự ủng hộ của họ, mà theo ông ta
nó sẽ hữu ích trên mặt trận tâm lý trong khi người Anh nắm mặt
trận quân sự. Ông ta cũng tiên đoán rằng như thế sẽ khiến cho thế
giới biết đến tôi nhiều hơn, điều đó có nghĩa là nếu như mọi việc đi
đến chỗ mà Tunku muốn vô hiệu hóa tôi, thì cái giá phải trả sẽ lớn
hơn nhiều.
Tôi đưa ý kiến này với Tunku, và thật ngạc nhiên là ông ta đồng ý
ngay. Cuộc chiến đối đầu có chiều hướng tối tăm. Đợt sóng kích
động và nhiệt tình đầu tiên từng đưa đến những cuộc biểu tình bên
ngoài tòa đại sứ Indonesia đã lắng xuống. Tunku đi khắp đất nước
đọc diễn văn để đánh thức tinh thần dân tộc của người Malaya, vì
liên bang Malaysia là một khái niệm quá mới. Nhưng từ các cuộc
chuyện trò riêng với ông ta, tôi biết ông ta sợ sức cuốn hút mà tài
hùng biện của Sukarno có thể tác động lên người Malay ở Malaya,
đặc biệt là dân nhập cư mới, con cháu thuộc thế hệ thứ nhất hoặc
thứ hai của những người đến từ Sumatra và Java.
Riêng tôi hoàn toàn tin vào khả năng của người Anh, và đã không
biết rằng chính sách tích cực chống cự cuộc chiến đối đầu sẽ không
thể kéo dài nếu chính phủ Mỹ chấp nhận một đường lối ngược lại.
Tôi không chú ý lắm khi báo chí tường thuật rằng người đại diện của
Mỹ dự buổi lễ thành lập liên bang ngày 17/9 ở Kuala Lumpur đã nói
rằng Mỹ không đứng về phe nào trong cuộc tranh luận. Nhưng
những tài liệu ngoại giao trong văn khố Anh thời đó để lộ sự lo lắng
sâu sắc về thái độ lừng khừng của người Mỹ. Những tài liệu ấy nhận
định rằng người Mỹ sợ người Anh bị kiệt sức vì cuộc chiến đối đầu và
cuối cùng người Mỹ sẽ phải nhận lãnh gánh nặng đó. Chúng cũng
ghi nhận sự lo ngại rằng bằng việc cản trở Sukarno, người Anh sẽ
làm mất uy tín của một chính phủ không cộng sản tại Jakarta, như
thế là đẩy Indonesia vào tay cộng sản, và lực lượng sẽ gây ra mối
đe dọa cho các căn cứ của Mỹ ở Phillipines.
Người Anh phải vất vả lắm mới khiến cho chính phủ Kenedy đình
chỉ ít nhất một số hình thức viện trợ kinh tế của Mỹ cho Indonesia
và ngăn cấm các vụ chuyển giao đồ phụ tùng vũ khí mới của hãng
Lockheed vào tháng 11/1963. Để chứng tỏ quyết tâm về lời hứa của
mình, người Anh đã tuyên bố hồi tháng 11 rằng quân đội của Úc và
New Zealand sẽ tham gia việc bảo vệ liên bang Malaysia chống lại
những đợt tấn công quân sự ngày càng tăng của Indonesia.
Do sự thúc giục của người Anh, lúc đó thái độ của Tunku đối với
Indonesia không còn lưỡng lự nữa. Ngày 3/12, Sukarno đã đọc một
bài diễn văn cho là công tác quan sát trước đây của Liên Hiệp Quốc
tại Bắc Borneo đã không được tiến hành theo đúng các thủ tục dân
chủ. Ông ta hứa sẽ hoan nghênh việc thành lập liên bang Malaysia
nếu một phái bộ quan sát thứ hai chứng tỏ rằng dân chúng của các
lãnh thổ muốn trở thành một phần của Liên bang. Một phát ngôn
viên của Bộ Ngoại giao liên bang Malaysia đã bác bỏ đề nghị này,
nhưng thực chất chính Tunku đã từ chối nó. Vài ngày sau, một quả
bom lớn đã nổ tại Sennett Estate, một khu ngoại ô của dân trung
lưu, làm hỏng một xe hơi và chết hai người. Đó là số thương vong
đầu tiên trong cuộc chiến đối đầu ở Singapore; chúng tôi đã chuẩn
bị cho những rắc rối kế tiếp. Ngày 18/12, Tunku vạch trần một âm
mưu của người Indonesia nhằm làm nổ tung trạm điện Pasir
Panjang, những ống dẫn nước chính giữa đảo và Johor, và những cơ
sở quan trọng khác. Cùng lúc đó, tôi phát giác rằng một tùy viên hải
quân Indonesia đang huấn luyện những tên phá hoại tuyển từ
Singapore, và người Indonesia đã thành lập những công ty ma để
nhập vũ khí.
34
CÓ THÊM BẠN BÈ Ở CHÂU PHI
Syed Ja’afar Albar phản đối việc tôi dẫn đầu đoàn đại biểu đến
châu Phi. Ông ta nói ở nghị viện ngày 3/1/1964 rằng: “Thay vì làm
cho người châu Phi biết đến liên bang Malaysia, ông ta sẽ khiến cho
các quốc gia châu Phi biết đến chính ông ta thôi.” Ông ta muốn một
thành viên nội các dẫn đầu đoàn đại biểu. Tunku trả lời rằng tôi yêu
cầu ông ta cho phép để giải thích về liên bang Malaysia với những
người bạn ở lục địa đó, và ông ta nghĩ tốt hơn là để cho dân chúng ở
những vùng lãnh thổ mới của liên bang làm theo cách riêng của họ
để báo cho các nước ở châu Phi rằng họ gia nhập liên bang theo tinh
thần tự nguyện của họ. Nếu chính phủ không hài lòng với kết quả
của phái đoàn, thì có thể gửi đi một phái đoàn khác, trong trường
hợp đó, ông ta sẽ tính cả Albar trong đó. Cùng lúc đó, Tunku cũng
phê phán tôi vì đã trả lời một lá thư của Chu Ân Lai, dù lá thư này
tôi trả lời trước khi hợp nhất. Ông ta nói đây là một việc làm rất sai
trái của tôi. Đây quả đúng là Tunku và kiểu quanh co của ông ta. Tôi
phải hiểu rằng trong liên bang Malaysia cách cư xử như thế là không
thể chấp nhận. Liên bang sẽ không buôn bán với bất kỳ quốc gia
cộng sản nào, nhất là Trung Quốc.
Phái đoàn rời Singapore vào cuối tháng 1/1964 trên một chiếc
máy bay thuê bốn động cơ, khiến cho việc di chuyển của chúng tôi
linh động hơn. Phái đoàn gồm có Tổng ủy viên của Sarawak,
Stephen Kalong Ningkan (ông ta gia nhập đoàn tại Lagos vào tháng
2), và phụ tá của ông ta, James Wong, với Tổng ủy viên của Sabah,
Harris Salleh, và một thành viên trong nội các của ông ta, và ở
Singapore có Devan Nair, và thư ký nghị viện của tôi, Rahim Ishak.
Tôi muốn mỗi nhóm chủng tộc chính đều có người đại diện – Malay,
Trung Quốc, Ấn Độ, Dayak và Kadazan. Chúng tôi có hai viên chức
cao cấp từ bộ phận đối ngoại làm thư ký, và một đội ngũ các phóng
viên người Malay. Chúng tôi lên kế hoạch đi thăm 17 đến 18 quốc
gia trong khoảng 35 ngày, và dừng lại ở Cairo và Alexandria trong
khi tiến hành việc sắp xếp. Điều này thật không đơn giản. Liên bang
Malaysia không hề có đại diện ở châu Phi da đen35, vì vậy việc liên hệ
tiến hành chậm chạp và vòng vo, thông qua các phái đoàn của họ ở
London, hoặc các tòa đại sứ của họ ở Cairo, hoặc các đoàn đại biểu
ở Liên Hiệp Quốc, và đôi khi với sự giúp đỡ từ văn phòng đối ngoại
của Anh. Điều này bất lợi ở chỗ nó khiến liên bang Malaysia có vẻ
như do Anh bảo hộ, nhưng đôi khi không có sự chọn lựa nào khác.
Chỉ một quốc gia duy nhất, Lybia, từ chối tiếp đón chúng tôi.
Chuyến dừng đầu tiên của chúng tôi là Cairo. Tổng thống Nasser
không hề thay đổi suy nghĩ của ông ta về liên bang Malaysia từ khi
tôi gặp ông ta vào tháng 4/1962. Antara, thông tấn xã của
Indonesia, đã tường thuật rằng đại sứ liên bang Malaysia đến Cairo
đã gặp phải sự lạnh nhạt của Nasser, người đã từ chối nhận quốc
thư của ông ta. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, Mahmood Fawzi, nói
rằng luận điệu này hoàn toàn sai sự thật. Antara cũng nói rằng Ai
Cập đồng tình với Indonesia. (Những người Indonesia đã xảo quyệt
yêu cầu đại sứ quán Ai Cập ở Kuala Lumpur chăm sóc quyền lợi của
họ khi họ rút đại sứ của họ về.) Fawzi nói điều này là “không có cơ
sở”. Những chuyện đó là cú đấm đối với Indonesia. Fawzi, trên 70, là
người lịch duyệt và có học thức. Ông ta giải thích tại sao Sukarno
chống lại việc thành lập liên bang Malaysia và ông ta hy vọng đạt
được điều gì, rằng ông ta cần một vấn đề nào đó để giữ cho dân tộc
của ông ta bận tâm đến những tham vọng bên ngoài, và nếu như
ông ta có thể làm tan rã liên bang Malaysia, thì đó sẽ là vấn đề thời
gian trước khi Sabah và Sarawak sẽ bị sáp nhập vào phần Borneo
của Indonesia.
Nasser nồng nhiệt và thân thiện trong suốt cuộc thảo luận hai giờ,
kèm theo bữa ăn tối. Trong một thông cáo chung, ông ta phát biểu
rằng ông ta đã nhận một lời mời viếng thăm liên bang Malaysia. Mặt
khác, Ai Cập công nhận liên bang Malaysia và không xem nó là hình
thức thực dân kiểu mới.
Ở Tunisia, chuyến dừng kế tiếp của tôi, tổng thống Habib
Buorguiba, một người Ả Rập hoàn toàn Pháp hóa, bất ngờ lại là
người theo đuổi một đường lối chống thực dân mạnh mẽ. Vấn đề là
Tunku, vì cá tính mềm mại và những tuyên bố ôn hòa của ông ta,
được coi như giống với các thủ lĩnh bộ tộc châu Phi tiêu biểu được
chính quyền thực dân nuôi dưỡng rồi sau đó được trao trả độc lập,
và thông qua họ, những kẻ cai trị trước đây vẫn giữ được ảnh hưởng
chính trị và quyền lợi kinh tế. Tuy nhiên Bourguiba chấp nhận rằng
liên bang Malaysia, một đất nước có 10 triệu dân, với 10.000 binh
lính, có quyền kêu gọi sự giúp đỡ khi một quốc gia có tới 100 triệu
người với 400.000 binh lính tấn công nó. Tôi lặp lại lý lẽ này và nó
đã có tác dụng tốt mỗi khi gặp một lãnh tụ nào có vẻ dè dặt về
những quan hệ phòng vệ của Liên bang Malaysia với nước Anh.
Từ Tunisia chúng tôi bay tới Rabat, thủ đô của Ma-rốc. Đức vua
không tiếp đón chúng tôi, và viên Thủ tướng của ông ta tỏ ra không
mấy quan tâm, khiến cuộc nói chuyện của chúng tôi chán ngắt, ông
ta không chống lại Liên bang Malaysia, và dù sao đi nữa thì người
Ma-rốc cũng thân phương Tây, vì vậy không có nguy cơ là họ sẽ ủng
hộ Indonesia của Sukarno.
Sau đó là Algier, nơi tôi từng đến thăm hồi tháng 7/1962 trên
đường tôi trở về sau hội nghị London, lúc đó người Algeria vừa giành
được độc lập từ tay Pháp. Dù tôi từ Paris đến lúc đã khuya, Thủ
tướng Ben Bella vẫn đãi tôi một bữa cơm tối lúc 11 giờ đêm. Lần này
có thể ông ta đã được bộ Ngoại giao cho biết rằng Tunku không phải
là nhà cách mạng chống chủ nghĩa thực dân nhưng ông ta biết tôi
như một người theo chủ nghĩa dân tộc và đã rất thân thiện. Với sự
giúp đỡ của Harris Salleh của Sabah và James Wong của Sarawak,
tôi đã có thể thuyết phục ông ta rằng chúng tôi có quyền không để
cho người Indonesia thôn tính, nhưng có quyền chia sẻ số phận của
chúng tôi với người Malay, với họ chúng tôi đã cùng chịu chung một
ách thống trị của thực dân Anh. Sau đó James Wong và tôi được mời
dự một cuộc họp bất ngờ lần hai với ông ta. Ben Bella bày tỏ hy
vọng hòa bình sẽ được tái lập, và nói rằng Algeria sẵn sàng ủng hộ
bất kỳ nỗ lực nào mà nó sẽ đưa Malaysia và Indonesia lại gần nhau
để giải quyết những bất đồng một cách thân thiện. Cuộc họp này
đem lại một thông cáo do người Algeria soạn thảo mà nó không hề
phản ánh những do dự mà họ đã bộc lộ trước đây trong Ủy ban
thẩm tra tư cách của Liên Hiệp Quốc, và đã ghi lại rằng cuộc viếng
thăm của phái đoàn Malaysia là điềm báo tốt cho việc tăng cường
hiểu biết và tình bạn lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Điểm dừng tiếp theo của tôi là Bamako ở Mali, một xứ sở khô cằn,
nhiều sa mạc. Tôi ngạc nhiên khám phá ra rằng Timbuktu không
phải là một nơi trong tưởng tượng. Tại phi trường, tôi được đón tiếp
theo kiểu Pháp, trước tiên là với một đội quân danh dự, tiếp theo là
một cô gái Phi lai Ả Rập da đen, mảnh mai trong bộ áo phương Tây,
hôn lên hai má và tặng tôi một bó hoa. Tổng thống Modibo Keita
trong chiếc áo choàng Ả Rập tiếp chúng tôi tại tòa lâu đài mới xây
của ông ta, những căn phòng trong đó có trần cao, đầy nhóc đồ đạc
và được điều hòa không khí. Một thông cáo chính thức đưa ra từ
phủ Tổng thống nói rằng ông ta tái xác nhận sự gắn bó của Mali đối
với những nguyên tắc của chính sách không liên kết, hoàn toàn
phản đối sự có mặt của những căn cứ quân sự nước ngoài, nhưng
nói thêm rằng những nguyên tắc đó cũng đòi hỏi sự tôn trọng chủ
quyền của các quốc gia. Sau đó thông cáo đề cập đến lời mời vị
nguyên thủ Mali viếng thăm chính thức liên bang Malaysia và tuyên
bố rằng ông ta đã tán thành. Giống như Ben Bella của Algeria, Tổng
thống Keita tỏ dấu hiệu rằng quốc gia của ông đã không còn dè dặt
về liên bang Malaysia.
Khi bay về phía Nam, tôi có thể hiểu ra cách những người Ả Rập
và châu Phi gặp gỡ và hòa nhập vào nhau ở vùng Bắc Sahara, nơi
đây nhiều người châu Phi đã cải sang đạo Hồi. Về mặt dân tộc, châu
Phi da đen là một thế giới hoàn toàn khác với một nền văn hóa khác
hẳn.
Liberia là một tiếng thét. Chúng tôi đến thủ đô trước khi trời tối.
Sau bầu không khí sa mạc khô khan của Bamako, Monrovia ấm áp
và ẩm ướt, giống như Singapore. Nhưng Liberia chỉ là một bản sao
chưa hoàn chỉnh của một quốc gia. Một đội quân danh dự kiểu Mỹ
đứng dàn hàng đến tận phi trường, trông không có tí gì là quân đội
hay cái gì khác ngoại trừ vẻ sang trọng. Một người Phi cao lớn chào
mừng tôi bằng thứ tiếng Anh theo giọng Mỹ và nói rằng ông ta là Bộ
trưởng Ngoại giao. Hầu hết các cơ quan của họ đều được đặt tên
hoặc mô phỏng theo của Mỹ, nhưng sự giống nhau chỉ dừng lại ở đó.
Khi duyệt binh danh dự, tôi nghe 18 phát súng đại bác nổ yếu ớt
đến chưa từng có, giống như tiếng pháo lẹt đẹt vậy.
Trong khi chúng tôi ngồi trong phòng VIP chờ lấy hành lý, viên Bộ
trưởng Ngoại giao nói là chúng tôi sẽ đi thẳng đến trang trại của
Tổng thống William Tubman, ở đó ông ta đang chờ để dùng bữa tối
với chúng tôi. Phải mất ít nhất là hai giờ đi xe. Tôi hết hồn. Chúng
tôi đã bay suốt ba tiếng đồng hồ, và cần tắm rửa thay quần áo.
Nhưng không có cách nào khác. Chúng tôi lại lên đường. Có bảy
quân nhân mở đường trên những chiếc mô tô quân sự hai ống pô
của hãng Harley–Davidson, và tiếng máy bộ đàm của người dẫn
đường chính và của viên sỹ quan hộ tống quân sự ở chỗ ngồi phía
trước chiếc Cadillac của chúng tôi cứ kêu không dứt. Khi một trong
những chiếc mô tô rơi xuống mương nước, viên Bộ trưởng Ngoại
giao không hề lo lắng chút nào. Trên con đường của chuyến đi dài
ba tiếng đồng hồ, có hai mô tô nữa bị lạc tay lái bay khỏi lòng
đường. Những người ngồi xe bị thương nặng hay nhẹ, chẳng ai quan
tâm. Tôi quyết định không hỏi; qua phản ứng của viên Bộ trưởng
Ngoại giao và viên sỹ quan tùy viên, những chuyện đó dường như là
chuyện xảy ra hàng ngày.
Chúng tôi đến và được đưa vào để chụp hình. Trước đó tôi phải cố
nài mới được cho ít phút để rửa ráy. Sau đó Tubman diễn thuyết thật
lâu. Cuối cùng, bữa ăn tối cũng được dọn. Ông ta gõ một cái búa lên
bàn và nói: "Mời ngài Phó Tổng thống.” Viên Phó Tổng thống ngồi ở
cuối bàn cảm ơn Chúa vì bữa ăn. Gần nửa đêm chúng tôi cáo lui để
tiếp tục thực hiện một cuộc hành trình dài tới nhà nghỉ của chúng tôi
ở Monrovia.
Mệt lử, tôi lấy bộ pyjama đi vào phòng tắm, và nhận thấy bồn tắm
đầy nước với cặn bẩn dưới đáy. Tôi rủa thầm và kéo nút chặn ra,
nhưng mặc dù mệt mỏi, bản năng vẫn báo cho biết tôi đang làm một
cái gì đó ngu ngốc và nhanh chóng đậy nút chặn lại. Quả nhiên là
vòi không chảy nước. Với số nước bẩn còn sót lại, tôi đã xoay xở hết
sức để rửa sạch bụi bặm dầu mỡ trong chuyến đi. Tôi tìm một chai
nước soda để đánh răng. Chẳng thấy, tôi phải dùng Fanta. Nó ngọt,
nhưng còn hơn là không có gì cả; tôi hy vọng thuốc đánh răng sẽ
trung hòa được đường. Sau tất cả sự kích động đó, tôi không ngủ
được. Tôi cầm lên mấy thứ sách báo gì đó trên chiếc bàn cạnh
giường. Nó là tài liệu ca tụng Tổng thống, ngôi sao của châu Phi, vị
cứu tinh của đất nước. Tôi xếp nó lại để mang về nhà như một vật
kỷ niệm về cách thức làm thế nào để không gây ấn tượng cho
khách.
Không cần thiết phải có một tuyên bố chung ở Liberia, vì Tubman
được biết là một người thân Mỹ. Ông ta ủng hộ liên bang Malaysia và
nhận lời mời viếng thăm liên bang của Tunku. Ngày hôm sau, tôi
lang thang khắp Monrovia để ngắm khu dinh Tổng thống khổng lồ
này và những khu ổ chuột tệ hại quanh đó. Tôi thấy dễ chịu khi ra
ngoài.
Sau Monrovia là Conakry ở Guinea, một quốc gia bài Pháp nhất
trong các quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp. Tổng thống Pháp De
Gaulle không hài lòng khi Guinea bỏ phiếu chọn việc tách khỏi cộng
đồng Pháp. Họ nói với chúng tôi rằng người Pháp đã lấy đi tất cả
điện thoại và các máy móc khác trước khi trao trả đất nước. Nhưng
thậm chí nếu như mọi thứ vẫn được để lại trong tình trạng hoạt
động, thì những chính sách trung ương tập quyền mà Tổng thống
Sekou Toure đã theo đuổi chắc chắn sẽ đưa chúng đến chỗ nghèo
nàn. Năm 1964, những vật dụng này vẫn chưa hoàn toàn hư hỏng.
Đoàn đại biểu được thu xếp ở trong những biệt thự nhỏ cạnh bờ
biển trông giống như những chiếc lều mái lá rộng rãi dành cho các
tù trưởng bộ lạc, nhưng được xây bằng gạch và hồ.
Sekou Toure là người theo chủ nghĩa công đoàn. Ông ta rất thông
minh. Chúng tôi dành nhiều thời gian bàn về chủ nghĩa xã hội thong
qua một người phiên dịch, và ông ta tặng tôi mấy tác phẩm của ông
ta, Socialism for Guinea (Chủ nghĩa xã hội cho Guinea). Mọi người
đều biết ông ta là người chống lại sự can thiệp của chủ nghĩa đế
quốc vào các thuộc địa cũ của Pháp để ủng hộ những lãnh tụ da đen
ưa chuộng các chính sách của Pháp, nhưng dù ông ta không biết
nhiều về Malaysia, tôi vẫn có thể làm cho ông ta hiểu rằng binh lính
Anh là cần thiết cho sự sống còn của một quốc gia nhỏ bé đang bị
một người láng giềng khổng lồ đe dọa. Dù quan điểm ban đầu của
ông ta ra sao đi nữa, tôi cảm thấy mình đã làm ông ta dễ tiếp nhận
và phóng khoáng hơn. Ông ta có thể thấy rằng James Wong, Harris
Salleh và tôi không phải là tay sai cho thực dân. Ông ta tiếp chúng
tôi với một tác phong lịch sự, đãi chúng tôi một bữa trưa long trọng,
và không phản đối Malaysia.
Sau đó chúng tôi huớng tới Abidjan ở Ivory Coast (Bờ biển Ngà).
Nơi đây tương phản hoàn toàn với Conakry. Tổng thống Houphouet
Boigny, một người Pháp da đen, đã là một Bộ trưởng trong nền Đệ
tứ Cộng hòa Pháp. Lịch sự trong thái độ, tao nhã trong ăn mặc, ông
ta tiếp chúng tôi trong tòa lâu đài tráng lệ tọa lạc trên sườn đồi và
chúng tôi dùng bữa với các món ăn Pháp tuyệt vời và rượu vang hảo
hạng. Ông ta là người Phi chắc chắn, vì có tới hai vợ, cả hai cùng có
mặt trong bữa ăn, họ đều trẻ, rất hấp dẫn và là chị em.
Không cần phải thuyết phục ông ta về trường hợp của chúng tôi.
Ông ta nói rằng những lãnh tụ châu Phi đi theo con đường khác và
trở thành những kẻ chống thực dân và theo cộng sản hoặc theo chủ
nghĩa xã hội rồi sẽ chịu thất bại. Tôi bị ấn tượng bởi chủ nghĩa hiện
thực của ông ta. Ông ta có một Tham mưu trưởng người Pháp.
Những Bộ trưởng của ông ta cũng có những ủy viên người Pháp như
thế. Những người Pháp này ghi chép các thứ và tỏ ra rất hiệu năng.
Tổng thống nhận lời mời viếng thăm Malaysia của Tunku không chút
ngần ngừ. Lúc đó Ivory Coast là một thành viên của Hội đồng bảo
an Liên Hiệp Quốc, đại diện cho khối châu Phi, và vì thế rất có lợi khi
có họ đứng về phe Malaysia.
Kế đó là Accra ở Ghana. Trong số các đại sứ đến đón tôi tại phi
trường có những người thuộc các nước Ivory Coast, Ai Cập và
Algeria. Điều đó khẳng định rằng Algeria hiện ủng hộ chúng tôi.
Ghana, vào thời tôi sưu tập tem thì nước này mang tên Gold Coast
(Bờ biển Vàng), là nước đầu tiên của châu Phi giành được độc lập
(năm 1957). Lãnh tụ của nước này, Kwame Nkrumah, là một người
có tinh thần Liên châu Phi và đã nêu gương cho những người khác
bằng cách lấy một người vợ Ai Cập. Báo chí địa phương gọi ông ta là
Osagyefo, người của thời đại hoặc người dẫn đường, và ông ta có uy
tín là người chống thực dân. Vào ngày tôi đến, tờ Evening News của
Accra viết: “Liên bang Malaysia hiện mang dấu ấn của chủ nghĩa
thực dân mới.” Tờ báo so sánh nó với Liên hiệp Trung Phi đã tan rã
và sự sáp nhập của Aden vào Liên hiệp Nam Ả Rập.
Tôi gặp Nkrumah vào Chủ nhật tại lâu đài Christianborg có từ hồi
thế kỷ 17, một trạm buôn bán nô lệ của người Đan Mạch thời xưa,
sau trở thành chỗ làm việc của chính phủ. Khi tôi tiến vào phòng
làm việc riêng của ông ta, tôi đi giữa những ngọn đèn dầu kiểu Ấn
Độ, những sợi bấc nổi trên những cái tô bằng đồng thau nhỏ xếp dài
hai bên một tấm thảm đỏ. Tôi nhận ra ông ta đang trong một trạng
thái tinh thần kỳ lạ. Ông ta vừa sống sót được sau một cuộc đảo
chính thất bại, nên hơi khép kín và hoang mang. Nhưng ông ta chân
thành và thân thiện đối với tôi, và chúng tôi thảo luận với nhau một
tiếng đồng hồ. Ông ta nói với tôi, và tôi đã tường thuật lại với báo
chí của tôi, rằng: "Nếu các bạn không đi tới, các bạn hẳn sẽ thua vì
bỏ cuộc, vì sai lầm của các bạn.” Hôm sau, báo chí địa phương nói
tới Malaysia với giọng điệu ôn hòa hơn. Bây giờ họ nói rằng rất có
thể, có lẽ một cách vô thức, nó sẽ bị sử dụng cho những mục đích
của chủ nghĩa thực dân mới. Tôi mất cả ngày lái xe vượt 70 dặm tới
đập nước Thượng Volta, do một công ty của Ý xây dựng, và do chính
phủ Anh, Mỹ cùng Ngân hàng thế giới đồng tài trợ. Nhưng sau khi
thăm viếng Conakry và Accra và gặp các lãnh tụ nói về việc phân
phối của cải theo kiểu xã hội chủ nghĩa, tôi tin họ sẽ trở nên nghèo
khổ.
Tại Lagos ở Nigeria, bạn thân của Tunku, Thủ tướng Alhaji Sir
Abubakar Tafawa Balewa, gặp tôi ở phi trường với một đội quân
danh dự. Nghi lễ rặt theo kiểu Anh. Ông ta ủng hộ Malaysia tận tình,
và nhân dân Nigeria cũng biểu lộ sự thân thiện. Tất cả đứng dọc
theo con đường dài 15 dặm tới thành phố, họ vẫy tay và la to những
lời chào mừng. Lagos trông sung túc hơn Accra nhiều. Nhiều công
thự giống hệt như công thự ở Singapore và Malaya. Chắc chúng
theo cùng đồ án của Bộ Công chính Anh. Trên đường ra sân bay rời
nước này, tôi đã có thể nói về sự ủng hộ tinh thần hoàn toàn mà vị
Thủ tướng đã dành cho Malaysia. Nigeria đã phái một đại biểu đặc
biệt đến dự các buổi lễ mừng độc lập ở Kuala Lumpur.
Lusaka nằm ở phía Bắc Rhodesia, sớm được độc lập và đổi tên
thành Zambia. Nó tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên hồi tháng
giêng, chỉ vài tuần trước khi chúng tôi đến. Kenneth Kaunda, Thủ
tướng, đã đi vắng và tiếp tôi là viên phụ tá của ông ta, Kamanga.
Chúng tôi được xếp ở khách sạn Livingstone, một tòa nhà một tầng
thật đẹp, giống một nhà trọ lớn ở một tỉnh lị nước Anh. Các Bộ
trưởng thì thân thiện. Họ biết rất ít về Đông Nam Á nhưng rất vui
khi chúng tôi đến thăm và tìm kiếm sự ủng hộ của họ, và chính phủ
chấp thuận một lời mời đến thăm Malaysia của Tunku.
Sau đó là ở Blantyre, Malawi. Tổng thống là bác sĩ Hastings Banda,
được mọi người gọi là Ngwazi, nghĩa là người được tôn kính như một
con sư tử vì quyền lực và sức mạnh của ông ta. Ông ta đã qua kỳ
thi sát hạch trình độ với tư cách là một bác sĩ khoa nội ở Scotland và
đã vui vẻ thực tập ở đó trong nhiều năm. Ông ta không cần một sự
thuyết phục nào cả; ông kiên quyết chống lại tinh thần bài xích
người da trắng.
Và từ Malawi, trên đường tới Madagascar, hồi đó được gọi là
Malagaay, và đến thủ đô Tananarive, nơi Tổng thống Tsiranana tiếp
chúng tôi với sự nồng nhiệt và lòng mến khách tuyệt vời. Ông ta là
một người thú vị, thẳng thắn và chân thành. Ông ta công khai nói
về mối quan hệ chặt chẽ của nước mình với Pháp. Sau khi nghe tôi,
ông nói: “Nếu như một quốc gia phải bị thuộc địa hóa, thì thà bị
những nước văn minh chiếm làm thuộc địa còn hơn là những nước
kém văn minh.”
Madagascar là một đất nước kỳ lạ, là một đảo ngoài khơi bờ biển
châu Phi, mà dân chúng ở đó một phần là châu Phi và một phần là
Malay hoặc Polynesia. Các điệu múa của họ kết hợp điệu nhảy chân
của người Phi với động tác tay của Malay và Polynesia, và trong
ngôn ngữ của họ có lẫn tiếng Malay. Sau các cuộc thảo luận của
chúng tôi trong văn phòng của ông ta, Tsiranana lấy một túi da từ
trong ngăn kéo và trải ra một lô những viên đá quý lấp lánh, tất cả
được khai thác ở Madagascar. Ông ta mời chúng tôi mỗi người chọn
một viên. Tôi lấy một viên màu xanh nước biển cho Choo. Những
thành viên khác của phái đoàn mỗi người đều có một sở thích khác
nhau. Ông ta tìm được niềm vui lớn trong việc nhìn vẻ rạng rỡ trên
khuôn mặt chúng tôi khi chọn các viên ngọc.
Dar–es–Salaamm ở Tanganyika, sau đổi thành Tanzania thì khác
hẳn. Julius Nyerere là người công giáo, một người theo chủ nghĩa
nhân văn và chủ nghĩa xã hội, và ông thể hiện sự ủng hộ Malaysia
qua cách nói thẳng thắn. Từ lần gặp đầu tiên, tôi đã thích ông ta vì
cách ăn mặc, cử chỉ và lối sống giản dị. Ông mời tôi ở trong dinh
Tổng thống, trước kia dành cho viên thống sứ Anh và trước Thế
chiến thứ nhất là chỗ ở của quan cai trị người Đức. Riêng ông ta thì
thích sống trong một ngôi nhà nhỏ gần đó. Ông ta mời các Bộ
trưởng Ấn Độ đến dùng cơm, nêu rõ quan điểm rằng, không như các
quốc gia Đông Phi khác, ông ta có một chỗ dành cho họ ở
Tanganyika. Nhưng tiếc thay, tinh thần Fabian và xu hướng tập
quyền của ông ta, xuất phát chủ yếu từ các cuộc thảo luận với các
lãnh tụ chống thực dân khác và những người theo chủ nghĩa xã hội
Anh có thiện chí mà ông ta gặp ở Anh, đã khiến cho đất nước của
ông ta rơi vào đói nghèo một cách không cần thiết.
Khi tôi đến Kampala ở Uganda, Thủ tướng Milton Obote đi vắng và
tôi được các Bộ trưởng đón tiếp. Họ thân thiện và hiểu biết, một
phần nhờ bởi những quan hệ trong Khối thịnh vượng chung. Có một
sự căng thẳng nào đó giữa chính phủ và Kabaka của Buganda, hay
“Vua Freddie” như ông ta được mọi người gọi như vậy, nhưng dù
Obote đã gặp Tunku trong các hội nghị của Khối thịnh vượng chung
và đã nhìn ông ta một cách sai lầm như một “Vua Freddie” khác, thì
điều đó cũng không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Uganda đối với
Malaysia. Họ đồng tình với Malaysia và không ủng hộ Indonesia.
Chặng dừng kế tiếp, Nairobi, lại quan trọng. Tổng thống Jomo
Kenyatta được mọi người gọi là Mzee, một từ dùng để chỉ sự tôn
kính và sùng bái cao độ dành cho người già. Ông nổi tiếng khắp thế
giới là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã từng bị giam giữ trong
xiềng xích suốt cuộc phiến loạn Mao Mao vào những năm 1950
chống lại chính phủ Anh và những tên thực dân da trắng36. Viên toàn
quyền Malcolm MacDonald, mà tôi đã từng biết khi ông ta là Tổng ủy
viên Anh ở Đông Nam Á, đã tóm lược cho chính phủ Kenya về
Malaysia, và tất cả những gì tôi cần làm là gặp Kenyatta và đạt được
sự tán thành của ông. Thật không may, ông đang ở Mombasa,
khánh thành một nhà máy lọc dầu, nhưng Malcolm MacDonald là
nguời tháo vát, và ông ta thu xếp với chính phủ để có máy bay đưa
tôi tới đó.
Kenyatta đón tôi ở phi trường và chúng tôi cùng ngồi xe đến khách
sạn của tôi qua những đám đông đang la to “Urumbi, Urumbi".
Kenyatta giục tôi cùng hô theo và chỉ ngón trỏ lên trời như họ đã
làm; cử chỉ này, ông giải thích, có nghĩa là “chúng ta hãy hành động
như một dân tộc”. Trong một thông cáo chung, ông nhấn mạnh tình
bạn của Kenya với Malaysia, đón mừng cuộc viếng thăm của phái
đoàn như một bước nhằm củng cố sự hiểu biết lẫn nhau, và cám ơn
tôi vì đã đến Mombasa để gặp ông.
Chặng dừng cuối cùng của tôi là Addis Ababa ở Ethiopia. Sau khi
đến, tôi đi chơi bằng xe vào buổi chiều, dùng bữa trong nhà khách,
và ngủ. Lúc ba giờ sáng, thức dậy tôi cảm thấy thật nặng ở ngực.
Tôi sợ mình bị chứng đau tim. Tôi ngủ chập chờn. Tại bữa điểm tâm,
tôi hỏi vài thành viên khác trong đoàn xem có ai trải qua trạng thái
kỳ lạ này không. Không ai bị cả. Tôi ước gì chúng tôi mang theo một
bác sĩ. Khi nhóm còn lại từ một khách sạn khác trong thành phố
đến, tôi thật an tâm khi thấy vài người trong số họ cũng trải qua
cảm giác như tôi. Đó là bệnh ở vùng núi. Addis Ababa cách mực
nước biển gần 3.000 mét.
Để được hoàng đế Haile Selassie tiếp kiến, tôi phải đi qua hai con
báo được xiềng vào cột hai bên ông ta. Đó là một hình ảnh của Vua
Salomon trong kinh thánh, có điều là vua Haile Selassie mặc một bộ
quân phục kiểu Anh. Ông ta lắng nghe và dứt khoát ủng hộ
Malaysia. Nhưng nước của ông ta không phải là một trong những
chế độ cách mạng của châu Phi. Tôi bị chấn động bởi thái độ sợ hãi
và sùng kính của dân chúng trên đường khi xe tôi đi ngang với lá cờ
đang tung bay. Họ giở nón và cúi đầu thật thấp. Lá cờ biểu trưng
cho quyền lực, dù nó tung bay vì hoàng đế, vì khách của ông ta hay
vì các viên chức của ông ta, và họ biết thân phận thấp hèn của họ
dưới đáy xã hội. Trái với những dinh thự đẹp đẽ chung quanh, họ
trông tiều tụy và nghèo khổ. Tôi quy tất cả những điều này cho chế
độ phong kiến lỗi thời đã bần cùng hóa người nông dân và dành của
cải cho tầng lớp quý tộc. Tôi không cảm thấy lạc quan cho tương lai
của đất nuớc này.
Từ Addis Ababa tôi bay tới Aden để tiếp nhiên liệu trước khi tới
New Delhi. Aden đang khổ sở vì cuộc nội chiến, khi người Anh chuẩn
bị rút lui. Các biện pháp an ninh rất nghiêm ngặt quanh phi trường,
với những dây thép gai và lính đứng gác ở những vị trí trọng yếu, và
qua việc nói chuyện với các sỹ quan không quân hoàng gia Anh
trong khi đợi ở đó, tôi có thể cảm giác được một tình trạng khẩn cấp.
Ở Delhi tôi giật mình khi thấy Nehru già đi nhiều so với lúc tôi gặp
ông lần đầu vào tháng 4/1962. Ông ta trông mệt mỏi và khó tập
trung tư tưởng. Cuộc chiến tranh biên giới tháng 12/1962 giữa quân
đội Ấn Độ và Trung Quốc bên kia Hymalaya gần Ladakh đã là một
thảm họa. Nó đã phá hủy tất cả những gì ông đã hy vọng và chiến
đấu để giành lấy. Ông cũng đã giới thiệu Chu Ân Lai với các lãnh tụ
Á Phi ở Hội nghị Bandung năm 195537 để báo trước một thời kỳ mới
của tình đoàn kết Á Phi. Giấc mơ của ông đã biến thành tro bụi. Tôi
cảm thông với ông. Ông đã mất đi sức sống và tinh thần lạc quan
của mình. Các Bộ trưởng và viên chức của ông tiếp chúng tôi với sự
nồng nhiệt và lòng mến khách, và các phái đoàn của họ ở châu Phi
thật hữu ích.
Điểm dừng kế tiếp của tôi là Kuala Lumpur chứ không phải
Singapore, vì tôi còn phải báo cáo cho Tunku. Ông ta hài lòng vì thấy
tôi đã ngăn chặn và đánh trả được sự tuyên truyền của Sukarno
trên mặt trận Á Phi, và cuộc họp báo của tôi được phát đầy đủ trên
đài truyền hình Kuala Lumpur. Tôi nói rằng Indonesia đã có kinh
nghiệm lâu năm trong bang giao quốc tế và vượt xa người Malaysia
chúng tôi về lĩnh vực này. Họ đã phát triển được các kỹ năng tuyên
truyền; họ biết sự nhạy cảm và dễ lĩnh hội của các lãnh tụ châu Phi,
những người không ưa các căn cứ ngoại quốc. Vấn đề là ở chỗ hình
ảnh quốc tế của Sukarno, được đánh giá qua thuật hùng biện của
ông ta, có vẻ là một nhà cách mạng chống chủ nghĩa thực dân nhiệt
tình, trong khi Tunku, trái lại, là một người rụt rè, ôn hòa của
phương Tây. Indonesia đã xuyên tạc thái độ hòa nhã của ông ta là
thái độ của một tay sai của Anh.
Trong trạng thái phấn kích, Tunku đã tha thứ cho tôi vì những
tuyên bố bất phục tùng của tôi trong cuộc bầu cử, và đề nghị rằng
tôi nên đến New York và Washington để thuyết phục người Mỹ như
tôi đã thuyết phục người Phi. Tôi có thể lên đường ngay lập tức sau
khi đã nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, 27/2, tôi bay về Singapore trong sự
tiếp đón nồng nhiệt của hàng nghìn người tại phi trường. James
Wong, người đã về Sarawak sau khi chia tay tôi ở Dar–es–Salaam,
trong lúc ghé lại Singapore trên đường về đã mô tả chuyến công cán
của chúng tôi là một thành công rực rỡ: “Chúng tôi đã giành được
sự hiểu biết, đồng tình và ủng hộ tinh thần của tất cả các nguyên
thủ và Bộ trưởng những nước châu Phi mà chúng tôi đã gặp gỡ.” Khi
tôi lái xe về nhà cùng Choo và ba đứa trẻ trên xe, đám đông vẫy
theo tôi suốt đoạn đường. Đó là một chuyến đi mệt mỏi, nhưng đã là
một phần vô giá trong kinh nghiệm chính trị của tôi. Trước tiên tôi
hiểu thêm được về Ả Rập và các dân tộc châu Phi, và hiểu trở lực gì
mà các nước châu Phi phải khắc phục để giáo dục các bộ tộc của họ
và phát triển nền kinh tế thường phiến diện của họ.
Qua chuyến đi dài 35 ngày qua 17 thủ đô châu Phi, tôi đã được các
đại sứ Anh chuyên nghiệp giúp đỡ. Các nhà ngoại giao của họ đều
thạo tin, thích nghi tốt với các chính phủ chủ nhà, biết kín đáo hay
lộ diện khi tình hình đòi hỏi. Tại mỗi điểm dừng, tôi đều được nghe
họ trình bày tóm tắt về tình hình đất nước đó, chân dung thu nhỏ
của các Bộ trưởng mà tôi muốn gặp, và một mô tả về cơ cấu chính
quyền. Những bản tóm tắt luôn luôn rất tốt. Năng lực của các nhà
ngoại giao Anh rất cao. Còn việc họ có mang những lợi ích kinh tế
về cho người Anh hay không là một vấn đề khác.
Một trong những hồi ức khó quên nhất của tôi là Dinh Chính phủ ở
Lusaka, nơi tôi lưu lại với tư cách là khách của viên thống sứ Anh
cuối cùng của Bắc Rhodesia, ngài Evelyn Hone. Nó được trang hoàng
đẹp và được chăm sóc tốt, nhưng không xa hoa. Các dụng cụ vệ
sinh, xà bông, khăn tắm, dao kéo, đồ sứ đều giống như những thứ
mà tôi thấy trong các dinh chính phủ Anh ở Singapore, Sarawak và
Bắc Borneo. Tất cả chúng là một phần của một hệ thống được điều
hành tốt. Tôi tự hỏi viên thống sứ sẽ sống một cuộc đời như thế nào
ở Anh một khi ông ta rời khỏi chức vụ và không còn đoàn gia nhân
đồng phục. Ông ta thực hiện vai trò ông chủ tiếp khách với vẻ tao
nhã, lịch lãm. Từ cửa sổ phòng khách của ông ta, tôi thích thú nhìn
bọn hươu nai, linh dương, hoẵng, công, sếu, các động vật và chim
chóc châu Phi nhởn nhơ trong vườn. Dinh Chính phủ giống như một
tòa lâu đài miền quê của Anh tọa lạc trên cao nguyên châu Phi, càng
giống nước Anh cổ càng tốt để làm dịu nỗi nhớ nhà của các viên
thống sứ.
Tôi đã có dịp trở lại Lusaka năm 1970 để dự Hội nghị không liên
kết, và một lần nữa vào năm 1979 để dự Hội nghị Khối thịnh vượng
chung. Mỗi lần lại là một kinh nghiệm buồn bã. Tôi nhớ lại những
bông hoa, bụi rậm, hàng cây, bụi cỏ bên vệ đường và ở mỗi vòng
xoay khi tôi ngồi xe từ phi trường vào đây hồi năm 1964. Hoa hồng
mọc rất nhiều. Sáu năm sau hoa hồng đã biến mất, và cỏ dại mọc
đầy. Chín năm sau nữa, ngay cả cỏ dại cũng không còn, những vòng
xoay được tráng nhựa. Và trong Dinh Chính phủ, giờ thành nhà nghỉ
của Tổng thống, hình như chim và thú cũng ít đi. Tôi tự hỏi tại sao.
Tôi đã nhận được một bài học không thể quên được về vấn đề giải
thực, về tầm quan trọng sống còn của việc có được một chính phủ
hiệu năng và hợp lòng dân, nhất là tại châu Phi này, để tiếp nhận
quyền lực từ guồng máy cai trị thực dân. Khi nhà lãnh đạo không
giữ nổi tính thống nhất của đất nước bằng cách chia sẻ quyền lực
với những lãnh đạo các sắc dân thiểu số, mà lại tìm cách loại bỏ họ
đi, thì hệ thống chính quyền sẽ mau chóng sụp đổ. Tệ hơn nữa, khi
các chính sách lạc hướng dựa trên sự hiểu biết hời hợt về chủ nghĩa
xã hội và về các lý thuyết tái phân phối lợi tức đi kèm với một chính
phủ kém hiệu năng, thì các cộng đồng trước đây đã được chính
quyền thực dân nối kết lại sẽ tan rã, kéo theo những hậu quả tai hại
khôn lường.
35
MẠO HIỂM VÀO LỤC ĐỊA MALAY
Ngày chuẩn bị đi châu Phi, tôi đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp
Ủy ban Phối hợp Quảng bá và Tuyên truyền của PAP, mà tôi là chủ
tịch, để thảo luận về việc chúng tôi có thể bảo vệ quyền lợi của
Singapore ở Kuala Lumpur như thế nào. Sự phát triển kinh tế của
chúng tôi không thể bị coi như vật làm tin cho những định kiến
chính trị của Tan Siew Sin, Bộ trưởng Tài chính Malaysia. Tôi muốn
Ủy ban cân nhắc “…sự thuận lợi cho việc can dự của PAP vào cuộc
bầu cử sắp tới ở Malaysia của PAP” bằng việc đưa ra một số ứng
viên hình thức. Họ chỉ quyết định sau khi tôi trở về.
Tuy nhiên khi tôi đang ở châu Phi, Raja, Chin Chye và Pang Boon –
ba Bộ trưởng Singapore trưởng thành ở Malaya – đã thuyết phục ủy
ban chấp hành trung ương PAP tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử
Malaysia. Ngay hôm sau ngày tôi về tới, báo chí tường thuật rằng
cuộc bầu cử sẽ tổ chức vào tháng 4. Ngay lập tức Chin Chye tuyên
bố rằng PAP sẽ đưa ra một số ít ứng viên. Ông ta thêm rằng không
hề có ý định chống lại chính quyền trung ương hay UMNO, và mục
đích của PAP sẽ là hợp tác với họ để khiến Liên bang Malaysia phát
triển tốt.
Keng Swee cực lực chống lại mọi sự tham gia có tính hình thức,
ông ta tin rằng như thế sẽ làm hỏng mối quan hệ giữa Kuala Lumpur
và Singapore, đồng thời gây hại cho những kế hoạch của ông ta
nhằm công nghiệp hóa Singapore trong lòng Liên bang. Tôi cũng có
những ý kiến riêng của tôi, nhưng từ khi Tunku phá vỡ sự cam đoan
bằng miệng của ông ta với tôi là không can thiệp vào các cuộc bầu
cử của Singapore, tôi thấy mình không còn bị ràng buộc phải giữ
cam đoan và đồng ý với quyết nghị của ủy ban chấp hành trung
ương.
UMNO đã phản ứng gay gắt và tức thì. Khir Johari, Bộ trưởng Nông
nghiệp và là kẻ thân tín của Tunku, kẻ đã được yêu cầu lo việc củng
cố lại UMNO ở Singapore, đã tuyên bố UMNO sẵn sàng chiến đấu với
PAP vì khác biệt trong ý thức hệ: PAP nói rằng nó phi cộng sản trong
khi UMNO xác định rõ là chống cộng sản. Phản ứng của Tan Siew Sin
rất giận dữ. Đối với ông ta, đây là một sự thách thức đối với đảng
MCA về vấn đề ai sẽ đại diện cho người Hoa trong Liên bang. Chin
Chye nói lý do chính cho việc tranh cử là đấu tranh với những đảng
phái bài-Malaysia, nhưng đảng Liên hiệp (mà MCA là một thành viên
trong đó) lại có cùng mục đích, vì thế sự tham gia của PAP sẽ chỉ
làm phân hóa số phiếu ủng hộ Malaysia.
Tôi vẫn im lặng. Tôi đang chuẩn bị đi New York và chỉ trở về đúng
kỳ bầu cử, nhưng Tunku không bằng lòng. Sau vài ngày, ông ta nói
sẽ là “bất nhất về chính trị” khi để PAP đại diện cho Malaysia ở Mỹ
trong khi nó đang cạnh tranh với Đảng Liên hiệp trong cuộc bầu cử.
