Đàn tỳ bà (chữ Hán: 琵琶; bính âm: pípá, romaji: biwa, tiếng Hàn: bipa)[1] là một nhạc cụ dây gảy của người phương Đông được phổ biến nhất ở Trung Quốc, qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa khác nhau tuỳ theo từng vùng hoặc từng quốc gia Á Đông.

Tỳ bà
Đàn tỳ bà Trung Quốc trưng bày trong bảo tàng
LoạiNhạc cụ dây gảy
Đàn tỳ bà
Chữ "tỳ bà" viết bằng chữ Hán
Tiếng Trung琵琶
Nhạc công chơi đàn tỳ bà trong một buổi hoà nhạc ở Quảng Châu.

Nguồn gốc lịch sử

sửa
 
Đàn Qanbus được cho là thủy tổ của tỳ bà theo con đường tơ lụa tới Trung Quốc
 
Đàn tỳ bà thời Ngũ đại.

Đàn tỳ bà có từ thời Trung Hoa cổ đại, theo một số ghi chép là khoảng hơn 2000 năm lịch sử.[2] Truyền thuyết Trung Quốc cho rằng, xưa kia có một Tán Viên lực ngoại dùng ngọc thạch chôn hàng ngày năm mà luyện nên nhạc khí, không ngờ bị thất bại nên vứt bỏ. Lúc này có một kiều nữ đi ngang qua lấy về sửa lại và gọi nó là "tỳ bà". Đàn có âm thanh xuyên thấu cực cao, tiếng đàn lúc cao lúc thấp, tiết tấu lúc nhanh lúc chậm, mềm mại và đanh thép. Có vài vị tiên trên trời nhìn thấy thì phản chế lại rồi hoá thân xuống mà lưu truyền, từ đó đàn có tên gọi như bây giờ là đàn tỳ bà. Theo tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân và phim cùng tên có cảnh trên thiên đình, bầy tiên nữ cầm đàn tỳ bà múa cho những người nhà trời xem, nhất là Ngọc hoàng Thượng đế. Điệu múa ấy có tên "Vũ khúc Thiên đình" (嫦娥天宫舞曲).

Theo truyền thuyết vào đời Tần, có con dơi bỗng dưng sà vào đậu trên đầu đàn tỳ bà trong lúc một nghệ nhân đang gảy đàn mà đuổi đi đến 3 lần vẫn cứ bay trở lại không chịu rời đi. Từ đó mỗi đêm con dơi được nghe nghệ nhân chơi đàn cho đến ngày chết khô. Người nghệ nhân xúc động bèn cho làm một cây đàn tỳ bà đầu chạm hình con dơi thay cho chữ Thọ trước đó. Điều này mang ý nghĩa tiếng tỳ bà có thể hóa cảm một kẻ xấu thành người tốt, một hạng tiểu nhân thành bậc quân tử, một người từ trong tối thấy được ánh sáng. Nó được gọi là biên bức tỳ bà (蝙蝠琵琶).

Từ triều đại Tần – Hán cho đến Tùy – Đường, tất cả nhạc cụ gảy dây đều được gọi là Tỳ bà (琵琶, bính âm: pípá, Latin hóa: pipa), do đó có nhiều nhận định khác nhau về thuật ngữ này. Theo quyển Thích danh (釋名) thời Đông Hán, tỳ bà có thể là từ tượng thanh, có nguồn gốc từ âm thanh của nhạc cụ phát ra. Trong những văn bản cổ xưa nhất, cái từ "tỳ bà" dù được viết khác nhau (tỳ bà 枇杷 hay phê bà 批把) nhưng chúng vẫn có nguồn gốc từ người Hồ (có nghĩa là người ngoại quốc, người man di). Một tài liệu cuối thế kỷ thứ 3 (thời nhà Tấn) cho biết thuật ngữ "tỳ bà" đã xuất hiện trong triều đại nhà Tần (221–206 TCN). Ngày nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng cho rằng tỳ bà có khả năng xuất phát từ chữ "barbat" trong ngôn ngữ Ba Tư, nghĩa là đàn tỳ bà Trung Quốc có nguồn gốc từ Ba Tư là đàn Qanbūs của Ả Rập và đàn Barbat theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc. Tóm lại, dẫu thuật ngữ tỳ bà xuất hiện đầu tiên trong thời kỳ nào, nó là từ ngoại nhập hay do người Trung Quốc nghĩ ra thì có một điều chắc chắn rằng trong triều đại nhà Tần có một loại đàn gọi là Tần tỳ bà.

 
Tranh lụa vẽ một phụ nữ chơi tỳ bà (thời Đường)

Người ta tin rằng loại đàn này mô phỏng hình thức thô sơ của đàn không hầu (箜篌), tức đàn hạc Tàu và Huyền đào (弦鼗) – loại nhạc cụ có những dây đàn căng trên cái trống nhỏ gắn tay cầm, được cho là do những người xây dựng Vạn Lý trường Thành chế tạo vào cuối triều đại nhà Tần. Tần tì bà có cần đàn thẳng, hộp cộng hưởng tròn và 4 dây đàn theo chuẩn 12 nốt. Kiểu này về sau phát triển thành đàn nguyễn – nhạc cụ được đặt tên từ họ của nhạc sĩ Nguyễn Hàm (阮咸) trong nhóm Trúc lâm thất hiền (竹林七賢). Tuy nhiên, cần chú ý, Tần tỳ bà có thân đàn tròn, do đó nó có thể là loại đàn trùng tên chứ không phải là loại tỳ bà mà chúng ta biết ngày nay (loại có thân đàn hình quả lê). Từ thời nhà Tống, thân đàn tỳ bà bị uốn cong xuống.

Về tỳ bà hình quả lê, có hai loại mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chúng có khả năng du nhập từ Trung Đông, từ vương quốc cổ Gandhāra (tiếng Phạn: गन्धार) hay Ấn Độ vào miền bắc Trung Quốc trong thế kỷ thứ 4. Loại thứ nhất gọi là Quy từ tỳ bà (龜茲琵琶,Bính âm:Qiū cí pípá), có cần đàn cong với 4 chốt chỉnh dây và 4 dây đàn. Loại thứ hai gọi là Ngũ huyền tỳ bà (五弦琵琶, Bính âm:Wǔ xián pípá), có cần đàn thẳng, 5 chốt chỉnh và 5 dây. Một số bức vẽ ở hang Mạc Cao ở tỉnh Đôn Hoàng đều phác hoạ hình ảnh tiên nữ quàng đàn tỳ bà ngang qua vai ra sau lưng bằng hai tay (飞天琵琶) trong số những tiên nữ khác thổi sáo, thổi sanh (khèn Trung Quốc),... hay các pho tượng tạc vị Bồ tát gảy tỳ bà tại các ngôi chùa Trung Quốc; nhất là bức tượng Trì Quốc Thiên Vương thân mình mặc giáp trụ. Tuy nhiên, thân hình màu trắng, tay cầm đàn tỳ bà, biểu thị sự vui vẻ, dùng âm nhạc giáo hóa chúng sinh.

Phế tích về một loại tỳ bà 3 dây mà Trung Quốc gọi là "đàn tỳ bà 3 dây thời Đường" (唐代三弦琵琶) hoặc "đàn tỳ bà 3 dây Đạt Mã Câu" (tiếng Trung: 达玛沟三弦琵琶; Hán-Việt: Đạt Mã Câu tam huyền tỳ bà), được khai quật vào năm 2006 tại địa điểm Phật giáo Qira, tọa lạc tại một ốc đảo trong sa mạc Taklamakan khoảng 7 km từ thị trấn Đạt Mã Câu, địa khu Hoà Điền trong lưu vực Tarim của Tây Nam Tân Cương, miền Tây Trung Quốc.[3] Loại tỳ bà 3 dây này là tiền đề cho sự phát triển của tỳ bà 5 dây (ngũ huyền tỳ bà). Theo hình vẽ của bức bích hoạ hang Mạc Cao, tỉnh Đôn Hoàng, loại đàn này được mô tả là kích thước nhỏ. Cần đàn nối liền với bầu đàn hình nửa quả lê, thuôn dài và không có phím, 3 chốt và ba dây tơ. Khi chơi, đàn được gảy trong tư thế đặt nằm ngang. Ngày nay, Trung Quốc đã phục dựng thành công loại tỳ bà 3 dây tưởng chừng đã bị thất truyền đưa vào sử dụng.

