Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2008/12
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Gilbert du Motier de La FayetteGilbert du Motier de La Fayette (6 tháng 9 năm 1757 – 20 tháng 5 năm 1834), thường được gọi Hầu tước Lafayette, là một quân nhân, nhà quý tộc người Pháp từng tham gia Cách mạng Hoa Kỳ với hàm trung tướng và là chỉ huy lực lượng Vệ binh quốc gia trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Tới Hoa Kỳ năm 1777 khi nước Pháp còn chưa tham dự vào cuộc chiến, Lafayette phục vụ trong Quân đội Lục địa dưới quyền George Washington. Trận Brandywine, trận đánh đầu tiên Lafayette tham gia, tuy bị thương nhưng ông vẫn chỉ huy thành công cuộc rút quân. Sau khi góp phần vào chiến thắng Monmouth, Lafayette tới Boston giàn xếp cuộc nổi loạn của những cư dân thành phố. Trở về Paris năm 1779, ông thuyết phục triều đình Pháp ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Hoa Kỳ. Năm 1780, Lafayette – biểu tượng của mối quan hệ Pháp–Hoa Kỳ – quay lại với cuộc chiến. Tại Yorktown, ông ghìm chân tướng Charles Cornwallis trong khi Washington và Jean-Baptiste Donatien de Vimeur chuẩn bị cho trận đánh quyết định kết thúc chiến tranh. Trở về nước Pháp, Lafayette tham dự Hội nghị các đẳng cấp vào tháng 5 năm 1789. Ông soạn thảo bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền cùng Thomas Jefferson và tham gia Hạ viện với vai trò phó chủ tịch. Trong suốt thời kỳ Cách mạng Pháp, trên vị trí tổng tư lệnh của Vệ binh quốc gia, Lafayette cố gắng duy trì trật tự và cuối cùng lâm vào thế đối đầu với phái Jacobin. Những hành động bảo vệ nhà vua cùng hoàng gia khiến ông bị kết tội vào tháng 8 năm 1792, thời điểm mà phái cực đoan quá lớn mạnh. Lafayette quyết định bỏ trốn sang Mỹ nhưng bị quân Áo bắt tại Hà Lan. Sau 5 năm giam giữ, ông được trả tự do và đến năm 1799 quay trở về Pháp. Năm 1830, trong cuộc Cách mạng tháng Bảy, một lần nữa, Lafayette lại giữ vai trò chỉ huy Vệ binh quốc gia và bằng sự ủng hộ của mình góp phần đưa Louis-Philippe I lên ngôi. |
Thuyết vô thầnThuyết vô thần, hay chủ nghĩa vô thần, là một quan điểm khẳng định rằng thần thánh không tồn tại, hoặc phủ nhận đức tin vào thần thánh. Vô thần còn được định nghĩa một cách rộng hơn là sự không có đức tin vào thần thánh, đồng nghĩa với phi thần luận (nontheism). Nhiều người tự nhận là vô thần có thái độ hoài nghi với tất cả những gì siêu nhiên, với lí do là không có bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của thần thánh. Những người khác lập luận ủng hộ thuyết vô thần trên cơ sở triết học, xã hội và lịch sử. Tuy trong số những người tự nhận là vô thần có nhiều người thiên về các học thuyết triết học thế tục như chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa tự nhiên, không có một hệ tư tưởng hay một bộ hành vi nào mà tất cả những người vô thần cùng chia sẻ; và một số tôn giáo, chẳng hạn Kì na giáo (Jainism) và Phật giáo, không đòi hỏi đức tin vào một vị thiên chúa cá thể. Trong các ngôn ngữ châu Âu, thuật ngữ vô thần xuất phát từ cách gọi tên hàm ý bôi xấu (tiếng Hy Lạp: ἀθεότης, atheotēs) dành cho những người hoặc những tín ngưỡng xung khắc với quốc giáo. Với sự lan rộng của tư tưởng tự do, chủ nghĩa hoài nghi khoa học, và sự phê phán tôn giáo, thuật ngữ này đã bắt đầu có được ngữ nghĩa cụ thể hơn và ngày càng được sử dụng như sự tự miêu tả của những người vô thần. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
William WilberforceWilliam Wilberforce (24 tháng 8 năm 1759 – 29 tháng 7 năm 1833), là chính khách, nhà hoạt động từ thiện, và là nhà lãnh đạo phong trào bãi nô. Quê quán ở Hull, Yorkshire, Wilberforce khởi đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1780, trở thành nghị sĩ độc lập trong Quốc hội đại diện cho Yorkshire từ 1784 đến 1812. Năm 1785, những trải nghiệm tâm linh đem ông đến đức tin Cơ Đốc và trở thành tín hữu Cơ Đốc theo trào lưu Tin Lành. Những trải nghiệm này đã dẫn đến những thay đổi quan trọng trong lối sống, và giúp ông cống hiến phần còn lại của cuộc đời cho lý tưởng cải cách xã hội. Năm 1787, Wilberforce có cơ hội tiếp xúc với Thomas Clarkson và một nhóm hoạt động bãi nô, trong đó có