Yên Thành
Yên Thành
|
|||
---|---|---|---|
Huyện | |||
Huyện Yên Thành | |||
Biểu trưng | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Bắc Trung Bộ | ||
Tỉnh | Nghệ An | ||
Huyện lỵ | thị trấn Hoa Thành | ||
Phân chia hành chính | 1 thị trấn, 31 xã | ||
Tổ chức lãnh đạo | |||
Chủ tịch UBND | Phan Văn Tuyên | ||
Chủ tịch HĐND | Trần Thị Bình | ||
Bí thư Huyện ủy | Lê Thị Hoài Chung | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 19°00′02″B 105°28′05″Đ / 19,00045°B 105,46806°Đ | |||
| |||
Diện tích | 551,92 km² | ||
Dân số | |||
Tổng cộng | 302.500 người | ||
Mật độ | 548 người/km² | ||
Dân tộc | Kinh... | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 426[1] | ||
Biển số xe | 37-P1,PA | ||
Số điện thoại | 0383 863470 | ||
Số fax | 0383 863470 | ||
Website | yenthanh | ||
Yên Thành là một huyện trung du thuộc tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Yên Thành là vùng đất đồng bằng trung du. Huyện Yên Thành có vị trí địa lý:
- Phía bắc giáp huyện Quỳnh Lưu
- Phía đông giáp huyện Diễn Châu
- Phía đông nam giáp huyện Nghi Lộc
- Phía nam giáp huyện Đô Lương
- Phía tây giáp huyện Tân Kỳ.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Huyện Yên Thành, được thành lập tách ra từ huyện Đông Thành, Phủ Diễn Châu, từ năm Minh Mệnh thứ 18 (1838). Phủ Diễn Châu tức Châu Diễn, là một bộ phận của bộ Hoài Hoan, một trong 15 bộ của nước Văn Lang thời vua Hùng Dựng nước.
Dưới thời Bắc thuộc, Diễn Châu thuộc huyện Hàm Hoan đời Hán, quận cửu Đức đời Ngô, quận Cửu Chân đời Lương, quận Nhật Nam đời Tuỳ, châu Nam Đức, Đức Châu rồi Hoan Châu, đời Đường. Năm Trịnh Quán I (627) đời Đường, phía bắc Hoan Châu gọi là Diễn Châu. Tên Diễn Châu bắt đầu được gọi từ đó. Diễn Châu có lúc gọi là quận Long Tri gồm 7 huyện: Trung Nghĩa; Hoài Hoan; Long Tri; Tứ Nông; Võ Lung; Võ Dung và Võ Kim, trụ sở đóng tại Quỳ Lăng (Lăng Thành).
Được quyền tự chủ, các triều đại Ngô (939-967); Đinh (968-980) vẫn chọn Quỳ Lăng làm lỵ sở Châu Diễn.
Thành cổ Kẻ Dền
[sửa | sửa mã nguồn]Thời Tiền Lê (981-1009) chon Kẻ Dền, Công Trung Thượng (xã Văn Thành) làm lỵ sở. Kẻ Dền là vùng đất thuộc 2 xã Văn Thành và Phúc Thành ngày nay, thuộc lưu vực thượng nguồn sông Dền, con sông bắt nguồn từ vùng động Huyệt (phía tây xã Phúc Thành), rồi chảy qua xã Văn Thành, sau đấy nối thông với bàu Ác ở cuối xã Phúc Thành rồi chảy vào sông Bùng ở vùng Diễn Nguyên, kết hợp với hệ thống kênh đào được tạo ra trong thời kỳ Tiền Lê, tạo thành hệ thống giao thông thủy nối liền với kinh đô Hoa Lư. Thành Đông Thành được hoàng tử Lê Long Tung (Con trai thứ 7 của vua Lê Đại Hành) xây dựng để chống lại quân Chiêm Thành từ phương nam đánh ra là dấu tích còn lại đến ngày nay. Khi bị Lý Công Uẩn (con rể vua Lê Đại Hành) đoạt ngôi lập ra nhà Lý năm 1009, Lê Long Tung đã chạy vào cát cứ tại Đông Thành, tự phong là Đông Thành Vương. Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" thì đây là cơ sở của hoàng tử con vua Lê Đại Hành là Lê Long Tung (còn có tên là Lê Long Toàn), được phong làm Định Phiên Vương, đóng tại Tư Doanh, tức vùng đất thuộc Cổ Loa Hà Nội ngày nay. Khi bị nhà Lý cướp ngôi vào năm 1009, đã chạy vào trấn giữ Diễn Châu, chọn Kẻ Dền đắp thành xưng đế. Với ý đồ xây dựng Châu Diễn làm vùng cát cứ lâu dài (ở Kẻ Dền vẫn còn dấu tích của thành vua Dền, như nền thành, tường thành, hào nước bao quanh nối thông với bàu Ác (Xã Phúc Thành). Các xã lân cận còn có tên là Triều Nha, Hậu Nha, Triều Đường, Thượng Thành, Hạ Thành, bến tàu Voi, đồng lùm Hoa, kho Vàng, kho tiền...mang đậm dấu vết một triều đô cũ).
