Bước tới nội dung

Banteay Srei

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Banteay Srei
Map
Vị trí địa lý
Vị tríAngkor, Campuchia
Văn hóa
Vị thần chínhShiva
Kiến trúc
Kiểu dáng kiến trúcKiến trúc Khmer
Lịch sử và sự quản lý
Ngày xây dựng967

Banteay Srei (hay Banteay Srey) là một ngôi đền Campuchia được xây để thờ thần HinduShiva. Ngôi đền "Banteay Srei" (đền của phụ nữ) vào thế kỷ thứ 10 hay còn gọi là "Tribhuvanamahesvara" này tọa lạc tại khu vực Angkor ở Campuchia, tại tọa độ 13,59 độ vĩ bắc, 103,96667 độ kinh đông, ngôi đền này nằm gần đồi Phnom Dei, cách 25 km (15 dặm) về phía đông bắc của nhóm các đền đã từng thuộc về các kinh đô cổ đại của YasodharapuraAngkor Thom[1]. Banteay Srei được xây chủ yếu bằng đá sa thạch đỏ, một chất pha màu được thêm vào những bức điêu khắc trang trí tỉ mỉ trên tường mà ngày nay vẫn còn được nhìn thấy. Những công trình này là một vật thu nhỏ khi lấy các công trình Angkor làm tiêu chuẩn. Những yếu tố này giúp cho ngôi đền nổi tiếng với du khách, và được nhắc đến với các tên "viên ngọc quý", hoặc "trang sức của nghệ thuật Khmer"[2].

Mô tả đền

[sửa | sửa mã nguồn]

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]
Nghệ thuật điêu khắc trên đá sa thạch đỏ trên khắp các bức tường của Banteay Srei
Banteay Srei biết đến là một trong những ngôi đền có nghệ thuật điêu khắc tinh vi
Trang trí thần Shiva trên các bức tường Banteay Srei

Ngôi đền là bức tranh tuyệt tác về nghệ thuật điêu khắc trên đá ongsa thạch đỏ.Bản thân ngôi đền được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật trên đá với những bức phù điêu hoa văn một cách tinh tế và khéo léo từng chi tiết nhỏ. Ngôi đền ban đầu thờ thần Shiva, trong khi đó ngôi đền phía Bắc lại thờ thần Vishnu.

Đầu tiên ngôi đền này có tên là Tribhuvanamahesvara - nơi đây được xem là trung tâm hình ảnh của tôn giáo. Bao bọc xung quanh ngôi đền có rất nhiều tháp mà người ta gọi là Isvarapura.

Về sau, tên gọi của ngôi đền mới được sửa lại là Banteay Srei. Tuy nhiên, so với việc xây dựng từ ban đầu, nó được chính thức xây dựng và mở rộng lại vào thế kỷ thứ 8, mãi đến những năm sau đó, các họa tiết trong đền mới được điêu khắc vào thế kỷ thứ 12 và ngôi đền chính thức hoàn thành trọn vẹn vào thế kỷ 14.

Chi tiết

[sửa | sửa mã nguồn]

Đường đi đến Banteay Srei rất tốt, được cải tiến rất nhiều so với mấy năm trước đây. Hai bên đường là các hàng cây được trồng và tân trang lại.Những ngôi nhà dân sinh sống trong khu vực ngôi đền trước đây được chính quyền Siêmriep mua lại và mở rộng khu di tích.

Đền Banteay Srei là tuyệt tác của nghệ thuật tôn giáo Bà-la-môn Ấn Độ. Đền gồm ba lớp, qua cầu đá đi vào cổng đền là vòng ngoài, đến cầu đá thứ hai qua hào nước (nay không còn) là cổng vào vòng giữa và cuối cùng là vòng trong gồm các đền thờ và hai toà kiến trúc gọi là "thư viện". Trước ảnh (mandapa) nối với trung tâm đền là các tượng người bảo vệ đền. Các tượng này thật ra chỉ là tượng sao bản, tượng cổ nguyên thủy hiện nay được giữ bảo quản ở Viện bảo tàng Quốc gia Phnom Penh. Trên mi cửa (lintel) ở cửa hành lang điện sảnh là những điêu khắc tỉ mỉ. Có nhiều hoa văn trên đá như hoa lá, các con Phật sư hay những con sư tử và các vị thần linh được điêu khắc một cách tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ nhất. Trên sân nhỏ giữa đền ở vòng trong có ba đền thờ: kiến trúc đền thờ phía Bắc thờ thần Vishnu, đền trung tâm và đền phía Nam thờ thần Shiva.

Tình trạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngôi đền chính thức bị quên lãng sau nhiều thập kỷ liên tiếp cùng chung số phận với hơn 45 cụm di tích khác trong quần thể Angkor. Sau đó ngôi đền chính thức được phát hiện vào năm 1914 bởi các nhà khảo cổ người Pháp.

Năm 1923, một nhà văn Pháp trẻ 22 tuổi André Malraux cùng vợ và một người bạn đã đục lấy đi các tượng tổng cộng hơn 600 ký, chở đi trên ba xe bò, và sau đó dùng tàu thủy đến Phnom Penh để bán cho người mà họ đã thương lượng trước đó. Nhưng may thay, tại đấy, cả ba bị bắt và bị kết án ba năm tù. Bản án tuy vậy không được thực thi nhưng vụ án này đã được phổ biến rộng rãi trên báo chí và từ đó thúc dục nhà cầm quyền thực thi vai trò quan trọng của sự bảo tồn và bảo vệ những kiến trúc quý giá ở Angkor. Phương pháp phục hồi (analystolosis) bắt đầu được dùng đầu tiên bởi nhà khảo cổ Marchal ở đền Banteay Srei để phục hồi những chỗ bị hư hại. Nhà văn Vương Hồng Sển khi viếng Banteay Srei vào năm 1940, thấy đền hầu như nguyên vẹn sau khi được phục hồi, lúc đó còn ở giữa rừng hoang.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Phan Minh Châu, Cùng bạn khám phá thế giới - Sapaco Tourist
  • Freeman, Michael và Claude Jacques (1999). Ancient Angkor. River Books. ISBN 0-8348-0426-3
  • Glaize, Maurice (2003 edition of an English translation of the 1993 French fourth edition). The Monuments of the Angkor Group. Truy cập 14 tháng 7 2005
  • Higham, Charles (2001). The Civilization of Angkor. Phoenix. ISBN 1-84212-584-2
  • Jessup, Helen Ibbetson (2004). Art & Architecture of Cambodia. Thames & Hudson. pp. 99–104
  • Rovedo, Vittorio (1997). Khmer Mythology: Secrets of Angkor. New York: Weatherhill. (This work should be used with caution. While it is thorough in its treatment of Angkorian representational art, and contains many useful photographs, it is sometimes inaccurate in its characterization of the underlying Indian myths, and does not reflect a thorough investigation of sources for those myths.)
  • Banteay Srei Lưu trữ 2008-06-28 tại Wayback Machine

Thư viện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Higham, The Civilization of Angkor, p.79.
  2. ^ Glaize, The Monuments of the Angkor Group p. 183.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]