Nguyễn Trọng Tạo
Nguyễn Trọng Tạo | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 25 tháng 8, 1947 |
Nơi sinh | Nghệ An |
Mất | |
Ngày mất | 7 tháng 1, 2019 | (71 tuổi)
Nguyên nhân | ung thư phổi |
An nghỉ | Nghệ An |
Nơi cư trú | Hà Nội |
Giới tính | nam |
Quốc tịch | Việt Nam |
Đảng chính trị | Đảng Cộng sản Việt Nam |
Nghề nghiệp | nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ |
Lĩnh vực | văn học, âm nhạc |
Sự nghiệp âm nhạc | |
Dòng nhạc | nhạc trữ tình, dân ca |
Tác phẩm |
|
Giải thưởng | Danh sách |
Sự nghiệp văn học | |
Thể loại | thơ |
Tác phẩm |
|
Giải thưởng | Danh sách |
Binh nghiệp | |
Thuộc | Quân đội nhân dân Việt Nam |
Quân chủng | Tổng cục Chính trị |
Năm tại ngũ | 1969-1988 |
Giải thưởng | |
Giải thưởng Nhà nước 2012 Văn học Nghệ thuật | |
Nguyễn Trọng Tạo (1947– 2019) là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ Việt Nam. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012 với tư cách là một nhà thơ. "Làng Quan họ quê tôi", "Khúc hát sông quê" là những ca khúc nổi tiếng nhất của ông với tư cách là một nhạc sĩ.
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Là một người rất thông minh, chịu khó tự học và đa tài nhưng Nguyễn Trọng Tạo không hề có bằng cấp gì. Ông từng giành giải nhì trong cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc khi ông học lớp 10 nhưng ông lại không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Ông cũng theo học khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa đầu tiên này không yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông) nhưng cũng không có bằng tốt nghiệp.[1]
Nguyễn Trọng Tạo nhập ngũ năm 1969 tại Quân khu 4. Sau đó ông làm Đội trưởng Đội tuyên truyền văn hóa Đoàn 22B, Trưởng đoàn văn công xung kích Sư đoàn 341B.
Năm 1976 ông được Tổng cục Chính trị điều về Hà Nội tham gia Trại viết văn quân đội rồi vào học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 1. Năm 1981, vì sự cố xuất bản bài thơ “Tản mạn thời tôi sống”, Nguyễn Trọng Tạo đã có ý định tự tử bằng hai khẩu súng ngắn.[2] Sau đó, ông chấp nhận lệnh điều động vào công tác ở Nhà văn hóa Quân khu Bốn, phải bỏ dở việc học ở Trường viết văn Nguyễn Du khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là tốt nghiệp.[3]
Năm 1988, ông chuyển về Huế làm làm Trưởng ban Biên tập xuất bản Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên. Năm 1990, ông cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Nguyễn Quang Lập sáng lập Tạp chí Cửa Việt, làm biên tập và phụ trách mỹ thuật tạp chí này, bộ đầu tiên gồm 17 số.[4]
Năm 1997, Nguyễn Trọng Tạo ra Hà Nội, công tác ở Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.[4] Năm 2000–2005 ông là Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ (2003–2004) rồi về hưu.[5]
Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngày 7 tháng 1 năm 2019, Nguyễn Trọng Tạo qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai, vì căn bệnh ung thư phổi.