Theo "Đại Việt Sử ký toàn thư" thì thành Kẻ Dền bị thất thủ vào năm Nhâm Tý, [Thuận Thiên] năm thứ 3 [1012]. Để dẹp loạn đạo quân trung thành với triều đại cũ, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đã thân chinh dẫn đạo quân vào phủ Diễn Châu để đánh dẹp em vợ là Lê Long Tung đã chạy vào cát cứ tại thành Kẻ Dền từ năm 1009, khi Lý Công Uẩn chính thức gạt bỏ họ Lê khỏi ngai vàng để lập nên triều đại nhà Lý. Trong sách này có đoạn viết: "Vua thân đi đánh Diễn Châu. Khi về đến Vũng Biện (Tĩnh Gia ngày nay), gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng: "Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét". Khấn xong, gió sấm đều yên lặng". Như vậy có khả năng hoàng tử của triều Tiền Lê bị phế truất Lê Long Tung đã chạy từ Cổ Loa vào đây từ năm 1009, trấn giữ thành Kẻ Dền, phủ Diễn Châu làm căn cứ lâu dài, đã bị vua Lý Công Uẩn giết chết vào năm 1012.
Núi Mã Yên (Yên Ngựa) xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, một ngọn núi cao, trong đám núi trông như hình yên ngựa; sườn núi có một hố sâu, rộng đến vài trượng, gọi là huyệt Vương Mẫu. Tục truyền con vua Lê Đại Hành giữ Phủ Diễn Châu (châu lỵ đóng ở Công Trung) có táng mộ bà mẹ ở đây, khi nhà Lý cướp ngôi nhà Lê, Lê Hoàng tử bèn giữ châu tự xưng làm đế. Nhà Lý đánh không nổi, phải ngầm mượn người đào mộ ấy lên, rồi sau mới dẹp tan được" (Đại nam nhất thống chí quyển 14-15 trang 53)
Dấu tích của thành Đông Thành hiện nay vẫn còn tại phía bắc xóm Yên Thịnh, xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An song do không được quan tâm bảo quản nên đã bị mờ đi nhiều.Thành đất có chiều dài mỗi cạnh khoảng 200m có hào bao bọc xung quanh. Đến những năm 60 của thế kỷ XX, phía Đông - Bắc của Thành vẫn còn đền Cả với cây thị rất lớn, cách đền không xa về phía Bắc còn có nhà Thánh, Chắc đền Cả và nhà Thánh liên quan đến thờ cúng hoàng tử Lê Long Tung - Đông Thành Vương, người có công xây dựng vùng đất Kẻ Dền thành lỵ sở của Diễn Châu thời nhà Tiền Lê.
Trên dãy Mã yên vẫn còn dấu tích của Động Huyệt và những huyền thoại về kẻ Dền. Tháng 11 năm 1041 vua Lý Thái tổ cử Lý Nhật Quang vào làm tri châu Nghệ An, Lý Nhật Quang đã dừng chân tại Công Trung Đông và Tràng Thành Nam để nghiên cứu nơi thành lập trị sở (Nghệ An) sau đó mới lên đặt tri sở tại Mượu xã Bạch đường (Anh Sơn) Từ đây cũng bắt đầu cuộc di dân từ bắc vào khai phá đồng ruộng, lập làng. ở Công Trung Đông; Tam toà, Hợp Thành và Tràng Thành Nam Hoa Thành còn đền thờ Lý Nhật Quang, năm Thiên Thành thứ 3 đời vua Lý Thái Tông (1036), nhập Hoan Diễn Thành châu Nghệ An, thời Trần gọi là huyện Thổ Thành, vua Trần Duệ Tông năm Long khánh thứ 2 (1374) đổi làm lộ Diễn Châu. Vua Trần Thuận Tông năm Quang Thái thứ 10 (1379) đặt là trấn Vọng Giang.
