Deinocheirus
Deinocheirus | |
---|---|
Thời điểm hóa thạch: Cuối kỷ Creta,[1] | |
Hóa thạch mẫu gốc trưng bày ở CosmoCaixa, Barcelona | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Animalia |
Ngành (phylum) | Chordata |
Nhánh | Dinosauria |
Phân bộ (subordo) | Theropoda |
Nhánh | †Ornithomimosauria |
Họ (familia) | †Deinocheiridae |
Chi (genus) | † Deinocheirus Osmólska & Roniewicz, 1970[2] |
Loài (species) | † D. mirificus |
Danh pháp hai phần | |
Deinocheirus mirificus Osmólska & Roniewicz, 1970[2] |
Deinocheirus (/ˌdaɪnoʊˈkaɪrəs/ DY-no-KY-rəs; tiếng Hy Lạp: 'tay khủng khiếp') là một chi khủng long theropoda rất lớn, từng sống tại nơi ngày nay là Mông Cổ vào cuối kỷ Creta (thành hệ Nemegt, cách đây khoảng 70 triệu năm).
Phát hiện và đặt tên
[sửa | sửa mã nguồn]Hóa thạch đầu tiên được phát hiện là một cặp chi trước rất lớn với vài mảnh xương sườn và đốt sống. Chúng được tìm thấy ngày 9 tháng 7 năm 1965 trong cuộc thám hiểm hỗn hợp Ba Lan-Mông Cổ tại Gobi do giáo sư Zofia Kielan-Jaworowska chỉ huy tại di chỉ Altan Ula III thuộc tỉnh Ömnögovi. Kết quả được Kielan-Jaworowska công bố năm 1966.[3]
Deinocheirus được Halszka Osmólska và Ewa Roniewicz đặt tên năm 1970.[2] Loài điển hình và loài duy nhất được đặt tên là Deinocheirus mirificus. Tên chi xuất phát từ tiếng Hy Lạp deinos (δεινός), nghĩa là "khủng kiếp", và cheir (χείρ), nghĩa là "tay". Tên loài (mirificus) từ tiếng Latin, nghĩa là "khác thường" hay "kỳ lạ", từ này được chọn vì "cấu trúc khác thường của chi trước."[2]
Mẫu gốc, ZPal MgD-I/6, được phát hiện ở lớp sa thạch sa mạc có niên đại đầu Maastricht. Nó gồm một bộ xương rời từng mảnh và không toàn vẹn, hầu hết các phần đã bị thời tiết bào mòn khi phát hiện. Cả hai chi trước trừ các vuốt phải, xương đai vai hoàn chỉnh, các thể trung tâm của ba đốt sống, năm xương sườn, xương sườn bụng, và hai xương mang sừng - các xương đỡ cổ, đều có thể phục hồi được.[2]
Các hóa thạch bổ sung, bao gồm các đoạn xương sườn bụng của cùng mẫu vật này, được tìm thấy sau này khi các đội tái kiểm tra địa điểm phát hiện. Một vài đoạn xương này có các vết cắn của loài khủng long bạo chúa đương thời là Tarbosaurus bataar và chỉ ra chứng cứ phù hợp với việc ăn xác chết. Có thể xác Deinocheirus bị Tarbosaurus ăn, điều này giải thích vì sao hóa thạch lại ở trạng thái rời rạc như vậy.[4]
Năm 2014, các nhà cổ sinh vật học mô tả thêm hai mẫu vật Deinocheirus phát hiện năm 2006 và 2009 ở Mông Cổ. Một mẫu vật, MPC-D 100/127, lớn hơn cả mẫu gốc, với chi trước bên trái dài hơn 6%.[1] MPC-D 100/128 lại nhỏ hơn, cả hai mẫu vật mới cho một bộ xương gần như hoàn chỉnh.[5] Các tay săn hóa thạch trộm đã phát hiện hai bộ hóa thạch này. Xương hộp sọ và chân MPC-D 100/127 bị bán ở Nhật Bản, sau đó bán lại ở Đức. Năm 2011, nhà buôn hóa thạch người Pháp François Escuillé kiếm được chúng và tặng cho Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ và chúng được trả về Mông Cổ vào tháng 5 năm 2014.[6][7]
Mô tả
[sửa | sửa mã nguồn]Phần được bảo quản tốt nhất của mẫu gốc Deinocheirus là chi trước, dài 2,4 m (8 ft) — xương cánh tay 938 mm, xương gánh 688 mm và bàn tay 770 mm — gồm cả vuốt cong dài 19,6 cm (8 in). Mỗi xương bả quạ của đai vai dài 153 cm. Cổ cũng phải rất lớn: mỗi xương mang sừng dài đến 42 cm.[2]
Kích thước khổng lồ của các bộ phận bộ xương này gây ra nhiều ước đoán về kích thước đầy đủ của con vật. Osmólska và Roniewicz cho rằng nên so sánh Deinocheirus với các Ornithomimosauria, vì cấu trúc chi trước của nó giống với nhóm này.[2] Nếu Deinocheirus là Ornithomimosauria, nó sẽ trở thành Ornithomimosauria lớn nhất, thậm chí, một trong các Theropoda lớn nhất. Nó được ước lượng lớn ngang với cá thể Tyrannosaurus lớn nhất.[2] Năm 1988, Gregory S. Paul ước tính nó nặng từ 6 đến 12 tấn.[8] Sau đó cân nặng của nó được chứng minh là khoảng 9.000 kg (20.000 lb).[9] Năm 2010, Paul sửa lại chiều dài thành 10 mét và khối lượng 2 tấn.[10]