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Là người đa tài, Nguyễn Trọng Tạo vừa làm thơ, vừa sáng tác nhạc, vừa viết báo, vừa làm họa sĩ vẽ bìa sách. Trong đó, hai lĩnh vực là thi ca và âm nhạc, ở lĩnh vực nào ông cũng là người được xem là đứng ở top đầu. Cả cuộc đời ông có hơn 20 đầu sách về văn, thơ, tiểu luận phê bình văn học, nhạc và hàng ngàn bìa sách.[6]
Sự nghiệp lớn nhất của Nguyễn Trọng Tạo là thơ. Ông làm thơ rất sớm từ năm 14 tuổi, xuất bản tập thơ đầu tiên năm 1974.[6] Ông đã in 10 tập thơ với 6 giải thưởng văn học; Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như: “Đồng dao cho người lớn”, “Nương thân”, “Thế giới không còn trăng”, “Con đường của những vì sao”, “Trường ca Đồng Lộc”, “Ký ức mắt đen”, “Trường ca Biển mặn”… Một số thơ và truyện ngắn của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha.[7] Tập thơ song ngữ Việt - Anh Ký ức mắt đen (Memory of black eyes) của ông do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2010 (do nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và chuyên gia ngôn ngữ của Mỹ Hilary Watts chọn và chuyển ngữ).[8]
Ông là người khởi xướng “Thơ đời thường” để thoát khỏi dòng thơ tụng ca tràn ngập trước đó. Đó là những bài thơ từng gây chấn động văn đàn như: "Đồng dao cho người lớn", "Tản mạn thời tôi sống", "Tin thì tin không tin thì thôi".[9] Và có lẽ đỉnh điểm trong dòng “Thơ đời thường” của ông là bài "Tản mạn thời tôi sống".[10] Có thể nói bài thơ "Tản mạn thời tôi sống" là một trong những tín hiệu báo trước của văn học đổi mới.[11]
Về âm nhạc, Nguyễn Trọng Tạo sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi.[7] Cho đến nay, Nguyễn Trọng Tạo đã sáng tác khoảng gần 100 ca khúc. Bên cạnh những ca khúc khúc đậm chất dân gian nổi tiếng như “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, còn có những ca khúc ghi đậm dấu ấn cá nhân của ông như: “Đôi mắt đò ngang”, “Tình ca bên một dòng sông”, “Non nước Cao Bằng”, “Mẹ tôi”, “Đồng Lộc thông ru”, “Tình ca hạt giống vàng”, “Trống hội cổng làng”, “Tình Thu”, “Tình Đông”, “Tình Xuân”, “Tình Hạ”, “Con dế buồn”, “Mưa”, “Nghe biển ru đêm”, “Tình ca hoa cúc biển”…[9] Nhạc phẩm “Làng quan họ quê tôi” của ông từng được Dàn nhạc Giao hưởng Leipzig trình tấu trong Tuần văn hóa Việt - Đức.[12][7]
Ông đã có 2 liveshow thơ, nhạc "Khúc hát sông quê" tổ chức vào tháng 8-2018 tại Hà Nội và 8-2018 tại Nghệ An.[13][9]
Nguyễn Trọng Tạo đã bắt đầu viết báo từ ngày còn ở Quân khu IV thời chiến tranh. Khi chuyển ngành về Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên năm 1986, ông viết bài cho tạp chí “Sông Hương” lúc ấy rất nổi tiếng; tham gia biên tập, vừa là người chịu trách nhiệm mỹ thuật kể cả khâu in ấn cho tạp chí “Cửa Việt”. Năm 1997, ông chuyển về làm Thư ký Tòa soạn “Tạp chí Âm nhạc”, và làm chủ ở “Tạp chí Âm nhạc” cho đến khi về hưu. Đồng thời với “Tạp chí Âm nhạc”, ông còn được mời làm chủ tờ báo “Thơ” (phụ bản của báo Văn nghệ). Ở tờ “Thơ”, ông được toàn quyền làm cả nội dung và hình thức (từ nội dung, mỹ thuật, đến in ấn).[14]
Nguyễn Trọng Tạo còn là họa sĩ minh họa và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt, tạp chí Âm nhạc, báo Thơ, tác giả măng-sét tạp chí Sông Hương, Sông Lam, Hồng Lĩnh, báo Thơ v.v...