Nhà Trần vẫn tiếp tục phái thân vương Trần Quốc Khang vào trấn trị Diễn Châu. Mùa xuân năm 1270 Tĩnh Quốc đại Vương Trần Quốc Khang (anh vua Trần Thánh Tông) được phong làm vọng Giang phiêu kỵ đô thượng tướng quân, đã tiếp tục xây dựng kẻ Dền lỵ sở Châu Diễn. Trần Quốc Khang đã mở mang trị sở, ý đồ chuẩn bị để xưng đế "Xây dựng phủ đệ, lang vũ vòng quanh lộng lẫy quá mức thường, vua nghe tin sai người đến xem, Tĩnh quốc sợ, nên tô tượng phật để thờ, nay là chùa Thông" (đại việt sử ký toàn thư, tập II của Ngô Sĩ Liên, Hà nội 1971 trang 41).
Trần Quốc Khang đã xây dựng kẻ Dền, chùa Thông như là một đế đô, bao gồm chợ búa, làng xã, trại lính và đắp con đường từ kẻ Dền lên Chùa Thông gọi là đường Vua.
Linh Nguyên và Diễn Châu
[sửa | sửa mã nguồn]Đời nhà Hồ, Hồ Hán Thương đổi tên làm phủ Linh Nguyên (1403) thời thuộc Minh gọi là huyện Đông Ngàn.
Năm 1428, sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi chia nước làm 5 đạo, Diễn Châu thuộc đạo Hải Tây
Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đời Lê Thánh Tông phủ Diễn Châu thuộc thửa tuyên Nghệ An, phủ Diễn Châu lúc này gồm 2 huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu. Huyện Đông Thành bao gồm cả huyện Yên Thành, Diễn Châu và một số xã của Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Nghi Lộc ngày nay. Lỵ sở Phủ Diễn Châu chuyển từ Kẻ Dền (Công Trung) về Thành Trài (Đông Lũy) Diễn Hồng.
Thời nhà Lê, huyện Đông Thành và huyện Quỳnh Lưu đều do phủ Diễn Châu kiêm lý. Đến thời Tây Sơn Quang Trung, Nguyễn Huệ đổi Nghệ An thành trấn Nghĩa An, phủ Diễn Châu thuộc trấn Nghĩa An, phủ lỵ dời về làng Tiền Lý (Diễn Ngọc).
Năm 1802 Gia Long đổi Nghĩa An thành Nghệ An, phủ Diễn Châu vẫn gồm 2 huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu. Huyện Đông Thành gồm 7 tổng: Cao Xá; Vạn Phần; Quan Trung; Quan Triều; Thái Trạch; Vân Tụ; Hoàng Trường. Gồm 242 xã và thôn động.
Hình thành
[sửa | sửa mã nguồn]Mùa xuân năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) từ huyện Đông Thành tách ra thành 2 huyện: Đông Thành và Yên Thành, theo hướng Đông Tây. Huyện Yên Thành ở về phía Bắc, trị sở đóng tại Yên Lý (gần chợ huyện xã Diễn Yên hiện nay). Huyện Đông Thành đóng ở phía nam, trị sở đóng tại làng Cao Xá, xã Diễn Thành, huyện nào cũng có núi, có đồng bằng và có biển.
Huyện Yên Thành gồm các tổng: Hoàng Trường, Vạn Phần, Thái Trạch, Quan Triều và Cự Lâm do phủ Diễn Châu thống hạt. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) trích tổng Cự Lâm từ huyện Yên Thành lập huyện mới Nghĩa Đàn.
Năm Tự Đức thứ 4 (1851), bởi chức tri huyện Yên Thành đóng ở Yên Lý mà do tri phủ Diễn Châu kiêm nhiếp cả hai huyện.
