Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2006/Tuần 51
Kinh điển Phật giáo có số lượng rất lớn. Mặc dù có thể không lên đến "84.000 pháp môn" (bài giảng) như truyền thống thường nói, nhưng có lẽ chúng cũng đủ để làm các Phật tử hoa mắt khi mới học Đạo. Kinh văn Phật giáo truyền miệng hoặc được viết trên giấy mực được chia theo nội dung làm ba loại là Kinh, Luật và Luận. Phật tử theo các tông phái khác nhau đặt các bộ kinh, luận này ở những vị trí khác nhau. Họ cho rằng các bộ kinh, luận có tầm quan trọng khác nhau đối với họ và giữ thái độ khác nhau đối với kinh điển: Từ tôn kính một loại kinh văn nhất định cho đến bác bỏ, xem thường một vài kinh văn nào đó, cho là nguỵ tạo. Thế nên, các bộ kinh, luận khó có thể được gọi là Thánh kinh (scripture) với nghĩa được hiểu như thánh kinh của Thiên Chúa giáo hoặc các tôn giáo khác.
Kinh văn Phật giáo có thể chia ra hai loại dựa trên nguồn gốc hình thành kinh như loại tiêu chuẩn (hoặc chủ yếu, canonical) và loại ngoài tiêu chuẩn (hoặc thứ yếu, non-canonical). Thuộc về kinh văn tiêu chuẩn là các bài Kinh (經, sa. sūtra, pi. sutta), chép lại lời dạy của chính vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni – “Phật lịch sử” ở đây được hiểu một cách chính xác hoặc như một ẩn dụ. Thuộc loại ngoài tiêu chuẩn là các bài luận giải những bộ kinh hoặc luận, cũng như những văn bản trích dẫn kinh, lịch sử hình thành kinh, văn phạm… của các Đại sư, Luận sư.