Pseudocheilinus evanidus

loài cá

Pseudocheilinus evanidus là một loài cá biển thuộc chi Pseudocheilinus trong họ Cá bàng chài. Loài cá này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1903.

Pseudocheilinus evanidus
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Labriformes
Họ (familia)Labridae
Chi (genus)Pseudocheilinus
Loài (species)P. evanidus
Danh pháp hai phần
Pseudocheilinus evanidus
Jordan & Evermann, 1903

Từ nguyên

sửa

Tính từ định danh evanidus bắt nguồn từ tiếng Latinh có nghĩa là "biến mất", hàm ý đề cập đến sự chuyển từ màu đỏ gạch lúc còn sống sang màu nâu ở loài cá này, sau một năm ngâm mẫu vật trong rượu[2].

Phạm vi phân bố và môi trường sống

sửa

P. evanidus có phạm vi phân bố rộng khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ nửa phía bắc Biển ĐỏSocotra, P. evanidus được ghi nhận dọc theo vùng bờ biển Đông Phi, bao gồm Madagascar và tất cả các đảo quốc, bãi ngầm gần đó; từ bờ biển phía nam Ấn Độ, phạm vi của P. evanidus trải dài đến Lakshadweep, Sri Lanka, Maldives, Chagos, cũng như dọc theo bờ biển bang Tây Úc và các rạn san hô xung quanh, và từ quần đảo Mergui đến phía bắc đảo Sumatra; ở phạm vi phía đông, P. evanidus xuất hiện trên hầu hết vùng biển bao quanh các đảo quốc thuộc quần đảo Mã Lai và bờ biển phía đông Úc, mở rộng phạm vi đến hầu hết các đảo quốc, quần đảo thuộc châu Đại Dương; phía bắc trải dài đến vùng biển Nam Nhật Bảnquần đảo Hawaii[1].

P. evanidus sống gần các rạn san hô nhánh hoặc trên những vùng nền đáy đá dăm ở độ sâu đến ít nhất là 143 m[3] (thường được quan sát ở độ sâu hơn 20 m[1]).

Mô tả

sửa

Chiều dài cơ thể tối đa được ghi nhận ở P. evanidus là 9 cm[3]. Cơ thể có màu đỏ cam với nhiều sọc ngang màu trắng mờ ở hai bên thân. Bên dưới mắt có một vệt màu trắng xanh ánh bạc. Mống mắt màu đỏ cam. Có 3 cặp răng nanh ở hàm trên và một cặp ở hàm dưới. Các vây trong mờ, không màu[4][5][6].

Số gai ở vây lưng: 9; Số tia vây ở vây lưng: 11 - 13; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 9; Số tia vây ở vây ngực: 14[3]. Gai thứ hai của vây hậu môn dài hơn gai thứ ba, là đặc điểm của chi Pseudocheilinus này[4]

Sinh thái và hành vi

sửa

P. evanidus thường sống đơn độc, nhưng cũng được quan sát là hợp thành nhóm khoảng 2-3 cá thể[1]. Thức ăn là các loài thủy sinh không xương sống[3].

P. evanidus có khả năng phát huỳnh quang sinh học[a] với ánh sáng màu đỏ. Ở các loài cá biển khác, vây ít khi phát quang, nhưng ở P. evanidus, toàn bộ cơ thể của chúng đều phát ánh sáng đỏ, bao gồm tất cả các vây[7]. Một loài cá bàng chài khác cũng có thể phát huỳnh quang đỏ, là Paracheilinus octotaenia.

Loài cá này thường được đánh bắt bởi giới buôn bán cá cảnh, và cũng được xem là một hải sản ở một số nơi trong phạm vi của chúng[1].

Chú thích

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Hiện tượng phát huỳnh quang sinh học có thể hiểu là sự hấp thụ ánh sáng bởi một sinh vật, sau đó chúng sẽ phát lại ánh sáng đó thành một màu khác. Trái lại, hiện tượng phát quang sinh học là quá trình tạo ra ánh sáng bằng các phản ứng hóa học bên trong cơ thể một sinh vật

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b c d e A. Bertoncini (2010). Pseudocheilinus evanidus. Sách đỏ IUCN. 2010: e.T187658A8593063. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T187658A8593063.en. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2021.
  2. ^ C. Scharpf; K. J. Lazara (2020). “Order LABRIFORMES: Family LABRIDAE (i-x)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2021.
  3. ^ a b c d Froese Rainer, và Daniel Pauly (chủ biên) (2019). Pseudocheilinus evanidus trong FishBase. Phiên bản tháng 2 2019.
  4. ^ a b John E. Randall; Gerald R. Allen; Roger C. Steene (1997). The Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 330. ISBN 978-0824818951.
  5. ^ Pseudocheilinus evanidus Labridae”. Reef Life Survey. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2021.
  6. ^ D. J. Bray (2017). “Pinstripe Wrasse, Pseudocheilinus evanidus Jordan & Evermann 1903”. Fishes of Australia. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2021.
  7. ^ Nico K. Michiels (2008). “Red fluorescence in reef fish: A novel signalling mechanism?”. BMC Ecology. 8 (1): 1–14.