Bước tới nội dung

Bến Tre (thành phố)

Bến Tre
Thành phố thuộc tỉnh
Thành phố Bến Tre
Biểu trưng
Một góc thành phố Bến Tre
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhBến Tre
Trụ sở UBND7A Đồng Khởi, phường An Hội
Phân chia hành chính8 phường, 6 xã
Thành lập2009[1]
Loại đô thịLoại II
Năm công nhận2019[2]
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDHuỳnh Vĩnh Khánh
Chủ tịch HĐNDVõ Thanh Hồng
Bí thư Thành ủyNguyễn Văn Tuấn
Địa lý
Tọa độ: 10°14′25″B 106°22′44″Đ / 10,24028°B 106,37889°Đ / 10.24028; 106.37889
MapBản đồ thành phố Bến Tre
Bến Tre trên bản đồ Việt Nam
Bến Tre
Bến Tre
Vị trí thành phố Bến Tre trên bản đồ Việt Nam
Diện tích70,62 km²
Dân số (2023)
Tổng cộng204.768 người[3]
Mật độ2.899 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa, Khmer
Khác
Mã hành chính829[4]
Biển số xe71-B1-B2-B3-B4-AA
Websitethanhphobentre.bentre.gov.vn

Bến Trethành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bến Tre, Việt Nam.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Vị trí địa lý[5]

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Bến Tre cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 87 km theo tuyến Quốc lộ 1 - Quốc lộ 60 và cách Thành phố Cần Thơ khoảng 121 km theo tuyến Quốc lộ 60 - Quốc lộ 57. Tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh - Trà Vinh đi vào hoạt động giúp tỉnh Bến Tre thoát khỏi sự ngăn cách về địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Bến Tre phát huy vai trò trung gian giao lưu hàng hóa giữa các huyện trong tỉnh với các trung tâm quan trọng khác ngoài tỉnh.

Năm 2023, thành phố Bến Tre có diện tích 70,62 km², dân số trung bình là 125.750 người, mật độ dân số đạt 1.781 người/km². Trong đó, dân số ở khu vực thành thị là 67.240 người, chiếm 53,5%, dân số ở khu vực nông thôn là 58.510 người, chiếm 46,5%).[6]

- Về tọa độ địa lý:

  • Vĩ độ Bắc từ 10o12'00'' đến 10o17'00'';
  • Kinh độ Đông từ 106o19'01'' đến 106o27'01''.

- Về ranh giới địa lý hành chính:

Địa hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Bến Tre có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống kênh rạch chằng chịt có khuynh hướng thấp dần từ hướng Tây Bắc xuống Đông Nam; cao độ trung bình so với mực nước biển từ 0,7 - 1,6 m và là vùng đất nổi phù sa trên nền đất thấp được bao bọc bởi sông Hàm Luông về phía Tây, sông Bến Tre về phía Nam, kênh Chẹt Sậy về phía Đông; được chia làm 3 vùng địa hình khác nhau, các xã vùng thấp tập trung ở các khu vực như: xã Bình Phú, Phường 7, xã Phú Hưng, xã Mỹ Thạnh An, xã Nhơn Thạnh... thường xuyên bị nước ngập khi thuỷ triều lên xuống, đất đai vùng trung bình thuộc khu vực ngoại ô thành phố Bến Tre có độ cao từ 0,97 - 1,30 m so với mực nước biển.

Các khu vực vùng cao thuộc Phường 2, Phường 3 (nay là phường An Hội), dọc theo các trục lộ giao thông lớn và một số nơi đất giồng thuộc xã Phú Hưng có cao độ trung bình từ 1,30 - 1,60 m so với mặt nước biển.

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Bến Tre chịu ảnh hưởng chung của tỉnh Bến Tre, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa quanh năm nóng ẩm và chịu ảnh hưởng của biển Đông. Khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô (nắng).

- Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam.

- Mùa khô (nắng) từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.

Theo Niên giám Thống kê năm 2020 tỉnh Bến Tre, các số liệu về khí hậu như sau:

- Nhiệt độ: Nhiệt độ bình quân năm 2020 là 27,9oC, cao hơn so với thời điểm năm 2015 (27,5oC). Nhiệt độ bình quân cao nhất 30,3oC (tháng 5). Nhiệt độ bình quân thấp nhất 26,7oC (tháng 12).