 
Tỳ bà thời nhà Minh

Trong triều đại nhà Hán có loại đàn gọi là Hán tỳ bà. Nhạc cụ này có 4 dây đàn tượng trưng cho 4 mùa, còn chiều dài của đàn tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân và Ngũ hành. Đến triều đại nhà Tống thì những nhạc cụ gảy dây khác đã có tên riêng, thuật ngữ "tỳ bà" chỉ còn được sử dụng độc quyền cho nhạc cụ hình quả lê. Loại hình vừa hát vừa diễn tấu tỳ bà gọi là tỳ bà đàn xướng (琵琶弹唱) mà không chỉ áp dụng vào tỳ bà mà người Trung Quốc còn áp dụng vào các nhạc cụ khác để vừa đàn vừa hát.

Nhìn chung, việc miêu tả những loại tỳ bà có hình quả lê xuất hiện khá nhiều từ giai đoạn Nam Bắc triều cho tới đời nhà Đường. Trong triều đại nhà Đường, tì bà phát triển rực rỡ, trở thành nhạc cụ chính trong hoàng cung. Triều đình triệu những nhạc sĩ Ba Tư, Quy Từ và các thầy dạy đàn đến kinh đô Trường An để giảng dạy, biểu diễn và chế tạo tỳ bà. Trong thời kỳ đó, nhiều nghệ nhân làm đàn tỳ bà rất công phu với những nét hoa văn chạm khắc tuyệt hảo. Mô típ chạm khắc thường có liên quan đến Phật giáo.

Loại tỳ bà 4 và 5 dây đặc biệt phổ biến trong triều đại nhà Đường, chúng lan tỏa sang Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc cũng trong triều đại này.

Bên cạnh loại tỳ bà thông thường còn có một loại khác gọi là Nam âm tỳ bà (南音琵琶;Bính âm:Nányīn pípá, viết gọn là nanpa) hay Nam quản tỳ bà (南管琵琶,Bính âm:Nán guǎn pípá), gọi dân dã là "tỳ bà miền Nam" hoặc "tỳ bà nằm ngang". Nhạc cụ này có nguồn gốc ở khu vực trung tâm Trung Quốc, về sau được đưa tới tỉnh Phúc Kiến rồi được dùng chủ yếu ở tỉnh này. Nam âm có thân đàn khá giống loại tỳ bà thông thường, những khác biệt chính nằm ở chỗ phím đàn, trục đàn và mặt thân đàn sơn màu đen. Cần và thân đàn được làm từ một khối gỗ duy nhất (thường là gỗ thông, không nặng bằng tỳ bà thông thường); tuy nhiên có trường hợp mặt thân đàn lại làm từ gỗ quý. Phần đầu trục cong ngược ra phía sau, phần này và chốt chỉnh được làm riêng. Mỗi bên hông thân đàn có một lỗ thoát âm hình trăng lưỡi liềm. Dưới ngựa đàn có một lỗ nhỏ hình thoi. Nam âm tỳ bà chỉ có 4 phím đàn chính (thay vì 6 như tỳ bà thông thường, không có phím trên cùng và phím dưới cùng), làm từ những miếng gỗ hình tam giác, phủ ngoài bằng vỏ rùa biển; ngoài ra còn 9-10 phím thấp và mỏng cũng làm từ một loại gỗ theo thang âm diatonic. Phần phím ở hai bên hông những phím tam giác được khảm xà cừ. Nam âm tỳ bà có 4 dây nylon, chỉnh tone giống tỳ bà thông thường, nhưng nhạc cụ này được chơi ở tư thế nằm ngang giống guitar chứ không dựng đứng tựa trên đùi như tỳ bà thông thường. Khi diễn tấu người ta thường dùng 2 móng gảy hơn là sử dụng ngón tay hoặc 5 móng giả. Trong khi đó, Bắc quản tỳ bà (北管琵琶,Bính âm:Běiguǎn pípá) có tất cả 19 phím và phần cần đàn có tứ Thiên Vương làm bằng ngà voi, dây sắt và khảm xà cừ. Để cho dễ phân biệt với Nam quản tỳ bà với đầu cần đàn hình lá đề thì bắc quản tỳ bà có đầu đàn hình dơi. Phím thủy ba trên cần đàn trước đây được dùng cho tỳ bà thời nhà Minh được mô tả như sau: Sóng nhỏ theo âm Hán Việt là ba (tiếng Trung: ; bính âm: , thủy ba tức chỉ làn sóng trên sông nước. Khi âm nhạc phát ra tiếng, dư âm của nó để lại gọi là âm ba (音波). Trong cổ nhạc Trung Hoa, âm ba được xem như tài rung dây của người chơi tỳ bà. Ngày nay người Trung Quốc tuy đã cải tiến phím thủy ba trên cần đàn để nới rộng âm vực cho những nhạc khúc Trung Quốc mới. Theo thích danh Đông Hán Trung Quốc có câu: "Tỳ bà bản xuất Hồ trung, Mã thượng sở cổ dã, Thôi thủ tiền viết Tỳ,Dẫn thủ khước viết Bà, Tượng kỳ cổ thời, Nhân dĩ vi danh dã" (Đàn tỳ bà vốn xuất phát từ người Hồ; Ngồi trên lưng ngựa mà chơi; Gảy vào gọi là Tỳ; Gảy ra gọi là Bà; Hình dạng giống như các loại đàn khác cùng thời; Do đó lấy cách chơi làm tên gọi (nguyên văn: "枇杷本出胡中,馬上所鼓也,推手前曰批,引手卻曰把,象其鼓時,因以為名也"). "Tỳ bà tứ huyền hoặc ngũ huyền nhạc khí, nội hệ tế đồng điều vi đảm, thập tam phẩm, do cầm chi huy vị" (Tỳ Bà có 4 hay 5 dây, trong thân đàn có buộc một mảnh lá đồng cũng 13 huy của đàn cổ cầm). Tỳ bà có gắn phím thủy ba ở cần đàn được du nhập vào Vương quốc Lưu Cầu với đầu đàn hình lá đề, 4 dây và mặt đàn gắn 12 phím.

Một loại tỳ bà khác có tên là Động tỳ bà (侗琵琶;Bính âm:Dòng pípá), trông không giống lắm loại tỳ bà thông thường, vì nó có thân đàn hình trái tim chứ không phải quả lê. Đồng tỳ bà là đàn tỳ bà của tộc người Động (侗族) nói tiếng Đồng Thủy (侗水語), cư trú rải rác ở tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và khu tự trị Quảng Tây thuộc miền nam Trung Quốc. Đồng tỳ bà được làm từ một khối gỗ khoét rỗng, có một lớp gỗ mỏng dán keo ở mặt trước thân đàn; cần và trục đàn làm từ một khối gỗ khác, thường thì trông khá giống cần đàn Tam huyền (tiếng Trung: 三弦; bính âm: Sānxián) hay cần đàn Tam vị tuyến (三味線; nihongo: shamisen) Nhật Bản. Đồng tỳ bà có 2 hoặc 3 phím đàn và 4 dây đàn chỉnh bằng 4 trục tròn dài. Các dây này chạy căng trên một ngựa đàn gỗ nhỏ tới một chốt dây nhỏ ở cuối thân đàn. Người ta thường sử dụng Đồng tỳ bà để đệm hát và khiêu vũ bằng cách đánh chập (strumming). Loại khác nữa là nhị huyền tỳ bà (二弦琵琶) với mặt đàn bọc bằng da trăn hoặc da kỳ đà. Ở phần gần giữa mặt đàn là ngựa đàn, thùng đàn hình quả lê bổ dọc và nhỏ, cần đàn không có phím. Đầu đàn có hốc luồn dây và 2 trục dây. 2 dây đều làm bằng thép mảnh và còn có tên gọi khác là hốt lôi (忽雷) hay hốt lôi cầm (忽雷琴), nó được tìm thấy trong các ghi chép cổ thời Đường. Vào thời nhà Đường, hốt lôi được sử dụng rộng rãi, có rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn trong dân gian và cung đình, theo thời gian, có lẽ tuân theo quy luật sinh tồn của những người khỏe mạnh nhất trong tự nhiên, không có loại nhạc cụ nào như vậy ở thời hiện đại. Tất nhiên, sẽ không ai có thể chơi lại loại nhạc cụ này, hai chiếc hốt lôi được trân trọng trong Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh chỉ có thể nằm yên lặng ở đó, mang đến cho người ta sự tôn kính về nền văn hóa âm nhạc hưng thịnh của triều đại nhà Đường.

