Đại Colombia
Đại Colombia (tiếng Tây Ban Nha: Gran Colombia, phát âm tiếng Tây Ban Nha: [ˈɡɾaŋ koˈlombja]), tên chính thức là Cộng hòa Colombia, là tên gọi hiện nay để chỉ một nhà nước bao gồm phần lớn miền bắc Nam Mỹ và một phần miền nam của Trung Mỹ từ năm 1819 đến năm 1831. Cộng hòa tồn tại ngắn ngủi này bao gồm các lãnh thổ nay là Colombia, Venezuela, Ecuador, Panama, bắc Peru và tây bắc Brasil. Ba quốc gia đầu tiên là những nước kế thừa của Đại Colombia vào lúc giải thể. Panama ly khai khỏi Colombia vào năm 1903. Do lãnh thổ của Đại Colombia gần tương ứng với Phó vương quốc Tân Granada trước đó, nó cũng tuyên bố chủ quyền với vùng bờ biển Caribe của Costa Rica và Nicaragua, Bờ biển Mosquito, và Guayana Esequiba tại Guyana.
Sự tồn tại của nước cộng hòa được mở đầu bằng một cuộc đấu tranh giữa những người ủng hộ một chính phủ tập trung với một tổng thống đầy quyền lực và những người ủng hộ một chính phủ phi tập trung, tức chính quyền liên bang. Cũng vào lúc đó, các lực lượng chính trị nổi lên giữa những người ủng hộ Hiến pháp Cúcuta và hai nhóm người tìm cách để thủ tiêu Hiến pháp, hoặc ủng hộ giải tán quốc gia thành các nước cộng hòa nhỏ hơn hoặc duy trì một liên minh nhưng có một tổng thống quyền lực hơn nữa. Phe ủng hộ Hiến pháp liên kết lại xung quanh Phó Tổng thống Francisco de Paula Santander, trong khi những người ủng hộ có một Tổng thống mạnh mẽ hơn nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Simón Bolívar. Hai người từng là đồng minh trong cuộc chiến chống lại ách cai trị của Tây Ban Nha, nhưng đến năm 1825, sự khác biệt giữa họ đã trở nên công khai và là một thành phần quan trọng trong các bất ổn chính trị từ đó trở đi.
Nguồn gốc tên gọi
[sửa | sửa mã nguồn]Tên chính thức của đất nước vào thời điểm đó là Cộng hòa Colombia.[2] Các sử gia đã chấp thuận thuật ngữ Gran Colombia để phân biệt nó với Cộng hòa Colombia hiện nay, đất nước đã sử dụng tên gọi này từ năm 1863, mặc dù vậy, nhiều người vẫn sử dụng Colombia trong các ngữ cảnh không phát sinh nhầm lẫn.[3]
Tên gọi Colombia xuất phát từ phiên bản tiếng Tây Ban Nha của một từ tiếng Tân Latinh thế kỷ 18 là Columbia, chính nó lại dựa trên tên của Cristoforo Colombo (Christopher Columbus trong tiếng Anh, Cristóbal Colón trong tiếng Tây Ban Nha, và Cristoforo Colombo trong tiếng Ý). Đây là thuật ngữ ưa thích của nhà cách mạng Francisco de Miranda để chỉ Tân Thế giới, đặc biệt là toàn bộ lãnh thổ và thuộc địa tại châu Mỹ nằm dưới quyền quản lý của Đế quốc Tây Ban Nha. Ông đã sử dụng một phiên bản ứng biến, tính từ gần như tiếng Hy Lạp của tên, Colombeia, nghĩa là "giấy tờ và những thứ liên quan đến Colombia", là tiêu đề kho lưu trữ các hoạt động cách mạng của mình.[4] Bolívar và các nhà cách mạng châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha cũng sử dụng từ Colombia với ý nghĩa để chỉ lục địa. Việc thành một quốc gia với tên gọi Colombia bởi Đại hội Angostura 1819 đã trao cho thuật ngữ một chứng nhận địa lý và chính trị cụ thể.
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Cộng hòa Đại Colombia gần tương đương với lãnh thổ của Phó vương quốc Tân Granada trước đó, những vùng này được cộng hòa tuyên bố chủ quyền theo nguyên tắc pháp lý của uti possidetis. Nó là một lãnh thổ thống nhất gồm Đệ nhị Cộng hòa Venezuela, Liên hiệp các Tỉnh của Tân Granada và Real Audiencia de Quito (vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Tây Ban Nha).