- Độ ẩm không khí trung bình: Độ ẩm bình quân năm 2020 khá lớn khoảng 80%. Độ ẩm cao nhất vào tháng 6 (khoảng 88%). Độ ẩm thấp nhất vào tháng 2 khoảng 71%.

- Nắng: Tổng số giờ nắng năm 2020 là 2.565,1 giờ, thấp hơn so với thời điểm năm 2015 (2.702 giờ). Tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 3 (288 giờ). Tháng có số giờ nắng thấp nhất là tháng 10 (117,4 giờ).

- Gió và hướng gió: Hướng gió thịnh hành trong năm theo 2 hướng chính là Đông - Đông Bắc và Tây - Tây Nam.

  • Gió mùa Tây Nam xuất hiện trong mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Sức gió mạnh nhất vào khoảng 24 m/s.
  • Gió mùa Đông Bắc xảy ra từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, là loại gió tác động nhiều nhất trong mùa khô ở Bến Tre nói chung và thành phố Bến Tre nói riêng, tốc độ gió bình quân từ 1,0 - 1,8 m/s, mạnh nhất từ 7 – 14 m/s. Gió làm nước triều dâng, đẩy mặn xâm nhập sâu hơn vào nội địa làm cho các sông lớn của thành phố Bến Tre bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng đến cây trồng cũng như nước sinh hoạt.

- Mưa: Tổng lượng mưa năm 2020 là 1.663 mm. Các tháng 2 và tháng 3 không có mưa. Lượng mưa cao nhất trong năm là 368 mm vào tháng 10.

- Lượng bốc hơi: Những tháng trong mùa khô nắng nhiều, độ ẩm không khí thấp nên lượng bốc hơi tăng. Trong đó lượng bốc hơi mạnh nhất vào tháng 2 là 3,8 mm/ngày. Vào mùa mưa, lượng bốc hơi giảm rõ rệt còn 3,0 - 3,2 mm/ngày, tháng bốc hơi thấp nhất là tháng 10 là 2,2 mm/ngày.

Thành phố Bến Tre có 2 con sông lớn chảy qua:

  • Sông Hàm Luông: có chiều dài khoảng 72 km, đoạn chảy qua địa bàn thành phố Bến Tre có chiều dài khoảng 7,8 km, là con sông lớn nằm trọn vẹn trong địa giới tỉnh Bến Tre, lòng sông rộng và sâu, chịu chi phối mạnh bởi lũ thượng nguồn sông Mê Kông và thủy triều biển Đông. Lưu lượng nước vào mùa mưa là 3.360 m3 /s và mùa khô giảm mạnh còn 829 m3/s.
  • Sông Bến Tre: có chiều dài khoảng 30 km, đoạn chảy qua thành phố Bến Tre dài khoảng 8,2 km, từ trung tâm Cù lao Bảo (Tân Hào - Giồng Trôm), một nhánh nối với kênh Chẹt Sậy qua sông Ba Lai, một nhánh qua thành phố Bến Tre, đổ ra sông Hàm Luông. Đây là tuyến giao thông thủy quan trọng của tỉnh, nối sông Hàm Luông và sông Tiền.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời Pháp thuộc

[sửa | sửa mã nguồn]

Bến Tre đã có từ thời nhà Nguyễn và trở thành trung tâm hành chính kể từ khi Pháp đặt dinh tham biện (inspection) đầu tiên bên bờ rạch Bến Tre - viên tham biện đầu tiên là De Champeaux.

Năm 1871, sở tham biện Bến Tre là một trong số 7 sở tham biện bị bãi bỏ để sáp nhập với sở tham biện Mỏ Cày (đầu tiên là tham biện Sylvestre). Ngày 2 tháng 9 năm 1871, sở tham biện Mỏ Cày dời lỵ sở về chỗ cũ bên rạch Bến Tre.

Ngày 1 tháng 1 năm 1900, Pháp bỏ sở tham biện để thành lập tỉnh Bến Tre, tỉnh lỵ Bến Tre được nâng cấp từ sở lỵ sở tham biện Mỏ Cày trước đó.

