Academia.eduAcademia.edu

Rosa Luxemburg - Socialist Democracy

Tóm tắt Rosa Luxemburg cho rằng, dân chủ và chủ nghĩa xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, dân chủ chỉ mang tính hình thức. Dân chủ thực sự chỉ có thể đạt được trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là sự chuyên chính của giai cấp vô sản. Để đảm bảo dân chủ thì quyền lực phải thuộc về quần chúng nhân dân, không phải thuộc về một tầng lớp, hay một nhóm đặc biệt nào.

QUAN ĐIỂM CỦA ROSA LUXEMBURG VỀ DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Rosa Luxemburg’s viewpoint about socialist democracy ThS. Nguyễn Hồng Đức Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Tóm tắt Rosa Luxemburg cho rằng, dân chủ và chủ nghĩa xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, dân chủ chỉ mang tính hình thức. Dân chủ thực sự chỉ có thể đạt được trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là sự chuyên chính của giai cấp vô sản. Để đảm bảo dân chủ thì quyền lực phải thuộc về quần chúng nhân dân, không phải thuộc về một tầng lớp, hay một nhóm đặc biệt nào. Từ khóa: Rosa Luxemburg, Luxemburg, Lúc-xem-buốc, Lúc-xem-bua, dân chủ, dân chủ tư sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ vô sản. Abstract Rosa Luxemburg argued that democracy and socialism have a dialectical relationship. In capitalist society, democracy is formal. Real democracy only existed in socialist society. Socialist democracy is the dictatorship of the proletariat. Democracy meanspolitical power belongs to the working masses, not to a particular class or group. Keywords: Rosa Luxemburg, democracy, bourgeois democracy, proletarian democracy, socialist democracy. 1. Đặt vấn đề Rosa Luxemburg (Rô-da Lúc-xem-buốc,1871-1919) là một trong số những người sáng lập Đảng Cộng sản của nước Đức (KPD, 1919) và cũng là người có nhiều ảnh hưởng tới phong trào công nhân ở Châu Âu đầu thế kỷ XX. Bà là người trung thành với chủ nghĩa Marx: ngoài việc bảo vệ các quan điểm của Marx trước những quan điểm đòi xét lại Marx hoặc lợi dụng Marx, Rosa Luxemburg còn nỗ lực trong việc mở rộng một số vấn đề của chủ nghĩa Marx. Trong đó có quan điểm về dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với sự phát triển mạnh của các đảng dân chủ - xã hội thì vấn đề dân chủ trong các nhà nước, thể chế chính trị cũng trở thành nội dung được các nhà tư tưởng Marxist bàn luận nhiều. Dân chủ, cũng như các phạm trù khác, luôn có những quan điểm và cách hiểu khác nhau. Mặc dù vậy, hầu hết các nhà tư tưởng đều thống nhất ở một điểm, tức là nghĩa gốc của từ này: dân chủ tức là quyền làm chủ của nhân dân. Những cách hiểu khác nhau về dân chủ và các hình thức của dân chủ cũng cho thấy lập trường chính trị của các nhà tư tưởng Marxist lúc bấy giờ: theo đường lối cánh tả hay cánh hữu, xét lại hay trung thành với chủ nghĩa Marx,… 2. Rosa Luxemburg bàn về dân chủ trong nhà nước tư sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa Rosa Luxemburg trình bày vấn đề dân chủ từ khía cạnh toàn bộ lịch sử vận động, trong đó kinh tế - xã hội, đấu tranh giai cấp, nhà nước và hệ tư tưởng là những yếu tố không thể bỏ qua của tiến trình lịch sử cụ thể. Rosa Luxemburg không rơi vào chủ nghĩa lạc quan dễ dãi về sự tiến bộ của dân chủ. Bà không ảo tưởng về sự gia tăng tính dân chủ trong xã hội văn minh như các quan điểm của chủ nghĩa tự do - xã hội ở đầu thế kỷ XX. Bởi lẽ, Luxemburg đã nhìn nhận