Nhìn chung, đến triều đại nhà Tống thì loại tỳ bà hình quả lê có 5 dây đã mai một, không còn được sử dụng nữa. Vào đầu thế kỷ 21 người Trung Quốc đã cố khôi phục lại loại đàn này, tạo ra loại tỳ bà 5 dây hiện đại mô phỏng từ loại đời nhà Đường, ngoài ra họ còn chế tạo Tì bà điện (电琵琶;Bính âm: Diàn pípá)[4].Trên thực tế, đây là loại tỳ bà thông thường, được gắn thêm những pickup nam châm kiểu guitar điện để khuếch đại âm thanh thông qua một amplifier hay PA system (hệ thống phân bố và khuếch đại âm thanh điện tử thông qua microphone, amplifier và loa). Trên thị trường còn có loại Tụ trân tỳ bà (袖珍琵琶 Bính âm:Xiùzhēn pípa) - nhạc cụ đồ chơi của Trung Quốc. Nó là phiên bản nhỏ xíu của đàn tỳ bà thông dụng, có kích cỡ khác nhau. Tùy theo kiểu, tụ trân tỳ bà có từ 2 đến 5 dây, thân đàn hình quả lê; cần và trục đàn dài ngắn khác nhau. Kiểu nhỏ nhất nằm gọn trong lòng bàn tay, kiểu lớn nhất dài trên 40 cm.

Một loại đàn giống với tỳ bà là liễu cầm (tiếng Trung: 柳琴; bính âm: liǔqín) hay còn gọi theo âm Hán Việt là Thổ tỳ bà (tiếng Trung: 土琵琶; bính âm: tǔpípá), nhỏ hơn (đôi khi loại Thổ tỳ bà có vỏn vẹn 3 dây tương đương với 3 chốt). Phạm vi tần âm của nó cao hơn nhiều so với tỳ bà và nó có vị trí đặc biệt của riêng mình trong âm nhạc Trung Quốc, cho dù là trong nhạc hòa tấu hay trong các bản độc tấu. Đây là kết quả của sự hiện đại hóa trong việc sử dụng nó trong những năm gần đây, dẫn đến tình trạng liễu cầm tăng dần từ một nhạc cụ đệm trong nhạc kịch dân gian Trung Quốc, đến một nhạc cụ được đánh giá cao về chất âm và âm độc đáo.Vị trí của nhạc cụ thấp hơn tỳ bà, được giữ theo đường chéo như đàn nguyễn và đàn nguyệt của Trung Quốc. Giống như đàn nguyễn và không giống như tỳ bà, dây của nó được nâng lên bởi cầu đàn và bảng âm có hai lỗ âm thanh nổi bật. Cuối cùng, nhạc cụ được chơi với một lựa chọn với kỹ thuật tương tự như cả đàn nguyễn và đàn nguyệt, trong khi tỳ bà được chơi bằng ngón tay. Do đó, liễu cầm thường được chơi độc tấu và hoà tấu bởi những người có kinh nghiệm chơi đàn nguyễn và đàn nguyệt. Hiện tại, có cả đàn tỳ bà đồ chơi của Disney Trung Quốc, lấy cảm hứng từ phim hoạt hình Hoa Mộc Lan. Thân đàn và cổ đàn màu hồng với 4 dây thép mảnh, kích thước đàn tương tự liễu cầm.[5] Cũng như tỳ bà, liễu cầm cũng có loại 5 dây gọi là Ngũ huyền liễu cầm (五弦柳琴).

Cấu trúc cơ bản

sửa
 
Đàn tỳ bà Việt Nam của hiệu đàn Tạ Thâm
 
Đàn tỳ bà Trung Quốc (cạnh đàn cổ tranh) và sáo hồ lô ty tại một cửa hàng nhạc cụ
 
Một cây liễu cầm - tỳ bà mini
 
Nam quản tỳ bà
 
Trì Quốc Thiên Vương gảy tỳ bà - tượng tại một ngôi chùa Trung Quốc

Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc (thỉnh thoảng chúng cũng được vẽ hoạ tiết hoa văn trang trí. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong hoặc thẳng có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi hoặc hình tròn trắng (mặt ngọc), bên trong chạm nổi bông hoa, rồng phượng hay hình lá đề tuỳ từng loại. Nơi đầu đàn gắn bốn hoặc năm trục gỗ để lên dây tuỳ từng loại tỳ bà hay cả liễu cầm. Tỳ bà có nhiều loại, song hầu như tất cả đều có thân đàn hình quả lê, mặt đàn thường làm từ gỗ bào đồng hay gỗ phượng hoàng; phần lưng thân đàn làm từ gỗ hồng sắc, gỗ gụ hoặc gỗ đàn hương đỏ. Cần đàn cong hoặc thẳng tùy theo loại. Đầu cần chạm khắc những biểu tượng lạc quan theo quan điểm Trung Quốc, có thể gắn thêm những hạt đá chất lượng tốt. Loại ở đây dài 94,2 cm; thân đàn rộng 22,5 cm, dầy 4,7 cm.

Ban đầu, tỳ bà có cần đàn 4 phím (gọi là tương 相) nhưng đến đầu nhà Minh nhạc cụ này có thêm những phím bằng tre (gọi là phẩm 品) trên miếng gỗ tăng âm, giúp mở rộng âm vực. Số phím đàn tăng dần từ 10, 14 hay 16 trong thời nhà Thanh, sau đó tăng lên 19, 24, 29 và 30 trong thế kỷ 20. Những phím đàn hình nêm trên cần đàn ban đầu là 4, sau đó được nâng lên là 6 cũng trong thế kỷ 20. Loại tì bà 14 hoặc 26 phím đàn được bố trí gần như tương ứng với quãng một cung và nửa cung trong nhạc phương Tây. Tính từ chốt nâng dây (nut) trên cần đàn, cao độ sẽ là 1 cung -1/2 cung - 1/2 cung -1/2 cung -1/2 cung -1 cung - 1/2 cung -1/2 cung -1/2 cung -1 cung -1 cung - 3/4 cung- 3/4 cung -1 cung - 1 cung - 3/4 cung - 3/4 cung, (vài phím có giọng 3/4 cung hoặc "giọng không rõ ràng"). Riêng người Nộ ở Trung Quốc có loại tỳ bà không có phím, mặt đàn đục các lỗ thoát âm toả tròn, cần đàn thẳng và 4 chốt chỉnh ngắn.

Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 – 100 cm. Phần cần đàn có gắn 4 hoặc 5 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, hoặc sử dụng gân bò, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon hoặc thép.

Loại tỳ bà truyền thống có 16 phím trở nên kém phổ biến dần, mặc dù nó vẫn được dùng trong vài loại nhạc địa phương, thí dụ như thể loại Nam Quản (南管). Loại tỳ bà hiện đại dài khoảng 96 cm, có 4 dây, được gắn thêm 6 phím phụ, kết hợp với 18, 24, 25 hoặc 28 phím chuẩn, bố trí khoảng cách 12 âm nửa cung. 4 dây đàn chỉnh tone A, D, E, A1, với âm vực rộng từ A đến G3. Ngày xưa dây đàn làm bằng tơ se. Trong triều đại nhà Đường, nghệ sĩ chơi đàn bằng các ngón của bàn tay phải, về sau mới thay bằng miếng gảy lớn. Trong thập niên 1950, dây thường được làm bằng thép bọc nilon hoặc dây kim loại, giúp giọng tỳ bà tươi sáng và sôi nổi hơn, có vẻ tương tự âm thanh của đàn mandolin. Tuy nhiên, dây kim loại gây trở ngại là khó gảy bằng móng tay hơn, vì thế người ta thường sử dụng móng giả để chơi đàn. Móng giả thường làm bằng làm bằng nhựa hoặc mai rùa. Tỳ bà có khả năng diễn tả đa dạng cung bậc cảm xúc khác nhau, thường được dùng trong dàn nhạc lớn của Trung Quốc hay đệm cho nhạc kịch. Ngày nay người ta còn sử dụng loại đàn này trong cả nhạc pop và rock. Đàn có 4 dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đô - Fa - Sol - Đô1 hoặc Sol -Đô1 - Rê1 - Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng móng đồi mồi đeo trên 5 ngón tay.[1].