Cũng năm 2010, Phil Senter và H.J. Robins thử ước tính chiều cao tới hông của Deinocheirus. Bằng cách nghiên cứu các loài Theropoda hoàn chỉnh hơn, họ kết luận rằng chiều dài xương bả vai có thể dùng để tính chính xác chiều cao tại hông tốt hơn là dùng xương cánh tay. Senter và Robins đã xác định Deinocheirus cao 3,3 m (11 ft) - 3,6 m (12 ft) ngang hông. Điều này khiến nó trở thành Theropoda cao nhất, cao hơn cả những loài thú săn mồi đương thời như Tarbosaurus.[11]
Mặc dù các chi trước của Deinocheirus có kích thước tuyệt đối đáng kể, là dài nhất trong số các loài Theropoda đã biết, chỉ trừ Therizinosaurus, nhưng chúng là không quá dài so với xương đai vai, so tỉ lệ thì nhỏ hơn hầu hết các loài Ornithomimosauria. Xương vai dài và dẹp. Xương cánh tay cũng mảnh. Xương gánh và xương quay quá dài và không liên kết tốt với nhau bằng dây chằng. Xương bàn tay khá dài so với ngón. Bàn tay có độ linh động tốt so với cẳng tay, nhưng chỉ có thể gập lại hạn chế. Các ngón tay có chiều dài gần tương đương với nhau, ngón đầu tiên là mập nhất, còn ngón thứ hai là dài nhất. Chỉ có vuốt của ngón thứ hai chi trái được bảo tồn nguyên vẹn; nó có đường kính 196 mm và chiều dài dọc theo độ cong ngoài bằng 323 mm.[2]
Các báo cáo về các mẫu vật mới cho thấy chúng có bướu trên lưng và hộp sọ như pha trộn giữa Ornithomimosauria và Hadrosauria.[5][7]
Năm 2014, phục dựng mới dựa trên hai mẫu vật gần như hoàn chỉnh được công bố trên tạp thí Nature.[1][12] Nó là động vật đi hai chân, dáng đi tương đối thẳng, chưng ra trên lưng các chỏm gai đốt sống có chiều cao tới 8,5 lần chiều cao thân đốt sống, gần như đạt được tỉ lệ cao nhất thấy ở Spinosaurus. Các chỏm gai này có lẽ được chuyên biệt hóa để đỡ phần bụng từ hai hông khi xét tới sự hiện diện có thể có của một hệ thống dây chằng liên chỏm gai phức tạp. Các đốt sống sau chứa đầy không khí. Đuôi khá ngắn và có lông vũ, được đỡ bởi xương bánh lái gồm ít nhất là hai đốt sống đuôi hợp nhất. Hộp sọ không răng. Sọ khá mỏng, dày 6 mm.[1] Mẫu vật MPC-D 100/127 có chiều dài cơ thể ước tính là 11 mét (36 ft) và nặng 6.358 kilôgam (14.017 lb), nó là Ornithomimosauria lớn nhất được biết đến.[1] Hơn 1.400 viên sỏi dạ dày được tìm thấy trong xương sườn và xương sườn bụng Deinocheirus, cùng với cá hóa thạch. Điều này tạo nên giả thuyết cho rằng Deinocheirus ăn tạp.[1]
Phân loại
[sửa | sửa mã nguồn]Trước khi công bố phục dựng mới dựa trên bộ xương gần hoàn chỉnh năm 2014 chứng minh rằng Deinocheirus là một Ornithomimosauria lớn, nhiều nhà khoa học không phải luôn đồng ý về vị trí của Deinocheirus trong Dinosauria (khủng long). Trong khi Kielan-Jaworowska ban đầu đặt nó trong họ Megalosauridae, thì Osmólska và Roniewicz lại tạo một họ mới cho Deinocheirus là Deinocheiridae. Họ Deinocheiridae ban đầu lại được đặt trong phân thứ bộ Carnosauria, vì "kích thước khủng khiếp và xương chi dày" nhưng Osmólska và Roniewicz cũng suy đoán nó có thể là "một mắt xích liên kết Carnosauria và Coelurosauria". Trong phạm vi Carnosauria, họ Deinocheiridae được gán không chắc chắn kiểu "faute de mieux" (tiếng Pháp, chỉ sự "khả dĩ hơn") vào siêu họ Megalosauroidea, cơ bản vì nó rõ ràng không phải Tyrannosauroidea (chi trước tiêu giảm mạnh và chỉ có hai ngón rất nhỏ).[2]
