Wn/vi/Luật an ninh Hồng Kông khó bị đảo ngược
Thứ 3, ngày 26 tháng 5 năm 2020
- 8 September 2021: Wn/vi/TikTok sẽ đệ đơn kiện chính quyền Trump trước Tư pháp Mỹ ngày 24 tháng 8 năm 2020
- 13 August 2021: Wn/vi/Luật an ninh Hồng Kông khó bị đảo ngược
- 10 August 2021: Wn/vi/Trung Quốc lưu gene người vùng cao để nghiên cứu
- 9 August 2021: Wn/vi/Trung Quốc phát hiện cơn địa chấn bằng cảm biến sợi quang
- 9 August 2021: Wn/vi/Vật liệu kính cứng như kim cương
- 13 August 2021: Wn/vi/Hà Nội có thêm 19 ca nghi mắc COVID-19, trong đó 4 người ở phố Đội Cấn, Ba Đình
- 13 August 2021: Wn/vi/WHO kêu gọi hợp tác điều tra nguồn gốc Covid-19, không chính trị hóa vấn đề
- 13 August 2021: Wn/vi/Liên hợp quốc hỗ trợ Việt Nam gần 10 triệu liều vaccine COVID-19
- 9 August 2021: Wn/vi/Viện Hàn lâm điều chế thành công chế phẩm điều trị COVID-19
- 1 August 2021: Wn/vi/Tình hình COVID ở Seychelles có thể kiểm soát được
Nhà hoạt động Nathan Law nhắc lại "những phép màu" người biểu tình Hồng Kông tạo ra trong quá khứ, nhưng họ khó có thể ngăn luật an ninh.
Sau vài tháng lắng xuống vì COVID-19, hàng nghìn người biểu tình Hồng Kông hôm 24 tháng 5 trở lại khu trung tâm để phản đối dự luật an ninh với đặc khu do Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức quốc hội Trung Quốc, đề xuất. Ngoài việc hình sự hóa hành vi "làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ" nhắm vào chính quyền trung ương, luật này còn cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc lập văn phòng tại Hồng Kông.
Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, chính quyền Hồng Kông dường như ngay từ đầu không có ý khoan nhượng với cuộc biểu tình vốn không được cảnh sát cấp phép này. Đám đông tập trung tại khu mua sắm Causeway Bay đối mặt với lực lượng cảnh sát đông bất thường, cùng cảnh báo rằng mọi cuộc biểu tình đều vi phạm luật trật tự công cộng của thành phố, cũng như quy tắc phòng chống nCoV.
Năm ngoái, lực lượng an ninh Hồng Kông hứng chỉ trích nặng nề vì những biện pháp kiểm soát đám đông cứng rắn. Trong cuộc biểu tình cuối tuần trước, họ đã nhanh chóng sử dụng hơi cay, dùi cui và vòi rồng. Hơi cay được bắn ra 25 phút sau khi đám đông bắt đầu tuần hành, dấu hiệu cho thấy chính quyền dường như quyết tâm gạt bỏ mọi bất đồng trước khi chúng phát triển.
Những nghị sĩ và cơ quan ủng hộ Bắc Kinh tại Hồng Kông đã sẵn sàng hỗ trợ dự luật. Ủy viên cảnh sát Hồng Kông hôm 25 tháng 5 cho biết luật an ninh mới sẽ "giúp chống lại lực lượng đòi Hồng Kông độc lập, đồng thời khôi phục trật tự xã hội".
Với những lựa chọn hạn chế, phe đối lập trong thành phố đang trông cậy vào sức ép của cộng đồng quốc tế lên Bắc Kinh, cố nuôi hy vọng về một cú đảo ngược. Tuần trước, hơn 200 nghị sĩ và nhà hoạch định chính sách từ hơn 20 quốc gia ký một thư ngỏ, chỉ trích luật an ninh Hồng Kông là "cuộc tấn công toàn diện vào trạng thái tự trị, thượng tôn pháp luật và các quyền tự do cơ bản của thành phố".
Một số nghị sĩ Mỹ hôm 21 tháng 5 cho biết họ sẽ đề xuất một dự luật lưỡng đảng, nhằm trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh ở Hồng Kông, bởi hành vi này bị coi là "vi phạm trắng trợn" Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 về phương án quản lý đặc khu. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cũng cảnh báo Nhà Trắng có thể trừng phạt Trung Quốc vì dự luật an ninh.
Tuy nhiên, Trung Quốc thường không lay chuyển trước áp lực quốc tế. Thậm chí dự luật an ninh Hồng Kông được thúc đẩy một phần bởi Bắc Kinh coi đặc khu là bàn đạp để các thế lực nước ngoài chống lại họ, Griffiths nhận định. Với quan điểm đó, việc các quốc gia lên án dự luật an ninh có lẽ chỉ củng cố thêm quyết tâm của Trung Quốc, đồng thời càng có căn cứ cho lập luận thế lực nước ngoài đứng sau tình trạng bất ổn ở Hồng Kông.
Griffiths còn chỉ ra rằng những lời đe dọa trừng phạt và làn sóng phản đối của dư luận quốc tế gần đây thường không tác động được đến mục tiêu. Bất chấp nền kinh tế tê liệt vì bị cấm vận, Triều Tiên vẫn không từ bỏ chương trình hạt nhân. Những biện pháp trừng phạt cũng không ngăn được Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Trung Quốc không những an toàn về mặt kinh tế và quân sự hơn hai nước trên, mà còn có thể thu hút đồng minh trên thế giới để đối trọng với Mỹ.
Các cuộc biểu tình chống dự luật an ninh sẽ tiếp diễn tại Hồng Kông, với hàng loạt kế hoạch và lời kêu gọi đã được đưa ra. Tuy nhiên, chúng có thể dẫn tới hệ quả nghiêm trọng một khi luật có hiệu lực, bởi bất cứ động thái chỉ trích chính quyền nào cũng có nguy cơ bị cáo buộc là "hành vi lật đổ".
Những người biểu tình vốn đã sẵn sàng dùng bạo lực, đặc biệt là người có tư tưởng ly khai, có thể trở nên cực đoan hơn. Thương tích, các vụ bắt và bỏ tù trong làn sóng biểu tình năm ngoái khiến một số người từ bỏ, nhưng không chấm dứt được tình trạng bất ổn, nên không có lý do gì để nghĩ rằng luật an ninh mới sẽ đạt mục tiêu này ngay lập tức, Griffiths nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo dự luật mới, các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc sẽ lần đầu tiên được phép lập văn phòng tại Hồng Kông "khi cần thiết", nhằm thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Do đó, nhiều người biểu tình đối mặt nguy cơ bị giải tán trước khi có cơ hội xuống đường.
Lối thoát cho những người phản đối Bắc Kinh tại Hồng Kông trở nên hẹp hơn do COVID-19, nhưng không phải bất khả thi. Năm ngoái, hai người biểu tình bị buộc tội nổi loạn đã được cấp quyền tị nạn tại Đức. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 24/5 cũng cam kết "hỗ trợ dân Hồng Kông", dù hòn đảo chưa có luật có thể áp dụng với người biểu tình Hồng Kông xin tị nạn.
Nguồn dẫn
[edit | edit source]- "Luật an ninh Hong Kong khó bị đảo ngược" – VnExpress, 26/05/2020