Theo cách tính và quan niệm của người Trung Quốc, đàn tỳ bà dài 36 thốn (đơn vị đo), số 3 tượng trưng cho Thiên-Địa-Nhân, số 5 tượng trưng cho Ngũ Hành, 4 dây tượng trưng cho 4 mùa.[2]

Loại tỳ bà mà phần đầu đàn có chạm khắc hình con dơi gọi là Cổ đổng tỳ bà (古董琵琶), còn loại tỳ bà có đầu đàn hình lá đề hay hình tròn trắng chạm khắc hoa gọi là Tử đàn tỳ bà (紫檀琵琶). Ngày nay, với sự phát triển và kế thừa tinh hoa nhạc cổ, tỳ bà Trung Quốc có những mẫu thiết kế mới, sinh động và phong phú hơn lấy cảm hứng từ bức vẽ đàn tỳ bà ở hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng; bao gồm: duyên trường khúc cảnh tỳ bà (延长曲颈琵琶), đại viên khúc cảnh tỳ bà (大圆曲颈琵琶), đoản cảnh khúc hạng tứ huyền tỳ bà (短颈曲项四弦琵琶), khúc hạng đại tỳ bà (曲项大琵琶), khúc hạng tứ huyền tỳ bà (曲项四弦琵琶), khúc hạng tứ huyền tiểu tỳ bà (曲项四弦小琵琶), khúc hạng tỳ bà (曲项琵琶), trường cảnh tứ huyền tỳ bà (长颈四弦琵琶), phương đầu trị cảnh tỳ bà (方头直颈琵琶) và khúc hạng bổng trạng tứ huyền tỳ bà (曲项棒状四弦琵琶) [6].

Ý tưởng với tỳ bà 5 dây (Ngũ huyền tỳ bà - 五弦琵琶) cải tiến ngày nay không chỉ đơn giản là tái tạo từ tỳ bà nguyên bản xưa từ thời Đường mà là tạo ra một nhạc cụ biểu diễn độc đáo cho bối cảnh âm nhạc của thế kỷ 21. Nó đã được thiết kế để khai thác các tiềm năng cho sức mạnh biểu cảm và các âm sắc và âm thanh được thực hiện bởi kiến ​​thức hiện đại và phát triển kỹ thuật. Do tỳ bà 4 dây nổi tiếng với âm thanh trầm đục, đanh sắc và độc đáo nên tỳ bà 5 dây nên cộng hưởng hơn, có nhiều âm trầm hơn và khả năng tạo ra các hợp âm của nhiều âm sắc hơn, trong khi vẫn giữ được độ sáng của tỳ bà 4 dây. Trình Ngọc là người phát minh ra tỳ bà cải tiến 5 dây vào năm 2004 [7]. 5 dây của tỳ bà loại cải tiến này ứng với ngũ âm (Cung, Thương, Giốc, Chủy và Vũ). Tỳ bà 5 dây lên theo 2 quãng 5, mỗi quãng 5 cách nhau một quãng 2: E2 (Mi), A2 (La), D3 (Rê), E3 (Mi1), A3 (La1).

Ngày nay, ngoài tỳ bà được làm từ gỗ thì người Trung Quốc cũng sản xuất tỳ bà với nguyên liệu từ nhựa PVC nhưng âm thanh của nó không hề thay đổi, nổi bật nhất là thủy tinh tỳ bà (水晶琵琶) - loại đàn tỳ bà chế tác hoàn toàn từ nhựa trong suốt như pha lê. Năm 1936, hai loại tỳ bà gồm lục huyền tỳ bà (六弦琵琶 - tỳ bà 6 dây) và bát huyền tỳ bà (八弦琵琶 - tỳ bà 8 dây) được chế tác bởi Vệ Trọng Nha (卫仲乐).

 
Djang San - nghệ sĩ nhạc rock người Pháp chơi tỳ bà điện

Tỳ bà điện tử có nhiều hình dạng và cấu tạo khá khác nhau, nhưng nói chung gồm các bộ phận được cải tiến từ tỳ bà mộc (làm từ gỗ). Bao gồm:

  1. Thủ đàn (headstock): có 2 dạng. Dạng thứ nhất theo phong cách truyền thống, dạng thứ 2 ảnh hưởng từ guitar điện, có chứa thêm trục lõi (truss rod)
  2. Lược đàn (nut)
  3. Chốt chỉnh dây (pegs)
  4. Phím tương (ledge), hoặc thay bằng miếng đánh dấu (inlays) trên cần đàn (neck)
  5. Phím phẩm (frets)
  6. Điểm nối cần và thân đàn (neckjoint)
  7. Thùng đàn (belly) luôn là dạng quả lê bổ dọc
  8. Ngựa đàn (tailpiece)
  9. Bộ pickup (4 chiếc)
  10. Núm điều chỉnh volume (2 chiếc)
  11. Dây đàn của tỳ bà điện bắt buộc phải làm bằng kim loại có khả năng nhiễm từ.
Dây số Tên dây đọc theo tiếng Việt Tần số rung động Kí hiệu
1 Đố (dây cao nhất) 329.63 Hz C1
2 Son 246.94 Hz G
3 Fa 196.00 Hz F
4 Đồ (dây thấp nhất) 146.83 Hz C

So sánh giữa tỳ bà Trung Quốc và tỳ bà Việt Nam

sửa

Thang âm của tỳ bà Trung Quốc thuộc hệ Cromatic 12 âm (âm giai nửa cung), đáp ứng phù hợp với tình cảm mềm mại sâu lắng, đau khổ có đủ cả & phù hợp với tâm tư tình cảm cũng như gu thẩm mỹ nghe nhạc của người Trung Quốc vì dây bằng sắt. Còn Tỳ bà Triều Châu du nhập vào Việt Nam, nó được sử dụng với thang âm Diatonic 7 nốt và sử dụng dây nylon. Khi chơi tỳ bà Trung Quốc bạn phải đeo tất cả năm móng giả với 1 bàn tay trong khi tỳ bà Việt Nam chỉ cần gảy với 1 miếng gảy nhựa nhỏ. Tỳ bà Việt Nam dễ dàng nhấn được quãng 3 và 4 do phím sâu còn tỳ bà Trung Quốc là phím nông và nhỏ.

Chất liệu gỗ cũng khác nhau. Vì tỳ bà Trung Quốc làm từ gỗ nguyên khối, bản dày nên khá nặng, tầm từ 7 – 8 kg; trong khi tỳ bà Vệt Nam rơi vào khoảng 2 kg.

Du nhập vào Việt Nam

sửa

Tỳ bà lần đầu tiên được nêu danh trong lịch sử Việt Nam, khi Lê Tắc ghi trong An Nam chí lược, tên dàn tiểu nhạc dùng ngoài cung đình nhà Trần. Đàn tỳ bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn tỳ bà Trung Quốc, vốn từ Ba Tư dưới dạng đàn Qanbūs của Ả Rập và đàn Barbat theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc.[8]. Tỳ bà đã du nhập sang nước Việt từ rất sớm, là phiên bản làm lại của Bắc quản tỳ bà Trung Quốc và thay dây sắt bằng dây nylon. Bằng chứng là hình chạm các nhạc công trên tảng đá vuông dùng làm chân cột chùa Phật Tích, Bắc Ninh, có chạm hình tỳ bà giữa hai nhạc công dùng sanh (một loại khèn cổ) hoặc sáo có nhiều ống nứa ráp lại gọi là bài tiêu, và ống tiêu thổi dọc. Trong khi những bức phù điêu khắc hoạ những nhạc công tay phải dùng miếng gảy (gọi là phết) tương đương tỳ bà Nhật Bản bây giờ hay tỳ bà 4 dây thời Đường, đứng giữa hai nhạc công thổi sanh và ống sáo ngang. Suốt thời nhà Trần, tỳ bà chỉ góp mặt trong dàn Tiểu nhạc dùng trong dân gian.

Đời nhà Hậu Lê, khi Lương Đăng quy định nhạc cung đình theo mẫu nhà Minh, tỳ bà có mặt trong dàn Đường Hạ chi nhạc. Nhưng quy định của Lương Đăng không được ai tán thành cả. Nguyễn Trãi đã dâng biểu để tâu với Hoàng đế vì sao ông đã từ chức không ở trong Ban lo việc quy định Nhạc Triều Đình, nêu những cái sai của Lương Đăng[9]. Nhưng cuối cùng Lê Thái Tông cho thi hành theo quy chế mới của Lương Đăng.