Giai đoạn 1945–1975

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1948, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ quyết định thành lập thị xã Bến Tre trên cơ sở tách xã An Hội I và An Hội II thuộc quận Châu Thành.[8]

Ngày 22 tháng 10 năm 1956 tỉnh Bến Tre đổi tên thành tỉnh Kiến Hòa, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 143-NV để thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam. Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Nam Phần của Việt Nam Cộng hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Kiến Hòa được thành lập trên phần đất của tỉnh Bến Tre trước đó; còn tỉnh lỵ lại bị đổi tên là Trúc Giang, về mặt hành chánh thuộc xã An Hội, quận Trúc Giang. Quận Trúc Giang được thành lập do đổi tên từ quận Châu Thành trước đó, gồm có 3 tổng. Sau năm 1965, các tổng giải thể. Ngày 26 tháng 5 năm 1966, sáp nhập xã Sơn Đông tách từ quận Hàm Long và xã Nhơn Thạnh tách từ quận Giồng Trôm vào quận Trúc Giang.

Về phía chính quyền cách mạng, địa bàn quận Trúc Giang tương ứng với thị xã Bến Tre và một phần các huyện Châu Thành, Giồng Trôm.

Từ năm 1975 đến nay

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau năm 1975, thị xã Bến Tre bao gồm 5 phường: 1, 2, 3, 4, 5 và 6 xã: An Hòa, Bình Nguyên, Bình Phú, Mỹ Hoá, Mỹ Thạnh An, Phú Khương.

Ngày 14 tháng 3 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 41-HĐBT về việc phân rạch địa giới một số xã, thị trấn, thị xã thuộc tỉnh Bến Tre[9]. Theo đó, giải thể các xã Bình Nguyên, Mỹ Hoá, An Hoà và thành lập ba phường mới lấy tên phường 6, phường 7, và phường 8.

Ngày 15 tháng 3 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 46-HĐBT về việc phân vạch địa giới thị xã Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre[10]. Theo đó, cắt xã Nhơn Thạnh, xã Phú Nhuận của huyện Giồng Trôm, và xã Phú Hưng của huyện Châu Thành để nhập vào thị xã Bến Tre.

Ngày 11 tháng 4 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 114-HĐBT về việc điều chỉnh địa giới huyện Châu Thành và thị xã Bến Tre[11]. Theo đó, tách xã Sơn Đông của huyện Châu Thành để sáp nhập vào thị xã Bến Tre.

Ngày 25 tháng 6 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 41/1999/NĐ-CP về việc thành lập phường Phú Khương thuộc thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre[12]. Theo đó, thành lập phường Phú Khương thuộc thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Phú Khương. Phường Phú Khương có 597 ha diện tích tự nhiên và 15.414 nhân khẩu. Thị xã Bến Tre có 9 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Khương và 6 xã: Bình Phú, Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh, Phú Hưng, Phú Nhuận, Sơn Đông.

Ngày 9 tháng 8 năm 2007, Bộ Xây dựng công nhận thị xã Bến Tre là đô thị loại III.

Ngày 9 tháng 2 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập xã, phường thuộc huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách, thị xã Bến Tre; Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách để thành lập huyện Mỏ Cày Bắc thuộc tỉnh Bến Tre[13]. Theo đó, thành lập phường Phú Tân trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của phường Phú Khương và xã Phú Hưng:

  • Thành lập phường Phú Tân trên cơ sở điều chỉnh 295,53 ha diện tích tự nhiên và 4.664 nhân khẩu của phường Phú Khương; 64,6 ha diện tích tự nhiên và 1.825 nhân khẩu của xã Phú Hưng. Phường Phú Tân có 360,13 ha diện tích tự nhiên và 6.489 nhân khẩu.
  • Điều chỉnh 81,69 ha diện tích tự nhiên và 1.289 nhân khẩu của xã Phú Hưng về phường Phú Khương quản lý. Phường Phú Khương có 365,91 ha diện tích tự nhiên và 11.602 nhân khẩu.
  • Xã Phú Hưng còn lại 1.012,33 ha diện tích tự nhiên và 10.870 nhân khẩu.