Năm Thành Thái thứ 10 (1898) thực dân Pháp và chính quyền nhà Nguyễn nhận thấy chia 2 huyện theo chiều đông tây, thì địa dư từ tây sang đông quá dài, bề ngang lại hẹp nên chia lại hai huyện theo chiều Nam Bắc. Huyện Đông Thành về phía đông, huyện Yên Thành về phía Tây, đều thuộc Phủ Diễn Châu
Huyện Yên Thành gồm các tổng: Quỳ Trạch (tức Thái trạch); Quan Hoá (tức quan triều) Vân Tụ; Quan Trung và lập thêm tổng Vân Hội, lỵ sở Yên Thành chuyển về làng Phụng Luật xã Hợp Thành.
Từ năm 1919, bỏ cấp phủ, đổi huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu ngang cấp với huyện Yên Thành.
Từ năm 1898 đến năm 1945 huyện Yên Thành có 5 tổng 136 làng xã; sau cách mạng tháng 8 năm 1945 cắt các làng Xuân Lạc (kẻ Năn), Phượng Kỷ (Trại Lạ) Quỳ Hậu (Kẻ Mưng), Yên Lương, Mỹ Hóa, Trịnh Sơn (Kẻ Rọc) về Anh Sơn. Cắt Trị Nội, Hội Yên về Nghi Lộc. Sau năm 1955 cắt phía bắc Nghĩa Môn, Làng Cận về Quỳnh Lưu. Từ đây, huyện Yên Thành có 29 xã: Nhân Thành, Bắc Thành, Bảo Thành, Công Thành, Đô Thành, Đông Thành, Đức Thành, Hậu Thành, Hoa Thành, Hợp Thành, Khánh Thành, Lăng Thành, Liên Thành, Lý Thành, Mã Thành, Minh Thành, Nam Thành, Phú Thành, Phúc Thành, Quang Thành, Sơn Thành, Tăng Thành, Thịnh Thành, Thọ Thành, Trung Thành, Văn Thành, Viên Thành, Vĩnh Thành, Xuân Thành.
Ngày 21-4-1969, chia xã Vĩnh Thành thành 3 xã: Vĩnh Thành, Nhân Thành, Long Thành; chia xã Công Thành thành 2 xã: Công Thành và Mỹ Thành.
Tháng 2-1976, huyện Yên Thành thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh.
Ngày 9-11-1983, chia xã Đức Thành thành hai xã lấy tên là xã Đức Thành và xã Tân Thành.
Ngày 4-4-1986, thành lập thị trấn Yên Thành (thị trấn huyện lỵ huyện Yên Thành) trên cơ sở 40 ha diện tích tự nhiên với 661 nhân khẩu của xã Hoa Thành và 69,15 ha diện tích tự nhiên với 1.089 nhân khẩu của xã Tăng Thành cùng 2.725 nhân khẩu là cán bộ công nhân viên của các cơ quan trong khu vực này.
Ngày 12-8-1991, tỉnh Nghệ An được tái lập, huyện Yên Thành thuộc tỉnh Nghệ An.
Ngày 28-6-1994, chia xã Phú Thành thuộc huyện Yên Thành thành xã Phú Thành và xã Hồng Thành.
Ngày 1-7-1999, chia xã Quang Thành thành 2 xã: Quang Thành và Tây Thành; chia xã Minh Thành thành 2 xã Minh Thành và Đại Thành; chia xã Đồng Thành thành 2 xã: Đồng Thành và Kim Thành.
Ngày 2-4-2007, chia xã Hậu Thành thành 2 xã: Hậu Thành và Hùng Thành.
Ngày 9-2-2009, chia xã Mã Thành thành 2 xã: Mã Thành và Tiến Thành.
Ngày 1-12-2024, hợp nhất thị trấn Yên Thành và xã Hoa Thành thành thị trấn Hoa Thành; hợp nhất 2 xã Khánh Thành và Công Thành thành xã Vân Tụ; hợp nhất 2 xã Hợp Thành và Nhân Thành thành xã Đông Thành; sáp nhập xã Đại Thành trở lại xã Minh Thành; sáp nhập xã Lý Thành vào xã Liên Thành; sáp nhập xã Hồng Thành trở lại xã Phú Thành; sáp nhập xã Hùng Thành trở lại xã Hậu Thành.