Đến đời Hồng Đức (1470-1497), ba vị đại thần là Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận kê cứu âm nhạc Trung Hoa hiệp vào quốc âm, chế ra hai đội Đồng VănNhã Nhạc để đàn và hát trong cung đình[10]. Đàn tỳ bà và đàn Tranh đều có trong hai đội ấy. Nhưng các Vị Đại thần không muốn giữ tên tranh hay tỳ bà là tên Trung Quốc, nên đặt cho tỳ bà tên Tứ huyền cầm (đàn 4 dây) còn đàn Tranh lúc ấy có 15 dây mang tên là Thập ngũ huyền cầm.

Sau đó, có một sự thay đổi rất lớn từ đời Quang Hưng (1578), hai đội Đồng Văn, Nhã nhạc chỉ còn được dùng trong các lễ lớn như Tế Giao, Tế Miếu, Đại triều. Trong các dịp khác, lần lần Đồng Văn, Nhã Nhạc bị đội Giáo phường trong dân gian thay thế. Tỳ bà bị bỏ quên trong khi đàn tranh được sung vào Đội Giáo phường, góp mặt với đàn đáy, có trống yêu cổ, có loại địch quản mà tên gọi thông thường là Quyển Thúy. Có đào nương vừa ca vừa gõ phách có cả sênh tiền. Khi đàn trong cung điện gọi là đi hát cửa quyền (tiền thân của ca trù) thì đội Giáo phường có rất nhiều nhạc công đàn Cầm, tức là loại đàn dây, trong đó có đàn Tranh 15 dây. Và còn nhiều trống to, trống nhỏ, ống địch, hải loa...

Cuối đời nhà Lê, có một thay đổi lớn: đàn Tranh không còn có mặt trong dàn nhạc triều đình mà thay bằng tỳ bà góp mặt với đàn nguyệt (lúc đó tên là đàn song vận), đàn tam, đàn nhị, có hai cái sáo, một trống bản, một tam âm la và một sênh tiền.

Sau chiến thắng Kỷ Dậu, Quang Trung gửi một phái đoàn hữu nghị sang chầu Càn Long. Thanh Đế phong cho Quang Trung tước An Nam quốc vương, người Trung Quốc gọi dàn nhạc đi theo là "An Nam quốc nhạc". Khâm định Đại Thanh Hội điển sự lệ ghi lại, nhiều chi tiết về chín loại nhạc nước ngoài có mặt tại triều đình nhà Thanh gọi là Cửu tấu. Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, từ năm 1802 người Trung Quốc đổi tên lại là Việt Nam quốc nhạc.

Nhà Nguyễn chấn chỉnh nhạc cung đình. Lập dàn Đại Nhạc gồm Kèn trống là chính. Và dàn Nhã nhạc cũng gọi là Tiểu nhạc hay "Ti trúc tế nhạc", vì dàn nhạc gồm những nhạc khí mắc dây tơ và cây sáo trúc. Tỳ bà có mặt trong dàn nhạc cung đình còn đàn Tranh lại được trọng dụng trong dân gian và trở thành một nhạc khí quan trọng của nhạc thính phòng. Đàn Tranh, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tam và đàn tỳ bà trở thành ban Ngũ tuyệt của ca nhạc thính phòng Huế (tiền thân của ca Huế).

Màu âm, tầm âm

sửa

Màu âm đàn tỳ bà trong sáng, vui tươi, thể hiện tính chất tươi sángtrữ tình. Màu âm tỳ bà Trung Quốc đanh sắc và trong khi tỳ bà Việt Nam khô hơn không khác gì đàn nguyệt, nhất là ở những khoảng âm cao.

Tầm âm của đàn tỳ bà là 3 quãng tám: từ Ðô lên Ðô3 (c lên c3), trong khi tầm âm của liễu cầm là 6 quãng tám: từ Ðô3 lên Ðô6 (c3 lên c6).

 
Mặt trước và sau của liễu cầm cổ điển

Kỹ thuật diễn tấu

sửa
 
Tầm âm của liễu cầm
  • Kỹ thuật diễn tấu của đàn tỳ bà có nhiều kỹ thuật giống như đàn nguyệt: ngồi thẳng trên ghế, đàn được đặt gần như thẳng đứng. Ít khi tỳ bà chơi trong tư thế đứng để chơi. Xưa kia, người Trung Quốc đặt đàn tỳ bà ở phương nằm ngang khi chơi. Riêng với nam âm tỳ bà (nam quản tỳ bà), người chơi chỉ cần đeo hai móng gảy ở ngón cái và ngón trỏ có thể dễ dàng dùng kỹ thuật vê dây (luân chỉ).
  • Kỹ thuật tay phải: Tay phải gảy đàn, cách sử dụng móng tay để đàn có nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng sinh động. Đơn giản nhất là nên chơi tỳ bà với một miếng gẩy đàn hình tam giác lớn (chỉ có ở biwa Nhật).
  • Kỹ thuật tay trái: Kỹ thuật tay trái của đàn tỳ bà có các kỹ thuật nhấn, vuốt dây, ngũ trảo, bấm hợp âm, đặc biệt đàn tỳ bà có lối đánh song thanh: 2 đồng âm ở hai dây khác nhau.

Móng gẩy của đàn tỳ bà Trung Quốc không khác gì đàn tranh Việt Nam và cổ tranh Trung Quốc.

Có hai kỹ thuật rất phổ biến: thứ nhất là "tỳ" (琵), đẩy những ngón tay của bàn tay phải từ phải sang trái, có thể sử dụng một hoặc vài ngón tay theo cách đó để đánh cùng lúc, tạo đa âm (ngón bật); thứ hai là "bà" (琶), kéo ngón cái của bàn tay phải từ trái qua phải theo chiều ngược lại.

Kỹ thuật búng dây gọi là "đàn-khiêu" (彈挑), sử dụng ngón trỏ và ngón cái. Đàn 彈 là búng dây bằng ngón trỏ, còn khiêu 挑 là búng dây bằng ngón cái. Thông thường, cách búng dây trên đàn tỳ bà ngược lại với cách gảy đàn guitar. Người ta búng những ngón tay (kể cả ngón cái) hướng ra ngoài, trong khi đó, khi chơi guitar thì những ngón tay lại gảy vào trong, hướng về lòng bàn tay. Đối với tỳ bà, cách gảy ngược vị trí so với "đàn" và "khiêu" gọi theo thứ tự là "mạt (抹) và "câu" (勾). Khi gảy hai dây cùng lúc bằng ngón trỏ và cái (hai ngón hoạt động riêng lẻ) gọi là "phân" (分), chuyển động ngược lại gọi là "chích" (摭). Đánh chập nhanh bằng bốn ngón tay gọi là "tảo" (掃), đánh chập nhanh ở vị trí ngược lại gọi là "phất" (拂). Tạo âm thanh đặc biệt bằng kỹ thuật vê (tremolo) thì gọi là "luân chỉ" (輪指). Kỹ thuật này thường được sử dụng cả năm ngón của bàn tay phải, tuy nhiên, có thể sử dụng chỉ bằng một hoặc vài ngón tay.

Kỹ thuật tay trái rất quan trọng đối với sự biểu cảm của nhạc tì bà, giúp tạo ra âm rung, luyến ngắt, vuốt, bật, âm bội và những hòa âm giả (artificial harmonics) giống như kỹ thuật sử dụng trên đàn violin và guitar. Kỹ thuật nhấn dây (string-bending) cũng có thể được dùng để tạo ra âm vuốt và luyến ngắt. Xin lưu ý, phím của tất cả các loại tỳ bà Trung Quốc đều cao, do đó những ngón tay thường không chạm vào phím. Đây là điểm khác biệt so với những nhạc cụ có phím của phương Tây. Điều này giúp xử lý tốt hơn trong việc tạo ra giọng và âm sắc. Thêm vào đó, có một số kỹ thuật tạo âm thanh đặc biệt, thí dụ như gõ vào bề mặt thân đàn để tạo âm gõ hoặc xoắn những sợi dây vào nhau trong khi chơi để tạo hiệu ứng tiếng chũm choẹ. Đôi khi, tỳ bà cũng được kéo bằng cung vĩ như chơi đàn nhị hay vĩ cầm [11] Đặc biệt hơn, theo ông Phương Cẩm Long (方锦龙) - nhà sưu tầm và nghiên cứu nhạc cụ truyền thống Trung Quốc đã sử dụng đàn tỳ bà 5 dây mô phỏng được tất cả các nhạc cụ trên thế giới như guitar phương Tây, sitar Ấn Độ, shamisen Nhật Bản,... và kể cả đàn bầu Việt Nam.

