Bước tới nội dung

Tòa Thương Bạc

Tòa Thương Bạc
Tiểu đình ghi nhớ di tích Tòa Thương Bạc xưa
Tên khácĐình Thương Bạc, Thương Bạc Viện
Vị tríNhà văn hóa thành phố Huế hiện nay
Xây dựng1875
Đời vuaTự Đức
Tình trạngChỉ còn lại một tiểu đình xây năm 1936
Chức năngnơi đón tiếp sứ thần
Tọa độ16°28′05″B 107°35′08″Đ / 16,468014°B 107,58556°Đ / 16.468014; 107.585560
Tòa Thương Bạc trên bản đồ Kinh thành Huế
Tòa Thương Bạc
Tòa Thương Bạc
Tòa Thương Bạc (Kinh thành Huế)

Tòa Thương Bạc tọa lạc bên bờ bắc sông Hương (nay là Trung tâm văn hóa thành phố Huế nằm trên đường Trần Hưng Đạo), là một di tích thuộc quần thể di tích cố đô HuếViệt Nam.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho xây dựng Cung Quán còn gọi là Công Quán tại phía Đông - Bắc kinh thành Huế, ở bên trong cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài), trước mặt đồn Mang Cá là trụ sở để đón tiếp các sứ thần nước ngoài[1].

Tháng 5 (âm lịch) năm Tự Đức 28 (1875), do không muốn đón tiếp các sứ giả ngoại quốc trong khu vực Kinh Thành nên vua Tự Đức cho làm Sở Thương Bạc[2][3] tại vị trí mới, bên ngoài cửa Thượng Tứ (cửa Đông Nam), bao gồm nhiều công trình để tiếp đón các sứ thần và là nơi làm việc hàng ngày của các quan lo việc ngoại giao, đồng thời cũng để tiện việc đối phó với các đại diện của tòa Khâm sứ Pháp.

Ngày 6 tháng 6 năm 1884, trên một chiếc tàu đậu giữa sông Hương, trước Tòa Thương Bạc, đại diện nhà Nguyễn là các đại thần: Nguyễn Văn Tường, Phạm Thuận Duật, Tôn Thất Phan; đại diện Pháp là Đại sứ Patenôtre đã ký kết Hòa ước Patenôtre, còn gọi là Hòa ước Giáp Thân. Đây là hòa ước cuối cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp để công nhận sự đầu hàng của mình.

Sau ngày kinh đô Huế thất thủ (5 tháng 7 năm 1885), tướng Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), Tòa Thương Bạc không còn được dùng làm nơi đón tiếp các sứ giả nước ngoài nữa, mà lần lượt làm bản doanh của quân đội Pháp, tiếp đến được làm phủ của Nguyễn Văn Tường, rồi thành trường Hậu Bổ, trường Uyên Bác, và cuối cùng làm Viện Cổ học, trước khi nó bị bỏ hoang rồi sụp đổ dưới triều vua Bảo Đại.

Năm 1936, vua Bảo Đại cho dựng lên bên bờ sông Hương (đối diện cửa Thượng Tứ và gần vị trí Tòa Thương Bạc xưa, mà nay là Trung tâm văn hóa thành phố Huế) một tiểu đình hình bát giác bằng các vật liệu mới (xi măng, cốt thép) để ghi nhớ di tích ấy [4]. Toàn bộ công trình được dựng trên một nền vuông cao 1,3 m, xung quanh có lan can, mặt trước và mặt sau đều có gắn chữ Thương Bạc đúc bằng xi măng. Phần trên là một lầu hình vuông không cao lắm. Phía trong là sân rộng, xây hai hồ bằng xi măng có đắp giả sơn, đứng chầu hai bên hồ cân đối với tòa nhà là bốn con rồng đá chạm trổ tinh vi; hướng ra ngoài phố là 4 trụ biểu hình vuông cao lớn, trên đỉnh đều gắn bông sen, trên mỗi trụ biểu còn gắn câu đối bằng sành sứ ghi lại cảnh đẹp trù phú của Kinh đô Huế [5].

Thi sĩ tiền chiến Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961), cháu nội Tuy Lý Vương, nhân tới chơi tiểu đình Thương Bạc, nhớ chuyện ký hòa ước năm xưa (1884), có cảm tác một bài thơ luật mà thi sĩ Quách Tấn còn nhớ được bốn câu:

...Võng bác Thượng thơ ra trước bến,
Tàu ông Nguyên soái đậu ngoài khơi.
Giảng hòa mực ký xong hai chữ,
Bảo hộ cờ bay đã mấy đời!
Ở vị trí này trước đây là Tòa Thương Bạc của triều Nguyễn

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo website Trung tâm bảo tồn di tích Cố đố Huế [1].
  2. ^ Đại Nam thực lục, tập 8, quyển 80, trang 125: "Tháng 5/1875, làm sở Thương bạc ở ngoài thành cửa đông nam"
  3. ^ Quốc triều sử toát yếu (Nhà xuất bản Văn học, 2002, tr. 473). Dư địa chí Thừa Thiên Huế ghi năm xây là 1870 là không chính xác. Theo thi sĩ Quách Tấn, Thương bạc nghĩa đen là "đậu thuyền để thương thuyết", còn Nguyễn Đắc Xuân thì giải thích "đây là cơ quan liên lạc việc buôn bán. Nhưng thực tế nó chỉ là nơi tiếp xúc, bàn bạc giữa đại diện của hai nước Pháp-Việt". Và cũng theo ông Xuân, Cung quán đã có từ thời vua Gia Long. Không những nơi đó được dùng để tiếp đón các sứ thần các nước ngoài như Xiêm, Chân Lạp, Lào mà còn dùng để đón tiếp các tiểu vương của các dân tộc ít người ở Việt Nam.
  4. ^ Theo website Trung tâm bảo tồn di tích Cố đố Huế [2] và Quách Tấn (tr.107). Dư địa chí Thừa Thiên Huế ghi năm xây là 1921, dưới triều vua Khải Định.
  5. ^ Theo Dư địa chí Thừa Thiên Huế [3][liên kết hỏng].

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Quách Tấn, Bước lãng du, Nhà xuất bản Trẻ, 1996, tr. 106-108.
  • Nguyễn Đắc Xuân, Hướng dẫn thăm kinh thành Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1994, tr. 154.
  • [4] Tòa Thương Bạc trên trang web Trung tâm bảo tồn di tích Cố đố Huế.
  • Mục từ "Cung Quán" trong "Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế", Tiến sĩ Đỗ Bang chủ biên, Nhà xuất bản Thuận Hoá năm 2000, trang 559, dẫn nguồn tham khảo từ "Đại Nam nhất thống chí", bản Duy Tân, quyển 1, trang 81.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]