Ông ta bài bác quan điểm của chúng tôi vốn cho rằng việc đưa ra
vài ứng viên hình thức không nhằm chống lại UMNO, mà chống lại
MCA, như một cách ngụy biện. PAP đang cố hất cẳng MCA và muốn
đứng ngang hàng với UMNO, ông ta nói, “nhưng chúng tôi không
cần họ”. Tôi biết điều đó, nhưng tôi tin rằng ông ta sẽ phải thay đổi
ý nghĩ khi ông ta thấy rằng chính PAP, chứ không phải MCA, sẽ có
được sự ủng hộ của các cử tri thành thị. Tôi nói rằng sự lãnh đạo
dân Malay hiện nay của Tunku và UMNO là quan trọng đối với
Malaysia, nhưng MCA thì có thể thay thế được. Ác cảm của dân
thành phố đối với nó đã đạt tới một mức độ khiến Mặt trận Xã hội
chủ nghĩa Malay, tuy rằng có mối liên hệ rõ rệt với cộng sản, vẫn có
thể thắng lợi trong một số khu vực bầu cử, nơi không có cách nào
để ghi nhận được một lá phiếu phản đối chống lại nó.
Bản tuyên ngôn tranh cử của PAP có hai mục tiêu: thứ nhất, tham
gia xây dựng một Malaysia xã hội chủ nghĩa và dân chủ hợp nhất
dựa vào những nguyên lý công bằng xã hội và phi cộng sản, và thứ
hai, bảo đảm rằng Mặt trận Xã hội chủ nghĩa không thủ lợi được từ
những lá phiếu chống lại MCA. Chúng tôi chỉ đưa ra 11 ứng viên có
tiềm năng vượt trội về mặt chính trị, là những công dân liên bang
sinh tại Malaya nhưng từng làm việc ở Singapore, và cộng tác lâu
năm với PAP. Người được biết tới nhiều nhất là Devan Nair, người mà
tôi đã đi cùng để đến khu vực Bungsar của ông ta thuộc vùng ngoại
ô Kuala Lumpur vào ngày công bố danh sách ứng cử. PAP đã rút tên
hai ứng viên ở Johor khi chúng tôi thấy mình phải đương đầu với
UMNO chứ không phải các ứng viên MCA, nhưng điều này không xoa
dịu được các lãnh tụ Malay – chúng tôi vẫn đang thách thức những
người bạn Hoa đáng tin cậy của họ, và họ không muốn có mặt
chúng tôi. Tôi nghĩ là mình đã hiểu được họ, nhưng thực tế thì
không. Tôi không hiểu rằng sự bất bình của họ là vấn đề nền tảng;
họ không muốn người Hoa được đại diện bởi một bộ phận lãnh đạo
mạnh mẽ đã ủng hộ một cách tiếp cận đa chủng tộc hoặc không
phân biệt chủng tộc vào nền chính trị và sức lôi cuốn của nó không
bị giới hạn chỉ trong cộng đồng người Hoa.
Lúc bắt đầu chiến dịch, đêm 22/3, một đám đông khổng lồ xuất
hiện lắng nghe chúng tôi tại Suleiman ở Kuala Lumpur, tràn ngập cả
quảng trường và con đường phía bên kia. Sự kích động do PAP gây
ra thật dữ dội. Tôi nhấn mạnh trong bài diễn văn của mình rằng nếu
đắc cử, chín ứng viên PAP của chúng tôi sẽ thúc đẩy một cuộc cách
mạng xã hội nhiều hơn cả ý nghĩa số học của chúng. “Nếu các bạn
biểu lộ rõ ràng rằng bạn đang ủng hộ một đảng trung thực với một
chính sách kinh tế và xã hội năng động, thì trào lưu đổi mới sẽ bắt
đầu quét khắp Malaysia,” tôi nói, mượn thành ngữ nổi tiếng của
Harold Macmillan. Tôi nói thêm rằng nếu các lãnh tụ UMNO muốn có
sự ủng hộ của các cử tri thành thị, họ sẽ phải điều chỉnh các chính
sách của họ nhằm lưu tâm hơn đến nguyện vọng của nhân dân.
Razak trả đũa rằng trào lưu đổi mới “khủng khiếp” đó đã quét khắp
Malaya và dân chúng có thể tự họ nhìn thấy sự tiến bộ xã hội.
Trong một tháng vận động, tôi chạy xe hơi khắp Malaya tới các
thành phố chúng tôi có ứng viên: Penang, Kuala Lumpur, Seremban,
Malacca và Kluang; và nơi nào chúng tôi cũng tổ chức mít-tinh, tập
hợp được những đám đông khổng lồ. Họ muốn thấy và nghe chúng
tôi. Mỗi lần như thế họ đều hoan hô chúng tôi. Họ đã từng nghe, đọc
và có khi chứng kiến được những gì chúng tôi đã làm ở Singapore và
có vẻ như thiết tha muốn chúng tôi cũng làm như vậy cho họ ở
Malaya.
Như để nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai bên, tôi nói bằng tiếng
Malacca về Keng Swee và Tan Siew Sin, cả hai đều sinh ở Malacca:
“Họ có cùng tổ tiên, nhưng sự giống nhau đến đó là chấm dứt.” Với
tư cách là Bộ trưởng Tài chính Singapore, Keng Swee đã theo đuổi
những chính sách dẫn đến những thặng dư tài chính, phản ánh quá
khứ cần kiệm và khắc khổ của ông ta. Ông ta là một giảng viên kinh
tế và một người hoạt động xã hội. Ngược lại, Tan đã thừa hưởng của
cải của gia đình và là một triệu phú. Là giám đốc của nhiều công ty,
ông ta điều hành Bộ Tài chính như thể nó là một trong những công
ty ấy – thận trọng và tiết kiệm để đem lại cổ tức tốt nhất cho các
giám đốc. Ông ta được sinh ra trong một gia đình giàu có, dễ dàng
đạt vị trí chính trị cao nhờ vào danh tiếng của người cha. Ông ta đại
diện cho khu vực bầu cử Malacca Tengah, một vùng nông thôn
Malay, và vì thế ông ta thấy sẽ không cần thiết phải học nói và viết
tiếng Hoa. Thế nhưng, ông ta lại đòi lãnh đạo người Hoa ở Malaysia.
Tan Siew Sin giận dữ, nhưng Tunku đã cứu nguy cho ông ta.
Thành hay bại, UMNO vẫn đứng cạnh MCA, thậm chí nếu chỉ còn
một người trong bọn họ còn lại, ông ta cũng không bao giờ bỏ rơi
bạn bè – Không như PAP, nắm được chính quyền là nhờ sự giúp đỡ
của cộng sản, rồi sau đó bỏ rơi họ, Tunku nói như thế. Có Tunku hậu
thuẫn, Tan phản công mạnh mẽ bằng lý lẽ. Ông ta công kích rằng
PAP là kẻ dám đâm sau lưng người khác, rằng nguyên tắc đạo đức
và danh dự chẳng có giá trị gì đối với các lãnh tụ của nó, và bản
thân Lee giống như một con tắc kè với quan niệm dân chủ rất đáng
ngờ, chỉ nhìn tình trạng thiếu dân chủ trong PAP là rõ. Ông ta yêu
cầu tôi cung cấp chi tiết để chứng minh luận điệu của tôi là MCA đã
trở nên thối nát, mà điều đó gần như là một sự phỉ báng. Tôi trả lời
rằng tôi sẵn sàng làm như thế nếu như ông ta đồng ý thành lập một
ủy ban điều tra để tiếp tục làm rõ những chi tiết tôi đưa ra. Ông ta
đã không đáp lại.
Trong khi Tunku, Razak và các Bộ trưởng của ông ta đi theo đường
cái, thì Syed Ja’afar Albar đi con đường mòn. Ngày 25/5 ông ta mỉa
mai chất vấn phải chăng tôi ủng hộ việc xóa bỏ ngôi vua và quốc
hữu hóa các nông trường cao su và mỏ thiếc khi tôi nói tới cuộc
cách mạng xã hội. Ông ta nói rằng cũng vì chính quyền quân đội
Anh đã giữ tôi tại chức, nên chính phủ Liên hiệp đã cứu tôi khỏi bị
Barisan loại trừ, nhưng tôi vẫn đối xử với người Malay ở Singapore
như những đứa con riêng và khiến họ phản đối. “Lee Kuan Yew quá
coi thường người Malay đến độ chính phủ của ông ta từ chối bổ
nhiệm bất kỳ người Malay nào vào các cơ quan công quyền ở
Singapore,” ông ta nói thêm. Sau đó ông ta tố cáo tôi vì đã nói,
trong một bài diễn văn bằng tiếng Hoa ở Seremban, rằng Tunku
không phải là một nhà chính trị có năng lực cao, ám chỉ rằng bộ
phận lãnh đạo của ông ta không có khả năng thích hợp. Đó là sự dối
trá hoàn toàn, nhưng Tunku rất tức giận, và phản công lại rằng
trong khi ông ta ủng hộ cách mạng xã hội thì lối giải thích của tôi là
một khái niệm hoàn toàn xa lạ với tinh thần của nhân dân và vì thế
không được họ hoan nghênh.
Tôi trả lời ở Kluang rằng phân nửa các vấn đề của Tunku là do
những bạn bè cũ của ông ta gây ra, nhưng kẻ đã khéo léo và tàn
nhẫn khai thác lòng chung thủy của ông ta đối với họ. Tôi không hề
bôi nhọ ông ta khi nói bằng tiếng Hoa ở Seremban, họ cần phải công
nhận rằng PAP đủ thông minh để biết rằng trình bày hai quan điểm
khác nhau bằng hai thứ tiếng khác nhau sẽ là cách chắc chắn nhất
để làm nó mất uy tín. Nhưng Albar vẫn kết tội tôi là kẻ hai mặt, ông
ta nói thêm: “Đừng nên tin Lee Kuan Yew vì ông ta không hề giữ lời.
Malaya không có chỗ cho những người như Lee Kuan Yew.” Ông ta
nói là đã nhận hàng trăm thư của những người Malay ở Singapore,
trong đó có cả các nhân viên chính phủ, họ phàn nàn về cảnh ngộ
của họ dưới chính quyền của PAP. Đó là một đường lối phân biệt
chủng tộc nham hiểm mà ông ta cứ nhai nhải với thâm ý khiến cho
người Malay căm ghét tôi.
Căn cứ vào phản ứng của quần chúng trong các cuộc mít-tinh lớn,
có vẻ như đó là tháng vận động thành công nhất của PAP. Thậm chí
những người đi vận động bỏ phiếu cũng trở về với những dự báo lạc
quan, vì họ được tiếp đón nồng hậu. Chúng tôi thấy tin chắc mình sẽ
chiếm được sáu đến bảy trong số chín ghế, và tiến hành vận động
dữ dội, tránh công kích UMNO thái quá, tuy rằng họ liên tục tấn
công chúng tôi, nhất là những đợt tấn công của Albar. Trong cuộc
mít-tinh cuối cùng của chúng tôi ở Selangor vào đêm trước ngày bầu
cử, tôi mô tả Malaysia như một con tàu đang hướng tới một vùng
biển không yên tĩnh với Tunku ngồi ở tay lái; những gì mà MCA cần
không phải là những gương mặt mới, mà là những ý tưởng mới.
Kết quả bầu cử, được công bố vào sáng sớm ngày 26/4, như một
cú sốc. Đến 4 giờ sáng, đảng Liên hiệp đã giành được 89 trong số
104 ghế, hơn cả kỳ bầu cử trước. Mỗi thành viên nội các của đảng
Liên hiệp đều tái đắc cử với số phiếu cao hơn. PAP chỉ chiếm được
một ghế duy nhất, đó là của Devan Nair ở Bungsar, và chỉ hơn đối
thủ có 808 phiếu.
PAP đã sai lầm ở chỗ nào?
Trước tiên, chúng tôi không có một đảng bản xứ với các chi bộ và
những lãnh tụ tại Malaya. Chúng tôi đã đem các nhân viên vận động
tranh cử từ Singapore qua, và cho dù một số người hoàn toàn được
sinh ra và lớn lên ở Malaya, họ vẫn không có mối quan hệ với quần
chúng cần có để chiếm được niềm tin của họ. Thứ hai, chúng tôi
không có kinh nghiệm vận động trong Liên bang. Ở Singapore, mọi
thứ là do tự nguyện, và thậm chí biểu ngữ cũng do những người ủng
hộ cho không. Còn ở Malaya mọi thứ đều phải trả bằng tiền mặt, kể
cả cho những người đi dán áp phích và treo biểu ngữ. Kết thúc cuộc
vận động, PAP nợ trên 60.000 đôla, sau khi đã chi xài hết 40.000
đôla tiền quỹ của riêng nó. Thứ ba, việc tham gia hình thức của
chúng tôi không trở thành một lý do tốt để dân chúng chuyển từ
MCA sang PAP. Họ muốn giữ các quan hệ với chính phủ đương quyền
UMNO vốn nắm quyền cấp các thứ giấy phép làm ăn mà họ cần.
Cách để gây ảnh hưởng và thay đổi thói quen bầu cử của họ lẽ ra là
phải đưa ra một đội ngũ ứng viên đông đảo đáng tin cậy, để xứng
đáng với sự ủng hộ của họ cho chúng tôi trong kỳ vọng rằng chúng
tôi sẽ đủ mạnh để đối phó với UMNO. Chúng tôi không hiểu rằng cân
bằng quyền lực là điều quan trọng nhất trong tâm tưởng của các cử
tri thành thị ở Malaya, 75% trong số họ là người Hoa hoặc người Ấn
và chỉ có 26% là người Malay.
Liệu việc PAP tham gia bầu cử có khiến cho mối quan hệ giữa
Kuala Lumpur và Singapore trở nên tồi tệ hơn không? Có, nhưng nó
không quan trọng so với nguyên nhân chính của sự xung đột và
chia rẽ sau này – đó là quyết tâm của UMNO muốn duy trì ưu thế
tuyệt đối của người Malay.
Sau khi chúng tôi thất bại, quan hệ của chúng tôi với các Bộ
trưởng UMNO không hề trở nên quá tồi tệ, nhưng họ không thể giữ
thái độ ôn hòa mãi vì sự bất đồng cơ bản này giữa hai bên. Họ muốn
chúng tôi tự hạn chế trong vòng các cử tri người Hoa thôi và ngưng
thu hút các cử tri người Malay. Họ sẽ không tha thứ bất cứ sự thách
thức nào đối với nền tảng chính trị Malay mà họ đang nắm giữ. Toàn
thể cử tri Malay nằm ngoài phạm vi các đảng phái không phải của
người Malay, như PAP chẳng hạn. MCA đã chấp nhận sự giới hạn đó,
nhưng chúng tôi thì không.
Nhìn lại, tôi tin rằng mọi sự hẳn sẽ tồi tệ hơn cho Singapore nếu
chúng tôi hoãn việc tham dự vào các cuộc bầu cử tại Malaysia cho
đến cuộc bầu cử kế tiếp vào năm 1969. Những xung khắc tương tự
với UMNO sẽ xảy ra, nhưng nếu cuộc chiến Đối đầu kết thúc, ảnh
hưởng kiềm hãm của người Anh hẳn sẽ giảm bớt, vì người ta không
còn cần đến binh lính của họ nữa, và các lãnh tụ Malay thậm chí sẽ
ít bị cản trở hơn trong việc đối phó với PAP.
UMNO hào hứng vì chiến thắng, MCA vững dạ, và rắc rối dồn về
cho PAP. Nhằm bộc lộ sự bực bội của đảng Liên hiệp đối với chúng
tôi, chủ tịch hạ viện – có lẽ sau khi đã thỉnh thị Tunku, vì ông ta là
một dân biểu của UMNO – chuyển chỗ ngồi của 5 thành viên PAP đại
diện cho Singapore trong nghị viện lien bang từ hàng ghế bên phía
chính phủ sang hàng ghế của phe đối lập để ngồi cùng với 7 dân
biểu PAP khác đã ở sẵn đó. Giữa những việc khác, có vẻ như mối lo
ngại của Keng Swee về những kế hoạch công nghiệp hóa của chúng
tôi sẽ bị chính phủ Liên hiệp hủy bỏ là có căn cứ vững chắc.
Ngày 17/4, trong buổi nói chuyện tại Singapore với bốn phòng
thương mại tại một bữa trưa để chiêu đãi tôi sau chuyến công du
châu Phi, tôi đã đưa ra một lý do hợp lý cho việc tại sao chúng tôi
phải ra tranh cử trong cuộc bầu cử của liên bang: “Chừng nào mà
MCA tin rằng họ có thể phục hồi thế mạnh ở Singapore bằng cách sử
dụng thế lực cấp bộ của họ trong chính phủ liên bang, họ sẽ bị hút
dần tới chỗ gây trở ngại hoặc can thiệp vào Singapore,” và điều đó
chắc chắn sẽ dẫn đến tái diễn mối xung đột gay gắt vốn đã làm
hỏng những cuộc đàm phán về tài chính khi tiến hành hợp nhất.
Cho đến giữa tháng 7, mọi việc vẫn tạm ổn. Đột nhiên, Tan Siew
Sin thể hiện lòng cao thượng sau chiến thắng bằng việc mời tôi dùng
một bữa tối theo kiểu Tàu tại nhà nghỉ Chính phủ lien bang tại
Frasser’s Hill. Tôi sẵn sàng nhận lời. Ông ta thật lịch sự, phấn khởi
và tự tin. Quan hệ cá nhân của chúng tôi không hề xấu tới mức
chúng tôi không thể thân mật và thoải mái với nhau, và tôi quyết
định giữ mối quan hệ này bền vững. Bố ông ta đã từng rất tốt với
tôi.
Bi kịch của Tan cũng là bi kịch của cả một thế hệ người Hoa sinh
tại Malacca. Họ không hiểu rằng luật chơi tại một Malaya độc lập –
sau là Malaysia – là khác hẳn những gì họ đã quen thuộc dưới thời
người Anh. Người Malay hiện là những kẻ cai trị. Họ cảm thấy bất an
vì họ tin họ không thể cạnh tranh bình đẳng với người Hoa và người
Ấn. Vì thế họ quyết định củng cố quyền lực đang nắm được bất chấp
có công bằng hay không đối với các chủng tộc khác, và người Hoa
và người Ấn càng cố chiếm đủ không gian sinh tồn cho chính họ bao
nhiêu, thì người Malay càng thấy đó như một thách thức đối với vị trí
thống trị của họ bấy nhiêu, và họ càng thấy bất an hơn. Tan hoàn
toàn không nhạy cảm với điều đó, như hầu hết những người Hoa
sinh tại Malacca. Trái lại, giới thương nhân nói tiếng Hoa nhanh
chóng nhận ra mối nguy hiểm trong tình hình mới này. Họ đã bắt
đầu cảm thấy áp lực, xuất phát từ cảm giác bất an hơn là từ một
khao khát nào đó muốn tiêu diệt nền văn hóa của người Hoa, các
lãnh tụ Malay đang áp đặt một chính sách giáo dục được trù tính để
thúc ép và giảm thiểu việc học tiếng Hoa và việc truyền bá văn hóa
Trung Quốc thông qua các trường Hoa của họ.
Người Ấn ở Malaysia, như anh em của Raja ở Serembang, cũng
bồn chồn như thế về tương lai bởi vì tiếng Anh đang bị thay thế dần
bằng tiếng Malay. Họ biết mình là khối thiểu số và chẳng có cơ hội
đạt được quyền lực, và sẵn sàng vui lòng hòa hợp với bất kỳ phe
nhóm nào chấp nhận cho họ có chỗ sống còn và tiến thân, nhưng
họ cũng sợ hãi trước những đổi thay có thể tước đi khỏi tay con cái
họ một nền giáo dục tốt và những triển vọng công bằng. Họ đang
mất dần thế độc quyền làm việc trong ngành đường sắt Malaya khi
ngày càng có nhiều người Malay được tuyển vào ngành. Tệ hơn nữa,
theo thời gian, các đồn điền cao su lớn của những công ty Anh dần
được bán lại cho nhà nước. Một số rất lớn các công nhân cao su
người Ấn sống nhờ vào những đồn điền này và đã có được những
trường dạy tiếng Tamil cho con cháu mình, nay hầu như không được
chuẩn bị để tìm việc làm trong những ngành khác. Họ rồi cũng trở
thành một vấn nạn.
Với người Malay cũng vậy, đã có những thay đổi chính trị và kinh
tế đáng lo ngại làm tăng cảm giác bất an của họ. Lần đầu tiên trong
đời, Tunku phải bào chữa cho mình trong nghị viện vì đã tăng lương
10% cho các viên chức ngoại quốc làm việc tại Malaysia. Không chỉ
các dân biểu của PAP và Mặt trận xã hội chủ nghĩa là công kích ông
ta, mà cả Liên hiệp các nghiệp đoàn nhân viên ngành dịch vụ công
cộng và dân sự vụ, cùng các quan chức chính phủ thâm niên tại
Malaya cũng học được kinh nghiệm ở Singapore và lên tiếng chống
đối. Một tuần sau, chính phủ phải nhượng bộ. Một tuyên bố được
đưa ra sau một phiên họp nội các nói rằng chính phủ đã không tiên
liệu những ảnh hưởng gián tiếp nghiêm trọng đối với ngành dân sự
vụ và bày tỏ hối tiếc vì mọi bất tiện đã xảy ra. Nền chính trị thong
dong của Malaya đã bắt đầu sôi nổi gay gắt hơn, với PAP trong vai
trò du nhập các tiêu chuẩn Singapore vào những cuộc tranh luận
công khai tại Malaysia.
Sự ủng hộ tăng mạnh của cử tri dành cho Tunku đã đưa tới một
phản ứng gay gắt từ phía Sukarno. Sau một cuộc họp sáu giờ với
Tổng thống, Subandrio đã ra những chỉ thị để tiến hành một chiến
dịch “Bóp nát Malaysia” trên mọi lĩnh vực. Tháng 6, Tunku gặp gỡ
Sukarno và Macapagal tại Tokyo. Cuộc gặp gỡ thất bại khi Sukarno
cứ lặp đi lặp lại rằng: “Tôi đã nói cả nghìn lần rằng tôi không thể
chấp nhận Malaysia. Tôi nói cả nghìn lần rằng đây (Malaysia) là một
màn kịch của Anh. Nó phải bị bóp nát.’’ Thủ tướng Úc Robert Menzies
đã phản bác lời đe dọa này và tái khẳng định sự ủng hộ của Úc dành
cho Malaysia. Đến ngày 26/6, Tổng thống Johnson nói rằng Mỹ luôn
đứng bên cạnh ANZUS, khối liên minh phòng thủ Úc, New Zealand
và Mỹ. Mỹ sẽ can dự vào cuộc tranh luận về Malaysia nếu hai đồng
minh trong khối gặp khó khăn. Cuộc chiến Đối đầu có thể bị giới hạn
lại.
Nhưng chúng tôi còn có nhiều lý do để lo lắng về Albar. Chúng tôi
không biết ông ta đã hoạch định điều gì, và chỉ biết được vào ngày
thánh đản của Đấng tiên tri Mohammed.
36
ALBAR DẤY LÊN LÒNG HẰN THÙ CỦA NGƯỜI
MALAY
Syed Ja’afar Albar là chuyên gia phá hôi của các nhà lãnh đạo
UMNO có óc thù địch với Singapore. Ông ta là người Ả Rập gốc
Indonesia, nhỏ con, hói, gương mặt tròn đầy nghị lực, râu rậm và
một giọng nói sang sảng. Vào đầu thập niên 1950, ông ta trông có
vẻ hữu nghị. Hồi tháng 2/1955, lúc tôi tiễn Thủ tướng Malaysia
xuống tàu đến Anh dự Hội nghị Lập hiến, Albar thúc tôi đứng sát vào
hơn để chụp ảnh đăng báo, và nói bằng tiếng Malay là “tranh thủ tối
đa”. Ông ta là một bậc thầy chuyên kích động quần chúng, và sau
này tôi biết thêm, ông ta bạo tay và không từ một thủ đoạn nào.
Tiếng Anh của ông ta chưa đủ để nói trước công chúng, nhưng tiếng
Malay của ông ta thì tuyệt vời, với khả năng diễn đạt rất dễ gây ấn
tượng. Ông ta đâu có cần được đăng trên báo chí tiếng Anh, vốn sau
này sẽ mô tả ông ta như một tay kỳ thị chủng tộc đối với người nói
tiếng Anh không chỉ ở Malaysia mà còn cả ở tầm quốc tế nữa. Ông
ta nhắm vào báo giới Malay, và những bài viết gay gắt nhất của ông
ta là dành cho họ, nhất là tờ Utusan Melayu vốn được in bằng tiếng
Jawi (mẫu tự Ả Rập) mà người Hoa, người Ấn, người Anh và những
người châu Âu khác không đọc được. Tờ Utusan đã bị UMNO mua, và
đó là vũ khí mà Albar chọn để làm những bài diễn văn của ông ta
tác động mạnh hơn.
Albar và báo chí Malay liên tiếp lặp lại điều bịa đặt rằng tôi đã coi
Tunku là nhà lãnh đạo kém cỏi. Giờ đây họ còn dựng lên một chiến
dịch kích động sự bất bình của người Malay trong một số vấn đề,
thật có mà giả cũng có, dựa trên sự kiện rằng họ là những người
kém thành công nhất và nghèo khó nhất trong số các cộng đồng tại
Singapore. Sự thật thì người Malay chưa bao giờ bị chính phủ PAP kỳ
thị cả. Trái lại, họ còn được hưởng giáo dục miễn phí, điều mà các
trẻ em thuộc các sắc tộc khác chưa được hưởng, và mặc dù không
có chuyện hạn định về lượng giấy phép tắc xi hay bán hàng rong
cho người Malay như ở nội địa Malaya, chúng tôi cũng phải bảo đảm
là luôn luôn có những cửa hàng hay quán sạp của người Malay để
phục vụ cho đồng bào của họ ở khu lân cận trụ sở Ủy ban Gia cư và
Phát triển. Ấy thế mà vào ngày 13/5/1964, tờ Utusan lại tường
thuật rằng đã có sự xôn xao và bất an trong số những người Malay
về chuyện phân bổ các gian hàng tại chợ mới Geylang Serai, và vào
tháng 6, họ còn tuyên bố rằng chính sách của PAP về các trường
học đã khiến nền giáo dục của người Malay bị thoái hóa.
Cuộc công kích của Albar khởi sự vào ngày 21/9/1963, ngay sau
cuộc tổng tuyển cử của Singapore, lúc UMNO tại Singapore kết tội
các thành viên của PAP là đã khủng bố người Malay tại Geylang
Serai ở vùng đông của hòn đảo này qua việc ném pháo vào nhà dân
chúng sau khi PAP thắng trong ba đơn vị bầu cử của người Malay.
Lúc ấy tôi không nhận ra đó là một phần của một chiến dịch. Nếu
các ủng hộ viên của chúng tôi có ném pháo, tôi sẽ xin lỗi, và tôi đã
làm như vậy trên đài truyền hình. Qua điều tra, những lời cáo buộc
đó hóa ra là vô căn cứ. Nhưng bất kể sự thật đó, các lãnh đạo UMNO
đã có thể kích động được công chúng, đủ khiến cho họ đốt hình nộm
của tôi một tuần sau đó.
Sau đó còn nhiều trò bóp méo nữa. Chẳng hạn, sau khi Chin Chye
tuyên bố vào ngày 1/3/1964 rằng PAP sẽ tham gia vào cuộc tuyển
cử liên bang, tờ Utusan liền chạy hàng tít: “1.500 người Malay bị đe
dọa mất chỗ ở.” Thực tế ra là miếng đất mà họ bị yêu cầu phải trả lại
là tài sản tư nhân. Chủ đất có quyền chính đáng để ra thông báo đòi
họ dọn đi, và ông ta sẽ phải thương lượng với những người mướn và
bồi thường cho họ. Chuyện đó chẳng dính gì tới chính phủ Singapore
cả. Tờ Utusan đã vờ như không biết chuyện này, và vào ngày 28/5,
họ lại tung tin rằng 3.000 người Malay bị đe dọa mất chỗ ở của họ
tại Crawford, Rochor và Kampong Glam. Tôi đã đến thăm ba đơn vị
bầu cử này và nói với dân chúng rằng những giấy báo dời nhà ấy
được gửi tới cho người Malay, người Ấn và người Hoa y như nhau,
chính là để thi hành một kế hoạch do chuyên gia Liên Hiệp Quốc đệ
trình nhằm xây dựng lại thành phố, khởi đầu là từ các vùng ngoài xa
rồi làm dần vào tới trung tâm. Chúng tôi phải phá hủy các tòa nhà
cũ và tái định cư cho những ai nằm trong kế hoạch tái thiết đô thị
này. Chúng tôi sẽ cung cấp chỗ ở tạm cho họ gần đó, và mỗi gia
đình sẽ được cấp 300 đôla để trang trải cho phí tổn dời nhà, và được
ưu tiên trở về ở lại một khi các tòa nhà mới được xây xong.
Chúng tôi cũng bị công kích với những lý do mơ hồ hơn. Vào ngày
23/5, một bài xã luận của tờ Utusan đã tố cáo PAP và tôi kích động
những người không phải dân Malay đòi hủy bỏ các đặc quyền dành
cho người Malay. Vào ngày 11/6, tờ báo này tuyên bố rằng: “UMNO
Singapore được chỉ đạo là phải có biện pháp để cứu các nạn nhân
của PAP". Hôm sau, họ cho chạy hàng tít khác: “Người Malay tại
Singapore ngày nay đang đứng trước sự đe dọa, đàn áp và chèn ép
của chính quyền. Không được đối xử với con ruột của đất nước như
con ghẻ”. Một tuần sau, tờ Utusan còn kêu gọi tất cả người Malay
hãy “đoàn kết sau lưng UMNO để tạo sự phản đối mạnh mẽ và hiệu
quả đối với chính quyền PAP,” và kêu gọi Kuala Lumpur hãy hành
động ngay để bảo vệ các đặc quyền của người Malay. Thế rồi UMNO
tung ra “bạch thư” kể rõ “nỗi thống khổ của người Malay trong chế
độ PAP dưới sự lãnh đạo của Lee Kuan Yew”. Lại một lần nữa, họ tố
cáo chúng tôi là đã đối xử với người Malay như con ghẻ, và nói rằng
những người Malay phản bội lại dân tộc mình vì đã bỏ phiếu cho
chúng tôi, giờ đây mới nhận ra lỗi lầm của họ, bởi hiện nay chính
quyền đã chủ tâm biến Geylang Serai thành một khu phố Tàu thứ
hai.
Chuyện tất cả những điều đó là dối trá trắng trợn hay không thì
cũng không quan trọng miễn là chúng kích động được công chúng
Malay. Ví dụ rõ nhất của nguyên tắc này là vụ ngày 4/7, lúc tờ
Utusan bóp méo bài diễn văn tôi phát biểu tại Seremban, trong đó
tôi có nói “40% người Malay tại nước Malaysia không thể thắng được
60% không–Malay.” Tờ Utusan thuật lại điều đó như sau: “Những
người có thể đánh đuổi người khác ra khỏi Malaysia chính là người
Hoa và những người không–Malay, và kẻ bị đánh đuổi đi là những
người Malay bởi họ là thiểu số.” Họ đã lặp lại luận điệu này mấy
ngày liền sau đó, và khi chúng tôi minh định rằng hiến pháp
Singapore chỉ công nhận “vị trí đặc biệt” của họ mà thôi thì họ lại
tuyên bố rằng PAP đang quyết tâm hủy bỏ “đặc quyền” của người
Malay.
Lúc đầu, tôi quyết định phản công lại chiến dịch này bằng cách mời
tất cả các nhà lãnh đạo Malay tại Singapore đến gặp tôi vào ngày
17/7 để thảo luận trực diện nhằm vạch trần các luận điệu dối trá và
bóng gió. Vào ngày 30/6, UMNO đã ra tay trước tôi; tờ Utusan thông
báo UMNO sẽ tổ chức một hội nghị bao gồm các đảng phái Malay
vào ngày 12/7 nhằm “thảo luận về số phận và cảnh ngộ của người
Malay dưới sự cai trị của PAP”. Cuộc họp này có sự tham dự của toàn
thể các chính đảng Malay, mặc dù ba trong số đó chống Malaysia và
thân Indonesia. Không sao, hiện tình này đòi hỏi sự đoàn kết thống
nhất của người Malay, và Albar đã khởi sự khuấy đảo tình cảm của
họ qua tuyên bố rằng tình cảnh của người Malay bây giờ còn nghẹt
thở hơn cả thời người Nhật chiếm đóng. Đoạn văn tiêu biểu sau đây
được lấy từ một trong các diễn văn của ông ta:
“Tôi rất vui mừng là giờ đây những người Hồi giáo và người Malay
tại Singapore đã thể hiện tình đoàn kết, chuẩn bị cùng sống chết với
nhau vì chủng tộc và thế hệ mai sau của chúng ta. Một khi đã có sự
đoàn kết nhất trí đó, không một thế lực nào trên thế giới này có thể
chà đạp chúng ta nổi, không một thế lực nào có thể làm nhục chúng
ta được, không một thế lực nào có thể xem thường chúng ta. Không
một Lee Kuan Yew, hay một nghìn Lee Kuan Yew nào… chúng ta sẽ
hạ gục chúng…” (Vỗ tay. La hét. “Giết hắn… Giết hắn… Othman Wok
và Lee Kuan Yew… Lee Kuan Yew… Lee Kuan Yew… Othman Wok.”)
“Bất chấp chúng ta bị chính quyền PAP áp bức đến mức nào, bị chà
đạp đến mức nào, và địa vị của chúng ta bị bóp vặn chèn ép đến
mức nào, vậy mà theo cái kiểu lý luận của Lee Kuan Yew thì: Ê, các
ngươi, chủng tộc thiểu số trên hòn đảo này, câm miệng lại. Ở đây,
tôi muốn nói với Lee Kuan Yew rằng: Chính ông hãy câm miệng lại
chứ đừng bảo chúng tôi.”
Toàn bộ cuộc hội nghị đã được trình chiếu trên Đài truyền hình
Malay tại Kuala Lumpur vào tối hôm đó. Trong số các nghị quyết
được thông qua có lời kêu gọi tẩy chay hội nghị ngày 17/7 của chính
phủ mà trong đó tôi sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo quần chúng
Malay. Cuộc khuấy động chủng tộc rầm rộ trên các báo Malay đã
thổi bùng cảm xúc của người Malay trên cùng khắp liên bang. Vào
ngày 14/7, bộ chỉ huy cảnh sát liên bang đã công bố rằng các vụ
xung đột đã xảy ra tới tận miền Bukit Mertajan xa xôi, thuộc tỉnh
Wellesley, cách Singapore 500 dặm về phía Bắc, có hai người bị giết
và 13 người khác bị thương. Những vụ xung đột Malay – Hoa đã
từng xảy ra nhiều lần tại cựu thuộc địa Penang này sau khi nó được
sáp nhập vào Liên bang Malaya năm 1948 và các đặc quyền của
người Malay đã được áp dụng tại đây, trong khi trước đây không hề
có chuyện này.
Bất chấp lời kêu gọi tẩy chay, có khoảng 800 đại biểu thuộc 83 tổ
chức của người Malay và 300 ketua (trưởng thôn) đã tham dự hội
nghị của chính quyền. Tôi đã nói chuyện bằng tiếng Malay và chúng
tôi thảo luận các vấn đề về giáo dục, công ăn việc làm, nhà ở dành
cho người Malay. Chẳng có ai thắc mắc gì về chuyện tái định cư tại
Crawford, vốn từng bị người ta dùng làm ngòi nổ cho cuộc xách
động. Trong năm tiếng đồng hồ bàn bạc chân tình, tôi đã nói rõ là
chính phủ sẽ làm mọi điều có thể được để đào tạo giúp người Malay
vươn lên được địa vị cao, thế nhưng không hề có hệ thống hạn định
công ăn việc làm hay hạn định giấy phép hành nghề tắc xi hoặc bán
rong.
Truyền thanh và truyền hình tại Kuala Lumpur đã lờ đi không đưa
tin về hội nghị này. Thay vào đó, Utusan còn cho chạy hàng tít lớn
đầy ác ý vào ngày hôm sau rằng: “Thách thức với Đoàn Thanh niên
UMNO toàn Malay, Lee Kuan Yew kết tội: Thầy giáo bắt học sinh ngửi
thịt heo – phản đối”. Hàng tít này có tính cách gây kích động khi
buộc một người Hồi giáo phải làm điều mà họ căm ghét, nhất là sắp
tới ngày đản sinh của Đấng Tiên tri Mohammed, một mùa lễ rất
quan trọng đối với tất cả những người theo Hồi giáo.
Ngày kỷ niệm đản sinh của Đấng Tiên tri Mohammed là ngày thứ
Ba, 21/7/1964, một ngày nghỉ lễ chung. Theo lệ, người Malay sẽ tụ
tập tại một số nơi rộng rãi trong thành phố và tuần hành về khu của
họ tại Geylang Serai cùng với trống lớn, trống nhỏ, hát những bài
thánh ca mừng lễ. Lần này, cuộc diễu hành bắt đầu tại Padang,
nhưng thay cho các bài thuyết pháp như vẫn thường có trước đây,
lại xảy ra những bài diễn thuyết chính trị cố tình khuấy động tình
cảm căm thù của người Malay.
Othman Wok, Bộ trưởng các vấn đề xã hội, đã có mặt tại Padang
cùng với một nhóm người Hồi giáo Malay của PAP. Ông đã biết thế
nào cũng có chuyện rắc rối xảy ra, bởi chín ngày trước đó, trong
một cuộc mít–tinh tại Singapore, Albar đã kết tội tất cả những dân
biểu Malay thuộc PAP vì đã không còn là dân Hồi giáo, chống Hồi
giáo, chống Malay và là những kẻ phản bội cộng đồng. Ngay tại
Padang, ông cũng đã cảm thấy tất sẽ có điều gì đó xảy ra vào chiều
hôm đó, bởi giữa những lúc ngừng của các bài diễn văn là những
tiếng hét “Allahu Akbar” (Thượng đế Vĩ đại), tiếng la vang lên trong
giận dữ, chứ chẳng phải để ca tụng đấng Allah.
Esa Almenoar, một luật sư người Ả Rập, một kẻ ăn chơi và cũng là
một tay Hồi giáo có lẽ phá giới nhất trong luật sư đoàn, đã đề cập tới
vụ tái định cư ở Crawford bằng cách trích một đoạn trong Koran:
“Allah không cấm bạn đối xử nhân từ và công bằng với những người
không chống lại bạn vì lý do tôn giáo hay cũng không xua đuổi bạn
ra khỏi nhà bạn, thật sự là Allah yêu sự công bằng.” Ông ta giải
thích ý nghĩa của đoạn này như sau: “Rõ ràng đấng Allah không
ngăn người Hồi giáo làm bạn với những người không Hồi giáo…
nhưng tất cả những gì chúng ta làm cũng đều phải có một giới hạn ở
chỗ nếu những người không Hồi giáo phá rối tôn giáo của chúng ta
và xua đuổi chúng ta ra khỏi nhà mình thì những người Hồi giáo
phải gọi những kẻ đó là bọn làm bậy độc ác.”
Tôi vừa chơi xong ván gôn vào lúc 6 giờ 20 chiều thì cảnh sát báo
động những vụ đụng độ Malay – Hoa đã xảy ra trong cuộc rước lễ và
tình trạng rối loạn đang lan tràn. Tôi chạy vội về nhà để thay quần
áo và chạy đến bộ chỉ huy cảnh sát Pearl’s Hill, rồi cùng với Keng
Swee nghe John Le Cain, chỉ huy trưởng cảnh sát và George
Bogaars, giám đốc Sở đặc vụ báo cáo tóm tắt. Khi các báo cáo về
tổn thất liên tục đổ về, lúc đầu là các nạn nhân người Hoa, sau đó là
người Malay khi bị người Hoa đánh trả, Le Cain họp với ban chỉ huy
cảnh sát ở Kuala Lumpur và ra lệnh giới nghiêm từ 9 giờ 30 tối đến
6 giờ sáng. Trong một chương trình phát thanh lúc 10 giờ 30 tối hôm
đó, tôi thuật lại, theo lời của cảnh sát, chuyện bạo động đã xảy ra
thế nào:
“Khoảng sau 5 giờ chiều, đám rước của gần 25.000 tín đồ Hồi giáo
đi ngang qua Nhà máy Khí đốt Kallang nằm trong khu vực đa số
người Hoa. Một nhân viên của Đơn vị dự bị Liên bang (cảnh sát biệt
phái từ Malaysia qua) đã yêu cầu một nhóm tách rời khỏi đám rước
hãy gia nhập trở lại. Thay vì tuân lệnh, đám người đó lại gây sự. Từ
đó, hàng loạt rối loạn diễn ra khi ngày càng có nhiều nhóm trở nên
hung hãn, tấn công khách qua đường và những người vô tội đứng
gần đó. Các vụ bạo loạn đã lan tràn nhanh chóng khắp khu
Geylang. Đến 7 giờ tối thì rối loạn đã nổ ra ngay trong thành phố.”
Tôi đã kêu gọi (mọi người) hãy bình tĩnh trở lại:
“Vấn đề ai hay cái gì đã gây ra tình trạng này thì cũng đều không
quan trọng vào lúc này. Tất cả mọi dấu hiệu đều cho thấy đã có sự
tổ chức và âm mưu đằng sau chuyện lộn xộn này nhằm biến nó
thành một vụ xung đột chủng tộc xấu xa… Nhưng giờ đây, công việc
của chúng ta là ngăn sự ngu xuẩn này lại… Những lời đồn và hô hào
chuyện trả thù sẽ chỉ làm cho người ta thêm giận dữ.”
Thế nhưng những căm ghét chủng tộc đã dấy lên rồi, và hỗn loạn
cũng đã xổ lồng. Tin tức, vốn bị bóp méo và thổi phồng, chẳng bao
lâu lan truyền từ cửa miệng người này sang cửa miệng người khác.
Trên toàn hòn đảo, người Malay bắt đầu giết người Hoa, và người
Hoa đã trả thù. Thiệt hại lên đến 23 người chết và 454 người bị
thương, và khi người ta đếm xác ở nhà xác, thì số nạn nhân người
Malay cũng nhiều không thua gì số nạn nhân người Hoa. Các băng
nhóm hội kín đã nhảy vào để bảo vệ người Hoa và thực hiện báo
thù, không kém gì sự đối xử thô bạo mà nhân viên trong Trung đoàn
Malay và Đơn vị dự bị Liên bang, chủ yếu gồm toàn người Malay, đã
dành cho họ. Bạo động dấy lên từng đợt trong mấy ngày sau đó,
vào những lúc lệnh giới nghiêm được tạm ngưng cho người ta đi chợ.
Mãi tới ngày 2/8 thì chuyện này mới kết thúc.
Bất kể chuyện tàn sát như vậy, tờ Utusan vẫn tiếp tục xúi giục.
Vào ngày 26/7, tờ này đã cho đăng một bài lấy từ báo Indonesia với
tiêu đề “Lee chịu trách nhiệm về những vụ bạo loạn tại Singapore”,
mặc dù chính phủ Malay và chính phủ Singapore đều đã kêu gọi
bình tĩnh và hòa giải. Sáu ngày sau đó, Albar lên tiếng rằng các vụ
bạo động đã xảy ra vì “đã có kẻ tai quái tại Singapore khiến người
Malay và người Hoa chống đối nhau… Tại sao dưới thời của các chính
phủ Anh, Nhật, David Marshall và Lim Yew Hock lại không hề có
những tai biến nào xảy ra ở Singapore… Chính bởi vì Lee Kuan Yew
đã cố thách thức và đùa bỡn tinh thần dân tộc của chúng ta. Các
bạn nên nhớ… ông ta đã nhạo báng chúng ta ra sao khi nói rằng,
các bạn đã nhận được sự độc lập trên một cái dĩa bằng bạc… Tự các
bạn cũng có thể thấy ông ta đã thách thức hoàng gia của chúng ta
ra sao khi nói rằng: “Tunku Abdul Rahman không có năng lực.”
Lúc ấy Tunku đang ở Mỹ, sau khi đã dự Hội nghị Bộ trưởng Khối
Thịnh vượng Chung ở London. Phát biểu qua đài phát thanh
Malaysia tại Mỹ, ông nói ông rất sửng sốt trước vụ này, và trong một
cuộc phỏng vấn trên ti-vi, ông bảo đây là “giây phút buồn bã nhất
trong đời mình”. Với tư cách thay mặt Thủ tướng, Razak đã bay đến
Singapore, và tôi đã ra đón ông tận phi trường. Ông phát biểu với
báo chí rằng tình thế vẫn trong tầm kiểm soát, tuy có nghiêm trọng,
và lệnh giới nghiêm sẽ tiếp tục vô thời hạn. Nguyên nhân của vụ rối
loạn là có một kẻ muốn gây chia rẽ đã ném chai vào đám rước, ông
ta tuyên bố. Qua các phóng viên, ông cũng biết là không phải vậy.
Tôi vẫn mong chính phủ trung ương sẽ chặn đứng tất cả những trò
vận động chính trị mang tính phân biệt chủng tộc.
Tôi tuyên bố qua truyền thanh và truyền hình rằng đã triển khai
các kế hoạch nhằm vãn hồi trật tự, và kiên quyết nhấn mạnh rằng
các kế hoạch sẽ bao gồm cả việc bắt giữ những thành viên chủ chốt
của các hội kín và đặt các hoạt động của những phần tử cực đoan
ngoài vòng pháp luật. Cùng lúc đó, chúng tôi cũng xúc tiến thành
lập các ủy ban thiện chí tại tất cả các khu vực bầu cử, giúp các nhà
lãnh đạo thuộc các cộng đồng Hoa, Malay, Ấn, Âu phục hồi lòng tin
lẫn nhau và ngăn chặn những trò đồn đại. Tôi đi đến những khu bị
thiệt hại nặng nề để cho thấy chính phủ Singapore đã có mặt, và cố
gắng tạo cho mọi người ấn tượng rằng chúng tôi vẫn có thể làm
được mọi chuyện và vãn hồi trật tự mặc dù chúng tôi không còn
nắm cảnh sát và quân đội nữa. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy thất
vọng vì đã không nắm được các công cụ của pháp luật và trật tự, và
chẳng thể xử trí được những kẻ kỳ thị chủng tộc trắng trợn. Tuy
nhiên, bằng sự tỉ mỉ và có phương pháp, chúng tôi đã thu thập dữ
liệu có được để làm sáng tỏ chuyện họ đã khai thác có hệ thống các
phương tiện truyền thông nhằm khơi dậy tình cảm chủng tộc của
dân chúng thông qua những lời dối trá và xuyên tạc ác ý.
Sau đó, chính phủ đã cho công bố một giác thư vạch rõ những
biến cố dẫn đến những vụ bạo loạn. Giác thư đó như sau:
“Giác thư này nhận định rằng, không giống như trước đây, chính
các nhà lãnh đạo chính trị có uy thế và báo chí đã được phép công
khai tuyên truyền chính trị và chủng tộc trong nhiều tháng liên tục.
Những người làm tuyên truyền chủng tộc này không phải loại cuồng
tín vô danh tiểu tốt, chẳng có mấy tài lực và phương tiện để truyền
bá lời nói của mình… Lần này, những tay tuyên truyền chủng tộc
hung hăng bao gồm cả những con người và những tờ báo có quan
hệ mật thiết với chính quyền trung ương và với đảng cầm quyền tại
Malaysia.”
Giác thư kết luận rằng không có lúc nào giới đương quyền tại
Kuala Lumpur chịu kiềm chế những kẻ chuyên lao vào cuộc tuyên
truyền kỳ thị chủng tộc mang tính kích động cả. Chẳng có ai chịu
chặn nó lại, và chẳng có ai bị truy tố vì xúi giục nổi loạn cả, trong
khi việc đó có thể làm rất dễ dàng. Bằng chứng có được đã cho thấy
rõ rằng các vụ bạo động chẳng phải sự biểu hiện tự phát và vô cớ
của những thù hằn giữa các chủng tộc. Mục đích của chiến dịch chủ
yếu là để tái lập ảnh hưởng chính trị của UMNO nơi người Malay tại
Singapore. Một mục tiêu thậm chí còn quan trọng hơn thế nữa là
dùng người Malay ở Singapore làm mồi cho việc củng cố sự ủng hộ
UMNO của người Malay ngay tại Malaya. Bằng cách đổ trách nhiệm
về những vụ bạo loạn cho chính quyền của chúng tôi và mô tả nó là
trò đàn áp người Malay tại Singapore, thủ phạm hy vọng sẽ khiến
được dân chúng tại các vùng khác của liên bang cùng liên minh lại
quanh UMNO để được bảo vệ.