Một số loại tỳ bà khác

sửa

Bipa (Hàn Quốc)

sửa
 
Đàn tỳ bà Hàn Quốc (Bipa) chụp tại một bảo tàng, nó có từ năm 1893.
2 loại đàn tỳ bà Triều Tiên gồm Hyang Bipa và Dang Bipa
Dang Bipa - Đàn tỳ bà Triều Tiên được bản địa hóa dựa theo phong cách thời Đường, Trung Hoa
Đàn tỳ bà Hyang Bipa truyền thống 5 dây
Hình minh họa từ sách Akhak Gwebeom (Hangul:악학궤범, Hanja: 樂學軌範, Hán Việt: Nhạc học quỹ phạm) thế kỷ 15 của Triều Tiên về 2 dòng đàn tỳ bà cho thấy, Dang-bipa được chơi bằng miếng gảy mokbal, trong khi hyang-bipa được chơi với móng giả hay que gảy suldae

Bipa (Hangul:비파, Hán Việt: tỳ bà) là nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc. Nó là loại đàn lute có hình quả lê, liên quan với loại tỳ bà Trung Quốc, Việt Nam và biwa Nhật Bản. Trong quá khứ có hai loại bipa: hyang-bipa (Hangul:향비파, Hương tỳ bà) và Dang-bipa (Hangul:당비파, Đường tỳ bà). Cả 2 loại Dang Bipa và Hyang Bipa truyền thống có từ 8 phím tới 13 phím tre già nguyên khối (có loại 19 phím), riêng Hyang Bipa được vẽ họa tiết hoa lá trên mặt đàn. Loại Hyang Bipa hiện đại nhiều phím hầu hết ảnh hưởng từ tỳ bà Trung Quốc. Trước đây, cả 2 loại tỳ bà này sử dụng dây tơ nhưng ngày nay ít khi được sử dụng mà thay vào đó là dây được làm từ tơ hóa học hay polyester.

Hyang Bipa

sửa

Hyang Bipa là loại tỳ bà 5 dây, chơi bằng một miếng gảy - loại chuẩn từ triều đại Cao Câu Ly (고구려, 37-668) đến triều Tân La (신라, -935). Nó là một trong ba loại đàn dây trong triều Tân La (bên cạnh đàn tranh geomungo (거문고) và đàn tranh gayageum (가야금). Loại này có cần đàn thẳng; 5 dây đàn; bên trái trục đàn có 3 chốt chỉnh dây, bên phải hai chốt; mặt trước làm từ gỗ bào đồng, mặt sau làm từ gỗ cây hạt dẻ. Ban đầu nhạc cụ này có 5 phím đàn vốn từ loại tỳ bà 5 dây thời Đường từ Trung Quốc truyền sang nhưng đến thời nhà nước Triều Tiên (조선, 1392-1897) thì tăng lên 10 phím, riêng những phiên bản hiện đại có thể lên tới 12 phím đàn (âm vực gần 3 quãng tám). Theo ký tự Trung Quốc thì hyang (鄕,Bính âm: xiāng; Hán Việt: Hương) có nghĩa là "quê quán, quê nhà", nhằm nói rằng loại đàn này có nguồn gốc ở Hàn Quốc. Khi diễn tấu người ta thường ngồi, đặt đàn trên đùi theo tư thế dựng đứng (hơi nghiêng về bên trái), bàn tay trái giữ cần hoặc thân đàn và bấm dây, bàn tay phải sử dụng 5 móng gảy Gajogak (Hangul:가조각, Hanja:假爪角, Hán Việt: giả trảo giác) để gảy dây đàn. Trước đây người ta gảy đàn bằng que Suldae (ảnh hưởng từ đàn tranh geomungo), nhưng ngày nay người bảo lưu cách chơi Hyang bipa là nữ nhạc công Go Boseok (고보석) - người có thể chơi cả đàn tỳ bà Hyang bipa, đàn nguyệt Wolgeum và đàn tranh Geomungo 6 dây. Ngày nay, hầu hết những người chơi hyang bipa đều sử dụng hyang bipa cải tiến từ tỳ bà Trung Quốc và đa phần họ đều sử dụng kỹ thuật từ cách chơi tỳ bà Trung Quốc, nhất là trong những tác phẩm nhạc mới. Cả 2 loại tỳ bà này trước đây sử dụng dây tơ, ngày nay dây của chúng hầu hết được làm từ sợi tơ tổng hợp.

Dang Bipa

sửa

Dang Bipa là loại tỳ bà 4 dây, có đầu cần cong ngược ra phía sau với 12 phím đàn trên cần đàn, phiên bản hiện đại có âm vực rộng hơn 3 quãng tám. Theo ký tự Trung Quốc Dang (唐;Hangul: táng; Hán Việt: Đường) là từ nói về triều đại nhà Đường, ý nói loại đàn này có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Hàn Quốc từ thời nhà Đường. Trong thời kỳ Cao Ly (Hangul: 고려; 918–1392), nó được sử dụng trong nhạc Dangak (nhã nhạc Hàn Quốc). Cái tên Dangak có nghĩa là "Đường nhạc", một loại nhạc mô phỏng từ nhã nhạc nhà Đường, Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ thời Triều Tiên, nó còn được dùng trong nhạc hyangak. Cái tên hyangak có nghĩa là "nhạc làng" (village music), một hình thức nhạc cung đình truyền thống của Hàn Quốc có nguồn gốc trong thời kỳ Tam quốc (삼국시대). Trước đây người ta đã cố phục hồi bảo lưu cách chơi Dang-bipa nhưng có vẻ thất bại vì không còn nhạc sĩ chuyên nghiệp về loại đàn này. Hiện tại, đàn tỳ bà Dang Bipa được phục dựng cả về hình dáng và cách chơi. Nó được gảy bằng miếng gảy Mokbal (Hangul:목발, Hanja:木撥, Hán Việt: mộc phạt) hoặc đeo móng giả Gajogak. Thủ đàn của nó có hình búp hoa 3 cánh nhọn (gần giống hoa tulip) hoặc hình lá đề.

Biwa (Nhật Bản)

sửa
 
Các loại đàn biwa của Nhật Bản, phía dưới chỗ trưng bày là một miếng gảy tam giác lớn (bachi)
 
Các miếng gảy biwa khác nhau: Trúc tiền tỳ bà (trái) và các miếng gảy của các biwa còn lại, trong đó có Tát ma tỳ bà

Biwa du nhập vào Nhật Bản trong thời Nại Lương (奈良時代, 710-794). Nhìn chung, các biwa của Nhật thì cây nào cũng gồm từ 4 đến 5 phím đàn gắn cố định trên dọc đàn (cần đàn) chứ không có quá nhiều phím đàn như tỳ bà Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên. Phía trên cần đàn uốn cong ngược ra phía sau. Vào thời đó có hai loại biwa: thứ nhất là gaku biwa (hay bagaku biwa), sử dụng trong nhạc cung đình Gagaku (Nhã nhạc) và đệm múa Bugaku, phổ biến trên quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu); loại thứ hai là loại kojin biwa (hay moso biwa), do những thầy tu mù (moso) thuộc dòng Phật giáo Tendai sử dụng. Về sau, kojin biwa phát triển thành hai dòng riêng: loại của thầy tu mù ở Chikuzen và loại của thầy tu mù ở Satsuma (Chikuzen và Satsuma là hai tỉnh cũ thuộc đảo Kyushu). Loại của thầy tu mù ở Chikuzen có 4 dây và 5 phím, còn loại của thầy tu mù ở Satsuma có 3 dây và 6 phím. Đến thế kỷ 14, những người hát rong (biwa-hoshi) thường xuyên chơi biwa. Họ vừa đàn vừa hát những bài anh hùng ca thời chiến (gunki-monoratari), đặc biệt là Heike monogatari. Từ đó xuất hiện loại đàn Heike biwa 5 dây, dần dần phổ biến trong tầng lớp samurai vào thời Thất Đinh (室町時代,1337-1573) và thời An Thổ Đào Sơn (安土桃山時代, khoảng 1573 đến 1603), đặc biệt là trong thị tộc Shimazu ở đảo Kyushu. Phần lớn, biwa được các ca nương hay nam nhạc công dùng để hát kể.

