Đường lang quyền
Đường lang quyền (chữ Hán: 螳螂拳; bính âm: Táng láng quán hay còn gọi là võ bọ ngựa; dịch nghĩa tiếng Anh là Praying Mantis Form hay Praying Mantis Fist; có nghĩa là thế võ con bọ ngựa cầu nguyện) là một bộ môn quyền thuật của Thiếu Lâm, của hai phái Đường Lang cả hai miền Nam Bắc Trung Quốc.
Nguồn gốc và danh xưng
[sửa | sửa mã nguồn]Đây là môn quyền thuật bắt chước hình thái động tác của bọ ngựa (chữ Hán: 螳螂; đọc âm là "đường lang") đang giơ hai càng và chân trước ra phía nên phái võ này có tên là phái võ con bọ ngựa cầu nguyện thông thường gọi là Đường lang quyền. Tương truyền cuối Tống đầu Nguyên ở huyện Tức Mặc tỉnh Sơn Đông có người tên là Vương Long (Wang Lang), sau khi thi võ thất bại, ngẫu nhiên thấy cảnh con bọ ngựa vồ bắt ve sầu bèn sáng tạo ra các kỹ pháp võ thuật như móc, nhấc, ngắt, gác, lừa, quấn, bổ, trượt... rồi thành môn quyền này, đó là phái Đường Lang của Bắc Thiếu Lâm lưu hành suốt một dải Sơn Đông, Sơn Tây Giao Châu, Giao Chỉ. Qua trường kỳ tập luyện mà hình thành nên các lưu phái. Sự khác biệt cơ bản giữa Sơn Tây Đường Lang Quyền và Sơn Đông Đường Lang Quyền là Sơn Tây Đường Lang Quyền có tính nhu dùng nhu chế cương, các tư thế luôn luân phiên dựa trên nội công và ngoại công để tấn công nên còn gọi là Nhuyễn Đường Lang Công; Sơn Đông Đường Lang Quyền rất nhanh, khỏe và dữ dội, cách tấn công rất mạnh mẽ nên còn gọi là Mãnh Đường Lang Quyền.
Còn hai môn Đường Lang quyền nữa sau này của Chu Á Nam (Chow Áh Naam) sáng tác gọi là Chu Gia Đường Lang quyền (Chow Gar Tanglangquan 周家螳螂拳) và Châu Phúc Đồ (Chu Fook To, Chu Fook Too, Chu Fook Tou, Chu Fook Tu),là hậu duệ của Minh Thái Tổ Châu Nguyên Chương (tiếng Việt trước đây dịch sai âm là Chu Nguyên Chương), sáng tác gọi là Châu gia Đường Lang quyền(Chu Gar Tanglangquan 朱家螳螂拳) [1], hai môn này còn gọi là Nam Đường Lang quyền (Southern Praying Mantis Fist) có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm sau này ở Phúc Kiến.
Đặc trưng kỹ pháp
[sửa | sửa mã nguồn]Đường Lang Quyền Có Thất Tinh Đường lang (còn gọi là La Hán Đường Lang), Lục Hợp Đường Lang (còn gọi là Mã Hầu (khỉ ngựa) Đường Lang tức Thái Cực đường lang). Các bài quyền thường có kết cấu nghiêm ngặt, quyền cước phong phú và biến ảo, nối liếp khéo léo, sẵn có cương nhu cùng nặng, cương mà không cứng đờ, nhu mà không mềm xéo, kết hợp ngắn dài... Về kỹ pháp thì nổi bật "năm nhanh" là nhanh tay, nhanh chân, nhanh bước, nhanh thân, chiêu thức nhanh, biến hóa khó lường.
Ngoài ra còn có thuyết "bảy dài", "tám ngắn", "tám đánh và tám không đánh". Dài là ý đánh dài, khí dài, kình dài, tay dài, hông dài, bước dài, gân dài (tức vươn dẻo được). Ngắn thì có đốt ngắn (tiết ngắn), thế ngắn, tâm ngắn... Cao đánh thấp không đánh, nội đánh ngoại không đánh, gần đánh xa không đánh, vươn đánh thu (về) không đánh, mở đánh đòng không đánh, hư đánh thực không đánh. Đồng thời còn cường điệu tượng hình giữ ý, để có hình tượng và đấu kình (kình lực chiến đấu) của bọ ngựa.