Ngày 11 tháng 8 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/2009/NQ-CP về việc thành lập thành phố Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre[1]. Thành phố Bến Tre có diện tích tự nhiên 6.742,11 ha và 143.639 nhân khẩu, 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Khương, Phú Tân và các xã: Sơn Đông, Bình Phú, Phú Hưng, Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh, Phú Nhuận.

Ngày 5 tháng 4 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để mở rộng địa giới hành chính thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre[14]. Theo đó, điều chỉnh 362,73 ha diện tích tự nhiên và 3.390 nhân khẩu của huyện Châu Thành về thành phố Bến Tre quản lý, bao gồm toàn bộ 311,26 ha diện tích tự nhiên và 2.985 nhân khẩu của xã Mỹ Thành; 51,47 ha diện tích tự nhiên và 405 nhân khẩu của xã Hữu Định (trong đó có 10,71 ha diện tích tự nhiên và 100 nhân khẩu sáp nhập vào xã Sơn Đông; 40,76 ha diện tích tự nhiên và 305 nhân khẩu sáp nhập vào phường Phú Tân, thành phố Bến Tre).

  • Xã Sơn Đông thuộc thành phố Bến Tre sau khi tiếp nhận một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Hữu Định, huyện Châu Thành có 1.078,04 ha diện tích tự nhiên và 12.465 nhân khẩu.
  • Phường Phú Tân thuộc thành phố Bến Tre sau khi tiếp nhận một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Hữu Định, huyện Châu Thành 419,39 ha diện tích tự nhiên và 7.459 nhân khẩu.
  • Sau khi điều chỉnh, thành phố Bến Tre có 7.111,51 ha diện tích tự nhiên và 150.530 nhân khẩu; có 10 phường và 07 xã, gồm các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Khương, Phú Tân và các xã Phú Hưng, Sơn Đông, Bình Phú, Mỹ Thành, Mỹ Thạnh An, Phú Thuận, Nhơn Thạnh.

Ngày 13 tháng 2 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 174/QĐ-TTg công nhận thành phố Bến Tre là đô thị loại II[2].

Ngày 1 tháng 2 năm 2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 856/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bến Tre[15]. Theo đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Bến Tre như sau:

  • Thành lập phường An Hội trên cơ sở nhập toàn bộ 0,26 km2 diện tích tự nhiên, 4.456 người của Phường 1; toàn bộ 0,22 km2 diện tích tự nhiên, 2.279 người của Phường 2 và toàn bộ 0,44 km2 diện tích tự nhiên, 4.767 người của Phường 3. Sau khi thành lập, phường An Hội có 0,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.502 người.
  • Nhập toàn bộ 3,11 km2 diện tích tự nhiên, 2.338 người của xã Mỹ Thành vào xã Bình Phú. Sau khi nhập, xã Bình Phú có 9,66 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.589 người.
  • Sau khi sắp xếp, thành phố Bến Tre có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 08 phường và 06 xã.

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Bến Tre có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 8 phường: 4, 5, 6, 7, 8, An Hội, Phú Khương, Phú Tân và 6 xã: Bình Phú, Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh, Phú Hưng, Phú Nhuận, Sơn Đông.

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Bến Tre[16]
Tên Diện tích (km²) Dân số (người)
Phường (8)
Phường 4 0,40 5.768
Phường 5 0,49 5.935
Phường 6 1,57 7.828
Phường 7 2,31 9.045
Phường 8 2,25 8.245
An Hội 0,91 13.813
Phú Khương 3,41 14.837
Phú Tân 4,24 10.981
Tên Diện tích (km²) Dân số (người)
Xã (6)
Bình Phú 9,66 13.199
Mỹ Thạnh An 10,29 12.972
Nhơn Thạnh 9,22 8.930
Phú Hưng 10,08 14,763
Phú Nhuận 5,09 6.218
Sơn Đông 10,69 14.107

Kinh tế - xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là nơi có nền kinh tế phát triển nhất tỉnh, các xí nghiệp may mặc, chế biến thực phẩm tập trung chủ yếu tại phường 8 và phường Phú Khương. Ngày 11 tháng 8 năm 2009, thành phố Bến Tre chính thức trở thành thành phố thuộc tỉnh. Đây là nơi có nền kinh tế phát triển nhất tỉnh Bến Tre. Tốc độ phát triển kinh tế (GDP) tăng 16,28% năm 2014.[17]. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 trên 83 triệu đồng.[18]

Hiện nay, thành phố đang triển khai xây dựng khu đô thị Hưng Phú nằm trên địa bàn phường Phú Tân.