 
Tranh vẽ thầy tu mù hát kể với đàn biwa

Khoảng đầu thời Đức Xuyên (徳川時代, 1603-1868), một dòng biwa khác tiến hóa, tách khỏi loại biwa của thầy tu mù ở Satsuma, dòng đó gọi là Satsuma biwa. Khoảng giữa thời Minh Trị (明治時代, 1868-1912), thêm một dòng biwa nữa phát triển, tách khỏi loại biwa của thầy tu mù ở Chikuzen, dòng đó gọi là Chikuzen biwa. Theo thời gian, nhiều dòng biwa khác ra đời. Cho đến ngày nay, căn cứ vào số dây, âm thanh, loại miếng gảy và cách sử dụng, người ta chia biwa thành tám loại phổ biến, đó là: Gagaku biwa, Gogen biwa, Moso Biwa, Heike biwa, Satsuma biwa, Chikuzen biwa, Nishiki biwa và Tsuruta biwa. Nhìn chung, đàn tỳ bà Nhật Bản có âm sắc vô cùng trầm, khác hẳn với âm thanh của đàn shamisen. Dây đàn tỳ bà Biwa ngoài sử dụng chất liệu tơ tằm bện, ngày nay người Nhật đều dùng dây dù làm dây cho Biwa.

Nhìn chung, biwa có thân đàn hình quả lê, được làm từ một khối gỗ cứng hoặc từ vài miếng gỗ ghép lại; mặt đàn là một lớp gỗ mềm mỏng, thường có hai lỗ thoát âm hình bán nguyệt; cần đàn ngắn, có 3 đến 6 ngăn phím cao; cần đàn phần trên vuông, cong về phía sau một góc 90 độ với phần đầu trục uốn ngược lên. Biwa có từ 3 đến 5 dây đàn làm bằng tơ (hiện nay chỉ còn loại 4 và 5 dây, chỉnh tone bằng những chốt gỗ tròn và dài nằm ở hai bên cần đàn). Miếng gảy (bachi) sử dụng cho biwa có hình tam giác, khá lớn, không chỉ dùng để gảy dây mà còn gõ vào mặt đàn. Thông thường, có một mảnh da thuộc hay giấy dán hồ nằm vắt ngang nửa phần dưới mặt đàn. Loại ở đây làm bằng gỗ và da thuộc, dài 105 cm, rộng 40,3 cm, dày 7 cm, có 4 dây đàn.

Cách chơi và âm thanh của biwa không giống như đàn Tỳ bà Trung Quốc, Việt Nam hay Hàn Quốc. Biwa là loại đàn dùng để độc tấu, hòa tấu, chủ yếu là đệm hát, làm nền cho những câu chuyện kể bằng những giai điệu chậm. Đến thời Minh Trị, do nhạc phương Tây và nhiều nhạc cụ khác phổ biến hơn nên việc chơi đàn biwa đã trở nên mai một dần. Tuy nhiên, đến nửa cuối thế kỷ 20, biwa hồi sinh qua tài năng của nữ nghệ sĩ Nhật Tsuruta Kinshi. Tuy ít được sử dụng trong nhạc pop, song biwa đã từng xuất hiện trong ban nhạc progressive rock của Nhật (nhóm Paikappu) trong thập niên 1980 và từ năm 2003, ca sĩ Nagasu Tomoka (長須与佳) của nhóm Rin' - một ban nhạc pop Nhật đã chơi nhạc cụ này. Về âm sắc, biwa có âm thanh từ sự kết hợp của đàn sitar Ấn Độ và shamisen.

Chikuzen biwa

sửa

Chikuzen biwa (nihongo: 筑前琵琶, Trúc tiền tỳ bà) là loại biwa hiện đại, dài 70 cm, có 4 - 5 dây đàn với 4 - 5 ngăn phím. Phần lớn nghệ sĩ chơi nhạc đương đại đều sử dụng loại 5 dây. Miếng gảy của Chikuzen biwa rộng khoảng 13 cm (nhỏ hơn nhiều so với loại Satsuma biwa), thường làm bằng gỗ hồng sắc với phần đầu là gỗ hoàng dương hoặc ngà. Kích cỡ, hình dáng và trọng lượng của loại đàn này còn tùy thuộc vào giới tính và tuổi tác của người chơi. Loại do nam giới sử dụng rộng hơn và/hoặc dài hơn một chút so với loại dành cho phụ nữ và trẻ em. Loại 4 dây được chỉnh giọng B, e, f#, b; còn loại 5 dây chỉnh C, G, C, d, g hoặc E, B, e, f#, b. Xét về lịch sử, Chikuzen biwa xuất hiện khoảng cuối thời Nại Lương (奈良時代), khởi đầu thời Bình An (平安, 794-1185). Vào thời đó, thầy tu mù Gensei sáng lập ngôi đền Seishukuin, nơi tu hành của những thầy tu mù vùng Chikuzen. Gensei và những thầy tu mù đã chế tạo nhiều loại đàn biwa khác nhau. Dần dần loại biwa có 4 dây và 5 phím trở thành chuẩn mực, được sử dụng rộng khắp ở miền bắc đảo Kyushu, được đặt tên là Chikuzen biwa. Đến giữa thời Minh Trị (Meiji), Tachibana Satosada đã phổ biến loại đàn này khắp nước Nhật. Chikuzen biwa thường được dùng để chơi nhạc không lời. Trong lúc diễn tấu, người ta không bao giờ gõ miếng gảy vào thân đàn. Đối với loại 5 dây, họ giữ đàn thẳng đứng, còn loại 4 dây thì cầm ngang. Ngày nay, có loại tỳ bà Chikuzen được gắn thêm những pickup nam châm kiểu guitar điện để khuếch đại âm thanh, gọi là Elec biwa (エレキ琵琶 Ereki biwa) và nghệ sĩ Etsuko Matsui là người chơi nhạc thành công với loại biwa này.

Gagaku Biwa

sửa
 
Gakubiwa - Tỳ bà dùng cho Nhã nhạc

Gagaku biwa (Nihongo: 雅楽琵琶, Nhã nhạc tỳ bà) là loại biwa cổ điển; phần bụng của thân đàn làm từ gỗ hồng sắc, dâu tằm hay gỗ mộc qua Trung Quốc, đôi khi còn sử dụng gỗ anh đào và gỗ sồi Trung Quốc; phần mặt của thân đàn làm từ gỗ hạt dẻ. Nếu phần bụng của thân đàn làm từ một miếng gỗ thì gọi là "hita ko", còn làm từ hai đến ba miếng gỗ gọi là "hagi ko". Hita ko được công nhận là loại giá trị nhất. Phần dưới mặt đàn lót một miếng da thuộc đi ngang qua, miếng này rộng khoảng 10–12 cm. Đây là chỗ người ta gõ miếng gảy vào khi đánh đàn. Trên miếng da thuộc thường vẽ những bức tranh đẹp, ngoài ra, những cây biwa nổi tiếng còn có tên riêng, cái tên này liên quan với việc thiết kế những bức tranh. Phần trên của thân đàn gọi là "shishi kubi" (cổ gầy), nó được làm từ gỗ cứng nhập khẩu hoặc gỗ dâu tằm. Đỉnh của phần trên gọi là "kairobi" (đuôi tôm), được làm từ gỗ hoàng dương hoặc gỗ đàn hương. Những chốt chỉnh dây ngắn và nhỏ, dễ phân biệt với loại biwa hiện đại hơn như Satsuma biwa và Chikuzen biwa. Miếng gảy của Gagaku biwa mỏng và nhỏ dài khoảng 20 cm), làm từ vật liệu cứng như ngà hay gỗ hoàng dương. Nhìn chung, loại đàn này lớn và nặng, có 4 dây tơ và 4 phím đàn, chuyên dùng cho thể loại nhạc cung đình gagaku (Nhã nhạc Nhật Bản). Gagaku biwa không được dùng để đệm hát. Giống như cách chơi Heike biwa, khi diễn tấu người ta thường ngồi gập chân, giữ loại đàn này nằm ngang như guitar. Trong Nhã nhạc Nhật Bản, Gagaku biwa được gọi là Gakubiwa (Nhạc tì bà).