Còn có Nam phái Đường Lang tương truyền đời nhà Thanh ở Quảng Đông có người là châu Á Nam sáng tác ra. Về lý, pháp, thế so với Bác phái tuyệt nhiên không giống. Nhiều đòn ngắn, ít đánh dài, một bước một đòn, vẫn giữ hình tay bọ ngựa, thực phát ra kình lực của Nam quyền. Do đó cần phải quy vào hệ của Nam phái.
Các lưu phái Bắc Đường Lang quyền chủ yếu
[sửa | sửa mã nguồn]- 1.Thất tinh đường lang quyền (còn gọi là La Hán Đường Lang) thuộc loại ngạnh (cứng) đường lang. Giá thức cơ bản thì lấy thất tinh bộ làm cơ sở. Kình lực cứng gọn, quấn ngang đâm thẳng. Luyện công chia ra làm ba phần: thứ nhất là cơ bản công, bao gồm hông, chân, vai, công, trạm trang, bá đả công v.v.. Thứ hai là kỹ thuật bài múa bao gồm các tổ hợp nhỏ các động tác múa. Về bài bản này có sáp chùy (cắm gõ), phiên xa(lật xe), bảng bộ (bước nhảy), lan tiệt (nhăn cắt), trích khôi (lấy mũ), song sáp hoa (mai hoa cắm), thập bát hoa (18 thoi), tỏa cương (đục thép), nhu linh, trích yếu, đường lang cửu chuyển thập bát diệt (9 lần chuyển, 18 lần ngã), bạch viên xuất động (vượn trắng rời hang), thâu đào (lấy trộm đào), hiến quả (dâng quả), nhập động (vào hang), sách thủ phách án (dang tay vỗ án) v.v... Thứ ba là sách luyện (luyện rộng) bao gồm tạp trang (dậm tấn), thích đả đại (đánh bao cát), báy luyện toàn thân 12 lượt gõ, tán đả.
- 2. Mai Hoa Đường Lang Quyền thuộc loại ngạnh đường lang, công phu cứng rắn dương cương. Loại quyền này lấy tam hoa thủ làm chiêu số riêng, tức là khi ra tay thì ba, năm đòn ra liền một thể giống như một đóa hoa mai năm cánh nên thành tên. Về kình pháp thì coi trọng thuận kình, xảo kình, nhu công. Các bài múa có phiên xa (lật xe), băng bộ (bước nhảy), lan tiết (ngăn cắt), mai hoa lộ, bạch viên thâu đào (vượn tráng trộm đào), bát trửu (khuỷu), truyền kỹ, trích yếu v.v...
- 3. Lục Hợp Đường Lang còn gọi Mã Hầu Đường Lang thuộc nhuyễn đường lang, công phu mềm theo đường âm nhu. Loại quyền này hấp thu lý luận về quyền: nội tam hợp (tức tâm hợp ý, ý hợp khí, khí hợp lực) và ngoại tam hợp (tay và chân hợp, khuỷu và gối hợp, vai và háng hợp) làm yêu lĩnh cơ bản, nhấn mạnh nội ngoại tương hợp, động tác thì thường là nhu, kình lực thì dài có chia cương nhu, minh, ám, hoạt (tức cứng mềm, rõ ràng, ngầm, trơn) năm loại kình lực. Về bộ pháp có trước nâng sau kéo. Về bài bản có đoản chùy, song phong, thiết thích, tiên thủ bôn, chiếu diện đăng, tiệt thủ quyển đên lục hợp trích yếu 93 thủ v.v...