Granville Sharp, Hannah More, và Lord Middleton. Họ đã thuyết phục Wilberforce chấp nhận mục tiêu đấu tranh của phong trào bãi nô, và ít lâu sau ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo phong trào tại Anh. Ông đứng đầu chiến dịch vận động bãi nô tại Quốc hội, một nỗ lực kéo dài cho đến khi luật chống buôn bán nô lệ được thông qua năm 1807. Wilberforce tin tưởng rằng tôn giáo, đạo đức, và giáo dục là những yếu tố quyết định trong cải cách xã hội. Ông tham gia tích cực vào các hoạt động như vận động cho việc thành lập Hội Trấn áp Tội phạm, giới thiệu Cơ Đốc giáo tại Ấn Độ, thiếp lập khu định cư cho người nô lệ được giải phóng ở Sierra Leone, thành lập Hội Truyền giáo Hội thánh, và Hội chống hành hạ súc vật. Trong những năm cuối đời, Wilberforce tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh chống chế độ nô lệ cho đến năm 1826, khi ông phải từ nhiệm khỏi Quốc hội vì lý do sức khỏe. Nỗ lực của Wilberforce đã dẫn đến việc ban hành Đạo luật Bãi nô năm 1883, tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ trên lãnh thổ Đế chế Anh. Wilberforce từ trần chỉ ba ngày sau khi nghe tin báo cho biết đạo luật chắc chắn sẽ được thông qua tại Quốc hội và được an táng tại Tu viện Westminster cạnh người bạn thân của ông William Pitt. |
CarrefourCarrefour là một tập đoàn kinh tế Pháp kinh doanh trên lĩnh vực siêu thị, hiện là tập đoàn siêu thị lớn thứ hai thế giới, sau tập đoàn Wal-Mart của Hoa Kỳ. Thành lập năm 1959 tại Annecy, Pháp, hiện hệ thống siêu thị của Carrefour đã mở rộng ra nhiều nước châu Âu, Nam Mỹ, châu Á và tập đoàn này cũng hợp tác kinh doanh với nhiều công ty siêu thị địa phương ở các vùng khác trên thế giới. Là công ty tiên phong trong lĩnh vực đại siêu thị (tiếng Anh: hypermarket) kể từ năm 1963, hệ thống Carrefour đồng thời cũng bao gồm các siêu thị thông thường và các cửa hàng giảm giá. Bên cạnh nhãn hiệu đầu tàu Carrefour, tập đoàn còn có hai nhãn hiệu siêu thị quốc tế là Champion, Dia và một số nhãn hiệu siêu thị địa phương như GS, Supermarchés GB, Norte, Shopi hay 8 à Huit. Năm 1999, Carrefour đã sáp nhập với đối thủ cạnh tranh trên thị trường Pháp là Promodès, tạo ra tập đoàn kinh doanh siêu thị lớn nhất châu Âu. Theo số liệu do tập đoàn cung cấp năm 2007 thì doanh số của Carrefour là 82,1 tỷ euro chưa kể thuế và 102,4 tỷ euro nếu kể cả thuế VAT. Tổng số cửa hàng do Carrefour trực tiếp điều hành là 7.906, còn số cửa hàng mang các nhãn hiệu của Carrefour lên tới 14.991 với tổng diện tích kinh doanh 16,899 triệu mét vuông và 490.000 nhân viên trên khắp thế giới, trong đó 140.000 người riêng tại Pháp. Năm 2008, về số nhân viên, Carrefour là công ty tư nhân đứng đầu nước Pháp và đứng thứ 9 thế giới. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thích Quảng ĐứcThích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tức, (1897 - 11 tháng 6 năm 1963) là một hòa thượng phái Đại thừa, người đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Tấm ảnh chụp hòa thượng tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của Thích Quảng Đức đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ tát, làm tăng sức ảnh hưởng của vụ tự thiêu lên dư luận. Hành động của Thích Quảng Đức đã làm tăng sức ép của quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới việc tổng thống Diệm phải tuyên bố đưa ra một số cải cách nhằm xoa dịu giới Phật tử. Tuy nhiên, những cải cách như đã hứa đó lại được thực hiện một cách chậm chạp hoặc không hề được thực hiện, khiến tình hình càng trở nên xấu hơn. Khi phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao, Lực lượng đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai tổng thống, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bố ráp chùa chiền trên cả nước. Lực lượng này đã lấy được trái tim của Thích Quảng Đức, gây thiệt hại ở diện rộng cùng chết chóc. Một số nhà sư khác cũng đã tự thiêu theo gương Thích Quảng Đức. Cuối cùng, cuộc đảo chính quân sự vào tháng 11 đã lật đổ chính quyền và giết chết anh em Ngô Đình Diệm. Hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo Việt Nam, dẫn tới việc xóa bỏ nền Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam. |