Chính phủ
[sửa | sửa mã nguồn]Trước khi một hiến pháp mới có thể được lập ra trong Đại hội Cúcuta, Đại hội Angostura đã bổ nhiệm Bolívar và Santander tương ứng làm Tổng thống và Phó Tổng thống. Trong Đại hội Cúcuta, quốc gia được phân chia thành 12 xứ (departamento) do quản đốc quản lý. Các xứ được chia tiếp thành 36 tỉnh (provincia) đứng đầu là thống đốc, quyền lực giữa thống đốc và quản đốc có sự chồng chéo. Công việc quân sự tại cấp xứ được giám sát bởi một tướng chỉ huy, người này có thể là quản đốc. Cả ba chức vụ đều do chính quyền trung ương bổ nhiệm. Chính quyền trung ương tạm thời đặt tại Bogotá, gồm một tổng thống, một quốc hội lưỡng viện và một tối cao pháp viện (the Alta Corte). Tổng thống đứng đầu nhánh hành pháp của cả chính quyền trung ương và địa phương. Tổn thống có thể được cấp quyền hạn đặc biệt trong tại chiến trường, như tại khu vực nay là Ecuador. Phó tổng thống đảm đương chức vị tổng thống trong các trường hợp người này vắng mặt, chết, bãi chức hoặc đau ốm. Do Tổng thống Bolívar đã vắng mặt tại Đại Colombia trong những năm đầu tồn tại nên quyền lực do phó tổng thống Santander nắm giữ. Quyền tuyển cử được trao cho những người sở hữu 100 peso bằng bất động sản hoặc có thu nhập tương đương từ một nghề nào đó. Việc bầu cử là gián tiếp.[5][6]
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Quốc gia mới nhanh chóng được tuyên bố thành lập sau chiến thắng bất ngờ của Bolívar tại Tân Granada, chính quyền quốc gia này tạm thời thiết lập nên một cộng hòa liên bang, gồm ba xứ và đứng đầu là một phó tổng thống với thủ phủ là các thành phố Bogotá (Cundinamarca), Caracas (Venezuela), và Quito (Quito).[7] Trong năm đó, không một tỉnh nào của Quito và chỉ một số phần ở Venezuela và Tân Granada được tự do.
Hiến pháp Cúcuta được soạn thảo vào năm 1821 tại Đại hội Cúcuta, thành lập thủ đô của cộng hòa tại Bogotá. Bolívar và Santander được bầu làm tổng thống và phó tổng thống. Tại đại hội ở Cúcuta, một mức độ tập trung quyền lực lớn đã được lập ra, một vài đại biểu người Tân Granada và Venezuela trong đại hội trước đây vốn là những người chủ trương lập chế độ liên bang một cách mạnh mẽ thì nay đã tin tưởng rằng việc tập trung hóa là cần thiết để giành được thành công trong cuộc chiến chống lại phe Bảo hoàng. Để phá vỡ khuynh hướng địa phương chủ nghĩa và thiết lập quyền kiểm soát trung ương hiệu quả với các địa phương, một sự phân chia lãnh thổ mới được thực hiện vào năm 1824. Các xứ Venezuela, Cundinamarca và Quito được tách thành các xứ nhỏ hơn, mỗi xứ do một quản đốc quản lý và được chính quyền trung ương bổ nhiệm, với quyền lực tương đương với các quản đốc Bourbon có.[8] Nhận thấy rằng không phải tất cả các tỉnh đều có đại diện tại Cúcuta vì nhiều nơi vẫn nằm trong tay lực lượng bảo hoàng, Quốc hội kêu gọi một hội nghị hiến pháp để tụ họp trong vòng mười năm.
Trong những năm đầu tiên, Đại Colombia đã giúp đỡ các vùng khác vẫn đang có chiến tranh với Tây Ban Nha để giành được độc lập: toàn bộ Venezuela trừ Puerto Cabello được giải phóng trong trận Carabobo, Panama gia nhập liên bang vào tháng 11 năm 1821, và các tỉnh Pasto, Guayaquil và Quito vào năm 1822. Quân Đại Colombian sau đó đã giúp củng cố nền độc lập của Peru vào năm 1824. Bolívar và Santander được tái cử vào năm 1826.