“ | … Là một nhà văn hóa đa tài, cả nhạc, thơ, họa và phê bình văn học nghệ thuật, cả 4 loại hình này anh đứng ở tốp đầu của cả nước, anh Nguyễn Trọng Tạo được nhiều người ngưỡng mộ, yêu thương hết mực kể cả nữ và nam. Tình yêu và tình bạn đã tạo cảm hứng để anh cho ra đời nhiều tác phẩm bất hủ cả thơ và nhạc để lại cho thế hệ mai sau. | ” |
— Tiến sĩ Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin [5] |
Năm 2012, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với với cụm tác phẩm: với cụm tác phẩm: Đồng dao cho người lớn (tập thơ); Con đường của những vì sao (trường ca Đồng Lộc).[15]
Sự cố từ bài thơ “Tản mạn thời tôi sống”
[sửa | sửa mã nguồn]Bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” của Nguyễn Trọng Tạo được viết năm 1981, ở thời điểm đời sống đã có nhiều khó khăn, thất vọng và hoài nghi, lúc này ông mới ngoài ba mươi tuổi. Bài thơ viết với một giọng thơ mới mẻ, một cách nhìn cuộc sống không giống ai, đề cập đến một hiện thực đau đớn, trần trụi, phơi bày cái nghèo nàn, cái hoang mang, sự thất vọng và cả sự sụp đổ thần tượng một thời. Đó thực chất là một cách “nhìn thẳng vào sự thật”, một cách vượt thoát khỏi những dư tưởng thời chiến tranh, vượt thoát khỏi những giáo điều để đưa thơ vào thế tục. Nhiều người cho rằng bài thơ này là một trong những bài thơ nổi bật của thập kỷ 1980.[16]
Bài thơ được Nguyễn Trọng Tạo viết trong một đêm ở khu tập thể Vân Hồ. Khi viết xong bài thơ, chính ông đọc lại cũng thấy choáng váng.[17] Bài thơ sau đó được truyền miệng cho nhiều bạn bè cùng nghe. Rất nhiều người đã tán thưởng. Rồi nhà văn Hoàng Minh Châu đã quyết định cho in bài thơ này trên báo Văn nghệ. Vừa in ra, dư luận đã râm ran. Độc giả và cả giới văn học truyền tay nhau đọc và bình luận. Nhưng sau đó không lâu là sự phản hồi từ một số người quản lý… Nguyễn Trọng Tạo bắt buộc phải tham gia những cuộc họp, kiểm điểm lên xuống. Cuộc sống trở nên tối tăm, đến nỗi có lúc ông đã định kết thúc cuộc sống của mình bằng hai khẩu súng ngắn.[18] Sau đó, Nguyễn Trọng Tạo chấp nhận lệnh điều động vào công tác ở Nhà văn hóa Quân khu Bốn, buộc phải bỏ dở việc học ở Trường viết văn Nguyễn Du khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là tốt nghiệp.[16]
Năm năm sau, đến thời kỳ “Đổi mới”, bài thơ của ông được in lại, được phát trên đài, và năm 1987 chính báo Văn Nghệ đã đăng bài của Phạm Quang Long nhận định rằng: “Dòng văn học Đổi mới đã được khơi nguồn từ nhiều năm trước Đổi mới, với bài thơ "Tản mạn thời tôi sống" của Nguyễn Trọng Tạo”.[17]
Tác phẩm
[sửa | sửa mã nguồn]Thơ [19]
[sửa | sửa mã nguồn]- Tình yêu sáng sớm (in chung với Nguyễn Quốc Anh), 1974
- Gương mặt tôi yêu (in chung với Trần Nhương, Khuất Quang Thụy), 1980
- Sóng nhà đêm biếc tôi yêu (in chung với Nguyễn Hoa, Nguyễn Thụy Kha), 1984
- Sóng thủy tinh, 1988
- Gửi người không quen, 1989
- Đồng dao cho người lớn, 1994, 1999
- Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống, 1995
- Nương thân, 1999
- Thơ trữ tình, 2001
- 36 bài thơ, 2006
- Thế giới không còn trăng, 2006
- Em đàn bà, 2008
- Ký ức mắt đen, (song ngữ Việt – Anh), 2010
- Thơ và Trường ca, 2011
- Nến trắng (tam ngữ Việt – Anh – Ba Lan), 2014
- Mẹ tôi
- Dòng sông mặc áo
Trường ca
[sửa | sửa mã nguồn]- Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), 1981, 2008
- Tình ca người lính, 1984
Văn xuôi
[sửa | sửa mã nguồn]- Miền quê thơ ấu, 1988, tái bản với tên Mảnh hồn làng 1997, 2002, 2005
- Ca sĩ mùa hè. 1991, 1998, 2003...