vấn đề dân chủ trên lập trường duy vật biện chứng với tính lịch sử của nó. 2.1. Về dân chủ tư sản Khi nói về nhà nước tư sản, Rosa Luxemburg đã sử dụng một cách tài tình phép biện chứng duy vật của Marx trong việc đánh giá mối quan hệ giữa dân chủ và nhà nước tư sản. Luxemburg cho rằng, trong nhà nước tư sản thì dân chủ chỉ mang tính hình thức. Ở đó, các nội dung cơ bản của dân chủ không thực sự tồn tại. Sự công bằng, tự do mà nhà nước tư sản tuyên truyền như một đặc trưng của xã hội tư bản chủ nghĩa thực ra là sự bất bình đẳng và mất tự do. “Chúng ta luôn phân biệt hạt nhân xã hội từ hình thức chính trị của dân chủ tư sản. Chúng ta luôn cho thấy hạt nhân rắn chắc của bất bình đẳng xã hội và thiếu tự do ẩn chứa dưới vỏ bọc ngọt ngào của bình đẳng và tự do hình thức” [3, tr. 308]. Điều đó không có nghĩa là Luxemburg phủ nhận giá trị của tự do và bình đẳng, hay loại bỏ hoàn toàn nền dân chủ. Mà nó cho thấy đảng của giai cấp công nhân không thỏa mãn với vỏ bọc đó, hay đúng hơn, đảng phải giành lấy quyền lực chính trị để thiết lập nền dân chủ XHCN, thay thế cho dân chủ tư sản. Luxemburg chỉ ra sự mẫu thuẫn giữa hình thức dân chủ và nội dung giai cấp của nhà nước tư sản: Các hình thức dân chủ thực chất là không dân chủ trong mối liên hệ với nội dung của nó khi mà ở đó các lợi ích giai cấp nắm quyền thống trị. Không chỉ dừng lại ở việc không đồng tình với hình thức dân chủ tư sản, Luxemburg còn chỉ ra, hình thức dân chủ có thể dẫn đến xung đột với nội dung tư sản. Trong xã hội tư sản, xuất hiện hai sản phẩm đặc biệt, chống lại dân chủ, đó là: chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa thực dân. Với chủ nghĩa quân phiệt, đó là sự phản dân chủ về mặt tổ chức: quân đội, phân cấp, độc tài và phản động đã tạo thành một nhà nước đối lập hoàn toàn với nhà nước dân chủ. Còn với chủ nghĩa thực dân, đó là sự phản dân chủ thông qua sự áp đặt, bởi vũ lực, bởi sự độc tài lên người dân thuộc địa của các đế quốc phương Tây. Tính giai cấp của nó, theo Luxemburg, luôn đòi hỏi nhà nước tư sản, thậm chí là nhà nước tư sản dân chủ, thực hiện hành động cưỡng chế của mình để phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Chiến thắng của nền dân chủ mà chủ nghĩa xét lại cũng như chủ nghĩa tự do tư sản coi như quy luật nền tảng vĩ đại trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là lịch sử hiện đại, thực ra chỉ là một ảo tượng. Với Rosa Luxemburg, không hề có mối liên hệ tuyệt đối và chung nào được thiết lập giữa sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và dân chủ. Hình thức chính trị của một nhà nước cụ thể luôn là kết quả của sự tổng hợp tất cả các yếu tố chính trị hiện có, trong nước cũng như ngoài nước. Nó thừa nhận trong giới hạn của nó mọi biến thể của quy mô từ quân chủ tuyệt đối tới cộng hòa dân chủ [4, tr. 86]. Giữa giai cấp tư sản và dân chủ chỉ có quan hệ đấu tranh và trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản đó, tiến bộ dân chủ được hình thành. 