Bước tới nội dung

Phương Liệt

Phương Liệt
Phường
Phường Phương Liệt
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
Thành phốHà Nội
QuậnThanh Xuân
Địa lý
Tọa độ: 20°59′31″B 105°50′9″Đ / 20,99194°B 105,83583°Đ / 20.99194; 105.83583
Phương Liệt trên bản đồ Hà Nội
Phương Liệt
Phương Liệt
Vị trí phường Phương Liệt trên bản đồ Hà Nội
Phương Liệt trên bản đồ Việt Nam
Phương Liệt
Phương Liệt
Vị trí phường Phương Liệt trên bản đồ Việt Nam
Diện tích93,84 ha (0,94 km2)[1]
Dân số (2022)
Tổng cộng25.817 người[2]
Mật độ27.511 người/km²
Dân tộcHầu hết là Kinh
Khác
Mã hành chính00358[3]

Phương Liệt là một phường thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, Việt Nam. Phường Phương Liệt nằm trên đất của làng Phương Liệt – hay làng Vọng xưa.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Phường Phương Liệt được đặt theo tên của làng Phương Liệt xưa. Tên cũ của làng là Giáp Cửu, còn có tên nôm là làng Vọng. Các bậc tiền bối đã không chịu để con cháu mai sau phải xếp Giáp thứ 9 nên đã đổi tên làng thành Phương Liệt – trong đó "Phương" nghĩa là nghĩa là thơm; "Liệt" với nghĩa là oanh liệt.[4]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Làng Phương Liệt

[sửa | sửa mã nguồn]

Phường Phương Liệt nằm trên đất của làng Phương Liệt xưa. Làng Phương Liệt – hay làng Vọng hoặc làng Giáp Cửu – nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long, thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng.[4] Làng có diện tích lớn, phía bắc giáp cánh đồng làng Kim Liên – tức khu Bệnh viên Da liễu Trung ương và Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội ngày nay; phía tây là khu vực Sân bay Bạch Mai cũ – sân bay có nằm trên một phần đất của làng; còn phía đông vượt qua Quốc lộ 1 – hay phố Vọng ngày nay – tới giáp cánh đồng làng Hoàng Mai.[5] Thời Nguyễn, làng có nghề dệt gối, sợi thì mua ở chợ Bờ, Hòa Bình, dệt xong khâu lại nhồi bông mang lên bỏ mối cho các nhà buôn ở phố Hàng Bông. Ngoài nghề dệt gối làng còn làm nông nghiệp.[6]

Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) địa bàn làng thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Nội. Sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp lấy đất làng xây đài phát vô tuyến điện – nay là tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở ngõ 128C phố Đại La – sau đó lại lấy đất làm kho chứa than ở phía đông, cho xây ga Vọng. Ở phía tây bắc, họ lập xưởng đá, làm đường tàu qua đầu làng để chở đá hộc từ Thanh Hóa, Ninh Bình ra nghiền nhỏ, phục vụ cho các công trình xây dựng. Còn phía tây, họ xây sân bay quân sự Bạch Mai. Đoạn quốc lộ 1 chạy qua làng trở thành phố Vọng. Trước đình làng có hai đầm rộng, người Pháp cho tư nhân đấu thấu trồng sen, nuôi cá.[6]

Thành lập phường

[sửa | sửa mã nguồn]

Làng Phương Liệt sau thuộc địa phận phường Phương Liệt, quận Đống Đa. Thuộc địa giới hành chính của phường, ngoài phần đất của làng Phương Liệt cũ còn có một phần đất của làng Định Công Hạ và làng Giáp Bát.

Từ ngày 22 tháng 11 năm 1996, phường Phương Liệt được tách khỏi quận Đống Đa để cùng 10 đơn vị hành chính cấp xã khác thành lập quận Thanh Xuân thuộc thành phố Hà Nội.[7]

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Phường Phương Liệt có diện tích 93,84 ha (0,94 km2), dân số năm 2022 là 25.817 người, mật độ dân số đạt 27.511 người/km².[1][2] Phường Phương Liệt có địa giới hành chính:

Đường phố

[sửa | sửa mã nguồn]

Di tích lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Đình Phương Liệt

[sửa | sửa mã nguồn]