- Khoảnh khắc thời bình, 1987
- Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ, 2001
Tiểu luận, phê bình
[sửa | sửa mã nguồn]- Văn chương cảm và luận, 1999
Ca khúc
[sửa | sửa mã nguồn]- “Làng quan họ quê tôi”,
- “Khúc hát sông quê”,
- “Đôi mắt đò ngang”,
- “Tình ca bên một dòng sông”,
- “Non nước Cao Bằng”,
- “Mẹ tôi”,
- “Đồng Lộc thông ru”,
- “Tình ca hạt giống vàng”,
- “Trống hội cổng làng”,
- “Tình Thu”,
- “Tình Đông”,
- “Tình Xuân”,
- “Tình Hạ”,
- “Con dế buồn”,
- “Mưa”,
- “Nghe biển ru đêm”,
- “Tình ca hoa cúc biển”…
Tuyển tập ca khúc
[sửa | sửa mã nguồn]- Ca khúc Nguyễn Trọng Tạo, 1996
- Tình khúc bốn mùa, 1996
- Khúc hát sông quê, 2002
Liveshow cá nhân
[sửa | sửa mã nguồn]- "Khúc hát sông quê" (liveshow thơ, nhạc) tổ chức vào tháng 8-2018 tại Hà Nội.[13]
- "Khúc hát sông quê" (liveshow thơ, nhạc) tổ chức vào tháng 8-2018 tại Nghệ An.[9]
Tổng tập
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi ông qua đời, gia đình, bạn bè đã hoàn thành bộ “Tuyển tập Nguyễn Trọng Tạo”, gồm 3 tập dày gần 2.000 trang in, giới thiệu 348 bài thơ, trường ca và 72 bài nhạc; 9 truyện ngắn và vừa; 13 tạp văn, 13 bài trả lời phỏng vấn và 86 bài viết về văn chương - cảm - luận, lý luận phê bình, chân dung, tự sự.[20]
Vinh danh
[sửa | sửa mã nguồn]- Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012
Giải thưởng văn học [21]
[sửa | sửa mã nguồn]- Giải thưởng thơ Nghệ An (1969)
- Giải thưởng thơ hay báo Văn nghệ do độc giả bình chọn (1978)
- Giải thưởng thơ hay báo Nhân dân (1978)
- Giải thưởng thơ hay tạp chí Văn nghệ quân đội (1978)
- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1989–1994) cho tập truyện Miền quê thơ ấu
- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1995–2000) cho tập thơ Đồng dao cho người lớn
- 2 Giải thưởng của Bộ Văn hóa và Thông tin cho bìa sách đẹp: Những con chim kêu đêm, Khát
Giải thưởng âm nhạc [21]
[sửa | sửa mã nguồn]- Giải thưởng đặc biệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Bắc (1981) cho ca khúc "Làng Quan họ quê tôi"
- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương (1997–2002) cho ca khúc "Đôi mắt đò ngang"
- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (1997) của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho ca khúc "Đôi mắt đò ngang"
- 5 lần đạt Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các ca khúc: "Mặt trời trong thành phố" (1983); "Đường về Thạch Nham" (1984); "Con dế buồn" (1997); "Đồng Lộc thông ru" (1998); "Khúc hát sông quê" (2005)
- Giải thưởng của Hội Nông dân Việt Nam (2001) cho ca khúc "Cánh đồng ở giữa hai làng"
- Giải thưởng (cup) Những ca khúc hay về Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (1945–2010) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho 2 ca khúc "Làng Quan họ quê tôi" và "Khúc hát sông quê"
Đời tư
[sửa | sửa mã nguồn]Hôn nhân của Nguyễn Trọng Tạo có nhiều trục trặc. Vợ đầu của ông sống ở quê có một cô con gái. Sau khi ly hôn ông tái hôn với một cô giáo ở thành phố Huế có hai người con, một trai, một gái nhưng rồi cũng ly hôn. Cuối đời ông sống một mình.[22]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Thiên Điểu (9 tháng 1 năm 2019). “Lễ viếng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 'Mừng bác lên tiên!'”. tuoitre.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ Yên Khương (5 tháng 3 năm 2009). “Nguyễn Trọng Tạo và "Thơ viết trong đêm tự tử"”. thethaovanhoa.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ Thiên Sơn (12 tháng 1 năm 2019). “Nguyễn Trọng Tạo, 'kẻ vớt trăng bao lần trăng vỡ nát'”. nongnghiep.vn. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