Các lưu phái Đường Lang quyền hiện hành
[sửa | sửa mã nguồn]- Các lưu phái Bắc Đường Lang quyền - Bắc Thiếu Lâm Sơn Đông-Hà Bắc
- (Branches of Bei Tanglangquan)
- Các lưu phái phổ biến:
- Qī Xīng Táng Láng quán 七星螳螂拳 (Chāt Sīng Tòhng Lòhng Kyùhn, Seven Star Praying Mantis Boxing): Thất Tinh Đường Lang quyền
- Tài Jí Táng Láng quán 太极螳螂拳 (Taai Gihk Tòhng Lòhng Kyùhn, Taiji Praying Mantis Boxing): Thái Cực Đường Lang quyền
- Lìu Hé Táng Láng quán 六合螳螂拳(Luhk Hahp Tòhng Lòhng Kyùhn, Six Harmony Praying Mantis Boxing): Lục Hợp Đường Lang quyền
- Méi Huā Táng Láng quán 梅花螳螂拳(Mùih Fā Tòhng Lòhng Kyùhn, Plum Blossom Praying Mantis Boxing): Mai Hoa Đường Lang quyền
- Tài Jí Méi Huā Táng Láng quán 太极梅花 (Taai Gihk Mùih Fā Tòhng Lòhng Kyùhn, Taiji Plum Blossom Praying Mantis Boxing): Thái Cực Mai Hoa Đường Lang quyền
- Các lưu phái ít phổ biến:
- Eight Step Praying Mantis Boxing (Bā Bù Tángláng Quán八步螳螂拳): Bát Bộ Đường Lang quyền
- Shiny Board Praying Mantis Boxing (Guāng Bǎn Tángláng Quán 光板螳螂拳): Quang Bản Đường Lang quyền
- Long Fist Praying Mantis Boxing (Cháng Quán Tángláng Quán 長拳螳螂拳): Trường quyền Đường Lang quyền
- Throwing Hand Praying Mantis Boxing (Shuāishǒu Méihuā Tángláng Quán 摔手梅花螳螂拳): Suất Thủ Mai Hoa Đường Lang quyền
- Secret Gate Praying Mantis Boxing (Mì Mén Tángláng Quán 秘門螳螂拳): Bí Môn Đường Lang quyền
- Seeking Leg Praying Mantis Boxing (Tàn Tuǐ Tángláng Quán: 探腿螳螂拳): Đàn Thối Đường Lang quyền
- Các lưu phái Nam Đường Lang quyền – Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến
- (Branches of Nan Tanglangquan – Fukien Nan Shaolin)
- Chow Gar Tanglangquan(周家; Chow family Praying Mantis Boxing): Chu gia Đường Lang quyền của Chu Á Nam (Chow Áh Nàam)
- Chu Gar Tanglangquan (朱家; Chu family Praying Mantis Boxing): Châu gia Đường Lang quyền của Châu Phúc Đồ (Chu Fook-To, Chu Fook-Too, Chu Fook Tou, Chu Fook Tu) hậu duệ của Minh Thái Tổ Châu Nguyên Chương
- Kwong Sai Jook Lum Tanglangquan (江西竹林; Jiangxi Bamboo Forest Praying Mantis Boxing): Giang Tây Trúc Lâm Đường Lang quyền
- Iron Ox Tanglangquan (鐵牛; Iron Ox Praying Mantis Boxing): Thiết Ngưu Đường Lang quyền
Thái Cực Đường Lang tại Việt Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Triệu Trúc Khê 趙竹溪 (1900-1991) là người đầu tiên đưa Đường Lang Quyền vào Việt Nam và truyền bá môn võ thuật này đến đông đảo quần chúng. Hiện nay, các câu lạc bộ Thái cực quyền dưỡng sinh không đâu không biết đến bài Thái Cực Chưởng (Triệu thức Thái cực quyền) và Đơn Nhân Thôi thủ (Ma Vân Chưởng) do Triệu Trúc Khê truyền dạy từ năm 1959. Thái Cực Đường Lang quyền (太极螳螂拳) họ Triệu cũng nổi danh trên thế giới(được truyền dạy chủ yếu ở Việt Nam, Hồng Kông, Macao, Mỹ, Úc, Pháp, brazil...), người ta thường gọi là Trúc Khê Thái Cực Đường Lang, hoặc là Thái Cực Đường Lang Việt Nam, do đa phần học trò của Triệu Trúc Khê theo về Việt Nam luyện tập hoặc là người Hoa sinh ra ở Việt Nam, sau này mới tản đến các nước khác truyền dạy, nên mới gọi là Thái Cực Đường Lang Việt Nam để phân biệt với Thái Cực Đường Lang nguyên gốc của Tôn Nguyên Xương (孫元昌 - sư công của Triệu Trúc Khê) được dạy ở Trung Quốc.