Đình Phương Liệt nằm trên phố Phương Liệt, liền kề khu dân cư và nhìn theo hướng đông nam, là nơi thờ thần Cao Sơn Đại vương và Thành hoàng làng Tích Lịch Hỏa Quang – tức Hỏa Quang tôn thần.[8] Trước đây ở cửa đình có giếng lớn và ao tụ thủy, là nơi cầu mong hạnh phúc, trường tồn cùng với nghi môn trụ biểu to lớn, mặt trụ đắp các đôi câu đối bằng vôi vữa; nhưng nay không còn nữa.[9] Khuôn viên đình hiện gồm Nghi môn trụ biểu, Tả mạc, Đại đình, sân, vườn cùng các công trình phụ trợ. Nghi môn được xây dựng đơn giản với hai trụ biểu bằng vôi vữa tạo lối đi vào đình. Tòa Đại đình nằm ở cuối sân, được xây theo kiểu tường hồi bít đốc năm gian, hai mái chảy lợp ngói ri; cửa gỗ kiểu ván bức bàn. Bên trong, kiến trúc gỗ được kết cấu thống nhất kiểu thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ bẩy trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Hoa văn trang trí ở đây đơn giản, chủ yếu là bào trơn đóng bén, soi gờ chạy chỉ tạo sự bền chắc cho bộ khung đỡ mái. Các mảng cốn, kẻ chạm khắc đơn giản các đề tài tứ linh và hoa văn lá lật. Cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Gian giữa Đại đình là nơi bài trí nhang án, bên trên đặt đồ thờ tự và bài vị của Thành hoàng làng. Bên trái đình là nhà Tả mạc làm kiểu nhà dọc với ba gian, hai mái chảy lợp ngói ri là nơi chuẩn bị đồ tế lễ lên Thành hoàng. Tiền đường kết nối với hậu cung theo hình chữ “đinh”. Xung quanh là một đài liệt sĩ, hệ thống sân, vườn và khu phụ. Trong đình Phương Liệt hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật như đỉnh đồng, cây nến, bát hương.[8][9]

Đình Phương Liệt cũng là di tích cách mạng – kháng chiến của thành phố Hà Nội. Cuối năm 1944, đây là nơi hoạt động bí mật, là trạm thông tin liên lạc, nhận tài liệu phục vụ tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đây là nơi học tập bí mật, tập trung lực lượng vạch kế hoạch giành chính quyền ở làng cũng như trong vùng. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, tại sân đình tổ Việt Minh đã tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân tổ chức mít tinh, tuyên bố giành chính quyền. Hai nhà Tả Hữu mạc của đình lúc đó được sử dụng làm trụ sở làm việc của Ủy ban cách mạng lâm thời, sau này là trụ sở của Ủy ban kháng chiến lâm thời. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình và chùa là nơi đi lại, cất giấu vũ khí, tài liệu của các chiến sĩ biệt động.[9] Năm 1993, đình Phương Liệt được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2001, quận Thanh Xuân đã đầu tư kinh phí để phục hồi lại Hậu cung đình – nơi đã bị bom Mỹ đánh sập trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1965–1972). Năm 2010, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đình được UBND thành phố Hà Nội gắn biển Di tích cách mạng – kháng chiến.

Miếu thờ Trạng nguyên Lưu Danh Công

[sửa | sửa mã nguồn]

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa bàn phường Phương Liệt có hai đường lớn chạy qua là đường Trường Chinhđường Giải Phóng, cùng với các phố nhỏ đi qua khu dân cư là phố Phương Liệt, phố Vọng, phố Phan Đình Giót, phố Nguyễn Văn Trỗi, phố Định Công, phố Nguyễn Lân và phố Hà Kế Tấn.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Báo cáo thuyết minh tổng hợp "Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 - quận Thanh Xuân - thành phố Hà Nội". Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân (Bản báo cáo). 2021. tr. 20. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2022.
  2. ^ a b “Thông báo 24/TB-UBND Hà Nội 2022 đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 cập nhật 09h00 ngày 07/01/2022”. LuatVietnam. 7 tháng 1 năm 2022.
  3. ^ Tổng cục Thống kê
  4. ^ a b “Giới thiệu chung”. Trang thông tin điện tử Phường Phương Liệt. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2023.
  5. ^ Nguyễn Vinh Phúc (2004). Phố và đường Hà Nội. Hà Nội: Nhà xuất bản Giao thông vận tải. tr. 691.
  6. ^ a b Nguyễn Ngọc Tiến (17 tháng 12 năm 2022). “Làng tôi, năm 1972...”. Hà Nội mới. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
  7. ^ Chính phủ (22 tháng 11 năm 1996). “Nghị định của Chính phủ số 74-CP ngày 22 tháng 11 năm 1996 về việc thành lập quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, thành lập và đổi tên một số phường thuộc thành phố Hà Nội”. Thư viện Pháp luật.
  8. ^ a b Thủy Hương. “Đình Phương Liệt”. Hà Nội mới. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
  9. ^ a b c “Đình Phương Liệt”. Cổng thông tin điện tử quận Thanh Xuân. 13 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.