Liên bang
[sửa | sửa mã nguồn]Khi cuộc chiến chống lại Tây Ban Nha kết thúc vào giữa thập niên 1820, các tình cảm liên bang và địa phương từng bị ngăn chặn để giành thắng lợi trong chiến tranh một lần nữa lại xuất hiện. Có những lời kêu gọi sửa đổi sự phân chia chính trị, và tranh chấp liên quan đến kinh tế và thương mại giữa các khu vực đã xuất hiện trở lại. Ecuador có những than phiền về kinh tế và chính trị. Từ cuối thế kỷ 18, ngành công nghiệp dệt may của địa phương này đã phải chịu thiệt hại từ hàng dệt may nhập khẩu giá rẻ. Sau khi độc lập, Đại Colombia đã thông qua một chính sách thuế quan thấp, có lợi cho các khu vực nông nghiệp như Venezuela. Hơn nữa, từ 1820 đến 1825, khu vực nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Bolívar bởi ông được cấp quyền lực đặc biệt. Ưu tiên hàng đầu của ông là cuộc chiến chống lại phe bảo hoàng tại Peru và không tìm giải pháp cho các vấn đề kinh tế của Ecuador. Ngay cả khi được hợp nhất sau đó vào Đại Colombia, Ecuador cũng thiếu đại diện trong tất cả các nhánh của chính quyền trung ương, và người Ecuador có ít cơ hội thăng tiến trong quân đội Đại Colombia. Ngay cả các quan chức địa phương cũng thường là các nhân viên người Venezuela và Tân Granada. Không có phong trào ly khai hoàn toàn xuất hiện tại Ecuador, nhưng các vấn đề này chưa bao giờ được giải quyết trong 10 năm tồn tại của quốc gia.[9]
Những lời kêu gọi mạnh mẽ nhất để cải tổ liên bang đến từ Venezuela, nơi có tình cảm liên bang mạnh mẽ giữa sự tự do của khu vực, nhiều người trong số họ đã không chiến đấu trong cuộc chiến tranh giành độc lập nhưng đã hỗ trợ chủ nghĩa tự do Tây Ban Nha trong thập kỷ trước đó và những người này nay liên minh bản thân với Chỉ huy trưởng của xứ Venezuela, José Antonio Páez, để chống lại chính quyền trung ương.[10] Năm 1826, Venezuela tiến gần đến chỗ ly khai khỏi Đại Colombia. Năm đó, Quốc hội bắt đầu thủ tục luận tội đối với Páez, người đã từ chức vào ngày 28 tháng 4 nhưng lại đảm nhiệm lại hai ngày sau đó nhằm thách thức chính quyền trung ương. Hỗ trợ cho Páez và lực lượng nổi dậy của ông diễn ra tại khắp Venezuela, các hành động này trên thực tế chỉ nhằm thách thức trung ương. Tuy nhiên, sự hỗ trợ Páez nhận được từ khắp Venezuelan đã đe dọa nghiêm trọng đất sự thống nhất của đất nước. Vào tháng 7 và tháng 8, chính quyền địa phương Guayaquil và một ủy ban hành chính tại Quito đã tuyên bố ủng hộ các hành động của Páez.
Bolívar, về phần mình, dùng các tiến triển này để thúc đẩy hiến pháp bảo thủ ông viết cho Bolivia, được các viên chức quân sự bảo thủ người Ecuador và Venezuela ủng hộ, nhưng nói chung nhận được sự thờ ơ hoặc hoàn toàn thù địch và của ngay cả phó Tổng thống Santander. Hai phái đoàn gặp nhau tại Venezuela vào tháng 11 để thảo luận về tương lai của khu vực, nhưng việc tuyến bố độc lập chính thức đã không xảy ra. Cùng tháng, giao tranh đã bùng nổ giữa những người ủng hộ Páez và Bolívar ở phía đông và nam của Venezuela. Đến cuối năm, Bolívar ở tại Maracaibo để chuẩn bị hành quân vào Venezuela nếu cần thiết. Cuối cùng, các thỏa hiệp chính tị đã ngăn cản điều này. Vào tháng một, Bolívar ra lệnh ân xá cho những người nổi loạn Venezuela và hứa hẹ sẽ triệu tập một hội đồng hiến pháp mới trước thời kỳ mười năm được lập từ Đại hội Cúcuta, và Páez ủng hộ và công nhận quyền lực của Bolívar. Tuy nhiên các cải cách này đã không bao giờ có thể đáp ứng đầy đủ mong muốn của các phe phái chính trị khác nhau tại Đại Colombia. Sự bất ổn của cấu trúc nhà nước nay trở nên rõ ràng với tất cả mọi người.[11]
Ly khai
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1828, hội đồng hiến pháp mới, Hội nghị Ocaña bắt đầu kỳ họp. Tại khai mạc, Bolívar một lần nữa đề nghị một hiến pháp mới dựa trên hiến pháp Bolivia, nhưng đề nghị này tiếp tục không được lòng mọi người. Hội nghị tan vỡ khi các đại biểu ủng hộ Bolívar bỏ đi thay vì ký một hiến pháp liên bang. Sau thất bại này, Bolívar tự bổ nhiệm mình một cách độc tài, nhưng đã không còn nắm giữa được quyền quản lý thống nhất đất nước. Khi sự sụp đổ trở nên rõ ràng vào năm 1830, Bolívar từ chức tổng thống. Xung đột chính trị nội bộ giữa các khu vực với nhau tăng lên ngay cả khi Tướng Rafael Urdaneta tạm thời lên nắm quyền ở Bogotá, cố gắng sử dụng quyền lực của mình để lập lại trật tự, nhưng ông thực sự hy vọng thuyết phục Bolívar trở lại làm tổng thống và quốc gia chấp nhận ông. Liên bang cuối cùng bị giải thể trong những tháng cuối cùng của năm 1830 và chính thức bị bãi bỏ vào năm 1831. Venezuela, Ecuador và Tân Granada tồn tại như các quốc gia độc lập.