Triệu Trúc Khê 趙竹溪 Ông tên là Văn Tu (文修) , Tự Trúc Khê, hiệu Trường Thanh(長清), Pháp hiệu Ngộ Tu (悟修) sinh năm Quang Tự thứ 26 (1900, tài liệu tiếng Việt ghi năm 1894) tại trấn Sa Hà, huyện Dịch, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Khi lên 5 tuổi, mẹ mất, cha đang công tác xa nên ông sống tạm ở nhà bà nội, ngỡ rằng 2 năm trở lại với cha nhưng vì người cha cứ biền biệt quanh năm suốt tháng, và họ hàng chú bác không ai giúp đỡ, may là một bà lão hàng xóm thương tình nên cho ông nương tựa. Hơn 3 tháng trôi qua, một ngày nọ, ông và bà lão đi ngang một ngôi chùa thì ông được một lão sư trụ trì giữ ông ở lại để dạy cho ông võ nghệ, khi ông 12 tuổi thì ông hay tin cha mất. Sau đó, lão sư dẫn ông lên núi Đại Trạch (大澤山), chùa Trí Tàng (智藏寺), ông được hai vị đại sư là Thanh Tuyền và Giác Đông dạy cho võ công, trong vòng 10 năm ở đây, ông chỉ học về môn Thiếu Lâm Thái Tổ (少林太祖門), những cách đánh ngắn gọn của Trường Quyền, những thuật chiến đơn lẻ. Dần dần ông lại ước muốn được rèn luyện võ thuật thêm tinh túy, chẳng hạn như : ông muốn trước tiên phải thành thạo trong 12 cách đánh của võ thuật : bát thế, thủ pháp, cách phá, biến hoá, cách đánh, cách nhào, khí công, cương công, binh khí, cử tạ, cưởi ngựa và bắn tên; tiếp sau đó thì học cách bố trận và chiến lược, có như thế mới đạt được thành quả lớn. Ngoài ra, ông còn luyện thêm bài Thất Tiết Mai Hoa Tiên (sợi xích dài 7 tất) và Phi đà (còn gọi thừng tiêu, là sợi dây dài một đầu dây có buộc một quả tạ) đến mức thượng thừa.
Ông dự tính là sẽ ở đây học võ nghệ lâu dài, nhưng hai vị đại sư lần lượt qua đời, từ đó, ông xuống núi trở về quê nhà vào tiêu cục Đức Thắng,ông chủ tên là Dư Thông Hải với đại sư Giác Đông quen biết nhau, nên ông được Chủ cục cho đi theo làm nghề bảo tiêu (nghề áp tải hàng hoá)
Một lần đi bảo tiêu, xe hàng bị bọn sơn tặc tấn công, tên đầu lĩnh giao đấu với ông sử dụng một loại võ công lạ với chiêu thức cương mãnh, hiểm ác mà ông chưa từng gặp, không thể dùng quyền hóa giải được, đành dùng tuyệt kỹ Phi đà mới ném hạ được hắn.
Làm bảo tiêu hơn 1 năm thì chủ cục qua đời, nên ông lên núi Lai Châu Cổ(萊州崮山) , quán Tử Hà(紫霞觀)theo ông đạo sĩ Trương Vạn Thu học Thái Cực chưởng. Trương Vạn Thu là truyền nhân đời thứ 11 của Trương Tam Phong - Tổ sư phái Võ Đang, một hôm, 2 thầy trò đang tập Thái cực chưởng trên núi, mây mù dày đặc giăng giăng đến bủa vây khiến 2 thầy trò cảm giác như bàn tay họ đang xoa vào làn mây mù nên Trương đạo sĩ buộc miệng nói :"Thái cực Ma (xoa) vân chưởng". Từ đó, bài Thái cực chưởng được gọi là Thái cực Ma vân chưởng (摩雲掌). Sau này có thêm bài thứ 2 là Đơn Nhân Thôi Thủ (单人推手) - 2 bài này đều là 2 bài đặc sắc của môn phái "Trúc Khê Thái cực Đường lang"(竹溪太極螳螂).