Âm nhạc

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Anh về quê em Bến Tre (Trần Công Loa)
  • Bến tre khúc hát mong chờ (Ngô Tùng Văn)
  • Bến Tre quê tôi (Trường Thanh Nguyễn)
  • Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý)
  • Đẹp mãi Bến Tre (Lê Hồng Phúc)
  • Đừng quên em gái Bến Tre (Vũ Đức Hạnh)
  • Hát về Bến Tre ngày mới (Hữu Xuân)
  • Hương tình Bến Tre (Hà Sơn)
  • Nhớ em Cô gái Bến Tre (Linh Trần)
  • Phải lòng con gái Bến Tre (Nhạc: Phan Ni Tấn & Thơ: Luân Hoán)
  • Thương nhớ Bến Tre (Nhạc: Trịnh Thùy Mỹ & Thơ: Nguyễn Khắc Thiệu)
  • Thương quá Bến Tre (Nam Khai)
  • Tự hào dáng đứng Bến Tre (Quốc Nam)
  • Sương lạnh xứ dừa (Linh Trần)
  • Mời em về thăm xứ dừa (Linh Trần)

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Các cơ sở giáo dục đại học

[sửa | sửa mã nguồn]
Các cơ sở giáo dục đại học tại thành phố Bến Tre
Tên trường Địa chỉ Website Ghi chú
Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre 99A Quốc lộ 60, khu phố 1, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre http://vnuhcm-cbt.edu.vn/

Các trường cao đẳng

[sửa | sửa mã nguồn]
Các trường cao đẳng tại thành phố Bến Tre
Tên trường Địa chỉ Website Ghi chú
Trường Cao đẳng Bến Tre 400/1 Quốc lộ 57C, ấp 1, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre http://cdbt.edu.vn/
Trường Cao đẳng Đồng Khởi 17A4 Quốc lộ 60, khu phố 1, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre https://dkc.edu.vn/

Các trường THPT, trường liên cấp bậc có THPT

[sửa | sửa mã nguồn]
Các trường THPT, trường liên cấp bậc có THPT tại thành phố Bến Tre
Tên trường Địa chỉ Website Ghi chú
Trường THPT Chuyên Bến Tre Đường Nguyễn Văn Cánh, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre https://thptchuyenbentre.edu.vn/
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu 333A4 Đại lộ Đồng Khởi, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre https://thptndc.edu.vn/
Trường THPT Võ Trường Toản 382E Nguyễn Thị Định, ấp Phú Thành, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre https://thptvotruongtoan.bentre.edu.vn/
Trường THPT Lạc Long Quân 213/D ấp An Thuận A, xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre https://thptlaclongquan.bentre.edu.vn/
Trường THPT Hermann Gmeiner 334A Trương Định, khu phố Bình Khởi, phường 6, thành phố Bến Tre https://bentre.hgs.edu.vn/

Thành Phố Bến Tre nổi tiếng với các công trình công cộng như công viên, bờ hồ...

Công viên

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Công viên Đồng Khởi (Phường 4)
  2. Công viên Trần Văn Ơn & Hồ Trúc Giang (Phường An Hội)
  3. Công viên An Hội (Phường An Hội)
  4. Công viên Bến Tre (Phường An Hội)
  5. Công viên Mỹ Hoá (Phường 7)
  6. Công viên Hoàng Lam (Phường 5)
  7. Công viên Cái Cối (Xã Mỹ Thạnh An)

Trung tâm thương mại, chợ đêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Trung tâm thương mại Sense City (26A Trần Quốc Tuấn, phường 4)
  2. Trung tâm thương mại Go! (Võ Nguyên Giáp, xã Sơn Đông)
  3. Trung tâm thương mại Thành phố Bến Tre (Nguyễn Đình Chiểu, phường An Hội)
  4. Chợ đêm Bến Tre (Hùng Vương, phường An Hội)