- ^ a b Phạm Ngọc Tiến (20 tháng 5 năm 2023). “Nguyễn Trọng Tạo - Người đa tài không tuổi”. dbndnghean.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ a b Nguyễn Khang (13 tháng 6 năm 2024). “Cõi nhớ - tri ân người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo”. nhiepanhdoisong.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ a b Phạm Ngọc Tiến (20 tháng 5 năm 2023). “Nguyễn Trọng Tạo - Người đa tài không tuổi”. dbndnghean.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ a b c Nguyễn Khang (13 tháng 6 năm 2024). “Cõi nhớ - tri ân người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo”. nhiepanhdoisong.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ Huy Sơn (8 tháng 1 năm 2010). “Nguyễn Trọng Tạo và Ký ức mắt đen”. tuoitre.vn. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2024.
- ^ a b c d Đặng Hà (5 tháng 8 năm 2018). “Nguyễn Trọng Tạo - "Mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió"”. daibieunhandan.vn. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2024.
- ^ Nguyễn Trọng Tạo (28 tháng 7 năm 2016). “Tâm sự về đổi mới thơ của một nhà thơ thế hệ chiến tranh”. tapchisonghuong.com.vn. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
- ^ Lê Minh Quốc (8 tháng 1 năm 2019). “Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Mai sau tôi chết trong thơ...”. tuoitre.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ Nguyễn Việt Chiến (22 tháng 6 năm 2024). “Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Một tượng đài thi ca”. cand.com.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ a b Hà Thu (9 tháng 9 năm 2017). “Liveshow Nguyễn Trọng Tạo thấm đẫm hồn quê”. vnexpress.net. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2024.
- ^ Nguyễn Thụy Kha (6 tháng 7 năm 2024). “Có một Nguyễn Trọng Tạo - Nhà báo”. baodanang.vn. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
- ^ “Quyết định của Chủ tịch Nước về việc tặng các Danh hiệu vinh dự Nhà nước” (Thông cáo báo chí). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 15 tháng 5 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2024.
- ^ a b Thiên Sơn (12 tháng 1 năm 2019). “Nguyễn Trọng Tạo, 'kẻ vớt trăng bao lần trăng vỡ nát'”. nongnghiep.vn. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
- ^ a b Nguyễn Trọng Tạo (28 tháng 7 năm 2016). “Tâm sự về đổi mới thơ của một nhà thơ thế hệ chiến tranh”. tapchisonghuong.com.vn. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
- ^ Yên Khương (5 tháng 3 năm 2009). “Nguyễn Trọng Tạo và "Thơ viết trong đêm tự tử"”. thethaovanhoa.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ Tác phẩm thơ
- ^ Nguyễn Việt Chiến (22 tháng 6 năm 2024). “Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Một tượng đài thi ca”. cand.com.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
- ^ a b “Tác giả NGUYỄN TRỌNG TẠO (1947 – 2019)”. thuvienquangnam.org.vn. 26 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
- ^ Phạm Ngọc Tiến (20 tháng 5 năm 2023). “Nguyễn Trọng Tạo - Người đa tài không tuổi”. dbndnghean.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2024.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]Wikiquote có sưu tập danh ngôn về: |
- Trang web chính thức Lưu trữ 2016-09-20 tại Wayback Machine