2.1. Về dân chủ xã hội chủ nghĩa Nếu như với giai cấp tư sản, dân chủ là một trở ngại thì ngược lại, dân chủ lại thực sự cần thiết và không thể thiếu đối với tầng lớp lao động. Rosa Luxemburg đã nhấn mạnh dân chủ là cái cần thiết đối với tầng lớp lao động vì nó tạo ra các hình thức chính trị (tự quản trị, quyền bầu cử,…), là điểm tựa cho giai cấp vô sản trong sứ mệnh thay thế xã hội tư sản, giành lấy quyền lực chính trị về phía mình. Bà viết: “Dân chủ và giai cấp công nhân là không thể tách rời, bởi vì chỉ thông qua thực hiện quyền dân chủ của mình, trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, những người vô sản mới có thể nhận thức được sứ mệnh lịch sử và lợi ích của giai cấp mình” [4, tr. 93]. Rosa Luxemburg không rơi vào chủ nghĩa cải lương khi nói đến bước chuyển từ xã hội tư sản thiếu dân chủ sang xã hội XHCN có dân chủ. Bà vẫn trung thành với quan điểm về bạo lực cách mạng của Marx và Engels khi nói về cách mạng xã hội. Luxemburg cho rằng, quan hệ sản xuất của xã hội tư bản góp phần tạo ra ngày càng nhiều quan hệ sản xuất xã hội XHCN; mặt khác, quan hệ chính trị và pháp lý của nó thiết lập giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội XHCN một bức tường vững chắc. Bức tường này không dễ bị lật đổ, nhưng nó kìm hãm sự phát triển của xã hội. Chỉ có “Cú đấm thép” của cuộc cách mạng, đó là, sự giành lấy quyền lực chính trị bởi giai cấp vô sản mới có thể phá vỡ bức tường này [4, tr. 65-66]. Dân chủ, với Rosa Luxemburg là một giá trị thiết yếu mà phong trào XHCN cần phải giành lấy khỏi các đối thủ phản động của nó. Mối quan hệ giữa dân chủ và phong trào công nhân là mối quan hai chiều, ràng buộc lẫn nhau: dân chủ cần phong trào xã hội và ngược lại - cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cần dân chủ để phát triển. Khi cách mạng vô sản thành công, giai cấp vô sản giành lấy được quyền lực chính trị thì không có nghĩa là dân chủ đã được đảm bảo mà phải đồng thời, giai cấp vô sản phải xây dựng và củng cố nền dân chủ XHCN, thay thế cho dân chủ tư sản, không phải vì những hạn chế của dân chủ tư sản mà giai cấp vô sản vứt bỏ hoàn toàn các giá trị của dân chủ. Thậm chí, giai cấp vô sản sẽ cần phải thực hiện chế độ chuyên chính để đảm bảo việc dân chủ được thực hiện rộng rãi, khi đó, dân chủ XHCN cũng tức là chuyên chính vô sản. Luxemburg nhấn mạnh một cách rõ ràng: dân chủ thực chất không phải là nền dân chủ tư sản hay nền chuyên chính của một tầng lớp tinh hoa cách mạng, mà là dân chủ XHCN với nội dung xã hội mới. Song dân chủ XHCN không phải là cái chỉ bắt đầu từ miền đất hứa sau khi nền tảng kinh tế - XHCN được thiết lập, nó cũng không phải là một món quà mà Thượng đế dành tặng cho những người xứng đáng. Dân chủ XHCN bắt đầu và đồng thời với sự phá vỡ các quy tắc giai cấp và xây dựng CNXH. Luxemburg cho rằng, dân chủ XHCN xuất hiện gần như là cùng lúc với việc đảng XHCN giành lấy quyền lực, hay nói cách khác là khi mà giai cấp vô sản nắm quyền thống trị. Chính vì thế, dân chủ XHCN là “Sự chuyên chính của giai cấp vô sản” [3, tr. 308]. Luxemburg coi dân chủ và CNXH có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Số phận của dân chủ bị ràng buộc bởi phong trào XHCN. Việc đấu tranh cho dân chủ cũng chính là đấu tranh cho CNXH và việc từ bỏ CNXH và phong trào công nhân cũng tức là từ bỏ dân chủ xã hội [4, tr. 88]. Chúng ta không thể có dân chủ thực sự nếu không có CNXH và ngược lại, không thể có CNXH nếu không có dân chủ. Điều đó cũng có nghĩa là, dân chủ chỉ thực sự tồn tại trong xã hội XHCN. Mặc dù khẳng định dân chủ chỉ thực sự tồn tại trong xã hội XHCN nhưng Luxemburg không tuyệt đối hóa các hình thức dân chủ của các đảng vô sản. Cụ thể, bà phê phán quan điểm về dân chủ tập trung cực đoan trong đảng. Quan niệm về dân chủ của Rosa Luxemburg khác biệt với hình thức dân chủ tập trung mà một số đảng vô sản đã thực hiện trong những năm