Một tuần sau những vụ bạo loạn, Othman Wok, từng là phó tổng
biên tập của tờ Utusan Melayu, được một phóng viên lão thành của
Utusan ở Kuala Lumpur cho biết rằng vào 2 giờ chiều ngày 21/7 ông
đã biết sẽ có điều gì đó xảy ra rồi. Othman hỏi: “Thế nhưng mãi tới
4 giờ chiều chuyện bạo loạn mới diễn ra, làm sao anh biết trước
được?”
Tay phóng viên Utusan trả lời: “Chúng tôi đã biết trước, chúng tôi
có nguồn tin riêng mà.”
Những người có trách nhiệm thì lại muốn dành trang nhất cho
những tin tức hấp dẫn hơn.
Chin Chye kêu gọi phải có một ủy ban để điều tra lý do của vụ bạo
động. Thế nhưng tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng liên bang Khir Johari
lại nói chính quyền sẽ tiến hành một cuộc mổ xẻ phân tích về những
chuyện lộn xộn đã xảy ra, chứ chẳng phải một cuộc điều tra. Họ
không muốn để Albar và tờ Utusan bị tra xét. Điều đó không làm cho
ai yên tâm được. Và bầu không khí giữa các cộng đồng cũng vậy.
Điều quan trọng là không để dân chúng người Hoa bị đe dọa, bằng
không những kẻ cực đoan và những nhân vật trong UMNO sẽ đạt
được mục tiêu của họ là tạo ra một dân chúng dễ phục tùng và sợ
hãi, và dễ uốn nắn khi bị đối xử như những công dân hạng hai. Tuy
nhiên nhiều người Hoa đã cảm thấy sợ hãi vì sự phân biệt đối xử
công khai của quân đội và cảnh sát Malay trong thời kỳ bạo loạn, và
hậu quả của tình trạng bạo động vô lý này là khiến hai chủng tộc xa
cách nhau hơn. Người Hoa cảm thấy bị ngược đãi và nhìn người láng
giềng Malay của mình với sự lo sợ và nghi ngờ, trong khi những
người Malay sống trong các khu có đông người Hoa thì lại sợ bị tấn
công khi bạo loạn chủng tộc nổ ra. Các gia đình người Hoa sống lẻ
loi trong các khu người Malay đã âm thầm dời đến sống cùng bà con
của họ ở nơi khác, cho dù điều đó có nghĩa là họ phải bán rẻ nhà
cửa. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra cho các gia đình người
Malay tại những khu đa số người Hoa, họ phải sống tị nạn tại các
trường học và các trung tâm cộng đồng dưới sự bảo vệ của cảnh
sát.
Thật là một sự đau lòng khủng khiếp, một sự phủ định sạch tất cả
những gì chúng ta đã tin tưởng và đã đấu tranh để giành lấy – đó là
một sự hòa nhập từng bước và xóa đi sự chia rẽ chủng tộc. Khó có
thể xóa tan hay dẹp bỏ được lòng nghi kị thâm căn cố đế một khi sự
giết chóc phi lý bị khơi dậy, đơn giản chỉ vì diện mạo của nạn nhân,
cho dù đó là người Hoa hay người Malay. Tại một trung tâm cộng
đồng nông thôn mà tôi đã tới, một phụ nữ Malay độ 35 tuổi đầy kinh
hoàng đã bấu lấy tay tôi khi kể lại chuyện một số người Hoa đã
muốn cưỡng hiếp chị như thế nào, trong khi đó, một ông người Hoa
đã đến đồn cảnh sát địa phương để kêu ca rằng cảnh sát Malay lạm
dụng quyền hành và ra lệnh ông ta phải thủ dâm bởi có một số
người Hoa đã cưỡng hiếp một phụ nữ Malay ở khu lân cận. Người ta
đã làm những điều ngu xuẩn và dã man với nhau khi người ta cứ
nhận diện kẻ thù qua chủng tộc, xem đó cứ như một thứ quân phục
của phe địch.
Vào ngày 14/8, Thủ tướng Malaysia từ Mỹ về nước. Ông đã bật
khóc khi nói về những vụ bạo loạn tại Singapore. “Tôi đã luôn yêu
cầu là các nhà lãnh đạo phải cẩn thận trong khi phát biểu để tránh
mọi điều qua tiếng lại. Nhưng có một số lại bất cẩn trong các bài
diễn văn, dẫn đến những sự cố này,” ông nói. Điều ông nói nghe rất
mơ hồ. Ai đã bất cẩn trong các bài phát biểu, Ja’afar Albar hay tôi?
Tôi hy vọng ông muốn ám chỉ Albar, nhưng không có gì chắc chắn
lắm. Ông đã để điều đó mơ hồ, đủ cho tờ Utusan tiếp tục chĩa mũi
dùi vào tôi. Vẫn giữ vẻ cương quyết, tôi nói tôi tin rằng Thủ tướng sẽ
trấn áp được những kẻ cực đoan tại Malaysia, tôi cũng hối thúc mọi
người hãy giúp cho công việc của ông thêm dễ dàng, và nhấn mạnh
rằng không có cách nào khác để đạt được sự hợp tác hòa bình giữa
các cộng đồng.
Mấy ngày sau Thủ tướng Malaysia đến Singapore để tìm hiểu tình
hình. Nói chuyện với người Malay tại Geylang Serai, ông cam đoan
sẽ sớm có các kế hoạch để giúp họ “nâng cao địa vị kinh tế và xã
hội”, ý ông muốn nói là giúp họ đạt mức sống ngang bằng với người
Hoa và người Ấn. Tôi cũng có mặt và phát biểu rằng sự thành công
của Malaysia đã dựa rất nhiều vào những quyền lợi và bổn phận
pháp định. Điều đó tùy thuộc vào lòng trung thành và sự tin cậy, và
tôi tin tưởng rằng Thủ tướng có thể giải quyết được các vấn đề đang
đặt ra. Tôi đã bày tỏ với ông rằng tôi tin tưởng ông đang làm điều
đúng đắn. Quyền lực giờ đây đang trong tay ông.
Ngày hôm sau, ông kết thúc chuyến viếng thăm bằng bài phát
biểu trước hàng nghìn người tại trường St. Patrick thuộc vùng duyên
hải phía đông, nơi có đủ các sắc dân Hoa, Âu Á, Ấn và Malay chịu
ảnh hưởng giáo dục Anh. Ông kêu gọi mọi người Malay giúp ông giải
tỏa bớt gánh nặng, kêu gọi sự hòa hợp để mọi chủng tộc đều có thể
sống theo tập quán và tín ngưỡng của mình. Tôi đã hứa rằng chính
phủ Singapore sẽ làm hết sức mình để giải quyết các vấn đề xã hội
đã làm rối loạn các quan hệ cộng đồng. Khi về nước vào ngày hôm
sau, ông nói ông đã về “trong sự nhẹ nhõm cả người”, trong khi tôi
mạnh dạn nói về “một sự khởi đầu tan đi băng giá”.
Những vụ bạo loạn không chỉ giáng một đòn bất lợi cho Malaysia
ngay trong nước. Trước khi xảy ra chuyện, dư luận quốc tế đang
phát triển có lợi cho Malaysia. Thật sai lầm khi các nhà lãnh đạo
UMNO cho phép Albar dàn dựng nên những xung đột chủng tộc tại
Singapore và do dó giúp Sukarno có được lợi thế tuyên truyền – một
bằng chứng cho thấy Malaysia là một thực thể thực dân kiểu mới với
đầy những xung đột chủng tộc đe dọa sự thống nhất của liên bang.
Đó là cái giá nặng nề mà chính phủ Malaysia phải trả để dạy cho PAP
bài học về việc tham gia vào tuyển cử tại Malaya và để giành lại thế
đứng đã mất của người Malay trong cuộc tuyển cử Singapore năm
1963. Các nhà lãnh đạo UMNO biết những gì Albar đang làm khi đọc
tờ Utusan Melayu, nhưng lại làm ngơ, để mặc cho ông ta lấn tới.
Các nhà ngoại giao, cả ở Singapore lẫn Kuala Lumpur, đều báo cáo
về nước họ những gì đã diễn ra. Head nói với London rằng ông
“không nghi ngờ gì về việc chính phần tử cực đoan của UMNO đã
đóng vai trò đáng kể trong chuyện làm dấy lên những vụ bạo động
chủng tộc tại Singapore.”
Cao ủy Anh tại Kuala Lumpur báo cáo:
“Các vụ bạo động có nguồn gốc chính trị hơn là tôn giáo; đã có
một vụ tương tự xảy ra tại bang Penang trước đó một tuần nhưng
không nghiêm trọng bằng. Mâu thuẫn chủng tộc trở nên gay gắt
trong suốt mấy tháng qua do một chiến dịch tuyên truyền (chủ yếu
do tờ báo tiếng Malay hàng đầu là Utusan Melayu tiến hành) chỉ trích
chính phủ PAP tại Singapore là đã đối xử bất công với người Malay
tại đó. Utusan Melayu thường hoạt động với tư cách cơ quan ngôn
luận của UMNO, và đặc biệt là của tổng bí thư cực đoan Syed Ja’afar
Albar. Việc mất các ghế đại biểu cho người Malay trong Hội đồng lập
pháp Singapore vào tay của PAP hồi tháng 9 vừa qua quả là cay
đắng, và sự bất mãn của UMNO tăng lên do việc PAP can thiệp vào
cuộc tổng tuyển cử Malaya vào tháng 4 (mặc dù không thành công),
và do những nỗ lực liên tục của PAP nhằm thiết lập một tổ chức
quần chúng tại tất cả các thành phố lớn của Malaya.”
Báo cáo của Ủy ban Tình báo hỗn hợp (Viễn đông) gửi cho Hội
đồng Tham mưu Anh có đoạn: “Chiến dịch chống lại PAP do chi bộ
UMNO tại Singapore tiến hành có sự hỗ trợ tích cực và công khai của
ban lãnh đạo UMNO tại Kuala Lumpur.”
Tổng lãnh sự Mỹ tại Singapore, Arthur H. Rosen, trong bức điện
gửi về Bộ Ngoại giao, đã nói rằng các vụ bạo loạn “có nguồn gốc
chính trị” và là “kết quả đương nhiên” của “cả một thời kỳ dài kích
động chính trị chống lại PAP, với những hàm ý rõ rệt về chủng tộc,
do các nhà lãnh đạo UMNO tiến hành.”
Donald McCue, đại diện lâm thời của tòa đại sứ Mỹ tại Kuala
Lumpur, đã chứng thực điều này trong báo cáo gửi về cho Bộ Ngoại
giao:
“Dato Nik Daud (thư ký thường trực của Bộ Nội vụ) đã nói với tôi
rằng Bộ của ông tin rằng các vụ bạo động tại Singapore là do những
phần tử cực đoan Malay gây ra. Ông thừa nhận cuộc mít–tinh ngày
12/7 của Syed Ja’afar và các bài diễn văn ở Singapore đã làm nặng
thêm mối bất hòa chủng tộc vốn dĩ đã có sẵn. Daud, một người
Kelanta, là một người Malay hơn cả Malay. Nếu có bất cứ nghi vấn
nào về trách nhiệm của các phần tử cực đoan trong những vụ bạo
động tại Singapore, Daud sẽ cho họ trắng án vì không đủ bằng
chứng.”
W.B. Pritchett, Phó Cao ủy của Úc tại Singapore, đã báo cáo về cho
Canberra: “Không còn nghi ngờ gì nữa rằng trách nhiệm về những
vụ bạo động tại Singapore là hoàn toàn của UMNO khi các thành
viên của họ tiến hành chiến dịch kỳ thị chủng tộc, hoặc là đã dung
dưỡng chiến dịch đó.”
Bộ Ngoại vụ New Zealand kết luận:
“Sự thật rằng chính UMNO (và trên hết là các nhà lãnh đạo của
UMNO) phải chịu trách nhiệm chính trong chuyện đổ vỡ mới đây, bởi
việc họ đã dùng đến sự kích động tình cảm kỳ thị chủng tộc của
người Malay. Chúng tôi thấy rằng Razak và các nhà lãnh đạo khác
của UMNO đã không hành động ngay để kịp kiềm chế những quá
quắt của các phần tử cực đoan như Ja’afar Albar và chúng tôi thậm
chí còn hoang mang lúng túng trước phản ứng của chính quyền liên
bang trước các vụ bạo động.”
Sukarno đã tiến hành một chương trình phát thanh xúi giục người
Hoa ở Singapore không ủng hộ Malaysia. Thế rồi vào ngày 17/8,
Jakarta cho đổ bộ 30 lính vũ trang vào bờ biển phía Tây Johor, đối
diện với Sumatra, để gây rối. May thay, họ đã bị cô lập. Hai tuần sau
đó, Indonesia gửi thêm 30 người nữa nhảy dù xuống từ hai chiếc
máy bay. Phần lớn đều bị bắt, Jakarta đã tuyên bố rằng đó là những
người Malay chiến đấu vì tự do và những người Indonesia tình
nguyện. Thật ra, hầu hết họ đều là lính nhảy dù người Indonesia.
Sukarno đã đi quá trớn. Malaysia đã đệ đơn kiện chính thức với Hội
đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và nước Anh đã huy động hai hàng
không mẫu hạm có tăng cường máy bay và tàu tiếp vận. Sukarno
hứa sẽ chấm dứt những hoạt động như vậy.
Cũng trong ngày Indonesia cho người nhảy dù xuống, các cuộc
đụng độ Malay – Hoa đã nổ ra tại Geylang. Một người phu xích lô bị
giết và tài xế của một chiếc xe hơi bị tấn công. Bất kể lệnh giới
nghiêm, bạo động vẫn diễn ra trong suốt ba ngày liền, với 13 người
bị giết và 109 người bị thương. Một lần nữa, thiệt hại của người
Malay hay người Hoa cũng ngang nhau. Lúc đó tôi đang ở Brussels
dự lễ kỷ niệm 100 năm Quốc tế Xã hội chủ nghĩa. Chin Chye, Thủ
tướng nhiệm quyền, nói rằng các mật viên Indonesia đã gây ra
chuyện bạo loạn. Tình hình trở nên bấp bênh đến độ chỉ cần người
Malay hăng lên hành hung một vài người Hoa thôi là cuộc trả đũa sẽ
nổ ra liền.
Sau khi nổ ra vụ bạo loạn lần thứ hai, nội các Malaysia, trước áp
lực ngày càng tăng của công chúng tại Singapore, đã ra lệnh thành
lập một ủy ban điều tra do thẩm phán E.A. Chua làm chủ tịch; để
điều tra nguyên nhân của những rối loạn tại đây, cũng như những
vụ trước đó tại Bukit Mertajam thuộc tỉnh Wellesley. Tuy nhiên chính
phủ liên bang lại ra lệnh giữ kín nó trước công chúng và báo chí. Mãi
đến ngày 20/4/1965, tức bảy tháng sau đó, ủy ban mới tiến hành
các cuộc thẩm cung.
Trong diễn văn khai mạc, cố vấn chính phủ Malaysia nói rằng ông
sẽ chứng tỏ hai vụ rối loạn trên đều là việc làm của các mật viên
Indonesia tại Singapore. Ông đã cho triệu ra hầu tòa 85 nhân chứng
để cung cấp bằng chứng cho điều này, thế nhưng bằng chứng của 5
nhân chứng quan trọng mà ông đưa ra đã không chỉ ra được điều
đó. Tất cả họ đều khăng khăng phủ nhận chuyện Indonesia có ít
nhiều dính dáng đến những vụ bạo động. Cuộc chất vấn một nhân
chứng thuộc loại hàng đầu đã diễn ra như sau:
Hỏi: Trong suốt các tháng 5, 6 và 7, với tất cả những chuyện như
tôi vừa nói với anh – việc tuyên truyền công khai và kéo dài, anh có
đồng ý là cảm xúc của người Malay tăng lên rất cao không?
Trả lời: Đồng ý.
Hỏi: Và nó cũng tiếp tục như vậy vào ngày xảy ra các vụ bạo
động, phải vậy không?
Trả lời: Đúng vậy.
Hỏi: Anh có đồng ý là chính chuyện tuyên truyền cao độ là nhân
tố có liên quan đến các vụ bạo động không?
Trả lời: Đồng ý.
Quan trọng hơn là bằng chứng soi rọi vào các vụ bạo động do
Keng Swee đưa ra. Ông đã gặp Razak tại Kuala Lumpur vào ngày 28
và 29/7/1964, một tuần sau vụ bạo động đầu tiên. Razak đã bảo
rằng ông ta đã thấy được một lối thoát. Ông ta sẵn sàng xây dựng
một chính quyền Malaysia trong đó PAP sẽ có đại biểu trong nội các
liên bang – với điều kiện tôi từ chức Thủ tướng Singapore; tôi có thể
nhận một chức vụ ở Liên Hiệp Quốc và đóng góp hiệu quả hơn ở
cương vị đó. Sau hai hoặc ba năm người ta có thể duyệt xét lại chức
vụ này.
Keng Swee hỏi lại, liệu Albar có bị cách chức không. Razak trả lời:
“Không.” Razak đã nhấn mạnh khi nói với Keng Swee rằng ông ta
kiểm soát được Albar và Utusan Melayu, và ông ta cam đoan là mình
có thể kiểm soát được Utusan. Sau khi gặp Razak, Keng Swee có
nhận xét ngay là: “Razak thừa nhận rằng người ta có hỏi ý kiến ông
rằng rối loạn sẽ xảy ra tại Singapore hay không và ông cũng đã đưa
ra ý kiến rằng rối loạn sẽ không xảy ra. Ông thừa nhận là đã đánh
giá sai lầm. Nếu đã biết trước, ông ta hẳn đã có biện pháp.”
Keng Swee đã ghi lại chuyện này vào năm 1982 như sau:
“Giờ đây, chuyện này đi đến chỗ phải thừa nhận rằng ông ta đã có
dính dáng đến toàn bộ chiến dịch nhằm khuấy động tình cảm kỳ thị
chủng tộc và tôn giáo của người Malay tại Singapore. Và việc Albar
đến Singapore cùng chiến dịch của ông ta tại Singapore và sự hỗ trợ
dành cho tờ Utusan Melayu đều có Razak đứng đằng sau. Không thể
nói khác đi được.
Giờ đây, khi Razak nói rằng theo ý ông thì rối loạn không xảy ra
đâu, theo tôi… thành thật mà nói là không chấp nhận được. Không
ai có nhận thức đầy đủ lại tin rằng chiến dịch kỳ thị chủng tộc ầm ĩ
lại đi liền với một đám rước được tổ chức chu đáo của người Malay
với sự xuất hiện của đông đảo các tốp võ sinh bersilat, không ai tin
nổi chuyện này. Kết quả tất phải là những vụ bạo động chủng tộc.
Thực ra, một số ngày, có lẽ hơn một tuần, trước khi có vụ bạo
động xảy ra, tôi nhớ là ông Lee rất lo âu và linh cảm rằng sẽ có
chuyện rắc rối chủng tộc diễn ra. Ông có nói chuyện với tôi, nhưng
tôi cũng quá ngộp với bao vấn đề kinh tế và tài chính rồi. Tôi không
được thông tin đầy đủ và có vẻ hoài nghi về chuyện này. Vả lại, đây
là vấn đề thuộc phán đoán chính trị – cảm nhận được tình thế –
điều mà tôi không có. Khi tôi cố hỏi, ông Lee chỉ thở dài và chuyển
đề tài. Ông hẳn nghĩ là tôi mù tịt trong những chuyện như thế này.
Và quả thật đúng vậy. Phải, bất kể kết quả như thế nào thì bạo động
cũng đã nổ ra, Razak có liên quan đến chuyện này, và rõ ràng ý
định của ông ta là đẩy Lee ra khỏi quyền lực hiện tại. Đó là mục đích
cho chiến dịch của Albar.”
37
CĂNG THẲNG SINGAPORE – KUALA LUMPUR LÊN
CAO
Lúc làn sóng bạo động thứ hai nổ ra vào ngày 2/9, tôi đang ở
Brussels dự lễ kỷ niệm Quốc tế Xã hội chủ nghĩa. Tôi có nên bay
ngay về để xử trí tình hình không? Tôi quyết định vẫn cứ ở lại. Có
vội về thì cũng chẳng thay đổi được gì những biến cố đã xảy ra rồi.
Một khi bạo loạn đã nổ ra, chắc chắn phải có động cơ và đà tiến
triển, và người ta cần một hành động an ninh kiên quyết để trấn áp
nó. Vì vậy tôi cứ ở Brussels.
Vào Chủ nhật 6/9/1964, có một cuộc diễu hành của các đoàn đại
biểu Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa châu Âu. Tôi thật xúc động trước con
số rất đông các cựu chiến binh mặc thường phục, nhiều người đeo
huân chương, và dẫn đầu mỗi nhóm đều có một đội kèn đồng diễn
những nhạc khúc rõ ràng đã làm cho mọi người lên tinh thần. Đầu
óc tôi quay trở lại với tháng 2/1942, lúc hai người thổi kèn đi cuối
cùng của binh đoàn Argyle và Sutherland biểu diễn, đầu tiên là thổi
cho lính Úc rồi sau đó cho lính thuộc binh đoàn Gordon Highlanders,
khi họ tiến qua đường đê để vào Singapore và bị bắt.
Chúng tôi không được phép dùng ban nhạc cảnh sát trong cuộc
diễu hành ngày Độc lập Singapore vào tháng 6/1964. Chính phủ liên
bang, hiện chỉ huy cảnh sát, đã quyết định cấm chúng tôi. Chúng tôi
rất bất mãn nhưng không làm gì được. Nhìn thấy những ban nhạc
đông đảo như vậy của nhiều nước khác nhau tại Brussels, tôi quyết
định thành lập những đội nhạc như vậy trong các trường học và
trong tổ chức Liên hiệp nhân dân (PA) của chúng tôi. Tôi phải giữ
vững tinh thần của công chúng.
Lúc trở về, tôi bảo với chủ tịch PA hãy tìm các nhạc công đã về
hưu của Trung đoàn Bộ binh Singapore, và mời Kwan Sai Keong, tay
chơi violon học cùng thời với tôi hồi ở Đại học lúc ấy là thư ký
thường trực của Bộ Giáo dục, tiến hành một chương trình cấp tốc
huấn luyện kèn đồng tại tất cả các trường trung học. Kế hoạch của
tôi đã thành công. Vào ngày Độc lập Singapore tháng 6/1965, biểu
ngữ của PA được giương lên trong cuộc diễu hành, và một vài
trường trung học cũng đã có dàn kèn đi theo. Chúng tôi đã cho
Kuala Lumpur thấy họ không thể trấn áp được một dân tộc tháo vát
và có quyết tâm. Về sau, chúng tôi phát triển chương trình xuống
tận các trường tiểu học, và rồi ngược lên tới các trường đại học.
Chẳng lâu sau, chúng tôi đã có một dàn giao hưởng trẻ. Tôi tin rằng
âm nhạc là một phần cần thiết trong việc xây dựng quốc gia. Nó
nâng cao tinh thần của dân chúng.
Không chỉ có chuyện dàn kèn đồng ở Brussels. Phát biểu tại đại
hội, tôi nhấn mạnh rằng những người xã hội chủ nghĩa dân chủ tại
châu Á chỉ có thể đối phó với sự thách thức do các kỹ thuật tuyên
truyền và tổ chức của những người cộng sản gây ra khi họ đạt được
hai điều kiện: thứ nhất, mức sống hợp lý, và thứ hai, chính quyền
hữu hiệu. Bằng không, họ sẽ chẳng thể nào tồn tại nổi trong những
nước mới giành được độc lập. Willy Brandt, thị trưởng thành phố
Berlin và là nhân vật nổi tiếng nhất trong số các nhà lãnh đạo xã hội
chủ nghĩa tôi gặp ở Brussels, đã nghe bài diễn văn của tôi và rất tán
thưởng. Người có phản ứng nồng nhiệt nhất là Anthony Greenwood,
Bộ trưởng các vấn đề thuộc địa trong nội các hư quyền của Đảng
Lao động, và lúc đó đang phụ trách Phân bộ quốc tế của đảng này.
Greenwood là một người dong dỏng cao, đang bước vào độ tuổi
50, ăn mặc tươm tất và rất chú trọng đến bề ngoài của mình, nhưng
thân tình và dễ mến, không trịch thượng. Ông đúng là mẫu người
phát ngôn nhân về các vấn đề thuộc địa, bởi tự bản chất ông rất
thiện cảm với những người bị thua thiệt. Thân sinh của ông, Arthur
Greenwood, khởi nghiệp là một đại biểu nghiệp đoàn, cuối đường sự
nghiệp là đại biểu Thượng viện Anh, và rất tự hào về tổ tiên của
mình. Bản thân Anthony từng học trường công, rồi Oxford, điều giúp
ông trở thành một nhân vật trong giới quyền thế, nhưng ông chưa
bao giờ cảm thấy hối tiếc về quá khứ hàn vi của mình. Ông là một
con người dễ gần gũi, có tâm hồn lớn. Tôi mến ông ấy.
Ông đã dành một số thời giờ ra để nói chuyện với tôi về các vụ bạo
loạn chủng tộc tại Singapore, và hỏi tại sao tôi không bay gấp về
nhà. Tôi nói ngụ ý rằng đằng sau những vụ lộn xộn này là những
người Malay xách động có mối quan hệ với cấp chính quyền cao
nhất. Ông hiểu và bày tỏ sự đồng tình với quan điểm bình tĩnh và có
suy nghĩ của tôi. Ông đã mời tôi đến gặp các nhà lãnh đạo của đảng
Lao động Anh và dự bữa tối tại Hạ viện vào ngày 11/9, lúc ấy tất cả
các dân biểu và ứng viên của đảng Lao động đều sẽ có mặt. Đó là
bữa ăn tối thường niên của Hiệp hội Nghị viện của họ và được tổ
chức vào hôm trước ngày công bố danh sách ứng cử viên. Tôi nhận
lời và bay đến London.
Trước đó, hồi tháng Giêng, tôi đã có gặp Bộ trưởng Quốc phòng
của đảng Bảo thủ, Peter Thorneycroft, tại Singapore và nói rằng
mặc dù chính phủ của ông có cứng rắn đến đâu đi nữa thì người
Indonesia cũng biết là đảng Lao động có thể nắm chính quyền sau
cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu. Tôi nói rằng nếu Harold Wilson,
chủ tịch đảng, nói rõ rằng ông sẽ tán thành hết lòng các cam kết
phòng thủ của Anh, Sukarno sẽ không còn có chút hy vọng nào để
nghĩ chính phủ Lao động chịu không nổi trước một chiến dịch quấy
rối dai dẳng, và sẽ bỏ cuộc. Thorneycroft đồng ý nói lại với Harold
Wilson khi quay về nước, và với sự đồng tình của ông ta, tôi đã viết
thư gửi Wilson về những điều này.
Chuyện này giờ đây đã có kết quả. Trước bữa tối ngày 11/9, tôi
gặp Wilson tại văn phòng của ông ở Hạ viện với tư cách lãnh tụ phe
đối lập. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau suốt 40 phút. Cuộc chiến
Đối đầu của Indonesia chống Malaysia, cũng như các vụ bạo loạn
Malay – Hoa tại Singapore là những bận tâm lớn của ông. Quân đội
Anh đang giúp phòng thủ Malaysia và ông muốn biết Liên bang mới
này liệu về lâu về dài có tồn tại nổi hay không. Chúng tôi đã từng
gặp nhau trước đấy và, mặt đối mặt, tôi có thể thẳng thắn phân tích
những vấn đề của chúng tôi. Tôi nói với ông rằng ngoài cuộc chiến
Đối đầu, vốn đã khiến cho Tunku cảm thấy bất an, ông ta cùng các
đồng sự còn thấy khó mà từ bỏ chính sách xây dựng sự thống trị
tuyệt đối của người Malay để đổi lấy một thế cân bằng hơn giữa các
chủng tộc, mặc dù điều này giờ đây không cần thiết khi thành phần
cử tri đã thay đổi do sự có mặt của Singapore, Sabah và Sarawak.
Tôi nói rằng các cộng sự của tôi và tôi chấp nhận rằng sẽ phải mất
thời gian mới thay đổi được điều này, nhưng chúng tôi cũng không
mường tượng được chuyện một đảng không ủng hộ đường lối đa
chủng tộc nắm quyền tại Malaysia trong vòng 20 năm tới. Tôi nói
thêm rằng chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận một Malaysia
thống trị bởi người Malay, trong đó những dân tộc không phải Malay
phải ở thế chịu đựng. Điều đó trái ngược với hiến pháp mà chúng tôi
đã thỏa thuận với Tunku. Cũng như Greenwood, ông ta thấy an tâm
với giải pháp hợp lý và khách quan của tôi.
Wilson đang rất phấn chấn. Ông hy vọng sẽ thắng trong cuộc tổng
tuyển cử, và xác quyết với tôi rằng chính phủ Lao động sẽ tiếp tục
ủng hộ Malaysia chống lại cuộc chiến đối đầu của Indonesia. Ông
mong tôi và PAP ở Singapore góp phần khiến chính sách này được
các dân biểu thuộc đảng Lao động trong Hạ viện Anh ủng hộ. Đó là
một buổi họp mặt nồng thắm và thân hữu. Ông đã tự rót cho mình
một ly whisky đúp. Tôi chỉ uống một ly đơn, và hôm đó là một buổi
chiều tháng 9 tuyệt đẹp, khoảng 6 giờ 30 mà trời hãy còn sáng,
chúng tôi thả bộ ra sân thượng nhìn qua bên kia sông Thames và
thưởng thức ly rượu. Ông cởi mở và sôi nổi nói về việc ông định điều
hành chính phủ mới của mình ra sao. Ông đã có trong tay những
con người giỏi giang nhất của thế hệ mình. Ông sẽ đưa nước Anh
vươn cao trở lại bằng cách khai thác thế mạnh của nó trong khoa
học và công nghệ.
Đó là một trong những cuộc họp quan trọng nhất trong đời tôi.
Nếu đảng Lao động thắng trong kỳ tuyển cử và Wilson trở thành
Thủ tướng, tôi tin tưởng Tunku sẽ biết ông phải làm dịu bớt các
chính sách kỳ thị chủng tộc chống lại PAP. Với Alec Douglas Home,
vốn là Bá tước thứ 14 của xứ Home, người đã kế nhiệm Harold
Macmillan làm Thủ tướng, Tunku cảm thấy có một sự thân tình chắc
chắn như giữa hai nhà quý tộc. Ông ta chắc chắn Douglas Home sẽ
hiểu nhu cầu và kiểu cách chính quyền của ông. Nhưng Tunku sẽ
phải e rằng Harold Wilson và nhóm đầu não của ông ta gồm những
tay giảng viên đại học Oxford cấp tiến sẽ coi ông ta là kẻ lỗi thời,
không khác gì các tù trưởng ở châu Phi. Do đó tôi rất quan tâm đến
kết quả cuộc bầu cử sẽ xảy ra vào tháng 10.
Có 600 dân biểu thuộc đảng Lao động và các ứng cử viên tương lai
dự buổi ăn tối đó. Wilson, qua lời nhắc của Greenwood, đã yêu cầu
tôi phát biểu lúc ăn tráng miệng. Tôi điểm lại các vấn đề về cuộc
chiến Đối đầu của Indonesia nhằm chống lại Malaysia và sự ổn định
trong khu vực cùng sự tồn tại của Malay tùy thuộc thế nào vào giải
pháp của nước Anh trong việc ngăn chặn một nước lớn đừng nuốt
chửng láng giềng nhỏ bé của mình bằng vũ lực. Nếu đảng Lao động
thành lập chính phủ mới trong nhiệm kỳ tới, tôi hy vọng chính phủ
đó sẽ tiếp nhận những nghĩa vụ mà chính phủ Bảo thủ đã thi hành.
Tôi nói rằng nếu có thời gian, các dân tộc tại những nước đang phát
triển sẽ vươn tới được một xã hội công bằng và chính đáng hơn, y
như xã hội Anh mà họ đã được biết. Chủ đề này đã gây được ấn
tượng nơi các ứng cử viên tương lai của đảng Lao động và củng cố
thêm chỗ đứng của tôi với Wilson. Điều đó sẽ tác động rất lớn đến
những biến cố trong những năm về sau này tại Singapore. Cuối buổi
tối hôm đó, Greenwood đã nói với tôi rằng ông đã dành cho tôi số
khán giả chịu ngồi nghe và tôi đã thật tuyệt vời trong việc giành
được sự ủng hộ của họ đối với Malaysia.
Tôi trở về nước vào ngày 13/9, trong sự an tâm rằng nếu đảng
Lao động cầm quyền, tôi sẽ có được những người bạn trong đảng
đó, trong đó có cả những bạn cũ từ thời còn học ở Cambridge vào
thập niên 1940. Hầu hết các dân biểu Lao động đều có nghe tôi phát
biểu vào tối hôm đó, và tôi hy vọng họ sẽ nhớ đến tôi. Tôi thấy an
lòng qua chuyến viếng thăm London. Nhưng khi máy bay hạ cánh
xuống Singapore, tôi lại bước vào một bầu không khí khác hẳn.
Quanh phi trường là vòng vây cảnh sát chống bạo loạn, vũ trang
bằng hơi cay và súng, trong lúc nhiều nhân viên thường phục trà
trộn vào đám đông đang xếp hàng dài trên đường đến phi trường.
Trước đó một ngày, Barisan đã tính tiến hành một cuộc biểu tình với
khoảng 7.000 thanh niên tham dự, nhưng cảnh sát đã giải tán họ
trước khi có thể tụ tập lại với nhau được, và 77 người, trong đó có
cả một dân biểu Barisan, sau đó đã bị kết tội gây rối. Cuộc biểu tình
đó dự định là dành cho tôi một sự đón tiếp đầy phẫn nộ.
Không chỉ như thế, tôi còn thấy bực bội ngay trong nội các của
mình nữa. Một số Bộ trưởng, từng vị một, đến gặp tôi để nói cho tôi
biết họ khó chịu ra sao với phương cách xử lý những chuyện rắc rối
lúc tôi vắng mặt. Chin Chye, lúc ấy là Thủ tướng nhiệm quyền, đã
rất bức xúc và ra lệnh giới nghiêm ngay, không có thời gian cho
người ta kịp chuẩn bị, trong lúc người ta còn đang làm việc, học sinh
đang ở trường, làm tăng hoảng hốt và gây nên hỗn loạn khi người ta
phải lao nhanh về nhà. Tôi ghi nhận những nghi ngại của họ, nhưng
quyết định cứ để yên như vậy. Tôi hết sức nản chí, nhưng quyết
định không cho phép tình huống trở nên tệ hơn bằng cách khỏa lấp
mọi dấu hiệu thất vọng. Nếu chúng tôi phải chiến đấu và chiến
thắng trận chiến này, thì tinh thần của dân chúng và ý chí kháng cự
của họ là điều tối quan trọng.
Một tuần sau khi về nước, tôi sẽ phải dự lễ khánh thành tòa nhà
mới của Phòng thương mại Hoa kiều ở Singapore tại đường Hill. Các
thương nhân người Hoa đều đang rất thất vọng và Ko Teck Kin vào
một buổi tối đã đến gặp tôi ở Sri Temasek, vẻ mặt rất lo âu. Từng
kêu gọi người Hoa bỏ phiếu cho phương án A trong cuộc trưng cầu
dân ý gia nhập Malaysia, ông cảm thấy có trách nhiệm rất lớn trước
tình trạng khó khăn hiện nay của họ, tình trạng cô thế của họ khi bị
lọt giữa những tay gây rối người Malay và một lực lượng cảnh sát
cũng như quân đội người Malay mang tư tưởng bài Hoa công khai.
Phải làm gì bây giờ đây?
Ông nhìn tôi chăm chú và nói: “Chúng ta không thể bỏ mặc dân
chúng người Hoa.”
Tôi nói với ông rằng các quyền lợi của chúng ta được hiến pháp
bảo vệ, và tôi không có ý định cho phép người ta quên lãng điều đó.
Công việc của chúng ta là đoàn kết và động viên dân chúng để bảo
đảm hiến pháp phải được tôn trọng, sẽ không còn có phân biệt đối
xử gì về mặt chủng tộc, ngoại trừ những gì đã có trong hiến pháp,
vốn cho người Malay được hưởng những chỉ tiêu đặc biệt về giáo
dục, công ăn việc làm, giấy phép và hợp đồng chỉ trên bán đảo
Malaya mà thôi.
Ông nói: “Ngài đang có những mối giao hảo tốt đẹp với đảng Lao
động Anh, liệu ngài có thể giúp chúng tôi thoát ra khỏi tình trạng
khó khăn này không? Chúng ta phải được sống theo ý mình. Thật là
khủng khiếp khi phải sống như thế này.”
Ông cảm thấy nếu đảng Lao động cầm quyền, họ sẽ có cảm tình
với một đảng xã hội chủ nghĩa phi sắc tộc tại Singapore, hơn là một
đảng Malay cánh hữu đậm màu sắc tộc tại Kuala Lumpur. Ông cùng
chung tâm trạng với cộng đồng nói tiếng Hoa vốn đang cảm thấy
không thể chịu nổi tình trạng phải thường xuyên sống trong lo âu.
Những cuộc bạo loạn sắc tộc đầu tiên đã được dàn dựng, với những
cảm xúc đã được nhen nhúm qua nhiều tháng, và rồi nổ bùng lên
qua bàn tay của những nhóm võ thuật người Malay bên bán đảo
Malaya qua. Một khi những chuyện đánh đập và giết chóc điên rồ
những người qua đường vô tội xảy ra, thì rất dễ khiến nó xảy ra lần
thứ hai. Mọi người đều cảm nhận được điều đó. Nọc độc nghi kị
chủng tộc lan tràn. Quan hệ trở nên căng thẳng và người ta sẽ
chẳng khó khăn gì khi làm cho nó phụt cháy trở lại.
Khi khánh thành trụ sở Phòng thương mại Hoa kiều tại Singapore
mới này, tôi đã cố động viên tinh thần cho họ. Tôi đã bày tỏ sự tự tin
để giúp cho họ có được niềm tin. Tôi quả quyết đang có một tương
lai dành cho người Hoa tại Malaysia “nếu chúng ta là người Malaysia
và miễn là có một nước Malaysia”, tôi nói. Tôi đối chiếu hai vụ bạo
động – vào tháng 7 và vào tháng 9. Trong lần bạo động đầu, các
nhà lãnh đạo ở Kuala Lumpur có thể không hành động ăn ý với các
nhà lãnh đạo ở Singapore được, thế nhưng trong lần thứ hai, chúng
tôi đã làm việc phối hợp để đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt sắc
tộc.
Cùng ngày hôm đó, Tunku lên tiếng phát biểu tại một cuộc tiếp
đón của đảng Liên hiệp Singapore. Trong phần lớn những dịp như
vậy, ông đều phát biểu rất đúng chuyện, và bây giờ ông đang thúc
giục các nhà lãnh đạo Singapore hãy tìm cách làm giảm đi những dị
biệt giữa các cộng đồng, và gắn bó với đảng Liên hiệp “để chiến đấu
trên mảnh đất này của chúng ta,” chống lại kẻ thù chung. Ông sẽ
thiết lập các ủy ban hòa giải, bởi các ủy ban thiện chí hiện thời đã
hoạt động kém hữu hiệu. Tôi tự hỏi làm sao sự thay đổi này có thể
đưa đến khác biệt nào – tôi không biết những gì ông có thể làm
được đó sẽ hiệu quả đến đâu, nếu như không có chuyện tống giam
những tay cực đoan. Nhưng đó là cách của ông. Ông đang cố đóng
vai trò của một vị cha già dân tộc. Tôi phải giúp ông đến hết sức
mình.
Vào ngày 25/9, tôi cùng với Chin Chye và Kim San đến Kuala
Lumpur để hội kiến với ông. Chúng tôi gặp nhau và trò chuyện vào
buổi sáng, và các cuộc bàn luận đã diễn ra tiếp vào buổi tối lúc
Tunku mời chúng tôi dùng bữa tối. Chin Chye nói rằng cả ủy ban
thiện chí lẫn ủy ban hòa bình đều không đủ sức duy trì luật pháp và
trật tự nếu như những đám thanh niên võ thuật cứ tiếp tục hoành
hành. Ông nói thêm: “Trong trường hợp như vậy, hành động kiên
quyết của cảnh sát là cần thiết. Chúng tôi tin tưởng phải có hành
động chống lại tất cả những ai dính dáng đến việc khiến cho cộng
đồng này chống lại cộng đồng kia. Đây là điểm then chốt của vấn
đề. Nếu cảnh sát hành động kịp thời và công bình, không kỳ thị
chủng tộc, bọn gây rối sẽ khó có thể nào ra tay được.”
Ngày hôm sau, Chin Chye đã phát biểu với giới báo chí rằng đã có
sự nhất trí hoàn toàn giữa chính phủ trung ương và chính phủ bang
sau những hiểu lầm gần đây. Trong hy vọng hơn là tin tưởng, ông
phát biểu rằng các cuộc thảo luận đã giúp đánh tan mọi nghi ngờ và
lo âu về khả năng chung sức của hai bên để xây dựng thành công
một nước Malaysia. Các bất hòa về đảng phái sẽ được đẩy xuống
hàng thứ yếu; lợi ích của nước Malaysia phải là hàng đầu. Tôi nói
rằng cả hai bên đã cam kết tránh những vấn đề tế nhị liên quan đến
vị trí của các cộng đồng tại Malaysia, và sẽ có những nỗ lực hết sức
để động viên dân chúng chống lại âm mưu xâm lược và lật đổ của
Indonesia. Tôi đề nghị, và Tunku cũng đồng tình, là sẽ có một cuộc
hưu chiến hai năm giữa Liên hiệp và PAP, để không làm xấu thêm
tình hình, cả hai bên chúng tôi sẽ không mở rộng các chi bộ đảng và
các hoạt động của mình. Tôi mong có những sự đình chỉ các vận
động chính trị.
Vào lúc 5 giờ 30 sáng ngày 17/10, tôi tỉnh giấc tại Dinh Singapore
ở Kuala Lumpur để nghe đài BBC. Kết quả bầu cử đã được công bố:
đảng Lao động thắng phiếu. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Harold Wilson
trở thành Thủ tướng. Vị trí của tôi đã khá hơn. Tunku sẽ phải giao
tiếp với một chính phủ Lao động Anh chẳng mấy cảm tình với những
lãnh tụ phong kiến đàn áp một phe đối lập dân chủ phi bạo động.
Mọi việc có vẻ khá hẳn lên. Nhưng sự lạc quan của tôi cũng sớm
tàn. Cùng ngày hôm đó, tại bữa tiệc do Bang Hokkien chiêu đãi, Tan
Siew Sin phát biểu rằng Singapore không thể ly khai khỏi Malaysia
được vì hiến pháp không dự trù điều đó. Ông ta tin rằng hòn đảo
này sẽ tiến bộ và thịnh vượng, nhưng nó không thể là “ốc đảo thịnh
vượng lẻ loi giữa sa mạc nghèo đói”. Ly khai? Lúc trở về Singapore,
tôi đã bác bỏ nhận định của ông ta và phát biểu rằng nhân dân
Singapore rất quan tâm đến việc xây dựng thành công một nước
Malaysia, và thật không may là ông đã nói đến ly khai khi chúng ta
đã đồng ý có một cuộc hòa hoãn hai năm để ngăn chặn sự lạc
hướng có thể làm cho cộng đồng tan vỡ. Tan trả lời rằng ông đưa ra
phát biểu đó là để đánh tan lời đồn đại mạnh mẽ rằng Singapore
đang tính đến chuyện ly khai. Chúng không chỉ là những đồn đại
duy nhất; chính vì một sự nghi ngờ như vậy mà tôi phải hóa giải
một lời đồn khác là tôi đã bị chính phủ liên bang câu lưu ở Kuala
Lumpur.
Một tuần sau, Khir Johari loan báo về một sự cải tổ quan trọng
trong đảng Liên hiệp Singapore, nhằm chấm dứt sự thống trị của
PAP trong kỳ tuyển cử sắp tới của bang, dự định vào năm 1967.
Chin Chye lập tức yêu cầu Liên hiệp phải nói rõ lập trường của họ về
cuộc hòa hoãn hai năm, và nhấn mạnh điều này không chỉ có áp
dụng cho phía PAP. Khir chối là không hề biết gì về vụ hòa hoãn, và
sau một cuộc họp với Tunku vào ngày hôm sau, Liên hiệp Singapore
đã đưa ra lời tuyên bố nói rằng thỏa thuận đình chỉ công việc chính
trị đảng phái trong hai năm là chỉ liên quan tới các vấn đề sắc tộc
mà thôi; điều đó không có nghĩa là Liên hiệp không được tái tổ chức
để trở nên hiệu năng hơn. Điều này quả là phiền phức. Tunku muốn
rằng mọi thỏa thuận phải được diễn giải theo hướng có lợi cho ông.
Chin Chye giận dữ và cay đắng. Nhưng bởi vì Khir và Tunku trong
thực tế đã nói rằng chúng tôi được tự do mở rộng đảng phái chính trị
của mình, nên Chin Chye, Raja, Pang Boon và Khoon Choy khởi sự
tiếp xúc với bạn bè trong các tỉnh nhà của họ ở nội địa để xây dựng
cơ sở quần chúng, và Chin Chye cũng tuyên bố sẽ định hướng lại
PAP để có thể động viên sự ủng hộ của quần chúng tại Malaya; đảng
có thành viên trên khắp bán đảo, và khi thời cơ đến, ông sẽ tổ chức
họ thành các chi bộ.
Tình báo Indonesia tiến hành khai thác sự căng thẳng này, và tìm
cách thăm dò tôi thông qua các nhà buôn người Hoa của chúng tôi,
và hứa hẹn rằng Indonesia sẽ buôn bán trở lại với Singapore nếu
như chúng tôi rút ra khỏi Malaysia. Để chấm dứt những cố gắng
nhằm chia rẽ chúng tôi như vậy, tôi công bố những lời chào mời của
Jakarta tại Hội đồng lập pháp Singapore vào ngày 12/11 và bác bỏ
lời chào mời đó bằng cách nói rằng người Indonesia sẽ dần dần hiểu
ra rằng Malaysia sẽ không dễ dàng bị tan rã đâu, và họ phải học
cách sống và buôn bán với nó.
Nhưng tinh thần của dân chúng ở Singapore cũng đang sa sút.
Thành phố trông thật lôi thôi lếch thếch. Với sự lơ là trong thi hành
pháp luật, những tay chăn nuôi người Ấn đã để cho bò và dê của họ
gặm cỏ tràn lan ở những sân banh và thậm chí ngay cả cỏ ở các tiểu
đảo tại vòng xoay giao thông. Một buổi tối, một luật sư lái xe tông
phải một con bò tại một nơi chỉ không xa trung tâm thành phố và bị
thiệt mạng. Từ cửa sổ văn phòng, tôi có thể thấy được trâu bò ở
Esplanade. Sau hai vụ bạo loạn, nơi ấy trở nên bẩn thỉu, đầy rác
rến, bò và dê lang thang khắp nơi, rồi chó hoang, ruồi muỗi và cả ăn
mày cũng nhiều hơn. Ngay cả khuôn viên Bệnh viện Đa khoa
Singapore cũng bẩn thỉu. Tôi quyết định chấn chỉnh tình trạng sa đà
này. Tôi triệu tập một cuộc họp tại Nhà hát Victoria gồm tất cả các
viên chức liên quan đến y tế công cộng, với sự có mặt của đông đủ
báo chí và truyền hình, và đề nghị họ phải lặp lại cho bằng được sự
ngăn nắp và sạch sẽ. Chúng tôi dành cho những người chăn nuôi
mấy ngày để nhốt bò và dê vào chuồng; bất kỳ gia súc nào bị bắt
gặp đi lang thang sau đó sẽ bị làm thịt cung cấp cho các nhà tế bần.
Điều này đã có hiệu quả như mong muốn. Thành phố gọn gàng,
sạch sẽ hẳn lên.
Thế rồi Tan Siew Sin lại gây sốc thêm lần nữa. Trong bài phát biểu
về ngân sách vào ngày 25/11, ông công bố những biện pháp cứng
rắn mới để tăng thu ngân sách, bao gồm một sắc thuế doanh thu
0,5% tính trên tổng thu nhập và một sắc thuế 2% tính trên tổng
quỹ lương của tất cả các hộ kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến
Singapore nhiều nhất. Chúng tôi đang cần tạo ra thêm nhiều công
ăn việc làm, và việc làm tăng chi phí nhân công như vậy sẽ gây bất
lợi cho những ngành cần dùng nhiều lao động. Tôi đã vạch rõ là
những biện pháp như vậy sẽ không giúp gì cho công cuộc công
nghiệp hóa Malaysia, và rất có thể còn làm cho sự cách biệt giàu
nghèo thêm lớn hơn. Trong bài diễn văn đầu tiên của mình tại nghị
viện liên bang, Keng Swee cũng nói rằng các sắc thuế đang có tác
dụng ngược và việc ban bành đã không đúng lúc. Singapore sẽ phải
nộp ngân sách tới 20% thuế thu nhập quốc gia và 40% thuế tiền
lương, một điều rõ ràng là không cân xứng với dân số và nền kinh
tế của nó. Và khi Đại hội Công đoàn Singapore, với những lý lẽ hợp
lý, phản đối các sắc thuế mới là bất lợi cho người lao động, Tan lại
buộc tội chính quyền chúng tôi là dùng mọi cơ chế có trong tay để
kích động công chúng chống lại những sắc thuế đó.