Huyện Yên Thành có 1 thị trấn và 31 xã như hiện nay.
Hành chính
[sửa | sửa mã nguồn]Huyện Yên Thành có 32 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Hoa Thành (huyện lỵ) và 31 xã: Bắc Thành, Bảo Thành, Đô Thành, Đông Thành, Đồng Thành, Đức Thành, Hậu Thành, Hoa Thành, Kim Thành, Lăng Thành, Liên Thành, Long Thành, Mã Thành, Minh Thành, Mỹ Thành, Nam Thành, Phú Thành, Phúc Thành, Quang Thành, Sơn Thành, Tân Thành, Tăng Thành, Tây Thành, Thịnh Thành, Thọ Thành, Tiến Thành, Trung Thành, Văn Thành, Vân Tụ, Viên Thành, Vĩnh Thành, Xuân Thành.
Giao thông
[sửa | sửa mã nguồn]- Quốc lộ 7A: 18 km từ xã Vĩnh Thành đến xã Mỹ Thành
- Tỉnh lộ 534 (nối Tỉnh lộ 538 với Quốc lộ 1): 14 km từ thị trấn Hòa Thành đến xã Sơn Thành
- Tỉnh lộ 538 (nối quốc lộ 7A với Quốc lộ 1): 15 km từ xã Đông Thành đến xã Vân Tụ (hiện nay đổi tên thành Quốc lộ 7B)
- Tỉnh lộ 533 (nối Quốc lộ 1 với quốc lộ 7A): 15 km từ xã Đô Thành đến xã Vĩnh Thành
- Đây cũng là địa phương có tuyến Đường cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu đi qua một xã duy nhất là xã Đô Thành.
Dân số
[sửa | sửa mã nguồn]Dân số tính đến năm 2020 là 302.500 người. 12% dân số theo đạo Thiên Chúa.
Kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Chủ đạo là kinh tế nông nghiệp. Nông nghiệp ở Yên Thành chủ yếu là trồng lúa, chăn nuôi tự túc. Những cánh đồng lúa Hoa Thành, Nhân Thành,Văn Thành, Hợp Thành... thẳng cánh cò bay.
Nông nghiệp ở Yên Thành phát triển phần lớn do tác dụng của con sông Đào thời Pháp thuộc, con sông này lấy nước từ Sông Lam nhờ Bara Đô Lương. Côn sông này cung cấp nước tưới cho ba huyện Yên Thành - Diễn Châu - Quỳnh Lưu. Yên Thành còn nổi tiếng với 02 con kênh. kênh Vách Nam đào vào những năm 1960-1965, bắt đầu từ Chòm 6 Tănh Thành, chảy về sông Bùng Diễn Châu qua xã Nhân Thành, Hoa Thành, Hợp Thành thoát nước tránh ngập lụt cho các xã Long Thành, Vịnh Thành... Kênh Vách Bắc đào vào những năm 1976-1978, bắt đầu từ Phúc Tụ (Văn Thành), chảy về phía bắc của huyện, dài khoảng 20 km, tiêu nước cho vùng Hoa Thành, Văn Thành, Tăng Thành về mùa bão lũ, bảo đảm phát triển nông nghiệp.
Sự phát triển kinh tế của huyện Yên Thành những năm gần đây được cho là có sự đóng góp từ kiều hối của những người dân địa phương đi xuất khẩu lao động.[2] Những xã thuộc huyện Yên Thành như xã Sơn Thành, xã Đô Thành, được gọi là "làng tỉ phú"[3][4] hoặc "làng Euro"[5]. Trong vụ 39 người chết trong xe tải khi nhập cư lậu vào Anh, có 25 người nghi là người Yên Thành.[6]
Danh nhân và nhà khoa bảng
[sửa | sửa mã nguồn]Theo "Nghệ An đăng khoa lục" từ thời Trần đến thời Nguyễn, Yên Thành có 21 vị đại khoa Tiến sĩ. Một số vị tiêu biểu là:
- Trạng nguyên Bạch Liêu, sinh ra ở làng Thanh Đà - Xã Mã Thành - Yên Thành. Ông là trạng nguyên đầu tiên của tỉnh Nghệ An, từng phò tá thượng tướng Trần Quang Khải trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần.
