Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2020/03
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
KẽmKẽm là một nguyên tố kim loại lưỡng tính, kí hiệu là Zn và có số nguyên tử là 30. Nó là nguyên tố đầu tiên trong nhóm 12 của bảng tuần hoàn nguyên tố. Kẽm, trên một số phương diện, có tính chất hóa học giống với magiê, vì ion của chúng có bán kính giống nhau và có trạng thái ôxy hóa duy nhất ở điều kiện bình thường là +2. Kẽm là nguyên tố phổ biến thứ 24 trong lớp vỏ Trái Đất và có 5 đồng vị bền. Quặng kẽm phổ biến nhất là quặng sphalerit, một loại kẽm sulfua. Những mỏ khai thác lớn nhất nằm ở Úc, Canada và Hoa Kỳ. Công nghệ sản xuất kẽm bao gồm tuyển nổi quặng, thiêu kết, và cuối cùng là chiết tách bằng dòng điện. Đồng thau là một hợp kim của đồng và kẽm đã bắt đầu được sử dụng muộn nhất từ thế kỷ 10 TCN tại Judea và thế kỷ 7 TCN tại Hy Lạp cổ đại. Mãi cho đến thế kỷ 12 thì kẽm nguyên chất mới được sản xuất quy mô lớn ở Ấn Độ, và đến cuối thế kỷ 16 thì người châu Âu mới biết đến kẽm kim loại. Các mỏ ở Rajasthan được khai thác từ thế kỷ 6 TCN. Cho đến nay, bằng chứng cổ xưa nhất về kẽm tinh khiết là từ Zawar ở Rajasthan vào khoảng thế kỷ 9, người ta dùng phương pháp chưng cất để tạo ra kẽm nguyên chất. Các nhà giả kim thuật đốt kẽm trong không khí để tạo thành một chất mà họ gọi là "len của nhà triết học" hay "tuyết trắng". [ Đọc tiếp ] |
Lịch sử sinh họcLịch sử sinh học là nghiên cứu lịch sử về thế giới sống từ thời cổ đại đến hiện đại. Mặc dù khái niệm sinh học với tư cách là một lĩnh vực độc lập chỉ mới xuất hiện trong thế kỷ 19, ngành khoa học này đã có tiền đề trong nhiều lĩnh vực như y học, dược học cho đến lịch sử tự nhiên, với nguồn gốc từ tận nền y học Ấn Độ cổ đại Ayurveda, y học Ai Cập cổ đại và các tác phẩm của Aristotle và Galen trong thế giới Hy-La. Các tác phẩm cổ đại được phát triển thêm trong thời kỳ Trung Cổ bởi các thầy thuốc Hồi giáo và các học giả như Avincenna. Trong thời kỳ Phục hưng và đầu thời kỳ hiện đại, những tư tưởng sinh học đã được cách mạng hóa ở châu Âu nhờ những quan tâm được làm mới lại trong chủ nghĩa kinh nghiệm và việc phát hiện nhiều sinh vật mới lạ. Những học giả nổi bật trong giai đoạn này là các nhà giải phẫu Andreas Vesalius và William Harvey, những người đã tiến hành các thí nghiệm và quan sát chi tiết trong sinh lý học; hay các nhà tự nhiên học như Carl Linnaeus và Georges Louis Leclerc, họ đã bắt đầu phân loại các loài và ghi chép hóa thạch cũng như nghiên cứu sự phát triển và tập tính sinh vật. Antonie van Leeuwenhoek khám phá ra thế giới vi sinh vật chưa từng được biết đến khi phát minh ra kính hiển vi, đặt cơ sở cho sự hình thành của thuyết tế bào. Vị thế ngày càng tăng của ngành thần học tự nhiên trong quá trình cạnh tranh với triết học cơ học (mechanical philosophy) đã thúc đẩy sự phát triển của ngành lịch sử tự nhiên (mặc dù nó vẫn còn bám vào luận cứ mục đích cho rằng Đấng sáng tạo thiết kế ra vạn vật). [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Biểu tình bài Nhật tại Trung Quốc năm 2012Biểu tình bài Nhật tại Trung Quốc năm 2012 là một loạt các cuộc biểu tình bài Nhật Bản được tổ chức ở các thành phố lớn tại Trung Quốc và Đài Loan trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2012. Nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình là sự leo thang tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản xoay quanh thời điểm kỷ niệm Sự kiện Phụng Thiên năm 1931, một xúc tác de facto để Nhật Bản xâm lược Mãn Châu, đỉnh điểm là một thất bại bẽ mặt của Trung Quốc và một chiến thắng quyết định của Nhật Bản trong việc hợp nhất và sáp nhập Mãn Châu. Các cuộc biểu tình nổ ra tại mỗi thành phố của Trung Quốc kể từ sự kiện nhà hoạt động Hồng Kông đổ bộ quần đảo Senkaku và chính phủ Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, trở thành cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1972. Những người phản đối tại một số thành phố sau đó trở nên bạo lực, chính quyền địa phương bắt đầu bắt giữ người biểu tình và cấm các cuộc biểu tình. Ngoài các cuộc biểu tình bài Nhật và chỉ trích Hoa Kỳ, một số cuộc biểu tình đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc về những bất mãn xã hội. Tác động từ căng thẳng ngoại giao khiến thương mại song phương giữa hai quốc gia bị thiệt hại và ảnh hưởng kéo dài trong vài năm tiếp theo. [ Đọc tiếp ] |
Emmy NoetherAmalie Emmy Noether (23 tháng 3 năm 1882 – 14 tháng 4 năm 1935) là nhà toán học có ảnh hưởng người Đức nổi tiếng vì những đóng góp nền tảng và đột phá trong lĩnh vực đại số trừu tượng và vật lý lý thuyết. Được Pavel Alexandrov, Albert Einstein, Jean Dieudonné, Hermann Weyl, Norbert Wiener và những người khác miêu tả là một trong những nhà nữ toán học quan trọng nhất trong lịch sử toán học, bà đã làm nên cuộc cách mạng trong lý thuyết vành, trường và đại số trên một trường. Trong vật lý học, định lý Noether giải thích mối liên hệ sâu sắc giữa tính đối xứng và các định luật bảo toàn. Các công trình toán học của Noether được chia thành ba "kỷ nguyên" chính. Trong giai đoạn đầu (1908–19), bà có những đóng góp quan trọng cho lý thuyết các bất biến đại số và trường số. Nghiên cứu về bất biến vi phân trong phép tính biến phân, hay định lý Noether, đã trở thành "một trong những định lý toán học quan trọng nhất từng được chứng minh giúp thúc đẩy sự phát triển của vật lý hiện đại". Trong kỷ nguyên thứ hai (1920–26), bà bắt đầu công trình mà "thay đổi bộ mặt của đại số [trừu tượng]". Trong bài báo Idealtheorie in Ringbereichen (Lý thuyết các iđêan trong miền vành, 1921) Noether phát triển lý thuyết iđêan trong vành giao hoán trở thành một công cụ mạnh với ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. [ Đọc tiếp ] |