Tan nói rằng ông muốn xem xét lại ngay những thỏa thuận về tài
chính giữa hai bên, và tuyên bố rằng gánh nặng ngân sách của
Singapore là nhẹ nhất trong toàn Malaysia. Ông mong có lúc
Singapore sẽ nộp 60% thay vì 40% thu nhập của nó cho chính
quyền trung ương.
Chính Tunku cũng phát biểu rất đáng ngại tại bữa tiệc tối ở trường
Đại học Y khoa Singapore ngày 9/12 khi cho rằng Singapore “đầy
những chuyện chính trị. Tại Singapore chẳng hạn, bạn sẽ thấy là ít
có chuyện hòa đồng so với bất cứ nơi nào khác trên đất nước
Malaysia… Đó là lý do tại sao tôi không sốt sắng với việc đưa
Singapore vào Liên bang.” Những chỉ trích của chúng tôi về thuế
doanh thu và thuế quỹ lương đã có tác động trong nước, bởi ông có
nói thêm:
“Nếu chúng ta thấy bất kỳ sắc thuế nào đó có vẻ không khả thi và
dễ bị phản đối, chúng ta có thể sửa đổi… Nếu các chính khách thuộc
các chủng tộc, màu sắc chính trị và tia chớp khác nhau tại
Singapore (tia chớp là biểu tượng của PAP) bất đồng với tôi, giải
pháp duy nhất là ly khai, nhưng đó sẽ là thảm họa lớn biết bao cho
Singapore và Malaysia.”
38
CẢI TỔ HIẾN CHẾ?
Tunku hẳn đã cảm thấy Malaysia đang đứng trước sự khó khăn.
Khi tôi gặp ông tại Kuala Lumpur vào ngày 19/12, ông không còn cái
vẻ thư thái và bình thản thường lệ. Ông không còn có những lời
nhận xét hài hước và cười đùa nữa, mà đi thẳng vào công việc, nói
năng nghiêm trang suốt nửa tiếng đồng hồ liền. Ông thẳng thắn và,
lần đầu tiên, đề nghị chuyện “cải tổ” hiến chế. Ông đã nói chuyện
với những người thân cận của mình – Razak, Ismail, Tan và Khir
Johari – về điều này sau cuộc họp nội các ngày hôm trước.
Ông nhấn mạnh nhiều lần rằng quốc phòng là điều hết sức quan
trọng đối với ông. Mậu dịch và thương mại sẽ vẫn như trước, nhưng
chúng tôi phải tiếp tay chi trả cho quốc phòng. Singapore sẽ là
“cộng sự, độc lập, nhưng cũng là một phần của bán đảo (Malaya)”.
Ông muốn cả Singapore lẫn Malaysia đều có chân trong Liên Hiệp
Quốc. Chúng tôi có thể có chung các tòa đại sứ và có lẽ cả đại diện
trong Liên Hiệp Quốc nữa. Trong trí óc ông có vẻ như chưa có gì cụ
thể về những điều ông muốn, nhưng lại đưa ra thời hạn ấn định để
hoàn thành những thay đổi trên là trước kỳ ngân sách tới, và trong
thời gian đó tôi có thể nghĩ về những vấn đề này.
Tôi bảo chừng nào ông còn sống thì ông vẫn có thể nắm vững
được các lực lượng khác nhau trong tay.
Ông trả lời: “Tại Singapore có quá nhiều người Hoa mang tư tưởng
dân tộc hẹp hòi, có quá nhiều phần tử cộng sản người Hoa. Ông phải
làm nhiều thứ cho người Hoa bởi vì đó là một tiểu bang người Hoa
nhưng có những ảnh hưởng đến Malaya. Lee Siok Yew (Bộ trưởng
Giáo dục MCA) giờ đây đang muốn có một trường đại học Hoa tại
Malaya. Một khi chúng ta tách ra với nhau thì ông có thể làm khác đi
được. Ông có thể công nhận Đại học Nanyang; chính sách ngôn ngữ
của ông có thể khác. Sau khi đã hiểu rõ vấn đề với nhau, chúng ta
có thể thông báo cho người Anh biết.”
Tôi vạch rõ rằng các lợi ích của Anh phải được bảo vệ nếu như họ
tiếp tục duy trì các căn cứ của họ tại Singapore và bảo vệ Malaysia.
Tôi hỏi liệu Singapore rồi sẽ như Bắc Ireland hoặc Nam Ireland
chăng. Ông trả lời: “Đâu đó ở giữa.”
Vào ngày 31/12, tôi tiếp Ismail suốt một giờ liền. Ông ta biết
chuyện và có đầu óc hơn. “Tunku cảm nhận những chuyện này một
cách trực giác. Ông ta muốn trở lại kế hoạch ban đầu, đó là ông sẽ
trông nom Singapore thay mặt cho Tunku.”
Khi tôi hỏi chi tiết, ông nói: “Tự thân ông có thể vạch ra chi tiết
những chuyện này được mà. Ông cũng biết giờ đây chúng ta đang
cần gì,” và ông đã lặp lại đến ba lần rằng: “Tốt nhất tôi không nên
nói nhiều, tốt nhất là nên giữ im lặng. Họ đang nghi ngại tôi. Tôi đã
lưu hành các báo cáo vô tư của Sở đặc vụ, nhưng giờ đây họ đã bỏ
xó chúng để ưu tiên dùng tình báo riêng, tình báo riêng của UMNO.
Theo Tunku, sẽ có rắc rối bởi các phần tử cực đoan và các phần tử
dân tộc hẹp hòi đang rất tích cực trong mọi tầng lớp dân cư. Chừng
nào Tunku còn ở đó, với tính cách riêng của mình, người ta sẽ còn
nghe theo ông ta. Ông ta trên cả nội các và các quy ước về trách
nhiệm liên đới của nội các không áp dụng cho ông ta. Do vậy thật dễ
dàng cho Tunku bởi chúng tôi có thể làm những chuyện bẩn thỉu
giùm ông ta. Ông ta có thể vứt bỏ chúng tôi nếu như ông ta muốn.”
Khi tôi cáo từ, Ismail nói: “Cứ giữ yên mọi sự thì tốt hơn, nếu
không nó sẽ gây chấn động lớn cho dân chúng. Thiếu niềm tin, các
nhà đầu tư sẽ bỏ đi, Sukarno sẽ thành kẻ chiến thắng, và ông ta sẽ
tiếp tục cuộc chiến đối đầu. Tốt nhất là ghi mọi việc thành văn bản
và thảo luận. Tốt nhất cho tôi là đừng lên tiếng khi họ không còn tin
tôi nữa. Hiện đang có rạn nứt sâu xa, UMNO không tin MCA, MCA
phải cạnh tranh với PAP, nên tư tưởng dân tộc hẹp hòi lại mạnh mẽ
hơn. Vậy là trở lại tình thế cũ, rắc rối quanh nền giáo dục của người
Hoa. Sau cùng thì PAP hay MCA cũng vậy thôi, đó thực ra là chuyện
người Malay chống người Hoa. Trước bầu cử, Tan Siew Sin đề nghị
các đảng trong Liên hiệp hợp nhất lại thành một đảng. Bây giờ thì
ông ta từ chối khi biết rằng những người Hoa sẽ ngả theo PAP.”
Ông nhắc lại nhiều lần là: “Hãy nói chuyện với Toh và Raja, đường
lối phi sắc tộc của họ, chúng ta có thể đồng ý trên nguyên tắc trong
thế hệ tới, nhưng vấn đề bây giờ là sắc tộc. Hãy chấp nhận sự song
song tồn tại của các đường lối trong 16, 20 năm, rồi hòa nhập hai xã
hội lại, Singapore và Malaya, lịch sử của chúng khác nhau, cấu trúc
xã hội cũng khác.”
Tôi nhấn mạnh rằng trở ngại lớn nhất là việc Chin Chye, Raja,
Nyuk Lin và Pang Boon đều là những đứa con của đất Malaya, và gia
đình của họ cũng đều ở đó. Quan hệ tình cảm khiến cho họ khó có
thể rút lui khỏi Malaya. Ismail gật đầu đồng ý.
Tuy chúng tôi cố hết sức để giữ kín những cuộc thảo luận về cải tổ
hiến chế, nhưng những tranh cãi gay gắt giữa chúng tôi không thoát
khỏi tai mắt của người Anh. Họ cảnh giác trước bất kỳ biến động nào
có thể làm suy yếu sự hợp nhất Malaysia và trở thành mồi ngon cho
Sukarno.
Vào ngày 28/7/1964, ngay sau những vụ bạo loạn chủng tộc đầu
tiên, Keng Swee đã gặp Antony Head, người đã nhận xét rằng các
nhà lãnh đạo UMNO biết rằng trong cuộc đấu tranh chính trị dựa
trên ý thức hệ và chủ thuyết, về lâu dài họ sẽ thua dưới tay PAP.
Keng Swee đã tóm lược cho Head biết các đề nghị của Razak cho
một cuộc hợp tác hoặc cùng song song tồn tại. Head nghĩ các đề
nghị đó là không khả thi. Ông nói việc từ chức của tôi sẽ chẳng làm
nên được điều gì. Đòi gạt bỏ người lãnh đạo của Singapore vì sự rắc
rối do chính người Malay gây ra có thể khiến người Hoa thêm phẫn
nộ và trong thực tế điều đó còn gây tác hại đáng kể.
Head muốn Tunku nên từ Mỹ về nước gấp và tuyên bố thành lập
ngay một chính quyền mà nó sẽ tăng cường khối đoàn kết quốc gia
trước sự xâm lấn của Indonesia. Ông đã trình bày quan điểm của
mình với London và rất có thể Thủ tướng Anh sẽ thúc ép Tunku về
chuyện này. Ông cũng rất quan tâm đến tình hình ở Sabah và
Sarawak, bởi tại những nơi này chưa có đại biểu thỏa đáng trong nội
các; đối với Anh, không thể có chuyện lo phòng thủ miền ngoài
trong khi hậu phương thì tan rã.
Tunku đã đến Singapore vào ngày 18/8 và nói với tôi rằng trên
đường từ Washington về, ông có ghé lại London và được Thủ tướng
Anh tiếp kiến. Ông này đã khuyên ông rằng cách tốt nhất để củng
cố Malaysia sau những bạo loạn chủng tộc tại Singapore là thiết lập
liên minh với PAP. Tunku có nói rằng UMNO sẽ không bao giờ chấp
nhận điều này bởi bên phía chúng tôi không thể chấp nhận điều kiện
cơ bản mà Razak đã đưa ra, đó là chúng tôi phải đứng bên ngoài thế
giới của người Malay.
Vào tháng 12/1964, cả hai bên đều mò mẫm đi tìm một sự dàn
xếp lỏng lẻo hơn trong liên bang. Tunku yêu cầu tôi cho trình bày
các ý kiến mà ông đã bàn bạc với tôi thành văn bản nhằm làm sáng
tỏ những gì chúng tôi đang sắp giải quyết. Thông báo của tôi, được
hoàn tất vào ngày 25/1/1965, đề nghị chúng tôi trở lại tình trạng
ngay trước khi hợp nhất: tất cả các quyền hiến định thuộc phạm vi
quyền hạn của chính phủ Singapore phải được trả lại cho chính phủ
Singapore, chính quyền trung ương sẽ chịu trách nhiệm về quốc
phòng và đối ngoại có sự tham khảo với chúng tôi, và chúng ta cùng
chia sẻ trách nhiệm an ninh trong Hội đồng an ninh nội chính. Trong
khi các dàn xếp hiến chế này được thi hành, công dân Singapore sẽ
bị cấm tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị đảng phái nào bên
ngoài Singapore và điều đó cũng vậy đối với người Malaysia trên bán
đảo.
Người phản đối kịch liệt nhất đối với chuyện tạm thời rút lui khỏi
Malaysia là Raja. Điều đó sẽ có nghĩa là chúng ta bị cô lập, ông phản
đối, và dần dà chúng ta sẽ bị các phần tử cực đoan kết liễu mà thôi.
Ông nghĩ chúng tôi nên ở lại trong liên bang nhằm đoàn kết dân
chúng chống lại bọn cực đoan, và nhờ thế kiếm được cơ hội hay hơn
để phản công bọn họ. Raja là một con người nói sao làm vậy, ông
chưa từng chùn bước đấu tranh, cho dù nó gian nan thế nào, một
khi ông tin rằng chúng tôi có lẽ phải. Chin Chye đồng tình với ý kiến
của ông, nhưng đa số nội các ủng hộ tôi. Tôi gửi thông báo của mình
đến Tunku hai ngày sau đó và thảo luận chuyện này với ông tại dinh
của ông trong suốt ba giờ liền vào ngày 31/1.
Tết âm lịch và Hari Raya Puasa, là hai kỳ lễ lớn nhất của người Hoa
và người Malay, cùng trùng vào ngày 31/1/1965. Trong thông điệp
của mình, tôi lên tiếng kêu gọi sự hòa hợp chủng tộc để chống lại
tuyên truyền của Indonesia, vốn đang khuấy động tâm tình của
người Hoa lẫn người Malay. Lời kêu gọi tinh thần liên–Malay của
Sukarno đang khiến UMNO nhấn mạnh vào “tính Malay” của mình
để vượt trội ông ta. Thông điệp của tôi đã khiến Tunku trả lời gay
gắt vào ngày hôm sau đó:
“Có những chính khách đang quy cho chính quyền là sử dụng bạo
lực để áp đặt ý muốn của chúng ta lên người khác. Chúng ta nhận
thức rằng chúng ta không chỉ là một chính quyền mạnh mà còn là
một chính quyền đúng và tốt nữa, nhưng nói chúng ta đang dùng
biện pháp vũ lực là không đúng… Những chính khách này nói về bất
hòa và căng thẳng, về rắc rối và đổ máu trong tương lai, họ nói về
chiến tranh… họ đang tạo ra trong lòng dân một tâm trạng u ám tại
bất cứ nơi nào họ đến… Trong giờ phút thử thách và khổ sầu này,
kiểu nói chuyện như thế thì quả thực là xuẩn ngốc, độc địa và nguy
hiểm, và tôi thật lấy làm xấu hổ cho họ.”
Bốn ngày sau đó tôi trả lời, trong một bữa tiệc do các ủy ban thiện
chí tổ chức, rằng khi đứng trước những sự thật khó chịu trong đời,
chúng ta nên tìm cách giải quyết chúng hơn là giả vờ như chúng
không tồn tại. Những điều đang được nói, nếu cứ tiếp tục, sẽ dẫn
đến chuyện không hay. Tôi đang muốn đề cập tới những bài báo
trên tờ Utusan Melayu vẫn đang tiếp tục kích động tình cảm dân
Malay chống lại tôi, PAP và người Hoa. Chúng tôi cho đăng các bản
dịch ra tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Tamil những lời chỉ trích kịch
liệt hằng ngày này, và cho phát các trích đoạn bằng đủ mọi thứ
tiếng trên truyền thanh và truyền hình. Tunku biết là tôi đã hiểu
thấu chiến thuật của họ. Ông muốn tôi giữ im lặng và bàn bạc các
vấn đề với riêng ông ta thôi. Nhưng tôi muốn trước tiên phải cho mọi
người thấy chiến dịch kỳ thị chủng tộc sâu hiểm mà Ja’afar Albar và
tờ Ututan đang tiến hành.
Trong khi những cuộc bốp chát qua lại công khai vẫn tiếp diễn,
Keng Swee và tôi đã thảo luận riêng với Tunku, Razak và Ismail. Tôi
đề nghị tạm tách rời một vài năm, cùng với các ràng buộc liên bang
lỏng lẻo hơn và việc bàn giao thêm quyền hành hơn cho chính phủ
bang Singapore, nhất là về cảnh sát và an ninh nội chính.
Giải pháp khác cho sự hợp tác trong một chính quyền quốc gia là
tình trạng song song tồn tại: Singapore sẽ không có đại diện trong
nội các, nhưng cả hai chính phủ sẽ hoạt động độc lập với nhau trong
khuôn khổ ảnh hưởng của mình theo thỏa thuận. Thế nhưng điều
kiện tiên quyết của họ cho sự hợp tác hay song song tồn tại là, dù ở
đất Malaya hay Singapore, PAP phải đứng ngoài thế giới của người
Malay, và giao cho UMNO toàn quyền xử lý chuyện của người Malay
thông qua Khir Johari. UMNO phải được độc quyền lãnh đạo người
Malay, ngay cả ở Singapore.
Sau nhiều lần cố gắng dàn xếp các thỏa hiệp, tôi kết luận là Tunku
cố chấp. Ông giờ đây quyết tâm gạt chúng tôi ra ngoài nghị viện liên
bang. Ông không muốn chúng tôi tham dự bất kỳ cuộc bàn cãi nào
trong cơ quan này nữa. Chúng tôi đang trở thành cái gai trong mắt
họ, nhất là ở chuyện tài chính. Singapore sẽ thu thuế riêng của
mình trước khi tới kỳ ngân sách tới, ông nói, nhưng phải đóng góp
cho việc quốc phòng của Malaysia bởi vì bang này sẽ giàu thịnh
thêm nhờ thị trường chung của họ.
“Nếu các ông không có chân trong quốc hội, chúng ta có thể là
bạn của nhau,” ông nói. “Vậy mà lại hay – nếu ông có chân trong
quốc hội, ông lại phải phê bình.”
Thế nhưng ông tỏ ra quyết tâm kiểm soát quốc phòng và đối
ngoại. Lý luận của ông thật đơn giản. “Điều gì sẽ xảy ra nếu
Singapore mở bang giao với Trung Quốc và những nước cộng sản
khác? Nó sẽ khiến chuyện quốc phòng hóa ra vô nghĩa.”
Ngay từ đầu, ông đã muốn hợp tác với Singapore trên căn bản
cộng tác, chứ không phải hợp nhất. Trong tư tưởng của ông, vị trí
của chúng tôi là lãnh thổ tự trị – “giống như Rhodesia vậy”, Ismail
nói.
Tôi nói với Tunku rằng nếu chúng tôi phải gánh chịu chi phí quốc
phòng, chúng tôi phải có chân trong quốc hội. Không thể có chuyện
đóng thuế mà không có đại biểu được. Nhưng ông đã nhấn mạnh,
như tôi đã viết cho các đồng sự trong nội các của tôi: “Ước muốn gạt
chúng ta ra ngoài của ông ta là không thể thay đổi được.” Khi tôi nói
thêm rằng tôi khó thể nào thuyết phục được các đồng sự chấp nhận
quan điểm của mình, Tunku nổi nóng: “Ông nói với họ rằng tôi
không cần Singapore, có vậy thôi. Tôi không muốn Singapore có
chân trong quốc hội và họ không thể làm gì khác hơn được.”
Tôi có hỏi Ismail vào ngày hôm sau rằng Tunku có hiểu quan điểm
của chúng tôi không, rằng ông không thể gạt chúng tôi khỏi nghị
viện trong khi lại muốn chúng tôi đóng góp vào quốc phòng và an
ninh xã hội, Ismail trả lời: “Có, Tunku đã cân nhắc quan điểm đó.
Nhưng chúng tôi phải chọn một trong hai.”
Không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi không đạt được sự tiến bộ
nào trong “các dàn xếp lại” trong liên bang mà tôi đã đề xuất trong
thông báo ngày 25/1. Sau một cuộc họp với Hội đồng quốc phòng
ngày 9/2, Razak nói với Keng Swee rằng hai bên không thể thoát ly
khỏi những lập trường chính trị ít nhiều đã được củng cố qua nhiều
năm. Những gì phù hợp cho Singapore thì không phù hợp với
Malaysia và ngược lại. Hợp nhất là một sai lầm. Phải có một thời gian
quá độ để tránh xung đột và giờ đây nhất thiết phải thiết lập một
dạng liên bang lỏng lẻo.
Keng Swee nói rằng bất kỳ một cuộc cải tổ hiến chế nào cũng
không được coi Singapore như một bán thuộc địa. Nếu Singapore
tách rời khỏi nghị viện liên bang, nó sẽ khước từ thân trạng và
quyền lợi cũ của mình, và đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng, ông
nhắc lại lần nữa ý kiến của tôi là chúng tôi sẽ cố gắng hướng đến
tình thế trước khi có Malaysia, và lần này khẳng định với Razak rằng
có thể tìm ra được một giải pháp theo kiểu đó.
Những cuộc bàn cãi như vậy thật là rối ren và chẳng đi tới đâu cả,
bởi Tunku và Razak trong các đề nghị của họ cứ chao đảo hết đi xuôi
rồi đi ngược. Cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu cả, bởi lý do nổi bật là:
người Anh không muốn làm yếu Malaysia trong cuộc chiến đối đầu
(với Indonesia), và Head đã khéo léo can thiệp, qua những buổi làm
việc với Tunku, Razak và Ismail, để ngăn chặn họ lại.
Vào ngày 15/2, Chin Chye, Kim San và tôi cùng chơi gôn với
Tunku. Tôi dè dặt đề cập rằng người Anh đã đoán được những gì
đang diễn ra bởi một lúc trước đó, Lord Mountbatten, từng viếng
thăm Kuala Lumpur rồi Singapore, đã bày tỏ sự lo ngại của ông ta
nhân danh Thủ tướng của ông. Tunku bảo ông đã có nói với
Mountbatten rằng không có gì phải lo ngại bởi ông hiểu rất rõ mối
nguy hiểm của việc Indonesia lợi dụng tin tức về sự chia rẽ trong
Malaysia. Nhưng khi chúng tôi cùng về phòng làm việc của ông,
chúng tôi khám phá ra rằng suy nghĩ của ông đối với chuyện cải tổ
đã đổi khác đi sau khi Mountbatten và Head đã làm việc với ông.
Singapore sẽ vẫn tiếp tục có chân trong nghị viện liên bang, giờ đây
ông nói như vậy. Chuyện tài chính và quyền thu thuế của tiểu bang
sẽ được giao lại cho Singapore, giải tỏa nguồn gốc chính gây bất hòa
giữa chúng tôi. Như đã đề nghị, quốc phòng và đối ngoại sẽ thuộc về
chính phủ liên bang, trong khi việc kiểm soát lực lượng cảnh sát và
các vấn đề an ninh địa phương sẽ được trao cho chính phủ
Singapore. Nhưng an ninh và tình báo quốc gia (Tunku muốn nói tới
MI5 và MI6) vẫn phải là của trung ương, bởi nếu khác đi – ông lặp
lại đến ba lần – “Ai biết được sẽ có chuyện gì xảy ra nếu như PAP
không nắm quyền mà một đảng cực tả nào đó như Barisan lại nắm
quyền? Singapore sẽ trở thành một Cuba mà thôi.”
Thế rồi ông yêu cầu tôi thảo một lá thư gửi cho Harold Wilson, để
báo cho ông ta biết những dàn xếp này và trấn an ông ta rằng
Malaysia không có phân ly. Tôi đã gửi cho Tunku bức thư phác thảo
này vào hôm sau.
Cả ba người Singapore chúng tôi đều tin rằng người Anh đã ngăn
chặn thành công bất kỳ ý tưởng nào của ông ta muốn để hòn đảo
này (Singapore) “tách ra”, theo như cách nói của Tunku. Về sau
Tunku có nói với chúng tôi ở tư dinh rằng giờ đây ông muốn tiến
hành mọi chuyện một cách từ tốn. Ông e ngại mọi tiết lộ công khai
có thể tạo lợi thế cho Sukarno.
Claude Fenner, tổng thanh tra cảnh sát, từ Kuala Lumpur đến gặp
tôi. Ông đến để từ nhiệm, nhằm trao lại cho chính quyền kiểm soát
lực lượng đồng phục, và hài lòng khi chúng tôi có thể vãn hồi được
trật tự khi xảy ra các vụ bạo động nếu như chúng tôi xây dựng được
các đơn vị dự bị riêng của mình. Ông tin rằng một khi các phần tử
cực đoan ở Singapore biết rằng chính phủ tiểu bang đã đảm nhiệm
công việc an ninh và có thể hành động chống lại họ được, thì hy
vọng sẽ có ít rối loạn hơn. Ông ta có vẻ thành thực, nhưng tôi đã
lầm khi nghĩ đó là quan điểm rốt ráo của ông. Năm ngày sau, ông
trao cho tôi một bản tham luận ông viết gửi cho Ismail, lập luận trái
ngược hẳn: không nên giao cảnh sát hay công việc an ninh tiểu
bang cho Singapore. Giống như Tunku, ông ta thay đổi hẳn lập
trường của mình. Ông ta đã đưa Sir Roger Hollis, người đứng đầu
của MI5, hiện đang viếng thăm Kuala Lumpur, đến gặp Ismail, và
Hollis đã thuyết phục ông này rằng, xét theo quan điểm chuyên
môn, chuyện chia quyền kiểm soát cảnh sát cho cả Singapore lẫn
liên bang là thiếu khôn ngoan. Do vậy, Ismail đã đề nghị chính phủ
liên bang nên tiếp tục coi sóc công việc luật pháp và trật tự tại
Singapore y như hiện nay. Tôi hỏi là phải chăng Tunku đã thay đổi ý
kiến. Ismail trả lời rằng không phải vậy, nhưng ông ta thấy có bổn
phận phải đưa ra lời khuyến cáo chuyên môn mà ông ta đã nhận
được.
Chẳng lâu sau, tôi có dùng cơm trưa với Head tại biệt thự riêng
Carcosa của ông và bàn luận căng thẳng với ông ta 20 phút trước và
20 phút sau bữa ăn. Ông ta đã gặp Tunku, Razak, Ismail và Tan vào
sáng hôm đó, và nói rằng Tunku đang dự định trong đầu những tái
sắp xếp mới nhất, nhưng có ba trở ngại. Thứ nhất, Tan phản đối
chuyện từ bỏ kiểm soát việc tài chính. Thứ hai, Ismail chống đối
chuyện trao lại cho chúng tôi quyền kiểm soát cảnh sát và an ninh.
Thứ ba, bộ phận UMNO ở Singapore không muốn hòa dịu, chứ đừng
nói chi đến chuyện tạm ngưng hoạt động. Tôi nói với ông ta rằng
chính Fenner là người đã gây ra cản ngại trong vấn đề kiểm soát
cảnh sát. Bình tĩnh, Head nói rằng ông chưa đề cập vấn đề với
Fenner, nhưng có lẽ sẽ làm thế thôi.
Ông đề nghị nên có tạm ngưng hoạt động trong khi đang tiến
hành các cuộc đàm phán, tức là một kiểu hưu chiến. Tôi nhắc cho
ông ta nhớ những gì đã xảy ra cho cuộc hưu chiến vừa rồi. Tôi đề
nghị Tunku và tôi sẽ đưa ra một tuyên bố nói rằng chúng tôi đã
đồng ý với nhau trên nguyên tắc không can thiệp vào nhau trong
thời kỳ người Indonesia tiến hành cuộc chiến đối đầu, và nhấn mạnh
rằng các chi tiết về biện pháp hành chính để đạt được điều này đang
được bàn thảo, nhằm không làm xáo trộn nền tảng của Malaysia.
Head đồng ý, nhưng không thực sự như vậy. Ông nói với tôi rằng
các cải tổ hiến chế là một thắng lợi lớn mà chúng tôi không được để
Sukarno thủ lợi, bởi điều đó sẽ chỉ khuyến khích ông ta tiếp tục cuộc
chiến đối đầu. Ông khuyên tôi nên nhẫn nại và chờ đợi chuyện đó
qua đi. Chuyện đối đầu đó không thể kéo dài lâu được bởi nền kinh
tế của Indonesia đang trì trệ và siêu lạm phát đang tàn phá đất
nước này. Một khi cuộc đối đầu qua đi, tôi có thể thúc ép Tunku
trong các vấn đề hiến chế.
Tôi lắng nghe ông ta, bàn bạc điều đó với các đồng sự của mình,
và kết luận rằng người Anh sẽ không muốn Malaysia rước lấy bất kỳ
rủi ro nào do áp dụng một sự dàn xếp lỏng lẻo vốn sẽ chỉ hữu hiệu
với một chính quyền PAP ở Singapore và có thể dẫn đến những vấn
nạn nghiêm trọng nếu như đảng Barisan nắm được chính quyền. Tôi
cũng quyết định chúng ta đang có một cơ hội tốt hơn để kiếm được
một cải tổ hiến chế hợp lý nếu tôi gây sức ép với Tunku trong khi
người Anh vẫn bảo vệ Malaysia chống lại Indonesia và vẫn còn có
thể ảnh hưởng đến ông ta. Head nói rằng tuy ông ta muốn chúng tôi
tự thu xếp chuyện nội bộ của mình nhưng chính phủ Anh cũng cho
ông ta được quyền quyết định rộng rãi và nếu cần điều đó cũng tạo
được áp lực đáng kể.
Ngày hôm sau, 24/2, tôi yêu cầu gặp ông tại Nhà khách Singapore
ở Kuala Lumpur. Tôi nói với ông ta là tôi không thể thuyết phục
Tunku đưa ra lời tuyên bố được bởi ông ta (Head) đã làm Tunku ngại
không muốn nói hay làm bất cứ điều gì. Tình thế chắc chắn sẽ trở
nên tệ hại hơn bởi cả hai bên vẫn găng nhau cho đến khi ngã ngũ,
và chúng tôi có thể phải đối mặt với một cuộc bạo loạn thứ ba. Head
bảo ông sẽ vận động Tunku tuyên bố ông ta đang suy nghĩ thực
hiện những cuộc sửa đổi nhỏ cho Malaysia để công việc thêm trôi
chảy hơn, chứ không phải là những thay đổi căn bản hay triệt để.
Các cuộc thương lượng về chuyện cảnh sát và tài chính sẽ mất ít
nhất cũng sáu tháng; trong lúc đó tình hình phải được giữ vững.
Tôi gửi cho nội các một bản đánh giá của mình: không chỉ có
chuyện là Mountbatten và Head đang gây áp lực lên các nhà lãnh
đạo Malaysia, mà còn có chuyện các viên chức Anh được các Bộ
trưởng Liên hiệp tin cậy, như Fenner trong cảnh sát và Gould bên Bộ
Tài chính, cũng đang làm hết sức mình để ngăn cản chuyện cải tổ
của Tunku. Người Anh không muốn có bất kỳ thay đổi nào trong khi
cuộc chiến đối đầu của Indonesia vẫn còn đó, và nếu có đi chăng
nữa thì cũng phải là những cải tổ tối thiểu mà thôi. Cảnh sát, cả lực
lượng đồng phục lẫn Sở đặc vụ, đều vẫn dưới sự kiểm soát của
trung ương. Tôi kết luận: “Theo kinh nghiệm của tôi trong các cuộc
thương lượng hợp nhất, đây là đặc trưng trong phương thức của
người Anh. Không bao giờ công kích trực diện bằng cách nói rằng sẽ
không có chuyện sửa đổi gì hết, mà họ thường gây xói mòn quan
điểm của người khác từng chút một… Tôi không biết ông ta (Head)
có định làm cho chúng ta kiệt quệ đi hay không.” Tôi không loại trừ
khả năng nếu chúng tôi phớt lờ lời khuyên của Head, ông ta có thể
ra hiệu cho Tunku biết là người Anh sẽ sẵn sàng đồng tình với
chuyện loại bỏ hoàn toàn sự thách đố của chúng tôi trong Liên
bang.
Lợi thế mặc cả của chúng tôi là sức mạnh chính trị có được từ các
chi bộ PAP ở Malaya và sự có mặt của chúng tôi trong quốc hội. Lợi
thế này cho phép chúng tôi tập hợp được những người không–Malay
lẫn những người Malay cấp tiến trên khắp đất nước Malaysia. Thế
nhưng vì điều đó, và vì khả năng của chúng tôi trong việc huy động
những cuộc mít–tinh và vận động tại Malaya, nên Tan Siew Sin sẽ lờ
đi chuyện chúng tôi công kích ngân sách của ông ta và đưa dự luật
thuế doanh thu ra trước Quốc hội.
Tuy nhiên, những bàn bạc sau hậu trường đã giữ tình hình không
đi tới chỗ khủng hoảng. Cả hai bên đều muốn tránh chuyện đụng
độ. Cả hai bên đều muốn có một sự dàn xếp lỏng lẻo hơn nhằm
chấm dứt mối bất hòa thường xuyên mà về lâu về dài sẽ làm suy
yếu địa vị của Malaysia trên trường quốc tế và quốc nội. Thế nhưng
người Anh sẽ không muốn như vậy, và họ đã cật lực để giữ cho
Malaysia vẫn y nguyên như trước đây; người Úc và New Zealand
ủng hộ người Anh. Cao ủy Úc, Tom Critchley và viên phụ tá của ông
ta ở Singapore là Bill Pritchett, đã hối thúc tôi giữ nguyên mọi thứ cả
về mặt hiến chế lẫn hành chính, rút ra khỏi nền chính trị Malaya và
đóng cửa các chi bộ đảng trên bán đảo này để đổi lại việc có được
hai Bộ trưởng trong chính phủ liên bang. Tôi nói với Critchley rằng
chúng tôi không thể rút PAP ra khỏi đất Malaya được khi mà UMNO
vẫn hoạt động tại Singapore và các phần tử cực đoan Malay có thể
bị sử dụng làm đòn hăm dọa chúng tôi bằng cách gây rối chủng tộc.
UMNO muốn cái nọ thì phải mất cái kia chứ.
Có một điều bù qua đắp lại trong cơn căng thẳng ngày càng lớn và
đấu khẩu ngày càng gay gắt giữa các nhà lãnh đạo Malaysia và
Singapore là vẫn còn có những cuộc thảo luận kín giữa Keng Swee
và tôi ở bên này, với Tunku và Razak ở bên kia. Razak thấy dễ chịu
với Keng Swee hơn với tôi; Tunku cũng thích Keng Swee hơn nhưng
chưa đến nỗi không chấp nhận được tôi nên vẫn nói chuyện với tôi,
do vậy những cuộc trao đổi riêng tư và thẳng thắn giữa chúng tôi đã
khiến cho tai họa không diễn ra được.
Nhưng bởi cuộc đấu khẩu công khai giữa Kuala Lumpur và
Singapore đang khiến cho Úc và New Zealand không an tâm, nên
các cao ủy của họ (sau khi đã thông qua với Tunku) đã chính thức
mời tôi đến viếng thăm nước họ vào tháng 3 và tháng 4/1965. Tôi
sẽ có thể giải thích tại sao, tuy đang có những bất đồng nội bộ,
Singapore vẫn một lòng đứng đằng sau Kuala Lumpur chống lại cuộc
chiến đối đầu của Indonesia. Điều này sẽ giúp trấn an dân chúng hai
nước này rằng chính quyền của họ sẽ ủng hộ Malaysia chống lại
Indonesia.
Do vậy, vào ngày 5/3, máy bay chở tôi đáp xuống Auckland.
39
TÌM KIẾM SỰ ỦNG HỘ Ở ÚC
New Zealand là một đợt thay đổi không khí dễ chịu. Choo và tôi
ngụ ở một khách sạn nhỏ thật thú vị tại Auckland; nơi đây những cô
hầu phòng người da trắng ăn mặc y hệt như bên nước Anh thời sau
chiến tranh, mang cho chúng tôi trà buổi sáng cùng bánh mì và bơ
trước khi dọn một bữa ăn sáng ê hề những bít-tết và sườn cừu,
nhưng chúng tôi không thích dùng. Chúng tôi đi xe từ Auckland đến
Wellington, mất hai đêm phải nghỉ dọc đường. Tại mỗi thị trấn dọc
đường, thị trưởng, trong bộ lễ phục như ở bên Anh, đã tiếp đón
chúng tôi, chiêu đãi bữa trưa hay tiệc trà, và phát biểu đón mừng.
Tại Wellington, tôi đã ghé thăm Thủ tướng Keith Holyoake tại văn
phòng của ông ở nghị viện. Sau khi trò chuyện, ông đưa tôi đến gặp
nội các của ông để có một cuộc trao đổi quan điểm thân mật với
nhau. Họ được bảo đảm rằng tôi khẳng quyết38 ủng hộ Malaysia. Họ
đồng tình với quan điểm của tôi và ủng hộ giải pháp đa sắc tộc cho
các vấn đề của chúng tôi. Tại một bữa ăn trưa ở tòa nhà Quốc hội,
Holyoake phát biểu những lời thật thắm thiết. “Có những quan hệ
còn hơn cả chuyện quân sự ràng buộc New Zealand với Malaysia,”
ông nói. Ông bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự tiến bộ của Singapore
dưới thời của tôi và nói rằng tôi đã làm việc không ngơi nghỉ để phục
vụ cho một nước Malaysia mới, “một đất nước đang gặp phải điều
phiền phức bởi những khó khăn ngày càng tăng, điều mà các nước
non trẻ đều gặp phải – các khó khăn càng tăng thêm nữa trước
những đe dọa bách hại của người láng giềng khổng lồ, Indonesia.
Tôi chắc chắn ngài Lee sẽ không dễ dàng sợ hãi trước những dọa
dẫm như vậy, và sẽ tiếp tục làm việc kiên trì để đảm bảo sự ổn định,
thịnh vượng và tiến bộ của một đất nước mà ông đã góp phần tạo
nên”. Như để nhấn mạnh lời đe dọa, trong lúc tôi còn đang ở
Wellington, một quả bom do các phần tử phá hoại Indonesia đặt đã
phát nổ tại tòa nhà MacDonald ở Singapore, nơi có Văn phòng Cao
ủy Úc và trụ sở của Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải, làm chết
2 người và 35 người khác bị thương.
Ngày hôm sau, tôi đã đến nói chuyện với sinh viên và ban giảng
huấn trường Đại học Victoria. Tôi có lời khâm phục nước Anh là đã
có sự khôn ngoan để biết khi nào thì mình bị đặt trước một cuộc
cách mạng không thể cưỡng lại được do những người cộng sản và
những người quốc gia tổ chức. Thay vì cố gắng dập tắt cả hai, nước
Anh đã cho phép những người quốc gia đứng ra lãnh đạo khối phi
cộng sản.
Từ Wellington, chúng tôi bay đến Christchurch, đi xe đến Dunedin
và Invercargill, rồi bay trở lại Wellington. Tôi thấy New Zealand thật
là hấp dẫn. Trong lời nói, cử chỉ và cung cách sống, họ còn giống
người Anh hơn cả người Úc. Đất nước toàn một màu xanh và tươi
mát, y như miền nam nước Anh. Và họ rất là thân tình, hiếu khách.
Chặng dừng kế tiếp của tôi là Sydney, chặng đầu tiên trong
chuyến du lịch kéo dài 18 ngày trên đất nước Úc, đưa chúng tôi đến
Canberra, Melbourne, Adelaide và Perth. Tại Canberra, tôi đã phát
biểu trước các thành viên của Câu lạc bộ báo chí quốc gia. Cuộc
chiến đối đầu của Indonesia là quan tâm rất lớn của họ:
“Chúng tôi có chung một người láng giềng, có dân số lớn hơn cả
hai chúng tôi cộng lại, nghèo hơn cả hai chúng tôi, và rất có thể là
một đất nước bất ổn trong cả một thời gian dài sắp tới… Chúng ta
biết rằng viện trợ kinh tế và quân sự không thể đảm bảo cho chúng
tôi một thắng lợi sau cùng, nhưng chí ít nó cũng sẽ cho chúng tôi có
được thời gian.”
Nhưng tình hình tại Nam Việt Nam cho thấy bất kể chuyện yểm trợ
quân sự có ồ ạt đến đâu, viện trợ kinh tế có to lớn cỡ nào, nếu các
nhà lãnh đạo không biết lo cứu lấy chính mình, kết quả cuối cùng
cũng vẫn sẽ là sự diệt vong, cho cả người giúp lẫn kẻ được giúp. Tôi
nói:
“Giới lãnh đạo Malay tại Malaysia càng huyên thuyên về chủ nghĩa
quốc gia Malay bao nhiêu, những người không–Malay tại Malaysia sẽ
càng nghi ngại về tương lai của họ bấy nhiêu. Về mặt lý thuyết, sẽ
có ba khả năng nếu như vẫn tiếp tục không chia tách:
(1) Malaysia bị một cường quốc thứ ba thu phục;
2. Một cộng đồng chiếm ưu thế hơn những cộng đồng khác tại
Malaysia; hoặc
3. Dần dần đi đến tan rã và cuối cùng là chia cắt.
Cả ba đều có những hệ quả tai hại.
Đám đông các ký giả và các nhà ngoại giao đã vỗ tay tán thưởng
sự thẳng thắn và ý nghĩ thực tế của tôi.
Sau đó tôi gặp Thủ tướng Robert Menzies. Menzies rất có ảnh
hưởng đối với Tunku. Khác với Harold Wilson, ông là một người
thuộc đảng Bảo thủ, và luôn luôn ủng hộ Tunku. Tunku đã nói về
ông ta với những lời rất là nồng thắm, và nếu giờ đây Menzies hối
thúc Tunku tìm kiếm một giải pháp cho Malaysia thông qua sự dàn
xếp chính trị chứ không phải vũ lực, có thể ông ta dễ thành công
hơn là Wilson. Ông ta chú ý đến những gì tôi nói và cuộc họp của
chúng tôi đã kéo dài đến 75 phút, gấp đôi số thời gian dự định. Sau
đó ông ta đã đưa tôi đến gặp toàn thể nội các của ông để có những
cuộc trò chuyện thân mật cùng nhau.
Tôi giải thích những áp lực mà Tunku đang phải chịu đựng.
Sukarno đang hết sức lôi kéo người Malay tại Malaysia, một số lớn
đó là những người trở về từ Sumatra và Java cách đây không lâu.
Nhưng bởi vì phải đánh bạt được áp lực của chủ nghĩa liên Malay của
Sukarno, nên Tunku đang làm mất lòng người Hoa và người Ấn.
Điều quan trọng là ai đó được ông ta tin cậy, như Menzies chẳng
hạn, phải giải thích cho ông ta hiểu rằng tương lai về lâu về dài
không phải là sự ngồi xổm lên đầu người Hoa hay người Ấn, mà là
dành cho họ một chỗ đứng dưới ánh mặt trời tại Malaysia. Tôi vạch
rõ là ba chủng tộc chính tại Malaysia – người Malay, người Hoa và
người Ấn – đều có nguồn cội văn hóa từ ngoài Malaysia, tức là từ
Indonesia, Trung Hoa và Ấn Độ. Lãnh đạo của những nước này có
thể lôi kéo được mối dây tình cảm cũng không thua gì, nếu không
muốn nói còn hơn cả, các nhà lãnh đạo Malaysia. Menzies đồng tình.
Ông nhận phân tích của tôi là nghiêm túc và yêu cầu tôi đưa ra ý
kiến về những gì tôi xem là giải pháp cho vấn đề. Tôi hứa sẽ làm
việc này khi trở về Singapore. Các cuộc họp giữa tôi và ông cùng nội
các của ông không được các báo ở Malaysia đăng tải, có lẽ để tránh
gây khó chịu cho Tunku.
Đó là một chuyến đi cam go. Tại mỗi thành phố tôi đều có phát
biểu, trả lời phỏng vấn trên truyền thanh và truyền hình, và nói
chuyện tại các trường đại học và với giới báo chí. Nhưng việc đó
đáng bỏ công ra làm. Tôi đã trình bày một bức tranh hiện thực về
Malaysia và khiến cho người Úc cũng như New Zealand hiểu rõ rằng
chúng tôi cần và đánh giá cao sự giúp đỡ của họ, rằng giúp chúng
tôi là họ đúng, và đoàn kết cùng nhau, chúng tôi có thể thành công.
Khi trở về Singapore vào ngày 3/4, tôi được biết các nhà lãnh đạo
Liên hiệp đang tức giận lên, viện lẽ tôi đã phê phán chính phủ liên
bang và Tunku. Ngay lúc tôi còn ở Úc, V.T. Sambathan, lãnh tụ MIC
và là Bộ trưởng Bưu chính, viễn thông và công chính của Tunku, đã
công kích tôi là “nói không đúng” về Liên hiệp. Ông nói rằng tôi đã
có những gì tôi cần, ấy là Malaysia, và giờ đây đang nói về chính
quyền cứ như thể chẳng biết gì về chính trị, và đang được điều hành
bởi những ông hoàng, vua chúa và tù trưởng vậy. Thế nhưng tôi
không nói những điều này trong bất kỳ bài phát biểu nào của mình.
Khi các cuộc công kích tôi tiếp diễn trên các báo Malaysia, nhiều
người Úc và New Zealand đã lên tiếng trên tờ Straits Times để bênh
vực cho tôi. Một nhà báo Úc phản đối rằng ông đã nghe nhiều cuộc
nói chuyện của tôi tại các trường đại học, và chưa lần nào ông nghe
thấy tôi có nói bất cứ điều gì chê bai các nhà lãnh đạo Malaysia cả.
Chủ tịch Hội Nghiên cứu châu Á của đại học Victoria ở Wellington
cũng viết trên báo nói rằng ông thật ngạc nhiên khi nghe các báo
cáo từ Malaysia nói là tôi bị chỉ trích vì “có những phát biểu vô trách
nhiệm công kích các nhà lãnh đạo của chính phủ trung ương”, ông
chưa hề nghe có điều gì cho thấy những chỉ trích như vậy là đúng
cả.
Chẳng qua tội lỗi đầu tiên của tôi dưới mắt các nhà lãnh đạo liên
minh chính là vì tôi đã nhận được cảm tình của báo giới New Zealand
và Úc. Họ cũng biết qua các cao ủy Malaysia ở Wellington và
Canberra là tôi đã được Thủ tướng và nội các của hai nước tiếp đón
nồng nhiệt. Nhưng bất bình chính yếu của họ là lập luận và phân
tích của tôi về tình hình đã có ảnh hưởng đối với cả hai chính quyền.
Sau một loạt lời cáo buộc là đã nói xấu ông hoàng, các Bộ trưởng
của ông và đất nước Malaysia nói chung, tôi đã đưa ra một tuyên bố
rằng tất cả những gì tôi đã nói đều có ghi lại trong băng từ, hiện có
sẵn đây để kiểm tra, và tôi chịu trách nhiệm từng chữ từng lời trong
đó. Tôi đặc biệt phủ nhận chỉ trích của Tiến sĩ Lim Swee Aun của
MCA, Bộ trưởng thương mại và công nghiệp, cho rằng tôi bảo chính
phủ trung ương chỉ lo cho người Malaysia, và tôi cũng cho công bố
nguyên văn trích đoạn những gì tôi đã phát biểu về các đặc quyền
của người Malay khi trả lời câu hỏi của một sinh viên Malaysia ở
Adelaide:
“Không, tôi không nghĩ vấn đề lúc này là điều khoản cho phép
người Malay có những đặc quyền… Và nếu các cộng đồng người
nhập cư có nguồn gốc nhập cư không nhận ra vấn đề, nếu họ không
cảm được việc đời sống của một người Malay nghèo nghĩa là gì, và
không thông cảm với phận nghèo ấy, thì tôi nói ngay được là anh ta
sẽ biểu lộ bất mãn của mình bằng một phương cách rất dứt khoát và
toàn bộ đất nước sẽ bị rơi vào hỗn loạn.”
Điều tôi muốn nói không phải là các đặc quyền dành cho người
Malay, mà chính là chuyện chúng không giải quyết được vấn nạn,
bởi chúng chỉ có lợi cho một số người bên trên:
“Cấp giấy phép điều hành các công ty xe buýt hay giấy phép lái xe
buýt cho một hoặc hai trăm gia đình Malay thì giải quyết được nạn
nghèo đói của người Malay thế nào được? Người Malay là những
người nông dân. Tại Úc và New Zealand, nông gia là những người có
tiền của. Mà sao ở Malaysia nông dân lại nghèo? Bởi không có
nghiên cứu nông nghiệp, chọn giống, phân bón, cải tiến kỹ thuật
xen canh, thì làm sao phát triển canh tác nông sản hàng hóa?”
