Giáo điều
Bài viết hoặc đoạn này có văn phong hay cách dùng từ không phù hợp với văn phong bách khoa. |
Giáo điều là khái niệm chỉ tư tưởng và hành động tuyệt đối hoá lý luận, coi thường, hạ thấp thực tiễn, hoặc áp dụng lý luận và kinh nghiệm không tính tới điều kiện xã hội mang tính lịch sử cụ thể.[1][2]
Giáo điều là những nguyên lý mà người ta tiếp thu một cách mù quáng, bằng sự tín ngưỡng, không có phê phán, không chú ý đến những điều kiện ứng dụng nó[3]. Giáo điều là luận điểm cơ bản của một tôn giáo, được các tín đồ tin theo một cách tuyệt đối; hoặc luận điểm được công nhận mà không chứng minh, coi là chân lí bất di bất dịch. Giáo điều cũng để chỉ việc từ chối phát triển lý luận để phản ánh thực tế tốt hơn, để thích ứng với sự biến đổi của thực tiễn. Người giáo điều không xem thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý mà chỉ cố gắng bảo vệ niềm tin của họ bằng ngụy biện, bằng cách diễn tả một cách sai lệch thực tiễn. Họ không phải là những người tìm kiếm chân lý mà chỉ là những kẻ minh họa cho một số quan điểm nào đó.
Phân loại
- Giáo điều lý luận: vận dụng lý luận không căn cứ vào những điều kiện thực tiễn cụ thể, vận dụng lý luận mà không hiểu bản chất của lý luận.
- Giáo điều kinh nghiệm: vận dụng kinh nghiệm của ngành khác, người khác, địa phương khác, nước khác vào thực tiễn một cách máy móc, không tính tới những điều kiện thực tiễn lịch sử – cụ thể.
Nguyên nhân
- Do môi trường xã hội, thể chế chính trị, tập quán, tâm lý xã hội không khuyến khích việc phát triển lý luận thậm chí cản trở lý luận phát triển.
- Do cá nhân, tập thể không có ý thức phát triển lý luận để làm kim chỉ nam cho hành động.
- Do vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.
- Do không hiểu sâu sắc lý luận do đó không có khả năng phát triển nó.
Phòng chống
Mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng luôn coi trọng cả lý luận, cả kinh nghiệm thực tiễn; gắn giáo dục - đào tạo với phát triển kinh tế - xã hội, học phải đi đôi với hành; vận dụng thành tựu của khoa học – công nghệ vào cải tạo chính trị - xã hội; và tăng cường tổng kết thực tiễn[4].
Bài liên quan
Chú thích
- ^ PGS, TS Đoàn Minh Huấn (24 tháng 3 năm 2016). “Phòng ngừa, khắc phục những căn bệnh trong tư duy lãnh đạo, quản lý”. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Truy cập 15 tháng 11 năm 2020.
- ^ Nguyễn Ngọc Long- Nguyễn Hữu Vui. “Giáo Trình Triết Học Mác - Lênin. Bộ Giáo dục và Đào tạo” (PDF).
- ^ Từ điển triết học, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1960, trang 312
- ^ ThS. Nguyễn Hồng Điệp - Bộ Quốc phòng (18 tháng 9 năm 2016). “Phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống bệnh giáo điều”. Tạp chí Tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ. Truy cập 15 tháng 11 năm 2020.