Gogen Biwa

sửa

Gogen biwa (nihongo: 五絃琵琶, Ngũ huyền tỳ bà) là loại biwa cổ điển, biến thể của tỳ bà Trung Quốc trong thời nhà Đường. Nó được làm bằng gỗ, nhiều chỗ khắc hoa văn và cẩn xà cừ. Gogen biwa có 5 dây đàn, không nên nhầm lẫn chúng với loại biến thể hiện đại cũng có 5 dây, đó là Chikuzen biwa. Gogen biwa thường được dùng trong Nhã nhạc Nhật Bản.

Heike biwa

sửa

Heike biwa (nihongo: 平家琵琶, Bình gia tỳ bà) là loại biwa xuất hiện trong thời Edo (1603-1868). Nó có 4 dây và 5 ngăn phím, chỉnh giọng A, c, e, a hoặc A, c#, e, a, thường dùng để chơi trong chuyện kể Bình gia vật ngữ (Heike Monogatari), một bản sử thi về cuộc chiến giành quyền kiểm soát Nhật Bản giữa dòng dõi samurai Taira với gia tộc quyền quý Minamoto trong cuối thế kỷ 12. Miếng gảy của loại đàn này lớn hơn một chút so với loại gagaku biwa, nhưng ngoại hình thì nhỏ hơn nhiều (có thể so sánh với kích cỡ của chikuzen biwa). Ngày xưa, loại đàn này do những người hát rong sử dụng. Ngoài ra, do có kích cỡ nhỏ nên người ta có thể chơi chúng trong nhà.

Moso biwa

sửa

Moso biwa (nihongo: 盲僧琵琶, Manh tăng tỳ bà) là loại biwa cổ điển, có 4 dây, được dùng trong ca khúc và câu chú Phật giáo. Ngày xưa, loại đàn này do các thầy tu (moso) thuộc dòng Phật giáo Tendai sử dụng. Nó có ngoại hình tương tự chikuzen biwa nhưng thân đàn hẹp hơn nhiều. Miếng gảy của nó khác nhau về kích cỡ và chất liệu. Loại có 4 ngăn phím chỉnh dây E, B, E, A; loại có 5 ngăn phím chỉnh B, e, f # và f #; còn loại 6 ngăn phím chỉnh Bb, Eb, Bb và bb.

Nishiki biwa

sửa

Nishiki biwa (nihongo: 錦琵琶, Cẩm tỳ bà) là loại biwa hiện đại. Nó có 5 dây và 5 ngăn phím, do Suitō Kinjō phổ biến. Miếng gảy của nó giống như loại dùng cho Satsuma biwa. Cách dây đàn được chỉnh tone C, G, c, g, g.

Satsuma biwa

sửa
 
Tát ma tỳ bà loại 3 dây

Satsuma biwa (nihongo: 薩摩琵琶, Tát ma tỳ bà) là loại biwa chế tạo ở miền nam Nhật Bản vào thế kỷ 16, rất phổ biến ở đảo Kyushu. Vào thời ấy, ông hoàng Shimazu Tadayoshi ngự trị Tát ma quốc (vùng Satsuma, thành phố Kagoshima ngày nay). Ông muốn có một nhạc cụ đệm các ca khúc do ông sáng tác, nhằm khích lệ tinh thần dũng sĩ samurai và thần dân. Tadayoshi Shimazu ra lệnh cho Fuchiwaki Ryoko cải tiến loại nhạc cụ do những thầy tu mù sử dụng ở Satsuma thành loại Satsuma biwa ngày nay.

Theo truyền thống, Satsuma biwa được làm từ gỗ dâu tằm, mặc dù những loại gỗ cứng khác như gỗ sồi Nhật đôi khi cũng được dùng trong cấu trúc của chúng. Người ta thường chọn cây dâu tằm có ít nhất 120 tuổi, phơi khô 10 năm trước khi làm loại đàn Satsuma biwa. Chúng dài khoảng 90 cm. Loại truyền thống có 3 ngăn phím 3 dây tơ, sau này là 4 ngăn phím và 4 dây tơ thường chỉnh giọng A, E, A, B (theo giọng của người chơi); trong khi đó loại hiện đại có 5 ngăn phím trở lên, ngoài ra nó có 5 dây (dây 4 và 5 cùng cao độ), được chỉnh theo âm vực tone của người chơi. Vài cây lại có 4 nguồn dây đôi, chỉnh tone G, G, c, g, hay G, G, d, g và thường được dùng trong nhạc đương đại. Nhìn chung, còn nhiều cách chỉnh dây khác cho cả loại truyền thống lẫn hiện đại. Ngăn phím của Satsuma biwa truyền thống có thể nâng cao 4 cm, cho phép nốt lượn lên những bậc cao hơn. Miếng gảy của chúng làm từ gỗ hoàng dương, rộng hơn nhiều so với miếng gảy của những loại biwa khác, thường rộng từ 25 cm trở lên. Satsuma biwa là loại đàn dùng trong hát nói, người kể chuyện chỉ đàn khi họ nghỉ hát để lấy hơi. Kỹ thuật chơi loại đàn này kết hợp giữa cách chơi Moso biwa và Heike biwa. Khi diễn tấu, những ngón tay trái của người chơi bấm mở các dây đàn trong khi đó bàn tay trái gảy dây bằng một miếng gảy lớn.

Tsuruta biwa

sửa

Trong thế kỷ 20, Tsuruta Kinshi, một nghệ sĩ Nhật đã chế tác phiên bản Satsuma biwa đời mới để biểu diễn, ông gọi cây đàn này là Tsuruta biwa (鶴田琵琶). Loại biwa này có cấu trúc đầu cần khác Satsuma biwa một chút. Nó có 5 dây (đôi khi dây thứ tư lại là dây đôi) và 5 phím đàn, cho phép có nhiều nốt hơn để biểu diễn những tác phẩm phương Tây và hiệu đại. Khi chơi loại đàn này ông Tsuruta Kinshi ngồi xếp chân theo kiểu Nhật, đặt thân đàn tựa lên hai đùi, bàn tay trái giữ cần đàn, còn những ngón trái bấm phím, trong lúc bàn tay phải cầm một miếng gảy khá lớn, gảy một cạnh vào dây đàn.

Sử dụng

sửa
 
Triệu Thông - nghệ sĩ đàn tỳ bà Trung Quốc tại 1 buổi hoà nhạc ở Bắc Kinh

Ở Việt Nam đàn tỳ bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc cung đình Huế, Lễ nhạc Phật giáo, Lễ nhạc Cao Đài, nhạc tài tử, phường bát âm, cải lương và dàn nhạc dân tộc tổng hợp. Riêng Trung Quốc, tỳ bà thường dùng nhiều trong nhã nhạc cung đình, kinh kịch và diễn tấu C-pop. Đàn tỳ bà (biwa) Nhật Bản chuyên dùng cho hát kể và còn dùng cho nhạc Pop (nhóm Rin' đã từng biểu diễn) còn đối với tỳ bà Triều Tiên (bipa) thường dùng trong diễn tấu nhã nhạc cung đình.

Mặc dù đàn tỳ bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của mỗi quốc gia châu Á, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của các dân tộc châu Á trong lĩnh vực khí nhạc. Ngày nay số người biết sử dụng tỳ bà theo phong cách truyền thống Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay[12].

Chú thích

sửa
  1. ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2021.
  2. ^ a b Khám phá Trung Hoa: Đàn tỳ bà
  3. ^ “达玛沟 沙漠掩埋的神秘”.
  4. ^ tỳ bà điện
  5. ^ [1][liên kết hỏng]
  6. ^ “生花妙笔点染乐器神韵,敦煌图案再现华美篇章”.
  7. ^ “Cheng Yu: 5 string pipa”.
  8. ^ “PayU Corporate”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2016. Truy cập 26 tháng 9 năm 2015.
  9. ^ Đại Việt sử ký toàn thư bản Nội các quan bản, (Bản kỷ quyển 5),Nhà xuất bản Khoa học xã hội
  10. ^ Vũ Trung Tùy Bút, Phạm Đình Hổ, mục Lễ Nhạc
  11. ^ “Tỳ bà Trung Quốc được kéo bằng cung vĩ”.
  12. ^ Theo Giáo sư Trần Văn Khê

Liên kết ngoài

sửa