đầu của thế kỷ XX. Luxemburg coi nguyên tắc dân chủ tập trung mà một số đảng vô sản đã áp dụng là dân chủ cực đoan, đặt tính tập trung lên trên tính dân chủ. Bởi nó “Bỏ qua sự sáng tạo của quần chúng vô sản”. Nó thấm nhuần “Không phải với tinh thần sáng tạo tích cực, mà là với một tinh thần cằn cỗi của nhà nước những người gác đêm” [3, tr. 256]. Theo Rosa Luxemburg, quan điểm dân chủ tập trung hướng vào việc kiểm soát quyền lực hoạt động của đảng, không phải hướng đến sự phát triển của đảng, với sự thu hẹp chứ không phải mở rộng đảng, là sự trói buộc phong trào công nhân mà không phải là hỗ trợ, đồng hành cùng với nó. Việc thực hiện không đúng nguyên tắc dân chủ tập trung có thể dẫn tới sự tha hóa trong đảng, đó là sự quan liêu, tham nhũng hay thậm chí đi ngược lại với tính dân chủ, là sự độc tài trong đảng. Luxemburg nhấn mạnh: “Chuyên chính vô sản là việc của giai cấp chứ không phải của thiểu số nhà lãnh đạo mang danh đảng của giai cấp. Đó là, nó phải được tiến hành từng bước từng bước một từ sự tham gia hành động của quần chúng nhân dân” [3, tr. 308]. Và toàn thể quần chúng phải tham gia vào sự phát triển của xã hội XHCN. Nếu không, CNXH sẽ được tạo ra từ bàn làm việc của một nhóm trí thức chứ không phải từ thực tiễn cách mạng. Rosa Luxemburg khẳng định: “Kiểm soát công cộng là điều không thể thiếu. Bởi nếu không, sự trao đổi kinh nghiệm chỉ còn lại trong những vòng tròn khép kín của các quan chức của chế độ. Khi đó, tham nhũng sẽ là điều không thể tránh khỏi” [3, tr. 306]. 3. Kết luận quan điểm của Rosa Luxemburg về dân chủ XHCN và giải phóng nhân loại cũng như sự phản đối của bà đối với chủ nghĩa quan liêu sẽ là một thách thức đối với những tư tưởng muốn thu hẹp cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản bằng việc cải cách từng phần hoặc bằng những thỏa hiệp chưa từng có với xu hướng phản động. Các tác phẩm của bà cho thấy, sự cần thiết của một hình thức dân chủ sâu sắc hơn, một nền dân chủ XHCN với cái nhìn nhân văn. Luxemburg tuyên bố rằng, bất kỳ nỗ lực nào hướng đến sự độc tài hoặc không thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹn của dân chủ tư sản thì tất yếu sẽ kết thúc trong sự hỗn loạn hoặc rơi vào chế độ toàn trị. Những quan điểm về dân chủ nói chung, dân chủ XHCN nói riêng của bà là những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marx. Khi nói về dân chủ trong tổ chức đảng, Rosa Luxemburg đã đưa ra những cảnh báo dẫn đến sự độc tài trong đảng cũng như sự suy thoái dẫn đến tham nhũng. Tuy còn một số điểm cần trao đổi, song với những đóng góp của bà cho phong trào công nhân cũng như lý luận chủ nghĩa Marx đã cho thấy, Rosa Luxemburg là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào cộng sản đầu thế kỷ XX. ______________ Tài liệu tham khảo 1. Đô-mi-ních Đờ-xăng-ti, Rô-da Lúc-xăm-bua, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1973. 2. Trần Đương, Rosa Luxemburg, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2010. 3. Peter Hudis & Kevin B. Anderson, The Rosa Luxemburg Reader, New York, 2004. 4. Rosa Luxemburg & Helen Scott, The Essential Rosa Luxemburg: Reform or Revolution and the Mass Strike, Haymarket Books, Chicago, 2008. 5. Jörn Schütrumpf, Rosa Luxemburg or: The price of freedom, Karl Dietz Berlin, 2008. -------- [Bài viết đăng trên Tạp chí Giáo dục và Xã hội số đặc biệt 11/2018 / Published in “Journal of Education and Society” Special Vol. 11/2018] 5