Cũng tại thời điểm đó, ông tới thành phố Yên Đài (煙台) tìm người cậu làm nghề kinh doanh, người cậu có ý muốn ông ở lại nối nghiệp, nhưng vì không muốn rời bỏ giới võ thuật nên ông đã không nhận lời.
Sau đó ông theo thầy Nhậm Phong Thụy (任豐瑞) học ba năm và theo sư huynh của Nhậm Phong Thụy là Trì Thủ Tiến (遲守進) học thêm ba năm rưỡi nữa,hai thầy này đều là đệ tử đời thứ 6 của môn phái Mai Hoa Đường Lang quyền. Cho nên từ đó võ nghệ của ông đã bước vào 1 giai đoạn khác và tiến bộ hơn nhiều. Ông am tường các tuyệt kỹ của Đường Lang quyền với những bài tập theo trình độ từ thấp đến cao: Bát Đại Mã Bộ (八大馬步), Băng Bộ (蹦步), Đơn Trích Mai Hoa, Lan Triết (拦截), Thượng hạ bát trửu (上下八肘), Âm thủ côn (阴手棍)…
Trước khi đại chiến thế giới thứ 2 bùng nổ, ông đã từng tổ chức hội võ thuật quốc gia, ở Quảng Châu, ông đã huấn luyện 1 quân đội đại đao(大刀隊_không phải đại đao của Quan Công mà chỉ là đơn đao bình thường nhưng to và dài hơn).
Sau đó, ông đã nhận lời mời một người bạn đi qua Hồng Kông , ở đó được 2 năm thì ông sang Ma Cao mở võ đường dạy võ và ông đã tạo cho mình một môn phái riêng đó là THÁI CỰC ĐƯỜNG LANG , trong thời gian này ở đây, ông đã hòa nhập vào giới võ thuật một cách thuận lợi.
Sau khi đại chiến thế giới thứ 2 kết thúc, ông muốn võ thuật của mình phát triển ra nước ngoài, nên ông đã cùng đệ tử Khương Mật Linh rời Ma Cao sang Việt Nam. Ông có người anh em kết nghĩa là Bàng Thuần Lễ, là hội trưởng Tổng Thương hội người Hoa tại Hải Phòng _Việt Bắc, nên ông đã mở võ đường ở đây dạy Thái cực Đường Lang.
Chín năm sau, ông dời võ đường tới Tinh Võ Thể Dục Hội ở miền Nam _Chợ Lớn Quận 5 (nay là câu lạc bộ Tinh Võ _trung tâm thể dục thể thao Q5). Ngay sau khi buổi đầu tiên ông biểu diễn bài Thất Tinh Mai hoa Biên (sợi xích dài 7 tất), với 1 cú dậm chân làm sập võ đài của Tinh Võ, ông đã làm trấn động giới võ thuật ở Chợ Lớn.
Chẳng bao lâu thì tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp nơi, ông được mời làm huấn luyện viên trưởng thay cho thầy Tạ Lâm Tường, nhiều người Hoa ở Chợ Lớn đã mời ông tới dạy ở những hội quán, những câu lạc bộ thể dục thể thao ... Thậm chí cả những khóa học riêng ở nhà, lúc này, cả gia đình ông cư trú tại đường Nguyễn Trãi, sát bên Chùa Bà Thiên Hậu.
Có lần, võ sư Trần Tử Long đến khiêu chiến, học trò Triệu sư phụ là Lý Hỏa Yên muốn thay thầy tiếp đấu nhưng ông không chịu. Ngày quyết đấu, do người hâm mộ kéo đến quá đông và cá độ quá lớn nên bị cảnh sát lấy lý do trị an giải tán võ đài.
Tháng 4-1959, Triệu Trúc Khê đi truyền dạy Thái cực Đường Lang ở các công hội Thánh Tâm, Biên Hòa, Hội ký giả Hoa văn, các hội quán như Sùng Chính, Nghĩa An, Lệ Chí, Quảng Triệu…Ông cũng là người sáng lập ra Đội Việt kịch (tuồng cổ Quảng Đông) lừng danh một thời ở Sài Gòn.