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiện nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố đang được tập trung đầu tư xây dựng. Việc nhiều công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã bước đầu tạo nên diện mạo cho thành phố như: Quốc lộ 60 - tuyến tránh thành phố Bến Tre, Đại lộ Đồng Khởi (đây là 2 tuyến đường rộng và đẹp nhất của thành phố Bến Tre nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung với 4-8 làn xe, có dải phân cách giữa, cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè); Đường Hùng Vương, Đường Phạm Ngọc Thảo, Cầu Bến Tre, Cầu Mỹ Hóa, Hồ Trúc Giang, đường Nguyễn Đình Chiểu là con đường sầm uất bậc nhất thành phố. Trước khi hoàn thành cầu Rạch Miễu, đường bộ từ thành phố Bến Tre nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung với các tỉnh xung quanh đều qua phà Rạch Miễu.

Tên đường của Bến Tre trước 1975

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đường Võ Tánh và Hùng Vương nay là đường Hùng Vương
  • Đường Yersin nay là đường Đoàn Hoàng Minh
  • Đường Trương Tấn Bửu nay là đường Cách mạng Tháng Tám
  • Đường Châu Văn Tiếp nay là đường Lê Đại Hành
  • Đường Gia Long nay là đường 3 tháng 2
  • Đại lộ Phan Thanh Giản và Liên tỉnh số 6 nay là đại lộ Đồng Khởi
  • Đường Huỳnh Văn Sắc nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa
  • Đường Lê Văn Duyệt nay là đường 30 tháng 4
  • Đường Trưng Nữ Vương nay là đường Hai Bà Trưng
  • Đại lộ Trương Vĩnh Ký nay là đường Phan Ngọc Tòng
  • Lộ Cầu mới nay là đường Nguyễn Ngọc Nhựt
  • Lộ Thầy Cai nay là đường Nguyễn Văn Trung
  • Đường Nguyễn Huệ nối dài nay là đường Nguyễn Văn Cánh

Đường phố

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Nghị quyết số 34/NQ-CP về việc thành lập thành phố Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre”.
  2. ^ a b “Quyết định số 174/QĐ-TTg năm 2019 về việc công nhận thành phố Bến Tre là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bến Tre do Thủ tướng Chính phủ ban hành”.
  3. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên ĐKO
  4. ^ Tổng cục Thống kê
  5. ^ “Báo cáo thuyết minh tổng hợp: Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 Thành phố Bến Tre, Tỉnh Bến Tre” (PDF).
  6. ^ “NIÊN GIÁM THỐNG KÊ BẾN TRE 2023 - Dân số trung bình phân theo đơn vị hành chính cấp huyện”. 1 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2024.
  7. ^ “BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT THỜI KỲ 2021- 2030 THÀNH PHỐ BẾN TRE, TỈNH BẾN TRE” (PDF). Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2024.
  8. ^ “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930–2015)” (PDF). Tỉnh ủy Bến Tre.
  9. ^ “Quyết định 41-HĐBT năm 1984 về việc phân vạch địa giới một số xã, thị trấn, thị xã thuộc tỉnh Bến Tre”.
  10. ^ “Quyết định 46-HĐBT năm 1984 về việc phân vạch địa giới thị xã Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre”. Thư Viện Pháp Luật.
  11. ^ “Quyết định 114-HĐBT năm 1985 về việc điều chỉnh địa giới huyện Châu Thành và thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre”.
  12. ^ “Nghị định 41/1999/NĐ-CP về việc thành lập phường Phú Khương thuộc thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre”.
  13. ^ “Nghị định 08/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập xã, phường thuộc huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách, thị xã Bến Tre; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách để thành lập huyện Mỏ Cày Bắc thuộc tỉnh Bến Tre”.
  14. ^ “Nghị quyết 49/NQ-CP năm 2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để mở rộng địa giới hành chính thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre”.
  15. ^ “Nghị quyết số 856/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bến Tre”. 10 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2024.
  16. ^ “Đề án số 4038/ĐA-UBND ngày 25/06/2024 của UBND tỉnh Bến Tre về việc Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Bến Tre”. 25 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2024.
  17. ^ “Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2014”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2009.
  18. ^ Thành lập thành phố Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre[liên kết hỏng]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]