Tuyên bố của tôi được đăng trên các báo tiếng Hoa và tiếng Anh,
nhưng không được đăng trên các báo Malay. Nó cũng chẳng được
phát trên Đài Truyền thanh và Truyền hình Malaysia. Trong chừng
mực người Malay có thể nhận được thông tin thì tôi đã không có cơ
hội lên tiếng phủ nhận được, và tờ Utusan Melayu đã có thể tiếp tục
khuấy đảo công chúng chống lại tôi.
Tunku giận lắm và cảnh cáo các nhà lãnh đạo Singapore rằng
chính phủ trung ương sẽ không để bị bất kỳ chính quyền bang nào
thúc bách về bất kỳ vấn đề gì. Ông nói, Singapore đã gia nhập Liên
bang “với con mắt mở lớn và theo ý muốn của họ”. Ông nói thêm:
(Singapore) “có thể bị biến thành một Cuba thứ hai và tình thế đó
đối với chúng ta là không phòng vệ được… và đó là lý do tại sao
chính phủ trung ương đã ủng hộ PAP. Với việc PAP cầm quyền,
chúng ta nghĩ đến chuyện Singapore an toàn thoát khỏi tay của
những người cộng sản. Thế nhưng chúng ta không nhận thức rõ lắm
rằng lãnh tụ của PAP đã nghĩ tới chuyện chia sẻ công việc lèo lái đất
nước Malaysia. Điều này chúng ta xem là khó có thể chấp nhận
được bởi Liên hiệp đủ mạnh để tự tay lèo lái lấy đất nước của mình.”
Hai tuần sau khi trở về Singapore, tôi viết một bức thư gửi ngài
Robert Menzies tóm tắt những khó khăn trong việc làm cho một xã
hội đa chủng tộc như Malaysia phát triển tốt đẹp. Trong thư này, đề
ngày 20/4/1965, tôi trình bày tình thế mà các đồng nghiệp và tôi đã
nhận định được vào tháng 4/1965. Chúng tôi cảm thấy rất rõ rằng
nếu mọi việc cứ như bây giờ, tất sẽ có chuyện không hay xảy ra.
Trả lời của Menzies vào tháng 5/1965 có tính chất ủng hộ nhưng
cũng thể hiện đầy cân nhắc:
“Tôi có thể cam đoan với ông rằng tôi muốn thấy, vì lợi ích của tất
cả chúng ta, một giải pháp thân thiện và hợp lý, một giải pháp tôi
dám chắc sẽ giúp Malaysia trở thành một cấu trúc sinh động và an
toàn. Cùng lúc đó, tôi muốn nhấn mạnh đến sự nhẫn nại như một
bạn đường luôn luôn có mặt bên cạnh các năng lực tuyệt vời của
ông.
Tôi thấy không cần phải nói với ông rằng, nếu ảnh hưởng của
riêng tôi mà có được tầm quan trọng, thì tôi không được có bất kỳ
xét đoán trước nào cả, và nhất thiết không để người khác nghĩ rằng
có vẻ như tôi đã làm vậy.”
Ông thừa nhận chính phủ Úc sẽ khó thuyết phục được cử tri của
mình lý do tại sao họ nên bảo vệ một chính phủ Malay vốn đang đàn
áp những người không–Malay – những người không–Malay đã sẵn
lòng gia nhập Liên bang có một hiến pháp đa chủng tộc mà Tunku
và Razak đã đồng ý tại London vào tháng 7/1963.
40
CHIẾN DỊCH “ĐÈ NÁT LEE” CỦA UMNO
Bên dưới những trao đổi ngày càng gay gắt giữa Singapore và
Kuala Lumpur là cuộc xung đột sâu xa và căng hơn giữa Tan Siew
Sin và Keng Swee. Tan toan tính ngăn chặn tiến bộ kinh tế của
Singapore, và điều này thể hiện rõ qua việc cấp chứng nhận tiên
phong. Ủy ban phát triển kinh tế Singapore (EDB) đã phải trình
Kuala Lumpur phê duyệt đơn của các nhà đầu tư tương lai trên hòn
đảo này xin được cấp chứng nhận tiên phong, vốn sẽ cho phép họ
được hưởng quy chế miễn thuế từ năm đến mười năm. Nhưng trong
suốt hai năm nằm trong khối Malaysia, chỉ có 2 trong 69 đơn là được
duyệt, một trong hai giấy phép đó lại kèm theo quá nhiều hạn định
nên nó gần như một lời từ chối. Để cản trở Singapore hơn nữa, ngày
16/2, Tan công khai khuyên các nhà công nghiệp hãy tham khảo ý
kiến chính phủ trung ương trước khi đầu tư vào Singapore nhằm
tránh tình trạng “thất vọng và hiểu lầm” do giả định và tính toán
sai. Ông ta lại còn nói thêm rằng “các bảo đảm do chuyên gia (ở
Singapore) đưa ra không cứ luôn luôn là khả thi”.
Không thỏa mãn với chuyện ngăn chặn chúng tôi, Tan còn muốn
chiếm luôn toàn bộ hạn ngạch dệt của chúng tôi. Chính phủ liên
bang đặt ra hạn ngạch vải vóc và quần áo may sẵn trong khi họ
thậm chí chẳng có xưởng sản xuất nào cả. Trong khi đó, ba nhà máy
dệt của Singapore bắt buộc phải giảm bớt gần 2.000 công nhân.
Keng Swee nói một cách mỉa mai rằng Singapore đang bị đối xử
không phải như một tiểu bang thành viên của Malaysia mà như một
đối thủ nguy hiểm cần hạ gục bằng bất cứ giá nào. Chính phủ trung
ương muốn sử dụng hạn ngạch của Singapore để thiết lập một công
nghiệp dệt may tại Malaysia trong khi lại tước đi cơ hội kiếm lại được
việc làm của bao nhiêu công nhân ngành may Singapore đang bị
thất nghiệp. Cuối cùng, dưới áp lực tế nhị của Antony Head, Kuala
Lumpur đã phải ê chề trả lại hạn ngạch đó cho Singapore. Đến lúc
đó thì Keng Swee tin rằng không những chúng tôi sẽ không thể có
được một thị trường chung, mà Tan sẽ còn tìm cách thu hút tất cả
các đầu tư công nghiệp qua Malaya bất kể các nhà đầu tư muốn gì.
Ông ta cảm thấy thất vọng hết sức.
Keng Swee ghi lại điều này năm 1981 như sau:
“Tan Siew Sin đã đích thân quấy rối chúng tôi. Tan rất ghét
Singapore và đố kị với ông Lee. Ông ta xem PAP là mối đe dọa cho
sự lãnh đạo người Hoa của MCA trên bán đảo (Malaya) và do đó
không muốn Singapore thành công. Họ (các Bộ trưởng thuộc đảng
MCA gồm Tan và Lim Swee Aun) đã hành động với niềm tin xấu xa.
Và đó là lý do tại sao chúng tôi ở lại trong Liên bang Malaysia lâu
chừng nào, thì chúng tôi lại càng nghi ngờ tính đúng đắn của những
chuyện mình đã làm chừng đó.”
Thế rồi Keng Swee đề cập tới một cuộc nói chuyện giữa ông với
Lenard Rist, chuyên viên của Ngân hàng Thế giới đang tư vấn cho
các chính phủ Malaysia và Singapore về thị trường chung. Ông này
từng khuyến cáo rằng nó phải được thực thi qua các giai đoạn liên
tiến.
Keng Swee hỏi: “Giả sử ông ta (Tan) không chịu vào cuộc và thị
trường chung không đạt được bước tiến nào – thì điều gì sẽ xảy ra?”
Rist trả lời: “Trong trường hợp đó, thưa ngài Bộ trưởng, không chỉ
thị trường chung sẽ bị nguy hiểm; mà toàn bộ khái niệm Malaysia
cũng gặp nguy cơ luôn.”
Keng Swee đã tan mộng hoàn toàn. Mặc dù ông đã chống việc
chúng tôi tham gia vào cuộc tuyển cử năm 1964 tại Malaya, nhưng
giờ đây ông thừa nhận việc đó như chúng tôi, bởi việc đó cho phép
chúng tôi tập hợp được dư luận chính trị, một điều có thể hãm bớt
những việc làm thái quá của chính quyền trung ương. Ông đã từ bỏ
mọi hy vọng hợp tác, không còn mong đợi điều gì tốt đẹp từ
Malaysia nữa. Mà ông còn e ngại sẽ gặp những gay go bất tận nữa.
Nỗi sầu của ông ta đã khiến Chin Chye quyết tâm tạo một đối trọng
với sự độc đoán của trung ương. Sự ác ý của Tan là một trong
những lý do chính khiến chúng tôi phải vận động quần chúng trên
cùng khắp Liên bang.
Vấn đề chủng tộc đã làm lu mờ mọi điều khác. Trong một kỳ họp
của quốc hội liên bang vào tháng 11/1964, Tiến sĩ Lim Chong Eu,
đại biểu Quốc hội và là lãnh tụ của đảng đối lập Dân chủ Thống nhất
(UDP) trụ sở chính ở Penang, đã bày tỏ lòng ái ngại của ông với tôi
về hai vụ bạo loạn chủng tộc mà chúng tôi đã gánh chịu tại
Singapore. Ông nói ông cũng đã trải qua chuyện đó rồi. Từ mô tả
của ông về những rối loạn tại Penang trong thập niên 1950, tôi
nhận ra những gì Albar và những người Thổ Nhĩ Kỳ của đảng UMNO
đã áp dụng ở Singapore là một phương pháp đã từng qua thử
nghiệm. Cảnh sát và quân đội vây quanh, đồng thời cứ để mặc cho
các tay bạo loạn Malay – thường là các nhóm võ thuật (bersilat),
bọn ác ôn và các tay găng-tơ được tự do hoành hành. Một khi cuồng
vọng đã dâng cao, và có đủ một số người Hoa phản ứng lại, thì ngay
cả một người Malaysia bình thường cũng nhập bọn luôn. Khi người
Hoa đánh trả, họ liền bị cảnh sát và quân đội dập ngay: luật pháp và
kỷ cương được thi hành để chống họ, chứ không phải người Malay.
Kết quả là dân chúng trở nên ủ rũ và nhút nhát.
Chúng tôi đã thoát khỏi thế đối đầu với người cộng sản để rồi
chạm trán những tay kỳ thị sắc tộc Malay còn tồi tệ hơn. Chúng tôi
đã phải tìm cách đối đầu lại guồng máy răn đe thông qua các vụ bạo
loạn chủng tộc như vậy, với bao cảnh người Hoa bị giết và bị tật
nguyền mỗi khi họ dám cả gan chống lại sự thống trị của người
Malay. Chúng tôi quyết định cách phòng vệ hay nhất là liên kết các
phe đối lập tại tất cả các tỉnh thành trong Liên bang thành một
mạng lưới, để khi bạo loạn nổ ra tại một thành phố lớn sẽ kéo theo
bạo loạn tại những nơi khác tới một mức mà cảnh sát và quân đội sẽ
chẳng thể nào ứng phó được, và mọi chuyện sẽ trở nên ầm ĩ và lộn
xộn. Do đó, chúng tôi tiến hành vận động những người đau khổ có
thể cùng nhau gắn bó cho công cuộc chống đe dọa này. Nếu chúng
tôi có thể tìm ra những người như thế ở Sabah và Sarawak lẫn ở nội
địa, thì người Hoa ở Kuching, Sibu và Jesselton (giờ được đổi tên là
Kota Kinabalu) cũng sẽ bạo loạn theo, và bất kỳ dọa dẫm chủng tộc
nào của Kuala Lumpur cũng sẽ rước lấy cái họa là làm Malaysia tan
rã.
Các vận động của chúng tôi không tránh khỏi bị để ý. Vào ngày
24/4/1965, Tunku đưa ra bài phát biểu rằng mình đang có những kế
hoạch để liên kết cánh đối lập lại. Ông biết những người không–
Malay đang kết hợp lực lượng để đòi một Malaysia đa chủng tộc,
chống lại một Malaysia của người Malay, và ông nghĩ tôi là người
cầm đầu. Ông cảnh cáo: “Thế nhưng, dân chúng phải nghiên cứu
con người này trước khi trao trái tim và khối óc của mình cho bất kỳ
một hành động nào như vậy. Liên hiệp và ông Lee Kuan Yew đã hợp
tác với nhau vì Malaysia, nhưng chúng tôi thấy khó có thể tiếp tục
được nữa rồi.” Tunku có lý do đúng để lo âu. Các nghị viên đối lập
trong quốc hội liên bang đang ngày càng trở nên chột dạ khi nghe
thấy những bài phát biểu có tính chất kỳ thị chủng tộc của Albar và
các nhà lãnh đạo trẻ của UMNO. Tiến sĩ Lim Chong Eu của đảng UDP
ở Penang, hai anh em nhà Seenivasgam của Đảng Nhân dân Tiến bộ
(PPP) tại Perak, Ong Kee Hui và Stephens Yong của Đảng Nhân dân
Thống nhất Sarawak (SUPP) và Donald Stephens và Peter Mojuntin
của Tổ chức Pasok Momogun Kadazan Thống nhất (UPKO) tại Sabah
đều có những đề nghị liên kết với PAP.
Tiến trình này xảy ra vào tháng Giêng khi Tiến sĩ Lim, rồi Stephens
đến gặp tôi. Chưa có cuộc họp nào trong cả hai lần ấy đạt được trọn
vẹn điều gì. Tiến sĩ Lim muốn tôi làm chủ tịch hiệp hội người tiêu
dùng của ông để khai sinh ra một mặt trận thống nhất rộng rãi bao
gồm tất cả các đảng phái phi kỳ thị sắc tộc tại Malaysia. Tôi từ chối.
Nếu chúng ta hợp tác với nhau, điều đó phải được làm công khai,
chứ không phải kiểu lập lờ thông qua một hiệp hội người tiêu dùng,
bằng không chúng ta sẽ đánh mất sự tín nhiệm. Stephens đề nghị
tách khỏi Liên hiệp, bản thân ông cũng từ bỏ chức vụ Bộ trưởng sự
vụ Sabah trong chính quyền Liên bang, và cho các thành viên UPKO
của ông từ chức khỏi nội các Sabah để chuẩn bị cho kỳ tuyển cử sắp
tới của tiểu bang này. Ông muốn PAP hợp nhất với UPKO trước, để
giúp ông giành được phiếu của người Hoa tại các thành phố, và do
đó đảm bảo cho ông thế đa số trong Quốc hội bang Sabah. Thân
sinh của ông là người Úc, mẹ là người Kadazan; ông là một nhà báo
to con, lịch sự, ham vui, ông có cả một tờ báo tại Sabah. Ông đã làm
tổng ủy viên (chức vụ ở một thuộc địa tự trị tương đương Thủ
tướng) cho đến khi gia nhập chính quyền liên bang. Ông là con
người năng lực nhất trong số những người Kadazan cùng thời.
Nhưng ông lại không quan tâm lắm tới kế hoạch rộng lớn của tôi về
một mặt trận thống nhất có sự tham gia của những đảng đối lập
khác.
Mặc dù có những bước khởi đầu không mấy thuận lợi, tôi vẫn gửi
thư cho các Bộ trưởng:
“Nếu chúng ta để lỡ dịp này, thì có thể phải mất mấy năm nữa
chúng ta mới có thể kiếm lại được cơ hội quá tốt như vậy để liên
minh các lực lượng trong Malaysia lại được. Mặt khác, việc tiến hành
liên minh các đảng phái phi sắc tộc như vậy phải có nghĩa là một sự
đối lập rộng lớn của những người không–Malay chống lại khối chính
phủ Liên hiệp do những người Malay trong UMNO lãnh đạo. Một khi
đã có hô hào về một hiệp ước như thế và một phản ứng dây chuyền
đã khởi lên trong tâm trí của mọi người, chúng ta có thể chắc rằng
cuộc đấu tranh sẽ nhanh chóng trở nên quyết liệt và rộng lớn.”
Khi UMNO đã cư xử với chúng tôi như địch thủ và rõ ràng sẽ không
chịu hợp tác với chúng tôi, thì trì hoãn một quyết định như vậy là
lãng phí thời gian. Trong chừng mực có liên quan tới UMNO, cuộc
chiến còn tiếp tục, và trừ phi chúng tôi tập hợp được sức mạnh để
đối đầu, bằng không UMNO sẽ cứ đi theo con đường của họ.
Vào ngày 12/3, các lãnh tụ đối lập Malaysia đã gặp Chin Chye,
Raja và tôi tại Sri Temasek ở Singapore, và lần nữa vào ngày 1/3 ở
Nhà khách Singapore tại Kuala Lumpur; tại đây, Stephens đã đến
bằng xe công vụ có gắn cờ và một vệ sĩ đi kèm. Chúng tôi nghĩ ông
ta khá can đảm để làm việc này, cho đến khi Tunku đưa ra lời phát
biểu vào ngày 24/4 lúc chúng tôi suy diễn rằng chính Stephens đã
tiết lộ kế hoạch này của chúng tôi cho Tunku biết. Chúng tôi quyết
định phải thật cẩn thận và đã cử Lee Khoon Coy cùng Eddie Barker
(ông này là bạn cũ của tôi và cũng là người cùng góp vốn trong công
ty Lee & Lee, khi ấy đang là Bộ trưởng Tư pháp) đến Sarawak và
Sabah để đánh giá tình hình tại những nơi này. Họ trở về và thuyết
phục chúng tôi rằng không nên mở các chi nhánh PAP tại Sarawak.
Người Hoa ở đây rất khuynh tả y như thời của đảng Barisan tại
Singapore; họ cũng đang còn bất mãn vì bị tống bừa vào Malaysia
và việc PAP tiếp tay khai sinh ra liên bang này. Tại Sabah, chúng tôi
dễ kiếm được sự ủng hộ của người Hoa và mở các chi nhánh tại đây
được, nhưng chúng tôi phải hình thành thế liên minh với đảng UPKO
của Stephens, một đảng được người Kadazan chiếm đa số ủng hộ.
Tôi quyết định không trực tiếp vận động tại Đông Malaysia mà làm
việc với các lãnh tụ đối lập hiện tại ở đó. Chin Chye đã mời họ đến
Singapore vào ngày 8/5. Stephens vắng mặt, nhưng lãnh tụ của các
đảng UDP, PPP và SUPP của Sabah và đảng Machinda của Sarawak
có đến dự và cùng ký vào một bản tuyên bố kêu gọi cho một đất
nước Malaysia của người Malaysia:
“Một đất nước Malaysia của người Malaysia có nghĩa là một đất
nước không vì chủ quyền, sự thịnh vượng và lợi ích của bất kỳ một
chủng tộc hay cộng đồng riêng rẽ nào. Một Malaysia của người
Malaysia là một phản đề của Malaysia của người Malay, một Malaysia
của người Hoa, một Malaysia của người Dayak, một Malaysia của
người Ấn hay một Malaysia của người Kadazan, vân vân. Lợi ích
chuyên biệt và hợp pháp của các cộng đồng khác nhau phải được
tôn trọng và khuyến khích trong khuôn khổ quyền hạn, lợi ích và
trách nhiệm tập thể của tất cả các chủng tộc.
Xu hướng ngày càng tăng nơi một số nhà lãnh đạo là công khai
kêu gọi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nhằm lôi cuốn sự ủng hộ, đã
khiến họ dần dần đi đến chỗ gần như khước từ khái niệm một đất
nước Malaysia của người Malaysia… Nếu dân chúng bị bài xích và kết
án là không giữ lòng trung thành chủng tộc bởi họ đã tìm ra cơ sở
chung cho hành động chính trị cùng với những người Malaysia thuộc
các chủng tộc khác, thì cái tự nhận là mối quan tâm tới một Malaysia
của người Malaysia tất sẽ rất đáng ngờ.”
Bản tuyên bố kết luận :
“Một Malaysia của người Malaysia là một cuộc đấu tranh xứng
đáng bởi chỉ có một đất nước Malaysia như thế thì mới có được
tương lai sáng sủa và đàng hoàng cho tất cả những người Malaysia.
Chính trên tinh thần và kỳ vọng này mà chúng tôi, những người ký
tên dưới đây, kêu gọi mọi người dân Malaysia hãy ủng hộ công ước
này.”
Mặc dù trong suốt thời gian này tôi thường không có mặt, lúc dự
Hội nghị thanh niên Xã hội chủ nghĩa ở Bombay, rồi sang viếng thăm
Lào và Campuchia, nhưng UMNO vẫn khẳng quyết tôi là kẻ xúi giục
đứng đằng sau công ước, và đã tấn công tôi kịch liệt. Albar và tờ
Utusan Melayu đã có những lời lẽ buộc tội ngông cuồng hơn. Tức
giận vì một bài báo đăng trên tờ London Observer, Albar đã gửi một
thư ngỏ đến cho Dennis Bloodworth, phái viên Viễn đông của tờ báo
này, vào giữa tháng 4. Thư này được đăng trên tờ Utusan và có
đoạn như sau:
“Như ông cũng biết, người Malay đang gặp một thời kỳ khó khăn
tại Singapore và giờ đây đang bị đảng PAP áp chế. Lee Kuan Yew
đang liên tục thách thức tình cảm dân tộc của họ bằng những tuyên
bố khiêu khích, mặc dù vậy, không phải chính người Malaysia đã gây
ra những cuộc bạo loạn vào năm 1964. Những cuộc bạo loạn đó là
do những kẻ kích động thuộc loại mật vụ, những kẻ thậm chí có lẽ
đang ăn lương của Lee Kuan Yew. Chủ tâm của Lee là tạo ra hỗn
loạn tại Singapore chính vào lúc mà người Malay đang tụ tập để làm
lễ mừng ngày đản sinh của đấng Mohammed, nhằm làm cho thế giới
có ấn tượng rằng người Malay đã bị ảnh hưởng của Indonesia.”
Tôi quyết định kiện ông ta vì tội bôi nhọ nhằm chặn đứng những
luận điệu quá đáng đó, và các luật sư của tôi đã hỏi ý kiến của một
luật sư hàng đầu ở London. Ông này khẳng định đó là một lời phỉ
báng, và khi Albar cùng Utusan từ chối xin lỗi và rút lại lời nói, các
cố vấn pháp luật của tôi đã đệ đơn kiện họ. Trong các chứng lý của
mình, họ giải thích rõ hàm ý phỉ báng nằm ở chỗ muốn nói tôi là một
kẻ đạo đức giả, một kẻ thù, một kẻ phản bội đối với quê hương
mình, một tội nhân có trách nhiệm đối với các rối loạn và tai biến do
bạo loạn, dẫn đến thương tích và tử vong cho dân chúng, và vì đó
tôi không đáng là Thủ tướng của Singapore.
Trong vụ kiện này, tôi cho trích một bài của tờ Utusan đăng vào
ngày 25/3/1965: “Lee bị buộc tội là kẻ thù của Malaysia và là mật
vụ của Indonesia. PHẢI BƯỚC QUA XÁC CHẾT CỦA TÔI TRƯỚC ĐÃ –
ALBAR… Tuan Syed Ja’afar Albar, tổng thư ký của UMNO Malaya tối
qua đã tố cáo Thủ tướng Singapore, ông Lee Kuan Yew, là kẻ thù
của Malaysia và là gián điệp của Indonesia.” Tôi cũng trích một bài
đăng vào ngày 27/3: “Albar tố cáo Kuan Yew là gián điệp của cộng
sản… Thủ tướng Singapore, ông Lee Kuan Yew, gián điệp của cộng
sản và chính quyền Jakarta, có chủ tâm xấu xa là phá hoại đất nước
Malaysia và kích cho người Hoa và người Malay chống lại nhau.”
Giờ đây tất cả những lời lẽ ấy đều sẽ được tòa xem xét, nên họ trở
nên thận trọng hơn. (Năm 1966, sau khi chia tách, Albar và tờ
Utusan đã đồng ý xin lỗi trước tòa thông qua các luật sư của họ và
chịu mọi án phí.)
Tôi không chỉ dùng lý lẽ đập vào dã tâm của Albar, mà lời lẽ của tôi
cũng còn đạt được sự đồng tình của các nhà lãnh đạo thứ cấp của
UMNO. Trước sự sửng sốt của Albar, bí thư UMNO ở Perlis, bang cực
bắc của Malaysia, đã nồng nhiệt chào đón lời tuyên bố của tôi, bằng
cách nhắc lại lập luận của tôi rằng các đặc quyền dành cho người
Malay sẽ chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ những người có tiền của,
trong khi điều cần thiết là làm sao cho đại đa số người Malay chân
lấm tay bùn ở nông thôn gia tăng khả năng kiếm tiền.
Thế rồi Razak đã tấn công tôi về một “phát biểu” tôi chưa từng nói
và cũng đã từng phủ nhận một phát biểu như thế – ấy là người
Malay không phải là dân bản địa của đất Malaysia. Sau khi cho rằng
lời nói như vậy là ác tâm và hiểm độc, ông đã đưa ra tối hậu thư
rằng chính phủ Liên hiệp sẽ không làm việc với tôi nữa và “nếu dân
chúng Singapore muốn duy trì quan hệ với chúng tôi, họ phải tìm
một nhà lãnh đạo khác, một người thành thực.” Hai ngày sau, một
nhóm thanh niên UMNO tại Kuala Lumpur đã đốt hình nộm của tôi,
và vào ngày 16/5, một nhóm khác đã vây quanh Viện Ngôn ngữ, nơi
sắp diễn ra đại hội của UMNO. Họ mang những biểu ngữ bằng tiếng
Malay như “Hãy đình chỉ Hiến pháp Singapore”, “Hãy nhốt Lee Kuan
Yew lại”, “Bóp chết Lee Kuan Yew ”, và khi Tunku đến, họ la lên:
“Hãy nhốt Lee Kuan Yew lại”, “Hãy nhốt Lee Kuan Yew!” Tại cuộc
họp, nhiều đại biểu đòi tống giam tôi, nhưng Ismail bảo: "Đây không
phải là cách làm việc ở Malaysia. Chúng ta phải hành động theo hiến
pháp.” Tunku sau đó đã mô tả phát biểu bị gán cho tôi rằng người
Malay không phải dân bản địa là ấu trĩ, mà quên rằng tôi chưa hề
phát biểu như vậy bao giờ.
Tan Siew Sin một lần nữa cảnh cáo chúng tôi rằng Singapore
không thể tự mình làm việc gì một mình được. “Tôi yêu cầu họ nhớ
cho là Singapore không thể tự thân tồn tại được. Ngay cả việc ly
khai khỏi Malaysia cũng không thể xóa tan sự thật là chưa tới 1,5
triệu người Hoa ở đó đang bị tràn ngập trong khối hơn 100 triệu
người Malay ở khu vực này.” Sau chuyến viếng thăm New Zealand
và Úc trở về, tôi đã trả lời rằng chuyện ly khai là không bàn tới nữa,
nhưng điều này cũng đã không được lưu ý đến, và tờ Utusan Melayu
đã thuật lại rằng vào ngày 24/5, Albar một lần nữa đã hối thúc
Ismail có hành động chống lại tôi:
“Nếu Lee Kuan Yew thật sự là một con người, ông ta không nên
phát biểu quanh co và nên can đảm nói thẳng ra là ‘Tôi muốn ly
khai khỏi Malaysia bởi vì tôi không hài lòng’. Ông ta đã gia nhập vào
Malaysia với cái nhìn cảnh giác và Malaysia ngày nay cũng chính là
Malaysia mà ông ta đã ủng hộ. Tại sao trước đó ông không phản đối
đi? Tại sao tới bây giờ ông ta mới hối tiếc? Tại sao? Albar cao giọng
hỏi. Những người nghe ông trả lời: “Bóp chết Lee đi, bóp chết Lee”,
và nhiều tiếng khác la lên: “Hãy bắt Lee và ướp hắn như ướp lòng
vậy.” Dato Albar mỉm cười một lát rồi trả lời: “Hãy thét to hơn nữa
để Tiến sĩ Ismail có thể nghe được sự giận dữ của nhân dân. Tôi
muốn chắc chắn rằng mọi người đều nghe thấy sự giận dữ của nhân
dân.”
Albar đã sử dụng lại kỹ thuật mà ông ta đã dùng ở Singapore trước
thời bạo loạn năm 1964. Ngày hôm sau, tờ Utusan cho đăng một bài
trích lời của đảng bộ UMNO ở bang Selangor, tiêu đề của bài là: “Lee
Kuan Yew là kẻ thù của nhân dân Malaya”, và một tờ báo khác bằng
tiếng Malay, tờ Berita Harian, cũng tường thuật rằng đảng bộ UMNO
ở bang Perak đã tố cáo tôi là “mối đe đọa nguy hiểm nhất cho an
ninh của xứ sở.” Bọn họ đã hè nhau kích động.
Các cuộc tấn công như vậy đạt tới cao độ khi Tiến sĩ Mahathir bin
Mohammad, một nghị viên thuộc đảng UMNO (sau này là Thủ tướng
Malaysia), tuyên bố tại quốc hội liên bang rằng PAP “thiên vị người
Hoa, theo cộng sản và tích cực chống người Malay”, dựa vào lý do là
Singapore vẫn theo chủ nghĩa đa ngôn ngữ trong khi lại đãi bôi với
ngôn ngữ quốc gia, và “Tại một số đồn cảnh sát, tiếng Hoa là ngôn
ngữ chính thức, và các tuyên bố đều bằng tiếng Hoa.” Các trường
quốc ngữ, ông ta nói, bị đối xử tàn tệ trên hòn đảo này, và mãi cho
đến gần đây cũng chỉ được dành cho những tiện nghi rất tối thiểu.
“Về công nghiệp, chính sách của PAP không chỉ khuyến khích người
Malay trở thành những người làm công, mà còn cả việc người Malay
không được dành cho những phương tiện để mà đầu tư nữa.”
Mahathir phát biểu điều này khi bàn cãi về bài diễn văn của Yang di–
Pertuan Agong, quốc vương.
Ngày hôm sau, tôi đã có một bài phát biểu quan trọng nhất trong
đời tôi tại quốc hội liên bang trước một cử tọa thù địch và căng
thẳng, bao gồm rất đông các nghị viên Malay đã hằng ngày bị
Utusan nhồi nhét luận điệu tuyên truyền chống PAP, chống Lee Kuan
Yew, chống người Hoa suốt một năm qua. Tôi đề nghị một tu sửa để
bày tỏ sự lấy làm tiếc rằng diễn văn của nhà vua đã không xác
quyết lại với cả nước rằng sẽ vẫn tiếp tục tiến bước đúng theo hiến
pháp dân chủ của mình để hướng đến một đất nước Malaysia của
người Malaysia. Tôi trích dẫn: “Chúng ta cũng đang đứng trước
những mối đe dọa từ bên trong nước.” Tôi hy vọng Tunku sẽ giải
thích ý nghĩa của câu này. Tôi có nói với ông lời đoan chắc như thế
này: “Chúng tôi có quyền lợi thiết thân với chủ nghĩa lập hiến, với
sự trung thành bởi chúng tôi biết rằng – ngay từ trước khi chúng tôi
gia nhập Malaysia – nếu chúng tôi kiên nhẫn, nếu chúng tôi kiên
định, hiến pháp này phải có nghĩa là một đất nước của người
Malaysia sẽ hình thành.”
Thế nhưng diễn văn của Tiến sĩ Mahathir ám chỉ rằng điều đó có
thể sẽ chẳng bao giờ có. Tôi trích những gì ông ta đã phát biểu hôm
trước đó nói về người Hoa ở Singapore: “Họ chẳng bao giờ biết đến
luật tắc39 Malay và không thể chịu đựng nổi ý nghĩ rằng những người
đã bị họ đè quá lâu dưới chân giờ đây sẽ ở vị trí cai trị họ.” Cai trị
họ? Tôi đã vạch ra sự khác biệt giữa bình đẳng chính trị và các đặc
quyền để nâng cao người Malay về mặt xã hội và kinh tế. Tôi chấp
nhận chuyện đặc quyền, nhưng nếu những dân tộc khác của
Malaysia không được hưởng bình đẳng chính trị với người Malay, thì
không cần gì Sukarno và cuộc chiến đối đầu của ông ta mới bóp
chết được chúng ta đâu. Vẫy bản hiến pháp trong tay phải, tôi nói:
“Một khi bạn ném cái này vào lửa và nói ‘Thế là xong’, điều đó có
nghĩa là bạn đã làm điều đó từ lâu rồi; và lịch sử đã là một tiến trình
dài không ngừng nghỉ.” Tôi nói Albar muốn chúng tôi rút lui và phó
mặc bạn bè ở Sabah, Penang, Malacca và những nơi khác nữa trên
đất Malaysia trong bàn tay sinh sát của UMNO; chúng tôi sẽ không
làm như vậy dâu.
Tôi đập tan lời cáo buộc chúng tôi thiên trọng người Hoa. Nếu
chúng tôi ủng hộ một Malaysia của người Hoa, chúng tôi không thể
lôi cuốn được sự ủng hộ của đa số, bởi người Hoa chỉ chiếm 42%
dân số. Nếu tôi cứ đi khắp nơi để nói về người Hoa như những gì
Albar đã nói về vai trò là người Malay – “dù ở đâu tôi cũng là người
Hoa” – thì điều đó sẽ dẫn chúng ta đi về đâu? Trái lại, tôi luôn nhắc
nhở dân chúng rằng: “Tôi là một người Malaysia, tôi đang học tiếng
Bahasa Kebangsaan (quốc ngữ) và tôi chấp nhận Điều 153 của hiến
pháp (nói về các đặc quyền dành cho người Malay).”
Đã đến phần cảm xúc nhất trong bài diễn văn của mình, trong đó
tôi bày tỏ sự thiếu thỏa đáng trong các chính sách của UMNO, nên
tôi quyết định phát biểu bằng tiếng Malay. Mặc dù tôi không giỏi
tiếng Malay như tiếng Anh, nhưng cũng lưu loát không thua những
đại biểu quốc hội không–Malay khác. Tôi nói rằng trong khi tôi chấp
nhận tiếng Malay là ngôn ngữ chính thức duy nhất, tôi vẫn không
thấy nó có thể giúp nâng cao địa vị kinh tế của dân chúng ở chỗ
nào. Điều đó sẽ có nghĩa rằng sản phẩm của người nông dân Malay
sẽ có giá hơn, rằng anh ta sẽ được hưởng những mức giá thuận lợi
hơn chăng? Liệu anh ta sẽ được hưởng những tiện ích tốt hơn do
chính quyền mang lại không? Tôi nói thêm rằng nếu chính phủ Liên
hiệp không có những giải pháp đích thực cho các vấn đề kinh tế hiện
nay, thì chính phủ không nên bóp nghẹt đối lập. Bởi vì chúng tôi
đang có một giải pháp khác, và nó sẽ hữu hiệu: “Trong mười năm,
chúng ta sẽ vun bồi một thế hệ người Malay, có học, có hiểu biết về
các kỹ thuật khoa học và quản lý công nghiệp hiện đại”.
Tới đây, tôi trích dẫn lời của Tiến sĩ Mahathir đã phát biểu trước đó:
“Dĩ nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng có hai loại người Hoa… những
người ủng hộ MCA là những người Hoa đã mấy đời sống và làm việc
chung với người Malay và dân tộc bản địa khác, và một loại người
Hoa xa cách, ích kỷ, ngạo mạn, điển hình trong số này là ông Lee.
Loại người Hoa thứ hai này sống trong khung cảnh thuần túy Hoa,
trong đó người Malay chỉ tồn tại ở mức tôi đòi… Đa phần trong số họ
chưa từng băng qua đường đê (nối Singapore và bán đảo Malaya).
Họ thật ra trước hết là những người Hoa hải ngoại, xem Trung Quốc
như là trung tâm thế giới và Malaysia là một xứ thứ yếu rất nghèo.”
Tôi nói tiếp: “Điều đó có nghĩa là gì, thưa ngài chủ tọa? Chúng
không phải là những lời thốt ra trong lúc vội vã, chúng được biên
soạn, được chuẩn bị và được đọc lên một cách thành khẩn, và nếu
chúng ta rút ra những hàm ngụ từ đó, câu trả lời đơn giản sẽ là:
Malaysia sẽ không phải là quốc gia của người Malaysia. Tôi nói, có
nói như vậy, thì bây giờ chúng ta biết rồi đấy.”
Còn về chuyện người Malay “chỉ tồn tại ở mức tôi đòi”, tôi đã nói
rằng chính Tunku thường phát biểu trước công chúng và cũng như
trong chỗ riêng tư rằng người Hoa giàu và người Malay nghèo,
nhưng tôi đã dùng một số ví dụ đơn giản để làm sáng tỏ một vài
điểm, vẫn dùng tiếng Malay. Các đặc quyền và tiếng Malay quốc ngữ
chẳng phải là câu trả lời cho vấn đề kinh tế này. Nếu trong số bốn
triệu rưỡi người Malay cùng ba phần tư triệu người Iban, người
Kadazan và các dân tộc khác nữa, chúng ta biến được 0,3% số đó
thành cổ đông trong các công ty, liệu chúng ta có thể giải quyết
được vấn đề nghèo đói của người Malay không?
“Làm thế nào để người dân quê Malay tìm được cách bước được
vào xã hội hiện đại hóa này? Bằng cách trở thành tôi tớ của con số
0,3% gồm những người có tiền thuê họ lau giày, mở cửa xe chăng?
… Dĩ nhiên, có những người Hoa triệu phú, có xe hơi to, có nhà
rộng. Tạo ra được vài người Malay triệu phú có nhà cao cửa rộng thì
có phải là câu trả lời không? Làm thế nào mà việc thuyết phục một
tài xế xe buýt người Malay rằng anh ta phải ủng hộ đảng của giám
đốc người Malay (UMNO) và bảo nhân viên soát vé xe buýt người
Hoa là phải tham gia vào một đảng khác của ông chủ người Hoa của
anh ta (MCA) – làm thế nào mà việc đó cải thiện được mức sống của
anh tài xế người Malay và anh soát vé người Hoa vốn đều là công
nhân trong cùng một công ty?
“Nếu chúng ta cứ đánh lừa làm công chúng tưởng rằng họ nghèo
bởi vì không có những quyền dành cho người Malay hay bởi vì các
phe đối lập chống lại các quyền dành cho người Malay, chúng ta sẽ
đi được tới đâu? Các ông cứ để cho dân chúng nơi làng quê tin rằng
họ nghèo bởi vì chúng tôi không nói tiếng Malay, bởi chính quyền
không viết tiếng Malay, tất anh ta sẽ chờ đợi một điều thần kỳ xảy
ra vào năm 1967 (thời điểm mà tiếng Malay sẽ trở thành quốc ngữ
chính thức duy nhất). Lúc tất cả chúng ta đều khởi sự nói tiếng
Malay, thì anh ta sẽ có một mức sống khá hơn, và nếu điều đó
không xảy ra, thì chuyện gì sẽ xảy ra?… Cùng lúc đó, mỗi khi có một
thất bại trong chính sách kinh tế, xã hội và giáo dục là các ông quay
lại nói, ồ, bọn người Hoa, người Ấn và những dân tộc xấu xa khác
đang chống các quyền dành cho người Malay. Họ không chống lại
các quyền dành cho người Malay. Họ, những người Malay, đều có
quyền, với tư cách những công dân Malaysia, để vươn lên tầm cao
trong đào tạo và giáo dục mà các xã hội có tính cạnh tranh hơn, xã
hội phi–Malay, đang có. Đó là những gì nên làm, có phải không?
Đừng nuôi dưỡng họ bằng thứ lý thuyết ngu dân rằng tất cả những
gì họ phải làm là giành lấy những đặc quyền Malay cho một số ít
người Malay nào đó và vấn đề của họ sẽ được giải quyết…"
Trong tranh luận chính trị của Malaysia từ trước tới nay, người ta
chưa từng được nghe những lập luận như thế, được đưa ra bằng
những ngôn từ kinh tế và xã hội rất thực tế, bình dân và bằng tiếng
Malay. PAP đã đưa ra công khai những vấn đề cốt lõi và bức xúc,
theo một cách thức hợp lý để vạch trần sự phiến diện trong lập luận
chính trị của UMNO, rằng bởi vì các nhà lãnh đạo Malay (phần lớn là
các nhà quý tộc và tầng lớp ưu tú có học) đã làm việc chung với các
nhà lãnh đạo người Hoa (phần lớn là những thương nhân thành
công) và các nhà lãnh đạo Ấn (phần lớn là những nhà chuyên môn),
nên tất cả đều sẽ tốt đẹp.
Đó là bài diễn văn bằng tiếng Malay có ý nghĩa nhất của tôi từ
trước tới nay, và tôi đã phát biểu nó trước cử tọa là những đại biểu
quốc hội người Malay, nhiều người trong số họ đại diện cho các vùng
nông thôn, và trước đám đông người Malay đứng chật ních ở hành
lang. Tôi đã nói mà không hề có bài viết sẵn, và do vậy nó đã gây
được rất nhiều ấn tượng cho mọi người. Lúc tôi đang phát biểu, đã
có một sự im lặng đến rợn người. Bầu không khí thật sôi động.
Hai mươi năm sau đó, trong dịp kỷ niệm ngày độc lập của
Singapore, Eddie đã nói về tôi trong một cuộc phỏng vấn: “Ông đã
nói suốt nửa tiếng đồng hồ. Đã có khoảng trên dưới 500 người trong
Hội trường và trong hành lang, nhưng bạn vẫn có thể nghe được
tiếng cây kim rơi. Tôi nghĩ nếu họ hoan hô được, họ tất sẽ làm. Nhìn
lại, tôi nghĩ đó chính là giây phút Tunku và các đồng sự của ông nghĩ
tốt nhất là nên để cho Singapore và ông Lee ra đi.”
Đồng sự người Malay trong nội các của tôi, Othman Wok, cũng có
mặt ở hội trường. Ông nhớ lại: “Hội trường im phăng phắc và chẳng
một ai nhúc nhích. Các Bộ trưởng của chính quyền trung ương thụt
người xuống ghế đến nỗi chỉ thấy trán của họ ló lên khỏi mặt bàn.
Các nghị viên bình thường thì cứ như đang xuất thần. Họ có thể
hiểu được từng lời từng chữ. Đó là một bước ngoặt. Họ đã cảm nhận
ra rằng Lee quả là một tay nguy hiểm, một người mà ngày nào đó
có thể trở thành Thủ tướng Malaysia.”
Tôi không có những ảo vọng như vậy. Trong một thời gian, rất dài,
Malaysia sẽ không thể có một Thủ tướng người Hoa đâu.
Người Malaysia hiện nay không ngờ chuyện tôi, một kẻ được cho là
một tên người Hoa mang tư tưởng dân tộc hẹp hòi và quyết chống
lại người Malay, lại đang nói bằng tiếng Malay mà không hề có tí âm
sắc tiếng Hoa nào như phần đông người Hoa khác vẫn mắc phải. Tôi
đã được sinh ra và lớn lên tại Singapore, nói thứ tiếng này từ khi
còn nhỏ. Tôi có thể truy ngược tổ tiên của mình đến ba đời đều là
người Singapore. Họ đã có những đóng góp lớn cũng không kém gì
bất cứ người Malay nào đang có mặt trong hội trường này. Và tôi
đang đứng bên cạnh họ, chứ không phải chống họ. Tôi muốn cải
thiện số phận của họ.
Tunku và Razak trông có vẻ không vui. Tôi đang chạm trán với họ
trên chính mảnh đất Malay của họ và đang tranh thủ sự ủng hộ một
cách hòa bình bằng những lý luận trong một cuộc tranh luận công
khai. Tôi không phải lo lắng vì những tiếng kêu la lạm dụng và chê
bai the thé, ầm ĩ và thậm chí cuồng nộ của họ. Tôi có thể giữ vững
được lập trường của mình. Nếu được phép tiếp tục, tôi có thể bắt
đầu chinh phục được một số người Malay. Họ có thể thấy rằng trong
số các vị dân biểu đội mũ chỏm Haji của những vị đã từng hành
hương sang tận Mecca, có những người đang gật gù đồng ý khi tôi
vạch ra rằng chuyện đơn thuần lấy tiếng Malay làm quốc ngữ sẽ
không cải thiện số phận kinh tế của họ được. Họ cần phải có những
chương trình thực tiễn hướng vào các lĩnh vực nông nghiệp và giáo
dục.
Bài diễn văn đó đã dấy lên sự bất an nơi các nhà lãnh đạo chính
phủ Liên hiệp và các nghị viên đến nỗi, trái với trình tự nghị sự, viên
chủ tịch Hạ viện đã quyết định không cho tôi trả lời những ý kiến
phản biện. Đó là một đòn trả đũa gián tiếp cho hiệu năng sử dụng
tiếng Malay của tôi. Thay vào đó, ông đã mời Razak, thế vào chỗ của
Tunku, lên kết thúc buổi tranh luận. Razak tuôn ra một bài diễn văn
lê thê đầy những lời cáo buộc: tôi đang tạo ra hỗn loạn và âu lo,
những mong để được xuất hiện như một lãnh tụ cứu rỗi cho đất
nước. Tôi là một chuyên gia tạo ra những tình huống không hề có.
Tôi đã bóp méo sự thực và gieo các mối nghi ngờ trong lòng công
chúng. Tôi mưu đồ chia cắt đất nước ra làm đôi – “một Malaysia của
người Malay, và một Malaysia của Lee Kuan Yew.” Razak đã cực kỳ
cay đắng khi kết luận rằng: “Hố sâu phân cách PAP và chính phủ
Liên hiệp giờ đây đã quá rõ ràng. PAP có nghĩa là Chia ly và Hủy
diệt.”
Tôi không ngờ diễn văn của tôi đã đóng vai trò cốt lõi trong quyết
định của Tunku là cho Singapore ly khai khỏi Malaysia. Mười hai năm
sau đó, năm 1977, trong tác phẩm Looking Back (Nhìn lại), Tunku
đã viết: “Giọt nước cuối cùng làm tràn ly chính là bài diễn văn của
ông Lee Kuan Yew đọc tại Quốc hội, lúc ông ta đề nghị tu sửa ‘ý kiến
cám ơn quốc vương vì bài phát biểu của ngài hồi tháng 5/1965’. Ông
ta đã đưa ra nhiều vấn đề làm rối loạn sự ổn định tư tưởng của các
dân biểu Hạ viện thuộc loại ôn hòa nhất.” Ông gửi tặng tôi một bản,
có lời ghi rằng:
“Ông Lee Kuan Yew
Người bạn đã hết mình cho sự thành lập đất nước Malaysia và
thậm chí còn hết mình hơn nữa để nó được chia tách.
Với lời thăm hỏi tốt đẹp,
Tunku Abdul Rahman, 26/5/77”
Năm năm sau, 1982, Tunku đã nói với tác giả của một quyển sách
về Singapore: “Ông ta (Lee Kuan Yew) nghĩ mình cũng chính thống
như tôi vậy trong vai trò một nhà lãnh đạo của Malaya bởi ông ta nói
tiếng Malay hay còn hơn cả tôi nữa.” Tôi không nói tiếng Malay hay
hơn cả Tunku đâu. Thậm chí có như vậy đi nữa tôi cũng vẫn không
phải là người Malay và không thể trở thành nhà lãnh đạo của
Malaysia được. Nhưng khi nghe tôi vào cái ngày ấy ở quốc hội, ông
nhận ra rằng tôi đã làm cho ngay cả những nghị viên bình thường
cũng hiểu được và tán đồng ý nghĩ của tôi. Điều đó là không thể
chấp nhận được.
41
ĐI TÌM MỘT ĐẤT NƯỚC MALAYSIA CỦA NGƯỜI
MALAYSIA
Bầu không khí tranh luận tại kỳ họp quốc hội liên bang đã lan
truyền một cách tự nhiên sang Hội nghị Đoàn kết Malaysia, tổ chức
một tuần sau đó tại Singapore. Vào một sáng Chủ nhật nắng ấm,
ngày 6/6/1966, tại Nhà hát Quốc gia, một nhà hát kiểu khán đài
vòng cung, có mái dầm nhô ra, nhưng không có tường bao quanh,
3.000 người đã ngồi đầy trên ghế và đứng chật trên sân cỏ. Đó là
một cuộc mít–tinh vui vẻ và sôi nổi. Sau khi những âu lo không nói
ra của họ được biểu lộ rõ trong kỳ họp quốc hội, các nhà lãnh đạo
của năm đảng chính trị tại Malaya, Singapore và Sarawak cảm thấy
như đã cởi bỏ được các ức chế, và họ đã phát biểu thật thoải mái về
các vấn đề như chủng tộc và xã hội đa chủng tộc, những đề tài mà
mãi tới nay đã bị coi là kiêng kị.