Hơn 20 năm sống ở Việt Nam, học trò của ông vô số kể, và đây là một số đệ tử đã và đang tiếp tục truyền dạy võ nghệ của ông cho người đời sau: Trần Thế Quang, Ngô Thu, Trịnh Hoa Thu, Tạ Vinh, Lý Yên, Trương Phương, Tô Thúy Phương (cô Thu), Lương Kỳ, Trần Minh, Trần Tùng bách, Tưởng Diệu Huy, Lâm Tử Cường, Diệp Quốc Lương...v.v.
1968 ông quay lại Hồng Kông và tiếp tục nghề võ thuật cho đến khi ông lìa đời vào ngày 04 tháng 8 (tức âm lịch 24 tháng 6) năm 1991
Ngày nay trong giới võ thuật gọi ông là "sư tổ" của Thái Cực Đường Lang, tiếng Anh thường dùng "Chuck_kai tai Chi Praying Mantis" có nghĩa là " Trúc - Khê Thái cực Đường lang"
Hiện tại Thái Cực Đường Lang vẫn còn tiếp tục được dạy ở Lệ Chí duy trì từ thời của Triệu Trúc Khê đến nay, từ 5g30 đến 7g sáng hằng ngày tại sân chùa Ông Bổn ở đường Hải Thượng Lãn Ông đều tụ tập già trẻ lớn bé luyện tập Thái Cực quyền và Thái Cực Đường Lang[2].
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Không nên lẫn lộn hai danh từ Jow Ga hay Chow Kar ám chỉ trường phái Chung Ngoại Châu Gia hay Thiếu Lâm Châu Gia, Châu Gia Quyền do Châu Long (Jow Lung) sáng tạo ra từ Hồng Gia Quyền trong dòng Nam Quyền của Nam Thiếu Lâm, trong khi Chow Gar ám chỉ môn phái Nam Đường Lang quyền do châu Á Nam (Chow Áh Naam) sáng tạo cũng có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm như Chung Ngoại Châu Gia, lưu ý cách viết chính tả của chúng hao hao nhau nhưng thật ra khác nhau.
- ^ “Thái Cực Đường Lang Lệ Chí”.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Võ thuật Trung Hoa: Sơn Tây Đường Lang Quyền Lưu trữ 2013-09-04 tại Wayback Machine (bản tiếng Việt)
- http://www.vietanhmon.it/thaicuc.php
- Chow Gar - The Southern Praying Mantis Fist, page Wiki (Châu Gia Đường Lang quyền - Đường Lang quyền, trang Wiki) - (bản tiếng Anh)
- The Southern Praying Mantis Fist, page Wiki (Nam Đường Lang quyền, trang Wiki) - (bản tiếng Anh)
- Zhong Oi Jow Ga - Chung Oi Chau Kar, page Wiki (Chung Ngoại Châu Gia - Thiếu Lâm Châu Gia, trang Wiki) - (bản tiếng Anh)
- Film Tang Lang Quan (Phim tài liệu Đường Lang Quyền)
- Film Tang Lang Quan Northern Shaolin (Phim tài liệu Đường Lang Quyền Bắc Thiếu Lâm)
- Film Tang Lang Quan Northern Shaolin (Phim tài liệu Đường Lang Quyền Bắc Thiếu Lâm)
- Film Mei Hua Tang Lang Quan (Phim tài liệu Mai Hoa Đường Lang Quyền)
- Film Tai Ji Tang Lang Quan (Phim tài liệu Thái Cực Đường Lang Quyền)
- Film Tang Lang Quan Wushu (Phim tài liệu Đường Lang Quyền Võ thuật Trung Quốc Hiện đại)
- Film Tang Lang Quan Wushu (Phim tài liệu Đường Lang Quyền Võ thuật Trung Quốc Hiện đại)
- Thái Cực Đường Lang Lệ Chí (Câu lạc bộ Dưỡng Sinh Thái Cực Đường Lang Lệ Chí)