Peter Makovicky và cộng sự chỉ ra rằng nếu Deinocheirus là Ornithomimosauria, nó sẽ là một chi khá nguyên thủy vì thiếu một vài đặc điểm thường thấy của Ornithomimosauria.[13] Các đặc điểm nguyên thủy bao gồm vuốt uốn cong, tỉ lệ giữa xương vai/xương cánh tay thấp, thiếu khớp dây chằng, phần bướu lồi phía sau của xương quạ ngắn, tổng chiều dài đốt hai và đốt ba của ngón tay thứ ba là lớn hơn chiều dài của đốt một. Yoshitsugu Kobayashi và Rinchen Barsbold thêm Deinocheirus vào nhiều nghiên cứu phát sinh chủng loài Theropoda và không giải quyết được mối quan hệ chính xác của nó nhưng ghi nhận thêm vài bằng chứng rằng nó là Ornithomimosauria. Các bằng chứng gồm bàn tay ngắn, xương bàn tay dẹt và vuốt thuôn dài.[14]
Biểu đồ nhánh dưới đây lấy theo phân tích của Yuong-Nam Lee, Rinchen Barsbold, Philip J. Currie, Yoshitsugu Kobayashi, Hang-Jae Lee, Pascal Godefroit, François Escuillié & Tsogtbaatar Chinzorig (2014).[15]
Ornithomimosauria |
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Cổ sinh vật học
[sửa | sửa mã nguồn]Deinocheirus được phán đoán là động vật ăn tạp vì số lượng lớn sỏi dạ dày ở khoang bụng của nó, cũng như cá hóa thạch trong dạ dày. Có lẽ Deinocheirus sống ban ngày.[1]
Chế độ ăn
[sửa | sửa mã nguồn]Các nghiên cứu ban đầu cho rằng Deinocheirus ăn thịt dùng chi trước để "xé xác nhanh chóng con mồi đã chết hay yếu".[2]:15 David Lambert ủng hộ quan điểm này, mô tả bàn tay có vuốt của Deinocheirus là "vũ khí khủng khiếp để tấn công khủng long có bất kỳ kích thước nào... có thể xé phần bụng dưới mềm của Sauropoda".[16] G.S. Paul không tán thành, cho rằng móng quá cùn để giết chóc nhưng là vật phòng thủ tốt.[8] Nhà cổ sinh vật học người Nga Rozhdestvensky so sánh chi trước Deinocheirus với con lười, đặc ra giả thuyết Deinocheirus là khủng long thích ứng leo cây, ăn trái và lá cây, đôi khi ăn trứng và động vật nhỏ tìm thấy trên đó. Rozhdestvensky tưởng tượng Deinocheirus có thân và chân sau không dài hơn chân trước,[17] nhưng không có bằng chứng và giả thuyết leo trèo không được các nhà khoa học khác ủng hộ.
Năm 1988 Paul đưa ra giả thuyết Deinocheirus ăn cỏ. Chia sẻ môi trường sống với các loài khủng long khổng lồ cùng thành hệ Nemegt, như Titanosauria (Opisthocoelicaudia), Hadrosauria (Saurolophus và Barsboldia), cũng như Therizinosaurus. Senter & Robins kết luận rằng Deinocheirus ăn lá trên tầng cây cao.[11] Paul năm 1988 cũng cho rằng nó dùng cổ dài với tới cây cao và chi trước để kéo cành cây.[8]
Gần đây hơn, người ta đưa ra giả thuyết Deinocheirus trên thực tế là ăn tạp. Phần mới mô tả 2014 bao gồm các thứ có trong dạ dày, cũng như sỏi dạ dày có lẽ giúp thúc đẩy tiêu hóa. Lee và đồng nghiệp phát hiện rằng tỉ lệ giữa sỏi dạ dày và cân nặng, 0.0022, cho thấy sỏi dạ dày được dùng để nghiền nát thức ăn là động vật hay thực vật cứng trong dịch dạ dày. Bằng chứng tiếp theo ủng hộ Deinocheirus ăn tạp là nó không có răng, thay vào đó là mỏ. Xương và vảy cá cho thấy Deinocheirus không hoàn toàn ăn cỏ, ít nhất là đôi khi ăn thịt động vật. Vuốt không phải là vũ khí mà để đào bới và hái cây.[1]
Cổ bệnh lý học
[sửa | sửa mã nguồn]ZPAL Mgd-I/6, mẫu gốc Deinocheirus mirificus, có các chỗ lõm, rãnh và u lồi trên đốt thứ nhất và hai của ngón thứ hai bên trái, đây có thể là kết quả của thương tích tại khớp hai đốt xương này.[2][18]
Năm 2012, Phil R. Bell, Philip J. Currie, và Yuong-Nam Lee tìm thấy các vết thương trên mẫu vật Deinocheirus. Vết cắn của Tarbosaurus trên xương sườn bụng Deinocheirus. Kích cỡ và hình dạng cho thấy đó là Tarbosaurus chứ không phải tyrannosauria nào khác trong vùng.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f g h Lee, Yuong-Nam; Barsbold, Rinchen; Currie, Philip J.; và đồng nghiệp (2014). “Resolving the Long-Standing Enigmas of the Giant Ornithomimosaur Deinocheirus mirificus”. Nature (xuất bản ngày 22 tháng 10 năm 2014): 1–4. doi:10.1038/nature13874. PMID 25337880. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2014.