Hội nghị này do Chin Chye coi sóc. Mặc dầu không phải là một diễn
giả lớn, ông đã phát biểu với lòng tin vững chắc trong diễn văn khai
mạc của mình rằng:
"Hội nghị này mở đầu cho một cuộc thập tự chinh kêu gọi sự đoàn
kết thống nhất giữa các chủng tộc, để truyền bá các quyền cơ bản
của mọi chủng tộc cấu thành xã hội đa chủng tộc của chúng ta. Sức
mạnh sẽ thống nhất tất cả các chủng tộc chúng ta thành một nước
Malaysia của người Malaysia còn cao hơn cả chuyện ngôn ngữ, còn
cao hơn sự xâm lấn ngoại bang. Kinh nghiệm cho thấy rằng trong
những nước tương tự, một quốc gia đoàn kết chỉ có thể vươn lên
được khi không có chủng tộc nào có tham vọng trở thành chủng tộc
chủ tề, mà thay vào đó là tất cả các công dân đều bình đẳng bất kể
người đó thuộc chủng tộc nào."
Tiến sĩ Seenivasagam của Đảng Nhân dân Cấp tiến tại Perak thì
nói thẳng thừng. Hội nghị như vậy trở nên cần thiết bởi đã có một
nỗ lực có tính toán của các nhà lãnh đạo UMNO nhằm khuấy đảo
tình cảm chủng tộc. Đứng trước sự đe dọa như vậy, các nhà lãnh
đạo chính trị khác không thể khoanh tay ngồi yên mà không làm gì.
Ông đã tố giác Chính phủ Liên hiệp đang sử dụng Điều 153 của hiến
pháp nói về các đặc quyền dành cho người Malay để “hăm dọa
những người không-Malay”.
Ong Kee Hui thuộc Đảng Nhân dân Thống nhất Sarawak (về sau
làm Bộ trưởng trong chính phủ ỉlên bang) cũng vạch rõ như vậy:
“Chúng ta đang chứng kiến một thái độ cố chấp và những dấu
hiệu ngày càng rõ của sự phủ nhận quyền bình đẳng chính trị của
những dân tộc không–Malay. Vì lợi ích của đất nước và của chúng
ta, phải ngăn việc này lại và xu hướng chủng tộc hẹp hòi phải bị
khống chế. Quyền bình đẳng chính trị là phải có cho tất cả những ai
đang sống ở đây và phải làm cho đất nước này trở thành quê nhà
của họ, bất kể nguồn gốc chủng tộc của họ là gì.”
Tiến sĩ Lim Chong Eu của Đảng Dân chủ Thống nhất, với bản tính
ôn hòa và thận trọng, nổi tiếng là ít khi ăn nói thẳng thừng. Nhưng
ông cũng xúc cảm đủ mạnh để nói rằng:
“Nếu giờ đây chúng ta không hành động được theo những gì
chúng ta quyết định, thì ta không thể có được tương lai, và không
thể có xã hội công bằng cho chúng ta, cho con cháu chúng ta. Thái
độ quan trọng nhất và căn bản nhất mà hội nghị này phải biểu thị là
tinh thần kiên quyết và không nhượng bộ trước những phê bình cực
kỳ xấu xa và gần như cuồng loạn mà người ta đang ném vào chúng
ta."
Michael Buma của Đảng Machinda ở Sarawak thật thông minh.
Ông nói đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng. Diễn văn của ông gây
sửng sốt đến độ các báo Anh ngữ không dám đăng những lời lẽ
châm chích của ông. Ông nói rằng cứ mỗi lần nghe chương trình
phát thanh từ Malaya, xướng ngôn viên đã báo giờ là Waktu Tanah
Melayu – Giờ của Đất nước của người Malay. Tại sao không phải là
Waktu Tanah Malaysia (Giờ của Malaysia)? Tương tự, công ty xe lửa
Malaysia thì được gọi là Kreta Api Tanah Melayu – Công ty Xe lửa
của Đất nước người Malay. Tại sao thế? Bằng một cung cách thật
đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục, ông vạch trần thái độ kỳ thị
chủng tộc.
Thái độ của mọi người đã định hình trước khi đến phiên tôi phát
biểu bế mạc hội nghị. Tôi đã nói đến:
“Thái độ hung hăng ngày càng tăng, hay một sự quá nhấn mạnh
đến chủng tộc, điệu bộ dọa dẫm và những giọng điệu hầm hè gay
gắt, qua đó họ gửi đến cho những người theo họ những tín hiệu dựa
trên căn bản chủng tộc… nếu điều này vẫn cứ tiếp diễn, Malaysia sẽ
không còn là của người Malaysia… Họ nói trên hai làn sóng khác
nhau – một, nhằm theo hướng đa chủng tộc, đa ngôn ngữ, còn làn
sóng kia, một hệ VHF đặc biệt hướng vào những người đi theo họ.
Những người tốt, những người đa chủng tộc, các nhà lãnh đạo cao
cấp thỉnh thoảng cũng tách ra khỏi hệ VHF đặc biệt này; nhưng
những kẻ dã man ấy cũng vẫn cứ gây áp lực.”
Tôi trích dẫn lời khuyên của Tiến sĩ Lim, vốn dựa trên nhiều năm
hiểu rõ phương pháp và chiến thuật của họ: “Hãy dứt khoát, hãy
kiên quyết. Không bao giờ kinh sợ.”
Hướng về những người không–Malay, tôi đưa ra thống kê dân số
mới nhất: 39% người Malay, 42% người Hoa, khoảng 10% người Ấn
và Pakistan, 7% người Iban, người Kadazan, người Kayan, người
Kelabit cùng những sắc dân khác tại Bắc Borneo, và số còn lại là
người Âu lai Á, người Tích Lan, vân vân. Bất kỳ ai muốn chơi trò
phân biệt chủng tộc sẽ đều bị khuôn hạn trong cộng đồng chủng tộc
của mình, cho dù đó là người Hoa, người Malay hay dân tộc nào
khác. Thế nhưng những ai muốn lôi cuốn mọi người trên cơ sở phi
chủng tộc cũng đều có cơ may tranh thủ 20% thiểu số. Tôi đã giản
lược nó thành công thức như thế này: 40–40–20. Nếu người Hoa,
dùng khẩu hiệu tiếng Hoa, lôi cuốn được có 40%, họ tất phải thua.
Tôi để cho UMNO suy luận điều gì sẽ xảy ra về lâu về dài nếu họ chỉ
lôi cuốn có người Malay không mà thôi.
Tôi đã trích dẫn lời của Tổng ủy viên Malacca, Ghafar Baba (về sau
là Phó Thủ tướng), nói rằng: “Hãy xem người Malay ở Malacca có
tinh thần phi chủng tộc như thế nào. Trong một khu vực bầu cử
đông dân Malay, họ đã bỏ phiếu cho ông Tan Siew Sin.” Ngài tổng ủy
viên, tôi nói, là một người chân thực, nhưng:
“mỗi lần ông Tan Siew Sin đi nơi này nơi nọ, tay vỗ ngực, cái mà
ông ta đại diện là những người Malay đã bỏ phiếu cho ông ta… Ông
Dato Sambanthan (đảng MIC) cũng như vậy đấy. Ông là một người
chân tình… Ông ta nói Ja’afar là một người tốt. Không kỳ thị chủng
tộc. Bạn biết tại sao không? ‘Trong khu vực bầu cử của tôi ở Perak,
Sungei Siput, 90% dân chúng là người Malay, và Dato Albar đi nơi
này nơi nọ bảo họ hãy bỏ phiếu cho tôi. Nhờ thế, họ đã bỏ phiếu cho
tôi.’ Do đó, Albar không phải là kẻ có tinh thần kỳ thị sắc tộc – bởi
ông ta đã nói với dân Malay bỏ phiếu cho các nhà lãnh đạo người
Hoa, người Ấn được UMNO ưa chuộng, để những người này lèo lái
các cộng đồng người Hoa, người Ấn đi theo hướng mà UMNO muốn
họ đến!”
Tôi vạch trần chiến thuật của họ lần nữa:
“Hãy đưa sự thật ra, và chúng ta sẽ thấy rằng không có lý do gì để
sợ hãi, không có lý do gì để bị dọa dẫm cả… Nếu chúng ta như thế…
sẽ có chuyện rắc rối cho chúng ta. Đối với một quần chúng nhút
nhát, sợ sệt, bị dọa dẫm, họ sẽ nói: Bạo loạn đang đến, máu sẽ đổ.
Do vậy tất cả chúng ta sẽ chạy về nhà, đóng cửa lại và trùm mền
phủ kín đầu. Và thế là họ nghênh ngang trên khắp đường phố, hét
tướng lên các khẩu hiệu. Qua ngày hôm sau, hòa bình!”
Theo Tiến sĩ Lim, điều đó đã xảy ra trong cả một thời gian dài tại
Malaya.
Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta không chống lại các đặc quyền của
người Malay và dân bản địa. Trái lại, chúng ta nên cạnh tranh để
nâng cao mức sống kinh tế của họ trong xã hội.
“(Thế nhưng) họ (UMNO) không muốn cạnh tranh. Cạnh tranh là
xấu. Chúng ta được nghe nói rằng: ‘Bỏ đi. Đừng cố gắng làm cái gì
cho tốt cả.’ Họ nói họ lo cho người Malay ư? Tôi xin nói rằng, chúng
ta cũng vậy. Chúng ta muốn nâng mức sống của họ lên, và chúng ta
sẽ làm chuyện đó còn nhanh hơn cả họ. Năm, muời, mười lăm, hai
mươi năm sau, một thế hệ mới sẽ lớn lên, một thế hệ sẽ không còn
hưởng ứng với cái VHF đặc biệt mà họ đang sử dụng. Họ sẽ chuyển
sang nghe đài đa ngôn ngữ. Họ sẽ nghĩ như chúng ta, làm việc như
chúng ta, được đào tạo y như của chúng ta, chuẩn bị sống với chúng
ta như những người Malaysia…”
Albar gọi chúng ta là orang tumpangan, nghĩa là những người ở
trọ. Nhưng Lim Swee Aun, Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại
liên bang, không chịu vậy, “chúng ta là những người đồng sở hữu
chủ, chứ không phải những người ở trọ, không phải những người
khách,” và trong một bài diễn văn thấu tình đạt lý tại quốc hội liên
bang với tư cách một Bộ trưởng người Malay, Ismail bảo rằng có hai
giai đoạn: “giai đoạn một – các đảng chủng tộc riêng biệt; giai đoạn
thứ hai – phi chủng tộc”. Cũng mong là như vậy, tôi nói.
Đó là một hội nghị đầy phấn khởi, mang hy vọng đến cho tất cả
những ai nghe trên đài Truyền thanh Singapore hay đọc nó trên
báo. Chúng tôi đã phá vỡ sự im lặng và đối đầu trực tiếp với sự dọa
dẫm chủng tộc của họ.
Ngày hôm sau, nghị sĩ Dato T.H. Tan, trong một bài diễn văn phát
biểu tại thượng viện liên bang, đã kêu gọi chính quyền trung ương
áp dụng các biện pháp hiến định để trục xuất Singapore ra khỏi
Malaysia hoặc nhốt Lee Kuan Yew để cho ông ta bình tĩnh lại. “Rõ
ràng ông Lee, thông qua ngôn từ và hành vi của ông ta, đang khuấy
đảo tình cảm và khơi gợi sự bất mãn.” Mấy ngày sau, Bộ trưởng
thông tin và tuyên truyền, Senu bin Abdul Rahman, người cùng
bang Kedah và gần gũi với Tunku, đã nói: “PAP nên nhớ là sự kiên
nhẫn của chúng tôi có giới hạn… Xô đẩy, dồn ép chúng tôi vào chân
tường… PAP phải chịu trách nhiệm trước các hậu quả. Hãy hiểu điều
đó”. Ông ta yêu cầu các nhà lãnh đạo của PAP phải bước ra công
khai và nói chính xác những gì họ muốn cho Malaysia. “Chúng ta
biết PAP muốn chia cắt đất nước này. Họ muốn xây dựng nên một
nước cộng hòa phải không? Họ muốn loại bỏ các nhà cai trị của
chúng ta, những cái được gọi là đặc quyền của chúng ta, phải
không? Hãy nói cho chúng tôi biết, hãy nói ra đi, hãy nói thẳng
trước mọi người đi.”
Raja, từng là nhân vật chủ chốt, trả lời rằng tôi đã sẵn sàng ra
trước quốc hội để minh định ý kiến của mình, nhưng các Bộ trưởng
Chính phủ Liên hiệp không cho phép tôi được làm chuyện đó. Tunku
đã có đáp ứng, theo tôi nghĩ, như một cố gắng để xoa dịu cơn nóng
giận, khi nói rằng ông sẵn sàng dành thời giờ nghe tôi nói, để biết
điều gì đang làm tôi băn khoăn.
“Ông Lee thường ngồi với tôi ở chỗ bàn này,” ông nói, nhịp tay lên
bàn họp ở tư dinh của ông. “Chúng tôi đã trò chuyện với nhau nhiều
giờ về nhiều vấn đề. Mặc dù có nhiều trở ngại, ông vẫn nhấn mạnh
chuyện liên kết với chúng ta. Sao bây giờ lại nêu lên những vấn đề
ấy? Tệ thật.” Tunku nói rằng ông đã phải đấu tranh để không phát
biểu tại quốc hội, bởi nếu phát biểu ông sẽ phải công kích tôi và ông
không muốn làm như vậy.
Tôi coi điều đó như một tia hy vọng và lập tức trả lời ngay, bằng
cách nói rằng: “Chúng ta hãy nói chuyện và giải quyết các khó khăn
của chúng ta, nhưng những cuộc nói chuyện này phải nhắm đến
những mục tiêu quan trọng và cơ bản nhất định nào đó mới được.”
Tôi chỉ trích “những tay phá hôi”, những kẻ kỳ thị chủng tộc cực
đoan luôn kêu gào khẩu hiệu, bởi “sự ăn nói cộc cằn và lời lẽ gây
hấn” của họ… Đối với những người như vậy, tôi cầu xin thế này:
“Xin hãy như Tunku, hãy nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự, đàng hoàng, và
chinh phục trái tim của nhân dân Singapore.”
Vào ngày 16/6, Tunku đi London dự Hội nghị cấp Thủ tướng của
Khối Thịnh vượng chung.
Cùng ngày đó, Ong Eng Guan bất ngờ từ chức khỏi Hội đồng Lập
pháp, lấy lý do rằng: “Hội đồng không còn phục vụ một mục tiêu
hữu dụng nào nữa”. Ông giữ im lặng và thụ động, hoàn toàn đứng
ngoài lề mọi chuyện đã ập đến cho Singapore kể từ khi hợp nhất.
Không hề thấy ông lên tiếng trong hai vụ bạo loạn chủng tộc hay về
bất cứ vấn đề gì. Ngày hôm sau, ông yêu cầu chính phủ không nên
chần chừ trong việc tổ chức tuyển cử bổ sung bởi ông muốn tranh
cử lần nữa. Khi không được, ông mất đi mọi sự tín nhiệm và chìm
vào quên lãng.
Chúng tôi tin rằng chính phủ liên bang đã gây sức ép khiến Ong
Eng Guan từ chức, thông qua một thành viên MCA, người này từng
là cựu bí thư chính trị của Ong lúc ông còn là thị trưởng những năm
1957–59. Họ muốn có một cuộc bầu cử bổ sung để kiểm tra xem
PAP đã được ủng hộ đến đâu. Nếu đảng Barisan có thể đánh bại
được chúng tôi, họ có thể vô hiệu hóa các nhà lãnh đạo của PAP
bằng cách dùng Luật An ninh nội chính, mà không khơi dậy sự phản
đối khi cho bắt giữ chúng tôi.
Vào ngày công bố danh sách ứng cử cho cuộc bầu cử bổ sung,
ngày 30/6, chúng tôi đã đề cử Lee Khoon Choy và Barisan đưa ra
ứng cử viên Ong Chang Sam, nguyên là một nghị viên đã ly khai
khỏi PAP. Đó là một cuộc vận động ngắn ngủi có chín ngày trước khi
cuộc đầu phiếu chính thức diễn ra ngày 10/7. Tâm trạng của dân
chúng hoàn toàn thay đổi. Họ đều biết rằng tất cả những ai ở
Singapore cũng đều đang vướng rắc rối lớn, và họ phải chọn lựa
giữa PAP và Barisan, sau khi quyết định đảng nào là đảng bảo vệ tốt
hơn cho sự sống còn và tương lai của Singapore. Chúng tôi đặt cử tri
trước sự chọn lựa giữa “Malaysia của người Malaysia" của PAP và
“Bóp nát Malaysia” của Barisan, qua đó cuộc tuyển cử phụ lần này
cũng sẽ minh chứng cho Chính phủ Liên hiệp thấy rằng Singapore
muốn có một Malaysia của người Malaysia. Tiến sĩ Lee Siew Choh gọi
đó là một khẩu hiệu mang tính chủng tộc và thực dân kiểu mới. Thế
nhưng khi trả lời phỏng vấn của báo chí, Razak lại bảo rằng chuyện
PAP hay Barisan thắng là không thành vấn đề. Điều đó xác nhận sự
nghi ngờ của chúng tôi là UMNO và MCA thực ra đang muốn trắc
nghiệm sự ủng hộ của những người nói tiếng Hoa ở Singapore dành
cho PAP mà khu vực bầu cử Hong Lim thuộc trung tâm Chinatown
có thể được coi là khu vực tiêu biểu. Một bằng chứng khác nữa hiện
rõ khi Utusan Melayu có bài xã luận kêu gọi dân chúng bỏ phiếu cho
ứng cử viên Barisan, mặc dù trong khu vực này chẳng có nhiều
người Malay.
Vào giữa cuộc bầu cử bổ sung, Ismail đã ra lệnh trục xuất Alex
Josey, lấy lý do điều đó “sẽ có lợi cho liên bang.” Khi được hỏi về
chuyện này ở London, Tunku trả lời rằng Josey đã nhúng tay vào
những hoạt động nhằm phá vỡ sự hòa hợp giữa các chủng tộc.
Trong một bài đăng trên tờ nguyệt san The Bulletin, ông ta đã nhấn
mạnh quá đáng về những khác biệt trong phong cách lãnh đạo giữa
Tunku và tôi. Chúng tôi nghĩ chắc sẽ còn có chuyện tệ hơn nữa, và
Chin Chye đã triệu tập một cuộc họp báo để phát biểu rằng việc trục
xuất Josey sẽ dính liền với những biện pháp trấn áp sau đó nếu như
chính phủ trung ương tiếp tục ve vãn với những kẻ cực đoan. Chin
Chye vạch trần:
"Chúng tôi biết rằng ngay sau kỳ họp mới đây của quốc hội và
cuộc họp công khai đầu tiên của Hội nghị Đoàn kết Malaysia tại
Singapore vào ngày 6/6, người ta đã có những chỉ thị nhằm câu lưu
ông Lee. Chúng tôi xin nhấn mạnh với chính phủ trung ương xin
đừng tin rằng với việc loại trừ ông Lee thì các Bộ trưởng của chính
phủ PAP sẽ chịu để yên chuyện ông ta bị bắt giam như vậy đâu.”
Mọi Bộ trưởng đều biết rằng việc loại trừ tôi sẽ không làm tiêu trừ
được vấn đề – sự thống trị của người Malay đối với các dân tộc khác
– và tất cả đã ngồi sát cánh cùng Chin Chye tại cuộc họp báo để bày
tỏ sự đoàn kết nhất trí và không ai trong số họ muốn thay thế tôi
cả. Vào ngày 10/7, Razak đã mô tả tuyên bố của Chin Chye là “quá
hồ đồ và ác ý không đáng để có ý kiến”, nhưng chúng tôi đã có được
tin tức từ George Bogaars, giám đốc Sở đặc vụ Singapore. Phủ nhận
của Razak được đưa ra vào ngày bầu cử. Tối hôm đó, Lee Khoon
Choy giành được 59% phiếu bầu tại cuộc bầu cử bổ sung ở Hong
Lim, một cuộc đảo lộn dứt khoát của cái kết quả của hai năm trước
đó khi PAP chỉ thu được có 26%. Số người bỏ phiếu cho chúng tôi đã
tăng gấp hơn hai lần.
Ngày hôm sau, Senu đã phát biểu trong một bài diễn văn chĩa mũi
dùi vào tôi, rằng những người không-Malay không nên lợi dụng lòng
hiếu khách dành cho họ trên đất nước Malaysia. Tôi đã trả lời rằng
tôi không hưởng được lòng hiếu khách của ai hết; tôi đang ở tại
Malaysia một cách hợp pháp. Một tuần sau, các nhà lãnh đạo của
Hội nghị Đoàn kết Malaysia đã gặp nhau ở Singapore để đưa ra một
tuyên bố cảnh cáo rằng đất nước sẽ đứng trước sự rối loạn nghiêm
trọng nếu như người ta có sự phân biệt giữa người Malaysia “đích
thực” và người Malaysia “được hưởng lòng hiếu khách”. Họ lo lắng
ghi nhận “sự khai thác ngang nhiên và trơ trẽn các tình cảm chủng
tộc và tôn giáo để chống lại những người đang vận động ủng hộ cho
một đất nước Malaysia của người Malaysia”, và đã công bố các kế
hoạch nhằm tổ chức hàng loạt những cuộc mít–tinh trên khắp Liên
bang.
Trả lời chuyện này, Senu biện bác rằng: “Chúng tôi đã giải thích
điều này hàng nghìn lần rồi. Chúng tôi làm việc vì tất cả người
Malaysia bất kể nguồn gốc của họ. Bằng không thì chẳng có một
Đảng Liên hiệp… Dĩ nhiên chúng tôi muốn một Malaysia của người
Malaysia. Chính chúng tôi đã đề ra quan niệm này.” Tiếp theo Senu,
vào ngày 24/7, khi nói tới khẩu hiệu “Malaysia của người Malaysia”
của Đảng Nhân dân Hành động (PAP), Razak đã nói rằng chính
Chính phủ Liên hiệp, chứ không phải PAP, là người đầu tiên đã nêu
ra khái niệm này, và trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của UMNO,
Ismail nói rõ ra rằng Chính phủ Liên hiệp muốn có một đất nước
Malaysia của người Malaysia, tuy không cùng hướng với những điều
mà chính quyền PAP đã ủng hộ. Quan điểm của Chính phủ Liên hiệp
dựa trên hai yếu tố – hòa hợp chủng tộc và một Malaysia thống
nhất phi sắc tộc.
Tôi rất mừng trước những phát triển như vậy. Chúng là một bước
tiến trong lập trường của UMNO so với trước đây. Bây giờ đây họ đã
đồng tình với lập trường của chúng tôi, dầu không được thành thực,
ngoại trừ Ismail. Mọi việc vẫn tiến triển. Ai cũng cảm thấy rằng mọi
chuyện sẽ chẳng bao giờ còn như trước nữa.
Trước đây Razak có ngỏ lời là muốn nói chuyện với tôi, và vào
ngày 29/6 tôi đã gặp gỡ ông tại văn phòng của ông ở Bộ Quốc
phòng, tại Kuala Lumpur. Ông khẩn trương, đứng ngồi không yên và
bối rối. Tôi lên án sự tai hại mà Utusan dã gây ra và vẫn còn đang
tiếp tục làm như vậy, đó là đầu độc từng ngày bằng chủ nghĩa kỳ thị
chủng tộc. Tôi than phiền về chính sách lập lờ nước đôi của UMNO,
trong khi các nhà lãnh đạo cao cấp đi đến những thỏa thuận hữu lý
và đình chiến chính trị với chúng tôi thì những nhà lãnh đạo cấp
dưới vẫn cứ tiếp tục the thé luận điệu thù hằn trên tờ Utusan và
Malayan Merdeka, một tờ báo phát hành ở các làng xã. Tôi nói rằng
bất kỳ thòa thuận nào trong tương lai cũng sẽ phải bằng văn bản và
được công bố cho mọi người biết, kể các nhà lãnh đạo bên dưới, và
chuyện nói năng ầm ĩ trên báo chí Malay phải chấm dứt. Bằng
không, bất kỳ sự hòa giải chính trị nào cũng đều thành ra vô nghĩa
cả. Razak trả lời rằng điều này rất khó và họ phải suy nghĩ kỹ mới
được.
Phát biểu có ý nghĩa nhất của ông ta là: “Chúng tôi phải xác định
xem ông muốn cộng tác với chúng tôi hay chống chúng tôi”. Tôi nói
rằng ông đã hiểu quan điểm của PAP, rằng chúng tôi luôn luôn muốn
cộng tác với UMNO, nhưng UMNO, và nhất là phe cực đoan, đã
quyết tâm bóp nát chúng tôi. Tôi đã chứng kiến cách họ làm phân rã
các đảng đa sắc tộc tại Sabah ra sao, và họ cũng đang cố gắng làm
như vậy tại Sarawak. Tôi chắc rằng một khi đã bình định hai tiểu
bang ở Bắc Borneo này xong là họ sẽ chĩa mũi dùi vào Singapore và
phá nát chúng tôi y vậy. Họ đã xử trí Donald Stephens, Tổng ủy viên
Sabah, và đang làm vậy với Stephen Kalong Ningkan, Tổng ủy viên
Sarawak. Tôi nhắc cho Razak nhớ rằng tôi đã có mặt tại Dinh Tunku
ở Kuala Lumpur khi chính Tunku đưa ra những điều kiện sau đây để
Stephens vẫn còn nhiệm chức: kể từ nay, người Hoa ở Sabah sẽ gia
nhập SNAP (Đảng Quốc gia Sabah), người Kadazan gia nhập UPKO
(Tổ chức Pasok Momogun Kadazan Thống nhất) và người Malaysia
thì gia nhập USNO (Tổ chức Đoàn kết Sabah Quốc gia). Razak trả lời
một cách yếu ớt rằng UMNO chẳng dính dáng gì đến chuyện đó cả –
đó chính là ý muốn của các nhà lãnh đạo Chính phủ Liên hiệp ở
Sabah. Tôi nói chẳng phải như vậy đâu, bởi khi tôi bàn về chuyện
phân hóa này với Stephens, ông ta đã rất buồn về điều này.
Đó là hai giờ thật chẳng thoải mái gì. Razak không muốn nhìn
thẳng vào những vấn đề tôi nêu ra, và cũng chẳng đạt được sự cảm
thông nào cả. Ông ta khiến cho tôi có ấn tượng rằng UMNO sẽ chẳng
thay đổi nguyên tắc cơ bản của mình là một hệ thống chính trị dựa
trên người Malay, một hệ thống sẽ không chấp nhận một sự xâm
phạm của những chủng tộc khác vào lĩnh vực độc quyền của người
Malay. Chính Singapore phải tự điều chỉnh và dung hợp các cấu trúc
chủng tộc đã có ở Malay trước khi hợp nhất, và những điều này là
bất biến. Razak kiên quyết trong chuyện này, nhưng chúng tôi
không thể chấp nhận được. Tôi vẫn hy vọng Tunku có thể đủ mạnh
để đổi khác.
Chuyện đời đã không được vậy. Một năm sau, Razak đã nói khác
hẳn về những gì đã diễn ra. Trong một bài báo đăng nhân ngày kỷ
niệm lần thứ 20 của UMNO, ông viết rằng ngay sau các vụ bạo loạn
vào tháng 7/1964, tối đã hối thúc Tunku và ông ta dung nạp chúng
tôi vào Chính phủ Liên hiệp như một phương cách để đảm bảo sự
hòa hợp sắc tộc, vì rằng chính PAP đại diện cho người Hoa Malaysia.
Nhưng họ đã từ chối thẳng thừng yêu cầu của tôi, chính vì vậy
chúng tôi đã khởi sự công kích UMNO và người Malay bằng cách đưa
ra khẩu hiệu vô trách nhiệm “Malaysia của người Malaysia” để giành
sự ủng hộ của những dân tộc không–Malay, tạo ra sự căng thẳng
giữa người Malay với người Hoa, một điều có thể gây nguy hại cho
nền an ninh của đất nước. Razak đã quên rằng trước đây chưa đầy
một năm, vào tháng 7/1965, Senu và ông ta đã công khai tuyên bố
rằng chính Chính phủ Liên hiệp đã nghĩ và đề ra khái niệm Malaysia
của người Malaysia. Ông còn nói thêm rằng đến khi thấy nguy hiểm,
tôi bèn giả vờ tìm cách xoa dịu tình hình nhằm cứu vãn Malaysia.
Điều đó đã dẫn đến cuộc họp giữa chúng tôi vào ngày 29/6, sáu
tuần trước khi chúng tôi tách ra khỏi Liên bang. Razak viết:
“Lạ thật, tại cuộc họp, Lee Kuan Yew đã chẳng hề có ý định tìm ra
phương cách giải quyết bế tắc, mà cứ khăng khăng nói rằng Tunku
và tôi phải khử hết các phần tử cực đoan trong UMNO trước, nếu
chính phủ trung ương muốn ông ta hợp tác… Ông nói đến tên của
những người được gọi là ‘phần tử cực đoan’ bị cho là phải chịu trách
nhiệm về bầu không khí căng thẳng hiện nay. Tôi đã phản đối lý lẽ
của ông ta về ‘những phần tử cực đoan’ và nói với ông ta rằng
UMNO là một đảng có kỷ cương, và nếu ông ta muốn hợp tác với
Chính phủ Liên hiệp hay với UMNO, ông ta nên tin vào Tunku, vào
tôi và những người khác nữa. Tôi yêu cầu ông ta cam đoan rằng ông
ta và các bạn bè của ông ta sẽ không có những dấu hiệu mang tính
khiêu khích chống lại người Malay hay can thiệp vào công việc nội
bộ của UMNO. Đáng tiếc là ông ta đã không chịu làm như vậy.”
Để trả lời ông ta, tôi đã cho đăng những đoạn trích trong bản ghi
chép của tôi trong cuộc họp với ông ta. Tôi vạch ra rằng tôi đã
không hề đề nghị liên kết gì với Tunku cả vào tháng 7/1964, sau các
vụ bạo loạn. Tunku mãi tới ngày 14/8 mới từ London trở về Kuala
Lumpur, và qua ngày hôm sau đã nói với tôi rằng Thủ tướng Anh
Alec Douglas Home khuyên ông nên thành lập một chính quyền
quốc gia có gồm cả PAP. Tôi nói thêm rằng làm sống dậy những mâu
thuẫn xa xưa chẳng phải là ước muốn của chính quyền PAP, nhưng
những tường thuật thiếu trung thực về các cuộc thảo luận cấp cao
như vậy đã khiến các Bộ trưởng của Singapore không thể không lên
tiếng.
Chẳng có ý kiến phản hồi nào của Razak cả. Mấy năm sau đó, khi
đọc tiểu sử chính thức của Tunku do Mubin Sheppard viết, tôi được
biết là Razak đã báo cáo với ông khi còn ở London rằng ông ta chẳng
thể nào làm cho tôi thông cảm, và chẳng thể nào thuyết phục nổi tôi
ngưng việc vận động chính trị lại được. Chính điều đó, theo lời Tunku
thuật, đã khiến ông ta quyết tâm đẩy Singapore ra khỏi Malaysia.
42
TUNKU MUỐN CHÚNG TÔI RA ĐI
Tunku đã ngã bệnh trong khi đang ở tại London vào giữa tháng
6/1965. Lim Kim San, một người đã được Tunku đem theo trong
phái đoàn dự Hội nghị cấp Thủ tướng, đã thăm ông ta và viết thư
cho tôi hay vào ngày 23/6:
“Ông già đã nằm lì trên giường với căn bệnh zona và tinh thần rất
sa sút. Chung quanh ông lúc nào cũng có người, nhưng tôi cũng đã
cố xoay xở để nói chuyện được với ông. Ông vẫn nghĩ nên có một
cải tổ nhưng chưa biết phải nên theo kiểu nào, cùng lúc đó ông cũng
lại nghĩ chẳng có gì phải gấp rút cả và có thể thực hiện điều đó sau
khi giải quyết được cuộc chiến đối đầu của Indonesia.
Ông chưa bàn bạc gì về điều này với bất kỳ ai ở đây và tôi hoàn
toàn tin tưởng vào ông, bởi khi tôi gặp Arthur Bottomley (Bộ trưởng
Bang giao Khối Thịnh vượng Chung) tại Hội nghị Khối Thịnh vượng
Chung, ông ta đã nói với tôi rằng báo cáo từ Malaya gửi về cho ông
cho thấy mọi chuyện đều êm thắm và người Malay, ngoại trừ một số
phần tử cực đoan, những người mà ông cho là Tunku và/hoặc Razak
đã kiểm soát chặt chẽ trong tay, giờ đây chẳng còn mấy kích động
nữa, và tình hình cũng đã lắng dịu nhiều rồi. Ông ta còn được biết
rằng thậm chí những tay quá khích cũng đang chùn tay, và với việc
Tunku vắng mặt, không ai trong số họ dám gây ra chuyện gì vì sợ bị
kết tội là lợi dụng sự vắng mặt và lúc bệnh tật của Tunku. Tôi đã nói
với ông ta (Bottomley) rằng rắc rối thường xảy ra mỗi lần Tunku
vắng mặt. Nhưng ông bảo đừng lo… Ông ta tốt bụng và vui là được
gặp tôi và mãi cho tới lúc cuộc họp được triệu tập trở lại thì chúng
tôi mới chấm dứt chuyện trò với nhau…”
Sau khi từ London trở về vào đầu tháng 7, Kim San đã đến gặp tôi
và mô tả tâm trạng của Tunku. Tunku đã nói rằng: “Ông có thể nói
với Thủ tướng của ông rằng ông ta có thể độc lập dự Hội nghị Thủ
tướng vào kỳ tới.” Tôi có hỏi ông ta nói như vậy là sao. Sẽ có một
cuộc cải tổ lại chăng? Singapore sẽ trở thành một tiểu bang đặc biệt
trong khối liên hiệp chăng? Kim San hoàn toàn không hiểu hết ý
nghĩ có trong đầu của Tunku. Những năm sau này, khi ghi lại chuyện
đời tôi vào năm 1981, tôi đã gửi cho ông bản sao bức thư đề ngày
23/6/1965 của ông. Ông đã luận rằng: “Khi hồi tưởng lại, như tôi
cũng đã nói với ông nhiều lần, Tunku đã gián tiếp muốn nói rằng ông
sẽ để cho Singapore độc lập. Tôi quá chậm tiêu nên không nắm bắt
được ý nghĩa của một số nhận xét của ông ta.” Kim San chỉ chú tâm
đến khả năng cải tổ nên không để ý đến những ngụ ý lớn hơn trong
các phát biểu hàm súc của Tunku. Tại London, ông được gặp Tunku
có một lần, điều ấy có nghĩa rằng ngay từ ngày 23/6/1965 đó,
Tunku đã nghĩ đến chuyện chia tách hoàn toàn rồi.
Cùng lúc đó Keng Swee đã sang Đức hơn một tháng để chữa bệnh.
Vào trung tuần tháng 7, ông đã gặp tôi và nói rằng ông đã gặp
Razak tại tư dinh của ông ta và bất ngờ gặp cả Ismail lẫn Ja’afar
Albar cũng có mặt ở đó nữa. Ông nói Razak muốn bàn luận một cuộc
cải tổ có thể giúp cho cả hai bên thoát khỏi chuyện có thể trở thành
một đụng độ tai hại.
Tôi đã thảo luận với Keng Swee về mọi khả năng có thể có được
và quyết định rằng nên cố gắng làm bất kỳ việc gì nếu nó giúp ta
tránh được chuyện xung đột chủng tộc. Keng Swee đã gặp Razak và
Ismail lần nữa tại Kuala Lumpur vào ngày 20/7. Ông bảo với họ rằng
chỉ có tôi, Lim Kim San và Eddie Barker biết những cuộc nói chuyện
của ông với Razak mà thôi. Chin Chye và Raja quá bận bịu với Hội
nghị Đoàn kết Malaysia nên chẳng để ý gì đến bất kỳ chuyện cải tổ
nào. Ông quả quyết với Razak rằng tôi có khả năng dẫn dắt PAP nếu
như công việc được xử trí đúng đắn, nhưng nếu thông tin bị tiết lộ
sớm thì sẽ làm hỏng chuyện.
Thế rồi Keng Swee yêu cầu tôi viết cho ông một giấy ủy quyền để
tiếp tục thương lượng và thỏa thuận những cải tổ mà ông có thể đạt
được, kể cả chuyện, theo như ông nói, “độc lập” khỏi liên bang. Tôi
sợ sẽ có rắc rối nếu như các cuộc hội đàm bị lộ sớm, nhất là với
người Anh, họ chống bất kỳ sự cải tổ nào, và kế đến Raja, Chin
Chye và Pang Boon, vốn sẽ không bằng lòng với bất kỳ sự thoát ly
nào khỏi sinh hoạt chính trị tại bán đảo Malaya, nơi chôn nhau cắt
rún của họ và có gia đình của họ đang ở. Tôi đã viết một công hàm
ủy quyền cho Keng Swee thảo luận với Razak, Ismail và những Bộ
trưởng liên bang khác có thẩm quyền tương đương liên quan tới các
vấn đề này, về bất kỳ đề xuất nào cho mọi sự cải tổ hiến chế của
Malaysia.
Keng Swee trở về và báo cáo rằng Razak muốn có một sự ly khai
hoàn toàn. Razak nêu ra hai điểm: thứ nhất, ông ta muốn Keng
Swee xác nhận rằng tôi đồng tình. Keng Swee đã trả lời rằng:
“Vâng, nếu như điều đó được thực hiện nhanh, trước khi ông Lee có
cam kết và tham dự sâu đậm vào Hội nghị Đoàn kết khiến ông ta
không thể rút ra được.” Ismail đồng ý về điểm này. Razak có vẻ vừa
nhẹ người vừa hoài nghi bởi, theo lời Keng Swee kể, ông bán tin bán
nghi là tôi có thể phản đối ý tưởng đó. Keng Swee nói rằng tôi đủ
thực tế để thấy rằng chuyện xung đột đang rất dễ xảy ra và các hậu
quả thì thật khó lường.
Điểm thứ hai Razak nêu ra là việc độc lập khỏi khối Malaysia phải
là một bước đi có phối hợp. Nói khác đi, PAP phải ủng hộ chuyện
này. Ông ta đề nghị Liên bang và Singapore cùng cho người Anh biết
ý định của cả hai bên. Ông ta cảm thấy họ sẽ đồng tình nếu chúng
ta cùng kiên định với nhau. Keng Swee vạch ra rằng cách làm như
vậy là sẽ thất bại. Người Anh sẽ nhất quyết chống lại chuyện chia
tách. Ông ta đã nhắc cho họ nhớ là Antony Head và nhóm của ông
ta đã cản trở đến mức nào đối với chuyện cải tổ kém triệt để lắm mà
chúng tôi đã đồng ý với Tunku hồi tháng 2. Keng Swee hối thúc rằng
phải thông báo cho người Anh biết chuyện ly khai như một sự đã rồi
khi quốc hội tái nhóm vào ngày 9/8. Trước tiên phải có các tu chính
hiến pháp cần thiết chấp nhận cho Singapore độc lập, với ba vòng
thảo luận tiến hành trong cùng ngày đó. Ismail sẵn lòng đồng ý về
chuyện này. Razak thì rất vui và nói rằng chiến thuật của PAP có lẽ
là tốt nhất. Keng Swee nói thêm rằng ông thấy không có gì bất tiện
nếu như Ngài Head, với tư cách cao ủy Anh tại Malaysia, được thông
báo về những ý định của chúng ta vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày hôm
đó, đúng nửa giờ trước khi dự luật độc lập được trình ra trước quốc
hội. Mọi người đều đồng tán thành ý kiến này.
Ismail nói có hai văn kiện cần phải được thảo ra: một tu chính
hiến pháp cho phép Singapore có thể rút ra khỏi Liên bang, và một
đạo luật dựa theo bản tu chính đó cho phép Singapore được độc lập.
Vì lợi ích an ninh, không nên cho phép các công chức can dự vào
việc này, và ông ta hỏi chúng tôi có thể làm được không. Ismail và
Razak sẽ phải suy nghĩ kỹ về những thủ tục hiến định cần thiết.
Keng Swee đã nói rằng Eddie (Bộ trưởng tư pháp của Singapore) sẽ
cố gắng thảo chúng trong vòng một tuần đến mười ngày, điều đó
cũng được họ đồng ý. Keng Swee nhấn mạnh cho họ nhớ sự cần
thiết phải giữ bí mật, và nói thêm riêng với Ismail rằng không được
hé bất cứ điều gì về chuyện này, nhất là đối với các công chức ngoại
kiều của ông ta.
Keng Swee có cảm giác rằng Razak cảm thấy rất nhẹ nhõm và
cám ơn riêng ông ta về việc ủng hộ giải pháp này. Ông thực sự tin
tưởng điều này sẽ không chỉ ngăn chặn được tai họa, vốn giờ đây
đang cứ như chỉ mành treo chuông, mà nó còn giúp chấm dứt sự
căng thẳng và nỗi khốn khổ mà ông ta đã phải chịu đựng suốt mấy
tháng nay. Chuyện này diễn ra trong chỉ có nửa giờ đồng hồ, nhưng
sau đó họ còn dành ra thêm 20 phút để chuyện phiếm với nhau, bởi
Razak đã yêu cầu Keng Swee không nên về quá sớm như vậy. Ông
ta cũng cho một xe cảnh sát đưa Keng Swee đến tận phòng đợi của
sân bay để tránh các ký giả.
Ngay sau khi Keng Swee báo cáo cho tôi cuộc họp đó, tôi đã gặp
Eddie tại văn phòng của mình. Công việc cần được xử trí hết sức cẩn
thận đến độ tôi không dám chắc ông Bộ trưởng Tư pháp của chúng
tôi có phải là người xứng đáng nhất để làm chuyện này không. Có
thể ông ta không giữ kín được. Đích thân Eddie đến thư viện luật
của trường Đại học Singapore để tra tìm các án lệ, và gặp được một
trường hợp ly khai trong Liên bang West Indies. Để giới hạn số
người cần biết, ông không dùng đến trợ lý riêng của mình, mà đọc
các phác thảo cho Wong Chooi Sen, thư ký của nội các, chép. Đó là
một người trung thành và kín đáo không ai nghi ngờ được. Chỉ có
vài người khác được biết chuyện này là Stanley Stewart, giám đốc
Sở Dân sự vụ, và George Bogaars, giám đốc Sở đặc vụ. Tôi đã cho
gọi Bogaars để biết chắc ông ta có bảo đảm ngăn chặn được bất kỳ
mối đe dọa nào của những người cộng sản trong một Singapore độc
lập hay không, một khi chúng tôi không cho phép họ tái lập lại tổ
chức. Ông quả quyết chúng tôi có thể làm được.
Eddie thảo ra hai văn kiện, nhưng tôi yêu cầu ông thảo thêm một
văn kiện thứ ba, bản tuyên ngôn độc lập. Tôi trao các bản phác thảo
này cho Choo. Tôi vẫn chưa ưng ý về chúng lắm. Tôi muốn thỏa
thuận của chúng tôi với bang Johor mà chúng tôi phụ thuộc rất
nhiều về nguồn cung cấp nước, được đưa vào trong các văn kiện
này và được cả hai chính phủ chuẩn y như một thỏa ước chính thức.
Tôi thì quá căng thẳng, và đã bảo Choo, một luật sư giỏi về hợp
đồng chuyển nhượng, tìm ra một phương cách êm đẹp để đạt được
chuyện này. Sau khi cô làm xong, tôi duyệt các bản phác thảo trao
cho Eddie để trình cho Razak. Mặc dù chưa có gì là chắc chắn, tôi
vẫn quyết định đi nghỉ như đã định và chờ xem Tunku có muốn tiếp
tục trong chuyện ly khai hay không, hay rồi ông sẽ thay đổi ý định.
Có những lý do để nghi ngờ điều ấy. Ngay mới tuần trước đây, Tan
Siew Sin đã đến thăm Singapore để dự cuộc họp của Hội Liên hiệp
Sinh viên Đại học và phát biểu rằng chính quyền trung ương sẽ thi
hành quyết định đóng cửa Ngân hàng Trung Quốc tại Singapore vào
tháng sau. Bất chấp những phản kháng bán chính thức trên Đài
truyền thanh Bắc Kinh, ông phủ nhận chuyện đóng cửa này sẽ ảnh
hưởng đến mậu dịch giữa Malaysia và Trung Quốc. Điều đó cho thấy
chẳng có ý hướng nào về chuyện chia tách cả, huống chi là chuyện
cho Singapore ly khai hẳn ra khỏi Malaysia. Kế đó là Razak, trong
chuyến du lịch các đảo miền Nam vào ngày 25/7, đã đưa ra những
phát biểu thiên vị có tính toán nhằm khuấy động tinh thần của
người Malay chống lại PAP, khi nói rằng tinh thần thiếu hợp tác của
chính phủ chúng tôi đã khiến cho Kuala Lumpur khó lòng triển khai
được chương trình phát triển nông thôn đến tận người dân Malay ở
đây. Nước đi ác ý không cần thiết này cũng khiến tôi lo âu tự hỏi
không biết Keng Swee có hiểu và báo cáo đúng về Razak trong
chuyện ông ta thật sự muốn Singapore tách ly hoàn toàn ra khỏi
Malaysia hay không. Có điều gì đó đang xảy ra. Thực ra, có thể biết
đâu họ đang thăm dò phản ứng của quần chúng với ý định đình chỉ
hiến pháp và chỉ định một thống đốc thì sao? Hoặc đang tính toán
điều gì đó bất lợi cho chúng tôi?
Keng Swee cũng lo. Ông không an tâm trước cả một gánh nặng và
trách nhiệm mà ông ta phải chịu nếu như kế hoạch bị tiết lộ hay
hủy bỏ. Khi tôi chuẩn bị quyển sách này vào năm 1994, ông có cho
phép tôi được nghe các cuộn băng ghi âm của ông trong thời điểm
1980–81, và tôi biết được rằng ông chưa hề hối thúc Razak phải có
một sự dàn xếp lại có tính chất nới lỏng hơn như tôi đã yêu cầu ông
ta. Ông biết họ muốn gạt Singapore ra khỏi quốc hội của họ, và đi
tới cùng ý muốn của họ là chúng tôi phải ly khai. Keng Swee cũng
nói rằng ông muốn tôi viết ủy quyền bởi ông sợ tôi sẽ ngần ngại
chuyện ly khai.
Keng Swee đã đến thăm Razak tại Nhà khách Liên bang ở
Singapore vào ngày 27/7 và khám phá ra rằng ông ta đã suy nghĩ
lại về chuyện ly khai. Keng Swee một lần nữa lại thấy ông ta ngần
ngừ và thay đổi quan điểm liền liền. Ông than là bị chứng mất ngủ
và có vẻ rầu rĩ lẫn nản chí. Trong cuộc chuyện trò dông dài trong 90
phút, ông ta nói đã viết cho Tunku biết về các bàn bạc của họ ba
ngày sau cuộc họp sau cùng của họ, và giờ đây chuyện quyết định
là tùy ở Tunku, nhưng phải mãi tới ngày 4/8 thì Tunku mới về nước.
Razak không nghĩ là Tunku sẽ nhanh chóng thông qua vấn đề, và
nghi ngại không biết có thể sắp xếp được chuyện dự luật độc lập
được hay không vào ngày 9/8 đó – bởi một lẽ, còn phải tham khảo ý
kiến của nhiều người khác nữa, như các tiểu vương chẳng hạn.
Thế rồi ông ta bày tỏ những lo lắng về hậu quả của chuyện
Singapore độc lập – giả sử chẳng hạn chính phủ nước này giao du
với Bắc Kinh thì sao? Razak cũng nêu những ý kiến hoàn toàn
không thể chấp nhận được về chuyện quốc phòng, khi ông ta nói
rằng người Malaysia sẽ phải chỉ huy quân đội Singapore. Keng Swee
đã nói với ông ta là điều này không thể được. Chúng tôi sẽ tuyển mộ
và duy trì quân đội riêng của mình, nhưng vì mục đích hành động,
nó sẽ được đặt dưới quyền của bất kỳ ai nắm quyền chỉ huy toàn bộ
các lực lượng Malaysia chống lại Indonesia. Razak nói: “Ồ. Vậy thì
hệ thống hiện nay sẽ được duy trì, tức là chúng tôi chỉ huy quân đội
của các ông, có phải không nào?” Để ông ta không phải nghi ngại
thêm về chuyện này, Keng Swee không nói rõ ra rằng cách dàn xếp
này sẽ chỉ có giá trị trong thời kỳ xảy ra cuộc chiến đối đầu mà thôi.
Kế đó Razak đã nói rằng độc lập cho Singapore có nghĩa là một
thắng lợi lớn của Sukarno. Có phải chúng ta đang muốn giúp cho
Sukarno lên tinh thần không? Tại sao không có một sự tách ly từng
phần? Keng Swee nói với ông ta rằng chúng tôi sẵn lòng làm theo ý
ông, ngay cả việc tiếp tục y như hiện nay. Keng Swee nói rằng vị trí
của Singapore đang ngày càng mạnh lên với sự ủng hộ của các nước
trong Khối Thịnh vượng chung. Điều này khiến Razak không vui
thêm, và ông ta chuyển sang nói rằng không còn có giải pháp nào
khác hơn là chia tách hoàn toàn – nhưng rồi bỏ ý đó và nói về một
dạng liên bang nào đó trong đó Kuala Lumpur kiểm soát quốc phòng
và ngoại giao.