- Nhà sử học Hồ Tông Thốc đời nhà Trần: người thôn Tam Thọ, tổng Quỳ Trạch (Thọ Thành).
- Phan Cảnh Quang, Thiếu bảo Sùng quận công người phò vua Lê và có công trong việc bắt voi dữ của triều đình để sổng, phá hoại mùa màng của nhân dân. Đền thờ của người tọa lạc tại làng Dinh, thị trấn Yên Thành. Nổi tiếng của dòng Họ Phan ở vùng đất này là có 18 Quận Công được các đời vua phong tặng.[1]
- Đô Đốc Tổng Binh Nguyễn Đình Tùng Và Phấn Lực Đại Tướng Quân Đô Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đình Thiện Phò Vua Lê - Chúa Trịnh Có Công Đánh Giặc Ngoại Xâm Bảo Vệ Đất Nước Thuộc Dòng Họ Nguyễn Đình Cửa Thái Sư Đại Vương Nguyễn Xí Ở Vĩnh Thành, Yên Thành.
- Nguyễn Hữu Đạo: Hội nguyên Hoàng giáp khoa Tân Vỵ năm Chính Hòa 12, vua Lê Hy Tông (1691)
- Trần Đình Phong, tiến sĩ đệ tam giáp năm 1879 quê xóm Lũy, xã Mã Thành huyện Yên Thành. Nhà thờ của ông, nằm tại xóm Lũy - Mã Thành - Yên Thành, đã được xếp hạng quốc gia. Ông Trần Đình Phong là người thanh bạch ở cửa quan, sau về dạy học, là một con người trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Học trò nổi tiếng của cụ nhu: Trần Quý Cáp, Phan Thúc Trực,...
- Phan Thúc Trực tức Phan Dưỡng Hạo, Sinh 1809,mất năm 1852, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học và địa lý học nổi tiếng, người xã Vân Tụ, nay là xã Khánh Thành đậu thủ khoa kỳ thi Đình tức Đình nguyên Thám hoa năm Đinh Mùi (1847). Ông là người đầu tiên ở Nghệ An đỗ thủ khoa kỳ thi Đình thời triều Nguyễn.
- Nguyễn Thế Trung. Nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ An, nguyên Phó trưởng ban Dân vận TW, thành viên Hội đồng lý luận TW (xã Hậu Thành)
- Nguyễn Thế Kỷ, PGS-TS, Nguyên Tổng giám đốc VOV (Đài tiếng nói Việt Nam) (Nguyễn Bá- xóm Liên Trì- Liên Thành)
- Thái Thanh Quý (sinh năm 1976): Ủy viên BCH TW Đảng khóa 13, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An (Quê quán: xã Long Thành)
- Nguyễn Tuấn Huỳnh Chủ tịch HĐQT-TGĐ Cienco4 (Văn Thành)
Các nhà cách mạng
Anh hùng LLVT Nhân Dân
Anh hùng Lao động
Hiện đại
[sửa | sửa mã nguồn]- Nguyễn Đình Trung Ông là phó bí thư Tỉnh ủy, đã được bầu giữ chức chủ tịch UBND Đắk Nông khóa III, nhiệm kỳ 2020 - 2022.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Tổng cục Thống kê
- ^ “Xã 1.000 tỷ phú: Bậc nhất xứ Nghệ, biệt thự hàng ngàn, ô tô nhiều vô kể”. Dân Trí. 15 tháng 11 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2020.
- ^ “In Vietnam's 'Billionaire Village', migrant cash can buy a palace”. Reuters. 30 tháng 10 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2020.
- ^ “Xuất khẩu lao động, những gam màu sáng - tối - Bài 1: "Làng tỷ phú" vắng bóng người”. Sài Gòn Giải Phóng Online. 29 tháng 10 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2020.
- ^ “Choáng ngợp với những 'ngôi làng Euro'”. Tuổi Trẻ. 6 tháng 11 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2020.
- ^ “Faces of the migrants killed in death truck tragedy emerge”. Mail Online. Truy cập 28 tháng 10 năm 2019.
- H ội đồng hương Yên Thành Lưu trữ 2016-04-30 tại Wayback Machine -