Kết quả
[sửa | sửa mã nguồn]Việc giải thể của Đại Colombia đại diện cho sự thất bại trong tầm nhìn của Bolívar. Xứ Cundinamarca cũ trở thành một quốc gia mới với tên gọi Cộng hòa Tân Granada. Năm 1863, Tân Granada đổi tên thành Hợp chúng quốc Colombia, và đến năm 1886 thì đổi sang tên gọi hiện nay: Cộng hòa Colombia. Panama tự nguyện trở thành một phần của Đại Colombia vào năm 1821, là một tỉnh của Cộng hòa Colombia cho đến năm 1903 và chủ yếu do hậu quả của Chiến tranh Nghìn ngày vào năm 1899–1902,[12] nên đã tuyên bố độc lập với sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Với ngoại lệ Panama, các quốc gia đã từng tạo nên Đại Colombia đều có quốc kỳ tương tự nhau, gần giống với quốc kỳ của Đại Colombia:
Colombia | Ecuador | Venezuela |
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Bethell, Leslie (1985). The Cambridge History of Latin America. Cambridge University Press. tr. 141. ISBN 978-0-521-23224-1. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2011.
- ^ “Gran Colombia”. Encyclopædia Britannica. ngày 6 tháng 6 năm 2007. Đã định rõ hơn một tham số trong
|encyclopedia=
and|work=
(trợ giúp) - ^ Bushnell, The Santander Regime, 12. Bushnell uses both "Colombia" and "Gran Colombia."
- ^ Francisco de Miranda & Josefina Rodríguez de Alonso and José Luis Salcedo-Bastardo (1978). Colombeia: Primera parte: Miranda, súbdito español, 1750–1780. 1. Caracas: Ediciones de la Presidencia de la República. tr. 8–9. ISBN 978-84-499-5163-3.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
- ^ Bushnell, The Santander Regime, ii, 18–21.
- ^ Gibson, The Constitutions of Colombia, 37–40.
- ^ Bushnell, The Santander Regime, 10–13.
- ^ Bushnell, The Santander Regime, 14–21.
- ^ Bushnell, The Santander Regime, 310–317
- ^ Bushnell, The Santander Regime, 287–305.
- ^ Bushnell, The Santander Regime, 325–335, 343–345.
- ^ Celestino A Arauz & Carlos Manuel Gasteazoro and Armando Muñoz Pinzón (1980). La Historia de Panamá en sus textos. Textos universitarios: Historia (Panamá). 1. Panama: Editorial Universitaria.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Thư mục
[sửa | sửa mã nguồn]- Bushnell, David (1970). The Santander Regime in Gran Colombia. Westport, CT: Greenwood Press. ISBN 0-8371-2981-8. OCLC 258393.
- Gibson, William Marion (1948). The Constitutions of Colombia. Durham, NC: Duke University Press. OCLC 3118881.
- Lynch, John (2006). Simón Bolívar: A Life. New Haven and London: Yale University Press. ISBN 0-300-11062-6.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- "Gran Colombia," Flags of The World
- Đại Colombia
- Quốc gia và vùng lãnh thổ khởi đầu năm 1819
- Bãi bỏ năm 1831
- Lịch sử Nam Mỹ
- Lịch sử Colombia
- Lịch sử Ecuador
- Lịch sử Panama
- Lịch sử Venezuela
- Cựu cộng hòa
- Chấm dứt năm 1831
- Khởi đầu năm 1819 ở Nam Mỹ
- Khởi đầu năm 1821 ở Nam Mỹ
- Cựu quốc gia Nam Mỹ
- Thuyết phục hồi lãnh thổ
- Chiến tranh giành độc lập châu Mỹ Tây Ban Nha