Keng Swee nhấn mạnh rằng phải có một quyết định sớm, trước khi
việc can dự của chúng tôi vào Hội nghị Đoàn kết Malaysia trở thành
điều không thể đảo ngược được, nhưng tuy đã đồng ý về điều này,
Razak vẫn tiếp tục lặp lại những ý kiến phản bác đối với toàn bộ kế
hoạch: Tan Siew Sin thì chống đối chuyện tách ly, và sự ủng hộ nói
chung của UMNO về chuyện này cũng không thể tự nhiên mà có
được. Ông ta lo ngại chuyện chống đối. Nhưng mặt khác lực lượng
quân đội và cảnh sát hiện nay lại chẳng đủ để khống chế được các
cuộc rối loạn nếu như Singapore vẫn còn trong khối Malaysia, do
vậy, tốt hơn hết, ly khai có lẽ là giải pháp duy nhất. Ông ta hỏi Keng
Swee xem ông ta có thể đề nghị một phương cách khác có được
không. Keng Swee trả lời rằng không.
Thế nhưng, qua báo chí, Razak lại kêu gọi chính phủ Singapore
hãy cộng tác chặt chẽ với Kuala Lumpur để thực thi các kế hoạch
phát triển dành cho người Malay. Tôi bắt đầu lo ngại lại sẽ có chuyện
xung đột lần nữa.
Tôi vẫn không chắc chắn lắm về chuyện gì sẽ xảy ra, cho dù đó là
một cuộc cải tổ, một cuộc ly khai, hay một cuộc xung đột, lúc Philip
Moore đến thăm từ biệt tôi vào ngày 30/7; ông về nhậm chức Bộ
trưởng Quốc phòng tại London. Đó là một buổi giã từ xúc động và
đầy ý nghĩa. Trước hết phải giữ kín không cho người Anh biết về các
cuộc thương lượng của chúng tôi và tôi phải bảo đảm là không nói
hở ra với Moore bất kỳ điều gì về những đổi thay mà chúng tôi đang
bàn bạc, vì ông vốn là người am hiểu và đồng tình với chúng tôi. Tôi
cảm ơn ông về những việc ông đã làm, tôi nói với ông như vậy, thế
nhưng tôi vẫn phải tiếp tục đi tới cùng với Liên bang Malaysia cho dù
kết quả có ra sao. Tôi đã thuyết phục dân chúng tham gia vào Liên
bang và tôi không thể bỏ mặc họ. Trách nhiệm của tôi là phải làm
sao cho hiến pháp được tôn trọng. Tôi không thể rút lui được. Những
điều ông nói cho thấy ông rất quan tâm đến an ninh bản thân của
tôi và tương lai của Singapore.
Vào ngày 31/7, tôi rời Singapore đi dự một cuộc mít–tinh của PAP
tại Kuala Lumpur, rồi đi tiếp đến cao nguyên Cameron để nghỉ mát
như mọi năm cùng với Choo và bầy trẻ. Trước khi rời Kuala Lumpur,
tôi đến thăm Antony Head tại Carcosa trong khoảng nửa giờ. Tôi e
ông ta có thể đã đánh hơi được chuyện gì đang xảy ra. Tôi biết rằng
nếu ông ta nắm được chút tin tức gì về điều này, ông ta đủ khéo léo
và đủ mạnh để lật nhào bất cứ điều gì chúng tôi đã đồng ý với nhau,
y như ông ta đã phá vỡ kế hoạch cải tổ của chúng tôi hồi tháng 2
vậy. Ông chẳng có vẻ gì nghi ngờ rằng đang có gì đó bất ổn, và tôi
hài lòng là lần này Razak lẫn Ismail đã không để lộ bất cứ điều gì
cho Fenner biết cả, ông này nếu biết được chắc chắn sẽ báo cho
Head biết thôi.
Thật vậy, vào ngày 6/8, Head đã gửi đánh giá của mình về London
như sau:
“Triển vọng tương lai chẳng có gì là sáng sủa. Ít có cơ may giảm
bớt căng thẳng chính trị bởi chẳng bên nào tin bên nào. Một hình
thức hạn chế của việc ly khai mà không phải sửa đổi hiến pháp thì
có thể có nhưng không chắc chắn lắm. Giải pháp bổ nhiệm Lee đi
làm việc ở hải ngoại giờ đây có vẻ đã bị bác bỏ và các phần tử cực
đoan Malay đang ngày càng mạnh. Kết quả có thể có nhất là các
bạo động chủng tộc sẽ tái diễn với quy mô còn lớn hơn cả trước kia.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng hiện nay là sự
có mặt của những tay dân tộc hẹp hòi Malay cực đoan hơn trước
dưới sự lãnh đạo của Senu, Bộ trưởng thông tin, Khir Johari, Bộ
trưởng giáo dục, và Ja'afar Albar, tổng thư ký của UMNO; đặc biệt
Senu và Ja’afar Albar đang tranh nhau để tỏ ra có tinh thần Malay
hơn. Nếu có thể áp chế và làm cho họ im lặng được thì hay biết
mấy; nhưng Razak rõ ràng là đã không tính đến chuyện dùng biện
pháp mạnh với những tay này, bởi sợ rằng họ, qua sức lôi cuốn của
chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sẽ làm hại vị trí người hiển nhiên sẽ thay
thế Tunku của ông. Do đó ông ta thận trọng quyết định bước theo
hướng đi của họ trong chừng mực đủ để bảo vệ địa vị chính trị của
ông…”
Về chính sách của người Anh, Head viết:
“Chừng nào Indonesia vẫn còn đe dọa nền độc lập và sự toàn vẹn
lãnh thổ của Malaysia, chừng đó hẳn nhiên chúng ta vẫn còn cần
tiếp tục có mặt ở đó, vì lợi ích của sự ổn định tại Đông Nam Á, vì bổn
phận của chúng ta theo Hiệp định Phòng thủ và vì sự cần thiết phải
giúp đỡ Malaysia chống lại kẻ thù mạnh hơn mình… Thế nhưng việc
tiếp tục có mặt tại đây có thể gây khó khăn cho chúng ta, bởi theo
tôi nghĩ chính sách cho rằng sẽ có một thời kỳ ổn định tương đối lâu
dài tại Malaysia là một chính sách thiếu khôn ngoan và thiển cận.”
Sau ngày dự cuộc mít–tinh tại Sân vận động Chin Woo ở Kuala
Lumpur, tôi lái xe đến Cameron, nơi tôi nghỉ lại, chơi gôn và rảo bộ
cùng đám trẻ, cùng lúc đó vẫn tiếp tục chờ điện thoại của Keng
Swee và Eddie thông báo rằng tôi nên đến gặp họ ở Kuala Lumpur.
Tôi không muốn Head nghi ngờ tôi đã trở lại Kuala Lumpur và làm
chuyện gì đó.
Keng Swee đến Kuala Lumpur để họp với Razak vào ngày 3/8, một
ngày trước khi Tunku về nước như đã định. Razak đã nhanh chóng
đi thẳng vào vấn đề. Ông bảo đã nhận được trả lời của Tunku. Tunku
tán đồng chuyện này, với hai điều kiện: (a) Singapore góp phần
thỏa đáng về quân sự vào công cuộc phòng thủ chung và ký kết
thỏa ước quốc phòng với Malaysia, và (b) không được tham gia vào
bất kỳ hiệp ước nào sẽ vi phạm đến các mục tiêu của thỏa ước nói
trên. Keng Swee ghi nhận rằng họ cũng đã có nhiều đề nghị chi tiết
trong suốt cuộc họp đó: nên có một hội đồng quốc phòng; tất cả lực
lượng của Singapore phải đặt dưới sự chỉ huy quân sự phối hợp vì lợi
ích hoạt động, và chính quyền trung ương sẽ giúp huấn luyện cho
họ; Singapore sẽ thành lập một lữ đoàn bộ binh, và tuần tiễu lãnh
hải Singapore bằng tàu riêng của chúng tôi. Ismail cũng muốn rằng
các tòa đại sứ và cao ủy Malaysia trên khắp thế giới sẽ chỉ đạo các
quan hệ đối ngoại của Singapore.
Keng Swee đánh giá rằng mục tiêu của họ là giới hạn quy mô của
các lực lượng vũ trang của chúng tôi và muốn kiểm soát các lực
lượng đó. Ismail công khai nói ra điều này, nhưng Razak thì vẫn
không có biểu hiện gì. Keng Swee nói rằng dầu muốn dầu không
chúng tôi cũng không thể tạo dựng nổi một lực lượng quân sự đồ sộ
được – bốn tiểu đoàn và một số tàu tuần tiễu là mức cao nhất chúng
tôi có thể đóng góp được. Razak có vẻ vui và nói rằng Keng Swee
nên làm Bộ trưởng Quốc phòng của Singapore, thế nhưng vấn đề
chỉ huy chung hãy chưa có gì dứt khoát cả và tình trạng thời bình
của các lực lượng Singapore sau cuộc chiến đối đầu của Indonesia
cũng vẫn không được nêu ra. Điều này đã dẫn đến rắc rối về sau.
Họ hỏi Keng Swee đã có các phác thảo gì chưa. Ông ta bảo rằng
đã có và trình chúng cho Razak. Razak đọc bản thỏa ước, lướt nhanh
qua bản tuyên ngôn, nhưng đọc rất cẩn thận dự luật tu chỉnh (hiến
pháp). Ông có vẻ hài lòng và trả lại các bản phác thảo đó, hỏi thêm
những điểm về các dàn xếp quốc phòng của chúng tôi và hiệp ước
đối ngoại có trong bản phác thảo thứ hai. Thế rồi họ bàn qua về sắp
xếp thời gian. Razak muốn trao các bản phác thảo đó cho Bộ trưởng
Tư pháp của ông xem lại. Keng Swee đề nghị nếu chúng ta đưa
chúng ra vào ngày 6/8, sau khi Tunku về nước, và chỉnh sửa hoặc
đề nghị thêm vào ngày hôm sau thì có thể đạt được thỏa thuận vào
ngày 7/8, và thế là có thể kết thúc mọi chuyện vào ngày 9.
Họ cho rằng phải thông báo cho các Tổng ủy viên của Sabah và
Sarawak cùng các thống đốc của các bang Malaya biết chuyện này.
Ismail nói rằng phải tách các Tổng ủy viên Sabah và Sarawak ra
khỏi các cố vấn người Anh, và tốt nhất là triệu tập họ về Kuala
Lumpur – với lý do là dự tiệc đón Tunku trở về. Keng Swee hỏi liệu
họ có thể trông đợi vào sự đồng tình của Sabah và Sarawak không.
Razak rõ ràng đã có tính đến chuyện này và nói rằng họ không nghĩ
sẽ có vấn đề gì.
Thế rồi Ismail nêu lên thắc mắc là phải có thời gian để in bản thỏa
ước, dự luật và bản tuyên ngôn nữa. Keng Swee kết luận rằng họ
muốn thông qua cuộc bàn bạc dọn đường này càng sớm càng tốt,
nhưng có một số rắc rối cũng khá nhức đầu: chẳng hạn, liệu có triệu
tập các Tổng ủy viên Sarawak và Sabah đến Kuala Lumpur kịp vào
ngày 8/8 không? Lịch của các chuyến bay có thể làm hỏng chuyện
này. Keng Swee cảm thấy cần nhấn mạnh đến chuyện phải giữ kín
thỏa ước này trước khi thông báo cho bất kỳ ai biết; rõ ràng rằng
nếu thiếu may mắn và thiếu hiệu quả thì khó mà làm cho mọi
chuyện diễn ra trôi chảy vào ngày 9/8. Sau cuộc họp một giờ, từ
Nhà khách Singapore (ở Kuala Lumpur), Keng Swee điện thoại cho
tôi ở Cao nguyên Cameron để thông báo kết quả, bằng tiếng Quan
thoại. Đó chẳng phải là thứ tiếng ông sử dụng lưu loát nhất, thế
nhưng vào năm 1965 không thể gọi điện thẳng tới Cameron được,
và các cuộc gọi nối đều phải thông qua tổng đài mà các điện thoại
viên thì không nói tiếng Quan thoại.
Vào sáng thứ Sáu ngày 6/8, tôi đi xe đến Kuala Lumpur. Choo và
mấy đứa trẻ vẫn ở lại Cameron cho đến tận thứ bảy để mọi người
vẫn thấy họ và nghĩ rằng tôi còn ở đó. Cả Keng Swee lẫn Eddie cũng
đều không dám chắc là Tunku, bấy giờ đã về nước rồi, liệu có đổi ý
hay không, một điều sẽ khiến mọi chuyện thành công toi hết. Thế
nhưng khi tôi đến Kuala Lumpur vào chiều hôm đó, họ đã có mặt
cùng với các văn kiện. Sau khi tôi đã nghiên cứu và thông qua
chúng, họ bèn đến gặp Razak, Ismail và Kadir Yusof, Bộ trưởng Tư
pháp. Cuộc họp kéo dài từ giờ này sang giờ khác, và tôi phải một
mình chờ đợi sốt ruột tại Nhà khách Singapore. Đến xế chiều, Eddie
điện tới nói rằng Tan Siew Sin muốn có thêm những điều chỉnh,
trong đó có cả việc chúng tôi phải gánh các bảo lãnh mà chính
quyền trung ương đã ký với IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) và Ngân
hàng Thế giới về những khoản nợ dành cho Singapore trước đây,
một chi tiết không đáng gì. Tôi đồng ý chuyện đó, và Eddie cùng với
Kadir Yusof tiếp tục thông qua các dự thảo. Mất thêm mấy tiếng nữa
trước khi Eddie điện thoại lại cho tôi lần nữa báo rằng nhân viên tốc
ký của Razak không thạo với các văn kiện pháp lý nên ông ta đánh
máy chẳng nên thân được gì cả. Bởi Wong Chooi Sen và thư ký
riêng của tôi là Teo Ban Hock đều đang có mặt ở Nhà khách
Singapore, nên Eddie cho gọi họ đến dinh của Razak, để họ lo liệu
công việc này, chỉnh sửa lại mọi thứ. Nhưng phải mất tới nửa đêm
họ mới lo xong được hết các dự thảo ấy. Lúc họ trở về Nhà khách
Singapore cùng với Keng Swee, Eddie nói rằng mọi người ai cũng
cũng uống rượu tới ngà say trong lúc chờ, và khi các văn kiện cuối
cùng đã hoàn tất, ông là người duy nhất chưa say và còn đủ sức
muốn đọc lại trước khi ký. Razak, rất thân với Eddie từ tận những
ngày còn chơi hockey chung ở Đại học Raffles, đã nói rằng: “Eddie
này, dự thảo là của bạn, người đánh máy cũng là của bạn, vậy bạn
đọc lại là làm sao?” Thế là Eddie cũng làm như ông ta, ký mà không
cần phải xem lại gì cả – “sign buta” (nhắm mắt ký), theo lối ông nói
với tôi bằng tiếng Malay. Keng Swee cũng say mèm đến độ chỉ biết
đi thẳng vào giường. Nhưng Eddie đã xem qua các văn kiện, và nhẹ
cả người khi thấy không có sơ suất nào cả, và ông ta đã trao chúng
cho tôi.
Sau khi tự tay duyệt qua các tu chính, tôi nhìn Eddie và nói rằng:
“Cám ơn Eddie, chúng ta đã làm một cuộc đảo chính thành công mà
không phải đổ máu gì cả.” Đó là một cú đảo chính chống chính phủ
Anh và ngài Head đầy cảnh giác của họ, một cú đảo chính diễn ra
ngay trước mắt người Anh, Úc và New Zealand với các lực lượng
quân sự đang bảo vệ cho Malaysia. Với một thời gian ngắn ngủi,
chúng tôi đã nghĩ ra cách đạt được những gì mà Tunku không thể
làm được qua bộ tham mưu của ông, bởi nó phải được tiến hành
trong vòng hết sức bí mật và trong thời gian ngắn nhất có thể được,
kể cả việc thảo luận ba vòng về dự luật này trong một phiên họp
quốc hội, bằng không sẽ chẳng bao giờ có thể thành công được hết.
Tôi biết rằng Head có thể sẽ khuyên chính phủ của ông chấp
thuận các biện pháp nằm ngoài hiến pháp để vô hiệu hóa PAP một
khi ông ta kịp biết mọi chuyện để ngăn chặn lại. Với các văn kiện đã
ký, cho dù người Anh có thuyết phục được Tunku và nội các của ông
không cho nó thông qua quốc hội đi nữa, mà một khi tôi đã công bố
các thỏa ước đồng thời cho đăng tuyên ngôn độc lập lên công báo,
thì quan hệ giữa Singapore và Malaya sẽ không có gì có thể đảo
ngược được nữa.
Giờ đây tôi phải thuyết phục những đồng sự khác đồng ý với tôi.
Tôi gọi điện thoại cho Chin Chye để hỏi xem ông ta có đến Kuala
Lumpur được không, mặc dù đã quá nửa đêm rồi. Kế đó tôi gọi cho
người trực tổng đài điện thoại Istana. Trạm Istana hoạt động suốt 24
giờ một ngày, và người trực tối hôm đó là một nhân viên cũ rất đáng
tin cậy từ thời các thống đốc Anh. Tôi bảo ông ta kiếm một chiếc xe
đi đón Chin Chye lập tức và chở ông ta đến Kuala Lumpur kịp vào
sáng sớm hôm sau. Thế rồi tôi gọi Raja và yêu cầu ông ta đến. Tôi
không muốn họ đi chung với nhau bởi điều đó sẽ gợi lên sự chú ý là
đang có điều gì đó diễn ra, và cũng bởi vì họ sẽ liên kết phản đối bất
kỳ cuộc tái sắp xếp nào của Malaysia, chứ đừng nói chi đến chuyện
ly khai hoàn toàn.
Chin Chye đến vào sáng sớm. Lúc ông ta đến, Eddie lui bằng ngả
sau để tránh gặp ông ta. Tôi nói cho Chin Chye biết mọi chuyện và
đưa cho ông xem các văn kiện. Ông sửng sốt và bối rối. Ngay sau đó
thì Raja đến. Othman Wok, Bộ trưởng xã hội của chúng tôi, đã dùng
xe của ông để chở Raja đến. Rồi Keng Swee cũng đến họp, và chúng
tôi cùng ngồi xuống bàn chuyện với nhau. Suốt cả mấy giờ liền Chin
Chye và Raja cứ trầm tư trước quyết định đau lòng trước mắt họ. Họ
không muốn ký.
Vào khoảng trưa ngày 7/8, tôi đến tư dinh Tunku. Tôi chờ khoảng
30, 40 phút ở phòng khách trong khi ông đang họp với một số viên
chức ở phòng ăn – qua cửa kiếng, tôi có thể thấy là họ đang bàn cãi
rất căng. Thế rồi ông bước ra và ngồi một mình với tôi suốt 40 phút.
Tôi bắt đầu: “Chúng tôi đã dành nhiều năm tháng để thành hình
Malaysia. Phần tuyệt nhất trong thời niên tráng của tôi là làm việc
để có được Malaysia, từ 1954 đến 1963. Chúng ta tạo dựng được
Malaysia chưa đầy hai năm. Thực lòng ông có muốn cho nó tan vỡ
không? Ông không nghĩ tốt nhất là nên trở lại với các kế hoạch ban
đầu của chúng ta, trong đó Anh thôi nắm quyền, và có một liên
bang tự do hơn hay một hình thức liên hiệp nào đó sao?”
Nhưng qua cử chỉ, tôi biết là trí ông đã định rồi. Ông nói: “Không,
tôi coi là quá khứ rồi. Bây giờ không còn cách nào khác. Tôi đã
quyết định rồi; các ông đi đường các ông, chúng tôi đi đường của
chúng tôi. Chừng nào các ông còn dính dáng đến chúng tôi, chúng
tôi còn thấy khó có thể làm bạn với các ông được, bởi vì chúng tôi sẽ
phải dính vào chuyện của ông và các ông thì sẽ phải can dự vào
chuyện của chúng tôi. Ngày mai, khi các ông không còn nằm trong
khối Malaya nữa và chúng ta không còn tranh cãi với nhau tại nghị
viện hay các khu vực bầu cử nữa, chúng ta sẽ trở lại là bạn của
nhau, và chúng ta sẽ cần nhau, chúng ta sẽ hợp tác với nhau.”
Tôi thôi không nói về chuyện đó nữa. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho
buổi nói chuyện có thể kéo dài này, nhưng khi thấy ông nhất quyết
không màng tới bất kỳ ý kiến nào khác, tôi đành nói với ông rằng
khó khăn của tôi là với Chin Chye, Raja, Pang Boon, cùng tất cả
những người Singapore khác có gia đình đang trên đất Malaysia.
Ông bảo tôi hãy tự lo liệu lấy. Tôi xin ông giúp đỡ; ông gặp họ được
không?
"Không. Không cần thiết,” ông ta đáp.
Tôi trở về Nhà khách Singapore để báo lại cho mọi người biết
chuyện thảo luận của chúng tôi. Chin Chye đang ngồi ở một cái bàn
gần chân cầu thang, cạnh phòng ăn, đang viết cái gì đó. Lúc bước
lên lầu, tôi thấy ông ta đang vạch một đường giữa tờ giấy: bên trái,
ông nêu lý lẽ tán thành, và bên phải, lý do phản đối chuyện chia
tách. Đó là Chin Chye, một học giả cẩn trọng. Raja, một con người
hút thuốc nhiều vô kể, đang đứng ngoài hiên, rít từng hơi thuốc. Tôi
kéo Othman đi và hỏi ông có ký tên không. Ông là một người Malay,
và sẽ trở thành phe thiểu số trong đất nước Singapore một khi ông
chấp nhận chuyện chia tách, ông nói chuyện ký không thành vấn
đề, nhưng ông e ngại về chuyện những người cộng sản ở Singapore.
Hai mươi lăm năm sau, trong cuộc phỏng vấn nhân kỷ niệm ngày
chúng tôi được độc lập, ông nhắc lại lời tôi đã quả quyết với ông
rằng: “Không sao đâu, đó là chuyện của tôi, tôi sẽ xử lý việc đó.”
Sau suốt mấy giờ liền rồi mà Chin Chye và Raja cũng chưa có ý
kiến dứt khoát gì cả, tôi bèn nói với Chin Chye: “Sao không đi gặp
Tunku thử xem sao? Ông già bảo rằng ông không còn nắm vững
được tình hình này nữa rồi. Tốt nhất ông nên đến gặp ông ta, bởi tôi
đã gặp rồi và tôi đã phải kết luận rằng chẳng còn bàn cãi gì được về
chuyện này nữa.” Ông ta đồng ý, thế là tôi phải đi gặp Tunku lần
nữa vào chiều hôm đó và nói với ông rằng tôi có hai Bộ trưởng, Chin
Chye và Raja, không muốn ký tên vào và nhất định muốn bàn cho
ra lẽ. Gia đình của họ đang ở Malaya và họ muốn gặp ông.
Tunku nhất quyết lắm: “Không, tôi không muốn gặp họ. Không có
gì phải bàn nữa cả. Ông hãy nói với họ như vậy.”
Tôi nói: “Tôi có nói với họ rồi. Ít nhất ông cũng phải viết cho họ
một bức thư. Để họ coi trả lời của ông là chung cuộc chứ.” Tunku
bước tới chỗ bàn và viết cho Chin Chye một bức thư, rồi trao cho tôi,
nói rằng: “Đây, ông hãy trao cho ông ta. Không cần phải bàn thêm
gì nữa cả. Tôi đã nhất định rồi.”
Bức thư không niêm phong của Tunku viết:
"Chin Chye thân mến,
Tôi viết ra đây để nói với ông rằng tôi đã suy tính chuyện chia tách
với Singapore đến tận cùng rồi, và thấy rằng vì lợi ích của tình bạn
chúng ta và hòa bình của toàn thể Malaysia, tuyệt đối không còn
con đường nào khác hơn được nữa. Nếu tôi đủ mạnh và có thể kiểm
soát được hoàn toàn mọi chuyện, có lẽ tôi chưa quyết định như vậy
đâu, nhưng khổ nỗi lại không thể được như vậy, và do vậy trong khi
tôi còn có thể khuyên mọi người nên bao dung và kiên nhẫn, tôi
cũng nghĩ đến giải pháp êm đẹp này cho các bất đồng của chúng ta,
và đây là cách duy nhất có thể có được. Tôi mong ông sẵn lòng đồng
ý.
Trân trọng,
(Ký tên) Tunku Abdul Rahman”
Lúc bước ra, tôi gặp Tan Siew Sin. Tôi tức giận và cay đắng với cái
gã thiển cận và ngu đần này. Ông ta đã cản trở công việc công
nghiệp hóa của chúng tôi và gây chia rẽ không thua gì những tay
cực đoan Malay. Ông ta lúc nào cũng muốn gây cản trở cho chúng
tôi. Ngoài chuyện bản thân ông ta không ưa gì Keng Swee và tôi,
ông ta còn tin rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào cho Singapore cũng sẽ
giúp PAP chinh phục được người Hoa ở Malaya. Ông không thể thấy
được rằng nếu không có Singapore, địa vị người Hoa ở Malaysia tất
phải suy yếu.
Hôm đó, tôi không thể không nói với ông ta rằng: “Hôm nay ông
thắng, còn tôi thất bại; nhưng trong khoảng năm tới mười năm nữa,
chắc chắn ông sẽ phải hối tiếc vì điều đó.”
Ông ta cười. Tôi không nghĩ ông ta khi đó, hoặc sau này, hiểu được
tôi. Ông ta chỉ thấy nhẹ nhõm và vui mừng với vị trí lãnh đạo MCA
của ông ta và địa vị của MCA trên đất Malaysia giờ đây thật vững
vàng. Mối đe dọa của PAP và Hội nghị Đoàn kết Malaysia không còn
nữa. MCA sẽ lên ngôi độc tôn. Thế nhưng trong trường hợp này thì
sự vững vàng và ngôi vị độc tôn chỉ là tương đối mà thôi. Bốn năm
sau, vào tháng 5/1969, những kẻ bạo loạn ở Kuala Lumpur sẽ giết
chóc và làm cho hàng trăm người Hoa bị thương tật, rồi đốt cả nhà
cửa và xe hơi của họ. Mười năm sau, Hussein Onn, trở thành Thủ
tướng sau khi Razak qua đời, đã đưa Tiến sĩ Mahathir Mohamad lên
làm phó. Tuy Tan rất tận tụy với chính phủ Liên hiệp và UMNO,
nhưng ông ta vẫn là người Hoa, và ông đã hiểu ra rằng ông chẳng
thể nào trở thành phó Thủ tướng được hết. Ông ta từ chức, xấu hổ
và thất vọng ê chề. Ông không hiểu rằng ông đã mất sạch khi tiếp
tay để loại Singapore ra khỏi Malaysia mười năm về trước.
Trong tác phẩm Looking Back (Nhìn lại), 1977 của mình, Tunku
viết:
"'Những gì mà ông ta [Tan Siew Sin] đạt được đã vượt xa ý nghĩ
của tôi, vì không chỉ giúp chính quyền trung ương thực thi các quyền
hành quan trọng trong guồng máy của bang (Singapore), mà còn
khiến Singapore phải tự cảm thấy có phần trách nhiệm trong việc
phát triển tài chính tại các bang ở Borneo với một quy mô đáng kể.
Tôi cảm thấy rằng một khi đã mắc míu vào đời sống hàng ngày và
công việc quản lý của Singapore, lẫn công việc kiểm soát tài chính
của bang này, thì hậu quả không tránh khỏi là chính phủ Singapore
sẽ muốn có phần trong guồng máy cai trị Malaysia; và nếu chúng tôi
chuẩn bị để cho Singapore có được cái quyền đó, thì sự công kích
của Lee Kuan Yew vào Malaysia là chuyện cũng đúng thôi.”
Khi tôi quay trở lại Nhà khách Singapore sau khi chạm mặt Tan, tôi
trao bức thư của Tunku cho Chin Chye. Chỉ tới lúc đó ông ta và Raja
mới nhận chân ra được rằng chúng tôi quả thực đã đến nước đổ vỡ.
Không bàn cãi thêm gì nữa, tôi nói với Chin Chye rằng nếu ông
không đồng ý chuyện chia tách, tôi sẽ không tiếp tục chuyện này
nữa, bởi nó sẽ gây chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo của PAP và gây
hoang mang cho những người ủng hộ chúng tôi ở cả Singapore lẫn
Malaysia. Tôi sẽ trung thành theo quyết định của đa số là không ký
và không nhượng bộ. Nhưng Chin Chye và Raja phải gánh lấy trách
nhiệm; nếu có máu đổ, điều đó không phải lỗi của phần tôi. Ngay
sau đó Chin Chye ký tên đồng ý, kế đó là Raja.
Không có gì kỳ lạ khi các bạn đồng liêu trong nội các của tôi phân
ra làm hai cánh tùy theo nơi họ đã chôn nhau cắt rốn và lớn lên.
Những người sinh trưởng tại Singapore thì chấp nhận chuyện chia
tách, nhưng những người sinh trưởng ở Malaya thì hết sức bối rối.
Chin Chye đã sinh ra và lớn lên ở Taiping, tỉnh Perak, và ông có
những quan hệ gắn bó với gia đình mình tại đây. Raja sinh ra ở
Ceylon (tức Sri Lanka) nhưng lớn lên ở Seremban, tỉnh Negeri
Sembilan, nơi ông có nhiều bà con và bạn bè. Thông qua ông, hết
thảy họ đều có quan hệ chính trị với PAP trong suốt thời gian tổng
tuyển cử vào tháng 4 năm trước; anh trai ông là ứng cử viên của
PAP nhưng đã thất cử. Qua việc chấp thuận chia tách, cho dù là
miễn cưỡng, Raja lẫn Chin Chye đã bỏ rơi những người gần gũi với
mình. Tệ hơn nữa, họ đều cảm thấy, như tôi đã cảm thấy, rất rõ
rằng họ đã phản bội những nhà lãnh đạo khác trong Hội nghị Đoàn
kết Malaysia. Họ đã là động lực đằng sau hội nghị này. Đối với
những người còn ở lại Malaysia, chia tách là một tai họa bởi nó đã
làm thay đổi cán cân chủng tộc. Với việc Singapore ra đi, cán cân sẽ
không còn là 40% người Malay, 40% người Hoa và 20% các chủng
tộc khác nữa. Người Malay lại trở thành đa số, và giờ đây chẳng còn
mấy hy vọng sẽ có một đảng đa sắc tộc giành được chính quyền qua
bầu cử nữa rồi, cho dù là trong tương lai rất xa.
Pang Boon cũng hết sức xúc động về chuyện chia tách này. Ông
đã sinh ra và học hành tại Kuala Lumpur, có những gốc rễ sâu xa ở
Selangor. Và cũng như Chin Chye cùng Raja, ông đã góp công rất
nhiều cho Hội nghị Đoàn kết Malaysia mà mới đây ông còn bận rộn
lo tổ chức một cuộc mít–tinh cho nó tại Kuala Lumpur. Khi tôi báo
cho ông về chuyện chia tách, ông hết sức kinh hoảng. Chin Chye đã
giúp thuyết phục ông chấp nhận điều không thể tránh khỏi này,
nhưng ông vẫn ký trong tâm trạng hết sức miễn cưỡng. Lee Khoon
Choy đã sinh ra và lớn lên ở Penang; vào ngày 8/8, ông cũng đang
bận bịu tổ chức một cuộc mít–tinh của Hội nghị Đoàn kết Malaysia
trong hai tuần sau đó. Lúc ông đến Kuala Lumpur vào sáng ngày
9/8, ông bị chấn động khi được Chin Chye báo rằng hội nghị như
vậy là đã cáo chung.
Vấn đề kế tiếp của tôi là trở về Singapore mà không chạm mặt bất
kỳ một nhà ngoại giao Anh, Úc và New Zealand nào cả, và thuyết
phục được các Bộ trưởng khác ký vào văn kiện. Đây là một vấn đề
rất dễ gây bất hòa, và tôi không muốn có sự chia rẽ trong nội các.
Tôi đã giải thích vấn đề với Tunku, và ông đã sắp xếp một máy bay
cánh quạt của RMAF chở tôi đi vào ngày hôm sau. Thông qua nhân
viên trực tổng đài điện thoại Istana, tôi đã sắp xếp để tất cả các Bộ
trưởng không có mặt ở Kuala Lumpur đến gặp tôi ở Sri Temasek. Các
Bộ trưởng sinh ở Singapore chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Họ coi
chuyện đó đương nhiên phải là như vậy thôi, và họ ký. Kim San thì
nhẹ nhõm vì chuyện đó đã xảy ra. Eddie, người đã thảo và ký các
văn kiện vào tối 6/8 thì sinh tại Singapore. Sinh quán của Nyuk Lin
là ở Seremban, nhưng đã định cư ở Singapore sau khi lập gia đình
trước chiến tranh. Gia đình của ông không còn ở Malaya nữa nên
ông cảm thấy cũng yên tâm.
Tới lúc đó, vào khoảng xế chiều, tôi đã có thể gửi lại cho Tunku
một trong số hai bộ văn kiện chia tách với đầy đủ chữ ký thông qua
chiếc máy bay RMAF của ông. Stanley Stewart đang ở tại nhà in của
chính phủ cùng với số nhân viên ở đó. Ông trao cho họ bộ văn kiện
thứ hai và cấm túc họ hoàn toàn trong tòa nhà của Văn phòng in ấn
Chính phủ cho đến khi các văn kiện sẵn sàng được tung ra dưới
dạng số công báo đặc biệt và được công bố vào lúc 10 giờ ngày thứ
hai, 9/8.
Trong lúc đó, tôi sắp xếp cho Choo cùng bọn trẻ đi xe từ Cao
nguyên Cameron đến Kuala Lumpur vào chiều thứ Bảy, rồi lên
đường về Singapore vào sáng sớm Chủ nhật, để xế chiều hôm đó là
tới nơi. Chúng tôi quyết định nghỉ đêm ở Sri Temasek, ở đó chúng tôi
được an toàn hơn nếu như có những tay Malay UMNO nào gây bạo
loạn khi tin tức được công bố vào sáng hôm sau.
Tối hôm đó tôi đã phải hết sức vất vả, họp với Le Cain, thanh tra
cảnh sát, để bàn việc tiến hành những biện pháp đề phòng cần
thiết, rồi họp với George Bogaars, để bảo đảm là Sở đặc vụ đã sẵn
sàng đối phó với mọi rắc rối tại bất kỳ khu vực nào. Tôi cũng gặp
Stanley Stewart để sắp xếp việc tập họp tất cả các bí thư thường
trực lại để nghe báo cáo tóm tắt vào ngày hôm sau.
Razak muốn các nghị viên PAP phải có mặt tại quốc hội vào ngày
9/8 để bỏ phiếu biểu quyết các dự luật. Keng Swee và Eddie nói với
Razak rằng không có nghị viên PAP nào đến dự đâu. Quá đau lòng
cho chúng tôi khi phải gặp mặt với các lãnh tụ của Hội nghị Đoàn
kết Malaysia mà chúng tôi đang bỏ rơi họ. Chúng tôi đã báo cho 12
nghị viên PAP không phải là Bộ trưởng, nên chưa được biết cái gì cả,
rằng họ đừng đi dự họp. Thế rồi tôi đã dàn xếp với Boogars để mã
hóa ba bức thư có cùng nội dung gửi đến ba Thủ tướng thuộc khối
Thịnh vượng Chung, để báo cho họ biết về chuyện chia tách và lý do
tại sao không còn giải pháp nào khác hơn. Bức gửi Úc viết như sau:
"Vào lúc ngài đọc được nội dung bức thư này thì đó cũng là lúc
Tunku tuyên bố và tôi cũng đồng ý và đồng thời cùng tuyên bố
Singapore trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Nhưng vì
sự ủng hộ kiên quyết của ngài dành cho các thực thi dân chủ tại
Malaysia, nên tôi và chính phủ của tôi có thể sẽ bị các phương cách
gần giống như kiểu của phát xít làm cho tiêu diệt, mặc dù chúng tôi
có thể là những người phi cộng sản. Bởi sự ủng hộ tinh thần mà ngài
dành cho chúng tôi, nên chúng tôi đã chọn lựa hoặc là rời khỏi
Malaysia nhưng vẫn dưới sự che chở của Hiệp ước Phòng thủ Anh–
Malaysia hoặc là đối diện với hậu quả, nói theo cách nói của Tunku,
là rắc rối chủng tộc và đổ máu, chưa kể hậu quả tất nhiên không nói
cũng biết là hoặc các phương thức phát xít sẽ tạm thời giúp kiểm
soát được tình hình, hoặc là các rối loạn sẽ đưa tới thắng lợi cho phe
cộng sản. Ngài có thể tin tưởng vào tôi và các đồng sự để yên tâm
rằng Singapore sẽ vẫn là một quốc gia phi cộng sản chừng nào
chúng tôi còn nắm quyền, bất kể chúng tôi phải hy sinh đến đâu.
Chúng tôi sẽ luôn luôn muốn cộng tác với nước Úc trong danh dự và
hữu nghị. Trớ trêu thay, chính vì sự quan tâm của ngài đối với tôi và
các đồng nghiệp tôi, và những gì mà chúng tôi đại diện, một kết quả
không may như thế đã xảy ra. Thế nhưng nếu không có sự quan
tâm của ngài thì những kết quả tai hại hơn nhiều sẽ xảy đến cho tất
cả chúng tôi.”
Các mật mã dùng cho các điện văn trên đều là dựa theo từ điển và
lúc nội dung bức thư được giải mã thì lúc đó đã quá 10 giờ sáng ở
Singapore rồi.
Cuối cùng, tất cả những gì tôi phải làm là đi ngủ. Điều này thật
khó khăn, bởi tôi đang trong tâm trạng lo lắng; tôi có bỏ sót điều
quan trọng nào cần phải làm không? Tôi đã không mong tới chuyện
gặp mặt những người ủng hộ chúng tôi ở Malaysia, những người sẽ
cảm thấy là chúng tôi bỏ rơi họ; chúng tôi đã dấy lên sự hy vọng
cho bao người, và họ sẽ nghĩ chúng tôi đã lợi dụng họ để giúp cho
Singapore thoát khỏi mớ bòng bong. Và tôi thấy xấu hổ khi đáp lại
sự ủng hộ kiên quyết mà Harold Wilson, Robert Menzies và Keith
Holyoake cùng các Bộ trưởng của họ, nhất là Arthur Bottomley, đã
dành cho tôi bằng cuộc chia tách này. Trên hết, tôi hy vọng sẽ
không có điều gì bất ngờ xảy ra trước 10 giờ sáng ngày mai.
43
“TALAK, TALAK, TALAK”
Tôi thức dậy từ rất sớm ngày 9/8/1966 sau một đêm chập chờn.
Tôi đã thức dậy nhiều lần để nguệch ngoạc ghi chú về cả nghìn lẻ
một điều phải làm. Mọi chuyện đều đã đâu vào đấy cho việc tuyên
bố độc lập vào lúc 10 giờ trên đài truyền thanh. Tôi quyết định
không đích thân đọc bản tuyên bố. Tôi có quá nhiều việc phải làm
liên tiếp. Trước nhất tôi phải thông báo tường tận với các viên chức ở
các bộ và các phòng ban mà từ trước tới nay vẫn trực thuộc Kuala
Lumpur, từ nay sẽ được chuyển sang thẩm quyền của Singapore.
Thế rồi ngay trước khi tới thời điểm đã định, tôi phải gặp các nhà
ngoại giao, có thể triệu tập được tức thời, để thông báo cho họ biết
về nền độc lập của Singapore và yêu cầu họ xin chính phủ của họ
thừa nhận Singapore. Điều đó quả là mệt mỏi về mặt tình cảm.
Vào lúc 10 giờ, tờ công báo có đăng hai bản công bố có chữ ký của
tôi và của Tunku được phát hành cùng lúc với các văn kiện khác liên
quan tới chuyện chia tách. Lập tức, tất cả các chương trình phát
thanh tại Singapore đều ngưng lại để phát lời tuyên bố. Tiếng nói lan
truyền như lửa dậy về chuyện Singapore tách khỏi Malaysia và giờ
đây trở thành nước độc lập gây sửng sốt cho hàng triệu con người.
Ngay lúc bản tuyên bố được truyền đi tại Singapore, Tunku đang
tuyên bố sự tách ly trong quốc hội liên bang tại Kuala Lumpur. Hạ
viện đã được triệu tập để làm ba vòng thảo luận về nghị quyết do
Razak đệ trình nhằm thông qua tức thời Dự luật Tu chính Hiến pháp
về Singapore. Tôi sợ sẽ có những trễ nải bất ngờ, nhưng Tunku và
các đồng sự của ông đã quyết không để bất kỳ điều gì ngăn cản
được họ. Vào chiều tối hôm đó, cả hai viện của quốc hội đã hoàn tất
các vòng thảo luận và nhà vua cũng chấp thuận. Singapore ra đi.
Tunku đã nói thẳng thừng và đi ngay vào vấn đề. Trước mắt ông
chỉ có hai đường hướng để lựa chọn: dùng những biện pháp áp chế
hoặc cắt đứt mọi quan hệ với chính phủ bang Singapore, vốn “không
còn bày tỏ lòng trung thành với chính quyền trung ương nữa”. Biện
pháp áp chế với một số ít người, ông nói, sẽ chẳng giải quyết được
vấn đề, bởi mầm mống khinh miệt, sợ hãi và căm ghét đã được gieo
trên đất Singapore rồi. Razak đã tìm cách, nhưng không thành công,
để thỏa thuận với các nhà lãnh đạo ở đây, nhưng ngay khi vấn đề
này vừa được giải quyết xong thì chuyện khác lại nổi lên.
Đến lúc bỏ phiếu, có 126 phiếu tán thành và không có phiếu
chống. Ja’afar Albar làm nổi bằng cách không dự và tại một cuộc
họp báo ở trụ sở Quốc hội, ông ta tuyên bố từ chức tổng thư ký
UMNO “để giúp cho Tunku khỏi bị bối rối”. Ông ta phản đối quyết liệt
chuyện chia tách, ông nói: “Bởi nó sẽ giúp Singapore thoát khỏi sự
quản lý của chính phủ trung ương và khiến cho Malaysia trở nên bất
hợp lý.”
Phát biểu với báo chí sau bài diễn văn ở quốc hội, Tunku đã có một
sự cam kết rằng “việc chia tách này sẽ dựa trên sự hiểu biết rằng
chúng tôi sẽ cộng tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc phòng và mậu
dịch,” và khi gặp gỡ các ký giả vào chiều hôm đó tại Đài Truyền
thanh và Truyền hình Singapore (RTS), tôi đã trả lời lại bằng cách
nói rằng: “Chúng ta sẽ cần nhau và chúng ta sẽ hợp tác với nhau.
Ước muốn chân thành nhất của tôi là như vậy.” Trước đó tôi đã tổ
chức một cuộc họp báo truyền hình tại RTS vào lúc trưa, tại đó lòng
tôi nặng trĩu những cảm xúc, và tôi đã phải cho ngưng việc thu hình
lại hết 20 phút cho đến khi trấn tĩnh và có thể tiếp tục.
Tôi đã bỏ rơi nhiều người ở Malaya, Sabah và Sarawak. Họ đã đáp
lại lời kêu gọi của chúng tôi về một đất nước Malaysia cho người
Malaysia. Nếu họ không làm như vậy, và không có nguy cơ của
những vụ xung đột chủng tộc lan tràn nếu chính phủ Malaysia bắt
giam chúng tôi thì Singapore đâu có bị gạt ra ngoài. Bởi họ đã đoàn
kết quanh chúng tôi và cũng nhiệt tình như chúng tôi về một đất
nước Malaysia cho người Malaysia, nên chúng tôi đã bị trục xuất.
Bằng cách chấp thuận chuyện chia tách, tôi đã phụ lòng họ. Chính
cảm giác tội lỗi đó đã khiến tôi không kiềm chế được lòng mình. Đó
chính là lúc khổ tâm của tôi. Mọi chuyện đã dĩ lỡ rồi, nhưng tôi lại
quá kích động với ý nghĩ đã làm tan vỡ hy vọng của hàng triệu con
người, những hy vọng do chúng tôi gầy dựng mà nên. Nhưng trong
lúc tôi cảm thấy cắn rứt và quẫn trí, thì lại có một cuộc chào mừng
tại China town. Các thương nhân đã đốt cả tràng pháo để chào
mừng sự tự do thoát khỏi cảnh đè nén chủng tộc, nhưng trong
thành phố, các viên chức đều hiểu rằng có thể có rắc rối chủng tộc
xảy ra, và vào khoảng bốn giờ chiều thành phố bỗng im ắng khác
thường – ai nấy đều sớm về nhà.
Đối với tôi, đó là một ngày đầy ắp công việc, nào là gặp gỡ những
người tôi phải gặp, làm những việc tôi phải làm. Vị khách cuối cùng
của tôi là Antony Head, đêm đó ông đã bay từ Kuala Lumpur đến Sri
Temasek để gặp tôi. Tôi vẫn giữ vẻ thản nhiên, hỏi ông ta xem đã có
chỉ thị nào của chính phủ Anh cho phép thừa nhận Singapore hay
chưa. Dĩ nhiên là ông chưa thể có được – nào đã kịp chuyện gì đâu.
Trong thâm tâm, tôi rất lấy làm tiếc là đã đền đáp cho những nỗ lực
kiên trì của ông nhằm giữ cho Malaysia đi đúng đường bằng hành
động giấu kín ông chuyện chia tách này. Nhưng tôi không có chọn
lựa nào khác. Khi tin tức bay đến London, Harold Wilson đang đi
nghỉ tại đảo Scilly và Arthur Bottomley, Bộ trưởng Quan hệ Khối
Thịnh vượng Chung, lại đang ở Tây Phi. Bộ trưởng Ngoại giao,
Michael Stewart, đã bay đến Scilly để thảo luận với Wilson, và vào
ngày 10/8, tôi nhận được điện văn sau của Wilson thông qua phó
cao ủy thường trực Anh tại Singapore:
“Tôi muốn báo cho ông biết rằng chúng tôi đã quyết định công
nhận tức thời Singapore là một quốc gia độc lập, và chúng tôi đã
thông báo điều này trên các báo buổi sáng ngày mai. Tôi đã đọc thư
ông và tôi rất quý những lời lẽ chân thành của ông. Tôi rất vui là
ông đã muốn cộng tác với chúng tôi trong tình hữu nghị. Tôi phải nói
rằng tôi đã thất vọng là chúng tôi đã không được hỏi ý kiến trước khi
một bước đi quan trọng như vậy được tiến hành, bởi, dĩ nhiên, nó
mang những hệ quả lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi giờ đây đang
suy xét thật nhanh chóng về những hệ quả này. Nhưng ông có thể
tin chắc là chúng tôi mong ước điều tốt cho ông. Tôi lo rằng Sukarno
có thể cố găng lợi dụng bước phát triển mới này cho các mục tiêu
của ông ta. Tôi chắc ông sẽ đồng ý rằng tất cả chúng ta phải thận
trọng tránh bất kỳ cái gì có thể cho phép ông ta thủ lợi."
Quyết định của Wilson thật là lẹ làng, và một khi chính phủ Anh đã
công nhận nền độc lập của chúng tôi, tôi tin rằng chúng tôi sẽ giành
được sự công nhận của quốc tế không khó khăn gì. Nhưng tình cảm
của các nước thì lại chia rẽ theo chiến tuyến trong cuộc Chiến tranh
Lạnh. Trong khi có sự hân hoan, mừng rỡ ở Jakarta, Moscow và Bắc
Kinh thì cũng có cảm giác hết sức thất vọng và âu lo ở Anh, Úc, New
Zealand, Mỹ và phương Tây nói chung.
Phản ứng của Indonesia thì mập mờ. Vào ngày 9/8, Tiến sĩ
Subandrio, Bộ trưởng Ngoại giao, đã tỏ vẻ phấn khởi: sự chia tách
chứng tỏ rằng Malaysia là một sản phẩm thuộc địa kiểu mới của
người Anh, và Indonesia giờ đây đang chuẩn bị mở rộng cửa ngoại
giao đón Singapore. Nhưng ngày hôm sau, sau một cuộc họp 90
phút với tổng thống Sukarno, ông đã phát biểu rằng chính phủ của
ông thấy khó mà chấp nhận được sự độc lập của Singapore, bởi sự
có mặt của các căn cứ quân sự Anh tại đây. Ông không hoàn toàn
loại trừ khả năng sau này sẽ công nhận, và các nguồn tin có thẩm
quyền cũng cho thấy rằng Indonesia sẽ không có gì phải phản đối
các căn cứ đó cả miễn là chúng chỉ được dùng cho mục đích phòng
thủ của chính hòn đảo này. Trong trường hợp đó, Jakarta có thể
không đặt hòn đảo này nằm trong cuộc chiến Đối đầu của mình cho
đến khi tình hình trở nên rõ ràng hẳn. Indonesia sẵn sàng chào đón
Singapore như một người bạn nếu Singapore chứng tỏ mình không
để cho các thế lực nước ngoài dùng mình làm bàn đạp xâm lược.