- ^ a b c d e f g h i j k l Osmólska, Halszka; Roniewicz, Ewa (1970). “Deinocheiridae, a new family of theropod dinosaurs” (PDF). Palaeontologia Polonica (21): 5–19. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016.
- ^ Kielan-Jaworowska, Zofia (1966). “Third (1965) Polish-Mongolian Palaeontological Expedition to the Gobi Desert and western Mongolia”. Bulletin de l'Académie Polonaise des Sciences, C1. II 14 (4): 249–252.
- ^ Bell, P. R.; Currie, Philip J.; Lee, Yuong-Nam (2012). “Tyrannosaur feeding traces on Deinocheirus (Theropoda: ?Ornithomimosauria) remains from the Nemegt Formation (Late Cretaceous), Mongolia”. Cretaceous Research. 37 (2012): 186–190. doi:10.1016/j.cretres.2012.03.018.
- ^ a b Switek, Brian (ngày 4 tháng 11 năm 2013). “Mystery Dinosaur Finally Gets a Body”. National Geographic Society.
- ^ “The "horrible hand" Deinocheirus dinosaur's fossils are repatriated to its home country”. InfoMongolia.com.
- ^ a b Hecht, Jeff (ngày 12 tháng 5 năm 2014). “Stolen dinosaur head reveals weird hybrid species”. New Scientist.
- ^ a b c Paul, Gregory S. (198). Predatory Dinosaurs of the World. New York: Simon & Schuster.
- ^ Valkenburgh, B.; Molnar, R.E. (2002). “Dinosaurian and mammalian predators compared”. Paleobiology. 28 (4): 527–543.
- ^ Paul, Gregory S. (2010). The Princeton Field Guide to Dinosaurs. Nhà in Đại học Princeton. tr. 112.
- ^ a b Senter, Phil; Robins, H.J. (2010). “Hip heights of the gigantic theropod dinosaurs Deinocheirus mirificus and Therizinosaurus cheloniformis, and implications for museum mounting and paleoecology” (PDF). Bulletin of the Gunma Museum of Natural History. 14: 1–10. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2014.
- ^ Sample, Ian (ngày 22 tháng 10 năm 2014). “Bizarre dinosaur reconstructed after 50 years of wild speculation”. The Guardian. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2014.
- ^ Makovicky, Peter J.; Kobayashi, Yoshitsugu; Currie, Philip J. (2004). Weishampel, David B.; Dodson, Peter; Osmólska, Halszka (biên tập). Ornithomimosauria. The Dinosauria . Nhà in Đại học California. tr. 137–150. ISBN 978-0520242098.
- ^ Kobayashi, Y.; Barsbold, R. (2006). “Ornithomimids from the Nemegt Formation of Mongolia”. Journal of the Paleontological Society of Korea. 22 (1): 195–207.
- ^ Yuong-Nam Lee, Rinchen Barsbold, Philip J. Currie, Yoshitsugu Kobayashi, Hang-Jae Lee, Pascal Godefroit, François Escuillié & Tsogtbaatar Chinzorig (2014) "Resolving the long-standing enigmas of a giant ornithomimosaur Deinocheirus mirificus". Nature (advance online publication) doi:10.1038/nature13874.
- ^ Lambert, David (1983). A Field Guide to Dinosaurs. New York: Avon Books.
- ^ Rozhdestvensky, Anatoly K. (1970). “Giant claws of enigmatic Mesozoic reptiles”. Paleontological Journal. 1970 (1): 117–125.
- ^ Molnar, R. E. (2001). “Theropod paleopathology: a literature survey”. Trong Tanke, D. H.; Carpenter, K. (biên tập). Mesozoic Vertebrate Life. Indiana University Press. tr. 337–363.