Tôi đã trả lời rằng Singapore cần đến các căn cứ quân sự của Anh,
rằng nếu các căn cứ đó bị đóng cửa, sẽ có 44.000 công nhân bị thất
nghiệp và hòn đảo sẽ không biết lấy gì để phòng vệ. Thế rồi vào
ngày Độc lập của Indonesia, ngày 17/8, Sukarno đã có một bài phát
biểu hùng hồn và đầy tính công kích, trong đó ông ta bảo rằng Mỹ
và Anh hãy cút khỏi Đông Nam Á, và cảnh cáo với họ rằng trục
Jakarta, Phnom Penh, Hà Nội, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sẽ đánh bại
chủ nghĩa đế quốc trong khu vực. Kế đó, ông ta ra lệnh phong tỏa
toàn bộ vốn đầu tư của Mỹ tại Indonesia. Ông ta quả đang sống một
cách nguy hiểm – như lời ông ta nói, “Viva perilissimo”. Nền kinh tế
của Indonesia vào thời đó đang trong bế tắc, với mức siêu lạm phát
khiến cuộc sống của dân chúng trở nên hết sức vất vả.
Các phản ứng của phe đối lập tại Singapore cho thấy họ còn non
yếu về chính trị. Liên minh Singapore (The Singapore Alliance) nói
rằng họ thật sửng sốt trước chuyện PAP đồng ý chia tách mà không
hề có sự ủy thác nào của dân chúng, bởi điều đó không hợp với ước
muốn của công chúng thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý năm
1962. UMNO của Singapore thì kêu gọi tổng tuyển cử và nói rằng họ
sẽ đấu tranh để tái nhập trở lại thành tiểu bang của Malaysia.
Nhưng phản ứng lố bịch nhất là của Barisan Sosialis, họ từ chối chấp
nhận nền độc lập “giả danh” của hòn đảo này, dựa trên lý lẽ đây là
một âm mưu của người Anh để duy trì sự thống trị tại đây.
Sau ngày chia tách, Chin Chye và tôi tiếp ba lãnh tụ của Hội nghị
Đoàn kết Malaysia trong phòng họp của nội các. Đó là một trong
những cuộc họp đau lòng nhất trong đời tôi. Tôi đã giải thích tất cả
mọi điều đã diễn ra, nhưng cho dù là lý lẽ nào đi chăng nữa thì
chúng tôi cũng đã bỏ rơi họ, và đã bỏ rơi họ một cách thảm thương.
Tôi đã tóm tắt tương lai một cách công khai qua việc phát biểu trước
báo chí rằng vì sự cần thiết phải "đứng đắn trong mối quan hệ của
chúng tôi với láng giềng và chính phủ láng giềng với nhau thì không
can thiệp vào công việc chính trị của nhau", nên PAP không thể còn
là thành viên của Hội nghị nữa. Tôi thật xúc động khi nói tiếp:
“Nhưng đối với một số rất ít người, những gì mà chúng ta đã ủng
hộ đều có thể đóng góp rất nhiều điều tốt đẹp cho Malaysia và dựng
xây nó trở thành một đất nước ổn định, đa chủng tộc đầy sức sống
tồn tại nhiều thế kỷ sau… Mối quan hệ họ hàng và tình cảm với
người khác không thể bị loại bỏ vì một quyết định chính trị.”
Chin Chye thì cay đắng và hối hận lắm.
Phát biểu có suy nghĩ và chân tình nhất về chuyện chia tách là của
Ismail. Ông đã phát biểu điều đó tại Liên Hiệp Quốc khi Malaysia,
Jordan và Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) đồng bảo trợ cho đơn xin gia
nhập của Singapore vào ngày 20/9:
"Mặc dù là chia tách, nhưng các nhà lãnh đạo của Malaysia và
Singapore đều ý thức rất rõ ràng, có thể là họ bị chia tách về mặt
hiến chế thành hai quốc gia khác nhau, nhưng sự tương đồng vì lợi
ích và sinh hoạt hòa quyện nhau của dân chúng hai nước trong mọi
mặt của đời sống, đã bị gắn vào nhau một cách không thể tránh né
vì yếu tố địa lý, cộng thêm với cả một quá trình dài cùng chịu chung
một nền cai trị do tình cờ của lịch sử, tất cả sẽ, như trong các thập
niên trước đây, tạo nên sự thúc đẩy và khuyến khích cho việc sống
chung với nhau như những người láng giềng tốt bụng. Trong vô vàn
những nhiệm vụ chung, chúng tôi chia sẻ những quan điểm giống
nhau và tôn trọng những lý tưởng như nhau. Mối ràng buộc về mặt
hiến pháp thì không còn, nhưng mối dây ràng buộc về mặt con
người thì vẫn còn.”
Chính Ismail là người hiểu và đồng cảm nhất với những gì tôi
muốn làm. Nhưng ông chỉ là nhân vật hàng thứ ba, và cho dù ông
có là nhân vật số một đi chăng nữa, tôi cũng không dám chắc ông ta
sẽ đủ mạnh để kiểm soát được những phần tử cực đoan và thực thi
được chính sách của mình hay không: giảm dần các đặc quyền dành
cho người Malay một khi họ thăng tiến dần, cho đến khi đạt được
một xã hội phi chủng tộc, trong đó mọi dân tộc đều bình đẳng nhau.
Có một người gần như hiểu được những gì đang diễn ra và tại sao
lại xảy ra như vậy là Antony Head. Vào ngày 11/8, một ngày sau
khi London công bố thừa nhận, ông đã phát biểu tại Kuala Lumpur
rằng hiệp ước phòng thủ dựa vào đó người Anh duy trì các căn cứ
quân sự tại Malaysia và Singapore phải được viết lại; tuy nhiên điều
này chỉ có tính chất hình thức thôi, bởi lẽ đường lối cũng vẫn không
có gì thay đổi. Tôi rất nể trọng Head, cả về tính cách, lẫn sự thông
minh và sự nhìn xa trông rộng của ông về con đường của các dân
tộc và đất nước, ông sắp trở về Anh, mặc dù ông mới ở Kuala
Lumpur chưa đầy hai năm. Tôi viết thư cho ông ngày 14/9:
“Tôi viết ra đây để xin nói với ông rằng mặc dù chúng ta không
phải lúc nào cũng đồng tình với nhau trong các giải pháp cho những
vấn đề của chúng ta tại Malaysia, tôi chưa bao giờ nghĩ, như ông
từng nói trong một bữa trưa, rằng ông là một kẻ khờ. Trái lại là
khác, tôi hiểu rõ ông là một người quan sát hết sức mẫn cảm và sắc
sảo, và hơn thế nữa, một đại diện quả quyết của chính phủ hoàng
gia.
Tôi lấy làm tiếc là ông sẽ rời khỏi đây vào tháng Giêng. Người kế
nhiệm ông sẽ phải rất cần đến những phẩm tính quả quyết, vốn đôi
khi đã làm cho Tunku không mến ông.
Tôi xin cám ơn ông là đã giúp can ngăn không để cho Tunku phá
nát chính phủ của tôi và bản thân tôi. Tôi tình cờ có được nguồn
thông tin khác và biết rằng ông đang làm hết sức mình vì chính
quyền của ông để khiến Tunku không thực hiện những gì tất nhiên
sẽ phải đến. Đó cũng chính là những gì mà những kẻ cực đoan đang
muốn Tunku thực hiện.”
Lý do thực sự khiến Tunku, Razak và Ismail muốn tách Singapore
khỏi Malaysia là gì? Họ hẳn đã kết luận rằng nếu họ cho phép chúng
tôi thực thi các quyền hiến định của mình, về lâu về dài họ tất sẽ
thua cuộc. Hội nghị Đoàn kết Malaygia sẽ tập họp được những người
không-Malay, và điều nguy nhất chính là việc nó sẽ dần dần làm mất
chỗ dựa của họ trên bán đảo này. Quan điểm và chính sách của PAP
đã giành được sự trung thành trước sau như một của các lãnh tụ
người Malay trên đất Singapore, họ chưa bao giờ bị chao đảo cho dù
dưới áp lực của các vụ bạo loạn chủng tộc năm 1964, hay hưởng
ứng trước những lời kêu gọi về chủng tộc, tôn giáo hoặc văn hóa,
hay đồng tình với những lời tâng bốc nhằm lôi kéo họ về với UMNO.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Các nhà lãnh đạo của PAP
không giống như các chính khách ở Malaya. Các Bộ trưởng
Singapore đều chẳng phải là những kẻ ham vui hoặc mưu cầu lợi
danh cho bản thân mình. UMNO đã triển khai cả một nghệ thuật thu
xếp cho các Bộ trưởng người Hoa hay người Ấn, khi những người
này có vẻ muốn gây rối, và trong vòng có mấy năm, nghệ thuật đó
đã lan tràn sang tận Sabah và Sarawak. Razak từng đề nghị cấp cho
Keng Swee 6.000 mẫu Anh đất trồng cây cao su thuộc loại thượng
đẳng điền, trồng bằng giống cây tuyệt vời của Viện Nghiên cứu Cao
su. Với một nụ cười bối rối, Keng Swee từ chối và nói rằng mình
không biết sẽ phải làm gì với số đất đó.
Cũng không dễ gì hủ hóa được chúng tôi. Keng Swee và tôi đã
từng cùng đi với Tunku và Tan Siew Sin đến một “chỗ ăn chơi” ở
Kuala Lumpur do các tay thương nhân giàu có người Hoa điều hành.
Những “động tiên” ấy là loại câu lạc bộ cho nam giới, với các thức ăn
ngon do các nhà hàng danh tiếng phục vụ, rồi người ta có thể chơi
bài bạc (mạt chược hay xì phé), và người ta có thể gọi gái bao, cả
những mầm non điện ảnh cũng có nữa. Chúng tôi đã ăn uống no
say, và sau đó họ chơi xì phé tôi cũng có tham gia. Nhưng ngay khi
đám gái bao vừa tới thì tôi và Keng Swee từ chối những điều ve vãn
và lảng đi chỗ khác. Chúng tôi không thể bán mình cho tiền tài. Nếu
chúng tôi ở lại chơi hôm ấy, tất nhiên từ đó chúng tôi sẽ phải bị áp
lực của các nhà lãnh đạo Malaya. Họ đã xem chúng tôi như thể
những kẻ gần như nguy hiểm và khó hiểu, khó khống chế như
những người cộng sản, và lại quá nặng ý thức hệ. Tệ hơn nữa,
chúng tôi lại luôn làm đúng theo hiến pháp, và vì vậy thật là nan
giải cho họ.
Nếu không có cuộc chiến đối đầu của Indonesia, Tunku và các
đồng sự của ông không phải dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng
quân sự của Anh, Úc và New Zealand, và kết quả có thể đã khác đi.
Bởi lực lượng quân sự của các nước đó đã giúp vào việc phòng thủ
Malaysia, nên quốc hội của họ sẽ phản ứng quyết liệt nếu như
Malaysia dùng đến các phương sách vi hiến để chống lại Singapore.
Trong quyển The Labour Government 1964–1970 (Chính phủ Lao
Động 1964–1970) của mình, Harold Wilson đã nhìn về chuyện chia
tách đúng như thế:
"Thế nhưng có một vấn đề nguy hiểm mới và tiềm tàng đang lớn
dần lên ở Đông Nam Á. Khoảng trước đây ba, bốn tháng, chúng tôi
đã nhận được lời cảnh báo rằng Tunku Abdul Rahman, Thủ tướng
của Malaysia, đang mất dần kiên nhẫn với đồng sự tại nghị viện của
mình là ông Lee Kuan Yew (Harry Lee), lãnh tụ của Singapore, tới
độ ông Lee có nguy cơ bị bắt và cầm tù… Tunku đang ngày càng trở
nên căm giận với sự đối lập quyết liệt của Lee. Mấy tuần trước khi có
hội nghị Khối Thịnh vượng Chung chúng tôi đã nhận được tin tức về
một cuộc khủng hoảng đang nhen nhúm, bao gồm cả việc có thể có
một cuộc đảo chính chống lại ông Lee và các đồng sự của ông này.
Tôi cảm thấy cần phải đến mức cho Tunku hiểu rằng nếu ông ta giở
trò ra như vậy, ông ta sẽ chẳng thể nào chường mặt ra được trước
hội nghị của khối, bởi rất nhiều người, kể cả tôi, sẽ cảm thấy rằng
một hành động như thế là phản bội hoàn toàn những gì chúng ta tin
tưởng trong khối.
Chuyện đó đã không xảy ra, nhưng vào cuối tuần từ 13 đến 15/8
(sic), tin tức cho biết là Liên bang (Malaysia) đã gãy đổ. Đã có
những trận tranh cãi dữ dội xảy ra giữa Tunku và ông Lee. Điều này
dẫn đến việc Singapore hầu như bị trục xuất hẳn ra khỏi Liên bang
và được bảo là phải tự lo liệu lấy cho mình. Lee đã mang tâm trạng
tuyệt vọng, đầm đìa nước mắt trước ống kính thu hình và tỏ ra rất
tiếc về chuyện chia cắt này. Tuy nhiên, ông ta đã quyết tâm xây
dựng một đất nước Singapore mới, độc lập… Chúng tôi đã có những
quyết định cần thiết và đã có những dàn xếp như gửi những thông
điệp mạnh mẽ cho cả hai nhà lãnh đạo để tránh xảy ra bất kỳ hành
động nào có thể làm bột phát thái độ cừu địch, hay nói đúng hơn là
những bột phát lật đổ từ bên trong. Chúng tôi đồng ý các cuộc đàm
phán nhằm nghiên cứu lại hiệp định phòng thủ Anh–Malaysia, trên
căn bản công bằng cho tất cả các bên có liên quan.”
Wilson là một người bạn tốt.
Chẳng có chuyện gì xảy ra, bởi Head đã báo cáo vào ngày
15/5/1965 cho Bộ trưởng của mình là Arthur Bottomley rằng: “Một
số nhân vật trong UMNO thích hâm nóng mọi chuyện lên tới mức họ
có thể tìm ra một cái cớ để có thể làm được chuyện mà họ gọi là ‘xử
trí’ và tôi hiểu đó là cầm tù Lee. Tôi đã nhấn mạnh rằng Lee giờ đây
đã có uy tín trên trường quốc tế, và trừ phi có bằng chứng không gì
chối cãi được cho phép ‘xử trí’ ông ta, còn không thì một việc như
vậy sẽ gây hại rất lớn cho Malaysia. Mặc dù Tunku không nói gì cả,
nhưng tôi vẫn cảm thấy là đang có một âm mưu trong đầu của họ."
Vào ngày 17/5, một bức công hàm đã được gửi tới Văn phòng
Quan hệ Khối thịnh vượng chung cho biết Thủ tướng đã đọc, gạch
dưới và ghi nhận xét như sau: ”Nếu có một âm mưu theo như X
(đoạn trích trên), tôi hy vọng Tunku hiểu ra rằng điều này sẽ có
nghĩa là chúng tôi buộc lòng phải đánh giá lại. H.W.”
Vào ngày 1/6, Head đã đánh điện rằng ông đã hỏi Tunku xem liệu
vẫn có thể dàn xếp với Lee Kuan Yew và đạt tới một cái gì đó như
một sự hòa hoãn không.
“Tunku đã nói rằng không, ông đã quyết chẳng bao giờ thử dàn
xếp với Lee nữa đâu, một con người ông chẳng hề tin chút nào, một
con người mà ông đã hoàn toàn biết rõ quá rồi. Tôi có hỏi rồi tất cả
chuyện này sẽ ra sao, Tunku trả lời rằng: ‘Tôi biết nhiệm vụ của tôi
và tôi sẽ chẳng ngại ngùng gì mà không làm.’
Điều này nghe có vẻ như một điềm không hay, do vậy tôi nghĩ đã
đến lúc phải can thiệp vào và nói rằng trong số những thứ mà chính
phủ Anh hết sức ái ngại là chuyện bàn tán trên báo chí nói tới việc
Lee Kuan Yew đang bị bắt giam. Tunku có biết chuyện này không
vậy? Ông bảo rằng có nghe.
Tôi đã nói rằng nếu Lee Kuan Yew bị bắt giam vì bất cứ lý do gì
ngoài những hoạt động mưu phản, nó sẽ khiến cho chính phủ Anh bị
sốc và lúng túng, và tất nhiên là sẽ có những ảnh hưởng lan rộng
trong dư luận quốc tế.
Khi tôi nói rằng tôi nghĩ một việc làm như thế, nếu thiếu chính
đáng, có thể khiến chính phủ Anh phải đánh giá lại quan điểm của
Anh đối với Malaysia một cách chẳng hay ho gì, ông ta đã nói rằng
‘Thế đấy, tôi sẽ phải làm hòa với Indonesia mất thôi’…
Một giờ sau, tôi thấy Tunku, Lee Kuan Yew bước vào nhà tôi. Tôi
thấy ông ta đang trong tâm trạng rất kích động. Tôi nói với ông rằng
tôi rất lo trước tình trạng hiện nay. Đối với tôi, có vẻ như trừ phi có
được một sáng kiến nào đó, bằng không tình hình như hiện nay chỉ
có thể dẫn đến hai chiều hướng. Một là sự bất đồng và gay gắt chính
trị ngày càng tăng dẫn đến sự căng thẳng và xung đột chủng tộc
thêm trầm trọng hơn; thứ hai là một tình hình mà chính phủ liên
bang cảm thấy rằng không thể cứ để cho chuyện căng thẳng chính
trị này tiếp diễn và do đó có thể dẫn tới chuyện tống giam Lee. Tôi
cảm thấy phải tìm ra cách nào đó để chiều hướng hiện nay cùng
những hậu quả tất yếu của nó không tiếp diễn nữa được. Lee nói
rằng giờ đây đã đến lúc phải đấu tranh cho một đất nước Malaysia
không do người Malay thống trị. Theo cách nhìn của ông, đây chính
là lý do tại sao ông tạo nhóm đối lập mới và nếu chính quyền liên
bang quyết định bắt giữ ông, ông cũng sẽ hân hoan bởi nó càng
củng cố cho địa vị của ông hơn.
Lee nói rằng thời gian dành cho sự kiên nhẫn và trì hoãn đã qua,
và giờ đây dẫu sao ông cũng đã đi quá xa không thể chấp nhận một
giải pháp như thế được. Không may là lời nói của Lee dầu gì cũng
chứa đựng cả sự thật lẫn sức thuyết phục…
Tôi mong là mình không quá bi thảm, theo quan điểm của tôi,
chúng ta giờ đây đang đứng trước một khủng hoảng nghiêm trọng.
Trừ phi có thể làm được điều gì để xoa dịu tình thế hiện nay, bằng
không con đường chúng ta đang đi sẽ, theo tôi nghĩ, sinh ra điều rắc
rối rất lớn.”
Vào ngày 3/6, Văn phòng Quan hệ Khối thịnh vượng chung đã gửi
cho Head bức điện như sau:
“Nếu Lee bị bắt giam, khó có thể cho rằng Singapore sẽ để yên
chuyện này. Tunku có thể có những ý định khác, nhưng dưới mắt
chúng ta, chuyện đó sẽ gây nguy hại rất lớn, một điều vốn có thể
ảnh hưởng nặng nề đến các lãnh thổ trên đảo Borneo… Nếu tình
huống xảy ra sau vụ bắt giam Lee tệ hại đến độ đòi hỏi phải có sự
can thiệp của quân đội Anh tại Singapore, chính phủ Anh rất khó
lòng kiếm được sự thông cảm và ủng hộ của công luận Anh.”
Vào ngày 4/6, Head đã báo cáo về cuộc họp giữa ông với Tunku
như sau:
“Một điều cũng dễ thấy là Tunku đã bảo với người của ông là tìm
xem có cách nào để bứng Lee ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo PAP, cũng
như tìm được một lãnh đạo xuất sắc để thay thế Lee được hay
không. Lee biết rõ điều này và đã nói cho tôi biết. Tôi có nói với
Tunku rằng tôi không mấy hy vọng về một thủ pháp như vậy. Tunku
nói với tôi rằng: “Xin ông nói cho chính phủ ông biết là chẳng có gì
phải lo. Đây là chuyện nội bộ mà tôi phải giải quyết. Ông không nên
can thiệp vào công việc riêng của chúng tôi. Người Mỹ đã làm như
vậy ở Việt Nam, và xin ông hãy nhìn xem họ đã làm cho mọi chuyện
rối tung lên ra sao thì biết.” Vào ngày 5/6, Head nhận được một bức
điện:
"Thủ tướng đã đọc bức điện số 960 đề ngày 1/6… Ông có hai ý
kiến:
(1) Tôi có nên gửi thư cho Tunku không?
(2) Cao ủy (Anh) có nên đề nghị ngầm với Lee là ông ta nên ra
nước ngoài trong một, hai tuần lễ gì đó không? Chúng tôi không
muốn ông ta bị bắt giam trước khi Hội nghị cấp Thủ tướng diễn ra.
H.W.”
Sau đó chẳng có tiến triển gì mới đáng cho Head báo cáo. Tunku
đã đi London dự hội nghị và Razak thương lượng kín với Keng Swee
về chuyện “ra đi” của Singapore.
Ngay sau khi có cuộc chia tách, vào ngày 21/9, George Thompson,
Bộ trưởng Khối thịnh vượng chung của Anh, đã gửi bức điện sau đây
cho ngài Caradon, đại diện Anh tại Liên Hiệp Quốc:
"Ý kiến bình luận nói chung của chúng tôi là tuy Lee đôi khi có tính
cách gây khiêu khích thật đấy… nhưng rất có thể tình trạng đổ vỡ
hiện nay và sự căng thẳng trước kia vẫn có thể tránh được nếu như
Tunku và người Malay có những linh hoạt hợp lý nào đó trong mối
quan hệ với Lee và Singapore.”
Thompson là một người Scotland, không hiểu được suy nghĩ của
người Malay. Lúc đầu tôi cũng không hiểu như ông, mặc dù tôi đã
sống với họ gần suốt cả cuộc đời. Tôi đã không nhận ra lòng nghi kị
thâm căn cố đế của họ đối với các dân tộc nhập cư, nhất là người
Hoa, và cả nỗi sợ hãi bị lấn lướt của họ nữa. Họ phải nắm được trọn
vẹn quyền lực của quốc gia, nhất là cảnh sát và quân đội. Bất kỳ sự
thỏa hiệp nào cũng đều phải tuân theo các điều kiện của họ.
Tunku, trong một cuộc nói chuyện với một nhà nghiên cứu người
Anh năm 1982, đã nói rằng ông không thể nhớ lại bất kỳ lời cảnh
báo nào của Wilson hết, nhưng thừa nhận rằng ông đã chịu áp lực
rất lớn trong chuyện phê duyệt việc bắt giữ tôi. Tuy nhiên, ông nói
thêm:
"Không có chuyện bắt giữ Lee Kuan Yew, bởi người Hoa, trong
phần xứ sở của tôi, cũng sẽ đồng tình với ông ta vì ông ta là người
Hoa. Tôi không muốn có rắc rối chỉ vì ông ta, chỉ bởi vì Singapore.
Nếu bạn có một cái chân đau, tốt nhất là nên cắt bỏ nó đi. Đó là
những gì tôi đã làm… Tôi biết Kuan Yew là người giỏi nhất để nắm
chính quyền Singapore… Tham vọng của ông ta (tại Malaya) là vô
độ.”
Có những điều khác cần cân nhắc. Nếu chúng tôi vẫn còn trong
khối Malaysia, ủy ban điều tra các vụ bạo động chủng tộc năm 1964
sẽ tiếp tục nghe điều trần về những bằng chứng bất lợi cho Ja’afar
Albar và UMNO, một điều mà dần dần rồi công chúng cũng sẽ biết.
Rồi họ sẽ phải thẩm cung vụ tôi khởi kiện Albar và ban biên tập tờ
Utusan Melayu về tội phi báng, họ sẽ phải trả lời về tất cả những
điều khiêu khích họ đã viết về tôi. Điều đó sẽ có nghĩa là vạch trần
các cách thức xúi giục tinh thần chủng tộc và bạo động đổ máu của
các nhà lãnh đạo chủ chốt của UMNO.
Giải pháp của Tunku cho những vấn nạn này là chia tách.
Singapore phải rời khỏi Malaysia và ông ta sẽ kiểm soát Singapore
thông qua nguồn cung cấp nước từ Johor và những đòn bẩy áp lực
khác. Vào ngày 9/8, ông đã nói với Head rằng: “Nếu chính sách đối
ngoại của Singapore làm tổn hại các lợi ích của Malaysia, chúng tôi
luôn có thể tạo áp lực với họ bằng cách đe dọa khóa nguồn cung cấp
nước Johor lại.” Head đã trao đổi ý kiến với Bottomley rằng đây quả
là “một đề nghị thật đáng kinh ngạc trong việc làm thế nào để hợp
tác đối ngoại.”
Cũng trong ngày 9/8, Tunku đã nói với Tom Critchley, cao ủy Úc,
rằng: “Chúng tôi giữ thế thượng phong và Singapore sẽ phải hỏi ý
kiến của chúng tôi khi quan hệ với nước ngoài.”
Tunku và Razak nghĩ rằng họ có thể đóng quân tại Singapore, ngồi
xổm trên đầu chúng tôi và nếu cần thì đóng đường đê lại và cắt
nguồn cung cấp nước. Họ tin, không phải là không có cơ sở, rằng
Singapore không thể tự thân tồn tại nổi – có gì đáng tin cậy hơn các
bài phát biểu của chính các nhà lãnh đạo PAP, kể cả của chính tôi, và
lý do chúng tôi nêu ra trong chuyện này? Như Ghazali bin Shafie, bí
thư thường trực của Bộ Ngoại giao, đã nói ngay sau vụ chia tách,
rằng sau một vài năm bị chơ vơ một mình, Singapore sẽ gặp những
khó khăn nghiêm trọng và sẽ bò trở về – lần này thì phải nghe theo
những điều kiện của Malaysia.
Không, không thể như thế nếu tôi có thể tránh được. Nhân dân
Singapore không hề có ý bò trở lại sau những gì họ đã nếm trải
trong suốt hai năm nằm trong khối Malaysia, o ép chủng tộc và dọa
dẫm. Chắc chắn Keng Swee và tôi, hai người có trách nhiệm trực
tiếp về việc chấp nhận sự chia tách này, không tính chuyện bỏ cuộc.
Dân chúng đã chia sẻ cảm nghĩ của chúng tôi và sẵn sàng làm bất
cứ điều gì cần thiết cho sự sống còn của một Singapore độc lập. Tôi
không biết trước là mình sẽ phải dành cả quãng đời còn lại để làm
cho Singapore không những tồn sinh mà còn phát triển và thịnh
vượng lên nữa.
Biên niên các sự kiện
16/9/1923 Lee Kuan Yew (LKY) chào đời tại Singapore.
1936–39, 1940–42 Học tại Viện Raffles và Đại học Raffles.
15/2/1942 Nhật chiếm đóng Singapore.
Tháng 9/1945 Anh giành lại được Singapore.
1946–50 Học tại Cambridge và London.
Tháng 12/1947 Kết hôn với Kwa Geok Choo tại Anh (giữ bí mật)
Tháng 6/1948 Tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Malaya và
Singapore. Đảng Cộng sản Malaya hoạt động bí mật.
Tháng 8/1950 Trở về Singapore
Tháng 9/1950 Kết hôn lần nữa với Kwa Geok Choo tại Singapore.
1950–59 Hành nghề luật, làm cố vấn luật pháp cho nhiều nghiệp
đoàn.
Tháng 11/1954 Thành lập Đảng Nhân dân Hành động (PAP).
Tháng 4/1955 Được bầu vào Hội đồng lập pháp theo hiến pháp
mới Rendel. PAP chiếm được ba ghế. LKY trở thành lãnh tụ phe đối
lập.
Các vụ bạo động của công nhân xe buýt Hock Lee, do các tổ chức
cộng sản thuộc mặt trận thống nhất gây ra.
Tháng 5/1956 Thành viên trong Phái đoàn Hiến pháp Liên Đảng
lần thứ nhất đến London, do Tổng ủy viên David Marshall dẫn dầu.
Sau khi các cuộc đàm phán thất bại, Marshall từ chức, Lim Yew Hock
lên thay.
Tháng 10/1956 Bắt giam các lãnh tụ cộng sản trong mặt trận
thống nhất, kể cả Lim Chin Siong, Fong Swee Suan và Devan Nair.
Tháng 3/1957 Thành viên trong Phái đoàn Hiến pháp Liên Đảng
lần thứ hai đến London, do Lim Yew Hock dẫn đầu. Thỏa ước tự trị.
31/8/1957 Liên bang Malaya độc lập.
Tháng 12/1957 PAP giành được 13 ghế trong cuộc tuyển cử Hội
đồng Thành phố.
Tháng 3/1958 Cuộc họp mật đầu tiên trong số bốn cuộc họp với
lãnh tụ cộng sản hoạt động bí mật Fang Chuang Pi (ông Đặc mệnh).
Tháng 6/1958 Thành viên của Phái đoàn Hiến pháp Liên Đảng lần
thứ ba đến London. Hiến pháp về sự tự trị của Singapore được giải
quyết.
Tháng 8/1959 PAP chiếm 43 trong số 51 ghế trong cuộc tổng
tuyển cử theo hiến pháp mới.
4/6/1959 Các lãnh tụ cộng sản trong mặt trận thống nhất, Lim
Chin Siong, Fong Swee Suan và Devan Nair được trả tự do.
5/6/1959 Ở tuổi 35, tuyên thệ nhậm chức Thủ tưởng của bang tự
trị Singapore.
Tháng 2/1960 Thành lập Ủy ban Phát triển và gia cư, do Lim Kim
San làm chủ tịch. Bắt đầu chương trình nhà ở cho đại chúng.
Tháng 7/1960 Thành lập Liên hiệp Nhân dân để vận động quần
chúng ủng hộ công cuộc đối lập với những người cộng sản.
Tháng 6/1961 Tunku kêu gọi phải có sự hợp tác mật thiết hơn nữa
về chính trị và kinh tế giữa Malaya, Singapore và các lãnh thổ ở đảo
Borneo.
Tháng 7/1961 PAP đứng vững sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong
Hội đồng lập pháp.
Tháng 8/1961 13 nghị viên thân cộng tách ra thành lập đảng
Barisan Sosialis.
Tháng 9/1961 LKY tiến hành hàng loạt cuộc nói chuyện trên đài
truyền thanh mang tên “Đấu tranh cho hợp nhất”, tố cáo âm mưu
của phe chống đối và kêu gọi ủng hộ việc hợp nhất với Malaysia.
Tháng 9/1962 Singapore bỏ phiếu hợp nhất với Malaysia qua cuộc
trưng cầu dân ý.
Tháng 2/1963 Chiến dịch Coldstore; bắt giam những người cộng
sản và những người ủng hộ.
31/8/1963 Singapore tuyên bố độc lập, trước cả sự ra đời của
nước Malaysia.
16/9/1963 Malaysia được thành lập, bao gồm Malaya, Singapore,
Sarawak và Sabah. Indonesia tiến hành “Cuộc chiến Đối đầu” chống
phá Malaysia.
21/9/1963 PAP thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Singapore.
UMNO tại Singapore thua phiếu PAP tại cả ba khu vực bầu cử có đa
số người Malay sinh sống.
Tháng 3/1964, 9 ứng cử viên nghị viện PAP ra tranh trong cuộc
tổng tuyển cử Malaya, nhưng chỉ có một đắc cử. Bất đồng với chính
phủ liên bang tăng dần.
12/7/1964 Hội nghị do UMNO bảo trợ gồm 123 đoàn thể Malay/Hồi
giáo; tổng thư ký UMNO Ja’afar Albar kích động người Malay chống
LKY.
21/7/1964 Các vụ bạo động chủng tộc xảy ra tại Singapore nhân
ngày thánh đản Đấng Tiên tri Mohammed, đỉnh cao của cuộc sách
động kỳ thị chủng tộc do Ja’afar Albar tiến hành.
Tháng 9/1964 Bạo động chủng tộc lần thứ hai.
Tháng 1 & 2/1965 Đàm phán không thành công giữa LKY và Tunku
trong chuyện “cải tổ” trong nội bộ Malaysia.
Tháng 5/1965 PAP tổ chức Hội nghị Đoàn kết Malaysia cổ động
một “nước Malaysia cho người Malaysia”. UMNO kêu gọi bắt giam
LKY.
Tháng 7/1965 Tunku, đang ở London, đã quyết định Singapore
phải rời khỏi Malaysia.
9/8/1965 Singapore tách ra khỏi Malaysia.
Ebook được làm dựa theo bản in của cuốn sách sau:
HỒI KÝ LÝ QUANG DIỆU
Chịu trách nhiệm xuất bản: TRẦN ĐÌNH VIỆT
Biên tập: HOÀNG MAI
Sửa bản in: HOÀNG TÂN
Thực hiện liên doanh: PHẠM THANH LONG
Bìa: ĐẶNG KIM QUANG
Vi tính: VĂN THÀNH
In 1000 cuốn, khổ 14,5x20,5 cm. In tại Xí nghiệp In FAHASA. Giấy
phép xuất bản số 233–01/XB–QLXB ngày 30/3/1999. In xong và
nộp lưu chiểu tháng 9/2000.
1 Anthony Eden (1897–1977): Thủ tướng Anh từ 1965 đến 1957.
(Mọi chú thích đều của người dịch).
2 Đông Ấn thuộc Hà Lan (Dutch East Indies) vùng đảo thuộc địa của
Hà Lan nằm trong quần đảo Malay, nay là lãnh thổ của Indonesia.
3 Toà mồ côi (Orphan’s Court): loại toà có ở một số nước, có thẩm
quyền đối với việc quản lý điền sản theo di chúc và giám hộ trẻ vị
thành niên.
4 Khối Thịnh vượng chung Anh (British Commonwealth): tổ chức của
các nước độc lập vốn thuộc Đế quốc Anh trước đây; vẫn xem Anh
như lãnh đạo mang tính biểu tượng. Tổ chức có 50 thành viên vào
năm 1991.
5 Các thuộc địa vùng eo biển (Straits Settlements): thuộc địa Anh ở
Đông Nam Á trước đây, gồm Singapore, Malacca, Penang, Labuan,
đảo Christmas và đảo Cocoa.
6 Malta: một đảo nhỏ ở Địa Trung Hải. Lực lượng Anh phong tỏa đảo
này (lúc đó thuộc Pháp) hơn 12 năm, từ 1788 đến 1800, dân trên
đảo mới chịu đầu hàng.
7 Gurkha: một sắc dân ở vùng núi Nepal, thường nổi tiếng về binh
nghiệp.
8 Midway: đảo nhỏ trong quần đảo Hawaii. Biển Coral: thuộc Thái
Bình Dương, ở Tây Bắc Úc và phía Nam quần đảo Salomon.
9 YMCA (Young Men's Christian Association): Hội thanh niên Thiên
chúa giáo.
10 Hội Fabian (Fabian Society): một tổ chức theo chủ nghĩa xã hội ở
Anh, thành lập năm 1884, chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội
bằng những cải cách từng bước hơn là dùng những hành động cách
mạng.
11 Procrustean: xu hướng cào bằng lấy từ tên gọi Procustes, một gã
khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp, chuyên bắt người để cột vào một
cái giường, sau đó kéo dãn ra hoặc chặt bớt đi cho vừa kích thước
của giường.
12 Thiên An Môn, xem chương 38 tập 2 của bộ Hồi ký này, “Bí quyết
hóa rồng – Lịch sử Singapore 1965–2000”.
13 Dịch là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa thì không hẳn là chính xác. Trong
cơ cấu nội các Anh lúc đó thì xem nó là một cơ quan ngang bộ là
hợp lý nhất, vì nó mang tính đặc thù và chỉ tồn tại trong những
khoảng thời gian nhất định. (Trong lịch sử nội các Anh, cơ quan này
tồn tại trong hai giai đoạn: từ 1768–1782 và từ 1854–1966 khi bị
tách dần ra thành những tổ chức độc lập phụ trách những khu vực
nhỏ hơn, chẳng hạn như như Khối Thịnh vượng chung, và không
còn là một cơ quan thuộc chính phủ nữa.) Chức vụ của Alan
Lennox–Boyd thời điểm này (1954–1959) là Secrectary of State for
the Colonies, có thể dịch là Chủ nhiệm Văn phòng giải quyết các vấn
đề thuộc địa. Cấp bậc này cũng tương đương với Bộ trưởng. Cũng
giống như trong bộ máy chính phủ Việt Nam, “Văn phòng chính phủ”
là một cơ quan ngang bộ, và thủ trưởng một cơ quan ngang bộ như
“Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ” cũng là một bộ trưởng.
14 (Nói thêm cho rõ. Các bạn có thể dễ dàng google ra những thông
tin sau đây). Theo voatiengviet.com, “sic” có nghĩa là “so, thus” gốc
Latinh (=y nguyên văn). Dùng sic trong ngoặc đơn () hay ngoặc
vuông [] ngay sau chữ hay nhóm chữ ta muốn nói nguyên văn như
vậy, dù rằng nguyên văn sai chính tả hay văn phạm. Theo học giả
An Chi, “sic” có nghĩa là “như thế”, “thế đấy”. Từ điển tiếng Việt
1992 đã giảng nó như sau: “Từ dùng trong ngoặc đơn, đặt sau một
từ ngữ hay một câu, để chỉ rằng nguyên văn (được trích dẫn – AC)
là đúng như thế, nhằm nhấn mạnh tính chất kỳ quặc của từ ngữ hay
câu dẫn ra ấy, hoặc nhằm biểu thị ý mỉa mai của bản thân người
viết (Xin nói rõ lại: của bản thân người trích dẫn – AC)”. Ví dụ: “Trâu
(sic) chết để da, người ta chết để tiếng”. Chữ “sic” thông báo rằng từ
“trâu” là thuộc về nguyên văn của tác giả và rằng đó là một từ
không bình thường. Người ta chỉ nói: “Hùm chết để da, người ta chết
để tiếng”.
15 Cuốn hồi ký kể về người nữ anh hùng Xô Viết Zoya Anatolyevna
Kosmodemyanskaya và người em trai cũng là Anh hùng Liên Xô
Shura Alexander Kosmodemyansky do mẹ ruột của họ ghi lại. Sinh
năm 1923, chị là Người nữ anh hùng đầu tiên của nước Nga – Xô
Viết. “Zoya Kosmodemyanskaya là một nữ chiến sỹ Xô Viết, chị đã
đấu tranh và hy sinh cho nền độc lập của nước Nga, của loài người
trên nhiều châu lục khác. Cho đến nay chị vẫn là một tấm gương mà
biết bao thế hệ sau này trên nhiều quốc gia trên thế giới đang noi
theo. Khí phách anh hùng, lòng quả cảm của chị đã và đang là đề tài
của nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới ca ngợi”. Shura
vốn là người bạn thân thiết nhất của Zoya. Cha của hai chị em đã
mất đi khi ông mới 33 tuổi, lúc đó Zoya vừa mới xấp xỉ 10 tuổi và
Shura cũng mới lên 8. Với số tiền ít ỏi của người mẹ kiếm được bằng
đồng lương giáo viên, để nuôi hai chị em khôn lớn thì quả là quá eo
hẹp... Đến năm 1942, khi Zoya vừa mới qua đời, Shura quyết định
đặt mua tặng Zoya một bộ áo mới để chị cảm thấy được ấm áp hơn.
Để thực hiện được nguyện vọng này, Shura đã phải nhờ đến một
công xưởng để trợ giúp về kỹ thuật, và anh cũng đã phải làm việc
cật lực rất nhiều đêm dài không nghỉ để hoàn thành ý nguyện. Ngay
sau khi Zoya mất đi, nhiều khi anh đã một mình đứng lặng trước mộ
chị trong suốt cả một năm trời. Tính cách của hai chị em rất khác
nhau. Shura thì không hay đọc nhiều sách báo, anh thường dùng
hầu hết thời gian của mình để tham gia những hoạt động bên ngoài.
Nhưng có một tính cách mà dường như hai chị em cùng giống nhau
như đúc. Khi đứng trước ngôi mộ chị, anh chỉ cắn chặt môi mà
không hề nức nở.
Khi được tin chị qua đời, Shura lập tức gia nhập quân đội Hồng quân.
Nhưng anh cũng bị từ chối ngay vì còn quá trẻ. Vào năm 1944, ngay
sau khi Shura vừa tốt nghiệp cao đẳng quân sự, anh được cử ra mặt
trận và là chỉ huy của một khẩu đội pháo tự hành. Trong quân ngũ,
anh nguyên là thượng úy chỉ huy khẩu đội pháo. Và rồi đến tháng
4/1945, anh đã anh dũng hy sinh ngay trên mặt trận Konigsberg.
Sau khi hy sinh, anh được nhà nước Xô Viết phong tặng danh hiệu
Anh hùng lực lượng vũ trang Liên Xô.
16
Như đã nói ở trên, chức vụ của Alan Lennox–Boyd thời điểm này là
Chủ nhiệm Văn phòng giải quyết các vấn đề thuộc địa (Secretary of
State for the Colonies hay Colonial Secretary) chứ không phải Bộ
trưởng Ngoại giao. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (Foreign Secrectary) lúc
này là ngài Anthony Eden. Có thể bản tiếng Anh dùng dạng rút gọn
của chức vụ, Secretary of State, gây nhầm lẫn cho người dịch. Người
làm ebook không tìm được bản tiếng Anh để đối chiếu. Từ chỗ này
trở về sau, có thêm vài lần nhắc đến “Bộ trưởng Ngoại giao”, nhưng
theo mạch câu chuyện thì có thể suy đoán rằng người được nhắc
đến vẫn là Lennox–Boyd với chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Thuộc
địa chứ hoàn toàn không phải là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
17
Eton và Harrow: hai trường nam trung học nổi tiếng ở London.
18
Polaroid: loại máy ảnh của Mỹ, chụp và có ảnh ngay sau vài giây.
19
John Profumo, Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách các vấn đề Chiến
tranh (Secretary of State for War) giai đoạn 1960–1963.
20
Kim trượng (mace): cây gậy với nhiều trang trí dùng làm biểu tượng
quyền lực của viên chức nào đó, như thị trưởng chẳng hạn.
21
Dể ngươi: (từ cũ) không nể, ngạo mạn. (Theo từ điển tiếng Việt của
LACVIET)
22
Không tìm thấy trò “chọi đáo”. Có thể ý người dịch là “trò đánh đáo”,
một trò chơi đơn giản và là một trò chơi vận động, đối lập với cờ vây
là một trò trí tuệ.
23
Hội đồng lập pháp Singapore thời thuộc Anh được tổ chức như Hạ
viện Anh, trong đó phe đa số sẽ lập chính phủ với người đứng đầu
được gọi là chief minister (ở đây tạm dịch là Tổng ủy viên), tương tự
Thủ tướng, cùng nhiều ủy viên (được gọi là minister – tương đương
Bộ trưởng). Tại phòng họp, phe đa số nắm chính phủ và phe còn lại
(tức phe đối lập) sẽ ngồi ở hai phía đối diện nhau, ở giữa là một lối đi
có đặt bàn dành cho Chủ tịch Hội đồng lập pháp (tương đương Chủ
tịch Hạ viện).
24
Theo tapchicongsan.org.vn, “công nhân áo xanh” chỉ những người
lao động chân tay, “công nhân áo vàng” là kỹ thuật viên, “công
nhân áo trắng” hay “công nhân cổ cồn” chỉ kỹ sư.
25
Biểu quyết tín nhiệm (vote of confidence): Trong các chế độ đại
nghị, như Anh chẳng hạn, Thủ tướng có thể yêu cầu Quốc hội bỏ
phiếu tiếp tục tín nhiệm chính phủ nữa hay không, thường là khi có
những rối loạn chính trị.
26
Ở đây Lee dùng “national” và “citizen” với hai nghĩa có sự khác biệt
rất tế vi. Citizen, thành viên của một quốc gia mà họ được hưởng
đầy đủ quyền công dân, hoặc là do nguồn gốc sinh ra hoặc do nhập
cư. National, thành viên của một quốc gia, áp dụng cho một người
sống ở ngoài quốc gia mà họ là công dân, nhất là dùng với nhau giữa
các đồng bào sống ở ngoại quốc. Cả citizen và national trong tiếng
Việt đều là công dân, không lột tả được sự tinh tế trên, chúng tôi
tạm dịch là công dân và cư dân, như Lee phân biệt. (ND)
27
Tiếng Anh không dùng thứ tự để biểu thị thứ, tháng như tiếng Việt
mà có tên riêng cho từng ngày trong tuần và từng tháng. Tháng 8 là
August chứ không phải “Tám”. Do đó mới có một câu khó hiểu như
“Tháng 8 là tháng thứ tám”.
28
Có thể là do ảnh hưởng của Phong trào không liên kết (Non-Aligned
Movement – NAM), được sáng lập vào năm 1961 bởi Tổng thống
Nam Tư Josip Broz Tito, Tổng thống Indonesia Sukarno, Tổng thống
Ai Cập Gamal Abdel Nasser, Tổng thống Ghana Kwame Nkrumah và
Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru; trong đó Sukarno và Tito đóng
một vai trò tích cực và nổi trội.
29
Tạm dịch: Tình thế tiến thoái lưỡng nan của người Malay.
30
Bộ trưởng hư vị: Phe đối lập trong quốc hội Anh, tuy không nắm
quyền, nhưng vẫn lập sẵn nội các gồm những Bộ trưởng y như nội
các đương quyền (được gọi là shadow cabinet và shadow secretary).
Họ có thể giành được chính quyền và trở thành nội các và Bộ trưởng
thực quyền.
31
Nguyên văn. Bốn gạch đầu dòng này có lẽ là những nội dung ông
Lee viết vắn tắt trên bao thư của khách sạn Ritz trong buổi đàm
phán cuối cùng với Tunku mà ông kể phía trên.
32
SAS – Special Air Service: Không vận đặc vụ, đơn vị gồm những
chiến sĩ tinh nhuệ phụ trách những công tác mật và nguy hiểm.
33
Xem chương 5. Lee Kuan Yew đã tìm hiểu và tâm đắc một vài khía
cạnh của tư tưởng cộng sản Fabian trong thời gian học tập ở Anh.
34
Vụ xâm chiếm kênh Suez: cuộc chiến tranh chớp nhoáng chỉ có tám
ngày, từ 29/10 đến 6/11/1966 của liên quân Anh – Pháp – lsrael
mưu chiếm kênh Suez của Ai Cập sau khi Nasser quốc hữu hóa con
kênh này. Âm mưu này sụp đổ vì Liên Hiệp Quốc cùng dư luận thế
giới cực lực phản đối. Liên quân phải đơn phương ngừng chiến và rút
lui.
35
Châu Phi da đen: thuật ngữ chỉ các nước châu Phi ở phía Nam sa
mạc Sahara.
36
Cuộc khởi nghĩa của người Mao Mao nổ ra vào năm 1952 và bị Anh
dập tắt vào năm 1955 với khoảng 40.000 người bị giết. Cuộc khởi
nghĩa đã khiến mọi người dân còn do dự đứng hẳn về phe kháng
chiến. Nhưng mãi đến tháng 12/1963 Anh mới trao trả độc lập cho
Kenya.
37
Hội nghị Bandung (Indonesia) là hội nghị đầu tiên của các nước Á
Phi (lần này gồm 29 nước), đã có tác động thức tỉnh các dân tộc da
màu và cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc. Sau Bandung, các
nước Á Phi còn họp hai hội nghị liên tiếp nữa ở Accra, vào tháng 4
và tháng 12/1958. Các hội nghị trên đã ảnh hưởng rất mạnh tới
phong trào giải thực ở châu Phi.
38
Không tìm ra định nghĩa chính thức của “khẳng quyết”, tuy nhiên từ
này được sử dụng trong một vài bài viết cũ, mang ý nghĩa “khẳng
định” và “quả quyết”.
39
Không tìm ra định nghĩa chính thức của “luật tắc”, tuy nhiên từ này
được sử dụng trong một vài bài viết cũ, mang ý nghĩa “luật lệ” và
“phép tắc”.
trang|
264 | 264